Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Phần 7

15 Tháng Bảy 201612:25 SA(Xem: 2400)
Phần 7
BƯỚC VÀO THIỀN MINH SÁT NIỆM XỨ
          (Phần Bảy)

 

 

        Thiền Sư Sayadawgyi U Silananda

           Liễu Pháp chuyển ngữ

 

Đây là Phần Bảy của loạt bài pháp thoại “Stepping into Satipatthana Vipassana” do Thiền Sư Sayadaw U Silananda giảng trong khóa thiền tập 9 ngày, vào tháng 11 năm 1995 tại Như Lai Thiền Viện, San Jose, California. Bài này do Theikdi và Maureen O’ Brien ghi lại bằng Anh ngữ và đăng trong Dhamma Bell Newsletter số 10, Mùa Đông 2011. Phần Giới Thiệu và Tiểu Sử ngài U Silananda đã có viết trong Phần Một.

 

Phần Bảy

 

Chánh Niệm Trên Hơi Thở

Khi hành giả đang thực tập chánh niệm trên hơi thở, hành giả đôi khi có thể thấy được nhân duyên sinh khởi của hơi thở. Điều này có nghĩa là những điều kiện làm cho hơi thở khởi sinh. Điều mà hành giả có thể thấy được là vì có thân này thì mới có hơi thở; vì có lỗ mũi nên có hơi thở vô và thở ra; và vì có tâm nên có hơi thở vô và thở ra. Chính bằng cách này mà hành giả đôi khi có thể thấy những điều kiện khởi sinh của hơi thở. Đôi khi hành giả có thể thấy nhân duyên hoại diệt của hơi thở. Điều này có nghĩa là khi không có thân thì không có hơi thở; khi không có lỗ mũi thì không có hơi thở; khi không có tâm, hay khi tâm hoàn toàn ngưng nghỉ thì không có hơi thở. Chính bằng cách này mà hành giả có thể thấy những điều kiện hoại diệt của hơi thở. Đôi khi hành giả có thể thấy cả hai, những điều kiện khởi sinh và điều kiện hoại diệt của hơi thở. Trước đó thì hành giả có thể thấy, có lẽ không phải những điều kiện khởi sinh, nhưng chỉ thấy sự khởi sinh và biến mất của hơi thở. Khi quí vị giữ tâm trên hơi thở thì quí vị thấy hơi thở khởi sinh và biến mất hoặc là quí vị thấy sự khởi đầu và chấm dứt của hơi thở; khi đó quí vị được gọi là thấy sự khởi sinh hay hoại diệt của hơi thở. Khi một hành giả thấy sự khởi sinh và hoại diệt của hơi thở, hành giả cũng thấy được bản chất vô thường của hơi thở. Hành giả cũng sẽ thấy rằng chỉ có hơi thở ở đó: tại thời khắc của hơi thở vô và thở ra, không có người thở, không có cá nhân nào, không có linh hồn, không có bản ngã. Khi hành giả thấy điều này - thấy sinh khởi và biến mất của hơi thở và thấy chỉ có hơi thở mà không có cá nhân và không có người nào khác - hành giả sẽ không bị ảnh hưởng của sự gắn bó, hoặc sẽ không bám víu vào hơi thở. Hành giả sẽ thoát khỏi sự bám víu vào hơi thở. Nói một cách khác, hành giả sẽ có thể tránh khỏi sự dính mắc vào hơi thở hay là tránh khỏi tà kiến về hơi thở. Đây chính là hành thiền Chánh Niệm trên Hơi Thở.  

 

Chánh Niệm trên Tư Thế của Thân

Kế tiếp là chánh niệm trên các tư thế của thân. Điều này chẳng có gì mới với quí vị vì cách quí vị đang thực tập ở đây (chánh niệm phồng xẹp của bụng;có thể đọc thêm Căn Bản Thiền Minh Sát của ngài Mahasi Sayadaw, sư phụ của ngài U Silananda) và phần nào giống như hành thiền trên các tư thế. 

Khi hành thiền trên các tư thế, quí vị cố gắng chánh niệm sự đi khi đang bước đi. Cố gắng chánh niệm, như “Tôi đang đứng”, khi quí vị đang đứng; “Tôi đang ngồi” khi quí vị đang ngồi; “Tôi đang nằm” khi quí vị đang nằm. Như thế, chánh niệm trên bốn tư thế rất là quen thuộc với quí vị. Ngoài bốn tư thế lớn (đi, đứng, nằm, ngồi) còn có các tư thế nhỏ cũng là đề mục của thiền Minh Sát. Xoay người, hoặc ưỡn thẳng lưng, hoặc phồng xẹp bụng, tất cả đều có thể gom vào trong các tư thế của thân. Như thế khi thiền tập phồng xẹp của bụng, quí vị cũng đang chánh niệm trên tư thế của thân. Phồng xẹp của bụng thực sự biểu lộ yếu tố gió (phong đại trong tứ đại): bởi vì có thở thì mới có phồng xẹp của bụng. Khi quí vị chú tâm trên phồng và xẹp của bụng, quí vị thực sự đang chú tâm   trên yếu tố gió đó, như thế quí vị đang hành thiền Chánh Niệm trên Tứ Đại. Theo phần này của Kinh (Đại Niệm Xứ), chúng ta phải chánh niệm khi đang bước đi, khi đang đứng, khi đang ngồi và khi đang nằm. Bởi vì chúng ta không thể ra ngoài bốn tư thế đó bất cứ lúc nào, chúng ta phải thực tập chánh niệm luôn luôn, không ngừng nghỉ (“Chánh niệm liên tục là chìa khóa của thành công” như lời của Thiền Sư S. N. Goenka).

 

Tỉnh giác   

Phần kế của Kinh (Đại Niệm Xứ) là phần nói về Tỉnh Giác. Tỉnh Giác có nghĩa là thấy đúng – hiểu đúng. Đạt đến được hiểu đúng khi hành giả đạt được Nhất Thời Định (Momentary Samadhi, được nói đến trong Phần Năm của loạt bài này). Quí vị chánh niệm trên các cử động nhỏ được nhắc đến trong Phần này (của Kinh Đại Niệm Xứ) và rồi quí vị sẽ thấy chỉ có các hành động đó mà thôi hoặc chỉ có các hành động và ý định trước đó, còn ngoài ra chẳng có gì khác và chẳng có gì vượt lên trên ý định cử động và chính các cử động đó cả. Khi quí vị thấy chỉ có hai điều này diễn ra mà không có cá nhân, không có người nào dính dáng tới, khi đó quí vị được gọi là thấy rõ hay được gọi là tỉnh giác. Ở đây, Đức Phật dạy: “Một vị tỳ kheo áp dụng tỉnh giác khi đang đi tới và khi đang đi lui”. Khi quí vị đi tới, quí vị phải áp dụng tỉnh giác – có nghĩa là quí vị phải chánh niệm và hiểu đúng. “Khi nhìn thẳng tới trước, vị tỳ kheo phải áp dụng tỉnh giác; khi nhìn về phía hai bên, vị tỳ kheo áp dụng tỉnh giác”. Ở đây chỉ có nói “nhìn thẳng tới trước” và “nhìn về phía hai bên” bởi vì đó là những cử động đúng của một hành giả. Tuy nhiên, nếu hành giả tình cờ nhìn lên hoặc nhìn lui thì vị đó cũng phải chánh niệm trên điều đó nữa; hành giả phải áp dụng tỉnh giác cho những cử động đó nữa. Hành giả cũng phải áp dụng tỉnh giác khi co hoặc giãn chân tay. Hành giả phải áp dụng tỉnh giác khi mặc áo quần - hoặc là khi mặc y tăng già lê trong trường hợp của một vị xuất gia - và phải áp dụng tỉnh giác khi cầm lên một vật gì. Hành giả cũng phải áp dụng tỉnh giác khi ăn, uống, nhai, thưởng thức thứ gì hoặc – kể cả những hành động trong phòng tắm, bởi vì trong thiền Minh Sát chẳng có cái gì mà không là đối tượng của sự hành thiền. Bất cứ có hành động nào, nếu đó là một đối tượng trong hiện tại, ta phải chánh niệm trên đối tượng đó, vì thế quí vị không thể tránh khỏi phải chánh niệm khi ở trong phòng tắm. Cũng thế, một hành giả áp dụng tỉnh giác khi đi, đứng, ngồi, “rơi vào giấc ngủ”, thức dậy, khi nói năng và lúc yên lặng. “Rơi vào giấc ngủ” có nghĩa là khi đang ngủ, bởi vì khi đã rơi vào giấc ngủ thì quí vị không thể chánh niệm và không thể có tỉnh giác. Tuy nhiên, trước khi rơi vào giấc ngủ, quí vị có thể chánh niệm và có thể tỉnh giác. Trong phần này của Kinh, những cử động nhỏ hơn này được nhắc đến, và tất cả những cử động nhỏ hơn này phải được làm với chánh niệm, để đạt được tỉnh giác, để hiểu đúng rằng chẳng có người nào, hoặc cá nhân nào, hoặc bất cứ cái gì ở ngoài và vượt lên trên những hành động này.

Về Tỉnh Giác, Chú Giải nói tới bốn loại Tỉnh Giác. Đó là:

(1)            Tỉnh Giác Mục Đích,

(2)            Tỉnh Giác sự Thích Hợp

(3)            Tỉnh Giác Lãnh Vực

(4)            Tỉnh Giác Vô Ảo Tưởng

       

Tỉnh Giác Mục Đích có nghĩa là trước khi làm một hành động, tìm xem có mục đích gì không, và chỉ khi tìm thấy có mục đích thì mới làm. Rồi sau khi tìm thấy hành động có mục đích và ích lợi thì quí vị phải tìm thêm một điều nữa, đó là xem hành động đó có đúng và thích hợp hay không. Đôi khi hành động chính nó là tốt và ích lợi, nhưng thời gian và nơi chốn lại không thích hợp thì quí vị sẽ không hành động. Như thế, trước hết quí vị phải tìm xem hành động đó có lợi ích hay không, rồi thứ hai là phải xem hành động có đúng hay thích hợp rồi mới hành động. Loại tỉnh giác thứ ba là Tỉnh Giác Lãnh Vực, có nghĩa là thiền tập. Quí vị đi vào lãnh vực của Đức Phật; điều này có nghĩa là thực tập thiền Tứ Niệm Xứ. Loại tỉnh giác thứ tư là Tỉnh Giác Vô Ảo Tưởng, có nghĩa là hiểu đúng đối tượng hoặc hiểu đúng hành động ở thời khắc hiện tại. Khi quí vị chú ý vào những hành động, quí vị cũng chú ý tới những ý định đi trước mỗi hành động, và như thế quí vị thấy chỉ có hai điều này, ví dụ như khi đang đi tới. Khi đang đi tới hoặc khi đang bước tới, chỉ có hai điều: ý định bước tới và cử động bước tới. Chỉ có hai điều này đang diễn tiến tại lúc đó. Chẳng có người nào hoặc cá nhân nào hoặc bản ngã nào dính dáng tới, chỉ có hai điều này khởi sinh và hoại diệt. Ngay cả cử động của chân chẳng phải là cử động của chân mà chỉ là chuyển động của các yếu tố vật chất – sự chuyển động của yếu tố địa đại (yếu tố đất), yếu tố thủy đại (yếu tố nước), v.v… (Thấy yếu tố đất là thấy đặc tính cứng mềm, đặc tính chiếm chỗ của đất; thấy nóng lạnh là thấy yếu tố hỏa đại, v.v…). Khi quí vị thấy được như cách này thì được gọi là có Tỉnh Giác Vô Ảo Tưởng. Loại tỉnh giác này chỉ đạt đến khi Tỉnh Giác Lãnh Vực đã sung mãn (chánh niệm vững vàng); như thế Tỉnh Giác Vô Ảo Tưởng thực sự là kết quả của Tỉnh Giác Lãnh Vực, đó là sự hành thiền.

Nhìn vào hai Phần này của Kinh (Đại Niệm Xứ) - Phần về Tư Thế của Thân và Phần về Tỉnh Giác - quí vị thấy rằng quí vị phải luôn luôn thực tập chánh niệm. Quí phải thực tập chánh niệm khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm v.v… Cũng vậy, quí vị phải thực tập chánh niệm khi đi tới, khi đi lui, khi nhìn tới phía trước, v.v… Những sự hướng dẫn trong một khóa thiền-tập rằng phải chánh niệm tất cả mọi hoạt động là được căn cứ vào Giáo Pháp trong Kinh này. Những sự hướng dẫn này không phải do các bậc thầy sau này sáng chế ra mà được căn cứ trên những gì chính Đức Phật đã giảng dạy. Đức Phật đã không cho những hướng dẫn chi tiết – ví dụ như làm thế nào để biết “Tôi đang đi” khi quí vị đang đi, v.v… Nhưng những hướng dẫn chi tiết đã được các vị thầy thêm vào cho rõ. Để biết “Tôi đang đi” khi quí vị đang đi, quí vị phải chánh niệm trên những bước đi khi đang đi hoặc đang bước đi. Nếu quí vị không chánh niệm trên những bước đi khi đang bước đi, quí vị sẽ không biết - không thực biết - “Tôi đang đi” khi quí vị đang đi. Trong khi Đức Phật chỉ nói “ Vị Tỳ Kheo biết ‘Tôi đang đi’ khi vị ấy đang đi”, lời hướng dẫn của vị thầy nên như thế này: “ Để biết ‘Tôi đang đi’ khi quí vị đang đi, quí vị phải chánh niệm trên những cử động nhỏ liên hệ đến hành động đi.” Và khi Đức Phật dạy rằng quí vị phải chánh niệm khi khom lưng, chúng ta phải hiểu rằng chúng ta phải khom lưng với chánh niệm. Để thực sự chánh niệm trên sự khom lưng, chúng ta phải làm chậm rãi và cẩn thận với chánh niệm hoặc niệm thầm “khom khom, khom”. Như vậy, những sự hướng dẫn của các vị thầy về “luôn luôn thực tập chánh niệm” và “đi vào chi tiết” thực sự được căn cứ trên Giáo Pháp của Đức Phật, và vì vậy cho nên những hướng dẫn của các vị thầy có thể được gọi là Giáo Pháp của chính Đức Phật. Sự thực tập được mô tả trên đây trong ba phần của Kinh - phần Chánh Niệm Hơi Thở, phần Chánh Niệm Tư Thế Của Thân và phần Tỉnh Giác – rất quan trọng đối với chúng ta bởi vì nó liên quan tới những gì chúng ta thực tập ở khóa thiền này. Bất cứ đối tượng chánh niệm nào, những gì mà ta chánh niệm đều là một trong những thực tập chánh niệm này.

 

Quán sát thân ô trược 

Phần kế tiếp của Kinh nói về sự Quán Sát Ô Trược (sự ghê tởm) của Thân. Điều này có nghĩa là cố gắng chánh niệm trên các cơ phận của thân thể để thấy chẳng có gì đáng yêu, để thấy sự ghê tởm của chúng. Thấy được sự ghê tởm của các cơ phận của thân là tránh được sự dính mắc vào chúng. Sự hành thiền này, sự thực tập chánh niệm này, thực sự là sự thực hành Thiền Samatha (Thiền Chỉ). Vì đó là Thiền Chỉ chúng ta không thưc tập ở khóa thiền (Minh Sát) của chúng ta, Sư nghĩ rằng chúng ta có thể bỏ qua, không nói tới.

 

Quán Sát các Yếu Tố Vật Chất  

Phần kế tiếp của Kinh nói về quán sát các Yếu Tố vật Chất (Quán Sát Tứ Đại). Trong phần này Đức Phật dạy “Một vị Tỳ Kheo quán sát thân nhưng thân được sắp xếp, phân chia ra thành những yếu tố chính. Trong thân có yếu tố Đất, yếu tố Nước, yếu tố Lửa và yếu tố Gió”. Khi chúng ta hành thiền chánh niệm trên hơi thở và chú tâm trên bản chất của hơi thở, chúng ta thấy gió, hoặc thấy bản chất bành trướng, hoặc thấy bản chất chuyển động thì chúng ta quả thực đang thấy yếu tố gió trong hơi thở. Đôi khi chúng ta nhận biết sự nặng trong vài cơ phận của thân, đôi khi ta thấy sự nhẹ trong vài cơ phận của thân, đôi khi thấy sự chuyển động của vài cơ phận của thân. Khi chúng ta nhận biết những hoạt động này (sự chuyển động, yếu tố gió) hoặc sự nặng nhẹ (đặc tính của một yếu tố vật chất), chúng ta thực sự thấy những yếu tố vật chất chính này (Tứ Đại), như thế Quán Sát Tứ Đại có liên quan tới sự thực tập của chúng ta ở đây. Nếu quí vị chú tâm đầy đủ về những hoạt động khác nhau, thế nào quí vị cũng thấy ít nhất là một hoặc hai yếu tố vật chất hay là sự biểu lộ của những yếu tố vật chất này (đây là một phần của tuệ giác thấy Danh Sắc; tuệ Danh Sắc này là một trong 16 tuệ giác của Thiền Minh Sát).  

 

Chín Đề Mục Quán Sát Tử Thi

Phần kế của Kinh là Chín Đề Mục Quán Sát Xác Chết. Trong phần này, sự quán sát là quán sát thực sự trên chính ngay thân thể của riêng mình, tuy nhiên chúng ta cố gắng nghĩ - hay cố gắng thấy - một xác chết thối rữa trong chín giai đoạn, rồi áp dụng bản chất của xác chết đó vào thân thể của riêng ta. Thí dụ như “Thân của ta cũng cùng một bản chất như thế và sẽ không thoát khỏi bản chất đó”. Ở đây, Ngài Sayadaw Mahasi giảng nghĩa rằng chúng ta không nhìn vào một xác chết thật, nhưng chỉ mang vào tâm mình hình ảnh của xác chết và rồi cố gắng áp dụng bản chất của xác chết đó vào thân của chúng ta. Có tất cả chín loại quán sát xác chết, và vì chúng ta không thực tập quán sát đó ở đây, Sư nghĩ chúng ta cũng có thể bỏ qua phần này.

Quán Thân Trong Thân

Xem thử có tất cả bao nhiêu sự quán sát? Chánh Niệm Hơi Thở, Chánh Niệm Tư Thế, Tỉnh Giác, Quán Sát Tứ Đại và Chín Quán Sát Nghĩa Địa - tất cả gồm 14 sự quán sát. Đức Phật mô tả sự quán sát Thân trên Thân trong 14 sự quán sát đó. Quí vị có thể lựa chọn bất cứ sự quán sát nào mà quí vị thích, nhưng ở đây tại khóa thiền này, chúng ta thực tập bốn trong số đó: ba sự quán sát đầu và Quán Sát Tứ Đại. Đây là Quán Thân trên Thân - hoặc nếu dịch sát nghĩa từ tiếng Pali - “Quán Thân trong Thân”: điều này có nghĩa là không phải quán Thọ trong Thân, quán Tâm trong Thân, hoặc quán Pháp trong Thân mà là quán Thân trong Thân.  Như thế, khi nào mà chúng ta lấy một đối tượng thuộc về thân, đó là Quán trên Thân. Hơi thở là một phần của thân, tư thế là phần của thân, và như thế quán sát hay chánh niệm trên một trong những vật thuộc về thân là Quán trên Thân. Khi ở trên một trong những đối tượng này, hành giả nhận ra rằng tất cả đều sinh khởi và hoại diệt và các đối tượng đều vô thường, và chẳng có gì ở ngoài những thứ này và ngoài cái tâm nhận biết chúng. Khi một người biết điều này, người đó có thể tránh bám víu vào đối tượng và như thế thoát khỏi tất cả mọi sự bám víu. Khi một người thoát khỏi sự bám víu, dính mắc, người đó chắc chắn sẽ đến được mục đích cuối cùng.      

      

     (Các tiêu đề cho từng đoạn là do người dịch thêm vào, cũng như các chú thích bằng chữ nghiêng giữa hai dấu ngoặc đơn)

 

                                                                                        Liễu Pháp