Lạc quan hay bi quan?

30 Tháng Năm 201612:03 SA(Xem: 3618)
Lạc quan hay bi quan?

Đạo Phật luôn luôn thúc đẩy con người trau giồi kho tàng, tăng cường diện tích trí huệ, đốn ngã từng khu già ngu dốt (vô minh) nhứt là người hành Bồ tát đạo.

Có nhiều người không có dịp suy tư biết rõ chỗ sâu thẳm của Phật pháp nên nhìn vào đạo Phật, theo thói quen lưu truyền không ai đính chánh, họ bảo đạo Phật là đạo chán đời, một phần họ không thấy đạo Phật ca tụng thú vui trần thế với nào những đắm say nhục dục ca hát thụ hưởng no tràn giác quan mọi thứ ấy nên họ bảo đạo Phật tăm tối, đời vui lắm, đạo Phật để dành cho những người trăng tàn xế bóng hoàng hôn tàn tạ mà thôi. Cái hiểu biết đó về đạo Phật cũng bắt nguồn từ một số người già cả đi tu không có cơ hội học hiểu giáo lý cao lồng lộng của Phật pháp, họ chỉ làm, hành trì theo cái hiểu sai của họ, gây nhộ nhận cho kẻ đến sau hay đồng thời.

Đạo Phật không ca tụng thú vui trần thế bởi những món ấy là cây nhà lá vườn của tâm hồn con người từ vạn triệu năm trên trái đất, ca tụng bằng thừa. Những cái hạnh phúc bình yên khác như bình minh trên biển, chiều tà minh mị trên đồng mượt nhung lúa vàng ai thụ hưởng thì cứ, đạo Phật không ngăn cản bao giờ. Tai hại của ham mê vật dục thì ai cũng có kinh nghiệm, nên đạo Phật kêu gọi, lay tĩnh những ham mê ấy, bằng biện pháp hết sức thiết thực, đặt nền móng đầu tiên cho giá trị vĩ đại của con người là năm giới.

Đạo Nho đưa ta 5 thường: nhân lễ nghĩa trí tín, cũng là nền tảng đầu tiên và cuối cùng thiết lập giá trị con người trong tương giao xã hội văn minh. Như vậy năm giới của đạo Phật là rào chắn tội lỗi ban đầu căn bản của con người, làm cho giá trị chân chính của con người sung mãn, nào phải bi quan gì, đen tối gì đâu. Trong 5 giới, ai giữ 1 hay 2 giới cho kiên cố cũng là thấy có giá trị người tốt. Kẻ phóng túng loạn hành sẽ nhìn năm giới ở giác độ chống đối cho là gò bó, tiêu cực. Đó là bệnh ấu trĩ đáng thương cũng như nghe nói tự do, có nhiều kẻ hiểu tự do với nghĩa loạn hành nguy hại.

Riêng vấn đề có chất luân lí đạo đức đậm đặc cần thiết áp dụng cho con người trong tương giao xã hội thì không đâu dạy cụ thể hơn trong kinh Thiện Sanh lễ bái 5 phương (Trường Bộ Kinh). Trong đó nói những điều cần thiết cho tương giao cha mẹ, con cái, sư trưởng, bạn bè, chồng vợ, ân nghĩa từng môn loại, chia ra cái hại và cái lợi mà cho đến ngày nay, giá trị nó vẫn còn son giá với thời gian.

Như thế đâu phải đạo Phật quay lưng với trần thế để mọi chúng sinh nheo nhóc bơ vơ không định hướng. Đạo Phật là Bi, Trí bắt nguồn từ bi trí vẹn toàn cao cả của đức Phật. Đạo Phật luôn luôn thúc đẩy con người trau giồi kho tàng, tăng cường diện tích trí huệ, đốn ngã từng khu già ngu dốt (vô minh) nhứt là người hành Bồ tát đạo. Nếu không tăng cường đúng mức trí huệ thì chưa gọi là Bồ tát bởi khi thật sự suy tư chiếu nghiệm kỹ mọi hiện tượng bằng cách chánh tri kiến thì tự nhiên thấy rõ dương trần huyễn mộng và bao tham đắm tự nhiên rớt hết, là có giải thoát an lạc ngay đây. Có Trí rồi còn phải có Bi là lòng thương mới trở nên đầy đủ, đúng cân lượng cho người hành đạo Bồ tát, theo gót chân Phật. Bồ tát miệt mài làm 6 động tác: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ. Đó chính là hoàn tất cả trí và bi, và trọn vẹn hơn nữa là ở chỗ nhổ mình ta khỏi đắm chấp vào việc làm, là không gắn bãn ngã mình vào việc làm, làm với vô công, vô kỉ.

Tinh thần vô công vô kỉ ấy nào phải thiếu dũng mãnh tuyệt vời mà làm nổi. Nó đòi hỏi niềm lạc quan không mệt mỏi xông lên đoạt trời. Kinh Đại Bảo Tích nêu lên rằng việc làm dù lớn bao nhiêu nhưng để bọn ngã chấp vào thì nó trở nên nhỏ nhoi không đáng kể, nhưng nếu việc làm nhỏ mà vĩnh viễn quét sạch ngã chấp, không ghim sâu bãn ngã vào đó thì nó giá trị vĩnh cửu với thời gian và ích lợi thật nhiều. Đồn lũy ngã chấp trong ta là đồn lũy hết sức kiên cố, vô cùng khó vượt qua. Cái phá đầu tiên, cái chiến thắng nóng hổi là ta phá được một thói quen xấu. Kinh từng dạy rằng: Chiến thắng cả ngàn quân thù trên bãi chiến chưa phải là chiến thắng lớn, mà chiến thắng lớn chính là chiến thắng ở nơi mình là chiến thắng một tật xấu.

Ta lún sâu trong sức mạnh ghê khiếp của thói quen. Thói quen vật chất, của đồng hồ sinh học là thân ta thì không quan trọng bằng thói quen ham mê năm trần của ta. Nhà tư tưởng người Pháp nói rằng: Thói quen mới đầu chỉ là khách qua đường, sau đó là khách trọ, cuối cùng là ông chủ khó tính. Do vậy, chiến thắng thói quen cố chấp, chẳng hạn là một chiến thắng lẫy lừng. Phải vận dụng đại ý chí mới làm nên chuyện. Do đó, kẻ bi quan thì chỉ chuổi theo thói quen, chỉ người lạc quan mới có đủ sức mạnh, đảm lực mà kiến tạo lại cơ ngơi tinh thần. Đạo Phật chân chính hằng dạy ta kiến tạo lại cơ ngơi tinh thần thì nào phải bi quan mà làm nổi? Sự dựng dậy tâm hồn dũng mãnh chống phá thói quen ham mê là việc thường xuyên, như nhà nông, nhà vườn liên tục nhổ giẫy cỏ để lúa, vuờn tốt tươi.

Nói về lạc quan tối thượng của đạo Phật mới là điều đáng nói. Lạc quan là bởi có đủ sức mạnh chánh tri kiến, thấy rõ chơn tướng mọi hiện tượng sinh diệt, thấy rõ nhịp đập sắt thép đáng yêu của nguyên lí duyên khởi nó là như thế. Không còn ngu dại đi uốn cong số phận mọi hữu vi vào rọ chủ quan cận thị hẹp hòi bi thảm của mình. Đạt được cõi bờ lồng lộng của sinh diệt tự nhiên theo trật tự bình yên duyên khởi đó, nên người Phật giáo đạt an vui vượt hơn cái lạc quan bình thường của kẻ tầm thường. Cái lạc quan kia chỉ là tương đối giữa mất và được. Cái lạc quan thánh triết của Phật Pháp là cái lạc quan đứng trên đắc thất. Lạc quan vì vĩnh viễn gỡ mình khỏi ý niệm cố chấp, tách hai sinh tử, niết bàn mà ngộ sâu sắc lý sanh tử Niết bàn là một mầu nhiệm.

 

NSGN, tháng 11-1996