Phần 1

14 Tháng Bảy 201611:31 CH(Xem: 3238)
Phần 1
LỜI PHẬT DẠY 
TRONG KINH TẠNG NIKAYA 
TẬP 1
Thích Quảng Tánh 
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo

PHẦN 1

 

LỢI ÍCH CỦA LÒNG TIN

 

Một thời Thế Tôn ở Vesàli, gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có năm lợi ích này cho thiện nam tử có lòng tin. Thế nào là năm ?

Các Thiên nhân, các Chân nhân, trước hết có lòng thương tưởng đến các vị có lòng tin, không có như vậy đối với các vị không có lòng tin.

Khi đến thăm, trước hết họ đến thăm những vị có lòng tin, không có như vậy đối với người không có lòng tin.

Khi chấp nhận thọ thực, họ chấp nhận trước hết những vị có lòng tin, không có như vậy đối với những vị không có lòng tin.

Họ thuyết pháp trước hết cho những người có lòng tin, không cho những người không có lòng tin.

Người có lòng tin, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, cõi trời.

Những pháp này, này các Tỷ kheo, là năm lợi ích cho thiện nam tử có lòng tin.

Ví như, này các Tỷ kheo, trên khoảnh đất tốt, tại ngả tư đường, có cây bàng to lớn là chỗ nương tựa cho các loài chim. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, các thiện nam tử có lòng tin là chỗ nương tựa cho quần chúng, cho các Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, cho nam cư sĩ và nữ cư sĩ.

(ĐTKVN(*)Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Sumana, phần Sự lợi ích của lòng tin, VNCPHVN(**) ấn hành 1996, tr.369)

 

LỜI BÀN:

Lòng tin, theo Phật giáo phải là chánh tín, tịnh tín tức niềm tin sau khi đã được kiểm chứng bởi trí tuệ. Niềm tin mà hời hợt, mơ hồ và dễ dãi đồng thời thiếu hiểu biết về nó chính là mê tín. Vì thế, đã tin phải hiểu và hiểu để củng cố, tăng trưởng niềm tin là điều không thể thiếu đối với chánh tín Phật giáo.

Trước hết, hàng Phật tử phải thiết lập được niềm tịnh tín đối với Tam bảo, Bởi chỉ có ánh sáng của Tam bảo mới đủ năng lực xua tan bóng tối của vô minh, dập tắt tham ái và đoạn tận khổ đau. Đỉnh cao của lòng tin là tín tâm, tin tưởng tuyệt đối vào bản tâm thanh tịnh, tự tánh giác ngộ hằng hữu nơi chính bản thân mình. Từ đó nỗ lực tu tập làm hiển lộ chơn tâm sáng suốt, thể nhập chân lý.

Khi đã có lòng tin, người cư sĩ được năm lợi ích. Đó là: được chư tôn thiền đức thương tưởng, thăm viếng, đến nhà thọ trai, thuyết pháp và khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi trời. Đặc biệt, chính niềm tịnh tín là “chỗ nương tựa cho quần chúng, cho các Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, cho nam cư sĩ và cho nữ cư sĩ”.

Đức tin là mẹ của tất cả công đức, là nền tảng để phát sanh mọi thiện pháp. Vì vậy, nếu chưa có lòng tin thì phải thiết lập, khi đã phát khởi được tịnh tín rồi thì củng cố và trau giồi để niềm tin thêm kiên cố. Chánh tín và tịnh tín Tam bảo là một trong những vấn đề quan yếu mà mỗi người con Phật phải thành tựu để làm cơ sở cho việc tu học, lợi mình lợi người. Trong bối cảnh khủng hoảng về niềm tin, hoài nghi các giá trị đạo đức, chạy theo thực dụng như hiện nay thì hơn lúc nào hết hàng Phật tử phải tin sâu lời Phật dạy để sống hướng thiện, vị tha, an vui và giải thoát, đồng thời góp phần bảo lưu gìn giữ những chuẩn mực đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc.

____________

(*) Đại tạng kinh Việt Nam

(**) Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

 

 

BIỂU HIỆN CỦA LÒNG TIN

 

Một thời Thế Tôn trú tại Gomagga, trong khu rừng Simsapà, dạy các Tỷ kheo:

Do ba sự kiện này, này các Tỷ kheo, một người được biết là có lòng tin. Thế nào là ba ?

Ưa thấy người có giới hạnh; ưa nghe diệu pháp; với tâm lý không cấu uế xan tham, sống trong nhà, bố thí rộng rãi với bàn tay sạch sẽ, thích thú sự từ bỏ, sẵn sàng khi được yêu cầu, thích phân phát vật bố thí.

Do ba sự kiện này, này các Tỷ kheo, một người được biết là có lòng tin.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Nhỏ, phần Sự kiện, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.268)

 

LỜI BÀN:

Lòng tin, niềm tịnh tín Tam bảo là nhân tố quan trọng cần phải thành tựu để làm nền tảng cho sự tu tập, hướng thiện. Niềm tin vốn tiềm ẩn trong lòng với các phương diện rộng hẹp và mức độ sâu cạn khác nhau. Vì thế, dựa vào những biểu hiện của tu học trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người có thể kiểm nghiệm lại niềm tin của chính mình hoặc có thể dánh giá niềm tin của người khác.

Trước hết, biểu hiện cụ thể của lòng tin là tôn trọng và thực hành các chuẩn mực, giá trị đạo đức. Khi một người hâm mộ, ca ngợi và kính ngưỡng người có giới hạnh (đạo đức), chứng tỏ người ấy đang hướng thiện, mong muốn làm bạn với thiện, sợ hãi những điều ác, tin sâu nhân quả. Sự thân cận, quý kính các bậc chân tu, luôn quan tâm đến vấn đề “người tốt, việc tốt” trong xã hội để học tập, noi gương là biểu hiện của người có lòng tin.

Niềm tin của những người con Phật, theo tuệ giác của Thế Tôn, luôn song hành với hiểu biết. Muốn tin sâu, tin chắc phải hiểu rõ giáo pháp, mở mắt ra để thấy rõ rồi tin mới là chánh tín, tịnh tín. Do vậy, thích thú nghiên tầm kinh điển, say mê học hỏi giáo pháp nhằm hiểu biết sâu sắc hơn lời Phật dạy và ứng dụng vào cuộc sống để được những lợi ích, an vui là biểu hiện thứ hai của lòng tin.

Khi hiểu rõ diệu pháp, thấy được sự mong manh của kiếp người, cuộc đời nên nguyện không nắm giữ, chấp thủ và xả ly. Bố thí, cho, buông bỏ, xả…..hết thảy một cách hoan hỷ, tự nhiên vì thấy rõ chẳng có gì xứng đáng để nắm giữ. Sống là cho, là phụng hiến chính là minh triết cao cả và thánh thiện của những tâm hồn tịnh tín. Chỉ những ai thành tựu được niềm tin bất động vào Tam bảo mới làm được điều thí xả trọn vẹn này.

Thì ra, niềm tin tuy ở trong lòng nhưng cũng dễ thấy qua những biểu hiện, hành xử trong cuộc sống. Và quan trọng hơn, thành tựu được niềm tin cũng chính là thành tựu tuệ giác. Chính vì vậy, kinh Hoa Nghiêm nói: “Niềm tin là mẹ của mọi công đức”.

 

CHÁNH TÍN

 

Một thời Thế Tôn du hành giữa dân chúng Kosala, tại thị trấn của người Kàlàmà, ở Kesaputta. Rồi các người Kàlàmà đi đến đảnh lễ, ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:

Có một số Sa môn, Bà là môn, bạch Thế Tôn, đi đến Kesaputta. Họ làm sáng tỏ và là chói sáng quan điểm của mình nhưng họ lại bài xích, khinh miệt, chê bai và xuyên tạc quan điểm của người khác. Chúng con có những nghi ngờ và phân vân trong những vị này, ai nói sự thật, ai nói sai sự thật ?

Này các Kàlàmà, chớ vội tin vì nghe truyền thuyết, chớ vội tin vì theo truyền thống, chớ vội tin vì được kinh điển truyền tụng, chớ vội tin vì lý luận siêu hình, chớ vội tin vì đúng theo một lập trường, chớ vội tin vì phù hợp với định kiến, chớ vội tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền và chớ vội tin vì vị Sa môn nói ra những lời ấy là bậc đạo sư của mình.

Này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là bất thiện, là tội lỗi; các pháp này bị những người có trí chỉ trích; các pháp này nếu chấp nhận và thực hiện đưa đến bất hạnh và khổ đau, thì này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng.

Này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là thiện, là không có tội lỗi; các pháp này được những người có trí tán thán; các pháp này nếu chấp nhận thực hiện đưa đến hạnh phúc và an lạc, thì này Kàlàmà, hãy chứng đạt và an trú.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Lớn, phần các vị ở Kesaputta, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.336)

 

LỜI BÀN:

Thói thường của con người là phàm cái gì vốn của ta, có liên hệ đến ta thì bao giờ cũng tối thắng. Bóng đen của tự ngã luôn bao trùm, che lấp làm chướng ngại sự thể nhập chân lý đồng thời là cội nguồn dẫn đến mọi khổ đau. Vì thế, nỗ lực để làm sáng tỏ quan điểm, lập trường của mình nhằm phát huy cái ta và cái của ta là chuyện bình thường vốn dĩ của thế gian. Tuy nhiên, song hành với việc bảo vệ quan điểm của mình là hành vi lên án, bài xích và khinh miệt qua điểm của người khác, nhất là những quan điểm tiến bộ là một điều tệ hại; biểu hiện rõ nét của chấp ngã, cuồng tín và vô minh.

Theo tuệ giác Thế Tôn, đối với mọi quan điểm, tư tưởng nên thận trọng, chớ vợi tin, cần hoài nghi và xét lại tất cả. Dù nghi ngờ là một trong những phiền não là chướng ngại thánh đạo nhưng trong nhận thức, hoài nghi là một biểu hiện của trí tuệ vì “đại nghi tức đại ngộ”. Sau hoài nghi mới đi đến niềm tin vững chắc là lộ trình của chánh tín và tịnh tín của những người con Phật. Nếu không được nghi, không được xét lại, chỉ nhắm mắt tin theo thì niềm tin ấy chỉ là mê tín, vô cùng ngây dại và tăm tối.

Trong quan niệm của mình, Thế Tôn chưa bao giờ phán quyết rồi bắt buộc mọi người phải cúi đầu tin theo, đồng thời luôn cho phép và khuyến khích hàng đệ tử đem ra thảo luận, bàn bạc những lời dạy của Ngài. Niềm tin về giáo pháp của hàng đệ tử được thành tựu sau khi quán sát, tư duy và chiêm nghiệm. Đặc biệt là khi rõ biết về điều đó là thiện, không có tội lỗi, thực hành đem đến hạnh phúc, an vui và nhất là trên bình diện nhận thức được những người trí chấp nhận thì hãy tin theo, chứng đạt và an trú, nếu ngược lại thì dứt khoát từ bỏ.

Niềm tin phải đi liền với trí tuệ mới là chánh tín. Cho nên người con Phật không vội tin bất cứ điều gì, họ chỉ tin sau khi thực hành và điều đó mang đến hạnh phúc, an vui cho mình và người, trong hiện tại và mai sau.

 

LÒNG TIN LÀ TÀI SẢN TỐI THƯỢNG

 

Một thời Thế Tôn trú ở Àlavi, tại trú xứ của Dạ xoa Alavakka. Rồi Dạ xoa đi đến và nói với Thế Tôn:

Này Sa môn, ta sẽ hỏi ông một câu. Nếu ông không trả lời ta được, ta sẽ làm tâm ông điêu loạn, hay ta sẽ làm ông bể tim, hay nắm lấy chân, ta sẽ quăng ông qua bờ bên kia sông Hằng.

Này Hiền giả, Ta không thấy một ai ở chư Thiên, Ma giới, Phạm thiên hay với chúng Sa môn, Bà la môn và loài người có thể làm tâm Ta điên loạn hay làm bể tim Ta, hay nắm lấy chân quăng Ta qua bờ bên kia sông Hằng. Tuy vậy, này Hiền giả, hãy hỏi đi, nếu ông muốn.

Này Sa môn: “Cái gì đối với người, là tài sản tối tối thượng ? Cái gì khéo hành trì, đem lại chơn an lạc ? Cái gì giữa các vị, là vị ngọt tối thượng ? Phải sống như thế nào, được gọi là sống tối thượng ?”

Này Hiền giả: “Lòng tin đối với người, là tài sản tối thượng. Chánh pháp khéo hành trì, đem lại chơn an lạc. Chân lý giữa các vị, là vị ngọt tối thượng. Phải sống với trí tuệ, được gọi là sống tối thượng”.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 10, phần Àlavi, VNCPHVN ấn hành 1993, tr.471)

 

LỜI BÀN:

Con người sống trên đời thường mong ước có được nhiều thứ như tài sản, danh vọng, hạnh phúc v.v… Thế nhưng, khi được hỏi trong những thứ ấy cái nào là tối thượng thì đa phần điều lúng túng vì mong ước của con người vốn vô hạn, không có điểm dừng. Đa phần, với những ai chín chắn và bình tâm thì trả lời một cách nôm na rằng: Những gì đáp ứng được nhu cầu cần thiết nhất trong hiện tại là tối thượng.

Dạ xoa Alavikka cũng sở hữu được nhiều thứ nhưng vẫn chưa thoả mãn tham vọng và kiêu căng vốn dĩ của mình, giận dữ vì không biết cái gì là tối thượng để sở hữu, manh tâm chiếm đoạt.

Trong các thứ tài sản, theo tuệ giác Thế Tôn, thì lòng tin là tối thượng. Quan niệm này kể ra cũng lạ nhưng nếu lắng lòng chiêm nghiệm lời Phật thì trực nhận rằng tài sản chỉ là cái đến sau, là kết quả của lòng tin. Bởi “đức tin là mẹ của các công đức”, có lòng tin thì có được tất cả.

Làm gì để được an vui lâu dài cũng là một vấn nạn lớn ? Vì niềm vui mà con người có được thì khá nhiều nhưng tất cả đều tạm bợ, qua nhanh đồng thời niềm vui ấy rất khó tìm nhưng dễ mất. Với Thế Tôn, chỉ có thực hành Chánh pháp mới có thể được hạnh phúc lâu dài.

Vị ngọt của cuộc đời cũng rất nhiều nhưng đa phần đều tựa như chút mật dính trên lưỡi dao, người tham chút mật ngọt ấy sẽ khó tránh được tai họa đức lưỡi. Đằng sau cái hương vị ngọt ngào ấy luôn là cạm bẫy và hiểm nguy rình rập. Cũng vì chạy theo vị ngọt của cuộc đời mà không ít người thân bại, danh liệt thậm chí tán thân, thất mạng. Ngược lại, hạnh phúc của chứng nghiệm chân lý tức giải thoát và giác ngộ thì vĩnh cữu, an lành nên được gọi là vị ngọt tối thượng.

Để có được một đời sống đúng nghĩa thì chỉ có sống với trí tuệ và minh triết. Vì lẽ, nếu thiếu vắng trí tuệ thì không thể gọi là đời sống cao, văn minh dù vật chất đầy đủ. Mặt khác, chỉ có trí tuệ mới đủ năng lực chế ngự khổ đau, phá tan tà kiến, đạt được tự chủ và tự tại.

Vì vậy, mỗi người con Phật phải nhận ra chân giá trị của cuộc sống để có lòng tin, thực hành Chánh pháp, phát huy trí tuệ và chứng nghiệm giải thoát.

 

CHỈ TIN MỘT NGƯỜI

 

Một thời Thế Tôn ở Kimbilà, tại Veluvana, dạy các Tỷ kheo:

Có năm nguy hại này, này các Tỷ kheo, trong lòng tịnh tín đối với một người. Thế nào là năm ?

Này các Tỷ kheo, người nào được một người tịnh tín, rồi người ấy phạm lỗi và chúng Tăng tùy theo lỗi đã phạm ngưng chức người ấy, bắt người ấy xuống ngồi cuối. Lại nữa, người nào được một người tịnh tín, rồi người ấy đi đến nơi khác hoặc người ấy bị loạn tâm hay người ấy bị mạng chung.

Người này suy nghĩ: “Người mà ta ái mộ, ưa thích, nay người ấy bị chúng Tăng ngưng chức, bị bắt xuống ngồi cuối; nay người ấy đã đi xa, bị loạn tâm, bị mạng chung” và người này không còn tịnh tín với các Tỷ kheo. Do không còn liên hệ với các Tỷ kheo khác, người này không nghe diệu pháp, do không nghe diện pháp nên người này thối đọa khỏi chánh pháp.

Này các Tỷ kheo, đây là năm nguy hại đối với việc chỉ tịnh tín đối với một người.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Ác Hành, phần Tịnh tính đối với một người [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.745)

 

LỜI BÀN:

Đức tin vào Tam bảo, nhất là tin Tăng được xem là một yếu tố quan trọng của niềm tịnh tín, là tăng trưởng phước báo và thăng hoa tinh thần của tự thân. Tăng là một đoàn thể thanh tịnh và hòa hợp, tin Tăng đúng nghĩa là gởi trọn niềm tin vào đoàn thể ấy. Dựa trên niềm tin Tăng bảo, một Phật tử có thể thân cận, gần gũi để được hướng dẫn và tu học với một vị xuất gia. Thế nhưng chỉ tin vào một vị Tăng duy nhất và gần như phớt lờ với Tăng già, đó là điều nguy hại.

Cộng đồng xuất gia ngày nay chưa thể gọi là rốt ráo thanh tịnh, bởi một số vị chưa làm tròn bổn phận xuất gia của mình. Sự thật này tuy ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của chư Tăng nói chung nhưng đó là việc cá nhân, không hề liên hệ đến bản thể Tăng già vốn thanh tịnh và hòa hợp. Cũng chính vì thế mà hiện tộn tại hiện tượng một số người (có thể chưa hiểu sâu sắc về giáo lý hay do sự hướng dẫn thiên kiến của thầy mình) chỉ tin vào một người duy nhất là thầy của tôi, sư phụ của tôi, chân sư của tôi…. và đánh mất niềm tinh Tăng già.

Cách tin này dễ rơi vào sự sùng kính thái quá đến mê muội, khó tránh khỏi chấp thủ cho người tin và làm tăng tự mãn đối với người được kính tin. Theo tuệ giác của Thế Tôn, đó là những nguy hại. Bởi tkhi chỉ đặt niềm tin vào một người, rồi người ấy chẳng may thăng trầm, suy thịnh theo lẽ vô thường, dẫn đến chao đảo, hụt hẫng, mất nơi nương tựa tinh thần và thối đọa trong Chánh pháp.

Vì thế, người con Phật phải xây dựng niềm tin, sự kính trọng vào Tăng bảo. Thầy của mình chỉ là một chiếc lá của cây Tăng, một tế bào của cơ thể Tăng. Cây Tăng luôn to lớn, cành lá xum xuê, gốc rễ bền chặt. Chiếc lá có thể vàng úa và rụng rơi nhưng đại thọ kia thì luôn vững chãi. Bỏ quên cây lớn để nắm bắt chiếc lá là một thiệt thòi, lầm tưởng chiếc lá là đại thụ lại càng đáng thương hơn. Và đây cũng là điều mà hàng sơ học cần suy tư để thành tựu niềm tịnh tín Tăng bảo.