Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
Danh Mục Tam Tạng
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Quyển Thứ Ba Mươi Hai

06 Tháng Tám 20161:00 CH(Xem: 2203)
Quyển Thứ Ba Mươi Hai

Đại Tạng Số 1425
LUẬT MA HA TĂNG KỲ
 
Hán dịch: Tam Tạng Phật Đà La người Thiên Trúc cùng 
Sa môn Pháp Hiển, đời Đông Tấn, Trung Quốc
Việt dịch: Thích Phước Sơn - Chứng nghĩa: Thích Đỗng Minh
Sài Gòn, Việt Nam, PL 2543 (TL 2000)

Quyển Thứ Ba Mươi Hai

NÓI RÕ PHẨM TẠP TỤNG THỨ MƯỜI

PHÉP ĂN CHUNG.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy, nhóm sáu Tỉ-kheo cùng ăn chung bị người đời chê cười rằng:

- Vì sao Sa-môn Thích tử mà ngồi ăn chung giống như những kẻ dâm dật ở thế gian?

Cho đến Phật bảo gọi nhóm sáu Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:

- Các ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Từ nay về sau, Ta không cho phép cùng ăn chung. Cùng ăn chung nghĩa là cùng ăn một bát. Còn thức ăn thì có 5 món ăn chính và 5 món ăn linh tinh nên đựng riêng ra mà ăn. Nếu không có bát thì nên dùng tô, chén để đựng. Nếu cũng không có tô, chén thì nên vò cơm thành viên bỏ trong bàn tay trái, dùng tay phải bốc ăn. Nếu cũng không thể được thì nên đặt bát trên cỏ, lá, rồi cùng bốc ăn. (485c) Không được dùng tay bốc ăn chung 5 thức ăn chính và 5 thức ăn tạp. Nhưng nếu là bột, bánh, rau, trái thì cùng ăn chung không có tội. Nếu cùng ăn chung trong một bát thì phạm tội Việt tỳ ni. 

Đó là phép cùng ăn chung.

PHÉP ĂN TRÊN BÀN.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, đức Như Lai vì 5 sự lợi ích nên cứ 5 hôm đi thị sát phòng các Tỉ-kheo một lần. Thấy bàn ăn trong phòng của Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà được vẽ nhiều màu sắc, tuy biết nhưng Phật vẫn hỏi các Tỉ-kheo:

- Cái bàn ăn này của ai mà được vẽ nhiều màu sắc thế này?

- Bạch Thế Tôn! Đó là bàn ăn của Nan-đà, Ưu Ba Nan-đà.

- Từ nay về sau, Ta không cho phép ăn trên bàn ăn.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, đức Như Lai vì 5 sự lợi ích nên cứ 5 hôm đi thị sát phòng các Tỉ-kheo một lần. Thấy một Tỉ-kheo bị mụt nhọt ở tay, tuy biết nhưng Phật vẫn hỏi:

- Này Tỉ-kheo! Ông có được điều hòa, an lạc không?

- Bạch Thế Tôn! Con bị mụt nhọt ở tay khiến bát bị vỡ mà Thế Tôn chế giới không cho ăn trên bàn nên không được an vui.

- Từ nay Ta cho phép Tỉ-kheo bệnh được ăn trên bàn nhưng không cho phép vẽ trên bàn nhiều màu sắc. 

Nếu bàn ăn của Tăng vẽ nhiều màu sắc thì không có tội. 

Nếu là bàn riêng thì chỉ nên dùng một màu. Tỉ-kheo bệnh ăn trên bàn, trước hết nên đứng chú tâm tưởng niệm rồi ăn thì không có tội. 

Nếu Tỉ-kheo không có bệnh thì hoàn toàn không cho ăn trên bàn. 

Nếu vì già bệnh, hoặc mụt nhọt trên tay ra máu, hoặc bát nặng, hoặc đầy, hoặc nóng, hoặc lạnh thì được ăn trên bàn không có tội. Nhưng nếu Tỉ-kheo không bệnh mà ăn trên bàn thì phạm tội Việt tỳ ni. Đó gọi là phép ăn trên bàn.

Kệ tóm tắt:

Ăn tỏi và phú bát 
Kết khuy cùng đai lưng 
Ngồi xe, ngựa, ngồi chung 
Ngồi cùng giường, ăn chung, 
Bàn ăn nhiều màu sắc 
Kết thúc phần thứ tám.

VÌ MÌNH MÀ NGƯỜI TA GIẾT SÚC VẬT.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy, Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà đi du hành phương xa rồi trở về thành Xá-vệ. Đến giờ khất thực, họ khoác y, cầm bát đi vào một nhà đàn việt quen biết cũ tên là A Bạt Tra. Đàn việt thấy thầy liền chào:

- Chào sư phụ! Vì sao mà đã lâu lắm không thấy sư phụ đến?

- Này lão trượng! Đã lâu ngày tôi mới đến, vậy ông định đãi tôi món ngon vật lạ gì đây?

- Ngày mai con sẽ cúng dường trai phạn cho thầy!

- Ông đừng có cúng thức ăn của bọn thợ dệt.

- Thức ăn của thợ dệt là thứ gì?

- Tức là cơm hẩm, canh đậu đó!

- Con không cúng cơm hẩm, canh đậu cho thầy đâu, mà sẽ cúng cơm thịt.

- Ông đừng có cúng cho tôi thịt nguội.

- Con sẽ không cúng thịt nguội cho thầy, (486a) mà sẽ nấu nóng rồi mới cúng.

- Tôi nói thịt nóng không phải kiểu nóng như vậy.

- Vậy thì nóng như thế nào?

- Nghĩa là thịt của con vật vừa mới chết.

- Nếu thầy muốn như vậy thì ngày mai hãy đến sớm, con sẽ giết con vật trước mặt thầy rồi mới nấu nóng.

- Vâng.

Sáng sớm hôm sau, họ khoác y, cầm bát đi đến nhà ấy, đàn việt bèn đem dê, heo, gà ra để la liệt trước mặt Tỉ-kheo, rồi giết thịt cúng dường. Khi ăn xong họ ra về, đàn việt chê trách:

- Sa-môn Cù Đàm dùng vô số phương tiện chỉ trích việc sát sinh, ca ngợi không sát sinh, vậy mà vị Sa-môn này bảo người ta giết ngay trước mắt thì có khác gì mình tự giết!

Các Tỉ-kheo đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật bảo gọi Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:

- Này các Tỉ-kheo! Các ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Này các Tỉ-kheo! Đó là việc ác. (cho đến Phật nói) Vì sao các ông bảo người ta sát sinh ngay trước mặt? Từ nay về sau, Ta không cho phép thí chủ vì mình mà sát sinh. Vì mình mà sát sinh tức là vì Tỉ-kheo mà giết súc vật. Nếu thí chủ vì Tỉ-kheo mà giết súc vật thì tất cả Tỉ-kheo, Tỉ-kheo ni, Thức xoa ma ni, Sa di, Sa di ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di đều không được ăn. Cũng vậy, nếu họ vì Ưu bà di mà giết hại thì tất cả Tỉ-kheo không được ăn cho đến Ưu bà di cũng không được ăn. Vì người khác mà giết có ba trường hợp: thấy, nghe và nghi. Thấy nghĩa là chính mắt mình thấy họ giết vì mình thì không được ăn. Đó gọi là thấy. Nghe nghĩa là chính tai mình nghe, hoặc nghe từ người khác rằng họ giết vì mình thì không được ăn. Nếu người thuật lại là kẻ không đáng tin, chỉ vì muốn nhiễu loạn Tỉ-kheo thì không nên nghe họ nói mà nên nghe người đáng tin để xác định chắc chắn. Đó gọi là nghe. Nghi nghĩa là Tỉ-kheo đến nhà đàn việt thường thấy con dê, sau đó đến thì thấy đầu, chân dê trên đất; thấy vậy tâm sinh nghi nên hỏi: "Con dê trước thấy ở đây bây giờ đâu rồi?" Nếu họ nói: "Tôi đã vì thầy mà làm thịt rồi", thì không nên ăn. Nếu họ nói: "Thưa tôn giả! Vì tôi giết để tế trời rồi ăn thịt mà ăn không hết nên cúng cho thầy", thì được ăn. Đó gọi là nghi. 

Cũng thế, tất cả mọi sinh vật hoặc thấy, hoặc nghe, hoặc nghi cũng đều như vậy.

Đó gọi là vì mình mà người ta giết súc vật.

THỊT NGƯỜI.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy, trong thành Xá-vệ có một Ưu bà tắc tên Tủy Ti, bà vợ cũng tên Tủy Ti, lại có một Tỉ-kheo khách cũng tên Tủy Ti. Ưu bà tắc nghe thế liền suy nghĩ: "Sư phụ cùng tên với ta, ta hãy đến mời thầy thọ trai", bèn đi đến tinh xá mời về nhà, sửa soạn các thức ẩm thực cúng dường. Đoạn, ông cúi đầu đảnh lễ dưới chân, quì gối chắp tay bạch rằng:

- Kính xin tôn giả nhận (486b) bốn sự cúng dường của con, là: y phục, ẩm thực, sàng tọa và thuốc chữa bệnh.

Tỉ-kheo nhận lời mời. Thế rồi, ông chồng phải theo khách buôn đi xa, bèn dặn dò bà vợ:

- Tôi đi xa, bà ở nhà phải lo cúng dường sư phụ chu đáo, chớ để thiếu thốn.

Sau khi ông đi rồi, vị Tỉ-kheo thấy trong người không điều hòa, muốn uống thuốc xổ, liền nói với Ưu bà di:

- Tôi muốn uống thuốc xổ, bà có thể tùy thời theo thứ tự lo giúp thức ăn được không?

- Dạ thưa được.

Sau khi thầy uống thuốc xổ, theo thứ tự bà cho dùng những thức ăn phù hợp với bệnh như cháo lỏng, cháo đặc rồi đến thịt. Bà lấy một số tiền đưa đứa tớ gái bảo:

- Ngươi cầm số tiền này đi mua thịt đem về.

Đứa tớ gái bèn đi ra chợ, nhưng hôm đó nhằm ngày ăn chay không có ai mổ thịt nên không mua được, phải về tay không. Lúc ấy, Ưu bà di lòng không vui, suy nghĩ: "Sư phụ uống thuốc, nếu không có thức ăn hợp với bệnh, sợ e bệnh nặng thêm". Nghĩ thế, bà lấy hạt cải đem nghiền, rồi tẩm với dầu, đoạn đi vào phòng, dùng dao bén cắt thịt bắp vế đưa cho nữ tì, bảo:

- Ngươi dùng dầu hạt cải rửa sạch miếng thịt này, rồi nấu chín đem đến cho thầy, hỏi thầy ngày mai cần thức ăn gì nữa?

Đứa nữ tì theo lời dạy, nấu thịt chín đưa đến, rồi hỏi thầy:

- Ngày mai thầy cần ăn món gì?

- Thôi đừng đem đến nữa.

Khi ấy, Ưu bà di bị vết thương đau đớn nên nằm nghỉ. Người chồng đi buôn trở về (không thấy bà vợ ra đón) liền nghĩ: "Thường khi ta đi xa về, bà vợ ra tận cửa thứ hai, thứ ba nghênh đón, hôm nay vì sao không thấy ra đón". Đoạn, ông vào phòng, thấy bà vợ đang nằm trên giường liền nổi giận mắng:

- Vì sao ngươi khinh ta không ra đón tiếp?

- Ông đi lần này có công đức gì mà muốn tôi phải ra nghênh đón?

- Ta đi chuyến này được cả trăm nghìn vạn bạc.

- Đó là thứ tài sản bên ngoài có gì là ghê gớm đâu! Còn tôi thì đã tự cắt thịt mình để cung cấp cho sư phụ.

- Bà cắt ở chỗ nào vậy?

Bà vợ liền vén y phục lên chỉ cho xem. Ông chồng thấy thế ngất xỉu, nằm sóng soải trên đất. Lúc ấy, quỉ thần thấy vậy liền báo với Tỉ-kheo, Tỉ-kheo nghe thế bèn nhập từ tam muội dùng định lực truyền cảm khiến bà vợ bình phục lại như trước. Đoạn, bà nói với chồng:

- Đứng dậy! Đứng dậy! Đừng sợ, nhờ uy thần của sư phụ mà vết thương của tôi đã bình phục rồi.

Người chồng đứng dậy thấy vết thương của vợ đã bình phục, lòng rất hoan hỷ, liền đi đến nơi thị tứ, nói như sau:

- Bà vợ tôi tinh tấn bằng cách cắt thịt trên mình để cúng dường.

Mọi người nghe thế, liền chê trách:

- Vì sao Sa-môn Thích tử ăn thịt người?

Các Tỉ-kheo đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-kheo ấy đến. Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi:

- Này Tỉ-kheo! Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! Vì con không nhập định (nên không biết).

- Từ nay về sau, Ta không cho phép (486c) ăn thịt người.

Lại nữa, khi Phật trú tại vườn Lộc Dã Tiên Nhân ở Ba-la-nại, có một Tỉ-kheo mắc bệnh vàng da. Lương y nói với thầy:

- Nếu tôn giả uống máu người thì có thể khỏi bệnh. Nếu không uống thì sẽ chết, không còn có phương kế nào khác.

Lúc ấy, có một người phạm vương pháp, bị bắt trói ngoặt hai tay ra sau lưng, mình khoác vòng hoa Ca tì la, lính đánh trống tuyên đọc án lệnh, dẫn đến pháp trường. Tỉ-kheo đến chỗ tên đao phủ nói:

- Này tráng sĩ! Cho tôi uống máu của người này nhé!

Tên đao phủ nói:

- Nếu thầy muốn ăn thịt tôi cũng cho huống gì là máu!

Y liền đặt tội nhân ngồi dưới đất, lấy dao cắt mạch máu hai bên yết hầu cho máu chảy ra. Tỉ-kheo bèn dùng hai tay bụm lấy máu mà uống, bị người đời chê trách rằng:

- Đây không phải là Tỉ-kheo mà là quỉ uống máu người.

Thế rồi, họ dùng gạch, đá, đất cục ném Tỉ-kheo đó đến què chân, khi ấy mới thoát được. Các Tỉ-kheo đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-kheo ấy đến. Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi:

- Này Tỉ-kheo! Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Này Tỉ-kheo! Đó là việc ác, yêu quí mạng sống của mình đến như vậy sao? Từ nay về sau Ta không cho phép uống máu người, cho đến tủy người; tất cả đều không được uống. Nếu Tỉ-kheo mọc mụt nhọt trên đầu mà thầy thuốc bảo phải mài xương người thoa mới lành thì được thoa. Nhưng khi đã thoa thì không được ở trong chúng mà nên ở trong một căn phòng nhỏ bên cạnh; đến khi khỏi bệnh phải tắm rửa sạch sẽ rồi mới được vào trong chúng.

Lại nữa, khi Phật an trú tại Tì-xá-li, có một giống người chuyên ăn thịt rồng, các Tỉ-kheo cũng ăn thịt rồng. Vì thế mà rồng bị sát hại rất nhiều. Khi ấy có một Long nữ đến đứng trước giường của Thế Tôn, khóc lóc. Phật biết nhưng vẫn hỏi:

- Vì sao mà ngươi khóc?

- Bạch Thế Tôn! Có người ở Tì-xá-li này ăn thịt rồng, các Tỉ-kheo cũng ăn thịt rồng, vì thế mà rồng bị sát hại rất nhiều, kính xin Thế Tôn đừng cho các Tỉ-kheo ăn thịt rồng.

Bấy giờ, Thế Tôn tùy thuận thuyết pháp chỉ dạy, khiến Long nữ hoan hỷ rồi cáo lui. Đoạn, Thế Tôn đi đến chỗ đông đúc các Tỉ-kheo, trải tọa cụ ra ngồi, thuật lại đầy đủ sự việc trên với các Tỉ-kheo. Rồi Phật chế định:

- Từ nay về sau, Ta không cho phép ăn thịt rồng, máu rồng, xương rồng, gân rồng, tủy rồng, nói chung tất cả đều không cho ăn. Nhưng nếu có các bệnh ngoài da cần xương rồng thì được dùng xương rồng mài thành bột để thoa, không có tội.

Khi Phật an trú tại thành Vương Xá, lúc ấy, con voi của vua Bình Sa chết, có những bọn chiên đà la ti tiện đem ăn thịt, trong các Tỉ-kheo, có người cũng ăn. Bấy giờ, đồng tử Kỳ Cựu đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi đứng hầu một bên, bạch với Phật:

- Bạch Thế Tôn! Con voi của vua Bình Sa chết (487a) có những kẻ Chiên đà la ti tiện đem ăn thịt, các Tỉ-kheo có người cũng ăn mà Tỉ-kheo là người xuất gia được người ta kính trọng, vậy xin Thế Tôn đừng cho họ ăn thịt voi.

Thế Tôn bèn tùy thuận thuyết pháp chỉ dạy khiến đồng tử được lợi ích, hoan hỷ liền cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật mà cáo lui. Khi ấy, Thế Tôn đi đến chỗ có đông các Tỉ-kheo, trải tọa cụ ngồi, thuật lại đầy đủ sự việc trên với các Tỉ-kheo. Rồi Phật dạy:

- Từ nay về sau, Ta không cho ăn thịt voi cho đến tủy voi cũng không cho ăn. Nhưng dùng ngà voi, xương voi làm vật để kiền bát, làm khuy y thì không có tội.

Khi Phật an trú tại thành Vương Xá, lúc ấy con ngựa của vua Bình Sa chết, cũng như trường hợp con voi đã nói ở trên. Nếu ở ngoài da có bệnh ghẻ nhọt cần máu ngựa để bôi thì dùng để bôi không có tội. Nhưng khi đã bôi thì không được ở trong chúng mà nên ở một căn phòng nhỏ ở bên cạnh phòng Tăng. 

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy, vì các Tỉ-kheo ăn thịt chó nên khi vào xóm làng bị các con chó chạy theo sủa vang. Các Tỉ-kheo đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn cho đến Phật dạy:

- Từ nay về sau, Ta không cho phép ăn thịt chó, tủy chó cũng đều không cho ăn. Nhưng nếu bị chó cắn cần đốt lông chó bôi vào vết thương thì được dùng, không có tội.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, có một Tỉ-kheo ăn thịt quạ. Lúc thầy vào xóm làng khất thực, hoặc khi đi kinh hành trong rừng thì bầy quạ bay theo kêu vang. Các Tỉ-kheo đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn, cho đến Phật dạy:

- Từ nay về sau, Ta không cho phép ăn thịt quạ cũng như tủy quạ.v.v... đều không cho phép ăn. Nhưng nếu cần lông cánh dùng để trị bệnh ngoài da thì được dùng không có tội.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, có một Tỉ-kheo ăn thịt diều hâu. Lúc thầy đi kinh hành trong rừng bị bầy diều hâu bay theo kêu vang. Các Tỉ-kheo đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn, cho đến Phật dạy:

- Từ nay về sau, Ta không cho phép ăn thịt diều hâu, cũng như tủy diều hâu đều không được ăn. Nếu cần lông cánh trị bệnh ngoài da thì được phép dùng không có tội.

Tóm lại, các loại thực phẩm kể sau không được ăn:

1- Thịt người. 
2- Thịt rồng. 
3- Thịt voi. 
4- Thịt ngựa. 
5- Thịt chó. 
6- Thịt quạ. 
7- Thịt diều hâu. 
8- Thịt heo. 
9- Thịt khỉ. 
10- Thịt sư tử và tỏi gồm các loại sống, chín, vỏ, lá tất cả đều không được ăn.

Nếu cần dùng tỏi để bôi vết thương ở ngoài da thì được dùng. Nhưng khi đã bôi thì không được vào trong chúng mà nên ở một căn phòng nhỏ bên cạnh phòng Tăng. Khi bệnh lành phải tắm rửa sạch sẽ rồi mới được vào trong chúng. Đó gọi là phép dùng thịt, tỏi.

PHÉP DÙNG DA.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy, Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà đến nhà (487b) một người chăn trâu, ngồi trên giường. Bỗng có con trâu nghé mới sinh thấy màu y của Tỉ-kheo giống mẹ nó, nó liền chạy đến bên thầy. Tỉ-kheo dùng tay xoa trên đầu, vuốt nhè nhẹ nói như sau:

- Da con này mềm mại, đẹp đẽ, có thể làm tọa cụ được.

Lúc ấy, người chăn trâu suy nghĩ: "Vị Tỉ-kheo này vốn là chỗ quen biết của vua, đại thần quí hiển, có thế lực lớn đang muốn được tấm da con này", liền hỏi:

- Thầy đang cần da sao? Tôi sẽ cho.

- Hãy cho tôi tấm da con trâu nghé này đây.

- Trong nhà tôi có tấm da khô của con trâu nghé cũng mềm mại, đẹp đẽ, tôi sẽ chải chuốt thẳng thớm rồi cho thầy.

- Nếu ông muốn cho thì hãy cho tôi tấm da con này chứ tôi không cần cái khác.

Lúc ấy, người chăn trâu liền suy nghĩ: "Vị Tỉ-kheo này có thế lực lớn, có thể gây ra điều bất lợi cho ta". Vì sợ tai họa, ông ta liền giết con nghé trước mặt Tỉ-kheo, rồi lột da cho thầy. Lúc con trâu mẹ đi ăn trở về không thấy con mình, đi quanh các bờ rào kêu vang. Người chăn trâu liền oán trách:

- Sa-môn Thích tử mà không có lòng từ. Nếu Sa-môn ở vào hoàn cảnh con trâu mẹ thì tâm ý sẽ như thế nào?

Các Tỉ-kheo đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà đến. Khi họ đến rồi, Phật hỏi:

- Này các Tỉ-kheo! Các ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn!

- Này các Tỉ-kheo! Đó là việc ác. Vì sao các ông bảo người ta giết sinh vật ngay trước mắt mình? Từ nay về sau, Ta không cho phép dùng da. Da gồm có các loại: da bò, da trâu, da cọp, da báo, da gấu, da nai; đại loại tất cả các loại da như vậy đều không được dùng để ngồi, chỉ cho phép dùng da dê ở biên địa thứ nô mà thôi. Da dê có hai loại: một là dê đen, hai là dê lang. Và dê đen, dê lang mỗi loại được chia làm mười thứ như trên kia đã nói. Nếu ngồi trên da thì phạm tội Việt tỳ ni. Nếu ngồi trên nệm bông đặt trên da thì phạm hai tội Việt tỳ ni. Nếu ngồi trên giày da thì phạm tội Việt tỳ ni. Nếu nằm trên giày da thì phạm tội Việt tỳ ni. Nếu nằm trên giày da từ đầu gối trở lên thì phạm tội Việt tỳ ni; nhưng nếu từ đầu gối trở xuống thì không có tội. Hoặc dùng da làm giường ngồi lên trên thì không có tội. (Đó gọi là phép dùng da).

VẬT LAU CHÂN.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà sắm các vật để lau chân, đệ tử ngoại đạo thấy thế suy nghĩ: "Chúng ta hãy cùng nhau quấy nhiễu kẻ ưu bà tắc kia" như trong vấn đề mạt vụn ở trên đã nói rõ cho đến Phật dạy:

- Từ nay về sau, Ta không cho phép dùng các vật để làm đồ lau chân. Đồ lau chân hoặc vuông, hoặc tròn, nếu khắc trên chớp có hình hạt đậu ma sa, đậu môn cụ thì tất cả đều không cho dùng. Nếu dưới chân bị dơ bẩn thì được phép dùng cỏ vo tròn lại, (487c) hoặc dùng gạch, ngói để chùi. Đó gọi là vật dùng để lau chân.

THUỐC BÔI MẮT.

Khi Phật an trú tại thành Vương Xá, lúc ấy, nhằm ngày lễ hội, trai gái ra khỏi thành đi du ngoạn, nhóm sáu Tỉ-kheo dùng màu xanh da trời và màu đen trang điểm đôi mắt nên bị người đời chê cười rằng:

- Vì sao Sa-môn Thích tử mà giống như những đồng tử quí hiển, dùng màu xanh da trời trang điểm đôi mắt?

Có người thấy trang điểm màu đen thì nói:

- Sa-môn Thích tử giống như sứ giả của kẻ hạ tiện, dùng màu đen bôi lên mắt mà đi. Đây là hạng người bại hoại nào có đạo hạnh gì!

Các Tỉ-kheo đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn cho đến Phật dạy:

- Từ nay về sau, Ta không cho phép trang điểm mắt.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, ở trong vườn Am Bà La của đồng tử Kỳ Cựu. Bấy giờ, các Tỉ-kheo bị đau mắt, đồng tử Kỳ Cựu nói:

- Tôn giả có thể dùng loại thuốc này để bôi mắt.

- Đức Thế Tôn chế giới không cho phép bôi mắt.

- Tôi sẽ đến xin Thế Tôn cho phép việc này.

Thế rồi, ông đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, đứng hầu một bên, bạch với Phật:

- Bạch Thế Tôn! Các Tỉ-kheo là những người ăn mỗi ngày một bữa, mắt là bộ phận trọng yếu của con người, xin Thế Tôn cho phép các Tỉ-kheo bôi thuốc vào mắt.

- Từ nay về sau, Ta cho phép dùng thuốc bôi mắt, chỉ trừ thuốc màu xanh da trời. Nhưng nếu thầy thuốc nói: "Thưa tôn giả! Bệnh đau mắt này nếu được thuốc có màu xanh da trời bôi vào thì mới lành, ngoài ra không có phương kế nào khác". nếu như vậy thì được bôi. Khi đã bôi thuốc thì không được ở trong chúng mà nên ở một căn phòng nhỏ cạnh phòng chúng Tăng. Khi bệnh lành phải tắm rửa sạch sẽ rồi mới vào trong chúng.

Đó gọi là thuốc bôi mắt.

LỌ ĐỰNG THUỐC NHỎ MẮT.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy, các Tỉ-kheo dùng lá cây đựng thuốc nhỏ mắt, Phật biết nhưng vẫn hỏi:

- Này Tỉ-kheo! Đây là cái gì vậy?

- Đó là thuốc nhỏ mắt, bạch Thế Tôn! 

- Thuốc nhỏ mắt là vật quí nên dùng lọ mà đựng.

Thế rồi, các Tỉ-kheo dùng vàng bạc làm lọ đựng thuốc. Phật dạy:

- Ta không cho phép dùng vàng bạc và tất cả các vật báu làm lọ, mà nên dùng đồng, sắt, thiết, tre, lau, lông, cánh chim, ít nhất là làm bao da để đựng.

Đó gọi là lọ đựng thuốc nhỏ mắt.

QUE BÔI THUỐC VÀO MẮT.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy, có Tỉ-kheo dùng tre làm que bôi thuốc vào mắt, Phật biết mà vẫn hỏi:

- Này Tỉ-kheo! Đây là cái gì vậy?

- Bạch Thế Tôn! Đó là cái que để bôi thuốc vào mắt.

- Đôi mắt là bộ phận mềm mại, nên dùng vật trơn để làm que.

Thế rồi, Tỉ-kheo dùng vàng bạc để làm. Phật dạy:

- Ta không cho phép dùng vàng bạc và tất cả những bảo vật để làm, mà nên dùng đồng sắt, răng, xương, chiên đàn, gỗ cứng để làm, rồi bào chuốt cho trơn tru ít nhất là dùng ngón tay để bôi thuốc. Đó gọi là que bôi thuốc vào mắt.

PHÉP DÙNG Ô DÙ.

Khi Phật an trú tại thành Vương Xá, lúc ấy, nhằm ngày lễ hội của người đời, trai gái đi dự lễ, nhóm sáu Tỉ-kheo cầm dù ô nhiều (488a) màu sắc, có người còn cầm ô dù bằng vỏ cây, bị người đời chê bai rằng:

- Vì sao Sa-môn Thích tử mà giống như vương tử, đại thần cầm ô dù với nhiều màu sắc?

Có kẻ thấy họ cầm dù bằng lá cây thì nói:

- Vì sao Sa-môn Thích tử mà giống như sứ giả của kẻ hạ tiện, cầm ô dù bằng lá cây mà đi? Đây là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn, cho đến Phật dạy:

- Từ nay về sau, Ta không cho phép dùng ô dù.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy, trưởng lão A Na Luật, Kim Tỳ La an cư tại núi Tháp vừa xong, trở về thành Xá-vệ, lễ bái Thế Tôn. Phật biết nhưng vẫn hỏi:

- Này Tỉ-kheo! Vì sao trên y bị muối đóng bẩn như vậy?

- Vì Thế Tôn chế giới không cho phép đội dù, con đi khất thực bị mắc mưa nên mới ra nông nổi này.

- Từ nay về sau, Ta cho phép đội dù. Các loại dù như dù bằng vỏ cây, dù bằng lá cây, dù tre, đại loại các thứ như thế đều cho phép dùng. Nhưng không cho phép dùng loại dù có nhiều màu sắc. 

Đó gọi là phép dùng ô dù.

PHÉP DÙNG QUẠT.

Vào ngày lễ hội của người đời, trai gái đi du ngoạn đông đảo, nhóm sáu Tỉ-kheo cầm quạt được trang điểm bằng vân mẫu, có vị cầm quạt nan bị người đời chê cười rằng:

- Vì sao Sa-môn Thích tử mà giống như vương tử đại thần cầm quạt được trang điểm bằng vân mẫu?

Có người thấy họ cầm quạt bằng nan liền phê bình:

- Vì sao Sa-môn Thích tử mà giống như sứ giả của kẻ hạ tiện cầm quạt nan. Đây là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc đó đến bạch lên Thế Tôn, cho đến Phật dạy:

- Từ nay về sau, Ta không cho phép cầm quạt.

Lại nữa, khi Phật an trú tại Tì-xá-li, vì bị muỗi quấy rối trong phòng thiền, các Tỉ-kheo dùng y để quạt phát ra tiếng kêu. Phật biết nhưng vẫn hỏi:

- Này Tỉ-kheo! Các ông làm gì mà phát ra tiếng kêu giống như voi vẫy tai vậy?

- Bạch Thế Tôn! Vì Thế Tôn chế giới không cho dùng quạt, các Tỉ-kheo bị muỗi cắn phải dùng y quạt muỗi nên phát ra tiếng kêu như vậy.

- Từ nay về sau, Ta cho phép dùng quạt tre, quạt sậy, quạt lá cây, chỉ trừ quạt vân mẫu và quạt được vẽ nhiều màu sắc. Nhưng nếu quạt của Tăng thì vẽ nhiều màu sắc không có tội. Còn quạt riêng cá nhân thì phải hoại sắc. Nếu có người dùng hương thơm bôi trên quạt rồi đem đến cúng dường thì được phép chùi sạch rồi sử dụng.

Đó gọi là phép dùng quạt.

PHÉP DÙNG PHẤT TRẦN.

Khi Phật an trú tại thành Vương Xá, lúc ấy, nhằm ngày lễ hội, nam nữ đi du ngoạn, nhóm sáu Tỉ-kheo cầm phất trần bằng lông đuôi trâu trắng có cán nạm vàng bạc, bị người đời chê cười, cho đến Phật dạy:

- Từ nay về sau, ta không cho phép cầm phất trần.

Lại nữa, khi Phật an trú tại Tì-xá-li, (488b) vì trong phòng thiền bị muỗi quấy rầy nên các Tỉ-kheo dùng phất trần bằng lá cây đập muỗi kêu ra tiếng. Phật biết nhưng vẫn hỏi:

- Này Tỉ-kheo! Đó là tiếng gì vậy?

- Bạch Thế Tôn! Vì Thế Tôn chế giới không cho phép cầm phất trần nên các Tỉ-kheo dùng phất trần bằng lá cây đuổi muỗi mà phát ra tiếng.

- Từ nay về sau, Ta cho phép dùng phất trần. Phất trần gồm các loại: Phất trần bằng chỉ sợi, bằng vải tua, bằng cỏ rối, bằng vỏ cây. Trong đây chỉ trừ phất trần bằng đuôi trâu trắng, đuôi ngựa trắng có cán nạm vàng bạc, ngoài ra tất cả đều cho phép dùng. Nếu có màu trắng nên nhuộm cho hoại sắc thì được dùng. Khi cầm phất trần không được làm ra dáng ẻo lả như kiểu dâm nữ cầm phất trần.

Đó gọi là phép dùng phất trần.

Kệ tóm tắt:

Giết cho mình, ăn thịt người, 
Thuốc nhỏ mắt, lọ và que, 
Da trâu cùng đồ lau chân, 
Dùng ô dù và phất trần. 
Phẩm thứ chín đến đây hết.

PHÉP DÙNG DAO CHỮA TRỊ.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy, có Tỉ-kheo mắc bệnh trĩ, nói với thầy thuốc:

- Này lão trượng! Ông có thể dùng dao chữa trị bệnh cho tôi được không?

- Thưa được.

Thế rồi, y sĩ liền suy nghĩ: "Các Sa-môn này thông minh trí tuệ nếu họ thấy ta chữa bệnh thì sẽ học lóm, rồi không cần ta nữa". Đoạn ông ta bảo các Tỉ-kheo đi hết, rồi ông định làm điều phi pháp, thì vị Tỉ-kheo này sinh nghi, liền gọi các Tỉ-kheo:

- Các trưởng lão hãy đến, vị y sĩ này muốn làm điều phi pháp.

Các Tỉ-kheo nghe thế liền đi vào. Y sĩ khi ấy hoảng sợ bèn bỏ dao mà chạy. Các Tỉ-kheo liền đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi vị Tỉ-kheo ấy đến. Khi thầy đến rồi, Phật hỏi:

- Này Tỉ-kheo! Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Này Tỉ-kheo! Vì sao ông để cho y sĩ dùng dao chữa trị chỗ hệ trọng? Từ nay về sau, Ta không cho phép dùng dao chữa trị chỗ hệ trọng. Chỗ hệ trọng là nơi cách xung quanh hậu môn bốn lóng tay. Nếu bị bệnh ung thư, sảy càng thì Ta cho phép nhai gạo tiểu mạch trộn với phân gà đắp lên trên mụt để cho nung mủ, rồi nhờ bạn cùng Hòa Thượng, A xà lê chích lể ra. Nếu các nơi khác bị bệnh ung thư, sảy càng cần dùng dao chữa trị thì được phép dùng. Nếu ai dùng dao chữa trị chỗ hệ trọng thì phạm tội Thâu lan. 

Đó gọi là dùng dao trị bệnh.

TÚI CHỨA NƯỚC.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, có một Tỉ-kheo bệnh đau đầu bèn hỏi y sĩ:

- Này lão trượng! Ông có thể rót nước chữa bệnh cho tôi được không?

- Có thể được.

Thế rồi, ông suy nghĩ: "Các Sa-môn Thích tử này thông minh, trí tuệ, nếu thấy ta rưới nước chữa bệnh thì về sau sẽ không gọi ta nữa". Cho đến ông bỏ túi đựng nước mà chạy. Các Tỉ-kheo đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. (488c) Thế rồi, Phật khiển trách:

- Vì sao ông dùng túi rót nước trị bệnh? Từ nay về sau, Ta không cho phép dùng túi chứa nước. Túi gồm có các loại: túi da bò, túi da trâu, túi da dê. Tất cả các loại túi da như thế đều không được dùng để chứa nước. Nếu y sĩ nói: "Bệnh này cần dầu để tẩm", thì nên lấy gỗ khoét đựng dầu vào dùng vải quấn lại đem đặt trong nhà tắm, ngồi lên trên, miệng ngậm mía. Hoặc dùng vải bông xếp lại rồi tẩm dầu vào, đặt trên một vật gì để chừa lỗ trống cho dầu nhỏ xuống chỗ bị đau thì không có tội. Nếu dùng túi da đựng nước thì phạm tội Thâu lan.

Đó gọi là túi chứa nước.

PHÉP CẠO TÓC.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy có một khách buôn ở ấp Đại Lâm thuộc một nước ở phương Nam lùa đàn trâu 8 con đến nước Câu Đa ở phương Bắc. Lại có một khách buôn khác cùng ông ta thả trâu ăn chung trong chằm. Lúc ấy, người Li xa bắt rồng ăn thịt, bắt được một Long nữ. Hôm ấy, Long nữ thọ Bố tát, không có tâm sát hại nên cứ để mặc người kia xỏ mũi dắt đi. Người khách buôn thấy hình dung Long nữ đoan chính khởi lòng từ, bèn hỏi đồng tử Li xa:

- Ông dắt con rồng này đi đâu, định làm gì đấy?

- Tôi định giết để ăn thịt.

- Đừng giết, tôi sẽ đưa ông một con trâu đổi lấy con rồng này để thả đi.

Thế nhưng đồng tử Li xa không chịu, cuối cùng người kia chịu đổi 8 con trâu, Li xa mới nói:

- Con rồng này thịt rất ngon, nay vì ông mà tôi phải thả nó.

Đoạn, y nhận lấy 8 con trâu, thả Long nữ đi. Bỗng chốc, khách buôn suy nghĩ: "Kẻ này là người ác, e rằng y sẽ đuổi theo Long nữ để bắt lại". Nghĩ thế, ông đi theo người ấy đến bên ao. Bấy giờ, Long nữ biến thành người, nói với khách buôn:

- Ngài đã cứu mạng tôi, tôi muốn báo ân, ngài hãy xuống long cung, tôi sẽ đền ân ngài.

- Không thể được! Loài rồng của các ngươi tâm tính hung bạo, giận dữ bất thường, biết đâu lại giết hại ta!

- Không có chuyện đó! Kẻ kia cột tôi, tôi dư sức giết y nhưng vì tôi thọ Bố tát nên không có tâm giết hại, huống gì nay ngài đã cho tôi mạng sống mà tôi lại hại ngài sao? Nếu ngài không đi thì hãy dừng lại đây chốc lát để tôi vào trước trong cung tấu trình.

Thế rồi, Long nữ đi vào cung. Lúc ấy, trông thấy hai con rồng bị cột tại một chỗ trước long môn, người khách buôn liền hỏi chúng:

- Các ngươi vì việc gì mà bị trói?

- Long nữ này trong nửa tháng thọ chay lạt ba ngày, anh em chúng tôi giữ gìn nó không cẩn thận khiến nó bị đồng tử Li xa bắt được, vì thế mà chúng tôi bị trói. Mong ngài từ mẫn hãy nói giúp để họ thả chúng tôi. Ở long cung có loại thức ăn, ăn vào đến lúc chết mới tiêu hóa, có loại ăn vào 20 năm sau mới tiêu hóa, có loại 7 năm mới tiêu hóa và có loại thức ăn của cõi Diêm phù đề. Nếu Long nữ hỏi ngài muốn ăn loại thức ăn nào thì nên đòi thức ăn của loài người cõi Diêm phù đề.

(489a) Long nữ vào tấu trình xong, bèn gọi khách buôn vào ngồi trên giường nệm châu báu, rồi thưa:

- Nay ngài muốn ăn thức ăn gì? Muốn ăn một lần đến lúc chết mới tiêu hóa...?

- Muốn ăn thức ăn của loài người ở cõi Diêm phù đề.

Long nữ dọn lên các thức ẩm thực. Khách buôn liền hỏi Long nữ:

- Hai con rồng kia vì sao mà bị trói?

- Ngài chỉ nên ăn thôi, chứ hỏi làm gì?

- Không phải vậy, tôi muốn biết điều đó!

Ông cứ hỏi mãi, Long nữ đành phải nói:

- Kẻ này có lỗi, tôi muốn giết hắn.

- Ngươi đừng giết.

- Không thể được! Phải giết đi thôi.

- Ngươi thả hắn ra thì ta mới ăn.

- Không thể thả ngay được mà phải phạt hắn bằng cách đày lên cõi người sáu tháng.

Thế là Long nữ phạt hắn lên nhân gian sáu tháng. Khách buôn thấy Long cung có nhiều bảo vật được dùng để trang hoàng cung điện, liền hỏi long nữ:

- Ngươi đã được những thứ trang nghiêm quí báu như vậy, còn thọ Bố tát làm chi nữa?

- Cái kiếp rồng của tôi có 5 sự khổ, đó là: Lúc sinh ra hiện thân rồng; lúc ngủ hiện thân rồng; lúc hành dâm hiện thân rồng; lúc giận dữ hiện thân rồng; lúc chết hiện thân rồng. Trong một ngày trải qua ba lần da thịt bị dính vào cát nóng thiêu thân.

- Thế thì ngươi muốn cầu điều chi?

- Tôi muốn cầu được sinh làm người. Vì sao vậy? Vì trong loài súc sinh đau khổ, không có chánh pháp.

- Ta đã được thân người, vậy nên cầu điều gì?

- Xuất gia rất khó được (vậy nên cầu xuất gia).

- Nên theo ai xuất gia?

- Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri hiện nay đang ở tại thành Xá-vệ, những kẻ chưa độ thì Ngài cứu độ, những kẻ chưa giải thoát thì Ngài làm cho giải thoát, ông nên đến đó xuất gia.

- Ta muốn trở về.

Long nữ liền cho ông 8 bánh vàng rồi bảo:

- Đây là vàng của rồng đủ cho cha mẹ, bà con ông dùng suốt đời không hết. Giờ ông hãy nhắm mắt lại.

Thế rồi, Long nữ dùng sức thần biến đưa ông trở lại cố quốc. Người bạn đồng hành của ông trước đây đã đến báo tin cho gia đình ông biết là ông đã xuống Long cung. Do thế, cha mẹ ông tưởng con mình đã chết cho nên quyến thuộc tôn thân tụ họp nhau một chỗ khóc lóc tiếc thương. Lúc ấy, người chăn trâu và những người đốn củi thấy ông trở về, liền vội vàng đến báo tin cho gia đình ông:

- Mỗ giáp đã trở về rồi.

Người nhà nghe thế vô cùng hân hoan, liền ra đón tiếp đưa ông về nhà. Khi về nhà rồi, gia đình mở hội ăn mừng việc ông được sống lại. Thế rồi, ông lấy 8 bánh vàng tặng cho cha mẹ, nói:

- Đây là vàng của rồng, cắt rồi liền nguyên lại, dùng suốt đời cũng không hết, xin cha mẹ cho phép con xuất gia.

Nhưng cha mẹ không cho. Ông liền đi đến tinh xá Kỳ Hoàn, Tỉ-kheo bèn độ cho xuất gia. Cha mẹ sau đó đi đến cửa tinh xá hỏi các Tỉ-kheo:

- Các vị có biết mỗ giáp đâu không?

Tất cả đều đáp:

- Không thấy, không nghe.

Nhưng có một Tỉ-kheo nói:

- (489b) Ông chỉ cần đứng nơi cửa này, nếu có thì trong chốc lát y sẽ ra vào!

Nghe lời chỉ dẫn, người ấy đứng đợi một lát liền thấy con mình đi ra, bèn chê trách:

- Sa-môn Thích tử nói dối, thấy mà nói không thấy, nghe mà nói không nghe.

Người con khuyên cha mẹ:

- Đừng làm những việc không lợi ích. Con xuất gia ở đây ai cũng đều biết cả.

Thế rồi, cha mẹ đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, ngồi sang một bên. Phật liền thuyết pháp dạy bảo khiến họ được lợi ích hoan hỷ, đắc pháp nhãn thanh tịnh. Đoạn, họ nói với con:

- Chúng ta đều là những người được sống lại. Nay con xuất gia được lợi ích rất lớn.

Các Tỉ-kheo nghe những lời chê trách của họ vừa rồi đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-kheo đã độ người xuất gia đến. Khi thầy đến rồi, Phật hỏi:

- Này Tỉ-kheo! Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn! 

- Vì sao ông không bạch với chúng mà độ người xuất gia? Từ nay về sau, Ta không cho phép không bạch với chúng Tăng mà độ người xuất gia. Cần phải bạch khi cho xuất gia và khi cạo đầu. Bạch nghĩa là bạch với tất cả chúng Tăng, ít nhất là bạch với 8 thượng tọa. Và Thượng Tọa nên bảo làm cho đúng pháp. Nếu bạch cạo đầu mà không bạch xuất gia thì phạm tội Việt tỳ ni. Nếu cả hai đều có bạch thì không có tội. Nếu không bạch xuất gia cũng không bạch cạo đầu thì phạm hai tội Việt tỳ ni. Nếu ra ngoài cương giới độ người thì không có tội. Đó gọi là cạo đầu.

Lại nữa, khi Phật an trú tại tinh xá Trúc Viên Ca Lan Đà, thành Vương Xá, đức Như Lai độ người ở mọi nơi, nào là Tỉ-kheo, Tỉ-kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, quốc vương, trưởng giả, ngoại đạo, Sa môn, Bà la môn. Bấy giờ, Phật nói với các Tỉ-kheo:

- Từ nay về sau, các ông cũng nên độ người xuất gia, thọ Cụ túc.

Thế rồi, các Tỉ-kheo cũng bắt chước đức Như Lai gọi "Thiện lai" khi độ người xuất gia nhưng râu tóc vẫn còn nguyên vẹn. Phật liền bảo các Tỉ-kheo:

- Đâu có phải tất cả đều được kim khẩu vô úy như Như Lai, (hễ khi gọi Thiện lai thì) râu tóc tự rụng. Từ nay về sau, phải cạo tóc.

Thế rồi, khi cạo tóc, các Tỉ-kheo cạo tóc mà không cạo râu, hoặc cạo râu mà không cạo tóc. Các Tỉ-kheo đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật dạy:

- Phải cạo tất cả, khi cạo, trước nên cạo râu, sau cạo tóc. Nếu người được cạo khó tính thì cạo tóc trước không có tội. Đối với người mới xuất gia không nên nói với họ rằng xuất gia sướng mà nên bảo rằng xuất gia khổ, nào là: ăn ngày một bữa, ở mỗi chỗ một đêm, ngủ một giấc, ăn ít, uống ít, ngủ ít, thức nhiều. Này lão trượng! Ông có làm được không? Nếu họ đáp: "Được", thì mới cạo tóc. Nếu đã là Tỉ-kheo thì cạo tóc trước, cạo râu sau không có tội. 
Đó gọi là cạo tóc.

DỤNG CỤ CẠO TÓC.

Khi Phật du hành nước Câu Tát La đến thôn Bà la môn, (489c) lúc ấy có hai cha con ông già mang dụng cụ theo xin xuất gia, cho đến Phật dạy:

- Vì sao người cạo tóc mang dụng cụ theo mà ông độ họ xuất gia? Từ nay về sau, Ta không cho phép độ người mang dụng cụ xuất gia. Nếu người cạo tóc mang dụng cụ theo muốn xin xuất gia thì nên bảo: "Ông hãy bỏ dụng cụ cạo tóc rồi tôi mới cho xuất gia. Sau khi xuất gia rồi nếu cần thì mượn của kẻ khác mà dùng". Ngoài thợ cạo, thì thợ rèn, thợ mộc, thợ kim hoàn, thợ da, thợ dệt và các thợ chuyên môn khác cũng thế, đều không cho phép độ họ xuất gia khi mang dụng cụ theo. Nếu ai độ trong trường hợp như vậy thì phạm tội Việt tỳ ni. 

Đó gọi là dụng cụ làm việc.

PHÁ TĂNG.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy tôn giả Ưu-ba-li đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, đứng hầu một bên, bạch với Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thế Tôn nói phá Tăng, thế nào là phá Tăng?

- Này Ưu-ba-li! Như đại đức Tỉ-kheo như pháp như luật khéo hiểu nghĩa lý sâu xa thì Tỉ-kheo ấy xứng đáng được lễ bái tôn kính tùy thuận nghe theo lời dạy. Nếu có Tỉ-kheo nào cho rằng những lời nói của Tỉ-kheo ấy là phi pháp, không tùy thuận thì đó là sự xích mích giữa chúng Tăng, chứ không phải phá Tăng, cho đến khi nào Tăng trong một trú xứ cùng tụng giới, cùng Yết-ma (thì không phải phá Tăng). Ta đã chế định rằng nếu trong một cương giới, một trú xứ mà Tăng Bố tát, Tự tứ, làm Yết-ma riêng thì đó gọi là phá Tăng.

- Bạch Thế Tôn! Phá Tăng phạm tội như thế nào?

- Bị tội đọa vào địa ngục một kiếp.

Đó gọi là phá Tăng.

TĂNG HÒA HỢP.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy tôn giả Ưu-ba-li bạch với Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thế Tôn nói về Tăng hòa hợp, vậy thế nào gọi là Tăng hòa hợp?

- Ta đã chế định rằng nếu một đại đức Tỉ-kheo sống như pháp, như luật, khéo hiểu nghĩa lý sâu xa, thì Tỉ-kheo ấy đáng được lễ bái, tôn kính. Các Tỉ-kheo tùy thuận chấp hành các qui định, cùng sống trong một trú xứ cùng Bố tát, Tự tứ và thực hiện pháp Yết-ma, đó gọi là Tăng hòa hợp.

Lại nữa, tôn giả Ưu-ba-li đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, đứng hầu một bên, rồi bạch với Phật:

- Bạch Thế Tôn! Tăng hòa hợp có những công đức gì?

- Này Ưu-ba-li! Được quả báo lành trong một kiếp. 

Đó gọi là Tăng hòa hợp.

NĂM TRĂM TỈ-KHEO KẾT TẬP PHÁP TẠNG.

Khi Phật an trú tại thành Vương Xá, lúc ấy, vua A Xà Thế con bà Vi Đề Hi có mối oán thù với người Tì-xá-li như trong Kinh Đại Bát Nê Hoàn đã nói rõ, cho đến việc đức Thế Tôn xả thọ mạng bên tháp Phóng Cung Trượng, tại Tì-xá-li. Thế rồi, Ngài hướng đến thành Câu Thi Na, bên dòng sông Hi Liên Thiền, sinh quán của lực sĩ, trong rừng Kiên cố (490a) bát nê hoàn dưới cây Song thọ. Khi sắp hỏa thiêu nơi tháp Thiên Quan thì chư Thiên làm cho lửa không cháy để chờ tôn giả Đại Ca Diếp. Lúc ấy, tôn giả Đại Ca Diếp đang ngồi thiền trong hang Tân Bát La trên núi Kỳ Xà Quật, liền suy nghĩ: "Thế Tôn đã xả thọ mạng, không biết muốn nhập Niết-bàn tại nơi nào? hiện giờ ở đâu? có ít bệnh, ít phiền não và sống an lạc không?". Suy nghĩ thế rồi, liền nhập định, dùng thiên nhãn quan sát tất cả thế giới thì thấy Thế Tôn đang ở thành Câu thi na, bên sông Hi liên, sinh quán của lực sĩ trong rừng Kiên cố, giữa hai cây Song thọ, sắp được hỏa thiêu tại tháp Thiên Quan, (cho đến) lửa không cháy. Thấy thế, tôn giả buồn thảm không vui, lại suy nghĩ: "Ngay lúc xá lợi của Thế Tôn chưa phân tán, ta nên đến đảnh lễ". Đoạn, tôn giả lại nghĩ: "Giờ đây ta đến để viếng thân tối hậu của Thế Tôn thì không nên dùng thần túc để đến mà nên đi bộ đến". Nghĩ thế, tôn giả nói với các Tỉ-kheo:

- Này các trưởng lão! Đức Thế Tôn đã Bát Nê hoàn, ai nấy đều mang theo y bát cùng đến Câu thi na kiệt lễ viếng Thế Tôn.

Các Tỉ-kheo nghe thế, đều đáp:

- Lành thay!

Lúc ấy, tôn giả Đại Ca Diếp cùng với các Tỉ-kheo đi đến Câu thi na kiệt. Trên đường đi, họ băng qua một thôn xóm. Trong thôn này có một Tỉ-kheo già đang sống. Tôn giả Đại Ca Diếp liền bảo Tỉ-kheo già:

- Thầy hãy đem theo y bát đến đây, để chúng ta cùng đến thành Câu Thi Na Kiệt lễ viếng Thế Tôn.

- Trưởng lão Đại Ca Diếp! Đợi ăn bữa trước, bữa sau xong rồi chúng ta hãy đi.

- Không nên chờ ăn xong.

Tỉ-kheo già nài nỉ đến ba lần, Đại Ca Diếp đều nói:

- Không nên chờ.

Khi ấy, Tỉ-kheo già nổi giận, nói:

- Sa-môn có việc gì mà gấp gáp, vội vàng như thế, giống như quạ chết không đáng giá một đồng tiền. Hãy đợi trong chốc lát ăn rồi mới đi.

Tôn giả Đại Ca Diếp lại nói:

- Hãy để đồ ăn đó đã. Đức Thế Tôn nay đã Nê Hoàn, chúng ta phải đến gấp cho kịp lúc chưa hỏa thiêu.

Tỉ-kheo già nghe tin Phật đã Ban nê hoàn, liền nói với tôn giả Đại Ca Diếp:

- Nay ta vĩnh viễn được giải thoát. Vì sao thế? Vì vị A la hán ấy lúc còn sống thường nói: "Việc ấy nên làm, việc kia không nên làm". Nay đã Nê hoàn việc gì nên làm hay không nên làm ta đều được tự do tùy ý.

Khi nghe lời nói ấy, Đại Ca Diếp sầu thảm không vui, liền gảy ngón tay phải, lửa phóng ra, đồng thời chân phải mím chặt trên đất. Tỉ-kheo già thấy thế hoảng sợ, bỏ chạy. Thế rồi, Đại Ca Diếp đi đến chỗ Phật. Thế Tôn liền (490b) đưa hai chân từ trong kim quan ra ngoài. Khi tôn giả Đại Ca Diếp thấy được chân Phật, liền trật vai áo bên phải, cúi đầu đảnh lễ, rồi đọc kệ:

Chân Như Lai đầy đặn, 
Hiện bánh xe ngàn căm. 
Ngón dài nhọn mềm mại, 
Hình mạng lưới cấu thành. 
Vì thế hôm nay con 
Đảnh lễ chân tối thắng. 
Chân mềm mại tối thắng, 
Từng du hành thế gian. 
Đại bi cứu chúng sinh, 
Từ nay không gặp nữa. 
Vì thế hôm nay con 
Đảnh lễ chân Như Lai. 
Như Lai cứu độ con, 
Đạt Ứng chân giải thoát. 
Nay con nhìn lần cuối, 
Vĩnh viễn không gặp nữa. 
Đã đoạn mọi nghi hoặc, 
Bậc Ly dục Tối thượng. 
Làm lợi ích mọi loài 
Tất cả đều hoan hỷ. 
Vì thế hôm nay con 
Đảnh lễ chân Tối thắng. 
Đức hạnh Phật như vậy, 
Khéo đáp mọi nghi ngờ. 
Ngày hôm nay đã qua 
Ánh từ quang vĩnh diệt. 
Vì thế hôm nay con, 
Đảnh lễ chân Tối thắng. 
Con chứng bốn chân lý, 
Nói công đức của Phật. 
Đọc kệ lễ kính xong, 
Hai chân liền thu vào.

Bấy giờ, các Tỉ-kheo bàn bạc: "Ai nên châm lửa thiêu đây?" Khi ấy, tôn giả Đại Ca Diếp nói:

- Tôi là trưởng tử của Thế Tôn, nên để tôi châm lửa thiêu.

Thế là đại chúng đồng thanh nói: "Tốt lắm", liền hỏa thiêu. Khi hỏa thiêu xong, Ca Diếp nhớ lại lời nói của vị Tỉ-kheo già ở trong thôn, cho đến: "Muốn làm thì làm, không muốn làm thì thôi", tôn giả liền nói với các Tỉ-kheo:

- Này các trưởng lão! Vấn đề xá lợi của Thế Tôn không phải là việc của chúng ta mà quốc vương, trưởng giả, Bà la môn, cư sĩ, những người cầu phước tự họ sẽ lo việc cúng dường. Việc của chúng ta trước hết là phải kết tập pháp tạng chớ để pháp Phật sớm diệt.

Mọi người bàn:

- Chúng ta nên kết tập Pháp tạng chỗ nào?

Lúc ấy, có người bàn: "Nên đến Xá-vệ"; có người nói: "Nên đến Sa kỳ"; có người nói: "Nên đến Chiêm Bà"; có người nói: "Nên đến Tì-xá-li "; có người lại nói: "Nên đến Ca Duy La Vệ".

Bấy giờ, Đại Ca Diếp liền đề nghị:

- Nên đến thành Vương Xá kết tập pháp tạng. Vì sao thế? Vì đức Thế Tôn đã di chúc rằng (490c): Vua A Xà Thế con bà Vi Đề Hi ở thành Vương Xá là bậc có tín căn đệ nhất trong hàng Ưu bà tắc của các Thanh Văn. Vả lại, vị vua ấy có 500 chiếc giường nằm để cung cấp, nên đến chỗ vị ấy.

Nghe thế, tất cả đều đáp:

- Vâng.

Đức Thế Tôn trước kia có dặn tôn giả A Na Luật rằng: "Khi Như Lai ban Nê Hoàn ông nên giữ gìn xá lợi đừng để Chư Thiên đem đi. Bởi vì trong thời quá khứ đức Như Lai ban Nê Hoàn, Chư Thiên đem xá lợi đi, khiến người đời không thể đến đó chiêm bái được, nên mất công đức. Chư Thiên có thể đến nhân gian cúng dường, nhưng người đời không thể đến chỗ ho, ï ngoại trừ người có thần túc; vì thế phải giữ gìn cẩn thận". 

Bấy giờ, thị giả A-nan vì bận việc cúng dường nên không đến được. Đại Ca Diếp cùng với 1000 Tỉ-kheo đi đến thành Vương Xá, tới trong hang núi Sát Đế, trải giường nệm, trang trí tòa của Thế Tôn. Ở phía trước, bên trái tòa Thế Tôn đặt tòa của tôn giả Xá-lợi-phất, ở bên phải đặt tòa của tôn giả Đại Mục Liên, kế đến đặt tòa của Đại Ca Diếp, cứ như vậy lần lượt theo thứ tự bài trí giường nệm rồi chuẩn bị những nhu yếu cần thiết trong bốn tháng. Vì mục đích kết tập pháp tạng cho nên cắt đứt các ngoại duyên. Khi đại chúng tập hợp xong, trong số đó có người đạt được Tam minh, Lục thông giới đức tự tại. Trong những người này, có người trực tiếp thọ giáo với Thế Tôn, đọc thuộc một bộ Luật; có người theo chúng Thanh Văn đọc thuộc một bộ Luật; có người thọ giáo trực tiếp với Thế Tôn đọc thuộc hai bộ Luật; có người theo chúng Thanh Văn đọc thuộc hai bộ Luật. Thế rồi, đại chúng cùng bàn bạc:

- Ở trong này nên chọn những vị đạt được Tam minh, Lục thông, có giới đức tự tại, từng thọ giáo trực tiếp với Thế Tôn tụng thuộc hai bộ Luật, từng theo chúng Thanh Văn tụng thuộc hai bộ Luật.

Khi chọn lựa xong, đếm lại thì thấy thiếu hai người mới đủ số 500, đại chúng bàn tiếp:

- Nên chọn đủ 500 người.

Thế rồi, trưởng lão A Na Luật đi đến bổ sung thêm nhưng vẫn thiếu một người. Khi ấy, tôn giả Đại ca Diếp làm Thượng Tọa thứ nhất, Thượng Tọa thứ hai tên Na Đầu Lô, Thượng Tọa thứ ba tên Ưu Ba Na Đầu Lô. Lúc ấy, tôn giả Đại Ca Diếp tự lên ngồi tòa của mình, để trống tòa của tôn giả Xá-lợi-phất, Mục Liên và A Nan. Thế rồi, các Tỉ-kheo lần lượt ngồi theo thứ tự. 

Bấy giờ, tôn giả Đại Ca Diếp bảo trưởng lão Lê Bà Đề đệ tử đồng hành của tôn giả Mục Liên:

- Ông hãy lên cõi trời Ba mươi ba gọi Tỉ-kheo Tủy Đề Na đến, nói rằng: "Đức Thế Tôn đã Ban nê hoàn, Tỉ-kheo Tăng đang tập họp định kết tập pháp tạng". 

Thầy liền vâng lệnh, đi đến cõi trời Ba mươi ba, bạch:

- Thưa trưởng lão! Đức Thế Tôn đã Ban nê hoàn, Tỉ-kheo Tăng đang tập họp định kết tập pháp tạng nên sai tôi đến gọi trưởng lão.

Vị Tỉ-kheo này nghe xong sầu thảm, không vui, bèn hỏi:

- Đức Thế Tôn đã Ban nê hoàn rồi sao?

- (491a) Thưa vâng.

- Nếu đức Thế Tôn còn ở cõi Diêm phù đề thì tôi sẽ đến, nay Thế Tôn đã Ban nê hoàn thì con mắt của thế gian đã hoại diệt.

Thầy nói xong, dùng thần túc bay lên hư không, nhập Hỏa quang tam muội tự thiêu thân. Vị sứ giả thấy vậy trở về, vào giữa Tăng thuật lại đầy đủ sự việc trên, cho đến đoạn: Nhập Hỏa quang tam muội. Thế rồi, Tăng lại sai thầy lên cung Thi lợi sa sí, cõi trời Ba mươi ba gọi Kiều Phạm Ba Đề; lần lượt đến trưởng lão Thiện Kiến ở Hương Sơn; trưởng lão Phả Đầu Tẩy Na ở Du Hí Sơn; trưởng lão Bạt Khư Lê ở Chiêm Ba Sơn; rồi đến trưởng lão Uất Đa La ở Tịnh Sơn; đệ tử của tôn giả Mục Liên tên Đại Quang ở Quang Sơn; đệ tử của tôn giả Xá-lợi-phất tên Ma Tẩu Lô ở Mạn Đà Sơn; tôn giả La Đổ ở Ma La Sơn. Các vị ấy, khi nghe gọi đều Ban nê hoàn. Đồng thời Tăng sai sứ giả đến Thiên cung Tì Sa-môn gọi Tu Mật Đa. Sứ giả đến nơi thưa:

- Thưa trưởng lão! Đức Thế Tôn đã Ban nê hoàn, Tỉ-kheo đang tập họp định kết tập pháp tạng, cho tôi đến gọi trưởng lão. 

Vị Tỉ-kheo ấy nghe xong sầu thảm, không vui, nói:

- Đức Thế Tôn đã Ban nê hoàn rồi sao?

- Thưa vâng!

- Nếu Thế Tôn còn ở cõi Diêm phù đề thì tôi sẽ đến, nay Thế Tôn đã Ban nê hoàn tức là con mắt của thế gian đã diệt mất.

Nói xong, thầy dùng thần túc bay lên hư không, nhập Hỏa quang tam muội, tự thiêu thân, nhập vào Niết-bàn. Bấy giờ, sứ giả liền trở về vào giữa Tăng thuật lại đầy đủ sự việc trên cho chư Tăng nghe. Đại Ca Diếp liền nói:

- Này các trưởng lão! Hãy thôi, đừng gọi những người khác nữa. Những ai nghe gọi đều tự nhập Niết-bàn, nếu cứ gọi tiếp thì họ sẽ nhập Niết-bàn hết, như thế thì phước điền của cõi đời này sẽ thành ra trống không.

Có một Tỉ-kheo nói:

- Thưa các trưởng lão! Tôn giả A-nan là thị giả của Phật, từng thân cận thọ giáo. Hơn nữa đức Thế Tôn từng phú chúc rằng A-nan có ba việc đặc biệt, nên gọi thầy đến.

Đại Ca Diếp nói:

- Không phải vậy! Nếu như người còn đang học này vào trong chúng Vô học có giới đức tự tại thì cũng như con chó ghẻ vào giữa bầy sư tử.

Lúc này tôn giả A-nan sắp xếp việc cúng dường vừa xong, đi đến một thôn, rồi thầm nhủ: "Hôm nay ta nghỉ lại đây, ngày mai sẽ đến thành Xá-vệ". Thế rồi, có một vị trời đến nói với A-nan:

- Đại Ca Diếp nói rằng tôn giả là con chó ghẻ.

A-nan bèn suy nghĩ: "Đức Thế Tôn đã nhập Niết-bàn, chính lúc này ta cần người để nương tựa, vì sao lại ví ta như con chó ghẻ?". 

Nghĩ thế nên lòng không vui, rồi thầy lại nghĩ: "Tôn giả Đại Ca Diếp này biết quá rõ dòng dõi tên tuổi của ta, vì cho rằng ta chưa đoạn trừ hết kiết sử nên mới nói như vậy". 

Bấy giờ, tôn giả (491b) A-nan càng siêng năng gấp bội đi kinh hành không biếng nhác, mong hết sạch hữu lậu nên hành đạo cực khổ. Hơn nữa, vì Thế Tôn nê hoàn khiến thầy mang nỗi buồn da diết trong lòng, đồng thời những gì trước đây đã nghe và thu nhận thì chưa thấu triệt, nên lại nghĩ ngợi: "Đức Thế Tôn đã phú chúc rằng đối với giáo pháp này tâm ta không phóng dật sẽ dứt sạch hữu lậu, vậy thì phải cực khổ quá làm gì!". Thế nhưng tâm thầy vẫn không xả định, nghiêng mình định nằm xuống, đầu chưa chấm gối thì sạch hết hữu lậu, đạt được Tam minh Lục thông có sức lực tự tại. Thầy liền dùng thần túc nương theo hư không mà đi, đến ngoài cửa hang Sát đế, đọc kệ rằng:

Đa văn và biện tài, 
Là thị giả Thế Tôn. 
A-nan con Cù Đàm 
Giờ đang đứng ngoài cửa.

Thế nhưng, đại chúng vẫn chưa mở cửa cho thầy, nên thầy lại đọc kệ tiếp:

Đa văn khéo biện tài, 
Là thị giả Thế Tôn. 
Đã bỏ gánh kiết sử, 
Con Cù Đàm ngoài này.

Bấy giờ, Đại Ca Diếp liền đọc kệ:

Ông nói mình đã chứng, 
Đã bỏ gánh phiền não. 
Con Cù Đàm chưa vào, 
Vào đi con Cù Đàm!

A-nan vào xong, đảnh lễ tòa của Thế Tôn, rồi tuần tự đảnh lễ các Thượng tọa, đoạn, đến ngồi tòa của mình. Khi ấy, Đại Ca Diếp nói với A-nan:

- Tôi không tự cao cũng không khinh ông, chỉ vì ông cầu đạo không tiến bộ, muốn cho ông tinh cần diệt hết các hữu lậu cho nên mới nói lời ấy.

- Tôi cũng biết! Chỉ vì tôi chưa hết kiết sử, muốn cho tôi tinh cần diệt hết các hữu lậu (nên tôn giả mới nói như vậy).

Lúc ấy, tôn giả Đại Ca Diếp liền hỏi chúng Tăng đang ngồi:

- Giờ đây nên kết tập tạng nào trước?

- Nên kết tập tạng Pháp (Kinh) trước.

- Nên cử ai kết tập?

- Nên cử trưởng lão A Nan.

A-nan liền nói: 

- Không nên làm như vậy vì còn có nhiều trưởng lão Tỉ-kheo khác.

Đại chúng lại nói:

- Tuy có nhiều trưởng lão Tỉ-kheo khác nhưng đức Thế Tôn đã phú chúc rằng thầy là người đa văn bậc nhất, do đó thầy nên kết tập.

- Nếu các trưởng lão đề cử tôi kết tập thì điều gì như pháp nên hoan hỷ, điều gì không như pháp nên ngăn cản, điều gì không tương ưng cũng nên ngăn cản chứ đừng vì tôn trọng tôi mà không ngăn cản. Nói chung, điều gì đúng nghĩa, điều gì không đúng nghĩa đều xin chỉ giáo.

- Trưởng lão A-nan! Thầy chỉ cần kết tập Pháp tạng, điều gì như pháp thì Tăng tùy hỉ, điều gì phi pháp (491c) thì đến lúc đó sẽ biết.

Lúc ấy, tôn giả A-nan bèn suy nghĩ: "Bây giờ ta phải kết tập pháp tạng như thế nào đây?" Suy nghĩ thế rồi, thầy liền đọc lời Kinh: 

"Tôi nghe như vầy, một thời Phật ở tại Uất Tì La, bên dòng sông Ni Liên, nơi Bồ đề Mạn Đà La". Khi tôn giả A-nan vừa nói lời ấy thì 500 vị A la hán có đức hạnh tự tại liền bay lên hư không đồng thanh khen ngợi:

- Chúng con đã được tận mắt thấy Thế Tôn, giờ đây lại được nghe lời dạy, rồi cùng niệm: "Nam mô Phật", đoạn trở lại chỗ ngồi. 

Bây giờ, A-nan liền đọc kệ sau đây:

Siêng tu tập thiền định, 
Thấy các pháp sinh diệt. 
Biết pháp từ duyên khởi, 
Lìa si, diệt phiền não.

Siêng tu tập thiền định, 
Thấy các pháp sinh diệt. 
Biết pháp từ duyên khởi, 
Chứng các pháp diệt tận.

Siêng tu tập thiền định, 
Thấy các pháp sinh diệt. 
Biết pháp từ duyên khởi, 
Nhiếp phục bọn ma quân.

Siêng tu tập thiền định, 
Thấy các pháp sinh diệt. 
Biết pháp từ duyên khởi 
Ánh dương xua bóng đêm.

Tôn giả A-nan đọc tất cả pháp tạng như vậy. Những câu văn dài kết tập thành Trường A Hàm. Những câu văn trung bình kết tập thành Trung A Hàm. Những câu văn linh tinh kết tập thành Tạp A Hàm, chẳng hạn như Căn tạp, lực tạp, giáp tạp, đạo tạp, đại loại như thế gọi là tạp. Từ một tăng lên hai, tăng lên ba cho đến tăng lên 100, tùy theo số loại tương tự nhau kết tập thành Tăng Nhất A Hàm. Tạp tạng bao gồm Bích Chi Phật, A La Hán, tự thuyết, bản hạnh, nhân duyên, các kệ tụng, đại loại như vậy gọi là Tạp tạng. 

Khi ấy, trưởng lão A-nan liền đọc kệ:

- Đây chính là tám vạn pháp tạng, 
Các pháp này được nghe từ Phật. 
Đây chính là tám vạn pháp tạng, 
Các pháp này nghe từ người khác. 
Các pháp này tôi giữ vẹn toàn, 
Chính Phật dạy đường đến Niết-bàn. 
Đó gọi là kết tập Pháp tạng.

Tiếp đến, đại chúng hỏi:

- Ai có thể kết tập Luật tạng?

Có người nói:

- Trưởng lão Ưu-ba-li.

Ưu-ba-li liền lên tiếng:

- Không thể như vậy vì còn có những trưởng lão Tỉ-kheo khác.

Có người lại nói:

- Tuy có những trưởng lão Tỉ-kheo khác nhưng đức Thế Tôn đã phú chúc rằng trưởng lão thành tựu 14 pháp, trừ (492a) đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri ra thì trưởng lão là người trì Luật bậc nhất.

Ưu-ba-li nói:

- Thưa các trưởng lão! Nếu bảo tôi kết tập Luật tạng thì điều gì như pháp hãy tùy hỷ, điều gì không như pháp hãy ngăn cản; nếu điều gì không tương ưng thì nên ngăn cản chứ đừng vì tôn trọng tôi (mà bỏ qua); đồng thời điều nào đúng nghĩa, trái nghĩa cũng đều xin chỉ giáo.

Thế rồi, tất cả đều nói:

- Trưởng lão Ưu-ba-li chỉ lo việc kết tập, điều gì như pháp thì chúng tôi tùy hỷ, điều gì phi pháp thì lúc đó sẽ biết.

Tôn giả Ưu-ba-li suy nghĩ: "Hôm nay ta kết tập Luật tạng như thế nào đây? Đối với 5 pháp thanh tịnh mà như pháp, như Luật thì tùy hỷ, còn không như pháp như Luật thì nên bỏ ra ngoài. 5 pháp thanh tịnh:

1- Hạn chế tịnh. 
2- Phương pháp tịnh. 
3- Giới hạnh tịnh. 
4- Trưởng lão tịnh. 
5- Phong tục tịnh.

1- Hạn chế tịnh: Tại trú xứ của các Tỉ-kheo đặt ra các hạn chế rằng điều gì tương ưng với bốn giáo lý cơ bản thì dùng, không tương ưng thì bỏ. Đó gọi là hạn chế tịnh.

2- Phương pháp tịnh: Đối với những luật pháp của quốc gia, điều gì tương ưng với bốn giáo lý cơ bản thì dùng, không tương ưng thì bỏ. Đó gọi là phương pháp tịnh.

3- Giới hạnh tịnh: Khi ta thấy Tỉ-kheo mỗ giáp trì giới làm việc đó mà tương ưng với bốn giáo lý cơ bản thì dùng, nếu không tương ưng thì bỏ. Đó gọi là giới hạnh tịnh.

4- Trưởng lão tịnh: Nếu ta thấy trưởng lão Tỉ-kheo, tôn giả Xá-lợi-phất, Mục Liên làm việc đó mà tương ưng với bốn giáo lý cơ bản thì dùng, không tương ưng thì bỏ. Đó gọi là trưởng lão tịnh.

5- Phong tục tịnh: Không được làm những việc như khi còn thế tục, chẳng hạn ăn phi thời, uống rượu, hành dâm; tất cả những việc như vậy hợp pháp đối với thế tục nhưng không hợp pháp đối với người xuất gia. Đó gọi là phong tục tịnh.

Thưa các trưởng lão! Những điều như thế nếu đúng pháp thì xin tùy hỷ, nếu không đúng pháp thì xin lên tiếng.

Bấy giờ, các Tỉ-kheo liền đáp:

- Nếu tương ưng thì dùng, nếu không tương ưng thì lúc ấy sẽ ngăn cản.

Thế rồi, tôn giả Ưu-ba-li nói với A-nan:

- Trưởng lão có tội, phải sám hối với chúng Tăng thanh tịnh.

- Tôi có những tội gì?

- Đức Thế Tôn đến ba lần chế định không cho phép độ người nữ xuất gia mà thầy xin Thế Tôn đến ba lần, thế là phạm tội Việt tỳ ni.

Khi ấy, tôn giả Đại Ca Diếp bèn ném một cái thẻ xuống đất, nói:

- Đây là thẻ thứ nhất.

Tức thì chấn động cả tam thiên đại thiên thế giới.

Lại nữa, khi Phật an trú tại Tì-xá-li, Ngài nói: 

"Này A-nan! Ta ở Ban Lạc phóng cung trượng tháp tại Tỳ Xá Li này rất an lạc; nếu ai được bốn thần túc thì có thể kéo dài mạng sống đến một kiếp, hoặc hơn một kiếp; nếu Phật ở đời thì người đời sẽ được thấy", thì thầy nói: "Như vậy đó Thế Tôn! Như vậy đó Tu Già Đà", mà không thỉnh Phật trụ thế nên phạm tội Việt tỳ ni. Tiếp tục ném thẻ thứ hai.

Lại nữa, khi may y Tăng già lê cho Thế Tôn, thầy đã dùng ngón chân phải đạp trên y, (492b) há thầy không biết rằng y Tăng già lê này là bảo tháp mà Chư Thiên, người đời nên cúng dường hay sao? Vì thế phạm tội Việt tỳ ni. Tiếp tục ném thẻ thứ ba.

Lại nữa, Phật nói: "Này A-nan! Hãy đi lấy nước", nói như vậy đến ba lần mà thầy không lấy nước cho Thế Tôn, nên phạm tội Việt tỳ ni. Tiếp tục bỏ xuống thẻ thứ tư.

Lại nữa, Phật nói: "A Nan, khi Ta sắp nhập Niết-bàn nên nói với Ta, Ta sẽ vì các Tỉ-kheo bỏ những giới vi tế", nhưng thầy không bạch nên phạm tội Việt tỳ ni. Tiếp tục bỏ xuống thẻ thứ năm.

Lại nữa, khi Phật ban nê hoàn, thầy để mã âm tàng của Phật cho Tỉ-kheo ni xem, nên phạm tội Việt tỳ ni. Tiếp tục bỏ xuống thẻ thứ sáu.

Lại nữa, khi Phật ban nê hoàn, các lão mẫu của lực sĩ đến khóc khiến nước mắt nhỏ trên chân Thế Tôn, thầy là thị giả mà không ngăn cản nên phạm tội Việt tỳ ni. Tiếp tục bỏ xuống thẻ thứ bảy.

Lúc ấy, A-nan không nhận hai tội, nói như sau:

- Thưa trưởng lão! Chư Phật quá khứ đều có bốn chúng, vì thế tôi thỉnh Phật độ Tỉ-kheo ni đến ba lần. Còn khi Phật ở Tì-xá-li, ba lần báo cho biết mà tôi không thỉnh Phật trụ thế là vì lúc ấy tôi là người còn đang học, bị ma che mờ cho nên không thỉnh. Ở đây tôi chỉ phạm 5 tội Việt tỳ ni.

Thế rồi, trưởng lão (sám hối) đúng như pháp.

Bấy giờ, tôn giả Ưu-ba-li liền bạch với đại chúng:

- Thưa các trưởng lão! Đây là thứ tự của 9 pháp:

1- Ba la di. 
2- Tăng già bà thi sa. 
3- Hai pháp Bất định. 
4- Ba mươi pháp Ni tát kỳ. 
5- Chín mươi hai pháp Ba-dạ-đề. 
6- Bốn Ba la đề đề xá ni. 
7- Pháp chúng học. 
8- Bảy pháp Diệt tránh. 
9- Pháp tùy thuận.

Đức Thế Tôn tại mỗ xứ vì Tỉ-kheo mỗ giáp, chế những giới này phải không?

Bấy giờ, đại chúng cùng đáp:

- Đúng như vậy Ưu-ba-li! Đúng như vậy Ưu-ba-li.

Ưu-ba-li tiếp:

- Trong Luật có ghi lại 5 việc sau đây:

1- Tu đa la. 
2- Tì ni. 
3- Nghĩa. 
4- Giáo. 
5- Khinh trọng.

1- Tu đa la: chỉ cho 5 bộ Kinh.

2- Tì ni: Tức hai bộ Luật rộng và hẹp.

3- Nghĩa: Ý nghĩa của từng câu.

4- Giáo: Bốn giáo lý cơ bản mà đức Thế Tôn đã thuyết giảng cho Sát lợi, Bà la môn và cư sĩ.

5- Khinh trọng: Lấy trộm đủ 5 tiền là nặng, dưới 5 tiền là nhẹ, phạm tội Thâu lan giá.

Đó gọi là 5 việc mà Luật đã ghi lại. Các trưởng lão nên học như vậy.

Lại có năm điều luật nữa là:

1- Lược Tì ni. 
2- Quảng Tì ni. 
3- Phương diện Tì ni. 
4- Kiên cố Tì ni. 
5- Ứng pháp Tì ni.

1- Lược Tì ni: Tức 5 thiên giới.

2- Quảng Tì ni: Tức 2 bộ Luật.

3- Phương diện Tì ni: Tại Thâu nô (492c) biên địa cho phép 5 thầy được truyền giới Tỉ-kheo.

4- Kiên cố Tì ni: Khi thọ y Ca hi na được bỏ 5 việc, từ biệt chúng thực cho đến khi đi đâu không cần thưa với người cùng ăn chung với mình.

5- Ứng pháp Tì ni: Trong đây Yết-ma đúng pháp và Yết-ma hòa hợp, đó gọi là làm đúng giới luật. Còn những cách khác là phi Yết-ma (Yết-ma phi pháp).

Thưa các trưởng lão, đến đây là kết tập Luật tạng hoàn tất.

Thế rồi, đại chúng bèn gọi 1.000 Tỉ-kheo ở ngoài vào, nói:

- Thưa các trưởng lão! Như thế này là Tạng pháp (Kinh) đã được kết tập, như thế này là tạng Luật đã được kết tập. 

Lúc ấy, có Tỉ-kheo nói:

- Thưa các trưởng lão! Đức Thế Tôn trước kia đã nói với A-nan rằng Ngài muốn vì các Tỉ-kheo bỏ bớt một số giới nhỏ nhặt, vậy bỏ những giới nào?

Có Tỉ-kheo nói:

- Nếu đức Thế Tôn muốn bỏ bớt các giới nhỏ nhặt thì nên bỏ oai nghi.

Có Tỉ-kheo nói:

- Không những bỏ oai nghi mà nên bỏ pháp Chúng học.

Có Tỉ-kheo nói:

- Cũng nên bỏ luôn cả 4 Ba la đề đề xá ni.

Có Tỉ-kheo nói:

- Cũng nên bỏ luôn cả 92 pháp Ba-dạ-đề.

Có Tỉ-kheo nói:

- Cũng nên bỏ luôn cả 30 pháp Ni tát kì Ba-dạ-đề.

Có Tỉ-kheo nói:

- Cũng nên bỏ luôn cả 2 pháp Bất định.

Khi ấy, nhóm sáu Tỉ-kheo liền nói:

- Thưa các trưởng lão! Nếu như Thế Tôn còn tại thế thì nên bỏ hết tất cả.

Đại Ca Diếp oai nghi nghiêm chỉnh giống như Thế Tôn, liền nói như sau:

- Ôi! Ôi! Đừng nói lời ấy.

Tức thời tất cả đại chúng đều im lặng. Đại Ca Diếp liền tiếp:

- Này các trưởng lão! Nếu đã chế định rồi lại mở ra thì sẽ khiến cho người ngoài nói: "Khi Cù Đàm còn ở đời nghi pháp hưng thịnh, ngày nay đã Nê hoàn, giáo pháp suy đồi". Thưa các trưởng lão! Những gì chưa chế thì đừng chế thêm nữa, những gì đã chế thì chúng ta nên tùy thuận học tập. 

- Thế nhưng các pháp này được nghe từ ai?

- Được nghe từ tôn giả Đạo Lực về Luật, Luận, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A hàm, Trung A Hàm, Trường A Hàm.

- Thế thì Đạo Lực nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Phất Sa Bà Đà La.

- Tôn giả Phất Sa Bà Đà La nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Pháp Thắng.

- Pháp Thắng nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Tăng Già Đề Bà.

- Tăng Già Đề Bà nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Long Giác.

- Long Giác nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Pháp Tiền.

- Pháp Tiền nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Đề Na Già.

- Đề Na Già nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Pháp Hộ.

- Pháp Hộ nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Kỳ Bà Già.

- Kỳ Bà Già nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Phất Đề La.

- Phất Đề La nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Da Xá.

- Da Xá nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Sai Đà.

- Sai Đà nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Hộ Mạng.

- Hộ Mạng nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Thiện Hộ.

- Thiện Hộ nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả (493a) Ngưu Hộ.

- Ngưu Hộ nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Cự Xá La.

- Cự Xá La nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Ma Cầu Đa.

- Ma Cầu Đa nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Ma Ha Na.

- Ma Ha Na nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Năng Hộ.

- Năng Hộ nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Mục Đa.

- Mục Đa nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Cự Hê.

- Cự Hê nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Pháp Cao.

- Pháp Cao nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Căn Hộ.

- Căn Hộ nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Kỳ Đa.

- Kỳ Đa nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Thọ Đề Đà Bà.

- Thọ Đề Đà Bà nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Đà Bà Ba La.

- Đà Bà Ba La nghe từ ai?

- Nghe từ tôn giả Ưu-ba-li.

- Ưu-ba-li nghe từ ai?

- Nghe từ Phật.

- Phật nghe từ ai?

- Ngài tự giác ngộ không có thầy, cũng không nghe từ ai cả. Phật có vô lượng trí tuệ, vì lợi ích cho chúng sinh nên Ngài trao truyền cho Ưu-ba-li. Ưu-ba-li trao cho Đà Bà Ba La. Đà Bà Ba La trao cho Thọ Đề Đà Bà. Thọ Đề Đà Bà lần lượt trao xuống tôn giả Đạo Lực, rồi Đạo Lực trao cho tôi và những người khác.

Kệ tóm tắt:

"Chúng ta nhờ thầy dạy, 
Nghe từ Đấng Vô Thượng. 
Giữ gìn đọc tụng Luật. 
Pháp Hiền Thánh tuân hành. 
Pháp tạng của Thế Tôn, 
Kế thừa sau Thích Ca. 
Mỗi người phải tuân thủ, 
Để chánh pháp còn mãi".

Đó gọi là 500 Tỉ-kheo kết tập pháp tạng.

LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Hết quyển thứ ba mươi hai.