Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

R

11 Tháng Tám 20167:22 SA(Xem: 2558)
R
TRÍCH LỤC TỪ NGỮ PHẬT HỌC
Cư sĩ Hạnh Cơ biên soạn,
đánh máy và trình bày trang sách
Cư sĩ Tịnh Kiên đọc và sửa chữa bản thảo

R

Rồng (long). Người ta cho rằng, RỒNG là loài quỉ (hoặc loài thú) hình rắn, sống dưới nước, có thần lực làm mây làm mưa. Trong kinh điển Phật giáo, rồng được liệt vào một trong tám bộ chúng (trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già), tức các vị thần đã qui hướng về với đức Phật, phát nguyện luôn luôn ở quốc độ của chư Phật để thủ hộ Phật pháp. Đứng đầu các rồng được gọi là “long vương”, hoặc “long thần”. Trong kinh cũng nói rằng, long vương thuộc về loài súc sinh, là quả báo của những người ngu si và sân hận. Long vương được phân làm hai giống: pháp hạnh và phi pháp hạnh. Long vương “pháp hạnh” tánh ít sân hận, thường nhớ tới phước đức của mình mà khởi lòng lành, tùy thuận pháp hạnh, giúp cho thế gian mưa thuận gió hòa, được mùa ngũ cốc. Long vương “phi pháp hạnh” thường làm các việc bất thiện, không kính trọng Tam Bảo, không tùy thuận pháp hạnh, khởi tâm ác làm mưa gió trái mùa, gây hư hại ngũ cốc ở thế gian. Trong thần thoại Ấn-độ, rồng (Phạn ngữ: naga) là rắn được thần cách hóa. Đó là vị thần đuôi rắn mặt người, sống ở dưới lòng đất, hay ở long cung (dưới đáy biển). Lại nữa, từ cổ xưa cho đến bây giờ, Ấn-độ có một chủng tộc gọi là “Naga”, không thuộc giống người Aryans, hiện sống rải rác ở các vùng Đông Bắc Ấn-độ và Tây Bắc Miến-điện, rất sùng bái rồng rắn; lại đều qui hướng về Phật giáo. Ở Trung-quốc vào thời cổ, người ta cũng từng có tín ngưỡng về rồng. Đó là loài động vật có vẩy dài, khoảng tiết xuân phân thì bay lên trời, tiết thu phân thì vào lòng đất. Loài có vẩy thì gọi là “giao long”; loài có cánh thì gọi là “ứng long”; có sừng thì gọi là “cầu long”, không có sừng thì gọi là “li long”; không bay được lên trời thì gọi là “bàn long”. Người Trung-quốc tin rằng, rồng có sức làm mây làm mưa, giúp đỡ người đời, nên liệt nó vào một trong bốn giống vật linh thiêng (tứ linh: long, lân, qui, phụng); lại được ví cho thiên tử, cho nên đã có các từ: long nhan, long thể, long bào, long tòa, long sàng, v.v...

Rốt ráo không (tất cánh không). Tất cả các pháp, rốt cuộc không gì có thể nắm bắt được. Các pháp hữu vi đều do nhân duyên sinh diệt, tự tính của chúng vốn không có, cho nên không thể nắm bắt được. Tự tính của chúng sinh cũng không có, giống như hư không, vì vậy mà không có ai qua lại trong sinh tử luân hồi, cũng không có người giải thoát. Sinh tử vốn tự không sinh, cho nên không có cái gọi là “qua lại”; đã không có qua lại thì cũng không có giải thoát. Sinh tử đã không có sinh thì cũng không có diệt, đó gọi là niết bàn. Vậy hữu vi hay vô vi, sinh tử hay niết bàn, đều rốt ráo là không, tuyệt đối là không, ba đời thanh tịnh, không dính mắc vào bất cứ khái niệm gì, đó gọi là “rốt ráo không”.

Rùa cứu mạng (truyền thuyết Trung-quốc). Mao Bảo thuở còn hàn vi, từng mua một con rùa rồi thả cho đi. Sau làm tướng, bại trận, nhảy xuống nước thoát thân, bèn cảm thấy có vật gì đỡ dưới chân, đưa thẳng sang bờ bên kia. Ông nhìn lại thì hóa ra là con rùa mà mình đã phóng sinh ngày trước.

Ruộng phước (phước điền): nghĩa là ruộng sinh ra phước đức. Người Phật tử kính thờ, cúng dường Phật Pháp Tăng; kính trọng, hiếu thuận và phụng dưỡng cha mẹ; giúp đỡ, săn sóc những người bệnh tật nghèo khổ, đều có được phước đức; cho nên Tam Bảo, cha mẹ, người nghèo khổ bệnh tật, đều là phước điền của Phật tử.

Ruộng thức (thức điền): chỉ cho thức A-lại-da. Thức này có khả năng chứa đựng tất cả chủng tử của vạn pháp cho nên được gọi là “thức điền”. Tất cả mọi hành động (nghiệp) của thân miệng ý đều trở thành chủng tử gieo vào thức A-lại-da, chờ đến khi chín muồi lại phát sinh hiện hành (quả báo); giống như hạt giống lúa được gieo xuống ruộng (điền), chờ ngày mọc thành cây lúa. Vì vậy, thức a-lại-da được gọi là “ruộng thức”.

Rút lưỡi (bạt thiệt). Lưỡi bị co rút, ngắn lại, muốn nói mà không thể nói được, chỉ ú ớ, không thành tiếng; là một trong các quả báo của các tội về khẩu nghiệp.

Rừng Khổ-hạnh (Tapovana): là nơi đức Thích Ca Mâu Ni từng tu khổ hạnh trước khi thành Phật. Khu rừng này nằm trong thôn ngày xưa gọi là Ưu-lâu-tần-loa, của nước Ma-kiệt-đà; nay là phía Đông của thôn Mucilinda, cách xứ Phật-đà-già-da của nước Ấn-độ hơn 500m về hướng Nam.