Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
Danh Mục Tam Tạng
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Phẩm 25: Quán Về Niết Bàn

25 Tháng Bảy 20169:12 CH(Xem: 2193)
Phẩm 25: Quán Về Niết Bàn
TRUNG LUẬN 
(MADHYAMAKA SASTRA) 
Tác giả: Nagaruna 
Dịch và chú giải: HT Thích Thiện Siêu 
Nhà xuất bản: TP. Hồ Chí Minh 2001

PHẨM XXV: QUÁN VỀ NIẾT-BÀN.

(Gồm 24 bài kệ)

Hỏi:

1. Nếu hết thảy pháp đều không, không sinh cũng không diệt, thời đoạn cái gì, diệt cái gì mà gọi là Niết-bàn.

Nếu hết thảy pháp tính không, thời không sinh không diệt, không sinh không diệt thời đoạn cái gì, diệt cái gì mà gọi là Niết-bàn. Thế nên hết thảy chẳng nên không, vì các pháp chẳng không (tức là có) nên mới đoạn các phiền não, diệt năm uẩn, gọi là Niết-bàn ?

Đáp:

2. Nếu các pháp chẳng không, không sinh không diệt, vậy đoạn cái gì, diệt cái gì, mà gọi là Niết-bàn.

Nếu hết thảy thế gian chẳng không (tức là thật có) thời không sinh không diệt, vậy đoạn cái gì, diệt cái gì mà gọi là Niết-bàn. Thế nên hai môn thực có pháp và không thực có pháp, chẳng phải đưa đến Niết-bàn. Gọi là Niết-bàn là:

3. Không chứng đắc cũng không chỗ đến, chẳng đoạn cũng chẳng thường, chẳng sinh cũng chẳng diệt, ấy gọi là Niết-bàn.

Vô đắc là đối với tu hành và chứng quả không có sở đắc; vô chí là không có chỗ có thể đến; bất đoạn là năm uẩn từ trước lại đây rốt ráo không, nên khi đắc đạo vào Vô dư Niết-bàn cũng không có đoạn gì; bất thường là hoặc có pháp có thể nắm bắt và phân biệt được, thời gọi là thường, còn Niết-bàn vắng lặng không có pháp để phân biệt, nên không gọi là thường; bất sinh bất diệt cũng như vậy. Tướng như vậy gọi là Niết-bàn.

Lại nữa, Kinh nói: Niết-bàn chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải có không, chẳng phải chẳng có chẳng phải chẳng không. Không chấp thọ tất cả pháp, bên trong vắng lặng, gọi là Niết-bàn, vì sao ?

4. Niết-bàn không gọi là có, có thời là tướng già chết, hoàn toàn không có pháp có nào, lìa ngoài tướng già chết.

Mắt thấy hết thảy vạn vật đều sinh diệt, đó là tướng già chết. Niết-bàn nếu là có, thời có tướng già chết, việc ấy không đúng. Thế nên Niết-bàn không gọi là có. Lại không thấy xa lìa sinh diệt già chết, riêng có pháp định tính. Nếu Niết-bàn là có, tức phải có tướng sinh diệt già chết. Chỉ do xa lìa tướng già chết, nên gọi là Niết-bàn.

Lại nữa,

5. Nếu Niết-bàn là có, thời Niết-bàn tức là pháp hữu vi, như vậy trọn không có một pháp nào là pháp vô vi, (nếu Niết-bàn mà còn là hữu vi, thì tất cả pháp đều là hữu vi chứ không có pháp nào là pháp vô vi được).

Niết-bàn chẳng phải là có, vì sao ? Vì hết thảy vạn vật từ các duyên sinh, đều là pháp hữu vi, không có một pháp nào gọi là pháp vô vi. Tuy giả gọi pháp thường là vô vi, nhưng lấy lý suy thì pháp vô thường còn không có, huống gì pháp thường, là pháp không thể thấy, không thể thủ đắc.

Lại nữa,

6. Nếu Niết-bàn là có, thời cớ sao kinh nói không chấp thọ là Niết-bàn, vì không có một sự gì không từ nơi chấp thọ mà gọi là pháp có được.

Nếu bảo Niết-bàn là pháp có, thời kinh không nên nói "không chấp thọ là Niết-bàn", vì sao ? Vì không có pháp gì không chấp thọ mà thành có được. Thế nên Niết-bàn chẳng phải có (vì không có chấp thọ).

Hỏi: Nếu có, chẳng phải là Niết-bàn, vậy thời không có là Niết-bàn ư ?

Đáp:

7. Có còn chẳng phải Niết-bàn, huống gì là không; Niết-bàn không có tướng có, thời chỗ nào mà có tướng không.

Nếu có chẳng phải Niết-bàn, thời không có làm sao là Niết-bàn, vì sao ? Vì nhân nơi có nên mới có không, nếu không có có, thời làm sao có không. Như kinh nói trước có mà nay không, thời gọi là không có, còn Niết-bàn, thời không phải như vậy, vì sao ? Vì chẳng phải Niết-bàn trước có rồi sau biến làm không. Thế nên không có, cũng không thành Niết-bàn.

Lại nữa,

8. Nếu không có (vô) là Niết-bàn, thời cớ sao kinh nói Niết-bàn là không chấp thọ, vì chưa từng có sự gì không chấp thọ mà gọi là pháp không được.

Nếu bảo "không có" là Niết-bàn, thời kinh không nên nói "không chấp thọ là Niết-bàn", vì sao? Vì không có cái gì không chấp thọ mà gọi là pháp không có được. Thế nên biết Niết-bàn chẳng phải "không có" (vô).

Hỏi: Nếu Niết-bàn chẳng phải có chẳng phải không, vậy thế nào là Niết-bàn ?

Đáp:

9. Vì chấp thọ các nhân duyên, nên xoay vần trong vòng sinh tử, không chấp thọ các nhân duyên, ấy gọi là Niết-bàn.

Vì không như thật biết điên đảo nên nhân nơi năm thọ uẩn mà qua lại sinh tử, còn như thật biết điên đảo thời không còn chấp thọ, nhân nơi năm thọ uẩn qua lại sinh tử. Năm uẩn không có tự tính, không còn tương tục, nên gọi là Niết-bàn.

Lại nữa,

10. Như trong kinh Phật dạy: (Niết-bàn) dứt hữu dứt phi hữu. Thế nên biết Niết-bàn là chẳng phải hữu cũng chẳng phải vô.

Hữu là ba hữu, phi hữu là ba hữu đoạn diệt. Phật dạy vì dứt hữu dứt phi hữu ấy, gọi là Niết-bàn, nên biết Niết-bàn chẳng phải có chẳng phải không.

Hỏi: Hoặc có hoặc không có, đều chẳng phải Niết-bàn, song hợp chung có và không lại là Niết-bàn ư ?

Đáp:

11. Nếu bảo Niết-bàn là sự tập hợp của hữu và vô. Như vậy hữu và vô tức là giải thoát, việc ấy không đúng.

Nếu bảo có và không hợp lại là Niết-bàn, tức có và không hợp lại là giải thoát. Việc ấy không đúng, vì sao ? Vì hai việc có và không trái nhau, làm sao hợp cùng ở một chỗ.

Lại nữa,

12. Nếu bảo Niết-bàn là sự tập hợp của hữu và vô. Như vậy Niết-bàn chẳng phải là không chấp thọ, vì hữu và vô đều từ chấp thọ mà phát sinh.

Nếu có và không hợp lại làm Niết-bàn thời kinh không nên nói Niết-bàn là không chấp thọ, vì sao ? Vì có và không đều do chấp thọ mà sinh, nhân với nhau mà có. Thế nên không được hợp có và không làm Niết-bàn.

Lại nữa,

13. Làm sao gọi có và không hợp thành Niết-bàn, vì Niết-bàn là vô vi, còn có và không là hữu vi.

Có và không hợp chung lại không được gọi là Niết-bàn, vì Niết-bàn là vô vi, có và không thuộc hữu vi. Thế nên có và không chẳng phải Niết-bàn.

Lại nữa,

14. Làm sao có và không chung lại gọi là Niết-bàn, vì có và không, không cùng ở một chỗ như sáng và tối không ở chung.

Có và không không được gọi là Niết-bàn, vì sao ? Vì có và không trái nhau, không thể cùng ở một chỗ, như tối và sáng không có cùng một lúc. Thế nên khi có thời không có không, khi không thời không có có, làm sao có và không hợp chung gọi là Niết-bàn.

Hỏi: Nếu có và không hợp chung chẳng phải Niết-bàn, thời chẳng phải có chẳng phải không là Niết-bàn ư ?

Đáp:

15. Nếu chẳng phải có chẳng phải không gọi là Niết-bàn, vậy chẳng phải có chẳng phải không ấy, lấy gì để phân biệt.

Nếu Niết-bàn chẳng phải có chẳng phải không, vậy chẳng phải có chẳng phải không ấy nhân vào đâu để phân biệt. Thế nên nói chẳng phải có chẳng phải không là Niết-bàn, việc ấy không đúng.

Lại nữa,

16. Phân biệt chẳng phải có chẳng phải không, như vậy gọi là Niết-bàn; nếu có và không mà thành Niết-bàn được, thời chẳng phải có chẳng phải không mới thành.

Ông (người chấp kiến) phân biệt chẳng phải có chẳng phải không là Niết-bàn, việc ấy không đúng, vì sao ? Vì nếu có và không mà thành Niết-bàn được, vậy sau chẳng phải có chẳng phải không mới thành Niết-bàn. Song trái với có gọi là không, trái với không gọi là có, có và không ấy ngay trong câu kệ thứ ba đã bị phá. Vì có và không còn không có, thì làm sao có chẳng phải có chẳng phải không. Thế nên Niết-bàn chẳng phải chẳng có, chẳng phải chẳng không.

Lại nữa,

17. Sau khi đức Như Lai diệt độ, không thể nói là Như Lai hiện hữu hay không hiện hữu, cũng không thể nói Như Lai vừa hiện hữu vừa không hiện hữu, chẳng phải có hiện hữu chẳng phải không hiện hữu.

18. Ngay khi đức Như Lai còn tại thế, còn không thể nói là Như Lai có hay không, cũng không thể nói Như Lai vừa có vừa không, chẳng phải có chẳng phải không hiện hữu.

Hoặc sau khi Như Lai diệt độ, hoặc hiện tại, có Như Lai cũng không chấp thọ; không có Như Lai cũng không chấp thọ, cũng có Như Lai, cũng không Như Lai; cũng không chấp thọ; chẳng phải có Như Lai, chẳng phải không Như Lai, cũng không chấp thọ. Vì không chấp thọ nên không nên phân biệt Niết-bàn là có hay là không v.v… lìa ngoài Như Lai thời ai đắc Niết-bàn, lúc nào, chỗ nào ? Lấy pháp gì nói là Niết-bàn. Thế nên tìm tướng Niết-bàn trong tất cả lúc, tất cả thứ, đều không thể có được.

Lại nữa,

19. Niết-bàn cùng với thế gian, không có mảy may phân biệt, thế gian cùng với Niết-bàn không có mảy may phân biệt.

Vì nhân duyên của năm uẩn qua lại tương tục nên gọi là thế gian, song bản tính năm uẩn là rốt ráo không, vắng lặng, không chấp thọ, nghĩa này trước đã nói. Vì hết thảy pháp chẳng sinh chẳng diệt, nên thế gian với Niết-bàn không có phân biệt, Niết-bàn với thế gian cũng không có phân biệt.

Lại nữa,

20. Tính đích thực của Niết-bàn và tính đích thực của thế gian, hai tính đích thực ấy không có mảy may sai khác.

Suy tìm rốt ráo thật tế của thế gian và Niết-bàn là vô sinh, vì bình đẳng không thể phân biệt, nên không có mảy may sai khác.

Lại nữa,

21. Sau khi đức Như Lai diệt độ, hoặc hiện hữu hay không hiện hữu, các kiến chấp ấy nương nơi Phật Niết-bàn mà sinh khởi; thế gian hữu biên vô biên, hoặc thường hoặc vô thường, các kiến chấp ấy nương đời vị lai và quá khứ mà sinh khởi.

Sau khi Như Lai diệt độ còn có Như Lai, không có Như Lai, cũng có cũng không có Như Lai, chẳng phải có Như Lai chẳng phải không có Như Lai; thế gian hữu biên, thế gian vô biên, thế gian cũng hữu biên cũng vô biên, thế gian chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên; thế gian thường, thế gian vô thường; thế gian cũng thường cũng vô thường, thế gian chẳng phải thường chẳng phải vô thường. Trong ba loại mười hai kiến chấp ấy, bốn kiến chấp sau khi Như Lai diệt độ Như Lai có không v.v… là dựa vào sau khi Như Lai Niết-bàn mà khởi lên; bốn kiến chấp thế gian hữu biên vô biên v.v… là dựa vào đời vị lai mà khởi lên; bốn kiến chấp thế gian thường vô thường v.v… là dựa vào đời quá khứ mà khởi lên.

Như Như Lai có hay không có v.v… sau khi diệt độ đều không thể có được, Niết-bàn cũng như vậy, như thế gian đời quá khứ, vị lai, hữu biên, vô biên, thường, vô thường đều không thể có được, Niết-bàn cũng như vậy. Thế nên nói thế gian và Niết-bàn không có sai khác.

Lại nữa,

22. Hết thảy pháp đều rốt ráo không, làm gì có biên giới, không biên giới, cũng có biên giới cũng không biên giới, chẳng phải có biên giới chẳng phải không có biên giới.

23. Cái gì là một là khác, đâu có thường vô thường, cũng thường cũng vô thường, chẳng phải thường chẳng phải vô thường.

24. Các pháp đều rốt ráo không, không thể nắm bắt, mọi hý luận đều dứt sạch, không có người cũng không có nơi chốn, Phật cũng không có nói gì.

Tất cả pháp, tất cả thời, tất cả chủng, vì từ các duyên sinh, vì rốt ráo không, nên không có tự tính. Trong những pháp như vậy, cái gì là hữu biên, ai là hữu biên, cái gì là vô biên, cũng hữu biên cũng vô biên, chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên, ai là chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên. Cái gì là thường, ai là thường, cái gì là vô thường, thường vô thường, chẳng phải thường chẳng phải vô thường, ai là chẳng phải thường chẳng phải vô thường. Cái gì thân tức là thần ngã, cái gì thân khác thần ngã. Sáu mươi hai tà kiến như thế đối với rốt ráo không đều không thể có được. Những gì có sở đắc đều dứt, hý luận đều diệt. Vì hý luận diệt nên thông đạt thật tướng các pháp, được đạo an ổn.

Từ phẩm Quán nhân duyên lại đây, phân biệt suy tìm các pháp, có cũng không, không có cũng không, vừa có vừa không cũng không, chẳng phải có chẳng phải không cũng không. Như thế gọi là thật tướng các pháp, cũng gọi là Như, pháp tính, thật tế, Niết-bàn. Thế nên Như Lai không có lúc nào, không có ở chỗ nào nói định tướng Niết-bàn cho bất cứ người nào. Thế nên nói, những gì có sở đắc đều dứt, hý luận đều diệt.

*

Tóm tắt phẩm XXV: Quán về Niết-bàn.

Niết-bàn là quả chứng cùng tột của con đường tu Phật. Nghe kinh dạy giải thoát sinh tử chứng nhập Niết-bàn hay thoát ra ba cõi chứng nhập Niết-bàn, rồi tưởng lầm thật có sinh tử và ba cõi để phải thoát ly, thật có Niết-bàn ở ngoài sinh tử và ba cõi để chứng nhập. Không hiểu rằng thật tính của sinh tử và ba cõi vốn chơn không vắng lặng, chính đó là Niết-bàn; ngộ nhập được hết thảy pháp tính rốt ráo không, tức là ngộ nhập Niết-bàn.

Phẩm này một mặt phá kiến chấp Niết-bàn thật có, một mặt hiển bày chơn nghĩa Niết-bàn. Gồm có: 1. Nêu vấn nạn về Niết-bàn (kệ 1) 2. Hiển bày chính tông về Niết-bàn (kệ 2,3). 3. Chỉ rõ Niết-bàn không phải theo bốn câu có, không v.v… (kệ 4 đến kệ 16). 4. Như Lai lìa bốn câu (kệ 17,18). 5. Niết-bàn tức thế gian (kệ 19,20). 6. Các kiến chấp không phải Niết-bàn (kệ 21 đến kệ 24).