Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Chương năm:

28 Tháng Chín 201611:02 CH(Xem: 2146)
Chương năm:

Chương năm:
Phật Giáo, Khoa Học, và Chủ Nghĩa Khoa Học

 

Khác với Ấn Độ thời xưa, ngày nay chủ nghĩa duy vật được xem là chính thống, và không có một người nào trong chúng ta có thể thoát được ảnh hưởng của nó. Ở mọi phía, khoa học được xem là đã chứng minh rằng ý niệm “tâm” và tất cả những gì “siêu nhiên” là phi lý. Chúng ta luôn luôn nghe nói tôn giáo chỉ là ảo tưởng, không xứng đáng với người duy lý, là cái được dùng thay cho việc đàn áp giai cấp, cho tính dục bị đè nén, là một sự mong muốn ấu trĩ có một người cha toàn năng (all-powerful father), hay một cái gì đó.

 “Người man dã, do bất lực trong cuộc đối đầu với thiên nhiên, tất nhiên đã phải dựng lên niềm tin vào thần thánh, ma quỷ, phép lạ, và những thứ tương tự. Giống như vậy, do bất lực trong việc chống lại những kẻ bóc lột, giai cấp bị bóc lột đã dựng lên niềm tin vào một đời sống tốt đẹp hơn sau khi chết... Tôn giáo là thuốc phiện dành cho nhân dân. Tôn giáo là một thứ men rượu tinh thần mà ở trong đó những người nô lệ của tư bản dìm chết hình ảnh con người của mình, sự đòi hỏi của mình có một đời sống phần nào xứng đáng với con người". (V.I. Lenin, “Chủ Nghĩa Xã Hội Và Tôn Giáo” 1905). (Impotence of the exploited classes in their struggle against the exploiters just as inevitably gives rise to the belief in a better life after death  as impotence of the savage in his battle with nature gives rise to belief in gods, devils, miracles, and the like... Religion is opium for the people.  Religion is a sort of spiritual booze, in which the slaves of capital drown their human image, their demand for a life more or lessworthy of man).

 Lenin cũng có một lời hứa hẹn ngay trong bản luận văn này: “Chúng ta sẽ luôn luôn tuyên truyền thế giới quan khoa học”. Đây là một thí dụ về “chủ nghĩa khoa học”, một hệ tư tưởng tuyên bố rằng mình có tính chất khoa học, trong khi thật ra có tính chất giáo điều và do đó không có tính khoa học.

 “Nếu các nhà tư tưởng khoa học chủ nghĩa có thể cầu viện khoa học để biện minh cho quan điểm duy vật của mình thì đó chỉ là vì chủ nghĩa duy vật đã được thiết lập vững chắc ngay ở trong khoa học. Trong hơn một thế kỷ, đặc biệt là từ khi cuốn “The Origin Of Species” (Nguồn Gốc Các Chủng Loại) của Darwin được xuất bản vào năm 1859, các nhà sinh học đã nói rằng loài người chúng ta không là gì khác hơn những bộ máy rất phức tạp, được sinh ra từ một loạt những sự kiện ngẫu nhiên. Chúng ta có ở đây chỉ vì tổ tiên của chúng ta đã thành công hơn những sinh vật khác trong cuộc đấu tranh khốc liệt để sinh tồn. Đời sống không có mục đích nào cả, ngoại trừ cạnh tranh và sống còn, và mọi ý định giúp đỡ những con người khác chỉ là một phần của mô thức hành xử di truyền tình cờ thuận lợi cho sự sinh tồn của loài người chúng ta. Một chủ thuyết được gọi là “chủ nghĩa cơ học”, cho rằng tất cả các sinh vật đều có thể được giải thích theo quy luật vật lý và hóa học, và chủ thuyết này đã đạt được hết thành công này đến thành công khác. Trong khi đó “chủ nghĩa sinh lực” lại cho rằng vật chất sống có một cái gì đặc biệt làm cho nó thuộc một loại cao cấp hơn một bộ máy, dù bộ máy đó có phức tạp đến đâu. Nhưng thuyết “sinh lực” đã bị bác bỏ từng điểm một, và trong phần lớn thế kỷ 20 đã hầu như bị bỏ rơi.

 Đối với sự thách thức này, Phật giáo có thể làm được gì”? Chúng ta có ba cách chính yếu sau đây:

1- Chính Thống: duy trì tất cả những niềm tin truyền thống của Phật giáo Tây Tạng và chối bỏ hoàn toàn Khoa Học. Đây là cách hành xử của Đại Đức Losang Gyatso khi ông cố gắng bác bỏ những ý kiến cho rằng loài người tiến hóa từ một loài động vật thấp hơn, và rằng cảm giác đau bàn chân phát ra là so sự truyền xung điện thần kinh đến bộ óc. Cách này có thể thích nghi với người Tây Tạng ở Ấn Độ, nhưng đối với chúng ta ở Tây Phương thì không thể dùng được.

 2- Lùi lại: vạch rõ lãnh vực riêng của Khoa Học và tôn giáo, chấp nhận rằng sự thật vật lý phải có tính chất cơ giới, còn tôn giáo thì phải được giới hạn và sự thật tâm linh. Cách này đã được nhiều người Ky Tô Giáo dùng, và có lẽ chúng ta có thể cắt tỉa giáo pháp của Phật để không xâm phạm vào lãnh vực khoa học.

 3- Tổng Hợp: nhìn nhận rằng không thể có chuyện cơ học và Giáo Pháp đều đúng, nhưng cũng biết rằng không thể bác bỏ bằng chứng quan sát khoa học, dù cách giải thích của khoa học có thể sai lầm, xét kỹ khoa học trong ánh sáng của Giáo Pháp và đi đến một sự tổng hợp. Trong tiến trình này một số giáo lý của Phật giáo truyền thống sẽ phải được loại bỏ vì không tương hợp với kết quả của quan sát khoa học và một trong những giáo lý này là thuyết cho rằng trái đất, mặt trời và mặt trăng có hình đĩa tròn, phẳng, nhưng nếu muốn Phật giáo thực sự có ảnh hưởng ở Tây Phương thì việc nhận xét và phê phán những thuyết của  khoa học là không thể thiếu được. Như bằng chứng về luân hồi được trình bày ở Chương 3 cho thấy, phải công nhận rằng Giáo Pháp hợp lý hơn là nhiều người nghĩ.

Về căn bản, khoa học và Giáo Pháp không thể đối nghịch nhau. Đã có những người chú ý đến Phật giáo khi nhận thấy Phật giáo có tính chất khoa học theo một ý nghĩa nào đó. Dù không hoàn hảo và có những sai lầm tạm thời, về lâu dài khoa học là phương tiện rất tốt để vượt qua những giới hạn của cá nhân và đạt đến sự thật được thiết lập vững chắc. Tính chất của khoa học là thực thà và sẵn lòng đặt những ý kiến của mình dưới sự khảo sát và phê bình công bằng. Tuy nhiên, bất cứ lúc nào trong giới khoa học cũng có những  ý tưởng sai lầm rõ rệt cần phải được loại bỏ. Một trong những sai lầm đó là từ thời Darwin chủ nghĩa duy vật đã ngự trị môn sinh học mỗi lúc mỗi nhiều hơn.

 


Charles Darwin

 

Nhà tự nhiên học người Anh, Charles Darwin (1809-1882), đã cống hiến hai điều cho sinh học. Thứ nhất là ông đã trình bày rõ ràng sự tiến hóa của các loài động vật và thực vật. Đây là kết quả của vô số những cuộc quan sát, và môn sinh học phân tử cho thấy nền móng di truyền của thuyết tiến hóa. Thuyết tiến hóa là ý tưởng hợp nhất trung ương của sinh học, mang lại trật tự cho sự đa dạng và phức tạp đáng ngạc nhiên của thế giới sinh vật. Thứ nhì là ông trình bày một thuyết giải thích rằng tiến hóa là hoạt động ngẫu nhiên có tính chất cơ học, và đây lại là một chuyện khác. Tất nhiên là có sự thích ứng của sinh vật với môi trường bằng tiến trình chọn lọc tự nhiên tương tự tiến trình mà Darwin đã nêu ra, nhưng không thể nói rằng như vậy tất cả cuộc tiến hóa sinh học đã được giải thích một cách thỏa đáng. Khi quan sát vạn vật, chúng ta nghĩ đến ý tưởng cho rằng tiến hóa là một tiến trình thông minh chứ không phải chỉ là những sự tình cờ. Tuy nhiên, nghĩ tưởng là một chuyện còn chứng minh lại là một chuyện khác. Cho đến lúc này thuyết tiến hóa của Darwin vẫn là trung tâm của sinh học, vẫn có ảnh hưởng chống lại mọi quan điểm tôn giáo. Một nhà khoa học kiêm huyền học cho rằng thuyết tiến hóa “có lẽ là lực hắc ám nhất đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích tối thượng của tâm hồn” (a sinister force-perhaps the most sinister-that seriously threatens the ultimate good of the human soul).

 Những người chống lại thuyết sinh học cơ học nêu lên 3 điều: (1)bằng chứng trực tiếp cho tâm có từ siêu tâm lý và ký ức về kiếp trước; (2)những vấn đề và những khó khăn chính yếu trong thuyết tiến hóa; và (3)vật lý hiện đại. Ba điều này gây ra những phản ứng dữ dội của phái duy vật theo thứ tự là (i)bác bỏ thẳng thừng rằng không hề có những bằng chứng đó, hoặc cho rằng đó là giả dối, (ii)chỉ ra những vấn đề trước đây đã tìm được giải pháp cơ học và tấn công vào động lực của đối phương, tố cáo họ tìm kiếm một “Thượng Đế của những khe hở” để nâng đỡ cho tôn giáo của mình trong những ngày tháng cuối cùng, và (iii)công kích dữ dội các nhà vật lý học là “đánh mất niềm tin khoa học”, “lung lay” về sự chắc thật, liên hệ nhân quả vật lý và sự duy lý, và chõ mũi vào môn sinh học không thuộc phạm vi của họ.

 Bây giờ người ta đã có nhiều bằng chứng có tính chất khoa học về những hiện tượng siêu tâm lý học như ngoại cảm (thần giao cách cảm, thấu thị (huệ nhãn), tiên cảm, cử động trong khi xuất thần, trong con người cũng như trong loài thú, và mặc dù vẫn có lối giải thích ngược lại của phái duy vật. Những người chống đối chỉ có thể nói rằng đây là một âm mưu lớn của hàng ngàn người trên khắp thế giới. Về đề tài này tôi nồng nhiệt đề nghị cuốn “Parapsychology and the nature of life” (Siêu tâm lý học và bản chất của sự sống) của John L. Randall, nhà xuất bản Abacus, London, 1972.

 Những điều khó khăn với thuyết tiến hóa tân Darwin cũng được chính các nhà sinh học thảo luận nhiều, và những học giả Phật giáo nào muốn phê bình thuyết Darwin mà không phạm sai lầm thì nên biết về những điều này. Cuốn sách của Randall có giới thiệu sơ lược về vấn đề này cùng với những điều tham khảo khác.

 Nền móng của sinh học tất nhiên là vật lý học nhưng trong khi các nhà sinh học vẫn chưa tiến vào thời đại hậu cơ học thì sự khám phá thuyết tương đối và cơ học lượng tử đã giải thoát các nhà vật lý học khỏi lối suy nghĩ máy móc thô thiển vốn nổi trôi trong thế kỷ 19. Trong cuốn “The Philosophy of Consciousness Without an Object” (Triết Học Tâm Thức Không Đối Tượng), Franklin Merrell-Wolff viết rằng “kể từ năm 1896, khi nhà vật lý học người Pháp Antoine Henri Becquerel (1852-1908) khám phá sự phân rã có tính phóng xạ của Uranium, giới vật lý học đã đặt nền móng cho huyền học một cách tích cực”, và không hỗ trợ gì cho lối giải thích duy vật của thuyết tiến hóa Darwin. Trong cuốn sách so sánh huyền học và vật lý học xuất bản năm 1974, tác giả L. Leshan trình bày bằng chứng thuyết phục của sự tương đồng giữa thế giới quan của nhà vật lý và của nhà huyền học, với những câu trích trong các tác phẩm của họ và mời độc giả đoán xem câu nào là của các nhà huyền học và câu nào là của các nhà vật lý học. Vật lý học đã từ bỏ ý niệm vạn vật hiện hữu một cách tuyệt đối, và nhận thấy rằng các hiện tượng tùy thuộc rất nhiều vào người quan sát nào mà người đó đã làm. Một nhà vật lý tiếp nhận tất cả thông tin của mình qua các giác quan, vì vậy rốt cuộc người đó không thể nào tránh được việc xét đến tâm thức. Các nhà vật lý nghiên cứu về hạt căn bản có những ý tưởng kỳ lạ đến mức người ta không ngạc nhiên lắm khi thấy một nhà vật lý lý thuyết, lập một thuyết nói rằng trong các các điện tử có tâm thức. Tuy nhiên, ý tưởng này sẽ không thể giải thích được ký ức về những kiếp trước trong một chuỗi đơn nhất, được nhận thấy là không pha trộn với những cá nhân khác, vì vậy cũng giống như đa số ý tưởng của các nhà vật lý lý thuyết, ý tưởng này sẽ là ngõ cụt.

 Nhà tâm lý học và triết gia William James nói: “Chỉ có một sự thật vững chắc, và là sự thật mà ngay cả những người đa nghi nhất cũng không dám đụng đến, đó là: hiện tượng tâm thức là có thật” (There is but one indefectibly certain truth, and that is the truth that pyrrhonistic scepticism itself leaves standing-the truth that the present phenomenon of consciousness exists).  Như vậy thì làm sao ý niệm về tâm như một cái gì nhiều hơn là hoạt động lý hóa của hệ thần kinh lại có thể bị loại bỏ khỏi môn sinh học, đến mức mà một nhà thần kinh sinh học có thể tố cáo những người cố gắng tái khẳng định ý niệm này là tổ chức “một cuộc tấn công không chỉ chống lại thần kinh sinh học mà còn chống lại toàn bộ cấu trúc duy lý của chính khoa học?” (an attack, not merely against neurobiology but against the whole rational structure of science itself).

 Sự ghét và sợ tôn giáo và huyền bí đã đóng vai trò của nó, nhưng có lẽ điều quan trọng hơn là chúng ta có thói quen làm cho thế giới trở nên khách quan bằng các bước lùi lại vào trong vai trò người chứng kiến không thuộc về thế giới ở xung quanh mình. Nhà vật lý học Shrodinger, một trong những người xây dựng thuyết Cơ Học Lượng Tử, đã giải thích rõ ràng những hậu quả sai lầm của thói quen này từ những cảm giác, nhận thức, và ký ức của mình, tâm trí của chúng ta dựng lên “thế giới thật” khách quan. Thế giới khách quan này bao gồm cả cơ thể của riêng chúng ta và cơ thể của những người khác, và chúng ta có đủ những lý do để tin rằng những cơ thể này liên quan đến tâm thức. Vì vậy chúng ta cho rằng tâm trí của người khác tạo thành một phần của thế giới thật xung quanh mình, và chúng ta kết luận rằng tâm trí của mình cũng làm thành một phần của thế giới thật mà nó đã xây dựng. Chúng ta cảm thấy chắc chắn rằng con người ý thức của mình thì ở bên trong đầu của chúng ta, đang nhìn ra ngoài từ phía sau hai con mắt. Vì vậy chúng ta nghĩ rằng mình tìm thấy trong thế giới thật những cảm giác về màu sắc, âm thanh, v.v... và những chỗ mà tâm và vật tương tác, nhưng vì thực ra tâm trí của chúng ta không bao giờ là một phần của thế giới, và tâm trí của người khác mà chúng ta tuyệt đối không thể đạt đến một cách trực tiếp và chủ quan thì cũng vậy, nên dù nhìn kỹ đến đâu chúng ta cũng không tìm thấy những cảm giác hay những sự tương tác đó, mà chỉ thấy vật chất hành xử theo đúng những quy luật vật lý và hóa học, như những xung điện truyền qua dây thần kinh, những chất dẫn truyền đi ngang qua những chỗ tiếp giác tế bào thần kinh để kích hoạt những tế bào thần kinh khác và được thu dọn bởi những chất Enzyme, và tất cả những hoạt động phức tạp khác của hệ thần kinh. Không ở đâu có một bằng chứng khách quan nào về sự hiện hữu của tâm hay sự tương tác của tâm với với vật. Triết gia người Hòa Lan Sjunoza (thế kỷ 17) nói: “Thể xác không thể ra lệnh cho tâm trí suy nghĩ, mà tâm trí cũng không thể ra lệnh cho thể xác vận động, nghỉ ngơi hay một sự việc nào khác”.

Thế mà hình như chúng ta phải chịu trách nhiệm cho những việc làm của mình!

 Schrodinger xem đây là một điều mâu thuẫn mà chúng ta chỉ có thể vượt qua được bằng cách nhìn nhận rằng chủ thể và khách thể là một, nhưng vì mục đích thiết thực, trong đời sống hàng ngày và nghiên cứu khoa học, chúng ta phải phân biệt chủ thể và khách thể. Như vậy, có thể so sánh thuyết của ông với thuyết của phái Duy Thức (Citta-matra) của Phật giáo, có cùng cách trình bày hai chân lý tuyệt đối và tương đối, tuy nhiên ông tránh không nói gì về nguyên nhân của nhận thức giác quan.

 Vậy điều hợp lý là các nhà khoa học nên quyết định giới hạn việc nghiên cứu của mình vào thế giới khách quan, tránh những ý tưởng gây khó khăn. Trong trường hợp này thì đối với khoa học không có cái gọi là “tâm” mà chỉ có hoạt động của hệ thần kinh. Nhưng cũng nên cảnh giác rằng sẽ có những người không hiểu đúng lập luận nói trên, rút ra những kết luận sai lầm vì thiếu bằng chứng khách quan của sự tương tác tâm và vật. Một thí dụ là trong cuốn sách của mình Jacques Monod nói: “Việc phân tích khách quan làm cho chúng ta phải thấy rằng cặp bài trùng bộ óc và tinh thần chỉ là ảo tưởng”. Những người như vậy không nhận thức được rằng vấn đề này ở ngoài tầm của phân tích khách quan.

 Có một điều đáng ghi nhận là một nhà khoa học khác, Franklin Merell-Wolff, do chứng ngộ thiền đã chấp nhận trọn vẹn quan điểm Duy Thức. Ông lập luận: “Có lẽ chỉ có kinh nghiệm là cung cấp lời giải thích về việc quy định giá trị thực tế cho vật liệu của khoa học vật chất, và đó là vật liệu này tương đối thông thường và bất biến đối với đại đa số người quan sát, và theo sự biết thông thường thì không một người nào có thể thành công trong việc làm như vật liệu này không có thật”.

Và ông giải thích “cái khách quan” là “một ảo giác tập thể được phóng chiếu từ vô thức tập thể”.

Nếu luật nhân quả sản sinh một hệ quả vật chất thì có lẽ đây là một sự tương tác tâm và vật. Theo lý luận của Schrodinger thì nhìn một cách khách quan, hệ quả phải tuân theo những quy luật khoa học thông thường. Thí dụ, trong khi đi qua một khu rừng, một người bị một cành cây lớn rơi trúng và bị chết. Lối giải thích khoa học là cành cây đó đã bị côn trùng ăn đục khoét dần cho đến khi nó không còn đủ sức để chịu sức nặng của chính mình, và vì vậy nó đã rơi xuống. Lời giải thích này là đúng và chúng ta được dạy là phải thỏa mãn với lối giải thích như vậy, chấp nhận rằng việc người đó ở phía dưới cành cây vào đúng lúc nó rơi xuống chỉ là một “ngẫu nhiên”. Người ta có một lối giải thích khác mà chúng ta sẽ gọi là “kỳ bí”. Có những người sẽ nói rằng người đó bị cành cây rơi trúng vì bị kẻ thù của mình làm hại bằng “pháp thuật”, còn một vị Lama Tây Tạng thì sẽ nói rằng đó là nghiệp quả của người ấy. Tất nhiên nghiệp quả này không hiện hữu một cách khách quan, ít nhất cũng là đối với người thường, vì vậy không phải là lối giải thích khoa học, nhưng nếu cho rằng tâm thức của người đó quả thật mang nghiệp cảm (một cách chủ quan, đối với người đó) có khuynh hướng thu hút một cái chết như vậy, chúng ta thấy là không có gì mâu thuẫn giữa lối giải thích khoa học và lối giải thích nghiệp quả và sự tương tác của tâm và vật hiển lộ trong thế giới khách quan như một sự ngẫu nhiên.

 Cũng giống như vậy, theo khoa học thì vào lúc thọ thai, cái trứng mang một nửa số “gien” của mẹ, được chọn một cách tình cờ trong mỗi cặp gien, và mỗi tinh trùng mang một nửa số gien của cha, cũng được chọn một cách tình cờ, và cái trứng có thể phối hợp với bất cứ một tinh trùng nào trong hàng ngàn tinh trùng, như vậy thể chất di truyền của đứa con được quyết định một cách tình cờ. Với những gien thích hợp có trong cha mẹ (điều này không có nghĩa là cha hay mẹ phải biểu lộ những đặc điểm này) đứa con có thể thông minh hay đần độn, da đen hay da trắng, nam hay nữ, mặt tròn hay mặt vuông v.v... nhưng đối với Phật giáo thì những đặc điểm này được quyết định bởi nghiệp báo vốn được mang trong dòng sinh mạng của đứa con từ những kiếp trước của nó. Chuỗi nhân quả từ những kiếp trước của đứa con có vẻ như lấn át chuỗi gien di truyền, nhưng cần phải hiểu rằng không có gì mâu thuẫn cả. Cách giải thích đặc điểm của đứa con bằng gien di truyền vàc cách giải thích nghiệp quả đều đúng. Cũng như trong thí dụ người bị cành cây rơi trúng, sự chọn gien di truyền có vẻ chỉ là một sự tình cờ trong thế giới khách quan, nhưng đối với Phật giáo thì đó là sự tương tác của tâm và vật. Chúng ta cần phải xét kỹ như vậy vì người ta thường nghĩ lầm rằng nếu thuyết nghiệp quả là đúng thì di truyền học phải sai. Có nhiều tác giả Phật giáo đã hiểu lầm di truyền học. Nhưng nếu hai lối giải thích này thực sự mâu thuẫn nhau thì nghiệp quả sẽ là lối giải thích mà chúng ta sẽ loại bỏ, vì sự xác thực của di truyền học đã được chứng minh sau nhiều năm nghiên cứu. Thật ra gien di truyền là phương diện vật chất của phương tiện mà luật nhân quả dùng để sinh ra quả chín mùi (vipaka-phala).

 Những trường hợp được xem là sự tương tác tâm và vật khác, như những hiện tượng siêu tâm lý học, cũng hiển lộ một cách khách quan như những sự kiện phù hợp với quy luật của khoa học vật chất nhưng được xem là “ngẫu nhiên. Nếu một nhà thấu thị như Edgar Cayee mô tả đúng những động tác của một người ở cách xa một nửa lục địa, không ai nghi ngờ là những lời nói của ông không phát ra một cách thông thường qua tín hiệu của bộ óc vận động những bắp thịt phát âm, những động tác của người kia cũng được vận động như vậy, nhưng điều đặc biệt ở đây là lời mô tả của Cayee “ngẫu nhiên” phù hợp với động tác của người đó.

 Jacques cũng nói rằng sự tiến hóa của các loài sinh vật được quyết định bởi sự biến đổi gien mà theo quy luật của Cơ Học Lượng Tử và theo tính chất ngẫu nhiên của kết quả của sự biến đổi đó thì chỉ là những sự kiện thuần túy tình cờ. Ai có thể nói là ở đây cũng không có sự tham dự của tâm thức?

 Vì sinh học và thuyết nhân quả không mâu thuẫn nhau nên không có lý do gì để Phật giáo bác bỏ ý kiến cho rằng có sự di truyền về gien của những tính chất tâm trí nào đó, thí dụ như trí thông minh, vì có những người nhớ lại trong kiếp trước mình đã có trí thông minh ít nhiều nên có thể nói rằng sự khác biệt về trí thông minh giữa mọi người là điều có thật một cách chủ quan. Đa số thú vật rất kém thông minh so với đa số loài người, vì vậy có thể nói rằng những đặc điểm thể xác có ảnh hưởng đến khả năng tâm trí. Như vậy rõ ràng tiềm năng thông minh do gien di truyền là một phần của nghiệp quả.

 Tuy nhiên, một lời giải thích dựa theo luật nhân quả có thể sai lầm và có thể bị phản chứng minh. Luận sư Aryasura (thế kỷ thứ tư) viết: “Dù thiếu trí lực, khờ dại, và không có sự hướng dẫn, bất cứ trẻ sơ sinh nào cũng tìm sự ăn uống và cố gắng bú sữa mẹ. Đây là tập khí từ kiếp trước”.

 Những hoạt động theo bản năng như sự bú sữa, ăn uống, tiêu hóa, bài tiết, và hít thở của trẻ sơ sinh đều được dùng làm bằng chứng của kiếp trước, với lý luận cho rằng không thể giải thích được những hoạt động này ngoài điều chúng là thói quen của kiếp trước. Chúng được xem là những hệ quả giống với nguyên nhân (đẳng lưu quả, nisyanda-phala), và không phải là những đặc điểm được sự di truyền quyết định, hay quả chín mùi (dị thục quả, vipaka-phala), nhưng nếu hành vi theo bản năng không do cha mẹ di truyền thì như vậy những cá thể của cùng một loài sẽ có những hành vi bản năng khác nhau, tương ứng với kiếp trước khác nhau của chúng; nhưng thật ra thú vật, đặc biệt là côn trùng, thường được nhận thấy là có những hành vi bản năng rất phức tạp, được biểu lộ bởi tất cả những cá thể của chủng loại, và khác với hành vi của những loài khác. Lối thở, tiêu hóa v.v... cũng khác nhau giữa các loài. Những sự kiện này phù hợp với lối giải thích theo sự di truyền gien của những mô thức hành vi, và không phù hợp với lối giải thích “tập khí”. Lối giải thích cơ học về sự thở v.v..., theo di truyền là đủ, vì xét rằng người ta có thể chế tạo một cái máy biết làm tất cả những hoạt động này mà không cần phải có “thói quen từ kiếp trước”.

 Từ lý luận của Schrodinger, chúng ta cũng có thể thấy tại sao luật nhân quả nói chung lại sâu xa và khó hiểu như vậy. Để hiểu tiến trình tương tác của tâm và vật và phương diện vật chất của nó, chúng ta cần phải hiểu cả chân lý tuyệt đối lẫn chân lý tương đối, chân đế và tục đế, theo quan điểm của phái Duy Thức; và để hiểu cả hai cùng lúc thì đó là một việc mà chỉ có một vị Phật mới có thể làm nổi. Dù không đòi hỏi giác ngộ trọn vẹn, việc đó vẫn là khó.

 

---o0o---