Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

CHƯƠNG IV Khuyên chú trọng nhân quả

23 Tháng Chín 20165:02 CH(Xem: 2017)
CHƯƠNG IV Khuyên chú trọng nhân quả

LỜI VÀNG 
ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC  

Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm 
Phiên dịch & thi kệ toát yếu 2015

Ấn Quang Gia Ngôn Lục - Phần III

CHƯƠNG IV
Khuyên chú trọng nhân quả

Khuyên nên giữ tâm cung kính

 

2003. Ấn Quang tôi từng thấy người chép kinh dùng máu

Tâm chưa an mà gây khổ cho thân

Chẳng khác gì trò bỡn cợt của trẻ con

 Lại tạo thêm nghiệp vì thiếu lòng cung kính

Lấy ra rất nhiều máu mỗi lần châm chích

Qua vài ngày chung máu đã tanh tao

Dưới nắng hè oi ả đổi sắc màu

Thêm ruồi nhặng nếu không che đậy kỹ

Vậy mà người vẫn bắt chước Pháp Thân Đại Sĩ

Chấm bút lông viết ngoáy một đôi tờ

Lại có người mang chung máu phơi khô

Khi muốn chép kinh, hòa máu cùng nước lã

Chép luộm thuộm trang kinh với lòng vội vã

Tâm không thành vì chỉ muốn vang danh

Hoặc là khoe tài viết chữ thảo đẹp, nhanh

Gieo duyên với pháp nhưng lại là duyên bất kính

Pháp chư Phật tuy là pháp bất định

Nhưng gốc nền cung kính tấc lòng thành

Ví như cành không bén rễ, há tươi xanh

Cũng như kẻ đối kinh lòng hờ hững

Lúc tụng kinh thì đọc nhanh như gió cuốn

Tỏ ra người thành thạo chữ và lời

Không gẫm suy pháp ý thì dù tụng cả đời

Khác chi tiếng vẹt kêu cho qua ngày đoạn tháng

Hóa ra chỉ là kẻ hữu danh vô thực

Lễ sám, lập đàn tràng cứ theo đó mà suy

Người chung quanh nghe thầy tụng như bay

Lại khổ nỗi mình văn không hay, chữ dốt.

Riêng pháp niệm Phật ai tu cũng được

Phật danh thốt ra như con gọi cha hiền

Không đắn đo, không mang nặng não phiền

Lòng cung kính không lơi là khi niệm Phật

Luôn luôn như vậy tức tâm không tạp loạn

Loạn đây là ý tạp loạn thế tình

Chớ phải đâu siêu đẳng đại chân kinh

Mà e ngại trí mình không đến được

Người trọng kinh tượng là người hữu phước

Không nên để kinh bừa bãi lúc thuận tay

Niệm Phật danh như giữ tuệ mạng ngày ngày

Nếu được vậy chẳng lo gì lạc hướng

Nên tưởng như là Phật mỗi khi đối tượng

Không nên nghĩ rằng là đất, gỗ, đồng, thau

Đọc kinh như lời di chúc để ngàn sau

Được như vậy, nghiệp tiêu, thêm phước tuệ

Không thành kính thì như bày tuồng hát Phật

Lợi chẳng bao nhiêu mà tạo nghiệp khó lường

Lục Tổ [1] dạy rằng: “Chỉ tụng đọc Kim Cương

Tức có thể được minh tâm kiến tính.”

Chữ “chỉ”có nghĩa là tâm cung kính

Nào phải đâu chỉ tụng mỗi Kim Cang

Kinh Đại Thừa đều hội đủ công năng

Nếu biết đọc tức minh tâm kiến tính.

Trí Giả [2] đại sư đang tụng Pháp Hoa liền nhập định

Minh Tuyết thiền sư không biết đọc kinh văn

Tu hành nhẫn nhục, làm việc khó khăn

Đầu ngọn bút tung hoành trang thư pháp.

Những chuyện kể trên đều do tâm không loạn tạp

Nghiệp chưa tiêu, hãy lấy câu Phật hiệu làm đầu

Niệm chuyên tâm, trí sáng tựa ngọc châu

Đến lúc ấy nghiên cứu kinh càng toàn vẹn

Tâm tạp loạn thì chỉ bàn suông ngoài miệng

Dù vén mây thấy được khoảng trời trong

Cũng chẳng khác gì loại thế trí biện thông

Không mảy may can dự đến thân tâm, tính mạng

Kẻ hiểu được chút ít thì tâm nông cạn

Muốn sống buông lung nên tự giảng lời kinh

“Tâm đã an thì cần chi giới luật phân minh”[3]

Không trì giới mà tâm an thì cũng lạ!.

Tăng tục ngày nay lắm kẻ thiếu lòng khiêm hạ

Đối với pháp ngôn Như Lai lễ nghĩa chẳng vẹn toàn

Ví như người đếm của báu thế gian

Mà chẳng có được vài đồng trong túi

Kinh Kim Cang nói,

“Chỗ nào có kinh này thì chỗ đó có Phật

Trời, Người, A-tu-la đều phải cúng dường kinh

Chỗ ấy là tháp Phật, dâng hoa thơm nhiễu quanh

Bởi vì sao?

Pháp vô thượng và hằng muôn chư Phật

Đều xuất sinh từ yếu chỉ của kinh”.

Pháp là mẹ Phật, Phật từ pháp hóa sinh

Tam thế Như Lai cúng dường diệu pháp

Như nguồn cội, như đại ân thành quả Phật

Mười pháp giới cùng một nguồn tâm

Ba đời không đổi, cõi cõi nhất chân

Lý tự tâm sinh, đạo là thực tướng.

Tựa Như Ý châu, như vô tận tạng

Tùy tâm hiện lượng, sở nguyện tựu thành

Ứng đáp vô cùng mỗi mỗi chúng sanh

Nên Lăng Nghiêm nói,

Cầu con được con, cầu vợ được vợ

Cho đến kẻ cầu tuổi đời trường thọ

Cầu Niết Bàn, cầu tam muội viên minh

Như Lai bổn tâm trong toàn bộ khế kinh

Trí hèn kém, chúng sinh chưa hội nhập.

Ví như cơn mưa thấm nhuần sớ đất

Loài cỏ cây hấp thụ có khác nhau[4]

Trí chúng sinh có lớn nhỏ, thấp cao

Đạo chỉ Một, tùy tâm người lấy, bỏ.

Nếu gieo thiện căn hẳn thành Phật quả

Thiện tâm lại từ vọng dục nẩy sanh

2103. Nên nói bệnh kia là thuốc trị mau lành

Trong đất khổ nẩy hạt mầm Phật trí

Tâm chúng sinh gồm thu muôn diệu lý

Là bổn tâm, là diệu tạng nhất như

Ngoài tâm này không một pháp thực hay hư

Cho nên gọi là chân như thật tướng

Bởi si tâm nên trí tuệ thành phiền trược

Do tham sân, thường trụ hóa bể dâu

Trong chéo áo người, còn đó một hạt châu

Kẻ hạ tiện chính là con trưởng giả.[5]

Bao số kiếp luân lưu trong sáu ngã [6]

Có ngờ đâu Thật Báo[7], chốn quê xưa

Giữa chợ đời, trí dày nắng, dạn mưa

Tâm như ngọc, thân bơ phờ đói, lạnh.

Nay nhìn lại hạt châu ngời Tự Tánh

Giọt lệ này gột rửa được thiên thu

Một tiếng than nuối tiếc kiếp phù du

Dường chấn động vỡ tan nghìn thế giới

Trong một niệm thánh phàm phân hai cõi

Tâm niệm phàm thì dang díu với kẻ phàm

Gạn lọc phàm tình thì khai mở thánh tâm

Mười pháp giới từ một tâm biến hiện.

 

Những điều thiết yếu lúc người thân lâm chung

Cửa ải lúc lâm chung muôn vàn khẩn thiết

Như người bệnh một mình trèo dốc núi cao

Chân tay rã rời, thần thức tựa chiêm bao

Cảnh ly biệt bồi hồi giây phút cuối

Lòng bấn loạn nghe bên tai inh ỏi

Tiếng kêu gào than trách của người thân

Như sức kiệt hơi mòn lại thêm đá đeo chân

Tiếng than khóc ví ngàn cân gồng gánh

Lúc tắm gội thân đau như bị đánh

Lòng trông mong nghe được tiếng từ bi

Bởi vậy cho nên,

Hàng quyến thuộc trong dạ phải khắc ghi

Câu Phật hiệu trợ duyên là cần thiết

Chớ dùng chữ tình trói người bên bờ cõi chết

Thay vì thoát ly lại vướng vít chốn thế gian

Người lâm chung khó gìn giữ chánh tâm

Quyến thuộc như vậy khác gì oan gia đối mặt.

Phật dạy con người có tám loại thức

Năm thức đầu là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân

Ba thức sau là Ý, Mạt Na, Tàng.

Khi thọ thân, Tàng là thức đến trước

Khi thọ tử, Tàng lại đi sau cuối

Một linh hồn là tiếng của thế gian

 Tàng thức chưa đi khi người dứt hơi tàn

 Cho đến lúc toàn thân đều lạnh giá

Thức, hơi ấm, và thọ mạng, cùng nương gá

Người còn ấm tức tàng thức vẫn nơi thân

Tàng thức còn tức thọ mạng chưa cùng

Nên có kẻ chết đi rồi sống lại.

Việc tống táng trong hai bên tăng tục

Vừa mất, đốt, chôn liền thì quá vội vàng thay

Theo phong tục Nho gia để đến ba ngày

Vì giữ Lễ, và cũng vì tàng thức.

Lúc toàn thân lạnh giá, phải chờ đúng lúc [8]

Có thể dùng nước nóng đắp trên thân

Trong tất cả mọi thời đều nên niệm Phật danh

Quyến thuộc tại gia, xuất gia đều nên ghi nhớ.

 

Trong 49 ngày, và về sau cũng không bỏ

Niệm Phật trợ duyên là việc trọng đại thay

Chớ để hết tâm hồn vào chuyện ma chay

Tụng kinh rất quý, nhưng lúc này nên niệm Phật.

Lúc giỗ kỵ, cháu con thường quên lãng

Niệm Phật danh hồi hướng kẻ qua đời

Cứ tưởng rằng mọi chuyện đã xong xuôi

Đâu biết được chốn nào hồn phiêu bạt

Liên Trì Đại Sư nói,

“Trong năm thường phải truy tiến người đã khuất”

Con cháu hiện đời gieo cấy thiện căn

Niệm Phật, trì kinh, mở rộng bi tâm

Hồi hướng khắp cả mười phương pháp giới

Bi đát thay, chúng sinh trong các cõi

Sinh thì vui, tử thì hận, có biết đâu

Lúc sống trên đời không sắp xếp chỗ về sau

Mười pháp giới, chốn nào tâm an trú?

Kẻ thích xa hoa dặn dò hậu sự

Con cháu lăng xăng, tang phục rộn ràng

Không biết lắng lòng khiến thần thức khinh an

Lại dùng tang sự để bày trò náo nhiệt.

Người thế gian có sinh thì có diệt

Tâm chẳng nên nuối tiếc, oán trời người

Tang tế không nên dùng cá thịt theo đời

Dâng Phật hương hoa, đãi người chay lạt

Tâm chuyên chú vào hồng danh Đức Phật

Nếu có của tiền thì bố thí tạo phước ân

Hồi hướng người quá cố được hưởng chung

Đó mới gọi là người tròn đạo hiếu

Trong 49 ngày ăn chay, niệm Phật hiệu

Thấy người, tưởng mình, hãy buông xuống vạn duyên

Lúc ốm đau, không niệm chuyện tư riêng

Trì thánh hiệu, tưởng như cầu tiếp dẫn

Nếu tuổi thọ chưa đến thời cùng tận

Nghiệp tiêu trừ, sức khỏe lại phục hồi

Nếu đã xong nhân quả trọn một đời

Tâm không tạp loạn hẳn vãng sinh Lạc quốc

Nếu chẳng hướng tâm niệm danh Đức Phật

Chỉ mong cầu bệnh tật được tiêu trừ

Nếu chẳng phải là người phước báu có dư

Bệnh không giảm, tâm cuồng làm thân khổ

2203. Nếu là người thọ mạng đà tận số

Nghiệp đưa đường chìm đắm cõi mê tâm.

Trợ niệm vãng sinh là thành tựu chánh nhân[9]

Trong cõi tục đà vẹn toàn Phật sự

Là công đức đoạn tuyệt vòng sinh tử

Phước báu tầm thường há dám sánh vai.

 

Chương IV

Khuyên chú trọng nhân quả

Luận về lý nhân quả

 

Tuy nhân quả là nhập môn Phật giáo

Cũng là pháp trọng yếu để cứu nước, cứu dân

Tài trí cao siêu đến mấy cũng chỉ uổng công

Nếu không lấy quả nhân làm nền tảng

Thánh hiền luôn dè dặt, không theo đời xoay chuyển

Kẻ phàm phu thích múa bút lòe người

Chưa có quyền hành thì luận nghị lôi thôi

Có quyền thế liền hại dân, hại nước.

Không tin nhân quả nên tùy nghi phóng túng

Chẳng biết mình đang ở dưới vực sâu

Nếu là người có khí chất thanh cao

Luôn cẩn trọng từng việc làm nhỏ nhặt

Điều thiện lành dù nhỏ như hạt cát

Nếu gặp đủ duyên chớ bỏ ngoài tai

Điều ác kia dù chẳng hại ngay ai

Người hiền đức cũng không hề khởi ý

Từng chút một, nếu biết vun bồi thành tánh khí

Như nhánh cây uốn nắn lúc mầm non

Khi mọc chọc trời khó thể bẻ cong

 Người quân tử không khác gì đại thụ.

 

Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả

Nếu sợ khổ quả, thì phải đoạn ác nhân

Làm thiện thì việc thiện sẽ theo chân

Làm chuyện ác, tai ương liền kéo đến[10]

Phật luận ba thời hiện tại, vị lai, quá khứ

Trí phàm mê muội, tưởng chuyện mông lung

Không biết chính đây là tánh đức, nghĩa nhân

Là bổn tánh của thánh nhân và trời đất

Lý lẽ dạy kẻ thế gian thì giản lược

Chỉ nói về việc thiện ác hiện đời

Không luận rõ nhân duyên trong sáu ngã luân hồi

Kẻ trí cạn không tin vì không biết

Phật khai thị từ nhân gieo, quả kết

Trong cả ba thời quá, hiện, vị lai

Kinh Hoa Nghiêm nói,

Chúng sanh đều có đủ trí tuệ, đức tướng Như Lai

Vì vọng tưởng che mờ nên không chứng đắc

Trí Phật và trí chúng sinh đồng tánh đức

Chấp vọng lìa chơn nên có khác nhau

Tu đức là xứng bổn tánh khởi tu

Thuận tánh Phật, càng tu càng gần Phật

Tu thuận tánh hẳn có ngày triệt chứng

Trước và sau vẫn chỉ một hạt châu[11]

Trong chéo áo người, nào có mất đi đâu

Khi không mất thì có gì để được

Tu tập nghịch bổn tánh thì ngày càng xa Phật

Chẳng bao lâu đọa lạc cõi tam đồ[12]

Tánh Phật theo chân người vào địa ngục bởi đâu

Tuy lưu lạc nhưng hạt châu trong chéo áo

Nếu hiểu như vậy thì ngu si và thiện xảo

Thánh và phàm đồng thể tánh không hai

Nương thiên chân, bay bỗng tận thiên đài

Tạo nghiệp, chuyển nghiệp, một tâm này tạo chuyển.

 

Kẻ hậu học dùng thông minh, ngụy biện

Bôi xóa đi công nghiệp của thánh nhân

Bày chuyện này chuyện nọ gọi tân trang

Lưu truyền con cháu bao nhiêu thảm họa

Nhân quả[13] thắng người, người chuyển nhân quả

Lấy nhân ngày nay diệt nhân tạo hôm qua

Lấy nhân hiện đời chuyển đổi quả lâu xa

Tay gieo nhân, tay gặt quả, mảnh đất tâm cầy cấy.

Theo Nho gia,

Chánh mệnh ngày nay do nhân đời trước

Lực là khả năng làm trăm sự trong đời

Hoặc tu hành, hoặc theo tài sắc rong chơi

Lực bồi đắp, hoặc vần xoay chánh mệnh[14]

Xưa Khổng Tử không gặp minh quân chánh lệnh

Chẳng thể khiến cho thiên hạ bình an

Đó là do nghiệp lực của muôn dân

Không can hệ chi đến trí tài Khổng Tử.

Phật dạy,

Dùng Định nhiếp tâm, vọng niệm chẳng khởi

Dùng Tuệ trừ Hoặc, thấy rõ Chân Như

Đây chính là đại hùng, đại lực vốn có dư

Đại lực ấy cũng từ Tâm hiện tướng.

 

Xưa Viên Liễu Phàm nhờ một tiên sinh bói toán

Việc việc đều ứng nghiệm, quả không sai

Viên tin rằng có số mạng an bài

Sau gặp được Vân Cốc thiền sư khai thị

Viên tận lực tu hành, không giải đãi

Cái gọi là “số mạng” chẳng còn linh

Do đó biết rằng lập mạng tại tu hành

Tùy căn tánh mà có Quyền, có Thật.[15]

 

Tám trong mười người tuyệt mạng vì sắc dục

Liền cho rằng số mạng đã thế kia

Nào biết rằng sắc dục khiến tâm mê

Chính là đại họa tạo nên uổng tử [16]

Chỉ một hai người đúng thời sinh, đúng thời tử

Trong dục này có cả việc tà dâm

Chuyện vợ chồng cũng phải biết hạn phân

Quân tử thấy mỹ nhân vô đức là tai họa

Kẻ thiểu trí thì lòng vui mừng, cợt nhả

Tiểu nhân vì tưởng phước, họa trao tay

Họa, phước không có chân để chạy đến nhà ai

Chính thực do chủ nhà mời mà đến [17]

Kẻ thiểu trí mê chấp vào đoạn kiến[18]

Không thấy được ba thời [19] nên oán trách, than van

Bởi chỉ thấy hiện đời lắm chuyện trái ngang

Không biết hết được tiền nhân, hậu quả

 Thế gian, xuất thế gian đều trong vòng nhân quả.

 

Đa số người ưa thánh cảnh nhưng vẫn cam phận phàm phu

Thân-khẩu-ý là cửa ải của kẻ trí, người ngu

Là cửa ngõ của chánh tâm, thành ý

Từ phàm phu cho đến khi viên thành Phật vị

Gieo thiện nhân thành thiện quả, không sai

Kẻ không tin,

Kiếp kiếp như vi trần, lưu lạc đó đây

Biết nhân quả tức biết đâu là bổn tánh

Phật pháp lưu thông trải vô lượng hạnh

Người trí sâu sẽ kiến tánh minh tâm

Kẻ sơ cơ có thể thành bậc thánh hiền

Gột rửa được nhiều tồi phong bại tục

Như thời Liệt quốc [20] giết người tuẫn táng[21]

Giết càng nhiều càng chứng tỏ uy quyền

Cho đến khi Phật giáo được lưu truyền

Thói man rợ mới đến thời tan rã.

Bởi vì sao?

Lời Phật dạy gieo nhân thì gặt quả

Khiến kẻ lòng lang, dạ sói, cũng núng nao

Nếu Phật pháp không lan truyền hỗ trợ thuyết chính danh[22]

Thì thử hỏi Nho gia còn hiệu lực?

Nhân quả chỉ là pháp đơn sơ thứ nhất

Mà hiệu năng trừ được thói sát sinh

Huống chi là pháp vi diệu viên minh

Kẻ trí kém làm sao so lường được?

Thánh nhân cõi tục dạy tu thân, tròn bổn phận

Bậc thượng căn thì gìn giữ, tuân hành

Kẻ hạ, trung sẽ tùy ý tung hoành

Đâu màng đến tề gia để mong trị quốc

Phật pháp dạy Quả do Nhân báo ứng

Sinh tử, luân hồi, địa ngục sẵn dành

Phật tánh rạng ngời trong tất cả chúng sanh

Bậc thượng trí theo đường về chân tánh

Kẻ ngu muội lo quả khổ đến hồi nhận lãnh

Nên e dè chẳng còn dám vung tay

Bòn mót phước ân dành lại kiếp vị lai

Nên phải biết Phật là tôn sư trong các cõi.

 

Nhân Quả về mặt Sự

Kinh dạy,

 “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả.”

Bồ tát không muốn ác quả nên đã đoạn ác nhân

Tội chướng diệt trừ, công đức viên dung

Đúng thời cơ thì tựu thành Phật quả

Chúng sinh tạo ác nhân, không muốn ác quả

Chẳng hiểu rằng nhân quả như bóng theo hình

Kẻ ngu si vừa làm chút ít việc lành

Liền mong đợi gặp được nhiều đại phước

Khi nghịch cảnh đến liền cho rằng trái ngược

Nên không tin nhân quả, thoái thất sơ tâm

Lại sinh ra bài bác pháp thậm thâm

Nào hiểu được hiện, sanh, và hậu báo [23].

Quả thông ba thời, do một tâm gây tạo

Thì cũng do tâm chuyển đổi nghiệp trần hoàn

Vương nghiệp Thương[24], Chu[25] mấy ai biết gốc nguồn

Chính từ việc Tắc, Khiết phò tá vua Thuấn[26], Vũ.[27]

Phật nhãn viên minh thấy nhân duyên đầy đủ

Thiên nhãn, Thanh Văn chỗ thấy có ngại ngăn

Huống chi là con mắt của phàm nhân

Chỉ thấy được việc xảy ra trước mặt.

 

Nên Kinh Kim Cang dạy rằng,

Nếu có kẻ trì kinh, gặp người chế nhạo

Người ấy do nghiệp xưa sẽ đọa vào ác đạo

Nhưng vì bị người khinh nên nghiệp cũ tiêu tan

Sẽ chứng thành quả Phật, cũng do tâm

Khiến nghiệp địa ngục chuyển xoay thành nhạo báng

Phải biết rằng, kẻ ác mà được phước

Phước báu kia đời trước đã gieo trồng

Phước càng lớn hơn nếu biết giữ thiện tâm

Nếu làm ác, phước xưa dần tiêu tán

Ví như con nhà giàu ăn chơi phóng đãng

Chưa đói nghèo bởi có sẵn gia tài

Việc tán gia bại sản có hẹn ngày

Hiền gặp dữ, dữ gặp hiền, cũng như đã nói.

Vui thuận theo thời [28] chẳng màng giàu sang, nghèo đói

Đêm ngày lo việc tích đức, tu thân

Tận tánh là sống tận thiện với tánh chân[29]

Phú bần, thọ yểu, nhân quả chưa từng thiên vị

Khi việc đến thì rõ kẻ ngu, người trí

Ví như trông hình ảnh hiện mặt gương

Kẻ ngu thì bận bịu với ghét với thương

Người trí biết chỉ là gương in bóng.

Thân-khẩu-ý tạo nên ân sâu, đức trọng

Mà cũng là ba cánh cửa ngục môn

Lấy pháp quả-nhân làm nền tảng tu thân

Khi thành tựu đạo, thượng cầu, hạ hóa.

 

Vào pháp thậm thâm, kinh văn là chìa khóa

Mạch đạo thánh hiền dấu ấn thiên thư

Nếu không văn tự, Sự Lý chẳng thể truyền lưu

Nên phải biết kính lời và trọng chữ

Người đời nay quen xem thường văn tự

Giấy bút thừa, hí hoáy chuyện nhảm bàn

Chủ ý mua danh, bán tiếng với những kẻ rãnh rang

Làm nhơ nhuốc văn chương và chữ nghĩa

Phải tự biết rằng,

Với văn tự hữu hình không được làm ô uế

Với văn tự vô hình như trung tín, nghĩa nhân

 Mang theo bên mình cho hết đoạn đường trần

Khéo kẻo lạc đường mê, xa bổn tánh.

 

Nguyên do của kiếp vận

Cái khổ trong Sa Bà chẳng thể nào tính kể

Thiên tai, binh lửa, người rất dễ giết người

Ác nghiệp chiêu cảm ác báo vạn vạn đời

Mau tu niệm cầu vãng sinh Lạc quốc

 Trở lại Sa Bà với thần thông đại lực

Trên cầu Bồ Đề, dưới giáo hóa chúng sanh

Đó là nguyên do cầu được vãng sanh.

Người gieo nhân ác sẳn dành quả ác

Lúc thọ quả báo lại tìm đường chống báng

Nên oan ương qua lại chẳng khi dừng

Không biết rằng nguồn gốc chẳng phải bỗng dưng

Không biết quả ác đã nhiều đời trồng cấy.

 

Đời loạn lạc, người trí, kẻ ngu đều phải thấy

 Trách nhiệm của riêng mình đứng giữa nhân gian

Đầu đội trời, chân đạp đất hiên ngang

Dùng nhân ái xóa tan niềm cừu hận

Người quyền lực phải yêu thương dân chúng

Cảm tạ dân đen thân trải nắng chan mưa

Bưng chén cơm ăn nhớ nổi khổ kẻ quê mùa

Lòng nhân đức cảm hóa muôn đồng chủng.

Trên không giữ đạo trời, dưới sẽ không tùy thuận

Giết hại nhau, thân mất nước há còn

Thương dân tình mãi thống khổ, lầm than

Dùng đạo lý giương ngọn cờ chánh giáo

Biết nhân quả nên nêu gương hiền thảo

Khiến kẻ bần cùng cũng biết sợ quả nhân

Đạo thánh hiền giúp vào việc dạy dân

Trên dưới thái bình, người người an lạc.

 

Những điểm trọng yếu về giới sát

 

Muốn tránh thiên tai, nhân họa, nên trừ nghiệp sát

Nên phóng sanh để rèn luyện tâm từ

Tập ăn chay khiến sát khí tiêu trừ

Trao qua đổi lại, vật người, người vật.

Nhân và quả như hình với bóng

Ác nghiệp hại thân mình, con cháu bị hại lây

Cha mẹ thương con trọn vẹn là đây

Dùng đạo lớn chu toàn cành lẫn gốc.

Sáu cõi phàm có cõi cao, cõi thấp

Đều chưa đoạn Hoặc nghiệp, thoát tử sinh

Khi dứt phước trời, cũng sa đọa, cũng lênh đênh

Nhưng có lúc thăng thiên từ địa ngục.

Kẻ được thân người, không nên quên loài vật

Biết đâu đã từng là quyến thuộc xưa kia

Tâm khác đường, niệm thiện ác phân chia

Thọ thân cá chậu, chim lồng, trong chớp mắt

Được thân người, giữ đức hiếu sinh của trời đất

Tránh việc đập đầu, cắt cổ, lóc vảy da

Con vật không kêu than nhưng máu lệ chan hòa

Nổi thống khổ hằn sâu lòng oán hận

Vòng vay trả, vật hại người, người hại vật

Có phải đâu là cớ sự bỗng dưng

Nếu cho rằng vật được tạo để người ăn

Thì người là loại để ai ăn mà có mặt?

Kinh Lăng Nghiêm nói,

Người ăn dê, dê chết thành người, người chết thành con vật

Như thế cho đến mười loại chúng sanh

 Chết đi, sống lại, nhai nuốt lẫn nhau

Ác nghiệp theo đến vị lai, hiện tại

Cưu mang lẫn nhau mà sinh thân trở lại

Kinh Lăng Già, Phật quở trách việc sát sinh

Dùng thân thú cầm để no béo thân mình

Chẳng biết rằng Phật tánh hiện hữu trong muôn vật

Kinh nói,

Một trong năm tội vô gián là xúc huyết thân Phật[30]

Tất cả chúng sinh đều là Phật vị lai

Suy rộng lời kinh, thấy rằng ăn thân thể muôn loài

Tức giết Phật, nào phải đâu chỉ là phá hình, đập tháp?

Kinh Hoa Nghiêm nói,

Bổn Tâm, Phật, Chúng Sinh, cả ba không sai khác”.

Hãy lắng nghe tiếng rống đớn đau trong lò mổ giữa đêm khuya

Thì phải biết rằng nạn binh đao, máu lửa, chiến tranh kia [31]

Từ nghiệp sát bao đời đà tích lũy

Muốn thế giới an bình, thời thời thịnh trị

Hãy bỏ thói quen ăn xương thịt, cốt tủy, nấu, hầm.[32]

Nếu có người hỏi rằng,

“Sao không lo cho người, bận chi đến thú cầm?”

Thì phải biết,

Đó chính thật là lo cho người vậy!

Tránh giết hại thì chẳng bị người giết hại

Không bị nạn quỷ thần, đạo tặc, oan ương

Không giết chúng sinh, bồi đắp tình thương

Tình thương đó chính là tình đồng loại

Lại có người bảo rằng,

“Loài vật vô số, phóng sinh vài mươi con có gì đáng nói?”

Phải biết rằng lý sự hỗ tương nhau

Tâm từ ban bố sự sống dài lâu

Vật cảm nhận một nguồn ân vô úy

Lục độ vạn hạnh, hành vô úy thí

Huân tập từ bi trong mỗi chuyện cỏn con

Vun bồi phước tuệ đến chỗ vẹn toàn

Như dạy trẻ từ thuở còn la lết

Người ăn thịt là người ăn nỗi chết

Ăn nỗi kinh hoàng, sợ hãi của chúng sinh

2500. Thấm vào xương da, máu thịt của chính mình

Theo hơi hám thở ra mùi oán khí

Nay nương phước xưa, sinh làm người tài trí

Nên cảm cùng trời cái đức hiếu sinh

Chớ nên làm người bán rẽ tánh linh

Phước cùng tận, theo nghiệp thay đầu, đổi mặt

Người ăn thịt cưu mang nhiều bệnh tật

Cả thân tâm ô nhiễm khí tối đen

Ăn thịt, ăn rau, đều bởi thói quen

Biết nhìn lại thì sinh lòng hổ thẹn

Nghiệp thiện ác thọ thân người, thân thú

Có xương da thì biết nỗi đớn đau

Thay hình, đổi mặt, vô số kiếp hẳn quên nhau

Lại giết hại, đoạn tuyệt dòng giống Phật.

 

Lại có kẻ bày ra trò cúng tế

Giết trâu bò làm lễ tạ thần linh

Dùng dây gai trói con vật giữa sân đình

Tiếng trống nổi dập dồn như quỷ khóc

Búa lớn đập đầu, dao đâm vào họng

Máu phun thành vòi nhuộm đỏ sân chầu

Tiếng rống lạnh người, tiếng xướng họa lao nhao

Sì sụp lạy, thần linh đâu chẳng đến

Áo khăn đỏ tươi, hương hoa, đèn nến

Cảnh tượng lạnh lùng, người vật đỏ như nhau

Con vật thí thân kia, nào ai có biết đâu

Chính là kẻ xưa kia sì sụp lạy

Xưa giết vật, nay vật làm người giết lại

Là kẻ đặt bày việc cúng tế bất nhân

Nếu là thần linh, tâm chất chứa đức ân

Há dung thứ loại tồi phong, bại tục

Dùng tục lệ để dối lừa thần thánh

Miệng mình ăn mà dám nói thần ăn

Quả báo kia bao kiếp thú mượn thân

Người thành thú, thú thành người, đổi chữ.

Cũng như vậy,

Các miếu đền thờ anh hùng, thánh nữ

Nên giữ trang nghiêm, tránh ô uế hôi tanh

Kẻ ngu si xào nấu sinh mạng chúng sanh

Mang lên bày biện trên bàn thờ chư thánh

Con mắt đầu heo luộc như âm thầm oán trách

Bên cạnh bốn chân lủng lẳng đã đứt lìa

Sao không lo ngày thân mình đổi chỗ heo kia

Lòng tham tài lộc biến ra lòng ác thú.

Bởi chủ đền tham lam không thấy đủ

Mượn danh thánh thần làm kế sinh nhai

Tiếng kêu đau thương của con vật động thiên đài

Nếu cúng thịt chúng sinh mà được phước

Thì phước đó do yêu tà ban thưởng

Như ma con lo lót tế ma cha

Đến một ngày nhân quả hiện trong nhà

Thì thử hỏi tài lộc nào cứu được?.

 

Người bệnh tật, nạn tai nên cầu Phật Tổ

Sám hối nghiệp xưa, làm việc thiện cúng dường

Nghiệp tiêu trừ, lại gặp được y vương

Chớ mê tín, cầu đảo loài thần, quỷ

Thần chẳng thấy đâu, lại gặp loài yêu mị

Thêm bày điều cúng tế vịt, gà, heo

Quỷ thần kia trong bể nghiệp muôn chiều

Sao có thể khiến cho người tiêu nghiệp?

Nếu là chánh thần tạo nên uy lực

Cũng không thể sánh cùng đạo lực của Như Lai

Hãy tu tâm, cảm ứng sẽ an bài

Lo chi không gặp thánh thần, Bồ tát.

Tuy là trong thế tục thuận theo đường thế tục

Phải biết học theo đệ nhất nghĩa thiên chân

Nếu muốn xa lìa, siêu thoát kiếp huyễn nhân[33]

Thì phải biết đâu là Quyền, đâu là Thực.[34]

 

Trong nghiệp báo, nghiệp sát là nặng nhất

Người không giết người nhưng ăn thịt chúng sinh

Phải biết rằng kẻ kia giết loài vật thay mình

Sao tránh được nhân gieo thành quả

Ăn chay trừ được thiên tai, nhân họa

Muốn tránh ác quả, phải đoạn ác nhân

Đạo lý thánh hiền qua lại, chuyển luân

Gặt thiện quả từ thiện nhân là vậy

 



[1] Lục Tổ Tuệ Năng, Lục Tổ Đàn Kinh:“Đãn khán Kim Cang kinh, tức năng minh tâm kiến tánh”.

[2] Tổ thứ tư Thiên Thai Tông (538-597).

[3] Lục Tổ Đàn Kinh, Tâm bình hà lao trì giới?.

[4] Chỉ cho phẩm Dược Thảo Dụ, kinh Pháp Hoa.

[5] Phẩm Thí Dụ, kinh Pháp Hoa.

[6] Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, a tu la, trời.

[7] Tây phương Cực Lạc.

[8] Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau.

[9] Tam nhân Phật tánh: Chánh nhân, Liễu nhân, Duyên nhân.

[10] Kinh Thư: Tác thiện giáng tường, tác bất thiện giáng ương.

[11] Hệ châu, kinh Pháp Hoa

[12] Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

[13] Thiên định thắng nhân. Chữ thiên này nên hiểu là tiền định, tức nhân quả.

[14] Chánh báo và y báo.

[15] Quyền môn và Thật pháp, đã chú thích ở Lời Vàng I, II.

[16] Cái chết oan uổng.

[17] Họa phước vô môn, duy nhân tự chiêu.

[18] (斷見) Phạm: uccheda-dṛṣṭi, Pàli: uccheda-diṭṭhi. Cũng gọi: Đoạn diệt luận, đối lại với Thường kiến. Một trong 2 kiến chấp. Tức là loại tà kiến chấp thế gian và ngã (cái ta) cuối cùng đều đoạn diệt hẳn. Nhân quả của các pháp mỗi mỗi khác nhau và nối tiếp, chẳng phải thường cũng không phải đoạn. Người đoạn kiến chỉ chấp một chiều, họ bảo không có nhân quả, con người chỉ sống trong một thời kì, sau khi chết là hết; không có thiện ác báo ứng, không có tội phúc: đây là chủ trương của ngoại đạo Đoạn kiến, một trong 16 tông ngoại đạo ở Ấn độ. Những người đề xướng chủ nghĩa hư vô cũng thuộc loại đoạn kiến. Cứ theo luận Đại trí độ quyển 26, thì Đoạn kiến có hai loại: 1. Không có quả báo, tội phúc, khổ vui, đời sau. 2. Tất cả các pháp đều không. Luận Đại tì bà sa quyển 200 nói, ác kiến tuy có nhiều loại, nhưng không ngoài Hữu kiến (chấp có) và Vô kiến (chấp không). Hữu kiến chỉ cho Thường kiến, Vô kiến chỉ cho Đoạn kiến. Hai kiến chấp này đều thuộc về Biên kiến (chấp một bên, một chiều). Cho nên đức Thích tôn dạy phải lìa cả Thường và Đoạn mà giữ lấy Trung đạo. [X. kinh Tạp a hàm Q.34; kinh Đại bát niết bàn Q.27 (bản Bắc); luận Đại tì bà sa Q.49, Q.77; luận Du già sư địa Q.7, Q.58; phẩm Phá ngoại đạo trong luận Phật tính Q.1; luận Thành duy thức Q.6]. (xt. Lục Thập Nhị Kiến, Đoạn Diệt Luận). (Từ điển Phật Quang)

[19] Quá khứ, hiện tại, vị lai.

[20] Thời nhà Chu, chư hầu phân tán xưng vương.

[21] Giết hoặc chôn người sống theo người chết, có khi đến hằng trăm người một lúc. Đây cũng là phong tục của người Chàm thời Huyền Trân, Chế Mân.

[22] Thuyết của Nho giáo, mỗi người tự sống tròn danh vị của mình.

[23] Hiện đời làm thiện, làm ác; hiện đời được phước, mắc họa thì gọi là “hiện báo”. Đời này làm thiện,

làm ác, đời sau được phước, mắc họa, gọi là “sanh báo”. Đời này làm thiện, làm ác, đến đời thứ ba, hoặc

đời thứ tư, hoặc mười, trăm, vạn đời sau, hoặc đến vô lượng vô biên kiếp sau mới hưởng phước, mắc họa,

thì gọi là “hậu báo”. Hậu báo sớm, chậm bất định. Phàm những nghiệp đã tạo, tuyệt đối không có nghiệp

nào lại chẳng có báo.

[24] Nhà Thương (tiếng Trung Quốc: 商朝, Thương triều) hay nhà Ân (殷代, Ân đại), Ân Thương (殷商) là triều đại đầu tiên được công nhận về mặt lịch sử là một triều đại Trung Quốc. Theo biên niên sử dựa trên các tính toán của Lưu Hâm thì nhà Thương trị vì từ khoảng năm 1766 TCN tới khoảng năm 1122 TCN, tuy nhiên theo biên niên sử dựa theo Trúc thư kỉ niên thì khoảng thời gian này là 1556 TCN tới 1046 TCN. Các kết quả của Hạ Thương Chu đoạn đại công trình coi khoảng thời gian này là từ 1600 TCN tới 1046 TCN.

[25] Nhà Chu (tiếng Trung: 周朝; bính âm: Zhōu Cháo; Wade–Giles: Chou Ch'ao, 1122 TCN–249 TCN, nối tiếp sau nhà Thương và trước nhà Tần ở Trung Quốc. Nhà Chu tồn tại lâu hơn bất cứ một triều đại nào khác trong lịch sử Trung Quốc và việc sử dụng đồ sắt cũng đã xuất hiện ở Trung Quốc trong thời kỳ này. Nhà Chu cũng là khoảng thời gian khi hệ thống chữ viết cổ xuất hiện trên các đỉnh đồng thời Tây Chu bắt đầu chuyển sang giai đoạn hiện đại, dưới hình thức những văn bản ghi chép cổ cuối thời Chiến Quốc.

[26] Nguyên tên ông là Trọng Hoa (重華), người bộ lạc Hữu Ngu (有虞). Do ông được sinh ra ở Diêu Khư (gò Diêu) nên về sau lấy Diêu (姚) làm họ.

Theo truyền thuyết, mẹ ông, Ốc Đăng là người rất hiền đức mất sớm, cha là Cổ Tẩu lấy vợ khác và sinh ra Tượng. Dù bị mẹ con Tượng và cả Cổ Tẩu đối xử không tốt, Thuấn vẫn một mực hiếu thuận, giữ đúng đạo làm con.

[27] Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, Vũ là cháu 5 đời của Hoàng Đế; cha của Vũ là Cổn là con trai út của Chuyên Húc; cha của Chuyên Húc là Xương Ý con thứ 5 của Hoàng Đế Vũ đã được sinh ra tại núi Long Sơn (tiếng Trung: 汶山), nay thuộc Bắc Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên mặc dù có ý kiến cho rằng ông được sinh ra ở Thập Phương Mẹ của Vũ là một người phụ nữ tên là Chí Nữ (tiếng Trung: 女志) hoặc Hi Nữ (tiếng Trung: 女嬉).

Khi còn là một đứa trẻ, cha Vũ là Cổn di chuyển người dân về phía đông Trung Nguyên. Vua Nghiêu phong cho Cổn làm người đứng đầu ở địa điểm thường được xác định là gần núi Tung Sơn. Vũ do đó được cho là lớn lên trên sườn Tung Sơn, phía nam sông Hoàng Hà Sau đó, ông kết hôn với một người phụ nữ ở núi Đồ Sơn (tiếng Trung: 塗山), người thường được gọi là Đồ Sơn Thị (tiếng Trung: 塗山氏; nghĩa đen "Lady Tushan"), và có một con trai tên là Khải, một tên nghĩa đen có nghĩa là "mặc khải".

[28] Lạc thiên.

[29] Lập mạng.

[30] Tiếng Phạn là pađcanantaryakarmṇi, Hán dịch là Ngũ nghịch tội hay Ngũ vô gián nghiệp, nghĩa là năm tội nghịch, khi phạm vào phải đọa địa ngục Vô gián, chịu sự khổ sở không gián đoạn. Đây là năm tội nặng nhất đối với mọi chúng sanh. Vì đối với người có ân nhưng thay vì phụng thờ cung kính lại ngổ nghịch làm hại nên gọi là tội nghịch. Theo Tiểu thừa thì năm tội nghịch là: 1. Giết cha, 2. Giết mẹ, 3. Giết A-la-hán, 4. Phá hòa hợp tăng, 5. Làm thân Phật chảy máu. Tuy nhiên, theo Đại thừa thì khái niệm năm tội nghịch rộng hơn, do đó cũng có nhiều chúng sanh dễ phạm vào hơn. Chúng tôi nghiêng về việc hiểu khái niệm năm tội nghịch ở đây theo Đại thừa, bao gồm: 1. Phá hoại tháp Phật, tôn tượng, chùa, tinh xá... hoặc trộm, cướp tài vật của Tam bảo, hoặc tự mình làm, hoặc bảo người khác làm, hoặc thấy người khác làm như vậy mà sanh tâm vui mừng. 2. Phỉ báng, khinh chê giáo pháp của Phật, bao gồm cả giáo pháp Tiểu thừa và Đại thừa. 3. Cưỡng bức, ép buộc tỳ-kheo hoàn tục, hoặc giết hại tỳ-kheo. 4. Phạm vào một trong 5 tội nghịch của Tiểu thừa như vừa kể trên. 5. Khinh chê nhân quả, cho rằng không có nghiệp thiện, nghiệp ác, thường làm 10 nghiệp bất thiện, không sợ quả báo đời sau, thường tự làm hoặc bảo người khác làm 10 nghiệp ác. Theo cách hiểu này thì hầu hết chúng sanh tà kiến đều rất dễ dàng phạm vào năm tội nghịch nếu không biết tin nhận và học theo Chánh pháp. Trong Bồ Tát giới kinh lại có ghi chép bảy thứ tội nghịch (Thất nghịch tội) là: 1. Làm cho thân Phật ra máu, như, chém đánh; ném đá...; 2. Giết cha; 3. Giết mẹ; 4. Giết hòa thượng; 5. Giết A-xà-lê; 6. Phá yết-ma chuyển Pháp luân tăng; 7. Giết thánh nhân. (Tự điển Rộng Mở Tâm Hồn)

[31] Lời cổ nhân: Dục tri thế thượng đao binh kiếp; tu thính đồ môn bán dạ thanh.

[32] Lời cổ nhân: Dục đắc thế gian vô binh kiếp, trừ phi chúng sanh bất thực nhục.

[33] Huyễn cấu (幻垢) Thân tâm của chúng sinh là do 6 đại (đất, nước, lửa, gió, không và thức) giả hòa hợp mà thành, không có thực thể, thuộc về hữu lậu và nhơ nhớp, cho nên gọi là huyễn cấu. Kinh Viên giác (Đại 17, 914 hạ), nói: Này thiện nam tử! Nên biết thân tâm đều là huyễn cấu. Tướng cấu đã diệt thì mười phương thanh tịnh .

[34] Quyền môn: Những tông phái nhấn mạnh đến việc dùng phương tiện để cứu độ chúng sanh, khác với cứu cánh giải thoát chân thật.