Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Chương Iii: Xây Dựng Gia Đình

06 Tháng Tám 20167:22 CH(Xem: 1799)
Chương Iii: Xây Dựng Gia Đình

ẠO PHẬT ÁP DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY 
Cương lĩnh giáo lý nhập thế của Phật giáo Việt Nam hiện đại 
Thích Huyền Quang và Thích Nhất Hạnh 
Viện Hóa Đạo xuất bản lần thứ nhất - 1973


Chương 3: Xây Dựng Gia Đình 
 

Hạnh Phúc Gia Đình 

Gia đình là môi trường hoàn hảo nhất để xây dựng đời sống tình cảm của con người; vậy nên tạo cho gia đình một không khí đầm ấm hạnh phúc tức cũng là đào tạo nên những con người có trái tim biết yêu thương, biết trách nhiệm. Có biết bao nhiêu gia đình đã là những địa ngục trần gian khó thở và khó sống, ta quyết phải làm đủ mọi cách cho gia đình ta trở nên ấm cúng và đầy thương yêu. 

Chúng ta phải biết rằng con người không tình cảm thì không phải là con người. Không biết yêu thương cha mẹ mình và anh chị em mình thì sẽ khó mà yêu thương được nhân loại. Vì vậy cho nên Phật tử phải áp dụng phương pháp đạo Phật trong sự xây dựng gia đình mình thành một cộng đồng êm ấm và hạnh phúc. Giáo lý duyên khởi, tứ diệu đế và bát chánh đạo cũng có thể áp dụng rất thích hợp vào đời sống gia đình. Những Phật tử nào sắp lập gia đình hay vừa mới lập gia đình chớ nên khinh suất trong công trình xây dựng này, nếu không muốn tình trạng trở nên khó khăn về sau. 

Chú Bảy mới lập gia đình cách đây bốn năm và chú đã có một cháu gái hai tuổi tên là bé Phượng. Là một giáo viên tiểu học, lương tháng không lấy gì làm to, nhưng chú Bảy không nghĩ đến cách đổi nghề để làm ra tiền nhiều hơn. Trái lại, chú yêu nghề và quyết tổ chức đời sống gia đình mình theo những nguyên tắc đạo Phật, đem thì giờ và năng lực thực hiện hạnh phúc cá nhân và gia đình theo giáo lý Phật Giáo. Thím Bảy không phải là người sống trầm tĩnh nhiều nội tâm như chú, thím còn trẻ mới hai mươi bốn tuổi, rất đảm đương, hoạt bát, ưa chuộng hành động hơn tri thức. Chú Bảy không buộc thím Bảy làm giống như mình; trái lại, chú còn tôn trọng cách sống của thím và tìm cách bổ túc cho thím. 

Niềm vui của thím không những chỉ là chăm sóc bé Phượng, chăm sóc cửa nhà vườn tược mà còn lo lắng cho các gia đình những trẻ em nghèo trong xóm. Chú Bảy khuyến khích thím và giúp thím trong công việc này dù rằng bài vở học trò của chú khá bề bộn. Chính vì thái độ ấy của chú mà thím Bảy vừa biết ơn vừa thương kính chú hơn. Thím biết tôn trọng những giờ tĩnh tâm của chú, biết giữ bé Phượng yên lặng hay đem bé Phượng đi chơi mỗi khi chồng cần sự yên tĩnh. Điều quý hóa nhất là thím biết lắng nghe chồng mỗi khi chú Bảy bàn luận về cách tổ chức đời sống gia đình theo phương pháp đạo Phật và cộng tác với chồng trong sự áp dụng những nguyên lý Phật Giáo. 

Có một hôm hai vợ chồng bất đồng ý nhau về một chuyện nhỏ liên hệ tới giáo dục học đường. Thím Bảy làm chồng giận vì nói năng vô ý. Chú Bảy biết mình giận nên ra đi bách bộ ngoài bờ sông tới hai giờ đồng hồ. Trong hai giờ đồng hồ ấy, chú tĩnh tâm và thấy được rằng lỗi của thím Bảy rất nhỏ, so với đức hạnh và con người đẹp cả tinh thần lẫn thể chất của thím. Và chú thấy chú cần đem thương yêu để sửa chữa lại cái lỗi bé nhỏ của thím hơn là giận dỗi trẻ con. Thế là chú về nhà với tâm trạng bình tĩnh, an lạc và nụ cười trên môi. Hai vợ chồng thương mến nhau nhưng kính trọng nhau, nhờ vậy mà hạnh phúc lứa đôi rất bền vững. Chú Bảy không bắt vợ phải nghĩ và làm giống hệt như mình; chú không quan niệm như ở thời phong kiến rằng vợ là vật sở hữu của chồng, chồng muốn gì là phải làm theo. Chú biết trên căn bản nam nữ bình đẳng và với phương pháp kính trọng nhau, hai vợ chồng có thể xây đắp và duy trì hạnh phúc theo lời Phật dạy. 

Gia đình gần gũi nhất với gia đình chú Bảy là gia đình ông Sáu, anh họ của chú. Chú thường hay đến chơi và rất thân mật với các con của ông Sáu. Chú cũng muốn giúp gia đình này một cách gián tiếp trong việc áp dụng giáo lý đạo Phật vào đời sống. Ông Sáu bà Sáu đều theo đạo Phật, các con đều biết đi chùa lễ Phật, nhưng họ ít hiểu đạo Phật và không thấy đạo Phật liên hệ nhiều tới đời sống kinh tế, tình cảm và giáo dục của gia đình. 

Chú Bảy biết là sự xây dựng bản thân vốn thiết yếu căn bản cho sự xây dựng gia đình, nên đã suy nghĩ kỹ về vấn đề xây dựng bản thân, và thiết lập những phương tiện thực hiện.

 

Hai Thế Hệ Sống Chung 

Hai thế hệ sống chung dưới mái nhà phải tìm hiểu tâm lý quan niệm và sở thích của nhau để tạo nên sự hòa hợp, điều kiện căn bản của hạnh phúc. Trong nhiều gia đình hiện nay, đã có một sự ngăn cách gây nên bởi sự thiếu hiểu biết giữa cha mẹ và con cái. Hai thế hệ có những nền giáo dục khác nhau sinh ra dưới những điều kiện kinh tế xã hội và văn hóa khác nhau thì cố nhiên là có những tâm trạng, quan niệm và sở thích khác nhau. Bậc làm cha mẹ phải tự nhủ rằng thế hệ trẻ bây giờ không thể nào suy nghĩ và ưa thích như kiểu xưa được, phải cố gắng tìm hiểu hoàn cảnh, tâm lý và sở thích của con cái để dùng kinh nghiệm mình mà hướng dẫn họ. Mình phải cởi mở, nhiều khi phải tùy thuận theo trẻ mà tân hóa một chút để có thể tạo nên sự cảm thông. Ông Sáu bà Sáu thường than phiền rằng lớp trẻ bây giờ bất trị, không dạy được, và không chịu tùng phục cha mẹ như thuở xưa. 

Thật ra thì hai ông bà không biết rằng bốn đứa con của họ đều có thể là những đứa con khá. Xuân Thảo, cô con gái đầu lòng năm nay hai mươi mốt mới vừa vào trường sư phạm đầu niên khóa ở Cần Thơ, mỗi tháng hai lần cô về thăm nhà vào những ngày cuối tuần. Cậu Nguyện mười chín, năm rồi thi tú tài hỏng. Hà, con gái năm nay mười bốn và Lộc, con trai mười hai đang học trường công lập tỉnh. Cả bốn cô cậu đều sẵn sàng nghe theo ý của cha mẹ, nếu ông bà Sáu biết dùng tình cảm để hướng dẫn con. Nhưng ông bà Sáu lại cứ nghĩ theo kiểu xưa, cho rằng cha mẹ có uy quyền tuyệt đối với con cho nên thay vì lấy thương yêu mà dạy dỗ ông bà lại làm cho con sợ, có khi dùng đến roi vọt. Nguyện có nhiều khi phản đối bằng cách không ăn cơm và đi vắng suốt một hai ngày. Ông bà Sáu không hiểu được cậu con trai mười chín này, cho rằng cậu ta gan lì, cãi lại cha mẹ, không chịu học hành đến nỗi thi rớt. Hồi Nguyện thi tú tài rớt, ông Sáu đã đè Nguyện xuống đánh sáu mươi roi, bầm da nát thịt; Nguyện bỏ đi suốt một tuần mới về. Mà hễ Nguyện ló đầu về nhà là lập tức ông chửi mắng. 

Chú Bảy có nói chuyện riêng rất nhiều với đứa cháu mà ông Sáu cho là một đứa con ngỗ nghịch này. Chú Bảy thấy trong thái độ chán nản lì lợm của Nguyện những nguyên do sâu xa. Ông thầy toán của Nguyện không hiểu vì duyên cớ nào hễ thấy mặt Nguyện là ghét. Suốt năm như vậy. Suốt năm, Nguyện không học toán được, cuối năm Nguyện hỏng toán. Cái xe đạp của Nguyện bị mất cắp hồi đầu niên học, và vì vậy Nguyện cũng đã bị một trận đòn. Nguyện lại cũng bị ông Sáu phạt nhịn cơm vì đánh lộn ngoài đường với một anh chàng trạc tuổi Nguyện, mà không cần tìm biết lý do. Nguyện cho rằng cả ba lẫn má đều ghét mình, nên không bao giờ nói chuyện mình với ba má. 

Chú Bảy khuyên ông bà Sáu nên trầm tĩnh để tìm hiểu Nguyện. Chú nói: “Thời bây giờ ta không thể xem con cái như vật sở hữu của ta nữa. Ta không nên nghĩ là ta có quyền bắt chúng phục tùng theo tất cả mọi ý muốn và sở thích của ta. Giáo dục học đường đã thôi dùng roi vọt và quyền uy của vị thầy giáo rồi. Giáo dục học đường đã được cách mạng; thầy giáo chỉ là người hướng dẫn, làm hiển lộ và phát triển khả năng của học trò mà thôi, chứ không còn là người có thể bắt buộc học trò phải nghĩ như mình nghĩ và làm như mình làm. Bậc cha mẹ có ảnh hưởng lớn lao tới con cái, và ảnh hưởng này được thực hiện bằng tình thương yêu chứ không phải bằng uy quyền. 

Luân lý mỗi thời đại mỗi đổi khác, tùy theo quan niệm nhân sinh của con người. Luân lý của đạo Phật không phải là một mớ giáo điều chắc nịch mà là những nguyên tắc linh động phù hợp với sự sống và sự sáng tạo. Đạo Phật chống lại thái độ cố chấp và giáo điều. Nguyên tắc đầu tiên của luân lý đạo Phật là thái độ cởi mở: Phải bỏ hết mọi thành kiến, phải có óc cởi mở để hiểu được kẻ khác, phải biết đứng vào hoàn cảnh kẻ khác để mà hiểu kẻ khác; đừng đứng trong cái vỏ cứng chật hẹp của thói quen để buộc tội và trách móc họ. Bậc làm cha mẹ phải tự nhủ: Có lẽ mình đã “xưa” quá rồi, mình phải thích ứng thêm với thời đại mới một ít mới được. Tìm hiểu tâm lý trẻ bằng cách nhận xét hoàn cảnh xã hội và học đường của chúng để có thể thông cảm với chúng nhiều hơn. Mục đích của luân lý đạo Phật là để gây nên hiểu biết cảm thông và hạnh phúc, chớ không phải là để gò bó con người trong sự chịu đựng khổ cực và đầy dẫy phiền muộn căng thẳng. Nếu đạo đức mà chỉ gây nên phiền não, căng thẳng và khổ đau thì đó không phải là đạo đức mà là sự cố chấp. Đừng vì sự cố chấp vào những thành kiến và những thói quen mà làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. 

Xuân Thảo, con gái lớn của ông bà Sáu, cho rằng ba má cô quá khắt khe và cổ hủ. Cô rất buồn, không thể đem chuyện tâm tình mà bàn với ba má, ít nhất là với má. Cách đây mới hơn một năm, bạn trai của cô gởi thư cho cô, bị ông bà Sáu bắt được. Ông bà làm như con gái mình đã hư hỏng, phá hoại danh giá gia đình. Ông bà mắng nhiếc cô con gái đủ điều. Thời xưa, thời trai trẻ của hai ông bà, sự giao thiệp nam nữ bị cấm chỉ, nhưng thời nay khác. Các cô các cậu bây giờ học chung một trường, trao đổi ý kiến, làm việc xã hội chung, tìm hiểu nhau, biết giá trị thật của nhau, hay yêu mến nhau, viết thư thăm nhau, đó là chuyện thường. Theo tiêu chuẩn sinh hoạt xã hội hiện thời, nhận thư của bạn trai không có gì là trái chống luân lý đạo đức hết. Thái độ chật hẹp, không biết thích ứng với thời đại cũng như sự thiếu hiểu biết chỉ khiến cho sự đầm ấm gia đình chắp cánh bay mất mà thôi. 

Với lại, con trai con gái bây giờ phải cho họ gặp gỡ nhau, tìm hiểu nhau, để sau này sự chọn lựa hôn phối của họ được cân nhắc kỹ càng. Sự giao thiệp nên để tự do, miễn là trong mức độ lễ giáo. Cha mẹ nên nói chuyện thẳng thắn và góp ý nhận xét với con cái về sự chọn lựa của chúng. 

Trong một gia đình tân tiến, sự có mặt của người cha hay người mẹ không lấn át sự có mặt của những người con, cha mẹ không xử dụng uy quyền mình để làm cho con cái sợ hãi, lấm la lấm lét. Phải để cho chúng có mặt với nhân cách tự nhiên của chúng, miễn là chúng biết tôn trọng kỷ luật và quyền tự do của kẻ khác trong gia đình. 

Con cái cũng nên biết rằng cha mẹ thuộc vào thế hệ xưa hơn mình, rằng các vị đã chịu nhiều khổ đau khó khăn và va chạm trong thời niên thiếu và trong công cuộc mưu sinh nên dễ trở nên khó tính và cáu kỉnh. Con cái nên cư xử thế nào để mình trở thành niềm vui và sự tự hào của cha mẹ. Trước hết phải hiểu mọi nỗi khó khăn của cha mẹ, phải hiểu những điều kiện và hoàn cảnh xã hội của cha mẹ, phải ráng làm cho cha mẹ hiểu hoàn cảnh của mình và sở thích của mình. Đừng giận dỗi hờn lẫy và trách móc khi các vị chưa hiểu mình. Phải làm đủ mọi cách để cha mẹ có thể tham dự vào những lo lắng buồn vui của mình, mà phương pháp hay nhất là phải tham dự vào những lo lắng buồn vui của cha mẹ. 

Hai chị em Xuân Thảo và Nguyện, trong thâm tâm, cũng biết rằng hai ông bà xưa và hủ quá, không thể nào hiểu được mình; có tìm cách giải thích cũng vô ích. Họ có biết đâu họ cũng có trách nhiệm nặng nề về tình trạng thiếu cởi mở của gia đình. Họ nông nỗi, chỉ biết hờn biết giận mà không nghĩ sâu đến công ơn dưỡng dục và ước vọng của ba má muốn cho mình nên người. Ba má không hiểu mình thật, nhưng mình phải có bổn phận làm cho ba má hiểu. Mà muốn làm cho ba má hiểu, trước hết mình phải hiểu được ba má. Họ sinh ra trong những điều kiện kinh tế, giáo dục và xã hội khác ta, họ không thể có tâm trạng ta, cái nhìn của ta. Ta phải lưu tâm ân cần chia xẻ những mối lo buồn của ba má, rồi dần dần làm cho ba má hiểu ta. Chú Bảy đã nói với hai chị em như thế.

 

Sự Chia Xẻ Và Tham Dự Của Con Cái 

Con cái phải chia xẻ những lo âu nặng nhọc của cha mẹ và dự phần vào những quyết định của cha mẹ. Nếu cha mẹ ít đem những lo âu khó khăn của mình mà bàn với con cái, là vì họ nghĩ rằng con cái mình đang trẻ dại quá, chưa biết gì để chia xẻ những lo âu khó khăn ấy với mình. Cũng là vì con cái thờ ơ, chỉ lo chuyện mình, chỉ biết đòi hỏi trách cứ mà không biết chia xẻ. Một đứa bé năm bảy tuổi thấy mẹ buồn đã có thể hỏi mẹ tại sao mẹ buồn, và dù bà mẹ không thể nói cho con nghe những lo lắng buồn phiền của mình chỉ vì đứa con còn nhỏ quá chưa hiểu được, cũng cảm thấy được an ủi phần nào. 

Bậc làm cha mẹ nào cũng có những lo âu khó khăn. Con cái phải ân cần thăm hỏi, trước hết là để hiểu những lo âu khó khăn đó sau là tìm cách chia xẻ bằng sự lưu tâm của mình và bằng những cố gắng trong khả năng mình để giúp đỡ cha mẹ. Sự hiểu biết chia xẻ những lo âu khó khăn kia, thực ra, cũng đã là một nguồn an ủi lớn lao cho cha mẹ rồi. Hiểu được cha mẹ, mình sẽ không còn vô tâm làm những điều gây thêm buồn phiền bực dọc cho quý vị, mình sẽ không đòi hỏi những điều quá đáng chỉ làm cho cha mẹ thấy là mình vô trách nhiệm đối với gia đình.

Con cái nên được tham dự vào các quyết định của cha mẹ và tìm cách để được tham dự vào các quyết định này. Các bậc cha mẹ nếu cho con cái dự phần vào các quyết định của gia đình, có thể là trong hình thức hỏi ý kiến của con, thì thể tập cho con ý thức trách nhiệm về những vui buồn thành bại của gia đình. Loại con cái ra khỏi những cuộc bàn luận về các vấn đề gia đình cố nhiên sẽ đưa chúng đến thái độ phó mặc vô trách nhiệm. Bác Tư có một đứa con trai muốn vào đại học trong khi bác thấy không đủ sức cho con đi Sàigon. Nhưng bác không gạt ngang nói “không có tiền, mày sẽ không vào đại học”. Trái lại, hai bác nói chuyện thân mật với Hùng về tình trạng tài chánh gia đình, cho Hùng biết mọi chi tiết về tình trạng này và hỏi con xem nó nghĩ như thế nào, và có biện pháp gì không. Có thể là Hùng sẽ quyết định thôi học; có lẽ Hùng sẽ đề nghị kiếm thêm tiền bằng cách dạy kèm trẻ em mỗi ngày vài giờ để phụ vào ngân sách gia đình khiến cho sự học của Hùng có thể tiếp tục ở cấp đại học.

 

Con Cái Và Ngân Sách Gia Đình 

Con cái từ mười bốn tuổi trở đi nên được dự phần vào việc bàn cãi ngân sách gia đình. Không những điều này làm khiến cho con cái trở thành có trách nhiệm trực tiếp về sự sống gia đình mà còn khiến cho chúng sớm biết lo lắng xây dựng cuộc đời của chúng. Gia đình phải thực sự là một cộng đồng ruột thịt, tiền bạc do một người trong gia đình làm ra phải thuộc về toàn thể gia đình. Người cha chẳng hạn, làm ra tiền bạc, người mẹ chăm sóc cửa nhà, nuôi nấng con cái. Các con có bổn phận phải học hành tu dưỡng để nên người, đồng thời giúp đỡ cha mẹ được gì thì giúp. Ngân sách gia đình là ngân sách chung, người cha không nên cho rằng tiền mình làm ra thì mình tự ý tiêu xài, đưa cho vợ con chừng nào thì tùy ý thích của mình. 

Trừ ra khi con cái còn bé nhỏ quá chưa biết gì thì không kể; còn lúc con cái đã đến tuổi biết suy nghĩ và chia xẻ trách nhiệm thì các bậc cha mẹ nên cho chúng biết rõ tình trạng ngân sách gia đình. Một khi con cái đã được quyền biết đến và góp ý bàn cãi về ngân sách gia đình thì tự khắc chúng biết từ bỏ những đòi hỏi không hợp lý. Trái lại, chúng biết lo lắng và thương yêu tin cậy cha mẹ hơn. Chia xẻ trách nhiệm lo lắng về ngân sách gia đình, biết chung để lo chung và quyết định chung về vấn đề ngân sách là thực hiện tinh thần “lợi hòa đồng quân” trong đạo Phật.

 

Sự Giàu Có Không Phải Là Hạnh Phúc 

Mọi người trong gia đình không nên nghĩ rằng hạnh phúc gia đình là kết quả của sự đạt tới đầy đủ mọi tiện nghi vật chất. Có nhiều bậc cha mẹ vì nghĩ rằng tiện nghi vật chất là hạnh phúc gia đình, nên đã dành hầu hết thì giờ của cuộc sống vào các cuộc kinh doanh, bỏ phế sự sinh hoạt gia đình và xao lãng bổn phận đối với con cái. Thực ra những tiện nghi vật chất căn bản cần thiết cho hạnh phúc gia đình thật, nhưng chúng ta không thể nói rằng đến mức nào những tiện nghi ấy được gọi là đầy đủ. Nếu vì những tiện nghi này mà sinh hoạt gia đình bị bỏ rơi, không khí thân mật ấm cúng không còn mọi người có cảm tưởng là sống trong một quán trọ, thì đó đã là một sự thất bại lớn. 

Ta phải sắp đặt thế nào để gia đình thật sự trở nên một tổ ấm, một nơi ai cũng muốn trở về những lúc mệt mỏi. Giờ cơm chiều và giờ xum họp buổi tối sau bữa cơm chiều, dưới ánh đèn… những giờ giấc sinh hoạt gia đình như thế không thể không có. Có nhiều gia đình giàu có nhưng không có hạnh phúc. Có nhiều gia đình như gia đình ông giáo Năng chẳng hạn, tuy chỉ đủ ăn đủ mặc, nhưng đầy đầm ấm thương yêu. Mọi người trong gia đình từ cha mẹ đến con cái đều để tâm xây dựng hạnh phúc gia đình, bằng sự hiểu nhau, tin nhau và yêu mến nhau. Hạnh phúc gia đình họ lại cũng do sự đồng tâm nhất chí. Không những chỉ là sự đồng tâm nhất chí để đạt tới một nền tảng kinh tế tạm vững chãi cho gia đình, mà còn là sự đồng tâm nhất chí để thực hiện lý tưởng xây dựng con người và xã hội nữa.

Minh và em gái là Trâm là những thiếu niên có lòng có chí. Ông giáo dạy con thế nào mà cả hai đều rất tự hào về cha mẹ mình. Không bao giờ phân bì là nhà mình nghèo hơn nhà các bạn. Minh và Trâm cộng tác đắc lực với ba trong những công việc vận động giáo dục mới mà ông giáo Năng đề xướng trong tỉnh, như tổ chức diễn thuyết về phương tiện giải trí lành mạnh, tổ chức văn nghệ thiếu nhi, phát động phong trào chống đối sách báo văn nghệ đồi trụy… Người ta thấy ba cha con ông giáo Năng thân ái với nhau như những người bạn, những người đồng chí. Một bữa trưa chủ nhật trong khi ba cha con cùng với một số học sinh làm việc cực nhọc nhưng hăng hái ngoài sân vận động để dựng sân khấu chiếu phim giáo dục bài trừ bệnh sốt rét, người ta thấy bà giáo Năng đem nước đá chanh muối cho mọi người uống. Bà tươi cười ở lại phụ giúp công việc một cách hăng hái chừng một tiếng đồng hồ trước khi xách giỏ về làm công việc nhà. Cả gia đình thuận thảo sống trong hòa khí ấm áp vì hiểu nhau, thương nhau và có chung chí hướng.

Nếu mục đích của cha mẹ chỉ là để nuôi con ăn học để sau này con mình có thể có địa vị trong xã hội và nếu mục đích của các con cũng chỉ có từng ấy, thì chí hướng theo đuổi của gia đình có vẻ quá nghèo nàn và hẹp hòi. Lý tưởng của đạo Phật dạy ta phải xây dựng những con người xứng đáng, biết lo lắng cho những người thân yêu nhưng cũng biết lo lắng cho kẻ khác, cho quốc gia xã hội. Xã hội đầy dẫy những đau khổ, bất công, nghèo đói… chí hướng của người Phật tử không phải để giành giật một địa vị trong xã hội đó mà là để đạt tới khả năng thay đổi xã hội đó. 

Những câu chuyện trong gia đình ông giáo Năng không bị giới hạn trong các vấn đề thuộc phạm vi đời sống gia đình như vật giá, thực phẩm, bạn bè, học hành… họ đề cập tới các vấn đề của thôn xóm, quốc gia, xã hội. Mọi người trong gia đình biết lưu tâm đến những khổ đau của đồng loại mình, những tệ đoan về văn hóa, kinh tế và xã hộì trong thôn xóm, quốc gia, xã hội… và biết un luyện cho mình lý tưởng đại thừa của Phật giáo để nghĩ tới người. Sự đàm luận và chia xẻ giữa cha mẹ và con cái về các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị trong ánh sáng của giáo lý đạo Phật có thể tạo nên cho mọi người trong gia đình những quan niệm và kiến giải khiến cho tình gia đình gắn bó thiết tha với lý tưởng Phật Giáo. Sự chia xẻ về quan niệm và kiến giải trong tình thân ái này, Phật Giáo gọi là “kiến đồng hòa giải”.

 

Học Để Làm Người 

Mọi người trong gia đình phải học. Sự học hành của con cái không nên chỉ hướng tới bằng cấp để kiếm việc làm. Sự học hành phải nhắm tới sự xây dựng nhân cách con người và khả năng phụng sự con người. Người ta không chỉ học năm bảy năm ở học đường, mà phải học suốt đời. Trí tuệ cũng cần những thức ăn bổ dưỡng như thân thể. Trong gia đình mọi người phải đọc sách đọc báo để mở rộng kiến thức. Phải chọn những tờ báo có thể cung cấp những món ăn tinh thần lành mạnh. Chỉ trừ những người có đời sống tâm linh phong phú, đa số trong chúng ta nếu không đọc sách báo trong vòng nữa năm đã có thể trở nên nghèo nàn và thô hậu. Ít nhất là mọi người trong gia đình phải đọc sách để có kiến thức phổ thông về lịch sử, khoa học, xã hội, chính trị và văn hóa. 

Gia đình ông giáo Năng luôn luôn để ý đến các buổi diễn thuyết và các buổi thảo luận công cộng về các vấn đề trên. Ông giáo thường nói với hai con của ông rằng những kiến thức ta thu nhập được dù là ở trường hay ở nhà đều phải nhằm tới mục đích cao hơn bằng cấp: Đó là học làm người và học phụng sự con người. Phải làm sao để đừng tốn thì giờ và việc học tập những điều không bổ ích cho sự sống. Kiến thức về kinh tế, lịch sử và xã hội, cũng như kiến thức về đạo Phật, cần phải thực tế, có thể áp dụng được trong cuộc đời, cuộc đời bản thân, cuộc đời gia đình và cuộc đời xã hội. 

Cha mẹ đừng nên nghĩ rằng mục đích duy nhất cho con đi học là để cho con có kế sinh nhai về sau. Chúng ta phải nghĩ cao hơn thế, và đòi hỏi rằng giáo dục phải đào tạo được nhân cách con người và un đúc lý tưởng phụng sự đồng loại.

 

Chia Xẻ Quan Niệm 

Phải tạo ra những cơ hội đầm ấm để mọi người trong gia đình có thể chia xẻ với nhau về quan niệm, về hạnh phúc, về lý tưởng, cũng như để chia xẻ những lo âu, những hy vọng của nhà. Những cơ hội này chính là những biểu hiện cụ thể nhất của hạnh phúc gia đình và bất cứ ai trong gia đình nếu tha thiết cũng có thể tạo ra được. Thường thì mọi người trong gia đình ai cũng có những quan niệm riêng, những lo âu riêng và chỉ khi nào không thể chia xẻ với người trong gia đình thì mới đem chia xẻ với những bạn bè bên ngoài. Thiếu những cơ hội đầm ấm trong gia đình thì khó mà chia xẻ được những quan niệm, những lo âu đó. Chính Xuân Thảo và Nguyện càng ngày càng cảm thấy xa cách ông bà Sáu cũng vì nguyên nhân kia. Cả hai chị em đều không tìm thấy sự đầm ấm trong gia đình và thường đi tìm niềm vui với bạn bè bên ngoài. Gia đình không thực sự là một tổ ấm chỉ bởi vì mọi người trong gia đình không biết thiết lập được sự thông cảm hòa hợp để sống cùng dưới một mái nhà. Theo đạo Phật, họ chưa thực hiện được nguyên tắc “thân hòa đồng trú”. 

Nếu ta muốn tạo ra không khí thông cảm và thương yêu, ta phải bỏ qua những bực bội phiền muộn lặt vặt, phải lưu tâm đến những khó khăn và âu lo của những người trong gia đình. Sau buổi cơm chiều, trong khi uống trà, ta ân cần thăm hỏi việc làm ăn, việc học hành hoặc bất cứ vấn đề nào mà những người thân của ta đang bận tâm nhất. Nếu ta chịu khó lắng nghe và góp ý xây dựng một cách thân mật thì tự nhiên người thân của ta sẽ có cơ hội than thở biểu lộ và chia xẻ tâm sự với ta, như thế không khí tin cẩn đầm ấm sẽ tự nhiên phát hiện. Cần nhất là đừng có ý chế nhạo và đừng độc tài bắt ép nghe theo ý kiến của mình. 

Một khi mình ân cần lắng nghe và tỏ sự quan tâm thì người kia tất nhiên cũng sẽ lắng nghe và chia xẻ với mình. Phải biết tôn trọng ý kiến của kẻ khác, dù đó là ý kiến còn vụng dại non nớt của trẻ em. Đừng khinh nhạo chê bai những ý kiến đó. Đừng nói những ý kiến đó là ngu dại. Cần phải ôn tồn giải thích và chia xẻ kiến thức cho nhau. Sự độc tài về ý kiến giết chết những cơ hội trao đổi thân mật. Nên khuyến khích những người ít nói phát biểu ý kiến và đừng vội vàng phê bình chê bai những ý kiến nào không phù hợp với kiến giải của ta. Sự bất đồng ý kiến tự nó không phải là một chuyện xấu. Nếu trên đời ai cũng có cùng một loại tư tưởng, một loại quan niệm thì cuộc đời sẽ quá nghèo nàn. 

Một chế độ mà trong đó người ta phải nghĩ như nhau, nói như nhau, làm như nhau là một chế độ độc tài. Người ta có thể yêu mến nhau và sống hòa thuận với nhau dù có những ý kiến khác nhau. Điều kiện căn bản là phải có thái độ cở mở, biết nghe, biết hiểu để dung hòa ý kiến với nhau. Nhiều khi hai người cùng một ý kiến nhưng vì thành kiến và kiêu căng mà họ cãi nhau, giận nhau làm như là ý kiến của hai người khác nhau một trời một vực. 

Thực hiện được sự dung hòa ý kiến để tạo nên không khí êm đềm thương yêu trong gia đình, đó là hành động theo tinh thần “ý hòa đồng duyệt” của đạo Phật. Thái độ nhã nhặn thông cảm thường đưa đến lời nói ôn tồn, có thể tránh mọi cuộc cãi cọ giận dỗi. Điều này trong đạo Phật gọi là “khẩu hòa vô tránh”. 

Chú Bảy trong những ngày gần đây thường nói chuyện với ông Sáu và bà Sáu về vấn đề Nguyện và Xuân Thảo. Ông Sáu là thầu khoán giỏi, nhưng tâm lý con thì ông không giỏi. Nguyện không tha thiết gì đến đạo Phật dù rằng trong khi học sử, Nguyện biết đạo Phật đời Lý Trần đã có đóng góp nhiều cho sự xây dựng văn hóa và xã hội của quốc gia Việt Nam. Nguyện thấy ba má đi chùa, ăn chay mỗi tháng hai lần, nhưng không thấy những điều này có lợi ích gì cho ba má hết; không phải vì ba má theo đạo Phật mà gia đình được êm ái, hạnh phúc thêm lên. Chú Bảy thấy Nguyện có lý một phần nào, bởi vì theo chú ông bà Sáu chưa thực sự đem áp dụng đạo Phật vào cuộc sống, mà chỉ là Phật tử truyền thống. Kỳ rồi trong lúc tu bát quan trai tại chùa, chú Bảy đã nói chuyện với ông Sáu về việc ấy, và ông Sáu hứa sẽ từ từ tìm hiểu Nguyện với một thái độ cởi mở và yêu thương hơn. Được một điều là ông Sáu rất biết nghe lời chú Bảy. Để xem ông Sáu có thành công không.

 

Sám Hối Và Tụng Giới 

Mỗi tháng ít nhất một lần gia đình phải tổ chức lễ sám hối và đọc lại giới luật trong gia đình. Sám hối không phải là xin tội với Phật mà để quán chiếu tự tâm và phát nguyện cố gắng không lập lại những hành động, những lời nói đáng tiếc. Lễ sám hối trong gia đình có thể mở đầu cho những giờ sinh hoạt gia đình thanh tịnh và đạo vị. Chúng ta có thể tổ chức lễ này theo cách thức gia đình ông giáo Năng. Ông giáo Năng chỉ tổ chức lễ này mỗi tháng một lần, không vào ngày rằm hay ngày mồng một mà vào chiều thứ bảy đầu tháng. Tối ấy cả gia đình ăn chay. Nhưng ông giáo, Minh và Trâm sáng mắt ra khi nói tới ăn chay, chỉ vì bà giáo nấu chay rất ngon và công phu hơn cả những buổi cơm mặn thường ngày. Những bữa cơm chay của bà nấu vừa ngon lành vừa bổ dưỡng, có đủ nấm, rau đậu, đậu hủ và được thay đổi luôn luôn. Gia đình ông Sáu cũng có ăn chay, nhưng bốn đứa con của ông bà Sáu và cả ông Sáu nữa, không ai hăng hái với chuyện ăn chay hết bởi vì bà Sáu chỉ luột rau, làm muối đậu phụng ăn tạm. Ăn chay mà như vậy chỉ làm cho trẻ em khiếp vía. 

Bàn Phật của họ đẹp lắm, tuy không lòe loẹt xanh đỏ đủ màu, tuy không có đèn nê-ông. Hình Phật Thích Ca ngồi đơn giản bên hồ nước, khuôn mặt trầm lặng và an lạc. Hai chân đèn đồng lúc nào cũng sáng và một lư trầm, một bình hoa lúc nào cũng có cắm hoa hoặc một cành cây xanh. Trâm rất ưa cắm hoa; cô gái mười sáu tuổi này rất có khiếu cắm hoa. Cô không cần nhiều hoa. Thường thường cô chỉ cắm một hoặc hai bông hoa và mấy cái lá nhưng bình hoa vẫn đẹp và trang nhã. Trâm thay nước bình hoa mỗi ngày. Sáng chủ nhật, cô ra vườn tìm hoa mới, và nếu không có hoa thì cô cắt một nhánh cây thay hoa. 

Chiều thứ bảy tụng giới già cửa được quét dọn sạch sẽ, trên bàn Phật có dâng nước lọc và trái cây. Sau khi nhà cửa và bàn Phật đã được dọn dẹp trang hoàng, mọi người đi tắm, thay áo mới cho khoan khoái nhẹ nhàng. Ông giáo Năng làm chủ lễ. Nghi thức là nghi thức sám hối đơn giản, có bài dâng hương, có xướng hiệu các vị Phật và bồ tát để lạy bài kinh sám hối và bài phát nguyện tu trì. Buổi lễ rất trang nghiêm, một phần nhờ âm thanh của cái chuông rất tốt để cạnh bàn Phật. Bắt đầu buổi lễ, Trâm đốt một cây nhang cắm rất ngay thẳng trên lư hương, thắp đèn cầy và tắt điện. Trong ánh sáng êm dịu và trong không khí trang nghiêm thơm ngát hương trầm ấy, cả gia đình tề tựu trước bàn Phật và ngồi xuống chiếu chừng mười phút để tĩnh tâm. 

Sau mười phút ấy, ông giáo đứng dậy thỉnh chuông; cả gia đình đều đứng dậy và lạy Phật ba lạy. Sau đó, nghi thức bắt đầu. Khi nghi thức đã chấm dứt, họ xá Phật và trở ra đọc giáo luật. Gia đình ngồi lại quanh bàn, chiếc bàn có trải khăn trắng và có đặt bình hoa. Thường thường ông giáo ngồi đối diện Trâm còn bà giáo ngồi đối diện Minh. Giáo luật có khi do ông giáo tuyên đọc, có khi để cho bà giáo, Minh hay Trâm đọc. Minh và Trâm được ông giáo chỉ dạy đọc giáo luật rất chậm rãi và nghiêm trang. Thời gian tuyên đọc giáo luật kéo dài chừng mười phút. Giáo luật ở đây là THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO tức là con đường sự nghiệp của mười điều thiện, những nguyên tắc hướng dẫn cuộc sống gia đình và xã hội của đạo Phật. Nghi thức sám hối thì ta có thể tìm trong cuốn Nghi Thức Tụng Niệm. Còn nguyên văn giáo luật THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO mà gia đình ông Năng dùng thì như sau: 

Ba tiếng chuông thong thả

Mọi người tụng “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” (3 lần)

Một tiếng chuông

Người tuyên đọc giáo luật (có khi là ông Năng, có khi là bà Năng, Minh hay Trâm): 

“Lạy Phật, giáo lý Thập Thiện Nghiệp Đạo cao siêu và mầu nhiệm, chúng con may mắn lắm mới được biết đến và phụng hành. Xin đem hết tâm tư lắng nghe để hiểu sâu xa lời dạy của Đức Như Lai” 

“Hôm nay tôi được ủy đọc giáo luật thập thiện cho cả gia đình. Xin được tất cả mọi người hộ niệm cho. Xin quý vị lắng lòng nghe: Giáo luật thập thiện là bó đuốc soi đường, là con thuyền đưa lối, là bậc thầy hướng dẫn chúng ta. Xin quý vị lắng nghe từng giáo luật một với tâm hồn thanh tịnh, xem giáo luật là tấm gương trong sáng để soi chiếu nội tâm mình”. 

Một tiếng chuông.

“Đây là nội dung giáo luật Thập Thiện Nghiệp Đạo”. 

Thứ nhất: Phật tử không giết hại nhân mạng, không được tán thành sự chém giết. Phải tìm mọi cách có thể để bảo vệ sinh mạng, ngăn ngừa chiến tranh, xây đắp hòa bình. Đó là giáo luật thứ nhất. Quý vị trong tháng qua có học tập và giữ gìn giáo luật này hay không?

(Im lặng vài giây, chuông)

Thứ hai: Phật tử không lấy làm tư hữu của mình những tiền bạc và của cải bất hợp pháp. Phật tử tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác nhưng phải biết ngăn cản những kẻ làm giàu một cách bất lương và trên sự đau khổ của quần chúng. Đó là giáo luật thứ hai. Quý vị trong tháng qua có học tập và giữ gìn giáo luật này hay không?

(Im lặng vài giây, chuông)

Thứ ba: Phật tử không được tà dâm, phá hoại danh giá và hạnh phúc gia đình người khác. Phải biết bảo vệ danh dự cho bản thân và cho kẻ khác. Đó là giáo luật thứ ba. Quý vị trong tháng qua có học tập và giữ gìn giáo luật hay không?

(Im lặng vài giây, chuông)

 

Thứ tư: Phật tử không được nói dối để mưu cầu tài lợi và sự kính phục. Phải can đảm nói lên sự thực để cứu người vô tội và để làm hiển lộ những gian dối bất công và tàn ác. Không được phê bình lên án những điều mình không biết chắc. Đó là giáo luật thứ tư. Quý vị trong tháng qua có học tập và giữ gìn giáo luật này hay không?

(Im lặng vài giây, chuông)

Thứ năm: Phật tử không được lưỡng thiệt, nói lời ly gián, tạo nên sự bất hòa giữa những người khác, gây chia rẽ và đổ vỡ trong đoàn thể. Phải nói lời xây dựng, hòa giải; phải làm mọi cách để gây đoàn kết, hòa giải những vụ bất hòa, dù lớn hay nhỏ. Đó là giáo luật thứ năm. Quý vị trong tháng qua có học tập và giữ gìn giáo luật này hay không?

(Im lặng vài giây, chuông)

Thứ sáu: Phật tử không ác khẩu, to tiếng cãi vã, nói những lời chửi mắng nguyền rủa, tạo nên sân hận oán thù. Phải nói lời ôn hòa, dịu dàng để đạo đạt quan điểm và ý kiến của mình. Lời nói phải nhắm tạo nên thông cảm và sự cộng tác. Đó là giáo luật thứ sáu. Quý vị trong tháng qua có học tập và giữ gìn giáo luật này hay không?

(Im lặng vài giây, chuông)

Thứ bảy: Phật tử không được ỹ ngữ, nói lời văn hoa dối mỵ, những lời tục tằn, thêu dệt, loan truyền những tin mà mình không biết chắc có thiệt. Phải nói lời đứng đắn và chân thực, có thể gây sự tín nhiệm và kính nể nhau. Đó là giáo luật thứ bảy. Quý vị trong tháng qua có học tập và giữ gìn giáo luật này hay không?

(Im lặng vài giây, chuông)

Thứ tám: Phật tử không để cho tâm tham dục điều khiển mình, không lấy sự thỏa mãn danh lợi tài sắc làm mục tiêu chính cho lý tưởng đời mình. Phải biết sống giản dị để có thì giờ nghĩ đến những kẻ khác đang chịu nhiều khổ đau. Phải lấy sự yêu thương con người và phụng sự con người làm lý tưởng. Đó là giáo luật thứ tám. Quý vị trong tháng qua có học tập và giữ gìn giáo luật này hay không?

(Im lặng vài giây, chuông)

Thứ chín: Phật tử không được giữ tâm sân hận và oán thù. Phải quán từ bi và duyên sinh để dẹp trừ tâm niệm sân hận oán thù của mình ngay sau khi tâm niệm ấy phát sinh. Đó là giáo luật thứ chín. Quý vị trong tháng qua có học tập và giữ gìn giáo luật này hay không?

(Im lặng vài giây, chuông)

Thứ mười: Phật tử không được níu chặt những tà kiến, những quan điểm và lý thuyết trái chống lại với nguyên lý duyên sinh và nhân quả. Không nên yên trí rằng những kiến thức mình hiện có là những chân lý bất di bất dịch để trở thành cố thủ và hẹp hòi. Phải học hỏi thái độ phá chấp và cởi mở để đón nhận quan điểm của kẻ khác và làm hiển lộ sự thật duyên sinh về con người, về cuộc đời và về vũ trụ. Đó là giáo luật thứ mười. Quý vị trong tháng qua có học tập và giữ gìn giáo luật này hay không?

(Im lặng vài giây, chuông)

“Thưa quý vị, tôi đã hoàn tất trách nhiệm tuyên đọc giáo luật thập thiện. Tôi xin cám ơn quý vị đã giúp tôi hoàn tất phận sự tuyên đọc một cách thanh tịnh. Xin tất cả hãy cùng tôi chắp tay tụng bài phát nguyện”.

(Mọi người chắp tay tụng)

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành

(Ba tiếng chuông)

Đọc giáo luật xong thường thường ông bà Năng và hai con ngồi lại thêm mươi phút để nói chuyện và nhận xét về những giáo luật mới đọc. Có một lần Trâm nói: “Kỳ này khi đọc đến giáo luật thứ sáu con mắc cỡ quá. Tại vì con nhớ vì giận con Lan học cùng lớp, con đã chửi nó là thiếu giáo dục. Chắc bây giờ nó cũng còn giận con, và nếu ba má nó mà nghe được chắc cũng còn giận con hết chỗ nói”. Bà Năng nói: “Má chắc lần sau con sẽ không làm như vậy nữa”. 

Bữa cơm chay tiếp theo đó rất vui. Bà giáo Năng sửa soạn bữa cơm rất công phu, từ hồi trưa; hai anh em Minh giúp má hăm lại các thức ăn, dọn bàn, lau chén đủa. BỮA CƠM NÀY LÀ MỘT CƠ HỘI ĐỂ MỌI NGƯỜI TRONG GIA ĐÌNH TỰ XÉT TỰ TÌNH, THIẾT LẬP THÔNG CẢM, THA THỨ VÀ THƯƠNG YÊU VỚI NHAU. Một bữa cơm như thế cần vui, mọi người ăn ngon. Ăn chay mà sống được trong không khí hòa thuận và tin yêu thì sự ăn chay mới thực có ích lợi. Gia đình ông bà Sáu cũng ăn chay một tháng mấy kỳ đó, nhưng không khí của bữa cơm so với không khí ngày thường nào có hơn kém gì đâu. Nếu một gia đình cùng học hỏi, chấp nhận và giữ gìn một giáo luật như giáo luật THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO để xây dựng đời sống của mình, thì gia đình ấy đã thực hành được nguyên tắc “giới hòa đồng tu” của đạo Phật.

 

Đi Chùa 

Ngoài trường hợp lên chùa cá nhân, tất cả mọi gia đình nên đi chùa với nhau mỗi tháng một lần. Có thể là ngày rằm, mồng một hay một ngày chủ nhật. Nên chọn một ngày không có 1ễ lược gì tại chùa, trong trường hợp mình muốn được hưởng không khí thanh tịnh. Đi chùa cũng phải chuẩn bị cẩn thận. Nên tắm rửa, mặc áo đẹp, và phải dự định lên chùa sống một vài giờ đồng hồ cho thoải mái và an lạc. Cố nhiên phải chọn chùa nào có khung cảnh ấy. Dâng hoa lễ Phật xong, mọi người có thể xin nói chuyện với một vị tăng sĩ, hoặc về giáo lý, hoặc về những vấn đề khác có liên hệ tới sự áp dụng đạo Phật trong đời sống cá nhân, gia đình, xóm làng, xã hội… Sau đó, gia đình có thể mượn xem sách Phật, đi bách bộ trong vườn trên đồi hay ngồi đàm đạo với nhau dưới những hàng cây. Nên chọn một cảnh chùa thanh tịnh và thiền sư làm biểu hiện cho quê hương tâm linh của mình.

 

Sáu Nguyên Tắc Sống Hòa Hợp 

Hồi Đức Phật Thích Ca tại thế, ngài có thiết lập sáu nguyên tắc sống chung hòa hợp cho đoàn thể tăng sĩ của ngài. Sáu nguyên tắc này có thể làm căn bản cho một đời sống gia đình hạnh phúc nhất và tiến bộ nhất:

1. THÂN HÒA ĐỒNG TRÚ: Cùng chia xẻ với nhau một mái nhà hay một hoàn cảnh sinh hoạt cộng đồng, chấp nhận một cách hoan hỷ sự có mặt của nhau.

2. GIỚI HÒA ĐỒNG TU: Cùng học tập và giữ gìn với nhau những kỷ luật đã được chấp nhận như là nguyên tắc hướng dẫn đời sống của cộng đồng.

3. KIẾN HÒA ĐỒNG GIẢI: Chia xẻ và trao đổi với nhau những ý kiến và những nhận thức của nhau. Những ý kiến và nhận thức này có thể trái chống nhau, nhưng nếu mọi người đều biết cởi mở, lắng nghe và phá chấp thì họ có thể hiểu rõ được quan điểm kẻ khác, học được những điều mới lạ.

4. LỢI HÒA ĐỒNG QUÂN: Tài sản của chung; mọi người đều có quyền sử dụng và chia xẻ tùy theo nhu yếu của mình. Mọi người có trách nhiệm giữ gìn bồi đắp những tài sản chung đó.

5. KHẨU HÒA VÔ TRÁNH: Giữ gìn lời nói từ tốn, không cãi cọ, tranh chấp và giận hờn với những người khác. Nói lời xây dựng và bồi đắp, không gây chia rẽ, không làm tan rẽ đoàn thể.

6. Ý HÒA ĐỒNG DUYỆT: Biết dung hòa những ý kiến khác nhau để chấp nhận nhau và sống an vui với nhau.

Sáu nguyên tắc sống chung gọi là LỤC HÒA này được áp dụng cách đây trên 2500 năm, bây giờ nghĩ lại vẫn có thể là căn bản để thiết lập một đời sống cộng đồng rất thích hợp. Không những ta có thể áp dụng lục hòa vào đời sống gia đình, ta cũng có thể áp dụng lục hòa trong đời sống học đường, làng mạc và quốc gia nữa. Áp dụng vào đời sống làng mạc và quốc gia ta có thể thiếp lập được một thể chế xã hội nhân bản, cộng đồng và tự do, biểu lộ được tinh thần từ bi và bình đẳng của đạo Phật.