Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Phần 8

15 Tháng Bảy 201612:26 SA(Xem: 2320)
Phần 8
BƯỚC VÀO THIỀN MINH SÁT NIỆM XỨ
    (Phần Tám)

 

                     Thiền Sư Sayadawgyi U Silananda

                          Liễu Pháp chuyển ngữ

 

Đây là Phần Tám của loạt bài pháp thoại “Stepping into Satipatthana Vipassana”của Thiền Sư U Silananda Sayadaw giảng trong khóa thiền tập 9 ngày, vào tháng 11 năm 1995 tại Như Lai Thiền Viện, San Jose, California,USA. Bài này do Theikdi và Maureen O’ Brien ghi lại bằng Anh ngữ và đăng trong Dhamma Bell Newsletter số 11, Mùa Hè /Mùa Thu 2012. Phần Giới Thiệu và Tiểu Sử ngài U Silananda đã có viết trong Phần Một.

  

Quán Thọ

 

Hôm nay, chúng ta nói đến Nền Tảng thứ hai của Chánh Niệm, đó là Quán Thọ (Bốn nền tảng chánh niệm là Thân, Thọ, Tâm, Pháp). Ở đây cũng thế, chữ Thọ, hoặc tiếng Pali là vedana, cũng được lập lại (như Quán Thân trong  Thân): Quán Thọ trong Thọ. Điều này có nghĩa là không phải quán thân trong thọ, không phải quán tâm trong thọ, không phải quán pháp trong thọ, mà là quán thọ trong thọ. Lập lại chữ thọ chính xác là để quy định phạm vi của đối tượng.

 

Cảm thọ là gì?

Ở đây, chúng ta cần phải hiểu “cảm thọ” là gì, hoặc vedana là gì. Mặc dù chữ vedana trong tiến Pali có nghĩa là “thọ” hay “cảm thọ” (feeling); cảm thọ này thuộc về tâm mà không thuộc về thân. Tuy nhiên khi nào mà chúng ta nói tới hay nghe chữ “cảm thọ”, tâm của chúng ta liền đến với thân và nhận biết cảm xúc dễ chịu hoặc cảm xúc khó chịu trong thân. Chúng ta phải hiểu rõ “đối tượng của cảm thọ” và “cảm thọ”. Hãy lấy ví dụ: sự đau. Khi ta có sự đau đớn trong thân, nghĩa là một số những phân tử vật chất trong thân bị sai chậy – có thể là sự thoái hóa của những thành phần vật chất. Thành phần vật chất bị sai chậy hoặc hư hỏng là điều mà ta gọi là sự đau. Sự đau cũng còn gọi là cảm xúc (sensation). “Cảm thọ” là kinh nghiệm của sự đau đó trong tâm. Điều này cũng tương tự như có một vật gì có thể nhìn thấy được, khi ta thấy vật đó thì có nhãn thức. Như thế, “nhãn thức” là một việc còn vật thấy được là một việc khác. Cùng một cách như thế, “cảm thọ” là một việc còn “sự đau” là một việc khác. Sự đau là đối tượng của cảm thọ, hay nói một cách khác, trạng thái tâm, được gọi là “cảm thọ”, kinh nghiệm sự đau trong thân mà sự đau thuộc về vật chất. Như thế khi ta nói về quán thọ, chúng ta muốn nói đến sự quán sát   trạng thái tâm được gọi là “cảm thọ”. Tuy nhiên, cảm thọ buộc chặt với cảm xúc đến nỗi khi ta thực tập Quán Thọ, tâm ta luôn luôn đi đến nơi có cảm xúc đó. Nếu đau ở tay, tâm ta sẽ đến tay, nơi ta cảm thấy đau. Thực sự, chúng ta không cảm thấy đau ở đó mà chúng ta cảm thấy đau trong tâm ta. Tuy nhiên, vì nó liên hệ, nối liền với cảm xúc cho nên tâm ta luôn luôn đi đến nơi có cảm xúc đó. Cũng thế, khi các vị thiền sư hướng dẫn cho các thiền sinh, các vị nói thiền sinh phải chú tâm ở nơi có cảm xúc đó, hoặc nơi có sự đau đó, sự ngứa đó, v.v… và chánh niệm trên cảm xúc đó (có thể nói như vậy vì tâm ta luôn luôn đi đến nơi có cảm xúc khi có cảm thọ là kinh nghiệm của cảm xúc đó; thực ra nên nói chánh niệm trên cảm thọ).

 

Các loại Cảm Thọ

Đức Phật nhắc đến chín loại cảm thọ trong Phần này của Kinh (Đại Niệm Xứ). Ba loại cảm thọ đầu tiên là những loại cảm thọ tổng quát hay căn bản, còn sáu loại khác là những loại riêng biệt. Đức Phật dạy “Khi một vị tỳ kheo kinh nghiệm một lạc thọ, vị đó biết ‘Tôi đang kinh nghiệm một lạc thọ’”, và cũng tương tự như thế với khổ thọ và thọ trung tính. Như vậy, căn bản là có ba loại thọ: lạc thọ hay cảm thọ dễ chịu hay cảm thọ thích thú; khổ thọ hay cảm thọ khó chịu; và loại cảm thọ không dễ chịu mà cũng không khó chịu – đó là cảm thọ trung tính. Lạc thọ và khổ thọ mỗi loại lại có hai đặc điểm: lạc thọ nối liền với thân hay cảm xúc trong thân và lạc thọ chỉ có trong tâm mà thôi. Tương tự như thế với khổ thọ: khổ thọ nối liền với thân và khổ thọ chỉ có trong tâm mà thôi. Nếu chúng ta kể đến hai đặc điểm này vào danh sách của các loại cảm thọ thì có năm loại cảm thọ.

Bây giờ chúng ta đang đụng chạm tới gối kê đầu, thảm trên sàn nhà hay y áo, nếu những thứ này mềm mại, dễ chịu khi đụng chạm thì chúng ta cảm thấy dễ chịu. Khi nhiệt độ trong phòng vừa phải – không nóng quá và cũng không lạnh quá – chúng ta cảm thấy dễ chịu. Đó cũng là một lạc thọ nối liền với thân. Có nhiều loại lạc thọ nối liền với thân. Khi cảm quí vị thấy dễ chịu về cảm xúc đụng chạm thì có lạc thọ về thân. Khi quí vị sung sướng, hạnh phúc mà không không có cảm xúc đụng chạm – chẳng hạn như hạnh phúc về công việc đã thực hiện, hay đã mua được một tài sản, hay khi được tăng lương bỗng, hay khi đạt được sự mong muốn – loại cảm thọ sung sướng này là lạc thọ về tâm, chỉ có trong tâm mà không tùy thuộc vào cảm xúc đụng chạm của thân. Một khi cảm thấy bất cứ cảm thọ như thế, hành giả phải chánh niệm trên cảm thọ đó. Khi cảm thọ là lạc thọ, hành giả sẽ niệm “dễ chịu, dễ chịu”, và khi hành giả cảm thấy hạnh phúc, hành giả sẽ niệm “hạnh phúc, hạnh phúc”. Đôi khi hành giả cảm thấy phấn khởi thì niệm “phấn khởi, phấn khởi”, và đôi khi “vui mừng, vui mừng”, v.v... Bất cứ cảm xúc nào trong thân hay cảm thọ nào trong tâm, hành giả không nên thiếu sót mà phải chánh niệm trên cảm thọ đó.        

Khi quí vị tự đánh mình bằng một vật gì đó, có sự đau đớn. Khi quí vị bị bệnh, quí vị có sự đau đớn trong thân. Khi khí hậu lạnh, quí vị cảm thấy lạnh trong thân. Khi trời nóng, quí vị cảm thấy “nóng” như là một cảm xúc khó chịu hay đau đớn. Khi có những cảm xúc như thế, thì quí vị được gọi là cảm thấy một cảm thọ đau đớn thuộc về thân. Những cảm xúc thì ở trong thân, nhưng kinh nghiệm về những cảm xúc đó thì ở trong tâm quí vị, và cũng giống như những cảm xúc dễ chịu mô tả trên đây, cái kinh nghiệm về những cảm xúc này là cái mà ta gọi là vedana hay cảm thọ. Khi có những cảm thọ khó chịu hay đau đớn, chúng ta phải chánh niệm trên những cảm thọ đó. Khi không hoàn thành được ước nguyện của mình, chúng ta buồn khổ hay chúng ta thất vọng. Khi chúng ta không có được điều mình muốn hoặc mất đi những gì mình sở hữu, và khi sự việc xảy ra không như mình muốn, thì chúng ta cảm thấy một loại cảm thọ nào đó. Cảm thọ đó chỉ ở trong tâm chúng ta và được gọi là cảm thọ đau đớn hay khó chịu thuộc về tâm. Chúng ta phải chánh niệm; chúng ta phải niệm cảm thọ đó. Khi buồn, chúng ta niệm “buồn bã, buồn bã”; khi thất vọng, chúng ta niệm “thất vọng, thất vọng”; khi nhụt chí, chúng ta niệm “nhụt chí, nhụt chí”; khi chán nản, chúng ta niệm “chán nản, chán nản”, v.v… Bất cứ khổ thọ nào có trong tâm thì chúng ta cũng phải chánh niệm cảm thọ thuộc về tâm đó. Khi nói về quán thọ, chúng ta nói về khổ thọ nhiều hơn là nói về lạc thọ, có lẽ là bởi vì khổ thọ tạo nhiều vấn đề cho thiền sinh hơn là lạc thọ. Tuy nhiên, là thiền sinh đang hành thiền chánh niệm, chúng ta phải chánh niệm cả hai loại khổ thọ và lạc thọ.

 

Lời dạy của Ngài Mahasi Sayadaw

Trong sự liên quan này, Sư muốn đọc vài sự hướng dẫn của Ngài Mahasi Sayadaw (Sư phụ của Ngài U Silananda) về những cảm thọ đau đớn hoặc khó chịu trong thân. Ngài Mahasi nói: “Bởi vì quí vị phải tiếp tục quán sát rất lâu trong một tư thế - ngồi hoặc nằm - quí vị thường phải kinh nghiệm một cảm thọ mạnh về sự mệt mõi trong thân, trong chân tay. Nếu điều này xảy ra thì đơn giản là hãy giữ cái tâm nhận biết trên phần thân thể đó.” Ở đây, Ngài Mahasi chỉ cho quí vị hướng tâm về thân. “Chỉ đơn giản giữ tâm nhận biết trên phần thân thể nơi có cảm thọ như thế mà quán sát, niệm ‘mệt mõi, mệt mõi’ hay ‘đau, đau’.  Và niệm một cách tự nhiên, không nhanh quá mà cũng không chậm quá.” Khi quí vị niệm, như là “mõi, mõi”, hoặc “đau, đau” hoặc “mệt, mệt” - nếu đó là sự đau - thì quí vị niệm chậm rãi. Đừng có niệm thật quá nhanh như “mệtmệtmệt” bởi vì khi có đau, chúng ta có khuynh hướng niệm nhanh hơn để xua đuổi sự đau. Tuy nhiên Ngài Mahasi đã nói rằng phải niệm “một cách tự nhiên, không quá nhanh mà cũng không quá chậm.” Và những cảm thọ này dần dần trở nên yếu hơn và cuối cùng ngừng lại. “Nếu một trong những cảm thọ này trở nên mạnh hơn cho đến khi sự mệt mõi và đau đớn trên thân không còn chịu đựng nỗi thì hãy đổi tư thế.” Như vậy, Ngài Mahasi cho phép chúng ta thay đổi tư thế khi những khổ thọ này trở nên không chịu đựng nỗi hoặc gần như thế, nhưng Ngài Mahasi có nói rằng “Đừng quên niệm thầm cái ý định đổi tư thế trước khi đổi tư thế.” Như vậy, khi quí vị đổi tư thế hay cử động gì khác - như khom người hoặc co giãn – đừng có làm thiếu chánh niệm. Đừng có quên niệm thầm ý định trước rồi mới đổi tư thế. Thí dụ, khi quí vị muốn giãn tay ra, trước tiên hãy chánh niệm cái ý định muốn giãn tay, rồi mới giãn tay ra chậm rãi, niệm thầm “giãn tay, giãn tay, giãn tay, giãn tay”. Mỗi cử động phải được quán sát chi tiết theo thứ tự của nó. Để làm được như thế, quí vị phải chú ý và chánh niệm trên mỗi cử động.  

Về sự đau, Ngài Mahasi Sayadaw đã có nói “Nếu có sự đau đớn hay khó chịu, hãy giữ tâm nhận biết trên phần đó của thân”. Một lần nữa, Ngài Mahasi đã hướng dẫn tâm ta vào phần đó của thân. Như vậy, hãy giữ tâm ta trên phần thân nơi cảm xúc khởi sinh. Hãy niệm thầm cái cảm xúc đó khi nó đang xảy ra, như là “đau, đau”, “nhức mõi, nhức mõi”, “đè nặng, đè nặng”, “châm chích, châm chích”, “mệt, mệt”, “chóng mặt, chóng mặt”. Phải nhấn mạnh niệm phải là niệm mà không có áp lực ép buộc mà cũng không có chậm trễ, nhưng chỉ niệm một cách tĩnh lặng tự nhiên. Sự đau cuối cùng thì có thể hết đau hoặc là có thể tăng thêm. Chúng ta luôn luôn mong cái đau sẽ giảm bớt hay hết hẳn, tuy nhiên đôi khi chuyện xảy ra thì ngược lại: cái đau tăng thêm. Ngài Mahasi dạy rằng “Nếu cái đau tăng thêm thì đừng có báo động, hãy tiếp tục quán sát vững vàng. Nếu quí vị làm được như thế, quí vị sẽ thấy sự đau hầu như luôn luôn ngưng hẳn.”  Thế rồi chuyện gì sẽ xảy ra nếu cái đau không ngưng nghỉ và nếu quí vị không còn có thể chịu đựng nỗi nữa? Ngài Mahasi dạy rằng “Nếu sau một thời gian mà cái đau lại tăng thêm và trở nên không chịu đựng nỗi thì quí vị phải lờ cái đau đi và tiếp tục quán sát phồng xẹp của bụng (hoặc trở về đề mục chính là hơi thở hoặc phồng xẹp của bụng).” Trong trường hợp đó, hãy quên đi cái đau và trở lại với phồng xẹp của bụng và hãy nhớ lời của Ngài Mahasi dạy rằng chúng ta có thể cử động (đổi tư thế), nhưng phải cử động với chánh niệm hoàn toàn.

Đôi khi quí vị có đau và quí vị niệm và đau biến mất, nhưng sau đó, cái đau trở lại và khi trở lại thì có thể lại đau nhiều hơn. Như thế, vài thiền sinh cảm thấy cái đau nhức nhối khi hành thiền, và Ngài Mahasi, biết rõ những cảm thọ đau nhức, nặng nề đó, dạy rằng “ Khi quí vị tiến bộ về chánh niệm, quí vị có thể kinh nghiệm những cảm xúc đau nhức nặng nề đó, cảm xúc như mình bị ngột ngạc, cảm xúc bị nghẹt thở, cảm thấy đau như là bị dao cắt, như bị một vật nhọn đâm thọc, những cảm xúc khó chịu như bị kim nhọn châm chích hoặc là như là bị sâu bọ nhỏ bò trên thân thể.” Đôi khi thiền sinh cảm thấy những cảm xúc tương tự như thế. “ Quí vị có thể có những cảm xúc như ngứa ngáy, bị cắn, bị lạnh căm. Một khi quí vị ngưng quán sát, quí vị có thể thấy các cảm xúc đó ngưng ngay.” Như thế, khi quí vị có những cảm xúc đau buốt đó và quí vị ngưng quán sát, các cảm xúc đó có thể mất đi. “ Tuy nhiên khi quí vị trở lại quán sát, quí vị sẽ lại có các cảm xúc đó một khi quí vị có chánh niệm.” Ở đây Ngài Mahasi Sayadaw mô tả cách mà thiền sinh đối phó với cái đau. Quí vị cảm thấy đau nhức nhối, đau buốt, và quí vị niệm rồi quí vị ngưng hành thiền. Khi quí vị ngưng hành thiền, khi quí vị không còn chánh niệm, cái đau biến mất, nhưng khi quí vị tiếp tục hành thiền, và rối quí vị đạt được mức định như đã đạt được trước đây, những cảm xúc đau nhức đó sẽ trở lại. Đó là tại sao Ngài Mahasi đã nói “ … khi quí vị quán sát trở lại, quí vị sẽ lại có các cảm xúc đó chừng nào mà quí vị có chánh niệm. Những cảm xúc đau nhức này không nên được coi là nghiêm trọng.” Chúng ta luôn luôn nghĩ rằng chúng rất là nghiêm trọng bởi vì chính chúng ta là người kinh nghiệm cái đau đó nên nó phải là một cái gì to lớn đối với chúng ta. Cái đau, hay dukkha, được định nghĩa như là “một cái gì khó mà chịu đựng nỗi”. Cái đau rất khó mà chịu đựng nên đối với chúng ta nó có vẻ to tát. Tuy nhiên, Ngài Mahasi đã nói ở đây “Những cảm xúc đau nhức đó không nên được coi là một cái gì nghiêm trọng. Chúng chẳng phải là sự biểu lộ của bệnh hoạn mà chỉ là những yếu tố thông thường luôn luôn có mặt trong thân và thường bị che khuất khi tâm đang bận bịu với những đối tượng dễ nhận thấy hơn.” Như thế, những cảm thọ này, hay những cảm xúc, đang ở trong thân, nhưng khi chúng ta bận bịu với những đối tượng nổi bật hơn thì chúng vẫn có đó nhưng bị che khuất. “Khi tâm trở nên sắc sảo hơn, quí vị thấy những cảm xúc này rõ hơn.” Đó cũng giống như là khi một căn phòng rất yên tĩnh, quí vị có thể nghe ngay cả một chiếc kim rơi. Tuy nhiên, khi căn phòng ồn ào, quí vị có thể không nghe cái ly nước rơi. Khi quí vị đạt được một mức định nào đó, tâm của quí vị trở nên tĩnh lặng, và khi mà tâm trở nên tĩnh lặng, những cảm thọ lúc nào cũng có sẳn trong thân trở nên rõ rệt đối với quí vị, và quí vị kinh nghiệm chúng như như là đau buốt hoặc là các cảm thọ khó chịu khác. Như vậy, Ngài Mahasi đã nói “Khi tâm sắc sảo hơn, quí vị nhận biết rõ hơn các cảm xúc đó. Với sự phát triển tiếp tục của tâm định, sẽ tiến dần đến khi mà quí vị vượt qua được các cảm xúc và chúng sẽ ngưng hẳn.” Điều này có nghĩa là quí vị phải chánh niệm trên chúng, niệm chúng một cách kiên trì cho đến khi chúng biến mất. Và chúng sẽ biến mất nếu quí vị kiên trì niệm. Ngài Mahasi dạy “Nếu quí vị tiếp tục quán sát với mục đích vững chải, thì chẳng có gì tai hại cho quí vị cả.” Như thế, chúng ta nên tiếp tục niệm bất cứ cái đau nào hoặc bất cứ cảm xúc khó chịu nào, “vững chải trong mục đích”, vững chải trong mục đích vượt qua cái đau và khám ra bản chất thực sự của vạn vật. Nếu quí vị tiếp tục quán sát trong mục đích vững chải, chẳng có gì tai hại xảy đến cho quí vị. Đôi khi bị đau đớn quá, chúng ta sợ hãi sức khỏe của mình bị ảnh hưởng hoặc chúng ta có thể bị tật nguyền kinh niên hoặc tương tự như thế. Tuy nhiên, vì những cái đau mà một thiền sinh kinh nghiệm như thế chỉ là những cảm xúc thông thường luôn có sẳn trong thân, và cũng vì chúng không do bệnh tật tạo nên, chúng ta sẽ không bị tai hại gì do quán sát những cảm xúc đó, do liên tục niệm chúng. Và ngài Mahasi Sayadaw dạy “Nếu quí vị mất can đảm và gián đoạn một thời gian, quí vị có thể trải qua những cảm xúc khó chịu này nhiều lần khi vẫn tiếp tục quán sát.” Như thế, nếu quí vị bỏ cuộc hay dừng lại, rồi các cảm xúc đó biến mất, nhưng khi quí vị thực tập trở lại và mức định tăng tiến, các cảm xúc đó sẽ trở lại, như thế quí vị có thể trải qua các cảm xúc này nhiều lần khi tiếp tục quán sát. Nếu quí vị tiếp tục với sự quyết tâm, quí vị hầu như sẽ vượt qua những cảm xúc đau đớn này và sẽ không bao giờ còn kinh nghiệm chúng trong khi thiền tập nữa.

Còn các cảm thọ khó chịu về tâm thì sao? Đôi khi quí vị cảm thấy buồn bã hay hối tiếc, hoặc là đôi khi cảm thấy lo lắng, trầm cảm, nản lòng, thất vọng. Những cảm thọ này cũng đến để dày vò ta rất thường khi ta đang thiền tập, bởi vì chúng ta không thể hoàn thành điều mình muốn hoàn thành, không thể đạt được điều muốn đạt được. Trong những trường hợp này, chúng ta phải đối phó với chúng một cách tương tự (như đối với những cảm xúc). Điều này có nghĩa là phải liên tục niệm những cảm thọ này, như là “hối tiếc, hối tiếc, hối tiếc, hối tiếc”, hoặc “lo lắng, lo lắng, lo lắng, lo lắng”, hoặc “thất vọng, thất vọng, that vọng”, v.v… Nếu chúng ta kiên trì niệm các khổ thọ đó, và niệm với lòng tin tưởng rằng bằng cách niệm, chúng ta sẽ rũ bỏ chúng, rồi thì chúng sẽ biến mất và sẽ không trở lại. Như vậy, cho dù cảm thọ liên hệ tới thân hoặc cảm thọ liên hệ tới tâm, chánh niệm, khi được áp dụng đúng cách, có thể giúp ta thắng và rũ bỏ cả hai thứ cảm thọ liên hệ tới thân và cảm thọ liên hệ tới tâm.

  

Cảm Thọ Trung Tính

Loại cảm thọ thứ ba không dễ chịu mà cũng không khó chịu – Cảm Thọ Trung Tính. Nói về cảm thọ trung tính, chỉ có một loại: cảm thọ trung tính thuộc về tâm. Nói về thân và cảm xúc đụng chạm thì có cảm xúc dễ chịu hoặc khó chịu mà không có cảm thọ trung tính thuộc về thân. Tuy nhiên, nói về tâm hay cảm thọ thuộc về tâm thì có cảm thọ trung tính này: không dễ chịu mà cũng không khó chịu, không đau đớn mà cũng không vui thích, nhưng chỉ là một cảm thọ ở giữa và vì thế được gọi là cảm thọ trung tính. Trong kinh sách của chúng ta có nói rằng cảm thọ trung tính này rất khó mà cảm nhận. Cho dù chúng ta có thể đang kinh nghiệm cảm thọ trung tính, chúng ta không biết rằng kinh nghiệm đang có là một cảm thọ trung tính. Thí dụ khi đang có đau trong thân, và chúng ta niệm “đau, đau, đau” và cái đau dần dần biến đi, Khi cái đau biến đi, chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm, yên tĩnh, nhưng bởi vì cảm thọ lúc đó rất là vi tế và yên ổn đến nỗi chúng ta nghĩ rằng chẳng có gì để niệm hoặc chẳng có gì để mà chánh niệm, hoặc là chúng ta cảm thấy dường như bị lạc lối. Rồi sau đó, có cảm thọ dễ chịu hay khó chịu sinh khởi. Khi cái cảm thọ thứ hai này, bởi vì đó là cảm thọ dễ chịu hay khó chịu, chúng ta nhận biết cảm thọ đó. Do sự suy luận chúng ta có thể nhận biết hoặc hiểu cảm thọ trung tính mà chúng vừa mới kinh nghiệm: khi có cảm thọ đau đớn, trước tiên chúng ta chánh niệm - chúng ta biết có cảm thọ này - và khi cảm thọ đau đớn hay dễ chịu thứ hai đến, chúng ta biết có cảm thọ thứ hai này, tuy nhiên ở giữa hai thứ này, khi có cảm thọ trung tính, chúng ta chẳng biết. Mặc dù rằng chúng ta không biết, vẫn có cái tâm, vẫn có ý thức, và với ý thức, luôn luôn có cảm thọ bởi vì cảm thọ là trạng thái tâm luôn luôn đi kèm với tâm hay là thức. Như thế, phải có một loại cảm thọ vào lúc đó tuy rằng ta không biết tên của nó. Đó phải là cái được gọi là cảm thọ trung tính. Bằng cách suy luận như thế, chúng ta nhận biết cảm thọ trung tính, nhưng khi mà ta thực sự kinh nghiệm cảm thọ trung tính, thật quả là khó nhận biết. Điều này có thể đúng cho những ai mới lần đầu kinh nghiệm cảm thọ như thế hoặc là đối với những người mới bắt đầu thiền tập. Về sau, các hành giả có thể chánh niệm trên cảm thọ trung tính. Rồi, cảm thọ trung tính cũng là một trong ba loại cảm thọ. Cảm thọ trung tính khó mà nhận biết và được mô tả như là cái gì ở trong bóng tối: khi ở trong bóng tối, chúng ta không phân biệt được sự vật. Khi chúng ta kinh nghiệm cảm thọ trung tính này và chúng ta hay biết nó, rồi chúng ta phải niệm, như “trung tính, trung tính”.

 

Cảm Thọ Thế Gian và Cảm Thọ Phi Thế Gian

Mỗi một trong ba loại cảm thọ này được chia ra làm hai: thế gian và phi thế gian. “Thế gian” có nghĩa là liên hệ tới đời sống thường trên thế gian và “phi thế gian” có nghĩa là liên hệ tới công đức, liên hệ tới thiền quán, liên hệ tới đời sống xuất gia. Ngay trong thiền tập, những cảm xúc dễ chịu về sự vật thế gian có thể khởi sinh. Giả sử rằng quí vị vừa được thăng chức rồi đến dự một khóa thiền tập và hành thiền. Quí vị nhớ về việc thăng chức và cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc như thế, tùy thuộc vào lợi lộc, tùy thuộc vào chuyện mình muốn mà có được hay không, chuyện mình muốn có xảy ra hay không, được gọi là “cảm thọ dễ chịu thế gian”. Nếu những cảm thọ như khởi sinh trong tâm thì quí vị phải niệm chúng, như “hạnh phúc, hạnh phúc”, “bằng lòng, bằng lòng”, v.v…, bởi vì, nếu quí vị không niệm thì quí vị sẽ tiếp tục trở nên hạnh phúc, và rồi phấn khởi và mất tâm định.. Như vậy, để khỏi mất tâm định, quí phải niệm những cảm thọ dễ chịu đó trong tâm của quí vị. Thật quả là hơi khó mà rời bỏ những cảm thọ này vì chúng rất hấp dẫn, nhưng có nhiều điều hay ho, lợi ích hơn sẽ đến nên chúng ta phải niệm chúng để vượt qua những cảm thọ dễ chịu này.

Khi quí vị có dịp làm những việc công đức thì quí vị hạnh phúc. Khi quí vị có dịp hành thiền thì quí vị hạnh phúc. Khi có dịp được thọ giới xuất gia, quí vị cảm thấy hạnh phúc. Khi quí vị thiền tập và thấy rõ đối tượng, thấy đối tượng sinh diệt và như thế xuyên thấu đuợc bản chất vô thường, khổ và vô ngã của sự vật, quí vị kinh nghiệm được an lạc, quí vị kinh nghiệm hạnh phúc. Hạnh phúc như thế được gọi là “hạnh phúc phi thế gian”, không liên hệ gì đến đời sống thế tục. Khi những cảm thọ hạnh phúc như thế khởi sinh, quí vị có bổn phận phải chánh niệm, phải niệm những cảm thọ này, bởi vì hạnh phúc như thế cũng có thể dẫn đến sự khuấy động của tâm, và như thế thì mất định tâm. Như vậy, cho dù hạnh phúc có liên hệ với thế gian hay là phi thế gian - liên hệ tới sự xuất gia - quí vị vẫn phải chánh niệm trên những cảm thọ đó, hoặc niệm thầm chúng trong tâm.

Khi quí vị không đạt được những gì mình mong muốn, quí vị buồn bã. Khi quí vị thất bại trong công việc, quí vị buồn phiền. Khi quí vị mất cơ hội làm việc công đức hoặc thọ giới xuất gia, quí vị có thể cảm thấy buồn khổ. Ngay cả khi quí vị đang hành thiền, quí vị có thể nhớ lại vài chuyện không tốt đã xảy đến cho quí vị trong quá khứ, và quí vị cảm thấy buồn khổ. Trong trường hợp này, quí vị phải chánh niệm trên những cảm thọ này hay niệm chúng và để chúng qua đi hoặc khắc phục chúng. Khi quí vị thiền tập và nghĩ rằng mình không có tiến bộ hoặc không thể tập trung trên đề mục thiền và thường bị phóng tâm, quí vị trở nên buồn chán, hoặc thất vọng, nản lòng: loại cảm thọ này là khổ thọ liên hệ tới sự xuất gia hay liên hệ tới sự hành thiền. Trong khi hành thiền, những cảm xúc khó chịu về cả hai loại, liên hệ tới chuyện thế gian hay liên hệ tới chuyện hành thiền và các chuyện phi thế gian khác, cả hai đều có thể sinh khởi trong tâm quí vị. Khi chúng sinh khởi, quí vị phải chánh niệm trên chúng, hoặc niệm thầm cho đến khi chúng biến mất. Nếu quí vị kiên trì niệm chúng, chúng sẽ biến mất và rồi quí vị sẽ tiếp tục dễ dàng.

Nói về một đối tượng, đôi khi quí vị không có lạc thọ và khổ thọ. Quí vị có thể dính mắc vào đối tượng đó, nhưng có một cảm thọ trung tính trong tâm quí vị. Cảm thọ trung tính như thế được gọi là “cảm thọ trung tính thế gian”. Cảm thọ trung tính thế gian này được mô tả trong Chú Giải như là “vô minh”, như thế đôi khi chúng ta không hiểu đối tượng và không có cảm thọ dễ chịu hay khó chịu về đối tượng đó, tuy nhiên vẫn có sự dính mắc nào đó và chúng ta không biết điều này về đối tượng. Trong trường hợp này, cùng có cả sự vô minh và cảm thọ trung tính. Loại cảm thọ trung tính đó là cái được gọi là cảm thọ trung tính thế gian. Cái loại trung tính thế gian đó có thể khởi sinh ngay cả khi chúng ta thiền tập, vì thế khi chúng ta biết cảm thọ như thế đã khởi sinh thì chúng ta phải chánh niệm trên nó. Có một loại cảm thọ trung tính khác mà hành giả kinh nghiệm nhất là khi hành giả đạt được những trạng thái thiền vipassana cao hơn. Các đối tượng mà hành giả quán sát thật rõ rệt và mức định và trí tuệ của hành giả tốt đến độ mà hành giả chẳng phải cố gắng để chánh niệm, chẳng phải cố gắng để ở trên đối tượng, như thế thiền tập diễn tiến trôi chảy mà không cần sự tinh tấn của hành giả. Vào lúc như thế, có cái cảm thọ trung tính này trong tâm quí vị. Tại lúc đó, hành giả cũng không cảm thấy hạnh phúc mà cũng chẳng đau khổ, nhưng chỉ có cái cảm thọ trung tính yên ổn này. Khi một hành giả biết về cảm thọ trung tính yên ổn này trong tâm, hành giả phải chánh niệm trên cảm thọ trung tính yên ổn đó. Như vậy, cho dù cảm thọ trung tính là cảm thọ trung tính thế gian là cảm thọ thế gian liên hệ tới vô minh hay là cảm thọ trung tính trong thiền tập, khi hành giả biết hoặc ý thức được cảm thọ này, hành giả phải chánh niệm trên nó, hoặc niệm cảm thọ này. Khi nào có một cảm thọ - một trong chín cảm thọ đã được mô tả hoặc một trong mười một cảm thọ đã được mô tả - sinh khởi và trở nên nổi bật trong tâm ta, thì chúng ta phải cố gắng chánh niệm trên cảm thọ đó. Khi chánh niệm trên cảm thọ đó, chúng ta được gọi là thực tập chánh niệm: Quán Thọ trong Thọ (Contemplation of Feelings in Feelings).

 

Quán Tâm (Contemplation on Consciousness)

 

Kế đến là Quán Tâm: ở đây cũng vậy (chữ Tâm được lập lại), Quán Tâm trong Tâm. Trước hết chúng ta phải hiểu Tâm là gì. Theo tâm lý học Phật giáo (kinh Vi Diệu Pháp, Abhidhamma), tâm tổng quát gồm hai phần: tâm (còn gọi là tâm vương, Citta) và các trạng thái tâm (còn gọi là các tâm sở, Cetasika). Tâm được định nghĩa như là “sự hay biết một đối tượng”. Ở đây, “biết” không phải là biết với sự thông minh hay trí tuệ mà chỉ là sự nhận biết, sự nhận biết đơn thuần đối tượng (một sự nhận biết suông). Sự nhận biết đơn thuần đó là cái được gọi là “Thức” (Vinnana) trong Tâm lý học Phật Giáo. Sự nhận biết suông đó, hoặc là Thức, có thể mô tả như là có một mối liên quan với đối tượng. Tâm chúng ta có một mối liên quan với đối tượng, và đó là thức (tâm: ‘mind’, ‘citta’; thức: ‘consciousness’, ‘vinnana’; theo Vi Diệu Pháp, tâm và thức đồng nghĩa; thức thường được dùng khi nói về năm uẩn còn tâm thì thường được dùng khi đề cập tới những loại tâm khác nhau – trang 9, A Manual of Abhidhamma của Narada Maha Thera) *. Khi có sự nhận biết đối tượng, khi có sự liên quan tới đối tượng thì cũng có cảm thọ khởi sinh về đối tượng đó hoặc sự dính mắc với đối tượng đó hoặc sự hiểu biết đối tượng hoặc là chánh niệm trên đối tượng đó. Những trạng thái tâm này được gọi là tâm sở (sở hữu của tâm) và chúng cùng sinh khởi với tâm. Tuy nhiên, tâm hầu như dẫn đầu các tâm sở, vì không có tâm thì các tâm sở không thể sinh khởi. Như thế, khi quí vị theo rõi tâm, quí vị có thể thấy đặc điểm này: tâm đó đi đến đối tượng, hoặc nó biết đối tượng, nó ý thức được đối tượng. Cũng như thế, quí vị có thể thấy chức năng của nó: tâm đi đằng trước các trạng thái tâm, hoặc tâm dẫn đầu các trạng thái tâm. Tâm được mô tả như là “dẫn đầu các trạng thái tâm” bởi vì không có tâm thì các trạng thái tâm không khởi sinh. Tuy nhiên, khi trạng thái tâm sinh khởi, chúng cùng sinh khởi một lần với tâm, và cũng hoại diệt đi cùng một lần với tâm. Sự hay biết đối tượng đó được gọi là “tâm” và tâm có thể được đi kèm với tham dục, sân hận và si mê hay vô minh, hoặc có thể đi kèm với lười biếng hoặc có thể bị phóng dật v.v… Trong loại quán sát thứ ba này, Quán Tâm trong Tâm, mười sáu loại tâm được nhắc đến; bất cứ loại tâm nào sinh khởi thì chúng ta cũng phải chánh niệm, hoặc niệm tâm đó.

Đôi khi chúng ta biết tâm mình đi kèm với dính mắc. Đôi khi chúng ta biết tâm mình không có dính mắc, bởi vì khi chúng ta biết tâm mình có dính mắc và và niệm nó thì dính mắc biến mất, như thế tâm trở nên không có dính mắc. Khi tâm trở nên không dính mắc, chúng ta phải chánh niệm trên điều đó. Đôi khi tâm của chúng ta, hay thức của chúng ta, đi kèm với tức giận; đôi khi nó không có tức giận kèm theo. Đôi khi tâm ta bị lừa dối, hay là nó đi kèm với vô minh; đôi khi tâm không có vô minh đi kèm. Khi tâm như thế khởi sinh, ta phải chánh niệm trên tâm đó. Đôi khi tâm ta bị coi là co rút lại: có nghĩa là tâm giật lùi khỏi sự thực tập vì chúng ta lười nhác. Khi chúng ta lười nhác, chúng ta không muốn thực tập, và chúng ta thấy được trạng thái tâm này, chúng ta phải chánh niệm trên nó.  Khi chúng ta lười nhác và đang niệm “lười nhác, lười nhác, lười nhác”, chúng ta đang hành thiền Quán Tâm trong Tâm. Đôi khi tâm ta bị phóng dật. Có nhiều điều để mà phóng tâm và tâm ta rất thường phóng đi như thế. Khi chúng ta niệm “phóng tâm, phóng tâm” hay “phóng dật, phóng dật” hay “suy nghĩ, suy nghĩ”, chúng ta đang hành thiền Quán Tâm trong Tâm.  Đôi khi chúng ta biết mình có định: tâm ta được định. Khi tâm ta có thể ở trên đối tượng thiền - bất cứ là đối tượng gì, chúng ta luôn luôn chạm đến đốí tượng với chánh niệm - thì chúng ta biết mình có định. Điều này có nghĩa là tâm ta được định, rồi thì ta niệm điều đó, như là “định, định”. Rồi như thế ta đang hành thiền Quán Tâm trong Tâm. Một lần nữa, đôi khi tâm ta không được định, tâm bị phóng dật. Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ niệm “phóng dật, phóng dật”, hay là “không định, không định”, và cũng như thế nữa, chúng ta đang hành thiền Quán Tâm trong Tâm.   

Khi chúng ta có thể chánh niệm trên những đối tượng, chúng ta tránh bám víu vào chúng. Chúng ta tránh những phiền não ở lúc đó, hay tâm ta không vướng bận với những phiền não ở lúc đó. Khi ta thấy sự không vướng bận này, nó trở nên đối tượng thiền, và chúng ta niệm “không vướng bận, không vướng bận”. Đôi khi ta vướng bận vào phiền não; có thể có dính mắc hay tức giận trong tâm ta, và chúng ta niệm “dính mắc, dính mắc” hoặc “tức giận, tức giận”, hoặc là “vướng bận, vướng bận”, chúng ta đang hành thiền Quán Tâm trong Tâm. Nói tóm tắt, bất cứ trạng thái tâm nào sinh khởi, chúng ta cũng phải chánh niệm. Khi chúng ta chánh niệm trên bất cứ trạng thái tâm nào trong hiện tại, chúng ta đang hành thiền Quán Tâm. Chúng ta đang thực tập Nền Tảng thứ ba của Thiền Chánh Niệm, đó là Quán Tâm.

Khi chúng ta chú ý đến tâm và khi mà được định, chúng ta thấy trạng thái tâm rõ rệt: tâm này đi kèm với dính mắc; tâm này không đi kèm với dính mắc, v.v…. Khi chúng ta thấy tâm rõ như vậy, chúng ta cũng thấy sự sinh và diệt của những trạng thái tâm khác nhau. Một tâm khởi sinh và chúng ta niệm nó. Nó biến mất, và rồi một tâm khác khởi sinh, và có sự hay biết về tâm đó, và như thế sự sinh khởi của tâm và sự hoại diệt của tâm đều được thấy rõ khi chúng ta có mức định tốt. Cũng như thế, chúng ta có thể thấy rằng tâm sinh khởi bởi vì có đối tượng. Nếu không có đối tượng, tâm không thể sinh khởi. Thí dụ, nhãn thức sinh khởi bởi vì có vật nào đó để thấy và bởi vì có mắt. Nếu không có mắt và không có gì để thấy, nhãn thức không thể sinh khởi. Chúng ta có thể hiểu theo cách này khi chúng ta niệm tâm. Đôi khi chúng ta hành thiền thâm sâu đến độ chỉ thấy tâm mà mất đi ý niệm về con người, mất đi ý niệm về chúng ta. Chúng ta có thể nghĩ rằng mọi vật đều biến mất, không còn sự vật gì nữa, chỉ còn tâm trên đối tượng hoặc ý thức về đối tượng: đó là sự hay biết cái biết về đối tượng. Nếu chúng ta thấy theo cách này, rồi chúng ta thấy được thực tại tối hậu là tâm, và ở lúc đó, chúng ta có thể loại bỏ ý niệm về “Tôi”, hay là ý niệm về một con người, hay một cá nhân đang thức tỉnh, đang thấy, v.v… Như vậy, bằng cách chú ý thật kỹ vào tâm, chúng ta sẽ đạt được sự hiểu biết về tâm: chúng ta biết về sự vô thường của tâm; chúng ta biết rằng chỉ có tâm, ngoài ra chẳng có gì có thể được gọi là một con người hay một cá nhân hay một cái ngã. Khi ta thấy theo cách này, chúng ta được gọi là thấy tâm đúng như là bản chất thực sự của nó. Sự hiểu biết về tâm là vô thường, khổ và vô ngã, khi mà được phát triễn hoàn toàn, sẽ dẫn chúng ta đến giác ngộ hay là chứng ngộ được Tứ Diệu Đế. Như vậy, thực tập chánh niệm về tâm hay là hành thiền Quán Tâm có thể dẫn đến sự giải thoát cuối cùng khỏi phiền não và khỏi mọi đau khổ.   

 

(Những tiêu đề cũng như các chú thích bằng chữ nghiêng giữa hai dấu ngoặc đơn là do người dịch thêm vào cho dễ đọc. Để hiểu thêm vể Tâm và Tâm Sở, độc giả có thể đọc “Vi Diệu Pháp Toát Yếu”, bản dịch tiếng Việt của Phạm Kim Khánh từ cuốn “A Manual of Abhidhamma”, bản tiếng Anh do Đại Đức   Narada Maha Thera dịch và chú giải từ nguyên tác Pali “Abhidhammattha Sangaha” của tác giả Bhadanta Anuruddhacariya ). 

             

                                                                                 Liễu Pháp chuyển ngữ

                                                                                     Minnesota 6/2013