Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Phần Thứ Tư : Tây Tạng Huyền Bí - Trang 2

21 Tháng Bảy 201610:44 CH(Xem: 2769)
Phần Thứ Tư : Tây Tạng Huyền Bí - Trang 2

MÙI HƯƠNG TRẦM 
Nguyễn Tường Bách 
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng) 
Nhà Xuất Bản Trẻ TP. Hồ Chí Minh 2003

PHẦN THỨ TƯ 
TÂY TẠNG HUYỀN BÍ  
(Tiếp Theo)
 

Điện Potala và dòng Đạt-lai Lạt-ma 
Trong những con đường Lhasa 
Tu viện Drepung - "Con trâu điên" 
Trên cao nguyên 
Gyantse, Đô thị tàn tạ 
Kumbum, Man-đâla vĩ đại 
Shigatse và dòng Ban-thiền Lạt-ma 
Dọc sông Yarlung Tsangpo 
Giã từ Tây Tạng

ĐIỆN POTALA VÀ DÒNG ĐẠT-LAI LẠT-MA 

 Tông-khách-ba cũng là người xây dựng nhiều tu viện nổi tiếng, còn lưu lại đến ngày hôm nay như Ganden, Drepung, Sera. Ba tu viện này nằm không xa Lhasa, về sau trở thành "ba trụ cột" của nền tăng lữ Tây Tạng vì nơi đây đào tạo hàng ngàn tu sĩ và cũng là nơi tập hợp nhiều quyền lực chính trị. 

Như ta biết, phái Cách-lỗ mũ vàng, đệ tử của Tông-khách-ba phát triển hoạt động mạnh mẽ sau khi ông chỉnh đốn lại nền Phật giáo Tây Tạng trong thế kỷ thứ 14. Nhưng mãi đến năm 1578, Cách-lỗ mới phát huy cao điểm. Đó là năm mà một vị sư trưởng tên là Sonam Gyatso [1] đi gặp nhà vua Mông Cổ Altan Khan (Yêm-đáp-hãn). Vị sư trưởng thuyết pháp cho quần thần và thông báo rằng nhà vua chính là hậu thân của đại đế Hốt Tất Liệt còn chính sư trưởng là hậu thân của Phát-tư-ba mà Phát-tư-ba lại là quốc sư của cả triều Nguyên dưới thời Hốt Tất Liệt ba trăm năm trước đó [2]. 

Nhà vua Mông Cổ Altan Khan tin nghe, động tâm theo đạo lý, là kẻ "suốt đời chinh chiến, từ đây đã xếp cung đao để tin sùng đạo Phật, dồn sức cho văn trị, lại theo Phật chỉ, cấm bộ chúng chém giết" [3]. Nhà vua tặng Sonam Gyatso danh diệu bằng tiếng Mông Cổ "Dalai", dịch âm là "Đạt-lai", dịch nghĩa là "đại hải" (biển lớn) và xem vị Đạt-lai lạt-ma này là một hoá thân của Quán Thế Âm. Thế nhưng vị Đạt-lai lạt-ma không quên dòng tu của mình là từ Tông-khách-ba nên truy phong vị sư trưởng tu viện Tashilhungpo tại Shigatse là Gendun Drub làm Đạt-lai thứ nhất, vị tu viện trưởng kế thừa là Gendun Gyatso làm vị thứ hai và bản thân mình là Đạt-lai thứ ba. Kể từ đó sau khi mỗi vị Đạt-lai lạt-ma chết đi, người ta đi tìm vị tái sinh để đưa lên ngôi kế vị. 

Khoảng đến đầu thế kỷ thứ 17, Tây Tạng rơi vào rối ren nội bộ, thế lực yếu dần trong lúc Trung Quốc và Mông Cổ phát triển quyền lực tới mức cao nhất. May thay sau khi vị Đạt-lai thứ tư mất năm 1617, người ta sớm tìm ra vị tái sinh. Vị Đạt-lai thứ năm này tên là Losang Gyatso [4] và có lẽ là vị vĩ đại nhất trong cả dòng Đạt-lai. Ông vừa là một nhà học giả uyên thâm vừa là một nhà chính trị và ngoại giao khôn khéo và là một kiến trúc sư xuất chúng. 

Vị Đạt-lai thứ năm chính là người cho xây dựng điện Potala, công trình này kéo dài từ 1644 đến 1692. Trong cuối đời, Đạt-lai thứ năm dành hết thì giờ cho việc hành trì thiền định và để hết quyền bính cho người phụ chính. Đạt-lai thứ năm mất đi khi công trình xây dựng Potala còn dang dở và bên giường bệnh, vị phụ chính nhận lệnh của ông sẽ không thông báo việc ông mất cho đến khi Potala hoàn thành. Vị phụ chính giữ lời, cho người giả dạng Đạt-lai thứ năm trong các cuộc tiếp kiến, mãi 13 năm sau mới công bố cái chết, đồng thời giới thiệu luôn vị thứ sáu. 

Những điều bí mật này chỉ làm cho phái Cách-lỗ mất uy tín và sau đó vị Đạt-lai thứ sáu cũng không thọ được lâu, ông bị mưu sát năm 23 tuổi. Trước đó thì tại Trung Quốc, bộ tộc Mãn Châu diệt nhà Minh, giành thắng lợi và lập nên nhà Thanh. Tuy nhà Thanh trọng đãi Tây Tạng nhưng có lẽ cũng chính vì quyền lợi thế tục đó mà các vị Đạt-lai gặp vô số âm mưu sau những vách tường đồ sộ của Potala. Lịch sử Tây Tạng cũng rối ren và đẫm máu như các triều đình khác ở châu Á. 

Ta cần biết rằng phái Cách-lỗ mũ vàng cũng tiến hành các cuộc truy bức chống lại phái Hồng mạo mũ đỏ và dòng Kamarpa trong nội bộ Tây Tạng, chống lại chính những người con Phật. Các phe phái của Tây Tạng cũng dựa vào lực lượng nước ngoài như Mông Cổ và Trung Quốc để làm cảnh nồi da xáo thịt. Đọc lại tiểu sử các vị Đạt-lai, ta thấy đó là một chuỗi lịch sử đầy bí ẩn với âm mưu tranh giành quyền lực của những người phụ chính, trong và ngoài nước. Vị Đạt-lai thứ sáu chết lúc 23 tuổi. Vị thứ bảy bị lưu đày. Vị thứ tám không có thực quyền. Vị thứ chín chết năm lên chín, còn là một đứa trẻ. 

Vị thứ 10 chết năm 21 tuổi. Vị thứ 11 chết năm 17 tuổi. Vị thứ 12 chết năm 19 tuổi. Người ta ngờ rằng, từ vị thứ chín đến đến vị Đạt-lai thứ 12, ai cũng bị chết vì mưu sát cả [5]. Vị thứ 13 ra đời năm 1876, là người xuất sắc nhất chỉ đứng sau vị thứ năm, lập lại kỷ cương của Lhasa. Trong thời kỳ của ông, các nước châu Âu như Anh, Nga bắt đầu dòm ngó Tây Tạng, đồng thời Trung Quốc biến động dữ dội. Sau khi nhà Thanh mất năm 1911, quân đội Trung Quốc rút khỏi Tây Tạng. Đạt-lai thứ 13 từ Ấn Độ trở về năm 1913, tuyên bố Tây Tạng độc lập. Trong năm đó có một hội nghị tại Simla Ấn Độ thảo luận và chấp nhận chủ quyền Tây Tạng, nhưng Trung Quốc không thừa nhận. Năm 1933 vị Đạt-lai thứ 13 mất, bảy năm sau vị thứ 14 lên ngôi, đó là vị Đạt-lai còn sống đến ngày nay. 

Năm 1949 nước Cộng Hòa nhân dân Trung Quốc được thành lập, năm sau họ đem quân chiếm đóng Tây Tạng. Năm 1959, vị Đạt-lai thứ 14 bí mật di tản qua Ấn Độ và ngày hôm nay Tây Tạng là một phần đất của Trung Quốc, được gọi văn vẻ là "khu tự trị". 

Như thế là dòng Đạt-lai lạt-ma, thuộc phái Cách-lỗ, là người lãnh đạo chính trị và tinh thần của Tây Tạng hơn 400 năm qua, kéo dài được 14 đời. Trong thời gian đó, kể từ thế kỷ thứ 17 đến nay, điện Potala là kiến trúc thiêng liêng nhất Tây Tạng, nơi đặt bảo tháp chứa di cốt của các vị Đạt-lai và cũng là dinh thự lãnh đạo chính trị. 

Thật ra Potala đã được xây dựng từ thời Tùng-tán Cương-bố, vị Đạt-lai thứ năm chỉ là người xây dựng lên qui mô ngày nay. Vị vua Tùng-tán Cương bố được xem là một hiện thân của Quán Thế Âm, ông đã chọn miếng đất thiêng liêng này, nó được xem là hiện thân của trời Đâu-suất trên trái đất. Vì thế mà nếu Phổ Đà là trú xứ của Quán Thế Âm ngoài đông hải thì Potala là cung điện của Ngài trên nóc nhà của thế giới. 

Điện Potala là ngôi đền lớn nhất Tây Tạng. Tuy vượt xa các tòa kiến trúc khác nhưng nó dựa lưng một ngọn núi mang tên là Marpori (hồng sơn) nên tuy ngôi điện hết sức uy nghi nhưng nó hài hòa với khung cảnh xung quanh. Trước ngôi điện là một quãng trường rất lớn để từ rất xa người ta có thể nhìn ngắm, cảnh quan thật là xứng đáng với tầm cỡ của điện. Ngôi điện có bề ngang khoảng 360m, được lợp bằng mái mạ vàng, với 13 tầng cao khoảng 120m so với mặt đường. Tổng diện tích của điện lên tới khoảng 360.000 mét vuông. Ngôi điện màu đỏ mà người Trung Quốc gọi là "hồng cung" nằm trên cao, ngôi màu trắng màu trắng ở dưới. Ngôi màu đỏ là khu vực trung tâm của Potala, là nơi thờ tự thiêng liêng nhất của điện. 

Trong lúc vô số người Tây Tạng tay quay bánh xe cầu nguyện, vai mang lễ vật đi vòng quanh điện theo chiều kim đồng hồ để leo lên thì xe bus chở chúng tôi được phép chạy lên tới đỉnh. Tôi có chút tiếc nuối và xấu hổ, lẽ ra mình phải đi bộ để tâm lắng đọng trước khi vào chốn ẩn mật của điện. Nhưng khi nhìn hàng trăm hàng ngàn bậc cấp và tự thấy hơi thở mình còn gấp, môi mình còn tím, tôi thầm cám ơn ban tổ chức tour biết sức du khách. Lên tới chỗ xe đậu, tôi mới biết mình còn phải leo bộ nhiều và sẽ còn đi qua vô số khám thờ, bảo tháp, phòng thiền định. Không ai biết rõ trong ngôi điện mênh mông này có bao nhiêu gian, có người nói 750 phòng, có tài liệu ghi 999 phòng. 

Vào nội điện, mùi đèn mỡ trâu làm tôi nhớ Jokhang và bức tượng Đức hạnh cao quí Jowo. Tôi biết rõ rằng các vị Đạt-lai từng trị vì trong điện Potala này cũng đều đã được đăng quang tại Jokhang, trước mặt Jowo. Ánh đèn mờ tỏ cho thấy tôi đang đi trong Tàng kinh các, đó là nơi cất chứa kinh điển. Kinh điển Tây Tạng làm bằng những khổ giấy hẹp, chúng được để rời không đóng gáy. Trong Potala các kinh điển quí báu đó đều được bọc bằng lụa đỏ hay vàng, chứa trong các khung gỗ đặt cao, du khách không rờ tới được. Hệ thống kinh điển của Tây Tạng thật đáng ngạc nhiên cho một nước có khoảng 5-6 triệu dân, đó là một tập hợp đồ sộ của nhiều tạng kinh mà chữ Hán cũng chưa chắc có. Vài ngày sau, trong một tu viện khác tôi có dịp thấy hai người đang in kinh, cách làm thủ công. Một trong hai người đó là một cậu bé khoảng 12 tuổi, khuôn mặt sáng rực, tay in kinh, miệng đọc thần chú. Cậu là tái sinh của ai ? 

Sau Tàng kinh các, chúng tôi bắt đầu đi từ phòng này qua phòng khác với vô số tượng. Tượng đầu tiên tôi thấy trong Potala là A-đề-sa và các vị Đạt-lai và sau đó tôi không còn ghi chép nổi. Đây là A-đề-sa, vị tu sĩ mà tôi đã nhiều lần "gặp" trong các câu chuyện do chính mình dịch ? Đây là kẻ lữ hành người Ấn Độ đã từng tới cả đảo Sumatra của Indonexia ngày xưa, kẻ đã chịu đi Tây Tạng mặc dù biết trước vì chuyến đi đó mà mình sẽ giảm thọ 12 tuổi. Đây là kẻ mà mỗi lần có gì thắc mắc là cứ hỏi ý kiến của Quán Thế Âm, cứ như hỏi bạn thân. 

Potala phải là một pháo đài kiên cố, đường đi quanh co không ai nhớ nổi. Tôi bỗng đứng trước các tượng của 13 vị Đạt-lai lạt-ma. Trong 13 vị đó, như ta đã biết, vị thứ năm là vĩ đại nhất, "le cinquième", có một người Pháp cất tiếng nói. Tượng của ông cũng to lớn hơn các tượng khác, công của ông rực rỡ hơn công các vị khác. 

Trong ánh sáng của đèn mỡ trâu chúng tôi đứng trước tám ngôi tháp đựng di cốt của các vị Đạt-lai. Tháp được mạ vàng và mang nhiều ngọc quí. Tháp của vị thứ năm cao khoảng 15m và được bọc bởi 3700kg vàng. Vàng bạc châu báu quả là không thiếu tại Potala, đó là một kho tàng của nghệ thuật tôn giáo và là nơi cất chứa không biết bao nhiêu tượng vàng. Đến trước một tượng của Di-lặc với cặp mắt xanh biếc, tôi nhớ lại Ung Hoà Cung tại Bắc Kinh và những gì Ngài nói về tự tính của "các pháp". Ôi, tất cả "đều không có gì thành tựu cả", đó là cách nói về Tính Không của Ngài, nhưng đó là nhận thức của Ngài, còn nhận thức của người thường là khác. Một nơi tập hợp châu báu và quyền lực như Potala phải đánh thức lòng tham của nhiều người, xưa cũng như nay. Và lòng tham phải gây đổ máu, tôi tự nhủ khi nhớ tới lịch sử của Potala vài trăm năm trước và mấy chục năm gần đây. Những chuyện đó vẫn đè nặng nơi tôi, lẽ ra tôi không nên có khi đi vào chốn ẩn mật này. 

Hỡi Liên Hoa Sinh, ngày xưa Ngài đã hàng phục âm binh sao ngày nay không ra tay với các loại ma quái tân thời. Tôi hỏi thế khi đứng trước tượng Liên Hoa Sinh, bức tượng mà ai cũng nhận ra với cặp mắt trợn tròn, môi có râu. Người Tây Tạng ai cũng tin Ngài chưa hề đi xa, vẫn còn đó để ra tay khi đúng thời đúng lúc. Đạt-lai thứ 14 cho rằng trong đời này của ông, ông sẽ còn về lại đất Tây Tạng. Năm nay ông cũng đã 65 tuổi, liệu ông có lý ? 

Chúng tôi được phép leo lên đến nóc điện, ở đây ta có thể nhìn ra xa. Thật là một cảnh quan hùng vĩ, xung quanh toàn là mái điện thếp vàng. Chỗ tôi đứng chính là chỗ mà Đạt-lai thứ 14 ngày xưa, lúc còn một đứa trẻ đứng nhìn xuống dưới mặt đất xa tít thấy trẻ con cùng tuổi chơi đùa. Ông ước ao được xuống chơi với chúng nhưng không được, cuối cùng chỉ sắm cái ống nhòm, theo lời tự thuật của ông. Ngày nay chỗ trẻ con chơi ngày xưa đã trở thành chỗ bán đồ lưu niệm, chỗ đậu xe và tiếc thay, có không ít trẻ ăn xin ngồi chờ khách. Rời nóc điện tôi đi thăm chỗ ngủ, phòng làm việc, phòng tiếp khách, phòng thiền định của các vị Đạt-lai. 

Các phòng này để nguyên không hề thay đổi kể từ ngày Đạt-lai thứ 14 ra đi. Tôi nhớ đến ông, nhớ lúc gặp ông tại Bonn. Tôi có cảm tưởng rằng ông thấu hiểu tất cả tệ hại của một hệ thống tăng lữ dính líu tới quyền lực của dòng Đạt-lai của mình, ông đã thấy nghiệp lực nặng nề của tổ tiên mình để lại. Song song ông cũng nhìn thấy hết tham vọng của chính quyền Trung Quốc đối với Tây Tạng, thể hiện trong những thế kỷ qua cũng như trong thời đại này. Ông biết rằng tình hình đen tối của ngày hôm nay tại Tây Tạng là kết quả của một chuỗi lịch sử mà những người lãnh đạo ham quyền lực của Trung Quốc lẫn Tây Tạng đã gây ra. Có nhiều lần ông nói, "tôi chỉ là một tu sĩ Phật Giáo thông thường". Qua câu nói đó tôi cảm nhận rằng đó không phải chỉ là sự khiêm cung cần có của một tăng sĩ mà sự đoạn tuyệt với quá khứ của chế độ tăng lữ sa lầy trong quyền lực thế gian. 

Đi xuống dưới chân điện Potala tôi ra lại quãng trường trước mặt, nhìn ngắm lại lần cuối. Đồng hồ chỉ buổi tối mà trời còn sáng như ban ngày. Tôi sực nhớ Tây Tạng thuộc về Trung Quốc, ở đâu đồng hồ cũng chỉ một giờ, đó là giờ Bắc Kinh. Bắc Kinh và Lhasa cách nhau dễ cũng bốn múi giờ nhưng Lhasa phải theo Bắc Kinh. Tám giờ tối của Lhasa nhưng trời còn sáng như bốn giờ chiều. Người Tây Tạng xem ra dễ tính, giờ giấc đối với họ sao cũng được. Nhưng một dân tộc vài triệu dân mà kinh điển của họ không thua Trung Quốc thì phải hiểu họ có một nền văn hóa riêng biệt và độc đáo. 
 

TRONG NHỮNG CON ĐƯỜNG LHASA 

Tôi ít bị nhức đầu nhưng tại Lhasa, chứng này làm tôi mất ngủ. Thế nhưng tôi sớm biết lý do, nguyên nhân là do áp suất không khí. Trên độ cao này áp suất không khí thấp, lượng dưỡng khí loãng làm cho máu huyết mất thăng bằng và đó là lý do nhức đầu. Có một điều mà tôi không hề ngờ là mặt tôi vốn gầy nay to tròn ra, nó cũng là hệ quả của áp suất không khí. 

Có một người Trung Quốc trong đoàn du lịch, anh là dược sĩ cho tôi một thứ thuốc "chống độ cao", nó được hòa tan vào ly nước và uống như uống trà. Tôi thử ngay. Tôi còn thấy một người Âu mang trên mũi một miếng băng như một vài cầu thủ bóng đá hay mang, tôi đoán là miếng băng đó "bơm" thêm dưỡng khí cho mũi. Nói thế nhưng tôi không hiểu hiệu quả các thứ đó ra sao chỉ thấy mình càng ngày càng bình thường dần. Phải chăng thân thể tôi đã tạo thêm nhiều hồng cầu để tiếp máu, theo lời một anh bác sĩ. Anh nói nhiều vận động viên muốn thêm hồng cầu trứơc khi thi đấu phải lên ở vài ngày cỡ độ cao này. Thế nhưng chứng mất ngủ vẫn còn dù tôi có thử uống bia để dễ ngủ. 

Lhasa cũng có nhà máy bia, đó là điều làm tôi ngạc nhiên. Nhãn hiệu của họ ghi một cách hãnh diện rằng, đó là nhà máy bia cao nhất thế giới. Tôi thích uống bia local, đó là cách uống bia bình dân nhưng đúng điệu, đi đâu uống bia xứ đó. Đến Lhasa dĩ nhiên tôi càng uống bia sản xuất tại chỗ, nước làm bia hẳn là thứ nước trong vắt và tinh khiết chảy từ Hy-mã lạp sơn ra. Dĩ nhiên là nhà máy bia Lhasa do người Hán đem lên đây xây dựng nhưng nghề làm bia thật ra cũng là một nghề thủ công của người Tây Tạng xa xưa. Thứ bia cổ truyền của Tây Tạngï mà tên gọi là "Chang" làm bằng một loại lúa mạch, thực ra cũng là một thức uống của giới mật tông, được uống trong lễ ra mắt giữa thầy và trò. 

Tôi nhớ đến câu chuyện của Gampopa [6] , học trò của Milarepa, khi gặp thầy đầu tiên. Gampopa mới đầu theo học dòng Cam-đan của A-đề-sa với giới luật hết sức nghiêm khắc, cấm uống rượu. Về sau Gampopa thấy không thích hợp với đời sống tu viện, ông ra đi, trở thành du sĩ. Trên đường du phương Gampopa gặp Milarepa, vị này mời ông uống bia Chang vì cặp mắt thánh nhân của ông đã thấy Gampopa chính là học trò của mình. Gampapo từ chối không uống vì lòng còn mang nặng giới luật. Milarepa nhổ nước bọt vào mặt Gampopa, khinh bỉ thái độ câu chấp. Hành động này lại đúng với một giấc mơ tiên tri của Gampopa khi đi tìm đạo sư, trong giấc mơ ông bị nhổ nước bọt vào mặt. Gampopa liền chụp sọ người đựng bia, uống một hơi và sau đó ở lại bên thầy ba năm học đạo và giác ngộ. Ngày nay tác phẩm Bồ-đề đạo thứ đệ của Gampopa vẫn còn là sách giáo khoa cho tu sĩ Tây Tạng. 

Theo truyền thống bia Chang, ngày nay người Tây Tạng cũng thích uống bia như người Hán. Nhưng may thay, bia Lhasa không đựng trong sọ người mà trong chai, chai của họ thường là loại chai 0,7 lít. Thế nhưng những người Tây Tạng sang trọng không uống bia đựng trong sọ người, chẳng uống bia chai mà uống bia lon, cho rằng như thế mới là quí tộc. Thế nên bia lon của loại bia Thanh Đảo kể cả bia lon nước ngoài cũng lên tới cao nguyên Tây Tạng. Và dĩ nhiên ngày nay người ta uống bia là để lơ mơ chứ không phải để đi tìm sự giác ngộ như Gampopa nữa. Tôi uống bia cũng chẳng để tìm sự giác ngộ mà tìm giấc ngủ nhưng giấc ngủ vẫn không đến. 

Tuy không ngủ bao nhiêu nhưng trên cao nguyên này tôi tỉnh táo một cách kỳ lạ. Hình như khí trời trong và sắc màu lạ lùng ở đây làm đầu óc con người mở rộng, dễ tiếp thu, dễ cảm nhận. Đó là điều mà Govinda và bà David-Néel đều nói tới. Và điều tôi cảm nhận được nhất là lòng hiếu khách của người dân Tây Tạng. Mang một bộ mặt của người Hán, tôi tưởng mình dễ bị người dân Tây Tạng có thái độ khó chịu hay thù địch. Thực tế không phải thế, người Tây Tạng rất thân thiện với nhau, với khách nước ngoài, với tất cả mọi người. 

Khi xe chở khách chạy ngang gặp người dân địa phương, tôi thấy lúc nào họ cũng hồn nhiên vẫy tay chào hay đứng nhìn chờ đợi một cử chỉ thân thiện để vội chào đáp lại. Trên cao nguyên bao la với hàng triệu cây số vuông và với chỉ vài triệu dân, con người quá ít, quá quí, quá hiếm lúc gặp nhau nên truyền thống của họ là đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau lúc đi đường. Điều đó còn ghi đậm nét tới ngày hôm nay. Họ không có thái độ coi nhau như đối thủ mà các vùng với mật độ dân cư cao hay có. 

Người Tây Tạng hẳn phải giống người Mông Cổ hơn người Hán xa. Nét mặt của họ rất đặc trưng, hai gò má cao, da nâu đen vì ánh mặt trời quá trực tiếp. Thân thể họ cao lớn và mạnh khoẻ, họ phải là người chuyên đi ngựa trên vùng rẻo cao này. Đặc tính của nggười Tây Tạng là vừa rất sùng tín vừa rất dũng cảm. Về đời sống xã hội và tâm linh, phải nói là họ sống hoàn toàn khác chúng ta, khác người Việt người Hán. Đối với họ sống là để phục vụ đạo pháp, đời sống vật chất chỉ là phương tiện thuần túy để vươn lên tới những đỉnh cao tâm linh. Quan niệm sống đó không hề chỉ được giới hạn trong các tầng lớp học thức mà bàng bạc trong toàn xã hội, kể cả trong những người không biết đọc biết viết. 

Vì những lẽ đó mà họ không sợ cái chết mà cái chết đối với họ chỉ là một giai đoạn trong vòng sinh tử miên viễn. Thậm chí cái chết còn phải là cơ hội để cho họ bố thí thân thể mình cho chim muông ăn thịt, đó là lý do của tục "điểu táng" mà tại tu viện Drepung tôi được thấy một bãi đất dành cho tục lệ này. Nếu đã hy sinh được thân mình cho chim muông thì họ chẳng tiếc gì phải xả bỏ thân mình cho niềm tin tôn giáo, đó là động cơ sâu xa của lòng dũng cảm vô bờ của họ. Ngày nay nhiều sách vở còn nhắc lại những chuyện thực đầy anh dũng của các tu sĩ và tín đồ nam nữ Tây Tạng khi bảo vệ đất nước và tu viện của họ chống lại quân đội người Hán. Ngày nay nếu Tây Tạng có một nền hòa bình tạm thời là vì vị Đạt-lai lạt-ma chủ trương bất bạo động chứ thật ra người Tây Tạng không ngán ngại một lực lượng nào cả. 

Chủ trương của vị Đạt-lai thật ra không làm vui lòng tất cả người Tây Tạng. Ngồi trên xe đi giữa đường phố Lhasa, thấy những cảnh tượng bình thường, tôi còn buồn lòng huống hồ gì người Tây Tạng. Đường Bắc Kinh đông lộ dẫn tôi về trung tâm thành phố chạy ngang một tòa nhà vĩ đại mang tên China Telecom, nó được lắp bằng kính rực rỡ, phía trước hai người lính bồng súng đứng yên như tượng. Có người Tây Tạng nào vào đó để gọi điện, tôi tự hỏi. Nhưng tại sao lại có lệ lính bồng súng đứng canh, tại chính mẫu quốc tôi không thấy có. Đi thêm một đoạn là "Trung Quốc ngân hàng", tòa nhà cũng bề thế vĩ đại, cũng lính đứng canh, ai sẽ vào đó để gửi tiền, lấy tiền ? 

Người Hán có thói quen là xây đường rất rộng, quãng trường rất lớn, Bắc Kinh cũng như Thành Đô đều như thế cả. Tại Lhasa họ cũng xây những đông lộ, tây lộ rất rộng, các nhà mặt tiền nằm san sát cửa sắt, vách lợp gạch men trắng. Đó là kiểu đô thị của Tứ Xuyên đem lên Lhasa. Họ xây hàng trăm cửa hàng giống nhau như những giọt nước và cho người Tây Tạng thuê làm ăn buôn bán. Mỗi bảng hiệu đều phải đề chữ Hán trân trọng, to lớn ở giữa, phía trên được ghi chữ Tạng. Các bảng hiệu đó lại giống hệt nhau, chỉ tên gọi và hàng hóa là khác. Và đi ngoài đường, ngày nay đâu chỉ có người Tây Tạng mà người Hán xem ra đông hơn, ta chỉ cần nhìn áo quần là biết. Hỏi ra, người Hán có chủ trương di dân đi Tây Tạng, ai lên trên vùng giá lạnh và khí loãng đó mà định cư sẽ được nhiều thuận lợi của Nhà nước ban cho. 

Nhìn những người Tây Tạng đi lầm lũi trên phố xá bỗng tôi nhớ thời bắc thuộc của Việt Nam mà mình chỉ biết trong sách vở. Chắc những người Hán chỉ có một bài duy nhất, đó là sự đồng hóa dân địa phương bằng chính sách di dân, bằng tiếng nói, bằng văn hóa, bằng phong tục tập quán. Nhưng không phải chỉ có thế, tôi tự nhủ khi thấy một đoàn cồng-voa với khoảng trên 30 chiếc xe quân sự bít bùng với những tài xế người Hán trẻ măng, tay mang găng trắng, xem ra từ đường xa mới đến Lhasa. Lòng tôi bực dọc vô cớ, lái xe trong mùa hè sao lại mang găng, họ là ai trong đất nước này mà mặt mày tỏ vẻ lạnh lùng kiêu ngạo ? Những người áo quần màu thẫm vẫn đi lầm lũi dưới đường. Ôi, đáng thương thay, một nước chậm tiến bị một nước chậm tiến đô hộ. 

Không phải chỉ có ngôn ngữ,ø văn hóa và súng ống Trung Quốc có mặt tại Tây Tạng mà còn thêm một mãnh lực khác, đó là tiền bạc, tiền đô-la và nhân dân tệ. Mãnh lực này đã xâm chiếm toàn thế giới, nó đâu dừng lại trước biên giới nào, dù là biên giới tâm linh độc đáo của Tây Tạng. Tôi không khỏi đau lòng khi thấy dân Tây Tạng tranh nhau bán đồ lưu niệm cho người nước ngoài, tài xế tắc-xi dối trá với khách để thêm được vài đồng "nguyên" [7] , những lao động cấp thấp phục dịch cho người Hán trong các tiệm ăn, khách sạn, tour du lịch để được chút tiền ít ỏi. Tại Tây Tạng ngày nay người chi tiền là khách nước ngoài, người nhận tiền bằng ngoại tệ mạnh hay bằng thẻ tín dụng là người Hán, của rơi rớt dành cho người bản xứ. Đó là công thức kinh tế tài chánh đơn giản. Hơn mọi yếu tố nào hết, đồng tiền sẽ xói mòn nền văn hoá Tây Tạng, nó là sức mạnh khó chống lại nhất, liệu lòng sùng tín và sự dũng cảm có khả năng đương đầu ? 

Tôi nhớ Patrul Rinpoche [8] , ông là vị đạo sư Tây Tạng sống gần thời với chúng ta. Ông là du sĩ giác ngộ, được nhiều người cúng dường tặng phẩm. Chuyện kể, ông xem vàng bạc cũng như đất đá, từng dùng một miếng bạc cùng hai cục đá kê nồi nấu trà. Một người vô gia đình và nội tâm giàu có thì quả thật có thể làm như thế. Tôi nhớ Milarepa, thầy của Gampopa, gia tài chỉ có một chiếc nồi. Ngày nọ nồi bể, ông ca những lời sau: "Chiếc nồi cũng là thầy, Dạy qui luật vô thường". Hạnh phúc thay, những người đã thoát khỏi ràng buộc. 
 

TU VIỆN DREPUNG 

Như đã nói, Trisong Detsen được xem là nhà vua có công du nhập Phật Giáo vào Tây Tạng. Trong thế kỷ thứ tám vì có nhiều trường phái Phật Giáo khác nhau cùng thịnh hành nên nhà vua thấy cần phải thống nhất quan điểm rõ ràng. Sau nhiều cuộc tranh luận ông đưa ra ba chủ trương rõ rệt. Một là, về mặt giới luật, Tây Tạng theo phương pháp của phái Nhất thiết hữu bộ trong cách đào tạo tăng sĩ. Hai là, về mặt triết học, Phật Giáo Tây tạng theo quan điểm của phái Trung Quán bắt nguồn từ Long Thụ. Ba là, về mặt thiền định thì chủ trương theo pháp thiền định của mật tông [9] . 

Ta cần biết rằng Nhất thiết hữu bộ là một nhánh của Tiểu thừa, phái Trung Quán là đỉnh cao triết học của Đại thừa và thiền định mật tông bắt nguồn từ Kim cương thừa nên có thể nói không sai là Phật Giáo Tây Tạng mang tất cả các nét của ba nguồn giáo pháp Phật Giáo. Đó là thời kỳ truyền giáo lần thứ nhất, nó chấm dứt khoảng giữa thế kỷ thứ 9 và gây dấu ấn mạnh nhất lên phái Ninh-mã (Nyingmapa) của Tây Tạng. Muốn hiểu xã hội Tây Tạng ta cần hiểu tăng sĩ Tây Tạng vì không có nước nào trên thế giới mà hình ảnh tăng sĩ đậm nét trong xã hội như trong nước này. Như trên có nói, kể từ Trisong Detsen, tăng sĩ Tây Tạng được đào tạo dựa trên giới luật của Nhất thiết hữu bộ, áp dụng trong môi trường địa phương cụ thể của Tây Tạng. 

Tu sĩ Tây Tạng có sáu cấp bực. Mức đầu tiên là cư sĩ, đó là những người tại gia, giữ năm giới luật. Trong mức đầu này cũng có những người xuất gia phụng sự trong các tu viện, tương tự như cận sự nam (hay nữ) ở Trung Quốc. Mức thứ hai được gọi là sa-di, đó những tiểu tăng được thụ 36 giới với số tuổi khoảng bảy tám tuổi. Mức thứ ba là tỉ-kheo, được thụ giới sớm nhất là 20 tuổi. Tỉ-kheo Tây tạng có đến 150 giới luật phải được tôn trọng. Mức độ thứ tư được gọi bằng tiếng Tây Tạng là Geshe, đó là học vị có thể dịch là "tiến sĩ Phật học". 

Muốn trở thành Geshe, tăng sĩ phải nắm vững năm lĩnh vực. Đó là Luật tạng, A-tì-đạt-ma luận(Abhidharma, có khi được gọi là Thắng pháp tập yếu luận) , toàn bộ Kinh Bát-nhã ba-la-mật nhất là Kinh Kim Cương, Trung quán luận và triết lý Tính Không và cuối cùng là Nhân minh luận, nhất là của Trần-na(Dignana) và Pháp Xứng (Dharmakirti). Thường thì người ta cần khoảng 12 năm mới lĩnh hội được năm lĩnh vực nói trên và phải trải qua nhiều kỳ sát hạch vấn đáp. Vị Đạt-lai lạt-ma thứ 14 hiện nay cũng phải tốt nghiệp Geshe như mọi tăng sĩ cao cấp khác. 

Với mức thứ tư, tuy người tăng sĩ đã được đào tạo rất sâu nhưng ông mới xong ngưỡng cửa của tiểu thừa và đại thừa. Đó là mức độ cao cấp nhưng kiến thức vẫn còn từ sách vở sinh ra. Mức thứ năm chính là nơi mà tăng sĩ được đào tạo trong các phép mật tông, bằng lý thuyết và thực nghiệm. Lúc đó người tăng sĩ được gọi là Gyupa, "quán đỉnh". Đó là lúc tăng sĩ đi vào truyền thống mật thừa, đi vào mối quan hệ riêng của thầy-trò. Trong phái Cách-lỗ thì tăng sĩ chỉ đi vào mức thứ năm sau khi đã thật vững vàng về các giáo pháp của tiểu thừa và đại thừa. 

Còn trong các phái khác thì ít nghiêm khắc hơn, có khi tăng sĩ được trực tiếp đưa vào mật tông mà chưa đi qua các bước nói trên. Các vị Gyupa là đặc biệt quan trọng trong Phật Giáo Tây Tạng vì đó là những người không được đào tạo bằng kinh sách mà là những kẻ đã thực chứng và dạy học trò bằng phép truyền tâm. Nếu họ chết đi mà không kịp trao truyền lại cho hậu thế thì dòng truyền thừa của họ tuyệt diệt. 

Mức thứ sáu là Khenpo, đó là các vị sư trưởng đứng đầu các tu viện hay các vị đại sư. Các vị sư trưởng là người cho phép các vị tăng khác quán đỉnh hay thụ giới. Các vị Khenpo đều phải là những người được Đạt-lai lạt-ma ấn chứng. 

Ta hay nghe từ "Rinpoche" nói về các vị tăng sĩ Tây Tạng. Rinpoche có nguyên nghĩa là "cao quí" được dành chỉ cho cấp tăng sĩ thứ tư trở lên. Đặc biệt từ "lạt-ma" lẽ ra chỉ dành để chỉ chung cho các vị từ cấp thứ năm trở lên nhưng ngày nay các sách vở phương tây sử dụng tùy tiện, cứ mỗi tăng sĩ được gọi là "lạt-ma". 

Trong Phật Giáo Tây Tạng có thêm một đẳng cấp rất đặc thù, đó là các vị tái sinh Tulku, được xem như thân tái sinh của một lạt-ma cao trọng đã chết. Người Trung Quốc gọi các vị này bằng từø "tự tại chuyển thế". Các vị này thường được "khám phá" trong số tuổi sáu bảy và được thọ giới cũng như học tập ngay. Thường các vị đó lĩnh hội rất nhanh, chưa tới 30 đã đạt danh hiệu Geshe và sau đó thường đảm nhiệm vai trò của đời sống cũ, thí dụ trở thành tu viện trưởng tại những tu viện ngày xưa. 

Quanh Lhasa có ba tu viện lớn nhằm đào tạo tăng sĩ tới cấp bực thứ tư Geshe, đó là Drepung, Ganden và Sera. Trong cả ba thì Drepung lớn nhất, đó là tu viện có lúc chứa đến 10.000 tăng sĩ. Trong các vị tu học tại Drepung có một vị tên là Losang Gyatso, về sau trở thành Đạt-lai lạt-ma thứ năm, người lãnh đạo chính trị và tinh thần của Tây Tạng trong thế kỷ 17. Trong ba tu viện Drepung, Ganden và Sera, chúng tôi chọn đi Drepung. 

Drepung nằm dưới chân một ngọn núi, cách Lhasa khoảng 10km. Từ xa ta đã thấy đây là một hệ thống những tòa tu viện rất lớn, với danh từ ngày nay ta có thể gọi là "campus". Đó là một làng đại học Phật Giáo với hàng chục công trình xây cất. 

Drepung được một đệ tử của Tông-khách-ba tên là Jamyang Choje xây dựng đầu tiên năm 1416. Trong những thế kỷ sau Drepung được tiếp tục xây dựng để trở thành tập hợp tu viện lớn nhất của phái Cách-lỗ và cũng của toàn Tây Tạng với hàng chục điện thờ, khám thờ và vô số tranh tượng. Trong chính điện lớn nhất mà người Tây Tạng gọi là Dukhang, ta thấy bức tượng Văn-thù, vị bồ tát chủ trí tuệ mà tôi đã được đảnh lễ tại Ngũ Đài sơn Trung Quốc. Đây là nơi đào tạo khoảng 400 vị Geshe và 50 vị tái sinh Tulku học tập trí huệ bát nhã của Ngài. Trong thời gian Đạt-lai lạt-ma thứ năm trị vì, Drepung cũng trở thành trung tâm quyền lực chính trị của Lhasa. 

Trong chính điện Dukhang này, đây là nơi tập hợp quan trọng nhất của các cuộc hành lễ với hàng ngàn tăng sĩ, với thanh la não bạt, với những loại kèn đồng rất dài phát ra tiếng rất trầm. Ta đã biết âm nhạc tế lễ đóng vài trò rất quan trọng trong Phật Giáo Tây Tạng. Những loại âm thanh đều đại diện cho những yếu tố của pháp giới. Những tiếng rất trầm hầu như phát ra từ lòng đất nói lên nền tảng vô thủy vô chung của vạn sự, những tiếng xập xỏa ngắn, sắc và vang dội nhảy múa trên âm trầm không dứt, chúng đại diện cho thế giới hữu hiện khi có khi không của vạn pháp. Chính điện này cũng là nơi hàng ngàn người tụng niệm cùng lúc, dưới những bức tượng vàng vĩ đại, trong tiếng âm thanh của chuông trống, trong tiếng niệm thần chú của vị chủ lễ. 

Tôi đi qua những con đường lát đá. Đó là những nơi mà ngày xưa tăng sĩ tranh luận về nhân minh học, môn logic lý luận Phật Giáo hết sức sâu sắc. Đó là nơi mà tăng sĩ phải trả lời ngay những câu hỏi câu đố được đưa ra song song với một tiếng vỗ tay rất lạ của người hỏi. Cách vỗ tay đó được xem để đánh thức tâm trí của người được hỏi. Phái Cách-lỗ là môn phái chịu lý luận nhất trong các môn phái Phật Giáo xưa nay. Họ cho rằng đã theo đại thừa thì phải biết lý luận để giáo hóa cho những người muốn học hỏi và cách giáo hóa dễ làm nhất là lý luận logic. 

Tôi đến những phòng thờ của các vị tu viện trưởng. Nơi đây tôi mới biết rõ những gì Govinda đã kể trong cuốn "Con đường mây trắng" (Govinda,sách đã dẫn) . Đó là những chỗ ngồi thiền định mà trên đầu là một tấm lụa nhiều màu tượng trưng cho bầu trời. Dưới bầu trời đó, xung quanh đều là tranh tượng của Phật Bồ tát, các vị tăng sĩ sống một cuộc đời tôn giáo cả ngày lẫn đêm. Trước mặt họ luôn luôn là tượng Phật, họ cúng đèn, tượng trưng cho giác ngộ; cúng nước, tượng trưng cho đời sống. 

Đây là nơi mà hàng ngàn người sống cuộc đời phạm hạnh, bồi dưỡng trí huệ, tăng trưởng bồ đề tâm, quán niệm về cái vô thường của sự sống, về sự miên viễn của cái chết. Những người đó theo bước của Văn-thù, dùng lưỡi kiếm bén chém màn vô minh để phá vòng sinh tử. Vô minh là khâu đầu tiên của "mười hai nhân duyên". Nơi đây tại Tây Tạng, người ta học kỹ những giáo lý tiểu thừa như tứ diệu đế, mười hai nhân duyên..., đâu phải chỉ có luật tạng. Ôi, đó là những giáo lý tiểu thừa tưởng như giản đơn nhưng không bao giờ ta hiểu hết. 

Tiểu thừa hay đại thừa chỉ có một mục đích duy nhất là xé "miếng da voi của vô minh". Hai trường phái đó đối với người Tây Tạng chỉ là phương tiện tùy theo căn cơ hành giả. Nơi đây người ta quí trọng đức Văn-thù, mỗi lần đọc Trung quán luận người ta cầu đến Văn-thù . Bao nhiêu tăng sĩ Tây Tạng đã lên đường đi bộ đến Ngũ Đài sơn. Ngài là người giúp tăng sĩ phá vòng vô minh. Phá được vô minh là chấm dứt cái chết lẫn cái sống, thoát được vòng tử sinh do quỉ sứ đang ôm giữ [10]. Những tăng sĩ đó ngày nay đâu cả ? 

Ngày nay Drepung chỉ còn là nơi thăm viếng của khách du lịch. "Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo". Tôi đi ngẩn ngơ qua những tòa nhà với tường vách dày vài mét nay đã đổ nát, những tấm cửa gỗ to nặng nay đã tróc sơn đỏ. Giữa những tòa nhà trống vắng, vài người Tây Tạng đứng hút thuốc nói chuyện phiếm dưới nắng mai, vài chú tiểu tăng uể oải mở cửa cho chúng tôi được vào những khám thờ đặc biệt. Sự yên lặng nơi đây xem ra nói lên một điều mà Sangharakshita(Sangharakshita, sách đã dẫn) đã tiên đoán. Đó là Phật Giáo Tây Tạng không có tương lai, không thể phát triển được nữa. Chỉ vài thế hệ nữa thôi, dưới sự cai trị của người Hán, Phật Giáo Tây Tạng sẽ biến mất trên thế giới. 
 

"CON TRÂU ĐIÊN" 

 "Con trâu điên" (The crazy Yak) là tên một quán ăn thuần túy Tây Tạng. Buổi tối chúng tôi ngồi trong một tiệm ăn tự chọn của người Tây Tạng. Có lẽ tiệm này chủ yếu dành cho khách du lịch và người nước ngoài, nội cái tên bằng Anh ngữ cũng nói lên điều đó. Chúng tôi ngồi thở sau khi lên một cầu thang hẹp để đến một gian phòng lớn theo đầy Thangka [11] . Không khí loãng trên cao nguyên làm người ta rất mau mệt, nhất là sau khi đi tham quan các tu viện trên núi. 

Vì thế không có gì sung sướng hơn buổi chiều tối được ngồi nghỉ, ăn uống và suy ngẫm những gì mình đã thấy trong ngày. 
Chúng tôi ngồi nghỉ trước khi đến bàn ăn tự chọn xem thử trong đó có những món gì. Chắc là không thể có thịt trâu Yak, "con trâu điên" chắc chỉ là tên gọi lạ tai. Yak là sinh vật đặc trưng của Tây Tạng, chẳng thế mà tại một ngã tư lớn của Lhasa có một tượng đồng rất sinh động của hai con trâu. Người ta không thể làm thịt trâu, Yak là con vật có ích nhất cho dân Tây Tạng. Đối với họ con trâu là cả một gia tài. 

Trâu Yak không giống trâu Việt Nam. Trâu Việt Nam đã chậm chạp mà nó còn chậm hơn. Điều khác nhất là lông nó rất dài, có lẽ để chống lạnh. Trên cao nguyên Tây Tạng tôi không thấy bò, chỉ trâu Yak lo chuyện đồng áng. Sữa trâu để dùng làm trà bơ, một chất bổ dưỡng mà tôi có dịp nếm ngay hôm nay. Mỡ trâu dùng để thắp đèn mà mùi của nó ngai ngái hết sức khó quên. Nhưng trâu cho người cái quan trọng nhất, đó là phân trâu. 

Ở đây tôi không nói chuyện tiếu lâm, thật sự phân trâu là thứ quí nhất, nó là chất đốt chủ yếu. Đi ngang làng mạc Tây Tạng ta thấy mỗi nhà đều đắp trên tường hay phơi ngoài ngõ những bánh tròn tròn mới nhìn qua tưởng như bánh chưng. Thế nhưng nó không phải thứ để ăn mà để đốt, đó chính là phân trâu Yak. Phân trâu Yak khi đốt cho một ngọn lửa không mùi và rất nóng. Trên một xứ cao nguyên lạnh giá, hiếm gỗ thì phân trâu Yak là nguồn nhiên liệu quí giá. 

Trên tường, đức Phật A-di-đà trong một bức Thangka thật lớn mỉm cười nhìn chúng tôi đến bàn lấy thức ăn. Chắc Ngài từ bi chấp nhận kẻ ăn mặn như tôi trong xứ của Phật pháp này. Quả nhiên như tôi đoán, không có thịt trâu Yak, nếu có tôi cũng chẳng ăn. Xung quanh tôi có những nhóm du lịch khác, lác đác có kẻ nói tiếng Đức xen lẫn tiếng Anh và lạ thay, trong số họ có nhiều người ăn chay, họ hỏi nhau món nào không có thịt. Cuối cùng tất cả chúng tôi đều vui lòng vì các món chay mặn đều có, tôi sớm tìm ra một món thịt, đó là thịt trừu. Tôi phải ăn thịt để lấy sức leo núi, phải uống bia để tiêu món thịt, đó là lý luận của những kẻ còn tham ăn tục uống như tôi. Thế nên dưới nụ cười của đức Phật từ bi, tôi ăn thịt trừu chăn trên sườn Hy-mã lạp sơn và uống bia Lhasa lấy nước từ những suối nguồn tinh khiết đó. 

Tôi không phải là kẻ duy nhất ăn thịt trên cao nguyên Tây Tạng này. Nơi đây khí hậu quá lạnh nên không có bao nhiêu rau cải, rất nhiều người Tây Tạng phải ăn thịt để sống, kể cả nhiều tăng sĩ. Đã có nhiều cuộc tranh luận về việc ăn thịt hay không ăn thịt trong giới tăng sĩ, nhưng nói chung chỉ tăng sĩ của phái Cách-lỗ mới tuyệt đối ăn chay, tăng sĩ mũ đỏ có nhiều người ăn thịt, tăng sĩ miền bắc ăn thịt nhiều hơn người miền nam. Lý do đơn giản là miền bắc Tây Tạng quá lạnh, thực vật cũng không mấy thứ sống nổi. 

Tôi đã vào trong nhà bếp của tu viện Drepung xem thử. Ngày nay đó không còn là nơi nấu cho hàng trăm hàng ngàn người ăn nữa nhưng những chiếc nồi to tướng nhắc tôi đây đã một thời náo nhiệt. Tôi bỗng nhớ câu chuyện của vị "đầu bếp giác ngộ" [12] và tự hỏi không biết vị đầu bếp nào đã nấu nướng nơi đây và "năng lực tâm linh" của người đó còn vương trong căn nhà đầy mồ hóng này hay không. Đầu bếp của các tu viện không phải là người thường, họ là những lạt-ma không kém phần cao trọng. Người Tây Tạng cho rằng thức ăn của những đầu bếp giác ngộ mới mang lại phước lành cho người ăn, tất cả sản phẩm do tay người làm ra, dù là sản phẩm gì, đều mang dấu ấn tâm linh của người đó. Tôi đọc lại câu chuyện nói trên và để ý thấy câu "lạt-ma đầu bếp này hàng năm trời đứng dưới thịt trâu xông khói". Thì ra người ta vẫn ăn thịt trâu Yak. Thế thì tăng sĩ và cư sĩ đâu còn gì khác nhau ? 

Quan niệm về đời sống tu sĩ tại Tây Tạng có nhiều điều khác biệt so với tăng sĩ của các nước khác. Nếu tại các nước theo Thượng tọa bộ người ta tin rằng chỉ tăng sĩ mới đạt quả A-la-hán thì đại thừa Phật giáo cho rằng cư sĩ cũng như tăng sĩ đều mang Phật tính trong tâm, ai cũng có thể đạt giác ngộ. Dù thế, nhưng tại Ấn Độ và Trung Quốc người ta còn phân biệt cư sĩ, tăng sĩ cũng như giới luật dành cho hai hạng người đó. Còn tại Tây Tạng sự phân biệt đó không còn rõ nét, có nhiều lạt-ma sống cuộc đời thế tục, có gia đình nhưng vẫn hành lễ như tu sĩ và được tín đồ trọng vọng. Nếu tại Ấn Độ vị cư sĩ nổi tiếng nhất là Cấp Cô Độc thì tại Tây Tạng, người đó là Marpa, "nhà đại phiên dịch". 

Theo nhiều tài liệu, Marpa sinh năm 1012 tại nam Tây Tạng. Từ hồi trẻ ông đã học tiếng Phạn và bán toàn bộ sản nghiệp để dành tiền đi Ấn Độ. Ngày xưa người Tây Tạng đi Ấn Độ là dấn thân vào một chuyến phiêu lưu gian khổ, mười người đi bỏ mạng đến bảy tám người. Lý do là khí hậu Tây Tạng thì lạnh và khô, Ấn Độ thì nóng và ẩm, rất nhiều người đau ốm dọc đường. Ai đi Ấn Độ trở về đã là một kỳ công được nhiều người nể trọng. 

Marpa đi Ấn Độ tổng cộng ba lần. Lần đầu ông gặp Naropa, đó là một vị đại thành tựu giả [13] và học đạo với vị này suốt 16 năm. Naropa là một vị hành giả tiêu biểu của đại thừa mật giáo của Ấn Độ, là người đồng thời của A-đề-sa và là một trong những nhân vật quan trọng của viện Phật học Na-lan-đà tại Patna. Ông là người truyền lại cho Marpa phép Đại Thủ Ấn [14] và bộ "Du già lục pháp" [15] với nhiều phép khổ luyện hết sức huyền bí. Marpa đem nhiều kinh sách, đặc biệt là của đại thừa của thời kỳ cuối, về Tây Tạng. Ông sống một cuộc đời nông phu, lấy vợ sinh con và đem hết sức mình ra dịch thuật kinh sách. 

Sau đó ông lại đi Ấn Độ lần thứ hai, học thêm nhiều phép bí truyền. Về lại Tây Tạng, ông gặp một người xuất chúng của Tây Tạng và thâu nhận làm học trò. Người đó không ai khác hơn là Milarepa (người khổ hạnh áo vải). Milarepa bị Marpa hành hạ gần muốn tự tử chẳng qua là Marpa muốn giải ác nghiệp cho ông. Về sau, Milarepa đắc đạo và thành lập phái Ca-nhĩ-cư (Kagyupa), một trong bốn tông phái của Phật Giáo Tây Tạng và cư sĩ Marpa được xem là tổ thứ ba [16] của phái này. Lần thứ ba lúc tuổi đã cao, Marpa lại đi Ấn Độ một lần nữa vì một phép bí truyền, đó là giáo pháp "đoạn giáo". Nơi đây ông gặp lại vị thầy Naropa lần cuối. Người cư sĩ Marpa có nhiều điều giống với tăng sĩ Huyền Trang, kẻ sống trước ông ba thế kỷ. Hai vị đều là người đi Ấn Độ thỉnh kinh sách về nước mình và được tôn là "đại dịch sư". 

Tôi ngẫm nghĩ điều đó trong "Con trâu điên" trong lúc có người mang lại một tách trà bơ cho tôi. Tôi vui mừng được uống thử trà bơ nổi danh mà tất cả các sách về Tây Tạng đều nhắc tới. Đó là thứ trà mà người ta uống rất nóng và tiếc thay, nó có mùi ngai ngái của mỡ trâu. Tôi đặt tách trà xuống và thành thực mà nói tôi thấy bia Lhasa ngon hơn và có lẽ sẽ chỉ uống trà này nếu không có gì để uống nữa và nhất là nếu cần nó để có chút hơi ấm khi sắp chết cóng vì lạnh. Sau đó tôi hết sức ngưỡng mộ khi người ta đem bánh Tsampa ra. Đó là thứ bánh làm bằng bột mì mà các tăng sĩ Tây Tạng hay tự tay làm để cúng dường các vị nữ thần Không hành nữ [17]. Tsampa, có ngày ta được nếm thử ngươi, được ăn thứ mà nữ thần cũng ăn, tôi sung sướng tự nhủ. Thế nhưng, Tsampa quá ngọt và vẫn không tránh được mùi mỡ trâu, tôi ăn không nổi. 

Tôi sắp điên vì mỡ trâu chứ không có con trâu nào điên cả, đó là kết luận của tôi ngày hôm đó. 
 

TRÊN CAO NGUYÊN 

Mặc dù nằm trên độ cao 3700m nhưng Lhasa chỉ là một thung lũng hiền hòa. Ngoài thung lũng Yarlung Tsangpo, Tây Tạng chỉ toàn là núi non hiểm trở. Miền bắc của Tây Tạng giáp giới với dãy núi Côn Luân, đó là một vùng lạnh lẽo quanh năm, dân Tây Tạng cũng không ai muốn lên đó. Miền nam Tây Tạng chính là dãy Hy-mã lạp sơn mà cách Lhasa khoảng chừng 800km đường trường về phía tây nam là đỉnh Everest cao nhất thế giới với độ cao 8848m. 

Như ta biết, cao nguyên Tây Tạng được sinh ra cách đây khoảng 40 triệu năm, lúc bán đảo Ấn Độ di chuyển đụng phải đại lục châu Á. Sự va chạm đó không nhẹ nhàng cho lắm, nó đội lên thành hàng chục ngọn núi cao và đồng thời sinh ra những khe núi sâu khủng khiếp mà tiếng Anh gọi là "Canyon". Thế nên tại Tây Tạng có sáu ngọn núi cao trên 8000m, 50 ngọn trên 7000m. Chúng được tuyết trắng quanh năm che phủ, sườn của chúng chứa đầy băng vạn niên dày hàng chục mét. Dưới chân núi là những hẻm sâu thăm thẳm và lạ thay trong những hẻm đó có những nơi vô cùng ấm áp, hoa lá xinh tươi. Dưới chân những ngọn núi đó hồ, có cả hồ nước mặn, mặt nước của chúng len lỏi vào trong những rảnh sâu của chân núi để sinh ra những bờ hồ khúc khuỷa với một sắc đẹp vô song. 

Tuyết tan trên núi vào những ngày hè tích tụ từ bao nhiêu triệu năm chảy xuống hồ Manasarova dưới chân Ngân Sơn để sinh ra con sông Yarlung Tsanpo mà ta đã biết. Con sông này chảy từ trên cao nguyên với độ cao gần 7000 mét về biển nên ta có thể hình dung nó vượt qua bao nhiêu hẻm núi sâu để về đồng bằng. Tại phía đông Tây Tạng nó chảy qua một loạt thác với một đoạn sông chỉ dài có 45km mà mất 3000m độ cao. Đó là một trong những hẻm núi nổi danh nhất thế giới, tính từ trên đỉnh núi xuống mặt nước cao trung bình trên 5000m. Từ trên núi nhìn xuống sông mà tưởng như từ trên máy bay nhìn xuống đất. Cảnh quan của hẻm núi này vượt qua cả hẻm Colca ở Peru, của sông Colorado của Mỹ. 

Xe chúng tôi chạy nhằm hướng nam, trở lại thung lũng sông Yarlung Tsangpo. Đường này là đường đi sân bay nhưng cũng chính là trục đường đi Kathmandu. Thế nhưng từ đây đến Kathmandu còn 850km và đường còn vượt nhiều ngọn đèo của Hy-mã lạp sơn nên nếu có ai đi thì phải tính mất ba ngày đường. Hôm nay chúng tôi chỉ đến Gyantse và ngày đó tôi đã biết thế nào là đường núi và sự nhọc nhằn. 

Xe chúng tôi đi là một chiếc bus nhỏ hiệu Toyota. Trên đường đi tôi sớm biết là chiếc xe này không phải là loại xe thông dụng tại Tây Tạng mà nơi đây người ta hay chở du khách đi bằng loại xe đường núi với 4500cc phân khối, thùng xe cao và động cơ vận hành cả bốn bánh. May thay chiếc Toyota đã đi đến nơi mặc dù có khi nó phải lội nước vì đường bị ngập vì suối tràn. 

Không bao lâu sau khi vượt sông Yarlung Tsangpo chúng tôi lấy một con đường nhỏ đến Gyantse, thành phố lớn thứ ba của Tây Tạng. Gyantse là thành phố được xây dựng năm 1365, là nơi giao dịch buôn bán với các nước miền nam như Nepal, Ấn Độ, nơi bán trâu Yak và lông trừu. Như thế là đường từ Lhasa đi đến Gyantse phải rộng rãi lắm, tôi tự nghĩ và sau đó thấy mình sai lầm. Đây là con đường nguy hiểm nhất mà đời tôi đã đi qua, nhưng là con đường tuyệt diệu nhất. 

Đó là con đường đi về Hy-mã lạp sơn nằm ở phía nam. Trước mặt tôi là những ngọn núi tuyết bạc trắng xóa. Xe càng lúc càng lên cao, đường càng ngày càng khúc khuỷ. Những ngọn núi khi trước mặt khi bên trái, bên mặt, khi ẩn khi hiện nhưng mỗi lần được thấy chúng, nỗi kính sợ lại trở về với tôi. Tôi nhớ mười năm về trước, tại Simla mình được thấy những ngọn này và lòng mình chấn động dữ dội. Đó là buổi bắt đầu, hôm nay hầu như là những ngày cuối cùng, ai biết được đời mình có cho phép mình đi du hành nữa, nhất là trên cao nguyên Tây Tạng này. Mười năm qua tôi đi trọn một vòng hành hương, từ tứ động tâm ở Ấn Độ đến tứ đại danh sơn ở Trung Quốc để cuối cùng đảnh lễ vị Đức hạnh cao quí tại Jokhang. Đó là một vòng học hỏi với kinh sách tiểu thừa tại Ấn Độ đến các khái niệm rộng lớn của đại thừa của Trung Quốc và cuối cùng là những quan niệm kỳ bí của kim cương thừa tại Tây Tạng. 

Những gì tôi được thấy của mười năm qua bỗng nhiên trở lại khi những ngọn núi đầy tuyết xuất hiện trước mặt tôi. Tôi quên nỗi bực dọc về những gì đã thấy trên đường phố Lhasa, về sự hiện diện của lính tráng Trung Quốc. Tôi nhớ lại tại Simla chính mình đã tự nhủ, núi non đâu phải để con người quản lý. Trung Quốc hay Tây Tạng không có ai "quản lý" được núi non, những ngọn núi này chỉ là đỉnh của những băng sơn ẩn mật, hiện ra một chút cho người đời thấy diện mục của mình. Những ngọn núi hôm nay tôi thấy không phải là những ngọn mà tôi thấy tại Simla vì chúng cách nhau quá xa, dễ chừng cả ngàn cây số. Nhưng hề gì, tất cả những ngọn Hy-mã lạp sơn đều cao quí như nhau, đến đây là đi trọn một vòng của đời tôi. 

Đường xe chạy không hề là con đường tráng nhựa như tôi nghĩ, nó chỉ là đường đất. Tôi tự hỏi không biết mùa đông con đường này sẽ ra sao. Nhưng điều đó không làm tôi lo ngại mà những con đường đèo này không hề có gì che chắn tại những khúc quanh. Tôi ngồi cạnh cửa sổ, lạnh người nhìn xuống thấy những hẻm núi sâu hun hút, xe rớt xuống đó thì khỏi có ai sống sót. Anh lái xe cũng tay mang găng trắng, đó là thói quen của tài xế tại Trung Quốc, Tây Tạng. Thế nhưng sao không thấy anh treo hình thần bảo hộ như tài xế Ấn Độ ? 

Tôi sớm tìm những chuyện khác mà nhìn để quên cơn sợ. Trên các sườn núi nhiều đàn trâu Yak xuất hiện, chúng mang trên cổ những vòng vải vàng đỏ và chậm chạp nhai cỏ. Tiếng chuông treo cổ trâu vang xa trong tiếng động cơ của xe, thế nhưng tôi nhận ra một sự tĩnh lặng vô cùng trên cao nguyên này. Cái bao la của không gian, màu sắc rực rỡ của trời đất và sự tĩnh lặng mênh mông này phải là điều kiện tuyệt vời để con người thiền định và để mở rộng ý thức quán chiếu. Đây là chỗ con người gần trời hơn, chỗ ý thức vươn tới những tầm cảm nhận cao hơn mà thông thường ta không đạt tới. 

"Khampa", người hướng dẫn du lịch nói ngắn. Chúng tôi sớm thấy các lá phướn phất phới và những đụn đá từ từ hiện ra. Đây là đỉnh đèo đầu tiên mà chúng tôi đã vượt qua, đó là đèo Khampa, nó có cao độ 4794m. Tôi nhảy xuống xe và thấy rõ, sức mình đã yếu đi thêm vì độ cao. Đỉnh đèo này cao hơn Lhasa khoảng 1100m. Nắng sáng rực trong không khí trong vắt và gió thổi phất phới những lá phướn. Nhờ nắng nên gió không làm tôi lạnh. Những lá phướn mang lời kinh đã thổi vào không gian vô số phước lành, có lẽ đó là lý do mà tài xế không cần treo hình các vị thần bảo hộ. 

Tôi đi thêm vài bước và đứng sững lại trước một cảnh quan tuyệt diệu. Trước mắt tôi là hồ Yamdrok. Hồ xuất hiện trước mặt tôi như một lớp ngọc thạch, màu của nó là màu xanh lục sáng turquoise, nó như màu của lá chuối non sáng rực dưới ánh sáng mặt trời. Tôi đã thấy nhiều hồ nhưng các nơi đó, màu nước thường xanh dương đậm nhạt tùy chỗ. Còn màu xanh lục sáng rực này của một hồ nước thì tôi chưa hề thấy. Hồ nằm dưới chân của ngọn Nojin Kangsa cao 7223m, mặt nước xanh lục của nó mới nhìn có vẻ không thật vì màu của nó quá kỳ lạ và rực rỡ. Màu nước nổi bật lên, hầu như gần với mắt hơn còn xung quanh là núi màu xanh thẫm lại chìm xuống, rút ra xa. Cảnh quan này dường như một bức họa siêu thực hay một bức tranh của trẻ con vẽ với những màu sắc và đường nét không có thật trong thiên nhiên. 

Tôi ném một viên đá vào đụn đá theo cách chúc lành của người Tây Tạng và lên xe xuống đèo. Sung sướng thay cho tôi, sau đó xe chạy 50km nữa theo con đường sát theo bờ hồ. Mặt dù đã mệt nhưng tôi nhất định không nhắm mắt ngủ. Ai nỡ ngủ khi chạy bên cạnh hồ Yamdrok này. Đường dọc theo bờ hồ cũng là một con đường quanh co, nước hồ len lỏi vào những góc nhỏ nhất của các chân núi để đi đến đâu ta lại có một cảnh quan mới về hồ và núi, lại có một bức tranh siêu thực trước mắt. 

Hồ Yamdrok là hồ lớn thứ ba của Tây Tạng, diện tích mặt nước của nó khoảng 638 cây số vuông, nằm ở độ cao 4441m, được xem là hồ thiêng của Tây Tạng. Hồ lớn nhất là một hồ nằm ở phía bắc tên là Namtso, nước mặn, nằm ở độ cao 4718m, nằm cao nhất trên thế giới, đó cũng là một hồ thiêng. Từ Lhasa đến đó chỉ khoảng chừng 150km nhưng cả đi lẫn về cũng phải mất đến ba ngày. Tôi chưa được đến đó nhưng người ta nói đó là một trong những nơi để lại ấn tượng sâu nhất khi đi Tây Tạng. Đó là một chiếc hồ với sự tĩnh lặng "không thể tả xiết", nằm trên cao nguyên hoang dã mà sát xung quanh bờ là những ngọn núi cao sáu ngàn mét. 

Đi dọc bờ hồ Yamdrok được khoảng 50km chúng tôi đi về hướng tây và lên đèo Karo, vượt núi Nojin Kangsa. Con đường chạy sát ngọn núi hùng vĩ này đưa chúng tôi lên tới độ cao 5010m. Tới đỉnh đèo tôi xuống xe và cảm hơi thở buốt giá của ngọn núi. Trên trời, nơi đây không còn chim chóc bay lượn. Nhìn lên sườn núi, tôi khám phá những tảng băng vạn niên đã lan tới gần sát đường xe chạy. Vào đúng mùa hè nên một ít băng tan, sinh ra những dòng thác nhỏ trắng bạc chảy dọc trên sườn núi, nhìn xa như một dải lụa tinh khiết. 

Độ cao này làm tôi khó thở thực sự. Trong kính chiếu hậu của chiếc xe bus, môi tôi đã tím bầm. Tôi lê những bước mệt nhọc xung quanh chỗ xe đậu, cố hít hơi thật dài và thấy nao lòng. Đây là chốn cao nhất trên địa cầu mà tôi đã tới và có lẽ sẽ không bao giờ trở lại. Xung quanh tôi là nhiều người Tây Tạng đang tìm cách bán đồ lưu niệm cho khách du lịch, cho thuê trâu Yak để khách cỡi chơi cho biết. Tội nghiệp thay cho họ, làng của họ ở dưới chân đèo, nhưng dắt bộ trâu lên đỉnh vì du khách chỉ dừng ở đỉnh đèo. Tôi đi ra xa, chân tránh phân trâu và mắt tìm vài viên đá. Tôi bỏ được một viên đá của ngọn đèo cao nhất này vào ba-lô. Một viên khác tôi mang lại đụn đá cầu nguyện ở trên đèo, đổi lấy một viên đã nằm lâu tại đó. Cuối cùng, tôi mang được về nhà hai viên đá của núi Nojin Kangsa, trú xứ của vị thần Nojin, đó là kỷ vật của tôi từ Hy-mã lạp sơn. 
 

GYANTSE, ĐÔ THỊ TÀN TẠ 

 Sau khi qua thêm một ngọn đèo nữa, đèo Zhimi cao 4370m, chúng tôi đến Gyantse. Ngày trước nó là đô thị nối giữa Lhasa và Shigatse, ngày nay không còn đóng vai trò quan trọng sau khi một con đường khác mới được xây, chạy dọc theo thung lũng Yarlung Tsanpo, nối liền hai đô thị nói trên. Thế nhưng Gyantse là thủ phủ một thời thịnh trị, số phận của nó liên hệ mật thiết đến phái Tát-ca(Sakyapa). Gyantse một thời lại là một trung tâm thương mại của Tây Tạng và cũng vì thế mà Gyantse bị người Anh tiến hành một cuộc xâm lược đổ máu vào năm 1904. 
Ngày nay Gyantse là một đô thị buồn tẻ và đầy bụi bặm. Khách đến đây là để đi thăm tu viện Palkhor và ngôi đền Kumbum, man-đa-la vĩ đại ba chiều. 

Palkhor là một đại tu viện nằm trên sườn một ngọn đồi mà chạy dọc trên đỉnh đồi là một bức tường thành chạy dài bao bọc xung quanh. Tôi nhớ đến Vương Xá tại Ấn Độ và biết rằng người xây dựng Palkhor ngày xưa có ý định biến đây là một đô thị riêng biệt của tu viện. Quả thật như thế, ngày xưa đây là một tổng thể gồm 16 tu viện. Cách mạng văn hóa đã đưa những hồng vệ binh trẻ tuổi lên đây và phá hủy hầu hết các công trình. Ngày nay đến đây du khách khó mà ngờ ngày xưa đây là chỗ tập hợp của rất nhiều tăng sĩ, và quan trọng nhất đây là chỗ mà ba giáo phái Tây Tạng cùng nhau tu học. Đã đến lúc tôi phải xem lại lịch sử của bốn giáo phái lớn của Tây Tạng, đó là Ca-nhĩ-cư, Ninh-mã, Tát-ca và Cách-lỗ. 

Như trong một chương trước đã nhắc tới, giáo phái Ca-nhĩ-cư được Marpa truyền qua Tây Tạng khoảng thế kỷ thứ 11. Giáo pháp này bắt nguồn từ Phổ Hiền. Phổ Hiền trong Ca-nhĩ-cư không phải là bồ tát Phổ Hiền trong Phật giáo Trung Quốc mà là hóa thân của Pháp thân. Phổ Hiền truyền cho Tilopa và Tilopa truyền cho Naropa. Marpa, học trò của Naropa, lĩnh hội phép Đại thủ ấn và Du-già lục pháp tại vùng đất thiêng Bihar Ấn Độ. Giáo pháp này chú trọng đến phép truyền tâm, trực tiếp từ đạo sư đến học trò. Ngày nay phái Ca-nhĩ-cư vẫn còn tồn tại với tên Drukpa-Kagyu và Drigung-Kagyu. 

Phái thứ hai là Ninh-mã (Nyingmapa), được xem là phái cổ nhất Tây Tạng. Phái này thống nhất truyền thống tu tập của Liên Hoa Sinh và của các tăng sĩ có tiếng khác như Vimalamitra và Vairocana. Phái Ninh-mã có những bí pháp quan trọng như Đại Du-già (Maha-Yoga), A-nậu du-già (Anu-Yoga) và A-tì du-già (Ati-Yoga), Đại cứu kính (Dzogchen). Hiện nay phép Đại cứu kính được một số lạt-ma truyền bá tại phương tây. 

Phái thứ ba là Tát-ca mà tên Tây Tạng là Sakya. Sakya nghe ra gần giống với Sakyamuni (Thích-ca mâu ni) nhưng thực ra không liên quan gì cả. Sakya trong Tạng ngữ có nghĩa "đất xám", đất chưa được cày bừa canh tác. Phái này được thành lập từ năm 1073, đó là năm mà đền Sakya nổi tiếng được xây dựng, theo khải thị của A-đề-sa. Phái này nổi tiếng là nghiên cứu kinh sách nghiêm túc, biện luận xuất sắc. Người luận giải quan trọng nhất có lẽ là Buton (1290-1364), kẻ đã xếp đặt hệ thống kinh điển của Tây Tạng lại có thứ tự trong hai đại tạng Kanjur và Tanjur. Kanjur và Tanjur được tất cả các giáo phái của Tây Tạng thừa nhận là chính qui và có thẩm quyền chung. 

Buton lập ra hẳn một bộ phái tên là Shalupa. Phái Tát-ca lại có thêm một yếu tố nữa là liên hệ đến chính trị và triều đình Mông Cổ. Như ta đã biết, nhà vua Mông Cổ Hốt Tất Liệt hậu đãi một vị tăng sĩ Tây Tạng như thần tiên, đó chính là Phát-tư-ba(Phagpa ,1235-1280), một vị sư trưởng của phái Tát-ca. Hốt Tất Liệt phong cho trường phái Tát-ca là kẻ nắm quyền Tây Tạng, điều đó xảy ra khoảng cuối thế kỷ thứ 13, đầu 14. Chế độ tăng lữ có thể được xem bắt đầu từ đây và đó là thời gian mà Gyantse được xây dựng, nó được xem là thủ phủ của Tây Tạng suốt một thời gian khoảng 80 năm. Tát-ca đóng vai trò quan trọng trong các thế kỷ sau và ảnh hưởng lên cả Tông-khách-ba, người ra đời năm 1357 và cũng là người sáng lập ra phái thứ tư, phái Cách-lỗ. 

Đại sư Tông-khách-ba được gọi là "nhà cải cách" vì là người soát xét lại toàn bộ kinh điển và tổng kết thành quả của mình trong hai bộ luận chính: Bồ-đề đạo thứ đệ (Lamrim Chenmo) và Chân ngôn đạo thứ đeä (Ngagrim Chenmo). Phái Cách-lỗ do Tông-khách-ba sáng lập sau này và vì thế mà có tên "tân phái" trong lúc ba phái kia được gọi là "cựu phái". Tăng sĩ phái Cách-lỗ đội mũ vàng như Tông-khách-ba, chú trọng đến Luật tạng và giữ giới luật nghiêm minh. Phép tu quan trọng của Cách-lỗ là cân đối giữa Chỉ và Quán để đạt Định, phát triển trí huệ và bồ-đề tâm. Như ta biết các vị tăng sĩ trong dòng Đạt-lai và Ban-thiền đều thuộc phái Cách-lỗ và kể từ cuối thế kỷ thứ 16, các vị Đạt-lai nắm quyền chính trị trong tay, tương tự như các vị Tát-ca trong cuối thế kỷ 13. 

Bốn tông phái nói trên của Tây Tạng thật ra rất gần nhau về mặt lý thuyết cơ bản, họ tôn trọng và học hỏi lẫn nhau. Cái khác của họ phần lớn là xuất phát từ những dòng truyền tâm, từ những quan hệ riêng biệt giữa thầy trò, rất đặc trưng của Kim Cương thừa. Thật ra tính đa nguyên tôn giáo đã có truyền thống lâu dài tại Tây Tạng. Cụ thể là khi Hốt Tất Liệt đề nghị với Phát-tư-ba hãy cấm các tông phái khác hoạt động thì Phát-tư-ba đã từ chối yêu cầu độc đoán đó, cho rằng điều đó không phù hợp với "Pháp". Bản thân Tông-khách-ba cũng học tập với các vị sư trưởng của phái Tát-ca. Vị Đạt-lai thứ năm, thuộc dòng Cách-lỗ nhưng rất gần với phái Ninh-mã. Đó là những biểu hiện sinh động của lòng kính trọng lẫn nhau của các giáo phái. 

Vì thế tại Gyantse, trong tổng thể Palkhor ta có ba tu viện của Shalupa, bốn của Tát-ca và chín của Cách-lỗ. Đặc biệt ta tìm thấy chính điện rất lớn dành chung cho tất cả các môn phái với rất nhiều khám thờ, được xây dựng năm 1418. 

Tôi vào chính điện, đi ngang trước những ngọn đèn mỡ trâu. Trên bàn thờ là từng nhóm bảy chén nước theo cách cúng dường của người Tây Tạng, được xếp chỉnh tề. Một người phụ nữ còn trẻ đang châm dầu vào đèn để ánh sáng không bao giờ tắt, đó là loại mỡ trâu do họ tự mình chọn lựa và đi bộ đường xa đem tới tu viện. Đó là điều duy nhất mà những người nghèo khổ Tây Tạng có thể cúng dường các bậc giác ngộ. 

Lòng ân cần của họ đối với "Pháp" được thể hiện giản đơn như thế nhưng nó quí hơn hành động của những kẻ bố thí hàng trăm lần nhiều hơn về vật chất nhưng tâm thiếu tỉnh giác, lòng không rộng mở. Ra khỏi Lhasa, tôi càng mới thấy rõ nước Tây Tạng rất nghèo, người dân không có gì hơn ngoài một niềm tin tôn giáo mãnh liệt, một sự tự dâng hiến trọn vẹn. Ở trong mọi tu viện, nơi đâu tôi cũng thấy những người tự nguyện đi châm dầu cho đèn được sáng mãi, thay nước cho bàn thờ luôn luôn được thanh tịnh. Tại đô thị Gyantse đang tàn tạ này, trong tu viện Palkhor đã bị cách mạng văn hóa phá hoại nặng nề này, vẫn không bao giờ thiếu niềm tin đó. 
 

KUMBUM, MAN-ĐA-LA VĨ ĐẠI 

Gyantse còn có một công trình mà không nơi nào trong cao nguyên mênh mông Tây Tạng có được, đó là đền Kumbum, man-đa-la ba chiều vĩ đại. Đền Kumbum nằm bên cạnh Palkhor, có lẽ đây chính là công trình xây dựng thu hút được một ít du khách đến Gyantse. Liệu họ có biết ý nghĩa của ngôi đền Kumbum này không ? 

Đền này được xây dựng năm 1436 gồm có 9 tầng, 108 cửa và 77 khám thờ. Toàn bộ đền có khoảng 100.000 hình tượng Phật, Bồ-tát, hộ pháp..., nên nó được mệnh danh là "đền thập vạn Phật". Đền được nghệ nhân Tây Tạng và Nepal xây dựng, nhìn từ xa người ta thấy cặp mắt Phật, vẽ theo kiểu Nepal. Sở dĩ đền này được gọi là man-đa-la ba chiều vì nó biểu diễn quan niệm về vũ trụ của Phật Giáo Tây Tạng. Theo Govinda [18] , các đền thờ Tây Tạng đều có năm phần, tượng trưng cho năm yếu tố xây dựng nên vũ trụ. 

Phần dưới của đền hình khối, tượng trưng cho yếu tố "đất", bền vững, ổn định. Đó là yếu tố của các chất đặc, nặng, là nền móng của mọi sắc hình. Trên hình khối là hình cầu, có khi hình bán cầu. Hình cầu tượng trưng cho yếu tố "nước", sự luân chuyển, sự di động. Ngược lại với đất, nước có tính bất định và trôi chảy. Trên hình cầu là một hình nón cụt. Hình nón cụt tượng trưng cho "lửa", dáng của nó giống ngọn lửa hướng về phía trên. Trên hình nón cụt là những dĩa, mặt dĩa ngửa về phía trên, nhìn ngang giống như hình bán cầu. Những dĩa tròn này tượng trưng cho "gió" hay không gian. Cuối cùng nằm trên tất cả là một chấm tròn hình nhọn như lửa tượng trưng cho "thức". 

Thức chỉ là một chấm, khác với bốn yếu tố khác, nó không có kích thước. Thức chứa đựng tất cả mà không bị hạn chế trong dạng hình nào cả. Thức được biểu diễn bởi một chấm không có kích thước vì nó là giao điểm giữa tầng mức vật chất với một mức độ khác mà ta gọi là tâm linh. 
 

Từ xa đền Kumbum cho thấy nó được xây dựng theo kiến trúc nói trên. Hình khối phía dưới có năm tầng sơn trắng. Phần hình cầu tượng trưng cho yếu tố nước được xây bằng hình ống tròn với bốn cửa sổ. Phần trên là mái điện thếp vàng với bốn cặp mắt Phật nhìn ra bốn phía. Tôi đi vào đền và biết trước mình sẽ không đủ dức tham bái hết 77 khám thờ, mà bản thân mỗi khám thờ lại là một man-đa-la. 

Người nước ngoài vào thăm đền hẳn sẽ lạc lối với hàng chục ngàn tranh tượng Phật, mỗi vị có một chút khác biệt. Đối với họ chỉ có một vị Phật lịch sử Thích-ca mâu-ni. Phật tử tiểu thừa hay cả đại thừa, trong số đó có tôi, cũng không dễ hiểu tất cả tranh tượng ở đây. Thế nhưng nếu ta hiểu rằng, hệ thống "ba thân" - Pháp thân, Báo thân và Ứng thân - trong Kim cương thừa đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong triết lý về vũ trụ của Phật Giáo Tây Tạng, ta có thể hiểu các tranh tượng và man-đa-la trong đền Kumbum đều được xếp đặt có thứ tự. Cho nên, bên cạnh quan niệm "năm yếu tố" trong công trình Kumbum đã nói ở trên, ta cần hiểu đền này diễn tả thêm ba dạng xuất hiện của Phật tính trong ba thân, Ứng thân, Báo thân và Pháp thân. Đó là lý do mà các sách vở ghi rằng, đi một vòng Kumbum từ dưới lên trên là đi một vòng, từ vòng tử sinh luân hồi đến Niết-bàn. 

Các tầng dưới cùng của điện Kumbum diễn tả hình tướng các vị Phật và Bồ-tát trong dạng Ứng Thân, đó là các vị đã sống thật trên trái đất này như Thích-ca mâu-ni và các đệ tử của Ngài. Người ta có thể nhận ra điều đó qua áo quần, bình bát, cây bồ-đề...Các bức bích họa diễn tả đời sống của Ngài cách đây 2500 năm. Kể cả các tiền kiếp của Phật cũng được xếp vài loại Ứng thân. 
 

Trên những tầng cao hơn là dạng Báo thân của Phật. Đó là những hình tượng diễn tả các vị giác ngộ trong một thế giới khác, trong các cõi Tịnh độ. Đó là hình ảnh của Phật trong kinh Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa với vô số hào quang và bảo vật. Quan trọng nhất, trong dạng Báo thân, các vị Phật xuất hiện thông qua những "mẫu hình cơ bản" [19] của vũ trụ. Đó là năm dạng cơ bản của tâm thức. Vũ trụ quan của Kim cương thừa quan niệm mọi hiện tượng tâm vật trong thế gian đều được xếp thành năm "họ" mà đứng đầu năm họ đó là năm vị Ngũ phương Phật. Nơi đây ta gặp hình tướng năm vị Phật mà đại thừa ít nhắc tới, đó là các vị Đại Nhật, Bất Động, Bảo Sinh, A-di-đà và Bất Không Thành Tựu. 

Các dạng này cần được hiểu như năm khía cạnh của Phật tính, năm dạng này cũng như những màu của ánh sáng mặt trời bị tách ra khi đi qua một lăng kính. Năm vị Ngũ phương Phật đó vì thế cũng có năm màu sắc khác nhau. Lý do là màu sắc cũng như các loại hình cơ bản khác như năm hướng, ngũ uẩn, năm trí, năm yếu tố (nói trong chương trước) đều được xếp trong các họ đó. Quan niệm về các mẫu hình cơ bản là hết sức sâu sắc và đóng vai trò quan trọng trong nền tâm lý học hiện đại. 

Trên tầng cao hơn của Báo thân là dạng Pháp thân với các hình tượng các vị A-đề Phật (Adibuddha) hay Bản sơ Phật. Pháp thân thường được hình dung như một cái gì vô hình vô tướng, không biến hoại. Thế nhưng đối với Kim cương thừa, Pháp thân có thể hóa hiện thành các vị A-đề Phật để giáo hóa mà phái Ninh-mã gọi là Phổ Hiền, phái Cam-đan gọi là Kim cương tát-đỏa (Vajrasattva) , phái Cách-lỗ gọi là Kim cương trì (Vajradhara) . Trên tầng cao nhất của Kumbum ta thấy một bức tranh trình bày Kim cương trì. 

Đi từ dưới lên trên là đi xuyên qua tất cả mọi dạng của đời sống, từ thực tại lịch sử trên mặt địa cầu mà ai cũng thừa nhận, đến các tầng Báo thân mà chỉ có "cặp mắt thiện nghiệp hi hữu" [20] mới thấy được và cuối cùng là Pháp thân, thực tại tuyệt đối tối hậu vượt lên thực tại qui ước, nằm ngoài mọi tri chứng. 

Tôi thở nặng nề leo lên những cấp bậc cuối cùng của Pháp thân, bước ra ngoài bao lơn và đứng trên chóp đỉnh của Kumbum nhìn ra bốn phía. Gyantse nằm trên độ cao gần 4000m, cao hơn Lhasa khoảng hơn 300m. Gyantse đã cao mà từ chân đền lên đây ta phải leo 32m nữa. Khoảng cách đó là đoạn đường vô tận từ đời làm người cho đến Niết-bàn mà ngay cả đức Thích-ca cũng tu học qua "vô lượng kiếp". Từ trên đỉnh Kumbum ta lại thấy xung quanh là mênh mông những ngọn núi mà bản thân Gyantse lại chỉ là thung lũng của sông Nyang Chu. Phía dưới chân tôi là đời làm người với bụi và cát. Từ trên này tôi có thể thấy xe của du khách đang đậu chờ chúng tôi và nhiều người Tây Tạng đang vây quanh bán đồ lưu niệm và xin tiền. Tôi nhìn quanh và chợt thấy mình có lẽ là những người ít ỏi trong đoàn lên tới đỉnh của Pháp thân, những người khác xem ra không ai muốn leo vì quá nhọc mệt. 

Tôi không thể ở lâu trong dạng Pháp thân. Chờ cho hơi thở trở lại bình thường, tôi lại leo xuống, thế nhân đang chờ tôi. 
 

SHIGATSE VÀ DÒNG BAN-THIỀN LẠT-MA 

Nhìn bản đồ, ta thấy Gyantse quả thật là ngã tư của nhiều con đường lữ khách. Cách Gyantse khoảng 300km về phía nam là Gangtok, thủ đô nước Sikkim. Từ Gyantse ta chỉ đi về phía tây thêm 100km là đến Shigatse, đô thị lớn thứ hai của Tây Tạng. Từ Shigatse mà đi về hướng tây nam thêm khoảng 500km là đến Kathmandu, thủ đô Nepal. Mấy năm về trước tại Kathmandu tôi đã ngắm đường đi Tây Tạng, nào ngờ hôm nay tôi đứng trên đất Tây Tạng nhìn về Nepal. 

Thế nhưng hướng về miền tây Tây Tạng, lòng tôi rộn rã không vì gì khác mà chỉ vì Ngân sơn [21], nó còn cách Gyantse chỗ tôi đang đứng đến hơn 850km, chỗ đó là niềm mơ ước nhiều năm nay của tôi. Tôi mơ ngày đến Ngân sơn lúc đứng tại cao nguyên Simla tại Ấn Độ mười năm về trước. Đến Ngân sơn là đến núi Tu-di trên địa cầu. Đến Ngân sơn là thăm trú xứ của thánh thần, là đến nơi sinh ra các sông thiêng như sông Hằng của Ấn Độ, như sông Yarlung Tsangpo của Tây Tạng. Nếu đến được đó tôi sẽ đi thêm khoảng 200km nữa là đến Tsaparang, kinh đô tàn tạ của vương quốc Guge. Người ta không thể được tất cả, phải chăng phải còn một chỗ chưa đạt tới để lòng còn mơ ước, tôi tự nhủ. 

Đường từ Gyantse tới Shigatse là một con đường đi qua một cao nguyên xanh tươi nằm trên độ cao 4000m, chạy dọc theo con sông Nyang Chu. Nyang Chu chỉ là một con sông nhỏ, nước trong xanh. Tây Tạng là xứ thưa dân, xe chạy cứ cả vài chục cây số mới thấy xuất hiện làng mạc ruộng đồng. Thỉnh thoảng vài tu viện đổ nát hay phế tích nằm cao trên đỉnh đồi hiện ra như một tiếng gọi trầm mặc vang vọng từ quá khứ. Đâu phải chỉ vương quốc Guge, tất cả các triều đại của Tây Tạng đều đang tàn tạ. 

Khoảng 20km trước khi đến Shigatse ta có thể thấy tu viện Shalu. Tu viện này mới đầu được xây năm 1040, có kiến trúc hỗn hợp của người Hán và Tây Tạng. Ngày nay ta còn thấy mái của tu viện được lợp bằng một thứ ngói có tráng men xanh của đời nhà Nguyên, đó loại ngói ta hay thấy tại các chùa của Trung Quốc. Ngói này cũng là loại ngói tráng men của các cung điện xứ Huế. Dưới mái ngói này của tu viện Shalu thuộc phái Tát-ca, Buton đã tu học và kết tập kinh điển thành các bộ Kanjur và Tanjur. Trong tu viện Shalu này Buton cũng đã lấy tên của tu viện mà sáng lập ra bộ phái Shalupa. 

Xe đến Shigatse lúc trời đã tối. Đây là đô thị lớn thứ hai sau Lhasa và bộ mặt của nó đang dần dần biến thành một thành phố nhỏ của Trung Quốc với các sạp hàng với cửa cuốn bằng kim loại. Lại những cơ quan nhà nước với hai người lính bồng súng trước cửa. Cách đó không xa là các tiệm ăn, trước mỗi tiệm cũng có hai người Hán, nhưng là hai cô gái đứng trước cửa mời chào chúng tôi. 

Shigatse đã được xây dựng trên một độ cao 3900m khoảng trong thế kỷ thứ 13. Shigatse có một tu viện nổi tiếng, đó là Tashilhunpo, nó được kiến lập năm 1447. Tu viện này do các đệ tử của Tông-khách-ba trụ trì. Nó nổi tiếng ở chỗ các sư trưởng đầu tiên của nó chính là vị Đạt-lai thứ nhất và thứ hai và các vị sư trưởng thừa kế được gọi là Ban-thiền lạt-ma. Khi vị Đạt-lai thứ năm lên ngôi thì vị thầy của ông tên là Choki Gyeltshen (1475-1542) được phong làm Ban-thiền đời thứ tư. 

Vì Đạt-lai là hiện thân của Quán Thế Âm nên Ban-thiền, thầy của Đạt-lai được xem là hiện thân của A-di-đà. Các vị Đạt-lai và Ban-thiền được xem là đời đời làm thầy trò của nhau, vị này ấn chứng cho vị kia khi một vị được khám phá là mới tái sinh. Potala là cung điện của dòng Đạt-lai và Tashilhunpo là tu viện của dòng Ban-thiền. Hai dòng đều có trách nhiệm giáo hóa của mình nhưng công việc chính sự chỉ do các vị Đạt-lai nắm giữ. Thế nhưng trong thế kỷ hai mươi, với sự có mặt của Trung Quốc, vấn đề không còn đơn giản như thế. 

Tôi đến tu viện Tashilhunpo, từ xa đã thấy mái điện mạ vàng sáng rực. Điện có nhiều công trình, được bao bọc xung quanh bởi một lớp tường thành mà tín đồ Tây Tạng nào cũng đi một vòng trước khi bước vào. Toàn thể công trình của điện chiếm một diện tích 150.000 mét vuông. Điện được xây dựng để thờ Di-lặc, vị Phật tương lai và vì thế trong chính điện ta thấy ngay bức tượng vĩ đại của Ngài với chiều cao 27m, đúc toàn bằng đồng. Tôi yêu tượng Di-lặc của Tây Tạng hơn cách trình bày Ngài của Trung Quốc. Mỗi lần đến đảnh lễ tượng Di-lặc của Tây Tạng tôi đều nhìn lên để thấy cặp mắt xanh biếc đầy trí tuệ của Ngài. 

Tôi nhớ Ung Hòa cung tại Bắc Kinh với bức tượng Di-lặc cao 18m đẽo từ một cây gỗ trầm hương. Nơi đó Ngài đã nhắc tôi "không có gì được thành tựu hết". Đó là cách nói của Ngài mà ngày nay ta sẽ nói một cách hiện đại là "không có gì tồn tại trên cơ sở tự tính cả" [22] . Bức tượng tại Tashilhunpo cao hơn tại Ung Hoà cung, cặp mắt Ngài vẫn xanh biếc, hình như nhìn ngắm những gì diễn ra tại Shigatse lịch sử này một cách bí ẩn và hóm hỉnh. Vì rằng những gì xảy ra tại Shigatse cũng chẳng có tự tính, tất cả đều dựa lên nhau mà thành. 

Điều gì đã xảy ra tại Shigatse và Tashilhungpo ? Đã từ lâu Trung Quốc tìm cách chia rẻ hai dòng Đạt-lai và Ban-thiền. Khoảng năm 1924 Đạt-lai thứ 13 và Ban-thiền thứ 9 có mâu thuẫn với nhau, kể từ khoảng thời gian đó ta có thể nói Ban-thiền chủ trương thân Trung Quốc, còn quan điểm của Đạt-lai là duy trì và phục hồi nền độc lập chính trị của Tây Tạng. Khi Trung Quốc tiến quân vào Tây Tạng và Đạt-lai thứ 14 lưu vong đi Ấn Độ năm 1959 thì sau đó vị Ban-thiền thứ 10 cũng bị giam lỏng tại Bắc Kinh. Đến năm 1978 Bắc Kinh bỗng nhiên tôn vị Ban-thiền lên làm phó chủ tịch Quốc hội. 

Mưu kế đó không mới mẻ cho lắm, chẳng qua là một biện pháp chính trị để giữ "mặt trận đoàn kết dân tộc". Tháng giêng năm 1989, Ban-thiền được về lại Shigatse, đến tu viện Tashilhunpo để làm lễ tế tự cho tháp mới xây của các vị Ban-thiền từ thứ 5 đến thứ 9. Trong buổi lễ đó, bỗng nhiên Ban-thiền thứ 10 chết, lúc đó ông mới 51 tuổi. Ông ít khi được về lại Tashilhunpo, nay về lại tu viện của mình sau khi bị giam lỏng và chết ngay tại lúc tế tự các tiền thân của chính mình. Bí ẩn thay cái chết của ông. Về mặt chính thức thì ông chết vì bịnh tim, nhưng ai biết được điều gì đã xảy ra. 

Ngày nay tại Tashilhunpo khách có thể đi thăm tháp thờ di cốt hai vị Đạt-lai thứ nhất và thứ hai, tháp của các vị Ban-thiền thứ 5 đến thứ 9. Và kể từ khoảng 10 năm nay có thêm tháp của vị Ban-thiền thứ 10 mà hình chụp của ông cho thấy là một người thông thái và khỏe mạnh. Dưới chân Di-lặc bao nhiêu điều đã xảy ra, hẳn chỉ có Ngài mới biết rõ. Đối với Di-lặc, cái chết hiển nhiên không phải là sự chấm dứt. Còn đối với tôi, cái chết bí ẩn của Ban-thiền chỉ lập lại thêm một lần nữa, là Phật giáo hãy xa rời triều đình và quyền lực, hãy bỏ lại đằng sau "tám bận tâm thế gian" [23] . 

Sau khi Ban-thiền thứ 10 chết, dĩ nhiên người ta đi tìm thân tái sinh của ông. Theo nguồn tin chưa chính xác, vị Đại-lai hiện nay đã xác định một thiếu niên sinh đầu những năm 90 là hậu thân của ông. Thế nhưng không ai tiết lộ thiếu niên này hiện đang ở đâu vì lý do an ninh. Còn những người lãnh đạo Bắc Kinh cũng tuyên bố đã tìm ra hậu thân của Ban-thiền thứ 10. Buồn cười thay, họ đâu tin có sự tái sinh mà phải cất công đi tìm và ngày ngày phải lo cung dưỡng vị đó tại Bắc Kinh. Ngày nay tại Tashilhunpo hình của thiếu niên đó do Bắc Kinh "ấn chứng" được thờ như Ban-thiền thứ 11. Hỡi Di-lặc, cái nhìn của Ngài có gì bí ẩn và hóm hỉnh ? 
 

DỌC SÔNG YARLUNG TSANGPO 

 Tôi hiểu tâm trạng của nhiều người Tây Tạng khi họ không muốn rời miền cao nguyên của họ để xuống đồng bằng. Và tôi cũng thể hiểu tại sao bà Alexandra David-Néel lúc tuổi đã 75 mà vẫn còn đi Tây Tạng lần thứ ba. Vì lẽ gì mà xứ Tây Tạng quyến rũ con người đến thế ? 

Xe chạy dọc theo Yarlung Tsangpo, từ Shigatse về lại Lhasa. Đây là con đường mới, được gọi là "new road", tôi đang từ giã hướng tây để trở lại phương đông. Tôi ngoái nhìn lại lần cuối hướng tây, nơi Ngân sơn đang ngự trị, nơi vương quốc Guge đang chờ tôi. 

Tôi đã biết đoạn sông Tsangpo miền đông nam Lhasa, nơi mà các nhà vua Tây Tạng đã một thời xây dựng. Giờ đây tôi sẽ chạy khoảng trên 350km theo Tsangpo và xem con sông này sẽ biến dạng thế nào trên cao nguyên trùng điệp những đá này. Tôi sẽ không thể đi hết mấy ngàn cây số dọc Tsangpo được vì con sông này hiểm trở thế nào ta đã biết, nhưng cũng vì Tây Tạng đất rộng người thưa, người đi trên đường còn không có, làm gì có thuyền đi trên sông. Thật vậy, tôi không thấy một bóng thuyền nào cả trên con sông này, kể cả trong những đoạn sông hết sức hiền hòa. 

Tôi nhớ đến Trường Giang của Trung Quốc và chợt thấy mình so sánh sai lầm. Người Trung Quốc đông đến mức họ phải sống trên sông hồ, còn tại Tây Tạng, thiên nhiên quá hào phóng, đất đai quá bát ngát, con người lẫn dê trừu chỉ là một chấm nhỏ trong cảnh quan vô tận. Đó là chưa kể thung lũng Yarlung Tsangpo tương đối đông dân, còn những nơi khác như miền bắc, miền đông Tây Tạng thì sự tĩnh lặng là âm thanh ngự trị thế giới. Cảnh quan vô tận, màu sắc rực rỡ trong một sự tĩnh lặng đến nao lòng, không có nơi nào trên thế giới ta có thể tìm thấy sự tương tự. Đó phải là ấn tượng ai ai cũng có khi đến Tây Tạng. 

Có người dừng lại ở những ấn tượng đó và vội tìm những cảm giác quen thuộc để tâm tư bớt hoảng sợ vì sự xa lạ. Nhưng cũng có người sớm thấy rằng cảnh quan thiên nhiên bao la đó không làm ta lo sợ hay bơ vơ mà dường như trời đất đến gần với ta hơn, thân tình hơn. Đi thêm một bước, cảnh quan, màu sắc và sự tĩnh lặng, đó là con đường dẫn ta đến một cánh cửa. Con đường đó không hề giản đơn và ngắn ngủi, nó có thể rất dài và vì ta chưa đến nơi để mở cửa nên không mấy ai biết nó dài bao nhiêu. 

Đó là cánh cửa của tâm linh, của ý thức được nâng lên và mở rộng. Tôi đoán như thế thôi vì mình chưa hề đi được xa. Thế nhưng tôi biết, thiên nhiên rộng mở làm ý thức ta lan tỏa. Màu sắc rực rỡ và thuần tịnh cho ta sớm biết, màu sắc chính là những "mẫu hình nguyên thủy", những cánh cửa trực tiếp dẫn vào sự chứng nghiệm. Sự tĩnh lặng đang ngự trị chỉ kéo ta về với nhận thức rằng tất cả âm thanh đều là sự nhảy múa vô thường trên nền tảng bất di bất dịch này. 

Thế nên cảnh quan thiên nhiên tuyệt diệu của Tây Tạng không chỉ làm hứng khởi tầm nghe nhìn của chúng ta vốn thường bị mây mù, khói đục và tiếng ồn che phủ. Nó tích cực hơn, nó dẫn đường mở lối cho nhận thức và ý niệm về cái miên viễn đang hiện hình trước mắt ta. Tâm ta biết rằng cái miên viễn không phải đi tìm đâu xa, nó nằm ngay trước mắt, nó hiện diện ngay trong lòng, chỉ mắt vướng bụi nên không thấy nó, chỉ lòng chưa tỉnh nên không nhận ra nó. Nhưng cái miên viễn cũng không phải trần trụi sờ sờ ra đó để ai cũng có thể ngắm nghía mà muốn tới với nó phải đi hết đoạn đường phi hữu phi không, phải tự tay mở cánh cửa vô môn, phải nghe được thứ tiếng không lời, phải vào chốn ẩn mật chỉ dành cho những người biết dâng hết tâm ý, biết buông rơi chính mình. Cảnh quan Tây Tạng là bước khởi đầu, không phải là đoạn kết thúc. 

Con đường gọi là "new road" này nhìn trên bản đồ tưởng như xa lộ nhưng thực ra chỉ là một con đường nhỏ chạy dọc theo thung lũng Yarlung. Xe chạy khi gần khi xa mặt sông. Có khi xe phải lội nước vì có một con suối nào do băng tan sinh ra, chảy từ sườn Hy-mã ngang nhiên băng qua đường lộ để xuống sông Yarlung Tsangpo. Có đoạn thung lũng hẹp lại, đường phải chạy trên sườn núi, dưới là sông. Và cũng có khi đường chạy trên núi cao và dưới kia là hẻm núi, sông Yarlung Tsangpo bây giờ nằm xa tít phía dưới như một giải lụa màu ngọc thạch. Dưới kia chính là những "hiệp", chúng đẹp hơn, sâu hơn, hiểm yếu hơn cả Trường Giang tam hiệp mà tôi từng biết. 

Thế nhưng tại sao những hẻm núi này không hề nổi tiếng ? Có lẽ vì con người ít tới đây quá, so gì được với dân Trung Quốc ở Trường Giang. Những "hiệp" này thật ra là rất đẹp nhưng cảnh quan ở Tây Tạng ở đâu cũng vô song, đó là lý do chúng không nổi tiếng. Nhưng tại sao chúng phải nổi tiếng, cảnh quan thiên nhiên đâu phải để con người thừa nhận và khen tặng. Thiên nhiên quá cao quí và con người bé nhỏ biết bao. 

Xe dừng ở một thị trấn nhỏ tên là Tadruka, chúng tôi xuống ăn trưa. Tadruka làm tôi nhớ những thị trấn trên quốc lộ số 1 của Việt Nam, nó là chỗ ăn uống dọc đường cho lữ khách. Thị trấn nằm bên sông Yarlung Tsangpo, phía trên là đường xe chạy, phía dưới là bến phà qua bên bờ bắc của sông. Chủ quán rõ là một phụ nữ trẻ người Hán, chị có nước da sáng trắng khác hẳn người Tây Tạng. Chị mừng quýnh khi thấy khách vô cả loạt và thú thật với chúng tôi là phải chạy đi mua thức ăn. Chúng tôi có thì giờ, người hướng dẫn đoàn nói. Chồng chị là một người Tây Tạng, anh lo làm bếp. 

Chúng tôi tự nhiên vào bếp xem anh nấu nướng. Anh là người Tây Tạng nhưng lại nấu theo kiểu Trung Quốc, chắc học cách làm bếp của vợ. Chỉ với một cái nồi đáy tròn mà anh diệt gọn tất cả các món, chay mặn đều có, rau thịt không thiếu. Từ chiếc nồi đó mà anh đem thức ăn bốc khói ngùn ngụt thẳng lên bàn, trưa hôm đó chúng tôi có một bữa ăn ngon lành hiếm có. Những người dân giã chân chất biết bao, người dân Hán hay Tạng có bao giờ chống nhau, họ là những hình ảnh đẹp của con người sống thân ái và hạnh phúc. Ở đâu cũng thế, thời nào cũng thế, những xung đột giữa các quốc gia, giữa các bộ tộc, giữa các giáo phái đều do tham vọng quyền lực của những người lãnh đạo. 

Từ tiệm ăn này mà nhìn qua sông tôi lại thấy thăm thẳm những cao nguyên và núi đá, không có một bóng người, dưới sông không thấy ai qua phà. Mặc dù tiệm ăn ồn ào tiếng cười nói nhưng sự tĩnh lặng vẫn trùm khắp, hầu như tiếng ồn vội tắt ngay trong không gian bao la này. 

Không gian bao la và tĩnh lặng nhưng không hề là sự chết vì màu sắc nơi đây quá sống động. Những màu sắc rực rỡ này làm ta nghĩ đến màu các vị Phật trong dạng Báo thân. Tôi chợt nhớ tại Tây Tạng, màu sắc là phương tiện để tạo linh ảnh, là cách để đi vào những tầng tâm thức ẩn mật. Sắc đỏ là tượng trưng lòng từ bi. Sắc lục tượng trưng cho sự an lạc, lòng vô úy, sự xả bỏ. Sắc vàng là màu của ánh mặt trời, là sự tăng trưởng, lớn mạnh, sự già giặn sung mãn. Sắc xanh là màu của tri kiến, của đại trí, của không gian mênh mông. Những màu sắc thuần tịnh này hầu như nhấc ta khỏi thế giới của Ứng thân để đi vào Báo thân. 

Vì những lẽ đó mà Phật giáo Tây Tạng hay vận dụng phép tạo linh ảnh. Đối với người Tây Tạng, việc vận dụng linh ảnh để biết trước những chuyện xảy ra trong tương lai, để biết chuyện cách xa vạn dặm xem ra bình thường, họ không cho đó là cái gì huyền bí. Cảnh quan và màu sắc trên cao nguyên này hầu như nằm giữa dạng Ứng thân và Báo thân, con người sống trên đây hầu như thường xuyên qua lại giữa những tầng tâm thức. 

Cái miên viễn tuyệt diệu mà người thường như tôi cảm thấy tại Tây Tạng phải chăng là mùi vị đầu của một cái mà ta nói chữ là "Pháp thân" ? Tôi thì không bao giờ nghĩ mình sẽ chứng được cái đó, thật ra tôi cũng chưa bao giờ muốn. Thế nhưng nếu người-đồng-bằng tại Trung Quốc hay Việt Nam hình dung về Pháp thân một cách hết sức xa xôi và trừu tượng thì xem ra Phật Giáo Tây Tạng nói về nó một cách khá cụ thể. Họ xem Pháp thân là một điều có thể thực chứng được, có thể "thấy" được nó, miễn là tu học đúng cách, miễn là có thầy hướng dẫn. 

Báo thân và Pháp thân là những điều quá xa vời đối với Phật tử thông thường. Nhưng tại Tây Tạng, nhiều người cho rằng các đạo sư có trình độ có thể truyền linh ảnh cho những ai muốn thấy Báo thân. Còn con người thì trong một đời làm người có thể chứng Pháp thân. Đó là lý do tại sao Phật Giáo Tây Tạng có nhiều phép tu huyền bí, có khi xa lạ đối với chúng ta. 

Liệu bà Alexandra David-Néel trở lại Tây Tạng lúc tuổi đã cao để chứng thực điều gì hay không thì tôi không biết. Nhưng cảm nhận của tôi tại cao nguyên Tây Tạng là hết sức rõ. Đó là một miền đất có một không hai trên địa cầu, nơi đó con người có đầy đủ những yếu tố để sống một đời sống viễn ly, để nhìn vào bên trong, để mở rộng những biên giới của ý thức và để vươn lên một mức độ tâm linh cao hơn. Liệu những yếu tố đó chỉ do những tính chất địa lý vô song của Tây Tạng sinh ra hay vì phần đất này nằm trong vòng ảnh hưởng tâm linh vĩ đại của những ngọn núi ẩn mật, của những dòng sông thiêng liêng, của những vị giác ngộ đã sống nơi đây, của những con người đang thiền định đâu đó trong khe núi vách rừng, điều đó tôi không rõ. 

Xe đã rời sông Yarlung Tsangpo để ngược về phía bắc hướng về Lhasa. Tôi sắp rời Tây Tạng để trở về đồng bằng. Nơi đó sẽ có một bầu khí quyển dễ thở hơn cho tôi nhưng phố phường chật hẹp, mây mù và tiếng huyên náo của cuộc đời sẽ chờ đón tôi. 
 

GIÃ TỪ TÂY TẠNG 

 Rồi cũng có ngày tôi rời Lhasa, lên máy bay về lại Tứ Xuyên. Tôi nhớ G.Tucci, nhà Phật học và Tây Tạng học người YÙ. Ông viết: "Từ Lhasa ra đi không giống như từ giã một thành phố nào đó. Dễ trở lại một nơi nào bất kỳ, nhưng Lhasa là không thể đạt tới, hầu như nó nằm ngoài thế giới này. Từ đó ra đi cũng như tan một giấc mơ mà không biết rằng nó có trở lại không". 
Lhasa ngày nay còn mong manh hơn thế vì nó đang chết dần chết mòn. Những bước chân rầm rập của lính tráng đang chôn vùi một nền văn minh độc đáo. Và không phải chỉ Lhasa thôi, Shigatse, Gyantse cũng đang thay đổi, những đô thị khác mà tôi chưa tới được hẳn cũng dần dần mất đi gia tài văn hóa của mình. Toàn cả nước Tây Tạng đang từng ngày đáng mất quá khứ của mình, đang trở thành một "khu tự trị" vô danh. 

Ngắm nhìn điện Potala lần cuối, tôi nhớ lại một lời tiên tri. Lời đó nói rằng vị Đạt-lai lạt-ma thứ 14 hiện nay là vị cuối cùng, sẽ không còn vị tái sinh nữa. Đạt-lai là rường cột tinh thần của dân Tây Tạng mà nếu vị hiện nay đã trên 65, không còn vị nào tái sinh nữa thì số phận Tây Tạng coi như an bài. Mà cũng đúng thay, làm sao có ai lật ngược được tình thế của dân tộc Tây Tạng. 

Ngày nay Trung Quốc đang ngự trị Tây Tạng, họ ra sức xây dựng miền cao nguyên lạnh lẽo này để dễ đồng hóa. Công bằng mà nói, người Trung Quốc xây đường sá rất giỏi. Tại Trung Quốc, những nơi hẻo lánh và hầu như chỉ có khách Phật tử hành hương như Ngũ Đài sơn, Cửu Hoa sơn đều được xây dựng cầu đường hết sức nghiêm túc. Tôi tới đảnh lễ được những nơi đó là cũng nhờ họ và không quên, xây đường đắp cầu cũng là một công đức lớn, theo quan điểm đạo Phật. Tại Tây Tạng, Trung Quốc xây dựng nhiều công trình hạ tầng như đường xá, bệnh viện, trường học..., đó là điều tôi không thể không nhắc tới. 

Điều khách quan hiện nay là Tây Tạng đã đi qua một hướng mới, người dân không thể trở lại đời sống cũ. Tôi từng thấy tu sĩ Tây Tạng mang cả điện thoại di động thì làm sao quay lại bánh xe lịch sử, nếu có ai muốn. Tôi nghĩ rằng nếu Đạt-lai có trở lại Tây Tạng thì ông cũng không hề muốn dân mình sống một cuộc sống lạc hậu. Và nếu ông trở về thì liệu ông và những người Tây Tạng theo ông có đủ trình độ chính trị và kinh tế để đưa một dân tộc đi lên ? 

Tôi không muốn lạc lối vào những giả định vô bổ và cũng chẳng có "giải pháp" nào cho dân Tây Tạng. Tâm tư của tôi có lẽ cũng giống như những người đã đi Tây Tạng, đó là tiếc thương một nền văn minh thật sự độc đáo đang suy tàn. Hơn nữa đối với tôi, đó không phải là một nền văn minh bất kỳ mà nó là kim cương thừa Phật giáo, nó là bước phát triển tiếp của đạo Phật, sau tiểu thừa Ấn Độ và đại thừa Trung Quốc. Và nếu đại thừa Trung Quốc thu liễm trong mình cả tiểu thừa Ấn Độ thì kim cương thừa Tây Tạng dung chứa cả tiểu thừa lẫn đại thừa. Phật Giáo Tây Tạng nói có lý rằng, tiểu thừa, đại thừa hay kim cương thừa đều là từng bước phát triển cho mỗi cá thể. Phật giáo Tây Tạng là hiện thân đích thực của Kinh Pháp Hoa mà Phật thuyết tại đỉnh Linh Thứu, tất cả các "thừa" đều là phương tiện, là "lấy lá giả vàng" để dẫn độ chúng sinh. 

Vì thế mà nền văn minh Tây Tạng chết đi thì đối với tôi là Phật giáo đang suy tàn trên toàn thế giới. Tại Ấn Độ như đã nói, Phật giáo đã diệt vong từ thế kỷ thứ 11, 12. Tại Trung Quốc thời hoàng kim của Thiền Tông cũng bùng lên và tắt lụi cách đây đã nhiều thế kỷ. Và tại Tây Tạng, có lẽ tôi đồng ý với Sangharakshita [24], ông cho rằng đạo Phật sẽ diệt vong trong vài thế hệ nữa. 

Nhưng, đức Thế Tôn cũng chẳng đã nói, giáo pháp của Ngài cũng sẽ diệt vong như mọi chuyện trên đời. Cái gì có sinh, cái đó có diệt, đó là qui luật. Còn cái vô sinh, cái miên viễn mà trên cao nguyên này mà có lẽ tôi đã nếm chút mùi vị thì đâu cần còn đạo Phật mới có nó. Nó đâu cần tên gọi, ta có gọi nó là Pháp thân, Phật tính hay Thượng đế, Đại ngã hay bất cứ từ gì khác cũng được. 

Đạo Phật có thể diệt vong nhưng triết lý nhận thức và hành động của nó vẫn tồn tại, có thể dưới một tên gọi khác, nó "được khám phá lại một cách mới mẻ" [25] . Nhận thức luận của nó vẫn tồn tại vì triết lý Tính Không của nó là ưu việt để nói về cái miên viễn đó, không có nhận thức nào hơn. Triết lý hành động của nó cũng còn tồn tại vì Bồ-tát đạo của Phật giáo là con đường không thể không đi cho những ai có lương tâm. Vì thế nếu trong tương lai xa, nếu Phật giáo có diệt vong thực, ta sẽ không ngạc nhiên nếu triết lý nhận thức và hành động đó vẫn còn lưu truyền, dù người đi trình bày cho nó không hề biết mình là Phật tử, không hề biết có một nhân vật lịch sử tên gọi là Thích-ca mâu-ni. 

Ngày đó, người giảng pháp Phật không hề mặc áo tu sĩ mà có thể là một nhà vật lý học hay sinh vật học. Ngày đó người ta sẽ nói về "sắc" và minh họa nó bằng những hạt cơ bản trong ngành vật lý hay bằng nhiễm sắc thể và Genom trong ngành sinh vật. Cũng trong những ngày đó người ta sẽ thấy "không" một cách gần gủi cụ thể như người Tây Tạng thấy Pháp thân và cũng có thể họ sẽ nói "sắc chính là không, không chính là sắc" [26] . 

Lời kinh của Đức Thích-ca đã làm tôi bớt băn khoăn với tương lai đạo Phật và Tây Tạng. Đó phải là lý do mà Di-lặc có cái nhìn bí ẩn và hóm hỉnh về những gì xảy ra dưới chân Ngài. Và tôi nhớ lại, tại Bonn, Đạt-lai thứ 14 cũng cho thấy một đầu óc hài hước tinh tế. Tất cả các vị đạo sư xưa nay đều nhìn cuộc đời với cặp mắt xanh biếc của Di-lặc, bí ẩn và hóm hỉnh và hầu như nói, những gì ta đang có rồi cũng sẽ mất nhưng những gì quí nhất thì vô thủy vô chung không bao giờ rời ta. 

Máy bay lướt về hướng đông, sau lưng tôi là Lhasa, là Ngân sơn, là Yarlung Tsangpo, ngày càng xa. Tôi đang rời xa man-đa-la Ngân sơn mà tôi chưa được tới, đang xa man-đa-la Kumbum mà tôi đã từng lên tận đỉnh Pháp thân. Có hề gì, ở đâu cũng có "nó" nếu ta biết nhận thức, đó là bài học tôi mang về từ Tây Tạng. 

Trước mặt tôi là Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên. Tại nơi đó có một đỉnh núi mà tôi đã tới chiêm bái, đó là Nga Mi sơn, trú xứ của bồ-tát Phổ Hiền. Tôi bất giác cảm tạ hành nguyện bao la của Phổ Hiền, sẵn sàng cho bất cứ ai thực hiện nguyện ước của mình. Có thể nhờ Phổ Hiền mà tôi đã đi được Tây Tạng. 

Máy bay hạ cánh ở Thành Đô, tôi thở một hơi dài nhẹ nhõm. Tiếng ồn ào tràn ngập sân bay và vô số con người xuôi ngược trên đường. Tôi nhanh chóng về khách sạn. Trong gương soi mặt, môi tôi đã bớt tím. Từ trong chiếc va-li rơi ra chai dầu gội đầu, bây giờ nó đã xẹp lép vì áp lực không khí nơi đây quá cao. 
 

[1] - Sinh năm 1543, mất năm 1588 
[2] - Xem chương "Ung Hoà cung và tiểu truyện Trung Quốc-Tây Tạng" trong phần thứ ba 
[3] - Trích "Lịch sử Phật giáo thế giới", tập I, Thánh Nghiêm pháp sư (Đài Loan), Nhà xuất bản Hà Nội, 1995 
[4] - Sinh năm 1617, mất năm 1682 
[5] - Bạn đọc có thể tham khảo thêm cuốn "Die vierzehn Wiedergeburten des Dalai Lama" (Mười bốn lần tái sinh của Đạt-lai lạt-ma) của K.H.Golzio và P.Bandini, Scherz Verlag, 1997 
[6] - Gampopa dịch âm là Đạt-bảo Cáp-giải (1079-1153) 
[7 ] - Yuan, đơn vị nhân dân tệ, mỗi đô-la Mỹ trị giá khoảng trên 8 "nguyên" (năm 2000) 
[8 ] - Một đạo sư quan trọng của dòng Ninh-mã, sinh 1808, mất 1887 
[ 9 ] - Xem thêm "Tibetan Buddism" của Sangharakshita, sách đã dẫn 
[10] - Nội dung của Thangka thường thấy tại Tây Tạng, trong đó vòng tròn "mười hai nhân duyên" nằm trong sự kềm tỏa của quỉ sứ 
[11] - Tranh vẽ trên giấy hay lụa của Tây Tạng. Nội dung của tranh thường là hình tượng Phật, Bồ Tát, hộ pháp, man-đa-la. 
[12] - Xem "Sư tử tuyết bờm xanh", sách đã dẫn 
[13] - Mahasiddha. Chuyện về 84 vị thành tự giả có thể tìm thấy trong "Từ điển Phật Học", nhà xuất bản Thuận Hoá 1999. 
[14] - Mahamudra, một trong những giáo pháp tối thượng của Kim Cương thừa, được truyền dạy trong phái Ca-nhĩ-cư 
[15 ] - "The six Yogas of Naropa", đã được Thích Nữ Trí Hải dịch ra Việt ngữ, California 1997 
[16 ] - Tổ thứ hai là Naropa, sơ tổ là Tilopa, thầy của Naropa 
[17 ] - Dakini. Theo mật thừa Ấn Độ và Tây Tạng, Dakini là các vị thần nữ bảo hộ cho hành giả tu tập Mật tông. Thể nhập vào cõi của Dakini là thoát khỏi sinh tử nhưng chưa hoàn toàn giác ngộ 
[18] - Govinda, Grundlagen tibetischer Mystik (Cơ sở mật tông Tây Tạng), Scherz Verlag 1994 
[19] - Trong các sách nghiên cứu phương Tây ta hay gặp từ "Archetype"để chỉ các mẫu hình cơ bản này. Từ này do nhà tâm lý học C.G.Jung nêu lên đầu tiên 
[20] - Đoạn văn thường thấy trong kinh sách 
[21] - Kailash, xem chương "Tháng ngày ấp ủ" trong phần thứ nhất 
[22] - Phạn ngữ: svabhavasiddhi (siddhi: thành tựu), Anh ngữ: inherent existence 
[23 ] - "Bát phong": Được, mất; vinh, nhục; khen, chê; vui, khổ. Thơ Hàn Sơn "Bát phong xuy bất động" (Tám gió thổi chẳng động) 
[24 ] - Sách đã dẫn 
[25 ] - Schumann trích lời đức Phật. Xem chương "Từ Linh sơn nhớ về Yên Tử" trong phần hai 
[26] - Lời trong Bát-nhã ba-la-mật-đa Tâm Kinh