Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

TIẾN TRÌNH CHẾT, TRẠNG THÁI TRUNG CHUYỂN VÀ TÁI SINH trong Phật giáo Tây Tạng

07 Tháng Sáu 201610:07 CH(Xem: 3986)
TIẾN TRÌNH CHẾT, TRẠNG THÁI TRUNG CHUYỂN VÀ TÁI SINH trong Phật giáo Tây Tạng
TIẾN TRÌNH CHẾT, TRẠNG THÁI TRUNG CHUYỂN VÀ TÁI SINH
trong Phật giáo Tây Tạng


Tác giả: Lati Rinbochay & Jeffrey Hopkins
Lời nói đầu của Đức Dalai Lama
Trợ lý biên tập: Elizabeth Napper
Phần Việt ngữ: Tống ngọc Đức
Nội dung
Lời giới thiệu của Đức Dalai Lama
Lời nói đầu
Chết, Trạng Thái Trung Chuyển và Tái Sinh của Yang-jen-ga-way-lo-drö
Giới thiệu
Những giai đoạn của cái chết
Trạng thái trung chuyển
Tái sinh
Chấm dứt tiến trình chết
Lời giới thiệu của Đức Da Lai Lama
(Trích từ các bài giảng năm 1972 về văn bản của Tsongkhapa: Lam rim bring: Phát hiện bậc trung về những Giai Đoạn Tu Tập) 
Thông qua ảnh hưởng của tham, sân, si, mà nghiệp quả uế tạp vận hành, tạo nên sức mạnh tiềm ẩn trong tư duy dưới hình thức thiên hướng. Khi cuộc đời kết thúc, thiên hướng sẽ điều khiển con người tiếp tục tái sinh vào trong chu kỳ hiện hữu mà tư duy và cơ thể phù hợp với nguyên nhân uế tạp đó.
Một số người chết do cạn kiệt sức mạnh thúc đẩy của hoạt động đó, bắt nguồn từ các kiếp khác, sức đẩy này trở thành nền tảng cuộc đời hiện tại. Một số khác chết mà chưa sử dụng hết khoảng thời gian của mình, do khiếm khuyết nguyên nhân duy trì sinh mạng không hoàn chỉnh, ví dụ như thiếu đi các yếu tố cần thiết. Đó là chết non, chết vì tiêu thụ hết phẩm chất duy trì; tuy rằng sức mạnh thúc đẩy của hoạt động tạo nên cuộc đời này vẫn còn, nhưng điều kiện thích hợp bên ngoài đạt được từ các hành vi tích cực trong các kiếp sống trước đây đã hết.
Có ba trạng thái tư duy khi con người chết: trạng thái tích cực, trạng thái tiêu cực và trạng thái trung tính. Trường hợp thứ nhất, người hấp hối có thể đưa vào tư duy những đối tượng đoan chính, đức hạnh, như Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) hay vị thầy của mình, nhờ thế họ tạo ra tư duy tín ngưỡng. Hoặc giả người hấp hối giữ được tâm trạng bình thản vô biên, thoát khỏi xúc cảm ham muốn, căm ghét với các sinh linh khác, hay suy ngẫm (thiền) về trống rỗng, tích lũy tâm từ bi. Điều này được thực hiện bằng cách bản thân nhớ lại mọi thực hành đó, hoặc do người khác nhắc nhở. Nếu những thái độ như thế được tích lũy tại thời điểm chết, con người sẽ chết trong trạng thái tư duy đoan chính, tích cực, quá trình tái sinh được cải thiện. Chết trong tình trạng này rất tốt.
Nhưng đôi khi, dù không cố ý, song do người khác làm phiền khiến người hấp hối bực mình, phát sinh xúc cảm giận dữ. Hoặc giả bè bạn thân thích tập trung bên giường than khóc làm người bệnh nổi lên tâm trạng thèm khát. Bất kể vì một lý do gì, nếu con người chết với thái độ tiêu cực mà họ thường xuyên mắc phải, điều này rất nguy hiểm.
Lại có những người chết trong trạng thái trung tính, không đưa vào tư duy các đối tượng đoạn chính, cũng không tạo ra xúc cảm ham muốn, căm ghét.
Ba thái độ này, đoan chính, không đoan chính và trung tính, xuất hiện từ khi hấp hối cho tới thời điểm tư duy vi tế của cái chết hiển thị. Theo kinh bản (sutra: kinh bản phổ biến rộng rãi), tư duy vi tế cuối cùng này phải ở trạng thái trung tính, vì không như Yoga Tối Thượng, hệ thống kinh bản sutra không mô tả kỹ thuật di chuyển tư duy vi tế vào trong trạng thái đoan chính, mà chỉ xử lý tư duy ở dạng thô. Tuy nhiên, hành giả Mật tông đủ trình độ có thể vận dụng tiến trình chết để chuyển đổi tư duy tinh tế theo hướng đoan chính của ý thức. Lúc đó, thực hành của hành giả vô cùng uyên thâm.
Trong mọi trường hợp, tâm trạng trước khi chết vô cùng quan trọng, vì ngay cả một hành giả trầm tĩnh, nếu bị quấy nhiễu lúc này, các hiển thị của ham muốn, tức giận sẽ phát sinh. Lý do là tất cả chúng ta đều có những khuynh hướng hình thành từ hành vi không đoan chính trước đây, chúng sẵn sàng hoạt động khi con người gặp điều kiện bất lợi. Chính loại khuynh hướng này tạo ra động lực xô đẩy sinh linh vào các kiếp sống thấp kém. Tương tự, chúng ta cũng có các khuynh hướng được thiếp lập bởi hành vi đoan chính, khi gặp điều kiện thuận lợi, loại khuynh hướng này sẽ là động lực cho các kiếp tái sinh may mắn như kiếp người chẳng hạn.
Những khả năng tiềm tàng trong chuỗi tiệm tiến tinh thần (ý thức con người), được nuôi dưỡng bởi xúc cảm quyến luyến, tham lam, chúng sẽ dẫn tới quá trình tái sinh hoặc tốt hoặc xấu. Cho nên, nếu khuynh hướng do nghiệp quả xấu để lại được kích hoạt, kết quả sẽ là một kiếp tái sinh vào cõi súc vật, ngạ quỷ hay địa ngục.
Tương tự, một người, tuy rằng lúc sinh thời cư xử ác độc, nhưng nếu chết với tâm trạng tích cực, người đó có thể được đầu thai vào môi trường thuận lợi. Cho nên điều quan trọng với người hấp hối và những người xung quanh, là phải tránh xa mọi hành vi có thể phát sinh cảm xúc ham muốn, ghét bỏ, thay vào đó cần khích lệ tư duy đoan chính của người hấp hối. Chúng ta nên hiểu điều này.
Những ai chết với tư duy đoan chính, họ có cảm giác đi từ trong nơi tối tăm ra chỗ sáng, không lo âu, nhìn thấy cảnh tượng vui vẻ. Rất nhiều trường hợp người hấp hối cảm thấy dễ chịu mặc dù bệnh tật hành hạ. Và có người tuy bệnh không trầm trọng, song tâm trạng vô cùng sợ sệt, hơi thở nặng nề, họ chìm đắm trong ý nghĩ tiêu cực, tựa như đi từ chỗ sáng vào trong bóng đêm, trông thấy nhiều hình thù khủng khiếp.
Có người, do bệnh tật, hơi nóng cơ thể giảm sút, muốn được sưởi ấm, điều này củng cố khuynh hướng đầu thai làm sinh linh trong hỏa ngục, để rồi họ tái sinh vào một cõi cực nóng. Người khác lại thèm khát cảm giác mát mẻ như muốn uống nước đá, khuynh hướng đầu thai vào cõi địa ngục lạnh lẽo gia tăng, điều này tạo ra mối liên hệ với phương thức tái sinh tương ứng. Cho nên cần tránh xa những ý nghĩ khao khát tầm thường tại lúc chết, hãy hướng tư duy tới mọi đối tượng hữu ích.
Trong cuộc sống hàng ngày, xúc cảm ham muốn, căm ghét, ghen tỵ..., cảm xúc nào mà chúng ta thường quen thuộc, chúng sẽ hiển thị ngay dù chỉ với một khích động nhẹ, nhưng với dạng ít quen thuộc, để hiển thị, loại cảm xúc này cần sự hỗ trợ thích đáng. Tương tự, tại thời điểm chết, thái độ mà con người thường hay biểu lộ luôn chiếm quyền ưu tiên và định hướng tái sinh. Cùng lý do đó, xúc cảm quyến luyến mạnh mẽ được tạo ra cho cái “tôi”, vì người ta sợ cái “tôi’ của họ mất đi. Xúc cảm này trở thành sợi dây liên lạc với trạng thái trung chuyển giữa các kiếp sống, từ đó nảy sinh ý nghĩ mong muốn có một cơ thể, ý nghĩ đó hoạt động như là nguyên nhân thiết lập cơ thể của sinh linh trong trạng thái trung chuyển.
Người nào để tâm quá nhiều vào hoạt động không đoan chính, hơi ấm cơ thể trước hết rút đi từ phần trên thân người, sau đó mới tới các bộ phận khác, còn người hay thực hiện hành vi đoan chính, hơi ấm rút đi đầu tiên ở chân. Trong cả hai trường hợp, hơi ấm cuối cùng tập trung ở trái tim, nơi ý thức con người thoát đi. Các thành phần vật chất thuộc về tổ hợp tinh dịch và chất lỏng trong trứng của người mẹ, mà trong thành phần đó, ý thức lần đầu tiên lọt vào tử cung tại thời điểm bắt đầu một kiếp sống; những thành phần này trở thành trung tâm trái tim, rồi cũng chính nơi ấy, ý thức thoát ra lúc chết.
Ngay lập tức, trạng thái trung chuyển bắt đầu, ngoại trừ sinh linh tái sinh vào trong cõi không có hình thể thuộc không gian vô tận, ý thức vô tận, ‘trống rỗng’, hay tái sinh vào cõi thuộc đỉnh cao của chu kỳ hiện hữu. Với dạng sinh linh này, cuộc sống mới bắt đầu ngay sau khi chết. Sinh linh ra đời trong cõi tham vọng và cõi hình thể phải trải qua trạng thái trung chuyển, trong trạng thái trung chuyển, sinh linh đón nhận hình thể mà sinh linh đó sẽ ra đời. Sinh linh trong trạng thái trung chuyển sở hữu 5 giác quan, có khả năng thấu thị (clairvoyance; khả năng thấu thị, biết trước), không bị cản trở, di chuyển ngay lập tức tới bất kỳ chỗ nào theo ý muốn. Sinh linh trong trạng thái trung chuyển nhìn thấy được những sinh linh khác cùng chủng loại, và có thể bị nhìn thấy bằng khả năng thấu thị.
Nếu nơi sinh phù hợp với thiên hướng của sinh linh không tìm thấy, một tiến trình chết ngắn ngủi lại xuất hiện sau bảy ngày, rồi sinh linh tiếp tục đi vào trạng thái trung chuyển khác. Quy luật này lặp lại tối đa sáu lần, khoảng thời gian dài nhất trong trạng thái trung chuyển là 49 ngày. Có nghĩa là sinh linh sau khi chết tới một năm mà vẫn chưa tìm được nơi sinh, sinh linh đó không còn ở trong trạng thái trung chuyển sau khi chết nữa, mà phải đón nhận kiếp tái sinh để trở thành vong linh.
Trường hợp tái sinh làm người, sinh linh trông thấy cha mẹ tương lai đang giao hợp. Nếu sinh ra là con trai, cảnh tượng này tạo ra cảm giác ham muốn tình dục với người mẹ và căm ghét người cha, trường hợp ngược lại với con gái. Bị xúc cảm ham muốn thúc đẩy, sinh linh vội vã lao tới giao cấu, nhưng khi đến nơi, sinh linh chỉ nhìn thấy bộ phận sinh dục của đối tượng mà sinh linh thèm muốn. Điều này gây nên nỗi tức giận, cảm xúc giận dữ làm chấm dứt trạng thái trung chuyển, tạo ra đường dẫn nối với cuộc sống mới, rồi sinh linh đi vào trong tử cung, bắt đầu cuộc sống loài người. Khi tinh trùng người cha và trứng người mẹ kết nối với ý thức, chúng dần dần phát triển tự nhiên thành các tố chất của con người.
Con người khát khao mong muốn nơi tái sinh mới, dù đó là địa ngục. Ví dụ, người hàng thịt có thể trông thấy con cừu với khoảng cách như trong mơ khiến anh ta vội lao tới đó để giết thịt. Hình ảnh mờ đi, anh càng thêm tức giận, thế là trạng thái trung chuyển chấm dứt, cuộc sống trong địa ngục bắt đầu. Đồng thời, như đã nói trên, sinh linh tái sinh vào hỏa ngục bị hấp dẫn bởi sức nóng, tái sinh vào hàn ngục bị cảm giác mát lạnh quyến rũ. Bản chất trạng thái trung chuyển của sinh linh tái sinh vào cõi cư trú không tốt lành rất đáng sợ; cuối cùng, sinh linh vội vã tới nơi tái sinh và, khi mong muốn không được đáp ứng, sinh linh tức giận, lúc này trạng thái trung chuyển chấm dứt, cuộc sống mới bắt đầu.
Cho nên, sợi dây liên lạc với kiếp sống mới được tạo ra bởi ảnh hưởng của ham muốn, căm ghét và vô minh (tham, sân, si). Trừ phi khắc phục được ảnh hưởng đó, bằng không sinh linh vẫn bị trói buộc vào chuỗi mắt xích luân hồi. Thực ra có những kiếp tái sinh tốt và xấu, nhưng một khi còn bị ràng buộc, sinh linh vẫn phải chịu đựng áp lực của các khối kết tập tinh thần, vật chất, khối kết tập này lại bị hành vi uế tạp và khổ đau chi phối. Điều này không sảy ra chỉ một lần, mà nhiều lần, không gián đoạn.
Để khắc phục nỗi khổ sinh lão bệnh tử, chúng ta phải vượt qua các trạng thái ham muốn, căm ghét, rối loạn. Gốc rễ của chúng là vô minh: nhận thức sai lầm về tình trạng hiện hữu cố hữu của con người và hiện tượng. Thuốc men từ bên ngoài đưa vào làm giảm bớt nỗi đau đớn nhưng không thể chữa khỏi gốc rễ căn bệnh. Thực hành nội tâm như sử dụng thuốc giải độc đặc chủng cho căn bệnh ham muốn và căm ghét rất ích lợi, song chỉ hiệu lực nhất thời. Tuy nhiên, nếu con người có thể hủy diệt vô minh, gốc rễ của tham, sân, si, chu kỳ sinh lão bệnh tử sẽ chấm dứt.
Chừng nào vô minh bị xua tan, mọi hành vi uế tạp do vô minh sẽ ngừng lại. Hơn nữa, không còn vô minh, tình trạng quyến luyến, tham lam củng cố cho thiên hướng mà hành vi trước đây thiết lập sẽ chấm dứt, chu kỳ tái sinh không kiểm soát nổi sẽ kết thúc.
LỜI NÓI ĐẦU
Mật kinh (kinh bản lưu hành nội bộ) của Phật giáo chia ra làm bốn loại, tương ứng với bốn bậc thực hành mật tông: Action (Kryia), Performance (Carya), Yoga và Highest Yoga hay Yoga Tối Thượng (nguồn trích dẫn Tantra in Tibet của Tsong-ka-pa). Hình thức cao nhất, Yoga tối thượng, nhằm mục đích chấm dứt sinh tử và trạng thái trung chuyển giữa hai giai đoạn sinh tử; chuyển hóa các giai đoạn này thành cơ hội đạt được Phật tính. Mục tiêu đó được thực hiện qua một loạt các thực hành mô phỏng theo tiến trình chết, trạng thái trung chuyển và tái sinh, cho tới khi hành giả đạt tới mức kiểm soát được tiến trình, không bị lệ thuộc vào cái chết nữa.
Bởi vì chuỗi thực hành Yoga tối thượng dựa trên cơ sở tái tạo tiến trình chết, điều quan trọng với hành giả là biết được con người chết như thế nào, các giai đoạn chết và nguyên nhân sinh lý tiềm ẩn phía sau cái chết. Mật kinh mô tả vấn đề này dựa trên lý thuyết phức tạp về nội khí hay dòng năng lượng, đây là nền tảng các mức độ ý thức khác nhau. Do quá trình sụp đổ hàng loạt những khả năng của nội khí giữ vai trò nền tảng ý thức; mọi sự kiện thuộc tiến trình chết cả bên trong lẫn bên ngoài đều hiển thị. Cho nên, đối với hành giả Yoga tối thượng, nghiên cứu về cái chết là nghiên cứu dạng nội khí đó, nghiên cứu các mức độ ý thức phụ thuộc vào các dòng nội khí này.
Thuật ngữ ‘nội khí’ xuất hiện trong lý thuyết Phật giáo y khoa về ba khí chất cơ bản: Nội Khí, Mật và Đởm. Khi ở trạng thái cân bằng, ba khí chất này thực hiện chức năng của một cơ thể khỏe mạnh. Nếu mất cân bằng, ba khí chất này tạo ra bệnh tật, vì thế chúng được gọi là ba yếu điểm (dosha). Trong ba khí chất, Nội khí quan trọng hơn cả vì nó chỉ đạo hai khí chất kia. Nội khí được định nghĩa là ‘nhẹ và linh động’, thực hiện các chức năng như nuốt, nói, đại tiểu tiện, co dãn các chi vv…Do đó, thuật ngữ ‘khí’ mang rất nhiều nghĩa, từ hơi thở cho tới dạng khí tinh tế hay dòng năng lượng thực hiện các chức năng cơ thể, đảm nhiệm vai trò cấu trúc khung hoặc nền tảng của ý thức.
Trong lý thuyết Mật Kinh Y Khoa, nội khí có năm loại:
Nội khí sinh mạng. Vị trí nằm tại trái tim. Ở dạng thô, nội khí này gây nên hoạt động thở hít, ợ, khạc nhổ vv…
Nội khí đi lên. Vị trí ở giữa lồng ngực, hoạt động xuyên suốt khu vực cổ họng và miệng, nội khí đi lên chủ yếu tạo ra khả năng nói, nuốt thức ăn, nước bọt, đồng thời cũng vận hành trong các khớp xương.
Nội khí lan tỏa. Vị trí ở đỉnh đầu, gây ra các hoạt động mềm dẻo, co dãn các chi, đóng mở miệng và mí mắt.
Nội khí sinh nhiệt. Vị trí ở tầng thứ ba dạ dày (đan điền: the third stage of the stomach), di chuyển qua suốt các cơ quan nội tại như phổi, tim, gan, mật, bàng quang vv…và các đường kinh lạc của tứ chi. Nội khí này tạo ra khả năng tiêu hóa chất bổ dưỡng, tách rời các phần tinh khiết, không tinh khiết vv…
Nội khí bài tiết đi xuống. Vị trí ở phần bụng dưới, di chuyển xung quanh tử cung, túi chứa tinh dịch, bên trong bàng quang, bắp đùi vv…Nội khí này khởi động và chấm dứt hoạt động tiểu tiện, đại tiện, kinh nguyệt.
Bằng thực hành Yoga tối thượng, hành giả tìm cách làm cho các nội khí đó dưới dạng thô và tinh tan vào trong nội khí sinh mạng rất tinh tế ở trái tim. Thực hành này phản ánh một tiến trình tương tự sảy ra khi chết, liên quan tới hệ thống kinh lạc và luân xa trong cơ thể.
Có 72,000 đường kinh lạc, ba đường chính chạy từ trán đi qua đỉnh đầu đi xuống dọc theo cột sống tới bộ phận sinh dục. Trung tâm các đường kinh lạc chạy dọc theo ba đường kinh lạc chính yếu là những luân xa hoặc ‘bánh xe’ (với số lượng nhánh hay nan hoa khác nhau), định vị ở trán, đỉnh đầu, cuống họng, tim, đan điền (búi dây thần kinh phía sau dạ dày), đáy cột sống và đáy cơ quan sinh dục. Tại luân xa, các đường kinh lạc bên phải, bên trái cuộn tròn, thắt lại xung quanh đường kinh lạc trung ương, nút thắt này giảm bớt hoặc ngăn chặn nội khí tràn qua.
Khi chết, nội khí giữ vai trò nền tảng của ý thức tan vào trong nội khí ở đường kinh lạc bên phải và bên trái. Sau đó, nội khí này lại tan vào trong dòng nội khí ở đường kinh lạc trung ương, rồi các nút thắt được nới lỏng, theo cách hiểu là các đường kinh lạc bên ngoài bị xẹp xuống, đường kinh lạc trung ương không còn bị tắc nghẽn, cho phép nội khí dịch chuyển bên trong. Sự kiện này khích thích tư duy tinh tế hiển thị, khiến người bình thường lo lắng, họ cảm thấy mình sẽ bị hủy diệt, tuy nhiên hành giả Yoga tối thượng lại vận dụng trạng thái này cho công trình tu tập.
Ở luân xa có các giọt màu trắng và màu đỏ, nền tảng của tình trạng thể lực tinh thần, vật chất; giọt màu trắng chiếm ưu thế trên đỉnh đầu, giọt màu đỏ trội lên ở đan điền. Những giọt này bắt nguồn từ một giọt trắng và đỏ ở trái tim, kích thước bằng một hạt cải lớn hay hột đậu xanh nhỏ, phần đầu màu đỏ, phần cuối màu trắng, được gọi là giọt bất hoại vì nó tồn tại cho tới lúc chết. Nội khí duy trì sinh mạng cực kỳ vi tế nằm bên trong giọt này, khi chết, toàn bộ nội khí cuối cùng tan vào trong giọt này, khi đó ánh sáng thanh khiết của cái chết bừng lên.
Hoạt động sinh lý ở tiến trình chết xoay quanh những thay đổi trong nội khí, các đường kinh lạc và các giọt. Về mặt tâm lý, do sự kiện là ý thức dạng thô và dạng tinh phụ thuộc vào nội khí, giống như người cưỡi ngựa, khi nội khí tan đi hoặc không còn là nền tảng cho ý thức, chúng gây ra những thay đổi căn bản trong hoạt động thực nghiệm của ý thức.
Cái chết bắt đầu theo trình tự tan rã của nội khí liên quan tới bốn tố chất: đất nước, lửa, gió. Đất là nhân tố rắn của cơ thể như xương, sự tan rã của nội khí kết hợp với tố chất đất có nghĩa là nội khí này không còn khả năng hoạt động như cấu trúc khung hay nền tảng của ý thức (thuộc tố chất đó). Kết quả quá trình nội khí tan rã liên quan tới tố chất đất, là khả năng của nội khí kết hợp với tố chất nước (nhân tố lỏng trong cơ thể) giữ vai trò là nền tảng của ý thức, khả năng này hiển thị rõ rệt hơn. Sự chấm dứt khả năng của một tố chất và khả năng hiển thị của tố chất kia trội lên, tình trạng này gọi là ‘sự phân rã’, đây không phải là trường hợp tố chất đất thô (gross earth) tan vào trong tố chất nước. (Xem Ý nghĩa của quá trình tan rã trong phần Những Giai Đoạn trong Cái Chết).
Đồng thời với quá trình phân rã của tố chất đất, bốn nhân tố khác (khối kết tập, trí tuệ căn bản như tấm gương, mắt, màu sắc và hình dạng) cũng tan rã (xem biểu đồ 1), kèm theo những tín hiệu bên ngoài (người ngoài có thể nhìn thấy) và tín hiệu bên trong (thực nghiệm bên trong của người sắp chết). Tiến trình tan rã cũng lặp lại với ba tố chất kia (nước, lửa và gió, xem biểu đồ 2) cùng với tín hiệu bên trong, bên ngoài tương ứng).
Biểu đồ 1: Chu kỳ phân rã đồng thời thứ nhất
Nhân tố phân rã: tố chất đất. 
Tín hiệu bên ngoài: thân thể gày còm, tứ chi rời rạc, có cảm giác thân thể bị chìm xuống dưới đất.
Tín hiệu phân rã bên trong: xuất hiện ảo ảnh.
Nhân tố phân rã: khối kết tập hình thể. 
Tín hiệu bên ngoài: tứ chi teo tóp, thân thể yếu ớt, bất lực.
Tín hiệu bên trong: xuất hiện ảo ảnh. 
Nhân tố phân rã: nền tảng trí tuệ giống như gương (đây là ý thức thông thường của chúng ta, ý thức này nhận biết được nhiều đối tượng cùng một lúc).
Tín hiệu bên ngoài: thị lực trở nên không rõ ràng, tối sầm lại.
Tín hiệu bên trong: xuất hiện ảo ảnh.
Nhân tố phân rã: thị giác.
Tín hiệu bên ngoài: không thể mở hoặc nhắm mắt.
Tín hiệu bên trong: xuất hiện ảo ảnh.
Nhân tố phân rã: màu sắc và hình dạng.
Tín hiệu bên ngoài: da dẻ mất độ bóng, sức lực giảm sút.
Tín hiệu bên trong: xuất hiện ảo ảnh.
Biểu đồ 2: Chu kỳ tan rã đồng thời thứ hai
Nhân tố phân rã: tố chất nước
Tín hiệu bên ngoài: nước bọt, mồ hôi, nước tiểu, máu và chất dịch sinh sản khô kiệt.
Tín hiệu bên trong: xuất hiện đám khói.
Nhân tố phân rã: khối kết tập cảm xúc (khoan khoái, đau đớn, và trung tính).
Tín hiệu bên ngoài: cơ thể không còn thực nghiệm ba loại cảm giác đi kèm với ý thức cảm giác. 
Tín hiệu bên trong: xuất hiện đám khói.
Nhân tố phân rã: nền tảng trí tuệ bình đẳng (ý thức thông thường của chúng ta quan tâm tới trạng thái khoan khoái, đau đớn và trung tính như là những hình thức cảm giác).
Tín hiệu bên ngoài: con người không để ý tới cảm xúc đi kèm với ý thức.
Tín hiệu bên trong: xuất hiện đám khói.
Nhân tố phân rã: thính giác.
Tín hiệu bên ngoài: không còn nghe thấy âm thanh ở bên ngoài và bên trong.
Tín hiệu bên trong: xuất hiện đám khói.
Nhân tố phân rã: âm thanh.
Tín hiệu bên ngoài: tiếng u u trong tai không còn xuất hiện.
Tín hiệu bên trong: xuất hiện đám khói.
Biểu đồ 3: Chu kỳ tan rã đồng thời thứ ba.
Nhân tố phân rã: tố chất lửa.
Tín hiệu bên ngoài: con người không tiêu hóa được đồ ăn thức uống.
Tín hiệu bên trong: xuất hiện đom đóm hay đốm sáng trong đám khói.
Nhân tố phân rã: khối kết tập phân biệt suy xét.
Tín hiệu bên ngoài: con người không còn quan tâm tới công việc của người thân. 
Tín hiệu bên trong: xuất hiện đom đóm hay đốm sáng trong đám khói.
Nhân tố phân rã: nền tảng trí tuệ phân tích (ý thức thông thường của chúng ta quan tâm tới tên, mục đích và những điểm tương tự của người thân).
Tín hiệu bên ngoài: con người không nhớ nổi tên người thân.
Tín hiệu bên trong: xuất hiện đom đóm hay đốm sáng trong đám khói.
Nhân tố phân rã: khứu giác.
Tín hiệu bên ngoài: hơi hít vào ngắn, hơi thở ra mạnh và dài.
Tín hiệu bên trong: xuất hiện đom đóm hay đốm sáng trong đám khói.
Nhân tố phân rã: mùi.
Tín hiệu bên ngoài: không ngửi được nữa.
Tín hiệu bên trong: xuất hiện đom đóm hay đốm sáng trong đám khói.
Biểu đồ 4: Chu kỳ phân rã đồng thời thứ tư.
Nhân tố phân rã: tố chất gió.
Tín hiệu bên ngoài: mười dạng nội khí di chuyển vào trái tim, hơi thở (hít vào, thở ra) ngừng lại.
Tín hiệu bên trong: xuất hiện một ngọn đèn bơ lập lòe muốn tắt.
Nhân tố phân rã: khối kết tập các nhân tố cấu thành.
Tín hiệu bên ngoài: con người không thực hiện được những hoạt động của cơ thể.
Tín hiệu bên trong: xuất hiện một ngọn đèn bơ lập lòe muốn tắt.
Nhân tố phân rã: nền tảng trí tuệ thuộc mọi hoạt động thành tựu (ý thức thông thường của chúng ta về các hoạt động bên ngoài, mục đích vv…).
Tín hiệu bên ngoài: con người không chú ý được mọi hoạt động của thế giới bên ngoài, mọi mục đích hoặc những gì tương tự. 
Tín hiệu bên trong: xuất hiện một ngọn đèn bơ lập lòe muốn tắt.
Nhân tố phân rã: vị giác.
Tín hiệu bên ngoài: lưỡi trở nên dầy và ngắn lại, cuống lưỡi màu xanh. 
Tín hiệu bên trong: xuất hiện một ngọn đèn bơ lập lòe muốn tắt.
Nhân tố phân rã: vị.
Tín hiệu bên ngoài: con người không thực nghiệm được các vị (chua cay mặn ngọt vv…). 
Tín hiệu bên trong: xuất hiện một ngọn đèn bơ lập lòe muốn tắt.
Nhân tố phân rã: xúc giác (cảm giác của cơ thể) và đối tượng cụ thể của xúc giác.
Tín hiệu bên ngoài: con người không cảm nhận được cảm giác mịn màng hay thô ráp.
Tín hiệu bên trong: xuất hiện một ngọn đèn bơ lập lòe muốn tắt.
Biểu đồ 5: Chu kỳ phân rã từ thứ 5 tới thứ 8.
Nhân tố phân rã: chu trình thứ năm: tám mươi loại khái niệm.
Nguyên nhân xuất hiện: nội khí trong các đường kinh lạc trái và phải phía trên trái tim đi vào đường kinh lạc trung ương tại đỉnh đầu.
Tín hiệu bên trong: đầu tiên là một ngọn đèn bơ cháy sáng, sau đó là khoảng trống rỗng sáng sủa tràn đầy ánh sáng màu trắng.
Nhân tố phân rã: chu trình thứ sáu: tư duy thuộc hình tướng màu trắng (mind of white appearance).
Nguyên nhân xuất hiện: nội khí trong các đường kinh lạc trái và phải phía dưới trái tim đi vào đường kinh lạc trung ương ở đáy cột sống.
Tín hiệu bên trong: khoảng trống rỗng sáng sủa tràn đầy ánh sáng màu đỏ.
Nhân tố phân rã: chu trình thứ bảy: tư duy thuộc hình tướng màu đỏ gia tăng (mind of red increase)
Nguyên nhân xuất hiện: nội khí phía trên và phía dưới tụ lại ở trái tim, rồi đi vào trong giọt ở trái tim.
Tín hiệu bên trong: đầu tiên là khoảng trống rỗng đen kịt dày đặc, sau đó gần như ngất lịm vô thức.
Nhân tố phân rã: chu trình thứ tám: tư duy thuộc trạng thái đen kịt gần thành đạt (mind of black near-attainment).
Nguyên nhân xuất hiện: toàn bộ nội khí tan vào trong nội khí duy trì sinh mạng cực kỳ tinh tế ở bên trong giọt bất hoại tại trái tim.
Tín hiệu bên trong: khoảng trống rỗng cực kỳ sáng sủa, không còn hình tướng trắng, đỏ và đen, đây là tư duy thuộc ánh sáng thanh khiết của cái chết.
Khi chu trình thứ năm bắt đầu, tư duy tan rã theo cách hiểu dạng tư duy thô ngừng lại, tư duy tinh bắt đầu hiển thị. Trước tiên, mọi khái niệm ngừng lại, có thể nói là khái niệm tan vào trong tư duy của hình tướng màu trắng (xem biểu đồ 5). Dạng tư duy tinh tế tinh tế hơn này chỉ là trạng thái trống rỗng tràn đầy ánh sáng màu trắng xuất hiện, không còn khái niệm thô, tuy nhiên vẫn hơi mang tính nhị nguyên. Sau đó tư duy thuộc hình tướng màu trắng tan vào trong tư duy thuộc hình tướng màu đỏ gia tăng đang trội lên, rồi tư duy hình tướng màu đỏ gia tăng lại tan vào trong tư duy thuộc hình tướng màu đen. Lúc đó, toàn bộ những gì xuất hiện chỉ là trạng thái trống rỗng đen kịt, trong trạng thái này, con người trở nên vô thức, cuối cùng mọi thứ tan biến, chỉ còn một trạng thái trống rỗng hoàn toàn nhất nguyên (non-dualistic vacuity), đây là tư duy ánh sáng thanh khiết, không còn chịu ảnh hưởng của hình tướng trắng, đỏ và đen. Đây là cái chết.
Do hơi thở bên ngoài (có thể nhận biết hơi thở này di chuyển qua lỗ mũi) ngừng lại khá lâu, song theo quan điểm của Mật tông, trong chu kỳ thứ tư, thời điểm chết đích thực không căn cứ vào hoạt động hô hấp, mà liên quan tới sự xuất hiện của tư duy thuộc ánh sáng thanh khiết. Con người thường tồn tại trong trạng thái trống rỗng sáng sủa này với khoảng thời gian ba ngày, sau đó (nếu cơ thể không bị hủy hoại do bệnh nặng) tín hiệu bên ngoài như mủ hay máu từ lỗ mũi hoặc bộ phận sinh dục thoát ra, đây là biểu hiện cho thấy ý thức đã ra khỏi xác thân. Bây giờ mới là thời điểm an toàn để loại bỏ thi thể. Trước lúc đó, ý thức hãy còn ở trong cơ thể, mọi xử lý tử thi thô bạo chỉ làm rối loạn tiến trình kết thúc của cái chết, dẫn tới trường hợp tái sinh vào cõi thấp kém.
Khi ánh sáng thanh khiết chấm dứt, ý thức quay trở lại thông qua bảy giai đoạn tan rã nối tiếp, theo một trật tự nghịch đảo:
Ánh sáng thanh khiết.
Bầu trời đen rực rỡ. 
Bầu trời đỏ rực rỡ. 
Bầu trời trắng rực rỡ.
Ngọn lửa đèn bơ.
Đom đóm.
Khói.
Ảo ảnh.
Ngay khi tiến trình đảo ngược này bắt đầu, con người tái sinh vào trong trạng thái trung chuyển (bardo) giữa các kiếp sống, và sở hữu một cơ thể tinh tế có thể di chuyển tới bất kỳ nơi nào, xuyên qua núi vv.. để tìm nơi tái sinh.
Cuộc sống trong trạng thái trung chuyển có thể kéo dài từ một khoảng khắc ngắn ngủi cho tới bảy ngày, phụ thuộc vào việc sinh linh có tìm ra nơi tái sinh thích hợp hay không. Nếu không tìm thấy, sinh linh lại trải qua một giai đoạn ‘chết nhỏ” và thực nghiệm lại tám tín hiệu của cái chết như mô tả phần trên, nhưng rất ngắn ngủi. Rồi sinh linh tiếp tục thực nghiệm tám tín hiệu của tiến trình đảo ngược, để tái sinh vào trạng thái trung chuyển thứ hai. Điều này có thể sảy ra với bảy lần tái sinh trong trạng thái trung chuyển, độ dài thời gian là 49 ngày, trong khoảng thời gian này sinh linh nhất thiết phải tìm ra nơi tái sinh.
Về “cái chết nhỏ” xuất hiện giữa các trạng thái trung chuyển, hoặc ngay trước khi nhận lấy một tiến trình tái sinh, giai đoạn này cũng được so sánh với quá trình thực nghiệm thứ tự tám loại tín hiệu, bắt đầu từ xuất hiện ảo ảnh tới ánh sáng thanh khiết khi chúng ta đi ngủ. Cũng tương tự, trong giấc mơ, tám tín hiệu theo thứ tự nghịch đảo được thực nghiệm trước khi giấc mơ bắt đầu (ánh sáng thanh khiết, bầu trời đen rực rỡ, bầu trời đỏ rực rỡ, bầu trời trắng rực rỡ, ngọn lửa đèn bơ, đom đóm, khói, ảo ảnh), rồi kết thúc với thực nghiệm tám tín hiệu về ‘cái chết’ khác, nối tiếp trình tự nghịch đảo. Điều này sảy ra khi con người chuyển qua một giấc mơ khác, hay tỉnh dậy. 
Những giai đoạn gia tăng mức độ tinh tế trong cái chết và gia tăng mức độ thô khi tái sinh cũng được thực nghiệm trong lúc ngất lịm, khoái cảm cực điểm, trước khi ngủ, sau khi ngủ và lúc nằm mơ, dù không hoàn chỉnh. Chúng không chỉ cho biết các mức độ tinh tế trong đó khoảng khắc ý thức được xây dựng lên, mà còn mô tả những trạng thái sinh linh thường xuyên trải qua nhưng không để ý tới. Lập luận này cho thấy ý thức thông thường trong cuộc đời chỉ quan tâm tới khía cạnh thô thiển, màu mè giả tạo, không chú ý đến các trạng thái tinh tế hơn, nền tảng của ý thức và hình tướng. Đó là trường hợp không hiểu biết nguồn gốc của ý thức, hoặc không biết đến nền tảng, nơi ý thức quay trở lại. Sinh linh thông thường gắn bó với tình trạng màu mè giả tạo đến mức sợ bị hủy diệt khi phải di chuyển tới mức độ sâu hơn.
Trong các giai đoạn tạo thành và giai đoạn thành tựu của Yoga tối thượng, tiến trình không kiểm soát được của cái chết, trạng thái trung chuyển và tái sinh chắc chắn được thanh lọc, tinh chế. Trạng thái tinh tế nhất, đó là ánh sáng thanh khiết (clear light), cuối cùng được sử dụng làm nền tảng cho hình tướng từ bi mà không tái tạo lại tư duy thô. Thành tựu đích thực của các thực hành này không dành cho người không tích lũy tâm từ bi, không thức ngộ trống rỗng và không nghiên cứu kỹ thuật yoga thần linh (deity yoga: thần linh đây là hình tướng trong thiền, hiện thân tư duy từ bi thức ngộ được trống rỗng). Tuy nhiên, điều chỉnh lại mọi khía cạnh trong cuộc sống để hiểu được các trạng thái này, đều nằm trong khả năng của những ai mong muốn. Đó chính là lợi ích tư duy mà văn bản đề cập.
Về văn bản
Phần dịch thuật dưới đây là văn bản Ngọn Đèn Soi Sáng Minh Họa Ba Thân Căn Bản: Tiến Trình Chết, Trạng Thái Trung Chuyển và Tái Sinh (gZhi’i sku gsum gyi rnam gzhag rab gsal sgron me) của Yang-jen-ga-way-lo-drö (dbYangs-can-dga’-ba’i-blo-gros), một học giả, hành giả truyền thừa dGe-lugs-pa thuộc Phật giáo Tây Tạng thế kỷ thứ 18. Đây là căn bản luận thuyết Yoga tối thượng (Anuttarayoga-tantra) thuộc chuỗi Guhyasamaja, giải thích công trình truyền tải của đại sư Nagarjuna (Long Thọ) được đại sư Tsong-ka-pa diễn tả trong tác phẩm rGyud kyi rgyal po dpal gsang ba ’dus pa’i man ngag rim pa lnga rab tu gsal ba’i sgron me của ngài. Các phần mô tả trạng thái trung chuyển và tái sinh cũng dựa vào bản giới thiệu của Tsong-ka-pa về tác phẩm Abhidharmakosa của Vasubandhu trong Lam rim chen mo và văn bản bình luận tác phẩm Samājasādhanavyavasthāli của đại sư Nagabodhi. Như tác giải nói, ngài cô đọng nhiều nguồn trích dẫn mở rộng, một số trình bày dưới hình thức ghi chú.
Tài liệu này giới thiệu nền tảng tâm lý con người trong thực hành Phật giáo bằng văn phong cực kỳ trong sáng, vạch rõ mục đích cuối cùng của một trình tự mà Đức Phật đã công bố: quá trình chuyển hóa cái chết trở thành trạng thái bất tử vì lợi ích chúng sinh.
                                                                                                Jeffrey Hopkins
NGỌN ĐÈN SOI SÁNG
MINH HỌA BA THÂN CĂN BẢN: TIẾN TRÌNH CHẾT, TRẠNG THÁI TRUNG CHUYỂN VÀ TÁI SINH.
Yang-jen-ga-way-lo-drö
Phần Anh ngữ in bằng chữ thường, bình giảng do người dịch sang Anh ngữ thêm vào để dễ hiểu được trình bày bằng chữ nhỏ hơn, tách rời hoặc đóng ngoặc trong bản dịch.
Phần dẫn nhập
Namo Guru Manjughoshaya
Tôn kính vị chúa tể hợp nhất,
Đấng quản lý mọi thuộc tính cứng rắn của sinh, tử và trạng thái trung chuyển, nền tảng quá trình thanh lọc,
Quản lý hoạt động chuyển hóa sắt thành vàng bằng hai giai đoạn trong phương pháp tu tập uyên thâm, quản lý người thực hành thanh lọc,
Quản lý Ba Thân quý báu thanh khiết, kết quả quá trình thanh lọc.
Mở đầu văn bản là ngôn từ thể hiện thái độ tôn kính Đức Văn Thù (Manjughosha hay Manjushri), tích lũy phẩm chất tốt đẹp, ngăn ngừa mọi trở ngại để hoàn chỉnh tác phẩm. Văn bản được viết bằng Phạn ngữ, ghi nhớ nguồn gốc văn tự giáo lý cũng như là phương thức truyền tải sang Tạng ngữ, thiết lập khuynh hướng học tập Phạn ngữ.
Đức Văn Thù là hiện thân trí tuệ chư Phật. Manju nghĩa là ‘mềm mại’, cho thấy chuỗi tiệm tiến tư duy của ngài thanh thoát do từ bỏ được dạng trở ngại gây đau đớn (affictive obstruction) trong quá trình thoát khỏi chu kỳ hiện hữu, từ bỏ được dạng trở ngại không gây đau đớn (non-afflictive obstruction) đối với trí tuệ toàn giác. Ghosa nghĩa là ‘ngân nga’, ngụ ý ngài sở hữu sáu mươi nhánh phát âm hoàn hảo. Khi niềm tin cao độ đặt vào đức Văn Thù, trí tuệ con người gia tăng rất nhanh.
Điều này trở thành luận thuyết trong mật kinh về ngôn từ của Đức Phật, do đó niềm tôn kính dành cho Vajradhara, vị chúa tể hợp nhất, đấng kiểm soát quá trình liên kết ánh sáng thanh khiết (khi chết) với cơ thể ảo. Nội dung tôn kính biểu thị qua văn bản bằng ví dụ về quá trình chuyển hóa từ sắt thành vàng trong giả kim thuật. Tố chất sắt được chuyển hóa là sinh, tử và trạng thái trung chuyển giữa các kiếp sống, đây là nền tảng để từ đó nhân tố chuyển hóa hoạt động. Giả kim thuật ở đây là giai đoạn tạo thành (generation stage) và giai đoạn thành tựu (completion stage, perfection stage) của Yoga Tối Thượng, bậc cao nhất trong bốn bộ mật kinh. Sản phẩm vàng (từ sắt chuyển hóa thành) là Ba Thân Phật: Pháp Thân, Báo Thân và Hóa Thân.
Vajradhara kiểm soát tiến trình thanh lọc. Cầu nguyện ngài theo phương thức này, mọi cánh cửa sẽ dẫn tới nội dung phần còn lại của luận thuyết, đó là bản mô tả về sinh, tử, trạng thái trung chuyển và quá trình chuyển hóa các trạng thái đó.
Để biết được phương thức thuộc tiến trình hai giai đoạn trong Mật kinh Yoga Tối Thượng, điều quan trọng là phải hiểu được cách trình bày về nền tảng thanh lọc, đó là thanh lọc ba thân căn bản: thân trong cuộc sống, thân trong cái chết và thân trong trạng thái trung chuyển. Vì thông qua con đường ngắn gọn, ảo diệu nhất của Yoga Tối Thượng, thân thể hợp nhất có bảy nét đặc trưng của các thượng đế nam nữ quay mặt vào nhau, thân này có thể trở thành hiện thực chỉ với một kiếp người ngắn ngủi trong kỷ nguyên suy đồi này.
Giai đoạn tạo thành và giai đoạn thành tựu thanh lọc sinh, tử, trạng thái trung chuyển được hiểu là qua các giai đoạn đó, sinh, tử và trạng thái trung chuyển sẽ chấm dứt. Tiến trình ra đời (sinh) sẽ chuyển hóa thành Hóa Thân, tiến trình chết chuyển hóa thành Pháp Thân, trạng thái trung chuyển chuyển hóa thành Báo Thân.
Thành quả của quá trình chuyển hóa này là Phật quả bất tử. Trong Mật kinh Yoga tối thượng, trạng thái này được biết như là thân thể hợp nhất bao gồm bảy đặc tính của nam nữ thượng đế đối diện lẫn nhau. Bảy đặc tính đó gồm:
1- Vui sướng hoàn hảo: có đầy đủ dấu vết chính và phụ của Phật.
2- Nam thượng đế và nữ thượng đế quay mặt vào nhau: với hình thức cha mẹ quan hệ giới tính.
3- Đại phúc lạc: thể hiện ý thức phúc lạc tinh tế.
4- Hiện hữu không cố hữu: ý thức phúc lạc trong thiền về trống rỗng (không tồn tại) dạng hiện hữu cố hữu với phương thức bất nhị nguyên giống như nước đổ vào trong nước.
5- Hoàn toàn trạng ngập tâm từ bi: chuỗi tiệm tiến tinh thần liên tục tràn trề thấm đẫm tâm từ bi đối với sinh linh.
6- Liền lạc không gián đoạn: không tồn tại trong các thái cực như là chu kỳ luân hồi hiện hữu hoặc bình an đơn độc.
7- Không chấm dứt: mãi mãi tồn tại vì lợi ích chúng sinh cho tới khi vòng luân hồi hoàn toàn trống rỗng.
Vì thế, ta sẽ giải thích vấn đề sinh, tử và giai đoạn trung chuyển, đây là những nền tảng sẽ được thanh lọc qua hai giai đoạn (giai đoạn tạo thành và giai đoạn thành tựu). Phần giải thích gồm ba mục: (1) các giai đoạn của cái chết, (2) các giai đoạn đạt được trong trạng thái trung chuyển, và (3) phương thức để một sinh linh trong trạng thái trung chuyển đi đầu thai.
1- CÁC GIAI ĐOẠN CỦA CÁI CHẾT
Tiến trình chết được quyết định bởi thể loại thân xác con người sở hữu, vì thế văn bản bắt đầu bằng mô tả vắn tắt con người sinh ra từ tử cung, và sở hữu cơ thể thô gồm máu, thịt cùng các chất liệu khác.
Trong kỷ nguyên đầu tiên, [sau khi hình thành hệ thống thế giới này], con người sở hữu bảy đặc tính: 1- tự sinh ra, 2- tuổi thọ không giới hạn, 3- có đầy đủ mọi giác quan, 4- cơ thể tự tỏa sáng, 5- được trang trí bằng các dấu vết chính và phụ của Phật, 6- được nuôi dưỡng do thức ăn niềm vui, không ăn chất liệu thô, 7- bay lượn trên bầu trời. Tuy nhiên, do khuynh hướng ham thích thực phẩm (trong các kiếp trước đây), con người ăn cả thức ăn thô.
Rồi sau khi phần thực phẩm không tinh khiết trở thành phân và nước tiểu, bộ phận sinh dục nam nữ nhô ra để bài tiết chất thải. Hai con người sở hữu thiên hướng phát sinh từ hoạt động giao cấu trong những kiếp trước, phát sinh cảm xúc quyến luyến, rồi phụ thuộc vào hoạt động giới tính, một sinh linh hình thành trong tử cung. Qua các bước như vậy, chu trình tái sinh vào trong tử cung bắt đầu.
Con người ra đời từ tử cung ở thế giới này được cho là có sáu phần cấu thành: đất, nước, lửa, nội khí, đường kinh lạc và giọt (thig le, bindu).
Phần cấu thành Đất là những chất liệu cứng của cơ thể như xương, da, móng tay, tóc. Nước gồm các chất lỏng trong cơ thể như nước tiểu, mật, máu. Lửa là hơi ấm duy trì cơ thể. Nội khí liên quan tới dòng khí hay năng lượng thực hiện chức năng sinh lý như nhai nuốt, đảm nhiệm cấu trúc tư duy. Đường kinh lạc gồm tĩnh mạch, động mạch, các đường dẫn, dây thần kinh và những gì tương tự, nơi máu, bạch huyết, mật, nội khí vv… chảy qua. Các giọt (thig le, bindu) là những chất lỏng tinh hoa di chuyển xuyên suốt hệ thống kinh lạc.
Hoặc [theo một văn bản giải thích khác], sáu cấu thành đó là xương, tủy, tinh dịch của người cha, và thịt, da, chất dịch sinh sản kế thừa từ người mẹ.
Tinh dịch của người cha là nguyên nhân chính trong ba cấu thành đạt được từ người cha, chất dịch sinh sản (trứng) của người mẹ là nguyên nhân chính trong ba cấu thành từ người mẹ. Cha và mẹ giữ vai trò nguyên nhân của sáu phần cấu thành con người.
Những ai quyết định đạt tới khai sáng chỉ trong một kiếp người ngắn ngủi ở thời kỳ suy đồi này bằng thực hành Yoga Tối Thượng ngay từ đầu, người đó cần được sinh ra từ trong tử cung và sở hữu sáu cấu thành đó.
Điểm đặc biệt của Yoga Tối Thượng, khác với ba phương thức tu tập (yoga) thấp hơn: Kriya Tantra, Carya Tantra và Yoga Tantra, khác với phương pháp lấy kinh bản làm phương tiện (Sutra Vehicle), là bằng vào thực hành Yoga Tối Thượng, người với trình độ cao có thể đạt được Phật quả chỉ trong một kiếp người. Có nghĩa là họ có thể vượt qua năm giai đoạn: tích lũy, chuẩn bị, quan sát, thiền và không còn phải học hỏi, chỉ bằng một kiếp người, không nhất thiết phải thực hành qua vô vàn kỷ nguyên như các hệ thống khác.
Trong các hệ thống tu tập khác, con người cần một thời gian rất dài tích lũy sức mạnh công đức cần thiết để có khả năng đón nhận ý thức hiểu biết sáng suốt uyên thâm, thức ngộ trống rỗng, nhờ thế vượt qua mọi chướng ngại đối với trí tuệ toàn giác. Tuy nhiên, ở Yoga Tối Thượng, nhiều thực hành đặc biệt được sử dụng nhằm tăng cường ý thức hiểu biết sáng suốt uyên thâm bằng cách vận dụng tư duy tinh tế thông qua quá trình giác ngộ trống rỗng, sau đó tư duy tinh tế dâng lên trong một cơ thể ảo. Những kỹ thuật này phụ thuộc vào các đường kinh lạc, nội khí và giọt bên trong cơ thể con người.
Cơ thể con người trong thế giới này bao gồm 72.000 đường kinh lạc chia thành đường kinh lạc phải, đường kinh lạc trái và đường kinh lạc trung ương.
Cơ thể thô là tổ hợp các tố chất và phần bao quanh tố chất. Cơ thể tinh tế gồm các đường kinh lạc, nội khí, các giọt đỏ và trắng. Cơ thể cực kỳ tinh tế là nội khí giữ vai trò nền tảng tư duy thuộc ánh sáng thanh khiết, cơ thể cực kỳ tinh tế cũng là nội khí tồn tại trong giọt bất hoại ở trái tim.
Về đường kinh lạc của cơ thể tinh tế, đường kinh lạc trung ương phía trên chạy từ trái tim thẳng lên đỉnh đầu rồi quay xuống tới điểm giữa hai lông mày, đường kinh lạc trung ương phía dưới từ trái tim chạy thẳng xuống giữa đầu dương vật hay âm hộ. Hai bên phải trái đường kinh lạc trung ương có hai đường kinh lạc khác chèn ép, không những đường kinh lạc trung ương bị bóp nghẹt giữa hai đường kinh lạc này, mà mỗi một luân xa nằm trên đường kinh lạc trung ương còn bị hai đường kinh lạc phải trái cuộn quanh ba vòng ở luân xa trái tim, ở các luân xa khác thì ít hơn. Do bị xiết chặt, với tình trạng hiện hữu thông thường, nội khí không thể đi lên hoặc đi xuống để lọt vào trong đường kinh lạc trung ương, ngoại trừ lúc chết.
Tại thời điểm chết, toàn bộ nội khí của 72000 đường kinh lạc tụ lại trong đường kinh lạc trái và đường kinh lạc phải. Rồi nội khí trong hai đường kinh lạc này phân rã vào trong đường kinh lạc trung ương. Nội khí ở phần trên và phần dưới đường kinh lạc trung ương cuối cùng phân rã vào trong nội khí sinh mạng bất hoại ở trái tim.
Ở trái tim có một luân xa có 8 nhánh gọi là ‘luân xa hiện tượng’ vì giọt bất hoại, nền tảng của nội khí cực kỳ tinh tế và tư duy tinh tế, nguồn gốc hiện tượng, giọt này cư trú tại đây. Luân xa thụ hưởng 16 nhánh nằm ở cổ họng, có tên là luân xa thụ hưởng vì cổ họng là nơi thưởng thức sáu hương vị: ngọt, chua, đắng, chát, cay, mặn. Tại đỉnh đầu là luân xa phúc lạc 32 nhánh, được gọi như vậy vì tinh chất trắng ‘tư duy khai sáng’ (tinh dịch), nền tảng phúc lạc, tinh chất này nằm ở trên đỉnh đầu. Tại rốn là luân xa lan tỏa 64 nhánh, được gọi như thế vì ‘đấng dữ dội: fierce one’ (gtum mo, nội hỏa, lửa tam muội) là nhân vật lan tỏa đại phúc lạc, cư trú ở rốn. Tại miền bí mật, hay đáy cột sống, là luân xa duy trì phúc lạc 32 nhánh, gọi như vậy vì phúc lạc cố hữu được duy trì chủ yếu ở đây.
Phần cấu thành trắng và đỏ tồn tại dưới dạng một chiếc hộp khép kín [hình tròn] [với giọt trắng ở phía trên đỉnh, giọt đỏ ở dưới đáy] bên trong đường kinh lạc trung ương, tại luân xa trung tâm trái tim. Ở giữa chiếc hộp khép kín là một thực thể đồng nhất của nội khí và tư duy cực kỳ tinh tế.
Năm ý thức giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, là tư duy thô, ý thức thuộc khái niệm là tư duy tinh tế. Tư duy cư trú trong giọt bất hoại là tư duy cực kỳ tinh tế.
Nội khí cực kỳ tinh tế là nội khí sinh mạng bất hoại, giai đoạn phân rã cuối cùng (của tiến trình chết) sảy ra bên trong nội khí này.
Cái chết xuất hiện theo cách đó vì ngoại trừ nội khí cực kỳ tinh tế, nếu chỉ một chút nội khí nắm vai trò nền tảng của ý thức vẫn còn tồn tại trong bất kỳ một phần nào trên cơ thể, tiến trình chết sẽ không sảy ra.
Phương thức mà nội khí hoạt động như nền tảng ý thức được ví dụ với hình ảnh con ngựa là nền tảng của người cưỡi ngựa.
Các giai đoạn phân rã.
Con người phải chết trong hình thức phân rã 25 đối tượng thô: năm khối kết tập, bốn phần cấu thành, sáu nguồn, năm đối tượng và năm thứ trí tuệ căn bản.
Tiến trình chết xuất hiện trong 8 giai đoạn liên quan tới sự phân rã của 25 nhân tố (xem biểu đồ 6,7), 22 nhân tố phân rã trong bốn giai đoạn đầu tiên, phần còn lại gồm khối kết tập ý thức, tri giác của giác quan, nền tảng trí tuệ thức ngộ được bản chất hiện tượng, 3 nhân tố này phân rã trong bốn giai đoạn sau cùng.
Dưới đây là biểu đồ 25 phân rã đối tượng thô:
(Chú thích của người dịch: Phần diễn giải này thay cho cách trình bày biểu đồ 5 trong nguyên bản tiếng Anh).
Năm khối kết tập gồm khối kết tập hình thể, khối kết tập cảm giác, khối kết tập phân biệt suy xét, khối kết tập nhân tố tổng hợp, khối kết tập ý thức.
Năm trí tuệ căn bản gồm trí tuệ căn bản như tấm gương (trí tuệ phản ánh), trí tuệ căn bản bình đẳng, trí tuệ căn bản phân tích, trí tuệ căn bản thuộc mọi hoạt động để đạt được, trí tuệ căn bản thuộc hiện tượng tự nhiên.
Bốn cấu thành gồm đất, nước, lửa, gió (nội khí).
Sáu nguồn gồm thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, cảm nhận (mental sense).
Năm đối tượng gồm màu sắc hình dạng, âm thanh, mùi, vị, và đối tượng của xúc giác.
Giai đoạn phân rã thứ nhất: khối kết tập hình thể.
Trước tiên, 5 hiện tượng ở cấp độ khối kết tập hình thể đồng thời phân rã, đó là 1- khối kết tập hình thể, 2- trí tuệ căn bản như tấm gương, 3- tố chất đất, 4- thị giác, và 5- đối tượng của thị giác được lưu trữ trong chuỗi tiệm tiến tinh thần (ý thức) [ví dụ: màu sắc, vóc dáng].
Tín hiệu bên ngoài thuộc quá trình phân rã khối kết tập hình thể là chân tay con người teo lại, cơ thể yếu ớt, bất lực.
Vóc dáng, sức lực giảm sút là biểu hiện rõ ràng về quá trình phân rã, thường đi kèm với tuổi tác.
Trí tuệ căn bản như tấm gương được giải thích là dạng ý thức thông thường, trong đó nhiều đối tượng xuất hiện đồng thời, rõ ràng, như tấm gương phản chiếu hình ảnh. Tín hiệu bên ngoài thuộc quá trình phân rã dạng trí tuệ đó là thị lực mờ mịt, tối tăm (khả năng phản chiếu phân rã).
Tín hiệu bên ngoài thuộc quá trình phân rã phần cấu thành của đất là cơ thể gầy còm, tứ chi rời rạc, con người có cảm giác thân thể chìm vào lòng đất.
Biểu hiện của cảm giác bị nhấn chìm này là con người kêu lên “Hãy đỡ tôi dậy!”
Tín hiệu bên ngoài thuộc quá trình phân rã năng lực của mắt, con người không thể mở hay nhắm mắt.
Tín hiệu bên ngoài thuộc quá trình phân rã các hình thể trông thấy (đối tượng của thị giác), được lưu trữ trong chuỗi tiệm tiến ý thức con người, là nước da tối xỉn, sức lực cạn kiệt.
Tín hiệu bên trong thuộc quá trình phân rã năm hiện tượng này là hình tướng màu hơi xanh xuất hiện ‘tựa như ảo ảnh’. Hiện tượng này giống như ảo ảnh nước hiện ra trên sa mạc dưới ánh nắng mặt trời.
Hình tướng này cũng được so sánh với một đám khói, nhưng thường là ảo ảnh.
Giai đoạn phân rã thứ hai: khối kết tập cảm giác.
Sau đó, năm hiện tượng ở cấp độ khối kết tập cảm giác đồng thời phân rã, đó là 1- khối kết tập cảm giác, 2- trí tuệ căn bản bình đẳng, 3- tố chất nước, 4- thính giác, 5- âm thanh (đối tượng của thính giác). Khi khối kết tập cảm giác phân rã, tín hiệu bên ngoài là ý thức của thân thể không cảm nhận được xúc cảm khoan khoái, đau đớn và trung tính, trạng thái đồng hành với ý thức (về) cảm giác.
Trí tuệ căn bản bình đẳng được giải thích là dạng ý thức [thông thường] quan tâm tới tình trạng tinh thần như khoan khoái, đau đớn và trung tính, có thể nói là cảm xúc.
Nó cũng được mô tả như là một dạng ý thức coi các từ đồng nghĩa có cùng một ý nghĩa.
Về tín hiệu bên ngoài thuộc quá trình phân rã trí tuệ bình đẳng, con người không còn để ý tới cảm giác khoan khoái, đau đớn hay trung tính đi kèm với ý thức (về) cảm giác.
Tín hiệu bên ngoài thuộc quá trình phân rã phần cấu thành nước: nước bọt, mồ hôi, nước tiểu, máu và tinh dịch khô kiệt.
Miệng, mũi, lưỡi, họng khô khốc, vết bẩn hình thành trên răng.
Tín hiệu bên ngoài thuộc quá trình phân rã thính giác: con người không nghe thấy tiếng động từ phía bên ngoài hay bên trong thân thể nữa.
Tín hiệu bên ngoài thuộc quá trình phân rã âm thanh lưu trữ trong chuỗi tiệm tiến ý thức con người: con người không còn nghe thấy tiếng u u trong tai.
Tín hiệu bên trong thuộc quá trình phân rã năm hiện tượng này là trạng thái bừng lên của hình tướng gọi là “giống như khói,” tựa như một luồng khói xanh phụt ra hoặc giống như một đám khói lớn cuộn lên từ ống khói.
Giai đoạn phân rã thứ ba: khối kết tập phân biệt suy xét
Sau đó, năm hiện tượng ở cấp độ khối kết tập phân biệt suy xét đồng thời phân rã, đó là 1- khối kết tập phân biệt suy xét, 2- trí tuệ căn bản phân tích, 3- tố chất lửa, 4- khứu giác, 5- mùi (đối tượng của khứu giác). Tín hiệu bên ngoài thuộc quá trình phân rã của khối kết tập phân biệt suy xét là con người không còn quan tâm tới người thân như cha mẹ của họ chẳng hạn.
Trí tuệ căn bản phân tích được giải thích là một dạng ý thức thông thường chú ý tới tên gọi (mục đích, ý định và những vấn đề tương tự) của người thân. Tín hiệu phân rã là con người không thể nhớ đến ngay cả tên của cha mẹ mình.
Tín hiệu bên ngoài thuộc quá trình phân rã phần cấu thành lửa là hơi ấm cơ thể giảm sút, mất khả năng tiêu hóa đồ ăn thức uống.
Tín hiệu bên ngoài thuộc quá trình phân rã khứu giác là hơi hít vào cơ thể qua lỗ mũi yếu đi, hơi thở ra mạnh và dài, hơi thở nọ chồng lên hơi thở kia.
Tín hiệu bên ngoài thuộc quá trình phân rã mùi (đối tượng thuộc khứu giác) lưu trữ trong chuỗi tiệm tiến ý thức con người, là con người không thể ngửi các loại mùi thơm hay mùi khó ngửi.
Tín hiệu bên trong thuộc quá trình phân rã năm hiện tượng này là tình trạng dâng lên của hình tướng “giống như con đom đóm.” Nó tựa như đốm lửa đỏ lóe cháy bên trong luồng khói phụt ra từ ống khói, hay như đốm lửa đỏ ở đám muội đáy chảo khi rang hạt bắp.
Giai đoạn phân rã thứ tư: khối kết tập các nhân tố 
Sau đó, năm hiện tượng ở cấp độ khối kết tập nhân tố tổng hợp phân rã cùng một lúc, đó là 1- khối kết tập nhân tố, 2- trí tuệ căn bản về hoạt động đạt được (achievement activity), 3- Tố chất gió (nội khí), 4- Vị giác, Xúc giác, 5- Vị (đối tượng của vị giác), Cảm xúc (đối tượng của xúc giác). Tín hiệu bên ngoài thuộc quá trình phân rã khối kết tập nhân tố là con người không thể thực hiện được những hoạt động cơ bắp như di chuyển.
Trí tuệ căn bản về hoạt động đạt được, trí tuệ này được giải thích là dạng ý thức quan tâm tới mọi hoạt động của thế giới đời thường bên ngoài, mục đích và những gì tương tự (trong cuộc đời này và các kiếp sống tương lai, cũng như là làm thế nào để đạt được). Tín hiệu bên ngoài thuộc quá tình phân rã trí tuệ căn bản về hoạt động đạt được, là con người không còn ý thức được các vấn đề đó.
Tín hiệu bên ngoài thuộc quá trình phân rã phần cấu thành nội khí: mười dạng nội khí gồm nội khí duy trì sinh mạng ở dạng thô và những gì tương tự, từ nơi cư trú di chuyển về trái tim, hơi thở ngưng lại.
Tín hiệu bên ngoài thuộc quá trình phân rã vị giác: lưỡi dầy và ngắn lại, cuống lưỡi có màu xanh.
Tín hiệu bên ngoài thuộc quá trình phân rã đối tượng của vị giác đã lưu trữ trong chuỗi tiệm tiến ý thức: con người không còn thực nghiệm được sáu vị (ngọt, chua, đắng, chát, cay, mặn).
Do lúc này xúc giác và cảm xúc (đối tượng của xúc giác) bắt buộc phải phân rã, tín hiệu bên ngoài thuộc quá trình phân rã hai thứ này là con người không còn thực nghiệm được cảm giác mịn màng hay thô ráp nữa.
Tín hiệu bên trong thuộc quá trình phân rã bảy lĩnh vực (khối kết tập, trí tuệ căn bản về thành tựu đạt được, nội khí, vị giác, đối tượng của vị giác, xúc giác, đối tượng của xúc giác) là sự xuất hiện của hình tướng “như ngọn đèn bơ đang cháy,” giống như thời điểm ngọn đèn bơ xèo xèo sắp tắt.
Ý nghĩa của ‘quá trình phân rã’: Tố chất trước phân rã vào trong tố chất sau, năng lực của (nội khí thuộc về) tố chất trước (trong hạng mục đất nước lửa và gió hay nội khí) giữ vai trò nền tảng của ý thức bị rút bớt, năng lực của nội khí thuộc tố chất sau hiển thị nhiều hơn. Hiện tượng này gọi là quá trình phân rã của tố chất trước tan vào trong tố chất sau, không phải là tố chất này trở thành tố chất kia.
Tố chất đất phân rã vào trong tố chất nước có nghĩa là năng lực của nội khí thuộc tố chất đất giữ vai  trò nền tảng của ý thức giảm sút, đồng thời năng lực của nội khí thuộc tố chất nước giữ vai trò nền tảng của ý thức trội lên. Do điều này sảy ra tựa như sự di chuyển năng lực của tố chất trước tới tố chất sau, cho nên người ta nói rằng tố chất đất tan vào trong tố chất nước, không phải là hiện tượng đất tan vào trong nước. Cách hiển này cũng áp dụng cho các trường hợp phân rã khác.
Giai đoạn phân rã thứ năm
Sau khi bốn tố chất phân rã, năm hiện tượng ở cấp độ khối kết tập ý thức buộc phải bừng lên trong từng giai đoạn. Đó là 1- Tư duy thuộc 80 khái niệm chỉ dẫn (the mind of the eighty indicative conceptions), 2- Tư duy thuộc hào quang trắng xuất hiện, 3- Tư duy thuộc hào quang đỏ gia tăng, 4- Tư duy thuộc hào quang đen gần thành tựu, và 5- Tư duy thuộc ánh sáng thanh khiết.
Tám mươi khái niệm được chia làm ba nhóm, gồm 33 khái niệm chỉ dẫn của tư duy ‘trắng xuất hiện’, 40 khái niệm chỉ dẫn của tư duy ‘đỏ gia tăng’, và 7 khái niệm chỉ dẫn của tư duy ‘đen gần thành tựu’. Nhóm khái niệm đầu tiên liên quan tới hoạt động thô của nội khí, hoạt động này giữ vai trò như một cái khung, giá đỡ cho đối tượng, vì thế đối với người không thực nghiệm được tư duy ‘trắng xuất hiện’, hoạt động này đảm nhiệm chức năng chỉ dẫn, minh họa; so với tư duy ‘đỏ gia tăng’ và ‘đen gần thành tựu’, hoạt động của nội khí giữ vai trò cấu trúc khung này kém tinh tế hơn. Kết luận về tư duy ‘trắng xuất hiện’ được rút ra vì nhóm khái niệm đầu tiên là dấu vết hoặc hiệu quả của tư duy ‘trắng xuất hiện’, chúng phát sinh khi tiến trình đảo ngược từ trạng thái tinh tế tới trạng thái thô hơn sảy ra. Ba mươi ba khái niệm đó là:
1-  Không ham muốn: tư duy không ham muốn một đối tượng nào
2- Tương đối ham muốn
3- Rất ham muốn
4- Hoạt động tinh thần về ra đi (going) và đi tới (coming): tư duy đi tới (hướng tới) đối tượng bên ngoài và đạt tới đối tượng bên trong
5- Vô cùng buồn bã: tinh thần đau đớn vì bị tách khỏi đối tượng ưa thích
6- Tương đối buồn bã
7- Ít buồn bã
8- Bình an: tư duy tồn tại bình an
9- Khái niệm : tư duy bị khích động do đối tượng rực sáng
10- Vô cùng lo lắng
11- Tương đối lo lắng
12- Ít lo lắng
13- Vô cùng quyến luyến: gắn bó với một đối tượng gây hứng thú
14- Tương đối quyến luyến
15- Ít quyến luyến
16- Tham lam: tư duy bám chặt lấy đối tượng thuộc cõi tham vọng (cõi người)
17- Không đoan chính hay không hiểu biết: nghi ngờ các hoạt động đoan chính
18- Đói: muốn ăn
19- Khát: muốn uống
20- Cảm xúc lớn: cảm xúc vui sướng, đau đớn và trung tính.
21- Cảm xúc tương đối
22- Ít cảm xúc
23- Khái niệm của người biết
24-Khái niệm về sự hiểu biết
25- Khái niệm về đối tượng được biết
26- Kiểm tra cá nhân: tư duy phân tích điều gì thích hợp, điều gì không thích hợp
27- Hổ thẹn: tránh né ứng xử sai lầm do bản thân phản đối ứng xử đó, hoặc do giữ giới luật tôn giáo
28- Từ bi: mong muốn tách rời khổ đau
29- Lòng tốt: tư duy bảo vệ triệt để đối tượng được giám sát
30- Khát khao gặp cái đẹp
31- Bồn chồn: tư duy say đắm, không ổn định
32- Tích lũy: tư duy tập hợp mọi sở hữu
33- Ghen ghét: tư duy hỗn loạn vì sự giàu sang của người khác.
Bốn mươi khái niệm thuộc nhóm thứ hai liên quan tới những hoạt động vừa phải của nội khí giữ vai trò cấu trúc khung cho đối tượng, vì thế dạng nội khí này đảm nhiệm chức năng chỉ dẫn hoặc minh họa cho sinh linh không thực nghiệm được hoạt động của nó, tức là nội khí giữ vai trò như một cấu trúc khung của tư duy ‘đỏ hay da cam gia tăng’, có hoạt động không quá thô thiển so với tư duy ‘trắng’ và ‘đen’. Nói một cách khác, tình trạng nhị nguyên của tư duy giảm bớt do tư duy trở nên tinh tế hơn. Kết luận về tư duy ‘đỏ gia tăng’ được rút ra vì nhóm khái niệm này là dấu vết hay hiệu quả của tư duy ‘đỏ gia tăng’ khi tiến trình đảo ngược từ trạng thái tinh tế tới trạng thái thô hơn sảy ra. Bốn mươi khái niệm đó là:
1- Ham muốn: quyến luyến với đối tượng chưa giành được
2- Gắn bó: quyến luyến với đối tượng đã giành được
3- Cực kỳ vui sướng: tư duy vui sướng do thấy được niềm vui
4- Tương đối vui 
5- Hơi vui 
6- Hân hoan: vui sướng vì đạt được đối tượng mong muốn
7- Say mê phấn khích: tư duy liên tục thực nghiệm đối tượng ham muốn
8- Sửng sốt: suy ngẫm về một đối tượng trước đây chưa xuất hiện
9- Khích động: tư duy rối loạn do quan sát đối tượng gây hứng thú
10- Hài lòng: thỏa mãn với đối tượng gây hứng thú
11- Ôm ấp: mong muốn ôm ấp
12- Hôn: muốn hôn
13- Bú: muốn bú
14- Ổn định: tư duy kiên định
15- Nỗ lực: tư duy có khuynh hướng tích cực
16- Kiêu căng: tư duy đánh giá cao về bản thân
17- Hoạt động: tư duy đang hoàn thiện một hành động
18- Cướp bóc: muốn cướp bóc của cải tài sản
19- Cưỡng ép: muốn chinh phục các nhóm khác
20- Nhiệt tình: tư duy quen thuộc với lối sống đoan chính, đạo đức
21- Hết sức tham gia hoạt động không đoan chính: thực hiện hành vi không đoan chính do kiêu ngạo
22- Tham gia vừa phải các hoạt động không đoan chính
23- Ít tham gia các hoạt động không đoan chính 
24- Mãnh liệt: khát khao tranh luận với bậc cao nhân không vì lý do nào
25- Ve vãn tán tỉnh: mong muốn chơi bời khi thấy đối tượng hấp dẫn
26- Khuynh hướng giận dữ: tư duy oán giận
27- Đoan chính: ý muốn nỗ lực trong mọi hành vi đoan chính
28- Phát ngôn rõ ràng, đúng sự thật: hy vọng nói để người khác có thể hiểu và không thay đổi cách phán đoán sự việc của con người
29- Không đúng sự thật: hy vọng nói để thay đổi cách phán đoán sự việc của người khác
30- Khẳng định: ý chí kiên quyết
31- Không chiếm hữu: tư duy không khao khát nắm giữ đối tượng
32- Người cho tặng: mong muốn cho đi vật sở hữu của mình
33- Cổ vũ: mong muốn cổ vũ người lười biếng thực hành tôn giáo
34- Chủ nghĩa anh hùng: mong muốn chinh phục kẻ thù như khổ đau
35- Không xấu hổ: tham gia hoạt động không đoan chính mà không né tránh ứng xử sai lầm do bản thân không tán thành, hoặc do giới luật tôn giáo
36- Lừa dối: lừa gạt người khác bằng bộ mặt đạo đức giả
37- Nghiêm túc: rất ngay thẳng
38- Ác ý: tư duy quen với quan niệm không tốt
39- Thô bạo: muốn gây tổn thương người khác
40- Lươn lẹo: không trung thực
Bảy khái niệm thuộc nhóm thứ ba liên quan tới các hoạt động yếu ớt của nội khí giữ vai trò cấu trúc khung cho đối tượng, vì thế dạng nội khí này đảm nhiệm chức năng chỉ dẫn hoặc minh họa tương tự về tư duy ‘đen gần thành tựu’ đối với người không thực nghiệm được nó. Bởi lẽ nhóm khái niệm này là dấu ấn hay hiệu quả của tư duy ‘đen gần thành tựu’ khi tiến trình đảo ngược từ trạng thái tinh tế tới trạng tháo thô hơn sảy ra. Bảy khái niệm đó là:
1- Lãng quên: tình trạng quan tâm sút giảm
2- Lỗi lầm: giống như vốc nước trong ảo ảnh
3- Không nói: không muốn nói
4- Nản lòng: tư duy phiền muộn
5- Lười biếng: không nhiệt thành với hành vi đoan chính
6- Nghi ngờ
7- Ham muốn vừa phải: tư duy vừa ham muốn vừa căm ghét
Tư duy thuộc 80 khái niệm chỉ dẫn và nội khí giữ vai trò cấu trúc khung bắt buộc phải phân rã trước khi tư duy thuộc hào quang ‘trắng xuất hiện’ dâng lên, vì phương thức lĩnh hội của tư duy thuộc 80 khái niệm trái ngược với tư duy thuộc hào quang ‘trắng xuất hiện’. Đồng thời đây là sự khác biệt lớn lao giữa tinh và thô, tư duy thô như tư duy thuộc 80 khái niệm không thể xuất hiện tại thời điểm của tư duy ‘trắng xuất hiện’.
Khi 80 khái niệm chỉ định và nội khí giữ vai trò cấu trúc khung bắt đầu phân rã vào trong hào quang ‘trắng xuất hiện’, một hình tướng như ngọn đèn bơ cháy sáng phát sinh. Tín hiệu của tư duy thuộc ánh sáng ‘trắng xuất hiện’ (lúc 80 khái niệm chỉ định phân rã vào trong đó) là trạng thái cực kỳ trong trẻo và trống rỗng bừng lên cùng với ánh sáng trắng, tựa như bầu trời đêm mùa thu trong vắt tràn ngập ánh trăng, không uế tạp.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng đó là toàn bộ nội khí ở đường kinh lạc bên phải, bên trái phía trên trái tim di chuyển vào trong đường kinh lạc trung ương qua khe hở phía trên đường kinh lạc này (tại đỉnh đầu). Do sức mạnh di chuyển, nút thắt của các đường kinh lạc tại đỉnh đầu bị nới lỏng. Vì giọt trắng đạt được từ người cha, có hình dạng là ký tự ham lộn ngược, có bản chất là tố chất nước, nó di chuyển xuống phía dưới. Khi tới đỉnh nút thắt sáu vòng của đường kinh lạc bên phải và bên trái ở trái tim, lúc này hào quang ‘trắng xuất hiện’ dâng lên. Vì thế đây không phải là trường hợp sự xuất hiện của ánh trăng hoặc thứ gì tương tự, chiếu rọi từ bên ngoài.
Được gọi là ‘xuất hiện’ vì một sự xuất hiện giống như ánh trăng dâng lên, và ‘trống rỗng’ vì không còn 80 khái niệm cũng như không còn nội khí giữ vai trò cấu trúc khung.
Giai đoạn phân rã thứ sáu
Sau đó tư duy ‘xuất hiện’ cùng với nội khí giữ vai trò cấu trúc khung của tư duy ‘xuất hiện’ phân rã vào trong tư duy ‘gia tăng’. Khi tư duy ‘gia tăng’ dâng lên, một hình tướng màu đỏ hay màu da cam, trống rỗng nhưng rõ ràng hơn trước đây, rực lên như bầu trời mùa thu, tinh khiết, tràn ngập ánh sáng mặt trời. 
Nguyên nhân gây ra hiện tượng đó là toàn bộ nội khí thuộc hai bên phải, trái phía dưới trái tim di chuyển vào trong đường kinh lạc trung ương qua khe hở phía dưới đường kinh lạc này (ở đáy cột sống hay trong bộ phận sinh dục). Do sức mạnh di chuyển, nút thắt của luân xa trong cơ quan sinh dục và luân xa dưới rốn bị nới lỏng. Nhờ đó, giọt đỏ của người mẹ tồn tại dưới hình thức một dòng chữ a ngắn (chữ a đơn) nằm ngang [trong Phạn ngữ, chữ này được thêm vào để trở thành chữ a dài] ở giữa luân xa dưới rốn (đan điền) đi thẳng lên. Khi tới phía dưới sáu nút thắt vòng tròn thuộc đường kinh lạc bên phải và bên trái ở trái tim, một hình tướng màu đỏ hoặc màu da cam dâng lên. Vì vậy, đây không phải là trường hợp ánh sáng mặt trời chiếu rọi từ bên ngoài.
Điều này gọi là sự ‘gia tăng’ của ‘xuất hiện’ (vì chói lọi như ánh sáng mặt trời) và ‘rất trống rỗng’ (do không còn tư duy ‘xuất hiện’ và nội khí giữ vai trò cấu trúc khung cho tư duy ‘xuất hiện’).
Giai đoạn phân rã thứ bảy
Rồi tư duy ‘gia tăng’ cùng với nội khí giữ vai trò cấu trúc khung của tư duy ‘gia tăng’ phân rã vào trong tư duy ‘gần thành tựu’. Ở phần đầu tiến trình, một hình tướng trống rỗng đen tuyền dâng lên giống như bầu trời mùa thu, tinh khiết, tràn ngập màu đen dày đặc của màn đêm bắt đầu.
Nội khí thuộc phần trên và phần dưới trong đường kinh lạc trung ương dồn lại bên trong đường kinh lạc trung ương tại trái tim, và do sức mạnh di chuyển ấy, nút thắt sáu vòng ở đường kinh lạc bên phải và bên trái bị nới lỏng. Sau đó, giọt trắng từ phía trên (với hình dạng ký tự ham lộn ngược) di chuyển xuống phía dưới và giọt đỏ phía dưới di chuyển lên trên. Các giọt này đi vào giữa các giọt bất hoại trắng và đỏ xuất hiện dưới hình thức một cái hộp đóng kín ở trung tâm đường kinh lạc trung ương tại trái tim. Khi chúng gặp nhau, hào quang hình tướng ‘gần thành tựu’ dâng lên, vì thế, đây không phải là trường hợp hình tướng đen kịt đến từ bên ngoài.
Gọi là ‘gần thành tựu’ (vì gần đạt tới mức ánh sáng thanh khiết) và ‘đại trống rỗng’ (vì không còn tư duy ‘gia tăng’ cũng như không còn nội khí giữ vai trò cấu trúc khung của tư duy ‘gia tăng’).
Phần đầu của tư duy ‘gần thành tựu’ đi kèm với cảm giác về một đối tượng, nhưng ở phần sau, con người không ý thức được đối tượng nào hết, tựa như ngất lịm đi, lúng túng trong bóng tối. Rồi toàn bộ nội khí và tư duy, (những thứ này) từ nội khí và tư duy tinh tế ngẫu nhiên dâng lên, tất cả đều ngừng lại.
Phần sau của tư duy ‘gần thành tựu’ không còn quan tâm tới một thứ gì (the mind of near-attainment without mindfulness), phần này kéo dài cho tới khi trạng thái quan tâm của nội khí và tư duy rất tinh tế (tồn tại nhưng không hiển thị ngay từ thời điểm bắt đầu ở tình trạng thông thường) hoạt động. Khi hiện tượng đó sảy ra, ánh sáng thanh khiết bừng lên.
Định nghĩa về tư duy thuộc hào quang ‘trắng xuất hiện’ như sau:
1- Tư duy thuộc hào quang ‘trắng xuất hiện’ là ý thức (về) tinh thần xuất hiện do quá trình phân rã của mọi khái niệm, và tồn tại cho tới lúc các mô hình khái niệm hoạt động trở lại (có nghĩa là phục hồi).
2- Tư duy thuộc hào quang ‘trắng xuất hiện’ là ý thức (về) tinh thần, trong đó hình tướng trắng chói lọi trống rỗng dâng lên giống như bầu trời mùa thu, không uế tạp, tràn đầy ánh trăng.
3- Tư duy thuộc hào quang ‘trắng xuất hiện’ là ý thức (về) tinh thần, ở đó không còn xuất hiện hình tướng thô mang tính nhị nguyên nào khác.
Dù 80 khái niệm phân rã, tư duy ‘xuất hiện’ vẫn là tư duy khái niệm, nhị nguyên, tuy rằng mức độ tư duy này rất tinh tế và đa dạng. Không lan man, song nó dính dáng tới tố chất hình tượng, vì thế nó là tư duy ‘khái niệm’. Nói một cách khác, tư duy ánh sáng thanh khiết là tư duy hoàn toàn không khái niệm, không nhị nguyên.
Định nghĩa về tư duy hình tướng ‘gia tăng’ như sau:
1- Tư duy hình tướng ‘gia tăng’ là ý thức (về) tinh thần xuất hiện do quá trình phân rã của mọi khái niệm, và tồn tại cho tới lúc các mô hình khái niệm hoạt động trở lại (phục hồi).
 2- Tư duy hình tướng ‘gia tăng’ là ý thức (về) tinh thần, trong đó hình tướng đỏ chói lọi trống rỗng dâng lên giống như bầu trời mùa thu, không uế tạp, tràn đầy ánh sáng mặt trời.
3- Tư duy hình tướng gia tăng là ý thức (về) tinh thần, trong đó không xuất hiện hình tướng thô mang tính nhị nguyên.
Định nghĩa về tư duy ‘gần thành tựu’ như sau:
1- Tư duy ‘gần thành tựu’ là ý thức (về) tinh thần xuất hiện do quá trình phân rã của mọi khái niệm, và tồn tại cho tới lúc các mô hình khái niệm hoạt động trở lại (phục hồi).
2- Tư duy ‘gần thành tựu’ là ý thức (về) tinh thần, trong đó hình tướng đen chói lọi trống rỗng dâng lên giống như bầu trời mùa thu, không uế tạp, tràn đầy màn đen dày đặc của thời điểm đêm tối bắt đầu.
3- Tư duy ‘gần thành tựu’ là ý thức (về) tinh thần, trong đó không xuất hiện hình tướng thô mang tính nhị nguyên.
Giai đoạn phân rã thứ tám
Khi tư duy ‘gần thành tựu’ tan vào trong ánh sáng thanh khiết, phần thứ hai của tư duy gần thành tựu, trạng thái không còn quan niệm, bị loại bỏ. Hoàn toàn không còn một chút nào hình tướng nhị nguyên thô, một hình tướng rõ ràng, trống rỗng dâng lên. Sự xuất hiện này giống như màu sắc tự nhiên của bầu trời bình minh mùa thu, không còn ba nguyên nhân ô nhiễm: ánh trăng, ánh sáng mặt trời, và bóng tối. Tình trạng đó giống như sự xuất hiện của ý thức trong thiền định, ý thức trực tiếp thức ngộ trống rỗng.
Về nguyên nhân của sự xuất hiện ánh sáng thanh khiết, các giọt trắng và đỏ (lần lượt) tan vào trong các giọt bất hoại trắng và đỏ (tại trái tim), toàn bộ nội khí bên trong đường kinh lạc trung ương tan vào trong nội khí sinh mạng cực kỳ tinh tế. Qua tiến trình này, nội khí và tư duy cực kỳ tinh tế đã tồn tại trong trạng thái thông thường ngay từ khi bắt đầu (trạng thái không hiển thị), bắt đầu hiển thị, do đó mà những dạng xuất hiện đó dâng lên. Vì vậy đây không phải là sự xuất hiện của bầu trời trống rỗng đến từ bên ngoài.
Sự kiện này gọi là ‘ánh sáng thanh khiết của cái chết’ và ‘toàn bộ trống rỗng’ (vì không còn toàn bộ 80 khái niệm, tư duy xuất hiện, gia tăng, gần thành tựu, cũng như là nội khí giữ vai trò cấu trúc khung). Đó là cái chết thực sự.
Đây là nền tảng của Thân Đích Thực (True Body), [gọi như thế vì đây là nền tảng của quá trình thanh lọc tư duy để chuyển hóa vào trong Thân Đích Thực]. Trống rỗng được gọi là nền tảng của Thân Tự Nhiên, và tư duy đón nhận Thân Tự Nhiên như là đối tượng của nó, nên được gọi là nền tảng của Trí Tuệ Thức Ngộ Thân Tự Nhiên.
Đa phần người bình thường tồn tại trong ánh sáng thanh khiết của cái chết chừng 3 ngày, rồi tín hiệu của các phần cấu thành đỏ và trắng xuất hiện.
Một chút máu và chất nhầy từ lỗ mũi hay cơ quan sinh dục thoát ra, đó là thứ thuộc về phần chưa thanh lọc của các giọt phân rã ở trái tim.
Tuy nhiên, trong trường hợp các cấu thành vật chất bị bệnh tật hủy hoại, tín hiệu của thành phần đỏ và trắng sẽ không xuất hiện dù nhiều ngày qua đi.
Những người như vậy có thể không tồn tại trong ánh sáng thanh khiết dù chỉ một ngày.
Đồng thời, người ta cho rằng các bậc hành giả giác ngộ cao hay thấp có thể hòa trộn ánh sáng thanh khiết với Thân Đích Thực và tồn tại trong đó nhiều ngày.
Điểm cần làm rõ
Phân rã. Phương thức phân rã của tư duy xuất hiện, tư duy gia tăng và tư duy gần thành tựu được hiểu là chức năng tư duy trước ngừng lại và chức năng tư duy sau hiển thị rõ hơn. Quá trình này gọi là sự phân rã của chức năng trước vào trong chức năng sau, không phải là chức năng của tư duy trước trở thành bản chất thuộc về chức năng của tư duy sau.
Bầu trời mùa thu. Lý do lấy hình ảnh bầu trời mùa thu làm ví dụ, đó là do cơn mưa mùa hè ngăn chặn bụi đất khuếch tán trong không gian trung chuyển, bầu trời hoàn toàn không có mây che phủ. Đặc điểm này xuất hiện thường xuyên về mùa thu với mức độ cực kỳ trong sáng, nên bầu trời mùa thu được đề cập.
Đồng thời, tựa như không gian là trống rỗng, trống rỗng này chỉ đơn thuần là sự phủ định những dạng tiếp xúc thô gây trở ngại, vậy với tư duy trống rỗng như thế, mọi hình tướng (sự xuất hiện) thuộc khái niệm thô phải biến mất, một hình tướng (sự xuất hiện) trống rỗng bừng lên trong bốn ‘trống rỗng’ (trống rỗng, rất trống rỗng, đại trống rỗng và toàn bộ trống rỗng). Với hai khía cạnh này, các phương thức xuất hiện (trong 4 trạng thái trống rỗng đó) tương tự như bầu trời mùa thu, vậy nó được dùng làm ví dụ. Không phải là sự xuất hiện của bầu trời hoặc những gì tương tự bừng lên trong thời điểm đó.
Nội khí thô và tinh. Câu hỏi: Nếu 80 khái niệm chỉ định cũng như nội khí giữ vai trò cấu trúc khung của tư duy hình tướng phân rã trước, vậy không có nội khí nào phân rã tại thời điểm xuất hiện, gia tăng và thành tựu, có đúng không?
Trả lời: Nói chung, nội khí tồn tại dưới nhiều hình thức, tinh hoặc thô, do đó, dù toàn bộ nội khí thô đã phân rã, nội khí tinh tế vẫn tồn tại. Cho nên, bắt đầu từ thời điểm nội khí (thuộc bốn tố chất) phân rã vào trong tư duy ‘xuất hiện’ cho tới thời điểm tư duy ‘gần thành tựu’ phân rã vào trong ánh sáng thanh khiết, lúc đó chỉ có nội khí tinh tế giữ vai trò nền tảng của ý thức xuất hiện.
Rỗng không và trống rỗng. Trong bốn trống rỗng, hình tướng thô thuộc về đời thường biến mất khỏi tư duy, lý do là tư duy này cùng với sự xuất hiện của đối tượng, tất cả trở nên tinh tế hơn tư duy và đối tượng trước đây. Với tư duy và hình tướng tinh tế hơn, một khoảng trống rỗng dâng lên, song đây không phải là trường hợp đón nhận trống rỗng như là đối tượng của tư duy.
Ở những trường hợp đó, chỉ có hình tướng của hiện hữu đích thực dâng lên đối với người bình thường không tu tập, hình tướng thuộc hiện hữu không thật (ảo ảnh) không phát sinh. Đó là vì bốn dạng trống rỗng bừng lên đối với hết thảy sinh linh đang trong tiến trình chết, bốn dạng trống rỗng này là hình tướng của hiện hữu đích thực. Tuy nhiên, nếu trống rỗng dễ dàng thức ngộ trong tiến trình chết, hết thảy mọi sinh linh sẽ được giải thoát khỏi vòng luân hồi không cần nỗ lực, điều này hoàn toàn không thực tế. (Có nghĩa là thức ngộ được trống rỗng sẽ được giải thoát, và để thức ngộ trống rỗng con người cần một quá trình tu tập. ND).
Khi ánh sáng thanh khiết bừng lên, sinh linh không tu tập sẽ lo sợ bị hủy diệt.
Sinh linh thông thường thực nghiệm ánh sáng thanh khiết theo phương thức xuất hiện của nó, không tìm hiểu chắc chắn, không thực nghiệm với tư duy tin tưởng.
Ánh sáng thanh khiết mẹ và con. Ánh sáng thanh khiết trong tiến trình chết là ánh sáng mẹ, còn do oai lực của thiền, ánh sáng bừng lên trong khi ngủ, trong lúc tỉnh táo tu tập, ánh sáng này được gọi là ánh sáng con. Phương pháp thiền hòa trộn hai thứ ánh sáng này trong ánh sáng thanh khiết của cái chết gọi là sự hòa hợp ánh sáng thanh khiết mẹ và ánh sáng thanh khiết con.
Câu hỏi: Nhìn chung, ánh sáng thanh khiết của cái chết có phải là thứ ánh sáng trong trẻo hoàn toàn chất lượng hay không?
Trả lời: Dù ánh sáng thanh khiết mẹ và ánh sáng thanh khiết con được hành giả hòa trộn và gia cường bằng quan điểm (về trống rỗng) là ánh sáng thanh khiết hoàn toàn chất lượng, song với người bình thường không tu tập, ánh sáng thanh khiết của cái chết bừng lên tự phát ngẫu nhiên, không xuất phát từ oai lực của thiền, đây chỉ là trường hợp áp đặt tên gọi “ánh sáng thanh khiết” cho giai đoạn chấm dứt các hình tướng nhị nguyên thô thiển, không phải là ánh sáng thanh khiết hoàn toàn chất lượng.
Nói chung. ánh sáng thanh khiết có hai loại, ánh sáng thanh khiết khách quan là trạng thái trống rỗng tinh tế (của hiện hữu cố hữu) còn ánh sáng thanh khiết chủ quan là ý thức trí tuệ thức ngộ được trống rỗng.
Kết luận
Các giai đoạn của cái chết được đưa vào tu tập bằng thực hành đón nhận cái chết như là Thân Đích Thực trong các giai đoạn tạo thành, giai đoạn thành tựu của Yoga Tối Thượng (sẽ giải thích trong chương 4). Hai giai đoạn này cũng là phần căn bản của quá trình thanh lọc bằng các phương tiện ẩn dụ và thực nghiệm ánh sáng thanh khiết. Cho nên, hiểu biết sâu sắc điều này vô cùng quan trọng.
2- CÁC GIAI ĐOẠN ĐẠT ĐƯỢC TRONG TRẠNG THÁI TRUNG CHUYỂN
Tại thời điểm cuối cùng trong quá trình tồn tại của tư duy thuộc ánh sáng thanh khiết với thời gian bất kỳ, trong trạng thái hoàn toàn ngưng đọng; lúc này xuất hiện một hoạt động nhẹ khẽ rung lên. Hoạt động này khởi đầu cho một chu trình dâng lên từ ánh sáng thanh khiết. Khi ấy, nội khí và tư duy cực kỳ tinh tế rời bỏ giọt (đã không còn khép kín) của phần cấu thành đỏ và trắng ở trái tim rồi thoát ra ngoài. Cơ thể vật chất bị bỏ lại, cơ thể trong trạng thái trung chuyển được thiết lập. Đồng thời, phần cấu thành màu trắng ở đỉnh đầu di chuyển xuống và thoát ra khỏi bộ phận sinh dục của nam hoặc nữ, phần cấu thành màu đỏ dâng lên và thoát ra ở lỗ mũi.
Nội khí hoạt động như cấu trúc khung của ánh sáng thanh khiết thuộc cái chết có năm thứ ánh sáng, nội khí này là nguyên nhân quan trọng của cơ thể trong trạng thái trung chuyển.
Màu của nội khi sinh mạng cực kỳ tinh tế là màu trắng, nhưng nó tỏa ra hào quang ngũ sắc: trắng, vàng, đỏ, xanh da trời, và xanh lá cây.
Nội khí sinh mạng này cũng là nguyên nhân hợp tác (co-operative cause) của tư duy trong trạng thái trung chuyển.
Tư duy thuộc ánh sáng thanh khiết của cái chết giữ vai trò là nguyên nhân hợp tác của cơ thể, nguyên nhân chủ yếu của tư duy trong trạng thái trung chuyển. Phụ thuộc vào điều kiện đó, trạng thái trung chuyển được thiết lập với một cơ thể nội khí mang hình hài sinh linh sẽ tái sinh, cơ thể này không liên quan tới các khối kết tập cũ kỹ (thuộc kiếp trước, kết quả của mọi hành vi trước đây).
Cơ thể sinh linh trong trạng thái trung chuyển có hình dạng của cơ thể kiếp sau đó, có thể là sinh linh trong địa ngục, quỷ đói, súc vật, người, asura  và thượng đế.
Lúc này, ba dạng tư duy ‘xuất hiện’, tư duy ‘gia tăng’ và tư duy ‘gần thành tựu’, (trước đây đã giải thích) trải mở theo trình tự ngược lại. Hào quang đen tuyền của tư duy ‘gần thành tựu’ bừng lên trong một tiến trình đảo ngược, ánh sáng thanh khiết thuộc tiến trình chết chấm dứt, các giai đoạn đạt tới của trạng thái trung chuyển sảy ra đồng thời. Nhiều văn bản trong Tiểu Thừa và Đại Thừa như Hiểu Biết Luận Kinh (Knowledges Abhidharma) và Luận Thuyết về các Cấp Bậc (Treatises on the Levels) của Asanga, đều tuyên bố quá trình chấm dứt của trạng thái chết và thành tựu của trạng thái trung chuyển xuất hiện cùng lúc, giống như hoạt động lên xuống hai đầu của một cái cân. Và do sinh linh trong trạng thái trung chuyển ra đời một cách tự phát, toàn bộ các chi của cơ thể cũng tự động hình thành.
Tư duy đạt được tức thì trong trạng thái trung chuyển là tư duy ‘gần thành tựu’ trong tiến trình đảo ngược, từ đó tư duy ‘gia tăng’ trong tiến trình đảo ngược được tạo ra, rồi tư duy ‘xuất hiện’, từ tư duy ‘xuất hiện’ phát sinh 80 khái niệm chỉ định. Tại lúc này, các tín hiệu từ hào quang đen tuyền gần thành tựu cho tới ảo ảnh, một loạt phát sinh theo thứ tự nghịch đảo với trật tự như đã giải thích trước đây.
Thứ tự bây giờ là: 
1- Ánh sáng thanh khiết.
2- Hào quang đen tuyền ‘gần thành tựu’.
3- Hào quang đỏ ‘gia tăng’.
4- Hào quang trắng ‘xuất hiện’.
5- Ngọn lửa đèn bơ.
6- Đom đóm.
7- Khói.
8- Ảo ảnh.
Sinh linh trong trạng thái trung chuyển vội vã đi tìm nơi sinh, mùi thơm (để hấp thụ dinh dưỡng) vv…Sở hữu một cơ thể tinh thần rất tinh tế đạt đươci chỉ bằng nội khí, bỏ lại cơ thể thô các tố chất nặng nề như máu, thịt…, cơ thể này gọi là Thân Thụ Hưởng căn bản (đây là nền tảng thuộc quá trình thanh lọc để chuyển hóa thành Thân Thụ Hưởng). Cơ thể này còn được gọi là cơ thể ‘ăn bằng ngửi: smelleater’, vì được nuôi dưỡng bằng mùi.
Câu hỏi: Lấy một ví dụ cho dạng hiện hữu trong trạng thái trung chuyển?
Trả lời: Hiện tại, khi chúng ta đi ngủ, bốn tín hiệu (ảo ảnh, khói, đom đóm, ngọn đèn bơ) cùng với bốn trạng thái trống rỗng của giấc ngủ (trống rỗng, cực kỳ trống rỗng, đại trống rỗng, và hoàn toàn trống rỗng) bừng lên giống như bốn tín hiệu và bốn trống rỗng xuất hiện lúc chết, nhưng vô cùng ngắn ngủi. Ánh sáng thanh khiết của giấc ngủ bừng lên (thô thiển hơn ánh sáng thanh khiết của cái chết), và khi bắt đầu dâng lên từ ánh sáng này, chúng ta dâng lên với một cơ thể trong giấc mơ (giống như từ ánh sáng thanh khiết của cái chết, sinh linh dâng lên với một cơ thể thuộc trạng thái trung chuyển). Dâng lên từ ánh sáng thanh khiết của giấc ngủ, chúng ta đạt được một cơ thể trong mơ, thực hiện nhiều hoạt động trong thời gian mơ. Rồi khi tỉnh dậy, nội khí của cơ thể trong mơ phân rã từ bên ngoài, giống như ta thở lên mặt gương, nội khí của cơ thể trong mơ tập hợp ở trái tim, tan vào trong nội khí và tư duy cực kỳ tinh tế, đó là một thực thể đồng nhất ở bên trong đường kinh lạc trung ương ngay tại cốt lõi các khối kết tập tinh thần, vật chất trước đây. Sau đó chúng ta thức dậy.
Mô tả trạng thái trung chuyển
Sinh linh trong trạng thái trung chuyển có năm đặc điểm
1- Có tất cả năng lực giác quan.
2- Do tự phát sinh, tất cả các chi, chính và phụ, đều hoàn chỉnh.
3- Do sở hữu cơ thể tinh tế, sinh linh không thể bị hủy hoại kể cả bằng kim cương.
4- Ngoại trừ tử cung người mẹ, sinh linh không bị bất kỳ một thứ gì ngăn trở, kể cả núi non, rào chắn và những gì tương tự.
5- Bằng sức mạnh nghiệp lực, sinh linh có thể di chuyển tới bất kỳ nơi nào mà sinh linh muốn, ngay cả Phật cũng không ngăn lại được.
Thay đổi hình thức hiện hữu: Văn bản của đại sư Vasubandhu: Abhidharmakosha: Kho Tàng Hiểu Biết (A tỳ đạt ma câu xá luận của ngài Thế Thân) giải thích rằng một khi trạng thái trung chuyển của sinh linh đã thiết lập, cõi đầu thai dành cho sinh linh đó (một trong sáu cõi: cõi thượng đế, a tu la, cõi người, súc vật, quỷ đói, địa ngục) đã ấn định, không thay đổi được nữa. Tuy nhiên, văn bản của đại sư Asanga: Abhidharmasamuchaya: Trích Yếu Hiểu Biết (A tỳ đạt ma tập luận của ngài Vô Trước) có ghi rằng một khi trạng thái trung chuyển của sinh linh đã thiết lập, nhưng sinh linh nhất thiết phải ra đời theo phương thức ấn định của trạng thái trung chuyển là điều không chắc chắn, vẫn có những trường hợp đảo ngược. Trong Luận kinh của Đại Thừa và Tiểu Thừa có nói tới những người đạt được quả vị A la hán nhờ vào sự hỗ trợ của trạng thái trung chuyển, vì thế không nên thừa nhận là sinh linh bắt buộc phải tái sinh trong hình thức mà trạng thái trung chuyển áp đặt.
Đồng nghĩa. Văn bản Kho Tàng Hiểu Biết của đại sư Vasubandhu giải thích ‘tư duy dâng lên’ ‘kẻ tìm kiếm trạng thái hiện hữu’ ‘sinh linh ăn bằng ngửi’ ‘trạng thái trung chuyển’ và ‘thiết lập tình trạng hiện hữu’ là những từ đồng nghĩa.
Độ dài cuộc đời. Khoảng thời gian dài nhất (của trạng thái trung chuyển) là bảy ngày, tuy vậy, do có những trường hợp sinh linh đầu thai ngay khi vừa mới đạt được trạng thái trung chuyển, đúng thời điểm mọi nguyên nhân dẫn tới quá trình tái sinh tập hợp đầy đủ, vậy độ dài thời gian không nhất định. Nếu trong 7 ngày, mọi nguyên nhân dẫn tới tái sinh chưa hội tụ đủ, đến cuối ngày thứ bảy một tiến trình chết với quy mô ngắn tiếp tục sảy ra, rồi một trạng thái trung chuyển khác lại nối tiếp. Văn bản Bhūmivastu (Thực Nghiệm Trên Các Mức Độ) của đại sư Asanga cho biết sau bảy tuần lễ (bảy lần), mọi nguyên nhân tái sinh chắc chắn đã được tập hợp đủ, tiến trình tái sinh bắt buộc phải sảy ra.
Cái chết trong trạng thái trung chuyển. Về tiến trình chết với quy mô nhỏ sau một tuần lễ, nội khí từ phía trên và phía dưới của cơ thể trong trạng thái trung chuyển từng đợt từng đợt, tụ lại bên trong trái tim, giống như hơi thở từ bên ngoài bám lên mặt gương. Sau đó 80 khái niệm chỉ định thuộc trạng thái trung chuyển cùng với nội khí giữ vai trò cấu trúc khung, tất cả đều phân rã, bốn tín hiệu và bốn trống rỗng thuộc cái chết của sinh linh trong trạng thái trung chuyển bừng lên rất nhanh, ánh sáng của tiến trình chết được thực nghiệm. Rồi nội khí đảm nhiệm cấu trúc khung của ánh sáng thanh khiết giữ vai trò là nguyên nhân chính, cơ thể nội khí của sinh linh trong trạng thái trung chuyển được đạt tới như trước đây, tất cả sảy ra cùng một lúc với tư duy gần thành tựu thuộc tiến trình đảo ngược. Trong khi vẫn còn nội khí hỗ trợ sinh mạng thuộc trạng thái trung chuyển, số lần trải qua cái chết nhỏ không thành vấn đề, tiến trình cái chết nhỏ này thuộc về trạng thái trung chuyển (không phải là tiến trình chết thuộc giai đoạn chết).
Nhìn thấy cơ thể trước đây. Văn bản Thực Nghiệm Trong Các Mức Độ của đại sư Asanga ghi rằng ngay cả trường hợp một sinh linh trong trạng thái trung chuyển trông thấy thân xác của kiếp trước, do áp lực bắt buộc phải cắt đứt mọi liên quan tới cái thân xác đó, sinh linh sẽ không nghĩ ‘Đây là thân thể của ta’, và không nảy sinh mong muốn quay trở lại thân xác đó.
Bảy ngày. Một số dịch giả cho rằng văn bản nêu rõ cuộc đời trong trạng thái trung chuyển của một sinh linh kéo dài bảy ngày, ‘ngày’ đây là ngày thuộc cõi mà sinh linh sẽ đầu thai (so với ngày của con người, một số ngày trong các cõi khác có thể rất dài), điều này không đúng. Nếu một sinh linh trong trạng thái trung chuyển (sắp đi đầu thai), như sinh linh địa ngục hay thượng đế trong thế giới hình thể chẳng hạn, sinh linh đó sẽ phải tồn tại trong trạng thái trung chuyển với thời gian là bảy ngày thuộc cõi sẽ tái sinh, suy luận này sẽ dẫn tới việc phải thừa nhận là có những trường hợp sinh linh tồn tại trong trạng thái trung chuyển lâu tới hàng triệu năm mà  không tập hợp được các nguyên nhân tái sinh, suy luận này không hợp lý!
Phương thức thoát ra khỏi cơ thể sau khi chết. Sinh linh tái sinh vào cõi địa ngục, ý thức sẽ thoát ra qua hậu môn, tái sinh làm quỷ đói ý thức thoát ra đằng miệng, tái sinh vào cõi súc vật, ý thức thoát qua niệu đạo, cõi người ý thức thoát ra qua mắt, trở thành thượng đế thuộc cõi tham vọng, ý thức thoát qua đằng rốn, trở thành dạ xoa ý thức thoát ra đằng mũi, là thượng đế có quyền năng siêu nhiên hoặc nhiều khả năng làm người, ý thức thoát ra đằng tai, nếu sinh vào cõi hình thể, lối thoát ý thức ở giữa hai lông mày, lối thoát vào cõi không hình thể ở trên đỉnh đầu. Vấn đề này được trình bày trong chương 8 pho kinh Samputa vv…
Phản đối: Điều này trái ngược với cách giải thích của đại sư Asanga trong Luận Thuyết về các Mức Độ và các kinh bản khác, là ý thức thoát ra từ trái tim.
Trả lời: Không trái ngược! Khi ý thức tồn tại trong cơ thể con người, điểm bắt đầu thoát ra là trái tim, khi thoát ra bên ngoài, ý thức đi qua các cánh cửa đó.
Câu hỏi: Đại sư Vasubandhu muốn nói gì khi ngài phát biểu: ‘Khi tiến trình chết sảy ra, tư duy chết đi, và thoát ra ở dưới lòng bàn chân, ở rốn và ở tim,’ còn trong văn bản ngài lại ghi: ‘Nếu sinh linh đầu thai vào cõi thấp kém, ý thức dừng lại ở bàn chân, đầu thai vào cõi người ý thức dừng lại ở rốn. Vậy nếu con người tái sinh làm thượng đế, hay khi một vị A la hán viên tịch, phải chăng ý thức dừng lại ở trái tim?
Trả lời: Văn bản giải thích: tư duy ngừng tại những nơi đó, vì các trích đoạn liên quan chỉ đơn thuần cho thấy với các lối thoát khác nhau, ý thức ngừng lại ở những chỗ mà cảm giác cơ thể ngưng đọng tại đó, như bàn chân chẳng hạn. Văn bản không nói ý thức thoát ra bên ngoài từ các nơi đó, cho nên không trái với những điều giải thích trước đây.
Nhận thức. Văn bản Kho Tàng Kiến Thức của đại sư Vasubandhu giải thích là sinh linh trong trạng thái trung chuyển cùng chủng loại có thể trông thấy lẫn nhau, người có thị lực tinh khiết siêu phàm (khả năng thấu thị) có thể trông thấy sinh linh trong trạng thái trung chuyển. Về vấn đề này, thị lực siêu phàm do bẩm sinh không tinh khiết, còn thị lực đạt được bằng sức mạnh của thiền là thị lực siêu phàm tinh khiết. Văn bản Bình luận về ‘Kho Tàng Hiểu Biết’ của đại sư Vasubandhu cũng giải thích là trong trạng thái trung chuyển, sinh linh với cấp bậc cao có thể quan sát được sinh linh ở mức độ thấp hơn.
Kích thước. Văn bản Bình luận về ‘Kho Tàng Hiểu Biết’ của đại sư Vasubandhu giải thích sinh linh trong trạng thái trung chuyển thuộc thế giới loài người có kích thước của một em bé độ 5, 6 tuổi. Tuy nhiên, điều này không chắc chắn.
Biểu hiện. Văn bản Thực Nghiệm Trong Các Mức Độ của đại sư Asanga cho biết đối với sinh linh trong trạng thái trung chuyển thuộc các cõi thấp kém (súc vật, quỷ đói hay sinh linh trong địa ngục), một lá cờ đen trải rộng xuất hiện, hoặc ban đêm tràn ngập bóng tối. Với sinh linh các cõi vui sướng (cõi người, A tu la hay thượng đế), một tấm vải trắng bung ra hay ban đêm tràn ngập ánh trăng.
Màu sắc. Kinh bản Āyuşhmannandagarbhāvakrātinirdesha giải thích (màu sắc của cơ thể trong) trạng thái trung chuyển của sinh linh cõi địa ngục giống như khúc gỗ bị lửa thiêu, màu sắc quỷ đói giống như màu nước, súc vật giống như khói, thượng đế thuộc cõi tham vọng hay cõi người có màu vàng kim loại, thượng đế cõi hình thể có màu trắng …
Vóc dáng. Đại sư Vasubandhu trong văn bản Abidharmakosa có nói sinh linh trong trạng thái trung chuyển có hình dạng (tựa như) hình dạng vật chất của ‘trạng thái trước đó’, trạng thái trước khi đón nhận hình hài sẽ ra đời. Có bốn trạng thái:
1-Trạng thái ra đời: giây phút đầu tiên của sinh linh nối với kiếp sống mới.
2-Trạng thái trước đó: tình trạng hiện hữu sau khi được nối với kiếp sống mới cho tới khi chết.
3-Trạng thái chết: tình trạng hiện hữu trong giai đoạn cuối của cái chết hoặc thời điểm thực nghiệm được ánh sáng thanh khiến của cái chết
4-Trạng thái trung chuyển: tình trạng hiện hữu giữa trạng thái chết và trạng thái ra đời sau đó.
Lầm lẫn về thuật ngữ ‘trạng thái trước đó’, một số khẳng định sinh linh trong trạng thái trung chuyển vẫn giữ hình hài kiếp sống trước khi chết. Đồng thời, do đại sư Asanga giải thích rằng sinh linh trong trạng thái trung chuyển có hình dạng của kiếp sống sắp tới, một số khác cho rằng sinh linh trong trạng thái trung chuyển có hình dáng của kiếp sống trước đây trong ba ngày rưỡi, và có hình dáng kiếp sống sắp tới trong ba ngày rưỡi. Trong văn bản ‘Phát Hiện Vĩ Đại Các Giai Đoạn Của Đạo’, đại sư Tsongkhapa cho rằng đó là những nhận xét không có nguồn trích dẫn tin cậy. Thuật ngữ ‘trước đó’ trong cụm từ ‘trạng thái trước đó’ nói tới tình trạng hiện hữu của sinh linh trước trạng thái chết của kiếp sống sau đó chứ không phải tình trạng hiện hữu của sinh linh trước trạng thái trung chuyển. Đó là do đại sư Vasubandhu có phát biểu trong văn bản Kho Tàng Kiến Thức (Abidharmakosa):…sự kiện sở hữu hình thể phàm tục của trạng thái trước đó sẽ xuất hiện, ngài sử dụng động từ với thì tương lai, không phải thì quá khứ.
Giải thích vấn đề sinh linh trong trạng thái trung chuyển sẽ có hình dạng tái sinh như thế nào, một số cho rằng sinh linh trong trạng thái trung chuyển, nếu kiếp nối tiếp không có giác quan, thì lúc này (trong trạng thái trung chuyển) cũng không có giác quan. Điều đó hoàn toàn sai lầm, vì khả năng không hoàn chỉnh của giác quan chỉ xuất hiện sau khi sinh linh đón nhận kiếp tái sinh tại nơi ra đời như tử cung chẳng hạn. Đồng thời không có chỗ nào nói sinh linh trong trạng thái trung chuyển không có hết thảy khả năng thụ cảm. Hơn nữa, nếu căn cứ vào cách giải thích là sinh linh trong trạng thái trung chuyển có hình dáng của sinh linh sẽ tái sinh mà kết luận sinh linh trong trạng thái trung chuyển phải giống như sinh linh sắp tái sinh trên mọi phương diện, điều này hết sức vô lý.
Phương thức vận động. Văn bản Thực Nghiệm Trên Các Mức Độ của đại sư Asanga phát biểu một sinh linh trong trạng thái trung chuyển thuộc cõi thượng đế sẽ di chuyển lên phía trên, đầu đi trước, sinh linh thuộc cõi người đi thẳng, sinh linh thuộc các cõi thấp kém đi xuống phía dưới.
Ba cõi tái sinh. Để sinh vào cõi tham vọng hay cõi hình thể, sinh linh bắt buộc phải trải qua trạng thái trung chuyển. Vì thế, văn bản của đại sư Tsongkhapa ‘Phát Hiện Vĩ Đại các giai đoạn của Đạo’ nêu rõ: khẳng định người phạm phải hành động bị báo ứng tức thì sẽ không trải qua trạng thái trung chuyển là điều không chính xác.
Năm hành vi báo ứng tức thì: 1- giết hại cha đẻ, 2- giết hại mẹ đẻ, 3- giết hại một vị A la hán, 4- làm cho máu của một vị Phật chảy với ý định ác độc, 5- gây chia rẽ trong cộng đồng tâm linh. Khi con người chết đi, năm hành vi này dẫn tới một kiếp tái sinh ngay lập tức vào trong địa ngục. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, người chết trước tiên vẫn phải trải qua trạng thái trung chuyển với thời gian ngắn, vì thế thuật ngữ ‘ngay lập tức’ không nên hiểu theo nghĩa là không sảy ra trạng thái trung chuyển.
Tuy nhiên, trong cõi không hình thể không có trạng thái trung chuyển (không gian vô hạn, ý thức vô hạn, trống rỗng vô hạn và đỉnh cao của chu kỳ hiện hữu). Đó là vì các khối kết tập, nền tảng tên gọi cho sinh linh không có hình thể (tư duy và nhân tố tinh thần của sinh linh), các khối kết tập này được đạt tới ngay lúc chết. Sinh linh ra đời trong cõi không hình thể thực nghiệm được trạng thái thiền định không có hình thể ngay khi ánh sáng của cái chết bừng lên. Không có tư duy gần thành tựu bừng lên vào thời điểm ánh sáng của cái chết bừng lên ở tiến trình nghịch đảo, vì đó là tư duy thuộc trạng thái trung chuyển, cho nên không có trạng thái trung chuyển. Cõi không hình thể hoàn toàn không liên quan tới cõi tham vọng và cõi hình thể.
Sinh linh đặc biệt trong trạng thái trung chuyển. Đại sư Vasubandhu trong văn bản ‘Bình Luận về Kho Tàng Kiến Thức’ và đại sư Nagabodhi trong văn bản Samājasādhanavyavasthāli nói rằng sinh linh đặc biệt trong trạng thái trung chuyển là một vị Bồ tát chỉ còn một kiếp cuối cùng trước khi đạt tới khai sáng, vị này rời bỏ cung trời Đậu Suất (Tushita: Joyous Land), đi vào trong tử cung người mẹ, cho nên sinh linh như vậy trong trạng thái trung chuyển sẽ là một nhân vật trẻ trung, mang các dấu vết vết chính phụ, với ánh sáng rọi chiếu suốt một tỷ hệ thống bốn lục địa.
Mỗi hệ thống thế giới đều có một ngọn núi trung tâm, xung quanh là bốn lục địa chính và tám lục địa phụ. 
Phản đối: Điều này chống lại giải thích của đại sư Bhadanta Dharmasubhuti: Phật Thích Ca Mâu Ni đi vào trong tử cung người mẹ với hình dạng một con voi trắng có sáu ngà.
Trả lời: Không nhất thiết phải thừa nhận tiến trình chỉ nhằm mục đích phù hợp với lối giải thích đó (đây là cách giải thích màu mè). Tuy nhiên (có thể hiểu rằng) lối giải thích như vậy chỉ đơn giản để phù hợp với giấc mơ của người mẹ. Nếu chúng ta công nhận sinh linh trong trạng thái trung chuyển được sinh làm người mà có diện mạo của một con vật, điều này sẽ chống lại rất nhiều luận thuyết. (Phật Thích Ca Mâu Ni đi vào trong tử cung) được công nhận theo nghĩa đen trong hệ Tiểu Thừa, nhưng với Đại Thừa, đây chỉ là phương tiện hiển thị (vì ngài đã đạt tới Phật Quả từ trước).
Kết luận
Như sẽ giải thích trong chương 4, trong giai đoạn tạo thành của Yoga Tối Thượng mọi nhân tố thuộc trạng thái trung chuyển được vận dụng bằng thực hành coi trạng thái trung chuyển như là Thân Thụ Hưởng. Các nhân tố này cũng là nền tảng quá trình thanh lọc bằng nhiều phương tiện thuộc về thân ảo ảnh tinh khiết hoặc không tinh khiết (trong giai đoạn thành tựu). Cho nên điều quan trọng là phải nắm vững các nhân tố đó thật chi tiết.
3- TÁI SINH
Pho kinh Āyuşhmannandagarbhāvakrātinirdesha ghi rằng để một sinh linh trong trạng thái trung chuyển đón nhận tiến trình ra đời trong tử cung người mẹ, ba điều kiện ưu đãi cần phải có, và ba chướng ngại nhất thiết tránh xa.
1- Người mẹ hoàn toàn khỏe mạnh, không bệnh tật, và ở thời điểm không hành kinh.
2- Sinh linh (trong trạng thái trung chuyển) phải ở gần đó và mong muốn đi vào tử cung.
3- Người nam và nữ phải thèm muốn quan hệ và gặp nhau.
4- Tử cung người mẹ không bị khuyết tật ở tại tâm điểm, không có hình dạng như hạt lúa mạch, lưng con kiến hay miệng con lạc đà, không bị nội khí, mật hoặc đởm ngăn chặn.
5- Cha và mẹ không có nhược điểm theo cách hiểu như tinh trùng hoặc trứng không đi xuống, hoặc thứ nọ đi trước thứ kia, hay kể cả cùng đi xuống, nhưng một trong hai thứ đã bị hư hoại.
6- Sinh linh trong trạng thái trung chuyển không được có yếu tố lỗi như không tích lũy được nghiệp quả để trở thành con cái của cặp nam nữ đó, cặp nam nữ này cũng không được có yếu tố lỗi là không tích lũy được nghiệp quả để làm cha mẹ sinh linh đó.
Điều này mang ý nghĩa tương tự với lời tuyên bố trong một bộ kinh về giới luật, rằng phải có đủ sáu tiêu chuẩn.
Sinh linh ăn bằng ngửi với sáu điều kiện nói trên nhìn thấy cha mẹ quan hệ với nhau theo một phương thức ảo. Do muốn giao cấu, nếu sinh linh ăn bằng ngửi là con trai, nó sẽ thèm khát người mẹ và muốn tách người mẹ ra khỏi người cha, nếu là con gái, nó ham muốn người cha, muốn tách người cha ra khỏi người mẹ. Sau đó, khi bắt đầu ôm lấy người nó thích, do sức mạnh của hành động trước đây (sức mạnh nghiệp lực), sinh linh không trông thấy gì ngoài bộ phận sinh dục của người kia, lúc đó cơn giận dữ bùng lên. Cảm xúc ham muốn và căm ghét này (cơn giận) trở thành nguyên nhân cho một cái chết, và sinh linh trong trạng thái trung chuyển đi vào tử cung.
Người nào với lượng công đức ít ỏi sẽ nghe thấy tiếng động ầm ỹ, có cảm giác như đi vào trong đầm lầy, đi vào một cánh rừng tối tăm hoặc tương tự, ngược lại người quen làm điều thiện sẽ nghe thấy âm thanh dịu dàng, dễ chịu và có cảm giác như bước vào một căn nhà đẹp đẽ.
Chương Nhiều Mức Độ trong văn bản ‘Thực Nghiệm trong các Mức Độ’ của đại sư Asanga nói dù lúc đó cha và mẹ không thực sự quan hệ, sinh linh ăn bằng mùi vẫn quan sát lầm tinh trùng và trứng đi xuống để gặp nhau. Tuy nhiên, đại sư Vasubandhu lại giải thích trong văn bản Bình Luận về Kho Tàng Kiến Thức, là sinh linh đó thực sự thấy được cha mẹ đang quan hệ.
Khi nam và nữ cuốn hút lấy nhau (trong giao hợp), thông qua hoạt động khuấy đảo của cơ quan sinh dục, nội khí di chuyển xuống phía dưới đi ngược lên, nội nhiệt thông thường ở điểm ba giao cắt (triple intersection) (điểm giao cắt của đường kinh lạc trung ương, đường kinh lạc bên phải, bên trái, và cụm dây thần kinh ở bụng: solar plexus) được kích hoạt. Nội nhiệt làm tan chảy các giọt trắng và đỏ từ khoảng trống rỗng bên trong 72.000 đường kinh lạc đi xuống. Hoạt động này khiến cơ thể và tư duy đạt được thỏa mãn khoái lạc, cuối cùng, trong thời khắc ham muốn mãnh liệt, một chất lỏng sinh sản đậm đặc dâng lên, sau đó tinh trùng và trứng của nam nữ gặp nhau trong tử cung người mẹ. Ý thức của sinh linh trong trạng thái trung chuyển đi vào giữa hỗn hợp tinh trùng và trứng gặp nhau, lúc này hỗn hợp quánh lại giống như kem hình thành khi đun nóng sữa.
Quá trình tái sinh sảy ra như thế nào? Sinh linh trong trạng thái trung chuyển trước hết đi vào tử cung bằng một trong ba cánh cửa: miệng người nam, đỉnh đầu người nam, hoặc tử cung người nữ, rồi hợp nhất với chất dịch sinh sản của cha và mẹ từ bên trong 72.000 đường kinh lạc đi xuống gặp nhau trong tử cung (nơi trứng và tinh trùng gặp nhau). Nội khí gây ra hoạt động khái niệm trong trạng thái trung chuyển phân rã, sau đó tư duy xuất hiện, tư duy gia tăng và tư duy gần thành tựu bừng lên trong từng giai đoạn. Các dạng tư duy và ánh sáng thanh khiết thuộc cái chết của sinh linh trong trạng thái trung chuyển xuất hiện rất nhanh với thời gian ngắn hơn khoảng thời gian được giải thích trước đây tại thời điểm ý thức rời bỏ xác thân.
Tín hiệu từ ảo ảnh tới ánh sáng thanh khiết phát sinh, rồi ở giữa hỗn hợp tinh  trùng và trứng gặp nhau, một chuỗi liên tục tương tự như ánh sáng tinh khiết xuất hiện, tạo thành đường nối với kiếp sống mới. Quá trình tái sinh và thiết lập trạng thái gần thành tựu thuộc tiến trình đảo ngược, tất cả sảy ra đồng thời.
Khoảng khắc đầu tiên của tư duy gần thành tựu là nền tảng ấn định tình trạng ‘ra đời’ theo nghĩa đen, là tư duy của mối liên lạc đầu tiên với cuộc sống mới tại nơi ra đời. Từ đó, khoảng khắc nối tiếp thứ hai thuộc tư duy gần thành tựu được tạo thành, rồi tư duy gia tăng, tư duy xuất hiện, 80 khái niệm chỉ định xuất hiện cùng nội khí và cấu trúc khung của các dạng tư duy, khái niệm.
Từ nội khí (thuộc) cấu trúc khung của tư duy xuất hiện, một luồng nội khí khác được tạo ra, nội khí này có khả năng đặc biệt, hoạt động như là nền tảng của ý thức. Sau đó, phần cấu thành của Lửa hoạt động như là nền tảng của ý thức được tạo thành, phần cấu thành của Nước với khả năng tương tự, rồi phần cấu thành của Đất được thiết lập.
Về các cánh cửa để sinh linh trong trạng thái trung chuyển đi vào tử cung, văn bản Trình Tự Các Phương Tiện Đạt Tới thuộc Guhyasamaja của đại sư Nagabodhi (Ordered Stages of the Means of Archieving Guhyasamaja) giải thích rằng sinh linh đi vào tử cung qua cánh cửa Vairochana, tức là đỉnh đầu, còn kinh Samvarodaya và Vajrashekhara giải thích là sinh linh đi vào qua miệng người nam. Vậy, trước hết, sinh linh trong trạng thái trung chuyển đi vào tử cung qua miệng người nam, hoặc từ trên đỉnh đầu, rồi thoát ra qua dương vật, đi vào trong âm hộ người nữ. Ý thức của sinh linh trong trạng thái trung chuyển của cái chết kết nối với cuộc sống mới tại tâm điểm trứng gặp tinh trùng. Đồng thời, do đại sư Vasubandhu trong văn bản Bình Luận về Kho Tàng Kiến Thức giải thích là sinh linh đi vào (tử cung) qua cánh cửa tử cung người mẹ, điều này cần hiểu là có ba cánh cửa để đi vào tử cung: miệng người nam, đỉnh đầu người nam và cánh cửa tử cung người mẹ.
Cách trình bày này phù hợp với phương thức tái sinh vào cõi người của sinh linh trong trạng thái trung chuyển ra đời bằng tử cung. Tuy nhiên, nói chung sinh linh trong trạng thái trung chuyển không bị ngăn trở, vậy không cần phải có một cái lỗ cho cánh cửa vào tử cung. Vì văn bản Bình Luận về Kho Tàng Kiến Thức của đại sư Vasubandhu phát biểu là nhiều người biết rằng sinh vật được tìm thấy ngay cả bên trong đống sắt đã chẻ tách ra. Đồng thời sinh linh cũng xuất hiện trong các khối đá cứng không hề có kẽ hở.
Sự phát triển cơ thể trong tử cung 
Kinh Āyuşhmannandagarbhāvakrātinirdesha giải thích tử cung nằm phía dưới dạ dày và phía trên phần cuối đại tràng. Đầu tiên, một dạng tựa như váng sữa phủ lên bên ngoài cái phôi hình trái soan, nhưng bên trong rất lỏng. Từ lúc này, khối kết tập (vật chất) thô được thiết lập, rồi đến các bộ phận chính yếu thô và tinh đạt được từ phần cấu thành của bốn tố chất và tồn tại tới khi chết. Nội khí thuộc Đất gây ra hoạt động kìm giữ, nội khí thuộc Nước gây ra hoạt động dính kết, nội khí thuộc Lửa gây ra tình trạng trưởng thành và không thổi rữa, nội khí thuộc Gió tạo ra sự phát triển.
Khi bào thai quá bảy ngày, một luồng nội khí mới được tạo thành, và do đúng thời điểm, bào thai trở nên sền sệt cả bên trong lẫn bên ngoài giống như sữa chua, nhưng chưa trở thành thịt. Bảy ngày nữa trôi qua, một luồng nội khí mới lại được tạo ra, bào thai đã có thịt song không chịu được áp lực, bảy ngày sau đó bào thai cứng cáp do nội khí mới xuất hiện, đủ sức chịu đựng áp lực, rồi sau bảy ngày nữa, thêm một luồng nội khí mới, bào thai tăng trưởng và phát triển chân tay theo cách hiểu là năm phần lồi lên rõ ràng: hai đùi, hai vai và đầu. Theo văn bản của đại sư Nagabodhi ‘Ordered Stages of the Means of Archieving Guhyasamaja’, đó là năm trạng thái trong tử cung.
Văn bản của đại sư Vasubandhu ‘Bình giảng về Kho Tàng Kiến Thức’ và văn bản Sutra of Teaching to Nanda on Entry to the Womb chuyển đổi thứ tự tên gọi đối với hai trạng thái đầu tiên trong năm trạng thái, giữ nguyên ba trạng thái sau, văn bản Thực Nghiệm trong các Mức Độ của đại sư Asanga đảo ngược hai trạng thái đầu tiên. Tuy nhiên, người ta cho rằng ngoại trừ thứ tự khác nhau, ý nghĩa không có gì thay đổi.
Trong tuần thứ tư, những giọt trắng và đỏ chia ra làm các phần thanh khiết và không thanh khiết. Từ giọt trắng dâng lên ba kho báu bên trong đạt được của người cha: tinh dịch, tủy và xương. Từ giọt đỏ dâng lên ba kho báu bên ngoài đạt được ở người mẹ: thịt, da và máu.
Vị trí bên trong khối hợp nhất tinh trùng và trứng, nơi ý thức lọt vào đầu tiên, chỗ này về sau trở thành trái tim. Trong đó có một khối tập hợp (a mass) với kích thước bằng một hạt cải (hay hạt đỗ), đây là khối tập hợp bốn tố chất: nội khí rất tinh tế, tư duy rất tinh tế, tinh chất của trứng và tinh chất của tinh trùng. Ở tâm điểm khối tập hợp bốn tố chất hình thành các đường kinh lạc trung ương, phải và trái, mỗi một đường kinh lạc quấn quanh tâm điểm ba vòng. Rồi do năng lực của nội khí di chuyển hướng lên và nội khí trống rỗng di chuyển xuống phía dưới, các đường kinh lạc trung ương, trái, phải, phát triển lên hai hướng trên và dưới.
Phần đầu và phần cuối (của cơ thể lúc này) mảnh mai, phần giữa phình ra như hình con cá. Dần dần, năm chỗ phồng lên, sau đó là năm nhánh (tứ chi và phần đầu), tóc, móng tay, lông vv…,  các giác quan, các bộ phận của nam hay nữ, nội khí phụ trách hít thở di chuyển qua miệng, 8 nguồn tạo ra tiếng nói như lưỡi…, và hoạt động của ý thức đối với các đối tượng, tất cả xuất hiện với hình thức đầy đủ.
Nếu thai nhi là con trai, nó sẽ cúi mình về phía bên phải người mẹ, quay mặt về phía sau hướng tới sống lưng mẹ nó. Nếu là con gái, thai nhi cúi người về phía bên trái, quay mặt ra phía trước.
Về thời gian tồn tại trong tử cung, kinh Sutra of Teaching to Nanda on Entry to the Womb nói thời điểm ra đời của em bé bắt đầu vào cuối tuần thứ 38, khoảng chừng 266 ngày. Văn bản của đại sư Asanga Thực Nghiệm Trong Các Mức Độ (Actuality of the Levels) thêm vào 4 ngày, cho rằng quá trình ra đời phát sinh sau 270 ngày. Mật kinh Samvarodaya đề cập tới ‘người xử lý tư duy’ (mind-processor) ra khỏi tử cung trong tháng thứ 10. Ba pho kinh này nhất trí về khoảng thời gian 9 tháng đủ (một tháng có 4 tuần hoặc 28 ngày) và một phần trong tháng thứ 10. (Cần lưu ý là) ngày được đề cập trong kinh Sutra of Teaching to Nanda on Entry to the Womb và văn bản Thực Nghiệm trong các Mức Độ ngụ ý ngày hoàn chỉnh (không phải ngày theo một quan niệm nào đó), và tháng ngụ ý khoảng thời gian 4 tuần lễ (không phải tháng tính theo lịch).
Trong tuần thứ 35, cơ thể, có thể nói là các khối kết tập, phần cấu thành, nguồn, các chi, các chi phụ, tóc, móng tay, nguồn tạo ra tiếng nói như lưỡi, và ý thức quan tâm tới đối tượng, tất cả đều hoàn chỉnh. Tuần thứ 36, thai nhi bắt đầu không thích tử cung và muốn ra ngoài. Tuần thứ 37, khả năng nhận biết mùi hôi hám và dơ bẩn phát sinh. Cuối cùng, trong tuần thứ 38, một luồng nội khí gọi là ‘nội khí thứ yếu’ xuất phát từ các hoạt động trước đây (nghiệp quả), thai nhi trong tử cung quay lộn ngược. Với hai cánh tay co lại, thai nhi tiếp cận cửa dạ con. Rồi một luồng nội khí dâng lên, gọi là ‘nội khí quay xuống’, xuất phát từ hoạt động trước đây tạo ra, thai nhi trong tử cung bị đẩy vào trong âm đạo, đầu quay xuống, chân chổng lên. Cuối tuần thứ 38, thai nhi thoát ra ngoài, trở thành đối tượng nhìn thấy. Năm trạng thái sau khi ra đời lần lượt xuất hiện: nhi đồng, thiếu niên, thanh niên, trung niên và già nua.
Sự hình thành các đường kinh lạc, nội khí và các giọt
Trước tiên, năm đường kinh lạc thuộc trái tim hình thành cùng một lúc: đường kinh lạc trung ương, đường kinh lạc phải, đường kinh lạc trái, đường kinh lạc Triple Circle  thuộc phía đông (đằng trước) và đường kinh lạc Desirous One thuộc phía sau (bên phải).
Luân xa ở trái tim cấu tạo bởi các đường kinh lạc trung ương, trái và phải, xung quanh luân xa là tám cánh hay tám chiếc nan hoa, bốn chiếc tại bốn hướng chính (đông, tây, nam, bắc) và bốn chiếc tại bốn hướng trung gian (đông bắc, tây bắc, đông nam, tây nam).
Sau đó, ba đường kinh lạc hình thành cùng một lúc, đường kinh lạc Free of Knots tọa lạc cùng với (và ở đằng sau) đường kinh lạc trung ương, đường kinh lạc Household One thuộc phía tây (phía sau) và đường kinh lạc Fiery One ở phía bắc (bên trái). Đây là tám đường kinh lạc hình thành trước tiên tại trái tim (không nên lầm lẫn với tám chiếc nan hoa ở trái tim).
Rồi bốn đường kinh lạc thuộc bốn phương (tại trái tim), mỗi đường tách ra làm đôi, hình thành bốn nhánh kinh lạc thuộc bốn hướng trung gian. Đoạn kéo dài tám nhánh kinh lạc (bốn phương chính và bốn hướng trung gian) thuộc trái tim lại chia ra làm ba, hình thành 24 đường kinh lạc thuộc 24 vị trí. Mỗi đường kinh lạc này lại chia ba thành ra 72 đường kinh lạc. Mỗi đường kinh lạc này lại chia thành 1000 nhánh, tạo ra 72.000 đường kinh lạc trong cơ thể.
Có 5 đại luân xa:
1- Luân xa đại phúc lạc ở trên đỉnh đầu, gồm 32 cánh.
2- Luân xa thụ hưởng ở cổ họng, có 16 cánh.
3- Luân xa hiện tượng ở trái tim, có 8 cánh.
4- Luân xa lan tỏa ở rốn, có 64 cánh.
5- Luân xa duy trì phúc lạc ở chỗ kín, có 32 cánh.
Ba luân xa khác cũng thường được nhắc tới:
6- Luân xa nội khí ở giữa hai lông mày, có 16 cánh.
7- Luân xa nội hỏa ở giữa gáy và trái tim, có 3 cánh.
8- Luân xa ở giữa đá quý (đầu dương vật), có 3 cánh.
Về quá trình hình thành nội khí, trong tháng đầu tiên sau khi được nối với cuộc đời mới trong tử cung, nội khí sinh mạng tinh tế tạo ra nội khí sinh mạng thô, lúc này hình dạng bào thai trông tựa như con cá. Tháng thứ hai, nội khí sinh mạng thô tạo ra nội khí bài tiết đi xuống (the downward-voiding wind), thân thể có năm chỗ phồng lên giống con rùa. Tháng thứ ba, nội khí bài tiết đi xuống tạo ra nội nhiệt khí, khi đó phần trên cơ thể hơi cong một chút và có hình dạng của con lợn rừng. Tháng thứ tư, nội nhiệt khí tạo ra nội khí di chuyển lên, phần trên cơ thể hơi rộng hơn một chút, cơ thể có hình dạng như con sư tử. Tháng thứ năm, nội khí di chuyển lên tạo ra nội khí lan tỏa, lúc này cơ thể có hình dạng một chú lùn.
Nội khí sinh mạng chủ yếu nằm giữa luân xa tại trái tim, nó có chức năng gây ra hoạt động của các nội khí ra và nội khí vào (The movement of the winds in and out) thuộc khả năng cảm nhận, có chức năng duy trì sự sống, dạng thô của nội khí này tạo nên quá trình hô hấp qua lỗ mũi. Nội khí bài tiết đi xuống cư trú chính là ở giữa luân xa và vùng kín, gây ra đại tiểu tiện, hành kinh vv…Nội nhiệt khí cư trú chủ yếu ở giữa luân xa và rốn (đan điền, vị trí nội nhiệt), gây ra hoạt động tiêu hóa, tách những phần tinh và thô của chất dinh dưỡng, khích thích nội nhiệt. Nội khí di chuyển lên chủ yếu cư trú ở giữa luân xa tại cổ họng, gây ra hoạt động nếm thức ăn, nói năng vv…Nội khí lan tỏa phần lớn cư trú ở các khớp với chức năng gây ra quá trình vận động, ngừng vận động vv…
Trong tháng thứ sáu, nội khí (thứ yếu) di chuyển qua cánh cửa con mắt, được gọi là ‘di chuyển’, và tố chất đất được tạo ra.
Từ tháng thứ sáu tới tháng thứ mười, bốn tố chất: đất, nước, lửa, gió, và phần cấu thành không gian được tạo ra, có nghĩa là năng lực của chúng đã hoàn chỉnh.
Trong tháng thứ bảy, nội khí (thứ yếu) di chuyển qua cánh cửa là lỗ tai, được gọi là ‘di chuyển mãnh liệt’ và tố chất nước được tạo ra. Tháng thứ tám, nội khí (thứ yếu) di chuyển qua cánh cửa lỗ mũi, được gọi là ‘di chuyển thông suốt’, tố chất lửa được tạo ra. Trong tháng thứ chín, nội khí (thứ yếu) di chuyển qua cánh cửa cái lưỡi, được gọi là ‘di chuyển mạnh mẽ’, tố chất khí được tạo ra. Trong tháng thứ mười, nội khí (thứ yếu) di chuyển qua cánh cửa cơ thể, được gọi là ‘di chuyển dứt khoát’, tố chất cấu thành không gian được tạo ra, lúc này, các vị trí trống rỗng trong cơ thể hình thành.
Năm nội khí thứ yếu phần lớn là các thành phần hoặc trạng thái của nội khí duy trì sinh mạng, chúng giữ vai trò hỗ trợ trong hoạt động lĩnh hội đối tượng thông qua ý thức của năm giác quan.
Người ta cho rằng dù mười dạng nội khí hình thành trong tử cung (dạng thô), nhưng quá trình hô hấp bằng mũi chỉ hoạt động ngay sau khi ra đời.
Các giọt hình thành thế nào? Khối tập hợp tinh chất (the mass), tổ hợp tinh hoa phần cấu thành trắng và đỏ (giọt) cùng với nội khí và tư duy rất tinh tế, kích thước bằng hạt cải, tồn tại trong một nơi hơi trống rỗng tại đường kinh lạc trung ương ở trái tim, khối tập hợp này được gọi là ‘giọt bất hoại’ (ở đó nó không bị hủy hoại cho tới khi chết). Từ giọt trắng, một phần của giọt di chuyển lên, đi vào trong luân xa trên đỉnh đầu và tồn tại trong đó, có tên là ‘ký tự ham’. Phần giọt này trực tiếp hoặc gián tiếp tăng cường cho các giọt trắng ở những nơi khác nhau trong cơ thể. Từ giọt đỏ ở trái tim, một phần của giọt này đi xuống, di chuyển vào trong luân xa ở rốn rồi tồn tại ở đó, gọi là ‘giọt mãnh liệt’. Phần giọt này gián tiếp hoặc trực tiếp tăng cường phần cấu thành đỏ ở các bộ phận khác nhau trong cơ thể.
Mặc dù một bộ phận của mỗi một giọt đều cư trú trong từng luân xa, song giọt trên đỉnh đầu là nguồn chính yếu để tăng cường phần cấu thành màu trắng, còn luân xa ở rốn là nguồn chủ yếu để gia tăng phần cấu thành màu đỏ. Luân xa ở trái tim là nguồn tăng cường đồng đều các phần cấu thành trắng và đỏ. Hơn nữa, người ta nói rằng bất kỳ lúc nào cơ thể có nhu cầu, chúng sẽ được tạo ra, không giống như hiện tượng nước đổ vào trong bình chứa (nơi có một khối lượng nào đó đã dùng hết).
Khoảng thời gian bắt đầu kết nối với cuộc đời mới từ nơi thụ thai, xuyên suốt quá trình đó, gồm cả việc đón nhận một cơ thể thô, giai đoạn này được gọi là Hóa Thân cơ bản (vì đó là nền tảng để chuyển hóa thành Hóa Thân thông qua tu tập).
Kết luận
(Như giải thích trong chương sau), mọi diễn biến từ giai đoạn sinh linh trong trạng thái trung chuyển kết nối với cuộc sống mới trong tử cung, cho tới thời điểm ra đời, về hình thức, diễn biến này rất giống với (thực hành) đưa cuộc sống vào con đường tu tập như trường hợp Hóa Thân trong thực hành thuộc giai đoạn tạo thành (của Yoga Tối Thượng). Chúng cũng tương tự như thân thể tinh khiết và không tinh khiết của giai đoạn thành tựu, trong giai đoạn này hoặc là thừa nhận một hóa thân thô, hoặc tồn tại trong khối kết tập vật chất cũ kỹ, để trở thành một đối tượng trong con mắt thông thường. Những nhân tố đó là nền tảng cho quá trình thanh lọc bằng phương thức tu tập

4 CHẤM DỨT CÁI CHẾT
Trong Yoga tối thượng, nền tảng để thanh lọc bằng các phương tiện của giai đoạn tạo thành và giai đoạn thành tựu không có gì khác nhau. Ở giai đoạn tạo thành, con người vận dụng tiến trình chết, trạng thái trung chuyển và giai đoạn tái sinh làm nền tảng để thanh lọc. Là tác nhân của quá trình thanh lọc, con người cần trau dồi ba ‘vận dụng trong tu tập’ (the three ‘bringings to the path’) cùng với các nhánh của nó.
Điều này có nghĩa là, để phù hợp với hình thức của các giai đoạn chết, trạng thái trung chuyển và tái sinh, con người đưa cái chết vào quy trình tu tập Thân Đích Thực (vận dụng 1), đưa trạng thái trung chuyển vào quy trình tu tập Thân Thụ Hưởng (vận dụng 2), đưa tiến trình ra đời trở thành Hóa Thân (vận dụng 3).
Trong yoga thần linh, trước tiên hành giả thiền về trống rỗng nối tiếp các mô hình tám tín hiệu của cái chết (tám giai đoạn phân rã), bằng cách đó hành giả đưa tiến trình chết vào phương thức tu tập Thân Phật Đích Thực. Từ nhận thức bất nhị nguyên về trống rỗng này, hành giả xuất hiện dưới hình thức hạt giống âm tiết (âm tiết mà từ đó phát sinh hình thức hoàn chỉnh của vị thần linh) hay sử dụng biểu tượng tay…tiêu biểu cho ý thức trí tuệ giữ vai trò nền tảng hoá thân, đây là cách thức đưa trạng thái trung chuyển vào phương thức tu tập Thân Thụ Hưởng. Sự xuất hiện ý thức trí tuệ sau đó, dưới hình dạng thân thể của thần linh, là thực hành đưa tiến trình ra đời vào phương thức tu tập Hóa Thân. Trống rỗng và thực hành yoga thần linh được mô phỏng theo tiến trình chết, trạng thái trung chuyển và giai đoạn sinh, phương pháp này chỉ có trong Yoga Tối Thượng, ba Yoga thấp hơn không đề cập tới.
Cho nên ba trạng thái: cái chết thông thường, trạng thái trung chuyển và quá trình tái sinh, tất cả đều được gián tiếp thanh lọc, con người thực nghiệm Ba Thân về hình thức phù hợp với ba trạng thái đó.
Giai đoạn thành tựu là hoạt động thanh lọc đích thực nền tảng cái chết, trạng thái trung chuyển và tái sinh bằng con đường tu tập phù hợp với ba trạng thái đó.
Giai đoạn thành tựu được chia làm sáu mức độ
1- Cách ly thân thể
2- Cách ly ngôn từ
3- Cách ly tư duy
4- Thân ảo ảnh
5- Ánh sáng thanh khiết
6- Hợp nhất
Cách ly thân thể là một thực hành, trong đó các khối kết tập, phần cấu thành, nguồn gốc và những gì tương tự của con người đều được tách ra khỏi hình thức hiện hữu thông thường, tách khỏi khái niệm, do được ‘niêm phong’ hoặc ‘đánh dấu’ bằng trạng thái phúc lạc, trống rỗng thuộc giai đoạn thành tựu, hoạt động này làm xuất hiện ‘trò giải trí của một vị thần linh’ (the sport of a deity). Cách ly ngôn từ là một thực hành trong đó tư duy cực kỳ tinh tế, nguồn gốc của ngôn từ, bị cách ly khỏi hoạt động thông thường của nội khí, nhờ thế nội khí và mật chú đồng nhất thành một thể. Cách ly tư duy là một thực hành trong đó tư duy, nguồn gốc luân hồi hiện hữu và niết bàn, được tách khỏi trạng thái khái niệm, tách khỏi nội khí hoạt động như  một cấu trúc khung sau đó; tư duy này gây ra tình trạng xuất hiện như một thực thể nhất quán của phúc lạc và trống rỗng. Thông qua ba thực hành yoga này, bốn trống rỗng phát sinh, dù chỉ ở cuối thời điểm cách ly tư duy (giai đoạn thứ ba), bốn trống rỗng mới xuất hiện hoàn chỉnh.
Những thứ (nhân tố trong giai đoạn thành tựu) phù hợp về hình thức với ánh sáng thanh khiết của cái chết là trạng thái xuất hiện, trạng thái gia tăng, trạng thái gần thành tựu và ánh sáng thanh khiết (đã hiển thị) trong tình trạng cách ly với thân thể, ngôn từ, tư duy, cơ thể ảo và tình trạng hợp nhất của người học (learner).
Sự hợp nhất ánh sáng thanh khiết và cơ thể ảo thanh khiết của người không học (non-learner: người thầy) chính là Phật tính, nhân tố trước đó thuộc về người học tập Bồ Tát.
Những thứ (nhân tố trong giai đoạn thành tựu) phù hợp về hình thức với trạng thái trung chuyển là cơ thể ảo không thanh khiết thuộc mức độ thứ ba (khi 6 mức độ nói trên được cô đọng lại thành 5 mức, do hai mức đầu tiên sát nhập làm một), và cơ thể ảo thanh khiết thuộc tình trạng hợp nhất của người học. Những thứ (nhân tố) phù hợp về hình thức với tiến trình ra đời là sự tồn tại của cơ thể ảo thanh khiết, không thanh khiết trong các khối kết tập cũ (cơ thể thông thường) và những đối tượng thích hợp với thị lực thông thường của chúng.
Về vấn đề các phương pháp tu tập trong giai đoạn thành tựu trực tiếp thanh lọc quá trình sinh, tử và trạng thái trung chuyển, tư duy rất tinh tế (đây là một phần của thực thể đồng nhất thuộc tư duy và nội khí cực kỳ tinh tế) (thường là) duy trì thành một chuỗi liên tục với chủng loại tương tự (chuỗi tiệm tiến), (cuối cùng) trở thành ánh sáng thanh khiết trong quá trình chết thông thường. Ở giai đoạn thành tựu, hành giả chấm dứt tiến trình này bằng oai lực của thiền định, chuyển hóa nó thành thứ ánh sáng ẩn dụ (thuộc tư duy cách ly) và ánh sáng thanh khiết đích thực. Điều này được tiến hành bằng phương pháp phù hợp với hình thức chết. Hành giả cũng chuyển hóa tiến trình chết vào trong ánh sáng thanh khiết thuộc kết quả: Thân Phật Đích Thực. Đó là phương thức thanh lọc cái chết.
Về phương thức thanh lọc trạng thái trung chuyển, nội khí rất tinh tế của thực thể đồng nhất (thường là) duy trì thành một chuỗi liên tục với chủng loại tương tự (chuỗi tiệm tiến), và hoạt động như một cấu trúc khung thuộc ánh sáng thanh khiết của cái chết, nội khí đó dâng lên như cơ thể của sinh linh trong trạng thái trung chuyển. Hành giả ở giai đoạn thành tựu chấm dứt tiến trình này thông qua sức mạnh của thiền định và chuyển hóa chúng thành cơ thể thanh khiết và không thanh khiết của một người học tập và một người không học tập, phù hợp về hình thức với trạng thái trung chuyển. Đó là phương thức thanh lọc trạng thái trung chuyển.
Về phương thức thanh lọc quá trình ra đời, khi đạt được cơ thể ảo như vậy, trạng thái trung chuyển vĩnh viễn chấm dứt, và, với oai lực thanh lọc, tình trạng tái sinh trong tử cung thông qua những hành vi uế tạp và khổ đau cũng chấm dứt, Thay vào đó, cơ thể ảo đi vào trong các khối kết tập cũ theo một phương thức như sinh linh trong trạng thái trung chuyển đón nhận một kiếp tái sinh trong tử cung người mẹ, sau đó nỗ lực giải thích giáo lý và đạt được phương thức tu tập cao hơn. Đó là phương thức thanh lọc tái sinh.
Vì thế, gốc rễ quá trình thực sự chấm dứt sinh, tử và trạng thái trung chuyển chính là ánh sáng thanh khiết hiểu theo lối ẩn dụ, ánh sáng này hiển thị do hoàn thành việc cách ly tư duy. Ánh sáng thanh khiết (ẩn dụ) giữ vai trò nguyên nhân trực tiếp của cơ thể ảo, và thông qua sức mạnh đích thực chấm dứt cái chết của thứ ánh sáng này, trạng thái trung chuyển và quá trình tái sinh cũng chấm dứt. Khi cơ thể ảo đạt được từ ánh sáng thanh khiết ẩn dụ, trạng thái trung chuyển vĩnh viễn chấm dứt, vì nội khí cực kỳ tinh tế dâng lên như cơ thể của sinh linh trong trạng thái trung chuyển, nội khí này đã trở thành cơ thể ảo.
Khi trạng thái trung chuyển chấm dứt hoàn toàn, vấn đề ra đời do sức mạnh thuộc hành vi uế tạp và khổ đau không còn nữa. Do đó, bất kỳ cá nhân nào đạt được cơ thể ảo nhất thiết sẽ được khai sáng hoàn toàn trong cùng một kiếp người.
E rằng trích dẫn các tư liệu về những vấn đề đã được giải thích sẽ làm văn bản này quá dài, nên tôi không đưa ra ở đây. Tư liệu có thể được biết qua các văn bản giải thích của đại sư Tsongkhapa, người cha, và các con trai tâm linh của ngài (Gyeltsap và Kay-drup) cũng như từ các học giả xuất chúng, các bậc giỏi giang nghiên cứu vấn đề này.
Dù con viết ra những điều này phù hợp với 
Lời giảng của Đấng Chiến Thắng thứ hai, người cha, con trai người, và các học giả tuân thủ truyền thừa.
Con xin thú tội với các vị Lama, thượng đế và học giả
Mọi lầm lỗi dẫn tới sai lạc ý tưởng tuyệt vời.
Qua công đức được minh họa bằng văn bản này, xin cho những kẻ di trú,
Cho bản thân con và những người khác được mau chóng hoàn thành công trình tu tập chuyển hóa tốt đẹp
Chuyển hóa quá trình tái sinh không thanh khiết, tiến trình chết và trạng thái trung chuyển vào trong Ba Thân
Thông qua rèn luyện hai giai đoạn thuộc đường lối uyên thâm.
Văn bản này được sưu tầm từ lời nói tuyệt vời do đại sư lười biếng Yang-jen-ga-way-lo-drö, được ghi lại để ngài tự mình nhắc nhở.
HẾT