Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

07

13 Tháng Giêng 201712:19 SA(Xem: 2592)
07

Luận sử tông Tịnh độ

  

Việt dịch: Quảng Tấn - Quảng Ân - Quảng Bình

Quảng Hiếu - Huệ Hải - Quảng Xả

Quảng Mẫn - Tâm Đức - Huệ Chí - Tâm Đại

Hạnh Minh - Nhuận Độ - Nguyên Thành

Tâm Hiếu - Như Giáo - Nguyên An

Chứng Nghĩa: Thích Đổng Minh
Phụ chú:Thích Tâm Nhãn

 

Chùa Long Sơn, Nha Trang
Phật Lịch:  2548 - 2004
 

--- o0o ---
07

SỰ PHÁT TRIỂN TỊNH ĐỘ TÔNG CỦA

PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC 

Nguyên tác: Lương Vĩnh Khang

Việt dịch: Thích Quảng Xả

 

 

I. LỜI NÓI ĐẦU

Tám tông phái Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc chỉ có Tịnh độ tông là được lưu truyền rộng rãi hơn hết. Từ thời Đông Tấn có đại sư Tuệ Viễn, trở về sau còn có các ngài như ngài Đàm Loan đời Lương, ngài Đạo Xước đời Tùy, ngài Thiện Tôn đời Đường, đều hoằng dương giáo pháp Tịnh độ. Cho nên Tịnh độ tông trở nên phong phú được và xem là tạm đủ về luận thuật, cũng như về nghi thức. Từ đó về sau được các bậc đại đức truyền bá rộng rãi … Gần đây, đại sư Ấn Quang làm thêm rực rỡ, có những thành tựu to lớn, đưa Tịnh độ tông phổ cập xã hội, đi sâu vào dân gian. Nghĩa lý Tịnh độ tông vốn không sâu xa nhưng cũng chẳng dễ hiểu. Nếu suy xét nguồn gốc của Tịnh độ tông thì tự nó có nguyên do. Tóm lại, Tịnh độ tông có những đặc điểm như sau:

  1. Trong các kinh, là pháp môn đặc biệt.

  2. Luận cứ chân thật đủ để giải đáp các nghi ngờ.

  3. Nội dung uyên bác, vừa cạn vừa sâu.

  4. Phương pháp tu trì có phần phiền toái, có phần giản đơn.

  5. Pháp môn rất nhiều để phù hợp căn cơ chúng sanh.

  6. Nghi thức giản đơn hợp với thời đại.

Xét về các khổ ở Ta bà, vốn không thể nói cho cùng, chỉ nhờ niệm Phật trì danh để mau được vãng sanh Cực lạc; chỉ cần đủ Tín, Nguyện, Hạnh thì có thể thẳng đến thành Phật, vĩnh viễn không còn thối chuyển (không còn chịu khổ). Thí dụ như hóa sanh trong hoa sen nên không có cái khổ về sanh. Lạnh nóng không đổi dời nên không có cái khổ của già. Báo thân thanh tịnh nên không có khổ của bệnh. Đã hiểu rõ sanh tử nên không có khổ của chết. Thần thông vô ngại, một niệm liền đến, không bị cái khổ biệt ly. Các bậc Thượng thiện nhân đều hội tụ một chỗ, nên không có khổ về việc không thích mà phải gặp. Thọ dụng đồ ăn, thức uống, y phục, trân bảo tự hiện, thì làm gì có cái khổ về sự cầu không được. Quán chiếu pháp không, vắng lặng, vượt qua khổ ách nên không có cái khổ về ngũ ấm xí thạnh. Cho nên, người được vãng sanh vĩnh viễn không còn bị khổ, chỉ hưởng niềm vui, cảnh thánh Tây phương chiếu hiện trước mắt, nghe pháp âm vi diệu, liền đắc vô sanh nhẫn, hoa nở thấy Phật, được lợi ích không cùng. Ở đây tôi xin chép một đoạn trong bài vịnh của các vị cổ đức nói về sự thù thắng của cõi Tịnh độ :

Dục sanh An dưỡng quốc

Thừa sự Cổ Âm Vương.

Hiệp chưởng tu Tây hướng

Đê đầu lễ bỉ phương.

Anh nhi tư nhũ mẫu

Viễn khách vọng gia hương.

Thận trọng nghinh tân nguyệt,

Ân cần tống tịch dương.

Hình hài đồng thổ mộc,

Giới kiểm nhược thuỷ sương.

Tưởng niệm ly chư vọng,

Già phu tại nhất sàng.

Sát na đăng Tịnh vực,

Phương thốn phát u quang.

Cốt nhục đô dung hóa,

Càn khôn cực liễu mang.

Thái hư hàm biểu lý,

Phật sát cứ trung ương.

Liên thổ uy nhuy ngạc,

Ba phiên liễm liễm đường.

Lâu tuỳ tứ bảo hiệp,

Đài bị thất chân trang.

Kính diện phô giai thế,

Hà tâm kết đổng phòng.

Dao trì vô trú dạ,

Châu thuỷ tự cung thương.

Cự oánh kim sa để,

Phong khinh bảo ngạn bàng.

Thiên chi phân xích bạch,

Vạn đóa gian thanh hoàng.

Tạm ấp thân căn sảng,

Vi thông dị quán lương.

Thánh hiền vân ái đãi,

Thiên nhạc nhật khanh thương.

Tuấn vĩ thuần đồng tử,

Y ưu tuyệt nữ lang.

Quải kiên như ý phục,

Kình bát tự nhiên tưởng,

Thoát thể thù thanh tịnh,

Hàm huy cánh hỗn hoàng.

Ca sa lung thuỵ ái,

Anh lạc sấn tiên thường.

Biến chủ vi trần quốc,

Châu du chánh giác tràng.

Vĩnh hoài ân nhập tuỷ,

Thả miễn độc xâm sang,

Hồi ức Ta bà khổ,

Tranh cấm thế lệ bàng.

     Tạm dịch:

Muốn sanh nước An dưỡng

Thờ đức Cổ Âm Vương.

Chắp tay hướng phía Tây

Đầu đảnh lễ phương ấy,

Như trẻ nhớ sữa mẹ,

Viễn khách nhớ quê nhà.

Thận trọng lúc trăng lên,

Chuyên cần bóng chiều xuống.

Hình hài đồng đất cây

Giới hạnh như băng tuyết.

An tọa thế liên hoa,

Tưởng niệm lìa các vọng.

Sát na lên cõi tịnh,

Tâm u tối bừng vỡ.

Xương thịt đều tan mất,

Trời đất rộng thênh thang,

Trong ngoài đều rỗng suốt.

Trung ương cõi Phật ngự,

Đài cánh sen nở rộ.

Hồ long lanh gợn sóng,

Lầu các bằng bốn báu.

Thất bảo làm đài hoa,

Thềm lan can bóng loáng.

Phòng nhụy sen kết tu,ï

Ao sen bằng ngọc Dao,

Không có ngày và đêm1.

Thủy châu vang tiếng nhạc,

Ao cát vàng lóng lánh.

Ven bờ gió hiu hiu.

Ngàn cây cành đỏ trắng,

Hoa xanh vàng đan xen.

Thân tâm bỗng nhẹ nhàng,

Niềm vui thật khó tả.

Thánh hiền như mây nhóm,

Thiên nhạc vang khắp nơi.

Đồng nam thì tuấn tú,

Đồng nữ cũng đẹp xinh,

Vai mang y như ý,

Tay cầm bát tự nhiên

(Trong có sẵn thức ăn).

Dáng thanh tịnh giải thoát,

Hào quang tỏa quanh thân.

Cà sa màu hoại sắc,

Lưới châu viền thân áo.

Biến khắp cõi vi trần,

Dạo quanh tràng Chánh giác.

Ân (Phật thật cao vời),

khắc sâu trong tâm khảm,

Vượt ra khỏi tam độc.

Nhớ lại khổ ta bà,

  Lệ thương đau dừng chảy.

Nếu ai đọc kỹ bài thơ trên thì dễ rung động, tinh thần vui vẻ, tự lãnh hội sâu sắc. Do đó mà Tịnh độ tông ở Trung Quốc ngày càng phát triển, cố nhiên có nguyên nhân đặc biệt độc đáo của nó. Điều này xin được bàn luận và phân tích rõ ở phần sau.

 

II. LUẬN CỨ RẤT CHÂN THẬT

Lúc Thế Tôn còn tại thế, thuyết pháp 49 năm, giảng kinh hơn 300 hội. Ngộ được chân lý vũ trụ, giữa 96 ban ngoại đạo, Ngài xây dựng hệ thống lý luận tư tưởng khác, độ vô lượng chúng sanh, nên giáo pháp Ngài thuyết rất nhiều, văn sức như hoa mùa xuân, rực rỡ tựa gấm hoa. Ví dụ, thời giáo thứ nhất Ngài lấy hoa Vạn Đức để trang nghiêm Phật quả, đây là thời Hoa nghiêm. Thời giáo thứ hai, Ngài dạy 5 vị đệ tử, biết khổ và dứt trừ nguyên nhân khổ, ưa thích tu đạo Niết-bàn, hợp lại thành 4 tập A-hàm nên gọi là thời A-hàm. Thời thứ ba, Ngài thuyết pháp Phương đẳng, làm cho hàng tiểu căn liền mở được đại trí, nên gọi là thời Phương đẳng, (có các kinh như: Duy-ma, Lăng-già, Tịnh độ). Thời giáo thứ tư, Ngài khai triển Đại thừa để chúng sanh thấy rõ vạn pháp do duyên sanh, gọi là thời Bát-nhã. Thời giáo thứ năm, Ngài chỉ rõ hướng của ba thừa là pháp quyền xảo, để hiển bày pháp chân thật nhất thừa, đây gọi là thời Pháp hoa. Lại nữa, Ngài chỉ rõ cho tất cả hữu tình thấy rằng ai cũng có đầy đủ bốn đức Niết-bàn: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh một cách đầy đủ nên gọi là thời Niết-bàn. Pháp môn tu hành đều có đủ: Đại, tiểu, đốn, tiệm, thiên, viên, hiển, mật. Nhưng thông suốt con đường tự lực mà chưa đoạn hết hoặc nghiệp (kiến hoặc, tư hoặc) thì rất khó chứng chân lý. Mặc dù tu hành nhiều đời, nhưng chúng ta cũng không thể ra khỏi bến sanh tử thiết yếu này để đến được bờ Niết-bàn bên kia. Chỉ có Tịnh độ, một tông phái bao gồm đầy đủ tự lực và tha lực mới dễ dàng tu hành và thành công cao, dùng sức ít mà lại chóng hiệu quả. Căn cứ của lý luận này, được nói rõ ràng trong ba kinh Tịnh độ. Ở đời, nếu ai có nghi ngờ, thì hãy nghiên cứu sâu thêm nữa, nhất định có thể tháo gỡ được sự hồ nghi. (Ba kinh Tịnh độ là: Kinh Quán vô lượng thọ, được đức Phật thuyết tại thành Vương-xá. Kinh A-di-đà, Ngài thuyết tại vườn Cấp-cô-độc. Kinh Vô lượng thọ được thuyết tại núi Kỳ-xà-quật, những di tích này đều có thể khảo cứu), nhà xuất bản Nhật Bản Cận Đại (Đông Doanh ) xuất bản tác phẩm kinh Di-đà, dẫn chứng kinh luận cùng với hơn 200 kinh khác có thể nói rất rõ ràng và đầy đủ.

 

III. NỘI DUNG UYÊN BÁC

Pháp môn Tịnh độ, chính đức Phật Thích Ca, Phật A-di-đà xây dựng. Văn Thù, Phổ Hiền chỉ hướng quay về. Mã Minh (Đại thừa khởi tính luận), Long Thọ (Dị hành phẩm) hoằng dương pháp môn Tịnh độ. Sau khi truyền vào Trung Thổ, để khôi phục kinh Tịnh độ, các Bậc thạc đức như: Khuông Lô, Thanh Lương, Vĩnh Minh, Liên Trì, Ngẫu Ích, Tài Lưu, Tỉnh Am, Triệt Ngô, Ấn Quang v.v… đã phát huy đề xướng ra các phương pháp đặc thù, viên đốn, diệu lý huyền nhiệm, vừa cạn, vừa sâu. Ai y lời dạy hành trì thì tự có thể sanh về Tây phương Cực lạc. Cho nên nói: “Không cần 3 kỳ kiếp tu phước huệ, chỉ nương sáu chữ ra khỏi càn khôn”. Người đời thường hay cho rằng chỉ niệm sáu chữ “Nam Mô A-di-đà Phật”, liền có thể vãng sanh Tây phương Cực lạc thế giới. Do phương pháp quá dễ mà ôm những lý luận nghi ngờ sanh tâm bất tín. Nhưng pháp Phật nói, tuyệt đối không hư dối, càng nghiên cứu các kinh luận Đại thừa sự trình bày về pháp môn Tịnh độ, lược nói về Tịnh độ có các kinh như: Kinh Hoa nghiêm, kinh Pháp hoa, kinh Lăng nghiêm, còn chuyên thuyết Tịnh độ như kinh A-di-đà, kinh Vô lượng thọ, kinh Quán vô lượng thọ, diệu nghĩa đã nói ở trong đó quá đầy đủ, rõ ràng. Nên đại sư Ngẫu Ích dạy rằng: “Niệm A-di-đà Phật thuần thục thì ba tạng 12 bộ loại, hết thảy giáo lý của bậc thượng căn cùng với một ngàn bảy trăm công án đều ở trong ấy; ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh, ba tụ tịnh giới cũng ở trong ấy; sự vi diệu của pháp môn này không có gì hơn, nội dung uyên bát trùm khắp ba căn. Nếu thấy việc tu trì dễ dàng mà cho là nông cạn, thì người ấy là kẻ quê mùa vậy! ”.

 

IV. PHÁP MÔN HƯNG THẠNH NHẤT

Phật thuyết tám vạn bốn ngàn pháp môn chủ yếu để chúng ta có thể hiểu rõ sanh tử. Nhưng thực tế, lợi ích của pháp môn là có thể phù hợp đúng với từng căn cơ. Pháp không cao không thấp, nếu hợp căn cơ thì gọi là diệu. Phật giáo truyền vào Trung Thổ trải qua gần 2 ngàn năm, dưới triều đại nhà Đường, Phật giáo rất hưng thạnh. Tám tông phái Đại thừa2 lần lượt hưng khởi, phương pháp tu hành tuy có khác nhau đôi chút, nhưng quy về nguồn gốc thì không phải khác. Cho đến hôm nay, Phật giáo có thể phổ cập xã hội, thâm nhập vào lòng người, trong đó Tịnh độ tông thật sự nổi bật. Nhưng vì mọi người đều thấy điều ấy rõ ràng như vậy. Pháp sư Đạo Nguyên nói rằng: “Phật giáo không phải là lý luận suông, mà quí nhất ở chỗ thực tiễn. Cuối đời Đường, trên danh nghĩa tuy có tám tông, nhưng chỉ có hai tông Thiền và Tịnh, còn lại các tông phái kia từ từ lặng mất. Cho đến ngày nay, Thiền tông cũng chỉ còn trên danh nghĩa, sự kế tục cũng bị mai một. Thật tế chỉ còn một tông phái Tịnh độ, điều này là vì sao? Phải chăng chính là do những tông phái kia về lý luận quá cao thâm, pháp tu lại quá phiền phức, căn cơ bình thường không dễ lãnh hội được cội nguồn”. Trong “Luận niệm Phật”, đại sư Trạm Sơn Đàm Hư cũng nói: “Phật giáo Trung Quốc ở trong xu thế tự nhiên nhưng đến người sau phân thành một số tông phái như Thiên thai tông, Hiền thủ tông, Pháp tướng tông (cũng gọi Từ ân tông hay Duy thức tông), Tịnh độ tông, Chân ngôn tông, Thiền tông, Luật tông v.v… Điều này đều do liên quan đến sự truyền thừa và học tập chuyên môn của người đời sau nên mới lập ra các tông phái đó. Tất cả những tông phái đều bình thường, duy chỉ Tịnh độ tông và Luật tông, sự hành trì và giáo nghĩa ảnh hưởng qua tông phái khác, vì phần giáo của Tịnh độ tông và Luật tông có trong các tông phái, lại được đại chúng đệ tử Phật cùng học. Ví dụ: Thiên thai tông, Hiền thủ tông, Tam luận tông, Pháp tướng tông, phán giáo của mọi tông phái không giống nhau, tu pháp quán cũng khác nhau. Nói tóm lại, chúng ta để có thể lấy pháp tu Tịnh độ làm phương tiện tốt nhất, đều có thể niệm Phật thành Phật. Chính Thiền tông cũng tham cứu câu ‘niệm Phật là ai?’ Không luận xuất gia hay tại gia, cũng không luận động cơ học Phật của hành giả như thế nào, chỉ cần mục tiêu học Phật của người đó là không ngoài niệm Phật để thành Phật, đồng thời ở trong quá trình học Phật để trở thành Phật, chỉ cần cùng tuân thủ giới luật thanh tịnh của Phật. Như mỗi chùa ở nam, bắc Trung Quốc, không luận hành giả thuộc tông phái nào, một ngày hai lần lên chánh điện nhiễu Phật thì đều niệm ‘Nam Mô A-di-đà Phật’. Mở miệng lời ứng đáp cũng niệm ‘Nam Mô A-di-đà Phật’. Đương nhiên mục đích cuối cùng của Tịnh độ tông không ngoài việc được vãng sanh thế giới Tây phương Cực lạc, để thấy Phật thành Phật. Từ đây có thể thấy được pháp môn niệm Phật là rất nhiều phương tiện và lại phổ biến”.

Theo cách luận của hai vị Cao Tăng ở trên, ta thấy Tịnh độ tông sẽ tồn tại ở đời lâu dài, nhất định là như vậy.

 

V. PHƯƠNG PHÁP RẤT DỄ DÀNG

Xưa Bồ-tát Long Thọ trước tác luận “Thập trụ Tỳ-bà-sa”, trong đó ngài đem tất cả pháp môn phân thành hai loại: Hành đạo dễ và hành đạo khó. Phàm nương vào kinh giáo, ngay cõi Ta bà tích lũy công lao, đoạn hoặc chứng chơn, tu nhơn đắc quả, tất cả đều thuộc hành đạo khó. Nhưng nương vào pháp môn niệm Phật, vãng sanh Tịnh độ, ở trong nước Cực lạc, dựa vào Phật lực để thành Chánh giác thì thuộc hành đạo dễ. Ngày nay, gặp thời mạt pháp, thế giới biến động bất an, chúng sanh không có ngày an ổn. Nếu như giáo nghĩa quá ư sâu xa, khiến mình cảm thấy khó tu học thì xem trong ý kinh Đại tập chép rằng: “Một ức người tu hành thời mạt pháp, hình như chỉ một người đắc đạo, chỉ nên nương vào câu niệm Phật để vượt thoát sanh tử”. Bởi vậy các tông phái khác hoàn toàn nhờ vào tự lực, nên sự tu chứng rất khó; còn Tịnh độ tông nương Phật lực gia bị, vạn người tu vạn người vãng sanh. Pháp sư Ấn Quang nói: “Pháp môn niệm Phật, cả hai Phật lực, tự lực đều đầy đủ cả, cho nên người đã đoạn Hoặc nghiệp rồi thì mau chóng chứng Pháp thân. Người còn đầy Hoặc nghiệp thì cũng mang theo nghiệp mà vãng sanh. Phương pháp niệm Phật rất bình thường, tuy người quê hèn, không hiểu biết, cũng có thể được lợi ích từ phép niệm Phật”.

Lại nữa, niệm Phật rất huyền diệu, dẫu Bồ-tát Đẳng giác vẫn còn tu pháp môn niệm Phật, nên không một người nào không tu được, cũng không có một người nào không thích tu. Hạ thủ dễ mà thành công cao, dùng lực ít nhưng hiệu quả nhanh. Đúng là pháp môn đặc biệt trong thời giáo một đời đức Như Lai nói, cố nhiên không thể lấy cốt tủy giáo lý mà luận phán. Chúng sanh thời mạt pháp, phước mỏng tuệ cạn, nghiệp chướng sâu dày, không tu pháp này, muốn nương tự lực đoạn hoặc chứng chơn để hiểu rõ sanh tử thì thật là rất khó. Lời dạy của cổ đức hẳn nhiên cũng đủ rõ ràng để lưu truyền cho vạn đời. Nhưng xét về thực tiễn của pháp môn Tịnh độ cũng chỉ lấy ba pháp Tín, Hạnh, Nguyện làm tông. Phật pháp như biển lớn, chỉ có lòng tin mới có thể vào. Tổ sư Vân Thê dạy: “Muốn vãng sanh Tịnh độ, điều thiết yếu cần phải có lòng tin vững chắc, ngàn người tin thì ngàn người vãng sanh, vạn người tin liền vạn người vãng sanh”. Đây là lời dặn dò bằng tất cả tấm lòng vậy! Tín tâm đã đủ thì nguyện mới thiết, Tịnh độ tuy xa nhưng có nguyện thì liền được vãng sanh. Tổ sư Mộng Đông dạy: “Tu tập tịnh nghiệp quí ở chỗ tín sâu, nguyện thiết, nhờ việc tín sâu nguyện thiết này mà tất cả tà thuyết đều không thể làm dao động mê hoặc”, thì nguyện tha thiết ấy cũng có ngày được thỏa. Tín, Nguyện đã thiết tha thì Hạnh cũng phải cần có lực. Các Hiền Thánh ngày xưa đã dạy: Được vãng sanh hay không hoàn toàn do Tín và Nguyện có hay không? Phẩm vị cao hay thấp hoàn toàn do trì danh sâu hay cạn? Nên Tín, Nguyện, Hạnh, ba pháp này, thế như ba chân của chiếc đảnh, thiếu một không thể đứng được. Nếu tuân thủ điều này để mà tu trì một cách chân thật thì tự có thể được lợi ích thiết thực của sự vãng sanh vậy.

 

VI. NGHI THỨC RẤT GIẢN TIỆN

Phật pháp là pháp môn mà mọi người đều có thể học và cần nên học. Vậy thì bắt đầu từ đâu để học Phật pháp, để tu trì và lãnh thọ Phật pháp? Chẳng lẻ phải có vườn rừng đình viện, chim hót, hoa thơm, bảo điện trang nghiêm, tô son thếp vàng rực rỡ, cá hồng, khánh xanh, lụa đẹp đắp thân, rồi mới học đạo hay sao? Chẳng lẻ phải sống nơi phồn hoa đua hội, lầu gác nguy nga, rèm buông cửa thếp, trời mây quang đãng, trông xa núi biếc … trong nhà thì có tượng Phật vàng sáng rỡ, vẽ mặt mĩm cười, nhìn đâu cũng thấy vui vẻ, sinh tâm hoan hỷ thì mới học đạo hay sao? Điều này chỉ mới là phạm vi hẹp, đối tượng không nhiều, không thể phổ biến vì đi ngược lại với ý định phổ độ chúng sanh ban đầu của đức Phật. Chẳng lẻ muốn danh thành lợi được, tài bảo đầy đủ, khuôn mặt phúc hậu, cháu hiền con thảo, với dung nhan tuấn tú một thời, đầy đủ tiếng tốt ở trần thế rồi thì mới học Phật pháp hay sao? Đây chỉ là phước báu nhân gian không nhiều, cảnh ngộ cũng thường theo đời biến đổi mà tiêu mất. Theo sự đòi hỏi mà nói ra các điều này, cố nhiên không dễ dàng đầy đủ. Thứ đến là theo nghi thức mà luận có kẻ cũng thường sinh ra phiền toái, chẳng hạn như nhà cửa ở đô thị, cuộc sống nhộn nhịp, khẩn trương được mô tả trong kinh Dược Sư và Pháp hoa tam-muội sám nghi … : “Tục trần bon chen, sống trong lao nhọc, tu hành không dễ, may lại gặp bậc Cao đức của Liên tông, trấn hưng tông phong, xiễn dương các pháp môn giản dị nhưng đầy đủ vô lượng công đức, tuy tay chân chai sạn, cũng có thể thành tựu, dẫu hoàn cảnh cơ hàn cũng có thể tu hành. Con đường mà lịch đại tôn sư đã chỉ bày vừa dễ giữ, vừa dễ thực hành, như pháp ngữ của đại sư Minh Triều Liên Trì có dạy: “Luận về người học Phật, không bàn hình thức bên ngoài đẹp đẽ, chỉ quí ở sự tu hành chân thật. Tại gia cư sĩ, không nhất thiết phải buộc lụa, đội khăn, buộc tóc, không cần phải gõ chuông đánh trống, tự mình có thể thường xuyên niệm Phật. Người ưa thích thanh vắng, có thể ở nơi thanh vắng niệm Phật, không nhất thiết phải đến các hội niệm Phật. Người sợ giao tiếp, tự mình có thể nhập thất niệm Phật, không nhất thiết phải vào chùa nghe kinh. Người biết chữ, tự mình có thể nương lời dạy mà niệm Phật. Ngàn dặm hành hương, không bằng ngồi yên ở nhà niệm Phật. Cung phụng thầy mình, không bằng hiếu thuận cha mẹ mà niệm Phật. Giao thiệp rộng rãi bạn xấu, không bằng độc thân thanh khiết niệm Phật. Tạo phước kiếp sau sung sướng không bằng hiện tiền tác phước niệm Phật. Cúng tế cầu nguyện không bằng sám hối tội lỗi rồi niệm Phật. Học tập văn thơ ngoại đạo không bằng người không biết chữ niệm Phật. Không biết lý thiền mà đàm luận lung tung không bằng tha thiết trì giới niệm Phật. Mong cầu cảm thông quỷ thần không bằng tin đúng nhân quả niệm Phật. Nói tóm lại, trực tâm diệt ác, niệm Phật như vậy gọi là Thiện nhân. Nhiếp tâm trừ sự tán loạn, niệm như vậy gọi là Hiền nhân. Ngộ tâm đoạn Hoặc (phiền não), niệm như vậy gọi là Thánh nhân”.

Phần khai thị trên quả thật mở mang chánh đạo tu trì. Như việc đời nhiều ràng buộc thì đại sư Ấn Quang đề xướng pháp môn thập niệm (phương pháp sớm tối mười hơi niệm Phật). Ở đây cung kính chép như sau: Nếu công việc nhiều thì niệm tu theo nghi thức đơn giản: Sớm tối, sau khi súc miệng rửa mặt xong, có Phật thì lễ Phật ba lạy, đứng ngay ngắn chắp tay niệm “Nam Mô A-di-đà Phật” hết một hơi là một niệm, niệm đến 10 hơi thì đọc bài sám ngắn về Tịnh độ hay đọc “Nguyện sanh Tịnh độ cảnh phương Tây, Chín phẩm liên hoa là cha mẹ, hoa nở thấy Phật ngộ Vô sanh, Bồ-tát bất thối là bạn hữu” (Nguyện sanh Tây phương Tịnh độ trung, Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu, hoa khai kiến Phật ngộ Vô sanh). Đọc xong lễ Phật ba lạy là hoàn tất nghi thức. Nếu không có thờ Phật thì hướng phía Tây lễ lạy. Niệm theo phương pháp trên gọi là pháp môn Thập niệm. Ngài Tống Từ Vân Sám Chủ vì vương thần bận rộn nhiều chính sự3  không lúc nào rảnh để tu trì mà lập ra pháp niệm này. Vì sao phải dùng hơi niệm Phật, vì tâm chúng sanh tán loạn, lại không rảnh rỗi để chuyên niệm, nên lúc niệm thì mượn khí để nhiếp tâm thì tâm tự nhiên không tán loạn. Song, nên tùy theo hơi dài hay ngắn mà niệm, không nên cưỡng ép niệm một lần nhiều câu, cưỡng ép thì dễ bệnh và lại chỉ 10 lần niệm, không nên niệm 20 hay 30 lần; niệm nhiều sẽ tổn khí dẫn đến tâm niệm sẽ tán loạn, khó được vãng sanh. Pháp này có thể hướng tâm qui về một chỗ, nhất tâm niệm Phật quyết định sẽ vãng sanh. Số lần niệm Phật tuy ít nhưng công đức rất nhiều, trình bày ở văn trên rất rõ và cũng được coi là Pháp hoàn bị.

 

VII. RẤT THÍCH HỢP VỚI THỜI CẬN ĐẠI

Học thuyết tôn giáo sở dĩ có thể được lưu truyền rộng rãi đến vạn đời là do nó có đầy đủ những điểm đặc sắc siêu nhiên. Hơn nữa, lại thích ứng được với trào lưu, đồng thời quí ở chỗ là có cùng xu hướng với dòng chảy của thời đại, nên mới trải qua muôn đời mà vẫn luôn mới mẻ. Cuộc sống đô thị ngày nay dần dần có xu hướng bị công nghiệp hóa thì thời gian hẳn nhiên rất là quí trọng, công việc cũng nhiều phiền bận. Giả sử thường xuyên tranh thủ trong lúc rãnh một ít thời giờ để nghiên cứu đôi chút Phật pháp thì vô cùng quí giá. Dẫu núi non hữu tình, cung vàng điện ngọc, mà đường dài hiểm trở thì chưa chắc họ đã đến. Nếu như có nhiều cơ sở lớn để lập đạo tràng thuyết pháp thì cũng vì xuôi ngược để kiếm miếng cơm manh áo nên không thể thấm nhuần mưa pháp. May mắn lại có pháp môn Tịnh độ như mưa ngọt mây lành, như sức sống mùa xuân.

Kinh A-di-đà có chép: “Nếu có thiện nam thiện nữ nào nghe đức Phật A-di-đà thuyết pháp, giữ trì danh hiệu, từ 1 ngày đến 7 ngày, đạt được nhất tâm bất loạn, lúc sắp lâm chung người ấy được Phật A-di-đà và các Thánh chúng hiện ra trước mặt, và khi chết tâm không điên đảo, ngay khi đó được vãng sanh về nước Cực lạc của Phật A-di-đà”. Nên có thể biết rằng trì danh niệm Phật hạ thủ rất dễ, thích hợp với nhiều căn cơ, không luận nam nữ già trẻ, người trí kẻ ngu, giàu sang bần cùng, thiện ác bệnh khổ, sống bằng nhiều nghề, mọi hạng người đều có thể tùy thời tùy chỗ niệm Phật mà không mất vàng bạc, không hao tổn khí lực. Không chỉ có lợi ở đời sau, lìa khổ được vui mà còn được sống lâu, không gặp khó khăn và được lợi ích trong sanh tiền. Cho nên, phương pháp giản lược không phiền toái này rất thích hợp với sinh hoạt thường ngày của mọi người. Đây chính là đường tắt trong đường tắt. Nếu muốn cầu tinh tấn hơn thì các lịch đại tôn sư chế định những giới luật nghiêm tịnh điển hình cụ thể là những phép tắc đang tồn tại, tự bản thân chúng ta có thể lấy những phép tắc này để thực hành và xem như là bậc thầy. Đây chính là dùng hương thơm tỏa ra để cúng dường.

 

VIII. LỜI KẾT

Tôn sư các thời đại của Tịnh độ tông đều lấy pháp môn này để tự tu và dạy người. Trải qua khoảng một ngàn năm mãi cho đến nay pháp môn này vẫn còn thịnh mà ngày càng được phát dương. Các Tổ sư của nhiều tông phái khác nhau như: Thiên thai tông có đại sư Trí Giả, tôn giả Trí Minh, Hoa nghiêm tông có quốc sư Thanh Lương, Luật tông có luật sư Nguyên Chiếu và thời cận đại có đại sư Hoàng Nhất; Thiền tông có Trường Lô, Trung Phong, Sở Thạch. Thời gian gần đây có ngài Hư Vân và các thiền sư khác, tuy mỗi vị mở rộng tông phái riêng nhưng đều nghiêng về tán thán Tịnh độ, có lẽ là vì mọi người đều tu trì pháp môn này. Pháp môn Tịnh độ có bốn phương pháp tu tập:

  1. Thật tướng niệm Phật

  2. Quán tượng niệm Phật

  3. Quán tưởng niệm Phật

  4. Trì danh niệm Phật

Tuy nhiên phương pháp trì danh thông dụng nhất, bởi vì hạ thủ dễ mà thành công cao. Từ sau khi Phật pháp lưu truyền vào Trung Quốc, các bộ luận như Thành thật luận, Câu-xá luận, người tu tập thì ít còn Tam luận tông, Duy thức tông thì nghĩa lý uyên áo rắc rối rất khó nghiên cứu. Người trí kém không thể hiểu rõ, còn người thích đơn giản thì chẳng thích nghiên cứu. Chỉ Thiền và Thiên thai tông được hàng nho sĩ để tâm, nhưng chỉ giới hạn ở thành phần trí thức. Riêng Tịnh độ tông dùng phương pháp giản dị, thâm nhập vào dân gian, ai có lòng tin vững chãi thì mọi lúc đều được an ủi. Từ xưa đến nay, người như vậy thâu hoạch rất nhiều lợi ích. Pháp sư Bảo Tịnh dạy: “Hồ sen trước mặt, vạc nấu sau lưng, không sanh An dưỡng thì sanh ở đâu bây giờ? Bậc trí thì khéo suy nghĩ việc này, đừng trở lại tham luyến trần lao, sống quanh quẩn mà để đời trôi qua một cách vô ích, hãy lấy một câu Di-đà ôm chặt trong lòng, tín chân thật, nguyện tha thiết vãng sanh, thành thật trì danh niệm Phật, dũng mãnh hướng thẳng về phía trước, đừng để biếng nhác phát sinh”. Hãy đem lời này chỉ dạy cho kẻ mê và khắc lên gần bên chỗ ngồi!

 

--- o0o ---