Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.

Thực hành pháp Vu lan Báo hiếu: Con trai hoãn du học, ở nhà hiến gan cứu bố

01 Tháng Sáu 20166:30 CH(Xem: 3058)
Thực hành pháp Vu lan Báo hiếu: Con trai hoãn du học, ở nhà hiến gan cứu bố
Thực hành pháp Vu lan Báo hiếu: Con trai hoãn du học, ở nhà hiến gan cứu bố

Sẵn sàng đánh đổi sức khỏe, bỏ dở việc du học để hiến gan cứu bố, chàng trai Huỳnh Gia Thụy ở TPHCM đã khiến đạo làm con trở nên có ý nghĩa hơn trong mùa Vu Lan báo hiếu.

Sau 14 giờ được sự hỗ trợ của đoàn chuyên gia Bệnh viện ASAN (Hàn Quốc) các y, bác sĩ thuộc Khoa Gan-Tụy-Mật Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã kết thúc thành công ca ghép gan cho bệnh nhân nam, 50 tuổi, bị suy gan giai đoạn cuối. Con trai bệnh nhân là Huỳnh Gia Thụy, 18 tuổi, đã hiến một phần gan của mình để cứu bố. PGS.TS Nguyễn Tấn Cường-Trưởng khoa Gan-Tụy-Mật cho biết, cả người hiến gan và người được ghép gan sức khỏe đang hồi phục tốt.

Gác tương lai vì chữ hiếu

Huỳnh Gia Thụy là học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TPHCM), học rất giỏi  tiếng Anh và từng đoạt giải nhì cuộc thi học sinh giỏi cấp quận. Tương lai của Thụy được cả nhà dự định cho đi du học vào tháng 6/2013, ngay sau kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, cuối tháng 4/2013, bệnh tình của bố em trở nặng. Chỉ trong 2 tháng, Thụy đã rà soát toàn bộ thông tin về hiến gan, ghép gan ở nước ngoài cũng như trong nước trên Internet để đi đến quyết định hiến gan cứu bố. Nhớ lại chuyện này, bà Ngọc Bội mẹ của Thụy, chia sẻ: “Cháu nó vốn học giỏi và dự định du học cũng có từ lâu bởi vợ chồng chúng tôi cũng rất quyết tâm đầu tư cho hai con học hành đến nơi đến chốn. Thụy học chăm mà tính tình thì kiệm lời. Thấy tôi lo cho sức khỏe của ông nhà, cháu nó âm thầm tìm hiểu rồi quyết định và báo cáo quyết định cho mẹ hay”.

Mặc dù mẹ không đồng ý nhưng Thụy đã thuyết phục mẹ: “Trước là làm con không thể đứng yên nhìn bố đau đớn thế được, sau là em con còn nhỏ thì con làm anh phải lo. Vả lại con đã tìm hiểu kỹ thông tin rồi, con có mất một phần lá gan cũng vẫn sống bình thường, mẹ đừng lo”. Trước quyết định dũng cảm của con trai, bà Ngọc Bội phần lo cho chồng mà phần lại thương con, nghẹn lời hỏi ý định du học sắp tới. Thụy cương quyết: “Chuyện của bố mới là quan trọng, chuyện tương lai của con gác lại, năm sau hẵng tính”.

Các chuyên gia đang nỗ lực hoàn thành ước nguyện trọn đạo hiếu 

với bố của Huỳnh Gia Thụy trong cuộc đại phẫu hiến, ghép gan ngày 15/8. Ảnh: TL.

Hôm phẫu thuật lấy gan, vừa tỉnh lại và gặp được mẹ, Thụy thều thào hỏi “bố con sao rồi mẹ” khiến bà Ngọc Bội nước mắt giàn giụa. “Thấy con trai lả người vì cuộc đại phẫu, tôi xót không chịu nổi. Lại nghe con hỏi thăm ba, tôi thương quá mà cũng mừng lắm vì con trai không chỉ can đảm, trưởng thành mà sống biết quý trọng tình cảm”, bà Ngọc Bội chia sẻ thêm.

Thời khắc nào cũng là mùa Vu lan

Qua hai ca phẫu thuật ghép gan, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TS.Nguyễn Trường Sơn cho biết: Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ đưa vấn đề ghép gan vào hoạt động thường xuyên trong thời gian tới. Điều này có nghĩa là một danh sách dài các bệnh nhân bị bệnh về gan không thể điều trị bằng thuốc, buộc phải tiến hành ghép gan, sẽ được Bệnh viện thiết lập để chờ những ca hiến tặng gan (vì chết não hoặc hiến tặng từ người sống).

Câu chuyện Huỳnh Gia Thụy hiến gan cứu bố khiến nhiều người nhớ đến chàng thanh niên Diệp Hữu Lộc (22 tuổi, ở Đắk Nông) hiến gan cứu mẹ hồi năm 2012. Cho đến thời điểm này, theo PGS.TS Nguyễn Tấn Cường, tính cả phía Nam chỉ mới có 2 trường hợp ghép gan người lớn và gan được người sống hiến tặng, đều được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Thật trùng hợp, cả hai trường hợp đều do con can đảm hiến gan cứu bố, mẹ mình.

Một chuyên gia tâm lý học đường tại TPHCM đã từng lên tiếng báo động về đạo làm người, đạo làm trò, đạo làm con của giới trẻ. Theo vị chuyên gia này, các bạn trẻ đang bị vấn nạn “ích kỷ hóa” trong lối sống, chỉ biết lo cho bản thân, chẳng quan tâm đến ai, dù đó có là bố mẹ hay anh chị em ruột thịt. Chuyên gia này cũng đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh rằng, để con em mình tránh được “ích kỷ hóa” thì bản thân các bậc phụ huynh phải quan tâm và chia sẻ với con em mình nhiều hơn. Không dừng lại đó, các bậc phụ huynh phải quan tâm đến anh em, bà con xóm giềng, làm gương sáng cho con em một cách thiết thực nhất. Lý giải cho hành động can đảm và hiếu thuận của con trai mình, bà Ngọc Bội cũng cho hay, nêu gương sáng cho con trong việc trân trọng tình cảm và mối quan hệ với những người xung quanh mình là việc mà gia đình bà rất chú trọng. Muốn có trái ngọt, chỉ có cách trồng nơi đất lành, chăm bón chu đáo bằng dòng nước mát, không được lơ là bê trễ.

Huỳnh Gia Thụy đã dùng lá gan của mình và gác chuyện tương lai mà báo hiếu cho bậc sinh thành ngay trong mùa Vu lan. Khi được hỏi về chuyện này, một vị cao tăng ở TPHCM mỉm cười chậm rãi: “Hiếu thuận là đạo làm người. Không có thời khắc nào hay chỉ có mùa nào là mùa hiếu thuận mà đó là chuyện cả cuộc đời. Mùa Vu lan nhắc người ta nhớ đạo làm con phải hiếu thuận với bậc sinh thành. Phận làm con đối với cha mẹ mình, thời khắc nào cũng là mùa Vu lan cả”.

Không ai thắp ngọn đèn rồi để dưới thấp, người ta phải đưa lên cao để ánh sáng lan tỏa. Trong bối cảnh giới trẻ đang đối mặt với nạn “ích kỷ hóa”, cần lắm những ngọn đèn hiếu đạo như Huỳnh Gia Thụy, Diệp Hữu Lộc...