Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Chương 2: Món linh phù

24 Tháng Năm 201710:16 SA(Xem: 4967)
Chương 2: Món linh phù

Sau ba năm làm việc tại Lahore, cha tôi thuyên chuyển về Bareilly, thuộc miền Bắc Ấn. Khi ấy, mẹ tôi đang ở tại Calcutta để lo chuẩn bị việc hôn lễ cho anh cả tôi là Ananta.

Việc lập gia đình của anh cả tôi là điều mong ước lớn nhất của mẹ. Và đây cũng là điều rất tự nhiên đối với mọi phụ nữ Ấn Độ, luôn mong mỏi việc nối tiếp dòng tộc gia đình được đảm bảo.

Vào thời điểm ấy, tôi đã từng được chứng kiến hai cuộc hôn lễ tưng bừng, rực rỡ của hai chị tôi là Roma và Uma. Nhưng anh Ananta là con trai, và là con cả trong nhà, nên mọi việc sẽ được chuẩn bị rất linh đình và long trọng.

Gia đình tôi khi ấy vừa mua thêm được một căn nhà rộng rãi và đầy đủ tiện nghi ở số 50 đường Amherst. Mẹ tôi mời những vị khách từ xa đến và sắp xếp cho họ trú ngụ tại đây trong thời gian chờ cử hành hôn lễ. Mặt khác, mẹ cũng đã lo đủ mọi việc cần thiết cho đám cưới: thức ăn đầy đủ và đều thuộc loại thượng hảo hạng, kiệu cưới lót bằng vải lụa thêu, trên đó anh tôi sẽ được ngồi lên và đưa đi một cách long trọng đến nhà cô dâu, rất nhiều đèn lồng có phết giấy màu sặc sỡ, những con lạc đà và voi bằng giấy nhồi cứng thật đẹp... Có cả các ban nhạc Ấn Độ và ban nhạc phương Tây, những chú hề giúp vui, những tăng sĩ để cử hành các nghi lễ tôn giáo theo truyền thống...

Cha tôi và tôi là những người duy nhất còn ở Bareilly chưa đến nơi cử hành lễ cưới. Và chúng tôi cũng đã sắp xếp để chuẩn bị lên đường. Tuy nhiên, còn cách ngày đi mấy hôm thì tôi được báo trước một sự chẳng lành bằng vào linh cảm lạ thường của mình.

Vào lúc nửa đêm, tôi đang ngủ gần giường của cha tôi thì nghe có tiếng động rất khẽ, vừa đủ để làm tôi thức giấc. Cửa mùng rung nhẹ rồi được vén lên và tôi nhìn thấy mẹ tôi. Người nói với tôi bằng giọng rất khẽ:

– Gọi cha con dậy, và hãy đi chuyến xe lửa đầu tiên lúc 4 giờ sáng nếu còn muốn nhìn mặt mẹ lần cuối...

Rồi hình ảnh mẹ tôi như hơi rung lên và biến mất.

Tôi vùng dậy, nhảy xuống giường và hét lên:

– Cha ơi, cha ơi! Mẹ con đang hấp hối.

Cha tôi thức giấc vì tiếng hét của tôi. Người vỗ về trấn an nỗi sợ của tôi bằng những lời thật êm dịu, nhưng tôi biết lòng người cũng đang run rẩy lo lắng không kém gì tôi:

– Con ơi, mẹ con vẫn đang khỏe mạnh kia mà. Đó chỉ là ảo ảnh trong giấc mơ mà thôi. Nếu như hôm nay có tin tức gì, ngày mai chúng ta sẽ lên đường.

Sáng hôm sau, chúng tôi nhận được bức điện từ Calcutta: “Mẹ đau nặng. Đám cưới tạm hoãn lại. Hãy đến ngay.”

Chúng tôi lên đường ngay. Trên đường đi, chúng tôi gặp người cậu tôi khi xe lửa dừng ở một nhà ga lớn. Tâm trạng tôi lúc ấy ngập tràn sự đau khổ. Linh tính cho tôi biết chắc rằng tôi đã không còn mẹ nữa. Mẹ là người duy nhất trên đời này có thể hiểu thấu lòng tôi. Đôi mắt mẹ là nguồn an ủi vô biên những khi tôi đau buồn, nhưng lúc này đây, khi tôi đau khổ đến mức chưa từng có trong cuộc đời thì đôi mắt ấy sẽ không còn nhìn tôi được nữa! Tình thương của mẹ đã ôm ấp tôi trong suốt thời thơ ấu, giờ đây đã bỏ rơi tôi lại giữa cuộc đời khi tôi chưa tìm được một chỗ nương tựa nào khác. Tôi cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng. Cậu tôi lên tiếng hỏi cha tôi:

– Chị còn sống chăng?

– Tất nhiên là nhà tôi vẫn còn sống.

Tôi thì hoàn toàn không tin vào lời nói quả quyết của cha tôi. Và cậu tôi như đọc được ý nghĩ ấy của tôi qua ánh mắt.

Và chúng tôi đến Calcutta chỉ vừa vặn để chứng kiến cái chết của mẹ tôi. Ngay khi ấy, sự sống đối với tôi dường như không còn một chút ý nghĩa nào. Sự đau buồn xâm chiếm cả tâm hồn tôi, và thậm chí phải mất nhiều năm sau nữa tôi mới có thể lấy lại được tâm trạng cân bằng của một cuộc sống bình thường như trước đó.

Trong những ngày ngay sau đó, tôi sống trong một tâm trạng tột cùng của sự đau khổ. Và trong lúc tưởng như hoàn toàn tuyệt vọng ấy, tôi chợt thấy mình cần phải quay về nương tựa nơi đức tin mà chính mẹ tôi là người trước đây đã từng vun đắp cho tôi. Trong một giấc mơ giữa những ngày đau đớn này, tôi nghe thấy tiếng an ủi của mẹ như vọng về từ một cõi xa xăm vô định:

– Này con yêu, chính ta đã săn sóc, nuôi dưỡng con từ đời này sang đời khác, đã dành cho con tình thương qua hiện thân của vô số những người mẹ đã từng sinh ra và nuôi nấng con trên thế gian này. Ta sẽ không hề mất đi vĩnh viễn như con tưởng. Con sẽ nhìn thấy ta trong ánh mắt dịu hiền của muôn ngàn người mẹ khác vẫn đang âm thầm nuôi nấng con cái họ.

Sau lễ hỏa táng mẹ, tôi và cha tôi trở lại Bareilly. Từ đó, mỗi buổi sáng tôi đều dậy sớm, ra trước nhà và đến dưới tán cây sheoli rất to có đầy hoa trắng. Tôi đứng đó, chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của những cành hoa sheoli trắng tinh, trên nền cỏ xanh tươi còn ướt đẫm sương sớm. Trước khi ánh mặt trời rạng chiếu, tôi thường nhìn thấy một thứ ánh sáng huyền diệu khác tỏa lan trong vùng. Cảnh vật yên tĩnh và tràn đầy sức sống sau một đêm yên giấc. Và lòng tôi trong những lúc ấy cũng tràn dâng một thứ nhựa sống mãnh liệt, một sự khao khát cầu tìm chân lý, như thúc giục tôi lên đường tìm đến rặng núi Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ đầy tuyết phủ mà giờ đây đã quá quen thuộc với tôi trong những giấc mơ dài.

Một lần, có người anh họ của tôi vừa đi du lịch trên dãy núi Hy Mã Lạp Sơn trở về. Anh đến chơi và kể cho chúng tôi nghe về những núi non trùng điệp, những hang động kỳ bí mà anh đã có dịp thăm qua, cùng với những vị ẩn tu hầu như không muốn tiếp xúc với bất cứ ai... Tôi say sưa lắng nghe những gì anh kể lại, và nghe bầu máu nóng trong người như sục sôi lên với ý tưởng là có một ngày nhất định tôi phải đến được tận nơi ấy để chiêm bái.

Tôi rủ một người bạn là Dwarka Prasad, lúc ấy đang ở trọ nhà tôi:

– Chúng ta hãy cùng đi lên núi Hy Mã Lạp Sơn.

Anh chàng này chẳng những không chịu cùng đi, mà còn đem sự việc tiết lộ với anh cả tôi là Ananta khi anh tôi vừa đến thăm cha tôi và còn đang lưu lại đó. Anh Ananta có vẻ không coi trọng ý tưởng táo bạo của tôi. Anh còn chế giễu tôi rằng:

– Áo cà sa vàng của em đâu rồi? Em phải mặc màu áo tu sĩ đó mới thích hợp.

Anh không thể nào ngờ được là những lời này tác dụng hoàn toàn ngược lại đối với tôi. Chẳng những tôi không hề cảm thấy bị chế giễu, mà nó còn như đánh thức trong tôi những hình ảnh xa xăm từ tiềm thức. Tôi như đã thấy mình mặc áo cà sa vàng và lang thang đó đây trên khắp nước vào một lúc nào đó. Tôi không biết những cảm giác ấy có chính xác hay không, nhưng có một điều hoàn toàn chính xác vào lúc này là tôi thấy quen thuộc đến mức sẵn sàng khoác lấy màu áo tu sĩ mà không một chút ngỡ ngàng, ngượng ngập.

Một buổi sáng, tôi đang nói chuyện với Dwarka. Bỗng dưng tôi cảm thấy lòng sùng kính và đức tin như dâng tràn trong tôi, và tôi bắt đầu giảng thuyết thao thao bất tuyệt với người bạn này về tất cả những gì mà cha mẹ đã dạy cho tôi từ thuở nhỏ về một đời sống tâm linh, cả những điều mà tôi chưa từng học qua bao giờ. Mãi về sau này, trong những buổi giảng thuyết trước hàng ngàn người nghe, tôi mới nhớ lại và biết rằng đó là buổi thuyết pháp hùng hồn đầu tiên của tôi. Nhưng cảm giác hứng khởi trước một buổi giảng, khi mà đức tin và lòng sùng kính bất chợt dâng tràn, về sau đã trở thành quen thuộc với tôi, nhất là trong những dịp giảng thuyết vô cùng quan trọng.

Buổi trưa cùng ngày hôm ấy, tôi lén đi Naini Tai, dưới chân Hy Mã Lạp Sơn. Anh Ananta đuổi theo kịp và bắt tôi phải trở lại Bareilly. Từ đó, tôi chỉ được phép đi xa nhất là đến tán cây sheoli có hoa trắng ở trước nhà. Và trong những lúc buồn nản vì không thực hiện được ý định, tôi lại càng thấy nhớ mẹ tôi da diết.

Cha tôi không nghĩ đến việc cưới vợ khác sau khi mẹ tôi mất. Ông chấp nhận cảnh gà trống nuôi con trong gần 40 năm trời không một lời than vãn. Ông hiểu được nỗi mất mát lớn lao của gia đình chúng tôi sau khi mẹ mất, và ông muốn bù đắp lại cho anh em chúng tôi. Ông trở nên mềm mỏng, dịu dàng hơn nhiều so với trước kia, và quan tâm lo lắng đến hầu như tất cả mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Ông lo xa cho chúng tôi có đủ mọi thứ cần thiết trong cuộc sống. Ông cũng chăm chút cho đến những bữa ăn hằng ngày của chúng tôi. Về phần ông, ngoài giờ làm việc ông dành trọn thời gian cho việc thực hành công phu thiền định và không bao giờ nghĩ đến bất cứ thú vui chơi nào cả. Mãi về sau này, tôi có ý định muốn thuê một cô giúp việc người Anh để coi sóc việc nhà và giúp ông được thoải mái đôi chút. Cha tôi lắc đầu rất cương quyết về việc này. Ông nói:

– Từ khi mẹ con mất, cha xem như chỉ còn có các con mà thôi. Cha không thể nhận sự săn sóc của bất cứ người đàn bà nào khác ngoài mẹ con trước đây. 

Hơn một năm sau khi mẹ tôi mất, nói chính xác là 14 tháng, tôi mới nhận được một lời di chúc mà mẹ tôi để lại cho tôi. Tuy nhiên, sự chậm trễ này phần nào cũng là ý muốn của mẹ tôi. 

Vào lúc mẹ tôi hấp hối, anh Ananta có mặt bên giường bệnh và đã nghe những lời trăn trối cuối cùng của mẹ. Mẹ có những lời dành cho tôi, nhưng dặn anh là chỉ cho tôi biết sau khi mẹ mất được một năm. Anh tôi đã cố trì hoãn thêm thời gian đó, nhưng rồi khi anh sắp rời Bareilly để về Calcutta cưới vợ – tất nhiên là người vợ mà mẹ đã chọn cho anh trước đây – thì anh không còn trì hoãn thêm được nữa. Một buổi chiều, anh tìm đến tôi:

– Mukunda, có đôi điều anh vẫn băn khoăn không biết có nên cho em biết hay chăng, nhưng chắc chắn nó sẽ làm em ngạc nhiên đấy.

Rồi anh nhỏ giọng đi với vẻ cảm thông mà tôi chưa từng thấy ở anh:

– Anh sợ rằng nếu cho em biết điều này sớm hơn, có lẽ em lại càng nôn nóng bỏ nhà ra đi xuất gia. Nhưng cuối cùng thì anh cũng thấy rõ lý tưởng thiêng liêng ấy không thể nào dập tắt được trong em, nên khi ngăn cản việc lên núi Hy Mã Lạp Sơn và đưa em trở về, anh quyết định phải cho em biết ngay những lời trăn trối cuối cùng của mẹ.

Anh đưa cho tôi một hộp nhỏ và nói:

– Đây là những lời dặn dò mẹ để lại cho em. Mẹ đã dặn anh là chỉ đưa cho em sau khi mẹ mất được một năm. Anh thú thật là đã trì hoãn việc này vì không muốn thấy em bỏ nhà ra đi.

Anh nói câu này mà rưng rưng nước mắt. Tôi mở cái hộp. Trong đó là bức thư mà mẹ tôi để lại cho riêng tôi:

“Mukunda của mẹ! Đây là những lời chúc phước lành cuối cùng mẹ có thể gửi đến cho con. Vì mẹ sẽ không còn ở bên con trên thế gian này nữa, nên mẹ cần phải cho con biết về những sự kiện lạ thường xảy ra ngay sau khi con chào đời.

“Số phận của con đã được báo trước cho mẹ biết từ ngay lần đầu tiên mẹ bế con đến gặp thầy Lahiri Mahsaya ở Bénarès, khi con chỉ là một hài nhi bé bỏng. Khi ấy, đức tôn sư đang tọa thiền trong sảnh đường với rất đông môn đồ yên lặng vây quanh. Khi mẹ đến đã không còn một chỗ trống nào bên trong để có thể nhìn thấy được ngài, mẹ đành phải bế con đứng tận ngoài xa, trong một góc nhỏ khuất sau nhiều người khác. Mẹ âm thầm cầu nguyện đức tôn sư, mong rằng ngài sẽ biết được sự hiện diện của mẹ con ta và ban lời chúc phúc đầu đời cho con.

“Bỗng nhiên, thầy Lahiri Mahsaya mở mắt ra khỏi cơn thiền định. Thầy gọi một đệ tử và bảo người này gọi mẹ đến trước ngài. Đám đông môn đồ đều kinh ngạc, vì từ chỗ ngồi của ngài không thể nào nhìn thấy mẹ con ta tận ngoài xa và khuất sau rất nhiều người.

“Mọi người rẽ ra nhường chỗ cho mẹ bế con đến trước tôn sư. Mẹ quỳ xuống, và tôn sư đón lấy con, đặt trên gối ngài rồi đặt tay lên trán con như một dấu hiệu ban ân huệ tâm linh. Ngài nói: ‘Này hiền mẫu, đứa con này sẽ trở thành một tăng sĩ, và sẽ cứu vớt rất nhiều người trên thế gian.’

“Khi ấy lòng mẹ ngập tràn niềm vui sướng. Đức tôn sư đã nghe được lời cầu nguyện của mẹ. Ngài cũng thấy trước được tiền đồ tươi sáng của con. Một lần, khi con còn chưa sinh ra, ngài có nói trước với mẹ là về sau con chắc chắn sẽ đi theo con đường của ngài.

“Và khi gia đình ta đến ở tại Lahore, một sự kiện khác nữa đã xảy ra, xác nhận chắc chắn hơn nữa niềm tin của mẹ về con đường mà con sẽ theo đuổi sau này. Trong di chúc tối hậu này, mẹ muốn kể hết cho con nghe để con có thể hiểu được mẹ kỳ vọng biết bao nhiêu về con.

“Một buổi sáng, người giúp việc tìm mẹ và nói: Thưa bà, có một vị tu sĩ ghé lại và nói muốn được gặp ‘mẹ của Mukunda’. Cách nói lạ thường ấy làm mẹ ngạc nhiên, vội vã ra gặp người ấy. Khi đứng trước mặt người, mẹ liền có ngay cảm giác là đang đối diện với một vị sứ giả của thiêng liêng. Người nói: ‘Này hiền mẫu, tôn sư muốn cho bà biết rằng kiếp sống hiện tại của bà sắp hết. Và cơn bệnh sắp tới đây của bà sẽ là cơn bệnh cuối cùng.’

“Khi nghe thế, lòng mẹ không hề cảm thấy sợ hãi, mà trái lại còn dâng lên một niềm phúc lạc an tịnh lạ thường. Mẹ chăm chú lắng nghe người nói tiếp: ‘Bà sẽ được giữ một món linh phù bằng bạc. Bà sẽ không nhận nó theo một cách thông thường, mà nó sẽ tự đến với bà trong buổi tọa thiền ngày mai. Bà sẽ được giữ nó cho đến lúc chết, và hãy giao nó cho người con cả, yêu cầu anh ta giữ nó trong một năm, và sau đó phải giao lại cho Mukunda, em trai của mình. Người này rồi sẽ từ bỏ thế gian để xuất gia học đạo. Và linh phù sẽ tự rời bỏ anh ta vào lúc nó không còn cần thiết nữa.’

“Sau đó mẹ cúng dường cho vị tu sĩ ấy một khoản tiền, nhưng người từ chối không nhận và ra đi ngay. Chiều hôm sau, trong khi mẹ đang ngồi thiền, quả nhiên có một linh phù bằng bạc tự nhiên xuất hiện trong lòng bàn tay mẹ. Mẹ nhận ra vật ấy lúc nó vừa xuất hiện nhờ vào một cảm giác lành lạnh trong tay. Mẹ đã vâng lời tôn sư giữ nó cẩn thận cho đến lúc này, nay mẹ giao cho anh cả con, và cùng với di chúc này, anh con sẽ giao lại cho con vào lúc thích hợp. Con không nên buồn thương nhiều về việc mẹ không còn bên con nữa. Đức Phật sẽ che chở mãi mãi cho mẹ, và mẹ cũng cầu xin ngài che chở mãi mãi cho con, con yêu của mẹ!”

Món linh phù là một vật nhỏ hình tròn, bằng bạc, trên có khắc những chữ Phạn cổ nhỏ li ti. Tôi có cảm giác vô cùng quen thuộc đối với nó, như đã được biết nó tự lâu rồi. Khi tôi cầm linh phù ấy trong tay, trong trí tôi chợt như lóe lên những tia sáng lạ kỳ soi rọi vào tận trong sâu thẳm của tiềm thức, khiến cho tôi mơ hồ nhớ lại những hình ảnh xa xăm từ những tiền kiếp lâu xa vô hạn... Tôi biết rằng món linh phù này hẳn đã theo tôi qua nhiều đời sống trước đây, gắn bó với những thăng trầm trên đường học đạo của tôi, nên giờ đây nhân duyên mới đưa đẩy nó đến cùng tôi trong giờ phút này. Và tôi biết thời điểm ra đi của tôi chắc hẳn đã đến gần. 

Món linh phù đã giúp thêm cho tôi rất nhiều sức mạnh từ khi tôi được mang nó trên người. Về sau, nó đã biến mất vào những giờ phút tưởng chừng như cực kỳ đau khổ đối với tôi, để rồi mở đầu cho việc tôi gặp gỡ bậc chân sư truyền đạo như thế nào, tôi sẽ có dịp trình bày trong một chương sách khác. Nhưng người thiếu niên đã từng thất bại với ý tưởng táo bạo một mình tìm lên Hy Mã Lạp Sơn, giờ đây sẽ đi xa hơn nhiều với sự phù trợ của món linh vật huyền bí cổ xưa này.