TRONG KINH TẠNG NIKAYA
TẬP 1
Thích Quảng Tánh
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo
PHẦN 2
PHƯỚC BÁO THÙ THẮNG CỦA BỐ THÍ
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Sumanà, con gái vua cùng năm trăm thiếu nữ hộ tống, đi đến đảnh lễ và bạch Thế Tôn:
Ở đây, bạch Thế Tôn, có hai đệ tử của Thế Tôn đồng đẳng về tín, đồng đẳng về giới, đồng đẳng về tuệ, một có bố thí, một không bố thí. Sau khi thân hoại mạng chung thì giữa hai vị ấy được sanh lên cõi trời hoặc sanh lại cõi người thì giữa hai vị ấy, có sự đặc thù gì, có sự sai khác gì ?
Có sự sai biệt, này Sumanà !
Người có bố thí, khi được làm một vị trời hoặc được là người đều vượt qua người không bố thí trên năm phương diện. Đó là thọ mạng, nhan sắc, an lạc, danh xưng và tăng thượng. Người có bố thí, này Sumanà, khi được làm vị trời hoặc được làm người đều vượt qua người không bố thí về năm phương diện này.
(ĐTKVN, Tăng Chi II, chương 5, phẩm Sumanà, phần Con gái vua, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.351)
LỜI BÀN:
Trong cuộc sống thường xảy ra trường hợp cùng một công việc, cùng một thời điểm và những người thực hiện công việc ấy vốn có tài sức ngang ngữa nhau, thế nhưng có người thành công rực rỡ và có người lại thành công rất kiêm tốn, thậm chí thất bại. Đối với những người không thành công, đa phần tự an ủi mình bằng lập luận ta chưa tới thời hoặc ca cẩm rằng: “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Ít ai ngờ rằng, nhân tố tiềm ẩn chi phối sự thành công hay thất bại của mỗi người chính là phước báo của chính họ, do tu tập bố thí trong quá khứ và ngay trong hiện tại.
Theo tuệ giác Thế Tôn, nếu hai người tu tập với niềm tịnh tín Tam bảo, giới đức và trí tuệ ngang nhau nhưng có sự chênh lệch về công hạnh bố thi tất nhiên người tu tập về bố thí nhiều hơn sẽ gặt hái những phước báo, vượt rất xa người ít hoặc không tu tập về bố thí. Sự vượt thắng này xảy ra trên năm phương diện thọ mạng, nhan sắc, an lạc, danh xưng và tăng thượng. Vì thế, người Phật tử tu tập Giới – Định – Tuệ phải song hành và phát huy hơn nữa công hạnh bố thí. Đỉnh cao của bố thí là Bố thí Ba la mật, bình đẳng, vô điều kiện và vô ngã. Tu tập bố thí sẽ góp phần thiết thực đem lại hạnh phúc, an vui cho tha nhân và để trang nghiêm phước báo của tự thân.
Phước báo sống thọ và khỏe mạnh, nhan sắc dễ nhì và khả ái, đời sống an vui, có danh phận rỡ ràng, mọi điều vốn tốt đẹp lại càng tốt đẹp thêm (tăng thượng) là mơ ước của mọi người. Do vậy, người con Phật sống và tu tập theo lời Phật dạy luôn thực hành bố thí và cúng dường để đời sống hiện tại và mai sau được hạnh phúc, an lạc như ý.
BỐ THÍ VÀ CÚNG DƯỜNG NHƯ PHÁP
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, mẹ của Nanda, nữ gia chủ người Velukandaki làm một thí vật gồm có sáu phần cúng dường chúng Tăng. Bấy giờ, Thế Tôn với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhiên thấy mẹ của Nanda làm một thí vật gồm sáu phần liền bảo các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có ba phần thuộc về người bố thí và có ba phần thuộc về người nhận vật phẩm bố thí. Thế nào là ba phần thuộc về người bố thí ? Này các Tỷ kheo, người bố thí, trước khi bố thí, ý được vui lòng; trong khi bố thí, tâm được tịnh tín; sau khi bố thí, cảm thấy hoan hỷ. Đây là ba phần của người bố thí. Thế nào là ba phần của người nhận phẩm vật bố thí ? Ở đây này các Tỷ kheo, những người nhận phẩm vật bố thí, đã được ly tham hay đang thực hành hạnh ly tham; đã được ly sân hay đang thực hành hạnh ly sân; đã được ly si hay đang thực hành hạnh ly si. Đây là ba phần của người nhận phẩm vật bố thí. Như vậy, này các Tỷ kheo, đây là thí vật có sáu phần.
Này các Tỷ kheo, công đức của thí vật sáu phần thật vô lượng: “Là nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện, món ăn an lạc, thuộc Thiên giới, là quả lạc dị thục, dẫn đến cõi trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, hạnh phúc và an lạc”.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, phẩm Chư thiên, phần Bố thí, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.91)
LỜI BÀN:
Bố thí và cúng dường là pháp tu phổ biến của hàng Phật tử. Tuy nhiên, để đạt được sự bố thí và cúng dường đúng như pháp là việc không phải dễ dàng đối với người thí và người thọ thí.
Người thí chủ thực hành bố thí và cúng dường trước hết phải xuất phát từ sự hân hoan, hoàn toàn tự giác và tự nguyện. Phát tâm bố thí và cúng dường phải đứng trên nền tảng tịnh tín. Bởi lẽ, nếu thiếu tịnh tín thì việc làm cao cả ấy sẽ lệch hướng, chỉ nuôi lớn lòng ngã mạn và thấy rằng ta là kẻ ban ơn. Vì “của cho không bằng cách cho”, do vậy chưa hẳng nhiều tiền lắm của mà thực hành được tịnh thí. Mặt khác, tu tập bố thí và cúng dường phải thành tựu hoan hỷ, vui vẻ khi đem niềm vui đến cho người. Đây là ba yếu tố cơ bản người thí chủ cần tu tập để đạt được sự bố thí và cúng dường như pháp.
Đối với chúng Tăng, những người thọ thí, lại càng phải nỗ lực để hoàn thiện tự thân hơn vì bao giờ “của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Nếu không trau giồi, tu sửa thân tâm, đoạn trừ phiền não thì “tín thí nan tiêu”. Sự thọ nhận càng nhiều chỉ mang nợ đàn na thí chủ càng lớn nếu không tạo ra công đức để hồi hướng cho thí chủ. Vì vậy, song hành với tịnh thí của người thí chủ thì người thọ nhận phẩm vật bố thí, cúng dường phải đạt được sự tịnh thọ, tức sự thọ nhận với tâm thanh tịnh, tâm của người nhận đã và đang đoạn tận tham lam, sân hận và si mê.
Do đó, để việc bố thí và cúng dường như pháp, đạt được lợi ích lớn, công đức vô lượng thì ngưòi thí chủ và người thọ thí phải tành tựu “thí vật có sáu phần” như lời Đức Phật đã dạy.
TƯƠNG QUAN GIỮA CHO VÀ NHẬN
Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn vào buổi đắp y, cầm bát đi đến trú xứ của gia chủ Ugga, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Gia chủ Ugga đi đến đảnh lễ, ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ miệng Thế Tôn: “Ai cho vật khả ý thì nhận được điều khả ý”. Vì thế, con có nấu cháo từ hoa cây sàla và rất nhiều loại món ăn thật là khả ý; con có nhiều loại vải dệt từ Kàsi thật là khả ý. Mong Thế Tôn hãy nhận lấy vì lòng từ ái đối với chúng con.
Thế Tôn nhận lời và nói với Ugga bài kệ tùy hỷ này: “Ai cho vật khả ý, nhận được điều khả ý, đối với bậc Chánh trực, vui lòng đem bố thí, vải mặc và giường nằm, ăn uống các vật dụng, biết được bậc La hán, được ví là phước điền, nên các bậc Chân nhân, thí những vật khó thí, được từ bỏ giải thoát, không làm tâm đắm trước, người thí vật khả ý, nhận được điều khả ý”.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Vua Munda, phần Cho các vật khả ý, VNCPHVN ấn hành 1996, tr. 382)
LỜI BÀN:
Cho người thực ra đó là cho mình là một nhận thức quen thuộc của những người con Phật. Vì thế, ngoài tấm lòng từ bi bao dung, độ lượng đối với tha nhân, người Phật tử thực hành bố thí với mục đích nhằm vun bồi phước báo cho chính mình.
Thi ân, sẵn sàng cho đi mà không cầu đền đáp là một phạm trù vốn rất xa lạ và khó làm đối với những người vị kỷ, keo kiệt. Càng khó khăn hơn đối với họ khi phải cho những vật khả ý, tức những vật mà mình yêu thích. Đa phần, những đồ vật đem cho thường là những vật thừa thãi, vô dụng nhưng “xả” được như vậy đối với họ cũng là quý hóa lắm rồi.
Người Phật tử thì không như vậy, cho người là một nhiệm vụ, một nghĩa cử thiêng liêng. Vì thế, họ sẵn sàng ban tặng những gì mà chúng sanh cần, kể cả những vật khả ý thậm chí dâng hiến cả thân mạng vốn là một tài sản bất khả xâm phạm. Cho những gì mình thích, mình trân quý mới thực sự là cách cho trọn vẹn và khó làm nhất.
Để đạt được cách cho cao cả như vậy không phải người nào cũng làm được mà phải có trí tuệ, thấu hiểu bản chất cảu cuộc đời là vô thường và vô ngã. Chính tuệ giác vô ngã đã soi sáng cho hành động bố thí thông thường tiến đến Bố thí Ba la mật, một sự ban tặng mà vô cầu, vô điều kiện và vô phân biệt.
Tuy vô cầu, vô điều kiện và vô phân biệt trong khi cho nhưng phước báo của người cho vẫn tròn đủ. Nhân quả trong bó thí rất bình đẳng và đạt đến đỉnh cao nếu người tu tập bố thí đạt đến trình độ Bố thí Ba la mật. Vì vậy, hãy cho tất cả để có được tất cả là lý tưởng, phương châm sống của người con Phật.
BỐ THÍ VỚI TÂM RỘNG LỚN
Một thời, Thế Tôn ở Campà, trên bờ hồ Gaggara. Bấy giờ có nhiều cư sĩ ở Campà cùng Tôn giả Sàriputta đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:
Có thể, bạch Thế Tôn, ở đây có hạng người bố thí như vậy, không được quả lớn, không được lợi ích lớn. Nhưng bạch Thế Tôn, ở đây có hạng người bố thí như vậy, được quả lớn, được lợi ích lớn.
Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì có hạng người bố thí như vậy, không được quả lớn, không được lợi ích lớn và do nhân gì, do duyên gì có hạng người bố thí như vậy, được quả lớn, được lợi ích lớn ?
Ở đây, này Sàriputta, có người bố thí với tâm mong cầu, bố thí với tâm trói buộc (về kết quả), bố thí với ý nghĩ “tôi sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau”. Vị ấy bố thí như vậy, khi thân hoại mạng chung được cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Tứ Thiên Vương. Khi nghiệp lực được đoạn tận, thần lực, danh tiếng và uy quyền đoạn tận thì trở lui trạng thái này.
Nhưng ở đây, này Sàriputta, có người bố thí với tâm không mong cầu, bố thí với tâm không trói buộc, bố thí không với ý nghĩ “ta sẽ hưởng thọ cái này ở đời sau”, chỉ bố thí với ý nghĩ “lành thay sự bố thí”. Vị ấy bố thí để trang nghiêm tâm. Do bố thí như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Phạm Chúng. Khi nghiệp lực đoạn tận, thần lực, danh tiếng và uy quyền đoạn tận, vị ấy trở thành vị Bất lai, không trở lui lại trạng thái này.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 7, phẩm Tế đàn, phần Bố thí, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.355)
LỜI BÀN:
Bố thí là một pháp tu quan trọng, phổ biến, dễ thực hành đối với hàng Phật tử nhằm cả thiện và tăng thượng phước báo cho tự thân. Bố thí có nhiều chủng loại, pháp thức, mục đích và tâm nguyện khác nhau. Do vậy, cùng tu tập về bố thí nhưng tùy mục đích và tâm nguyện của mỗi người mà có kết quả, phước báo sai biệt.
Điều mà ai cũng biết là bố thí sẽ mang lại phước báo tốt lành trong hiện tại và mai sau. Tuy nhiên, ngoài việc mong cầu phước báo, bố thí còn là một hình thức của tu tập về xả, nhằm đoạn tận chấp thủ và đạt đến ly tham. Do vậy, hành giả tu tập bố thí phải nỗ lực để vươn tới đỉnh cao Bố thí Ba la mật. Bố thí Ba la mật là một hình thức bố thí siêu việt chủ thể và đối tượng. Ở đây, hoàn toàn vắng mặt tác ý phân biệt về người cho, người được cho và cái đem cho đồng thời siêu việt cả kết quả, nhờ đó công đức trở thành vô lượng.
Theo tuệ giác Thế Tôn, nếu bố thí với hữu tâm, có điều kiện thì gặt được phước báo hữu hạn. Đó là phước báo đầy đủ, sung mãn của cõi trời Tứ Thiên Vương, thuộc Dục giới. Nhưng nếu bố thí vô tâm, không điều kiện, chỉ “lành thay, sự bố thí” thì được sanh vào Phạm Chúng thiên, thuộc sắc giới. Và điều đáng lưu tâm ở đây là khi hết phước báo ở cõi trời thì người bố thí hữu tâm sanh lại cõi người, trong khi đó người bố thí vô tâm sẽ chứng đắc Đệ tam Thánh quả A na hàm, trở thành vị Bất lai, không còn đọa lạc.
Vì thế, tu tập bố thí muốn đạt được lợi ích lớn và kết quả lớn thì tâm phải rộng lớn, không mong cầu, không trói buộc, vô tâm; bởi chỉ có vô tâm mới đạt được công đức, phước báo vô lượng.
CỘI PHƯỚC
Một thời, Thế Tôn trú tại Gomagga, trong khu rừng Simsapà, dạy các Tỷ kheo:
Do sự có mặt của ba pháp, này các Tỷ kheo, một thiện nam tử có lòng tin tạo ra nhiều phước. Thế nào là ba ?
Do sự có mặt cả lòng tin, này các Tỷ kheo, một thiện nam tử có lòng tin tạo ra nhiều phước. Do sự có mặt của vật bố thí, này các Tỷ kheo, một thiện nam tử có lòng tin tạo ra nhiều phước. Do sự có mặt của các vị xứng đáng cúng dường, này các Tỷ kheo, một thiện nam tử có lòng tin tạo ra nhiều phước.
Do sự có mặt của ba pháp này, này các Tỷ kheo, một thiện nam tử có lòng tin tạo ra nhiều phước.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Nhỏ, phần Sự có mặt, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.268)
LỜI BÀN:
Vô phước thì vô phần là quan niệm phổ biến trong dân gian. Những ai từng trải nghiệm trong đời hẳn thấy rõ tầm quan trọng của phước báo, bởi lẽ dù cho tài trí đến mấy mà thiếu phước thì chưa chắc đã thành công. Phước báo của mỗi người giống như cây cối có gốc rễ, thân cành và hoa trái. Vì thế cây phước cần phải tưới tẩm, chăm bón và vun trồng thì mới tốt tươi và trổ quả phước thơm ngọt.
Lòng tin là cội rễ của cây phước, giúp nó vững chải trước mọi giông tố cuộc đời. Chánh tín là tin nhân quả nghiệp báo, tin chắc những việc làm, lời nói và suy nghĩ của mình trong hiệ tại sẽ có hiệu ứng trong tương lai, hoặc xa hoặc gần, hoặc tốt hoặc xấu tùy theo nghiệp nhân hiện tại. Tin tưởng sâu sắc vào Tam bảo, vì Tam bảo sẽ soi sáng cho đời mình thăng hoa theo hướng thiện lành. Chính lòng tin này là gốc rễ của phước báo, nền tảng cho con người làm lành, tạo phước và từ bỏ, tránh xa những điều xấu ác.
Cây phước lớn dần lên nhờ bố thí, cúng dường. Luôn mở rộng vòng tay đối với người nghèo khổ và cung kính phụng hiến những bậc trưởng thượng, cao đức. Thương kính luôn được biểu hiện gắn liền với ban tặng, phụng cúng. Chính những việc làm cụ thể này sẽ vun bồi cội phước, trưởng dưỡng thân cành, hoa trái phước đức tươi tốt xum xuê.
Quan trong hơn là việc bố thí đúng đối tượng, cúng dường cho người xứng đáng có đầy đủ giới đức. Như cây được chăm sóc đúng mức cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ lớn mạnh thêm và chắc chắn trĩu quả. Cũng vậy, cây phước nếu được vun trồng đúng thời, đúng việc và đúng đối tượng sẽ cho quả phước như ý.
“Có phước có đức thì mặc sức mà hưởng” đã khẳng định tầm quan trọng của phước báo. Do vây, vun trồng cội phước với đầy đủ ba phương diện lòng tin, vật bố thí và người nhận xứng đáng là một pháp tu, điều không thể thiếu trong hành trang tu học của những người con Phật.
BỐ THÍ THANH TỊNH
Một thời, Thế Tôn trú ở Kasambi, Ngài cho gọi các Tỳ kheo:
Này các Tỷ kheo, có bốn thanh tịnh thí vật này. Thế nào là bốn ?
Có bố thí, này các Tỷ kheo, thanh tịnh từ người cho, không thanh tịnh từ người nhận; có bố thí thanh tịnh từ người nhận, không thanh tịnh từ người cho; có bố thí kông thanh tịnh từ người cho cũng không thanh tịnh từ người nhận; có bố thí thanh tịnh từ người cho cũng thanh tịnh từ người nhận.
Ở đây, này các Tỷ kheo, người cho có giới, theo thiện pháp còn người nhận là ác giới, theo ác pháp. Như vậy là bố thí thanh tịnh từ người cho, không thanh tịnh từ người nhận.
Này các Tỷ kheo, ở đây, người bố thí ác giới, theo ác pháp còn người nhận có gới, theo thiện pháp. Như vậy là bố thí người nhận thanh tịnh, người cho không thanh tịnh.
Ở đây, này các Tỷ kheo, người cho là ác giới, theo ác pháp và người nhận cũng là ác giới, theo ác pháp. Như vậy là bố thí, người cho không thanh tịnh và người nhận cũng không thanh tịnh.
Này các Tỷ kheo, ở đây, người bố thí có giới, theo thiện pháp và người nhận cũng có giới, theo thiện pháp. Như vậy là bố thí người cho thanh tịnh và người nhận cũng thanh tịnh.
Này các Tỷ kheo, có bốn thanh tịnh thí vật này.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương IV, phẩm Không lý luận, phần Thanh tịnh thí vật, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.706)
LỜI BÀN:
Bố thí và cúng dường là một trong những pháp tu quan trọng của hàng Phật tử. Tuy nhiên, để bố thí và cúng dường thực sự có lợi ích, mang ý nghĩa tịnh thí thì người cho lẫn người nhận phải nỗ lực để tự hoàn thiện mình.
Biện chứng giữa tương quan cho và nhận của tịnh thí cho thấy không phải hễ có tài vật là có thể cho một cách đúng pháp được, đồng thời cũng không thể nếu có người cho thì có thể vô tư để thọ nhận được. Người cho phải quán sát xem những gì được đem cho xuất phát từ đâu, có phải tịnh vật hay không ? Người nhận cũng nên tự vấn lương tâm xem mình đã xứng đáng, có phần nào tương ưng để thọ nhận sự bố thí và cúng dường ấy để hồi hướng phước báo cho thí chủ hay không ? Nếu tương quan này khập khiễng, tức giữa người cho hoặc người nhận không thanh tịnh thì sự tịnh thí không thành, thậm chí chỉ còn lại hình thức trao đổi, hoán chuyển giá trị như muôn vàn sự trao đổi khác trong cuộc sống.
Vậy thì, muốn có được sự tịnh thí, người cho và người nhận chỉ cần tuân thủ nguyên tắc “có giới, theo thiện pháp”. Khi một người sống trong sự boả hộ của giới pháp đồng thời nỗ lực làm các việc lạnh thì tự thân đã đầy đủ phước báo xứng đáng để cho và nhận. trong mọi trường hợp, thành tâm và nhất tâm vẫn là điều kiện cơ bản và then chốt nhất để tác thành bố thí thanh tịnh.
Cho là một nghĩa cử cao đẹp, là biểu hiện của tâm xả. Tuy vậy, để sự thí xả ấy đạt được phước báo viên mãn thì phải nỗ lực để thành tựu tịnh thí tức người cho, vật đem cho cùng người nhận phải thanh tịnh và nhất tâm. Vì thế, sống “có gới, theo thiện pháp” nhằm trang nghiêm phước báo tự thân nhờ tịnh thí luôn là phương châm sống của những người con Phật.
NHÂN DUYÊN CỦA GIÀU VÀ NGHÈO
Một thời, Thế Tôn ở Sàvatthi, tại tinh xá ông Anàthapindika. Có thanh niên Subha Todeyyaputta đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:
Thưa Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì giữa loài người với nhau, chúng tôi thấy có người tài sản nhỏ, có người tài sản lớn ?
Này Thanh niên, hãy nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ nói:
Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàng ông không bố thí, cúng dường cho Sa môn hay Bà la môn các đồ ăn uống, y phục, xe cộ, ngọa cụ, y dược, đèn đuốc, nhà cửa….Do nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú và đọa xứ. Nếu được sanh vào loài người, người ấy phải chịu nghèo hèn, có tài sản nhỏ.
Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay đàng ông có bố thí và cúng dường cho Sa môn hay Bà la môn các đồ ăn uống, y phục, xe cộ, ngọa cụ, y dược, đèn đuốc, nhà cửa….Do nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, thiên giới. Nếu sanh vào loài người, người ấy được giàu sang, có tài sản lớn.
(ĐTKVN, Trung Bộ III, kinh Tiểu nghiệp phân biệt [trích], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.478)
LỜI BÀN:
Bố thí và cúng dường là những nhân lành để tạo hoa trái phước báo giàu sang cho đời này và những đời sau. Do vậy, những người khá giả, có tài sản lớn trong hiện đời là biểu hiện cụ thể, rõ rệt nhất của phước báo bố thí và cúng dường. Ngược lại, những người không tu tập hạnh bố thí và cúng dường thì không có phước báo nên hiện tại rất nghèo hèn, có tài sản ít ỏi dù quanh năm lam lũ, lao nhọ.
Trong các đối tượng thọ nhận bố thí và cúng dường thì các bậc Sa môn, những người tu hành là xứng đáng nhất. Bởi lẽ, nhân cách của họ đã đạt sự toàn thiện, đầy đủ đức hạnh phước báo trang nghiêm. Các ngài là ruộng phước điền tối thượng để chúng sanh gieo trồng phước đức. Cố nhiên, không vì thế mà người bố thí và cúng dường chỉ hướng đến những vị đạo cao đức trọng mà bỏ quên những kẻ nghèo hèn. Chính sự phát tâm bố thí rộng rãi, không phân biệt, không chấp thủ mới là đỉnh cao của bố thí và tạo ra phước báo vô lượng.
Tuy nhiên, không ít người vẫn thắc mắc về những hiện thực có tính chất phi nhân quả như những kẻ bất nhân, làm ăn phi pháp, tạo nghiệp bất thiện nhưng vẫn sống giàu sang, có nhiều thế lực và tài sản lớn. Nên biết rằng, sự giàu sang ấy là dư báo của bố thí và cúng dường trong những tiền kiếp của họ chứ không phải do làm ăn phi pháp trong đời này mà có được. Đồng thời những người hiền lành, làm ăn lương thiện mà vẫn đói nghèo là do họ thiếu phước báo bố thí và cúng dường chứ không phải vì thật thà, lương thiện mà bị thua thiệt, đói nghèo.
Bố thí và cúng dường là pháp tu căn bản quyết định phước báo trong đời này và đời sau. Đặc biệt là ai cũng thực hiện được pháp tu này. Vì nếu không có tài sản để bố thí và cúng dường thì phát tâm tùy hỷ thí, phước đức của hai người vẫn bằng nhau. Do vậy, hãy bố thí và tùy hỷ thí để cải thiện phước báo của chính mình được đầy đủ, giàu sang và có tài sản lớn như lời Phật đã dạy.
HAI HẠNG NGƯỜI ĐÁNG ĐƯỢC CÚNG DƯỜNG
Một thời, Thế Tôn ở tại Sàvatthi, vườn ông Anàthapindika. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến đảnh lễ và bạch Thế Tôn:
Có bao nhiêu hạng người, bạch Thế Tôn, đáng được cúng dường ở đời ? Và chỗ nào cần phải bố thí và cúng dường ?
Này gia chủ, có hai hạng người đáng được cúng dường ở đời: Hữu học và Vô học. Đối với hai hạng người này xứng đáng được cúng dường ở đời. Và này gia chủ, ở dây (tinh xá Kỳ Viên) cần phải bố thí và cúng dường.
“Hữu học và Vô học; cả hai ở trong đời; đều đáng được cúng dường; đối với người dâng cúng; phải giữ thân chánh trực; cả lời nói, ý nghĩ; phước điền người dâng cúng; đây thì có quả lớn”.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩ Tâm thăng bằng, phần Đất, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.121)
LỜI BÀN:
Bố thí là mở rộng tấm lòng, ban phát cho những người nghèo hèn, khốn khổ thực phẩm, quần áo, thuốc men…..hay tạo sinh kế cho người cơ nhỡ, thất nghiệp. Cúng dường là dâng cúng phẩm vật lên những bậc tu hành với lòng kính trọng, tâm nguyện chí thành. Tất cả những phước báo tốt đẹp trong hiện tại và tương lai đều nhờ vào sự gieo trồng phước đức bố thí và cúng dường này.
Được cúng dường những bậc giới đức, phạm hạnh càng cao thì phước báo càng lớn. Gia chủ Anàthapindika (Cấp Cô Độc), đệ tử ngoại hộ trụ tín của Thế Tôn, không chỉ cúng dường Phật và chư Tăng mà còn cúng dường hết thảy các Sa môn, Bà la môn. Nhưng khi muốn xác định hạng người nào xứng đáng được cúng dường nhất thì Thế Tôn khẳng định đó là hai hạng Hữu học và Vô học. Vì đây là những Thánh giả đã từng bước đoạn tận phiền não, tham ái, chứng đắc quả vị từ Tu đà hoàn, Tư đà hàm đến A na hàm (hữu học) và đặc biệt những vị Thánh A la hán (vô học) hoàn toàn đoạn tận kiết sử, thoát ly sanh tử, phước trí trang nghiêm là ruộng phước tối thượng ở đời. Thế Tôn còn xác định trụ xứ cần phải cúng dường chính là những đạo tràng tu tập của chư Tăng như các tinh xá, chùa viện. Vì đó là nơi sản sinh ra những bậc Thánh Hữu học và Vô học mà không nơi nào có thể thành tựu được.
Song hành với việc xác định đúng địa điểm và đối tượng cúng dường, người Phật tử phải trang nghiêm tự thân bằng cách tu tập hướng đến thanh tịnh ba nghiệp. Theo tuệ giác Thế Tôn, ngưòi cúng dường cần phải chuyển hóa ba nghiệp thân miệng ý cho thanh tịnh thì phước báo mới thật sự tròn đầy. Đây chính là như pháp cúng dường tức thực hành viên mãn cả hai phương diện trên sẽ tạo ra phước vô lượng cho thí chủ.
NGƯỜI CÀY RUỘNG
Một thời, Thế Tôn ở Magadha, tại làng Ekanàlà. Lúc bấy giờ là thời gian gieo mạ, Bà la môn Kasi Bhàradvàja sắp đặt khoảng năm trăm lưỡi cày, đang phân phát đồ ăn cho nhân công thì Thế Tôn đi đến.
Bà la môn Kasi Bhàradvàja thấy Thế Tôn đang đứng khất thực, thấy vậy liền nói:
Này Sa môn, tôi cày và gieo mạ, sau khi cày và gieo mạ, tôi ăn. Còn ông, ông có cày và gieo mạ không, nếu không thì lấy gì ông ăn ?
Này Bà la môn, Ta cũng có cày và gieo mạ, sau khi cày và gieo mạ, Ta ăn.
Nhưng chúng tôi không hề thấy cái ách, cái cày, cái lưỡi cài, cây gậy hay các con bò của ông. Ông nói là nông phu nhưng không hề thấy ông cày cấy. Hãy nói cho chúng tôi biết là ông thực sự có cày cấy ?
Này Bà la môn: Lòng tin là hạt giống, khổ hạnh là mưa móc, trí tuệ đối với ta là cày và ách mang, tàm quý là cán cày, ý căn là dây cột, chánh niệm đối với ta là lưỡi cày, gậy đâm….đưa ta tiến dần đến, an ổn khỏi ách nạn, đi đến không trở lui, chỗ ta đi không sầu. Như vậy cày ruộng này, đưa đến quả bất tử, sau khi cày ruộng này, mọi đau khổ được giải thoát.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 7, phẩm Cư sĩ phần Cày ruộng, VNCPHVN ấn hành 1993, tr.377)
LỜI BÀN:
Không phải ngày nay mà từ thời Thế Tôn tại thế, đời sống thánh thiện, cao cả của người xuất gia chưa hẳn được đại đa số dân chúng hiểu rõ để tán thán và tôn vinh. Thảng hoặc đây đó vẫn phảng phất những quan điểm lệch lạc rằng tu sĩ là những thành phần lười biếng lao động, ăn bám và là gánh nặng của xã hội. Quan niệm thiển cận của Bà la môn Kasi Bhàradvàja là một điển hình.
Thế Tôn đã khẳng định rõ lập trường rằng Ngài và những đệ tử xuất gia của Ngài là những người lao động chân chính. Thành quả lao động của Thế Tôn là hoàn thiện tự thân, giải thoát giác ngộ đã ảnh hưởng tích cực đến xã hội, góp phần hướng thiện giúp ổn định và phát triển xã hội.
Tuy không cày ruộng và gieo mạ nhưng Ngài vẫn là một nông phu thực thụ và đã cày xới đất tâm, gieo trồng hạt giống Thánh nhân và gặt hái được hoa trái giải thoát. Vì thế, dâng cúng vật thực cho Thế Tôn và những đệ tử giới đức, đạo hạnh là nghĩa vụ đồng thời là phương thức vun bồi, nâng cao phước báo tự thân của hàng Phật tử. Tuy nhiên, hàng đệ tử xuất gia nếu không hoàn thiện sứ mạng của mình thì rõ ràng không xứng đáng và không có quyền thọ nhận bất cứ sự dâng cúng nào.
Ngày nay, khi người xuất gia ngày một đông, sự dâng cúng của tín đồ ngày càng hậu hĩ thì trách nhiệm của chư Tăng lại càng nặng nề thêm. Pháp thoại giữa Thế Tôn và Bà la môn Kasi Bhàradvàja vẫn còn nóng hổi tính thời sự, là bài học quý báu để Tăng tín đồ Phật tử suy gẫm nhằm sống và tu tập ngày một tinh tấn hơn.
XỨNG ĐÁNG LÀ RUỘNG PHƯỚC
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvathi, tại khu vườn ông Anàthapindika, gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, thành tựu sáu pháp này, Tỷ kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Thế nào là sáu ?
Ở đây, này các Tỷ kheo, khi mắt thấy sắc, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác. Khi tai nghe tiếng …..khi mũi ngửi hương….khi lưỡi nếm vị…..khi thân xúc chạm…..khi ý biết pháp, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác.
Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Đáng được cung kính, phần Đáng được cung kính [1], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.9)
LỜI BÀN:
Thường thì hàng Phật tử, vâng lời Phật dạy, luôn kính lễ và cúng dường hàng xuất gia, bởi chư Tăng là ruộng phước tối thắng để mọi người gieo trồng phước đức. Thế nhưng, trong chư Tăng không hẳn ai cũng nhận thức đúng như Pháp, như Luật về điều ấy, vẫn còn không ít người mới bước vào đạo quan niệm sai lạc rằng việc cúng dường là “pháp nhĩ hiệp cúng” (cảnh sách) mà không lo tự hoàn thiện mình, như Tổ Quy Sơn đã từng cảnh tỉnh.
Thực ra, để làm ruộng phước đích thực cho tín thí không hải là điều khó song cũng chẳng dễ dàng, đó là hộ trì sáu căn đồng thời đây cũng là nhiệm vụ, trọng tâm tu tập của hàng xuất gia. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, nếu không hộ trì thì tham sân si ác nghiệp được tạora nhưng nếu có chánh niệm tỉnh giác, không nắm bắt, không chạy theo thì ba nghiệp thanh tịnh. Chính sự tịnh nghiệp này mới có khả năng tạo ra phước đức cho tín chủ; những người gieo trồng, vun bồi cội phước.
Hộ trì chứ không đóng kín các giác quan, vẫn sống trong cuộc đời với đầy đủ sắc màu, vẫn thấy nghe hay biết đầy đủ nhưng thực sự làm chủ để không vướn mắc. Thương hay ghét, thích và không thích cũng đều kẹt. Sự an nhiên hay các căn được hộ trì là ở chỗ vượt lên sự thấy biết theo nghiệp bình thường để thấy biết với tâm chánh niệm tỉnh giác. Chính tâm “trú xả”, buông bỏ, không dính mắc khi đối duyên xúc cảnh là tác nhân chính yếu để hình thành nhân cách của bậc Thánh, nền tảng của mọi phước điển.
Hàng ngày người xuất gia đều thọ nhận sự cung kính và cúng dường, đó là vay, là nợ. Phải làm gì để trả số nợ ấy luôn là điều ưu tư hàng đầu của người sơ tâm xuất gia. Theo tuệ giác Thế Tôn, người tu chỉ cần hộ trì vững chãi sáu căn. Khi sáu căn được hộ trì, nghiệp mới được đoạn giảm, phước đức càng tăng thêm, không chỉ xứng đáng là ruộng phước cho hàng Phật tử mà còn là cơ sở để người xuất gia bước lên những Thánh vị, đạt được giải thoát và an lạc.