Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

NGHỆ THUẬT ĐIỂU TRỊ TÂY TẠNG

07 Tháng Sáu 20169:51 CH(Xem: 6863)
NGHỆ THUẬT ĐIỂU TRỊ TÂY TẠNG
NGHỆ THUẬT ĐIỂU TRỊ TÂY TẠNG


Lời tựa: Deepak Chopra
Lời nói đầu: Đức Dalai Lama
Họa sĩ: Romio Shrestha
Văn bản: Ian A. Bake
Người dịch: Tống Ngọc Đức


Nội dung
Lời nói đầu của Đức Dalai Lama
Lời tựa: ‘Nghệ Thuật Điều Trị’ của Deepak 
Giới thiệu: Y khoa Tây Tạng cổ truyền
1- Cơ thể: chiếc bình của sự chuyển hóa
2- Bệnh tật: đương đầu với nỗi đau
3- Chẩn đoán: phát huy trí tuệ
4- Điều trị: phục hồi tình trạng cân bằng
5- Giải thoát: thức tỉnh cơ thể ánh sáng
Tái bút, lời cảm tạ của Họa sĩ và Tác giả
Thư mục
Tài liệu trích dẫn 


ĐỨC DALAI LAMA
Tây Tạng Y Khoa là một trong nhiều di sản vĩ đại nhất của nền văn minh Phật Giáo Tây Tạng, một hệ thống góp phần duy trì tình trạng mạnh khỏe cho thân thể và tư duy. Cũng như Trung Hoa, Ấn Độ, Tây Tạng Y Khoa nhận định sức khỏe con người là vấn đề cân bằng trạng thái. Mọi điều kiện như chế độ ăn uống, lối sống, thời tiết và áp lực tinh thần có thể gây xáo động, làm xuất hiện các hình thức rối loạn chức năng.
Chúng ta đều mong muốn hạnh phúc, xa lánh khổ đau. Ước mong khỏe mạnh thể chất, tinh thần là một biểu hiện, con người không ai muốn đau ốm. Vì vậy, sức khỏe không chỉ đơn thuần là mối quan tâm của nhân loại, sức khỏe con người còn ảnh hưởng tới toàn thể vũ trụ, tất cả chúng ta đều gánh vác phần nào trách nhiệm. Đây là lý do để phát biểu thầy thuốc mẫu mực là người tập hợp được kiến thức y khoa đúng đắn, người có nhận thức mạnh mẽ về trí tuệ, từ bi.
Tây Tạng Y Khoa chịu ảnh hưởng sâu sắc của lý thuyết, thực hành Phật giáo, đặt trọng tâm vào mối quan hệ tương hỗ giữa thân thể, tư duy và sinh lực. Là một hệ thống chăm sóc sức khỏe, đã từng phụng sự người dân Tây Tạng qua nhiều thế kỷ, chắc chắn Tây Tạng Y Khoa vẫn còn mang lại ích lợi cho loài người. Vấn đề khó khăn chúng tôi gặp phải ở chỗ phong cách truyền tải, vì, như các môn khoa học khác, y khoa Tây Tạng cần được hiểu đúng với bản chất, hiểu đúng trong bối cảnh nghiên cứu tích cực.
Tôi tin rằng cuốn sách này, văn bản mô phỏng các bức tranh trong Phật Giáo Mật Kinh Y Khoa, theo truyền thống, đã từng hỗ trợ công cuộc nghiên cứu của các thầy thuốc Tây Tạng, tài liệu này vẫn là nguồn lợi ích vô biên đối với các sinh viên y khoa Tây Tạng đích thực, đồng thời mang lại cơ hội cho độc giả, tuy thưởng thức được giá trị văn bản, song đôi khi bỏ sót mất khía cạnh di sản văn hóa Tây Tạng.


LỜI TỰA: NGHỆ THUẬT ĐIỀU TRỊ
Deepak Chopa
Rất nhiều người, kể cả các thầy thuốc, đều không thỏa mãn với khuynh hướng duy vật trong quá trình lý giải về bệnh tật và sức khỏe con người. Hiện tại, cuộc cách mạng y khoa nổi lên ở phương Tây chủ yếu dựa trên kiến thức cổ điển của Ấn Độ và Tây Tạng, nơi phương pháp chữa trị liên quan mật thiết tới thực hành tâm linh. Trong y khoa truyền thống Ayurvedic và Tây Tạng, cơ thể con người không chỉ đơn thuần là hệ thống duy trì sinh mạng, nó còn được xem như phương tiện thức ngộ trạng thái mạnh khỏe hoàn hảo của thân thể, tư duy và tinh thần – chiếc cầu nối với tiềm năng cao nhất của chúng ta.
Vấn đề cốt lõi trong truyền thống y khoa Tây Tạng liên quan tới nhận thức về thế giới. Nói chung, thế giới vật chất, kể cả cơ thể con người, là sản phẩm từ nhận thức cá nhân, chính tư duy dẫn hướng cơ thể tới trạng thái mạnh khỏe hoặc ốm yếu. Những mô hình bệnh tật trong hệ thống Ayurvedic-Tây Tạng cho thấy diễn biến nội tâm, thậm chí cả trong tiềm thức, thường xuất hiện trên cơ thể như thế nào. Nhiệm vụ người thầy thuốc là đưa bệnh nhân tới trạng thái hiểu biết nguyên thủy bẩm sinh, vượt qua mọi giới hạn áp đặt của cái tôi, chất liệu nuôi dưỡng bệnh tật. Cuối cùng, quá trình điều trị đích thực chỉ bắt đầu khi chúng ta phát hiện được bên trong cơ thể chúng ta vị trí mà tại nơi đó, con người được kết nối với năng lượng vũ trụ. Dù dường như riêng rẽ, độc lập, song con người vẫn tiếp xúc với các khuôn mẫu trí tuệ chi phối toàn thể vũ trụ. Cơ thể chúng ta là một phần cơ thể vũ trụ, tư duy chúng ta là một khía cạnh nằm trong tư duy vũ trụ.
Khi các tố chất thuộc sinh lý con người và sức mạnh thế giới vĩ mô trong trạng thái hài hòa, dòng trí tuệ thiên phú tự động chảy qua các tế bào cơ thể. Dù người thầy thuốc có sử dụng thuốc men hoặc trị liệu pháp từ bên ngoài hay không, thì bệnh nhân đã được hướng tới hoạt động ‘tạo ra thể lực,’ phục hồi động lực cân bằng giữa cơ thể với tư duy, khiến cơ thể, cảm xúc và tinh thần khỏe khoắn. Vì thế khỏe mạnh là trạng thái sinh lực được nâng cao, là nguồn sáng tạo, bình an, niềm vui, tại điểm này, chúng ta vượt lên cái ‘tôi’ cá nhân.
Trong cuốn “Định lượng điều trị,” tôi đã mô tả trường hợp ý thức tạo ra thực tại và tâm trạng mong đợi có ảnh hưởng quyết định tới kết quả. Hiểu biết, quan tâm, ý chí, các vấn đề này phải giữ một vai trò tương đương với thuốc men, xạ trị, phẫu thuật, vì hơn bao giờ hết, trạng thái ý thức con người là tố chất quan trọng bậc nhất trong quy trình điều trị. Với Phật giáo, sự chuyển hóa của tư duy, thân thể bắt đầu bằng thực nghiệm gọi là Sunyata: trống rỗng (tính Không, emptiness), tiềm năng thanh khiết, vô biên của thực chất vạn vật như đã từng là, đang là, và sẽ là. Các bức tranh trong cuốn sách này sẽ hướng dẫn chúng ta trực tiếp, sống động, đi vào thế giới tiềm năng vô hạn đó.
Ở Ấn Độ và Tây Tạng, nghệ thuật luôn nhằm mục đích nhắc nhở chúng ta tới một thực tại cao hơn thuộc tiềm năng con người. Các bức họa trong Phật Giáo Mật Kinh Y Khoa cũng không ngoại lệ. Đó là công cụ sống động để khám phá vai trò tư duy qua việc xử lý bệnh tật, săn sóc sức khỏe, cũng như phát hiện vị trí nội tâm chúng ta, nơi mà trí tuệ bẩm sinh phản ánh trí tuệ Vũ Trụ.
Tranh thờ (thangka) Tây Tạng Y Khoa trong cuốn sách này là công trình của Romio Shrestha, một họa sĩ tài năng xuất chúng. Lúc năm tuổi, Romio Shrestha được nhận biết là hóa thân một danh họa người Tây Tạng. Nghệ thuật hội họa của ông mang tính thiêng liêng, trong sáng, phi thường, tác động trên nhiều bình diện khác nhau, gợi lên khả năng điều trị phản hồi từ nội tâm. Các tranh thờ mô tả những chứng bệnh con người mắc phải, hệ thống điều trị phức tạp uyên thâm cổ truyền, mô tả thái độ, hành xử dẫn tới tình trạng hoặc đau đớn hoặc mạnh khỏe, mang lại cách hiểu mới về mối liên lạc giữa tư duy và cơ thể. Tranh thờ cũng được trình bày chi tiết bằng biểu đồ chẩn đoán, phác đồ điều trị của Tây Tạng Y Khoa, gồm bắt mạch, thay đổi chế độ ăn uống, thực hành yoga, thiền, xoa bóp. Tranh thờ của ông truyền tải kiến thức theo phong cách tự phát, không gò bó. Khi thưởng ngoạn những bức tranh vượt thời gian này, biến đổi sẽ xuất hiện trong suy nghĩ của chúng ta. Tư duy khái niệm ngưng lại, quan điểm mới về sức khỏe và điều trị bắt đầu trải mở.
Thay đổi ý thức dẫn tới thay đổi bên trong cơ thể. Kinh nghiệm của tôi là chúng ta hãy chuyển hóa những thực nghiệm cảm giác của mình (thay đổi ý thức) trở thành phản ứng sinh lý (thay đổi bên trong cơ thể). Đây là một thành ngữ cổ điển của Phật giáo: “Nếu bạn muốn biết thực nghiệm của mình trong quá khứ, hãy kiểm tra cơ thể bạn ngay bây giờ. Nếu muốn biết cơ thể bạn trong tương lai, hãy nhìn vào những gì bạn đang thực nghiệm.”
Nghệ thuật tôn giáo trong truyền thống Tây Tạng mô tả động lực tương hỗ vi mô, vĩ mô theo phong cách biểu tượng. Chỉ cần quan sát bằng góc độ nghệ thuật, điều này cũng có thể gợi lên trong tâm lý chúng ta một ký ức về trạng thái hoàn chỉnh, trọn vẹn (wholeness). Phạn ngữ Smriti liên hệ tới ký ức vi tế in sâu trong từng tế bào. Thuật ngữ ‘điều trị, phục hồi’ có nguồn gốc là ‘linh thiêng’, rút ra từ cụm từ ‘mạnh khỏe’. Khi ký ức trọn vẹn được phục hồi, tiến trình điều trị lập tức phát sinh ngay bên trong tư duy và cơ thể. Smriti, hay ký ức, thứ thuộc về trạng thái trọn vẹn nguyên bản, luôn xuất hiện bên trong tế bào, nhưng bị lu mờ do thói quen lơ đễnh, thiếu chú ý, hoặc bận tâm với công việc đời thường không mấy quan trọng.
Lúc thiền về tranh thờ trong đó có ký ức về trạng thái trọn vẹn, sự chú ý sẽ thay đổi từ những hoạt động bên ngoài rối loạn tới một thực tại siêu việt: một cõi bình an, hài hòa, mỉm cười sung sướng. Phục hồi phẩm chất đó trong ý thức một lần nữa cho phép dòng trí tuệ chảy khắp cơ thể. Thành tựu vĩ đại của nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng, đặc biệt trong Tây Tạng Y Khoa Họa Đồ, là phát hiện cơ thể con người như một phương tiện giải thoát tâm linh siêu việt. Tôi vô cùng sung sướng được giới thiệu những bức tranh này, chúng mang lại một không gian, một kích thước về công việc của chúng tôi qua các cuộc hội thảo, thực hành y khoa.
Cơ thể vật chất là sản phẩm phụ từ các khía cạnh rất tinh tế thuộc tình trạng hiện hữu của con người. Dưới ảnh hưởng tinh tế này, chúng ta bắt đầu chuyển hóa cách hiểu về chúng ta là ai, chúng ta như thế nào? Tranh thờ trong Tây Tạng Y Khoa Mật Kinh đưa con người vào hành trình không chỉ xuyên suốt một thế giới bên ngoài về bệnh tật và điều trị, mà còn tác động tới cơ thể tinh tế (the subtle body), một cái kho chứa đựng cảm giác, cảm xúc, ham muốn và ký ức. Tranh thờ đó còn tác động tới cơ thể nguyên nhân (the causal body), nơi lưu trữ phần mềm thuộc linh hồn chúng ta.
Nghệ thuật điều trị chỉ thành công khi tất cả mọi hành vi của chúng ta được một thực tại cao hơn truyền cảm, trong đó con người gắn bó mật thiết với sức mạnh sáng tạo của vũ trụ. Tôi sâu sắc tin rằng, nghệ thuật vĩ đại có thể khởi động hiệu ứng phục hồi ngay bên trong con người, thúc giục chúng ta vượt lên cái tôi chật hẹp, vượt lên thời gian và hạn chế. Đây là trạng thái tự do của chư Phật, đấng đã thức tỉnh, điều mà các họa đồ hướng chúng ta tới. Cầu xin cho hình ảnh tiềm năng con người này có thể giúp đỡ sinh linh mọi nơi phục hồi tình trạng khỏe mạnh hoàn chỉnh của tinh thần và vật chất.


GIỚI THIỆU: Y KHOA TÂY TẠNG CỔ TRUYỀN
Nét độc đáo của y khoa Tây Tạng không chỉ đơn thuần khẳng định chức năng điều trị bệnh tật cho cơ thể vật chất, hơn nữa, y khoa Tây Tạng còn phát hiện đường lối để cơ thể, tư duy, tâm hồn thoát khỏi nỗi đau đớn trong tình trạng hiện hữu có điều kiện của con người. Theo truyền thống Tây Tạng, Đức Phật lan tỏa dưới hình thức “Bậc Thầy các Phương Thuốc”, thiết lập nền tảng y khoa Tây Tạng hàng ngàn năm trước đây trong Gyushi (gyud-shi), hay Bốn Mật Kinh Y Khoa. Thế kỷ thứ 17, đại sư Sangye Gyamtso, vị phó vương của Đức Dalai Lama thứ 5, viết một tài liệu bình luận về Gyushi có tựa đề Blue Beryl, ngài minh họa văn bản này bằng một loạt các bức tranh, mang lại kiến thức sâu sắc qua phương pháp tiếp cận của Phật giáo Tây Tạng trong lĩnh vực sức khỏe, điều trị và tâm linh.
Tranh nguyên bản do Sangye Gyamtso đặt làm năm 1687, cất giữ tại Trường Cao Đẳng Y Khoa Chgpori ở Lhasa, phần lớn đã bị hủy hoại khi Trung Quốc tiến vào ‘giải phóng’ Tây Tạng năm 1959. Hai bộ tranh về sau hoàn thành năm 1923, thời kỳ Đức Dalai Lama thứ 13, hiện còn lưu trữ tại trường Y Khoa Chiêm Tinh Lhasa (Mentsekhang) và cung điện mùa hè trước đây của Đức Dalai Lama. Bộ tranh thứ ba cùng thời gian đó mới được phát hiện trong bộ phận văn thư lưu trữ viện bảo tàng lịch sử Buryat ở Ulan-Ude, miền nam Siberia.
Một ấn bản hiện đại về lịch sử y khoa Tây Tạng được họa gia Romio Shrestha người Nepal chế tác. Với phong cách trường phái Shrestha thuộc tranh thờ Tây Tạng vẽ trên nền vàng kim loại, tác phẩm của Romio Shrestha lấy bối cảnh là các bức Y Khoa Họa Đồ ở Lhasa và Ulan-Ude. Mỗi một phiên bản giới thiệu trung thực bản chính đã thất truyền của Sangye Gyamtso, có đôi chút thay đổi nhỏ phù hợp với văn bằng cấp phép trong lĩnh vực nghệ thuật Phật giáo không mô tả bằng tranh tượng (non-iconographical Buddhist art). Các cuộn tranh khổ rộng 62 cm của ông đưa đi triển lãm tại Âu Châu và Mỹ mang lại mối quan tâm về phương pháp điều trị và phát triển tâm linh, một vấn đề hiện nay vẫn chưa được biết nhiều.
Như một phần phụ lục thị phạm của Phật Giáo Mật Kinh Y Khoa, bảy mươi chín bức tranh thờ nổi bật trong ấn bản Nepal bao gồm gần tám ngàn hình vẽ đặc biệt. Thầy thuốc Tây Tạng quả thật phải dành nhiều năm để nghiên cứu các bức vẽ và văn bản giải thích. Tuy nhiên, Sangye Gyamtso mô tả công việc của ngài ở cuối thế kỷ thứ 17, bộ ‘tranh không có các bức tương đương trong quá khứ này được thiết lập nhằm mục đích mọi người có thể nhận thức nội dung (của Mật Kinh Y Khoa), từ tầng lớp học giả tới trẻ em, rõ ràng như người ta có thể nhìn thấy một quả kha tử (myrobalan) trong lòng bàn tay.’ Tương tự, nguồn cảm hứng đằng sau công trình của Romio Shrestha là giới thiệu tinh hoa trong hệ thống điều trị Phật giáo tới đông đảo độc giả. Ông nói ‘Tôi luôn cảm thấy nghệ thuật có thể truyền tải sự thật mà những học thuyết kinh điển chỉ mới chạm tới phần nổi. Hình tượng trong những bức tranh này là chìa khóa để hiểu được phản ứng phục hồi trong cơ thể chúng ta. Đó là những ví dụ đầy thuyết phục thuộc khái niệm “giải thoát thông qua nhìn thấy” của Phật giáo Tây Tạng. 
Mandala Phật Dược Sư
Đối diện
Bức đầu tiên trong bộ tranh thờ minh họa văn bản bình luận của Sangye Gyamtso về Tây Tạng Mật Kinh Y Khoa, cho thấy cõi thiên đường Phật Dược Sư Bhaishajyaguru. Lan tỏa từ lâu đài được trang trí bằng các viên đá chữa bệnh, rừng cỏ thơm ngát với vô số cây thuốc bao quanh, Phật Dược Sư là nhân vật nguyên thủy có khả năng điều trị linh nghiệm. Ánh sáng màu xanh da trời từ thân thể ngài tỏa ra, xua tan màn đêm xúc cảm muộn phiền cùng mọi rối loạn vật chất. Xung quanh là các thần linh tùy tùng, các vị thánh, các bậc khổ tu trần trụi (được mô tả ban đêm ngủ dưới chiếc chăn bằng lá cây, ban ngày chỉ khoác vỏ cây), Phật Dược Sư, ân nhân tối thượng, vị vua ánh sáng màu nước biển, đang trình bày chi tiết về bí quyết điều trị và trường thọ trong một khóa giảng có tựa đề ‘Mật kinh Hướng Dẫn Bí Mật Tám Nhánh thuộc Tinh Hoa Bất Tử’ thường được biết là Gyushi, hay Bốn Pho Mật Kinh Y Khoa.
Hình tượng đấng điều trị

Đối diện
Lòng bàn tay Phật Dược Sư hướng ra phía ngoài, ngụ ý che chở, trong lòng bàn tay ngài cầm quả kha tử (myrobalan), theo truyền thống Tây Tạng, quả này có thể chữa được bách bệnh. Tay trái Phật cầm một cái bát đựng ba loại thực phẩm siêu phàm (ambrosia): nước cam lồ chữa bệnh và cải tử hoàn sinh, nước cam lồ chống lão hóa và nước cam lồ không bao giờ cạn kiệt khiến tư duy sáng sủa, tăng cường kiến thức. Tiến sĩ Yeshi Donden viết: ‘Phật ngụ ý đấng đã bừng tỉnh từ giấc ngủ vô minh, đấng mà trí tuệ lan tỏa tới những gì có thể biết đến. Khắc phục chướng ngại để vươn tới trạng thái thức tỉnh tối thượng, các vị trực tiếp đạt được trí tuệ toàn giác của sự thật căn bản: vạn vật tồn tại trong trạng thái tương quan phụ thuộc lẫn nhau, chúng không hoàn toàn độc lập về bản chất.’
Truyền thừa y khoa họa đồ
Bên trái
Đại sư Desi Sangye Gyamtso, tác giả cuốn Blue Beryl, người chịu trách nhiệm về bộ tranh Tây Tạng Y Khoa đầu tiên, ngài đang trao truyền kiến thức cho vị đệ tử chính, đại sư Chakpa Chopel.     


Con đường tiếp cận của Phật Giáo về sức khỏe và giải thoát.
Khoảng 2500 năm trước đây, buồn bã vì viễn cảnh già nua, ốm đau, chết chóc, Phật Thích Ca Mâu Ni tìm ra phương pháp giảm thiểu nỗi đau của con người, và cội nguồn nỗi đau – thân phận con người bị ấn định do cấu tạo cơ thể vật chất, do ý nghĩ, xúc cảm hạn chế – cội nguồn này có thể chuyển hóa thành trạng thái bình thản chói sáng. Theo truyền thống, Đức Phật là người thầy thuốc tối thượng, còn khái niệm sai lầm của chúng ta về thực tại được coi là nguồn gốc bệnh tật và hoàn cảnh không mong muốn. Kinh Phật dạy rằng:
Hỡi con người, hãy nghĩ về bản thân mình như một người bệnh,
Nghĩ về Pháp như một phương thuốc,
Nghĩ về bạn bè tâm linh như một bác sĩ giỏi,
Và chuyên tâm thực hành là con đường phục hồi.
Các kinh bản Phật giáo sớm nhất mô tả nỗi khổ đau phát sinh do thói quen nỗ lực tìm kiếm sự an toàn cho bản thân trong một vũ trụ luôn luôn thay đổi. Phật dạy rằng xúc cảm quyến luyến quá mức, nhất là đối với thân thể, sẽ nảy sinh khổ đau, vì vô thường và đổi thay là sự kiện tất yếu của cuộc đời: qua thực hành thiền, mối gắn bó với cái tôi dần dần giảm thiểu, trí tuệ nảy nở trong bản chất phù du của mọi hiện hữu. Hiểu đúng sẽ đưa con người tới Niết bàn, trạng thái chấm dứt mọi khổ đau.
Vào thế kỷ thứ hai trước công nguyên, ba trăm năm sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt, bộ kinh với tựa đề Prajnaparamita (Bát Nhã Ba La Mật) hay Trí Tuệ Hoàn Hảo, đã mở đầu cho bước phát triển của Phật giáo về tư tưởng và thực hành. Trong Đại Thừa, những hoạt động mới dần dần được biết tới, khát vọng của phật tử không chỉ đảm bảo cho mục tiêu giải thoát bản thân, mà còn nỗ lực vì lợi ích hết thảy sinh linh. Lòng từ bi được phát hiện là năng lượng tinh hoa, làm hồi sinh mọi hiện hữu, phẩm chất tốt đẹp này duy nhất bị khái niệm sai lầm về cái tôi che khuất. Kinh bản Đại Thừa khẳng định, chỉ sau khi từ bỏ mọi ràng buộc với cái tôi, bản chất thực tại mới có thể bộc lộ. Lời nguyện bồ tát: hành động vì lợi ích toàn thể sinh linh đã thiết lập nên những hoạt động từ bi xoa dịu nỗi khổ đau, đây cũng là lý tưởng căn bản của Phật giáo. Ở giai đoạn này, vấn đề nghiên cứu thuốc men được đưa vào như một phần trong chương trình giảng dạy tại các tu viện, chữa bệnh trở thành phương pháp thực tiễn sống động xuất phát do động cơ hỗ trợ vị tha, đồng thời là phương tiện khéo léo truyền tải học thuật.
Tuy nhiên, trong Phật giáo Mật kinh (văn bản và thực hành bí truyền đảm bảo cho quá trình giải thoát chỉ trong một kiếp người), nghệ thuật điều trị của Phật giáo đã đạt tới mức hoàn chỉnh. Thân thể con người không còn là chướng ngại, lực cản trên con đường khai sáng, mà được nhận biết như một phương tiện quan trọng. Mật kinh có ghi “Thân thể này chính là thân thể chư Phật, còn quý báu hơn viên ngọc ước.” Trong Phật giáo Mật Tông, cơ thể con người được phát hiện là một cái bể chứa đầy phúc lạc, nơi tiềm ẩn năng lượng mà nếu tu dưỡng đúng đắn, năng lượng này sẽ trải mở thành cơ thể ánh sáng.
Tinh hoa thực hành Mật tông dựa trên căn bản rèn luyện nội tâm (inner alchemy: nội giả kim thuật), trong đó những phần chủ chốt cấu thành cơ thể và tư duy được thanh lọc, chuyển hóa. Nhìn nhận thế giới vật chất, bao gồm cả cơ thể con người, là biểu hiện rực rỡ của trí tuệ vũ trụ, hành giả mật tông quan sát nội mandala (nơi cư trú bên trong) của nội khí, đường kinh lạc cùng với các thành phần tinh hoa vi tế, tất cả đều là hào quang tự nhiên của trí tuệ và từ bi. Vị thánh Tây Tạng Longchenpa tuyên bố: “Do hành giả mật tông nhận thức được bản chất các hiện tượng đều thanh khiết, họ có thể chuyển hóa mọi thứ thành phương tiện giải thoát.” 
Bắt đầu từ thế kỷ thứ 8, đường lối bí truyền Mật tông từ Ấn Độ được đại sư Padmasambhava đưa vào Tây Tạng. Nhiều thế kỷ trôi qua sau hành trình của đại sư, người Tây Tạng đi dọc theo dãy Hymalaya tìm kiếm giáo lý Phật giáo nhằm xuyên thấu bức màn che lấp bản chất thâm sâu nhất, mà trong suy nghĩ của Phật tử, bản chất này vượt lên sự sống và cái chết. Tìm kiếm liệu pháp trị bệnh, tăng cường sức khỏe là ước mơ bất tận của loài người, vấn đề này không đâu giải thích sáng tỏ, tinh tế, sâu xa hơn Phật giáo Mật Tông. Đây là lời nói của đại hành giả mật tông Saraha: ‘Dù các học giả có giải thích chi tiết những văn bản thần thánh, họ cũng không thức ngộ được trí tuệ vĩ đại trong cơ thể.’ Chuyển hóa thái độ đối với thế giới xung quanh, chuyển hóa cơ thể và bản chất ý thức, nghệ thuật điều trị của Phật giáo đưa ra một cách nhìn mới về tiềm năng con người, một dạng trí tuệ không đến từ thiên đường siêu việt, mà ở ngay tinh hoa vi diệu ẩn náu tại nơi sâu kín trong cơ thể, trong tư duy chúng ta. 

Thuyết trình về Phật Dược Sư
Phía dưới bên phải
Đấng Điều Trị Tối Thượng, Phật Dược Sư nhập thiền với các tia sáng muôn màu từ trái tim ngài tỏa ra mười phương, xua tan mọi uế tạp tinh thần của sinh linh, xoa dịu bệnh tật phát sinh do vô minh. Rồi thu hồi mọi tia sáng trở lại trong trái tim, hình thể huyền bí của Phật Rigpa Yeshe từ tư duy Đấng Điều Trị Tối Thượng tỏa ra. Xuất hiện trên trời, phía trước Đấng Điều Trị Tối Thượng, Rigpa Yeshe cầu khẩn “Thưa Thầy, do mong muốn sở hữu tặng phẩm vì lợi ích bản thân và những sinh linh khác, chúng con phải làm thế nào để học được giáo lý khẩu truyền về khoa học điều trị?”
The Ambrosia Heart Tantra 
Bệnh nhân mắc chứng bệnh ngoài da
Bên trái
Săn sóc người bệnh, các vị sư Phật giáo thể hiện hoạt động từ bi, hoạt động này hình thành nền tảng toàn bộ học thuyết Phật giáo.
Nỗi buồn tuổi già
Phía dưới
Giáo lý của Phật được coi là một hình thức thuốc men dẫn dắt con người trong nỗi buồn già nua, bệnh tật, chết chóc.
Hành giả Mật tông
Phía trên
Trong Phật giáo Tây Tạng, cuộc sống độc thân truyền thống tại tu viện tồn tại song song với một dòng tu Mật tông tự do di chuyển, đây là những hành giả tìm kiếm sự thật trên cơ sở không từ bỏ, mà bằng vào luận điểm về Tính Thanh Khiết Nguyên Thủy (Ka dag), cội nguồn mọi ý nghĩ và những gì xuất hiện (hình tướng).
Danh y
Phía dưới
Truyền thừa Phật GiáoY Khoa Mật Tông gồm các bậc hiền triết Ấn Độ, Tây Tạng, nổi tiếng với oai lực siêu nhiên và kiến thức.
Bắt mạch
Phía dưới
Thực hành bắt mạch của Tây Tạng có nguồn gốc từ y học Trung Hoa, nước này đã sử dụng kỹ thuật bắt mạch trên hai ngàn năm nay. Phát huy tối đa mức độ mẫn cảm siêu việt, người thầy thuốc chứng đắc hòa nhập cảm giác ở đầu ngón tay với các mô hình hoạt động thần kinh và tuần hoàn của máu bên trong cơ thể bệnh nhân, mô hình hoạt động này mang lại thông tin về tình trạng sức khỏe người bệnh. 
Y khoa Tây Tạng: lịch sử và nguồn gốc 
Truyền thống y khoa Tây Tạng bắt nguồn từ những phát hiện của Đức Phật dưới hình thức hiển thị là Phật Dược Sư Bhaishajyaguru, bậc thầy các phương thuốc, vị đề xuất Bốn Mật Kinh Y Khoa, nền tảng Tây Tạng Y Khoa Họa Đồ. Tiến sĩ Yeshi Donden, nguyên bác sĩ riêng của Đức Dalai Lama đương thời, giải thích ‘Khi Đức Phật mô tả trí tuệ tỉnh thức của sinh linh, ngài có nói tới nguồn gốc mọi phương pháp điều trị.’
Theo lịch sử, quá trình ra đời của hệ thống y học phức tạp ở Tây Tạng đã có từ thế kỷ thứ bảy dưới triều đại vua Songtsen Gampo. Mong muốn trao đổi văn hóa với quốc gia kế cận, nhà vua triệu thỉnh các bác sĩ từ Ấn Độ, Trung Hoa và I-Ran tới triều đình. Theo biên niên sử Tây Tạng, đây là hội nghị y khoa sớm nhất; văn bản, học thuyết tiêu biểu nhiều truyền thống y khoa được dịch sang Tạng ngữ, thứ ngôn ngữ vừa mới chính thức hóa. Trong thế kỷ sau, công trình dịch thuật tài liệu y học tiếp tục dưới sự bảo trợ của vua Trisong Detsen. Kế thừa công việc người tiền nhiệm, nhà vua mời các bác sĩ từ Ba Tư, Ấn Độ, Kashmir, Nepal, Trung Hoa và các miền Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Trung Á tới Tây Tạng. Thời gian này Bốn Mật kinh được cho là của đức Bhaishajyaguru đã dịch từ Phạn ngữ sang Tạng ngữ và cất dấu trong một chiếc cột ở tu viện Samye, để rồi lại phát hiện cũng tại đây vào thế kỷ thứ mười một.
Thế kỷ thứ mười hai, thầy thuốc hoàng gia Trisongdetsen, hậu duệ của Yuthok Yonten Gonpo, được cho là có trách nhiệm duyệt lại văn bản Bốn Mật Kinh, văn bản này kết hợp phong tục cúng bái điều trị ở Tây Tạng (shamanism) với Mật Tông và lý thuyết giả kim thuật về hoạt động chức năng sinh lý huyền bí liên quan tới thành tựu nghiên cứu trường thọ. Ảnh hưởng sâu sắc của Tây Tạng y khoa tới mức vào thế kỷ thứ mười ba, trong khi đất nước đang bị Mông Cổ cai trị, các vị sư thầy thuốc đã chuyển hóa thành công vương triều Hốt Tất Liệt sang Phật giáo bằng những biểu hiện kỳ diệu của trị liệu, bói toán, chiêm bốc.
Nhiều thế kỷ sau, thời kỳ Đức Dalai Lama thứ 5, bệnh viện và trường y khoa Tây Tạng đầu tiên được xây dựng trên ngọn đồi gần cung điện Potala ở Lhasa. Kể từ năm 1696, chương trình giảng dạy của trường cao học y khoa Chagpory tăng cường thêm nhiều nghi lễ tu viện nhằm mục đích triệu thỉnh thần linh điều trị, cầu trường thọ, cúng dâng những vị thuốc bào chế. Để làm sáng tỏ nội dung Bốn Mật Kinh, tài liệu có ảnh hưởng lớn trong việc nghiên cứu Tây Tạng y khoa, Sangye Guamtso, vị phó vương của Đức Dalai Lama, ngài biên soạn một pho bình giảng uyên bác có tựa đề Vaidurya Ngonpo, hay Blue Beryl. Phần minh họa cho Blue Beryl, phó vương đặt mua một loạt tranh đầu tiên, cơ sở cho các bản sao trong cuốn sách này.
Năm 1916, thời kỳ Đức Dalai Lama thứ mười ba, theo sáng kiến của Khenrab Norbu, một danh y rất được trọng vọng, trường y khoa thứ hai Mentsekhang được thiếp lập ở Lhasa. Hai bộ tranh y khoa tạo ra trong những năm sau đó dùng để giảng dạy cho thế hệ lương y Tây Tạng sau này.
Năm 1959, dù trường Cao Học Y Khoa Chagpori cùng với thư viện và các bức tranh nguyên bản tồn tại gần ba trăm năm của Sangye Gyamtso đã bị phá hủy, song trường Mentsekhang nằm ngoài hệ thống tôn giáo vẫn tồn tại, hiện đang hoạt động ở Lhasa trong tầm kiểm soát của chính quyền Cộng Sản, một dấu hiệu nhượng bộ do hiệu quả từ phương pháp điều trị y khoa truyền thống. Gần đây trường y khoa Chagpori đang được xây dựng lại ở thị trấn Darjeeling dưới sự giám sát của bậc thầy y khoa Trogawa Rinpoche, người duy trì mối quan hệ mật thiết giữa thực hành Phật giáo và nghệ thuật trị liệu.
Dược thảo
Phía trên
Nhiều thế kỷ nay, các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Tạng vẫn trao đổi dược liệu. Dầu gai, gỗ đàn hương, bạch đậu khấu, long não, cà độc dược, và quế nhập khẩu từ Ấn Độ; còn đại hoàng, thổ phục linh, bạch chì, cam thảo, sâm, ngải cứu, chè từ Trung Quốc mang tới. Một số dược phẩm quý hiếm như đông trùng hạ thảo, xạ hương chủ yếu khai thác ở Tây Tạng.
Nền tảng quá trình phục hồi
Đối diện
Bức tranh thờ này bắt đầu bằng các tiến trình và chất liệu không thể thiếu đối với thành tựu về sức khỏe và trường thọ. Thực phẩm có dược tính mô tả trong bức tranh thứ hai; bức thứ ba minh họa phẩm chất của người thầy thuốc xác thực và hộ lý tận tâm. Các tranh sau cho thấy dấu hiệu người bệnh đang phục hồi, dấu hiệu không qua khỏi. Bệnh nhân không khỏi là những người thích giết chóc, phản đối lời khuyên của thầy thuốc, buông thả xúc cảm thái quá, phá hoại tranh tượng Phật, người sắp sửa chết. Từ bức tranh thứ ba tới bức cuối cùng mô tả các phương pháp tiếp cận mà người thầy thuốc dùng để điều trị bệnh tật. Đôi lúc, thầy thuốc phải tiến hành điều trị thật chậm rãi như khi xuống thang, hoặc trường hợp bệnh nhân mắc nhiều căn bệnh, thầy thuốc phải như người làm lắng dịu các cuộc tranh luận giữa những bên chống đối. Điều trị bệnh hiểm nghèo giống như chất đồ nặng lên một con bò lai, điều trị bệnh nhẹ tựa như đặt vật nhẹ trên lưng một con cừu.
Chúa tể các loại thuốc men
Phía dưới
Các loại quả làm khô se, co lại của họ arura (họ Terminalia) thuộc nhóm bàng hay kha tử, chúng được coi là vị thuốc chữa bách bệnh.    
Nền tảng Bốn Mật Kinh
Bao quát các chủ đề sinh lý học, bệnh lý học, chẩn đoán và điều trị, bốn pho Mật Kinh (Gyushi) hình thành cơ sở hệ thống y khoa Tây Tạng. Thông qua các hóa thân của Phật Dược Sư đàm thoại, người ta cho là bản gốc Bốn Mật Kinh được viết bằng bột đá bảo ngọc lên giấy làm bằng vàng dát mỏng, do các nữ thần canh giữ. Văn bản Bốn Mật Kinh đã sửa đổi, hiện đang sử dụng gồm 5,900 bài thơ, biên soạn ở thế kỷ thứ 12, bao hàm kiến thức y khoa Tây Tạng, châu Á và Trung Đông.
Rút ra từ hệ thống Y Khoa Ấn Độ Ayurveda, ba khối năng lượng cơ thể có nền tảng là năm tố chất: đất, nước, lửa, gió, không gian; ba khối này là trọng tâm mọi khía cạnh Tây Tạng y khoa. Rối loạn tố chất do điều kiện ăn uống, môi trường căng thẳng, sẽ dẫn tới ốm đau chết chóc. Phương pháp điều trị tập trung vào mục tiêu phục hồi và duy trì trạng thái cân bằng giữa ba khối năng lượng của cơ thể hay ba ‘khí chất’ tâm-sinh lý (three pscho-physical humours): Nội Khí, Mật và Đởm, đây là quy trình điều trị tổng hợp liên quan tới cả thời tiết, tuổi tác, chế độ ăn uống, cách hành xử và môi trường. Kết hợp với phong tục cúng bái điều trị ở Tây Tạng (Tibetan shamanism) và nghi thức mật tông bí truyền, văn bản y khoa cũng mô tả kỹ thuật chấn đoán, châm, ngải cứu, hoàn toàn khác với kỹ thuật của Trung Quốc hay kỹ thuật của Ấn Độ, một kỹ thuật rất ít người biết đến. Tuy nhiên điểm độc đáo trong truyền thống Phật giáo ở chỗ ý tưởng giải thoát không chỉ với cơn đau bệnh lý, mà còn kiêm cả giải thoát cơn đau tinh tế của tư duy và cảm xúc, thứ che khuất trí tuệ hiểu biết khai sáng. Bằng những phương pháp chuyển hóa nội khí, năng lượng và các tinh chất vi tế trong cơ thể con người, cũng một đường kinh lạc từ đó bệnh tật xuất hiện, đường kinh lạc này lại được thanh lọc thành phương tiện giải thoát tâm linh.
Chiếc cây chức năng sinh lý
Đối diện
Bức tranh thứ hai minh họa bình luận của đại sư Sangye Gyamtso, gồm một cái cây có hai thân, một thân gồm các nhánh hoạt động sinh lý con người, thân kia mô tả diễn biến bệnh tật. Phần trên cùng diễn giải truyền thống giáo lý y khoa, bắt đầu với hóa thân của Phật Dược Sư và bốn nhóm tùy tùng là thượng đế, hiền triết ẩn tu, thần linh Ấn giáo và các bậc thầy Phật giáo
Nội khí
Phía dưới
Hai trong số năm dạng ‘loong’ (rlung?), hoặc ‘nội khí tâm sinh lý’: nội khí duy trì sự sống tuần hoàn từ đỉnh đầu tới hoành cách mô, và nội khí đi lên, nội khí này kiểm soát mảng ngôn từ, ký ức.
Thành tựu của sức khỏe và trường thọ
Đối diện
Khi các tố chất và khối cấu thành tâm-sinh lý thân thể con người được điều chỉnh đứng mức bằng chế độ ăn uống, ứng xử thích hợp; xung lực của sức khỏe sẽ trở thành nền tảng cho trạng thái mạnh khỏe tinh thần, thể chất, tượng trưng là những bông hoa nở trên cây ban cho điều ước. Với hình ảnh một vị Phật tan vào ánh sáng, đỉnh cao thành tựu được mô tả là trạng thái khai sáng tối thượng, giải phóng các khối cấu thành tâm-sinh lý của cơ thể vào trong miền ánh sáng phúc lạc.
Biểu đồ đường kẻ giải phẫu
Bên phải
Sử dụng như một hệ thống đo đạc, đối chiếu, biểu đồ trải lên các họa đồ giải phẫu là một nét đặc trưng chỉ có trong nghệ thuật Tây Tạng, dù các đơn vị nhân trắc (anthropometric; phương pháp đo người) cũng tương tự như thông số của y học Trung Quốc. Trong ví dụ minh họa, mô hình biểu đồ này đưa ra một khuôn mẫu để các thầy thuốc có thể xác định vị trí chuẩn, từ đó chất dịch gây bệnh sẽ được hút ra khỏi cơ thể.    
Nghệ thuật chuyển hóa
Như một phương tiện hỗ trợ cho thiền, nghệ thuật trong Phật giáo Tây Tạng có cơ sở là những phát hiện về thực tại nguyên mẫu, thực tại này thường không tìm thấy trong mọi suy nghĩ có ý thức. Xuất phát từ mục tiêu là phương tiện hỗ trợ bằng quan sát, dành cho các nhà điều trị ham học hỏi, Tây Tạng Y Khoa Họa Đồ trở thành nguồn cảm hứng không chỉ với thầy thuốc, mà cả bệnh nhân và người hành hương tới hai trường cao đẳng y khoa Mentsekhang, Chagpori. Các tranh thờ thể hiện cô đọng toàn bộ nội dung Bốn Mật Kinh, từ mandala mở đầu, cánh cửa dẫn đến thế giới trị liệu và chuyển hóa, cho tới hình ảnh các nhà điều trị được hút vào trong quả cầu ánh sáng bảy màu.
Dù nội dung tranh y khoa vẽ bằng chất liệu thuộc phong cách Ấn Tạng cổ điển, và các tấm bảng minh họa văn bản Blue Beryl rút ra từ kiểu mẫu Nepal sớm nhất; song tập hợp các tranh thờ mang một sắc thái độc đáo chưa từng có. ‘Cây trải mở’ mô tả nhiều nhánh khác nhau thuộc y khoa cũng như các bức tranh thờ khác trong đó thể hiện nguồn gốc chất độc và linh đan trường thọ, toàn bộ là công trình sáng tác hoàn toàn nguyên bản, đồng thời hình ảnh chư phật nhắc nhở cho người xem một thực tại siêu việt tồn tại trước khi thực nghiệm bệnh tật ốm đau nhất thời nảy sinh.
Tất cả tranh thờ trong văn bản này được vẽ trên kích thước tranh sơn dầu, màu sắc lấy ra từ khoáng chất và thực vật trộn với keo. Bột vàng mô tả đặc điểm chính của nhân vật, tăng thêm vẻ đẹp bức tranh. Theo Romino Shrestha, nghệ sĩ trường phái này tuân thủ mọi thực hành truyền thống liên quan tới phẩm chất sáng tạo của nghệ thuật thần thánh, họ quán tưởng mình như vị thần linh được mô tả rồi cuốn hút vào năng lượng tâm linh trước khi đặt bút vẽ. Do đó bức tranh trở thành biểu tượng vang vọng thuộc sáng tạo vô ngã và sức mạnh điều trị xuất phát từ nghệ thuật. Shrestha mô tả công việc của mình ‘nghệ thuật vẽ tranh thờ được truyền cảm bởi động cơ khắc phục nỗi khổ đau của con người, đạt tới hạnh phúc, trường thọ. Theo quan điểm Phật giáo, điều này chỉ có thể sảy ra khi chúng ta làm việc không vì quyền lợi cá nhân mà vì lợi ích chúng sinh.’
Trong Phật giáo Tây Tạng, người nghệ sĩ sử dụng hình thể và vẻ đẹp cùng với những nhân vật mà chúng ta thường có khuynh hướng giữ kín, nhằm mục đích chuyển hóa nhận thức thông thường thành kiến thức điều trị. Cảnh mô tả đau đớn, bệnh tật, khắc nghiệt, thú tính, cũng như hình ảnh về niềm vui siêu việt, đó là sự kiện hàng ngày đến với chúng ta, phụ thuộc vào thái độ cởi mở, từ bi, những thứ đó có thể là nguồn gốc khổ đau hay giải thoát. Miêu tả sinh động toàn bộ dãy thực nghiệm mà chúng ta trải qua, phục hồi trạng thái mạnh khỏe thuộc nguyên bản ý thức hiểu biết con người đã chọn lựa, các bức tranh y khoa bộc lộ những thành phần căn bản để chuyển hóa tâm linh tồn tại ngay bên trong tâm thức tham vọng và ghét bỏ, thứ vạch ra bản hợp đồng cuộc đời mà con người đã ký kết.
Vinh quang nhà trị liệu 
Đối diện
Trong truyền thống Y Khoa Tây Tạng, người thầy thuốc tích lũy kiến thức để thực sự cống hiến cho mục tiêu xua tan nỗi đớn đau nhân loại, đây chính là phẩm chất của Phật.
Phần chính các tố chất
Bên trái
Năng lượng tâm-sinh lý tiêu biểu cho năm tố chất đất, nước, lửa, gió, không gian, tuần hoàn trong cơ thể. Khi năng lượng này được thanh lọc bằng quán tưởng và thực hành Mật tông, chính những tố chất (đất, nước, lửa, gió, không gian) gây ra bệnh tật lại trở thành nền tảng cho sự nghiệp khai sáng.
Đấng chinh phục bệnh tật
Phía dưới
Khía cạnh phẫn nộ của ý thức khai sáng lan tỏa, thần linh Dorje Tabring được triệu thỉnh để chinh phục ma quỷ, vong linh gây bệnh tật. Hình ảnh thượng đế, ma quỷ và các vị đã khai sáng trong Y Khoa Họa Đồ không cổ vũ niềm tin mê tín dị đoan, mà khích lệ khả năng hình dung bản thân con người vượt lên giới hạn của nhận thức đời thường.
Kho tàng kiến thức
Phía dưới
Mật kinh khẳng định sức mạnh phục hồi chỉ sảy ra khi nội dung các tư liệu, học thuyết về y khoa được con người hấp thụ. Rồi giống như tia sáng mặt trời, kiến thức sẽ rọi sáng mọi thực nghiệm như vàng bạc, ngọc lam cất trong két mang lại lợi ích cho những ai có chìa khóa mở được.  
Thầy Thuốc Tây Tạng
Chương trình đào tạo thầy thuốc Tây Tạng bao gồm các mặt nghệ thuật điều trị, bắt đầu từ việc quan sát, nhận biết, chế biến dược thảo cho tới phương pháp thiền cảm nhận (the meditative empathy essential) để chẩn đoán đúng bệnh. Sau mười bốn năm học tập, giai đoạn đào tạo còn cần từ năm tới mười hai năm nghiên cứu nghiêm túc, khoảng thời gian này người thầy thuốc phát triển mọi kỹ năng thực tiễn về bắt mạch, dược lý, châm cứu, các thực hành thanh lọc và trao quyền cho chất liệu chữa bệnh. Trong Tây Tạng Y Khoa, y đức cũng quan trọng như kiến thức chuyên môn. Ngài K. Dhondrup viết “kiến thức và kỹ xảo chưa đủ để trở thành một lương y. Tình yêu thương, lòng nhân ái, từ bi dành cho bệnh nhân, thực sự cố gắng chia sẻ áp lực đau đớn của bệnh nhân là phẩm chất căn bản không kém phần quan trọng của người thầy thuốc.
Với thầy thuốc Tây Tạng, lý tưởng từ bi, trí tuệ của Phật là yếu tố căn bản trong chương trình huấn luyện, yếu tố này hỗ trợ người thầy thuốc khi quan sát tình trạng vật chất, cảm xúc và nhu cầu tâm linh của bệnh nhân. Hàng ngày các thầy thuốc quán tưởng mình như vị Phật Dược Sư, tụng niệm những văn bản cầu khẩn: “Do vô lượng chúng sinh được che chở bởi lòng từ bi của Dược Sư, xin cho con là người hướng dẫn....Xin cho con mau chóng đạt được sức mạnh điều trị của ngài, Phật Bhaishajyaguru, xin cho con dẫn dắt hết thảy sinh linh vào trong vương quốc khai sáng của ngài.”
Thực hành rộng rãi trên toàn cõi Tây Tạng cũng như suốt miền Himalaya: Ladakh, Nepal, Sikkim và Bhutan, nghệ thuật điều trị Tây Tạng tiếp tục lưu truyền trong các dòng họ, hoặc giảng dạy chính quy tại trường cao học y khoa Lhasa và Viện Y Khoa Tây Tạng thành lập năm 1961 ở Dharamsala (Himachal Pradesh), trụ sở chính quyền Tây Tạng tha hương phía bắc Ấn Độ. Nối tiếp làn sóng di dân Tây Tạng sau khi Trung Quốc xâm chiếm, nền y khoa nước này liên tục phát triển, công thức hóa một số phương thuốc mới điều trị ung thư và các căn bệnh về hệ miễn dịch. Như Đức Dalai Lama phát biểu, Y Khoa Tây Tạng là hệ thống chăm sóc sức khỏe tổng hợp ‘đã phục vụ tốt người dân Tây Tạng qua nhiều thế kỷ, tôi tin rằng Tây Tạng Y Khoa nhìn chung vẫn mang lại nhiều lợi ích cho nhân loại. Điều khó khăn mà chúng tôi phải đối mặt là vấn đề truyền tải. Y Khoa Tây Tạng cần được hiểu đúng bản chất cũng như trong bối cảnh nghiên cứu tích cực.’ Những chuyến viếng thăm của các thầy thuốc Tây Tạng tới Âu Châu, Hoa Kỳ mang lại hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực tương quan giữa tư duy, cơ thể, cũng như phương pháp điều trị thành công một số căn bệnh, rất khác với cách trị liệu thông thường. Phát biểu về cuộc hội kiến với tiến sĩ Yeshi Donden, một thầy thuốc xuất sắc nhất, tiến sĩ Richard Selzer, giáo sư phẫu thuật trường đại học Yale nhấn mạnh “Phương tây chúng tôi không có những khái niệm như vậy. Đây là một tầm cỡ mới của y khoa mà chúng tôi chưa nhận thức được.”
Truyền thống y khoa Tây Tạng bắt nguồn từ triết học Phật giáo và nghi thức cúng bái điều trị (shamanic healing), hiện tại vẫn giữ nguyên giá trị cổ kính ban đầu. Với kỹ thuật chẩn đoán phức tạp không dựa vào máy móc, mà chỉ bằng độ cảm nhận tinh tế của người thầy thuốc khi kiểm tra dòng năng lượng bên trong, cộng thêm kiến thức về dược liệu, lý thuyết vi lượng đồng căn (potentization), nền y khoa Tây Tạng không chỉ cung cấp nguồn tài nguyên khắc phục tình trạng ốm đau bệnh tật nhất thời, mà còn là hệ thống kết hợp hoàn hảo để phát triển khả năng tâm linh siêu nhiên tiềm tàng. Mục đích tiềm ẩn trong hệ thống y khoa Tây Tạng hướng tới điều trị cơ thể để giải phóng tâm hồn, khắc phục những cấu trúc mang tính khái niệm về thực tại. Gyushi, văn bản ảnh hưởng tới toàn bộ các nhánh Tây Tạng y khoa ghi rõ ‘Hỡi các bạn, hãy biết rằng người nào muốn mạnh khỏe, muốn chữa bệnh cho người khác, người đó cần nghiên cứu giáo lý khẩu truyền của khoa học điều trị. Những ai khao khát sống lâu, mạnh khỏe, sung túc, hạnh phúc, muốn hiểu biết về tâm linh cần nghiên cứu giáo lý uyên thâm này…và nỗ lực giải thoát chúng sinh khỏi tình trạng đớn đau của vô minh, bệnh tật.’
Phẩm chất người thầy thuốc
Phía trên
Như đã mô tả trong Mật Kinh Y Khoa, người thầy thuốc chứng đắc phải giống như con chim cắt nhạy bén trong khả năng phân biệt những rối loạn thể chất, nhẫn nại như một con cừu khi quan sát diễn biến của triệu chứng, thận trọng không khác con cáo trong việc kê đơn khi căn bệnh tới thời điểm xử lý. Trường hợp bệnh tái phát hay diễn biến phức tạp, người thầy thuốc phải can đảm và kiên quyết như loài hổ.
Đặc thù của người hộ lý
Phía trên
Như minh họa trong tranh y khoa, y tá hay hộ lý phải có chuyên môn, từ bi; thân, khẩu, ý người đó phải trong sáng, hiểu biết, thông minh, tượng trưng cho phẩm chất thông minh là những cuốn sách người đó vác trên lưng.
Nước cam lồ hồi phục
Đối diện, phía dưới
Nội dung trong Mật kinh Y Khoa cần gìn giữ như một chất liệu quý báu hơn cả sữa con sư tử huyền thoại. Tuân thủ giới luật không đúng quy tắc, hay giao phó cho đệ tử không thích hợp, nước cam lồ làm giảm nỗi đau con người sẽ mất đi, giống như sữa đựng trong một chiếc bình rạn nứt.
Giải phóng thân thể và tư duy
Bên phải
Y khoa Tây Tạng độc đáo ở chỗ trong khoa học chữa bệnh thể hiện giáo lý khai sáng của Phật Dược Sư. Namkha Rinpoche giải thích “Phật Dược Sư còn hơn cả nhà trị liệu tinh thần và thể xác. Ngài là sức mạnh tối thượng của tâm từ bi không trở ngại, soi sáng toàn bộ thế giới, là năng lượng phục hồi trong con người thâm sâu nhất của chúng ta.”


1 - CƠ THỂ: CHIẾC BÌNH CỦA SỰ CHUYỂN HÓA
Không bền vững, phụ thuộc vào xúc cảm sung sướng và đau khổ, cơ thể là trung tâm mọi thực nghiệm. Với căn bản kiến thức Phật giáo Mật tông, truyền thống y khoa Tây Tạng coi cơ thể không chỉ như một chiếc bình chứa đựng bệnh tật, mà còn là phương tiện khắc phục mọi hiểu biết hạn chế ngay tại gốc rễ bệnh tật. Người Tây Tạng cho rằng bên trong cơ thể vật chất con người có những dạng năng lượng tinh tế nối liền chúng ta với mọi hiện hữu. Tuy nhiên, mối quan tâm đến hình tướng xuất hiện bên ngoài đã hạn chế thực nghiệm của chúng ta về thực tại tiềm ẩn này, giam hãm con người vào một thế giới đầy rẫy khổ đau, bất mãn. 
Trong lý thuyết Tây Tạng Y Khoa, quan điểm hạn hẹp về cơ thể được coi là nguyên nhân gây ra phần lớn các cơn đau tinh thần và thể xác. Từ lúc ra đời, cơ thể đã không ngừng biến đổi. Chống lại quá trình phân hủy tái tạo tất yếu, suy nghĩ này ngăn trở chúng ta thâm nhập vào mọi bí mật tiềm ẩn trong vô thường. Một thầy thuốc Tây Tạng nhấn mạnh, ‘chính thái độ quyến luyến tấm thân vật chất đã che đi bản chất tinh hoa của nó’. Đức Phật cũng tuyên bố “Thân thể chúng ta rất đáng quý, đó là phương tiện thức tỉnh. Tuy nhiên, nếu bấu víu lấy tấm thân này, con người sẽ không bao giờ thấy được bản chất đúng của nó.”
Các họa phẩm Blue Beryl gồm hàng ngàn bức tranh cơ thể người với tình trạng ốm đau, khỏe mạnh. Hai mươi ba bức thangka (tranh thờ) của bộ tranh gốc dành riêng cho giải phẫu người, mô tả hệ thống kinh lạc vi tế nhất. Theo mật kinh yoga, những đường kinh lạc này hoạt động như nền tảng để nhận biết mối tương quan con người với toàn thể vũ trụ. Tây Tạng Y Khoa Họa Đồ phản ánh quan điểm đó, mang lại khả năng thấu hiểu, phát hiện. Tư duy về thân thể con người theo hướng này, chúng ta sẽ từ bỏ mọi đam mê phù du, đặc điểm chính của cuộc đời, và tiếp cận với tiềm năng con người đích thực.
Phương tiện khai sáng
Phía trên
Thân thể con người là một mandala (nơi cư trú). Nếu chúng ta nhìn vào bên trong, đây là nguồn thiên khải vô tận (an endless source of revelation)…Không có đối tượng thể hiện (thân thể con người) sẽ không có nền tảng để đạt được khai sáng.
Hình ảnh vô thường
Đối diện
Trong nghĩa địa, nơi mà người Tây Tạng học các kiến thức đầu tiên về giải phẫu cơ thể người, 


Kiếp người quý giá
Với người Tây Tạng, sở hữu tấm thân con người là một cơ hội hiếm hoi hơn cả được tái sinh làm thượng đế. Họ giải thích chỉ có cuộc đời con người mới là sự pha trộn hoàn hảo của niềm vui sướng và nỗi khổ đau, hỗn hợp cảm xúc này hoạt động như một chất xúc tác dành cho con đường tâm linh. Tại thời điểm thụ thai, tình cảm nồng nàn cùng với quá trình hợp nhất tinh hoa cha mẹ tạo ra một lối vào, nhờ đó ý thức đã tách rời khỏi xác thân, đang tìm kiếm cơ hội tái sinh, bị ngọn gió nghiệp quả lôi kéo cùng khát vọng trở lại kiếp người, ý thức này một lần nữa đầu thai.
Thụ thai
Nếu em bé được sinh làm con trai, ý thức sẽ đi vào tử cung người mẹ thông qua hơi thở và tinh trùng của người cha.
Nam tính, nữ tính và lưỡng tính.
Ngoài giới tính nam, nữ, Tây Tạng y khoa còn phân biệt một giới tính thứ ba, tập hợp các tố chất của hai giới tính kia, cũng như một số ít sinh linh nửa tháng đầu có giới tính nam, nửa tháng sau có giới tính nữ.
Sinh nở tốt lành
Theo Blue Beryl, khi quá trình sinh nở sảy ra thuận tiện, ‘đầu em bé ra trước, rau thai quấn quanh phần trên cơ thể, tiếng khóc phải thật to, em bé bú rất mạnh mẽ.’ 
Năm tố chất
Theo lý thuyết Tây Tạng Y Khoa, mọi hiện tượng động và tĩnh cấu thành bởi năm tố chất nguyên thủy: đất, nước, lửa, không khí và không gian, tượng trưng cho động lực, sức mạnh bên trong vạn vật. Tiến sỹ Yeshi Donden giải thích: ‘không có đất thì không có nền tảng, không có nước vật thể sẽ không gắn kết mạch lạc, không có lửa vật thể không chín muồi, không có không khí vật thể không nảy nở và tăng trưởng, không có không gian thì không có cơ hội hay môi trường để phát triển.’ Trong bối cảnh chức năng sinh lý con người, tố chất đất có liên quan tới các cấu thành vật chất như xương, da, móng tay, tóc. Nước liên quan tới các chất lỏng của cơ thể, lửa hay sức nóng kết hợp với trao đổi chất và tiêu hóa, không khí hay gió là năng lượng sống chịu trách nhiệm về chức năng thân thể tự nguyện, không tự nguyện (phản xạ vô điều kiện, phản xạ có điều kiện), còn không gian nối với ý thức con người. Tình trạng mất cân bằng trong các tố chất cơ thể cũng như mất cân bằng giữa cơ thể và các tố chất thuộc môi trường bên ngoài dẫn tới rối loạn chức năng cơ thể và bệnh tật. Tại lúc chết, các tố chất tạo nên cơ thể lần lượt tan rã vào nhau, tố chất đất tan vào trong tố chất nước, rồi nước tan vào trong lửa, lửa tan vào trong không khí. Khi tố chất không khí tan vào trong không gian, những ai nắm vững về thiền sẽ thức ngộ được mọi tinh hoa cực kỳ vi tế của các tố chất dưới dạng ánh sáng tràn ngập.
Tinh hoa đỏ và trắng
Phía trên
Phôi thai nhi hình thành trong tử cung người mẹ đúng lúc tố chất trắng trong tinh dịch người cha gặp tố chất đỏ của trứng người mẹ, tiêu biểu là máu hành kinh. Khi bào thai phát triển, tố chất đất góp phần vào quá trình hình thành xương, thịt, da, mắt, khứu giác. Tố chất nước hình thành máu, bạch huyết, các chất dịch trong cơ thể, cùng với vị giác, Tố chất lửa cho cơ thể hơi ấm, nước da khỏe mạnh hồng hào, thị giác. Tố chất không khí chịu trách nhiệm về hơi thở và xúc giác. Thính giác, các khoang, các lỗ của cơ thể tương ứng với tố chất không gian, tố chất này bao gồm tinh hoa của cả bốn tố chất kia.
Tính nhất quán
Phía dưới
Năm tố chất nguyên thủy là nền tảng của mọi sinh vật, tình trạng mất cân bằng năm tố chất gây ra mọi bệnh tật. Tương tự, các vị thuốc chữa bệnh được điều chế từ dược liệu tương ứng với năm tố chất…Thân thể, bệnh tật và phương thuốc điều trị được kết nối trong một tinh hoa duy nhất của tố chất 
The Blue Beryl
Phần chính các tố chất
Bên phải
Trong hệ thống luân xa thuộc cơ thể con người, tố chất đất mang lại trạng thái bền chắc liên quan tới phần dưới của cơ thể và đáy xương chậu. Tố chất nước liên kết với cơ quan sinh dục ngoài và tinh hoa sinh sản, tố chất lửa thuộc vùng rốn, tố chất không khí ở trung tâm trái tim, tố chất không gian ở cổ họng và đầu. Bức tranh này cũng cho thấy cấu trúc cơ bản của Bảo Tháp Phật giáo (stupa), một biểu tượng cô đọng ba chiều của cơ thể vi tế. 


Ba Khí Chất
Theo lý thuyết y khoa Tây Tạng, hình dạng và năng lượng cơ thể con người bắt nguồn từ các tố chất căn bản của đất, nước, lửa, không khí, không gian. Trong hoạt động sinh lý, tố chất không khí tương ứng với năng lượng sinh học gọi là Khí (loong hay rlung), tố chất lửa tương ứng với một khí chất khác của cơ thể gọi là Mật (mKhrid pa, tripa), tố chất đất và nước liên quan tới Đởm: đờm rãi (bad kan, beygen).
Bắt nguồn từ hệ thống y khoa Tridosha cổ truyền Ấn Độ; Khí, Mật và Đởm là những biểu hiện sinh học của năm tố chất vũ trụ, tương ứng với Vata, Pitta và Kapha trong pho kinh Ayurveda. Hoạt động hài hòa của ba tiến trình năng lượng sinh học này đảm bảo cho thể lực và sức khỏe ổn định. Nếu khí chất mất cân bằng do ăn uống không đúng mức, do ứng xử hay ảnh hưởng thời tiết hoặc thiếu hụt một số tố chất đặc trưng nào đó, cơ thể sẽ mắc bệnh. Trong các thực hành cao cấp Phật giáo mật tông, những phần cấu thành của cơ thể (Khí, Mật và Đởm) tương ứng với dạng tinh hoa loãng (the rarefied essences), năng lượng, và các đường kinh lạc của cơ thể tinh tế. Khi được thanh lọc bằng thực hành đặc biệt (yogic practice) chính những phẩm chất gây ra bệnh tật lại mang tới khả năng thức ngộ trạng thái khai sáng.
Đặc điểm ba khí chất
Phía trên 
Đặc điểm vật chất của con người bị chi phối bởi một trong ba khí chất: “Người dư thừa tố chất Khí có khuynh hướng ẻo lả nhu nhược, mất ngủ…thiên về ca hát, cười, gây gổ và dâm dục…Người mà tố chất Mật chế ngự…có thiên hướng đói khát…Người có tố chất Đởm trội lên thường to béo, nước da đẹp. Họ ngủ rất say, tuy nhiên hạng người này có phẩm chất của sư tử, bò đầu đàn, voi, thiên điểu và Brahma.” 
Vị trí các khí chất
Phía dưới
Các câu viết trên lá cây ghi rõ ‘Đởm định vị ở phần trên cơ thể, Mật ở phần thân người và Khí ở phía dưới cơ thể. Khí di chuyển suốt qua xương và các cấu trúc khác trong cơ thể.
Các mô hình của tư duy và cơ thể
Theo hệ thống Tây Tạng Y Khoa, tiến trình tâm-sinh lý gắn liền với Khí, Mật, Đởm (loong, tripa, begyen) là cơ sở để chẩn đoán và điều trị. Phân loại từng cá nhân căn cứ theo tình trạng trội hơn phát sinh tự nhiên của một trong ba khí chất, dẫn tới hình thành cơ thể và thiên hướng đặc trưng. Dù tập hợp khí chất chỉ có thể xác định chắc chắn bằng nước tiểu và bắt mạch, song tự mình quan sát, ta cũng thấy được thứ nào trong ba khí chất cấu thành con người chúng ta, chúng cung cấp một chiếc gương để nhìn sâu vào bên trong phần tâm-sinh lý của bản thân và người khác nữa.
Được hình tượng hóa là con chim, tiêu biểu cho hoạt động không ngơi nghỉ và tham vọng, những ai tố chất Khí trội lên có khuynh hướng gày gò, nhạy cảm với thời tiết lạnh, dễ bị tổn thương tâm lý như mất ngủ, hen xuyễn, căng thẳng, lo lắng. Người tố chất Mật chiếm ưu thế thường có chiều cao trung bình, lắm mồ hôi. Họ nhiều tham vọng, thông minh, nhưng hay cáu kỉnh, thiếu kiên nhẫn. Loại người này thường bị nhức đầu và có vấn đề về xoang hoặc các chứng bệnh trao đổi chất. Khi tố chất Đởm mạnh hơn, con người có xu hướng nhẫn nại, chắc chắn, song lười biếng và to béo. Họ đặc biệt hay mắc các chứng bệnh kinh niên về xoang và tiêu hóa, cũng như có vấn đề với cuống phổi và thận. Sự cân bằng của ba tính khí thay đổi trong suốt cuộc đời. Đởm trội ở tuổi ấu thơ, Khí mạnh lên lúc về già. Nghệ thuật điều trị liên quan tới việc tạo ra và duy trì tình trạng cân bằng động (dynamic equilibrium) giữa những mảng thuộc tâm-sinh lý con người và các lĩnh vực tương ứng của ý nghĩ, mong muốn, cảm xúc.
Các khía cạnh của ba khí chất
Đối diện
Nhánh phía dưới ‘chiếc cây quá trình chuyển hóa sinh lý, bệnh lý’ mô tả năm loại Khí, Mật và Đởm, chúng cầu thành ba Khí Chất của cơ thể. Nối với hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên, năm loại Khí, như đã mô tả trên năm chiếc lá đầu tiên thuộc một nửa nhánh phía dưới, chúng kiểm soát hoạt động của phổi, tim mạch, ngôn ngữ, tiêu hóa, bài tiết, tuần hoàn và tăng trưởng. Năm loại Mật minh họa trong các lá cây liên quan tới túi mật, bàng quang, ruột non, máu và bạch huyết. Hoạt động của chúng gồm điều chỉnh thân nhiệt, trao đổi chất. Đởm, với cấu trúc là nước và đất, minh họa trong năm lá cây còn lại, Đởm duy trì sự tuần hoàn của thể lỏng, điều tiết các giai đoạn đầu tiên trong quá trình tiêu hóa. Tiến sĩ Donden phát biểu ‘Khi chúng ở trạng thái cân bằng, ba khí chất và mười lăm nhánh phụ của chúng là phương tiện duy trì, nâng cao thể lực. Bị rối loạn, chúng trở thành nguyên nhân bệnh tật. 


Giải Phẫu Người
Kiến thức giải phẫu ở Tây Tạng đúc kết từ việc kiểm tra tử thi tại nghĩa địa thiên táng, khu vực nổi bật trên cao nguyên. Tử thi được chặt nhỏ, xương nghiền vụn, và trong nghi lễ hiến dâng các tố chất cấu thành thi thể vào bầu trời xanh, những thứ đó đem cho kền kền và các loài chim săn mồi khác ăn. Người dân Tây Tạng hoàn toàn ý thức được là thân thể đích thực (true body) không có trong đống xương thịt ấy. Karma Chagmey Rinpoche nói: ‘Nếu bạn không tận dụng thân thể này, nó sẽ mất đi rất nhanh. Vậy hãy phát huy tiềm năng thân thể và nhận thức được bản chất tinh hoa của nó.’
Tử thi
Bên phải
Đội vương miện là trái tim, bức tranh này miêu tả các cơ quan, xương và phủ tạng trong cơ thể, quan sát ở nơi thiên táng.
Sọ và diện mạo (cranial physiognomy)
Đối diện 
Mô tả hệ tuần hoàn của máu trong cơ thể, bức tranh thờ này cũng minh họa nhiều loại sọ người. Bắt đầu là góc bên phải phía trên, một cái đầu với đỉnh đầu thon dài cho thấy tính trội của Khí. Chỏm đầu nhô lên biểu hiện tính trội của Mật. Đầu vuông là Khí và Mật kết hợp với nhau. Đầu to rộng biểu thị Đởm, Khí phối hợp, đầu tròn là Đởm Mật phối hợp, đầu tam giác biểu thị Đởm, đỉnh đầu bằng phẳng là người có tập hợp cả ba Khí Chất. 
Ẩn Dụ về Cơ Thể
Giải phẫu đơn thuần không thể đưa ra quy mô đích thực của cơ thể, lại càng không thể hiện phần kết cấu dạng năng lượng sinh học cùng các mối quan hệ. Lối trình bày ẩn dụ mở rộng khả năng hiểu biết, giải phóng chúng ta khỏi cách hiểu gò bó theo nghĩa đen. Hình dung cơ thể như một lâu đài, hình dung các ‘nội tố chất’ (the body’s internal elements: tố chất bên trong của cơ thể) như một mandala, là quan sát thế giới được biểu tượng hóa cởi mở, cụ thể. Thời kỳ Phật giáo sơ khai, để phá vỡ xúc cảm quyến luyến thái quá, cơ thể bị coi như ‘một cái túi rác’ hoặc ít nhất là một nơi cư trú không ổn định. Tuy nhiên Mật tông đánh giá thân thể con người ‘như một con thuyền quý báu’ chứa đựng ý thức đã thức tỉnh. Phương pháp ẩn dụ khiến chúng ta nhận thức được, rằng chính con người sáng tạo ra bản thân phù hợp với tâm trạng lo âu và ý tưởng của bản thân họ. Tharthang Tulku gợi ý ‘tình trạng đặc chắc của cơ thể chỉ là hình tướng, phản ánh điểm hạn chế trong cách quan sát của chúng ta.’ Ngài nói ‘Để thoát khỏi khái niệm đó, hãy thẩm tra cấu trúc cơ thể, hãy thấu suốt các mặt hạn chế của nó cho tới khi chúng hoàn toàn rộng mở…Hãy để chúng duy trì vẻ rực sáng, cố gắng quan sát cơ thể cùng một lúc theo nhiều phương vị, mức độ khác nhau.’ Dù cố ý hay vô tình, chúng ta vẫn là người sáng tạo tình trạng thực tại của bản thân mình. 
Cơ thể như một lâu đài
Phía dưới
Giá trị quý báu và mối quan hệ tương hỗ của con người trong các khối cấu thành được minh họa qua một bức tranh thờ, mô tả tấm thân vật chất như một lâu đài kiến trúc. Chi tiết thể hiện phía trên tấm bảng so sánh xương chậu với các bức tường, xương sống như một chồng tiền xu, đường kinh lạc sinh mạng như chiếc cột chống bằng mã não, bộ ngực như xà ngang, xương sườn như rui kèo trên nóc nhà. Gân, dây chằng là trần nhà, bắp thịt và da là vữa trát. Tấm bảng cho thấy xương bả vai như trụ ốp tường, đầu là tháp canh hay bàn thờ trên nóc nhà với các giác quan sắp xếp thứ tự như đồ trang trí. 
Các tổ chức là những phụ tá
Bên trái
Bức tranh ẩn dụ về cơ thể mô tả các tổ chức bên trong giống như những thành viên của một triều đình. Trái tim là ông vua ngự trên ngai vàng, phổi là các vị thượng thư và hoàng tử, gan và lá lách là hoàng hậu và công chúa. Trong chi tiết này, hai quả thận được so sánh với hai lực sĩ đỡ một cái xà rất nặng tới trước vị bộ trưởng Bộ Ngoại Giao. 


Cơ thể tinh tế
Thân thể vật chất con người phát sinh từ phần chính yếu thuộc năng lượng vi tế bắt nguồn từ rốn. Các ‘đường kinh lạc chịu trách nhiệm hình thành’ dâng lên, tạo ra bộ não, đi xuống hình thành bộ phận sinh dục, và tỏa vào trong các dây thần kinh tạo ra ‘đường kinh lạc sinh mạng’ (the channel of life). Người Tây Tạng cho rằng hệ thống năng lượng nhẹ (the etheric energy system) hay nội khí bị bao bọc bên trong cơ thể vật chất, chúng không chỉ là nguồn gốc hiện hữu, mà còn là ‘viên ngọc nhiệm mầu’ đánh thức ‘Thân Thể Sự Thật’ sâu kín của chúng ta. 
Luân xa và các đường kinh lạc
Phía dưới và đối diện
Phật giáo Mật Tông mô tả một mạng lưới 72,000 đường kinh lạc tỏa ra dưới nhiều hình thức rất vi tế trong cơ thể xuyên suốt ‘nội mandala’. Đường kinh lạc trung ương bắt đầu từ cơ quan sinh dục đi lên tới điểm giữa hai lông mày, hai bên là hai đường kinh lạc có tên roma và kyangma trong đó năng lượng ‘mặt trời’ và ‘mặt trăng’của cơ thể di chuyển tuần hoàn. Nối với chúng là năm luân xa chính nằm tại cơ quan sinh dục, rốn, tim, cổ họng và đỉnh đầu. Tại trung tâm năng lượng này (luân xa), ‘thân thể nguyên nhân’ (causal body: Karana-Sarira) và thân thể vật chất (physical body: Sthula-sarira) giao nhau, nơi mà bằng thực hành Mật Tông, các nội tố chất có thể được thanh lọc thành một dạng tinh hoa vi tế. Lama Sangwa tuyên bố ‘Do gây ra nguyên nhân để nội khí và những giọt tinh tế đi vào trong đường kinh lạc trung ương, trạng thái phúc lạc phát sinh, cơ thể trở thành nguồn trí tuệ hiểu biết khai sáng.’    


Vô thường
Trong suốt cuộc đời, chúng ta phải thực nghiệm những tiến trình tất yếu của biến động sinh lý. Thân thể con người lớn lên, già nua và chết, không liên quan tới ý chí và sự can thiệp bên ngoài. Khi chúng ta chết đi, dù ý thức mắc kẹt trong lo lắng, hy vọng, hay được giải thoát do thức ngộ ánh sáng vô ngã ở nơi sâu thẳm nhất trong con người chúng ta, thực chất đổi thay (vô thường) vẫn tiềm ẩn ngay cốt lõi mọi hiện hữu. Tại nơi thiên táng thuộc tu viện Drigung, một hành giả áo nâu nghiền xương người chết trong khi bầy chim kền kền loanh quanh, bồn chồn trên các mỏm đá gần đó. Vị hành giả tuyên bố ‘Dù mạnh khỏe hay ốm đau, cơ thể con người là một vị thầy vĩ đại về Vô Thường.’ Ban tặng chim chóc tấm thân vật chất mà chúng ta quyến luyến nhất, người Tây Tạng tin rằng đây là thực hành mang lại lợi ích tâm linh lớn lao. Trong ít phút, các mảnh dư thừa của tử thi được tiêu thụ hết, đàn chim to lớn bay về phía chân trời sáng lạn.
Những điểm dễ bị tổn thương
Đối diện
Bức tranh này minh họa các khu vực nhậy cảm trên cơ thể, tổn thương ở đó có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trong 302 điểm cụ thể thì 92 điểm gồm phần thịt, xương, gân, mạch máu, dây thần kinh ở gáy và đầu. Số lượng tương đương nằm ở phần thân người, chân tay có 112 điểm. Căn cứ vào mức độ dễ tổn thương, chúng được chia làm ba nhóm. Những điểm quan trọng nhất trên thân thể gồm mười ba phần phủ tạng rỗng và đặc, tám tuyến mỡ, mười ba dây thần kinh gọi là ‘sợi dây lụa treo dọc.’
Ba giai đoạn của cuộc đời
Phía dưới
‘Cuối cùng thân thể ta trở thành cát bụi,
Không thể tự di chuyển được nữa,
Nó sẽ bị những sức mạnh khác lôi đi,
Tại sao ta còn bấu víu lấy cái ‘Tôi’ hình thể mỏng manh phù du này!’
Shantideva 
 
 
2 - BỆNH TẬT: ĐƯƠNG ĐẦU VỚI NỖI ĐAU
Giáo lý đầu tiên của Đức Phật đề cập tới Sự Thật Nỗi Đau Vũ Trụ. Phật dạy rằng trước khi dấn thân trên nẻo đường điều trị và giải thoát, con người phải trải qua thực tế khó chịu do đau đớn, không thỏa mãn. Dường như nỗi đớn đau thân xác mở ra một cánh cửa uyên thâm về sự thật bất diệt này. Chỉ suy ngẫm tới cái chết của mình, của người khác, chúng ta mới có được trí tuệ và tâm từ bi, vì khi đau ốm, ý niệm cứng nhắc của cái ‘tôi’ sẽ tổn thương nặng nề. Phật giáo quan niệm bệnh tật mang lại cơ hội độc đáo để thực nghiệm sâu sắc mối quan hệ khăng khít với những sinh linh khác. Hình ảnh ốm đau, mọi căn bệnh miêu tả sinh động trong tranh thờ y khoa hướng con người tới những đụng độ đau đớn trong nội tạng và phản ứng phục hồi phát sinh do ý thức được cái chết. Đức Phật dạy: suy ngẫm về bệnh tật, nhất là bệnh tật của mình, điều này thôi thúc lòng từ bi, khả năng phục hồi bất chợt, và thái độ hòa nhập với môi trường.
Bệnh tật và nguồn gốc
Đối diện
Bức tranh thờ có tựa đề ‘Bản tóm tắt kỳ lạ’ minh họa các phần của Blue Beryl liên quan tới bệnh tật và bệnh lý học. Các tấm bảng mô tả những nguyên nhân gây bệnh, do thay đổi thời tiết, sai sót trong ăn uống, cư xử, tai nạn và do nghiệp quả chín muồi. Rút ra từ nghệ thuật cổ truyền Indo-Nepalese (Ấn Độ-Nê Pan), một dãy tấm bảng đặt theo tư thế nằm ngang hình thành nền tảng tranh y khoa, chúng không chỉ truyền đạt thông tin kỹ thuật mà còn được trình bày rất mỹ thuật.
Trộm cắp sinh lực
Bên trái
Như kẻ thù đợi cơ hội tập kích, bệnh tật sảy ra bất thình lình.
Sangwa Tulku   
Ba trạng thái đau đớn nguyên thủy
Theo Tây Tạng Y Khoa, bệnh tật dưới hình thức dịch bệnh, bệnh kinh niên, được quy cho là do không hiểu biết sơ đẳng về nguồn gốc phụ thuộc trong mọi hiện tượng, không hiểu biết bản chất đích thực của cái Tôi. Từ trạng thái vô minh nguyên thủy phát sinh lòng tham muốn, ý tưởng gây hấn, dẫn tới cảm xúc thiếu thốn, cuộc sống nội tâm nghèo nàn, hiểu sai về mối đe dọa, tình trạng cô lập. Rối loạn tinh thần này tạo ra tâm lý căng thẳng dẫn tới mất cân bằng. Đây là những lời của Tiến Sĩ Lopsang Rapgay: ‘Tư duy không trực tiếp tạo ra vật chất, song xúc cảm tiêu cực như đố kỵ, căm thù, lo lắng, khi trở thành thói quen, chúng có khả năng thay đổi cấu trúc bên trong cơ thể.’
Dù Tây Tạng Y Khoa thừa nhận ảnh hưởng của tác nhân gây bệnh, ăn uống không đúng mực, phong cách hành xử gây ra bệnh tật, nhưng sức mạnh tham lam và gây hấn bắt nguồn từ vô minh vẫn được coi là ba nỗi khổ đau nguyên thủy, từ đó nảy sinh đau ốm. Theo Mật Kinh y khoa: chỉ có một nguyên nhân phát sinh bệnh tật: tình trạng vô minh, không hiểu được là không có cái ‘tôi’ vĩnh cửu…Chim bay trên trời cũng không thể tách rời khỏi cái bóng của nó. Tương tự, dù cuộc sống có niềm vui, song do vô minh, con người vĩnh viễn gắn liền với ốm đau bệnh tật.
Bắt nguồn từ triết học Phật giáo khám phá cảm xúc không thỏa mãn đằng sau mục đích đi tìm hạnh phúc, Tây Tạng Y Khoa phát hiện mối liên quan mật thiết giữa nỗi đau tinh thần, nỗi đau vật chất, và cảm giác chán chường, thứ tiêu biểu cho tình trạng hiện hữu của cơ thể. Đức Dalai Lama viết: “Từ ngàn xưa, Phật tính của chúng ta bị che lấp do sức mạnh vô minh, tham lam, gây hấn, biểu tượng là con lợn, con gà trống và con rắn…Xung lực tiêu cực tinh thần này che phủ tiềm năng vô hạn, đây là nguyên nhân gây nên quá trình di chuyển trục trặc qua chuỗi luân hồi hiện hữu.” Thức ngộ được ba độc tố tư duy này trong dạng hiện hữu tinh tế của nó, đây là cái nhìn xuyên suốt căn nguyên bệnh tật, công nhận ảnh hưởng của ba độc tố là bước đầu tiên thiết lập trí tuệ. Đức Phật cũng tuyên bố ‘Mọi cuộc đời đều khổ đau. Khi con người nhìn nhận vấn đề này rõ ràng, nỗi khổ đau sẽ chấm dứt. 
Vô minh, tham lam, gây hấn
Phía trên
Biểu tượng là con chim, con rắn, con lợn, nỗi khổ đau nguyên thủy của loài người do tham lam, gây hấn và lười biếng, Tây Tạng y khoa coi những thứ đó là khởi điểm mọi thay đổi sinh lý trong cơ thể, nguồn gốc các chứng bệnh về cơ thể, xúc cảm, tinh thần. Dưới hình thức tinh tế nhất, ba ‘độc tố tư duy’ là hiện thân sự lãnh đạm triền miên đối với thái độ cởi mở, linh hoạt trong mọi hiện hữu.
Những chiếc lá cây không thỏa mãn
Đối diện
Khát khao dục vọng là căn bệnh lớn nhất. Không hài hòa là nỗi buồn lớn nhất. Khi hiểu rõ điều này, bạn cũng biết được chỉ có Niết bàn là niềm vui vĩnh cửu.
Dhammapada    
Sự mất cân bằng các tố chất
Lý thuyết y khoa Phật giáo quan niệm là vô minh, tham lam và gây hấn vang dội (resonate) tại các tế bào trong cơ thể, khiến tình trạng Đởm Mật và Khí cùng các tố chất nền tảng của chúng mất cân bằng.  Ba Khí Chất, hiển thị dưới dạng tinh hoa là sức mạnh ý thức, sức mạnh quá trình trao đổi chất và sức mạnh của các chất trơ (inert matter) trong cơ thể người. Ở trạng thái cân bằng, ba khí chất này là nguồn mạnh khỏe, sung mãn. Tuy nhiên, khi chức năng của chúng bị rối loạn, bệnh tật phát sinh.
Thèm muốn, tham lam (Tham) được cho là tạo ra sự mất cân bằng của tố chất khí trong cơ thể, tương ứng với tiến trình tâm-sinh lý của Khí. Tức giận và thù địch (Sân) tạo ra sự mất cân bằng của tố chất lửa, tương ứng với Mật, và thái độ lãnh đạm, trì trệ (Si) làm rối loạn tố chất đất và nước ảnh hưởng tới Đởm. Tình trạng mất cân bằng không chỉ là hậu quả tinh tế của ba ‘độc tố tư duy’ (tham sân si) mà còn do môi trường tác động, ăn uống không điều độ, bị chấn thương hay viêm nhiễm. Về căn bản, những thứ đó là nền tảng của đất, nước, lửa, không khí và không gian, bệnh tật sẽ phát sinh do bất kỳ một nguyên nhân nào khiến trạng thái cân bằng của năm tố chất này bị phá vỡ.
Khi tố chất khí nhiễu loạn, tinh thần bị xáo động, bồn chồn hốt hoảng, tuyệt vọng phát sinh, cũng như áp lực căng thẳng có liên quan tới hoạt động của tim. Tố chất lửa bị ảnh hưởng, cơ thể trở nên mẫn cảm với các chứng bệnh ngoài da và gan, nhức đầu, đầu óc trì trệ. Rối loạn tố chất đất, tố chất nước, có thể gây ra bệnh kinh niên về tiêu hóa cũng như cúm, sưng khớp. Hiện tượng rối loạn các nội tố chất cho thấy tình trạng lẫn lộn của các nhân tố vật chất, tâm lý, một mô hình tương quan phụ thuộc rất uẩn súc của tư duy và cơ thể.
Mật kinh y khoa liệt kê bốn loại bệnh tật. Loại thứ nhất gồm các chứng bệnh về nghiệp quả, hậu quả của hành vi quá khứ từ tiền kiếp. Loại thứ hai do các vong linh, loại thứ ba là các bệnh khỏi tự nhiên và loại thứ tư: triệu chứng mất cân bằng khí chất, do thức ăn độc hại, hành vi ứng xử, do tác nhân gây bệnh hay áp lực môi trường. Danh y Namkha phát biểu: nếu chúng ta học được phương pháp nhận ra những nguyên nhân ngấm ngầm của bệnh tật, chúng ta bắt đầu học được cách phục hồi trạng thái cân bằng. Bệnh tật là bạn đồng hành của chúng ta tới tận lúc đó…Nếu bạn muốn tìm kiếm hạnh phúc, hãy nhìn vào bản chất khổ đau, bằng không, chúng ta sẽ giống như người chạy trốn cái bóng của mình.
Lộ trình mất cân bằng
Bên phải
Khi nội tố chất mất cân bằng, bệnh tật thuộc ba khí chất di chuyển suốt cơ thể theo những lối mòn riêng biệt. Năm chiếc lá phía trên mô tả khu vực chịu ảnh hưởng nội Khí gây bệnh (pathogenic Wind). Lá cây phía ngoài cho thấy hướng đi của Mật trong trạng thái rối loạn, năm chiếc lá ở dưới thuộc nhánh phía trên bộc lộ các nẻo đường nối với khí chất Đởm rối loạn. Những mùa trong năm, môi trường và giai đoạn sống được biểu tượng hóa trong các nhánh phía dưới.   
Chứng bệnh hàn, nhiệt
Bên trái
Theo lý thuyết chẩn đoán Tây Tạng, các chứng bệnh thường được chia thành loại hàn, nhiệt, hoặc tập hợp cả hai thứ. Rối loạn về Nhiệt sảy ra do sự gia tăng của khí chất Mật. Chứng bệnh Hàn thường là kết quả mất cân bằng của Đởm và Khí.
Chứng bệnh dư thừa
Đối diện ở phía trên
Bệnh về khí chất được phân loại căn cứ vào hiệu ứng mất cân bằng gây ra tình trạng hoặc dư thừa, hoặc thiếu hụt, hoặc lúc thừa lúc thiếu. Khí thừa thãi có biểu hiện nước da xạm đi, cơ thể gầy gò, hốc hác, yếu đuối, chóng mặt, răng va vào nhau lập cập. Mật thừa thãi làm nước tiểu vàng, da, mắt vàng, sốt, đói và khát. Đởm trội lên khiến người ớn lạnh, khó tiêu, thẫn thờ, lỏng khớp xương, uể oải và suy nhược.
Mô hình của sự kiệt quệ 
Đối diện, phía dưới
Hình ảnh này mô tả các bộ phận cơ thể mà bệnh về khí chất bắt đầu từ đó: rối loạn Khí trong hệ thống xương khớp; rối loạn Mật trong máu và mồ hôi, rối loạn Đởm bắt đầu ở da và các mô bắp thịt, từ đó chúng đi vào dây chằng, xương và những tổ chức bên trong. 
Nguồn gốc bệnh tật, khu rừng các triệu chứng
Một số bức tranh của tác phẩm Blue Beryl mô tả bệnh tật, bệnh lý, sử dụng phương pháp ẩn dụ về một cái cây với nhánh và lá, tượng trưng các thể loại, triệu chứng mất cân bằng chức năng cơ thể. Mật kinh y khoa định nghĩa cơ thể ốm đau là cơ thể mà khả năng bệnh tật bên trong gặp những điều kiện thích hợp để nảy sinh. Trong 404 chứng bệnh và 84.000 nỗi đau đớn được mật kinh y khoa ghi rõ, một số chỉ ảnh hưởng tới phụ nữ, một số bệnh riêng nam giới mắc phải. Có những bệnh chỉ sảy ra ở tuổi thơ hay khi trở về già. Hội chứng ‘lạnh’ phần thân dưới có thể phát sinh đồng thời với hội chứng ‘nóng’ xuất hiện ở phía trên.
Dù mô tả hay phát sinh, bệnh tật có tác dụng phá vỡ các quy trình thông thường của con người, khích lệ chúng ta nhìn nhận lại cuộc sống bản thân. Sogyal Rinpoche viết ‘lúc ốm đau có thể là lúc chúng ta suy nghĩ thoáng đãng nhất, thời điểm con người dễ bị tổn thương lại là cơ hội chịu đựng mãnh liệt bền bỉ…Cuối cùng, đau khổ có thể dạy chúng ta bài học từ bi. Nếu bạn đau khổ, bạn sẽ hiểu được nỗi khổ đau của mọi người. Trường hợp giúp đỡ người khác, qua nỗi đau đã trải nghiệm, bạn sẽ có được kiến thức và tâm từ bi để hành động.
Nhánh đau đớn
Đối diện
Nhánh và lá cây hình thành biểu đồ phát triển các triệu chứng, nét đặc trưng của hiện tượng rối loạn ba tiến trình tâm-sinh lý, hay ba khí chất. Nhánh trên cùng mô tả triệu chứng rối loạn Khí, gồm ngáp, vươn vai, run rẩy, đau tứ chi, buồn nôn, các giác quan trì trệ, tâm trạng xao xuyến. Nhánh phía dưới cho thấy triệu chứng rối loạn về Mật, gồm ợ chua, nhức đầu, sốt, đau buốt phần trên cơ thể. Chiếc lá đầu tiên ở nhánh dưới mô tả nguyên nhân thứ hai của bệnh về Đởm: ăn khó tiêu, nặng bụng; chiếc lá sau đó cho thấy tình trạng ăn không biết ngon, các vấn đề tiêu hóa, nôn mửa liên quan tới sự mất cân bằng khí chất này.  
Chuyển hóa nỗi đau
Tham luyến, ghét bỏ, và lãnh đạm là khuynh hướng tinh thần gây mất cân bằng năng lượng, phát sinh bệnh tật. Các thầy thuốc Tây Tạng nói rằng bệnh tật mang lại sự sáng suốt trong tư duy hơn là lúc con người khỏe mạnh. Thời điểm bệnh tật xuất hiện, nếu bình tĩnh xem xét bản chất, ta có thể thấy được chính tư duy gây ra tình trạng căng thẳng và mất cân bằng sinh lý. Bệnh tật, đau khổ, thậm chí cả thói xấu, khi nhìn sâu vào trong bản chất của chúng bằng trí tuệ và từ bi, đó là những bài học lớn lao. Với suy nghĩ đó, mọi thói quen gây ra bệnh tật cũng có thể được vận dụng làm phương tiện tiến hóa.
Một trong các kỹ thuật thiền của Phật giáo Tây Tạng là phương pháp Tonglen ‘cho và nhận.’ Với thực hành này, con người hít vào nỗi khổ đau của nhân loại, thở ra những phẩm chất tốt đẹp của mình. Thực hành Tonglen không chỉ sử dụng lúc con người cảm thấy mạnh khỏe, mà ngay cả khi ốm đau. Như các bậc thầy giải thích, bạn không nên cố gắng hình dung nỗi đau cá nhân có thể tiêu tan, ngược lại, cần đón nhận thêm nỗi khổ đau của hết thảy sinh linh. Khi làm vậy, cơ thể thư dãn trong trạng thái tự nhiên của nó và thật kỳ diệu, nỗi đau của bạn bắt đầu giảm đi. Sogyal Rinpoch gợi ý là ‘bất kỳ điều gì bạn làm, đừng đóng kín nỗi đau của bạn, hãy chấp nhận và duy trì trạng thái dễ tổn thương. Dù tuyệt vọng, hãy đón nhận nó, vì thực ra nỗi đau đó mang lại cho bạn một món quà vô giá: cơ hội phát hiện những gì ẩn náu đằng sau buồn phiền thông qua thực hành tâm linh.
Chân dung trạng thái kiệt quệ
Phía dưới
Phá vỡ trật tự cân bằng bên trong cơ thể, làm kiệt quệ sức sống, tình trạng căng thẳng là một nhân tố góp phần cho bệnh tật, bức tranh thờ này minh họa những hành vi, điều kiện gia tăng khả năng mắc bệnh: ‘sự quá độ của Khí, thể chất khiếm khuyết, kiệt quệ tình dục khi mới kết hôn, thiếu máu khi mang thai và sau lúc sinh nở, bệnh lao, ung thư phổi, già, thiếu ngủ, phiền muộn, tu khổ hạnh và làm việc quá sức.   
Thói quen hư hỏng
Phía trên
Trong những điều kiện được coi là ảnh hưởng có hại tới sức khỏe, văn bản Blue Beryl liệt kê tới việc sử dụng quá nhiều lượng muối, thịt, rượu và ngồi lâu quá. Lời dặn của Sangwa Tulku ‘nếu bạn thực sự muốn khắc phục nguyên nhân gây ra đau khổ, hãy nhìn vào những thói quen ưa thích của mình. Rồi từ bỏ chúng.’
Ăn uống bừa bãi   
‘Con người ngày đêm chăm chút thân thể. 
Tuy nhiên chỉ có nỗi đớn đau và rối loạn từ đó sinh ra …
Một viễn cảnh buồn, sinh linh bị chế ngự bởi thèm khát và ảo ảnh.
Đức Dalai Lama thứ bảy.
Hãy quan sát kỹ và suy ngẫm,
Con người, vạn vật xung quanh ta 
Tất cả đều thay đổi liên tục
Mọi thứ đều trở thành người thầy của vô thường.
Đức Dalai Lama thứ bảy
Khi bạn mạnh mẽ, khỏe khoắn,
Bạn không bao giờ nghĩ rằng bệnh tật sảy ra.
Nhưng bệnh tật đổ ập xuống với sức mạnh bất thình lình
Giống như tia sét.
Milarepa


KHOA HỌC VỀ CHẤT ĐỘC
Vào thế kỷ thứ tám, các thầy thuốc người Tây Tạng lường trước được sự gia tăng bệnh tật trong tương lai do hóa chất độc hại và môi trường ô nhiễm. Theo Tiến sĩ Tenzin Choedhak, bác sĩ riêng của Đức Dalai Lama, sự xuất hiện mưởi tám loại bệnh mới (gồm viêm màng não, ung thư và những điều kiện tấn công hệ miễn dịch) đã được dự đoán, tất cả có cơ sở là sự bất ổn gia tăng giữa tố chất cơ thể với môi trường bên ngoài.
Trong Mật kinh y khoa có mô tả các độc tố tự nhiên như nọc rắn, vi trùng sốt rét lây từ muỗi đốt, cùng với ảnh hưởng tiêu cực do phơi nắng quá lâu. Chín loại cây mang độc tố được liệt kê bao gồm cà độc dược, cây thường xuân độc (poison ivy). Văn bản y khoa cũng đề cập tới độc tố trong thịt ôi thiu, độc tố tạo ra do tập hợp thức ăn dinh dưỡng không thích hợp: cá và trứng, sữa và củ cải đỏ, là những ví dụ điển hình. Các thầy thuốc Tây Tạng hiện tại cũng nói tới hậu quả độc hại của hóa chất gây nghiện trong thức ăn đã chế biến, xử lý.
Dù chất độc được coi là nguồn gây bệnh, song trong y khoa Mật tông, độc dược cũng là nền tảng cho các phương thuốc tiềm năng nếu sử dụng với điều kiện tinh khiết, đúng liều lượng. Ví dụ, trong phương pháp điều trị vi lượng đồng căn (homeopathic), phụ tử, thủy ngân hàm lượng thấp có thể chữa lành bệnh do dược tính kích thích sức sống cơ thể. Cùng một nguyên lý, ba ‘độc tố tư duy’: vô minh, tham luyến và ghét bỏ, khi được thanh lọc do trực tiếp nhìn sâu vào bản chất của chúng, những độc tố đó trở thành nguồn tiềm năng trí tuệ và năng lượng phục hồi.
Nguồn gốc chất độc
Đối diện
Bức tranh thờ này minh họa nguồn gốc huyền bí của chất độc, được cho là thuộc về các thực thể có răng nanh, trên cổ đeo vòng làm bằng những con rắn, từ đại dương nguyên thủy nổi lên. Bị đập tan bởi thần chú do tùy tùng các thần linh tụng niệm, chất độc Kalakuta (một độc tố huyền thoại) phát tán vào thế giới tự nhiên. Tấm bảng đầu tiên trong bốn tấm phía dưới mô tả nguồn gốc độc tố tự nhiên và độc tố được pha chế, gồm thịt ôi thiu, chồn, cóc, bọ cạp, thằn lắn núi, rắn và tia tử ngoại. Ba tấm bảng kia mô tả các phương thức chất độc có thể lây lan, kết thúc bằng hình ảnh một người bị chó dại cắn.
Ma thuật và vong linh độc ác 
Theo lý thuyết y khoa Tây Tạng, những sinh linh mà tư duy chưa đạt tới mức trong sáng và trí tuệ hiểu biết lệ thuộc vào tác động của môi trường, chúng được coi là ma quỷ. Dù thầy phù thủy độc ác triệu thỉnh, hay ngẫu nhiên xuất hiện, bệnh do vong linh độc ác gây ra không phải là hiếm. Tiến sĩ Yeshi Donden nói rằng ‘thậm chí tôi không đếm được số người bị ảnh hưởng bởi vong linh…Dù không trông thấy, vong linh chắc chắn tồn tại và gây tai họa.’
Ảnh hưởng xấu của địa điểm
Bên trái
Một số nơi như lò sát sinh, lò rèn vốn dĩ là nơi uế tạp. Gặp phải năng lượng vong linh tiêu cực ở đó, con người có thể mắc các chứng bệnh khó chẩn đoán, có triệu chứng giống như dị ứng.
Vong linh gây lây nhiễm
Phía dưới
Theo Blue Beryl, nghi lễ kéo dài và hướng dẫn sai lầm có thể quấy nhiễu các thực thể gây bệnh trong môi trường. Minh họa ở đây là vong linh dưới nước (naga: thủy thần), vong linh khu vực (sadag: thổ thần), và thần linh trong cõi đời mà bộ giáp trụ của họ tiêu biểu cho tính hiếu chiến 
Hoạt động của phù thủy
Phía trên và bên trái
Vong linh được tin là có tồn tại như một dạng lan tỏa từ môi trường vật chất. Được triệu thỉnh thông qua nghi lễ, bản chất năng lượng trung tính của vong linh có thể thu nạp để ngăn ngừa bệnh tật, hoặc như phác họa ở đây, được sử dụng để chống lại kẻ thù gây bệnh tật, rủi ro.   
Ảnh hưởng của ma quỷ
Truyền thống pháp sư cúng bái thời tiền Phật giáo ở Tây Tạng sinh động hóa tư duy và tự nhiên bằng các sức mạnh vô hình hay năng lượng. Dù Phật giáo không công nhận ma quỷ là hình thức phóng xuất của tư duy (mental projections), song các vong linh độc ác vẫn được biểu tượng hóa thông qua một dãy cảm xúc rộng lớn. Ma quỷ có hai loại, một loại bắt nguồn từ hy vọng, một loại sinh ra bởi lo lắng, mỗi một dạng thể hiện sức chống đối của chúng ta với bản chất vô thường trong mọi thực nghiệm. Trungpa Rinpoche giải thích: Những gì chúng ta muốn loại ra khỏi cuộc đời là ma quỷ, những gì chúng ta muốn kéo về cho mình là các nam nữ thần linh.
Kẻ địch không nhìn thấy
Bên trái
Ma quỷ có thể là nguyên nhân của vô vàn nỗi đớn đau tư duy, thể xác. Bức tranh này mô tả dạng vong linh dưới nước, nguyên nhân sưng tấy các chi nửa dưới cơ thể. Những nỗi đau như vậy có thể là kết quả từ sức mạnh lôi cuốn không mong muốn, hay vô tình xâm phạm tới vong linh cư trú trong vùng.
Ma quỷ ảnh hưởng đến tuổi thơ
Phía dưới
Theo Tây Tạng Y Khoa, có mười lăm con quỷ làm rối loạn thần kinh trẻ em. Hình vẽ dưới đây là quỷ mặt chó, nguyên nhân gây ra run sợ, quỷ đói với cái mồm rộng mở khiến hơi thở ngắn, nữ quỷ mặt chim làm trẻ em phát sốt, nữ quỷ phân hủy gây ra bệnh ỉa chảy và nấc, nữ quỷ rét và mù lòa thuộc loài quỷ phân hủy chịu trách nhiệm về chứng run rẩy và khiếm thị, nữ quỷ mặt thô làm ăn mất ngon, nữ quỷ tai thỏ màu xanh Revati, kẻ khiến nước da trẻ em xanh xám.
Dịch bệnh trẻ em do ma quỷ
Phía trên
Lan truyền từ cõi hư ảo, ma quỷ có thể là nguồn gốc vô số chứng bệnh, y học hiện đại coi đó là bệnh tưởng, không chữa được.
Ma quỷ
Bên phải
Dù chỉ là biểu tượng của năng lượng tâm linh hay là dạng thực thể tồn tại vượt trên cả hiểu biết hiện nay, khái niệm ma quỷ rộng mở tư duy tới những sức mạnh tiềm thức.   
Điên rồ và rối loạn thần kinh
Trong lý thuyết y khoa Tây Tạng, rối loạn bệnh lý của tư duy và tinh thần phát sinh do sự mất cân bằng các nội tố chất trong cơ thể, kết quả tình trạng nhiễm độc, quá buồn rầu, lo lắng băn khoăn, căng thẳng tinh thần, cũng như do nghiệp quả chín muồi và sở hữu ý tưởng ma quỷ. Phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra chứng bệnh tinh thần của mỗi cá nhân, phương pháp điều trị đề xuất một loạt thay đổi từ cách ăn uống, hành xử, tới châm cứu, bốc thuốc, phù chú và cúng bái (shamanistic rites). Trong trường hợp điên rồ cực nặng, chỉ có mỗi phương thuốc hiệu quả là dùng máu khô của một nạn nhân bị giết quệt lên môi bệnh nhân, đây là một chất liệu cực kỳ hiệu nghiệm.
Với hành giả Mật tông, người đã từ bỏ mọi định nghĩa đời thường về thực tại (thực tại ước lệ), điên khùng là mối nguy hiểm mãn tính, vì thế hiểu biết về bản chất trống rỗng của mọi hiện tượng trở thành một điều kiện tiên quyết tuyệt đối. Trong thế giới huyền ảo này, ranh giới chính xác giữa bệnh tâm thần và trạng thái giác ngộ được Sangwa Tulku chỉ rõ: ‘Nếu ý nghĩ của một ai đó chỉ quan tâm tới bản thân, đó là bệnh về tinh thần, nếu họ quan tâm tới hạnh phúc của người khác, đó là trí tuệ siêu phàm, dù cho cách cư xử bên ngoài có vẻ kỳ cục.’
Nguyên nhân của bệnh điên dại
Tấm bảng đầu tiên cho thấy sự trục trặc trong các tố chất thuộc hệ thống tâm-sinh lý, tượng trưng là một con quỷ thâm nhập vào đường kinh lạc trung ương làm rối loạn các nhánh năng lượng nối với ý thức và suy nghĩ lý trí. Điều kiện tiên quyết của căn bệnh này thể hiện ở phần dưới bảng: ở đây, triệu chứng bị quỷ ám được mô tả là một nhà sư loạn trí cầm thanh kiếm.
Bệnh tưởng tượng
Phía trên và phía dưới
Một trăm linh một (101) bệnh tật của cơ thể và tinh thần được quy cho là do ma quỷ can thiệp vào. Cùng với việc sử dụng thuốc men điều chỉnh tình trạng mất cân bằng các phản ứng hóa học tác động lên hệ thần kinh trong cơ thể, phương pháp điều trị còn gồm cả nghi lễ huyền môn dựa trên cơ sở phân tích nước tiểu và chẩn mạch bệnh nhân.


Chết và quá trình tan rã
Cái chết cùng mọi chứng bệnh ở giai đoạn cuối buộc chúng ta phải đối mặt với thân xác tạm bợ và bản chất phù du của mọi hiện hữu. Nếu chối bỏ hay khuất phục sự kiện, cách suy nghĩ đó có thể đưa tới chứng bệnh điên khùng, phiền muộn. Chấp nhận cái chết, chấp nhận bệnh tật, thái độ này sẽ giải phóng nỗi lo lắng, niềm hy vọng không vững vàng, thứ làm đời người ngắn ngủi. Suy ngẫm về nỗi khổ đau là nền tảng Phật giáo. Gặp phải những triệu chứng, nguồn bệnh, từ ung thư tới nỗi bất an nguyên thủy, điều này khiến xúc cảm quyến luyến giảm dần, lòng từ bi phát triển mạnh mẽ. Ma quỷ, các bộ xương người và vong linh dật dờ, lối mô tả bằng tranh về cảm giác hãi sợ thường gặp trong nghệ thuật Mật tông, tất cả được thiết kế để giải thoát con người khỏi nhận thức rời rạc, vụn vặt. Trừ khi chúng ta ghi nhận những hình ảnh đó vào trong ý thức, còn thì cuộc sống sẽ đầy rẫy những lảng tránh vô tận, không bao giờ đạt tới mức độ trong sáng và tự phát của trạng thái thức tỉnh. Hoạt động như một thần tượng của sự thật căn bản đằng sau mọi hiện hữu dưới dạng cơ thể, bộ xương người đang mỉm cười cho chúng ta biết giấc mơ không thể có được về một tình trạng bền vững, đưa chúng ta tới những gì tiềm ẩn: khả năng mạnh khỏe căn bản, điều không thể có trong khổ đau.
Khuôn mặt vô thường
Bên trái
Cuộc sống và cái chết chỉ tồn tại trong tư duy, không nơi nào khác. Tư duy là “…nền tảng chung cho mọi thực nghiệm, là nhân tố sáng tạo hạnh phúc và khổ đau, là nhân tố sáng tạo điều chúng ta gọi là sự sống và cái chết.” 
Sogyal Rinpoche.
Vũ điệu trong trống rỗng
Bên phải
‘Cuối cùng, khi sinh lực của bạn tan rã, hãy quan sát các tố chất cơ thể phân hủy. Rồi như gặp lại người bạn cũ, hãy nhiệt thành đón chào ánh sáng trong trẻo của cái chết.
Đức Dalai Lama thứ bảy.
Bệnh tật trong cuộc đời
Phía trên
Một con rồng nuốt mặt trời, mặt trăng tượng trưng cho bệnh tật hiểm nghèo, nếu không điều trị con người có thể chết. Điều kiện khiến bệnh trở nên nguy hiểm gồm trường hợp bệnh nhân không uống thuốc, thầy thuốc kém cỏi kê một đơn thuốc dùng cho hàng trăm loại bệnh khác nhau. Tấm bảng thứ hai cho thấy điều trị các cơn sốt phức tạp tựa như xây một cái đập ngăn nước lũ. Trường hợp khác, phương pháp điều trị giống như những người đi buôn có vũ trang để bảo vệ một đoàn xe hàng hóa. Với bệnh tật phát sinh do nghiệp quả quá khứ, không một thứ thuốc nào có hiệu quả, bệnh nhân sẽ phải chết.      


3 CHẨN ĐOÁN: PHÁT HUY TRÍ TUỆ
Vô minh được coi là nguyên nhân chính gây ra đau khổ, do vậy việc điều trị trước tiên phải thấu hiểu nguồn gốc trạng thái đau khổ. Sự thật thứ hai trong Bốn Sự Thật Cao Quý mà Đức Phật giảng dạy, đó là nguồn gốc khổ đau, Đức Phật cho biết nỗi khổ bắt nguồn do hiểu biết quá sơ sài về con người. Tương tự, trong y khoa, trước khi chữa bệnh, bản chất căn bệnh cần nắm vững. Đạt được mục tiêu này là chức năng chẩn đoán, nghĩa đen: nhìn thấu, thấu hiểu, Tây Tạng Y Khoa gọi là ‘ngozen’: nhận thức, hay nhận dạng.
Trong Tây Tạng Y Khoa, phương pháp chẩn đoán nhằm mục đích hiểu và biết tiến trình bệnh tật, hơn là phân tích những phẩm chất cực nhỏ của tổ chức nhiễm bệnh. Tiến sĩ Lobsang Dolma nói ‘Không có các dụng cụ hỗ trợ thị giác, thính giác hay thiết bị vi tính để chẩn đoán, mà chỉ có giác quan đã được tôi luyện của thầy thuốc. Khả năng này phát triển qua nhiều năm, tập trung vào mục đích kiểm tra mạch đập, nước tiểu bệnh nhân.’
Để bản thân cảm nhận được tình trạng mất cân bằng tinh tế trong các khuôn mẫu năng lượng của cơ thể và chú trọng tới ảnh hưởng thời tiết; điều kiện và lối hành xử có thể gây ra bệnh tật cần tránh xa. Người Tây Tạng nói: hiểu biết nguyên nhân bệnh tật không chỉ ngăn ngừa, điều trị, mà còn là bước đầu tiên phát triển trí tuệ.
Khi bệnh tật nảy sinh, thầy thuốc Tây Tạng khuyến khích bệnh nhân nhìn sâu vào nguyên nhân bệnh tật để chuyển hóa chúng thành nguồn trí tuệ. Lương y Tsampa nói ‘Chỉ có trải nghiệm được mọi gốc rễ của bệnh tật mới có thể xác định rõ bản chất bệnh tật và triển khai phương pháp điều trị.
Ba nhánh thẩm tra
Đối diện
Trên một cái cây minh họa các phương pháp chẩn đoán dùng trong hệ thống y khoa Tây Tạng, nhánh phía dưới bên trái cho thấy lưỡi con người thể hiện các trạng thái mất cân bằng ba khí chất, nhánh phía trên mô tả phương pháp phân tích nước tiểu. Nhánh chính giữa nêu lên cách bắt mạch, kỹ thuật chấn đoán chính của Tây Tạng Y Khoa. Nhánh thứ ba chia ra làm ba nhánh phụ, miêu tả các triệu chứng và một loạt phương thức điều trị bệnh tật cho ba khí chất.
Chẩn đoán thông qua lưỡi
Phía dưới
Phương pháp chẩn đoán thông qua quan sát lưỡi người bệnh bắt nguồn từ truyền thống y khoa Trung Quốc. Lưỡi khô, quăn lại chứng tỏ Khí mất cân bằng kèm theo sốt cao. 
Nguồn gốc chẩn đoán
 Trước khi đưa ra một phương pháp điều trị thích đáng, người thầy thuốc phải hiểu rõ mọi nguyên nhân sâu xa căn bệnh của bệnh nhân. Giáo sư Yeshe Donden quan sát thấy ‘các nhà khoa học phương Tây dùng kính hiển vi để thẩm tra nguyên nhân bệnh tật dưới dạng tế bào, sau đó mới xem xét đặc điểm cụ thể của người bệnh. Thầy thuốc Tây Tạng bắt đầu từ bệnh nhân.’
Nguồn gốc hồi phục
Phía dưới bên phải
Chẩn đoán bệnh trong y khoa Tây Tạng chủ yếu là quan sát, phân tích nước tiểu, thẩm tra mạch, hỏi bệnh, minh họa bằng một nhóm thầy thuốc và bệnh nhân dưới gốc cây.
Lưỡi bệnh nhân trong tình trạng Khí mất cân bằng
Bên trái
Chi tiết trong Tây Tạng Y Khoa họa đồ còn bao gồm cả hình ảnh để ghi nhớ và truyền cảm hơn là chỉ đơn thuần minh họa chính xác trạng thái bệnh lý. Trên mọi phương diện, thông tin thể hiện qua hình ảnh ghi nhớ được bổ xung bằng giáo lý khẩu truyền của các bậc thầy y khoa. Về mục tiêu chẩn đoán, đầu lưỡi liên quan tới tình trạng mất cân bằng ở khoang ngực, phần giữa lưỡi và gốc có quan hệ với phần bụng trên và bụng dưới, người thầy thuốc thẩm tra màu sắc, hình thù, kết cấu và lớp phủ trên lưỡi để xác định bản chất bệnh tật.
Tiến trình chẩn đoán
Phía dưới
Trong tấm bảng mô tả ba phương thức tiếp cận đầu tiên dùng để chẩn đoán, người thầy thuốc kiểm tra kỹ lưỡng lưỡi, thể lực và nước tiểu bệnh nhân. Chi tiết thứ hai minh họa thao tác bắt mạch, chi tiết thứ ba mô tả người thầy thuốc hỏi nguyên nhân, vị trí, triệu chứng bệnh.     


Nguyên lý chẩn đoán
Để có khả năng đánh giá chính xác nguyên nhân bệnh tật, một thầy thuốc giỏi phải là người nắm vững không chỉ ở ba kỹ thuật chẩn đoán chính yếu, mà còn thông thạo trong việc tiến hành quy trình thứ hai: tiến hành khám phá bản chất đặc trưng trạng thái rối loạn. Nhờ đó người thầy thuốc tránh được vấn đề cho thuốc quá liều lượng, tránh được tình trạng phản tác dụng của trị liệu. Ngay khi bệnh thuộc về Khí Chất tập trung tại các vị trí tương ứng trên cơ thể, thuốc an thần cần được cấp phát, tùy thuộc vào chẩn đoán. Tiến trình tẩy rửa nhẹ nhàng chỉ áp dụng khi chứng bệnh xuất hiện. Nếu chẩn đoán đầu tiên không chính xác, thay vì công hiệu, thuốc điều trị có thể gây hậu quả xấu, làm phát sinh các bệnh khác. Danh y Tsampa nói ‘không có kiến thức chẩn đoán đúng đắn, quá trình điều trị chỉ mang lại hậu quả phức tạp. Thầy thuốc như vậy được ví như con cáo quỷ quyệt chiếm đoạt ngôi vua.’ Các bức tranh y khoa gồm nhiều hướng dẫn ẩn dụ về tiến trình chính xác cần tuân thủ.
Chẩn đoán thử nghiệm 
Bên trái và ở giữa 
Khi chưa rõ nguồn gốc căn bệnh, người thầy thuốc có thể làm một số thử nghiệm về tình trạng nghi là mất cân đối, bằng cách cho uống các loại thuốc sắc khác nhau. Nếu chẩn đoán ban đầu chính xác, trạng thái mất cân bằng sẽ giảm đi, bệnh nhân không cần tới một hướng điều trị khác.
Tiến trình chẩn đoán
Phía dưới
Xét nghiệm đầu tiên về rối loạn tiêu hóa, biểu thị bằng số lượng thuốc xổ cần thiết, đó là nước của quả kha tử sắc lên. Xét nghiệm cho thấy cần thiết áp dụng trị liệu ngải cứu là dùng một miếng gạc tẩm dầu nóng ấm. Để xác định hiệu quả của liệu pháp trích huyết, một viên đá lạnh được đặt lên trên da. Để xét nghiệm xem đã có thể hút mủ từ nơi bị sưng to, một cái que thăm nóng cần đặt lên khu vực viêm nhiễm.
Nguyên tắc chỉ đạo của thầy thuốc
Phía trên
Tiến hành điều trị mà không nắm vững nguyên lý chẩn đoán tựa như một cung thủ bắn trong bóng đêm. Trừ trường hợp bệnh tật đã được xác định cụ thể, chi tiết, còn thì người thầy thuốc cần thận trọng không khác bước đi của con mèo. Khi đã chẩn đoán chính xác, điều trị phải mang tính quyết định giống như phất cao ngọn cờ trên nóc nhà. Nếu căn bệnh thứ hai cần xử lý trước, hãy như điều khiển chú ngựa hoang dã bằng một chiếc roi. Điều trị bệnh nhân trước đây dùng sai thuốc, phải tiến hành tuyệt đối chính xác tựa như con mòng biển bắt cá.  
Đọc mạch (bắt mạch)
Nghệ thuật chẩn mạch là một trong các nét đặc thù hết sức bí ẩn và ấn tượng của Tây Tạng Y Khoa. Đặt ngón tay vào những điểm cụ thể ở cổ tay bệnh nhân, người thầy thuốc giàu kinh nghiệm hòa nhập ý thức bản thân mình vào nhịp đập của máu, bạch huyết và năng lượng thần kinh của bệnh nhân, đó là những thứ truyền tải mọi thông điệp về tình trạng sức khỏe, sinh lực. Hình thức đọc mạch là người thầy thuốc dùng ba đầu ngón tay của mình nhấn vào ba điểm trên cổ tay bệnh nhân với áp lực khác nhau. Có mười hai cách đọc mạch để phát hiện thông tin chi tiết liên quan tới tình trạng mất cân quân bình trong cơ thể người bệnh. Được mô tả bằng ẩn ngữ ‘âm thanh nước suối róc rách chảy’, ‘tiếng gà mổ thóc’, hay ‘điệu bộ loạng choạng của một con chim què quặt’, mạch đập không chỉ cho thấy tình trạng vật chất, xúc cảm, trạng thái tinh thần của con người, mà người ta cho rằng dưới bàn tay người thầy thuốc trình độ, mạch đập con người có tác dụng như công cụ để nhận biết thọ mạng, biết được các sự kiện quá khứ, tương lai.
Kỹ thuật chẩn đoán
Đối diện
Bức tranh y khoa giới thiệu các chủ đề trong chẩn đoán mạch, như thời gian, vị trí kiểm tra; áp lực và tư thế các ngón tay, thời tiết, đặc điểm từng loại mạch đập.
Mạch ‘kỳ quái’
Phía dưới
Mạch đập không chỉ cho biết tình trạng sức khỏe người đó, mà còn liên quan tới người thân của họ. Ở đây cho thấy một thầy thuốc giỏi có thể chẩn đoán bệnh của người cha bằng cách bắt mạch người con.
Thầy thuốc Tây Tạng so sánh sóng năng lượng tỏa ra tại những điểm khác nhau trên cơ thể như là thông điệp truyền tải dữ liệu quan trọng về tình trạng sức khỏe bệnh nhân. Đề kiểm tra mạch đập liên quan tới nội tạng, người thầy thuốc đặt ba ngón tay lên động mạch quay rồi nhấn nhẹ vào trong dòng năng lượng sinh học đang lan tỏa suốt cơ thể người bệnh. Như đã minh họa ở trên, mạch đập của cái chết sắp sảy ra có thể đọc được ở mạch máu trên mu bàn chân. Động mạch cảnh dẫn máu tới đỉnh đầu cho biết những bệnh tật ở phần trên cơ thể, còn động mạch đùi ở háng, động mạch nách nằm ở nách, cho biết bệnh tật ở phần dưới thân thể. Nhịp đập của nội khí và máu tại trung tâm trái tim quyết định thọ mạng của bệnh nhân.
Nhịp điệu mạch đập
Phía trên
Người thầy thuốc đo nhịp điệu mạch đập với hơi thở của mình. Trường hợp mạnh khỏe, mạch đập hai lần trong một lần thở ra, đập một lần lúc ngưng thở và hai lần trong lúc hít vào. Mỗi cổ tay cần kiểm tra riêng rẽ với số lượng mạch đập ít nhất một trăm lần.
Phía dưới bên trái
Những điểm khác thường trong vị trí và tần số mạch đập của một người khỏe mạnh có thể bị lầm lẫn với dấu hiệu bệnh tật
Bên phải.
Mạch xoắn (twisted pulse) dưới ngón tay giữa của thầy thuốc, cho biết về sự tổn thương của xương sọ…mạch nhanh khác thường dưới ngón tay đeo nhẫn cho thấy não bộ tổn thương.
Phía dưới
Người ái nam ái nữ hay ‘mạch bồ tát’ (bodhicitta pulse)… có thể lầm với mạch yếu và chậm, biểu hiện của triệu chứng cảm lạnh…Mạch không nhận biết được hay mạch ngắt quãng báo trước một cái chết sắp xảy ra. 
Dự đoán thông qua chẩn mạch
Theo các hành giả y khoa Tây Tạng giàu kinh nghiệm, mạch đập thể hiện những năng lượng tinh tế mà khoa học phương Tây không thể đo được. Thầy thuốc với độ nhạy cảm đặc biệt có khả năng thông qua mạch đập, họ không những đọc thấy trạng thái mất cân bằng trong cơ thể, mà còn biết trước các sự kiện sắp xảy ra. Thâm nhập vào hệ thống bạch cầu, máu và thần kinh của bệnh nhân bằng trạng thái mẫn cảm (heightened awareness), người thầy thuốc tiếp xúc với cơ thể tinh thần của bệnh nhân, mà thân xác chỉ là biểu hiện phù du. Mặc dù hiện nay các thầy thuốc Tây Tạng bình thường không mấy khi thực hành kỹ thuật đó, song hình thức chẩn mạch này vẫn được các lama cao cấp, các đồng tử sử dụng như phương tiện hỗ trợ, tiếp cận tư duy vô thức của bệnh nhân và truyền tải năng lượng chữa lành bệnh. Lhamo, nữ đồng tử người Tây Tạng nói ‘Khi tôi đặt tay lên cổ tay bệnh nhân, những hình ảnh xuất hiện không phải do tôi tưởng tượng, chúng dâng lên từ trong ý thức hiểu biết bị nén lại của bệnh nhân.’ Theo bà, khôi phục lại sức mạnh cho ý thức (giải nén cho ý thức) không chỉ phát hiện được những nguyên nhân tiềm ẩn của bệnh tật, mà còn mở đầu tiến trình điều trị. Lời của Tulku Sangwa: ‘Thức ngộ đúng đắn được tình trạng mất cân bằng của con người là một nửa chặng đường chữa lành bệnh tật.’
 Mạch dự đoán
Bên phải
Tây Tạng Y Khoa Mật Kinh bao gồm nhiều chương về các hình thức chẩn đoán mạch rất phức tạp có thể dự báo sự kiện tương lai. Bên phải là hình mô tả ‘mạch yếu ớt song lại đập rất nhanh đến mức gần như bất động’ báo trước những thực nghiệm khủng khiếp sẽ sảy ra cho người được kiểm tra mạch.
Mạch bạn-thù
Phía trên
Trong chuỗi mạch dự đoán ‘bạn và thù’, nếu mạch ‘bạn’ đập với nhịp điệu của mạch ‘thù’, tức là mạch đập thuộc tỳ (lá lách) và tố chất đất cùng nhịp điệu, điều này cho thấy sự giàu sang của con người sẽ bị đối thủ lấy đi.
Mạch kỳ dị
Bên phải
Một loạt những mạch kỳ dị cho biết diễn biến tương lai của một thứ bệnh tật. Ở đây phác họa sự biến đổi của mạch thuộc tụy (an altered spleen pulse) báo trước ảnh hưởng có hại của một loài ma quỷ thứ yếu và các điều kiện ưu đãi cho người vợ bệnh nhân.
Mạch cho thấy bị vong linh khống chế
Bên phải
Trong các chương phụ về khoa nghiên cứu mạch, Mật Kinh Y Khoa mô tả những biến đổi thất thường, đột xuất trong mạch, liên quan tới tình trạng bị mê hoặc và bị ma quỷ khống chế. Ở đây, mạch đập ngắn, yếu, mơ hồ nơi cổ tay bên trái cho biết bệnh nhân bị ma nữ chiếm hữu, ma nữ này là hiện thân của cảm xúc cướp bóc, lợi dụng.  
Mạch báo điềm gở
Trang sau 
Những điểm khác thường trong mạch đập cho biết một chứng bệnh phát sinh trong tương lai cũng như là một cái chết sắp xảy ra.
Vong linh bắt giữ
Phía dưới
Tượng trưng là một dãy dài những năng lượng tâm linh nổi loạn, ảnh hưởng của ma quỷ có thể phát hiện bằng vào các điểm khác thường trong dòng chảy, áp lực và cường độ mạch đập, cùng mối liên quan của mạch với tố chất trội lên trong mùa. Nếu mùa xuân mạch thuộc thận chạy không đều, đó là dấu hiệu bị vong linh khống chế, có thể do ảnh hưởng tai hại của loại vong linh tổ tiên bám dai dẳng trong nhà, vướng mắc vào tài sản kiếp trước. 
Mạch đập của sự sống và cái chết
Trong phép chẩn đoán mạch của Tây Tạng, sinh lực (life force) hai con người được nối với nhau qua cảm giác tiếp xúc. Thầy thuốc có thể thẩm tra mạch của người phụ nữ có thai nhiều tháng trước khi sinh nở, biết được giới tính thai nhi. Nếu muốn, người thầy thuốc có thể bào chế thuốc để chuyển đổi giới tính của đứa trẻ. Mật kinh y khoa cũng mô tả cụ thể mạch đập báo trước cái chết đang tới gần. Một số mạch giống như ‘lá cờ phấp phới trong gió’, ‘chim kền kền tấn công chim con, dừng lại, bổ nhào, vỗ cánh thật nhanh, dừng lại rồi tiếp tục bay’. Một loại mạch báo trước cái chết được minh họa như ‘nước bọt của một con bò chảy rãi’. Trong suốt cuộc đời, mạch đập là một dòng tiềm ẩn tất cả những mô hình hoạt động về kiếp sống tương lai con người. Danh y Dechen mô tả ‘mạch đập là chiếc cầu nối giữa quá khứ và tương lai…, nhịp mạch đập là nhịp điệu của vô thường, rộng mở, tăng trưởng, sáng tạo.’ Như được hiểu trong Phật giáo Tây Tạng, sự mầu nhiệm của sinh tử khai mở những bước đầu cho chúng ta đi sâu vào mạch đập của cuộc đời, vào trong tâm từ bi, khả năng cảm nhận hòa đồng với hết thảy sinh linh.
Thụ thai và sinh nở
Phía trên
Mạch đập của người phụ nữ có thai được mô tả như lồi ra và quay tròn. Nếu thêm vào đó là mạch đập thuộc thận bên phải mạnh hơn bên trái, con trai sẽ ra đời, nếu mạch thuộc thận bên trái trội lên, em bé sẽ là con gái. Chẩn đoán mạch phức tạp cũng được sử dụng để dự đoán hậu quả sinh nở và tương lai em bé.
Mạch của cái chết
Phía dưới bên trái
Như ở đây cho thấy, mạch thuộc tim bị mất báo trước cái chết nếu tín hiệu bên ngoài quan sát được ở trên lưỡi và trong mắt xác nhận dự báo này. Không tìm thấy mạch thuộc phổi, điều này cho biết cái chết sắp xảy ra nếu mũi như bị bẹp và lông mũi dựng lên.
Đối diện
Mạch báo trước cái chết khi nét đặc thù của mạch không thích ứng với bản chất căn bệnh hay tình trạng người bệnh. Bức tranh đầu tiên minh họa một mạch đập yếu ớt, mảnh dẻ trong cơ thể một người mạnh khỏe đột ngột mắc bệnh. Mạch đập cồng kềnh, khích động trong cơ thể của một người sau thời gian dài ốm đau suy nhược cũng cho thấy một cái chết gần kề, tựa như mạch được coi là biểu hiện của bệnh sốt lại thấy ở bệnh cảm hàn, hoặc là mạch thuộc về bệnh cảm hàn thể hiện trong cơn sốt.
Sinh và tử
Bên trái
Nếu mạch của bé trai đập với đặc tính của mạch kẻ thù, quá trình sinh nở sẽ rất phức tạp, người mẹ sẽ chết, em bé sẽ khó nuôi.
Phân tích nước tiểu
Trong Tây Tạng Y Khoa, 5% chứng bệnh được cho là có thể nhận biết rõ ràng bằng chẩn đoán mạch. Trường hợp phát sinh nghi vấn, việc thẩm tra nước tiểu có thể tìm ra những bệnh khác. Bình luận về hiệu lực tổng hợp của hai phương pháp chẩn đoán chủ chốt, Tiến sỹ Lobsang Dolma phát biểu ‘Tây Tạng chúng tôi có câu nói: hãy tiếp xúc và quan sát, mọi thứ sẽ được biết.’
Chỉ căn cứ duy nhất vào cơ quan cảm nhận, thầy thuốc Tây Tạng kiểm tra nước tiểu của bệnh nhân thông qua màu sắc, cặn, mùi, sự hình thành bọt và cặn nước tiểu. Khuấy nước tiểu trong một cái bát sứ trắng, một số mô hình, hình ảnh xuất hiện, qua đó người thầy thuốc giàu kinh nghiệm có được một bản phân tích chi tiết về tình trạng sức khỏe bệnh nhân.
Chất lỏng của cuộc đời
Đối diện
Tấm bảng cuối cùng của bộ tranh thờ minh họa hình thức thông thường để phân tích nước tiểu, bức tranh thờ phức tạp này trình bày các kỹ thuật, phương pháp kiểm tra nước tiểu, phát hiện những dấu hiệu bệnh nhân bị vong linh khống chế. Tấm biểu đồ hình tròn phía trên góc bên trái chia mẫu nước tiểu làm chín khu vực. Khu vực trung tâm tiêu biểu cho hộ gia đình, xung quanh là đồng lúa, nghĩa địa và núi non. Cuối cùng là những điềm báo trước dựa trên sự xuất hiện của hơi nước tiểu ở các khu vực khác nhau. Trong biểu đồ phức tạp phía dưới, vòng trong tiêu biểu cho mẫu nước tiểu trong bình chứa, những phần bên ngoài cho thấy tình trạng dư thừa các tố chất đất, nước, lửa, gió, ảnh hưởng tới mẫu nước tiểu (xem biểu đồ trang 186). Biểu đồ dự đoán mô tả trong góc bên phải phía dưới có liên quan tới thần linh, tổ tiên và vong linh bản địa.
Thời điểm thẩm tra
Phía trên bên phải
Mẫu nước tiểu cần lấy vào lúc tảng sáng, khi năng lượng mặt trời và mặt trăng tương đương. Như minh họa ở đây, nước tiểu lấy trước 4 giờ sáng không thích hợp. Ngoài việc chẩn đoán bằng nước tiểu, để khắc phục khiếm khuyết của hệ miễn dịch, làm loãng nước tiểu một cách hợp lý là điều kiện bắt buộc.
Những chiếc lá chẩn đoán
Bên phải
Chi tiết Cây Chẩn Đoán miêu tả quá trình phân tích nước tiểu của bệnh nhân bị ảnh hưởng mất cân bằng ba Khí Chất       
Giải thích về giấc mơ
Giấc mơ của bệnh nhân có thể phân tích để bổ xung cho chẩn đoán. Khí mất cân bằng tạo ra những hình ảnh rời rạc bay lượn hay cưỡi ngựa. Mật mất cân bằng hình thành cảnh tượng trong mơ di chuyển chậm chạp kỳ quái với màu sắc đặc trưng đỏ hay vàng. Người chịu ảnh hưởng tính trội của Đởm thường mơ có cảm giác đụng chạm thân thể và phúc lạc, cũng như hình ảnh màu trắng của tuyết, nước, hoa trắng hay ngọc trai. Những giấc mơ như vậy báo trước cái chết sắp sảy ra.
Niềm tin truyền thống Tây Tạng cho là các trạng thái ngủ và nằm mơ tương ứng với thực nghiệm con người tại thời điểm chết, khi mà, sau một khoảng thời gian vô thức, lúc này tư duy đã thoát ra khỏi cơ thể vật chất rồi bắt đầu bừng tỉnh lại. Theo Phật giáo Tây Tạng, trong trạng thái trung chuyển giữa cuộc đời này và cuộc đời kế tiếp sau đó, tư duy hoặc thức ngộ được ánh sáng cố hữu của nó, hoặc là nạn nhân của một loạt phóng tưởng ma quỷ.
Nguồn gốc giấc mơ
Đối diện
Bức họa trung tâm mô tả sự hình thành của hình ảnh trong mơ bắt nguồn từ tiềm thức (alayavijyana: tàng thức hay ý thức nền tảng) định vị ở giữa trái tim. Khi ngủ, ý thức trong mơ di chuyển cùng với hơi thở duy trì sự sống. Di chuyển lên đỉnh đầu, ý thức tạo ra hình ảnh về cõi thượng đế và các hình ảnh khác như trèo lên núi hay trèo lên một cái thang. Nếu ý thức mơ hồ đi xuống phần dưới cơ thể, người nằm mơ thấy di chuyển xuyên qua một vùng tối đen đáng sợ. Những tấm bảng xung quanh minh họa các điềm báo mà người thầy thuốc gặp trên đường tới nhà bệnh nhân, minh họa giấc mơ đặc trưng của cá nhân chịu ảnh hưởng một trong ba Khí Chất.
Điềm báo tử
Phía dưới
Theo truyền thuyết Tây Tạng, giấc mơ chịu ảnh hưởng của Diêm Vương là mơ thấy cưỡi súc vật.
Đối diện và ở phía dưới
Hình ảnh trong mơ dự báo thần chết gồm cảnh tượng cưỡi lên con cáo, cưỡi tử thi, trần truồng trên lưng trâu, lạc đà, bị một con cá khổng lồ nuốt. Tương tự, điềm báo rủi ro là đi vào trong tử cung, bị nước cuốn trôi hay chìm vào trong đống sình lầy.
Phía trên
Giấc mơ điềm báo trường thọ và thoát khỏi bệnh tật gồm hình ảnh cưỡi bò, bơi qua sông, đi về hướng đông bắc, hay thoát khỏi một hoàn cảnh nguy hiểm.    
4-ĐIỀU TRỊ: PHỤC HỒI TÌNH TRẠNG CÂN BẰNG
Chủ đề sức khỏe hoàn hảo, chấm dứt đau khổ, là Sự Thật Thứ Ba mà Đức Phật giảng dạy trên 2000 năm trước đây. Ở Tây Tạng, sowa rigpa, khoa học chữa bệnh, được sắp xếp từ phương pháp săn sóc sức khỏe theo tự nhiên (naturopathic) cho tới thực hành bí truyền để thanh lọc mọi tinh chất bên trong cơ thể, loại bỏ nền tảng từ đó bệnh tật phát sinh. Điểm độc đáo trong khái niệm trị bệnh ở Tây Tạng là ý tưởng của Phật giáo: nỗ lực đạt tới giải thoát nỗi đau đớn trong hoàn cảnh hiện hữu có điều kiện. Các thầy thuốc Tây Tạng khẳng định, trừ khi cách ly tình trạng vô minh và xúc cảm thèm khát ra khỏi dòng tư duy, còn thì dù nghĩ rằng mình rất khỏe mạnh, thực ra chúng ta vẫn ốm yếu. Nỗi khổ nguyên thủy của một ý thức hiểu biết hạn chế chỉ có thể chữa lành bằng thứ linh đan tối thượng trong thực hành tâm linh. Chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng bí truyền của Tây Tạng Y Khoa - từ phương thức cải lão hoàn đồng đến thực hành yoga giới tính - tất cả dựa trên cơ sở phục hồi trạng thái cân bằng của thân thể, trái tim và tư duy, rỡ bỏ chướng ngại trong quá trình phát triển, hiểu biết tâm linh.
Chiếc cây Trị Liệu Pháp
Đối diện
Cây Trị Liệu Pháp có bốn cuống lá, tượng trưng các khía cạnh điều trị khác nhau của Tây Tạng Y Khoa. Cuống lá bên trái biểu hiện ăn uống, cho thấy những thức ăn khác nhau dùng trong trường hợp Khí Chất mất cân bằng. Cuống lá về cư xử lại chia thành ba nhánh phụ, mô tả cách ứng xử thích hợp cho bệnh nhân bị mất cân bằng các tố chất Khí, Mật và Đởm. Mười lăm nhánh phụ của chiếc cuống lá thứ ba diễn tả hương vị, tiềm năng, tính chất làm dịu đi, và tác dụng tẩy rửa của những dược phẩm khác nhau. Chiếc cuống lá cuối cùng cho thấy các phương pháp điều trị bên ngoài.
Chuẩn bị dược liệu
Bên trái
Ở dưới gốc Cây Điều Trị là một nhóm thầy thuốc đang chuẩn bị dược liệu. Thầy thuốc Tây Tạng giám sát hoặc tự mình thực hiện từng giai đoạn chuẩn bị, từ lúc bắt đầu thu hoạch dược thảo, rồi tán nhỏ, trộn, thực hành nghi lễ cho các loại bột tổng hợp và thuốc viên. Đặc biệt, những chất độc tự nhiên như thủy ngân, sau khi được thanh lọc kỹ lưỡng, chúng trở thành các phương thuốc cực kỳ hiệu nghiệm.     
Cội nguồn điều trị
Điểm căn bản của hệ thống Tây Tạng Y Khoa là duy trì tình trạng cân bằng các tố chất tâm-sinh lý, thứ cấu thành cơ thể con người. Khi bệnh tật xuất hiện, quá trình cân bằng cần phục hồi thông qua áp dụng bốn bước điều trị. Thứ nhất: giới thiệu những thay đổi tích cực trong lối sống, cách ứng xử, bao gồm liệu pháp thiên nhiên như tắm nước khoáng và xoa bóp. Thứ hai: ăn uống không chuẩn mực cũng được coi là nhân tố chính để bệnh tật phát triển, khuyến cáo về dinh dưỡng căn cứ vào đặc điểm cơ thể con người. Thứ ba: kê đơn thuốc với các phương thuốc thiên nhiên trộn lẫn, gồm thảo dược và tinh hoa của khoáng chất tinh khiết (the purified mineral essence). Bước thứ tư là áp dụng điều trị ngoại khoa như đốt ngải cứu, để tăng cường hiệu quả thảo dược.
Đức Phật và các phương pháp ngoại trị liệu
Đối diện
Ngồi trên tòa sen, Phật Dược Sư hấp thụ trở lại trí tuệ lan tỏa của ngài: Đấng ‘Trí Tuệ Hiểu Biết Nguyên Thủy’ giải nghĩa nguyên bản Mật Kinh Y Khoa. Nhánh phía trên cùng với ba cuống lá minh họa cách sử dụng phương pháp ngoại trị liệu đối với trạng thái mất cân bằng ba Khí Chất. Nhánh bên phải phía trên biểu thị hiệu quả của xoa bóp, đốt ngải cho bệnh nhân khi mất cân bằng về Khí. Nhánh phía dưới mô tả liệu pháp trích huyết và tắm dưới thác nước, đề xuất cho trường hợp Mật trội lên. Khi Đởm mất cân đối, hai chiếc lá mô tả cách điều trị bằng xoa bóp và đốt ngải cứu.
Phương thức điều trị
Bên trái
Như được minh họa phía dưới gốc Cây Trị Liệu, để phục hồi sức khỏe và cân bằng năng lượng sinh học trong cơ thể, thầy thuốc Tây Tạng phối hợp bốn căn bản: ăn uống, hành xử, thuốc men và vật lý trị liệu.  
Tránh xa lầm lỗi
Theo Tây Tạng Y Khoa, khía cạnh quan trọng nhất đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe là nhận thức về thói quen, kể cả thói quen chúng ta cho là có ích, thực ra thói quen thường dẫn tới ốm đau, bệnh tật. Tầm quan trọng lớn nhất là phòng bệnh, tránh xa mọi ứng xử gây nguy hiểm hoặc làm kiệt quệ sinh lực. Như mô tả trong tranh vẽ, điều nên tránh gồm cả những thú vui nguy hiểm như cưỡi lên súc vật không thuần hóa, lang thang ở các nơi nguy hiểm. Dạng thực hành có hại khác gồm kiềm chế các chức năng tự nhiên như ăn uống, ngủ, sinh hoạt tình dục, hoặc ngược lại, buông thả quá độ, trường hợp này lợi ích của chúng trở thành nguyên nhân gây hại. Trong toàn bộ triến trình chữa bệnh, thầy thuốc Tây Tạng nhấn mạnh vào các ứng xử cá nhân bị chi phối bởi vô minh, tham lam và gây gổ, cũng như là những lầm lỗi tinh tế của cái tôi và thái độ tự mãn về tâm linh.
Mô hình ứng xử
Đối diện
Minh họa ứng xử có lợi cho sức khỏe cũng như là hình thức ứng xử có hại, mang lại bệnh tật, bức tranh thờ này đưa ra một bản tóm tắt các biện pháp bảo vệ sức khỏe. Bắt đầu với ví dụ về hành vi nguy hiểm gây tác hại đối với thể xác lẫn tinh thần, tranh thờ tiếp tục mô tả những ứng xử lành mạnh, cụ thể từng mùa, đồng thời bao gồm các họa tiết hoạt động tôn giáo ích lợi, hành xử kéo dài tuổi thọ, uống linh đan luyện bằng khoáng chất quý hiếm và dược thảo.
Các giai đoạn nhiễm độc
Phía trên và phía dưới
Mặc dù rượu có thể dùng để chữa bệnh, song hình ảnh này cho thấy hậu quả do sử dụng thái quá. Mức độ say sưa thứ nhất được mô tả: ‘không biết xấu hổ và không còn lương tâm’, mức độ thứ hai ‘tựa như voi động đực’. Mức độ thứ ba là ‘nằm phủ phục giống một cái tử thi’. Deepak Chopra tuyên bố về tình trạng này: ‘Thói xấu chỉ là vết mòn han gỉ của tư duy, phương thức tu tập (Path: đường lối, phương thức tu tập) lập tức dẫn tới tự do vì phương thức tu tập mở ra những ý nghĩ mới, nhưng lúc này không đi tới đâu.’  
Ứng xử có lợi cho sức khỏe
Hơn cả thuốc men, liệu pháp điều trị, chế độ ăn uống, giáo lý y khoa Tây Tạng đặt trọng tâm bảo vệ sức khỏe thông qua mọi hành xử thận trọng với thời tiết bốn mùa và tình trạng mất cân bằng ba Khí Chất. Trong hình vẽ, cách hiểu về cân bằng được mô tả tượng trưng là một người đàn ông dựa vào ‘giới tuyến giữa mặt trời và bóng tối’. Để duy trì trạng thái không bệnh tật, bức tranh nhấn mạnh việc tuân thủ chính xác mọi ứng xử theo thời tiết, dù ở ngoài đồng cỏ, tắm trong nước lạnh hay uống rượu thuốc. Kéo dài tuổi thọ và khả năng cường dương, Mật kinh Y Khoa chủ trương thực hành chuyển hóa nội tâm (nguyên bản practices of inner alchemy), dựa vào linh đơn luyện từ tinh hoa thanh khiết của thủy ngân và vàng, cũng như nước cam lồ vô song của một vị nữ phối ngẫu đủ điều kiện. Các thực hành khác coi là có ích cho sức khỏe, tăng cường tuổi thọ (được minh họa dưới đây) gồm xoa bóp, tắm trong nước chữa bệnh, hàng tuần dùng cây hoàng liên gai sắc lên lấy nước để ngăn ngừa bệnh về mắt. Tuy nhiên, tinh hoa mọi ứng xử tích cực dựa trên căn bản nhận thức sâu sắc về quan hệ tương hỗ trong cuộc đời, hiểu được rằng chỉ khi nào hành động của chúng ta bắt nguồn từ miền không gian đại lượng, sáng tạo và trọn vẹn trong nội tâm, quá trình hồi phục đích thực mới có thể bắt đầu.
Nguyên lý chế độ ăn kiêng
Do đồ ăn tác động trực tiếp lên ba Khí Chất của cơ thể, hoặc năng lượng sinh học, chế độ ăn uống đúng mức là nền tảng Tây Tạng Y Khoa trị liệu. Thức ăn với phẩm chất ấm, nhiệt, như thịt trâu, sản phẩm của vừng, nên sử dụng trong tình huống nhiễm bệnh lạnh, trong khi thức ăn lạnh, hàn, như thịt bò và phần lớn các hạt, lại cần thiết cho trường hợp quá nhiệt. Đồ ăn phân loại theo khẩu vị: ngọt, chua, mặn, đắng, cay, được mô tả trong cách điều trị tình trạng mất cân bằng Khí Chất.
Phẩm chất của nước
Phía trên
Nước uống tốt nhất là nước lấy ra từ thác nước tràn đầy ánh nắng, nước uống không tốt là nước đun sôi để quá 24 tiếng đồng hồ.
Rau chữa bệnh
Phía dưới
Nước luộc rau chân ngỗng đỏ (red Goosefoot hoặc Chenopodium rubrum) dùng để chữa chứng mất cân bằng của cả ba Khí Chất, bồ công anh trắng là phương thuốc điều trị các bệnh về máu và Mật.
Ăn uống điều độ
Phía trên
Tây Tạng Y Khoa gợi ý, cuối bữa ăn, dạ dầy chỉ nên chứa đầy ba phần tư thể tích, một nửa là thức ăn, một phần tư là chất lỏng, phần còn lại dành cho các hoạt động lên men tiêu hóa. Một số thức ăn dùng chung, ví dụ cá với trứng gia cầm, được cho là tạo ra điều kiện độc hại bên trong cơ thể, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Thức ăn bổ dưỡng
Phía dưới
Dáng điệu khoan khoái ngồi giữa một thùng sữa và một thùng nước thịt tươi luộc lên, bức tranh này mô tả khái niệm ăn uống lành mạnh của người Tây Tạng. Một số thức ăn có khả năng bổ dưỡng đặc biệt hoặc chữa bệnh. Ví dụ, ăn cá giảm bớt các bệnh về dạ dày, tăng cường thị lực và chữa được những cơn đau nhức bên ngoài. Cây tầm ma nấu chín tạo nhiệt cho cơ thể, làm dịu tình trạng Khí mất cân bằng. 
Sản Phẩm từ Bơ Sữa
Bò đực, bò cái Tây Tạng là gia súc chăn nuôi căn bản của người dân Tây Tạng, sản phẩm bò Tây Tạng: sữa, bơ, thịt, da, trở thành tiêu chuẩn mọi trao đổi kinh tế. Cùng với trà, bột lúa mạch rang, bơ sữa là nguyên liệu chủ yếu trong thực đơn hàng ngày, được coi như thuốc bổ tối thượng. Lương y Tsampa nói: ‘Nếu thức ăn là phương thuốc vĩ đại, sữa tươi của bò cái có thể sánh với cao lương mỹ vị. Nó chữa lành các bệnh về Khí, làm nước da trong sáng, mang lại trạng thái bình an, điềm tĩnh cho tư duy.’ Sản phẩm từ sữa cũng bao hàm ý nghĩa tâm linh. Dân du mục bắt đầu một ngày bằng đọc kinh cầu nguyện và dâng sữa lên cho thần thánh, trời đất. Bơ dùng cho sinh hoạt và cúng dâng tu viện, ở đây bơ được khuấy lên thành trà bơ dành cho các sư, thắp sáng hàng ngàn chiếc đèn cúng. Trong cộng đồng dân du cư, người cầu hôn mang một thùng sữa cho cô dâu tương lai. Chỉ khi nào cô dâu uống sữa, cuộc sống hôn nhân của họ mới chính thức gắn kết. Sữa cũng là thành phần chính để điều chế tinh hoa rút chiết từ linh đan dùng trong nghi lễ Mật tông Cải Lão Hoàn Đồng.
Các loại sữa
Phía trên
Sữa bò chống lại được các bệnh về phổi…chữa rối loạn do lạnh, giúp trí tuệ nhạy bén. Sữa dê làm giảm chứng rối loạn hơi thở, hen xuyễn…Sữa cừu điều trị rối loạn về Khí, nhưng gây tổn thương tim và làm đầu óc mụ mẫm. Sữa bò cái Tây Tạng bổ dương, song lại gây rối loạn Đởm và Mật. Sữa ngựa, sữa lừa chữa bệnh về phổi nhưng làm vẩn đục nhận thức sáng suốt.
Theo Blue Beryl
Sữa là phương thuốc
Đối diện, phía dưới và bên trái 
Người Tây Tạng cho rằng sữa và sản phẩm từ sữa đều có dược tính. Đun sôi một nửa sữa một nửa nước để sữa nhạt đi, tăng cường tính bổ dưỡng của sữa. Sữa chua chữa các bệnh về tiêu hóa. Dùng chất lỏng dư thừa sau khi sữa chua đông lại, thứ này làm phân loãng ra, tẩy rửa các đường kinh lạc. Tuy nhiên, hình thức tối ưu nhất của sữa là bơ. Tiến sĩ Yeshe Donden xác nhận ‘Bơ gia tăng nhiệt lượng, sức bền bỉ, kéo dài thọ mạng…Bơ giàu tiềm năng, có hàng ngàn công dụng khác nhau.
Tắm bằng dược thảo
Nước ngầm ở Himalaya và cao nguyên Tây Tạng thường xuyên phun lên thành suối nước nóng, đó là nơi chữa bệnh và làm trẻ hóa. Rất nhiều khoáng tuyền như thế trở thành địa điểm hành hương, ẩn tu. Tắm trong suối nước nóng linh thiêng được cho là thanh lọc cả thân thể lẫn tư duy.
Tắm ngoài trời
Bên trái
Trong các thời điểm may mắn của năm, khi sao Vệ Nữ (sao Kim) mọc trên bầu trời vào buổi sáng, tắm ngoài trời được tin rằng không chỉ thân thể sạch sẽ, mà còn thanh lọc được dòng tư duy nghiệp quả. Với các chứng bệnh mất căn bằng về Mật và bệnh thời tiết mùa hè nóng nực, con người nên tắm trong dòng suối lạnh.
Suối nước chữa bệnh
Phía dưới và đối diện phía trên
Trên núi Malaya huyền thoại, nước suối chữa bệnh từ khe đá chảy ra. Năm chiếc bể tắm dưới đây thấm đẫm những cặn vàng, bạc, đồng, sắt và bitum chì (một chất dẻo quánh). Nước suối ở kẽ đá can xít (calcite) được mô tả là nước cam lồ chữa các bệnh về ba Khí Chất. Nước suối từ kẽ đá vôi có năm loại khác nhau: đàn ông, con trai, đàn bà, con gái, và vô tính. (Nước ‘đàn ông’ được dùng cho bệnh nhân nữ, nước ‘đàn bà’ dùng cho bệnh nhân nam).
Sử dụng nước
Phía dưới
Để khắc phục nội Khí khiến cơ thể già cỗi, thầy thuốc Tây Tạng chủ trương việc tắm thường xuyên, sau đó liên tục xoa bóp bằng dầu trị bệnh. Xoa lên cơ thể dầu vừng trộn lẫn với chiết xuất từ thảo dược để phòng chống bệnh tật, tăng cường tuổi thọ, lửa tiêu hóa và khả năng tình dục. Cuối mùa đông, đầu mùa xuân, khi lượng dư thừa của Đởm kết tụ lại, người Tây Tạng hay sử dụng bột đậu lăng (lentil) thay cho xà phòng. Xoa bột đậu lăng khô lên cơ thể rồi lấy nước rửa sạch, thực hành này làm sạch Đởm trong hệ thống. Để chống lại tình trạng mất cân bằng của Mật và Khí, thầy thuốc thường chỉ định phương pháp Tắm Ngũ Vị Cam Lồ (the Bath of Five Nectars), thành phần dược liệu chủ yếu là nhục đậu khấu và đinh hương, bách hương, bách xú, đỗ quyên lùn của Tây Tạng. Các thầy thuốc khẳng định muốn phát huy lợi ích tối đa, con người không nên tắm nhiều lần trong một ngày vì có thể gây mất cân bằng về Khí.        


Xoa bóp
Kết hợp công dụng của bảy mươi tám huyệt vị, dầu có dược tính, với sản phẩm chiết xuất từ thảo dược, trị liệu xoa bóp Tây Tạng được áp dụng trong nhiều trường hợp khắc phục bệnh tật, tăng cường tuổi thọ. Do da là phần tiếp giáp giữa môi trường bên ngoài, do các nhánh ý thức tinh tế chạy suốt chiều dài cơ thể, xoa bóp trong Tây Tạng Y Khoa nhằm tạo ra một ảnh hưởng tích cực không chỉ đối với thể lực, mà cả với ý thức nữa. Điểm độc đáo của phương pháp xoa bóp Tây Tạng là sử dụng bột đậu chick-pea (một loại đậu xanh) sau khi kết thúc để hút bớt dầu thừa và chống lại tác dụng phụ do sự gia tăng chất bài tiết từ niêm mạc trong cơ thể.
Xoa bóp làm trẻ lại
Bên trái
Xoa bóp với dầu thuốc làm chậm quá trình lão hóa, tăng cường sinh lực. Chất liệu sử dụng gồm bơ nóng chảy hòa với nhục đậu khấu và hoa hồi hoặc chất béo động vật như mỡ bò Tây Tạng hay mỡ rái cá.
Cảm ứng điều trị (therapeutic touch)
Phía dưới
Người xoa bóp giàu kinh nghiệm có thể rỡ bỏ những năng lượng bị tắc nghẽn trong cơ thể tinh tế. Đấm dọc theo chiều dài thân thể làm giảm áp lực căng thẳng và thải bớt độc tố tích lũy. Đấm xung quanh cơ thể tích lũy năng lượng điều trị cho cơ thể. Xoa bóp chữa chứng mất cân bằng do căng thẳng, như trường hợp đau dây thần kinh, các dạng xơ cứng, bệnh tim mạch và dây thần kinh bị chèn.
Xoa bóp trong mùa đông
Phía trên, bên phải
Về mùa lạnh, khi quá trình trao đổi chất hoạt động mạnh nhất, thầy thuốc Tây Tạng đề xuất xoa bóp bằng dầu trầm hương ấm và dầu vừng, tủy xương hay bơ nóng chảy với xạ hương và các chiết xuất từ thảo dược. Để thỏa mãn nhu cầu tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể, xoa bóp cần kết hợp với chế độ ăn uống bổ dưỡng như nước thịt tươi hầm dừ. 
Sức khỏe tình dục
Theo Tiến sĩ Lobsang Dolma, các cơ quan giới tính của nam có một trường năng lượng nhất định, nữ cũng vậy. Khi giao hợp, các trường năng lượng này hài hòa mỹ mãn. Theo Tây Tạng Y Khoa, điều cấm kỵ trong tình dục đề cập chủ yếu tới trạng thái thèm khát ám ảnh và ham muốn dục vọng không hòa hợp, cảm giác đó che khuất sức mạnh phục hồi của hoạt động giới tính tinh khiết. Chỉ khi nào thoát khỏi tình trạng đam mê phóng đãng thì sinh hoạt tình dục mới nảy sinh như một sinh lực sáng tạo vô biên, hiển thị tự phát của từ bi và phúc lạc. 
Đạo đức giới tính
Phía dưới
Theo Mật kinh Y Khoa, các hoạt động sau đây là có hại: quan hệ tình dục với sinh linh khác chủng loại, vợ của người khác và phụ nữ tính nết khó chịu. Quan hệ tình dục khi người phụ nữ hành kinh, mang thai, cũng không tốt như quan hệ đồng tính luyến ái hoặc khi mất quá nhiều tinh dịch.
Điều trị triệu chứng rối loạn giấc ngủ
Mật kinh Y Khoa chỉ định rõ nguyên tắc cụ thể về giấc ngủ. Vào mùa xuân, giấc ngủ ngắn sau bữa ăn trưa tránh được tình trạng rối loạn Khí. Mùa thu, mùa đông, mùa hè, ngủ ban ngày gia tăng Đởm, tư duy và thân thể trở nên nặng nề, có khuynh hướng nhức đầu, lạnh và bị lây cúm.
Phương thuốc chữa chứng mất ngủ
Bên trái 
Để chữa bệnh mất ngủ, thầy thuốc Tây Tạng đề xuất nên uống sữa nóng buổi trưa, rượu và nước thịt luộc buổi tối. Dùng dầu vừng bóp đầu, nhỏ vào lỗ tai một loại dung dịch ấm làm bằng bơ tươi chảy lỏng trộn lẫn với xạ hương, đây là phương thuốc rất hiệu quả để tư duy thư dãn và dễ ngủ. 
Chống lại tình trạng đờ đẫn, buồn ngủ.
Phía dưới 
Nhu cầu buồn ngủ quá mức là triệu chứng tích lũy các độc tố do ăn thức ăn không hợp lý, năng lượng trì trệ, hậu quả thói quen ít di chuyển, không rèn luyện. Để điều chỉnh tình trạng mất cân bằng này, các thầy thuốc Tây Tạng đề xuất dùng thuốc gây nôn, nhịn ăn để giải độc hệ thống, đồng thời gia tăng hoạt động giới tính nhằm khích thích sinh lực.
Tham vấn thầy thuốc
Bằng kiểm tra mạch và nước tiểu, tìm hiểu bản chất bệnh tật, thầy thuốc Tây Tạng đi sâu vào tình hình sức khỏe tiềm ẩn của bệnh nhân. Tựa như vị Lama dẫn dắt đệ tử vào trong trạng thái thức ngộ về miền rộng mở vô hạn ở cốt lõi hiện hữu, thầy thuốc y khoa Tây Tạng minh họa sống động lý tưởng giải thoát sinh linh của Phật giáo bằng cách đặt mình vào hoàn cảnh khổ đau của bệnh nhân. Trogawa Rinpoche nói rằng thầy thuốc Tây Tạng được huấn luyện để thức ngộ tình trạng rối loạn xúc cảm, rối loạn tâm lý thể hiện trong các triệu chứng bệnh lý. ‘Điều này có nghĩa là không chỉ kê đơn, mà còn giúp người bệnh phát hiện con đường phục hồi cân bằng trong hành động, ăn uống và suy nghĩ.’ Với Tây Tạng Y Khoa, hồi phục sức khỏe quan trọng hơn điều trị bệnh tật: quá trình phục hồi còn tác động tới trạng thái bất ổn nguyên thủy ẩn náu dưới nhiều hình thức mất cân bằng của tư duy và thân thể. Chỉ khi nào người bệnh hướng tới một mục tiêu lớn hơn sức khỏe bản thân, người đó mới vượt qua nỗi đau sâu kín nhất của mình. Đây là một nghịch lý trị liệu mà Phật giáo đưa ra: nếu chúng ta mong muốn cơ thể vật chất, tư duy và tâm hồn mạnh khỏe, thì từ nỗi đau riêng tư, ta cần nảy sinh quyết tâm đón nhận lấy nỗi đau của mọi sinh linh khác. Các thầy thuốc tiếp tục, khi con người sống và hành động nhân danh hết thảy sinh linh, phần lớn nỗi đau tạm bợ sẽ tự động điều chỉnh lại. Sangwa Rinpoche nói, vì lý do đó mà bản thân Đức Phật chủ tâm ăn thịt ôi thiu để dẫn đến cái chết, Phật không chỉ giảng dạy bằng ví dụ là nên chết một cách thanh thản, mà cũng cần phải sống với cảm xúc dạt dào của tâm từ bi vô ngã.
Lương y
Phía trên và phía dưới
Người thầy thuốc xua tan nỗi sợ hãi và lo âu, và kê đơn thuốc  
Cắt rời gốc rễ bệnh tật
Phía trên
Trong một loạt những họa tiết mô tả bằng ẩn ngữ, vị đứng đầu truyền thừa Bốn Mật Kinh đang dùng thanh kiếm chặt đứt sợi dây thòng lọng của cái chết phi mệnh (chết non), dùng búa đập nát móng vuốt bệnh tật cấp tính, và bằng một chiếc móc sắt, ngài lôi bệnh nhân ra khỏi vũng lầy khổ đau. 
Tẩy rửa bên trong
Thầy thuốc Tây Tạng khuyên nên dùng thuốc gây nôn vào mùa xuân để gột rửa phần chính của Đởm, dùng thuốc gây nôn vào mùa hè để thanh lọc phần chủ yếu các rối loạn Khí đã tích lũy, uống thuốc xổ đặc biệt vào mùa thu để làm sạch phần Mật thừa thãi của mùa hè. 
Thuốc tẩy nhẹ.
Bên phải
Thuốc xổ, thuốc gây nôn được áp dụng khi mới cảm sốt và trường hợp ngộ độc cấp tính, viêm dạ dày, thấp khớp, phù thũng, các chứng bệnh ký sinh, khiếm thị, bệnh về Mật. Thành phần chủ yếu của thuốc xổ gồm quả chebulic myrobalan (quả kha tử), cây ba đậu, cỏ thiên thảo, đại kích. Thuốc gây nôn chuẩn mực gồm chua me núi (mountain sorrel), ké, đại kích và cây xương bồ lá hẹp.
Sư thầy thuốc thụt rửa cho bệnh nhân.
Đối diện, phía trên và phía dưới 
Thụt rửa bằng dược liệu dùng để điều trị trường hợp chướng bụng, u thượng vị, tiêu chảy, suy yếu tinh dịch, bệnh ký sinh và suy nhược thông thường do rối loạn Khí.
Chích huyết và chữa trị ngoại khoa
Khi thuốc men, ăn uống và thay đổi cách hành xử kết hợp với mọi hình thức điều trị bên ngoài nhẹ nhàng như xoa bóp, mà vẫn chưa loại bỏ được nguyên nhân bệnh tật, thầy thuốc Tây Tạng phải sử dụng tới các biện pháp trị liệu ngoại khoa, gồm chích huyết, ngải cứu và tiểu phẫu thuật. Sử dụng tới 79 điểm đặc biệt trên cơ thể, thủ thuật chích huyết được tiến hành để làm tiêu bớt nhiệt năng thừa thãi, điều trị mọi hoạt động khác thường của máu và Mật, tương đương với dư thừa tố chất Dương trong y khoa Trung Quốc. Ngày nay y khoa Tây Tạng hầu như không thực hành chích huyết, dù sử dụng ngải cứu và châm cứu cổ truyền vẫn là liệu pháp phổ biến.
Chích huyết
Bên trái và phía dưới
Để phục hồi tình trạng cân bằng của các cơ quan và giải thoát lượng nhiệt dư thừa, thủ thuật chích huyết dùng trong những trường hợp sốt đặc biệt, bệnh gút, bị thương, loét, rối loạn máu và bệnh hủi. Nói chung, thủ thuật chích huyết không áp dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi và trên 70 tuổi.
Rãnh chích huyết
Đối diện
Để tách rời máu sạch (máu động mạch) và máu không sạch (máu tĩnh mạch), việc chuẩn bị chích huyết gồm cho uống nước sắc của quả moonseed (cocculus) hoặc nước sắc ba loại kha tử. Garô chặn chảy máu được dùng cho từng phần trên cơ thể bệnh nhân. Ngay khi mạch máu bị thắt lại, máu lấy ra trực tiếp từ tĩnh mạch nông (superficial veins) tại những điểm cụ thể. Kết thúc việc chích huyết, ngải cứu khô được đắp vào chỗ bị rạch, trừ những chỗ ở gáy. Phần dưới bức tranh thờ này minh họa các hướng dẫn đắp ngải.
Đốt ngải và châm (châm cứu)
Cùng với thủ thuật chích huyết điều trị các chứng bệnh dư thừa nhiệt, thực hành châm cứu của Tây Tạng, phương pháp dùng ngải đốt trực tiếp lên một số điểm đặc biệt trên da bệnh nhân, được sử dụng để làm dịu đi tình trạng rối loạn hàn khí, gia tăng năng lượng cho hệ thống. Khác với hình thức châm cứu của Trung Quốc chỉ dùng lá ngải phơi khô, người Tây Tạng sử dụng nhiều loại dược thảo khác nhau, gồm cây đồng tiền gerbera, hoa Champa màu vàng, nhục đậu khấu, cây nghệ tây, quả chebulic myrobalan, gừng và quả ké, tùy thuộc vào căn bệnh. Ngoài các hình thức trị liệu khác, phương pháp đốt ngải đặc biệt phổ biến trong khu vực lạnh lẽo phía bắc Tây Tạng. Thật kỳ lạ, các bức vẽ về y khoa của Tây Tạng không mô tả phương pháp châm cứu độc đáo, gọi là “liệu pháp kim vàng”, mà phương pháp trị liệu này lại được cho là bắt nguồn từ Tây Tạng rồi đi vào Trung Quốc qua Mông Cổ.
Thu hoạch lá ngải
Phần trên
Trường hợp lá cây hoa đồng tiền được sử dụng như ngải cứu, để đạt hiệu quả cao nhất, lá cây phải được thu hoạch vào mùa thu, sau ngày mùng một âm lịch và trước ngày rằm, người thu hoạch phải là đồng nam đồng nữ (trẻ em trong trắng ngây thơ) dưới sự hướng dẫn của các thầy thuốc.
Xử dụng ngải cứu.
Đối diện
Lá đồng tiền hoặc các lá khác được viên thành hình chóp nhỏ hay viên dẹt, đốt tại 71 điểm đặc trưng trên cơ thể bệnh nhân. Ngải cứu rất hiệu quả với trường hợp khó tiêu, ốm yếu xanh xao, phù thũng, khối u bên trong, co thắt cơ, sốt, động kinh và điên dại.
Trang sau
Hai bức tranh mô tả các điểm trên cơ thể liên quan tới kỹ thuật chích máu, ngải cứu và tiểu phẫu thuật, phân biệt qua các màu sắc xanh, vàng và đỏ. 
 

Tẩy rửa mũi
Năm căn bệnh về mũi dễ nhận biết, được cho là do ăn uống, ứng xử không thích hợp, và ảnh hưởng của các vong linh có hại. Để điều trị chứng bệnh này từ khi sưng tấy tới lúc Đởm dư thừa, tẩy rửa mũi được chuẩn bị gồm nhiều dược liệu khác nhau.
Xử dụng thuốc hít
Bên trái và phía dưới
Thuốc chữa bệnh về mũi dưới dạng bột hay thuốc nhỏ, được chỉ định cho các bệnh xoang kinh niên, viêm họng cấp, viêm kết mạc, các bệnh về tai và não, hiện tượng thẩm thấu của mạch máu do rạn nứt sọ não. Thành phần thuốc gồm mật ong, lá cây dâu tây phơi khô tán bột, muối biển, thủy xương bồ lá hẹp (sweet flag), costus, cam thảo, phụ tử trắng, bồ hòn (soapwort) và củ giềng.
Thuốc mỡ và tiểu phẫu thuật
Trong y khoa Tây Tạng, ngoại trị liệu là một tập hợp biện pháp bao gồm từ việc sử dụng thuốc mỡ tới thủ thuật đốt, dùng sừng bò hút lấy mủ. Dù phẫu thuật áp dụng rất sớm ở Tây Tạng, nhưng thực hành này bị cấm sau trường hợp mổ tim cho mẹ của một vị vua hồi thế kỷ thứ 9 không thành công. Cho tới tận bây giờ người Tây Tạng vẫn tránh không động tới mổ xẻ, trừ trường hợp bất khả kháng, vì họ tin rằng những can thiệp như vậy gây tổn thương vĩnh viễn cho nguồn sinh lực cơ thể.
Thực hành tiểu phẫu thuật
Phần trên
Tuy rằng hiện nay hầu như không sử dụng, song Mật kinh y khoa có nêu rõ 110 điểm mà người ta có thể dùng que thăm (stylet) nóng loặc lạnh để lấy ra các chất lỏng trong khối u, bướu cổ, và các thể loại sưng tấy.
Xoa thuốc mỡ
Bên phải
Dầu chế biến từ mỡ động vật, bơ hay dầu thực vật, trộn lẫn với thảo dược để chữa bệnh da thô ráp, thiếu máu, thiếu dịch sinh sản, thần kinh căng thẳng, thị lực kém và mất cân bằng Khí.  
 
Khi Khí Chất cơ thể mất cân bằng, bệnh tật phát sinh. Khí Chất vận hành sung mãn, con người khỏe mạnh. Trong ba Khí Chất, Nội Khí quan trọng nhất vì nó duy trì quan hệ cộng sinh giữa nhiệt của Mật và năng lượng lỏng (fluid energy) của Đởm. Nội Khí cũng là nguồn sinh lực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ khi tình trạng mất cân bằng phát sinh, dẫn tới triệu chứng hụt hơi, chóng mặt, mất sức, trì trệ và lo lắng. Hai tấm bảng này vạch ra một chế độ dinh dưỡng ngắn gọn dành cho tình trạng Khí mất cần bằng. Cần ăn thêm thức ăn nặng, khó tiêu như dầu vừng, rượu vang, đường mật, bơ đã bảo tồn với thời gian lâu (aged butter), thịt cừu, sóc đất, ngựa, lừa, chất liệu từ con người (xương, nước tiểu vv…), tỏi và hành. Sinh hoạt nơi ấm áp, ngủ đủ giấc và mặc quần áo ấm. Điều trị bên ngoài đối với rối loạn Nội Khí gồm thụt rửa nhẹ bằng bơ cũ (old butter), gạc tẩm dầu và đốt ngải cứu trên đỉnh đầu. Để chống lại hoạt động thái quá của tố chất không khí, dược liệu dùng cho trạng thái mất cân bằng Nội Khí được pha trộn chủ yếu từ các tố chất của đất, mùi nặng và hắc.
Ảnh trên
Chất liệu ăn uống cần thiết trong quá trình điều trị mất cân bằng về Khí


Thu hoạch dược thảo
Việc nhận dạng và thu hoạch dược thảo hình thành một phần căn bản trong chương trình đào tạo thầy thuốc Tây Tạng. Dược liệu chuẩn bị cho các phương thuốc điều trị được thu hoạch trong những mùa khác nhau, quả thu hoạch mùa thu, lá thu hoạch trong các tháng hè, nhánh cây, vỏ cây thu hoạch vào mùa xuân, các loại gốc rễ thu hoạch mùa đông. Mật kinh và thực hành triệu thỉnh Phật Dược Sư thường được tụng niệm trong thời gian thu hoạch, sau đó thảo dược cần rửa sạch, sấy khô, đôi khi còn phải khử độc trước khi sử dụng.
Mùa mưa
Phía dưới
Theo Mật kinh y khoa, lá cây, nhựa cây và rễ cây thuốc cần thu hoạch trong mùa mưa, khi lá cây đã phát triển đầy đủ.
Thu hoạch phụ tử
Phía trên bên phải
Bệnh về tim sẽ đỡ khi dùng phần đầu mút của cây phụ tử mọc trong bóng râm, cảm lạnh đỡ nhiều do sử dụng rễ cây phụ tử mọc dưới ánh sáng mặt trời.
Dược thảo trong mùa thu
Phần dưới
Hoa và trái của những cây thuốc chữa bệnh cần thu hoạch vào mùa thu.  
Dược thảo
Những ngọn núi phủ đầy tuyết ở trung tâm Tây Tạng, rừng cây xum xuê mạn phía đông, phía nam chứa một lượng phong phú các cây thuốc chữa bệnh. Dược phẩm Tây Tạng liệt kê hơn một ngàn loại cây thuốc con người biết tới, song Mật Kinh Y Khoa khẳng định không một chất liệu nào có trong tự nhiên lại không thể chữa được bệnh, một khi thuộc tính của nó được xác định. Mô tả khóa đào tạo thầy thuốc Tây Tạng trong thung lung Kyirong thuộc Himalaya, nữ tiến sỹ y khoa Lobsang Dolma phát biểu ‘chúng tôi có thể nhận dạng và ấn định một cách chính xác dược tính của từng loại thảo dược, nhưng vẫn còn hàng trăm loại cây cối mà con người không biết tới. Chúng tôi cảm thấy vô cùng kém cỏi trước kho tàng thiên nhiên.’
Thứ cây quý báu nhất trong trong Tự Điển Dược Khoa Tây Tạng là Aruranamgyal (Terminalia chebula, một loại kha tử, hình vẽ phía bên phải), nó không chỉ chữa được vô số bệnh, quả Aruranamgyal được coi là thuốc bổ tối thượng, có thể ban cho hạnh phúc và sức khỏe. Aruranamgyal là một nhánh của họ myrobalan rất được tôn sùng, đó là thứ quả Đức Phật Dược Sư cầm trong tay.
Dược phẩm
Phía dưới
Mười bức tranh thờ minh họa trong Blue Beryl dành riêng cho các loại thảo dược, mô tả dược tính của trên 500 loại cây, cỏ, hoa, rễ cây. Tấm bảng đầu tiên phía dưới bắt đầu từ cây kỳ nham (henbane) dùng để điều trị chứng bệnh ký sinh, kết thúc bằng hai loại nhân sâm. Tấm bảng thứ hai phác họa bốn loại cây lau lách (sedge), húng quế Trung Quốc, một loại thìa là dùng để làm giảm sốt truyền nhiễm. Tấm thứ ba bao gồm cây rắn hổ mang (cobra lily), cây hương bồ (bulrush), cây dâu tây và cỏ ca ry (fenugreek: hồ lô bá hay cỏ ca ry), loại sau cùng chữa chứng ỉa chảy và các bệnh về phổi.
   
Chuẩn bị các phương thuốc
Trong cách pha chế thuốc ở Tây Tạng, thảo dược trộn lẫn với muối khoáng, châu báu, đá quý, chất liệu động vật nguyên bản. Tác dụng của thuốc có hiệu lực không chỉ do dược liệu, mà còn bởi cách hoà trộn cụ thể cùng với kỹ thuật vi lượng đồng căn. Thuốc dưới dạng viên, hương đốt, dầu xoa, thường là từ năm mươi dược liệu khác nhau trở lên. Cầu nguyện và trì chú được đọc để tăng tiềm năng của thuốc.
Chuẩn bị thuốc
Phía trên và bên phải
Thuốc được chế biến thành dạng bột, viên hoặc dạng sền sệt. Để đảm bảo hiệu lực của thuốc, trong mọi công đoạn bào chế, mục đích trong sáng của thầy thuốc cũng quan trọng như kiến thức về thành phần thuốc và kỹ thuật.
Đá quý và khoáng chất
Phía đối diện
Tây Tạng Y Khoa coi chất liệu như vàng, bạc, hồng ngọc, ngọc lam, san hô là một trong những thành phần giàu oai lực nhất, hình thành nền tảng bảy loại linh đan (rinchen rilbu), được dùng để ngăn ngừa và điều trị nhiều chứng bệnh đe dọa mạng sống. 
Các phương thuốc có nguồn gốc từ con người và động vật
Dù phần lớn chất liệu sử dụng trong thuốc men là thực vật và khoáng chất, sản phẩm từ súc vật cũng có ý nghĩa nhất định. Sừng hươu, gan voi, mật gấu, nước tiểu của loài bò đỏ (red cow), cùng các chất liệu của con người, theo cổ truyền, đều được sử dụng, tuy rằng huấn thị của Phật giáo cấm giết chóc vì lợi ích cá nhân. Dược liệu có nguồn gốc súc vật được thanh lọc triệt để trước khi sử dụng, như xương sống của bò Tây Tạng nghiền nhỏ trộn lẫn với vàng để làm thuốc ngừa thai rất hiệu nghiệm.
Nguồn gốc huyền bí của Ngưu Hoàng
Vật kết tinh có dược tính tìm thấy trong dạ dày voi, cóc, ngỗng cái, kền kền, rắn, chim công, gấu và chim bồ câu, được cho là có nguồn gốc từ linh đan đá quý bị ném xuống biển.
Các phương thuốc kỳ lạ
Phía đối diện
Bức tranh thờ này nhấn mạnh các thành phần kỳ lạ sử dụng trong thuốc men, ví dụ: tinh hoa sinh sản thanh khiết của nam và nữ hành giả, đất tổ kiến, tóc người cháy xém, chất dịch tiết ra ở âm đạo tại thời điểm cực khoái, vảy mụn bệnh đậu mùa, đất moi lên từ phía dưới cống rãnh của một ngôi nhà hoặc một cái hang động quay mặt về hướng bắc.
Xạ hương và mật gấu
Bên phải
Tuyến thơm của hươu xạ được cho là thuốc giải độc, rất có ích trong việc điều trị rối loạn gan và mật. Mật gấu ngăn được quá trình hoại tử, dùng để điều trị các bệnh về mắt.   
Dù các phân tích hóa học cho thấy chúng vô hại, chỉ để trấn an người bệnh (placebos), hay là thuốc chữa bách bệnh (panacea), những chất liệu chữa lành này gây cảm hứng mạnh khỏe, thức tỉnh con người thoát khỏi khuôn mẫu trì trệ của ý tưởng và hiểu biết cứng nhắc. Theo Tây Tạng Mật Kinh Y Khoa, vạn vật về bản chất là nguồn điều trị tiềm năng. Ngay cả máu và nước tiểu, khi thanh lọc, chúng cũng có tác dụng tiếp sức sống cho các tổ chức mà chúng bắt nguồn từ đó. Tuy nhiên, phương thuốc tối thượng là các tinh chất vi tế trong cơ thể, các tuyến nội tiết, được thanh lọc, chuyển hóa thông qua thiền và thực hành Mật tông. 
Xương có dược tính 
Phần trên
Các loại xương rất có ích trong việc điều trị một số triệu chứng như co cơ, bệnh tim, đau bụng co thắt. Bức tranh thờ ở xa phía bên phải miêu tả xương người chết vì sét đánh có thể chữa được bệnh lỵ 
Phương thuốc nước tiểu
Đối diện, phía dưới
Nước tiểu của người bệnh được mô tả như là phương thuốc dùng cho bệnh nhiễm trùng và cảm cúm. Theo một công trình khảo cứu của người Đức, những chất liệu phát sinh tự nhiên trong nước tiểu con người và máu có khả năng khôi phục hệ thống miễn dịch, ảnh hưởng tích cực tới các chứng bệnh kinh niên.
Ăn thịt đồng loại với mục đích chữa bệnh
Phần dưới
Các phần khác nhau cơ thể con người có thể ăn để chữa bệnh sốt truyền nhiễm, ngộ độc, rối loạn về Mật và khó đẻ. Dù với mục đích suy ngẫm hay tiêu thụ, bộ xương người tiêu biểu cho trí tuệ lành mạnh của sự thật đằng sau hình thức hiện hữu của nó.
Hồi phục thông qua nghi lễ
Tây Tạng Y Khoa quan niệm rằng có một số chứng bệnh chỉ có thể chữa khỏi bằng nghi lễ phức tạp mà các vị Lama, hành giả, hoặc pháp sư điều trị thực hiện. Giáo sư Lobsang Dolma phát biểu: ‘Trường hợp bệnh tật do vong linh độc ác gây ra, thuốc men chỉ có tác dụng tạm thời, song bệnh vẫn không khỏi.’ Nghi lễ điều trị truyền thống Tây Tạng: thuốc men tổng hợp, huyền thuật cùng với thực hành tâm linh, một lần nữa hướng tư duy và cơ thể tới trạng thái hòa nhập thống nhất.
Lhamo, một nữ đồng tử người Tây Tạng ở Kathmandu, cho rằng phần lớn bệnh tật do năng lượng độc ác (malevolent energy) ngăn trở ý thức hiểu biết. Tình trạng hồi phục nảy sinh do những phát hiện bất ngờ của bà về nỗi đau tiềm ẩn và trị liệu tẩy uế nhẹ, qua đó một số dạng vật chất được hút ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Bằng cách ép buộc năng lượng nổi loạn của tinh thần và vật chất vào trong khuôn mẫu mới có lợi cho bệnh nhân, nghi lễ cúng bái điều trị thường đạt hiệu quả mà không thể giải thích được. Trong trạng thái xuất thần, Lhamo nhìn được rất sâu vào hoạt động bên trong người bệnh. Giải thoát nỗi đau cần tới một niềm tin: thái độ lạc quan đúng mức để thức ngộ được khả năng hồi phục tự phát trong mọi thời điểm.
Thần chú (exorcism)
Phía dưới
Cầu nguyện và gõ trống theo nhịp giúp tư duy, thân thể dễ dàng đi vào trong trạng thái cân bằng. Nghi lễ điều trị Tây Tạng tái tạo thực nghiệm về thực tại, xua đuổi nỗi hãi sợ và niềm tin cứng nhắc của chúng ta, thứ tạo ra những khuôn mẫu lo âu, bệnh tật. Khi tư duy phục hồi trạng thái tự nhiên, tâm trạng bối rối lo âu, nghi ngờ, lầm lẫn không còn khả năng làm mất cân bằng cảm xúc, gây ra ốm đau.  
Chuyển hóa sinh lực
Gắn bó mật thiết với triết học Phật giáo, nghệ thuật điều trị Tây Tạng khẳng định trạng thái vô minh về mối quan hệ trong cuộc đời là nguyên nhân chính gây ra đau đớn. Tương tự, thành tựu của trí tuệ và tâm từ bi được xác nhận là mục tiêu cao nhất trong quá trình điều trị. Sogyal Rinpoche có nói: ‘Để chữa chứng bệnh căn bản nhất của chúng ta, tình trạng vô minh nguyên thủy, không có thứ thuốc nào có thể so sánh với trí tuệ phát sinh từ thiền. Chỉ bằng vào thức ngộ được bản chất đích thực của mình, con người mới có thể hy vọng mang lại lợi ích lâu dài cho bản thân và cho những người khác.’ Trong thực hành điều trị của Tây Tạng Y Khoa, năng lượng trì trệ vô thức làm mất cân bằng cuộc đời được phục hồi thành ý thức hiểu biết. Chữa lành là bình phục, hợp nhất, và sinh hoạt tình dục. Nhận thức được mối liên quan mật thiết của con người trong cuộc đời, chúng ta có thể phát hiện trạng thái mạnh khỏe hồi phục, không xa lánh thế giới, mà sống tràn trề vị tha và hành động không giới hạn.
Đánh lừa cái chết
Phía trên và bên trái
Trong thực hành cúng bái điều trị thời kỳ tiền Phật giáo, sinh lực của bệnh nhân được phục hồi qua nghi lễ chinh phục và xoa dịu các sinh linh gây bệnh tật. Những sợi chỉ buộc chéo, những hình chữ thập huyền bí, hình nhân, cầu nguyện và triệu thỉnh, tất cả được sử dụng để chuyển đổi năng lượng ma quỷ trở thành sức mạnh phục hồi. Một trong các thực hành mãnh liệt nhất là phương pháp chuộc lại sinh mạng người bệnh bằng cách phóng sinh súc vật sắp bị giết, đây là bằng chứng của thực hành từ bi và bố thí, không sợ hãi, không ép buộc, là sức mạnh kích hoạt tiến trình phục hồi.
Tăng cường sinh lực
Phía dưới
Trong truyền thống Tây Tạng, hành vi phóng sinh chim, cá và những sinh vật khác đang bị giam giữ hoặc sắp bị giết hại, được tin là có tác dụng ích lợi hai chiều đối với sinh lực con người. Vượt trên mọi tuân thủ hời hợt lý tưởng Phật giáo về lòng từ bi, những hoạt động như vậy thể hiện tinh thần bố thí và sáng tạo trong trái tim hết thảy sinh linh. Phật giáo khẳng định, bằng nỗ lực phục hồi tình trạng mạnh khỏe, con người đã thay đổi bản thân, thay đổi cả người khác. Nghệ thuật Tây Tạng có một chức năng tương tự. Nó giải phóng chúng ta khỏi những nhận thức theo thói quen. Ở đây, ý tưởng của Phật giáo truyền tải không giống như thuật ngữ ‘người đánh cá’ theo phương pháp ẩn dụ, ngụ ý thu lượm (thuật ngữ the fisher of men là một câu nói nổi tiếng trong kinh Phúc Âm của Thiên Chúa Giáo), mà tựa như một người mở tung cái lưới vô minh, thiên kiến, đưa sinh linh trở về trạng thái tự do của họ.
5-GIẢI THOÁT: THỨC TỈNH CƠ THỂ ÁNH SÁNG
Mục tiêu cuối cùng của Tây Tạng Y Khoa không chỉ phục hồi cơ thể, tư duy trở lại trạng thái cân bằng bên trong, mà còn loại bỏ những uế tạp tinh thần, vật chất, thứ che lấp Phật tính con người. Để tháo gỡ nút thắt nghiệp quả, giải thoát các mẫu tư duy bị hạn chế trong ý nghĩ, thực nghiệm, Tây Tạng Y Khoa sử dụng nội yoga (nội thực hành) và thiền Phật giáo Mật Tông. Được hỗ trợ bởi các dược phẩm chiết xuất và chất liệu đã xử lý thông qua nghi lễ trao quyền, phương tiện Mật tông đặc biệt (Tantric sadhana) chuyển hóa thực nghiệm sung sướng, đau khổ đời thường thành hiểu biết sáng láng trong con người đích thực của chúng ta. Mật kinh tuyên bố ‘Đại trí tuệ cư trú bên trong cơ thể con người’, thầy thuốc Tây Tạng liên tục khẳng định niềm phúc lạc dâng lên bên trong chính là vị thuốc duy nhất có thể chữa lành căn bệnh mà từ đó mọi bệnh tật phát sinh: căn bệnh vô minh, không hiểu biết bản chất đích thực con người.
Đức Phật cho thấy bệnh tật và cách suy nghĩ về nỗi khổ đau có thể rộng mở thái độ đồng cảm, thúc đẩy con người trên con đường tâm linh, cuối cùng giải phóng chúng ta thoát khỏi lối cư xử áp đặt, xuất phát từ nền tảng vô minh, tham lam và gây hấn. Tuy nhiên, để hoàn toàn hòa nhập các dòng năng lượng vật chất, cảm xúc và tâm linh, hòa nhập những tố chất hình thành trạng thái hiện hữu, điều này còn phụ thuộc vào quá trình hợp nhất của năng lượng dương (solar) và năng lượng âm (lunar) bên trong cơ thể, hoặc năng lượng nam, năng lượng nữ. Trong tiến trình chuyển hóa tâm-sinh lý này, tinh hoa uyên thâm nhất của cơ thể được bộc lộ dưới dạng trí tuệ và ánh sáng không tách rời. Bốn Sự Thật Cao Quý của Đức Phật, con đường giải thoát nỗi khổ đau cho cơ thể và tư duy, đó là phương thuốc tối thượng chữa bách bệnh, trực tiếp hướng thẳng tới niềm phúc lạc và thực thể uyên thâm rực sáng của chúng ta.
Hành giả
Phía trên
Thực hành tâm linh chuyển hóa các năng lượng mâu thuẫn của tư duy, thân thể trở thành ánh sáng chói lọi. Thổi kèn làm bằng một cái xương người dày, hành giả Mật tông đánh dấu thành tựu giải thoát mọi ứng xử bị áp đặt bởi tâm trạng lo lắng, tham lam và quyến luyến.
Phật với vị phối ngẫu
Đối diện
Trong các quả cầu ánh sáng ngũ sắc, tiêu biểu cho tinh hoa đã được chuyển hóa thuộc năng lượng tinh tế nhất của cơ thể, năm vị Phật Dhyani (năm vị tiêu biểu cho năm thứ trí tuệ) trong tư thế hợp nhất với phối ngẫu, các vị hướng chúng ta trực tiếp tới trí tuệ ‘nội mandala’, dòng chảy phúc lạc của năng lượng ‘nam’ và ‘nữ’ trong cơ thể, khi hai dạng năng lượng này được hợp nhất bằng thiền, trí tuệ và tâm từ bi thuộc tư duy khai sáng sẽ nảy sinh.  
Đi vào đường lối (Đạo)
Khổ đau, không thỏa mãn là mối suy ngẫm đầu tiên của Phật giáo. Nhận thức được tình cảm vụn vặt, niềm tin cứng nhắc đã làm thui chột cuộc đời chúng ta, nhận thức này khiến tư duy mong muốn một trí tuệ toàn diện. Khát vọng thâm nhập vào tận cốt lõi của sự sống và cái chết chỉ sảy ra khi con người mệt mỏi với mọi thói quen và mối bận tâm đời thường. Lama Sangwa phát biểu ‘ngay cả bệnh tật cũng rất đáng quý, nó dạy chúng ta về bản chất phù du của mọi hiện hữu…Hãy tận dụng tấm thân này và thức ngộ Phật tính trong đó.
Thiền và nghiên cứu 
Phía dưới
Cắt đứt mọi giới hạn trí tuệ, ánh sáng tự nhiên của tư duy sẽ hiển thị tự phát. Không suy đoán, không bấu víu, nắm bắt, hãy hướng vào tinh hoa của Phật tuệ tự hiển thị.
Thực hành bố thí
Phía dưới  
Bất kỳ niềm vui nào trong thế giới này
Đều đến từ ước mong những người khác được hạnh phúc.
Bất kỳ nỗi đau khổ nào
Đều nảy sinh do ý muốn sung sướng cho riêng bản thân.
Còn gì nhiều để nói đây?
Những đứa trẻ dại khờ hành động vì lợi ích của chúng,
Chư Phật hành động vì lợi ích chúng sinh.
Hãy quan sát xem sự khác biệt của đôi bên.
Đại Sư Shantideva
Cầu xin giáo lý
Bên trái
Giáo lý Phật giáo ở Tây Tạng được truyền tải do các vị sư đã thụ phong, các lama và hành giả Mật tông áo trắng, hoạt động của hành giả Mật tông áo trắng không phụ thuộc vào đời sống tu viện.
Quán đỉnh và trao quyền (Initiation and empowerment)
Trước khi thực hành yoga mật tông để khám phá ánh sáng huy hoàng cố hữu của tư duy, tư duy và cơ thể phải được hoàn thiện thông qua nghi lễ quán đỉnh. Theo thứ tự, có bốn mức độ trao quyền trong quán đỉnh, mỗi mức độ liên quan tới cấp bậc tăng dần sự tinh tế và phúc lạc, làm kích hoạt cấu trúc (nguyên bản: inner mandala, ở đây mandala có nghĩa là cấu trúc) các đường kinh lạc năng lượng và tổ hợp thần kinh tư duy (the psychic nervers) của hành giả. Để thanh lọc dòng tư duy trở ngại tinh tế, nghi lễ quán đỉnh không phải lúc nào cũng tiến hành theo quy tắc, mà thường nảy sinh qua những va chạm đầy uy lực. Ví dụ, đại sư chứng đắc Khyungpo Naljor thức ngộ được bản chất tư duy khi thiên nữ Niguma đưa cho ông một chiếc chén làm bằng sọ người chứa đầy nước cam lồ và lấy ngón tay chỉ thẳng vào trái tim ông. Tsele Natsok Rangdrol, một nhà thơ, nhà triết gia và thiến sư thế kỷ thứ 17, ngài xác nhận ‘Quán đỉnh trao quyền là vua của mọi phương pháp, khiến cho trí tuệ cố hữu nguyên bản trong con người hiển thị tự nhiên.’
Truyền tải Mật kinh
Đối diện
Bức tranh cuối cùng mô tả Tây Tạng Y Khoa Mật kinh liên quan tới vấn đề truyền tải khoa học phục hồi, cũng như mục tiêu tối thượng là giải phóng cơ thể vật chất, tư duy và tinh thần. Bức tranh mô tả người thầy thuốc đã giác ngộ, ngài đạt được Phật tính trong cơ thể ánh sáng.
Tăng cường sinh lực
Phía dưới
Mở ra con đường tiếp cận năng lượng tâm linh bằng các tư thế khiêm tốn, bệnh nhân đón nhận nghi lễ quán đỉnh trường thọ. Một số nghi lễ quán đỉnh Mật tông không chỉ dành cho hành giả, mà còn thanh lọc được khuynh hướng tạo ra nghiệp quả, tăng cường tuổi thọ cho người bình thường. 


Thiền
Nếu nghi lễ quán đỉnh ban cho hạt giống giải thoát, thì thực hành tâm linh mang lại thành tựu. Cũng như lý thuyết y khoa, không có thực tế, lý thuyết y khoa chỉ là kiến thức trừu tượng, khái niệm về khai sáng cũng vậy, trừ khi bạn nhận thức được điều đó bên trong cơ thể, tư duy mình. Theo truyền thống Tây Tạng, tư duy trí tuệ phát sinh từ thiền được duy trì như một liều thuốc vĩ đại, vì chỉ có tư duy đó mới xua tan mọi khái niệm ảo ảnh, thứ cầm tù con người trong thế giới khổ đau.
Phật giáo đưa ra vô số con đường tiếp cận để khắc phục sức mạnh vô minh, tham lam và gây hấn, thứ che khuất tiềm năng uyên thâm của chúng ta. Tuy nhiên, trọng tâm của mọi con đường tiếp cận nằm trong trạng thái thức ngộ rất đơn giản: ngay từ đầu, bản chất chúng ta không có gì khác với bản chất chư Phật.
Phương pháp tập luyện về thần linh thiền định (deity yoga)
Phía đối diện
Quán tưởng bản thân trong hình thức nguyên mẫu của một vị thần linh thiền định (deity); thân thể, tư duy và tinh thần hành giả khát khao trí tuệ hiểu biết khai sáng. Hiển thị dưới dạng ánh sáng và phúc lạc tại cốt lõi mọi sinh linh, thần linh thiền định tỏa ra rồi hút trở lại vào trong ánh sáng bắt nguồn từ trái tim hành giả. Ở bức tranh này, người thầy thuốc nắm lấy cây quyền trượng Kim Cương, tiêu biểu hình thể thần linh thiền định Vajrapani xuất hiện trong bức tranh thờ phía trên hành giả. Khi quan sát với tâm trạng cởi mở và hiểu biết, nghệ thuật Tây Tạng đưa con người tới trạng thái đồng nhất với các bức tranh phản ánh bản chất thâm sâu của chúng ta, một không gian tiềm năng sáng tạo vô biên.
Phật Dược Sư
Bên phải
Vị Phật về thảo dược, ông vua các lương y, đấng giải thích Mật kinh y khoa, trong thiền, ngài thể hiện như một hình thức không tách rời với bản chất tự nhiên thâm sâu nhất của chúng ta. Phẩm chất chữa lành bệnh tật và tâm từ bi thể hiện qua hào quang tự phát tại cốt lõi sinh linh. Bardo Thödrol Chenmo (Đại giải thoát trong lắng nghe), văn bản thiền được cho là giải thoát khi lắng nghe, ghi rõ:
Tư duy của ngươi là trống rỗng và sáng láng không tách rời
Không sinh ra và cũng không chết đi, đó là vị Phật ánh sáng bất tử…
Khi ngươi nhận ra bản chất tinh khôi của tư duy ngươi
Chính là vị Phật, không là gì khác,
Nhìn vào trong tư duy của ngươi là nghỉ ngơi trong tư duy Phật


Phật tính
Phật tính là trạng thái tự nhiên của tư duy và thân thể sau khi thanh lọc hết mọi trở ngại theo thói quen. Dù được hiểu là hạt giống tiềm năng hay là thực tại đã xuất hiện hoàn toàn, tuy tạm thời bị che khuất, song Phật tính là tiền đề, đường lối và kết quả thực hành Phật giáo, nền tảng Tây Tạng Y Khoa. Phật tính là động lực phản hồi trong thâm tâm chúng ta đối với thế giới tràn đầy đớn đau khổ sở. Phẩm chất chữa lành của trí tuệ và tâm từ bi là thuộc tính tự nhiên trong tư duy thức tỉnh, tư duy giác ngộ, tự phát thấy được tình trạng rộng mở, thấy được mối tương quan mật thiết trong mọi hiện tượng. Phật tính chính là trí tuệ hiểu biết nội tại của chúng ta, trí tuệ này đánh thức tiềm năng đích thực con người. Theo Lama Shabkar ‘Thứ tư duy bình thường, tự nhiên, không màu mè này chính là tư duy Phật, tư duy dãn nở vô hạn. Bạn sẽ không bao giờ thức ngộ được bản chất tư duy bằng nỗ lực phân tích, tích lũy.’ Khi thức ngộ được bản chất tư duy, ánh sáng nội tại của tư duy sẽ tự nhiên hiển thị không giới hạn, khôi phục sinh linh trở về trạng thái hoàn chỉnh, phấn chấn.
Trong Mật tông, Phật tính thể hiện mãnh liệt dưới hình thức các thần linh nguyên mẫu, hiện thân tiềm năng cố hữu con người. Để vượt qua những khái niệm, nhận thức hạn chế, hành giả đồng nhất bản thân với một vị thần linh cụ thể (yidam), mà với vị thần linh này hành giả cảm thấy mình có mối nghiệp quả cộng hưởng. Được tạo ra từ trung tâm trái tim hành giả, vị thần linh tiêu biểu cho trạng thái vô ngã và sức mạnh con người uyên thâm nhất. Với mục đích khai sáng mà hiện thân là yidam, chúng ta phát hiện bản thân tư duy là vị thần linh tuyệt đối, vị Phật đích thực, mọi hình thức quyến luyến, bấu víu dai dẳng tinh tế tan vào trong bản chất ánh sáng tự phát.
Biểu tượng năng lượng thức tỉnh
Đối diện
Để thể hiện năng lượng động của tư duy khai sáng, thần linh Hayagriva từ không gian nguyên thủy dâng lên như một vầng hào quang lửa, mình quấn trong tấm da thú, trang trí xung quanh là một chiếc vòng bằng xương người với những cái đầu bị cắt rời. Hừng hực thiêu đốt mọi trạng thái hẹp hòi thuộc xúc cảm lưỡng lự, không an toàn, Hayagriva dẵm đạp lên những khuôn mặt người tiêu biểu cho khái niệm vị kỷ cá nhân. Trong nghi thức cúng dâng của Tây Tạng Y Khoa và quy trình bào chế linh đan cải lão hoàn đồng, người thầy thuốc quán thưởng bản thân như thần linh Hayagriva, trao quyền năng cho các vị thuốc với hiệu lực chữa lành, chuyển hóa. Được coi như là ‘đấng bảo hộ linh đan’, Hayagriva tiêu biểu cho sự chuyển hóa năng lượng gây hấn và phẫn nộ trở thành trí tuệ bao trùm tất cả, trí tuệ toàn giác. Để hỗ trợ sinh linh, Phật tính xuất hiện dưới rất nhiều hình thức, tuy nhiên, đại sư Longchen Rabjampa thế kỷ thứ 14 khẳng định ‘Với Phật tính trong sáng hoàn toàn, tự nhiên, không phải tìm ở đâu, mà ngay trong tư duy bạn…Trong trạng thái tự giải phóng thuộc tinh hoa con người bạn, tất cả những gì dâng lên là biểu hiện kỳ diệu của Trí Tuệ Hiểu Biết Nội Tại.
Cải lão hoàn đồng (Quá trình trẻ hóa) 
Lý thuyết y khoa Tây Tạng cho rằng phẩm chất không tinh khiết trong cơ thể, cặn bã thuộc ảo ảnh, tham lam và hận thù, đã che lấp trí tuệ hiểu biết sáng suốt, ngăn trở tiềm năng tối đa con người. Khoa học cải lão hoàn đồng Tây Tạng dựa trên cơ sở thực hành của các Đại Thành Tựu Giả (mahasiddha) người Ấn Độ, rất nhiều vị rèn luyện phương pháp nội giả kim thuật (forms of inner alchemy: phương pháp chuyển hóa bên trong) để làm tinh khiết các dòng năng lượng tinh tế trong cơ thể, sắp xếp chúng trở thành đường dẫn chuyển hóa. Mục tiêu kém quan trọng như phục hồi sức khỏe và kéo dài tuổi thọ cũng không bỏ qua, người ta nói rằng không ít người Tây Tạng thực hành cải lão hoàn đồng, dẫn tới một số thay đổi vật chất đầy kịch tính, như tóc đen trở lại, sống rất lâu. Thực hành cải lão hoàn đồng thường tiến hành trong khóa ẩn tu cùng với thiền. Một vị lama kể lại có một nữ hành giả sống nhiều thập kỷ chỉ bằng tinh chất của hoa. Kỹ thuật cải lão hoàn đồng không những thanh lọc cơ thể bệnh tật, hồi phục phẩm chất trẻ trung, mà còn rỡ bỏ uế tạp trong ý thức, thứ ngăn trở tiềm năng Phật tính của chúng ta.
Linh đan cải lão hoàn đồng
Đối diện
Một chiếc chén bằng sọ người chứa đầy mật hoa thơm tho, ‘linh đan cải lão hoàn đồng’ đề cập tới dạng vật chất đã được ban quyền hạn, có tác dụng thanh lọc các đường kinh lạc trong cơ thể mà dòng năng lượng tinh tế chảy qua, phục hồi sinh lực, kéo dài tuổi thọ. Những quả cầu ánh sáng khác nhau từ thần linh, bồ tát tỏa ra, tiêu biểu thực hành quán tưởng kết hợp với nghi lễ trao quyền cho linh đan. Trong hình thức thanh khiết nhất, thực hành nội giả kim thuật (chuyển hóa bên trong) tiêu biểu quá trình tìm kiếm lâu dài trạng thái bất tử của chư Phật.
Chuẩn bị mật hoa-linh đan
Phía dưới
Nghi lễ và thiền là những nét đặc trưng trong việc chuẩn bị linh đan trường thọ. Chất dịch sinh sản màu trắng và màu đỏ tiêu biểu cho tinh hoa tư duy khai sáng, hoặc dục vọng đã chuyển hóa, được quán tưởng từ chư Phật và các vị phối ngẫu chảy vào chiếc bát đựng thuốc, dược liệu trong bát trở thành mật hoa (cam lồ) bất tử.
Linh đan trường thọ
Nhận thức được toàn bộ tiềm năng cơ thể con người, truyền thống điều trị Tây Tạng thiết lập các công thức trẻ hóa tế bào, làm tinh hoa trong tế bào trở nên thanh khiết. Một số chất được sử dụng gồm cả thủy ngân, khi chưa tinh luyện, thủy ngân cực kỳ độc. Ngoài ra còn có các kim loại quý, đá quý, vàng, kim cương. Tuy nhiên, tiến sĩ Trogawa nhấn mạnh, tiềm năng linh đan có được sau nghi lễ cúng dâng cũng mãnh liệt như dược tính của thuốc. Một số tinh chất giàu oai lực được điều chế bằng chất lỏng chiết xuất từ các loài hoa. Ở Tây Tạng có vô số câu chuyện về các vị đại thiền sư, hàng năm trời chỉ dùng chất lỏng rút ra từ hoa và nước lã.
Thuốc trường sinh bất lão
Bên trái
Chất liệu dùng trong giả kim thuật sử dụng vào nghi lễ và thực hành ban cho sự trường thọ được chuẩn bị rất tỷ mỷ. Theo Tiến Sĩ Yeshi Donden ‘Nếu dược liệu điều chế đúng phương pháp, tín hiệu thành công sẽ xuất hiện: cơ thể trẻ trung hơn, tóc đen lại, có thể mọc răng mới. Khi có biểu hiện này, bạn đã thành công, không cần sử dụng thêm nữa.
Làm sạch tạp chất
Phía dưới
Để thuốc trường sinh bất lão có hiệu lực, trước hết mọi tạp chất của cơ thể cần được tẩy uế. Tấm bảng này minh họa một số thành phần dùng để thanh lọc bên trong cơ thể. Bát chứa ba loại quả kha tử chebulic, belleric và embellic myrobalan, sau đó là muối mỏ, một loại ớt Ấn Độ (long-pepper), gừng, white sweet flag (một loại cỏ), nghệ, false black pepper (một loại hạt tiêu đen), đường mật. Để đạt hiệu quả cao, những thứ này cần trộn lẫn với nước tiểu của con bò đỏ.
Các công trình nghiên cứu gần đây thừa nhận ở Ấn Độ cổ xưa, trong công thức bào chế, một số thành tựu giả (siddha) Phật giáo có thể sử dụng nấm độc Amanita muscaria cùng với một số chất liệu tác động vào hệ thần kinh. Văn bản đề cập tới nhiều nơi linh thiêng thuộc biên giới Tây Tạng, mô tả những loài cây huyền bí ‘ban cho tám thành tựu, khiến người ta nhớ lại được tiền kiếp’. Tuy nhiên, linh đan tối thượng ở ngay trong cơ thể con người. Tiklé (bindu, giọt), tinh hoa thanh khiết thuộc năng lượng tinh tế nhất của cơ thể, và các chất sinh hóa như hoạt chất beta-carbolines tiết ra từ tuyến yên, những thứ đó thu hút hành giả Mật tông cao cấp. Đây là linh đan tự hiển thị (self-manifesting elixirs), thứ chuyển hóa sinh lực, không liên quan tới mọi chất liệu bên ngoài.
Những Chiết Xuất Tinh Hoa
Mật Kinh Y Khoa liệt kê vô số các bước chuẩn bị để xúc tiến mục tiêu trường thọ. Với người tố chất Mật trội hơn, linh đan tối thượng cần bào chế từ tinh hoa thanh khiết của vàng, bạc, đồng, thủy ngân. Với người tố chất Đởm chiếm ưu thế, nên dùng ớt tây (capsicum) trộn lẫn với bơ và mật ong. Dạng linh đan tối thượng thứ ba dựa trên căn bản ba loại kha tử, linh đan này loại bỏ các chứng bệnh của ba khí chất, khiến nhận thức nhạy bén hơn, và đình chỉ quá trình lão hóa
Nghi lễ trường thọ (trẻ hóa)
Để tiến hành nghi lễ trẻ hóa (cải lão hoàn đồng), hành giả quán tưởng bản thân và thuốc men trong hình thức thần linh thiền định. Tụng niệm mật chú, hành giả hình dung các vị thuốc tan vào trong ánh sáng rồi trở thành thức ăn tâm linh (spiritual ambrosia, thực phẩm của thần thánh). Tiến sĩ Yeshi Donden kể rằng ‘Ở Tây Tạng rất nhiều người thành công trong thực hành này, dù đã có tuổi, họ trẻ lại và sống từ một trăm ba mươi tới một trăm năm mươi năm.
Nghi lễ thành tựu
Phía trên
Cầm một mũi tên trường thọ, hành giả Mật tông thực hiện các nghi lễ trẻ hóa.
Chuyển hóa tế bào
Đối diện
Bức tranh minh họa về linh đan cải lão hoàn đồng cho biết tuổi già có nguồn gốc do căng thẳng tinh thần và vật chất. Để đảo ngược tiến trình này, linh đan được chế ra từ hoa cây đỗ quyên (rhododrendron flower), hạt cây bách xú (juniper seeds), cúc ngải và ma hoàng (ephedra). ‘Kết quả đạt được sẽ là cơ thể của một thanh niên 16 tuổi, lòng can đảm của sư tử tuyết, sức bền bỉ của voi, dáng vẻ của con công, tốc độ của một con ngựa thuần thục, cùng với một kiếp người dài như mặt trời và mặt trăng.
Giả kim thuật về ý thức hiểu biết
Bên trái
Để đạt được linh đan tối thượng, đỉnh cao của đường lối Mật tông…, Cắt thẳng vào gốc rễ của ánh sáng nội tại tư duy…. 
Biểu đồ Linh Đan Cam Lồ Tối Thượng


Phục hồi nam tính
Trong truyền thống Tây Tạng Y Khoa, kỹ thuật tăng cường nam tính thường sử dụng để phục hồi, gia tăng hoạt động giới tính, sức bền dẻo dai, kéo dài tuổi thọ. Thành phần chủ yếu dùng trong thuốc kích thích tình dục là thịt của 5 con cóc tuyết trắng trộn lẫn với dược thảo bổ dưỡng. Thầy thuốc Tây Tạng nhận ra sự khác biệt giữa quá trình phục hồi chức năng sinh sản đơn thuần, và mục tiêu lớn hơn là nâng cao thực nghiệm tâm linh. Theo Tiến Sỹ Yeshi Donden, ‘Mục đích cao nhất của tăng cường nam tính là tăng cường thực nghiệm phúc lạc trong bối cảnh hợp nhất khiến cho ý thức phúc lạc có thể sử dụng để thức ngộ trạng thái trống rỗng sự hiện hữu cố hữu trong tình trạng không nhị nguyên cực kỳ mãnh liệt.’
Mặt tích cực của tình dục
Phía trên
Để phục hồi sức mạnh giới tính, Mật kinh y khoa yêu cầu hãy tìm ra ‘môi trường khao khát với những âm thanh chim kêu chiêm chiếp ngọt ngào, một người bạn gái tuyệt đẹp… Cách ứng xử cần có cả những câu chuyện vui, cùng với hôn hít, ôm ấp và thực phẩm hưng phấn tình dục.
Trường hợp kiêng cữ
Đối diện
Hãy tránh quan hệ tình dục với phụ nữ có thai, ốm yếu hay gầy còm hốc hác, phụ nữ kinh nguyệt có dấu hiệu mất cân bằng Nội khí, Mật và Đởm.
Chuyển hóa đam mê nhục dục
Trong Phật giáo Tây Tạng, ánh sáng của bộ lông con công được quy cho là chế độ ăn uống thảo dược có chất độc, tượng trưng đường lối Mật tông chuyển hóa những đam mê nhục dục lạc hướng thành năng lượng và trí tuệ hiểu biết nâng cao. Mật kinh Hevajra khẳng định ‘Bằng vào chính sức mạnh mà những người khác bị mắc kẹt, hành giả Mật tông đạt được giải thoát tối thượng.
Năm độc tố của tư duy
Bên trái
Ở trạng thái thông thường, năm độc tố: tham luyến, mụ mẫm, ghét bỏ, đố kỵ và kiêu ngạo giam hãm chúng ta trong một thế giới đầy rẫy khổ đau, rối loạn. Thấu hiểu cặn kẽ cấu trúc dối lừa của cảm xúc ghẻ lạnh và ba độc tố, thứ gây nên đam mê nhục dục, đớn đau, từ đó những phẩm chất này được chuyển hóa thành ‘năm thứ trí tuệ’, thức ngộ khai sáng nguyên thủy, biểu tượng hóa bằng ánh sáng ngũ sắc ở lông đuôi con công.
Giải phóng cảm xúc
 Phía dưới
Phật giáo Tây Tạng phân biệt rõ ràng giữa sức mạnh giải thoát của trí tuệ và tâm từ bi, với sức mạnh của xúc cảm chia rẽ, rối loạn, thứ đưa chúng ta chìm sâu hơn trong ảo ảnh. Chuyển hóa ‘độc tố’ ham muốn nhục dục thành nước cam lồ của trống rỗng và phúc lạc là tinh hoa đường lối Mật tông. Lama Shabkar viết ‘Khi ham muốn nhục dục dâng lên, hãy nhìn thẳng vào bên trong thực chất của nó…Ham muốn này từ đâu sinh ra? Bây giờ nó ở đâu? Và cuối cùng nó sẽ đi về đâu? Nó có màu sắc gì không? Khi quan sát kỹ, bạn thấy trống rỗng, ở đó không nắm bắt được gì cả…
Hãy nhìn vào bản chất của nó, chính ham muốn dục vọng lại là cốt lõi của trí tuệ phân biệt sáng suốt.
Giả kim thuật giới tính
Trong Mật tông, dục vọng không bị chối bỏ, mà còn được sử dụng như một sức mạnh. Sức mạnh này chuyển hóa, thiêu hủy mọi tăm tối theo thói quen và các trạng thái vướng mắc nội tâm, thứ tách rời chúng ta với Phật tính thâm sâu. Lama Yeshe giải thích ‘Phối ngẫu là vị cần thiết để đưa tất cả năng lượng nội khí bị lan tỏa đi vào trong đường kinh lạc trung ương, mở rộng hoàn toàn huyệt vị nơi trái tim, thực nghiệm được các mức độ thâm sâu của ánh sáng thanh khiết.’ Trong lý thuyết Mật tông, tinh dịch nam giới và tinh dịch nữ giới là sức mạnh thức tỉnh bẩm sinh của cơ thể (bồ đề tâm), những thứ đó được ngăn giữ lại và dàn trải suốt các tế bào, tạo ra trạng thái phúc lạc thâm nhập tới tận cốt lõi sáng sủa trong thực tại.


Ngọn lửa giải thoát
‘Nước cam lồ của chúng ta hợp vào với nhau như một giọt linh đan…
Ta và phối ngẫu tan vào trong ánh sáng hiểu biết…
Phúc lạc bẩm sinh xuất hiện như trạng thái thoáng đãng tuyệt đối của Miền Rộng Mở…
Hãy nhìn vào tình trạng mới mẻ nội tâm thuộc ham muốn nhục dục của ngươi, đó là ánh sáng vô lượng.
Thiên nữ Yeshe Tsogyal 
Giả kim thuật của phúc lạc
Quan hệ tình dục khuấy động toàn bộ cảm giác cơ thể và các nội tố chất, kích hoạt năng lượng ‘mặt trời’, ‘mặt trăng’ chảy qua suốt cấu trúc mandala bên trong cơ thể. Đại thành tựu giả Tilopa tuyên bố trong tác phẩm Bài Ca Đại Thủ Ấn ‘Nếu bạn tìm được người phối ngẫu, trí tuệ hợp nhất của niềm vui và trống rỗng sẽ dâng lên trong bạn…bạn sẽ sống lâu, tóc không bạc, bạn sẽ tròn trịa như mặt trăng… trở nên sáng sủa, và sẽ có sức khỏe hoàn hảo.
Nội khí, đường kinh lạc và tinh chất
Muốn tạo ra phúc lạc để sử dụng trong các thực hành Nội Mật kinh, người Tây Tạng cũng dựa vào ‘vị phối ngẫu trí tuệ nội tâm’ (the inner wisdom consort) và các cực Nam, cực Nữ (male and female polarities) bên trong cơ thể tinh tế. Trong một bài ca giác ngộ, vị hành giả vĩ đại thế kỷ thứ 11 Milarepa mô tả tiến trình qua đó tinh hoa ‘đỏ’ và ‘trắng’ mà con người thụ hưởng từ cha mẹ khi ra đời, được dùng để phát hiện trạng thái bất khả phân của phúc lạc và ánh sáng:
Phúc lạc nảy sinh khi nội hỏa (tummo) bừng cháy toàn thân.
Khi nội khí của Roma (đường kinh lạc phải) và Kyangma (đường kinh lạc trái) đi vào trong đường kinh lạc trung ương, đó là phúc lạc.
Khi ‘bồ đề tâm’ (tinh chất đỏ) từ phía trên đi xuống…và tinh chất trắng từ dưới đi lên, 
Khi tinh hoa của nam và nữ hợp nhất ở trái tim…
Đó là phúc lạc.
Toàn thân tràn trề với niềm say mê không uế tạp.
Sáu điểm này là phúc lạc của yoga bí mật.
Nội mandala
Đối diện
Trong cơ thể vật chất của con người có mandala thuộc những tinh hoa vi tế và các dòng năng lượng, Mật tông sử dụng mandala này làm nền tảng cho công trình chuyển hóa tâm linh.
Mổ xẻ về ánh sáng
Bên phải
“Ý thức nguyên thủy vĩ đại tồn tại bên trong cơ thể…nhưng không phải do cơ thể sinh ra.”
Hevajra Tantra
Giải thoát
Nghệ thuật điều trị của Tây Tạng đưa chúng ta qua mê cung phức tạp của con người, phát hiện trạng thái hoàn hảo thuộc đời sống tinh thần ngay tại cốt lõi cơ thể vật chất. Niềm phúc lạc nảy sinh thông qua thực hành về nội khí và các đường kinh lạc tinh thần, phục hồi tình trạng khỏe mạnh của thân thể, tư duy, và tâm linh. Từ đóa hoa sen trong trái tim con người, năng lượng vi tế nhất bộc lộ ý thức hiểu biết nguyên thủy, giải thoát mọi khổ đau. Tiến trình điều trị đích thực bắt đầu bằng vạch kế hoạch cho sức khỏe hoàn chỉnh, cũng như thành tựu khai sáng phụ thuộc vào niềm tin kiên định trong trí tuệ và độ sáng của bản chất uyên thâm con người. Các bức vẽ trong Tây Tạng Y Khoa Mật Kinh thu hút chúng ta vào một thế giới từ bi, sáng tạo. Blue Beryl đề xuất, nếu chúng ta giữ thái độ cởi mở với ảnh hưởng phục hồi do từ bi, sáng tạo, mọi khổ đau và xúc cảm hão huyền cuối cùng có thể giải phóng vào trong miền tràn trề ánh sáng.
Thiên nữ
Phía trên
Được miêu tả như một nữ thần nhảy múa trên trời, thiên nữ là hiện thân cởi mở và tư duy khai sáng.
Thiên nữ hân hoan nhảy múa trong đường dẫn tâm-sinh lý, trong những giọt bí mật của cơ thể, lúc này mọi nhận thức đời thường tan biến, các hóa thân trở nên rực rỡ.
The Essence of All-Beneficial Ambrosia
Mandala của Amitayus (Phật Trường Thọ)
Trong luân xa ở trái tim ngài lan tỏa ánh sáng năm tố chất. Phật Trường Thọ là hiện thân bản chất cố hữu của chúng ta, hình ảnh của sự hoàn chỉnh.
Đường kinh lạc
Đường kinh lạc dẫn năng lượng tinh tế nhất của cơ thể bắt nguồn từ trái tim giống như một bông sen từ vũng bùn nhận thức con người mọc lên. Đường kinh lạc có tên katika được mô tả như chiếc ống bằng pha lê dâng lên, đi qua từ những lỗ hổng phía trên của cơ thể rồi thoát ra từ đôi mắt. Năng lượng ở trái tim thanh lọc mọi uế tạp bằng ánh sáng của nó. Mật kinh tuyên bố ‘với người nào thấy được ánh sáng rực rỡ từ quả cầu ở trong trái tim..Trạng thái khai sáng chắc chắn sẽ bừng lên’
TÁI BÚT, LỜI CẢM TẠ CỦA NGHỆ SỸ, TÁC GIẢ
Trong văn hóa Phật giáo Tây Tạng, người nghệ sĩ giữ vai trò phát hiện tiềm năng con người. Đôi mắt là cánh cửa đi sâu vào thế giới tinh thần, qua đó chúng ta có thể thực nghiệm trực tiếp được những gì mà tư duy chỉ lờ mờ hình dung ra. Các tranh tượng và năng lượng nghệ thuật Tây Tạng thức tỉnh trong ta một thế giới tiềm năng vô hạn.
Màu sắc sử dụng trong tác phẩm được lấy ra từ nguồn chất liệu thiên nhiên. Màu xanh da trời là bột đá ngọc lam, màu đỏ sulfua thủy ngân, màu vàng từ muối lưu huỳnh, trộn lẫn với bột vàng nguyên chất. Thông qua hình dạng, màu sắc, tôi cố gắng tạo ra không gian trong đó thị giác thuần túy cũng có thể giải thoát chúng ta khỏi hình ảnh cứng nhắc về câu hỏi ‘Ta là ai, là cái gì, có thể trở thành cái gì?’. Theo quan điểm cá nhân, các bức tranh minh họa Mật Kinh Y Khoa Tây Tạng không chỉ ghi lại hệ thống kiến thức phi thường, mà còn là những hình ảnh mãnh liệt khơi dậy tính sáng tạo bẩm sinh của tư duy và năng lượng phục hồi.
Sức mạnh trị liệu trong nghệ thuật Tây Tạng bắt nguồn từ cổ xưa, thời kỳ mà con đường tiếp cận với thầy thuốc và các phương thuốc vô cùng hạn chế. Sinh lực phục hồi thông qua nghi lễ bí truyền, gồm cả việc được phép mở những cuộn tranh để xem. Thông qua đôi mắt, tư duy hồi phục trạng thái lành lặn, cơ thể trở lại trạng thái hài hòa cân đối.
Bộ tranh Tây Tạng Y Khoa này được chế tác với hy vọng quảng bá năng lượng điều trị vào thế giới hiện đại bằng nghệ thuật truyền thống, một hình thức nghệ thuật được biết rất ít ở các nước phương Tây. Với phong cách khiêm tốn, nhờ sự hỗ trợ của màu sắc, bố cục, biểu tượng, tôi cố gắng thể hiện mối tương quan mật thiết giữa cơ thể, tư duy và tinh thần. Bệnh tật chỉ phát sinh lúc chúng ta mất đi khả năng cân bằng, khi tư duy là nạn nhân của những độc tố như thói kiêu ngạo, vô minh, lo lắng và thất vọng. Trong thông điệp tôi hy vọng truyền tải được qua công trình này, điều quan trọng nhất, là cổ vũ nhân loại tin vào chính mình, tin vào sức mạnh để thức tỉnh khả năng thần thánh thiêng liêng với những gì họ gặp. Có được như vậy, linh ảnh oai lực đích thực của con người mới hoàn toàn xuất hiện. Qua các bức vẽ mà phương tiện thể hiện là hình ảnh, ánh sáng, tôi cố gắng bộc lộ năng lượng phục hồi, niềm vui sướng, và muốn chia sẻ lời cam kết, rằng ngay tại cuộc đời này, khai sáng chắc chắn là điều sảy ra.
Xin tạ ơn những người đã giúp đỡ, hỗ trợ: Kishor Shrestha và gia đình cùng người vợ yêu quý Sophie của tôi; David và Sally Shaw Smith; Gareth Onorach a Brun; Gordon và Julie Campbell; Markus O. Speidel; Morrough và Katherine Kavanagh; Ciaran MacGonigal; Hàn Lâm Viện Royal Hybernian, Phòng triển lãm Gallagher, Dublin; John Guy và John Clarke, viện bảo tàng Victoria và Albert London; Cyril McKeon, những người bạn của Cơ Quan Sưu Tầm Quốc Gia Dublin, Ireland; Robert Knox và Richard Blurton, Viện Bảo Tàng Cổ Vật Viễn Đông Luân Đôn; Barbara Dawson và Christine Kennedy, Bảo Tàng Nghệ Thuật Hiện Đại Hugh Lane Municipal, Dublin; John Hutchinson, Douglas Hyde Gallery, Dublin; Tiến sĩ Michael Ryan và Jan Chapman, Chester Beatty Library, Dublin; Herr Martin Brauen, Vökerkundemuseum der Universität Zürich; Laila Williamson, American Museum of Natural History, New York; Terese Bartholomew, Asian Museum, San Francisco; Mile C. Beach, Freer Gallery of Art, Smithsonian Institution, Washington DC; Tiến sĩ Praditya Pal, Los Angeles County Museum of Art; Tiến sĩ Valerie Reymold viện bảo tàng Newark, New Jersey, Tiến sĩ Joseph M Dye III, Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Virginia, Richmond, VA; Noren O’Hara, Omeau Baths Belfast; Anthony Aris, Serindia Publications; Tony and Mary Forte; Lesly Sherpard; Stewart Wild, Cecilia Chancellor và Jonathan Rhys-Meyers, những cá nhân mà mọi người ngưỡng mộ.
Romio Shrestha
Trong nhiều năm qua đã có không ít bản dịch chi tiết, xác thực từng chương trong văn bản Bốn Mật Kinh Y Khoa (Gyushi) và văn bản Blue Beryl (Vaidurya Ngonpo) của Sangye Gyamtso. Ấn bản hai bộ tranh y khoa ở Ulan Ude kèm theo bản dịch từ Tạng ngữ sang Anh ngữ được Liên hiệp xuất bản Serindia và Harry N. Abaham công bố năm 1992. Đây là những tài liệu vô cùng quan trọng đối với các nhà nghiên cứu Tây Tạng, sinh viên và hành giả Y Khoa Đông Phương. Pho sách này mang nặng ân huệ của tác giả, dịch giả, đồng thời hoàn toàn không có ý so sánh mọi phát kiến trên phương diện học thuật của các vị, cách tiếp cận vấn đề cũng không nhằm mục đích mang nhiều ích lợi cho các học giả, mà chỉ mang thông điệp tới những ai quan tâm về nguyên lý căn bản của Tây Tạng Y Khoa trong cuộc sống hàng ngày, đỉnh cao nguyên lý là vai trò sáng tạo cùng với tâm từ bi tại thời điểm bắt đầu quá trình điều trị cho bản thân và cho người khác. Cuốn sách nhằm hoàn thành tâm nguyện của Đức Dalai Lama: Mật Kinh Y Khoa cần được phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp.
Nhằm mục đích để nội dung tranh thờ y khoa dễ sử dụng, từng bức tranh, từng chi tiết minh họa cách tiếp cận thân thể, cảm xúc và sức khỏe tinh thần của Phật giáo Tây Tạng được lựa chọn cẩn thận. Văn bản, bình chú trích dẫn từ nhiều nguồn khác nhau, hạn chế lẫn công khai, bao gồm những buổi phỏng vấn, tranh luận với các vị lama, thầy thuốc Tây Tạng. Cùng như tranh minh họa Blue Beryl biến đổi kiến thức bí truyền chính yếu thành một dạng trực ngộ (one that visceral and immediate), tài liệu này cố gắng giới thiệu các bức tranh với phong cách sáng sủa và chấp nhận được.
Rất nhiều người đã đóng góp để cuốn sách này trở thành hiện thực. Trước hết, tôi xin đội ơn Đức Dalai Lama, ngài động viên mọi nỗ lực khiến cho lý thuyết, thực hành Tây Tạng y khoa được phổ cập rộng rãi, đội ơn các lama, hành giả, thầy thuốc đã chia sẻ quan điểm, chuyên môn. Xin tri ân Fernand Meyer, Gyurme Dorje, và Yuri Parfionovitch, người chịu khó dịch thuật, công bố mọi ghi chú trên các bức tranh Tây Tạng Y Khoa. Tôi cũng biết ơn ông Gordon Campbell, người tận tụy cống hiến cho công trình của Romio Shrestha với ý tưởng lần đầu tiên giới thiệu các bức tranh y khoa dưới dạng sách, biết ơn Romio với quan điểm ‘trị liệu bằng quan sát’ đầy cảm hứng. Tuy nhiên, lời cảm ơn sâu sắc của tôi phải gửi tới truyền thống điều trị Tây Tạng, không thể đề cập hết từng cá nhân, những vị liên tục nhấn mạnh rằng quá trình phục hồi cũng như chuyển hóa, cần bắt đầu bằng hiểu biết về tiềm năng vô hạn của phương tiện kỳ diệu này, đó là cơ thể và tư duy con người.
Hy vọng sâu sắc của tôi là cuốn sách này có chức năng như một chỉ dẫn cho người khỏe mạnh, họ cần tận dụng nguồn tài nguyên tinh thần, vật chất, đồng thời cuốn sách còn là nguồn cảm hứng cho người ốm yếu, giống như cư dân Tây Tạng, những người học được bài học uyên thâm mà từng căn bệnh đã mã hóa.
HẾT