Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

11

13 Tháng Giêng 201712:21 SA(Xem: 2756)
11

Luận sử tông Tịnh độ

  

Việt dịch: Quảng Tấn - Quảng Ân - Quảng Bình

Quảng Hiếu - Huệ Hải - Quảng Xả

Quảng Mẫn - Tâm Đức - Huệ Chí - Tâm Đại

Hạnh Minh - Nhuận Độ - Nguyên Thành

Tâm Hiếu - Như Giáo - Nguyên An

Chứng Nghĩa: Thích Đổng Minh
Phụ chú:Thích Tâm Nhãn

 

Chùa Long Sơn, Nha Trang
Phật Lịch:  2548 - 2004
 

--- o0o ---
 

11.

SỰ TÍCH VÀ HỌC THUYẾT CỦA

ĐẠI SƯ THIỆN ĐẠO 

Nguyên Tác: Lý Thế Kiệt

Việt dịch: Thích Tâm Đại

I. Sự Tích: 

Đại sư Thiện Đạo là người Tứ Châu, tỉnh An Huy, sanh vào năm thứ chín, niên hiệu Đại Nghiệp đời nhà Tuỳ (theo Tây Lịch là năm 613). Ngài xuất gia từ thời niên thiếu và xem thấy bức tranh cảnh Tây phương quá cảm mến, nên ước mong sớm vãng sanh về cảnh Tịnh độ. Sau khi thọ giới với luật sư Diệu Khai, ngài cung kính đọc kinh Quán vô lượng thọ, biết được cửa ngõ của kinh này là pháp giải thoát sanh tử. Giữa năm Trinh Quán đời nhà Đường, ngài đến Tinh Châu (huyện Dương Khúc, tỉnh Sơn Tây) lễ bái yết kiến đại sư Đạo Xước, cầu học pháp môn niệm Phật vãng sanh. Sau đó ngài vào Trường An, độ khắp dân chúng, viết hết hàng vạn quyển kinh A-di-đà, vẽ ba trăm bức tranh cõi Cực lạc Tịnh độ. Ban đầu, ngài ở núi Chung Nam (huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây), luôn luôn đến chùa Quang Minh để thuyết pháp. Lúc tuổi già, Ngài ở chùa Thật Tế (huyện Trường An), đồng thời quản lý kiến tạo hang động ở chùa Phụng Tiên tại núi Long Môn. Đại sư là một con người hộ trì giới pháp, chưa từng đưa mắt dòm người nữ, tâm không nghĩ về danh lợi. Hàng ngày, ngài khất thực để sống, mặc áo xấu ăn cơm hẩm, tu hành phạm hạnh. Còn đối với mọi người, ngài luôn mở lòng từ bi, thương yêu tha thứ. Về chính mình thì lòng tin vững chắc bất thối chuyển. Lúc ở chùa Tây Kinh, ngài cùng pháp sư Kim Cang bàn luận hơn kém của việc niệm Phật. Ngài Thiện Đạo nói: “Niệm Phật vãng sanh, nếu quả lời nói chân thật thì các tượng Phật trong nhà phải phóng hào quang; giả như là lời nói hư vọng thì tôi đọa vào địa ngục”. Khi ấy, các tượng Phật trong nhà phóng hào quang, sự việc này trở nên rất nổi tiếng. Cả trung tâm Trường An, mọi người đều được ngài cảm hoá nhiều không kể. Trong số đó, có người nhìn tranh mà được xả thân vãng sanh, cũng có người leo lên trên cây liễu trước chùa nhảy xuống rồi vãng sanh. Đây là sự việc mà lúc đó ngài Đạo Tuyên đã gần gũi nghe biết. Trong truyện Tân tu vãng sanh cũng dẫn chứng: “Tăng, Ni ở các châu trong nước Trung Hoa, có người từ đỉnh núi cao nhảy xuống, có người nhảy vào suối sâu, có người từ trên cây cao rớt xuống, có người đốt thân cúng dường … Đây là số ít người trong số hơn một trăm người”. Lúc đó, sự cuồng nhiệt của tín ngưỡng do đây có thể thấy được. Về sự nhập diệt của Ngài có hai thuyết: một thuyết là xả thân vãng sanh (tộc họ, nơi sanh đều không rõ); một thuyết nói ngài là người Lâm Truy, viên tịch vào ngày 14 tháng 3, năm thứ 2 niên hiệu Vĩnh Long, đời Đường Cao Tông (Tây Lịch 682), hưởng thọ 69 tuổi. Theo thuyết trước, ngài Thiện Đạo hoá thân, theo thuyết sau chính là ngài Thiện Đạo. Sau khi ngài Thiện Đạo viên tịch, Hoài Uẩn xây dựng Bảo tháp của ngài ở phía nam thành Trường An, bên cạnh tháp là một ngôi Già Lam, xung quanh tháp có trồng những cây thơm cỏ lạ và tứ sự cúng dường luôn luôn đầy đủ.

      Các loại sách mà đại sư trước tác, hiện còn có sáu bộ mười quyển, chính là: bốn quyển Quán kinh sơù, một quyển Vãng sanh lễ tán ký, hai quyển Pháp sự tán, một quyển Bát-chu tán, một quyển Quán niệm pháp môn, một quyển Y kinh minh ngũ chủng tăng thượng duyên nghĩa v.v… . Trong này, Quán kinh sớ có một tên gọi nữa là Tứ thiếp sớ, quyển này do bốn quyển: Huyền nghĩa, Tự phần, Định thiện, Tán thiện mà hợp thành. Huyền nghĩa là nói rõ đề kinh và giáo tướng của sự xem kinh, ba quyển từ Tự phần trở xuống là giải thích lời văn của kinh. Quán kinh sớ là phần giải nghĩa, còn bốn bộ sách khác là phần hành nghĩa.

 

II. Học Thuyết: 

Từ triều đại nhà Tuỳ trở về sau, luận thuyết về Tịnh độ Di-đà đại khái không vượt ra ba loại tư tưởng:

Thứ nhất, là lấy Tịnh độ làm cõi Tịnh, Thô để dung chứa phàm phu vãng sanh, đây là các chủ xướng của ngài Huệ Viễn, Trí Khải, Cát Tạng v.v…

Thứ hai, là lấy Tịnh độ làm Báo độ, mà cự tuyệt sự vãng sanh của phàm phu, đây là chủ trương của luận sư Nhiếp luận tông.

Thứ ba, là lấy Tịnh độ chia ra làm hai thứ Báo độ và Hoá độ. Thánh nhơn chứng từ bực Sơ địa trở lên thì sanh vào Báo độ. Hàng phàm phu, Nhị thừa thì sanh vào Hoá độ, đây là sự sáng lập của đại sư Ca Tài, Đạo Thế, Nguyên Hiểu v.v… Do đây mà thấy được sự vãng sanh vào Báo độ của phàm phu thì cả ba thuyết trên đều không có nhận định về việc này, đây là căn cứ nơi Tịnh độ mà kết luận về việc kiến giải nghiệp cảm của tự thân. Tịnh độ chúng sanh của ngài Huệ Viễn … tuỳ theo mỗi nghiệp chiêu cảm mà sanh vào cõi Tịnh độ đẹp hay xấu, đối với việc này có một vài kiến giải. Còn đại sư Thiện Đạo thì kiên quyết chủ xướng phàm phu vào hết cõi Báo độ. Vì vậy ngài phát huy hết bổn chỉ của lập giáo Tịnh độ, ngài dùng Tịnh độ Tây phương làm hạnh nguyện để chứng đắc vào quả vị Phật. Vì ngài xây dựng chủ nghĩa hoàn toàn không chứa nghiệp cảm của tự thân chúng sanh, Thánh phàm thiện ác đều có thể nhập vào Báo độ nhứt muội. Còn sức bổn nguyện của Như Lai thì rất mạnh mẽ, vì Phật nguyện làm duyên lớn (lấy cái này làm Tăng thượng duyên) nên hàng Ngũ thừa đều có thể vào Báo độ. Do tư tưởng này mà tất cả chúng sanh đều có hy vọng. Vì đức A-di-đà sẽ cứu độ tất cả đối tượng phàm phu tội ác. Đối với người phàm phu tội ác thì đức Di-đà dùng sức nguyện lực rất lớn cứu độ họ. Cho nên phàm phu nhờ nguyện lực dõng mãnh của đức Phật, được thâu nhiếp vào hào quang nguyện lực của ngài. Đây mới là bổn chỉ của sự tha lực. Ngài lại nói: “Phật đã nói tám mươi bốn ngàn pháp môn là thích hợp với giáo nghĩa của thời đại chánh pháp và tượng pháp. Ở trong hiện tại thời đại mạt pháp, rất thích hợp với phương pháp Niệm Phật vãng sanh, đây là pháp môn cần thiết cho hàng phàm phu trong đời ác ngũ trược”. Tịnh độ giáo là pháp môn Thời giáo tương ứng1, đề xướng hai điểm phàm phu nhập Báo độ và Thời giáo tương ưng, là cơ sở giáo hoá tinh thần của ngài Thiện Đạo.

Trở lại điểm thứ ba, có một vấn đề cần giải quyết đó là sự vãng sanh vào Báo độ của phàm phu. Do nơi sức bổn nguyện của Như Lai, tuy là có thể được việc ấy nhưng con người phải có đủ điều kiện dựa vào bổn nguyện, chính là nói đầy đủ ba Tâm, Hành khởi và Tác nghiệp mới có thể vãng sanh về Tịnh độ.

Ba Tâm đó là: An tâm, Thâm tâm và Hồi hướng phát nguyện tâm.

An tâm còn gọi là tâm chí thành, nghĩa là tâm chân thật, tâm không hư vọng.

Thâm tâm là có niềm tin vững chắc. Tin có hai thứ, đó là tin cơ và tin pháp. Tin cơ, tin mình là hàng phàm phu có tội ác, cũng không vượt ra khỏi ý nghĩ về duyên của con người. Tin pháp có hai thứ là: con người tạo ra niềm tin và thực hành theo niềm tin đó. Con người tạo ra niềm tin là phải tin sâu xa vào đức Phật Di-đà và Phật Thích Ca một cách chắc chắn. Tin bổn nguyện của đức Phật Di-đà, một ý nghĩ cũng không có tâm nghi hoặc. Còn thực hành theo niềm tin đó là đối với việc niệm Phật vãng sanh không bao giờ nghi ngờ, mà phải suy nghĩ chắc chắn vào niềm tin sâu xa.

Hồi hướng phát nguyện tâm là dùng tất cả thiện căn vào việc thực hành, là ý nghĩa đem tâm hồi hướng nguyện sanh về Tịnh độ. Hồi hướng có hai thứ: Vãng tướng và Hoàn tướng. Vãng tướng có nghĩa là cầu sanh vào Tịnh độ. Hoàn tướng có nghĩa là sau sẽ trở lại giáo hoá chúng sanh. 

Hành khởi là hành động của ba nghiệp thân, khẩu, ý.

Tác nghiệp là giữ theo bốn sự tu tập, thân thì lạy đức Di-đà, miệng thì niệm danh hiệu Di-đà, ý thì tưởng trang nghiêm về đức Phật Di-đà và cõi Tịnh độ.

Hành chia ra làm hai thứ: Chánh hành (lễ bái, tán thán, quán sát, đọc tụng, xưng danh) và Tạp hành (ngoài các thứ đó). Chánh hành gọi là Chánh nghiệp, bốn cái khác là Trợ nghiệp hay còn gọi là Hành bổn nguyện sanh nhân, tên gọi này có ý nghĩa là chuyên niệm và thấy Phật. Tác nghiệp có bốn thứ: Cung kính (là phép lễ bái một cách cung kính, ân trọng), Vô dư (chuyên tu về xưng danh hiệu, chuyên tưởng về cõi Tịnh độ), Vô gián (tâm thực hành liên tục không gián đoạn), Trường thời (tâm thực hành không thối lui, luôn luôn tương tục).

Đây là vấn đề quan trọng mà ngài giảng dạy, nghiên cứu rõ ràng, xin mọi người xem thêm Quán kinh sớ và các sách khác của ngài. Đại sư lấy Tịnh độ giáo làm giáo lý thiết thực phổ biến, cũng tương ứng với Thời giáo, vượt ra khỏi pháp môn giải thoát. Ngài có lòng tin sâu xa vào đại nguyện của Phật mà hoằng hoá cứu độ tất cả chúng sanh. Hàng phàm phu có niềm tin nhập vào Báo độ và có niềm tin sâu xa, tin cơ, tin pháp … đều là do sự hiểu biết trôi chảy, niềm tin mãnh liệt và sự thể nghiệm của ngài. Sự cảm hoá của ngài không phải là việc tầm thường, đồng thời các học thuyết của ngài cũng là giáo lý điển hình thay cho Tịnh độ giáo, có thể nói ở giáo lý và sử sách của Tịnh độ giáo thì ngài là nhân vật cao nhất.

 

Tác giả viết tại Đài Loan ngày 25/8/1943