Phần 10

14 Tháng Bảy 201611:38 CH(Xem: 3237)
Phần 10
LỜI PHẬT DẠY 
TRONG KINH TẠNG NIKAYA 
TẬP 1
Thích Quảng Tánh 
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo

PHẦN 10

RÙA VÀ DÃ CAN

 

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Ngài cho gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, thủa xưa có một con rùa, vào một buổi chiều đang đi kiếm mồi dọc theo bờ sông. Từ đằng xa, rùa trông thấy con dã can đang đi tới. Thấy vậy, rùa liền rụt bốn chân, đầu và đuôi vào trong mai, nằm bất động và im lặng. Dã can đi tới thấy rùa liền nghĩ rằng: “Khi nào con rùa này thò ra thân phần nào thì ngay tại chỗ ấy, ta sẽ nắm lấy, bẻ gãy và ăn”. Nhưng vì rùa không thò ra một thân phần nào nên dã chan không nắm được cơ hội, nhàm chán con rùa và bỏ đi.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, Ác ma thường xuyên trong tư thế rình rập các ông với ý nghĩ: “Rất có thể ta nắm được cơ hội để bắt gặp từ con mắt…từ cái lưỡi…hay từ ý”.

Do vậy, này các Tỷ kheo, hãy sống hộ trì các căn. Khi nào các ông sống hộ trì sáu căn, thời Ác ma nhàm chán các ông sẽ bỏ đi, không nắm giữ được cơ hội, như con dã can đối với con rùa.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, phầm Rắn độc, phần Con rùa, VNCPHVN ấn hành 1993, tr.291)

 

LỜI BÀN:

Trong tự nhiên, mỗi sinh vật muốn tồn tại và phát triển, bắt buộc tự thân sinh vật ấy phải tìm ra cho mình một cơ chế tự bảo vệ. Mỗi loài có một phương thức tự vệ khác nhau. Loài rùa tuy chậm chạp, vụng về nhưng có một chiếc mai vô cùng chắc chắn. Rụt tứ chi, đầu và đuôi vào trong mai là cách tự vệ hữu hiệu của loài này. Vì thế, dã can tuy có nanh nhọn, vuốt sắc nhưng đành bất lực, phải bỏ đi trong tiếc nuối bở rùa bất động.

Trong tu tập cũng vậy, việc thu thúc, bảo vệ và hộ trì sáu căn là một việc làm tối quan trọng để giữ gìn giới thân huệ mạng của người tu hành. Bởi sáu căn luôn tìm cầu, chạy theo sáu trần khả ái, khả lạc để rồi từ đó sáu thức tạo ra vô số ác nghiệp.

Tuy nhiên, hộ trì sáu căn không có nghĩa là đóng kín các giác quan. Hộ trì là luôn chánh niệm khi căn tiếp xúc với trần, để không bị chi phối bởi ngoại cảnh. Đồng thời, Ác ma cũng không phải xa lạ, đó chính là tham ái, ưu bi và các bất thiện pháp của tự thân khi tâm không được kiểm soát, không có chánh niệm.

Mặc dầu ác ma luôn rình rập, luôn tìm cơ hội nhưng nếu người tu giữ vững chánh niệm, tỉnh giác và bất động trước mọi hoàn cảnh thì Ác ma phải chào thua. Tuy vậy, phải luôn cảnh giác vì khi dã can bỏ đi nhưng chưa hẳn rùa đã an toàn tuyệt đối, nó sẽ trở lại tấn công rùa bất cứ lúc nào. Cũng vậy, khi tham ái và ưu bi tạm thời lắng xuống không có nghĩa Ác ma đã bị tiêu diệt. Do đó, phải nỗ lực để duy trì chánh niệm thường trực, vì chánh niệm là nền tảng vững chắc nhất cho việc hộ trì sáu căn an toàn trước nanh vuốt của Ác ma.

 

BIỂN LỚN KHÔNG DUNG CHỨA TỬ THI

 

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Dubharàma, trong lâu đài của Migàrà. Lúc bấy giờ vào ngày trai giới, Thế Tôn đang ngồi giữa chúng Tỷ kheo. Rồi Tôn giả Ananda, sau khi đêm đã gần mãn, từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn, chúng Tỷ kheo ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, hãy thuyết giới bổ Pàtimokkha cho chúng Tỷ kheo.

Sau ba lần tác bạch mà Thế Tôn vẫn im lặng vì trong hội chúng có người không thanh tịnh. Rồi tôn giả Moggallàna dùng tâm của mình tác ý đến tâm toàn thể đại chúng. Tôn giả thấy một người ác giới, theo ác pháp không thanh tịnh, tự xưng Sa môn, không theo Phạm hạnh, nội tâm hủ hóa, đầy ứ dục vọng, một đống rác ô uế đang ngồi giữa chúng Tỷ kheo. Tôn giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến và mời vị ấy ra ngoài.

Thế Tôn dạy: “Này các Tỷ kheo, biển lớn không chứa chấp xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên trên đất liền. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, người nào là ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh, không phải Sa môn mà tự xưng Sa môn, không sống phạm hạnh, nội tâm hôi hám, chứa đầy tham dục. Chúng Tăng không sống chung với người ấy lập tức hội họp lại và đuổi người ấy ra khỏi chúng Tăng”.

(ĐTKVN, Tiểu Bộ I, chương 5, phẩm Trưởng lão Sona, NXB TP.HCM 1999, tr.215)

 

LỜI BÀN:

Pháp thoại này, ngoài việc thiết lập nguyên tắc hòa hợp và thanh tịnh của chúng Tăng trước khi bố tát, Thế Tôn còn đưa ra một phương pháp thanh lọc nhằm tịnh hóa Tăng già. Đó là không sống chung, cách ly và thậm chí trục xuất những phần tử phi phạm hạnh, không trong sạch, ác giới ra khỏi chúng Tăng. Đây là một biện pháp tích cực để cứu vãn và duy trì sự hòa hợp, thanh tịnh trong Tăng chúng.

Ngày nay, chư Tăng đa phần không thành tựu thiên nhãn như Tôn giả Moggallàna, nên không phân biệt được ai là người thanh tịnh và ai là người bất tịnh. Tuy nhiên, như Phật đã dạy, những tử thi không bao giờ được biển cả dung nạp, sớm muộn gì cũng bị vất lên bờ. Cũng vậy, sự tinh cần tu tập, thực hành Phạm hạnh của chúng Tăng dần dần sẽ khiến cho chân tướng của những kẻ phi phạm hạnh, lợi dụng Phật pháp bị phơi bày.

Đây cũng là quá trình đào thải tự nhiên trong lộ trình hướng đến thành tựu giải thoát. Trong bối cảnh Tăng già đang phải đối mặt với nhiều vấn nạn và gặp nhiều thách thức trong công cuộc kiến tạo thanh tịnh, hóa hợp, nếu những “tử thi” này không nhanh chóng chuyển hóa, thực hành phạm hạnh để hòa hợp và thinh tịnh cùng với Tăng già thì nhất thiết Tăng già phải vận động như biển cả; không chấp nhận, không chứa chấp, không dung nạp và quăng tử thi lên bờ.

 

CHÁNH MẠNG

 

Một thời, Tôn giả Sàriputta trú ở Ràjagaha, tại Veluvana, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Rồi một nữ du sĩ ngoại đạo tên Sùcimukhi đi đến và nói với Tôn giả Sàriputta:

Này Sa môn, có phải Ông ăn, cúi mặt xuống ?

Tôi ăn, không cúi mặt xuống.

Vậy Sa môn, có phải ông ăn, ngẩng mặt lên ?

Tôi ăn, không ngẩng mặt lên.

Vậy Sa môn, có phải Ông ăn, hướng mặt về bốn phương chính ?

Tôi ăn, không hướng mặt về bốn phương chính.

Vây Sa môn, có phải Ông ăn, hướng mặt về bốn phương phụ ?

Tôi ăn, không hướng mặt về bốn phương phụ.

Vậy này Sa môn, Ông ăn, hành động như thế nào ?

Những Sa môn hay Bà la môn nào, nuôi sống bằng những tà mạng như địa lý, các vị ấy được gọi là các Sa môn, Bà la môn ăn cuối mặt xuống.

Những Sa môn hay Bà la môn nào, nuôi sống bằng những tà mạng như thiên văn, các vị ấy được gọi là các Sa môn, Bà la môn ăn ngẩng mặt lên.

Những sa môn hay Bà la môn nào, nuôi sống bằng những tà mạng như đưa tin tức, làm trung gian môi giới, các vị ấy được gọi là các Sa môn, Bà la môn ăn hướng mặt về bốn phương chính.

Những Sa môn hay Bà la môn nào, nuôi sống bằng những tà mạng như bói toán, các vị ấy được gọi là các Sa môn, Bà la môn ăn hướng mặt về bốn phương phụ.

Còn Ta, Ta không nuôi sống bằng những tà mạng như xem địa lý, thiên văn, đưa tin tức, làm trung gian môi giới, boái toán và các nghề hèn hạ. Ta tìm cầu món ăn một cách hợp pháp, Ta dùng các món ăn ấy.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ III, chương 7, phần Sùcimukhi, NXB Tôn Giáo 2002, tr.387)

 

LỜI BÀN:

Người xuất gia với tâm nguyện “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo”, sống đời thanh tịnh, hướng đến giác ngộ, giải thoát. Một trong những ý nghĩa cao quý của Tỷ kheo là khất sĩ. Thực hành hạnh khất thực, xin ăn của mọi nhà để nuôi sống sắc thân là chánh mạng thanh tịnh của Tăng sĩ Phật giáo.

Theo tuệ giác Thế Tôn, khất thực là một pháp môn tu truyền thống của ba đời, mười phương chư Phật với ý nghĩa; không tham đắm vị ngon, vì phá trừ ngã mạn và từ bi bình đẳng. Một Tỷ kheo thực hành khất thực, về phương diện tự lợi là dứt bỏ mọi việc thế tục, làm phương tiện tu đạo; ở phương diện lợi tha là tạo phước điền cho chúng sanh. Tỷ kheo tự tạo sinh kế để nuôi thân, đó là tà mạng.

Ngày nay, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau nên đa phần các Tỷ kheo không duy trì hạnh khất thực nhưng chủ yếu vẫn sống nhờ vào tịnh thí. Mặt khác, một vài Tỷ kheo vận dụng phương tiện “tà mạng” để giáo hóa, dẫn dắt người sơ cơ vào đạo, ít nhiều vẫn có những thành công nhất định. Vì chúng sanh căn cơ đa dạng nên phương tiện giáo hóa phải linh động song phương tiện chỉ có tính chất đối cơ, vì tâm từ bi mà hành hóa. Do vậy, nếu không thiện xảo trong khi sử dụng phương tiện thì chỉ lợi bất cập hại, tạo nên tà kiến bởi tà mạng của chính mình.

Vì vậy, giữ vững chánh kiến, sống đời chánh mạng, tu tập theo Bát Thánh đạo để tự lợi và lợi tha là phương châm, trách nhiệm của mỗi người con Phật, nhất là những người con Phật xuất gia.

 

VUI TRONG CHÁNH PHÁP

 

Một thời, Thế Tôn du hành giữa dân chúng Kosala, Ngài dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, được xem là khóc than trong giới luật bậc Thánh, tức là ca vịnh.

Này các Tỷ kheo, được xem là điên loạn trong giới luật bậc Thánh, tức là nhảy múa.

Này các Tỷ kheo, được xem là trẻ con trong giới luật bậc Thánh, tức là cười quá đáng để lộ cả răng.

Do vậy, này các Tỷ kheo, hãy phá cây cầu đi đến ca hát. Hãy phá cây cầu đi đến nhảy múa. Thật là vửa đủ nếu các Thầy được hoan hỷ đúng pháp, mỉm cười để biểu thị là các Thầy được hoan hỷ.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Chánh giác, phần Khóc than, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.472)

 

LỜI BÀN:

Cuộc sống lao động vốn gian lao, vất vả vì thế rất cần đến nhu cầu giải trí vui tươi, lành mạnh. Ca hát, nhảy múa, tiệc tùng, họp mặt vui vẻ là một liệu pháp nhằm thư giãn, nghỉ ngơi, xua tan mệt nhọc. Đời sống xuất gia cũng vậy, ngoài việc tu học thì giải trí và thư giãn là một nhu yếu rất cần thiết để vui sống, làm nền tảng cho sự thanh tịnh và thăng hoa tâm hồn.

Điều khác biệt cơ bản so với thế tục là trong hình thức và nội dung giải trí của người xuất gia luôn hàm dưỡng sự tĩnh lặng, an tịnh, tuệ giác và hoàn toàn lành mạnh. Trồng hoa, tưới cây, đi bộ, uống trà, xem tranh, sáng tác, xưng tán Thế Tôn, ca ngợi hạnh phúc giải thoát v.v…là những loại hình sinh hoạt giải trí cơ bản của chúng Tăng. Ngoài ra, tất cả những thể loại giải trí khác mang đến sự dao động, thất niệm, tán loạn và đánh mất tự chủ thì người xuất gia không nên và không được thực hành.

Theo quan điểm của Thế Tôn, ca hát và ngâm nga những tình khúc lâm ly, ủy mị và bi thương có tính chất “văn nghệ đứt ruột” chỉ làm cho nỗi đau lớn thêm, tham vọng và nuối tiết chất chồng là những tiếng khóc than trong giới luật của bậc Thánh. Những vũ khúc uyển chuyển, mềm mại, tha thướt, huyền ảo và mê hoặc hay những vũ điệu mạnh mẽ, sôi nổi, hùng tráng hoặc khêu gợi, kích động và bốc lửa làm lay động lòng người đều không có ích cho người xuất gia, trong giới luật bậc Thánh được xem là điên loạn. Ngay cả khi cực vui cũng không cười đến độ chảy nước mắt, bò ra mà cười hay cười như nắc nẻ mà chỉ mỉm cười. Vui cười phải luôn ở trong tỉnh giác, chánh niệm mới thật sự an lạc và mầu nhiệm.

Tuy nhiên, đối với việc hát múa nhằm cúng dường ca ngợi Tam bảo, xưng tán Phật pháp, khuyến khích tu tập, bỏ tà quy chánh thì đáng được tuyên dương. Thông qua phương tiện văn nghệ, ca hát vui chơi để hiểu biết, thương yêu và phát triển chánh niệm nhằm xiển dương Phật pháp là điều đáng làm.

Người con Phật luôn giữ tâm chánh niệm, thăng bằng không bị vui buồn chi phối, chẳng dao động trước mọi hoàn cảnh là đỉnh cao của nghệ thuất sống minh triết và tuệ giác.

 

MANG Y BÁT ĐẸP BỊ PHẬT QUỞ

 

Một thời, Thế Tôn trú tại Sàvatthi. Rồi Tôn giả Nanda, đắp những y khéo ủi, khéo là, bôi vẽ mắt, cầm bát sáng chói, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Thế Tôn nói với Tôn giả Nanda như sau:

Như vậy không xứng đáng cho ông, này Nanda, là con nhà lành, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, lại mang những y khéo ủi, khéo là, bôi vẽ con mắt và cầm bát sáng chói. Như vậy là xứng đáng cho ông, này Nanda, là con nhà lành, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, tức là sống trong rừng, sống bằng khất thực, sống mặc y phấn tảo và sống không mong đợi các dục vọng.

Thuyết giảng xong, Thế Tôn nói thêm: Ta mong được nhìn thấy; Nanda sống trong rừng; mặc y phục phất tảo; sống với những đồ ăn; biết là đã vứt bỏ; không mong chờ dục vọng.

Rồi Tôn giả Nanda, sau một thời gian trở thành vị Tăng sống trong rừng, ăn đồ ăn khất thực, mặc y phục phất tảo, không mong đợi các dục vọng.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 10, phần Nanda, VNCPHVN ấn hành 1993, tr.491)

 

LỜI BÀN:

Người ta vẫn thường nói “Chiếc áo không làm nên nhà tu nhưng nhà tu không thể thiếu chiệc áo”. Xem ra, chiếc áo của người tu cũng lắm vấn đề để bàn…..

Đối với Tăng sĩ Phật giáo thì y bát là những pháp khí rất quan trọng, được trân quý giữ gìn cẩn thận như tròng con mắt, là vật bất ly thân của mỗi Tỷ kheo. Thời Thế Tôn tại thế, y bát của Tỷ kheo sử dụng có tính tùy duyên, do gia chủ cúng dường, tốt xấu đủ loại. Ngoài ra, có khá nhiều Tỷ kheo nguyện mặc y phấn tảo, bằng cách lượm lặt những mảnh vải liệm xác chết quăng bỏ ngoài nghĩa địa hoặc vải hư rách nơi bãi rác, sau đó giặt sạch, nhuộm cho hoại sắc (không còn chính sắc) và kết lại thành y.

Tuy nhiên, thời Thế Tôn cũng như bây giời, một vài Tỷ kheo quá chú trọng đến hình thức bên ngoài, vẽ mày tô mặt, y láng bát trơn….như Tôn giả Nanda từng làm và đã bị Thế Tôn quở trách nặng nề. Đành rằng, một Tỷ kheo, bậc mô phạm “thầy của trời người” tất yếu cần phải trang nghiêm. Tuy vậy, sự trang nghiêm đúng nghĩa phải là “trang nghiêm tức phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm” (kinh Kim Cang). Phẩm chất đích thực của vị Tỷ kheo là nơi tâm trang nghiêm tỏa sáng làm nên vẻ trang nghiêm bên ngoài dù hình thức chỉ là một kẻ ăn xin (khất sĩ) tầm thường mặc y phấn tảo.

Vì thế, một khi nội tâm chưa thật sự thúc liễm để đạt được thanh tịnh thì sự xun xoe áo mão bên ngoài trong chừng mực nào đó cũng cần nhưng không thiết thực. Việc Tôn giả Nanda sau khi nghe lời dạy của Thế Tôn đã chuyển sang mặc y phấn tảo, sống đời khất thực, đoạn trừ dục vọng phải chăng là bài học quý giá cho những người con Phật hậu thế suy ngẫm và noi gương ?

 

KHÔNG PHÒNG HỘ

 

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Lúc bấy giờ, có Tỷ kheo dùng quá nhiều thì giờ giao tế với các gia đình. Các Tỷ kheo khác thấy vậy nhắc nhở, Tỷ kheo ấy nghe vậy, tâm không hoan hỷ. Rồi chuyện được bạch lên Thế Tôn, Ngài dạy:

Này các Tỷ kheo, thuở xưa, có con mèo rình chuột cạnh một đống rác và nghĩ rằng: Nếu có con chuột nhắt nào chạy ra, ta sẽ bắt lấy và ăn thịt nó.

Rồi, này các Tỷ kheo, có một con chuột nhắt chạy ra, mèo vồ bắt lấy rồi nuốt chửng. Và con chuột nhắt ấy cắn xé phủ tạng mèo. Do nhân duyên ấy, mèo bị đau đớn hành hạ đến chết hay gần chết.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, ở đây, một số Tỷ kheo vào buổi sáng đắp y, cầm bát, đi vào làng khất thực, thân không phòng hộ, lời nói không phòng hộ, tâm không phòng hộ, niệm không an trú, các căn không chế ngự. Các vị Tỷ kheo ấy bị tham dục não hại đến chết hay gần chết.

Do vậy, này các Tỷ kheo, phòng hộ thân, phòng hộ lời nói, phòng hộ tâm, an trú chánh niệm, chế ngự các căn là điều cần phải học tập.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 9, phần Con mèo [lược], VNCPHVN ấn hành 1993, tr.472)

 

LỜI BÀN:

Với những người sơ tâm học đạo, tuy không xa lánh cuộc đời nhưng phải thiết lập những khoảng cách an toàn cần thiết. Bởi nghiệp lực còn sâu dày, tập khí thế tục chưa gột sạch nên khả năng dính mắc với những hấp dẫn ở đời là rất cao. Nên ngoài những Phật sự, tránh duyên, hạn chế tiếp xúc, dành thời gian tu niệm để trau giồi và chuyển hóa thân tâm.

Vẫn biết, mối quan hệ vững chắc giữa hàng xuất gia và tại gia là cần thiết, song hàng sơ tâm không nên lãng phí thời gian tu học cho những giao tế đời thường, vô bổ để rồi vướng mắc vào cám dỗ của danh lợi, ngũ dục. Khi lực tu còn yếu, không đủ khả năng tự phòng hộ, chánh niệm chưa vững chắc thì tham sanh khởi chay theo ngũ dục và chuốc lấy đau khổ là điều không tránh khỏi. Như con mèo tham lam kia vì nuốt chửng mồi ngon nên gánh chịu tai họa bị chuột nhắt cắn nát phủ tạng.

Theo tuệ giác Thế Tôn, để an trú trong chánh niệm, điều cần yếu trong tu tập là phòng hộ, chế ngự sáu căn. Có thể nói, ngay nơi sáu giác quan luôn tiếp xúc vớ trần cảnh trong cuộc đời là “đạo tràng” tu tập quan trọng nhất. Thăng hoa, chứng Thánh hay suy đồi, đọa lạc đều dựa vào sự trang nghiêm, thanh tịnh hay tán loạn, ô nhiễm của đạo tràng này.

Mặt khác, tránh duyên cũng là vấn đề quan trọng bởi duyên sanh vạn pháp sanh. Tham từ duyên sanh khởi, trừ các bậc A la hán, mấy ai trong cõi đời này đã diệt tận tham ? Do đó, cần tránh duyên để tự chế ngự, phòng hộ và an trú. Ảnh dụ con mèo nuốt chửng chuột nhắt nên bị chuột cắn nát phủ tạng làm đau đớn, quằn quại đến chết hay gần chết thật ấn tượng, là bài học tỉnh thức cho những ai chưa đoạn tận tham dục.

 

TỘI LỖI

 

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có bốn hạng người này hiện hữu, có mặt ở đời. Thế nào là bốn ? Có tội, nhiều tội, ít tội và không có tội.

Thế nào là hạng người có tội ? Này các Tỷ kheo, có hạng người thành tựu thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp có tội. Như vậy là hạng người có tội.

Và thế nào là hạng người nhiều tội ? Này các Tỷ kheo, có hạng người thành tựu thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp có nhiều tội. Như vậy là hạng người có nhiều tội.

Thế nào là hạng người có ít tội ? Này các Tỷ kheo, có hạng người thành tựu thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp không có tội nhiều, chỉ có ít tội. Như vậy là hạng người có ít tội.

Và thế nào là hạng người không có tội ? Này các Tỷ kheo, có hạng người thành tựu thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp không có tội. Như vậy là hạng người không có tội.

Có bốn hạng người này, này các Tỷ kheo, hiện hữu, có mặt ở đời.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 4, phẩm Loài người, phần Có tội [lược], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.72)

 

LỜI BÀN:

Tội lỗi là một trong những thuộc tính cơ bản của chúng sanh. Con người có mặt ở trên đời thì tội lỗi có mặt. Thậm chí từ trong quá khứ, trước khi được sinh ra, tội lỗi hay nghiệp đã đóng vai trò chi phối, là tác nhân chính để hình thành nên hình dáng, tính cách, hoàn cảnh của mỗi cá nhân trong hiện tại. Vì thế, con người là sự kế thừa tội lỗi, nghiệp lực của chính mình và do vậy, người sống trên đời có tội cũng là chuyện bình thường.

Khi chưa trở thành các bậc Thánh, ai cũng giống nhau ở chỗ là đều có tội cả. Có khác chăng là mức độ gây nghiệp, tạo tội nhiều hay ít, về phương diện này hay phương diện kia mà thôi. Tội lỗi, theo tuệ giác của Thế Tôn, đó là những hành vi tạo tác bất thiện được tạo ra nơi việc làm, lời nói và suy nghĩ của con người.

Tuy chúng ta chấp nhận có tội vì hiện ba nghiệp chưa thanh tịnh nhưng tội phải ít và nhỏ thôi và điều cần thiết nhất là tự thân phải rõ biết điều đó. Khi còn trong thân phận chúng sanh, biết rõ những hạn chế, thói hư tật xấu của chính mình để phấn đấu, vươn lên, loại trừ điều ác, đạt đến sự hoàn thiện là tối cần. Con người sở dĩ ngày càng tạo nhiều tội lỗi, một phần do không nhận chân được điều xấu ác hoặc xem những điều xấu ác hiện tồn tại với số đông là bình thường, thậm chí không ít người còn tự mãn với những thành tựu dựa trên nền tảng tham sân si.

Hơn ai hết, người con Phật cần phải trở về với chính mình, biết rõ mọi hành vi của tự thân nhằm kiểm soát, từng bước làm chủ, chuyển hóa ba nghiệp thân khẩu ý xấu ác. Đạt đến sự hoàn thiện, không tội lỗi là một lộ trình dài. Nền tảng cơ bản của lộ trình đó là tuệ tri, biết rõ tự thân có tội nên trước hết phải cố gắng để không tạo thêm nhiều tội lỗi đồng thời phát huy thiền quán để thấy mọi tội lỗi đều xuất phát từ tâm, tâm thanh tịnh tức ba nghiệp thanh tịnh.

 

SỐNG VỚI NGƯỜI THỨ HAI

 

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, rồi Tôn giả Migajàla đi đến bạch Thế Tôn:

“Sống một mình! Sống một mình!” được nói đến như vậy, bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào là sống một mình ? Và cho đến như thế nào là sống có người thứ hai ?

Này Migajàla, có những sắc do mắt nhận thức; có những tiếng do tai nhận thức; có những hương do mũi nhận thức;….có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả ái, liên hệ đến các dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ kheo hoan hỷ và trú với lòng tham luyến sắc, thanh…..pháp ấy nên khởi lên. Do hỷ có mặt nên dục tham có mặt. Do dục tham có mặt nên triền phược có mặt. Bị trói buộc bởi hỷ, triền phược, này Migajàla, nên Tỷ kheo được gọi là người sống có người thứ hai.

Tỷ kheo sống như vậy, này Migajàla, dầu ở các trụ xứ xa vắng, các khu rừng, vắng người, thích hợp với tịnh; dầu vậy, vẫn được gọi là sống với người thứ hai.

Này Migajàla, có những sắc do mắt nhận thức; có những tiếng do tai nhận thức; có những hương do mũi nhận thức…..có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả ái, liên hệ đến các dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ kheo không hoan hỷ và trú với lòng tham luyến sắc, thanh….pháp ấy nên hỷ đoạn diệt. Do hỷ không có mặt nên dục tham không có mặt. Do dục tham không có mặt nên triền phược không có mặt. Không bị trói buộc bởi hỷ triền phược, này Migajàla, nên Tỷ kheo được gọi là người sống một mình.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, phẩm Migajàla, phần Bởi Migajàla [lược], NXB Tôn Giáo 2001, tr.65)

 

LỜI BÀN:

Đời sống của người phát tâm hướng thượng, ly tục tất nhiên phải là sống một mình. Người biết sống một mình là người đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật sống. Tuy vậy, không phải ai cũng đủ bản lĩnh để sống một mình mà đa phần đều sống hai mình.

Sống với người thứ hai đối với tục là chuyện thường nhưng với người xuất gia mới là chuyện lạ. Ấy thế mà không hề xa lạ vì không những ta đang sống với người thứ hai mà đã và đang sống với người thứ…hàng triệu triệu. Bởi khi tâm chưa an trú vào chánh niệm thường trực thì ta còn lang thang, bầu bạn thân thiết với vô lượng phiền não. Người thứ hai không phải ai xa lạ mà chính là vọng tâm, loạn tưởng của chính mình.

Khi sáu căn duyên với sáu trần cảnh, nếu không chánh niệm tức thời tham ái có mặt đồng thời trói buộc, khổ đau có mặt tức người thứ hai hiện hữu. Người thứ hai luôn theo sát ta như bóng theo hình, thủy chung vô hạn. Dẫu ở trong rừng rậm, núi cao, hoang đảo hay bế quan nhập thất nếu chưa thiết lập được chánh niệm, tâm chưa an trú vào pháp thì chỉ là hành giả cô độc mà không có cô đơn vì luôn có ngươi thứ hai bên cạnh.

Làm chủ sáu căn bằng sự tỉnh thức trọn vẹn chính là cách hay nhất để chia tay vĩnh viễn với người thứ hai, người bạn đời trói buộc và khổ đau. Làm chủ sáu căn cũng chính là làm chủ cuộc đời mình và thực sự là người biết sống một mình, tự tại và giải thoát dẫu cuộc sống với muôn hình vạn trạng đang vận hành và tiếp diễn xung quanh ta.