Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

1) Araham (Ứng-Cúng)

13 Tháng Ba 20189:29 CH(Xem: 4339)
1) Araham (Ứng-Cúng)

Tại sao Đức Phật có hiệu là ARAHAM (Tàu âm là A-La-Hán, dịch là Ứng-Cúng)?


Bởi Ngài là:


Araka
: Bậc đã xa lìa Phiền Não
Hata: Bậc đã phá tan bánh xe Luân Hồi
Araha: Bậc xứng đáng
Rahãbhãva: Bậc không nơi khuất lấp.

Giải rằng:


Bậc đã xa lìa Phiền-Não.


Đức Phật đã xa lìa tất cả Phiền-Não là những điều làm cho Tâm bợn nhơ và dắt dẫn chúng-sanh luân hồi mãi trong vòng lục đạo.


Ba Phiền-Não trọng đại là:

a) Lobha: Tham-Lam là Pháp làm cho Tâm dính mắc.
b) Dosa: Sân-Hận là Pháp làm cho Tâm nóng nảy ưu-phiền.
c) Moha: Si-Mê là Pháp làm cho Tâm lầm lạc.


Ba Phiền-Não nầy là nguồn-cội của tất cả Phiền-Não khác, ví như một cây to có 3 nhánh lớn đâm chồi nảy lá ra khắp tứ phía vậy. (Xin xem các "Phiền-Não" có kể đại khái riêng biệt sau phần giải hiệu ARAHAM)).


Tất cả điều chướng-ngại là Phiền-Não, không còn mảy-may nào trong Thân-Tâm Đức Phật, vì Ngài đã trau-dồi Thân-Tâm được hoàn toàn trong sạch, thanh-tịnh bằng Giới, Định, Huệ, bằng Thánh-Đạo, Thánh-Quả và Niết Bàn.

Ví như người thợ làm tên, lấy một khúc cây trong rừng đem về lột vỏ, gọt đẻo cho xong rồi thoa dầu, hơ lửa, uốn bằng nỏ cho trở nên ngay thẳng, hậu nhiên mới được những cây tên rất tốt và ngay thẳng.


Cũng như thế ấy, Ngài đã lột vỏ cái Tâm hằng bị sao động, cho tiêu-hoại cả Phiền-Não, nhờ sự Ẩn-Tu nơi rừng vắng là tu hạnh Đầu-Đà, rồi thoa dầu bằng Đức-Tin (Saddhã), đốt hơ bằng sự Tinh-Tấn (Viriya), uốn bằng nỏ là Phép Chỉ-Quán (Sammatha) và Minh-Sát (Vipassanã), làm cho Tâm trở nên ngay thẳng, diệt trừ các Nghiệp dữ. Kế tiếp, Ngài suy nguyên thấy rõ căn-bản của Nghiệp Thiện và Ác là những Pháp-Hành (Sankhãra) Đoạn-Tuyệt Vô-Minh (Avijjã), đắc Ba cái Giác (Vijjã) [1], Sáu cái Thông (Abhinnã), Bốn Huệ Phân Tích (Patisamdhidã) [2], Chín Pháp Thánh (Lokuttãra Dhamma) [3], và liễu chứng bậc Vô-Thượng Chánh-Đẳng Chánh-Giác.


[1] 3 Cái Giác (hoặc Minh) và 6 cái Thông: Xin xem giải rộng trong hiệu "Vijjãcaranasampanno" (Minh-Hạnh-Túc) phía sau.


[2] 4 Cái Huệ Phân Tích:

a) Atthapatisambhidã: Huệ Biết Rõ cái quả hay cái lý (là thông-suốt cả nghĩa lý của chú giải tóm-tắt).
b) Dhammapatisambhidã: Huệ Biết Rõ cái nhân hay thông suốt cả các Pháp.
c) Niruttipatisambhidã: Huệ biết rõ Ngữ Căn hay thông suốt các thứ tiếng.
d) Patibhana Patisambhidã: Huệ Phân Tích rõ-ràng và mau lẹ tất cả sự vật.


[3] 9 Thánh-Pháp:

Tu-Đà-Hườn Đạo
Tu-Đà-Hườn Quả


Tu-Đà-Hàm Đạo
Tu-Đà-Hàm Quả


A-Na-Hàm Đạo
A-Na-Hàm Quả


A-La-Hán Đạo
A-La-Hán Quả


Niết-Bàn.


Lại nữa chẳng những đã thắng tất cả quân thù là các Phiền-Não trọng-đại vi-tế thôi, Ngài lại dứt được luôn các Tiền-Khiên Tật, là những thói quen của Thân, Khẩu, Ý nữa.


Bậc đã phá tan bánh xe Luân-Hồi.


Đức Phật đã phá-tan, bẻ-gẫy bánh xe Luân-Hồi và không còn Tái Sanh nữa.


Ta có thể ví dụ "Bánh Xe Luân-Hồi" (Samsaracakka) gồm có:

* Vô-Minh (Avijjã) làm Đùm.
* Ba Pháp Hành (Sankhãra) [4] làm Căm.
* Sự Già và sự Chết (Lão, Tử: (Jarã Maranam) làm Vành.
* 29 Tác-Ý (Cetanã) là:


12 Tác-Ý Ác (Akusala Cetanã) [5]
8 Tác-Ý Đại Thiện (Mãhãkusala),
5 Tâm Lành trong Sắc-Giới (Kũpãvacara Kusala),
4 Tâm Lành trong Vô-Sắc-Giới (Arũpãvacara Kusala) làm đầu căm tra vào đùm.


Bánh xe ấy ráp vào thùng xe là Tam-Giới (Dục-Giới, Sắc-Giới và Vô-Sắc-Giới), làm thành bánh xe Luân-Hồi.


Trong Tam-Giới ví như cái thùng xe vì Tam-Giới là nơi sanh và trú của chúng-sanh.


Bốn Pháp Trầm-Luân (ãsava) [6] ví như cái gọng xe vì các Pháp ấy là chủ động, hằng lôi kéo chúng-sanh đến chỗ Sanh và chỗ Diệt.


[4] 3 Pháp-Hành là:


a) Punnãbhi Sankhãna: Hành Thiện
b) Apunnãbhi Sankhãna: Hành Ác
c) Anenjãbhi Sankhãra: Hành Điềm Tỉnh Không Lay Động


[5] Xin xem giải rộng trọng quyển "Vi-Diệu Pháp" vấn đáp của Đại-Đức Hộ-Tông.


[6] 4 Pháp Trầm-Luân là:


a) Kãmãsavo: Trầm-Luân trong Ái-Dục (Ngũ-Trần)
b) Bhãvãsavo: Trầm-Luân trong Tam-Giới
c) Ditthãvaso: Trầm-Luân trong Kiến-Thức
d) Avijjãsavo: Trầm-Luân trong Vô-Minh.


Vô-Minh ví như cái đùm xe vì Vô-Minh là nơi quy-hội của các Nhân-Duyên.


Sự Già và sự Chết ví như vành xe vì hằng lăn tròn đi tới và đưa chúng-sanh từ cảnh nầy đến cảnh khác.


Ba Pháp-Hành ví như căm bánh xe là vì bị sự Sanh và sự Chết bao chung quanh.


Đức Phật đứng vững-vàng hai chân là sự Tinh-Tấn (Viriya), trên mặt đất bằng-phẳng là Giới (Sĩla), dùng hai tay là Đức-Tin (Saddhã) cầm cây gươm bén là Trí-Tuệ (Panna), chặt rã, phá tan từng mãnh cái xe Luân-Hồi ấy dưới cội Bồ-Đề, từ đây không còn chở Ngài quanh-quẩn trong ba cõi, sáu đường được nữa.


Hoặc giả, nếu lấy Thập Nhị Nhân Duyên làm tượng-trưng cho "Bánh Xe Luân-Hồi", thì:


Vô-Minh làm Đùm.
Lão, Tử làm Vành.
10 Nhân-Duyên kia (Hành, Thức, Danh-Sắc, Lục-Căn, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh) là Căm.


Đức Phật thấy rõ, hiểu biết tường-tận lý "Nhân-Quả Liên-Quan" [7] gồm có 12 Chi (Anga), 3 Thời Kỳ (Addhã), 20 Thể (Akara), 3 Chỗ Nối Liền (Sandhi), 4 Chỗ Tóm-Tắt (Sankhepa), 3 Sự Luân Chuyển (Vatta) và 2 Gốc (Mũta). Trong khi nhập Đại-Định trọn 7 ngày đêm dưới cội Bồ-Đề, Ngài đã xem-xét thật vi-tế sự Sanh ra và sự Diệt-Tắt của mỗi Nhân-Duyên, xem thuận, rồi xem nghịch, cho đến khi phát-sanh Trí-Tuệ thấy rõ các Pháp Hữu-Vi đều do Nguyên-Nhân mà sanh ra. Khi Nguyên-Nhân bị diệt đi thì các Pháp ấy cũng diệt tắt theo. Khi thấy rõ như thế rồi, Ngài đắc-đạo Quả Niết-Bàn, được giải-thoát các sự Thống-Khổ, phá tan Bánh Xe Sanh-Tử Luân-Hồi.


[7] Xin xem giải rộng trong quyển "Nhân Quả Liên Quan" của Đại-Đức Bửu-Chơn.


Bậc Xứng Đáng.


a) Đức Phật là đấng toàn trí toàn thiện, rất xứng-đáng cho Chư-Thiên và nhân-loại lễ-bái cúng-dường. Ngài là phước điền quí-báu cao-thượng nhất của chúng-sanh.


Sự cúng-dường ấy, chẳng luận vật cúng ít hay nhiều, hèn-hạ hoặc cao-quí, chẳng luận thí chủ là bậc Vua Chúa oai-quyền hoặc là hạng cùng đinh nghèo khó, hằng được phước-báu Vô-Lượng nếu tín thí có đức-tin vững-chắc là tin lý Nhân-Quả và có Tâm lành đầy đủ Tác-Ý [8] trong sự cúng-dường.


[8] 3 Tác-Ý là:


a) Pubbacetanã: Tác-Ý trong sạch đầu tiên toan tính
b) Munncanã Cetanã: Tác-Ý trong sạch khi đang dâng cúng
c) Aparãparacetanã: Tác-Ý thỏa-thích sau khi dâng cúng.


Trong kinh Dĩpanĩ có câu: "Tiddhante Nibbute Cãpisanam Cettam Samebhale" nghĩa là: "Khi Phật còn tại thế hay sau khi đã nhập Niết-Bàn rồi, nếu có thiện-nhân nào có Tâm trong sạch đồng nhau cúng-dường đến Phật cũng được sự phước báu như lúc Ngài còn tại thế vậy".


Như thế, ta nên tin-tưởng rằng dầu khi Đức Thế-Tôn còn tại thế, hay sau khi Ngài nhập diệt rồi cũng vậy, quả phước phát sanh do sự cúng-dường đến Ngài hoặc đến tháp thờ xá-lợi của Ngài, cũng đồng nhau không kém, miễn là thí chủ có đức tin trong sạch và chú tâm trong sự phước-thiện đồng nhau.


Trong kinh có chép lại rất nhiều sự tích về sự lễ bái cúng-dường Đức Thế-Tôn. Từ các hàng Chư-Thiên như Phạm-Thiên Sahampati cúng-dường Ngài một tràng hoa bằng ngọc to lớn như núi Tu-Di (Sineru), Đức Đế-Thích (Sakka), Tứ-Đại-Thiên-Vương (Catumãhãrãja), vv...; các bậc Hoàng Đế đồng thời với Ngài như vua Tân-Bà-Sa (Bimbisãra), Vua Ba-Tư-Nặc (Pasenadi)...; các bậc đại phú hộ như trưởng giả Cấp-Cô-Độc (Anãthapindika) và (Visãkhã), vv...; đến các hạng cùng đinh nghèo-khổ như nàng Sumana Mãlã dâng bông lài, thầy Bà-La-Môn Culekasataka dâng khăn choàng, vv...

Một thế kỷ sau khi Đức Thế-Tôn nhập diệt, Hoàng Đế A-Dục (Asoka) xuất của kho ra 96 triệu đồng vàng cúng-dường Tam-Bảo và cho xây cất 84 ngàn thánh tháp trong toàn cõi Ấn-Độ.

Nên nói thêm rằng: chẳng những Đức Phật là bậc siêu nhân cao-thượng xứng-đáng cho chúng-sanh lễ-bái cúng-dường mà thôi, các bậc Thánh-Nhân (Thinh-Văn: A-La-Hán, A-Na-Hàm ....) khác đã diệt-tận Phiền-Não hay còn chút ít Phiền-Não nơi Tâm, hoặc các hạng phàm nhân có giới đức tu hành chân-chánh theo Giáo- Pháp của Đức Thế-Tôn, cũng là những bậc đáng thọ-lãnh vật cúng-dường của tín thí vậy.

b) Một điều nữa, Đức Phật là bậc xứng-đáng giảng-dạy Kinh Luật, giáo-hóa chúng-sanh vì Ngài đã diệt tận tất-cả Phiền-Não chướng-ngại, nên Kinh Luật mà Ngài chỉ-giải, chế-định, toàn là đúng-đắn, chân-thật, chỉ nhắm vào sự lợi-ích của quần-sanh. Ngài không vì 4 điều Tư-Vị (Agati) [9] mà giảng Kinh, định Luật, nói Pháp độ đời.

[9] 4 Điều Tư-Vị là:

a) Chandãgati: Thiên-Vị vì lòng Thương
b) Dosãgati: Thiên-Vị vì Giận-ghét
c) Mohãgati: Thiên-Vị vì Si Mê
d) Bhayãgati: Thiên-Vị vì Sợ.


Bậc không nơi khuất lấp.


Đức Phật là đấng trọn-lành, Ngài đã diệt-tận Phiền-Não nên Thân, Khẩu, Ý của Ngài hoàn toàn trong-sạch thanh-tịnh, trước mắt người hoặc nơi khuất-lấp, xa tai cách mặt người, Ngài cũng không hề làm, nói và tưởng điều tội-lỗi, dầu là nhỏ-nhen chút ít.

Không như những hạng thuờng nhân tự cho mình là "Giáo- Chủ" hoặc "Bồ Tát", là "Thánh-Nhân", vv..., trước mặt người tỏ ra đạo-mạo nghiêm trang như là bậc giới hạnh chân-chánh, hiền-từ, đạo-đức, nhưng sau lưng người lại hằng làm điều tội-lỗi xấu-xa không chút lòng hổ-thẹn.

Do nhờ, những Ân-Đức cao-quí vừa giải phía trên, nên Ngài có hiệu là "ARAHAM " (Ứng-Cúng).

Phần kể các Phiền-Não mà đức Phật đã xa lìa.


1. Kilesa: Phiền-Não có 3 gọi là Tam-Độc.

a) Lobha: Tham
b) Dosa: Sân
c) Moka: Si.


2. Asava: Pháp Trầm-Luân có 3.


a) Kãmãsava: Trầm-Luân trong Ngũ-Dục
b) Ditthãsava: Trầm-Luân trong Kiến-Thức
c) Avjjãsava: Trầm-Luân trong Vô-Minh.


3. Vipallãsa: Điều Lầm-Lạc có 3.


a) Sannã Vipallãsa: Tư-Tưởng Lầm-Lạc
b) Citta Vipallãsa: Tâm Lầm-Lạc
c) Ditthi Vipallãsa: Kiến-Thức Lầm-Lạc.


4. Anusaya: Pháp Ngủ-Ngầm có 3.


a) Kãmarãgãnusaya: Tình-Dục Ngủ-Ngầm
b) Ditthãnusaya: Kiến-Thức Ngủ-Ngầm (Tà-Kiến)
c) Avijjãnusaya: Vô-Minh Ngủ-Ngầm.


5. Agati: Tư-Vị có 4.


a) Chandãgati: Tư-Vị vì Thương
b) Dosãgati: Tư-Vị vì Giận-Ghét
c) Mohãgati: Tư-Vị vì Si-Mê
d) Bhayãgati: Tư-Vị vì Sợ.


6. Gantha: Điều Ràng-Buộc có 4.


a) Abhijjhãya Gantha: Ràng-Buộc vì Tâm Xan-Tham.
b) Byjãpãdakãya Gantha: Ràng-buộc vì Tâm Thù Oán, Mong Hại người.
c) Sĩlabbattaparãmãsakãya Gantha: Ràng-Buộc vì Tập
Quán, vì Chấp-Lễ Cúng Tế.
d) Idamsaccãbhinivesakãya Gantha: Ràng-Buộc vì Chấp-Ý kiến của Ta là Chân-Chánh, Chắc-Thật, còn của người khác là Sai-Lầm.

7. Ogha: Vực-Thẳm có 4.


a) Kãmogha: Vực-Thẳm Ngũ-Trần
b) Bhavogha: Vực-Thẳm Tam-Giới
c) Ditthogha: Vực-Thẳm Kiến Thức (Tà-Kiến)
d) Vực-Thẳm Vô-Minh.

8. Upãdãna: Cố-Chấp có 4.


a) Kãmupãdãna: Cố-Chấp trong Ngũ-Dục
b) Dithupãdãna: Cố-Chấp trong Kiến-Thức (Tà-Kiến)
c) Sĩlabbãttupãdãna: Cố-Chấp trong Tập-Quán, trong Lễ Cúng-Tế (Thần-Thánh)
d) Attavãdupãdãna: Cố-Chấp trong Thân này có Bản-Ngã.


9. Macchariva: Bỏn-Xẻn có 5.


a) Avãsa Macchariya: Bỏn-Xẻn chỗ ở,
b) Kula Macchariya: Bỏn-Xẻn về Gia-Quyến, Môn Đồ, Đảng-Phái,
c) Vanna Macchariya: Bỏn-Xẻn về sự khen tặng và sắc tốt,
d) Lãbha Macchriya: Bỏn-Xẻn lợi-lộc,
e) Dhamma Macchirya: Bỏn-Xẻn Giáo-Pháp.


10. Anusaya: Pháp Ngủ-Ngầm trong Tâm có 7.


a) Kãmarãgãnusaya: Tình-Dục Ngủ-Ngầm
b) Bhavarãgãmusaya: Mê-Thích Tam-Giới Ngủ-Ngầm
c) Patighãnusaya: Bất-Bình Ngủ-Ngầm
d) Mananusaya: Cống-Cao Ngã-Mạn Ngủ-Ngầm
e) Ditthãmusaya: Kiến-Thức Ngủ-Ngầm (Tà-Kiến)
f) Vicikicchãmusaya: Hoài-Nghi Ngủ-Ngầm
g) Avikicchãnusaya: Vô-Minh Ngủ-Ngầm.


11. Lokadhamma: Pháp Thế-Gian có 8.


a) Lãbho: Được Lợi
b) Alãbho: Thất Lợi
c) Vaso: Được Danh
d) Ayaso: Thất Danh
e) Nindã: Bị Chê
f) Pasamsã: Được Khen
g) Sukho: Được Vui
h) Dukkho: Bị Khổ.


12. Mandila: Pháp Nhơ-Bẩn có 9.


a) Kodha: Hờn-Giận
b) Makkha: Bạc-ơn
c) Issã: Ganh-Tị
d) Macchariya: Bỏn-Xẻn
e) Mãyã: Làm Bộ, Giả-Dối
f) Sãtheyya: Khoe-Khoang
g) Musã: Nói Láo
h) Pãpicchã: Tham Muốn những điều Xấu-Xa Tội-Lỗi
i) Micchãditthi: Tà-Kiến.


13. Micchatta Dhamma: Pháp Tà-Vạy có 10.


a) Micchã Ditthi: Tà-Kiến
b) Micchã Sankappo: Tà Tư-Duy
c) Micchã Vãcã: Tà Ngữ
d) Micchã Kammanto: Tà Nghiệp
e) Micchã Ãjivo: Tà Mạng
f) Micchã Vãyãmo: Tà Tinh-Tấn
g) Micchã Sati: Tà Niệm
h) Micchã Samãdhi: Tà Định
i) Micchã Nãnam: Tà Huệ
j) Micchã Vimutti: Tà Giải-Thoát.


14. Akusalakammapatha: Nghiệp-Ác có 10 gọi là "Thập-Ác":


a) Pãnãtipato: Sát-Sanh
b) Adinnãdãnam: Trộm-Cắp
c) Kãmesu Micchãcãro: Tà-Dâm
d) Musãvãdo: Nói Dối
e) Pisunãvãcã: Nói Đâm-Thọc
f) Pharusavãcã: Nói Lời Độc Ác, Chưởi-Rủa
g) Samphapalãpo: Nói Lời Vô-Ích, Viễn-Vông
h) Abhijjhã: Tham-Lam
i) Byãpãda: Thù-Oán mong hại Người
j) Micchãditthi: Tà-Kiến.


15. Samyojana: Pháp Thẳng-Thúc có 10:


a) Sakkãyaditthi: Thân Kiến
b) Vicikicchã: Hoài Nghi (về Nhân và Quả)
c) Silabbataparãmãsa: Chấp theo Lễ Cúng-Tế (Thần-Thánh), Chấp theo Tập Quán (Giới Cấm Thủ)
d) Kãmacchanda: Vui Thích Tình-Dục
e) Byãpãda: Thù-Oán, mong Hại Người
f) Rupãrãga: Mê-Thích trong Cảnh Sắc
g) Aruparãga: Vui-Thích Cảnh Vô-Sắc
h) Mãna: Ngã-Mạn, Cống-Cao
i) Uddhacca: Phóng-Tâm
j) Avijjã: Vô-Minh.


16. Kilesa: Phiền-Não có 10:


a) Lobha: Tham
b) Dosa: Sân
c) Moha: Si
d) Manã: Ngã-Mạn, Cống-Cao
e) Ditthi: Kiến-Thức (Tà-Kiến)
f) Vicikicchã: Hoài-Nghi (về Nhân Quả, ...)
g) Thina: Tâm Dụ-Dự, Uể-Oải, Buồn-Ngủ
h) Uddhacca: Phóng-Tâm
i) Ahirika: Không Hổ-Thẹn Tội-Lỗi
j) Anottappa: Không Ghê-Sợ Tội-Lỗi.


17. Akusalacittuppãda: Tâm-Ác có 12:


a) 8 Tâm Xan-Tham: Mobhamũla
b) 2 Tâm Sân-Hận: Dosamũla
c) 2 Tâm Si-Mê: Mohamũla

(Xin xem giải rộng 12 Ác Tâm trong quyển "Vi Diệu Pháp" của Đại-Đức Hộ-Tông).


18. Tanhã (Tâm Ái-Dục) có 108.


Nếu kể tóm-tắt thì Tâm Ái-Dục có 3 là:


a) Kãmatanhã: Ái-Dục trong cõi Dục-Giới
b) Bhavatanhã: Ái-Dục trong sự muốn sanh về cõi Sắc
c) Vibhavatanhã: Ái-Dục muốn sanh về cõi Vô-Sắc-Giới


Lấy 3 Tâm Ái-Dục ấy nhơn cho 6 Căn (Nhãn, Nhĩ, Tĩ, Thiệt, Thân, Ý) thành 18 nội Tâm Ái-Dục.


Lấy 3 Tâm Ái-Dục ấy nhơn cho 6 Trần (Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp) thành 18 Ngoại Tâm Ái-Dục.


Cộng lại thành (18 + 18) = 36 Tâm Ái-Dục.


36 Tâm Ái-Dục Quá-Khứ + 36 Tâm Ái-Dục Vị-Lai + 36 Tâm Ái-Dục Hiện-Tại = 108 Tâm Ái-Dục


19. Kilesa: Phiền-Não có 1500:

Nếu kể tóm-tắt thì Phiền-Não có 10 (xem phía trước).


Nếu kể 1500 Phiền-Não thì tính theo phương-pháp sau đây:


Lấy 1 trong 81 Tâm Phàm (Lokiyacitta) + 52 Tánh (Citasika) + 18 Thành-Lập-Sắc (Nipphanna Rũpa) [*] + 1 Hư-Không (ãkãsa) + 1 Sanh (Jãti) + 1 Già (Jarã) + 1 Tiềm-Thức (Bhavanga) = 75 Phiền-Não


Chia ra 75 Phiền-Não bên Trong + 75 Phiền-Não bên Ngoài , cộng chung thành 150 Phiền-Não.


Đem nhơn cho 10 Phiền-Não (Kilesa) đã kể phía trước (150 x 10 ) thành 1500 Phiền-Não.


[*] Nipphanna Rũpa tạm dịch là "Thành-Lập-Sắc" là Sắc đã tạo lập phát-sanh lên rồi. Có 18:


1. Pathavĩ: Đất
2. Ãpo: Nước
3. Tejo: Lửa
4. Vãyo: Gió
5. Cakkhu: Nhãn
6. Sota: Nhĩ
7. Ghãna: Tĩ
8. Jĩvahã: Thiệt
9. Kãya: Thân
10. Rũpa: Sắc (Cảnh)
11. Sadda: Thinh
12. Gandha: Hương
13. Rasa: Vị
14. Photthabba: Xúc
15. Itthindriya: Nữ-Căn
16. Purisindriya: Nam-Căn
17. Hadaya Vatthu: Tâm Chất (Căn của Tim)
18. Jivitindriya: Mạng-Căn

-ooOoo-