Tựa

15 Tháng Bảy 201611:20 CH(Xem: 2370)
Tựa

ĐẠI CƯƠNG VỀ LUẬN CÂU XÁ
Hòa thượng Thích Thiện Siêu 
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, PL. 2543 - TL. 1999

TỰA

Toàn bộ giáo lý đức Phật đều nhằm mục đích ''chuyển mê khai ngộ'' cho chúng sanh. Vì mê ngộ là gốc của khổ vui. Mê thì khổ, ngộ thì vui. Mê thì thành chúng sanh luân hồi sanh tử, ngộ thì thành chư Phật giải thoát Niết-bàn. Nhưng mê là tâm mà ngộ cũng là tâm. Chuyển mê khai ngộ tức là chuyển đổi tâm mê lầm thành tâm giác ngộ. Như vậy đạo Phật chính là đạo nói về tâm (Phật ngữ tâm tông, nhất thế Phật ngữ tâm). Tùy theo trình độ căn cơ của chúng sanh mà mỗi kinh nói về tâm mỗi khác. Khi thì nói về tâm tánh, khi thì nói về tâm tướng, khi thì nói về tâm dụng. Thậm chí có khi đề cập vấn đề thế giới sắc trần, sự vật chuyển biến nhưng cũng cốt để chỉ rõ tâm hầu dễ thực hành chuyển mê khai ngộ. 

Kinh Pháp Cú nói: "Tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác mọi sự". "Ham muốn sinh lo, ham muốn sinh sợ, không còn ham muốn có lo sợ gì !" Đó là nói tâm. 

Kinh A-hàm nói: "Tứ đế, Thập nhị Nhơn duyên, Vô thường, Vô ngã, Giới, Định, Tuệ...". Đó là nói tâm. 

Kinh Bát-nhã nói: "Bát nhã tâm, vô sở đắc, vô trụ, nhất thiết không, vô trú sinh tâm, vô tướng vô tự tánh...". Đó là nói tâm. 

Kinh Hoa Nghiêm nói: "Tam giới thượng hạ pháp, duy thị nhất tâm tắc. Tâm như công họa sư, họa chủng chủng thế gian. Ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo...". Đó là nói tâm.vô tướng vô tự tánh...". Đó là nói tâm. 

Kinh Lăng Già nói: "Năm pháp, ba Tự tánh, tám thức, hai Vô ngã. Thánh trí tự giác ...". Đó là nói tâm. 

Kinh Lăng Nghiêm nói: "Bảy chỗ gạn tâm, mười phen chỉ tánh thấy. Thức tinh nguyên minh, tánh tịnh minh thể, tri kiến lập tri, tức vô minh bổn, tri kiến vô kiến, tư tức Niết-bàn...". Đó là nói tâm. 

Kinh Pháp Hoa nói: "Phật tri kiến, nhất thừa đạo, chúng sanh đều thành Phật...". Đó là nói tâm. 

Kinh Niết-bàn nói: "Phật tánh thường trú, thường lạc ngã tịnh...". Đó là nói tâm. 

Kinh Viên Giác nói: "Huyễn tùng giác sanh, huyễn diệt giác viên, giác tâm bất động...". Đó là nói tâm. 

Thiền tông nói: ''Bản lai diện mục, vô vị chân nhân. Thuyền không đáy, đàn không giây...". Đó là nói tâm. 

Nhưng trong kinh, đức Phật nói tâm một cách vắn tắt cô đọng. Các vị Tổ sư, Luận sư mới dựa theo để suy tầm tu chứng phát hiện ra nhiều ý nghĩa ẩn khuất trong đó, mới tạo luận để giải thích, dần dần mới phát sinh nhiều ý nghĩa mới lạ độc đáo giúp cho hành giả có thêm sự hiểu biết hết sức phong phú. Từ lý Tứ đế, ngài Long Thọ đã khái quát thành hai đế là tục đế và chơn đế, hay thế tục đế, thắng nghĩa đế. Ngài Hộ Pháp lại khai triển ra thành bốn lớp hai đế (Tứ trùng Nhị đế) là thế gian thế tục đế, đạo lýï thế tục đế, chứng đắc thế tục đế, thắng nghĩa thế tục đế, thế gian thắng nghĩa đế, đạo lý thắng nghĩa đế, chứng đắc thắng nghĩa đế, thắng nghĩa thắng nghĩa đế. Chữ vô minh trong kinh cũng được trong luận chia ra làm phát nghiệp vô minh, nhuận sanh vô minh, nhiễm ô vô tri, bất nhiễm ô vô tri, kiến hoặc, tư hoặc, trần sa hoặc, vô minh hoặc, năm trụ địa vô minh. Luận Du-già cuốn hai còn nói đến mười lăm thứ vô minh. Ngay luận Câu-xá này cũng đã hệ thống năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới thành ba khoa và phân tích một cách tỉ mỉ theo hai mươi hai phương diện (hai mươi hai môn phân biệt) và đặt chúng thành một vấn đề tranh cải giữa các bộ phái Tiểu thừa về tính hư thật của chúng. Những gì thuộc về tâm mê như năm cái, mười triền mười hoặc...và những gì thuộc về tâm ngộ như giới, định, tuệ, biến tri, biến đoạn, tận trí, vô sanh trí...đều được gom lại sắp đặt có hệ thống để luận giải làm cho rõ ràng từng ly từng tí quá trình diễn biến trong khi mê, cũng như tuần tự tu chứng trên bước đường ngộ. 

Đây là những hiểu biết sâu sắc, rộng rãi và cần thiết để xác định rõ ràng từng bước chuyển mê khai ngộ mà luận tạng đã cung cấp cho chúng ta. Tuy nhiên bên cạnh cái hay đó, luận tạng đã không tránh khỏi nhược điểm vì đôi khi phân tách quá tỉ mỉ làm cho vấn đề bị văm vún, lại có khi còn nêu những việc tầm thường như vì sao có hai mắt, thấy với một mắt hay với hai mắt?...khiến cho người đọc bị chán nản, khó tập trung nghiên cứu các vấn đề thâm áo hơn. Vì lẽ đó ở tập Đại Cương Luận Câu Xá này chúng tôi đã lờ đi những gì tỉ mỉ rườm rà, mà chọn lấy phần rất cương yếu hầu giúp cho Tăng Ni sinh và những ai không ở vào hạng căn cơ "nhất đao triệt đoạn, nhất cú liễu nhiên siêu bách ức" muốn biết được phần giáo lý "chuyển mê khai ngộ" cơ bản của luận Câu Xá, trước khi nghiên cứu sâu xa vào những chi tiết đầy đủ. 

Đọc luận Câu Xá và các luận thư A-tỳ-đạt-ma khác, còn cho thấy lịch sử chuyển biến về tư tưởng Phật giáo từ sau ngày phân chia hai bộ Thượng tọa và Đại chúng với sự hăng say sôi nổi tranh biện về giáo lý giữa các bộ phái suốt một thời gian dài trên 400 năm sau kỳ kết tập kinh điển lần thứ hai tại Tỳ-xá-ly. 

Riêng luận Câu-xá còn có vị trí rất quan trọng đối với Hữu bộ, cũng như luận Thắng Pháp Tập Yếu của ngài A-nậu-lâu-đà có một vị trí rất quan trọng đối với Tân Thượng tọa bộ. Và có thể nói môn tâm lý học, đạo đức học Phật giáo cũng đã được các luận này trình bày khá đầy đủ. 

Từ Đàm, ngày 28 tháng 11 năm 1991 
Soạn thuật