Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Phần Iii Những Bản Văn Về Sáu Yoga Của Naropa

30 Tháng Tám 20165:07 CH(Xem: 2024)
Phần Iii Những Bản Văn Về Sáu Yoga Của Naropa
Phần III
NHỮNG BẢN VĂN VỀ SÁU YOGA CỦA NAROPA


Giáo Huấn Khẩu Truyền về Sáu Yoga
Đại Thành Tựu giả Ấn Độ Tilopa


Kính lễ Chakrasamvara Vinh Quang.
Hãy tận dụng nhân quả nghiệp báo
Và chiết suất được tinh túy của tiềm năng làm người.

YOGA NỘI NHIỆT

Thân thiền giả, một nhóm những kinh mạch 
năng lực,
Thô và tế, có những trường năng lượng,
Cần được đưa vào kiểm soát, sử dụng.
Phương pháp bắt đầu với những thực tập thân thể.
Những sinh khí được hút vào,
Làm đầy, giữ lại và hòa tan.
Có hai kinh mạch hai bên,
Kinh mạch trung ương avadhuti,
Và bốn luân xa (chakra)
Những ngọn lửa khởi từ nội nhiệt tumo(1) ở rốn.
Một dòng suối cam lồ giọt xuống
Từ chữ HAM ở đỉnh đầu,
Khơi dẫn bốn cái lạc.
Có bốn kết quả, như quả tương tự với nhân,
Và sáu thực tập bành trướng chúng.
Đây là giáo huấn của Charyapa.

YOGA THÂN HUYỄN

Mọi vật sống động và vô tri của ba cõi
Đều như những thí dụ về ảo ảnh, giấc mộng vân vân.
Hãy thấy điều này trong mọi lúc, cả khi chuyển động và dừng lặng.
Hãy quan sát một bổn tôn ảo ảnh phản chiếu trong một tấm gương ;
Hãy lấy một hình vẽ Vajrasattva, và xem xét
Hình ảnh phản chiếu xuất hiện sống động như thế nào.
Như hình tướng ấy là một hình tướng ảo ảnh,
Với tất cả mọi sự vật cũng thế.
Như vậy thiền giả quán sát mười hai sự so sánh
Và thấy sự thật mọi sự là ảo ảnh như thế nào.
Đây là giáo huấn của Nagarjuna (Long Thọ).
Hãy biết những giấc mộng là những giấc mộng,
Và thường trực thiền định về ý nghĩa sâu xa của chúng.
Hãy quán tưởng những chủng tử tự của năm đại
Với hạt, nada và vân vân.
Người ta tri giác chư Phật và những cõi Phật.
Thời gian ngủ là thời gian cho phương pháp
Đem đến sự thực hiện đại lạc.
Đây là giáo huấn của Lawapa.

YOGA TỊNH QUANG

Thiền giả làm việc với kinh mạch trung ương
Để tâm vào kinh mạch trung ương
Và tập trung vào hạt ở trái tim.
Những thị kiến sanh khởi, như những ánh sáng, tia sáng, cầu vồng,
Ánh sáng mặt trời và ánh sáng mặt trăng khi mọc,
Mặt trời, mặt trăng, và rồi
Những hình tướng xuất hiện của những bổn tôn và hình sắc.
Trong cách này vô số thế giới được tịnh hóa.
Con đường yoga kỳ diệu nhất này
Là giáo huấn của Nagarjuna.

YOGA TRUNG ẤM

Thiền giả vào lúc chết rút những năng lực
Của những giác quan và những nguyên tố
Và hướng những năng lực của mặt trời và mặt trăng đến trái tim,
Làm khởi lên vô số samadhi (đại định).
Thức thường tham dự với những đối tượng bên ngoài,
Nhưng nó nhìn chúng như những vật của một giấc mộng.
Những hình tướng xuất hiện của cái chết kéo dài bảy ngày.
Hay nhiều nhất là bảy lần bảy,
Và rồi người ta phải nhận tái sanh.
Vào lúc đó hãy thiền định yoga bổn tôn
Hay chỉ đơn giản an trụ trong tánh không.
Sau đó khi thời gian tái sanh đến,
Hãy dùng yoga bổn tôn của một vị thầy mật thừa
Và thiền định về guru yoga với bất cứ cái gì xuất hiện.
Làm như vậy sẽ khiến kinh nghiệm trung ấm dừng lại.
Đây là giáo huấn của Sukhasiddhi.

NHỮNG YOGA CHUYỂN DI THỨC VÀ 
PHÓNG XUẤT MẠNH MẼ

Nhờ những yoga này, vào thời gian chuyển di
Và cũng nhờ phóng xuất mạnh mẽ vào thân khác,
Thiền giả có thể sử dụng chủng tử tự của bổn tôn
Và thực hành yoga bổn tôn phối hợp với
Hơi thở ra và vào, dài và ngắn
Và phóng xuất thức đến bất kỳ nơi đâu mình muốn.
Những người muốn chuyển di đến một cõi cao
Có thể chuyên tâm vào hai chữ YAM, cũng như
HI-KA, và HUM-HUM.
Thức được phóng đến trái tim
Của bổn tôn không tách lìa khỏi guru,
Và từ đó đến bất cứ cõi Phật nào mong muốn.
Đây cũng là giáo huấn của Sukhasiddhi.

Lời kết : Được viết ra từ lời dịch của đại thành tựu giả Tilopa ; được dịch bởi Pandit trí giả Ấn Độ Naropa và Marpa Lodrakpa Chokyi Lotru ở thánh địa Kash-miri, tức núi Pushpahara.
 

Những Câu Kệ Kim Cương của 
Truyền Thống Thì Thầm nơi Tai
Đại Thành Tựu giả Ấn Độ Naropa

Kính lễ Phật Vajradhara siêu việt và viên thành.

Eh-ma-hoh !
Giáo lý toàn hảo tối thượng của tất cả chư Phật,
Con đường của hạt tối thượng của trí huệ chiến thắng,
Là một thực tại vượt ngoài ngôn ngữ.
Nhưng một lần tôi nghe những lời này của con đường vĩ đại vô sanh :
“Ta, Vajradhara, sẽ nói về nghĩa tốt lành ấy.
Hãy kính lễ, hỡi Jnana Dakini, và lắng nghe.“

NHỮNG TƯ CÁCH CỦA VỊ THẦY VÀ HỌC TRÒ
Vị thầy cao cả là người đã
Uống say với kinh nghiệm của Giới, Định, Huệ.
Học trò đủ tư cách là người có
Tin tưởng, nghị lực, thông minh và lòng bi,
Nhớ nghĩ về những bất toàn của cuộc đời thế tục
Và đã vượt khỏi mọi lưu tâm đến thế gian.

QUÁN ĐẢNH NHẬP MÔN VÀ NHỮNG YOGA GIAI ĐOẠN PHÁT SANH
Lúc bắt đầu người ta cần nương dựa vào truyền thống mật thừa Chakrasamvara
Bằng cách có bốn quán đảnh để vào mạn đà la sáu mươi hai vị thần bổn tôn ;
Có lẽ cũng nhận bốn quán đảnh của mười lăm dakini.
Hãy làm trưởng thành tâm theo cách này, và thực hành trí huệ và phương tiện phối hợp.
Hãy nỗ lực hành bảy yoga, chẳng hạn những cái giống như vua và tể tướng ;
Và hòa hợp tất cả thành một vị, hãy chuyên tâm vào giới luật Samaya.

YOGA NỘI NHIỆT
Cột trụ của con đường là sự tự cháy bừng của nội nhiệt lạc phúc.
Với tư thế thân theo bảy điểm, hãy thiền định
Về một hình tướng của bổn tôn, thân thể như một vỏ rỗng.
Hãy hình dung kinh mạch trung ương avadhuti, những kinh mạch hai bên lalana và rasana,
Và bốn luân xa, âm AH và HAM,
Sự bừng cháy (của nội nhiệt) và nhỏ giọt (của các hạt).
Và sự đi vào (kinh mạch trung ương)
Của những năng lực sinh khí đi xuống
Hãy thiền định về trì tụng kim cương với năm năng lực gốc.
Hãy giữ lại và ổn định (những năng lực), và khởi dẫn kinh nghiệm về trí huệ.
Hãy hòa nhập bốn lạc và hòa lẫn những năng lực gốc và những hạt.
Năng lực và thức đi vào kinh mạch trung ương ;
Tâm vượt khỏi ý niệm sanh khởi, những xúc cảm méo mó được tự-bình lặng,
Và một dòng không dứt của lạc phúc và sáng chói tuôn chảy.

YOGA THÂN HUYỄN
Hãy thấy bản tánh của Pháp thân và trầm mình trong Pháp thân.
Để tăng cường tỉnh giác này, hãy thiền định về bản chất như huyễn, tự-giải thoát của tám quan tâm thế gian.
Hãy thấy mọi sự trong sanh tử và niết bàn là những ảo tưởng ;
Chúng là như huyễn, như một cầu vồng và như trăng trong nước.
Những hiện tượng tác động này xuất hiện với tâm :
Nếu chúng là thật và tĩnh đọng như chúng có vẻ thế, thì làm sao thay đổi có thể xảy ra ?
Nhưng bởi vì chúng là những hình tướng hư vọng, trong bản chất chúng không thật.
Hãy thấy mọi hình tướng là những xuất hiện trống không, như tiếng dội trong hang.
Bám nắm vào nhị nguyên lắng xuống, và người ta thoát khỏi thích và ghét.
Với căn cứ là quán chiếu này, mọi hành động trở nên thoát khỏi bám chấp
Và người ta tiến đến thành tựu thân cầu vồng và Pháp thân.

YOGA GIẤC MỘNG
Vào ban đêm, hãy cố gắng cầu khẩn sự tự-tịnh hóa của những giấc mộng mê mờ ;
Hãy giữ ba cửa với cái móc của chánh niệm.
Giữ lại, tịnh hóa, tăng cường và chuyển hóa những nội dung của những giấc mộng,
Và loại bỏ mọi chướng ngại cho sự thực hành.
Người ta cỡi trên mặt trời và mặt trăng, du hành đến mọi cõi Phật,
Và nhìn xem ! Mọi ảo tưởng “tốt” và ”xấu” đều trở thành tự-giải thoát.

YOGA TỊNH QUANG
Cuối cùng để chiếu rạng địa thứ mười và hoàn thành mục tiêu vĩ đại,
Và nhất là để tách lìa tịnh quang khỏi bóng tối vô minh,
Hãy trau dồi những phương pháp yoga và đi vào bốn Định (samadhi) ;
Và hãy nhìn ! Hạt thiêng liêng không bị ba độc giam giữ nữa.
Người ta giữ gìn khoảng giữa của giấc ngủ và giấc mộng với những ý tưởng,
Và hòa nhập bốn giai đoạn và hòa lẫn sự thực hành của ngày và đêm.
Một kinh nghiệm không ngăn ngại và không thể diễn tả về tịnh quang sanh khởi,
Nó là trí huệ bổn nguyên thoát khỏi bám nắm vào sáng tỏ và tánh không.
Và nhìn thấy bản thân Đại Ấn.

YOGA CHUYỂN DI THỨC
Trong phương pháp làm ra vàng của chuyển di thức,
Nhờ đó Phật quả được thành tựu mà không cần thiền định,
Hãy chờ đợi những dấu hiệu của cái chết xảy ra, và rồi
Để tâm trong một trạng thái hoan hỷ không bám nắm.
Hãy đóng chín cửa thoát ra, áp dụng những căn bản mật thừa,
Và trang hoàng sự thực hành với những nguyện vọng tâm linh.
Năng lực và tâm được hòa trộn với HUM trong kinh mạch trung ương,
Thần chú KSHA sáng chói ; (tâm) được phóng ra khỏi thân
Qua con đường của cổng brama, và được phóng
Đến Pháp thân của guru và rồi đến một cõi Phật.

YOGA CỦA TRAU DỒI CÁI THẤY
Để làm bật cháy sự rạng rỡ của trí huệ Đại Ấn,
Hãy giữ ba cửa bất động và siết chặt năm giác quan.
Thấy mà không thấy gì ; hãy nhìn thẳng vào bản tánh của tâm.
Để tâm vào chánh vị của nó, không tạo tác và không một đối tượng.
Không nhìn ra ngoài, hãy chứng ngộ bản tánh của tâm,
Từ nền tảng không tạo tác của nó, từ sự bắt đầu tự nhiên.
Hãy đặt nó trong truyền thống vĩ đại của người bình thường ;
Không chuyển động, thấy ra bầu trời bao la
Của Pháp thân bất sanh bất diệt.
Dù nhiều hiện tượng xuất hiện như những đối tượng bên ngoài,
Chúng chỉ là tâm của chính mình và không có hiện hữu nào khác,
Nào kể gì những méo mó, ý niệm, và bám nắm nhị nguyên có biểu lộ.
Và hãy nhìn xem ! Những thứ đó tan mất theo dòng của chúng.
Tinh túy của tâm là vô sanh, tánh không, Pháp thân.
Những hiện diện sáng chói không dứt sanh khởi là Hóa thân.
Đại lạc vô trụ của hợp nhất là Báo thân.
Đây là nghĩa của Đại Ấn hay (tiếng Tây Tạng) chak-gya chenpo,
Ở đây chak ám chỉ mọi sự được nhìn với trí huệ bất nhị ;
Gya ám chỉ lạc của sự cởi thoát những nút thắt của tâm thái sanh tử ;
Và chenpo có nghĩa rằng nó là Pháp thân tự-giải thoát
Sanh từ ngọn đèn của hợp nhất hoàn hảo, và không từ cái gì khác.
Hai che chướng là tự-giải thoát ; chủ thể và đối tượng không còn phân cực.
Tâm sanh diệt, và mọi sự vật trong sanh tử và niết bàn, tan mất.
Phạm vi của hiểu biết là tự-tròn đầy với mọi đức tính
Và người ta trở thành một vị Phật tự-sanh, vượt khỏi tư tưởng và lời nói.

NHỮNG YOGA TRUNG ẤM
Nghĩa sâu xa của đi vào trung ấm được phát lộ
Và cắt đứt ba trung ấm :
Trung ấm của sanh đến tử, trung ấm của giấc mộng, và trung ấm của trở thành.
Không cho, đó là cho ; không thấy, đó là cái thấy tối thượng.
Đây là tâm tự-tỉnh giác rỡ ràng, trống không vượt khỏi ý niệm và thoát khỏi mọi che chướng ;
Đại lạc, cảnh giới của thực tại, trí huệ thanh tịnh rốt ráo,
Vốn bất khả phân, biểu lộ như là ba thân. Hãy nhìn !
Những người chưa chứng ngộ thực hành với ba trung ấm cần hòa hợp
Những yoga giai đoạn phát sanh, yoga thân huyễn và yoga tịnh quang và Pháp thân.
Những nguyên tố – đất, nước, lửa, không khí – tuần tự hòa tan ;
Tâm tám mươi ý niệm được dừng lại, và ba thị kiến đi qua.
Yếu tố trắng, yếu tố đỏ, và bản thân tâm gom vào hoa sen.
Khi điều này xảy ra, hãy nhìn xem khuôn mặt của tâm tịnh quang ;
Hãy hòa lẫn (hai tịnh quang) mẹ và con thành không thể tách lìa.

NHỮNG KẾT QUẢ CỦA THỰC HÀNH
Hành giả tốt nhất trên con đường của Phật quả Pháp thân
Thành tựu giác ngộ ngay trong đời này nhờ những yoga này.
Hành giả bậc trung hoàn thành giác ngộ trong trung ấm.
Như một con cá trong nước, họ làm những chuyển hóa thuộc Báo thân.
Năm điệu múa, năm ánh sáng, ba độc, những nghiệp lực,
Thích và ghét : khi đi đến tái sanh
Họ áp dụng năm sự hòa lẫn và lấy tất cả làm con đường.
Đối với những người trước kia đã tu hành bốn ấn,
Trung ấm của trở thành là nơi chốn cho tự-giải thoát.
Những hành giả bậc kém trở nên thoát khỏi thích và ghét
Và thành tựu một tái sanh với thân lưu xuất.
Dùng những giáo huấn tổng quát, họ loại trừ những trở ngại
Và nhận biết các ma.
Họ đi vào những thực tập thân kim cương khác nhau,
Như sáu yantra gốc với ba mươi chín nhánh,
Và dùng mỗi hoạt động như một nguồn cho những tích tập
Nếu người ta có thể hoàn thành ba giai đoạn thực hành này không lầm lỗi,
Trong bốn khoảnh khắc ba niềm vui được phát lộ.
Những hạt thanh tịnh rơi rắc từ trên và khởi sanh từ dưới ;
Những nút thắt trong các luân xa được cởi mở,
Và những năng lực sinh khí đi vào kinh mạch trung ương.
Những năng lực sinh khí và những méo mó xúc tình – 21.600 và năm gốc –
Được dừng lại và trí huệ bổn nguyên sanh khởi.
Từ Pullimaru trở lên, hai mươi bốn thắng cảnh và gần như thắng cảnh
Đã được đầy ; những giáo lý từ miệng của một Hóa thân hay Báo thân hoàn hảo,
Một trăm thấu thị đã hoàn thành, và người ta tìm thấy một bình kho tàng.
Trong một đời người ta đi qua những giai đoạn của con đường giác ngộ
Và đạt đến trạng thái của một vị Phật Vajradhara.
Trong mười ba thế hệ giáo lý này
Cần được dấu kín như là sự trao truyền miệng.
Nó là tinh túy của tất cả Kinh và Tantra
Và đem đến giải thoát cho người có phước
Hãy dùng nó để thành tựu cái đầy ý nghĩa.

Lời kết : Là trọn vẹn bản văn Những Câu Kệ Kim Cương : Một Giáo Huấn cho Jnana Dakini. Nó từ miệng hiền triết Ấn Độ Mahapandita Naropa, và được dịch (thành tiếng Tây Tạng) và rồi được xác quyết bởi dịch giả Marpa Chokyi Lotru ở thắng cảnh thiêng liêng được biết với tên là Pushpahari.


Bản Chép Tay Con Đường Thậm Thâm Sáu Yoga của Naropa : Một Nguồn Tài Liệu của Mọi Chứng Ngộ
TT. Thabs lam na ro’i chos drug gi lag rjes dngos grub kun byung bởi Gyalwa Wensapa Lobzang Dondrup
1505-1566

Kính lễ Guru Vajradhara, cùng với vô số bổn tôn mạn đà la.

Để đi vào thực hành Sáu Yoga của Naropa người ta phải hiểu ba chủ đề : thực tại của nền tảng ; những giai đoạn đi trên con đường ; và cách thức biểu lộ những kết quả.

THỰC TẠI CỦA NỀN TẢNG
Thực tại của nền tảng của kinh nghiệm chúng ta gồm ba chủ đề : thực tại của thân ; thực tại của tâm ; và thực tại của thân và tâm chung nhau.

Thực tại của Thân
Thực tại của thân có ba : thô, vi tế và rất vi tế.
Thân thô là thân bình thường làm bằng thịt, máu, xương và sanh từ tinh trùng và trứng của cha mẹ.
Thân tế ám chỉ những kinh mạch chứa năng lực, những năng lực trôi chuyển, và những hạt có năng lực sáng tạo đỏ và trắng (nghĩa là âm và dương).
Thân rất vi tế là năng lực vi tế nâng đỡ thức của bốn cái không, đặc biệt là cái không thứ tư, được gọi là “cái không rốt ráo”, nó là tâm tịnh quang.
Thực tại của Tâm
Về phần tâm, nó cũng có ba chiều kích giống như vậy : thô, tế và rất vi tế.
Tâm thô là cái tâm đồng khởi với năm thức giác quan.
Tâm tế là cái tâm đồng khởi với sức mạnh điều khiển của sáu méo mó gốc, hai mươi méo mó phụ và tám mươi khởi tâm ý niệm.
Tâm rất vi tế là chiều kích của thức cùng một bản chất với bốn cái không, và đặc biệt cái thứ tư, “cái không rốt ráo”, nó là tâm tịnh quang.
Thực tại của cả Thân và Tâm chung nhau
Khi chúng sanh gặp gỡ cái chết, những phương diện rất vi tế của những năng lực sinh khí và của thức trở thành một thực thể. Thực thể này là thực tại chung của cả thân và tâm.

NHỮNG GIAI ĐOẠN ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG 
Những giai đoạn đi trên con đường gồm hai loại kỹ thuật chính : những kỹ thuật để rút năng lực sinh khí vào kinh mạch trung ương và những kỹ thuật được áp dụng sau khi những năng lực đã được rút vào (kinh mạch trung ương).
Những Kỹ Thuật để Rút Những Năng Lực Sinh Khí vào Kinh Mạch Trung Ương

Kỹ thuật để rút những năng lực sinh khí vào kinh mạch trung ương bằt đầu với sự phát sanh hình ảnh của chính mình như là Phật Vajradhara kết hợp đôi, và hình dung những kinh mạch năng lực cùng với những chữ (âm) mật chú ở những luân xa. Rồi người ta thiền định về nội nhiệt và về những hạt chảy lỏng. Điều này làm cho năng lực sinh khí đi vào, ở lại và hòa tan.

Dấu hiệu chỉ sự đi vào của những năng lực sinh khí là, khi một hơi thở được hít vào để trắc nghiệm sự tiến bộ của người ta, không khí đi qua cả hai lỗ mũi một cách êm nhẹ, trơn tru. Dấu hiệu chỉ rằng những năng lực đã được làm ở lại là những thị kiến về những hòa tan cơ bản và cũng về sự hòa tan của ba trạng thái thị kiến xảy ra. Những hòa tan này phải được nhận biết một cách cá nhân.

Trước hết đất hòa tan vào nước và có một thị kiến như thấy một ảo ảnh. Rồi nước tan vào lửa, và có một thị kiến giống như khói. Tiếp theo lửa tan vào không khí, và có một thị kiến như đom đóm lập lòe. Nguyên tố không khí bắt đầu tan vào thức thì được gọi là “xuất hiện”, và có một thị kiến giống như ánh sáng mờ của một ngọn đèn sáp. Không khí hòa tan hoàn toàn vào “xuất hiện” và có một thị kiến màu trắng, như một bầu trời trong sáng mùa thu đầy ánh trăng tròn. Cái này tan vào thức thì gọi là “gần gần” (ở trước dịch là “tăng trưởng”), và có một thị kiến màu đỏ, như bầu trời trong sáng đầy ánh sáng mặt trời. Cái này tan vào “gần đạt” (ở trước dịch là “đạt đến”), và có một thị kiến bóng tối bao trùm, như bầu trời trước bình minh, không mặt trăng mặt trời. “Gần đạt“ bấy giờ tan vào tịnh quang ; có một thị kiến rạng rỡ trong sáng, như bầu trời lúc rạng đông, thoát khỏi ba hoàn cảnh. Người ta phải nhận biết những kinh nghiệm này khi chúng xảy ra. Đây là tiến trình được biết như “hòa nhập với Pháp thân trong trạng thái thức”.

Khi đến lúc xuất khỏi định tịnh quang, người ta đề khởi bản năng mạnh mẽ loại qua một bên những hợp uẩn cũ kỹ và khởi lên trong hình tướng một vị Phật Vajradhara kết hợp đôi. Rồi khi người ta khởi lên từ tịnh quang, những hợp uẩn già nua sẽ bị bỏ qua một bên và trong tâm hình thành hình ảnh một vị Phật Vajradhara kết hợp đôi. Đồng thời người ta áp dụng những kỹ thuật khơi dẫn những giai đoạn của sự hòa tan (mô tả ở trên) theo thứ tự ngược lại. Như vậy người ta đi từ tịnh quang đến gần đạt, đến gần gần, và đến xuất hiện. Người ta kinh nghiệm những dấu hiệu của sự hòa tan cơ bản (tức là hòa tan của những nguyên tố) theo chiều ngược lại : một ánh sáng mờ của đèn sáp, những lập lòe như đom đóm, khói và cuối cùng, ảo ảnh. Đây là tiến trình được biết như là “hòa nhập với Báo thân trong trạng thái thức”.

Người ta đi vào những giai đoạn thiền định về những chuyển hóa liên kết với hình tướng Báo thân ấy và tập chú cái định của người ta vào đó. Khi quyết định xuất khỏi định, người ta làm điều này bằng cách thiền định về những hợp uẩn cũ kỹ của người ta như là Con Người Biểu Tượng (samayasattva), với Con Người Trí Huệ (jnanasattva) ở trái tim. Đây là tiến trình được biết như là “hòa nhập với Báo thân trong trạng thái thức”.

Đồng thời với sự việc này, khi không khí bắt đầu qua hai lỗ mũi trở lại và năm thức giác quan sống lại, bất cứ hình tướng xuất hiện nào xảy ra đều được thấy là tánh không, tánh không như lạc, và lạc như mạn đà la và những bổn tôn của nó. Đây là sự thực hành được trau dồi trong những thời sau-thiền định.

Tương tự, khi đi ngủ người ta cố gắng giữ lại tịnh quang của giấc ngủ và quyết tâm sanh khởi như một bổn tôn Báo thân trong trạng thái mộng. Khi người ta chuẩn bị ngủ người ta đi vào những thiền định về những kinh mạch, năng lực và luân xa, làm cho những hạt tan chảy và những lạc sanh khởi. Những năng lực sanh khí đi vào, ở lại và hòa tan trong kinh mạch trung ương. Mọi dấu hiệu của tiến trình hòa tan xảy ra, từ “đất vào nước”, cho đến sự khởi hiện của tịnh quang. Bốn cái không khởi hiện trong bản chất của bốn cái lạc. Đồng thời khi tịnh quang xảy ra, người ta đi vào thiền định về lạc hòa hợp với (trí huệ) tánh không. Đây là tiến trình được biết là “hòa nhập với Pháp thân trong giấc ngủ”.

Khi đến lúc khởi lên từ tịnh quang ấy, người ta quyết tâm sanh khởi với một thân giấc mộng bằng cách bỏ qua một bên thân hợp uẩn cũ kỹ và mang lấy hình tướng của một vị Phật Vajradhara kết hợp đôi. Rồi khi người ta khởi lên từ tịnh quang (của giấc ngủ) thân giấc mộng xuất hiện. Tuy nhiên, người ta không làm điều đó trong thân các hợp uẩn cũ ; mà thân giấc mộng sanh khởi với tâm như là một vị Phật Vajradhara kết hợp đôi. Đây là cái được biết như “hòa nhập với Báo thân trong giấc mộng”.

Người ta tập chú cái định vào những thiền định của những tiến trình chuyển hóa của Báo thân ấy. Khi đến lúc thức dậy từ giấc ngủ, người ta làm điều đó bằng cách khởi lên với những hợp uẩn cũ được hình dung như là Con Người Biểu Tượng với Con Người Trí Huệ ở trái tim mình. Đây là tiến trình được biết như “hòa nhập với Hóa thân khi thức dậy”.

Đồng thời với điều này, khi không khí bắt đầu qua hai lỗ mũi và năm thức giác quan sống lại, bất cứ hình tướng nào xuất hiện đều được thấy là tánh không, tánh không như lạc, và lạc như những bổn tôn mạn đà la. Đây là sự thực hành được trau dồi trong những thời sau-thiền định.

Thiền giả không có khả năng hoàn thành những chứng ngộ giai đoạn cao nhất trước thời gian chết cần trau dồi quyết tâm áp dụng những kỹ thuật để lưu giữ tịnh quang của cái chết, sanh khởi trong Báo thân trong trung ấm và nhận lấy sự sanh với tái sanh của một vị thầy mật thừa, hay mantracharyin. Bấy giờ lúc cái chết đến gần, người ta cần thiền định về những kinh mạch, những năng lực, những luân xa… như ở trên, và thiền định về sự cháy hừng và tan chảy. Điều này khiến cho những năng lực sinh khí đi vào kinh mạch trung ương và ở lại rồi hòa tan, phát sanh những dấu hiệu của những hòa tan, cho đến những dấu hiệu của tịnh quang xảy ra. Khi tịnh quang của cái chết khởi hiện, người ta chú tâm vào thiền định về tánh không. Đây là tiến trình được biết như “hòa nhập với Pháp thân vào lúc chết”.

Khi đến lúc sanh khởi từ tịnh quang, người ta phát khởi bản năng bỏ qua một bên những hợp uẩn cũ và, khi lấy một thân trung ấm, sanh khởi trong hình tướng một vị Phật Vajradhara kết hợp đôi. Bấy giờ từ tịnh quang người ta phát khởi hình ảnh của thân trung ấm như là Phật Vajradhara kết hợp đôi, và những hợp uẩn cũ được bỏ qua một bên. Đồng thời những dấu hiệu của tiến trình hòa tan biểu lộ theo chiều ngược, thức trở ngược lại từ tịnh quang đến gần đạt… cho đến thị kiến ảo ảnh. Đây là tiến trình được biết như “hòa nhập với Báo thân trong trung ấm”.

Người ta vẫn chú tâm vào những cấp bậc định trong những thiền định của những chuyển hóa Báo thân. Rồi khi muốn nhận lấy tái sanh, người ta tìm một môi trường di truyền thích hợp trong những hạt trắng và đỏ của cha mẹ tương lai để hoàn thành tái sanh như là một pháp khí đặc biệt của một vị thầy mật thừa. Đây là tiến trình được biết như là “hòa nhập với Hóa thân vào lúc tái sanh”.

Chúng sanh vào bụng mẹ theo cách này sẽ đi qua năm giai đoạn lớn lên, như giai đoạn chỉ là một khối kết những tế bào… Đến lúc rời bụng mẹ, qua tuổi ấu thơ và thanh niên, rồi đi vào thực hành và hoàn thành phần còn lại của con đường, như thế thành tựu Phật quả.

Kỹ thuật được Áp dụng sau khi những Năng lực đã được rút vào (kinh mạch trung ương)

Sau khi chuyên tâm vào những phương pháp này để hướng dẫn những năng lực sinh khí vào kinh mạch trung ương, về sau người ta hoàn thành một nhập định thông thạo trong tiến trình. Người ta sớm tri giác những dấu hiệu tiếp cận giai đoạn trong đó thân huyễn có thể được phát sanh. Với điều kiện bên ngoài là quán tưởng karmamudra, người ta đi vào điều kiện bên trong, tức là thiền định về những kinh mạch, luân xa… và thiền định về cháy hừng và chảy lỏng. Những năng lực sinh khí được làm cho đi vào kinh mạch trung ương và ở lại và hòa tan, phát sanh những dấu hiệu của hòa tan, từ ảo ảnh v.v… cho đến dấu hiệu của tịnh quang. Bốn cái không hiện khởi trong bản chất của bốn lạc. Khi tịnh quang bổn nguyên (hay vốn sẵn, bẩm sanh) sanh khởi, người ta thiền định về lạc hòa hợp với tánh không. Đây là kỹ thuật đi vào tịnh quang bổn nguyên ‘tương tự’, và với nó căn cứ của thân huyễn được sanh thành.

Khi đến lúc xuất khởi khỏi tịnh quang, người ta phát khởi bản năng để qua một bên những hợp uẩn cũ và lấy hình tướng của một vị Phật Vajradhara kết hợp đôi. Rồi khi người ta sanh khởi từ tịnh quang, năng lực sinh khí của năm ánh sáng chiếu diệu, trên đó tịnh quang bổn nguyên cưỡi lên, được dùng như nguyên nhân chất thể ; và tâm dùng như điều kiện hiện diện đồng thời. Căn cứ trên những cái đó, những uẩn cũ được bỏ qua và người ta sanh khởi trong hình tướng của một vị Phật Vajradhara kết hợp đôi, trang hoàng bằng những tướng chánh và phụ. Đây là giai đoạn của “thân huyễn chưa thanh tịnh”. Đồng thời người ta kinh nghiệm tiến trình hòa tan ngược lại, đi từ tịnh quang đến gần đạt v.v… cho đến dấu hiệu ảo ảnh.

Trong những hệ thống tantra như Guhyasamaja thân huyễn này được minh họa và giải thích bằng cách dùng mười hai cái tương tự.(2)

Vào lúc ấy ba yếu tố xảy ra đồng thời : sự dừng dứt của cái tương tự với cái bổn nguyên (nghĩa là thức tịnh quang “tương tự” hay “ẩn dụ”), sự viên mãn của gần đạt trong tiến trình hòa tan, và sự khởi lên trong hình tướng thực sự của một “thân huyễn chưa thanh tịnh”. Bấy giờ người với thân huyễn ấy chú tâm vào những giai đoạn của định.

Người ta đi vào những giai đoạn của định như thế nào ?

Trước hết người ta thiền định về những “pha” của tiến trình hòa tan, nó khiến cho những năng lực sinh khí đi vào kinh mạch trung ương, ở lại và hòa tan. Điều này làm khởi lên những dấu hiệu của các định, từ ảo ảnh đến tịnh quang. Khi đến lúc khởi lên khỏi tịnh quang người ta phát sanh quyết tâm có một thân huyễn chưa thanh tịnh chuyển hóa thành một thân huyễn thanh tịnh. Bấy giờ khi người ta sanh khởi từ tịnh quang, thân huyễn chưa thanh tịnh bị bỏ qua một bên và hình ảnh của thân huyễn thanh tịnh sanh khởi trong tâm. Đồng thời với cái đó, người ta kinh nghiệm tiến trình hòa tan theo chiều ngược lại. Người ta đi từ tịnh quang đến gần đạt v.v…, cho đến dấu hiệu ảo ảnh. Người đi vào hình tướng Báo thân ấy bấy giờ sanh khởi như Hóa thân, lưu xuất ra những mạn đà la được duy trì và duy trì. Khi người ta muốn sanh khởi từ thiền định, người ta làm điều đó bằng cách thiền định về những uẩn cũ như là Con Người Biểu Tượng với Con Người Trí Huệ ở trái tim.

Ở trong bình chứa (pháp khí) này người ta chỉ dạy Pháp cho những người tu hành và trau dồi những hoạt động sau-thực hành, bao gồm cả những sinh hoạt như ăn, uống…

Hành giả của giai đoạn thân huyễn này trau dồi những thiền định cao cấp ấy và sau cùng thấy những dấu hiệu rằng sự thành tựu giai đoạn gọi là “đại hợp nhất của tu hành” đang đến gần. Nó đi vào điều kiện bên ngoài và điều kiện bên trong là những thiền định về những giai đoạn hòa tan… làm cho những năng lực sinh khí đi vào kinh mạch trung ương, ở lại và hòa tan. Những dấu hiệu của những hòa tan xảy ra, từ ảo ảnh đến tịnh quang. Bốn cái không sanh khởi trong bản chất bốn lạc. Vào khoảnh khắc của tịnh quang bổn nguyên, người ta đi vào thiền định về lạc hòa hợp với tánh không.

Vào lúc đó năm yếu tố đồng thời xảy ra : trạng thái “gần đạt trong tiến trình hiển lộ” ngừng dứt ; lạc bổn nguyên khơi dẫn một chứng ngộ trực tiếp chưa từng có về tánh không ; thân huyễn được tịnh hóa trong tịnh quang thực sự, xuất hiện như một cầu vồng trong bầu trời rạng rỡ ; người ta hoàn thành giai đoạn không ngăn ngại trong đó đối trị trực tiếp với những che chướng xúc cảm (phiền não chướng) được sanh ra trong dòng tâm ; và dòng tương tục của người ta trở thành dòng tương tục của một vị thánh.

Lúc tiến trình khởi lên khỏi tịnh quang bắt đầu, sức mạnh hướng dẫn trước kia trong thực hành sẽ vào cuộc, đặt người ta ở cánh cửa qua đó thân huyễn thanh tịnh có thể được hoàn thành. Khi người ta khởi lên từ tịnh quang, với vai trò của nguyên nhân chất thể được vào cuộc bởi năng lực vi tế của năm ánh sáng chiếu diệu, trên đó thức tịnh quang bổn nguyên và thực sự cỡi lên, và vai trò của điều kiện hiện diện đồng thời được vào cuộc bởi tâm, người ta khởi lên trong một “thân huyễn thanh tịnh” thực sự. Thân huyễn thực sự này là một dòng không đứt đoạn trong một hình tướng như của Phật Vajradhara kết hợp đôi, trang hoàng bởi những tướng chánh và phụ, với những uẩn cũ để lại đàng sau.

Đồng thời biểu lộ những dấu hiệu của tiến trình hòa tan ngược lại, từ tịnh quang đến gần đạt cho đến dấu hiệu ảo ảnh. Vào lúc đó năm yếu tố cùng xảy ra : ‘thức tịnh quang bổn nguyên thực sự’ ngừng dứt ; trạng thái ‘gần đạt’ trong tiến trình hòa tan được sanh ra ; sự khởi lên của “thân huyễn thanh tịnh” ; người ta hoàn thành con đường giải thoát rốt ráo thoát khỏi những che chướng xúc cảm ; và dòng tương tục của người ta trở thành dòng tương tục của một A La Hán.

Con người của hình tướng Báo thân ấy bấy giờ chú tâm vào định.

Cái gì là những giai đoạn của định ấy ? Người ta tập chú vào thiền định nhất tâm về tánh không và rồi khiến cho những năng lực sinh khí đi vào kinh mạch trung ương, ở lại và hòa tan, làm khởi lên những dấu hiệu, cho đến tịnh quang xảy ra. Vào lúc đó người ta đã đạt đến chỗ, nơi đó trạng thái đại hợp nhất có thể được hoàn thành không trở ngại, nơi thân và tâm có thể được cùng hòa hợp thành một thực thể duy nhất. Ở đây thân là thân huyễn thanh tịnh trang hoàng bởi những tướng chánh và phụ, và tâm là thức tịnh quang thực sự.

Khi đến lúc sanh khởi từ kinh nghiệm tịnh quang ấy, sức mạnh hướng dẫn trước kia từ sự thực hành vào cuộc, và người ta thấy mình ở cánh cửa qua đó thân của “đại hợp nhất trong tu hành” có thể trở thành thân của “đại hợp nhất vượt khỏi tu hành”. Khởi lên từ tịnh quang, người nơi giai đoạn của “đại hợp nhất của tu hành” tri giác hình ảnh thân thể của giai đoạn “đại hợp nhất vượt khỏi tu hành”. Đồng thời những dấu hiệu của tiến trình ngược lại xảy ra, từ tịnh quang đến gần đạt v.v… cho đến ảo ảnh.

Báo thân ấy nắm giữ tiềm năng của Hóa thân và Hóa thân lưu xuất một mạng hoạt động, như biểu lộ những mạn đà la được duy trì và duy trì.

Khi người ta muốn sanh khởi khỏi thiền định, người ta đi vào những hợp uẩn cũ hay những hợp uẩn cũ khác, tùy cái nào thích hợp. Rồi, ở trong bình chứa đó, người ta chỉ dạy Pháp cho những người tu hành và trau dồi những hoạt động sau-thực hành…

CÁCH BIỂU LỘ NHỮNG KẾT QUẢ 

Thiền giả ở giai đoạn đại hợp nhất của tu hành trau dồi những định của cấp độ đó trong cả thiền định chính thức và sau-thiền định, và sau cùng thấy những dấu hiệu của sự tiếp cận với chứng đắc “đại hợp nhất vượt khỏi tu hành”. Người ta có điều kiện bên ngoài là quán tưởng karmamudra và điều kiện bên trong là thiền định nhất tâm về tánh không, làm cho những năng lực sinh khí đi vào kinh mạch trung ương, ở lại và hòa tan. Những dấu hiệu xảy ra, bắt đầu bằng ảo ảnh v.v… cuối cùng đến những dấu hiệu của tịnh quang biểu lộ. Bốn cái không sanh khởi trong bản chất của bốn lạc.

Giây phút tịnh quang bổn nguyên này biểu lộ, người ta đi vào thiền định về lạc hòa hợp với (trí huệ) tánh không. Khoảnh khắc thứ nhất của tịnh quang này là giai đoạn không ngăn ngại trong đó những chướng ngại tri giác (sở tri chướng) được vượt qua. Khoảnh khắc thứ hai của nó cũng là khoảnh khắc đầu tiên của Phật quả toàn giác, trong đó người ta an trụ trong định toàn hảo về bản tánh tối hậu của tất cả hiện hữu, cùng lúc thấy trực tiếp mọi thực tại quy ước rõ ràng như một miếng trái cây trong lòng bàn tay. Thân của đại hợp nhất của tu hành trở thành đại hợp nhất vượt khỏi tu hành, Báo thân thực sự phát ra hàng ngàn Hóa thân lưu xuất để làm lợi lạc cho những ai tu hành. Như vậy người ta hoàn thành Phật quả trọn vẹn trong bản tánh của ba thân.

Như một sơ bộ để đạt đến giai đoạn đại hợp nhất vượt khỏi tu hành, người ta phải đi qua giai đoạn đại hợp nhất của tu hành. Như một sơ bộ cho cái đó người ta phải hoàn thành thân huyễn, và để cho điều đó người ta trước hết thiền định về những kinh mạch, luân xa, cháy bừng, tan chảy v.v…

Lần lượt, như một sơ bộ (cho những thực hành của giai đoạn thành tựu này) người ta phải đi đến chỗ kết thúc của những thực hành giai đoạn phát sanh thô và tế, chúng lấy sanh, chết và trung ấm, những căn cứ cần tịnh hóa, như là những con đường của ba thân. Để cho điều này người ta phải đã nhận quán đảnh trọn bộ và trưởng thành, chín chắn trong việc tuân thủ những giới luật được trao vào lúc quán đảnh. Hơn nữa, trước khi vào thực hành mật thừa người ta cần tu hành tâm thức trong con đường chung, từ trau dồi một tương quan làm việc hiệu quả với một vị thầy tâm linh, cho đến tu hành thiền định phối hợp shamatha (chỉ) và vipassyana (quán).

Như vậy hành giả như viên ngọc quý đi vào con đường sâu xa của Sáu Yoga của Naropa theo cách này đã vào con đường trọn vẹn và không lỗi lầm cho sự thành tựu giác ngộ trong một đời ngắn ngủi, dù trong thời đại suy đồi này.

Lời kết : Những ghi chú về dòng những giáo lý của Vajradhara Lobzang Dondrup, với không có gì vượt quá và không có gì bỏ sót, được sao chép và ấn hành bởi nhà sư Phật giáo Basowa Tenpai Gyaltsen (đệ tử của ngài Lobzang Dondrup).
 

(1) Tummo : Tôi dịch từ Sanskrit chandahi là “nội nhiệt”. Từ tương đương của Tây Tạng là tummo, trong đó âm thứ nhất nghĩa là “mãnh liệt” và ám chỉ lạc ấm áp sanh khởi từ thực hành, và âm thứ hai, một phần tử giống cái, ám chỉ trí huệ là đối tượng của cái lạc ấy. Tum là giống đực và mo giống cái, chỉ ra sự cần thiết phải quân bình giữa hai yếu tố dương và âm – nghĩa là năng lực và trí huệ – trong sự tu tập.
(2) Mười hai cái tượng tự : một xuất hiện như ảo ảnh, những vật trong một giấc mộng, một ảo giác, một phản chiếu trong gương, tia chớp trong bầu trời, một tiếng vang trong hang núi, một cầu vồng, mặt trăng trong nước, một thành phố của Càn thát bà, những hình đám mây làm mắt mê lầm, và hình dạng do huyễn thuật.