Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Phần 5

15 Tháng Bảy 201612:21 SA(Xem: 2350)
Phần 5
             BƯỚC VÀO THIỀN MINH SÁT NIỆM XỨ
                (Phần Năm)
 

Thiền Sư Sayadawgyi U Silananda

 Liễu Pháp chuyển ngữ

 

Đây là Phần Năm của loạt bài pháp thoại “Stepping into Satipatthana Vipassana” do Thiền Sư Sayadaw U Silananda giảng trong khóa thiền tập 9 ngày, vào tháng 11 năm 1995 tại Như Lai Thiền Viện, San Jose, California (www.tathagata.org). Bài này do Theikdi và Maureen O’ Brien ghi lại bằng Anh ngữ và đăng trong Dhamma Bell Newsletter số 8, Mùa Đông 2010. Phần Giới Thiệu và Tiểu Sử ngài U Silananda đã có viết trong Phần Một.

 

Phần Năm

 

Tâm Định

Bài pháp thoại hôm nay sẽ nói về Samadhi hay Định. Có lần Đức Phật nói với các vị sư: “Này các vị sư, hãy phát triển Định. Vị sư có tâm định thì hiểu biết theo thực tại.” Và hiểu biết theo thực tại là gì? Đó là biết rằng con mắt là vô thường, vật được nhìn thấy là vô thường, sự thấy hay nhãn thức là vô thường, và tương tự như thế với các thức khác. Sư muốn quí vị nhớ câu nói này: “Vị sư có tâm định thì hiểu biết theo thực tại.” Điều này có nghĩa là vị sư có tâm định biết được bản chất thực sự của sự vật. Với lời này, Đức Phật đã chỉ rằng Samadhi hay tâm định là một yếu tố quan trọng trong sự hành thiền, và tâm định là tối cần cho sự xuyên thấu vào bản chất của sự vật, hiểu được bản chất thực sự của sự vật. Con đường tâm linh của Đức Phật gồm có ba bước, Sila, Samadhi Panna: Giới, Định và Huệ. Và ba bước này phải được thực tập theo thứ tự đó, không bỏ qua bước nào. Trước hết, chúng ta thực tập Sila - Giới - rồi phát triển Samadhi - Định - và như thế ta đạt Panna - Huệ - hay là sự hiểu biết. Không có Samadhi, không có tâm định, chúng ta không có hy vọng thấy được bản chất thực sự của sự vật. Trong sự thực tập, chánh niệm - hay đúng ra là sự chú ý đơn thuần - chuẩn bị đối tượng để cho Samadhi xem xét, và sự chú ý đơn thuần giúp cho thấy rõ đối tượng, dọn sạch ngoại vật khỏi đối tượng; có nghĩa là sự chú ý đơn thuần giúp gột rữa đối tượng khỏi những gì do chủ quan thêm thắt vào. Như vậy, đối tượng đã được sự chú ý đơn thuần chuẩn bị cũng là một đối tượng đơn thuần. Và Samadhi giữ cho tâm gắn liền trên đối tượng. Khi mà Samadhi giữ tâm gắn liền trên đối tượng, sự hiểu biết sẽ đến, đó là huệ thấy được bản chất thực sự của sự vật. Chúng ta không thể hy vọng xuyên thấu bản chất của sự vật mà không phát triển Samadhi – nói một cách khác, nếu không phát triển Samadhi thì không thể có tuệ Minh Sát.

 

Ba Loại Định

Thực sự có nhiều loại Samadhi, nhưng hôm nay Sư chỉ muốn nói đến ba loại vì ba loại này quan trọng và căn bản nhất. Trước khi cố gắng hiểu ba loại Samadhi, chúng ta cần phải hiểu Samadhi là gì. Chữ Samadhi là một từ Pali và cũng là một từ Sanskrit, gồm có 3 phần họp lại: sam, à da. Và rồi hi được thêm vào phần sau cùng. Những phần à và dhi gồm chung lại có nghĩa là “đặt” hoặc “để”, và sam ở đây có nghĩa là “đồng đều” hay “đúng cách”. Như vậy, Samadhi có nghĩa là “một cái gì đặt hoặc để đồng đều và đúng cách. Và đặt, để cái gì? Nó đặt, để tâm và các tâm sở chánh niệm trên một đối tượng. Như thế, Samadhi là một trạng thái tâm, nó đặt, để tâm và các tâm sở trên một đối tượng bằng một cách mà tâm và các tâm sở được gom lại thành một và không bị phân tán đến các đối tượng khác. Điều này giúp ta hiểu tại sao Samadhi đôi khi được dịch là “nhất tâm”.  Nó giữ các tâm sở gom lại thành một và giữ các tâm sở này trên cùng một đối tượng và không để chúng bị phân tán đến các đối tượng khác. Điều này được gọi là Samadhi. Trong tâm lý học Phật Giáo (Abhidhamma – Vi Diệu Pháp), tâm gồm có tâm vương (cittathường chỉ gọi là tâm) và các trạng thái tâm được gọi là tâm sở, hay là cetasika trong tiếng Pali. Khi tâm vương sinh khởi, các tâm sở cũng đồng thời sinh khởi.  Có một số trạng thái tâm cùng sinh khởi với tâm, và mỗi một trạng thái tâm có một chức năng riêng. Như vậy, trong ngôn ngữ hằng ngày, ta nói “tâm ta định” - hay nói tương tự như vậy - nhưng thực sự khi ta nói “tâm ta định” có nghĩa là “tâm ta đi cùng với trạng thái tâm gọi là Samadhi, và chính Samadhi này giữ cho tâm và các tâm sở khác trên cùng một đối tượng một cách đồng đều và đúng cách.”

Đây là ba loại định: thứ nhất là Cận Định (Neighborhood Samadhi); thứ hai là An Chỉ Định (Jhana: trạng thái nhập thiền, Absorption Samadhi); thứ ba là Nhất Thời Định (Momentary Samadhi). Cận Định là loại định trong vùng lân cận, gần tới Jhana. Jhanas là những trạng thái của tâm khi tâm ở trên đối tượng một khoảng thời gian lâu mà không bị phân tán đến những đối tượng khác. Như thế Samadhi trong trạng thái nhập thiền (Jhana Samadhi) là tâm định rất mạnh. Cận Định thì không mạnh như trạng thái nhập thiền, nhưng chỉ là sơ khởi cho Jhana Samadhi; vì chỉ gần tới Jhana Samadhi nên được gọi là Cận Định. Trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), Cận Định được mô tả như là “sự nhất tâm đạt được do sự thực tập một số đề mục của Thiền Chỉ.” Thanh Tịnh Đạo cũng nói rằng chính sự nhất tâm này là trạng thái định trước khi đạt được Jhana. Điều này có nghĩa như thế này: Có 40 đề mục trong Thiền Chỉ, trong đó có 10 đề mục không dẫn đến Jhana. Thí dụ khi quí vị hành Thiền Chỉ, quán tưởng đến các đức tính của Đức Phật, quí vị sẽ không đạt được Jhana mà chỉ đạt được Cận Định. Thực ra, không có Jhana trong việc quán tưởng đến các đức tính của Đức Phật. Tuy nhiên, có những đề mục thiền khác, như là dĩa kasina, có thể dẫn đến Jhana. Khi thực tập dĩa kasina và cố gắng lập đi lập lại chữ “đất, đất, đất” hằng ngàn lần, và rồi khi quí vị thấy được hình ảnh trong tâm, và trụ trên hình ảnh đó, quí vị thực tập chánh niệm, tiếp tục thực tập chánh niệm mãi. Rồi thì quí vị đạt được Jhana. Khi đạt được Jhana, định ở lúc đó được gọi là An Chỉ Định. Tâm Định ngay trước khi vào Jhana được gọi là Cận Định. Như vậy, trong những đề mục có thể dẫn đến Jhana, có hai loại định: Cận Định và An Chỉ Định. Tuy nhiên, với những đề mục không thể dẫn đến Jhana thì chỉ có một loại định được gọi là Cận Định (Neighborhood Samadhi), định ở vùng lân cận của Jhana. Thực ra, chữ “vùng lân cận” ở đây là một tên gọi không đúng nghĩa của nó, vì ở đây không có Jhana thì làm gì có vùng lân cận của Jhana. Nhưng chỉ vì loại định này tương tự như loại định trước khi thực sự có Jhana nên mới được gọi tên như thế. Jhana Samadhi được gọi là An Chỉ Định (Absorption Samadhi) bởi vì khi nhập thiền (Jhana), tâm định được dính chặt vào đối tượng giống như là thu hút vào trong đối tượng. Khi một người đạt được Cận Định và An Chỉ Định, tâm họ liên tục ở trên đề mục, không có yếu tố đối nghịch nào có thể quấy rầy tâm đó được; như thế, tâm ở trên đối tượng một thời gian dài và không bị gián đoạn bởi các yếu tố đối nghịch. Và như vậy, những loại định này là loại định mạnh. Cận Định khác với An Chỉ Định ở điểm tuy cũng là một loại định mạnh mà không mạnh bằng An Chỉ Định; như vậy, Cận Định đôi khi mất đi. Cận Định có thể mất rồi có trở lại, rồi mất và có trở lại. Tuy nhiên, An Chỉ Định mỗi khi đã đạt được sẽ tồn tại không gián đoạn trong một giờ, trong hai giờ hoặc là cả trọn ngày. Nhưng cả hai loại đều là loại định mạnh.

Loại định thứ ba là Nhất Thời Định (Momentary Samadhi). Hai loại định đầu được kinh nghiệm bởi người thực tập Thiền Chỉ, như là tập với dĩa kasina. Nhưng loại định thứ ba này được kinh nghiệm bởi những người hành thiền Minh Sát.  Nhất Thời Định được gọi như thế bởi vì nó chỉ tồn tại trong một khoãnh khắc Minh Sát, không tồn tại lâu như hai loại định kia. Tuy nhiên nó cũng được gọi là định bởi vì nó giữ tâm trên đề mục thiền và có thể ở trên đề mục không gián đoạn bằng cách nhất tâm từng đối tượng một. Như thế, nó cũng giống như Cận Định. Cận Định không bị gián đoạn bởi những gì đối nghịch và Nhất Thời Định cũng không bị gián đoạn bởi những gì đối nghịch. Thêm nữa, Cận Định giữ tâm dính chặt trên đối tượng, và Nhất Thời Định cũng giữ chặt tâm trên đối tượng. Đó là những gì làm cho Nhất Thời Định và Cận Định giống nhau. Trong Thiền Minh Sát, chúng ta cần Nhất Thời Định này. Nhất Thời Định đạt được khi hành giả có thể giữ tâm mình trên đề mục chính lâu trong một khoảng thời gian – ví dụ năm phút, mười phút, hoặc là hơn nữa – và trong khoảng thời gian đó, không bị phân tán đến những đối tượng khác. Sẽ không có ý tưởng nào xâm chiếm làm gián đoạn tâm định này – như thế không có ý tưởng lạc lõng, không có ý tưởng xâm nhập vào, chỉ có một khoãnh khắc tâm định, tiếp theo với một khoãnh khắc tâm định khác, tiếp theo nữa với một khoãnh khắc tâm định khác. Như vậy, khi tâm ở trên đối tượng - ví dụ như tâm ở trên chuyển động của bụng hay trên hơi thở - trong một thời gian lâu mà không bị gián đoạn, không bị phân tán gì cả thì người đó đã đạt được Nhất Thời Định. Khi một người đã đạt Nhất Thời Định, người đó bắt đầu thấy bản chất thực sự của sự vật. Như vậy, trong Thiền Minh Sát điều rất quan trọng là hành giả đạt được Nhất Thời Định. Khi bắt đầu thực tập, điều mà hành giả làm là cố gắng đạt Nhất Thời Định. Một khi đã đạt được NhấtThời Định, sự hiểu biết bản chất thực sự của sự vật sẽ tự nó đến.

 

Các Chướng Ngại và Phương Cách Khắc Phục

Ba loại định nói trên được gọi là sự trong sạch của tâm bởi vì khi đạt được bất cứ một trong ba loại thì tâm không bị các yếu tố đối nghịch xâm chiếm, như là các chướng ngại hoặc ý tưởng xâm chiếm, như thế chỉ có tâm định trong sạch diễn tiến, liên tục diễn tiến. Tuy nhiên, đạt được một trong ba loại định này không phải dễ. Tại khóa thiền này, thiền sinh đang hành thiền Minh Sát và mọi người đều biết khó đạt được một trạng thái định tâm mà không có ý tưởng xâm chiếm làm ảnh hưởng đến sự liên tục định tâm. Có những chướng ngại cản trở định tâm và khi hành thiền ta phải đối phó với những chướng ngại đó. Một cách chắc chắn để đối phó với những chướng ngại này chỉ là niệm chúng khi chúng khởi sinh, chánh niệm trên chúng, xem xét chúng khi chúng sinh khởi – quan sát chúng một cách kiên trì cho đến khi chúng biến mất đi.

Cái gì là chướng ngại của Samadhi? Đó là một tâm đi trở lại về quá khứ. Suy nghĩ về quá khứ, nhớ tưởng quá khứ, là một chướng ngại cản trở Samadhi bởi vì để đạt được định tâm, ta phải giữ tâm trên đối tượng hành thiền, nhưng khi ta suy nghĩ về quá khứ thì tâm ta không ở trên đối tượng mà ở nơi khác, và vì thế định tâm không thể sinh khởi. Như vậy, suy nghĩ về quá khứ là một chướng ngại. Ngay cả lúc đang hành thiền, chúng ta thường hay suy nghĩ về quá khứ, tự nhủ “Ta có định tâm tốt trong thời thiền tọa vừa qua” hoặc là “Định tâm khá tốt ngày hôm qua” hoặc là “ Định tâm không được tốt ngày hôm qua”, v.v… Như thế, đi trở về quá khứ hay suy nghĩ về quá khứ là một chướng ngại. Khi chướng ngại đó đến thì định tâm không thể sinh khởi, vậy trở về quá khứ là một sự nguy hiểm cho sự định tâm. Đó là lý do tại sao Đức Phật khuyên không nên trở lại quá khứ hoặc là không để quá khứ trở lại với chúng ta.

Chúng ta phải làm gì để loại bỏ chướng ngại này? Khi ta đang hành thiền Minh Sát và thấy tâm mình đang trở về quá khứ thì ta phải làm gì? Chúng ta phải chánh niệm trên cái tâm đang trở về quá khứ đó. Chúng ta phải niệm thầm cái tâm đó, như là “trở lại, trở lại” hoặc là “suy nghĩ, suy nghĩ”, và nhờ chú ý đến ý tưởng đó, niệm thầm ý tưởng đó, chúng ta sẽ có thể loại bỏ những ý tưởng phân tán đó. Ở đây, có hai điều cần phân biệt: quá khứ và ý tưởng về quá khứ hoặc sự suy nghĩ về quá khứ. Cái mà ta đối phó ở đây không phải là quá khứ mà là ý tưởng về quá khứ và ý tưởng này đang xảy ra trong hiện tại. Quá khứ đương nhiên là đã qua, nhưng nhớ tưởng quá khứ hay suy nghĩ về quá khứ là đang ở trong hiện tại, và như thế ta đối phó với đối tượng đang ở trong khoãnh khắc hiện tại, đó là suy nghĩ về quá khứ. Như vậy ta không niệm quá khứ mà niệm suy nghĩ về quá khứ. Bằng cách niệm thầm ý tưởng về quá khứ hoặc chánh niệm trên ý tưởng về quá khứ, chúng ta sẽ có thể loại bỏ chướng ngại này.     

Đôi khi đang hành thiền, chúng ta suy nghĩ về tương lai. Chúng ta suy nghĩ về những gì sẽ thấy trong tương lai, những gì ta sẽ kinh nghiệm trong tương lai. Cũng như thế, vì lòng mong cầu, chúng ta nghĩ đến những thành quả sẽ có được do sự hành thiền, hoặc là chúng ta cầu mong đạt được sự định tâm, chúng ta cầu mong đạt đến các tầng tuệ của Thiền Minh Sát, v.v… Khi chúng ta nghĩ về tương lai như vậy, chúng ta đánh mất hiện tại, chúng ta đánh mất đối tượng thiền trong hiện tại, và chúng ta mất sự định tâm. Ở đây cũng có hai điều cần phân biệt: tương lai và suy nghĩ về tương lai. Tương lai thì còn ở trong tương lai chưa đến, nhưng sự suy nghĩ về tương lai thì ở trong hiện tại, và chúng ta phải đối phó với điều trong hiện tại đó. Chúng ta cố gắng chánh niệm trên sự suy nghĩ đó, hoặc là chúng ta chú ý hoặc niệm sự suy nghĩ trong hiện tại đó, và nhờ vậy, chúng ta sẽ có thể loại bỏ được chướng ngại này.

Đôi khi tâm ta rút lui khỏi sự thiền tập. Khi chúng ta không thể tiến bộ gì cả dù đã thực tập khá lâu, nhiều ngày, nhiều tuần hoặc nhiều tháng, chúng ta trở nên chán nản và không muốn hành thiền. Điều đó có nghĩa là ta rút lui khỏi sự hành thiền. Điều đó có nghĩa là chúng ta trở nên lười nhác. Chúng ta không muốn cố gắng hành thiền. Khi sự lười nhác kéo đến, chúng ta mất sự định tâm, và sự lười nhác này cũng là một trong những chướng ngại cản trở sự định tâm. Khi chúng ta cảm thấy lười nhác như thế, chúng ta phải tự làm phấn khởi bằng một cách suy nghĩ nào đó. Chúng ta phải tự làm phấn khởi bắng cách suy nghĩ về những lợi ích có được do sự hành thiền và những mất mát nếu ta không hành thiền. Đôi khi chúng ta có thể tự làm phấn khởi bằng cách suy nghĩ về chính sự thực tập: “Sự hành thiền là con đường Đức Phật đã đi, các vị Phật Độc Giác (pacceka Buddhas) và các vị đệ tử đã đi, và như thế nếu ta muốn đi theo con đường này, ta không thể thụ động, ta không thể lười nhác. Ta phải cố gắng” - hoặc suy nghĩ tương tự như vậy - để tự làm mình phấn khởi mà loại bỏ sự lười nhác này. Khi đang thực tập, chúng ta cũng có thể niệm sự lười nhác - “Lười nhác, lười nhác, lười nhác” - cho đến khi sự lười nhác biến đi. Như vậy, chúng ta có thể làm hai việc khi lười nhác, khi không muốn hành thiền. Một việc là tự làm phấn khởi bằng cách suy nghĩ, và việc kia là, khi có lười nhác trong tâm, chúng ta chỉ chuyển tâm thiền của ta qua đối tượng là sự lười nhác và niệm sự lười nhác hoặc là chánh niệm trên đối tượng này. Bằng cách áp dụng chánh niệm trên sự lười nhác hoặc niệm “Lười nhác, lười nhác, lười nhác”, có thể phải mất hai phút, ba phút hoặc năm phút, nhưng cuối cùng thì sự lười nhác sẽ biến mất. Khi chướng ngại biến mất, ta trở lại đề mục hành thiền.  

Đôi khi tâm ta quá năng động. Khi chúng ta thực tập và đạt được một sự định tâm nào đó, chúng ta sung sướng và rồi muốn làm tăng sự định tâm, chúng ta cố gắng hơn nữa. Cũng như thế, chúng ta có thể nghĩ về sự thực tập của mình, không biết mình làm có đúng hay không, hoặc là “Ta chỉ có làm được đến đây thôi” hoặc là “ Ta đã đạt được tầng tuệ nào đây”, hay tương tự như thế. Một người trở nên quá năng động khi thích thú về sự tiến bộ trong sự thực tập của mình. Khi tâm quá năng động này sinh khởi, người đó mất sự định tâm, bởi vì khi tâm trở nên quá năng động, trở nên bồn chồn và người đó sẽ thấy rằng mình không thể niệm được cái tâm bồn chồn đó được và người đó không thấy rõ đối tượng. Đó là bởi vì tâm trở nên bồn chồn, rồi thì tâm không còn ở trên đối tượng, không chạm vào đối tượng mà chỉ dao động trên đối tượng. Khi tâm dao động trên đối tượng, đối tượng không được thấy rõ. Khi tâm quá năng động, người đó phải chậm lại hay niệm cái tâm quá năng động đó - chẳng hạn như “Cố gắng quá nhiều, gố gắng quá nhiều”, hay tương tự như vậy. Bằng cách chú ý đến hoặc niệm cái tâm quá năng động, ta có thể loại bỏ chướng ngại cản trở sự định tâm.   

Một lần nữa, khi thiền tập suông sẻ, chúng ta trở nên hạnh phúc. Chúng ta cảm thấy phấn chấn. Chúng ta dính mắc vào kinh nghiệm đó. Cũng như thế, ta có thể mong cầu tốt đẹp hơn nữa – chẳng hạn như là mong đạt được các tầng tuệ cao hơn, mong đạt được giác ngộ…Loại tâm đó được gọi là “tâm bị uốn theo đối tượng” hoặc là “tâm bị uốn theo sự dính mắc”. Khi loại tâm đó sinh khởi, cũng như đã nói ở trên, điều chúng ta nên làm là là chánh niệm trên tâm này hoặc niệm thầm cái tâm đó để loại bỏ nó.  

Đôi khi, mặc dầu chúng ta đã thực tập một thời gian lâu, chúng ta không thể có tiến bộ nào. Rồi thì chúng ta trở nên chán nản, hết phấn khởi và muốn bỏ cuộc. Khi có sự lười nhác trong tâm mà không muốn bỏ cuộc, nhưng lại cảm thấy quá lười nhác để thực tập. Tuy nhiên ở đây ta chỉ muốn bỏ cuộc - muốn rời bỏ tất cả mọi thứ. Đôi khi chúng ta cũng thực sự nghĩ đến việc rời bỏ thiền viện, tâm ta muốn rời bỏ thiền viện. Khi những chuyện như thế xẩy đến, chúng ta phải hết sức cẩn thận, đừng để tâm ta kéo ta đi theo mà phải dừng lại, ở yên một chỗ. Loại tâm đó được gọi là “tâm bị uốn ra khỏi sự thực tập”. Như vậy, có hai loại tâm: tâm bị uốn theo sự dính mắc, và ở đây tâm bị uốn khỏi sự thực tập. Điều này có nghĩa là một tâm muốn bỏ cuộc, một tâm muốn rời bỏ thiền tập. Trong trường hợp này, chúng ta phải đi chậm lại và có một thái độ “bất cần”; như quí vị biết, bản chất của Vô Ngã, anatta - nghĩa là không có thẩm quyền gì trên sự vật - thì ở khắp mọi nơi. Ngay trong thiền tập, chúng ta không thể đạt được những gì ta muốn thực hiện hoặc không có khả năng hoàn tất những gì ta muốn hoàn tất, như thế chúng ta nên nghĩ đến bản chất vô ngã này của sự vật rồi buông xả đi và chúng ta nên thỏa mãn với những gì mình có thể làm được và không nghĩ đến những gì mình không thể làm được. Với cách này, chúng ta có thể loại bỏ cái ham muốn bỏ cuộc, chúng ta sẽ có thể loại bỏ chướng ngại này của sự định tâm. Trong trường hợp như thế, quí vị sẽ thấy rằng lúc mà quí vị đi chậm lại hoặc lúc mà quí vị buông xả sự ham muốn thành đạt, lúc mà quí vị quyết định bằng lòng với những gì quí vị có thể làm được thì những lúc đó quí vị có thể tiếp tục thiền tập bởi vì buông xả là liều thuốc cho những ý tưởng như thế. Chỉ với sư buông xả, quí vị lại có thể thực tập trở lại. Có nhiều chướng ngại cản trở sự định tâm, trên đây chỉ là một số ít thôi.

Cũng như thế, có những chướng ngại gọi là triền cái; một vài triền cái đó đã được nhắc đến trên đây. Bất cứ chướng ngại nào mà chúng ta gặp phải, chúng ta cũng không thối lui: không bỏ cuộc và cũng không nản lòng mà thực ra, với sự can đảm, quyết tâm, chúng ta phải đương đầu với những chướng ngại đó và cố gắng loại bỏ chúng bằng cách niệm  hoặc chánh niệm trên  những chướng ngại đó.

Có năm triền cái, và chừng nào mà chúng ta không thể khắc phục chúng, chúng ta sẽ không có được sự định tâm. Trong những triền cái này, Sư đã nhắc đến một vài thứ, như là sự ham muốn vật dục, sự thù nghịch hay tức giận hay chán nản, nhưng cũng có các triền cái khác, như là lờ đờ, uể oải. Lờ đờ, uể oải đơn giản có nghĩa là buồn ngủ. Buồn ngủ là một triền cái hay chướng ngại mà bất cứ hành giả nào cũng phải đối diện. Chúng ta phải làm gì khi sự buồn ngủ đang hành hạ ta? Có nhiều phương cách Đức Phật dạy để đối phó với sự buồn ngủ hay gà gật. Sư đã nói nhiều lần về những phương cách này nên không lập lại ở đây. Tuy nhiên, sau đây là một vài đề nghị: khi quí vị cảm thấy buồn ngủ, trước hết hãy cố gắng chánh niệm trên sự buồn ngủ, niệm thầm sự buồn ngủ hay tự nhủ “buồn ngủ, buồn ngủ, buồn ngủ, buồn ngủ, buồn ngủ” cho đến khi sự buồn ngủ biến đi. Rồi nếu nó không đi mất, quí vị có thể tưởng tượng mình đang thấy một ánh sáng chói lọi hoặc quí vị có thể tưởng tượng mình đang ở bên ngoài dưới mặt trời và thấy ánh sáng chói lọi của mặt trời. Tưởng tượng thấy ánh sáng chói lọi có thể giúp quí vị xua đuổi sự buồn ngủ. Nếu quí vị không thể loại bỏ sự buồn ngủ bằng cách đó thì có thể đọc thầm một đoạn văn quí vị đã học thuộc hoặc đọc ngay cả vài câu thơ – nhưng chỉ đọc thầm mà không đọc lớn tiếng. Bằng cách đọc như vậy, quí vị có thể tỉnh táo trở lại. Nếu cách này mà còn không giúp được thì Đức Phật khuyên nên đọc lớn tiếng, nhưng khi đang thực tập chung với một nhóm người thì không thể làm thế được. Cách kế tiếp là hãy mở mắt mà thiền tập. Mở mắt có thể giúp quí vị xua đuổi sự buồn ngủ. Nếu cách này vẫn không giúp được thì quí vị hãy đứng dậy và thiền tập trong thế đứng. Nếu vẫn còn buồn ngủ, hãy vã một ít nước lạnh vào mặt mình và có lẽ ít nước lạnh vào đôi mắt. Nếu quí vị còn buồn ngủ, quí vị có thể đi kinh hành. Nếu đi kinh hành mà còn gà gật, hãy đi nghỉ bởi vì quí vị thực sự buồn ngủ lắm. Sư không nói đi ngủ, chỉ nói đi nằm nghỉ. Đức Phật đã không bảo quí vị đi ngủ, nhưng quí vị chỉ nằm xuống, nằm nghiêng phía bên phải với ý định sẽ đứng dậy sau một chốc lát; nằm xuống yên lặng. Nếu quí vị đã thử những phương cách trên mà vẫn còn buồn ngủ, điều đó có nghĩa là quí vị đã buồn ngủ lắm, quí vị nên đi nghỉ ngơi một thời gian. Rồi khi quí vị tỉnh táo, hãy bắt đầu thiền tập trở lại.

Cũng có những triền cái khác nữa. Sự ân hận là một triền cái. Khi sự ân hận kéo tới thì rất là tai hại, tai hại nhiều đến độ mà quí vị không thể tiếp tục hành thiền. Cách chắc chắn để loại bỏ ân hận chỉ là tấn công nó bằng chánh niệm. Chánh niệm trên sự ân hận hoặc niệm thầm, như là “Ân hận, ân hận, ân hận, ân hận”. Cũng như thế, có một triền cái nữa là sự nghi ngờ. Nghi ngờ cũng rất là tai hại bởi vì khi có sự nghi ngờ, quí vị không muốn hành thiền. Hầu hết nghi ngờ là nghi ngờ về chính sự thực tập hoặc nghi ngờ về vị thầy hướng dẫn hoặc nghi ngờ về những người nói rằng họ đã đạt được những ích lợi của sự thực tập: “Phải chăng họ nói dối hay nói sự thực?” hay tương tự như vậy. Khi có sự nghi ngờ trong tâm, đặc biệt là về sự thực tập - như là “Chỉ quan sát tâm và vật chất mà ta có thể khám phá ra bản chất thực sự của sự vật, phải chăng điều này có thực?” – sự nghi ngờ đôi khi đến với chúng ta trá hình dưới sự điều tra. Chúng ta tự nhủ “Ta không có nghi ngờ, ta đang điều tra thôi, ta muốn biết rõ những điều này”, nhưng thực sự là chúng ta đã không có sự quyết định. Chúng ta đang ở một ngả ba đường. Khi ở ngả ba đường, quí vị không biết chọn đường nào để đi, quí vị chần chờ ở đó và quí vị bị kẻ thù bắt gặp. Cùng một cách như vậy, khi có sự nghi ngờ, quí vị ngưng hành thiền. Nếu quí vị ngưng hành thiền, phiền não sẽ kéo đến với quí vị. Như vậy, khi đang hành thiền thấy sự nghi ngờ, hãy niệm ngay sự nghi ngờ, như là “Nghi ngờ, nghi ngờ, nghi ngờ, nghi ngờ, nghi ngờ”, cho đến khi sự nghi ngờ đi mất. Nếu quí vị niệm một cách kiên trì và nếu quí vị tin tưởng sự kiên trì niệm sẽ đẩy sự nghi ngờ đi mất thì sự nghi ngờ sẽ đi mất. Như thế, khi gặp nghi ngờ thì chẳng có cách gì hơn là đương đầu với nó, chỉ chữa trị nó bằng chánh niệm hoặc niệm thầm, như là “Nghi ngờ, nghi ngờ, nghi ngờ, nghi ngờ”. Và quí vị phải thật kiên trì. Nếu chướng ngại có bền bỉ, kéo dài, quí vị cũng phải kiên trì. Với cách này, quí vị sẽ có thể loại bỏ sự nghi ngờ.

Khi mọi triền cái đã bị khuất phục, tâm sẽ yên tĩnh ở trên đối tượng. Tâm yên nghỉ trên đối tượng một cách vững vàng. Và như thế tâm được nói là đang ở trong sự trong sạch của tâm hay là có Nhất Thời Định. Khi đạt được định này thì con đường trước mặt sẽ dễ dàng hơn nhiều. Khi bắt đầu thiền tập, chúng ta luôn luôn gặp phải những chướng ngại, gặp chướng ngại này rồi lại gặp chướng ngại khác. Chúng ta sẽ không bỏ cuộc mà đối phó lại bằng sự quyết tâm, niệm chúng với sự tin tưởng rằng nếu niệm và chánh niệm đủ mạnh thì chướng ngại chắc chắn sẽ đi mất. Với sự khắc phục những chướng ngại này, tâm sẽ trở nên vững vàng, tâm sẽ ở trên một đối tượng một thời gian lâu, và tâm sẽ ở trong Nhất Thời Định (Momentary Samadhi). Từ trạng thái định này, quí vị sẽ đến giai đoạn hiểu biết bản chất thực sự của sự vật.

Năm triền cái là những trạng thái tâm bất thiện. Hầu hết những chướng ngại mà Sư đã mô tả cũng là những trạng thái tâm bất thiện. Tuy nhiên, ngay cả những ý tưởng không bất thiện cũng có thể là chướng ngại cho sự định tâm. Sự suy nghĩ làm những việc thiện hay suy nghĩ về Phật Pháp đã học cũng là những ý tưởng làm phân tán tâm, và do đó là chướng ngại của sự định tâm. Chúng ta phải tránh những ý tưởng như thế, nếu chúng đến thì chúng ta phải cảnh giác và chúng ta có thể loại chúng đi bằng cách niệm hai hoặc ba lần. Chỉ khi nào tâm không còn vướng bận với những phiền não và ý tưởng phân tán thì ta mới có tâm định cần thiết, Nhất Thời Định. Để đạt được Nhất Thời Định, thật cần thiết cho sự hiểu biết bản chất thực sự của sự vật, chúng ta không để những ý tưởng đó đến với chúng ta, và khi mà chúng đến thì ta phải cảnh giác và nhanh chóng quan sát chúng. Điều này có nghĩa là phải nhanh chóng niệm chúng để chúng ra đi. Một khi mà chúng ta có thể khắc phục được các triền cái và những ý tưởng phân tán, tâm ta trở nên vững vàng, trong sáng, tập trung, sẵn sàng cho sự hiểu biết sẽ đến. Để hoàn thành như vậy, chúng ta phải cố gắng và không thối lui, không bỏ cuộc.

 

     (Các tiêu đề cũng như các chú thích bằng chữ nghiêng giữ hai dấu ngoặc đơn là do dịch giả thêm vào cho dễ đọc)

                                                                                                                                                                                                                                              

                                                                                                  Liễu Pháp

                                                                                                 (Minnesota)