Phần 11

14 Tháng Bảy 201611:39 CH(Xem: 2938)
Phần 11
LỜI PHẬT DẠY 
TRONG KINH TẠNG NIKAYA 
TẬP 1
Thích Quảng Tánh 
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo

PHẦN 11

SƠ THIỀN

 

Một thời, Thế Tôn du hành giữa dân chúng Kosala dạy các Tỷ kheo:

Không đoạn tận sáu pháp, này các Tỷ kheo, không có thể đạt được và an trú sơ thiền. Thế nào là sáu ?

Dục tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi và không như thật khéo thấy với chánh trí tuệ về nguy hại trong các dục.

Không đoạn tận sáu pháp này, này các Tỷ kheo, không thể đạt được và an trú Sơ thiền.

Này các Tỷ kheo, đoạn tận sáu pháp này, có thể đạt được và an trú Sơ thiền. Thế nào là sau ?

Dục tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi và như thật khéo thấy với chánh trí tuệ về nguy hại trong các dục.

Đoạn tận sáu pháp này, này các Tỷ kheo, có thể đạt được và an trú Sơ thiền.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Chư thiên, phần Thiền [1], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.238)

 

LỜI BÀN:

Thiền định là một trong những nội dung tu tập cực kỳ quan trọng của Phật giáo. Có thể nói, nếu không thực hành và thành tựu thiền định sẽ không chứng được tuệ giác, giải thoát. Thiền định được bàn đến ở đây không chỉ dành cho pháp môn Thiền mà bao hàm các pháp môn khác như tụng kinh, niệm Phật, trì chú v.v….

Nội dung cơ bản của Định học là Tứ thiền và Tứ không định, trong đó Sơ thiền là nấc thang đầu tiên của Tứ thiền (Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền). Để nhập định, bước vào Sơ thiền trước hết phải vượt qua năm triền cái. Triền cái là trói buộc và ngăn che, chính dục tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi đã trói buộc, ngăn che, làm chướng ngại thiền định. Ngoài ra, không thấy được sự nguy hại của các dục, chạy theo ham muốn nên phiền não dấy khởi theo trần cảnh, cũng góp phần quan trọng quấy đảo sự định tĩnh.

Do vậy, giữ giới để phòng hộ, bảo vệ thân tâm cùng với việc phát huy niệm lực, thiết lập chánh niệm, tỉnh giác thường trực là cơ sở để chế ngự tâm, hạn chế đến thấp nhất sự khuấy đảo của triền cái, từng bước an trú và thể nhập định, Sơ thiền. Từ sơ thiền đến Tứ thiền là cả một lộ trình dài và Tứ thiền phát huy thiền quán để đạt được tâm giải thoát bất động (A la hán) lại càng khó khăn hơn. Tuy vậy, bước vào Sơ thiền là một trong những thành tựu đáng kẻ của hành trình tu tập, nhất là trong hoàn cảnh phước mỏng nghiệp dày như chúng ta hiện nay.

Sơ thiền là nền tảng của định, có định mới thành tựu tuệ giác giải thoát. Vì thế, có thể xem Sơ thiền là nền tảng để bước vào đạo. Vẫn biết, không dễ dàng để chứng đắc Sơ thiền vì Năm triền cái luôn đeo đẳng và ràng buộc. Tuy vậy, nếu hành giả thiết tha với sự nghiệp giải thoát, tinh tấn chế ngự, chuyển hóa triền cái và nhất là luôn duy trì chánh niệm, thấy rõ nguy hiểm của dục vọng mà hướng đến xuất ly thì chứng và trú Sơ thiền là điều có thể thực hiện được.

 

TỨ NIỆM XỨ

 

Một thời, Tôn giả Anuruddha trú ở Sàvatthi. Tại đây Tôn giả gọi các Tỷ kheo:

Này chư Hiền, vì như sông Hằng chảy về hướng Đông xuôi về hướng Đông. Rồi một số đông quần chúng đến và nói: Chúng ta dẽ làm cho sông Hằng chảy về hướng Tây. Thưa chư Hiền, chư Hiền nghĩ sao, số đông quần chúng ấy có thể làm cho sông Hằng chảy về hướng Tây không ?

Thưa không, Hiền giả, vì không dễ gì khiến cho sông Hằng chảy về hướng Tây được. Và quần chúng ấy chỉ mệt nhọc và tổn não mà thôi.

Cũng vậy, này chư Hiền, Tỷ kheo tu tập Tứ niệm xứ, làm cho sung mãn Tứ niệm xứ. Dù cho vua chúa hay đại thần, thân hữu hay bà con có thể đến dâng tài vật và mời gọi: Hãy đến, này người tốt kia, sao lại đi biểu diễn với đầu trọc và bình bát ? Hãy hoàn tục, thọ hưởng các tài vật và làm phước đức!

Thưa chư Hiền, Tỷ kheo ấy được tu tập Tứ niệm xứ, được làm cho sung mãn Tứ niệm xứ thì không thể từ bỏ giới trở lui hoàn tục. Vì sao ? Này chư Hiền, vì tâm người ấy đã lâu ngày hướng về viễn ly, xuôi về viễn ly.

Và thế nào là tu tập Tứ Niệm xứa ? Này chư Hiền, Tỷ kheo trú, quán thân trên thân, quán thọ trên các cảm thọ, quán tâm trên tâm và quán pháp trên pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, nhiếp phục tham ưu ở đời.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 8, phẩm Độc cư, phần Nhà bằng cây Sàla [lược], NXB Tôn Giáo 2002, tr.450

)

LỜI BÀN:

Thiến quán là cốt tủy của các phương thức tu tập thiền định của Phật giáo. Thế Tôn trở thành bậc Giác Ngộ cũng xuất phát từ 49 ngày đêm thiền quán dưới cội Bồ đề. Và Tứ niệm xứ là một trong những nội dung quan trọng của thiền quán. Chính Thế Tôn đã khẳng định, một người tu tập viên mãn Tứ niệm xứ chỉ trong một tuần cũng có thể thành tựu giải thoát và đây là con đường duy nhất giúp chúng sanh vượt thắng phiền não, tiêu diệt khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết bàn.

Có thể nói, Tứ niệm xứ là cột sống nâng đỡ thân thể sự nghiệp xuất gia. Nội dung các pháp môn tu tập, dù đốn hay tiệm đều có mặt của những chất liệu Tứ niệm xứ. Niệm thân, tho, tâm, pháp có công năng làm cho tâm xuôi về viễn ly, hướng về viễn ly như sông Hằng vốn xuôi về hướng Đông, không thể khác được.

Vì thế, trong cơn lốc cám dỗ vật chất của đời sống hiện đại, Tứ niệm xứ là một trong những thành lũy kiên cố và vững chãi nhất mà người tu cần phải nương tựa. Thực ra, người tu không ngại duyên trần mà chỉ lo nội tâm có vững vàng, chánh niệm hay không ? Cuộc đời dẫu có mời gọi nhưng nếu nội tâm thanh tịnh, an trú Tứ niệm xứ, hướng về viễn ly thì hành giả vẫn an nhiên, tự tại.

Để vượt qua dòng sông đời sanh tử với bọt bèo lợi danh đã có chiếc bè Từ niệm xứ. Thế Tôn đã cho chúng ta chiếc bè, vượt sông đời qua đến bờ kia hay chìm nghỉm giữa dòng là trách nhiệm của chúng ta.

 

MẠNG NGƯỜI TRONG HƠI THỞ

 

Một thời, Thế Tôn trú ở Nàdika, tại Ginjakàvasattha. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:

Niệm chết, này các Tỷ kheo, được tu tập, làm cho sung mãn, có quả báo lớn, có lợi ích lớn, nhập vào bất tử. Các Thầy hãy tu tập niệm chết.

Này các Tỷ kheo, các Thầy tu tập niệm chết như thế nào ?

Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Mong rằng ta sống ngày và đêm tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”

Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Mong rằng ta sống trọn ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”.

Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn khất thực, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”.

Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn một miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”.

Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Cho đến khi nào, sau khi thở vào, ta thở ra hay sau khi thở ra, ta thở vào, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”. Như vậy, bạch Thế Tôn, con đã làm nhiều như vậy, tu tập niệm chết như vậy.

Này các Tỷ kheo, các Thầy cần phải tu học như sau: “Hãy sống không phóng dật, tu tập một cách sắc sảo niệm chết để đoạn tận lậu hoặc”.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Cần phải nhớ, phần Niệm chết [1], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.45)

 

LỜI BÀN:

Con người sống trên đời, ngoài hoài niệm quá khứ họ thường nghĩ đến tương lai. Một viễn cảnh tốt đẹp hơn sẽ đến với ta là niềm an ủi, hy vọng của nhiều người. Điều trớ trêu là chưa biết các viễn cảnh ấy có xảy ra đúng như mong ước hay không nhưng chắc chắn một điều sẽ đến dù chúng ta không hề mong đợi, đó là cái chết.

Có tiêu cực chăng khi nghĩ rằng ta sẽ chết ? Làm sao vui sống khi không biết ngày mai và một cái chết mà không hẹn trước ? Nhưng oái ăm thay điều ấy lại là sự thật, một sự thật phũ phàng của thân phận con người. Vì thế, đối diện với sự thật dù đó là mất mát và tang thương thì không có gì bi quan và tiêu cực cả mà có thể làm cho con người sống tích cực hơn.

Con người sở dĩ quá tham lam, hung hăng và ích kỷ bởi họ chìm đắm trong giấc mơ trường cửu, không thấy được sự mong manh, tạm bợ của kiếp người. Chỉ cần họ nhận ra một thoáng vô thường phù du thôi cũng đã giảm thiểu khổ đau do tranh danh, đoạt lợi. Nhân loại sẽ bớt khổ và thương nhau hơn nếu biết bình tâm nhìn lại chính mình, không có gì chắc chắn cả, ta và của ta cũng chỉ là bọt nước, là hoa đốm chợt còn chợt mất giữa hư không.

Đối với tuệ giác Thế Tôn thì thọ mạng con người chỉ ngắn bằng hơi thở. Thở ra mà còn hít vào được thì biết rằng ta còn sống, còn nếu chỉ thở ra thôi và yên lặng thì xong một đời. Khi đã nhận thức được mạng người chỉ trong hơi thở, vậy thì phải làm ngay những việc cần làm, không chậm trễ, không hứa hẹn và cũng chẳng có gì quý giá hơn nữa để bám víu và tham đắm. Duy trì được sự quán niệm vô thường về thân mạng, con người sẵn sàng thông cảm, tha thứ, mở rộng vòng tay….Do vậy, quán chiếu về sự chết để an nhiên trong cuộc sống là một tuệ giác không thể thiếu trong mỗi người con Phật.

 

TÂM CẤU UẾ

 

Một thời, Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana. Tại đây, Tôn giả Xá Lợi Phất dạy các Tỷ kheo:

Này chư Hiền, ở đời có bốn hạng người. Thế nào là bốn ? Ở đây, có hạng người có cấu uế nhưng không như thật tuệ tri “Nội thân ta có cấu uế”. Ở đây, có hạng người có cấu uế và như thật tuệ tri “Nội thân ta có cấu uế”. Ở đây, có hạng người không có cấu uế nhưng không như thật tuệ tri “Nội thân ta không có cấu uế”. Lại nữa, có hạng người không có cấu uế và như thật tuệ tri “Nội thân ta không có cấu uế”.

Này chư Hiền, hai hạng người có cấu uế nhưng không như thật tuệ tri “Nội thân ta có cấu uế” và hạng người không có cấu uế nhưng không như thật tuệ tri “Nội thân ta không có cấu uế” được gọi là hạng người hạ liệt. Hai hạng người có cấu uế và như thật tuệ tri “Nội thân ta có cấu uế” cùng hạng người không có cấu uế và như thật tuệ tri “Nội thân ta không có cấu uế” được gọi là hàng ưu thắng.

(ĐTKVN, Trung Bộ I, kinh Không uế nhiễm [lược], VNCPHVN ấn hành 1992, tr.59)

 

LỜI BÀN:

Trừ hàng Bồ tát với nguyện lực độ sanh mà tái sanh vào cuộc đời, còn lại tất cả chúng ta có mặt ở đời do nghiệp sanh. Vì lẽ ấy, cấu uế hay những phiền não tồn tại trong tâm mỗi con người là chuyện bình thường. Vấn đề là phương thức chuyển hóa những cấu uế đó thế nào, nhất là đối với những ai thiết tha với sự nghiệp thanh lọc và thăng hoa tâm.

Thế Tôn đã trao truyền một phương thức chuyển hóa cấu uế rất đơn giản và hiệu quả. Đó là thiết lập tuệ tri thường trực về thân tâm. Tuệ tri là nhìn rõ, thấy biết thân tâm với sự tỉnh táo, tuệ giác và chánh niệm. Một sự nhận diện chính mình trung thực, nhận thức tự nội và ngoại giới như chính nó là tuệ tri. Chỉ cần tuệ tri, tự khắc chúng ta sẽ được soi sáng và biết “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”

Biết quay về nhìn lại chính mình, theo quan điểm của Thế Tôn, đó là hạng người ưu thắng. Tâm mình có phiền não, cấu uế hay không phải biết rõ, nếu có phải nỗ lực đoạn trừ còn nếu không thì phải cảnh giác với các cấu uế có thể khởi lên. Đây là cách “chăn” tâm hiệu quả nhất.

Ngược lài, không rõ biết về thân tâm của mình, ngay cả khi tâm của mình, ngay cả khi tâm vắng lặng mà không tuệ tri thì vẫn là hạng người hạ liệt. Sự hạ liệt ở đây là không nhận thức rõ cái ác đang hiện hữu và những ác pháp khác đang tiềm ẩn, sẵn sàng bùng phát bất cứ lúc nào. Một kẻ “chăn trâu” mà chẳng để ý, không thấy con trâu của mình thì rất nguy hiểm và đáng trách.

Trở về để thấy, hiểu, tìm lại chính mình là con đường tất yếu cho bất kỳ ai muốn tịnh hóa và thăng hoa tâm. Vì thế, trong vô vàn công việc, người con Phật phải thiết lập “hành vi vô hành” và xác định “phản quan tự kỷ bổn phận sự”.

 

NIỆM PHẬT

 

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, rừng Jetavana. Tại đấy, Thế Tôn dạy các Tỷ kheo:

Có một pháp này, này các Tỷ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật.

Chính một pháp này, này các Tỷ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn.

Có một pháp này, này các Tỷ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Một pháp ấy là gì ? Chính là niệm pháp….niệm Tăng…..niệm Giới….niệm Thí….niệm Thiên….niệm Hơi thở vô…..niệm Chết…..niệm Thân….niệm An tịnh.

Chính một pháp này, này các Tỷ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 1, phẩm Một pháp, phần Niệm Phật, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.64)

 

LỜI BÀN:

Niệm Phật là pháp môn tu học rất phổ biến của hàng Phật tử. Chỉ một pháp này, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn sẽ đưa đến nhất hướng, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Niệm Phật được những người con Phật tu tập từ thời Thế Tôn còn tại thế và duy trì đến tận ngày nay.

Niệm Phật là nhớ nghĩ, quán tưởng, tâm niệm hướng về một đối tượng duy nhất là Thế Tôn; với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp; với bốn tâm vô lượng, bốn đức vô uý, mười trí lực, mười danh hiệu……Tu tập niệm Phật sung mãn sẽ thành tựu chành niệm tức viên mãn Bát Thánh Đạo, chứng đắc thắng trí, Niết bàn.

Không riêng pháp môn niệm Phật mà niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niện Thí, niệm Thiên, niệm Hơi thởi ra – Hơi thởi vô, niệm Chết, niệm Thân và niệm An tịnh….nếu được tu tập sung mãn đều có thể đạt đến giải thoát. Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn tu nhưng chỉ cần tu tập một pháp là viên mãn tất cả các pháp giống như trăm sông đều xuôi về biển và thuần nhất một vị mặn; vị an lạc, giải thoát, Niết bàn.

Trong truyền thống Phật giáo phát triển, tông Tịnh Độ chủ trương niệm Phật A Di Đà. Dù có đôi chút khác biệt so với phương thức niệm Phật nguyên thủy song vẫn kế thừa trọn vẹn tinh hoa và bản sắc của tinh thần niệm Phật thời Thế Tôn. Niệm danh hiệu Phật A Di Đà đến nhất tâm bất loạn là chánh niệm, cơ sở vững chắc của vãng sanh và giải thoát.

Mặt khác, chư Phật trong mười phương vốn đồng nhất thể, niệm một danh hiệu Phật tức đồng thời niệm vô lượng Phật. Theo lời Phật dạy, chỉ cần một pháp, tùy duyên mà mỗi người có thể niệm Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Phật Dược Sư, Bồ tát Quán Thế Âm hoặc niệm Pháp, niệm Tăng. Với tất cả thành tâm, tịnh tín, nỗ lực, tinh cần tu niệm một pháp thì chắc chắn người con Phật sẽ thành tựu chánh niệm và giải thoát sanh tử luân hồi.

 

TRUNG ĐẠO

 

Một thời, Thế Tôn trú tại Ràjagaha, núi Gijjhakùta. Lúc bấy giờ, Tôn giả Sona ở tại rừng Sìta, trong thiền định, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Những ai là đệ tử Thế Tôn, phải sống tinh cần tinh tấn. Nhưng ta còn chấp thủ, tâm chưa giải thoát khỏi các lậu hoặc. Gia đình ta có tài sản, ta có thể hưởng thọ tài sản ấy và làm điều công đức. Vậy ta hãy từ bỏ học pháp, hoàn tục, thọ hưởng tài sản và làm các công đức”.

Thế Tôn biết được tâm thối thất của Tôn giả Sona, liền đi đến trước mặt và dạy:

Thầy nghĩ thế nào, này Sona ? Có phải trước đây, khi còn là gia chủ, Thầy giỏi đánh đàn tỳ bà ?

Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Khi những sợi dây đàn quá căng, đàn của Thầy có phát âm hay sử dụng được không ?

Thưa không, bạch Thế Tôn.

Khi những sợi dây đàn quá chùn, đàn của Thầy có phát âm hay sử dụng được không ?

Thưa không, bạch Thế Tôn.

Khi những sởi dây đàn không quá căng, cũng không quá chùn, vặn đúng mức trung bình, khi ấy đàn của Thầy có phát âm hay sử dụng được không ?

Thưa được, bạch Thế Tôn.

Cũng vậy, này Sona, khi tinh cần tinh tấn quá căng thẳng, thời đưa đến dao động; khi tinh cần tinh tấn quá thụ động, thời đưa đến biếng nhác. Do vậy, Thầy phải an trú tinh tấn một cách bình đẳng.

Sau đó, Tôn giả Sona trở thành một vị A la hán.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Đại, phần Sona, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.155)

 

LỜI BÀN:

Tu tập cũng giống như thực hiện bất cứ một công việc nào khác đều đòi hỏi sự chuyên cần. Chính sự bền bỉ, tinh chuyên là nền tảng, bí quyết của thành công. Trong đó, ý chí là nhân tố quan trọng để duy trì và tăng trưởng sự tinh cần tinh tấn.

Đối với những người sơ học, ai cũng mang trong mình tâm nguyện chí thiết, ý chí kiên cường, quyết tâm và cố gắng hết mình để mong tìm ra chân lý. Tuy mong ước giải thoát, chứng ngộ trong thời gian ngắn nhất là điều tốt song dễ dẫn đến thực trạng “lực bất tòng tâm”. Vì răng, tiến trình chuyển hóa để thăng hoa tâm linh tùy thuộc vào nghiệp lực của mỗi cá nhân nên có những trở ngại và nhanh chậm khác nhau. Do đó, nếu nỗ lực thái quá mà không đạt kết quả thường kéo theo hiệu ứng mệt mỏi đồng thời tạo ra cảm giác tự ti, thất vọng và dẫn đến thối thất. Ngược lại, nếu quá thụ động, thiếu tinh cần sẽ dẫn đến biếng nhác, nhàm chán, phó mặc thân phận cũng đưa đến thối thất, hoàn tục.

Đây là hai thái cực cần tránh trong công việc và nhất là trong tu tập. Chủ trương của Đức Phật trong tu tập là Trung đạo, xa lìa mọi cực đoan. Pháp thoại giữa Thế Tôn và Sona về việc sử dụng đàn tỳ bà là một trong nhiều ví dụ điển hình về tinh thần Trung đạo của Phật giáo. Đồng thời, đây cũng là bí quyết tu tập thành công của Tôn giả Sona và tất cả những người con Phật.

 

ĐẤT LÀNH CHIM ĐẬU

 

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:

Chư Tỷ kheo, Ta sẽ giảng pháp môn về khu rừng. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ.

Tỷ kheo sống tại khu rừng nào mà các niệm chưa được an trú không được an trú; tâm chưa được định tĩnh không được định tĩnh; các lậu hoặc chưa được đoạn trừ không được đoạn trừ; vô thượng an ổn chưa chứng đạt không được chứng đạt và y phục, đồ ăn, sàng tọa, thuốc men kiếm được một cách khó khăn. Tỷ kheo phải từ bỏ khu rừng ấy bất kể ngày hay đêm.

Tỷ kheo sống tại khu rừng nào mà các niệm chư được an trú không được an trú; ….(như trên) và y phục, đồ ăn, sàng tọa, thuốc men khiếm được một cách dễ dàng. Tỷ kheo phải từ bỏ khu rừng ấy.

Tỷ kheo sống tại khu rừng nào mà các niệm chưa được an trú được an trú; tâm tư chưa được định tĩnh được định tĩnh; các lậu hoặc chưa được đoạn trừ được đoạn trừ; vô thượng an ổn chưa chứng đạt được chứng đạt và y phục, đồ ăn, sàng tọa, thuốc men khiếm được một cách khó khăn. Tỷ kheo phải ở lại khu rừng ấy.

Tỷ kheo sống tại khu rừng nào mà các niệm chưa được an trú được an trú;…..(như trên) và y phục, đồ ăn, sàng tọa, thuốc men khiếm được một cách dễ dàng. Tỷ kheo phải ở lại khu rừng ấy đến trọn đời.

(ĐTKVN, Trung Bộ I, kinh Khu Rừng [lược], số 17, VNCPHVN ấn hành 1992, tr.239)

 

LỜI BÀN:

Thời Thế Tôn còn tại thế, các Tỷ kheo đa phần sống du hành. Với hành trang chủ yếu là ba y một bát, khất thực để nuôi thân, luôn di chuyển từ nơi này đến nơi khác là đặc trưng của đời sống xuất gia. Cũng có lúc vị Tỷ kheo sống ở tinh xá hoặc nhà của thí chủ nhưng chủ yếu vẫn là các khu rừng bên ngoài những làng mạc, phố xá.

Theo kinh nghiệm của Thế Tôn, nếu khu rừng nào mà không cải thiện được đời sống tâm linh, không thăng tiến về định tuệ thì dù cho nơi ấy có đời sống sung túc cũng phải từ bỏ ngay lập tức. Ngược lại, khu rừng nào mà nơi ấy sự tu tập ngày càng tiến bộ, dẫu đời sống khó khăn thì cũng nên ở lại, nếu đủ duyên thì có thể ở lại đến trọn đời.

Ngay nay, chư Tỷ kheo không còn ở rừng và du hành nữa mà thường ở cố định trong những già lam song kinh nghiệm về bốn khu rừng vẫn còn liên hệ mật thiết đến đời sống xuất gia. Do đó, nếu một Tỷ kheo không cảm nhận được sự tiến bộ tâm linh thì có quyền rời bỏ trụ xứ để tìm một nơi ở khác thích hợp.

Vì thế, những vị có trách nhiệm lãnh đạo các chùa viện ngoài việc cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống vật chất cần đặc biệt quan tâm đến sự thăng hoa tâm linh của đại chúng. Sự ổn định và phát triển về phương diện vật chất tuy cần nhưng cần nhất vẫn là sự tiến bộ tinh thần.

Đất lành chim đậu. Cũng vậy, khu rừng nào có an lạc và giải thoát thì Tăng chúng tìm về nương tựa. Điều này lý giải cho việc có khá nhiều “khu rừng” hiện nay bên ngoài nguy nga, tráng lệ, sung mãn vật chất nhưng thiếu vắn chư Tăng bởi không kiến tạo được chất liệu an tịnh, giải thoát.

 

UNG NHỌT

 

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anathapindika, Ngày dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, ví như một ung nhọt đã trải qua nhiều năm. Nó có chín miệng vết thương, có chín miệng rạn nứt. Từ đấy có cái gì chảy ra ? Chắc chắn bất tịnh rỉ chảy, chắc chắn hôi thúi rỉ chảy, chắc chắn nhàm chán rỉ chảy. Có cái gì nứt chảy ? Chắc chắn bất tịnh nứt chảy, chắc chắn hôi thúi nứt chảy, chắc chắn nhàm chán nứt chảy.

Ung nhọt, này các Tỷ kheo, là đồng nghĩa với thân này do bốn đại tác thành, do cơm cháo chất chứa nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, tan nát, huỷ hoại, có chín miệng vết thương, chó chín miệng rạn nứt. Từ đấy có cái gì chảy ra? Chắc chắn bất tịnh rỉ chảy, chắc chắn hôi thúi rỉ chảy, chắc chắn nhàm chán rỉ chảy. Có cái gì nứt chảy ? Chắc chắn bất tịnh nứt chảy, chắc chắn hôi thúi nứt chảy, chắc chắn nhảm chán nứt chảy.

Do vậy, này các Tỷ kheo, hãy nhàm chán thân này.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ IV, chương 9, phẩm Tiếng rống con sư tử, phần Ung nhọt, VNCPHVN ấn hành 1997, tr.116)

 

LỜI BÀN:

Nếu được hỏi, trên đời cái gì là quý giá nhất hẳn ai cũng trả lời đó là sinh mạng, thân thể. Người ta có thể cho bất cứ vật gì mình sở hữu nhưng đối với thân mạng thì không. Vì một lẽ đơn giản, người làm ra của chứ của không làm ra người. Vì vô giá, nên con người rất thương mến, nâng niu, gìn giữ và luyến tiếc chính bản thân mình. Thân thể của tôi, đối với riêng tôi thật đẹp, thật quý và bất khả xâm phạm.

Thương yêu và trân quý thân mạng là điều tốt đồng thời không biết quý trọng thân thể là tội lỗi. Nhưng quá tham đắm, thương tiếc, chấp thủ, chăm lo, vun vén cho riêng mình thì không nên. Bởi cuộc đời cần phải có sự cống hiến, sẻ chia, dâng tặng thậm chí có thể phải hy sinh vì hạnh phúc cho nhiều người. Muốn được vậy, cái tôi cá nhân phải nhỏ lại thì tình yêu rộng lớn mới có cơ hội mở ra. Cũng từ đây, con người mớ có khả năng mang đến cho đời những hoa trái hạnh phúc.

Trong đạo lộ giải thoát, thân thể rất quan trọng, là chiếc bè đưa hành giả đến bờ giải thoát. Dù quý trọng nhưng không tham đắm và luyến ái sắc thân thì mới thoát ly ngã chấp và thành tựu trí tuệ. Theo tuệ giác Thế Tôn, thân này dẫu được khéo léo che đậy, trang điểm hoàn hảo đến đâu thì bản chất của nó vốn không sạch sẽ, như một ung nhọt nhiều năm có chín miệng rạn nứt, rỉ chảy bất tịnh.

Thân thể là một ung nhọt thật sự được che đậy, bao bọc bằng một lớp da mỏng khiều diễm bên ngoài. Chỉ cần một trầy xước nhỏ thôi là ung nhọt ấy sẽ vỡ ra. Hay dù cho khi thân thể vẹn toàn thì chín miệng của ung nhọt ấy là hai lỗ tai, hai mắt, hai lỗ mũi, miệng, tiểu tiện, và đại tiện vẫn luôn thải ra bất tịnh. Duy trì thường trực tuệ quán về thân thể như vậy sẽ làm suy giảm dẫn đến chấm dứt sự tham ái và chấp thủ sắc thân.

Chấp thủ và luyến ái tự ngã, vun vén và tô bồi sắc thân là nguyên nhân của mọi khổ đau, luân hồi sanh tử. Nỗ lực quán sát, như thật tuệ tri về bất tịnh của thân thể để thoát ly tham ái là một trong những chìa khóa quan trọng của những người con Phật để mở cửa giải thoát, thành tựu Niết bàn.