Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Kết Luận Của Nhà Khoa Học

20 Tháng Chín 201611:13 CH(Xem: 2407)
Kết Luận Của Nhà Khoa Học
ĐỐI THỌAI GIỮA KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO
Matthieu Ricard – Trịnh Xuân Thuận - BS: Hồ Hữu Hưng dịch
Nhà xuất bản Phương Đông 2010

Kết Luận Của Nhà Khoa Học

Kết thúc những cuộc đối thoại này, tôi phải nói lên niềm thán phục của tôi với phương cách mà Phật giáo phân tích thế giới hiện tượng. Tôi phải thú nhận rằng ban đầu tôi rất ngại ngùng khi bắt đầu cuộc đối thoại. Tôi hiểu và đánh giá cao việc hành trì trong Phật giáo có thể đem lại sự hiểu biết chính mình, sự tiến bộ tâm linh và trở nên một con người hoàn thiện hơn. Nói cách khác, với tôi Phật giáo trước tiên là một con đường đến giác ngộ, một con đường thiền định mà trọng tâm là sự soi sáng nội tâm.

Tôi biết rằng khoa học và Phật giáo sử dụng những phương pháp khám phá thực tại hoàn toàn khác nhau.

Trong khoa học, thông minh và lý trí giữ vai trò nồng cốt. Chia chẽ, phân loại, so sánh, phân tích, đo đạc, nhà khoa học diễn tả những luật thiên nhiên theo ngôn ngữ toán học. Trực giác không thiếu vắng trong khoa học, nhưng nó chỉ hữu ích khi có thể diễn tả bằng công thức toán học. Trái lại, trực giác giữ vai trò tiên phong trong thiền định. Nó không chia chẽ thực tại nhưng cố gắng nắm bắt toàn bộ thực tại. Phật giáo không sử dụng những dụng cụ đo đạc hay những cuộc quan sát nhiêu khê của khoa học. Những trần thuật Phật giáo thiên về chất lượng hơn về số lượng. Vì vậy tôi không tin chắc là cuộc đối thoại sẽ mang lại một ý nghĩa nào. Tôi ngại rằng Phật giáo ít chú tâm đến thế giới hiện tượng, điều mà khoa học rất quan tâm. Nếu đúng như vậy, có khả năng là hai chúng tôi sẽ đọc hai diễn từ song song mà không thể gặp nhau ở một giao điểm nào.

Cuộc đối thoại càng kéo dài, tôi càng nhận ra rằng nỗi lo sợ ban đầu của tôi không có cơ sở. Vì lẽ Phật giáo không những tìm hiểu về bản thể thế giới mà còn làm điều này một cách sâu xa và đặc sắc. Phật giáo không phải tìm hiểu thế giới hiện tượng như một thực tại giống như khoa học vẫn làm, nhưng là tìm hiểu về tánh tương thuộc cũng như tánh không của các hiện tượng, với mục đích phá tan vô minh và tiến tới giác ngộ. Cuộc thảo luận của chúng tôi càng ngày càng phong phú. Nó đã gợi lên nhiều nghi vấn mới, nhiều quan điểm chưa từng công bố, nhiều tổng hợp không ai chờ đợi, đòi hỏi một sự thanh lọc và một sự nghiên cứu sâu sắc hơn. Những cuộc đối thoại này nằm trong dòng những đối thoại trước kia giữa khoa học và Phật giáo. Điều cốt yếu mà tôi nhận ra được là một sự hội tụ và cộng hưởng giữa hai cái nhìn Phật giáo và khoa học về thực tại. Một vài trần thuật của Phật giáo về các hiện tượng giống một cách lạ lùng những ý niệm của khoa vật lý đương đại, đặc biệt hai thuyết lớn là cơ học lượng tử đề cập đến những vật thể vi mô và thuyết tương đối đề cập đến các vật thể vĩ mô.

Dù rằng rất khác biệt, phương pháp tiếp cận thực tại của Phật giáo và của khoa học, không đưa đến một sự đối nghịch không hoán chuyển được, trái lại còn bổ túc cho nhau một cách hài hòa. Và điều này là vì cả Phật giáo và khoa học đều đi tìm sự thật dựa trên các tiêu chuẩn chính xác, khắc khe và hợp lý.

Ví dụ hãy xem xét quan niệm tương thuộc các hiện tượng là lập luận cơ bản của Phật giáo. Không có gì tự mình hiện hữu và có tự tính. Một vật thể chỉ có thể xác định với tương quan những vật khác. Sự tương thuộc là cần thiết cho sự có mặt của các hiện tượng. Không có sự tương thuộc này thế gian không thể vận hành được. Một hiện tượng chỉ có thể xuất hiện khi nó được nối kết với những hiện tượng khác. Thực tại không thể định vị và chia chẽ, nhưng cần phải được xem trong toàn nguyên. Những thí nghiệm của khoa vật lý buộc chúng ta phải tin vào sự toàn nguyên này. Trong lãnh vực nguyên tử và vi mô, những thí nghiệm kiểu EPR cho ta thấy một thực tại không phân chia được, như hai hạt ánh sáng tác động hỗ tương với nhau vẫn chỉ là cùng nhau một thực tại. Dù khoảng cách giữa chúng là bao nhiêu, chúng vẫn vận hành một cách hỗ quan mà không truyền dẫn một thông tin nào. Còn trong lãnh vực vĩ mô, sự toàn nguyên được chứng minh bởi một chiếc đồng hồ Foucault mà cách vận hành không phải tùy thuộc vào môi trường địa phương mà tùy thuộc vào toàn thể vũ trụ. Điều gì đang được tính toán ở địa cầu chúng ta, được quyết định nơi vũ trụ bao la. Quan niệm tương thuộc cho rằng các vật thể không thể định nghĩa một cách tuyệt đối, mà chỉ tương quan với các vật thể khác. Đó cũng chỉ là ý kiến của Galilée, khi ông định nghĩa lần đầu tiên nguyên lý tương đối, sau này được phát triển tuyệt đỉnh bởi Einstein. Galilée đã nói: “Sự chuyển động như là không có gì cả”. Ông đã muốn nói sự chuyển động một vật thể không thể xác định một cách tuyệt đối, mà chỉ tương quan với sự chuyển động của một vật thể khác. Không có một thí nghiệm hay đo đạc nào có thể thực hiện được bởi một hành khách ngồi trong một toa xe lửa mà các cửa sổ đều được đóng kín mít, có cho ông ta biết được là chiếc xe lửa có di chuyển hay bất động. Chỉ khi mở một cửa sổ và nhìn cảnh vật chạy ngược chiều, thì người hành khách ấy mới biết được là mình đang di chuyển. Nếu không có sự tham khảo với bên ngoài, thì sự chuyển động cũng bằng như không chuyển động. Phật giáo cho rằng mọi vật đều không có tự tính, mà chỉ tồn tại do tương quan với những vật khác.

Thời gian và không gian mất đi tính cách tuyệt đối như Newton đã khẳng định. Chúng chỉ tự xác định qua tương quan với sự chuyển động của người quan sát và với cường độ của trường hấp dẫn nơi đó. Bên cạnh một “lỗ đen” nơi mà lực hấp dẫn quá mạnh đến nỗi ánh sáng không thể vượt qua, một giây có thể bằng một thế kỷ. Cũng như Phật giáo, thuyết tương đối bảo rằng thời gian trôi đi với một quá khứ đã qua, một tương lai chưa đến, chỉ là ảo tưởng vì lẽ tương lai của tôi có thể là một quá khứ của một người khác và là hiện tại của một người thứ ba. Tất cả đều tùy thuộc vào sự chuyển động của chúng ta, thời gian không trôi đi, nó chỉ có mặt ở đó.

Từ ý niệm tương thuộc nảy sinh ý niệm tánh không, ở đây không phải là hư vô, mà chỉ là không có tự tính. Vì lẽ mọi vật đều tương thuộc với nhau nên không có một vật nào tự xác định và tự hiện hữu. Và một lần nữa cơ học lượng tử cũng có một nhận định tương tự. Theo Bohr và Heisenberg, chúng ta không thể có những đặc tính rõ ràng như tốc độ và vị trí. Chúng ta chỉ nên xem chúng không phải như vật hay sự kiện, mà chỉ như là những lực tiềm ẩn. Cả bản thể của vật chất và của ánh sáng cũng trở nên một trò chơi về sự giao lưu tương thuộc: chúng không có tự tính, mà có thể thay đổi tùy thuộc vào tác động hỗ tương giữa người và vật được quan sát. Bản thể đó không phải là độc nhất mà là nhị nguyên và bổ túc cho nhau. Hiện tượng mà ta gọi là “hạt”, có dạng “sóng” khi chúng ta không quan sát nó. Khi có đo đạc hoặc có quan sát, nó lại trở thành hạt. Nếu cho rằng “hạt” có tự tính, nghĩa là có thực thể khi ta không quan sát nó, điều này không chấp nhận được vì ta không bao giờ nắm bắt được nó. Quan niệm Phật giáo về sự tương thuộc đồng nghĩa với tánh không và tánh không thì đồng nghĩa với vô thường. Thế giới là một dòng chảy lớn gồm các sự kiện nối kết với nhau và tác động lên nhau bất tận. Sự thay đổi liên tục và trùm khắp đó cũng giống như nhận định của vũ trụ học đương đại. Sự bất biến của vùng trời theo Aristote và vũ trụ bất động của Newton không còn giá trị nữa. Mọi vật đều chuyển động, đều thay đổi, từ một hạt nguyên tử đến toàn thể vũ trụ qua các thiên hà, các ngôi sao và con người. Với thuyết vụ nổ đầu tiên, vũ trụ trương nở và vì thế nó có một khởi đầu, một quá khứ, một hiện tại và một tương lai. Một ngày nào đó nó sẽ chết trong một lò lửa địa ngục hoặc trong một cái lạnh băng giá. Tất cả các cấu trúc của vũ trụ: Hành tinh, ngôi sao, thiên hà hay chùm thiên hà đều di chuyển liên tục và tham dự vào một vũ điệu ba lê mênh mông: xoay quanh chúng, xoay quanh một vật thể khác, đến gần hoặc rời xa tương quan với nhau. Tất cả đều có chung một lịch sử: chúng sinh ra, tiến hóa rồi chết. Các ngôi sao sống và chết theo những chu kỳ hàng triệu, có khi hàng tỷ năm.

Thế giới nguyên tử và vi mô cũng không nằm yên. Tất cả đều vô thường. Những hạt đều có thể thay đổi bản chất: một “quark” có thể đổi chủng loại hay đổi mùi, một dương tử có thể trở nên trung hòa tử. Vật chất có thể biến thành năng lượng. Thực tại có thể nhận biết rằng những con đường khác nhau, con đường từ bên trong nội tâm, bên ngoài từ thế giới bên ngoài. Phật giáo sẽ không ngạc nhiên vì sự tương tự này. Vì thế giới hiện tại được quan sát qua “tâm”, bản thể căn bản các hiện tượng không xa lạ gì đối với “tâm giác ngộ” của Đức Phật. Tôi còn dè dặt với nguyên lý “vì con người” của Phật giáo theo đó có một sự điều chỉnh thật chính xác các hằng số vật lý và các điều kiện đầu tiên của vũ trụ để sự sống và tâm thức được tồn tại. Để việc điều chỉnh này thực hiện được, tôi nghĩ cần phải đặt ra một nguyên lý sáng tạo. Nguyên lý này tôi quan niệm theo Spinoza và Einstein, biểu hiện trong các luật thiên nhiên và làm cho thế giới hợp lý và có thể hiểu được. Lập trường này đi ngược lại Phật giáo không chấp nhận thượng đế hay một nguyên lý sáng tạo nào khác. Theo Phật giáo, vũ trụ không cần phải điều chỉnh để tâm thức xuất hiện. Cả hai đều tồn tại và không thể loại trừ lẫn nhau. Và một lần nữa ý niệm tương thuộc các hiện tượng là lời giải thích. Tôi chấp nhận là điều này có thể xác minh việc điều chỉnh vũ trụ. Tuy nhiên nó không trả lời được câu hỏi của Leibnitz “Tại sao lại có một cái gì hơn là không có gì cả?” và tôi thêm rằng: “Tại sao các luật vật lý là như vậy mà không phải khác?”. Như vậy chúng ta có thể sống trong một vũ trụ theo những luật vật lý của Newton. Nhưng sự thật không phải như vậy. Chính các luật của cơ học lượng tử và của thuyết tương đối mới giải thích được vũ trụ mà ta biết.

Quan điểm Phật giáo còn làm dấy lên nhiều câu hỏi khác. Nếu không có Đấng sáng tạo thì vũ trụ không thể hình thành được. Như vậy nó vô thủy vô chung. Vũ trụ duy nhất đáp ứng được quan điểm Phật giáo là một vũ trụ thiết lập theo chu kỳ với một loạt nổ bigbang và một loạt nghiền nát. Nói theo khoa học sự việc một ngày nào đó vũ trụ sẽ sụp đổ chưa dự đoán được. Việc này liên hệ đến số lượng vật chất vô hình trong vũ trụ, nhưng người ta chưa biết được số lượng này là bao nhiêu. Theo những cuộc khảo sát thiên văn sau cùng, vũ trụ có vẻ không có đủ số lượng vật chất vô hình để chặn đứng và đảo ngược quá trình trương nở có vẻ như đang gia tăng và như vậy giả thiết một vũ trụ chu kỳ mới bị loại bỏ. Còn về ý niệm tâm thức cũng tồn tại với vũ trụ vật chất trong những giây phút đầu tiên hình thành vũ trụ, thì còn rất lâu mới kiểm chứng được. Vài nhà thần kinh học nghĩ rằng không cần phải có một làn sóng tâm thức song hành với vật chất, mà tâm thức tự nhiên xuất hiện khi vật chất vượt qua một ngưỡng phức tạp nào đó.

Cái việc đơn giản nhất là thở đã nối kết mọi con người lại với nhau: Những tỷ phân tử dưỡng khí mà chúng ta hít thở mỗi ngày đã cùng được 50 tỷ người sống qua trên trái đất này thở qua. Những vấn đề môi trường đang đe dọa chúng ta đã vượt khỏi tầm mức văn hóa và tôn giáo. Chất thải công nghệ, bụi phóng xạ, hơi độc hại gây ảnh hưởng nhà kính làm nóng địa cầu là vấn đề của toàn thể nhân loại cộng thêm sự nghèo đói chiến tranh đang đe dọa mạng sống chúng ta. Tất cả các vấn đề trên có thể được giải quyết nếu chúng ta ý thức được rằng chúng ta tương thuộc với nhau, hạnh phúc riêng của chúng ta gắn liền với hạnh phúc của người khác. Nói cách khác nếu chúng ta được hướng dẫn bởi tâm từ bi để hướng tới điều mà Đức Đạt Lai Lạt Ma gọi là “trách nhiệm toàn cầu”.

Không nghi ngờ gì nữa khi biết rằng khoa học ngày càng tác động mạnh lên đời sống chúng ta. Đứng trước những vấn đề đạo đức, như trong lãnh vực di truyền học, càng ngày càng cấp bách, khoa học cần phải đi song hành với tâm linh để chúng ta không quên đi nhân loại. Mục đích của khoa học là tìm hiểu thế giới hiện tượng. Còn khoa học tâm linh thì giúp chúng ta nội tâm được an lạc, ngõ hầu giúp đỡ kẻ khác.

Vài nhân vật như nhà vật lý giải Nobel Steven Wemberg không màng gì đến tâm linh. Ông đã phát biểu rất thách thức “Có hay không có đạo, người tốt vẫn tốt, kẻ xấu vẫn xấu. Nhưng chỉ có đạo là khiến người tốt làm điều xấu. Một trong những thành tựu lớn của khoa học là làm cho những kẻ thông minh không trở nên tín đồ, hay ít ra là làm cho họ không tin vào đạo”. Rồi ông kể ra những tội ác của tôn giáo: Thập tự chinh, cuộc tàn sát dân Do thái và những cuộc chiến tranh tôn giáo khác và cả nô lệ nữa”. Tôi nghĩ là ông đã nhầm. Trước tiên ông đã quên nhắc lại tác hại lớn lao của khoa học khi được sử dụng không đúng chỗ như vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Trái đất nóng dần lên, tầng ozone bị phá hủy, những nghiên cứu dã man của các bác sĩ phát xít v.v... Hơn nữa tôn giáo mà ông đề cập không thật sự đúng nghĩa là một tôn giáo. Ngược lại với chủ trương chống tôn giáo của Wemberg, tôi thích và đồng ý với cái nhìn vũ trụ của Einstein: “Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Nó phải siêu việt trên cả ý niệm một thượng đế bằng xương bằng thịt, và tránh mọi giáo điều cũng như những thuyết thần bí. Bao trùm lên cả thiên nhiên lẫn tâm linh, nó phải đặt nền tảng trên một ý thức tôn giáo nảy sinh từ kinh nghiệm bên ngoài cũng như bên trong, bao gồm trong một tổng thể hợp lý”. Và Einstein đã nói thêm: “Phật giáo đáp ứng được những mô tả vừa kể. Nếu có một tôn giáo có thể dung hợp được với những đòi hỏi càng ngày càng gắt gao khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật giáo”.

Điều này không thể được diễn tả rõ ràng hơn. Khoa học có thể vận hành không cần đến tâm linh. Tâm linh vẫn tồn tại mà không có khoa học. Nhưng con người, nếu muốn được hoàn mỹ, phải cần phải đến cả hai.