Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

2. Sammãsambuddho (Chánh-Biến-Tri)

13 Tháng Ba 20189:41 CH(Xem: 4849)
2. Sammãsambuddho (Chánh-Biến-Tri)

Tại sao Đức Phật có hiệu là Sammãsambuddho (Chánh-Biến-Tri)?


Bởi Ngài đã thành bậc Chánh-Đẳng Chánh-Giác là bậc hoàn-toàn Giác-Ngộ (Buddho), thông-suốt các Pháp một cách chân-chánh (Sammã) tự Ngài tỏ-ngộ lấy không thầy giáo-hoá (Sãnam).


Đức Phật tự mình phát-giác, hiểu-biết tường-tận 4 Chân-Lý Vi-Diệu quí-báu là Tứ-Diệu-Đế (Caturãriyasacca). Bốn Chân-Lý ấy là:


Dukkha Ariyasaccam
: Khổ-Đế
Dukkha Samudaya Ariyasaccam: Tập-Đế
Dukkha Nirodha Ariyasaccam: Diệt-Đế
Dukkha Nirodha Gãminipatipadã Ariyasaccam: Đạo-Đế


Ariyasacca
 - Diệu-Đế - có nghĩa là:


- Pháp Chắc-Thật của bậc Thánh-nhân (Ariyasacca: Chắc-Thật).


- Pháp Chắc-Thật dắt-dẫn cho xa lìa kẻ nghịch. Bậc nào đã đắc Pháp Tứ-Đế rồi thì các kẻ - nghịch là Phiền-Não không còn tồn-tại trong Thân-Tâm nữa.


- Pháp Chắc-Thật làm cho Quả Thánh phát-sanh tròn đủ, vì bậc nào đã đắc Pháp Tứ-Đế rồi thì Trí-Tuệ phát khởi thấy rõ: "Đây là Khổ, đây là Nguyên-Nhân phát-sanh sự Khổ, đây là nơi Diệt-Khổ, đây là con đường đi đến nơi Diệt-Khổ", có thể Đắc-Đạo quả Thánh-Nhân dễ-dàng.


- Pháp Chắc-Thật đáng tôn-quí. Tôn-quí vì tính cách hiển-nhiên, chân-thật của Tứ-Đế. Khổ, thật có trên thế gian này, nguyên-nhân phát-sanh sự Khổ, nguyên-nhân ấy có thật; nơi Diệt-Khổ, nơi ấy có thật; con đường đi đến nơi Diệt-Khổ, con đường ấy có thật.


Khổ-Đế.


Khổ-Đế là những điều thống-khổ hiển-nhiên mà chúng-sanh ở đời không ai tránh khỏi được. Có 12 sự Khổ:


Jãti Dukkham
: Khổ Sanh
Jãrã Dukkham: Khổ Già
Byãdhi Dukkham: Khổ Đau
Marana Dukkham: Khổ Chết
Soka Dukkham: Khổ vì Buồn-Rầu, Thương-Tiếc
Parideva Dukkham: Khổ vì Khóc Than, Kể-Lể
Dukkha Dukkham: Khổ vì Sự-Khổ
Domanassa Dukkham: Khổ vì Phiền-Muộn
Upayasã Dukkham: Khổ vì Khó-Chịu, Bực-Tức
Appiyehi Sampayoga Dukkham: Khổ vì Không Ưa mà phải Gần
Piyehi Vippayoga Dukkham: Khổ vì Thương-Mến mà phải Xa Lìa
Yampiccham Na Labhati Tampi Dukkham: Khổ vì Muốn mà Không Được như Ý (thất-vọng).


Chữ Khổ (Dukkha) nếu giải tóm-tắt thì chỉ có cái khổ về Ngũ-Uẩn. Vì cố-chấp rằng trong Ngũ-Uẩn này có ta, cho sắc thân này là Ta, là của Ta... và chấp Thọ-Uẩn, Tưởng-Uẩn, Hành-Uẩn, Thức-Uẩn cũng như thế ấy nên các sự Khổ-Não mới phát-sanh lên được. Một lẽ nữa, Ngũ-Uẩn là nguồn-cội, là nơi chất-chứa các sự Thống-Khổ, vì có thân Ngũ-Uẩn này mới có Khổ-Sanh, Khổ-Già, Khổ-Đau, Khổ-Chết ...


Tập-Đế.


Tập-Đế là nguyên-nhân sanh ra Khổ là lòng Ái-Dục (Tanhã). Lòng Ái-Dục có mãnh-lực ngấm-ngầm trong Tâm của tất-cả phàm-nhân, khiến cho chúng-sanh ước-ao tìm kiếm và cố giữ lấy những vật vừa lòng đẹp-ý, say-mê, quyến-luyến theo Ngũ-Trần không ngừng-nghỉ. Chính lòng Ái-Dục dắt-dẫn chúng-sanh Trầm-Luân từ khiếp này sang kiếp khác trong vòng Sanh Tử Vô-Cùng Vô-Tận.

Lòng Ái-Dục có 3:


1) Kãma Tanhã: Tâm Ham-Muốn, Sa-Mê theo Ngũ-Trần hoặc Uớc Muốn được sanh làm người hoặc làm trời trong 6 cõi Dục-Giới
2) Bhava Tanhã: Tâm Ham-Muốn sanh về cõi trời Sắc-Giới
3) Vibhava Tanhã: Tâm Ham-Muốn sanh về cõi Vô-Sắc-Giới.


Nếu kể rộng, lòng Ái-Dục có 108 như đã có giải phía trước.


Ái-Dục là nguyên-nhân phát-sanh ra các sự Thống-Khổ, nếu Ái-Dục diệt thì các sự Khổ-Não cũng diệt theo.


Diệt-Đế.


Diệt-Đế là nơi diệt-trừ hoàn-toàn các sự Khổ tức là Niết-Bàn. Niết-Bàn, theo danh từ Pãli gọi là NibbãnaSanscrit gọi là NirvãnaNi có nghĩa: Ra Khỏi hoặc Không Còn. Vãnã có nghĩa: Phiền-Não hoặc Tam-Giới.


Niết-Bàn có 32 nghĩa, nhưng nếu giải tóm-tắt, đại-khái có 2 nghĩa sau đây:


* Nếu nói trạng-thái của Tâm thì Niết-Bàn là trạng-thái Tâm đã đoạn-tuyệt, diệt-trừ hẳn Ái-Dục. Lòng Ái-Dục phát sanh lên do sự tiếp-xúc của Lục-Căn (Nhãn, Nhĩ, Tỉ, Thiệt, Thân, Ý) với Lục-Trần (Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp). Nếu thu-thúc Lục-Căn cho thanh-tịnh, không cho duyên theo, quyến-luyến theo Lục-Trần thì lòng Ái-Dục không còn phát-sanh lên được. Lòng Ái-Dục đã diệt-trừ thì các sự Khổ-Não cũng diệt theo không dư-sót.


* Nếu nói là nơi hoặc cõi, thì Niết-Bàn là nơi tịch tịnh, không có Sanh, Già, Đau, Chết, là cõi ngoài Tam-Giới (Xuất Thế-Gian).


Đức Phật và các bậc A-La-Hán đã đắc 2 Niết-Bàn:


Phiền-Não Niết-Bàn (Kilesa Nibbãnam)


Phiền-Não Niết-Bàn (Kilesa Nibbãnam) hoặc Hữu-Dư Niết-Bàn (Saupãdisesa Nibbãnam) là trạng-thái Tâm các bậc Thánh-Nhân ngay trong kiếp chót, đã diệt tận Ái-Dục Phiền-Não, đã được giác-ngộ và giải-thoát, xong vẫn còn Thân, Ngũ-Uẩn.


Đức Phật đã đắc Phiền-Não Niết-Bàn khi còn ngự dưới cội Bồ-Đề, toàn thắng bọn Ma-Vương, dứt-tuyệt Tham, Sân, Si, Ngã-Chấp, Tà-Kiến cùng 1500 Phiền-Não và 108 Ái-Dục xa lìa Tâm Ngài như các giọt nước lìa khỏi lá sen.


Khi đã đắc Hữu-Dư Niết-Bàn, Ngài có tuyên-ngôn như vầy:


"Anekajãti samsãram sandhãvissam anibbisam, gahakãram, gavesanto dukkhã jãti punappunam, gahakãraka ditthosi puna geham na kãhasi, Sabbe te phãsukã bhaggã gahakũtam visanhkhatam, Visankhãragatam cittam tanhãnam khayamajjhagãti".


Nghĩa
: " Khi Như-Lai đang tìm người thợ (tức Ái-Dục) là người cất cái nhà tức là thân tứ-đại của Như-Lai mà chưa gặp được, Như-Lai hằng bị luân-hồi trải qua vô lượng-kiếp, sự sanh ấy hằng đem những điều Thống-Khổ đến Như-Lai không ngừng-nghỉ".


Này người thợ làm nhà kia? Như-Lai đã tìm thấy ngươi rồi! Từ đây, ngươi không còn cất nhà là thân tứ-đại của Như-Lai được nữa. Sườn nhà là các Phiền-Não của ngươi, Như-Lai đã bẻ gãy rồi; nóc nhà là Vô-Minh mà ngươi đã tạo đó, Như-Lai cũng đã phá tan rồi. Hiện nay, Tâm Như-Lai đã đắc Niết-Bàn, lìa khỏi Sắc-Tướng, Như-Lai đã liễu-chứng quả A-La-Hán là Pháp tiêu-diệt tất-cả Ái-Dục rồi!"


Ngũ-Uẩn Niết-Bàn (Khandha Nibbãnam)


Ngũ-Uẩn Niết-Bàn (Khandha Nibbãnam) hoặc Vô-Dư Niết-Bàn (Anupãdisesa Nibbãnam) là khi tuổi thọ đã đến lúc cùng tận, các bậc Thánh-Nhân ấy rồi khỏi thân Ngũ-Uẩn nhập vào cõi tịch-tịnh không còn sanh tử luân-hồi nữa.


Đức Phật đem Giáo-lý cao-thượng ra giảng-giải tế-độ chúng-sanh trọn 45 hạ đến khi phận-sự đã viên-dung, Ngài đến gần kinh-thành Kusinara, an ngọa dưới hai cây long-thọ, nhập-định rồi viên-tịch. Lúc ấy Ngài tịch-diệt cả Ngũ-Uẩn là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, như thế gọi là Ngũ-Uẩn Niết-Bàn.


Có chỗ lại thêm Niết-Bàn thứ ba là Xá-lợi Niết-Bàn (Dhãtu Nibbãnam). Hiện nay, Xá-lợi Đức Phật ở rải-rác khắp nơi cho Chư-Thiên và nhân-loại chiêm-bái, khi Phật-Giáo tròn đủ 5000 năm, Xá-lợi của Ngài tự nhiên sẽ bay về qui-tụ thành một khối tại Bồ-Đề Đạo-Tràng (Buddha Gaya ở Trung Ấn-Độ), hóa ra một vị Phật-Tổ như lúc Đức Thế-Tôn còn tại thế, ngự trên bồ-đoàn thuyết-Pháp trọn 7 ngày đêm. Khi ấy các vị Phạm-Thiên và Chư-Thiên từ trên các cõi trời, tay cầm tràng hoa bay xuống lễ-bái cúng-dường và nghe Pháp, được đắc đạo-quả từ Tu-Đà-Hườn đến A-La-Hán hằng hà vô số kể.


Đến đủ 7 ngày, tự nhiên trong kim-thân lửa phát cháy lên thiêu-hoại Xá-lợi, kể từ ngày ấy thì Giáo-Pháp của Ngài hoàn-toàn tiêu-diệt. Như thế gọi là Xá-lợi Niết-Bàn.


Đạo-Đế


Đạo-Đế là con đường đi đến nơi Diệt Khổ. Con đường ấy là Bát-Chánh-Đạo (Ariyatthangika Magga) gồm có 8 chi:


Sammã Ditthi
: Chánh Kiến là thấy biết chân-chánh
Sammã Sankappa: Chánh Tư-Duy là suy-nghĩ chân-chánh
Sammã Vãcã: Chánh Ngữ là lời nói chân-chánh
Sammã Kammanta: Chánh Nghiệp là sự làm chân-chánh
Sammã Ãjiva: Chánh Mạng là sự nuôi mạng chân-chánh
Sammã Vãyama: Chánh Tinh-Tấn là sự cố-gắng chân-chánh
Sammã Sati: Chánh Niệm là sự ghi nhớ (Niệm) chân-chánh
Sammã Samãdhi: Chánh Định là định Tâm chân-chánh.


Bát-Chánh-Đạo chia ra 3 phần:


Chánh-Ngữ, Chánh-Nghiệp, Chánh-Mạng thuộc về phần Giới.
Chánh Tinh-Tấn, Chánh-Niệm, Chánh-Định thuộc về phần Định.
Chánh-Kiến, Chánh Tư-Duy thuộc về phần Huệ.


Cho nên người hành theo Bát-Chánh-Đạo cũng gọi là người tu Giới, Định, Huệ là nền tảng của Phật-Giáo vậy.

Bát-Chánh-Đạo là Trung-Đạo (Majjhimã Paitpadã) nghĩa là con đường giữa không thiên về hai cực-đoan không "Khổ-Hạnh" và không "Lợi-Dưỡng":


Kãmasakhallĩkãnuyoga
 (Lợi-Dưỡng) Say Mê theo Ngũ-Trần,
Atthakilamathãnuyoga (Khổ-Hạnh) Ép xác-thân.


Con đường ấy có năng lực hằng làm cho phát sanh Pháp-Nhãn (Cakkhu) và Trí-Tuệ (Pãna), khiến cho Tâm trở nên thanh-tịnh sáng-suốt mà cứu-cánh là sự Giác-Ngộ và Niết-Bàn.


Tứ-Diệu-Đế là những Pháp thực-tế, hiển-nhiên mà mọi người đều có thể tự mình xem-xét, thực-nghiệm lấy.


Tứ-Diệu-Đế là Chân-lý mà Chân-Lý thì không bao giờ hư-hoại hay chịu ảnh-hưởng của thời-gian. Bốn Chân-Lý ấy đã có trong quá-khứ, đang có trong hiện tại và sẽ tồn-tại trong thời vị-lai. Nhưng chỉ có Trí-Tuệ siêu phàm của Đức Phật mới phát-giác được mà thôi và từ khi Ngài chuyển Pháp-Luân nơi vườn Lộc-Giả tại Isipatãna, 4 Chân-Lý Vi-Diệu ấy mới được phổ-cập đến tất-cả Chư-Thiên và Nhân-Loại.

Dựa theo 4 Chân-Lý ấy, dưới cội Bồ-Đề, Đức Phật đã tự mình tỏ-ngộ tường-tận những Pháp xác thật sau đây:


- Lục-Căn (Nhãn, Nhĩ, Tỉ, Thiệt, Thân, Ý) là Khổ-Đế.
- Tâm Ái-Dục phát khởi lên do Lục-Căn là Tập-Đế.
-Trạng-thái Tâm Ái-Dục bị diệt-trừ không phát-sanh lên được khi Lục-Căn tiếp-xúc với Lục-Trần (Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp) là Diệt-Đế.
- Phương-Pháp chân-chánh làm cho phát-sanh Trí-Tuệ để diệt Tâm Ái-Dục là Đạo-Đế.


Những Pháp ấy kể tiếp sau đây có thể giải-thích bằng cách tương-tự như trên:


- Lục-Trần bắt đầu từ Sắc-Trần ...
- Lục-Thức bắt đầu từ Nhãn-Thức ...
- Lục-Xúc bắt đầu từ Nhãn-Xúc ...
- Lục-Thọ bắt đầu từ Nhãn-Thọ ...
- Lục-Tưởng bắt đầu từ Nhãn-Tưởng ...
- Sáu Tác-Ý bắt đầu từ Tác-Ý về Sắc-Trần ...
- Sáu Ái-Dục bắt đầu từ Sắc-Ái ...
- Sáu Tâm "Tầm" bắt đầu từ Ý Tâm "Tầm" về Sắc-Trần ...
- Sáu Tâm "Sắc" bắt đầu từ Tâm "Sắc" về Sắc-Trần ...
- Ngũ-Uẩn bắt đầu từ Sắc-Uẩn ...
- 10 đề Kasina (dùng nguyên-chất hoặc màu sắc làm thành vòng tròn để làm đề-mục tham-thiền);
- 10 đề Niệm Niệm;
- 10 đề Tử-Thi;
- 32 Thể của Thân bắt đầu từ Tóc, Lông ...
- 12 Căn (12 ãyatana: 6 Căn và 6 Trần);
- 18 Bản-Chất (12 Dhãtu: Chất Nhãn, ... Chất Sắc (Cảnh), ... Chất Nhãn-Thức vv...);
- 9 Cảnh-Giới Tái-Sanh (Bhava)
- 4 Bậc Thiền bắt đầu từ Sơ-Thiền
- Tứ-Vô-Lượng-Tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả)
- 4 Đề Vô-Sắc (Không Vô-Biến-Thiên, Thức-Vô-Biến-Thiên, Vô-Hữu Sở-Thiên, Phi-Phi Tưởng Thiên).


Thập-Nhị-Nhân-Duyên, nếu kể xuôi thì bắt đầu từ Vô-Minh và kể ngược bắt đầu từ Lão, Tử.


Theo phương-Pháp trên nếu giải-thích riêng về một nhân-duyên thì:


- Lão, Tử là Khổ-Đế;
- Sanh là Tập-Đế;
- Sự Diệt-Tắt của Sanh, Lão, Tử, là Diệt-Đế;
- Phương-pháp chân-chánh làm cho phát-sanh Trí-Tuệ để Diệt-trừ Sanh, Lão, Tử là Đạo-Đế.


Tất cả những Pháp ấy, luôn cả những Pháp Xuất Thế-Gian, Đức Phật đã tự mình tìm thấy, hiểu biết tường-tận tinh-vi, không phải do nơi trí tưởng-tuợng mà do nơi Ngài phân-tích rõ-ràng, nhờ Trí-Tuệ hoàn-toàn sáng-suốt không hạn-định, không chướng-ngại, tự Ngài ngộ lấy không ai chỉ dạy cho.


Nói riêng về Tứ-Diệu-Đế, Đức Phật đã tri-tỏ đứng-đắn chính-xác những Pháp đáng tri-tỏ là Khổ-Đế có 12 điều như đã giải phía trước, nên Ngài có hiệu là Toàn-Tri Khổ-Đế (Parinneyye Dhamme Sammãsambuddho).


Ngài đã tri-tỏ những Pháp đáng diệt-trừ là Tập-Đế tức là Tâm Ái-Dục có 3 hoặc 108 nên Ngài có hiệu là Toàn-Tri Ái-Dục (Pahãtadde Dhamme Sammãsambuddho).


Ngài tri-tỏ những Pháp đáng làm cho rõ-rệt là Diệt-Đế mà những bật Trí-Tuệ đang cố-gắng hành theo để đạt 4 Đạo, 4 Quả và Niết-Bàn nên Ngài có hiệu là Toàn-Tri Diệt-Đế (Sacchikãtabbe Dhamme Sammãsambuddho).


Ngài tri-tỏ những Pháp đáng nương theo là Đạo-Đế tức Bát-Chánh-Đạo có năng-lực đem đến nơi giải-thoát là Niết-Bàn, nên Ngài có hiệu là Toàn-Trí Đạo-Đế (Bhavetabhe Dhamme Sammãsambuddho).


Do nhờ những Ân-Đức cao-quí vừa giải phía trên nên Đức Phật có hiệu là Sammãsambuddho(Chánh-Biến-Tri).

-ooOoo-