Phần 5

14 Tháng Bảy 201611:34 CH(Xem: 2841)
Phần 5
LỜI PHẬT DẠY 
TRONG KINH TẠNG NIKAYA 
TẬP 1
Thích Quảng Tánh 
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo

PHẦN 5

 

HOA SEN TRONG GIỚI NAM CƯ SĨ

 

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, nam cư sĩ là kẻ bị vất bỏ ra khỏi giới nam cư sĩ, là cấu uế, là tối hạ liệt cho nam cư sĩ. Thế nào là năm?

Không tin, ác giới; đoán tương lai với những nghi lễ đặc biệt; tin tưởng điềm lành, không tin hành động; tìm kiếm ngoài Tăng chúng người xứng đáng tôn trọng và tại đấy phục vụ trước.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, nam cư sĩ là hoàn ngọc trong giới nam cư sĩ, là hoa sen hồng, là hoa sen trắng trong giới nam cư sĩ. Thế nào là năm?

Có lòng tin; có giới; không đoán tương lai với những nghi lễ đặc biệt; không tin tưởng điềm lành, tin ở hành động; không tìm kiếm ngoài Tăng chúng người xứng đáng tôn trọng và tại đấy phục vụ trước.

(ĐTKVN, Tăng Chi II, chương 5, phẩm Nam cư sĩ, phần Kẻ bị vất bỏ, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.463)

 

LỜI BÀN:

Trong bốn chúng đệ tử Phật, ngoài hai chúng xuất gia thì hai chúng ngoại hộ tại gia có vai trò rất quan trọng, nhất là hộ trì Chánh pháp. Khi một người thức tỉnh quay về nương tựa Tam bảo liền được Thế Tôn tán thán. Lành thay, lành thay! Tuy nhiên, Thế Tôn cũng rất cứng rắn, sau nhiều lần khuyên dạy mà không chuyển hóa thì “lật úp bình bát” đối với bất cứ đệ tử nào nếu không tu tập đúng pháp, chẳng tuân thủ giới luật, rơi vào tà kiến.

Nam cư sĩ trụ tín thường được ca ngợi là thiện nam tử. Để trở thành người con trai lành trong Chánh pháp, trước hết phải có lòng tin; tâm tín Tam bảo, tin sâu nhân quả, tội phước và nghiệp báo. Nam cư sĩ trụ tín phải có đầy đủ năm nhân cách (năm giới) của người Phật tử đồng thời không bị mê hoặc bởi những trò tiên đoán kết hung hay tế lễ thần linh để cầu tăng phước, tiêu tai. Người nam cư sĩ chân chính tin tưởng sâu sắc vào nghiệp báo ngay nơi những hành động hiện tiền cả thân, khẩu, ý bởi chính những gì chúng ta đang thực hành trong hiện tại sẽ kiến tạo nền tảng ở tương lai. Đặc biệt là phải xác định đúng, quy kính bậc chân sư sáng suốt để nương tựa tinh thần, học tập giáo pháp và tận lực hộ pháp.

Thực hành trọn vẹn năm điều trên, một nam cư sĩ xứng đáng được tôn trọng, quý giá như vàng ngọc, thơm ngát như hoa sen trong giới nam cư sĩ. Tuy nhiên, không phải nam cư sĩ nào cũng hội đủ duyên lành, nỗ lực tu học, xứng đáng là thiện nam tử làm gương sáng cho hội chúng cư sĩ. Đa phần những nam cư sĩ đang trên lộ trình hướng đến việc thực hiện trọn vẹn năm điều ấy. Khi một nam cư sĩ không hoàn thành trách nhiệm và bổn phận của mình; không thâm tín Tam bảo, chưa giữ trọn năm giới đồng thời lại tin theo tà kiến, mê tín, quy hướng thầy tà bạn ác…..theo Thế Tôn là “kẻ bị vất bỏ, cấu uế và tối hạ liệt”, không còn xứng đáng là một nam cư sĩ trong Chánh pháp. Do vậy, những nam cư sĩ hãy nhận thức sâu sắc về lời Phật dạy để tự chuyển hóa và hoàn thiện mình trở thành ngọc quý, hoa sen luôn tỏa hương đức hạnh và tuệ giác làm đẹp cho tự thân và cuộc đời.

 

NGƯỜI CƯ SĨ

 

Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, trong khu vườn cây bàng. Rồi Mahànàma đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:

Cho đến thế nào, bạch Thế Tôn, là người cư sĩ?

Ai quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Cho đến như vầy, này Mahànàma, là người cư sĩ.

Cho đến thế nào, bạch Thế Tôn, là người cư sĩ đầy đủ giới?

Này Mahànàma, người cư sĩ tử bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh, từ bỏ nói láo, tử bỏ đắm say rượu. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ đầy đủ giới.

Cho đến thế nào, bạch Thế Tôn, là người cư sĩ đầy đủ tín?

Ở đây, này Mahànàma, người cư sĩ có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: “Đây là Như Lai, bậc A la hán, Phật, Thế Tôn”. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ đầy đủ tín.

Cho đến thế nào, bạch Thế Tôn, là người cư sĩ đầy đủ thí?

Ở đây, này Mahànàma, người cư sĩ trú ở gia đình, tâm thoát khỏi cấu uế của xan tham, bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở, thích thú từ bỏ, chia sẻ vật bố thí. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ đầy đủ bố thí.

Cho đến thế nào, bạch Thế Tôn, là người cư sĩ đầy đủ trí tuệ?

Ở đây, này Mahànàma, người cư sĩ thành tựu trí tuệ về sanh diệt, trí tuệ các bậc Thánh thể nhập, đưa đến đoạn tận khổ đau. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ đầy đủ trí tuệ.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 11, phẩm Phước đức sun mãn, phần Mahànàma, NXB Tôn Giáo, 2002, tr.574)

 

LỜI BÀN:

Một trong những tiêu chuẩ cơ bản để tác thành người Phật tử là quy y Tam bảo. Được trở về, quy kính, nương tựa Phật, Pháp, Tăng làm người con Phật là một sự chuyển hóa lớn, không phải người nào cũng hội đủ duyên lành. Cùng với việc phát tâm quy y Tam bảo, người cư sĩ phải trau giồi nhân cách, đạo đức của mình bằng cách tự nguyện thọ trì năm giới.

Có thể nói Tam bảo và Ngũ giới là nền tảng của người Phật tử. Tuy vậy, ngoài Tam quy và Ngũ giới, hàng cư sĩ cần nỗ lực phát triển thêm các hạnh lành, đặc biệt là niềm tịnh tín Tam bảo. Thâm tín Tam bảo là điểm tựa vững chãi nhất của lộ trình tăng thượng phước báo và thăng hoa đời sống tâm linh. Tín tâm phải kiên cố thì sở nguyện mới viên thành.

Để cải thiện phước báo của tự thân, tu tập về bố thí là phương tiện thù thắng nhất. Mở rộng vòng tay với tha nhân, nhường cơm sẻ áo, nhớ nghĩ về mọi người là trách nhiệm và bổ phận của người con Phật. Đồng thời, bố thí là cách thể hiện rõ nét việc làm đoạn giảm xan tham, cố bám víu vật chất, một tâm lý cố hữu của chúng sanh, nguyên nhân chủ yếu của mọi khổ đau, luân hồi sinh tử.

Điều đặc biệt quan trọng đối với người con Phật là phải thành tựu trí tuệ. Nỗ lực quán chiếu để thấy được vô thường, sanh diệt của con người và thế giới. Không có cái gì trường cửu, bất biến, tồn tại mãi mãi trên cuộc đời này, vạn pháp đều luân chuyển. Nhờ quán sát và tuệ tri như vậy, người Phật tử bớt tham ái, giảm cố chấp đồng thời tin tưởng vào sự chuyển hóa của tự thân ngày một tốt hơn.

 

BỔN PHẬN NGƯỜI GIA CHỦ

 

Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Koli, tại thị trấn Sajanela. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ như sau:

Thành tựu bốn pháp này, này gia chủ, vị Thánh đệ tử bước vào con đường thích đáng của gia chủ, con đường đem lại tiếng tốt, con đường đưa đến cõi trời. Thế nào là bốn?

Ở đây, này gia chủ, vị Thánh đệ tử hộ trì chúng Tỷ kheo; hộ trì chúng Tỷ kheo với y, với đồ ăn khất thực, với sàng tọa, với dược phẩm trị bệnh.

Thành tựu bốn pháp này, này gia chủ, vị Thánh đệ tử bước vào con đường thích đáng của gia chủ, con đường đem lại tiếng tốt, con đường đưa đến cõi trời.

“Bậc hiền trí thực hiện; con đường thật xứng đáng; của người làm gia chủ; hộ trì bậc có giới; bậc sở hành chân chánh; hộ trì với y áo; với đồ ăn khất thực; sàng tòa, thuốc trị bệnh; công đức họ tăng trưởng; thường hằng, ngày lẫn đêm; do làm nghiệp hiền thiện; đi đến cảnh chư Thiên”.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 4, phầm Nguồn sanh phước, phần Bổn phận người gia chủ, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.674)

 

LỜI BÀN:

Người phật tử sau khi đã quy y, giữ năm giới cấm để từng bước hoàn thiện nhân cách đồng thời song hành tu tập phước huệ, nguyện trọn đời hộ trì Tam bảo. Trong đó, hộ trì chúng Tăng về bốn vật dụng thiết yếu như y phục, ăn uống, sàng tọa, thuốc thang để yên ổn tu tập có ý nghĩa quan trọng. Bởi ngoài việc vun bồi phước báo tự thân, hộ trì chúng Tăng là góp phần tích cực nhất trong việc bảo vệ và giữ gìn Chánh pháp được trường tồn.

Kể từ khi Thế Tôn nhập Niết bàn, Chánh pháp trở thành đối tượng quan trọng bậc nhất. Vì nếu không có Thế Tôn ở đời mà người con Phật biết nương tựa vào Chánh pháp thì vẫn thành tựu giải thoát. Đến nay, giáo pháp vẫn được bảo tồn và hoằng truyền rộng rãi, song để giải mã giáo pháp thành Chánh pháp là điều không phải ai cũng làm được. Bởi Chánh pháp phải được cảm nhận và diễn dịch trên cơ sở liễu tri và thân chứng. Vì thế, vai trò của chư Tăng trong việc duy trì Chánh pháp lại càng quan trọng hơn.

Theo tuệ giác Thế Tôn, hộ trì chư Tăng với bốn vật dụng sẽ được phước báo sanh về cõi trời. Sanh lên Thiên giới cũng là một trong những kết quả tu tập của hàng Phật tử vì cõi trời vốn đầy đủ phước báo. Nhưng đây chỉ là bước chuyển nghiệp tạm thời dành cho những đối tượng cầu phước báo, cứu cánh của người tu Phật là Vô thượng Bồ đề. Do vậy, hộ trì chư Tăng để hoằng dương Chánh pháp, giữ gìn Tam bảo trường tồn, nương tựa Tăng thực hành Chánh pháp nhằm đạt đến cứu cánh giải thoát. Phước báo hộ trì Tăng bảo vốn vô lượng, không chỉ đem lại tiếng tốt, được sanh thiên mà con là nền tảng vững chắc để thành tựu quả vị Giác ngộ.

 

CƯ SĨ CHỨNG QUẢ DỰ LƯU

 

Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng, đắp y, mang bát đi đến nhà Thích nữ Kàligodhà. Sau khi ngồi vào chỗ đã dọn sẵn, Thế Tôn nói với Thích nữ Kàligodhà:

Thành tựu bốn pháp này, này Godhà, vị nữ Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?

Ở đây, này Godhà, vị nữ Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng và vị này trú ở gia đình, tâm thoát khỏi cấu uế của xan tham, bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở, thích thú từ bỏ, chia sẻ, bố thí.

Này Godhà, thành tựu bốn pháp này, một nữ Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 11, phẩmPhước đức sun mãn, phần Kàli, NXB Tôn Giáo, 2000, tr. 577)

 

LỜI BÀN:

Chuyện cư sĩ tu hành đắc Sơ quả sau khi nghe xong pháp thoại hoặc trải qua quá trình tu tập rất phổ biến trong thời Thế Tôn còn tại thế. Đến tận ngày nay, vẫ còn khá nhiều vị Phật tử miên mật hành trì pháp môn Niệm Phật đã thành tựu vãng sanh, lưu xá lợi. Thực ra, sự thực tập, hành trì giáo pháp chính là lộ trình chuyển hóa tâm thức, không phân biệt hình thức tại gia hay xuất gia. Nếuchuyên tâm tu tập thì chắc chắn hành giả sẽ dự phần vào dòng Thánh.

Để bước chân vào Dự lưu (Sơ quả tu đà hoàn), theo tuệ giác Thế Tôn, một cư sĩ phải thành tựu lòng tin thanh tịnh bất động vào Phật, Pháp, Tăng và hoan hỷ thí xả. Đa phần chúgn ta đều có niềm tin nhưng chưa thực sự đạt đến sự tin tưởgn sâu sắc, tuyệt đối, không lay chuyển và Tam bảo.Vì thế, dẫn hiện tại chúng ta có nỗ lực tọa thiền, tụng kinh, niệp Phật nhưng Thánh vị vẫn còn xa.

Đến khi nào an trụ vững chắc trong chánh tín, hành giả vận dụng tuệ giác thiền quán quét sạch ba kết sử đầu tiên Thân kiến, Nghi và Giới cấm thủ thì dự phần vào Sơ quả Dự lưu, Nhập lưu hay Thất lai. Bậc dự lưu kinh qua dây phút đầu tiên chứng nghiệm đjạo quả, đắc được ba pháp. Một là người đó không còn chấp linh hồn hay có cái ta tồn tại mãi mãi, biết rõ thân và tâm vô thường, vôn gã. Hai là dứt trừ hoài nghi về Tam bảo, hiểu rõ và tin tưởng tuyệt đối Phật, Pháp, Tăng. Ba là không còn giới cấm thủ, chất trì các hủ tục, mê tín dị đoan chỉ tin tưởng vào nhân quả, trì giới….Và đặc biệt là sự hoan hỷ thí xả, buông bỏ trong niềm an lạc.

Dù chỉ mới ở địa vị Thất lai (phải trải qua bảy lần tái sanh nữa) nhưng Dự lưu là đã nhập vào dòng Thánh, không còn bị thối chuyển, đọa lạc trầm luân. Từ đây đến quả vị giải thoát hoàn toàn, vấn đề chỉ còn là thời gian. Vì vậy, những ai chưa thành tựu chánh tín, tịnh tín và thí xả thì hãy cố gắng hơn nữa trong việc thực hành lời Phật dạy.

 

LẬT ÚP BÌNH BÁT

 

Một thời, Thế Tôn đang bộ hành giữa dân chúng Kosala và dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, nếu muốn, chúng Tăng có thể lật úp bình bát của một nam cư sĩ thành tựu tám pháp. Thế nào là tám?

Cố gắng đem lại thiệt hại cho các Tỷ kheo; cố gắng đem lại bất lợi cho các Tỷ kheo; cố gắng đuổi các Tỷ kheo không cho trú ở; mắng nhiếc, chỉ trích các Tỷ kheo; làm ly gián giữa các Tỷ kheo; hủy báng Phật; hủy báng Pháp; hủy báng Tăng.

Này các Tỷ kheo, nếu muốn, chúng Tăng có thể lật úp bình bát của một nam cư sĩ thành tựu tám pháp này.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ IV, phẩm Niệm, phần Bình bát, VNCPHVN ấn hành 1997, tr.55)

 

LỜI BÀN:

Lật úp bình bát của một người có nghĩa là không chấp nhận, không dung chứa hay nói cách khác là cách ly, tẩn xuất, đuổi người ấy ra khỏi đoàn thể, cộng đồng. Song hành với nỗ lực làm trong sạch hàng ngũ xuất gia, nhiệm vụ của các Tỷ kheo phải làm thanh tịnh hàng ngũ cư sĩ, bằng cách lật úp bình bát của họ.

Không phải đến tận ngày nay mà ngay thời Thế Tôn còn tại thế, len lỏi trong hàng ngũ cư sĩ tín tâm, thiện chí tu học là một vài phần tử xấu. Họ gia nhập các tổ chức Phật tử không nhằm mục đích tu học mà với mục đích khác, phục vụ cho ý đồ xấu xa của họ. Biểu hiện cụ thể của các phần tử này là tìm cách nói xấu, tìm lỗi, chỉ trích, hủy báng và làm ly gián, phá hoại sự hòa hợp của chúng Tăng.

Theo quan điểm của Thế Tôn, phải vạch trần những hành vi lợi dụng danh nghĩa Phật tử để làm rối Đạo đồng thời tẩn xuât ngay những người ấy ra khỏi Thất chúng đệ tử Phật. Thế Tôn đã cảnh báo cho hàng đệ tử biết rằng không một loài muông thú nào có thể quật ngã sư tử ngoại trừ chính vi trùng trong thân sư tử. Cũng vậy, sự phá hoại Chánh pháp không phải đến từ bên ngoài mà nguy cơ lại tiềm ẩn bên trong những người nhân danh vì sự hưng suy của Chánh pháp. Vì thế, nếu cần thiết, để tránh họa “sư tử trùng”, chư Tăng phải kiên quyết lật úp bình bát của họ.

Trong bối cảnh Tăng đoàn ít nhiều có sự phân hóa như hiện nay, nếu không có biện pháp tích cực để khác phục thì tương lai của Tăng đoàn sẽ vô cùng ảm đạm. Vì lẽ, bì quyến tồn tại và phát triển của Tăng đoàn là tinh thần hòa hợp. Sự hòa hợp giữa chư Tăng nói riêng và Thất chúng đệ tự nói chung là mối liên hệ khắng khít bất khả phân, như nước với sữa. Đánh mất sự hòa hợp là hủy bản thể Tăng già, điều này đồng nghĩa với tự sát mà nguyên nhân chủ yếu của vấn đề chắc chắn có sự hiện hữu của “sư tử trùng”

Vì thế, hơn lúc nào hết, người Phật tử trong quá trình hoàn thiện tự thân phải giương cao ngọn đèn Chánh pháp. Cảnh giác cao độ với tất cả mọi động thái, hành vi, lời nói khuynh hướng tổn hại Tam bảo đồng thời phải có thái độ kiên quyết, ly khai đối với những phần tử “sư tử trùng” nhằm bảo vệ Chánh pháp là hành động thiết thực của người con Phật, sống theo lời Phật dạy.

 

THỌ TRÌ NĂM GIỚI

 

Một thời, Thế Tôn đang bộ hành giữa dân chúng Magadha. Các nam cư sĩ làng Pàtali đi đến, đảnh lễ và bạch Thế Tôn:

Mong Thế Tôn trú ở giảng đường của con!

Thế Tôn im lặng nhận lời rồi đi đến giảng đường bảo các nam cư sĩ làng Pàtali:

Này các gia chủ, có năm điều nguy hiểm này cho người phạm giới. Thế nào là năm?

Ở đây, này các gia chủ, người phạm giới do nhân duyên phóng dật nên hao mất tài sản lớn, đây là nguy hiểm thứ nhất. Người phạm giới tiếng xấu đồn xa, đây là nguyên nhân nguy hiểm thứ hai. Người phạm giới khi đi đến hội chúng nào đều đến với tâm trạng sợ hãi, đây là nguy hiểm thứ ba. Người phạm giới khi chết bị si ám, đây là nguyên nhân nguy hiểm thứ tư. Người phạm giới khi mạng chung bị sanh vào ác thú, đọa xứ, địa ngục, đây là nguy hiểm thứ năm.

Này các gia chủ, có năm điều lợi ích cho người giữ giới. Thế nào là năm? Ở đây này các gia chủ, người giữ giới do nhân duyên không phóng dật nên được tài sản lớn, đây là lợi ích thứ nhất. Người giữ giới tiếng tốt được đồn xa, đây là lợi ích thứ hai. Người giữ giới khi đến hội chúng nào đều đến với tâm trạng không có sợ hãi, đây là lợi ích thứ ba. Người giữ giới khi chết không bị si ám, đây là lợi ích thứ tư. Người giữ giới khi mạng chung được sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này, đây là lợi ích thứ năm.

(ĐTKVN, Tiểu Bộ I, Kinh Phật tự thuyết, chương 8, phẩm Pataligamiya, NXB TP.HCM, 1999, tr. 276)

 

LỜI BÀN:

Hàng Phật tử, sau khi quy y thì phát tâm thọ trì năm giới, phát nguyện không sát sanh, không trôm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu trong suốt cuộc đời. Thọ giới và giữ giới trong đạo Phật hoàn toàn mang ý nghĩa tự giác và tự nguyện ngõ hầu thành tựu nhân cách của người con Phật và đạt được nhiều lợi ích trong cuộc sống

Giới pháp như ngọn đèn soi sáng bóng đêm giúp người đi đường không lạc lối. Giới như hàng rào che chắn, bảo vệ cho người thọ trì vượt thoát những cám dỗ, hiểm nguy. Giữ giới chính là ý thức tự giữ gìn sự an toàn chủ động trong việc cải thiện phước báo của mình ngày một tốt đẹp hơn đồng thời chịu trách nhiệm hoàn toàn trước mọi hành động của mình mà không hề bị trừng phạt hay được ban ơn từ thần linh hoặc một đấng thiêng liêng.

Người sống vượt ra khỏi giới pháp thì ngay lập tức năm nguy hiểm sẽ chờ đoán. Nếu không dừng lại và chuyển hóa những hành vi giết chóc, trộm cướp, tà dâm, dối trá và say sưa, nghiện ngập thì hậu quả về mất mát tài sản, tai tiếng, sợ hãi, si mê và khi chết đọa địa ngục là điều không thể tránh khỏi. Ngược lại, tuân thủ và giữ gìn giới pháp đã thọ thì chắc chắn gặt hái năm điều lợi ích: giữ vững tài sản, tiếng tốt đồn xa, tự tin trước mọi người, tâm hồn trong sáng và phước báo trời người ở đời sau.

Phật dạy: Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi; Hãy tự mình nương tựa hải đảo của chính mìn; Như Lai là Bậc y Vương tùy bệnh cho thuốc; Như Lai chỉ là Bậc Thầy dẫn dường….Vậy thì, muốn lành bệnh thì phải tự uống thuốc, muốn đến được đích thì phải tự bước đi, muốn lợi ích và an vui thì người con Phật phải tự giữ giới. Hạnh phúc hay khổ đau, lợi ích hoặc nguy hiểm đều ở nơi tự tâm, đều phụ thuộc vào việc tuân thủ hay hủy phạm giới pháp. Cho nên tự ý thức, hành động theo giới pháp để được lợi ích, an vui trong đời này và đời sau là phương châm sống của người con Phật.

 

HƯƠNG ĐỨC HẠNH

 

Một thời, Thế Tôn trú tại Vesàli. Rồi tôn giả Ananda đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:

Có ba loại cây hương này, bạch Thế Tôn, hương của chúng bay theo chiều gió. Thế nào là ba? Cây hương rễ, cây hương lõi, cây hương hoa.

Này Ananda, có loại cây hương mà hương bay thuận gió, bay ngược gió và bay thuận gió ngược gió.

Bạch Thế Tôn, loại cây hương ấy là gì ?

Ở đây, này Ananda, có nữ hay nam nhân quy y Phật, Pháp, Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cướp, từ bỏ sống tà hạnh, từ bỏ nói láo, từ bỏ uống rượu, giữ giới, tâm tính hiền lương, không xan tham, ưa thích bố thí….. Người như vậy, được các Sa môn, Bà la môn tán thán khắp bốn phương.

Cây hương như vậy, này Ananda, có hương bay thuận gió, bay ngược gió và bay thuận gió ngược gió. “Không một hương hoa nào; Bay ngược chiều gió thổi; Dầu là hương chiên đàn; Già la hay Mạt lỵ; Chỉ hương người giới hạnh; Bay ngược chiều gió thổi; Chỉ hương bậc Chân nhân; Biến mãn mọi phương trời”.

(ĐTKVN, Tăng Chi I, chương 3, phẩm Ananda, phần Hương, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.408)

 

LỜI BÀN:

Có thể hôm ấy là một ngày đẹp trời, Tôn giả Ananda được gió mang đến ban tặng cho Ngài những hương thơm tinh kiết của cỏ cây. Tôn giả hồn nhiên cảm tạ đất trời đã gởi hương cho gió.

Nhưng khi chia sẻ kinh nghiệm ấy với Thế Tôn thì Ananda ngạc nhiên vô cùng, bởi cảm nhận về hương của bậc Đạo Sư tinh tế quá. Thế Tôn đã giới thiệu một loại siêu hương, thơm ngát cả trời đất, ngây ngất mọi tâm hồn, bay muôn nơi mà chẳng tan loãng trong không gian.

Thì ra, đó là hương thơm của đức hạnh. Danh thơm, tiếng lành của một người con Phật chân chính được ca ngợi, đồn xa. Khi một người phát tâm quay về sống nương tựa Tam bảo, giữ gìn năm giới, thực hành các hạnh lành, tránh xa những điều ác đồng thời nhân ái với mọi người thì tự thân người ấy tỏa ra hương thơm đức hạnh, bay khắp muôn phương.

Danh thơm nay luôn được các Sa môn tán thán, những bằng hữu ca ngợi và muôn đời được hậu thế truyền tụng, nhắt tên. Cấp Cô Độc (cấp dưỡng cho những người cô độc, cơ nhỡ) là danh thơm của Phật tử Tu Đạt không chỉ ngát hương khắp toàn cõi Ấn Độ thời bấy giờ mà dư âm của hương xưa còn vang vọng đến tận hôm nay và mãi ngàn sau.

Nếu như danh thơm lan tỏa đến mọi ngõ ngách cuộc đời thì tiếng xấu cũng lan truyển nhanh không kém. Rắn chết để da, người ta để tiếng. Bất kể tiếng gì, nức tiếng hay tai tiếng đều bay khắp muôn nơi. Vì thế, người con Phật luôn nỗ lực phấn đấu để tự hoàn thiện mình, tỏa ngát hương đức hạnh. Phải hướng về nương tựa Tam bảo để được soi đường, chỉ lối và dẫn dắt nhằm tránh xa những điều xấu ác, bất thiện, không làm ô danh cho mình và cho đời, hôm nay và mai sau.

“Trăm năm bia đá cũng mòn; Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Do vậy, mỗi người con Phật phải trau giồi giới hạnh để luôn mãi ngát hương trong cuộc đời.

 

NHỮNG GIA ĐÌNH CHƯ TĂNG KHÔNG NÊN ĐẾN

 

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vường ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, gia đình nào thành tựu bảy chi phần sau; nếu chưa đến thăm, thì không xứng đáng để đi đến; nếu đã đến thăm thời không xứng đáng để ngồi xuống. Thế nào là bảy?

Không vui vẻ đứng dậy; không vui vẻ chào đón; không vui vẻ mời ngồi; có chỗ ngồi đem giấu đi; từ chỗ cho nhiều họ cho ít; từ đồ thù thắng họ cho đồ thô xấu; họ cho không có kính trọng, không có kính lễ.

Này các Tỷ kheo, gia đình nào thành tựu bảy chi phần này; nếu chưa đến thì không xứng đáng để đến; nếu đã đến, thì không xứng đáng để ngồi xuống.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 7, phẩm Tùy miên, phần Gia đình, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.287)

 

LỜI BÀN:

Quan hệ giữa bốn chúng vốn mật thiết, hòa hợp như nước với sữa có từ thời Thế Tôn còn tại thế và được tiếp nối, duy trì cho đến ngày nay. Chư Tăng không nhất thiết tĩnh tu nơi chùa viện thâm nghiêm mà phải vân du, khất thực, lân mẫn với mọi người để tùy duyên hóa độ, “vì lợi ích, an lạc, hạnh phúc cho chư thiên và loài người”.

Tuy nhiên, vị Tỷ kheo phải quán sát, xem xét, đánh giá thái độ cư xử của những người ở nơi mình đến; phải tinh tế để nhận ra thâm ý của gia chủ. Nếu sự hiện diện của vị Tỷ kheo là một sự trở ngại, họ tiếp đón một cách gượng ép, không hoan hỷ thì ngay lập tức phải rời khỏi nơi ấy.

Bởi lẽ, chư Tăng ra vào chốn tụ lạc, tiếp xúc với tín đồ không ngoài mục đích hoằng pháp, hóa duyên. Do đó, vị tỷ kheo luôn giữ vững thể diện của người ly tục, xuất thế đồng thời phải thực sự đem đến hạnh phúc, an vui cho gia chủ. Nếu không làm được điều ấy, vị Tỷ kheo không hoàn toàn thành được sứ mạng của mình thì tốt nhất không nên ra ngoài.

Đối với tín đồ, đa phần đều cảm thấy hạnh phúc và hãnh diện khi chư Tăng thân hành quang lâm. Bởi “Tăng đáo như Phật lai” là quan niệm chung của hàng Phật tử. Song, không phải ở đâu và lúc nào tinh thần ấy cũng được duy trì, thực thi một cách trọn vẹn, nhất là đối với những người sơ cơ, chưa có sự tin hiểu Phật pháp sâu sắc.

Thái độ cư xử khinh trọng đối với chư Tăng phản ánh rõ nét tín tâm của gia chủ. Đừng để gia chủ suy giảm tín tâm và tuyệt đối không nên vì sự xuất hiện của mình mà trở thành gánh nặng, lo toan cho gia chủ. Bởi lẽ, mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, do đó muốn đến nhà cư sĩ, vị Tỷ kheo phải tri thời, đến và đi đúng nơi, đúng lúc. Vì vậy, “hữu thỉnh hữu lai, vô thỉnh bất đáo” là điều mà mỗi Tỷ kheo phải tuân thủ khi đế nhà cư sĩ.