17

13 Tháng Giêng 201712:23 SA(Xem: 2995)
17

Luận sử tông Tịnh độ

  

Việt dịch: Quảng Tấn - Quảng Ân - Quảng Bình

Quảng Hiếu - Huệ Hải - Quảng Xả

Quảng Mẫn - Tâm Đức - Huệ Chí - Tâm Đại

Hạnh Minh - Nhuận Độ - Nguyên Thành

Tâm Hiếu - Như Giáo - Nguyên An

Chứng Nghĩa: Thích Đổng Minh
Phụ chú:Thích Tâm Nhãn

 

Chùa Long Sơn, Nha Trang
Phật Lịch:  2548 - 2004
 

--- o0o ---
 

17.

NHỮNG VỊ TỔ TỊNH ĐỘ TÔI TÔN KÍNH 

Nguyên tác: An Dưỡng

Việt dịch: Thích Như Giáo

 

I. Đông Lâm Huệ Viễn

Đời Đông Tấn, triều vua Hiếu Võ Đế, niên hiệu Thái Nguyên năm thứ 3 (Công nguyên 378), Pháp sư Huệ Viễn đến Lô Sơn ở Giang Tây. Khi ấy, ở phía bắc Trường Giang chia ra rất nhiều khu vực, do cuộc hỗn chiến của mười sáu nước và tộc Ngũ Hồ (Ngũ Hồ thập lục quốc)1, gây nên cảnh tượng thê thảm: “thây trôi khắp sông, xương trắng đầy đồng, phóng mắt trông ra chỉ thấy một vùng hoang vắng, ban ngày cũng không thấy một bóng người đi”.

Bấy giờ, Thân pháp sư (thầy) của Huệ Viễn là pháp sư Đạo An, ngài cư ngụ tại vùng Hà Nam, do tình hình đó nên thường đi lánh nạn, phải phân tán đồ chúng, cuộc sống thiếu thốn. Thời cuộc lúc này, Giang Nam tốt hơn Giang Bắc một chút nhưng bọn quan lại ỷ công phò chiến và dựa thế đặc quyền của môn đệ nên ra sức tước đoạt đất đai của nông dân, như hai đại gia tộc Vương (Đạo), Tạ (An). Mỗi tộc đều có điền trang đến mấy mươi nơi, gian xảo cấu kết cưỡng chiếm ruộng đất đến vạn khoảnh. Niên hiệu Thái Nguyên năm thứ 2, Hiếu Võ Đế bãi bỏ thuế đất, đổi thành “thuế miệng” mỗi người phải nộp ba hộc, tức một thạch2 năm đấu. Tám năm lại tăng thuế gạo mỗi người lên năm thạch. Ngay cả việc phục dịch, trai, gái đều phải đi không có trường hợp ngoại lệ. Ngoài ra nhân dân còn phải chịu nhiều thuế má nặng nề khác, thậm chí ngay cả việc sửa nhà, trồng dâu … cũng phải nộp thuế, dẫn đến cảnh dân sống trong “dầu sôi lửa bỏng”. Bên cạnh đó, bọn quan lại kia không ngừng thay nhau chèn ép bóc lột, như Thế thuyết tân ngữ nói: “Hoàn Ôn thiết triều, xuống chiếu cho Sử bộ thượng thư Tạ An, Thị trung Vương Thản phải đến Tân Đình nghênh đón ông ta. Mọi người nghe đều lo sợ, nói rằng chắc ông ta muốn giết Tạ An và Vương Thản, để đổi vận nước Tấn. Vương Thản hoảng hốt nhưng Tạ An thần sắc không biến, nói: ‘Vận mạng nước Tấn còn hay mất là quyết định vào chuyến đi này’. Khi Hoàn Ôn đến bá quan ra hai bên đường lễ bái. Hoàn Ôn dàn đại binh, rồi đưa mắt nhìn bá quan triều sĩ. Thản nhìn thấy toát mồ hôi ướt cả áo, cầm hốt3 ngược. Tạ An thư thả điềm nhiên ngồi tại chỗ hỏi Hoàn Ôn: ‘An nghe chư hầu có đạo thì chỉ trấn giữ (mối lo) lân bang xung quanh, còn Minh công hà tất gì phải bày quân bố trận sau lưng làm gì?’. Hoàn Ôn cười: ‘Đúng vậy, nhưng ta không thể không làm như thế!’”.

Ngoài ra, Vương Đôn, Tô Tuấn trước sau làm loạn giết hại rất nhiều người vì không theo mình. Xã hội thượng tầng ngoài kiêu xa, dâm dật, dối trá, đảo điên ra không có công lý đạo nghĩa gì đáng bàn. Khi ấy, có nhiều người học thức, gan dạ như Lưu Lân Chi, Đới Quì, Cung Huyền, Mạnh Lậu, Địch Thang v.v… đều “không màng thế sự, cày cuốc làm ăn”, khước từ những lời thỉnh cầu kêu gọi của triều đình. Đào Uyên Minh làm bài từ Qui khứ lai, nội dung như biện chứng (chuyện đó):

“Qui khứ lai hề! Điền viên tương vu, hồ bất qui? 

Ký tự dĩ tâm vi hình dịch hề trù trướng nhi độc bi?

Ngộ dĩ vãng chi bất khả gián, tri lai giả chi khả truy.

Thật mê đồ kỳ vị viễn, giác nhi thị nhi tạc phi ...”

Dịch:

Đi về, sao chẳng về đi?

Ruộng hoang vườn rậm, còn chi không về?

Đem tâm để hình hài sai khiến,

Còn ngậm ngùi than vãn với ai?

Ăn năn thì sự đã rồi,

Từ đây nghĩ lại biết thôi mới là.

Lối đi lạc chửa xa là mấy,

Nay khôn rồi chẳng dại như xưa4.

Nếu kết hợp toàn bộ tình huống xã hội lúc bấy giờ mà nói thì chắc chắn sẽ gợi lên trong chúng ta một cảm giác đặc biệt về một hoàn cảnh thê lương, buồn thảm đáng để cho chúng ta suy gẫm.

Về phương diện Phật học, nhờ các Đại đức đề xướng, tầng lớp quí tộc sùng tín, cộng với đời sống thống khổ của nhân dân nên phong khí qui y Phật giáo trong xã hội tương đối hưng thịnh. Song Tăng, Ni xuất gia ngày càng đông, chùa chiền ngày một nhiều, thêm vào sự cúng dường của tín thí và người xuất gia được hưởng một số đặc quyền, do đó, đời sống trong chùa dần dần trở nên thối nát. Như Chánh vu luận của tác giả nào đó không rõ, có dẫn chứng rằng: “Đạo nhân (tức Tăng, Ni) vơ vét tiền của bá tánh, xây chùa to Phật lớn, trang sức xa xỉ, phí phạm vô ích” (Hoằng minh tập, quyển 1).

Lại nữa, trong Thích bác luận của Đạo Hằng dẫn:

“Nay thấy các Sa-môn chẳng ai kỳ tài, sống chung hỗn tạp, không thấy chút gì tú dị thanh cao … gặp việc hoảng hốt chẳng biết làm gì. Oai nghi tế hạnh thì thô bỉ mà thọ hưởng lầu cao đền rộng. Đến nỗi chỉ biết chăm chăm lo doanh cầu, không khi nào biết đủ. … Hoặc bói tướng hên xui, vọng bàn hung kiết, hoặc ngụy tạo giả quyền, lợi dụng thời thế; hoặc chăn nuôi gia súc, tích chứa tư hữu, lợi dưỡng quá nhiều; ăn không ngồi rồi, nói nhiều làm ít, tốn của trăm dân. Họ là những người hữu danh vô thực, hành sự trái pháp luật. … Vả lại, ở đời có năm điều xấu (?) mà hàng Sa-môn cũng phạm một trong số đó rồi. …  (Hoằng minh tập, quyển 6).

Đây là Phật giáo thời pháp sư Huệ Viễn. Pháp sư sở học bác lãm, kiến giải siêu quần, nhìn thấy tình hình Phật giáo hỗn tạp, xã hội nhiễu nhương, không thể không xót xa trăn trở. Ngài gởi trọn đời mình nơi núi Lô suốt 30 năm “bóng không rời núi, dấu chẳng in đời”, điều đó khiến chúng ta hiểu được phần nào niềm cảm khái của ngài đối với Phật giáo và xã hội đương thời.

Pháp sư Huệ viễn họ Giả5 sanh vào thời Đông Tấn, đời vua Thành Đế niên hiệu Hàm Hòa năm thứ 9 (Công nguyên 334), tại huyện Quách tỉnh Sơn Tây (xưa là huyện Lâu Phiền, Nhạn Môn). Năm 13 tuổi, ngài theo cậu là Linh Hồ Thị đến Hứa Châu tỉnh Hà Nam làm thư sinh cầu học. Sở học “làu thông lục kinh, thấu suốt Lão, Trang”. Theo Cao tăng truyện: “Các bậc túc nho đều kính trọng, không ai không phục sự uyên thâm của ngài”, điều này đủ cho thấy, ngài đối với lý luận Nho, Đạo từ nhỏ đã có những thể hội rất sâu sắc. Đương thời, có Phạm Tuyên Tử ẩn cư tại Nam Xương tỉnh Giang Tây, cày cấy tự sống, quán thông kinh sách, nhiều lần khước từ sự suy tiến của bọn quan liêu, danh ngài vang khắp cả bắc Giang Nam. Pháp sư Huệ Viễn muốn đến đó y chỉ tu học, đồng thời cũng thích đời sống ẩn dật. Song vì chiến loạn, giao thông trở ngại nên ngài không có cách nào xuôi nam được. Khi ấy, ngài nghe nói pháp sư Đạo An ở Hằng Sơn huyện Hồn Nguyên, phủ Đại Đồng tỉnh Sơn Tây, kiến lập tự viện, vân tập đồ chúng giảng dạy. Ngài bèn tới đó tham vấn, bấy giờ ngài được 21 tuổi. Phong độ và đức học của pháp sư Đạo An quá uyên thâm, khiến cho ngài Huệ Viễn bội phần cảm phục; thêm vào đó khi nghe hiểu được kinh Bát-nhã, ngài cảm thấy “Chín dòng Nho6 như vỏ trấu cám”. Nên cùng bào đệ là Huệ Trì “cạo bỏ râu tóc, phó mạng thọ nghiệp”, quyết tâm y chỉ pháp sư Đạo An xuất gia. Sau này, ngài gởi thư cho Lưu Di Dân cũng có nhắc đến rằng: “Mỗi lần nghĩ lại trước đây, rong tâm học đời, cho rằng tài học của mình siêu quần mẫu mực. Lại khi gặp Lão, Trang thì hiểu rằng Danh giáo7 chỉ là những lời sáo rỗng theo thời. Hôm nay thì mới biết tất cả đều là nẻo trầm luân đen tối, lẽ nào còn không lấy lý Phật kính thờ nữa sao?” (Quảng hoằng minh tập, quyển 27). Có thể thấy ngài Huệ Viễn rất chú trọng đến việc nghiên cứu giáo lý, hoàn toàn không đơn thuần chỉ là một người dựa vào tình cảm mà quyết định tín ngưỡng. Sau khi xuất gia, ngài rất tinh tấn “nghiêm mật tu hành, đọc sách thâu đêm”. Năm 24 tuổi, ngài đăng tòa giảng kinh, trưng dẫn nhiều điển tích nhờ tài bác lãm đa văn, giải quyết những vấn đề phức tạp khó hiểu của thính chúng, được các bậc tiền bối và bạn động học kính phục, pháp sư Đạo An cũng rất quí trọng ngài. Do đó, pháp sư Đạo An cho phép ngài tham cứu thêm sách đời. Đến đời vua Ai Đế, niên hiệu Hưng Ninh năm thứ 3 (Công nguyên 365), ngài được 33 tuổi, theo pháp sư Đạo An đến Tương Dương thuộc tỉnh Hồ Bắc để hoằng hóa. Mãi đến năm thứ 3 niên hiệu Thái Nguyên (Công nguyên 387), ngài mới bái biệt pháp sư Đạo An vào Tương Dương. Trong vòng 13 năm ấy ngài làm rất nhiều việc nhưng trong Cao tăng truyện không ghi rõ. Căn cứ theo Trúc Pháp Thái truyện, chỉ biết ngài từng phụng mệnh pháp sư Đạo An đến Kinh Châu thăm bệnh Pháp Thái và tham gia hội biện luận bác bỏ thuyết “Tâm vô nghĩa” do Trúc Pháp Thái triệu tập.

Căn cứ trong Cao tăng truyện quyển 5:

“Bấy giờ, Sa-môn Đạo Hằng có chút tài lực, thường chấp tâm vô nghĩa, rao giảng khắp đất Kinh Châu. Ngài Pháp Thái nói: ‘Đây là tà thuyết, cần phải phá trừ’. Ngài bèn vân tập các danh Tăng và dạy đệ tử là Đàm Nhất đến vấn nạn. Đàm Nhất viện dẫn lý kinh bác bỏ tới tấp nhưng Đạo Hằng nhờ tài hùng biện và lợi khẩu lập luận bác bỏ trở lại, không chịu khuất phục, làm Đàm Nhất bối rối “thúc thủ” thì cũng vừa lúc nắng hồng đã tắt, hoàng hôn nhường bước cho màn đêm ngự trị. Rạng ngày hôm sau, mọi người lại vân tập. Huệ Viễn đăng đàn, nhiều phen vấn nạn, vặn hỏi khúc chiết. Đạo Hằng biết luận lý của mình là sai lầm, thần sắc biến đổi, tâm phục khẩu phục, im lặng không nói gì. Ngài Huệ Viễn nói: ‘Sao ngài không sớm rời khỏi nơi đây đi, còn chần chờ gì nữa?’. Lúc ấy, hội chúng đều cười. Từ đó học thuyết ‘Tâm vô nghĩa’ mất hẳn.”

Cao tăng truyện quyển 6, Huệ Vĩnh truyện viết: “Thích Huệ Vĩnh  …. kính phục pháp sư Đạo An, và hẹn ước cùng Huệ Viễn kết am trên ngọn La Phù. Nhưng Huệ Viễn vì ngài Đạo An mà lưu lại. Huệ Vĩnh bèn qua Ngũ Lảnh trước, rồi đến Tầm Dương, được Đào Phạm người trong quận mời ở lại nên ngài Huệ Vĩnh trụ lại chùa Tây Lâm ở Lô Sơn”.

Qua đoạn văn trích dẫn trên, chúng ta có thể biết ngài Huệ Viễn từng muốn rời Tương Dương, đến ẩn cư nơi núi La Phù huyện Tăng Thành tỉnh Quảng Đông nhưng pháp sư Đạo An không cho phép. Sau Phù Kiên đem quân chinh phạt chiếm cứ Tương Dương, pháp sư Đạo An bị Phù Kiên giữ lại một thời gian ở thượng bắc Trường An. Pháp sư Đạo An đành phó chúc “phân tán đồ chúng, mỗi người mỗi nơi”, ngài Huệ Viễn tạ từ thầy ra đi, mãi sau này không có cơ duyên gặp lại. Trước lúc lên đường, ngài Huệ Viễn, môn đồ và các pháp hữu đồng học cáo biệt pháp sư Đạo An. Pháp sư Đạo An đều có lời giáo huấn cho mọi người. Riêng ngài Huệ Viễn, pháp sư không dặn một lời. Ngài Huệ Viễn đến trước, quì xuống đảnh lễ thỉnh giáo: “Bạch thầy! Thầy không dạy con lời nào, lẽ nào con thua kém mọi người sao?”. Pháp sư Đạo An bảo: “Như thầy thì cần gì huấn từ”. Câu nói này cho thấy là pháp sư Đạo An rất hài lòng về ngài Huệ Viễn. Như vậy đủ minh chứng cho chúng ta biết tâm nguyện việc làm của ngài Huệ Viễn như thế nào!

Tống Chu Hy8, ông ta đứng xem bức họa ngài Huệ Viễn tại chùa Đông Lâm, nói với người cùng đi du ngoạn: “Như Viễn Công đây, nếu không xuất gia hoặc không làm đại quan thì cũng làm tướng cướp” (Chu tử ngữ loại). Lời nói này không phải huỷ báng ngài Huệ Viễn mà ông nhận định tướng mạo của ngài là “người phi thường” (nếu không làm được việc lớn thì cũng làm việc nhỏ). Cao tăng truyện dẫn: “Huệ Viễn thần thái đoan nghiêm phong nhã, nghi dung đĩnh đạc. Phàm khi nhìn ngài, tâm hình run sợ. Từng có vị Sa-môn đem gậy trúc Như Ý muốn đến dâng tặng ngài, nhưng khi vào núi suốt hai đêm không dám trình bày, lén để nơi góc giảng đường rồi lặng lẽ ra đi. Có vị pháp sư Tuệ Nghĩa tánh khí can cường, một hôm muốn đến núi (Lô Sơn), bèn nói với đệ tử của Huệ Viễn là Tuệ Bảo: ‘Có nhiều người tài hèn mà được thiên hạ trọng vọng, nay ta phải thử xem sao!’. Khi Tuệ Nghĩa đến núi (Lô Sơn), gặp lúc ngài Huệ Viễn giảng Pháp hoa, mỗi lần muốn vấn nạn thì tâm tư bấn loạn, mồ hôi dầm dề, không dám nói điều gì. Tuệ Nghĩa quay trở ra gặp Tuệ Bảo, nói: ‘Người này thật kỳ lạ, hèn chi thâu phục đồ chúng đông như vậy’. Lại nói: ‘Tuổi trẻ mà đi trước ta quá xa’”.

Qua lời dẫn chứng quí giá trên, chúng ta có thể tưởng tượng ra một bậc Đại đức uy nghiêm kỳ vĩ, xuất chúng đến dường nào.

Huệ Viễn và Huệ Trì cùng một số đệ tử hơn mười người rời Tương Dương, trước tiên đến Kinh Châu trú ở chùa Thượng Minh một thời gian ngắn. Sau ngài Huệ Vĩnh mời về Lô Sơn, cư ngụ tại tinh xá Long Tuyền phía bắc núi. Không bao lâu, Thứ sứ Hoàn Y kiến tạo thêm một chánh điện phía đông chùa Tây Lâm cúng dường cho ngài Huệ Viễn, gọi là chùa Đông Lâm. Căn cứ theo “Tống, Trần Thuấn Du Lô Sơn ký”, thì chùa Đông Lâm cách tinh xá Long Tuyền 15 dặm, kiến tạo vào năm thứ 9 niên hiệu Thái Nguyên.

“Lưng núi thoang thoảng lò hương, bên hông ao nước hứng từ một dải suối trắng như lụa. Điện chùa quyện mây trắng, thành nền toàn đá lớn, nhờ tùng bách tạo thành, trước thềm suối xanh lượn. Rừng thiền đặt trong nội viện, khói hương ngưng tụ quanh rừng cây, đường đá rêu xanh hòa màu sắc. Nếu ai quá bộ đến đây đều được cái cảm giác thần thanh khí tú vậy!”. Ngài Huệ Viễn ẩn cư trong một hoàn cảnh u tĩnh thế này coi như thỏa chí mong mỏi ẩn dật ban đầu. Nhưng ngài Huệ Viễn không phải chôn thân, diệt trí mà mượn nơi đây để tự ngộ, cho nên ngài thác chí chốn lâm tuyền (suối rừng), kỳ thật là đang ôm ấp một hoài bão vĩ đại. Trong thư ngài trả lời Hoàn Huyền, là phân tích giải thích nghĩa lý về việc sa thải Sa-môn, ngài viết:

“Phật giáo ngày càng hủ bại, uế tạp, mỗi lần nghĩ đến thì buồn rầu phẫn uất, thường sợ vận thế trái ý, hỗn tạp trầm luân. Cho nên sớm đã lo sợ, ăn không ngon ngủ không an. Thấy Đàn-việt (thí chủ) lắng lòng nghe lời dạy của Đạo nhơn thật hợp với lòng mình. … Do đó, bần đạo gởi thân chốn Giang Nam, muốn chấn chỉnh giáo pháp, giữ sinh mạng đạo nghiệp. Đạo nghiệp có hưng long cũng một phần do hợp lòng người. Đương thời giúp cho Đàn-việt thì bần đạo trùng hưng được vận mạng, u tình sẽ mất hẳn, bóng đêm lùi về dĩ vãng. … (Hoằng minh tập, quyển 12).

Hoàn Huyền đề xướng chuyện sa thải (liệu giản) Tăng chúng vào năm thứ 2 niên hiệu Long An đời vua An Đế (Công nguyên 398), ông ta biện pháp: “Những Sa-môn nào có khả năng biên chép, đối đáp kinh điển, xướng thuyết nghĩa lý trong đạo, hoặc tu trì tinh nghiêm giới luật, … hay người thường ở nơi A-luyện-nhã9, chí dưỡng nơi núi rừng, không giao lưu với người thế tục, tất cả những người này được phép hoằng hóa thuyết giảng. … Còn những ai không đủ điều kiện trên bắt phải bỏ đạo. Chính quyền địa phương phải quản lý hộ tịch của họ, áp dụng nghiêm chỉnh qui chế này. … Riêng nơi Lô Sơn là chỗ đạo đức nên không cần phải dùng luật lệ tra xét.” (Hoằng minh tập, quyển 12).

Từ năm thứ 3 niên hiệu Thái Nguyên đến năm thứ 2 niên hiệu Long An, suốt 20 năm, ngài Huệ Viễn tại Lô Sơn thật sự “mở cửa” đạo tràng, hoằng dương chánh pháp, là tấm gương sáng cho Phật giáo đương thời, hạnh nguyện trang nghiêm của ngài đã ảnh hưởng rất lớn đến “vận pháp” hậu thế.

Pháp sư Huệ Viễn viên tịch vào ngày mùng 6 tháng 8 năm thứ 13 niên hiệu Nghĩa Hy, đời vua An Đế, thời Đông Tấn (Công nguyên 417), hưởng thọ 84 tuổi. Ngài an trú tại Lô Sơn trước sau cả thảy là 39 năm.

Ngài Huệ Viễn luận việc sa thải Tăng, Ni, theo nguyên tắc thì đồng ý nhưng về tiêu chuẩn sa thải Tăng, Ni hoàn toàn không giống. Ngài nói: “Kinh giáo đặt ra có ba điều: Thứ nhất là tinh tấn thiền định, thứ hai là đọc tụng kinh điển, thứ ba là kiến tạo phước nghiệp. Tuy ba điều dạy khác nhau nhưng đều lấy luật hạnh làm gốc”. Hy vọng Hoàn Huyền y cứ vào tiêu chuẩn này mà sa thải Tăng, Ni, tránh thiên kiến sai lầm. Sự tình sa thải Tăng, Ni là do Hoàn Huyền thi hành chánh pháp bừa bãi, chưa kịp thi hành thì nơi Lô Sơn của ngài Huệ Viễn lập nhiều công trạng. Vì thế trên đại thể thì Hoàn Huyền vẫn chủ trương tiến hành làm theo ý mình.

Thứ nhất, ngài Huệ Viễn đã “dẫn chúng hành đạo, khai ngộ bất tuyệt”, mô phạm mẫu mực, giới luật tinh nghiêm. Tín đồ Phật giáo các nơi lũ lượt kéo về đây tu học. Căn cứ trong Cao tăng truyện nói, hàng xuất gia tất cả là “kẻ sĩ trì luật tịnh tâm”, giới cư sĩ cũng đều “khách thanh tín tuyệt trần”. Nên hiểu được, ngài Huệ Viễn chọn người rất cẩn thận, tuyệt không tuỳ tiện. Đương thời, Hoàn Huyền lạm quyền bắt Sa-môn phải kính vương giả, ngài Huệ Viễn kịch liệt phản đối. Ngài trước tác bộ luận Sa-môn bất kính vương giả gồm 5 thiên, để thuyết minh ý kiến của mình. Lời văn ngữ cú phúc đáp Hoàn Huyền về vấn đề liên quan việc Sa-môn lễ vương giả rất nghiêm túc nên chủ trương Sa-môn kính lễ vương giả của Hoàn Huyền hoàn toàn phải dẹp bỏ. Trong Cao tăng truyện nói: “Từ đó dấu vết Sa-môn lưu tích khắp phương trời”, kỳ thật cũng nhờ công lao ngài Huệ Viễn phản kháng thắng lợi.

Về bộ luật Thập tụng, nguyên lai do ngài Cưu-ma-la-thập cùng Phất-nhã-đa-la dịch tại Trường An, sau ngài Phất-nhã-đa-la lâm trọng bệnh, còn lại một phần ba chưa dịch xong. Ngài Huệ Viễn biết vậy lấy làm tiếc nhưng may mắn thay khi ấy có ngài Đàm-ma-lưu-chi từ Tây Vực đến Trường An; ngài Huệ Viễn liền viết thư dạy đệ tử đến thỉnh ngài Đàm-ma-lưu-chi dịch nốt phần còn lại. Hiện nay bộ luật Thập tụng hoàn thành đầy đủ viên mãn. Như vậy công lao giữ gìn bảo hộ giềng mối Tăng chế và giới luật đều nhờ ngài Huệ Viễn.

Thứ hai, Tăng Triệu gởi thư cho Lưu Di Dân, trong thư nói việc Chi Pháp Lãnh sang Tây Vực đem về hơn 200 bộ Phương đẳng tân kinh và thỉnh một vị thiền sư Đại thừa, một vị Tam tạng pháp sư, hai vị Luận sư. Chi Pháp Lãnh là đệ tử của ngài Huệ Viễn. Pháp Lãnh đi Tây Vực là phụng mạng ngài Huệ Viễn. Thiền sư Đại thừa là ngài Phật-đà-bạt-đà-la, ngài đến Trường An không lâu lại có sự bất hòa với môn hạ ngài La-thập, dẫn đến sự tình bị đuổi. Ngài xuôi nam về y chỉ với ngài Huệ Viễn. Ngài Huệ Viễn vì ngài mà viết thư gởi Diêu Hưng10 xin giúp giải trừ việc trục xuất, sau đó thỉnh ngài dịch kinh Đạt-ma-đa-la thiền và hoằng truyền xiển dương thiền pháp chính truyền của Nhất thiết hữu bộ.

Thứ ba, ngài La-thập nhập Quan (Quan Trung), ngài Huệ Viễn hay tin liền viết thư giao hảo, lại dạy Đạo Sinh, Tuệ Quán v.v… lên phía bắc theo học với ngài La-thập. Về sau, khi nghe nói ngài La-thập muốn về bổn quốc, ngài vội vã thảo một bức thư trần tình khuyên can và đưa ra 18 vấn đề thỉnh ngài La-thập giải thích. Có thể thấy ngài Huệ Viễn quí mến hiền tài như trọng tánh mạng của mình, cầu sự hiểu biết như khát cần nước, đạo cũ lòng thành (ăn ở tử tế), không một mảy may bè phái, tư lợi. Ngoài ra, ngài Huệ Viễn còn thỉnh ngài Tăng-già-đề-bà trú lại Lô Sơn dịch A-tỳ-đàm tâm, giảng thuật giáo nghĩa Nhất thiết hữu bộ. Môn nhơn ngài Huệ Viễn như Tuệ Nghĩa … ảnh hưởng học thuyết Tiểu thừa, hoàn toàn cho rằng kinh Đại thừa phương đẳng là sách ma nhưng ngài Huệ Viễn không ngăn cấm gì, về sau ngài Tăng-già-đề-bà còn thường xuyên giảng dạy tại Nam Kinh. Thái độ tôn trọng người khác “đọc tụng kinh điển” của ngài Huệ Viễn thật đáng kính.

Thứ tư, khi ngài Huệ Viễn đến Lô Sơn chưa bao lâu thì nghe nước Nguyệt Thị (phía Tây bắc Ấn Độ) có lưu ảnh tướng Phật hàng phục Rồng độc (Độc Long), “lòng ôm ấp hân hoan, chí tha thiết chiêm ngưỡng”. Rồi ngẫu nhiên, gặp một vị đại đức Tây Vực đến mô tả, tường thuật tướng hảo ảnh Phật, liền “Lưng núi suối chảy, dựng tạo am thất, mời họa sĩ giỏi, vẽ một bức đủ sắc màu hài hòa. Cảnh sắc như có như không, nhìn như khói như sương, sáng tối đậm nhạt, khi ẩn khi hiện, khi hiện khi ẩn”, đồng thời ngài soạn thuật năm bài minh cho khắc một bên ảnh Phật. Đây là một việc làm hưng kiến tạo phước nghiệp.

Nói đến Đông Lâm Huệ Viễn, thì chúng ta liền nghĩ ngay đến hội “Bạch liên kết xã”. Kỳ thực sự kết xã niệm Phật, ngài Huệ Viễn đã lưu lại một pháp tu tiếng thơm muôn thuở nhưng ngài thực hiện được hoài bão vĩ đại như thế là nhờ ý chí nghị lực bất biến, khí phách hiên ngang rộng lớn, tài học thức quảng bác và lao tâm khổ trí cô đọng trong Tam khoa liệu giản của ngài. Vậy chúng ta không thể quên đi hoài bão, chứng tích vô giá đó, không thì khó tránh khỏi bậc tiền nhân hiềm hận, trách cứ.

Từ khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, thuyết nhân quả báo ứng đã khắc sâu trong tâm khảm người dân. Vì vậy, cũng có một số nhân sĩ phản đối, như thuyết Báo ứng của Hà Thừa Thiên: “Tây phương thuyết báo ứng, tuy nói ‘cành ngọn’ rõ nhưng ‘gốc rễ’ vẫn u minh. Nói nhiều nhưng toàn lý thuyết suông, quanh co không bằng chứng. Đi trái nghịch ngũ kinh (Thi, Thơ, Lễ, Dịch, Xuân Thu), bỏ lời tiên thánh, dẫn dụ phàm tình, nên chỉ tin ở kẻ tục. … Phàm ngỗng là thuộc giống chim, bơi lội trên hồ xanh, ăn thảo mộc mùa xuân, và chúng sinh sâu bọ phạm tội gì mà người đầu bếp có tha đâu?! Ít nhiều khó tránh khỏi đao thớt. Loài yến bay lượn cầu thực, thích ăn sâu bọ bay (cào cào, châu chấu), thế mà người đời yêu quí. Dù nó sống trong tổ, trong lồng cũng không sợ. Chẳng cần luận loài ngỗng hay yến, quần sanh vạn hữu thường là như vậy. Do đó, sát sanh không có ác báo, làm phước cũng không ứng điềm lành … . Thế nên ta nói kinh Phật giả thiết quyền giáo, khuyên người làm thiện mà không thật. …. (Quảng hoằng minh tập, quyển 18).

Đương thời có nhiều tín đồ Phật giáo tác văn đả kích, ngài Huệ Viễn cũng trước tác Tam báo luận, khoảng một ngàn chữ, nói rõ sự sai biệt Hiện báo, Sinh báo và Hậu báo11, giải thích chung về sự nghi hoặc “thiện ác vô hiện nghiệm” (thiện ác hiện tại không nghiệm được). Sau ngài lại gởi một phong thư phúc đáp Hoàn Huyền, ngài dùng một số đạo lý thế gian và xuất thế gian, trình bày minh chứng thuyết ba đời nhân quả là không hư dối. Tín ngưỡng ba đời nhân quả đã xác định, lại thêm nguyên nhân khách quan về hoàn cảnh xã hội quá hỗn loạn, đối với vấn đề “Vô thường tấn tốc, thân hậu mang mang” (vô thường chớp mắt, kiếp sau mịt mờ). Do vậy, khó tránh khỏi nỗi sợ hãi kinh hoàng mà thiết lập lên thuyết ấy. Như Quảng hoằng minh tập, quyển 27 viết:

“Trong niên hiệu Thái Nguyên, Đông Tấn, Bành Thành Lưu Di Dân (đầu tiên làm Phủ tham quân) lại nhậm chức Huyện lệnh trấn giữ Sài Tang và Nghi Xương. Nhân tiện ông gặp đất Lô Sơn, nơi ẩn sự linh ứng huyền diệu, chân đã đến mà không muốn về vì kỳ ngộ Sa-môn Thích Huệ Viễn, đem lòng kính mộ. Đinh mẫu (mẹ ông) buồn vì ông từ chức quan bỏ vào núi, quyết chí ở trọn đời. Ẩn cư nơi suối phía bắc Tây Lâm, sống biệt lập phường thiền, dưỡng chí chỗ nhàn nhã, an bần thủ đạo không mong cầu lợi dưỡng. Khi ấy cũng có một số nhân sĩ khinh bỉ chốn khoa trường, thích cảnh an nhàn như Tông Bính, Trương Dã, Châu Tục Chi, Lôi Thứ Tông đều vân tập về đây. Di Dân và quần Hiền vân du khắp nơi nghiên cứu huyền lý, sau trở về Lô Sơn tu học vĩnh viễn. Huệ Viễn viết thư gởi Di Dân rằng, ….. Các vị đều là hiền đệ Như Lai, có danh sách trong hàng Thánh thần từ lâu. Thời gian qua ấp ủ một lý tưởng cao đẹp (hoài viễn chi hưng) nhưng còn thiếu tư lương thư tịch (nhân tạ chi tư), mãi cho đến năm nay mới khích lệ được tấm lòng xưa nay vậy! Ý khuyên nên giữ lục trai (sáu ngày trai), giản tuyệt đời sống bận rộn, chuyên tâm nơi cửa “Không”, nhiên hậu mượn bến đỗ lại mà dốc tình, cũng là thâm kế cho lai sinh! …..”.

Trong lời “Hoài viễn chi hưng” cũng là cảm giác “thân hậu mang mang” (kiếp sau mịt mờ). “Nhân tạ chi tư” tức “Niệm Phật tam-muội”, “mượn bến đỗ lại mà dốc tình, cũng là thâm kế cho lai sinh”, đại khái tin niệm Phật có công đức sâu dày, quyết định vãng sanh. Lưu Di Dân và mọi người tiếp nhận lời huấn thị khuyến khích của ngài Huệ Viễn, tâm quay về nương tựa pháp môn Tịnh độ.

Ngày 28 tháng 7 niên hiệu Nguyên Hưng nguyên niên (Công nguyên 602, ngài Huệ Viễn lúc này 68 tuổi), ngài Huệ Viễn lãnh đạo từ trên xuống dưới gồm cả Tức Tâm12 và Trinh tín sĩ13 là 123 người, trước tượng Phật A-di-đà tại tinh xá Bát-nhã Vân Đài ở Lô Sơn, lập thệ nguyện đồng vãng sanh Tây phương. Đây gọi là “Bạch liên kết xã”.

Văn thệ nguyện do Lưu Di Dân làm, trong ấy có một câu: “Không chế tâm tinh chuyên, chỉ niệm niệm lắng đọng đạt định”. Như vậy là họ tu pháp môn niệm Phật tam-muội. Theo câu nói trên có thể suy đoán, ngài Huệ Viễn tu niệm Phật không trì danh, đồng thời về 18 vấn đề ngài thưa hỏi ngài Cưu-ma-la-thập, có hỏi về niệm Phật tam-muội liên hệ gì đến Bát-chu tam-muội. Theo lời ngài La-thập giải thích:

“Thấy Phật tam-muội có ba: Một là Bồ-tát hoặc thiên nhãn thiên nhĩ, hoặc đến nơi mười phương Phật, thấy chư Phật thăm hỏi, đoạn trừ lưới nghi. Hai là tuy không có thần thông nhưng thường niệm Phật A-di-đà … và thấy chư Phật hiện tiền. Tâm trụ một chỗ, liền thấy đức Phật, thỉnh hỏi điều nghi. Ba là học tập niệm Phật, hoặc ly dục hay chưa ly dục, hoặc thấy tượng Phật, hoặc thấy Sinh thân14, hoặc thấy Phật quá khứ, hiện tại, vị lai. Ba loại định này đều gọi là niệm Phật Tam-muội. …. Phần thượng là đắc thần thông thấy mười phương Phật, phần trung tuy chưa đắc thần thồng nhưng nhờ lực của Bát-chu tam-muội, cũng thấy được mười phương Phật. Phần hạ còn lại gọi là niệm Phật tam-muội.”

Lại nữa, nếu người nào quán tướng thế gian nhàm chán thì đối chúng sanh khó có thể khởi hạnh từ bi thương xót và cho rằng chưa ly dục. Nên Bồ-tát bằng nhiều phương tiện xưng tán Bát-chu tam-muội. Tuy định lực chưa ly dục nhưng cũng có thể nhiếp tâm một chỗ thấy Phật. Ngài La-thập nói Bát-chu tam-muội là căn bản cầu Phật đạo, cũng  là nội dung tu trì của Đông Lâm kết xã. Có lẽ ngài Huệ Viễn căn cứ theo kinh Bát-chu tam-muội do ngài Chi-lâu-ca-sấm dịch vào thời Hậu Hán làm chỗ y cứ. Nhưng quán tưởng niệm Phật và trì danh niệm Phật sau này lại không đồng hình thức.

Về truyền thuyết “Kết xã Bạch liên”, trong văn thệ nguyện chỉ nói đến “Hoa sen trong nước”, là chỉ cho sau khi vãng sanh Tây phương, được hóa ra từ Liên đài. Điều này cùng với việc kết xã không liên hệ gì. So sánh của những ghi chép khác trước đây, thì không có liên quan chuyện “trong viện Đông Lâm trồng nhiều hoa sen trắng”. Có thể đây là một truyền thuyết xuất hiện sau thời Trung Đường. Còn chuyện mười tám vị Cao hiền trong Liên xã, thông thường mọi người đều tin là thật, song theo “Tống Trần Thuấn Du Lô Sơn ký” nói: “Đông lâm tự thập bát hiền truyện, không biết người nào làm, văn tự thiển cận, nghiệm lại những sử trước thì quá trái ngược nhầm lẫn, độc giả thấy còn khiếm khuyết”. Hiện nay có nhiều học giả khảo chứng sự thật sử Phật giáo, đa số đưa ra nhiều chứng cứ thời ấy không có mười tám vị Hiền giả trong Liên xã. Có thể đây là huyền thoại do hậu lai dựng lên, không liên quan gì đến ý chính ngài Huệ Viễn kết xã niệm Phật.

 

2. LINH PHONG HÚC CÔNG 

Thiền sư Trí Húc tự Ngẫu Ích, họ Chung người Mộc Độc huyện Ngô (tỉnh Giang Tô). Thiếu thời, sư chuyên tâm Thánh học, trước tác Tịch Phật luận. Sau này đọc Trúc song tuỳ bút (của Liên Trì đại sư) liền đốt Tịch Phật luận. Năm 20 tuổi, sư đọc kinh Địa tạng bổn nguyện liền phát chí nguyện muốn xuất thế, hàng ngày trì tụng danh hiệu Phật. Năm 24 tuổi, sư theo thầy Tuyết Lãnh thế độ (xuất gia). Nghe một pháp sư (Cổ Đức) giảng kinh phát khởi nghi ngờ bèn dụng tâm tham cứu, hốt nhiên đại ngộ. Năm 25 tuổi, sư thọ Cụ túc giới. Sau sư ngộ bệnh phải nhập thất ở Ngô Giang, nảy ý định cầu sanh Tịnh độ. Khi bệnh tình thuyên giảm, sư liền kết đàn trì trú Vãng sanh. Năm 30 tuổi, sư theo bằng hữu học luật. Năm 31 tuổi, sư đến Kim Lăng cư ngụ qua nhiều tháng. Đau đớn trước sự đi xuống của tông môn, sư quyết chí nghiên cứu, hoằng truyền luật học. Khi đã tinh chuyên luật học thì mới biết được thế nào là thọ giới như pháp và không như pháp. Bấy giờ, thiền sư Trí Húc khởi niệm muốn lui về ở ẩn. Năm 46 tuổi, sư quì trước bàn Phật nhiên hương đốt một chấm trên đỉnh đầu thọ Sa-di Bồ-tát giới, hoàn giới Tỳ-kheo, tự xưng Sa-di. Sau lại tàm quí (hổ thẹn) về đúng nghĩa của giới Sa-di, lại xưng mình là người thọ Tam qui. Nói vậy chứ trên danh xưng thì sư không dám làm Sa-di mà luôn tinh nghiêm ở giới Tỳ-kheo. Sư nghiên cứu chiêm nghiệm kinh điển, cầu được Luân tướng (tướng hảo Phật), phục giới Tỳ-kheo, lúc ấy mới gọi mình Tỳ-kheo. Quí thay! Giới luật Phật chế mà ai cũng nghiêm trì như sư thì thật là mô phạm cho đời mạt pháp này!

Sư tự trước tác truyện Bát bất đạo nhân, trong truyện thuật lại thời sinh bình của mình: “Xưa có Nho, có Thiền, có Luật, có Giáo, Đạo nhân không dám bất kính. Nay cũng có Nho, có Thiền, có Luật, có Giáo, Đạo nhân lại càng đáng khâm phục”. Tuy sư cho mình là không bằng cổ nhân nhưng thật sự lại không hổ thẹn với cổ nhân. Đối với Nho, sư thấu hiểu đạo phái Khổng Tử, Nhan Hồi. Đối với Thiền, sư cũng uyên thâm cả ngọn ngành. Đối với Luật, sư nghiên cứu tận cùng thể tướng, nghiêm tịnh tam nghiệp và đối với Giáo cũng như vậy. Sư dung hội các tông qui về nhất Phật thừa nhưng ít khi tự xưng tên tuổi danh tánh của mình. Ôi! Sự khiêm cung của sư không gì bì kịp mà thâm ý lại khua lên “tiếng chuông” cảnh tỉnh!

Trong lời huấn thị của sư dạy Ấn Hải Phương Trượng rất tha thiết, nay ghi lại như sau:

“Trước tiên phải khai mở “kiến địa”15, sau mới có thể tu chứng. Muốn khai mở “kiến địa” thì không được giải đãi qua ngày. Phàm phải thanh lọc thâm tâm, cùng thầy, bạn đàm đạo, không bàn lỗi thầy, lỗi bạn, nghiên cứu kinh luận. Ngày nay thương xác (bàn bạc) chỉ tạo hội ngôn đàm, văn tự, cần phải đợi Lãnh tọa16 thì sự công phu mới viên mãn. Nếu duyên cảnh động thì sự thành công kia bị phân tán. Động không thể tuỳ xứ thể hội, tĩnh mới bảo an sự thành công! Thật sự công phu như thế chưa đúng lắm. Bất luận thế pháp hay Phật pháp, động tĩnh thuận nghịch cứ mặc nhiên, chỉ cần phát nhãn tuệ, hun đúc tập khí, mài giũa thân tâm, tăng ích cái gì mình chưa đạt, đó là thật công phu. Lại mong bổn phận tương ứng, động tĩnh không sai khác. Hoặc giả, nếu bổn phận không hướng mục đích, không buông bỏ tuyệt dứt chuyện đời thì dù ngồi khô bồ đoàn cũng dám chắc muôn năm (Lư niên17) không tương ứng. Vì duyên trần quá vô tận. Ứng phải dùng tâm dũng mãnh trị tâm giải đãi tạm thời, thường niệm thì không đợi người, một sai thành một trăm sai. Lấy tâm ân trọng trị tâm khinh suất. Luôn ghi nhớ khắc sâu trong lòng nếu một lời có ích cho chính mình. Lấy tâm quảng đại trị tâm hạn hữu, kỳ hẹn thệ nguyện với tiền nhân hiền triết, chớ để cử chỉ hành động hòa nhập thời lưu. Nếu ba mà khuyết một thì học đạo khó vậy!

Lời dạy Trác Tả Xa rằng: “Hướng thượng, một là chẳng Thiền chẳng Tịnh tức là Thiền là Tịnh. Mới nói tham cứu mà mình thối chí là người hạ căn. Bậc đại trượng phu phải có niềm tin chân thật, niềm tin chân thật là tâm Phật. Một niệm và Phật có ngăn cách thì không gọi là niệm Phật tam-muội. Nếu niệm niệm cùng Phật không gián đoạn thì nhọc gì hỏi ai. Tịnh độ rốt cùng là sự, Phật không ngoài niệm là sở niệm, niệm không ngoài Phật là năng niệm. hạ thủ (công phu) chơn chánh thì không rơi vào tứ cú bách phi, toàn thân thể nhập. Thấy được một lỗ chân lông của đức Phật A-di-đà, tức thấy mười phương vô lượng chư Phật; vãng sanh Tây phương Cực lạc nhất Phật quốc độ, tức sanh mười phương chư Phật quốc độ. Đây là hướng thẳng một con đường. Nếu xả hiện tiền Di-đà mà nói cách khác tự tánh Di-đà, hoặc bỏ Tây phương Tịnh độ mà lập luận lại duy tâm Tịnh độ thì đó là công án hỗn độ hư ngụy”.

Trong kinh dạy: Tam hiền thập Thánh đều trụ quả báo, duy chỉ có Phật cư trú Tịnh độ. Đó là “một truỳ sau ót” (một cách thức tỉnh). Nhưng nếu có thể thâm tín pháp môn, nương vào niềm tin (tín) khởi nguyện, y nguyện khởi hạnh, thì niệm niệm lưu xuất vô lượng Như Lai, ngồi khắp mười phương vi trần quốc độ, chuyển đại Pháp luân. Từ cổ chí kim, nếu ngoài việc này ra thì không có chuyện chấn động đại thiên thế giới.

Ngài thường dạy mọi người rằng: “Người tu pháp môn niệm Phật thì không có gì kỳ đặc chỉ cần tín hạnh thâm sâu là trọng yếu”. Trong kinh cũng nói: Nếu người chỉ chuyên tu niệm Phật A-di-đà thì gọi là vô thượng thậm thâm vi diệu thiền. Thiên thai tông nói: Bốn pháp tam-muội18 đều gọi là niệm Phật. Niệm Phật tam-muội là Tam-muội trung vương (vua trong các tam-muội). Ngài Vân Thê bảo: Một câu A-di-đà Phật gồm đủ tám giáo, thâu nhiếp năm tông19. đáng tiếc thay! Ngày nay người niệm Phật thấy việc làm thiển cận vô ích, gọi là công phu ngu phu ngu phụ. Cho nên tín mà không sâu hạnh cũng thiếu lực thì trọn sức chao đảo bồng bềnh, công phu Tịnh nghiệp lãng phí. Giả như có phương tiện thiện xảo, muốn thẩm thấu thông suốt niệm Phật tam-muội thì tham cứu chữ “thuỳ” (ai) để hỏi (niệm Phật là ai?). Đặc biệt họ không biết tâm nhất niệm hiện tiền vốn tự ly tứ cú tuyệt bách phi, chứ không cần tác ý có ly có tuyệt. Tức một câu niệm Phật cũng vốn siêu tình ly kiến, cớ gì phải lao nhọc nói diệu lý, thuyết huyền nhiệm. Chỉ quí ở chỗ niềm tin đến kịp, giữ lại cho an, rồi hạ thủ niệm đi! Hoặc ngày đêm niệm 10 vạn hay 3 vạn, 5 vạn, lấy quyết định bỏ sự lưỡng lự làm tiêu chuẩn, thệ nguyện một đời không thay đổi. Nếu không được vãng sanh thì ba đời chư Phật đều nói hư dối. Đã vãng sanh rồi, vĩnh viễn không thối chuyển, tất cả pháp môn được hiện tiền. Thực sự kiêng tránh hôm nay trương tam, ngày mai lý tứ20. Gặp thầy chỉ dạy phải tư duy tầm chương trích cú. Kỳ ngộ người trong tông môn nên suy nghĩ tham cứu vấn đáp. Diện kiến bậc trì luật thì đắp y trì bát. Mọi sự mọi chuyện không tỏ ngộ thấu đáo rõ ràng thì nên niệm A-di-đà Phật cho thành thục; giáo lý trong Tam tạng mười hai bộ đều bao hàm ở câu niệm ấy. Một ngàn bảy trăm công án, hướng đi then chốt cũng trong câu niệm A-di-đà Phật. Ba ngàn oai nghi tám vạn tế hạnh, tam tụ tịnh giới (nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới, nhiếp chúng sanh giới) đều trong câu đó. Chơn thật niệm Phật, phóng hạ thân tâm khắp thế giới tức đại bố thí. Chơn thật niệm Phật, bất khởi tham sân si tức đại trì giới. Chơn thật niệm Phật, không tính toán, lìa nhơn ngã tức đại nhẫn nhục. Chơn thật niệm Phật, không một chút nhàn nhã, đoạn trừ tạp niệm tức đại tinh tấn. Chơn thật niệm Phật, không cho vọng tưởng dấy khởi tức đại thiền định. Chơn thật niệm Phật, không vì sự mê hoặc khác tức đại trí tuệ. Tự thí nghiệm kiểm chứng bản thân, nếu thân tâm chưa trải khắp thế giới là do chưa phóng hạ. Niệm tham sân si vẫn còn, do tự hiện khởi. Thị phi nhơn ngã, do bị chấp thủ vướng mắc. Tạp loạn lúc nhàn nhã, vì chưa trừ tận. Vọng tưởng dấy khởi, do gốc chưa nhổ. Trăm mối muôn đường, do chí mê hoặc. Tất cả đều không gọi là chơn niệm Phật. Muốn đạt đến cảnh giới nhất tâm bất loạn cũng không nên áp dụng phương pháp khác. Đầu tiên hạ thủ công phu phải dùng số tràng hạt để ghi nhớ cho rõ ràng, sau khắc định thời khóa, quyết định không trống thời gian. Dần dần thuần thục, không niệm cũng tự niệm, bấy giờ nhớ số cũng được, không nhớ số cũng được. Nếu sơ tâm muốn thuyết hay thấy đúng thì phải bỏ chấp tướng, học cho rốt ráo viên dung tự tại. Tóm lại, tín không sâu hạnh không đủ, dù các vị có giảng mười hai phần giáo21, hạ đắc một ngàn bảy trăm công án thì vẫn bên bờ sinh tử, lúc lâm chung chắc không làm được gì.

Năm thứ 11 niên hiệu Thuận Trị, thiền sư Trí Húc có bệnh, sư di chúc lại đồ chúng là (sau khi trà-tỳ sư) tán vụn hài cốt phân chia cho chim thú, để kết duyên Tây phương với chúng. Năm sau, vào ngày 21 tháng giêng, sáng sớm tự nhiên bệnh tình của thiền sư lành hẳn. Đến giờ Ngọ, thiền sư ngồi kiết già trên thằng sàng (giường dây), mặt quay về hướng tây mà tịch, hưởng thọ 57 tuổi. Sau 3 năm sư viên tịch, theo lời di chúc của sư, các đệ tử mở khám thờ (nhục thân của sư đem đi hỏa táng) thấy tóc mọc dài phủ tai, sắc diện như lúc còn sống.

 

3. PHẠM THIÊN HIỀN CÔNG 

Pháp sư Thật Hiền tự Tư Tề, hiệu Tỉnh Am, con nhà họ Thời người Thường Thục. Từ bé ngài chỉ thích ăn chay, sau khi xuất gia, ngài tham cứu câu “Niệm Phật là ai?”, được tỏ ngộ và nói: “Tôi đã tỉnh giấc mơ”.

Sau đó, ngài đóng cửa nhập thất ba năm tại chùa Chân Tịch, ngày thì duyệt Tạng kinh, đêm chuyên trì danh hiệu Phật. Khi ra thất, ngài đến Mậu Sơn lễ tháp vua A-dục. Nhằm ngày vía Phật nhập Niết-bàn, ngài đại tập họp tứ chúng, quảng tu cúng dường, đoạn ngài đốt ngón tay ngay trước tượng Phật, phát bốn mươi tám điều đại nguyện. Lúc ấy cảm được xá-lợi phóng ánh sáng rực rỡ. Cuối đời, ngài trú trì chùa Phạm Thiên tại Hành Châu. Năm thứ 7 niên hiệu Ung Chính (triều Thanh), ngài kết Liên xã, làm văn dạy chúng, lấy tánh mạng (trọn đời tu Tịnh nghiệp) hẹn kỳ. Ngài chia thời khóa tu trong ngày thành hai mươi phần. Mười phần trì danh hiệu, chín phần tác quán, một phần lễ sám. Ngài dạy kệ Thiền niệm Phật: “Một câu Di-đà là đầu mối công án, không cần phân biệt bàn bạc thẳng tiến là rõ. Như ngọn lửa lớn bén đâu cháy đó; như kiếm Thái a22 chạm vào nó thì sáng. Tạng có tám vạn bốn ngàn pháp, chỉ sáu chữ (Nam Mô A-di-đà Phật) đều thâu tóm vào đó. Một ngàn bảy trăm cát đằng23 chỉ một đao (câu niệm) đứt đoạn. Nghe danh hiệu Phật mà chưa vui thì chính mình phải thường niệm, không cần niệm nhiều, quan trọng là nhất tâm bất loạn.

Ngày mùng 8 tháng Chạp năm thứ 11 (niên hiệu Ung Chính), ngài bảo đệ tử: “Tháng 4 năm sau ta phải đi rồi!”. Ngài bắt đầu nhập thất, hàng ngày ngài niệm danh hiệu Phật mười vạn lần. Đúng ngày 12 tháng 4 năm sau, ngài dạy đệ tử: “Từ đầu tháng đến nay, ta đã hai lần thấy Tây phương tam thánh, chắc là đến lúc vãng sanh”. Nói xong ngài làm kệ để từ giã đại chúng. Qua ngày hôm sau, ngài không ăn uống, cứ nhắm mắt ngồi thẳng. Đến canh năm, ngài tắm rửa thay y. Hôm ấy, nhằm ngày 14 gần giờ Ngọ. Ngài ngồi nhắm mắt yên lặng, mặt quay về hướng tây. Hàng đạo, tục khắp nơi hội về, ngay lúc ấy bỗng nhiên ngài mở mắt ra nói: “Tôi đi rồi sẽ về, sống chết là việc lớn, các vị nên cố gắng tịnh tâm niệm Phật!”. Dặn dò xong, ngài chắp tay niệm hồng danh A-di-đà Phật, an nhiên thị tịch, hưởng thọ 49 tuổi.

Ngài trước tác “Khuyến phát Bồ-đề tâm văn” dạy rằng: “Ta thường nghe, việc nhập đạo tất yếu là phát tâm làm đầu, tu hành cần kíp, lập nguyện trước tiên. Có lập nguyện thì chúng sanh mới dễ độ. Có phát tâm thì Phật đạo mới chóng thành. Nếu không phát tâm quảng đại thì trải qua bao trần kiếp vẫn luẩn quẩn luân hồi. Tuy có tu hành cũng lao nhọc cay đắng. Kinh Hoa nghiêm dạy: Nếu quên mất Bồ-đề tâm dù tu các  thiện pháp thì vẫn gọi nghiệp ma. Quên mất còn như vậy, huống gì chưa phát tâm? Nên biết muốn học Như Lai thừa, trước tiên phát nguyện Bồ-đề, không thể trì hoãn. Tâm nguyện có sai biệt, tướng trạng cũng đủ hình, nay vì đại chúng mà lược nói: Tướng có tám, là tà, chánh, chơn, nguỵ, đại, tiểu, thiên, viên. Ở người tu hành không chịu cứu xét tâm tính, chỉ biết việc ngoài, hoặc cầu lợi dưỡng, hoặc thích danh tiếng, hoặc tham dục lạc thế gian, vọng cầu quả báo vị lai, phát tâm như vậy gọi là tà. Không mong cầu lợi dưỡng danh tiếng, không tham dục lạc quả báo, chỉ vì sinh tử, vì Bồ-đề. Phát tâm như vậy gọi là chánh. Tâm niệm thường nghĩ trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh, nghe Phật đạo trường viễn không sinh thối chí, quán chúng sanh khó độ mà không nhàm chán, như leo núi cao vạn nhận24 quyết phải tới đỉnh, lên tháp chín tầng nhất định đến ngọn. Phát tâm như vậy gọi là chơn. Có tội không sám, có lỗi không trừ, trong đục ngoài thanh, khởi sự làm siêng     sau giải đãi, tuy có hảo tâm nhưng vì danh lợi hỗn tạp, tuy có thiện pháp nhưng vì tội nghiệp tiêm nhiễm. Phát tâm như vậy gọi là nguỵ. Chúng sanh giới vô tận mình phải nguyện không cùng, Bồ-đề đạo thành thì nguyện ta cũng thành. Phát tâm như vậy gọi là đại. Quán tam giới như lao ngục, xem sinh tử như oan gia, nguyện độ mình không độ người. Phát tâm như vậy gọi là tiểu. Nếu ngoài tâm thấy có chúng sanh và Phật đạo thì nguyện độ nguyện thành. Công lao không quên, tri kiến không bỏ. Phát tâm như vậy gọi là thiên. Biết tự tánh của chúng sanh nên nguyện độ thoát. Biết tự tánh là Phật đạo nên nguyện thành tựu. Không thấy một pháp nào lìa tâm có khác, lấy tâm hư không mà phát nguyện hư không. Hành hạnh hư không để chứng quả hư không, cũng không có tướng hư không khả đắc. Phát tâm như vậy gọi là viên. Biết được tám loại này có sai khác thì biết thẩm xét. biết thẩm xét thì biết giữ hay bỏ. Biết giữ hay bỏ thì có thể phát tâm. Sao gọi là thẩm xét? Là trong tám phát tâm này, chúng ta xét xem phát tâm vì tà, chánh, hư, nguỵ, hay đại, tiểu, thiên, viên. Sao gọi là giữ bỏ? Là bỏ tà, nguỵ, tiểu, thiên; giữ chánh, chơn, đại, viên. Phát tâm như vậy mới gọi là phát Bồ-đề tâm chơn chánh”. 

 

--- o0o ---