Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
Danh Mục Tam Tạng
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Phần 1

11 Tháng Giêng 20171:59 CH(Xem: 2264)
Phần 1
Kinh Giải Thâm Mật

HT. Thích Trí Quang dịch giải 

Phẩm một: Mở Đầu 

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Thế tôn (1) ở trong đại cung điện (1B) , nơi (2) được cấu trúc bằng bảy chất liệu quí báu rực rỡ hơn hết, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp vô biên quốc độ, nơi có vô số khu vức được trang sức tuyệt diệu và vị trí xen nhau, nơi mà hình lượng tràn đầy một cách vô giới hạn và khó ước tính, nơi mà hình lượng ấy siêu việt lĩnh vực ba cõi, nơi được tạo thành bởi loại thiện căn tối thượng và siêu việt thế gian, nơi lấy tâm thức cực trong sạch và cực tự tại mà làm bản thể, nơi đức Thế tôn đóng đô, nơi các đại bồ tát (3) vân tập, nơi vô số tám bộ thường xuyên tùy tùng, nơi sống (4) bằng sự vui thích mùi vị chánh pháp quảng đại, nơi xuất phát mọi sự ích lợi chân thật cho chúng sinh, nơi dứt tuyệt phiền não, tai nạn, buộc ràng và dơ bẩn, nơi tách rời các loại ma (5) , nơi được sự trang hoàng của Phật, một sự trang hoàng vượt quá mọi sự trang hoàng, nơi lấy đại niệm, đại tuệ và đại hạnh mà làm đường đi, nơi lấy sự chỉ vĩ đại và sự quán tinh tế mà làm cỗ xe, nơi lấy sự không vĩ đại, sự vô tướng vĩ đại và sự vô nguyện vĩ đại mà làm cửa vào, nơi kiến thiết trên hoa sen chúa làm bằng ngọc lớn và trang trí bởi vô số lượng công đức (6) .

Lược Giải.-

Đoạn này nói về chỗ Phật thuyết Giải thâm mật. Chỗ ấy, đại bồ tát thấy, là tha thọ dụng độ của Phật, có 18 sự viên mãn (với 18 chữ nơi). Chỗ ấy đúng ra cũng nên nói là biến hóa độ mà những kẻ khác thấy, nhưng đoạn này muốn đề cao kinh này nên chỉ nói cái thấy thứ nhất.

Một chỗ và cùng lúc mà thấy tha thọ dụng độ và thấy biến hóa độ là như trong Pháp hoa, Linh sơn mà thấy Linh sơn tịnh độ hay thấy Linh sơn bình thường.

Nói Người Nói

Chính Văn.-

Còn đức Thế tôn thì tuệ giác cực kỳ trong sạch (7) : hiện hành bất nhị (8) , đạt đến vô tướng (9) , đứng vào chỗ đứng của các đức Thế tôn (10) , thể hiện tính bình đẳng của các Ngài, đến chỗ không còn chướng ngại (11) , giáo pháp không thể khuynh đảo, tâm thức không bị cản trở, cái được thiết lập không thể nghĩ bàn, biết rõ như nhau đối với mọi việc quá khứ hiện tại và vị lai, thân hình bủa ra khắp các thế giới, các pháp thì thông suốt, các hạnh thì toàn hảo, trí biết không còn nghi hoặc, thân hiện không có phân biệt, là tuệ giác mà tất cả Bồ tát cầu mong, chứng được cái thân đồng nhất của chư Phật mà đứng ở bờ bến tối thượng bên kia, thực hiện một cách không còn hỗn tạp về giải thoát và diệu trí của đức Thế tôn, toàn chứng cảnh Phật không có chính giữa cũng không có bên cạnh, cùng tận pháp giới, khắp không gian, và suốt thì gian.

Lược Giải.-

Phật mà đoạn này tả là tha thọ dụng thân. Thuyết chủ Giải thâm mật là tha thọ dụng thân ấy. Đó cũng là nói theo sự đề cao kinh này.

Nói Người Nghe

Chính Văn.-

Cùng ở với đức Thế tôn có chúng đại thanh văn thuần hóa tất cả; toàn là con Phật; tâm khéo giải thoát; trí khéo giải thoát; giới khéo thanh tịnh; hướng cầu cái vui của chánh pháp; nghe chánh pháp rất nhiều, nghe thì nắm giữ trong trí, và cái nghe như vậy được dồn chứa mãi; khéo nghĩ cái được nghĩ, khéo nói cái được nói, khéo làm cái được làm (12) ; tuệ giác nhanh, tuệ giác chóng, tuệ giác sắc, tuệ giác thoát ra, tuệ giác quyết trạch siêu việt, tuệ giác lớn, tuệ giác rộng (13) , tuệ giác không ai đồng đẳng, thành tựu những phẩm chất quí báu như vậy của tuệ giác; hoàn hảo ba thứ minh trí; đạt được cái vui của chánh pháp ngay trong hiện tại và rất là bậc nhất; là ruộng phước vừa sạch vừa lớn; hoàn thiện không thiếu sự yên tĩnh của cử động; hoàn mãn không vơi sự ôn hòa của đức nhẫn; khéo léo phụng hành giáo huấn của đức Thế tôn (14) .

Lược Giải.-

Đoạn này nói về chúng đại thanh văn, 1 trong 2 chúng người nghe Giải thâm mật. Hãy chú ý ở chỗ đoạn này không nói những sở trường của Thanh văn mà quan trọng nhất là "sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu", cho thấy kinh này không đề cao Thanh văn định tánh là các vị chỉ "đãi đắc kỷ lợi". Thanh văn đoạn này nói là Thanh văn hướng đại, với những đức tính liên hệ đại thừa.

Chính Văn.-

Lại có chúng đại bồ tát từ các cõi Phật hội lại ở đây, toàn là những vị đứng trong đại thừa, đi trong đại thừa, đối với chúng sinh thì lòng rất bình đẳng, tách rời mọi sự phân biệt là có thể phân biệt và không thể phân biệt (15) , chế ngự các loại ma và thù địch, tách rời ý nghĩ của Thanh văn và Duyên giác, sống bằng sự vui thích mùi vị chánh pháp quảng đại, vượt qua tất cả năm sự sợ hãi (16) , thuần nhất bước vào địa vị không còn thoái chuyển, thể hiện địa vị làm ngưng khổ não bức bách cho chúng sinh. Danh hiệu các vị thượng thủ là đại bồ tát Giải thâm nghĩa ý (17) , đại bồ tát Như lý thỉnh vấn, đại bồ tát Pháp dũng, đại bồ tát Thiêển thanh tịnh tuệ, đại bồ tát Quảng tuệ, đại bồ tát Đức bản, đại bồ tát Thắng nghĩa sinh, đại bồ tát Quan tự tại, đại bồ tát Từ thị, đại bồ tát Mạn thù (18) ...

Lược Giải.-

Đoạn này nói về chúng đại bồ tát đến nghe kinh Giải thâm mật. Có 10 câu nói về 10 phẩm chất vĩ đại.

Nói Tâm Ly Ngôn Và Bất Nhị

Chính Văn.-

Phẩm hai: Thắng Nghĩa (19) [^]

Vào lúc bấy giờ, ở trước đức Thế tôn, đại bồ tát Như lý thỉnh vấn hỏi đại bồ tát Giải thâm nghĩa ý: Tối thắng tử, nói các pháp bất nhị (20) thì các pháp là những gì? tại sao lại bất nhị? Đại bồ tát Giải thâm nghĩa ý trả lời đại bồ tát Như lý thỉnh vấn: Thiện nam tử, các pháp đại khái có hai, một là hữu vi, hai là vô vi. Trong đây, hữu vi không phải hữu vi vô vi, vô vi không phải vô vi hữu vi, (nên nói là bất nhị).

Đại bồ tát Như lý thỉnh vấn lại hỏi đại bồ tát Giải thâm nghĩa ý: Tối thắng tử, như thế nào gọi là hữu vi không phải hữu vi vô vi, vô vi không phải vô vi hữu vi? Đại bồ tát Giải thâm nghĩa ý trả lời đại bồ tát Như lý thỉnh vấn: Thiện nam tử, nói hữu vi thì đó là cái đức Bổn sư giả thiết; nếu là cái đức Bổn sư giả thiết thì cái ấy biến kế chấp trước và ngôn ngữ diễn tả (21) ; nếu là cái biến kế chấp trước và ngôn ngữ diễn tả thì cuối cùng chỉ là bao cách biến kế chấp trước và ngôn ngữ diễn tả chứ không phải chân thật, vì vậy mà không phải là hữu vi (22) . Nói vô vi thì cũng sa vào ngôn ngữ (23) ; ngoài hữu vi vô vi mà nói gì chút ít đi nữa thì cũng là như thế (24) . Thế nhưng không phải không sự thể mà có nói phô; sự thể ấy là gì, là các thánh giả, bằng sự thấy biết rất thánh, tách rời ngôn ngữ nên thể hiện sự chánh biến giác (đối với pháp tánh); rồi chính nơi pháp tánh tách rời ngôn ngữ ấy, các ngài muốn làm cho người khác cũng thể hiện chánh biến giác, nên giả thiết ngôn từ mà nói là hữu vi (25) .

Thiện nam tử, nói vô vi thì đó cũng là cái đức Bổn sư giả thiết; nếu là cái đức Bổn sư giả thiết thì cái ấy biến kế chấp trước và ngôn ngữ diễn tả; nếu là cái biến kế chấp trước và ngôn ngữ diễn tả thì cuối cùng chỉ là bao cách biến kế chấp trước và ngôn ngữ diễn tả chứ không phải chân thật, vì vậy mà không phải là vô vi (26) . Nói hữu vi thì cũng sa vào ngôn ngữ (27) ; ngoài vô vi hữu vi mà nói gì chút ít đi nữa thì cũng là như thế (28) . Thế nhưng không phải không sự thể mà có nói phô; sự thể ấy là gì, là các thánh giả, bằng sự thấy biết rất thánh, tách rời ngôn ngữ nên thể hiện sự chánh biến giác (đối với pháp tánh); rồi chính nơi pháp tánh tách rời ngôn ngữ ấy, các ngài muốn làm cho người khác cũng thể hiện chánh biến giác, nên giả thiết ngôn từ mà nói là vô vi.

Lược Giải.-

Đoạn này nói thắng nghĩa (Tâm hay Như) thì ly ngôn và bất nhị.

Chính Văn.-

Lúc ấy đại bồ tát Như lý thỉnh vấn lại hỏi đại bồ tát Giải thâm nghĩa ý: Tối thắng tử, như thế nào gọi là sự thể các thánh giả, bằng sự thấy biết rất thánh, tách rời ngôn ngữ nên thể hiện sự chánh biến giác (đối với pháp tánh), rồi chính nơi pháp tánh tách rời ngôn ngữ ấy, các ngài muốn làm cho người khác cũng thể hiện chánh biến giác, nên giả thiết ngôn từ mà hoặc nói là hữu vi, hoặc nói là vô vi? Đại bồ tát Giải thâm nghĩa ý trả lời đại bồ tát Như lý thỉnh vấn: Thiện nam tử, như nhà ảo thuật, hay đồ đệ của nhà ảo thuật, đứng giữa ngã tư, gom cỏ lá ngói gạch, và những vật liệu cùng việc, làm ra những ảo trạng tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh, ma ni, chân châu, lưu ly, loa bối (29) , bích ngọc, san hô, kho tàng tiền của, kho tàng thóc gạo... Những kẻ thuộc loại ngu đần, hiểu sai, không trí thức, thì thấy nghe những ảo trạng trên các vật liệu rồi, nghĩ rằng những gì mình thấy nghe thật là tượng binh cho đến kho tàng thóc gạo..., lại y như sự thấy nghe ấy mà cố chấp và diễn tả, cho rằng chỉ sự thấy nghe ấy là đúng, ai nói khác đi là dốt và láo cả. Những kẻ như vậy sau đó rất cần quan sát lại. Còn những người thuộc loại không ngu đần, hiểu đúng, có trí thức, thì thấy nghe những ảo trạng trên các vật liệu rồi, nghĩ rằng những gì mình thấy nghe toàn không thật tượng binh cho đến kho tàng thóc gạo..., thế nhưng có những ảo trạng mê hoặc thị giác, nên tưởng đây là bản thân con voi và đây là chi tiết trên bản thân ấy, cho đến tưởng đây là bản thân kho tàng thóc gạo và đây là chi tiết trên bản thân ấy (29B) ; họ không y như sự thấy nghe mà cố chấp và diễn tả, cho rằng chỉ sự thấy nghe ấy là đúng, ai nói khác đi là dốt và láo cả. Nhưng họ muốn làm cho người khác cũng biết sự thật như vậy nên cũng sử dụng ngôn từ. Những người như vậy sau đó không cần quan sát nữa.

Tương tự như vậy, những kẻ thuộc loại ngu phu, thuộc loại dị sinh (30) , chưa được tuệ giác siêu việt thế gian của các vị thánh giả, thì không thể thấu hiểu pháp tánh tách rời ngôn ngữ của các pháp, nên thấy nghe các pháp hữu vi vô vi rồi, nghĩ rằng cái mình thấy nghe được đó quyết định thật là hữu vi vô vi, lại đúng như sự thấy nghe ấy mà cố chấp và diễn tả, cho rằng chỉ sự thấy nghe ấy là đúng, ai nói khác đi là dốt và láo cả. Những kẻ như vậy sau đó rất cần quan sát lại. Còn những người không thuộc loại ngu phu, đã thấy chân lý của thánh giả, đã được tuệ giác siêu việt thế gian của thánh giả, thì thấu hiểu một cách đúng như sự thật về pháp tánh tách rời ngôn ngữ của các pháp, nên thấy nghe các pháp hữu vi vô vi rồi nghĩ rằng cái mình thấy nghe được đó quyết định không thật hữu vi vô vi, thế nhưng có hành tướng (31) của sự phân biệt (32) như ảo trạng mê hoặc tuệ giác (33) , nên có ý tưởng bản thân hữu vi vô vi, có ý tưởng chi tiết nơi bản thân hữu vi vô vi; nghĩ như vậy nên không y như sự thấy nghe mà cố chấp và diễn tả, cho rằng chỉ sự thấy nghe ấy là đúng, ai nói khác đi là dốt và láo cả. Nhưng họ muốn làm cho người khác cũng biết sự thật như vậy nên cũng sử dụng ngôn từ. Những người như vậy sau đó không cần quan sát nữa.

Ấy vậy, Thiện nam tử, trong sự thể này các vị thánh giả, bằng sự thấy biết rất thánh, tách rời ngôn ngữ nên thể hiện sự chánh biến giác (đối với pháp tánh), rồi chính nơi pháp tánh tách rời ngôn ngữ ấy, các ngài muốn làm cho người khác cũng thể hiện chánh biến giác nên giả thiết ngôn từ mà nói là hữu vi, nói là vô vi.

Lược Giải.-

Đoạn này giải thích tại sao thắng nghĩa ly ngôn mà thánh giả có ngôn thuyết.

Chính Văn.-

Đại bồ tát Giải thâm nghĩa ý muốn lặp lại ý nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

Pháp tánh bất nhị
tách rời ngôn ngữ
mà Thế tôn nói
thì rất sâu xa,
không phải ngu phu
có thể hiểu biết.
Với pháp tánh ấy,
những kẻ ngu phu
thì bị mê hoặc
vì sự ngu dốt,
nên thích nắm lấy
hai pháp y cứ (34) ,
vận dụng ngôn từ
hý luận đủ cách.
Họ thành những kẻ
thuộc nhóm bất định,
hay còn hơn nữa.
thuộc nhóm tà định,
nên đã trôi lăn
ở trong cái khổ
của sự sống chết
cực kỳ lâu dài;
nay lại trái nghịch
đối với tuệ giác
cùng với ngôn luận
rất là chính xác,
nên trong vị lai
họ phải sinh vào
loài bò loài dê
các loài tương tự.
Lược Giải.-

Đoạn này dùng văn chỉnh cú mà trùng tuyên C1 trong B1 của A2.

Nói Tâm Siêu Việt Tầm Tư

Chính Văn.-

Bấy giờ đại bồ tát Pháp dũng thưa Phật: Kính bạch Thế tôn, phía đông cõi này, qua bảy mươi hai hằng sa thế giới hệ, có thế giới hệ tên Đủ tiếng khen lớn, đức Thế tôn giáo chủ hiệu Tiếng khen rộng lớn. Trước đây con từ cõi Phật ấy mà đến cõi này. Tại cõi Phật ấy, con từng thấy một nơi có bảy mươi bảy ngàn ngoại đạo, gồm cả các bậc thầy của họ, cùng ngồi với nhau. Để nghĩ về sắc thái của thắng nghĩa các pháp, họ chung nhau bàn luận, cân nhắc, xem xét. Suy tầm khắp cả mà rốt cuộc họ không biết được thắng nghĩa của các pháp, chỉ có những cái biết phức tạp, mâu thuẫn, bất định, nên họ chống nhau, cãi nhau, miệng lưỡi xuất ra giáo với lao mà đâm thọc nhau, quấy phá nhau, rồi họ giải tán. Lúc ấy con nghĩ riêng như vầy, sự xuất thế của các đức Thế tôn thật rất hiếm có, bởi vì nhờ sự xuất thế ấy mà đối với cái thắng nghĩa siêu việt lĩnh vực tầm tư (35) vẫn có những người thấu suốt chứng ngộ.

Đại bồ tát Pháp dũng kính bạch như vậy rồi, đức Thế tôn dạy ngài: Thiện nam tử, đúng như vậy, đúng như ông nói; đối với thắng nghĩa siêu việt tầm tư, Như lai đã chánh biến giác, chánh biến giác rồi Như lai nói rõ cho người.

Lược Giải.-

Đoạn này nói mục đích và giá trị xuất thế của Phật: sự xuất thế ấy là để nói về thắng nghĩa, làm cho có người cũng chứng ngộ được thắng nghĩa ấy.

Chính Văn.-

Pháp dũng, Như lai nói thắng nghĩa thì thánh giả tự chứng ngộ từ bên trong, còn đối tượng tầm tư thì dị sinh chuyền cho nhau mà hiểu biết; thế nên, Pháp dũng, do điều này mà ông nên biết thắng nghĩa siêu việt lĩnh vực tầm tư. Pháp dũng, Như lai nói thắng nghĩa thì tuệ giác vô tướng lĩnh hội, còn tầm tư thì chỉ biết đối tượng hữu tướng; thế nên, Pháp dũng, do điều này mà ông nên biết thắng nghĩa siêu việt lĩnh vực tầm tư. Pháp dũng, Như lai nói thắng nghĩa thì không thể nói phô, còn tầm tư thì chỉ biết bằng nói phô; thế nên, Pháp dũng, do điều này mà ông nên biết thắng nghĩa siêu việt lĩnh vực tầm tư. Pháp dũng, Như lai nói thắng nghĩa thì tuyệt hết mọi sự biểu thị, còn tầm tư thì chỉ biết bằng sự biểu thị; thế nên, Pháp dũng, do điều này mà ông nên biết thắng nghĩa siêu việt lĩnh vực tầm tư. Pháp dũng, Như lai nói thắng nghĩa thì tuyệt hết mọi sự tránh luận (35B) , còn tầm tư thì chỉ biết bằng sự tránh luận; thế nên, Pháp dũng, do điều này mà ông nên biết thắng nghĩa siêu việt lĩnh vực tầm tư.

Lược Giải.-

Đoạn này lấy 5 mặt mà nói thắng nghĩa siêu việt tầm tư.

Chính Văn.-

Pháp dũng, nên nhận thức rằng, tựa như có kẻ suốt đời đã quen mùi vị cay đắng, thì đối với mùi vị của mật và đường, kẻ ấy không thể tầm tư, so sánh, tin hiểu. Hoặc như những kẻ trong bao thì gian khẳng định dục vọng, lửa dục nung đốt, thì đối với cái vui siêu thoát tinh tế do từ bên trong đã loại bỏ ngũ dục (35C) , kẻ ấy không thể tầm tư, so sánh, tin hiểu. Hoặc như những kẻ trong bao thì gian khẳng định ngôn từ, ưa thích ngôn từ hoa dạng của thế gian, thì đối với cái vui lặng thinh thánh thiện do sự yên tĩnh từ bên trong, kẻ ấy không thể tầm tư, so sánh, tin hiểu. Hoặc như những kẻ trong bao thì gian khẳng định sự biểu thị của thấy nghe hay biết (36) , ưa thích những sự biểu thị có tính thế gian (36B) , thì đối với niết bàn toàn hảo do hủy diệt mọi sự biểu thị và cái thân ngũ uẩn, kẻ ấy không thể tầm tư, so sánh, tin hiểu. Hoặc như những kẻ mà trong bao thì gian khẳng định về ngã sở, chiếm hữu và tránh luận, ưa thích mọi sự tránh luận của thế gian, thì đối với sự không ngã sở, chiếm hữu và tránh luận của nhân loại ở đại lục Bắc câu lô, kẻ ấy không thể tầm tư, so sánh, tin hiểu. Tương tự như vậy, Pháp dũng, những kẻ tầm tư thì đối với thắng nghĩa siêu việt cái biết của tầm tư, họ không thể tầm tư, so sánh, tin hiểu.

Lược Giải.-

Đoạn này thí dụ về 5 mặt đã nói ở trên. Thí dụ mà cũng chỉ việc. Ngài Chân đế phối hợp 5 sự này với 5 cái vui: xuất gia, tách rời, yên lặng, chánh giác và niết bàn (Vạn 34/339B dẫn).

Chính Văn.-

Để lặp lại ý nghĩa đã nói, lúc ấy đức Thế tôn nói những lời chỉnh cú sau đây.

Chứng ngộ từ trong,
vô tướng lĩnh hội,
không thể nói phô,
tuyệt hết biểu thị,
đình chỉ tránh luận,
thắng nghĩa như vậy
siêu việt hết thảy
sắc thái tầm tư.

Lược Giải.-

Đoạn này dùng văn chỉnh cú mà trùng tuyên C2 trong B1 của A2.

Nói Tâm Phi Nhất Dị

Chính Văn.-

Lúc bấy giờ đại bồ tát Thiện thanh tịnh tuệ thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, Ngài thật kỳ diệu, cho đến Ngài thật khéo nói, ấy là Ngài nói thắng nghĩa rất nhỏ, rất sâu, khó thấu, vượt qua đặc tính đồng nhất hay dị biệt đối với các hành. Bạch đức Thế tôn, chính tại cõi này, con từng chứng kiến một nơi có các vị Bồ tát đồng đẳng tu hành chính xác về địa vị Thắng giải hành (37) cùng ngồi với nhau, chung nhau nghĩ bàn thắng nghĩa đối với các hành (38) là một hay khác nhau. Trong đó, một số nói thắng nghĩa với các hành hoàn toàn là một; một số nói không phải thắng nghĩa với các hành hoàn toàn là một, mà là tuyệt đối khác nhau; một số nghi hoặc, do dự, nói các vị ấy ai thật ai dối, ai đúng ai sai, khi một số nói thắng nghĩa với các hành là một, một số nói thắng nghĩa với các hành khác nhau. Bạch đức Thế tôn, chứng kiến như vậy, con nghĩ riêng, rằng các thiện nam tử này ngây thơ, không sáng, không khéo và không đúng; đối với thắng nghĩa rất nhỏ, rất sâu và siêu việt nhất dị đối với các hành, họ không thấu hiểu.

Đại bồ tát Thiện thanh tịnh tuệ kính bạch như vậy rồi, đức Thế tôn dạy ngài: Thiện nam tử, đúng như vậy, đúng như ông nói; các Thiện nam tử ấy ngây thơ, không sáng, không khéo và không đúng; đối với thắng nghĩa rất nhỏ, rất sâu và siêu việt nhất dị đối với các hành, họ không thấu hiểu. Lý do là vì, đối với các hành, không phải khi nhận thức như vậy mà gọi là thấu hiểu hay chứng ngộ thắng nghĩa.

Lược Giải.-

Đoạn này mở đầu nói về thực thể với hiện tượng; thực thể ấy là thắng nghĩa (Như hay Tâm).

Chính Văn.-

(Trước hết), Thiện thanh tịnh tuệ, nếu thắng nghĩa với các hành là một thì đáng lẽ hiện nay tất cả dị sinh đã thấy đế lý, đã được niết bàn yên ổn, đã chứng bồ đề tối thượng; nếu thắng nghĩa với các hành khác nhau thì đáng lẽ người đã thấy đế lý không thể trừ khử các hành, không trừ khử các hành thì không thể giải thoát tướng phược (39) , không giải thoát tướng phược thì không thể giải thoát trọng phược (40) , không giải thoát hai phược ấy thì không thể được niết bàn yên ổn, cũng không thể chứng bồ đề tối thượng. (Nhưng), vì hiện nay các loại dị sinh không phải đã thấy đế lý, không phải đã được niết bàn yên ổn, không phải đã chứng bồ đề tối thượng, nên cho thắng nghĩa với các hành là một thì phi lý, nói thắng nghĩa với các hành là một thì do đạo lý này mà ông nên biết họ nói không đúng; (mặt khác), vì hiện nay không phải những người thấy đế lý không thể trừ khử các hành mà là trừ khử được, không phải không thể giải thoát tướng phược mà là giải thoát được, không phải không thể giải thoát trọng phược mà là giải thoát được, giải thoát được hai phược nên cũng được niết bàn yên ổn và chứng bồ đề tối thượng, nên cho thắng nghĩa với các hành khác nhau thì phi lý, nói thắng nghĩa với các hành khác nhau thì do đạo lý này mà ông nên biết họ nói không đúng.

Thứ nữa, Thiện thanh tịnh tuệ, nếu thắng nghĩa với các hành là một thì đáng lẽ các hành là tạp nhiễm thắng nghĩa cũng tạp nhiễm; nếu thắng nghĩa với các hành khác nhau thì đáng lẽ không phải cọng tướng của các hành gọi là thắng nghĩa (41) . (Nhưng), vì hiện nay thắng nghĩa không phải là tạp nhiễm, (mặt khác), vì cọng tướng của các hành gọi là thắng nghĩa, nên cho thắng nghĩa với các hành là một hay khác nhau thì đều phi lý, nói thắng nghĩa với các hành là một hay khác nhau thì do đạo lý này mà ông nên biết họ nói không đúng.

Sau nữa, Thiện thanh tịnh tuệ, nếu thắng nghĩa với các hành là một thì đáng lẽ thắng nghĩa là phi sai biệt các hành cũng phi sai biệt, đáng lẽ hành giả tu quán, thấy nghe hay biết các hành rồi sau đó không còn tìm biết thắng nghĩa; nếu thắng nghĩa với các hành khác nhau thì đáng lẽ không phải cái được hiển lộ bởi các hành vô ngã vô tánh chính là thắng nghĩa, đáng lẽ tạp nhiễm và thanh tịnh cùng lúc dị biệt mà song lập (42) . (Nhưng), vì hiện nay các hành là sai biệt chứ không phải phi sai biệt, vì hành giả tu quán, thấy nghe hay biết các hành rồi sau đó còn tìm biết thắng nghĩa, (mặt khác), vì chính cái được hiển lộ bởi các hành vô ngã vô tánh gọi là thắng nghĩa, vì không phải tạp nhiễm và thanh tịnh cùng lúc dị biệt mà song lập, nên cho thắng nghĩa với các hành là một hay khác nhau thì đều phi lý, nói thắng nghĩa với các hành là một hay khác nhau thì do đạo lý này mà ông nên biết họ nói không đúng.

Lược Giải.-

Đoạn này có 3 đoạn nhỏ nói thắng nghĩa siêu việt nhất dị. Tựu trung đáng chú ý nhất là 2 điểm: cọng tướng của các hành là thắng nghĩa (ghi chú 41) và nhiễm tịnh không song lập (ghi chú 42). Điểm trước là bản thể với hiện tượng, điểm sau chính là nghĩa bản tịnh (chứ không có bản nhiễm).

Chính Văn.-

Thiện thanh tịnh tuệ, như sắc trắng nơi loa bối, không dễ gì nói là một hay khác nhau với loa bối. Như sắc trắng nơi loa bối, sắc vàng nơi vàng cũng vậy. Như khúc nhạc nơi âm thanh đàn hầu, không dễ gì nói là một hay khác nhau với âm thanh đàn hầu. Như hơi thơm nơi trầm đen, không dễ gì nói là một hay khác nhau với trầm đen. Như vị cay nơi hạt tiêu, không dễ gì nói là một hay khác nhau với hạt tiêu. Như vị cay nơi hạt tiêu, vị bùi nơi trái ha lê cũng vậy. Như sự láng mịn nơi lụa tơ tằm, không dễ gì nói là một hay khác nhau với lụa tơ tằm. Như váng sữa nơi sữa chín, không dễ gì nói là một hay khác nhau với sữa chín. Như sự vô thường nơi các hành, sự khổ não nơi hữu lậu, sự vô ngã nơi các pháp, không dễ gì nói là một hay khác nhau với các hành, hữu lậu và các pháp. Sự thác loạn và tạp nhiễm nơi tham, không dễ gì nói là một hay khác nhau với tham; như nơi tham, nơi sân và nơi si cũng vậy. Tương tự như vậy, Thiện thanh tịnh tuệ, không thể qui định thắng nghĩa với các hành là một hay khác nhau.

Thiện thanh tịnh tuệ, đối với thắng nghĩa siêu việt một khác các hành như vậy, rất nhỏ và cực kỳ rất nhỏ, rất sâu và cực kỳ rất sâu, khó biết và cực kỳ khó biết, Như lai đã thể hiện chánh biến giác. Chánh biến giác rồi, Như lai nói rõ cho người.

Lược Giải.-

Hai đoạn này, một, dùng 10 ví dụ để nói sự phi nhất dị của thắng nghĩa, một, nói với thắng nghĩa ấy Phật đã tự giác lại giác tha.

Chính Văn.-

Vào lúc bấy giờ, đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

Thắng nghĩa các hành (43)
siêu việt một khác,
phân biệt một khác
là biết không đúng.
Chúng sinh thì bị
tướng phược trọng phược (44) ;
siêng tu chỉ quán
mới giải thoát được.

Lược Giải.-

Đoạn này dùng chỉnh cú mà trùng tuyên C3 trong B1 của A2.

Nói Tâm Phổ Biến Nhất Vị

Chính Văn.-

Lúc ấy đức Thế tôn hỏi trưởng lão Thiện hiện: Thiện hiện, trong chúng sinh giới, trưởng lão biết bao nhiêu người có tăng thượng mạn, do tăng thượng mạn chi phối mà xác định sự hiểu biết của mình (45) ? bao nhiêu người không tăng thượng mạn mà xác định sự hiểu biết của mình? Trưởng lão Thiện hiện thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, trong chúng sinh giới, con biết chỉ có một số người không tăng thượng mạn mà xác định sự hiểu biết của mình, nhưng có vô số người có tăng thượng mạn, do tăng thượng mạn chi phối mà xác định sự hiểu biết của mình. Bạch đức Thế tôn, có một lần con ở chỗ thanh vắng trong rừng cây lớn. Bấy giờ có nhiều vị Bí sô cũng ở trong rừng ấy, gần con. Các vị Bí sô này, trong phần sau của ban ngày, lần lượt hội lại, căn cứ sự hiện quán có thủ đắc mà nói các pháp, xác định sự hiểu biết của mình. Tựu trung, một số do thủ đắc về uẩn: thủ đắc đặc tính của uẩn, thủ đắc sự phát sinh của uẩn, thủ đắc sự tận diệt của uẩn, thủ đắc sự tác chứng về sự tận diệt của uẩn, nên xác định sự hiểu biết của mình. Như một số do thủ đắc về uẩn, một số do thủ đắc về xứ và một số do thủ đắc về duyên khởi thì cũng như vậy. Một số do thủ đắc về thực: thủ đắc đặc tính của thực, thủ đắc sự phát sinh của thực, thủ đắc sự tận diệt của thực, thủ đắc sự tác chứng về sự tận diệt của thực, nên xác định sự hiểu biết của mình. Một số do thủ đắc về đế: thủ đắc đặc tính của đế, thủ đắc sự biến tri về đế, thủ đắc sự vĩnh đoạn về đế, thủ đắc sự tác chứng về đế, thủ đắc sự tu tập về đế, nên xác định sự hiểu biết của mình. Một số do thủ đắc về giới: thủ đắc đặc tính của giới, thủ đắc chủng loại của giới, thủ đắc đa dạng của giới, thủ đắc sự tận diệt của giới, thủ đắc sự tác chứng về sự tận diệt của giới, nên xác định sự hiểu biết của mình. Một số do thủ đắc về niệm trú : thủ đắc đặc tính của niệm trú, thủ đắc sự năng trị và sự sở trị của niệm trú, thủ đắc sự tu tập về niệm trú, thủ đắc sự chưa phát sinh thì làm cho phát sinh của niệm trú, thủ đắc sự đã phát sinh thì làm cho kiên cố, bội phần tu tập cao lên và rộng ra của niệm trú, nên xác định sự hiểu biết của mình. Như một số do thủ đắc về niệm trú, những số do thủ đắc về chính đoạn, do thủ đắc về thần túc, do thủ đắc về căn, do thủ đắc về lực, do thủ đắc về giác chi, thì cũng như vậy. Một số do thủ đắc về tám chi thánh đạo: thủ đắc đặc tính của tám chi thánh đạo, thủ đắc sự năng trị và sự sở trị của tám chi thánh đạo, thủ đắc sự tu tập về tám chi thánh đạo, thủ đắc sự chưa phát sinh thì làm cho phát sinh của tám chi thánh đạo, thủ đắc sự đã phát sinh thì làm cho kiên cố, bội phần tu tập cao lên và rôểng ra của tám chi thánh đạo, nên xác định sự hiểu biết của mình (46) . Bạch đức Thế tôn, con chứng kiến như vậy thì nghĩ riêng như vầy, các vị trưởng lão này căn cứ sự hiện quán có thủ đắc mà nói các pháp, xác định sự hiểu biết của mình như thế, thì biết các vị toàn là tăng thượng mạn, bị tăng thượng mạn chi phối, nên không thể thấu hiểu đặc tính phổ biến toàn thể và đồng nhất tính vị của thắng nghĩa. Vì thế nên đức Thế tôn thật kỳ diệu, cho đến đức Thế tôn thật khéo nói, ấy là Ngài nói thắng nghĩa rất nhỏ và cùng cực rất nhỏ, rất sâu và cùng cực rất sâu, khó biết và cùng cực khó biết, phổ biến toàn thể và đồng nhất tính vị. Bạch đức Thế tôn, các vị Bí sô tu học trong chánh pháp mà còn khó thấu hiểu đặc tính phổ biến nhất vị của thắng nghĩa, huống chi những người ngoại đạo.

Lược Giải.-

Đoạn này cho thấy C4 này cốt nói tiểu thừa nhiều hơn, cũng như C3 trước đây nhắm nhiều hơn vào ngoại đạo (nhất là các thuyết bản thể luận).

Chính Văn.-

Bấy giờ đức Thế tôn bảo trưởng lão Thiện hiện: đúng như vậy, trưởng lão Thiện hiện; đối với thắng nghĩa rất nhỏ và cùng cực rất nhỏ, rất sâu và cùng cực rất sâu, khó biết và cùng cực khó biết, phổ biến toàn thể và đồng nhất tính vị, Như lai đã thể hiện chánh biến giác. Chánh biến giác rồi, Như lai nói rõ cho người.

(Trước hết), Thiện hiện, Như lai đã nói cái thanh tịnh sở duyên (47) nơi toàn thể năm uẩn chính là thắng nghĩa; Như lai đã nói cái thanh tịnh sở duyên nơi toàn thể mười hai xứ, mười hai duyên khởi, bốn thực, bốn đế, mười tám giới, bốn niệm trú, bốn chính đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi và tám thánh đạo, chính là thắng nghĩa. Cái thanh tịnh sở duyên ấy, nơi toàn thể năm uẩn, Nó là đồng nhất tính vị, không có dị biệt; như nơi toàn thể năm uẩn, thì nơi toàn thể mười hai xứ, cho đến nơi toàn thể tám thánh đạo, Nó cũng là như vậy, đồng nhất tính vị, không có dị biệt. Thế nên, Thiện hiện, do đạo lý này mà trưởng lão hãy nhận thức thắng nghĩa là phổ biến toàn thể, đồng nhất tính vị.

Thứ nữa, Thiện hiện, các vị Bí sô tu quán, thấu hiểu chân như thắng nghĩa vô ngã nơi một uẩn, thì không cần tìm cầu chân như thắng nghĩa ấy riêng biệt nơi các uẩn khác, nơi mười hai xứ cho đến nơi tám thánh đạo. Và chính cái trí thích ứng với chân như thắng nghĩa bất nhị này làm căn cứ mà thẩm cứu tiến chứng chân như thắng nghĩa phổ biến toàn thể và đồng nhất tính vị (48) . Thế nên, Thiện hiện, do đạo lý này mà trưởng lão hãy nhận thức thắng nghĩa là phổ biến toàn thể và đồng nhất tính vị.

Sau nữa, Thiện hiện, như năm uẩn thì triển chuyển khác nhau, như mười hai xứ cho đến tám thánh đạo thì cũng triển chuyển khác nhau, nếu chân như thắng nghĩa vô ngã của toàn thể các pháp ấy mà cũng khác nhau, thì chân như thắng nghĩa này đáng lẽ cũng có nhân tố, do nhân tố xuất sinh; nếu do nhân tố xuất sinh thì đáng lẽ là hữu vi, nếu là hữu vi thì đáng lẽ không phải thắng nghĩa, nếu không phải thắng nghĩa thì đáng lẽ phải tìm cầu thắng nghĩa nào khác nữa. (Nhưng), Thiện hiện, do chân như thắng nghĩa vô ngã không có nhân tố, không phải nhân tố xuất sinh, cũng không phải hữu vi, mà đích là thắng nghĩa, (nên) chứng ngộ thắng nghĩa ấy rồi thì không còn tìm cầu thắng nghĩa nào khác nữa, mà (thấy) chỉ có thường xuyên, vĩnh viễn, Như lai xuất thế hay không xuất thế, pháp tánh các pháp vẫn an lập, pháp giới các pháp vẫn an trú (49) . Thế nên, Thiện hiện, do đạo lý này mà trưởng lão hãy nhận thức thắng nghĩa là phổ biến toàn thể và đồng nhất tính vị.

Lược Giải.-

Đoạn này có 3 đoạn nhỏ nói thắng nghĩa là phổ biến và nhất vị.

Chính Văn.-

Thiện hiện, tựa như trong toàn thể hình sắc khác nhau, đa dạng và đa số, hư không vẫn không hình sắc, không phân biệt, không biến đổi, mà là phổ biến và nhất vị. Tương tự như vậy, nơi toàn thể các pháp khác đặc tính và khác sắc thái, thắng nghĩa vẫn là phổ biến và nhất vị.

Lược Giải.-

Đoạn này nói thắng nghĩa phổ biến và nhất vị bằng ví dụ hư không.

Chính Văn.-

Vào lúc bấy giờ, đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

Chính cái thắng nghĩa
phổ biến nhất vị
Như lai nói là
không có khác nhau.
Nếu có kẻ nào
phân biệt khác nhau,
kẻ ấy u mê
thượng mạn chi phối.

Lược Giải.-

Đoạn này trùng tuyên C4 trong B1 của A2. Phẩm hai của Giải thâm mật chấm hết ở đây, cho thấy cái Tâm của Phật nói siêu việt như thế nào. Từ sau đây cho đến hết Giải thâm mật, sẽ cho thấy cái Tâm siêu việt ấy là thế nào.

Nói Tâm Ấy Là Cảnh Sở Quán

D1. Nói Tâm Ấy Là Căn Bản Của Các Pháp (Phẩm 3)
D2. Nói Các Pháp Của Tâm Ấy Biểu Hiện
Đ1. Nói Tính Cách Có Của Các Pháp (Phẩm 4)
Đ2. Nói Tính Cách Không Của Các Pháp (Phẩm 5)
E1. Mở Đầu Nói 3 Vô Tánh
E2. Giải Thích 3 Vô Tánh
E3. Tiếp Nhận Lý Giải
E4. Đối Chiếu Đề Cao
E5. Danh Hiệu Và Lợi Ích Của Pháp Thoại

Nói Tâm Ấy Là Căn Bản Của Các Pháp

Chính Văn.-

Phẩm ba: Tâm Thức (50) [^]

Lúc bấy giờ đại bồ tát Quảng tuệ thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, như Ngài nói Bồ tát khéo biết mật nghĩa (51) tâm ý thức, vậy Bồ tát khéo biết mật nghĩa tâm ý thức là ngang đâu mới được gọi là Bồ tát khéo biết mật nghĩa tâm ý thức? và ngang đâu mới được Ngài qui định vị Bồ tát ấy là Bồ tát khéo biết mật nghĩa tâm ý thức (52) ? Đại bồ tát Quảng tuệ bạch hỏi như vậy rồi, đức Thế tôn dạy ngài: Tốt lắm, Quảng tuệ, ông có thể hỏi Như lai cái thâm nghĩa như vậy. Vậy là ông muốn lợi ích yên vui cho vô lượng chúng sinh. Ông thương tưởng cả thế giới loài người, và tám bộ loại khác, muốn làm cho họ được lợi thật, được yên vui, nên phát ra câu hỏi vừa rồi. Ông hãy nghe kyծ Như lai sẽ nói cho ông về mật nghĩa tâm ý thức.

Lược Giải.-

Phẩm này tiêu đề nói về tâm ý thức, nhưng thực ra nói nhiều hơn về bản thức, cho thấy Nó là cái Tâm siêu việt (đã nói và còn nói đến hết kinh), là cái căn bản của các pháp (sẽ nói trong các phẩm 4 và 5).

Chính Văn.-

(Trước hết), Quảng tuệ, ông nên nhận thức rằng sự sinh tử trong sáu đường, chúng sinh chết ở thế giới nào rồi sinh vào thế giới nào (53) , thì thân thể hoặc sinh trong loài sinh bằng trứng, hoặc sinh trong loài sinh bằng thai, hoặc sinh trong loài sinh bằng ẩm thấp, hoặc sinh trong loài sinh bằng biến hóa. Sự sinh ấy đầu tiên do chủng tử thức vốn đã thành thục nay triển chuyển hóa hợp, tuần tự lớn lên (53B) , với hai sự chấp thọ của thức ấy: một là chấp thọ các sắc căn và sở y của các sắc căn, hai là chấp thọ chủng tử của tướng, danh và phân biệt, loại chủng tử do ngôn từ hý luận mà có (54) . Sinh trong thế giới có hình sắc thì có đủ hai sự chấp thọ vừa nói, còn sinh trong thế giới không hình sắc thì không đủ hai sự chấp thọ ấy (55) .

Thứ nữa, Quảng tuệ, thức ấy cũng tên là a đà na, vì nó theo mà nắm giữ thân thể; cũng tên là a lại da, vì nó chấp thọ mà cùng yên cùng nguy với thân thể; cũng tên là tâm, vì nó do sắc thanh hương vị xúc pháp tích tụ tăng trưởng (56) .

Sau nữa, Quảng tuệ, chính a đà na thức làm nền tảng và xây dựng mà phát sinh sáu thức nhãn nhĩ tyՠthiệt thân ý: do nhãn căn và sắc cảnh làm duyên tố mà phát sinh nhãn thức, đồng thời đồng cảnh có ý thức cùng phát sinh với nhãn thức ấy; do các căn nhĩ tyՠthiệt thân và các cảnh thanh hương vị xúc làm duyên tố mà phát sinh các thức nhĩ tyՠthiệt thân, đồng thời đồng cảnh có ý thức cùng phát sinh với các thức nhĩ tyՠthiệt thân ấy. Như vậy nếu một lúc nào đó chỉ có một thức phát sinh thì lúc đó chỉ có một ý thức cùng phát sinh với một thức ấy, nếu một lúc nào đó có hai đến năm thức phát sinh thì lúc đó cũng chỉ có một ý thức cùng phát sinh với hai đến năm thức ấy. Ví như dòng nước chảy vừa mạnh vừa lớn, nếu có duyên tố nổi một cơn sóng thì một cơn sóng nổi lên, nếu có duyên tố nổi hai đến nhiều cơn sóng thì hai đến nhiều cơn sóng nổi lên, nhưng bản thân dòng nước vẫn chảy mãi, không đứt không hết. Lại như mặt gương tốt và sáng, nếu có duyên tố hiện một hình ảnh thì chỉ một hình ảnh hiện ra, nếu có hai đến nhiều duyên tố hiện hai đến nhiều hình ảnh thì hai đến nhiều hình ảnh hiện ra, nhưng không phải mặt gương biến thành hình ảnh, cũng không có sự hết hiện hình ảnh. Tương tự như vậy, do dòng nước a đà na thức làm nền tảng và xây dựng, nên một lúc nào đó có duyên tố phát sinh của một thức thì lúc đó một thức phát sinh, nếu một lúc nào đó có duyên tố phát sinh của hai đến năm thức thì lúc đó có hai đến năm thức phát sinh (57) .

Lược Giải.-

Đoạn này có 3 đoạn nhỏ, nói bản thức là căn bản của thân thể (và thế giới của thân thể) của sự sống (và đời sống) của các thức (và đối tượng của các thức). Một cách nhìn khác, năng tính (chủng tử) và biểu hiện (hiện hành) của các pháp toàn là bản thức. Cái gọi là thế giới chỉ là sự biểu hiện tương tự (cọng biến) của các nghiệp thức tương tự (cọng nghiệp).

Chính Văn.-

Quảng tuệ, như trên là Bồ tát do cái trí pháp trú (58) làm nền tảng và xây dựng mà khéo biết mật nghĩa tâm ý thức. Thế nhưng Như lai không ngang đây qui định vị Bồ tát ấy là Bồ tát khéo biết tất cả mật nghĩa của tâm ý thức. Quảng tuệ nếu Bồ tát từ bên trong và rành rẽ, đúng như sự thật mà không thấy (59) a đà na và a đà na thức, không thấy a lại da và a lại da thức, không thấy tích tập và tích tập tâm, không thấy nhãn căn sắc cảnh và nhãn thức, cho đến không thấy ý căn pháp cảnh và ý thức, như thế mới gọi là vị Bồ tát khéo biết thắng nghĩa, và ngang đây Như lai qui định vị Bồ tát ấy là Bồ tát khéo biết thắng nghĩa; cũng ngang đây gọi là vị Bồ tát khéo biết tất cả mật nghĩa của tâm ý thức, và cũng ngang đây Như lai qui định vị Bồ tát ấy là Bồ tát khéo biết tất cả mật nghĩa của tâm ý thức.

Lược Giải.-

Đoạn này đáp 2 câu hỏi mà, nói chung, biết tâm thức chưa phải khéo biết, biết tâm thức tự siêu việt (biết chân như thắng nghĩa của tâm thức) mới khéo biết. Để dẫn ra cái biết này, mạt na đã được ẩn lược.

Chính Văn.-

Muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên lúc bấy giờ đức Thế tôn nói những lời chỉnh cú sau đây.

Thức a đà na
cùng cực vi tế,
tất cả chủng tử
như dòng nước mạnh (59B) .
Như lai không nói
cho kẻ phàm ngu,
sợ họ phân biệt
chấp làm bản ngã.

Lược Giải.-

Chỉnh cú này cho thấy càng rõ cái lý do ẩn lược mạt na, cái ý thức về ngã. Do vậy, nói a lại da là cốt phủ nhận Phạn thể (bản ngã) và thần ngã (tự ngã), nhưng không biết đúng như sự thật thì có thể a lại da cũng sẽ bị coi như bản ngã và tự ngã.

Nói Tính Cách Có Của Các Pháp

Chính Văn.-

Phẩm bốn: Tự Tánh (60) [^]

Lúc bấy giờ đại bồ tát Đức bản thưa Phật: bạch đức Thế tôn, như Ngài nói Bồ tát khéo biết tánh của các pháp, vậy Bồ tát khéo biết tánh của các pháp là ngang đâu mới được gọi là Bồ tát khéo biết tánh của các pháp? và ngang đâu mới được Ngài qui định vị Bồ tát ấy là Bồ tát khéo biết tánh của các pháp? Đại bồ tát Đức bản bạch hỏi như vậy rồi, đức Thế tôn dạy ngài: Tốt lắm, Đức bản, ông có thể hỏi Như lai cái thâm nghĩa như vậy. Vậy là ông muốn lợi ích yên vui cho vô lượng chúng sinh. Ông thương tưởng cả thế giới loài người, và tám bộ loại khác, muốn làm cho họ được lợi thật, được yên vui, nên phát ra câu hỏi vừa rồi. Ông hãy nghe kyծ Như lai sẽ nói cho ông về tánh của các pháp.

Lược Giải.-

Phẩm này nói về 3 tánh, cho thấy Phật nói có thì cái có ấy là thế nào.

Chính Văn.-

Đức bản, tánh của các pháp đại lược có ba mặt: một là biến kế chấp tánh, hai là y tha khởi tánh, ba là viên thành thật tánh. Biến kế chấp tánh là thế nào, là tự tánh và sai biệt (60B) của các pháp, được giả thiết bởi danh từ, cho đến làm cho theo đó mà phát sinh ngôn ngữ. Y tha khởi tánh là thế nào, là đặc tính duyên sinh của các pháp, cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh, vô minh duyên sinh hành, cho đến tập hợp cả đống đau khổ thuần nhất và lớn lao. Viên thành thật tánh là thế nào, là chân như nhất quán của các pháp, chân như mà Bồ tát phải do các duyên tố tinh tiến dũng mãnh, tác ý đúng lý và tư duy không ngược mới thông đạt, bằng vào sự thông đạt này mà tuần tự tu tập, cho đến vô thượng chánh biến giác mới chứng ngộ viên mãn.

Lược Giải.-

Đoạn này lược giải 3 tự tánh.

Chính Văn.-

Đức bản, như người bị bịnh màng mắt, cái màng mắt ấy biến kế chấp tánh cũng vậy. Như người bị bịnh màng mắt thấy những ảo ảnh tóc lông ong ruồi lá diếp giây sắn hay xanh vàng đỏ trắng, những ảo tượng ấy y tha khởi tánh cũng vậy. Như người mắt đã trong sáng, hết hẳn màng mắt, bản tính con mắt trong sáng nhìn thấy cảnh vật không thác loạn, cảnh vật không thác loạn ấy viên thành thật tánh cũng vậy.

Lại tựa như ngọc bạch châu trong suốt, nếu nhuộm màu xanh (61) thì thấy như ngọc đế thanh, do ngộ nhận là ngọc đế thanh mà làm cho người lầm lẫn thác loạn; nếu nhuộm màu đỏ thì thấy như ngọc hổ phách, do ngộ nhận là ngọc hổ phách mà làm cho người lầm lẫn thác loạn; nếu nhuộm màu lục thì thấy như ngọc sát sắc, do ngộ nhận là ngọc sát sắc mà làm cho người lầm lẫn thác loạn; nếu nhuộm màu vàng thì thấy như hoàng kim, do ngộ nhận là hoàng kim mà làm cho người lầm lẫn thác loạn. Tương tự nơi ngọc bạch châu trong suốt mà có màu sắc, nơi y tha khởi tánh mà có tập khí ngôn từ của biến kế chấp tánh thì cũng như vậy; tương tự nơi ngọc bạch châu trong suốt mà có những ngộ nhận đế thanh hổ phách sát sắc hoàng kim, nơi y tha khởi tánh mà có biến kế chấp tánh thì cũng như vậy; tương tự ngọc bạch châu trong suốt, y tha khởi tánh thì cũng như vậy; tương tự nơi ngọc bạch châu trong suốt, đế thanh hổ phách sát sắc hoàng kim luôn luôn và vĩnh viễn không thật có và không đặc tính, nơi y tha khởi tánh, cái viên thành thật tánh mà biến kế chấp tánh luôn luôn và vĩnh viễn không thật có và không đặc tính thì cũng như vậy (61B) .

Lược Giải.-

Đoạn này nói về 3 tánh bằng 2 ví dụ. Tổng quan nghĩa lý ở kinh này cũng như ở các kinh luận khác, có thể nói 3 tánh như sau. A lại da mặt ẩn là chủng tử của các pháp, mặt hiện là hiện hành của các pháp, các pháp ấy là y tha khởi tánh. Ngộ nhận các pháp như vậy là ngã pháp, ngã pháp ấy là biến kế chấp tánh. Giác ngộ a lại da như vậy vẫn chân như, chân như ấy là viên thành thật tánh. Như ngọc trong hiện ra đủ màu là y tha, lầm màu ấy là thật là biến kế, biết ngọc vẫn trong là viên thành (nói cách khác theo chính văn, biết màu ấy không thật là viên thành).

Chính Văn.-

Đức bản, biết do tướng và danh tương ứng làm duyên tố thì biết được biến kế chấp tánh; nơi y tha khởi tánh, biết cái chấp của biến kế chấp tánh làm duyên tố thì biết y tha khởi tánh; nơi y tha khởi tánh, biết không có cái chấp của biến kế chấp tánh làm duyên tố thì biết viên thành thật tánh.

Lại nữa, nếu Bồ tát có thể nơi y tha khởi tánh của các pháp mà đúng như sự thật biết biến kế chấp tánh, thì thế là đúng như sự thật biết sự vô tướng của các pháp; nếu Bồ tát đúng như sự thật biết y tha khởi tánh, thì thế là đúng như sự thật biết sự tạp nhiễm của các pháp; nếu Bồ tát đúng như sự thật biết viên thành thật tánh, thì thế là đúng như sự thật biết sự thanh tịnh của các pháp. Bồ tát nếu nơi y tha khởi tánh mà đúng như sự thật nhận biết sự vô tướng thì có thể hủy diệt sự tạp nhiễm, nếu có thể hủy diệt sự tạp nhiễm thì có thể chứng đắc sự thanh tịnh.

Lược Giải.-

Đoạn này nói sự tu quán về 3 tự tánh.

Chính Văn.-

Đức bản, Bồ tát do đúng như sự thật mà biết biến kế chấp tánh, y tha khởi tánh và viên thành thật tánh, nên cũng đúng như sự thật mà nhận biết sự vô tướng, sự tạp nhiễm và sự thanh tịnh. Đúng như sự thật mà nhận biết sự vô tướng nên hủy diệt sự tạp nhiễm, hủy diệt sự tạp nhiễm nên chứng đắc sự thanh tịnh: ngang đây gọi là vị Bồ tát khéo biết tánh của các pháp, và cũng ngang đây Như lai qui định vị Bồ tát ấy là Bồ tát khéo biết tánh của các pháp.

Lược Giải.-

Đoạn này kết thúc bằng cách đáp 2 câu hỏi.

Chính Văn.-

Lúc bấy giờ đức Thế tôn muốn nói lại ý nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

Nếu không biết rõ
về sự vô tướng
thì sự tạp nhiễm
không thể hủy diệt,
nếu sự tạp nhiễm
không thể hủy diệt
thì sự thanh tịnh
không thể chứng đắc (62) .
Không hề quán sát
lỗi lầm các hành,
sự phóng dật này
làm hại chúng sinh.
Nên trong hai mặt
trú pháp động pháp (62B)
sự nhác làm cho
đã không lại có (63) :
mất hỏng đến thế
thật đáng xót thương.

Lược Giải.-

Kết thúc Đ1 nói tính cách có của các pháp.

Mở Đầu Nói 3 Vô Tánh

Chính Văn.-

Phẩm năm: Vô tánh (64) [^]

Lúc ấy đại bồ tát Thắng nghĩa sinh thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, con từng một mình ở chỗ thanh vắng, tâm trí tầm tư như vầy, bằng nhiều mặt, đức Thế tôn đã nói đặc tính, phát sinh, tận diệt, vĩnh đoạn và biến tri của năm uẩn; như Ngài đã nói năm uẩn, thì Ngài đã nói mười hai xứ, mười hai duyên khởi và bốn thực cũng như vậy; bằng nhiều mặt, Ngài đã nói đặc tính, biến tri, vĩnh đoạn, tác chứng và tu tập của bốn đế; bằng nhiều mặt, Ngài đã nói đặc tính, chủng loại, đa dạng, vĩnh đoạn và biến tri của mười tám giới; bằng nhiều mặt, Ngài đã nói đặc tính, năng trị, sở trị, tu tập chưa sinh thì phát sinh, đã sinh thì kiên cố, bội phần tu tập cao lên và rộng ra của bốn niệm trú; như Ngài đã nói bốn niệm trú, thì Ngài đã nói bốn chính đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi và tám thánh đạo cũng như vậy. Nhưng đức Thế tôn lại nói các pháp toàn không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn. Bạch đức Thế tôn, con chưa hiểu rõ do mật ý nào mà Ngài nói như vậy? Con xin thỉnh vấn Ngài về nghĩa ấy; xin Ngài thương mà giải thích cho chúng con về mật ý mà Ngài nói các pháp toàn không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn. Bấy giờ đức Thế tôn bảo đại bồ tát Thắng nghĩa sinh: Tốt lắm, Thắng nghĩa sinh, sự tầm tư của ông rất là đúng lý. Tốt lắm, Thắng nghĩa sinh, ông có thể hỏi Như lai cái thâm nghĩa như vậy. Vậy là ông muốn lợi ích yên vui cho vô lượng chúng sinh. Ông thương tưởng cả thế giới loài người, và tám bộ loại khác, muốn làm cho họ được lợi thật, được yên vui, nên phát ra câu hỏi vừa rồi. Ông hãy nghe kyծ Như lai sẽ giải thích cho ông về mật ý mà Như lai đã nói rằng các pháp toàn không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn.

Lược Giải.-

Đổi từ ngữ mà nói thì chính 3 tự tánh được nói là 3 vô tánh, cho thấy Phật nói không thì cái không ấy là thế nào.

 

Giải Thích 3 Vô Tánh

Chính Văn.-

Thắng nghĩa sinh, hãy nhận thức rằng Như lai căn cứ ba vô tánh sau đây mà mật ý nói các pháp toàn không, ấy là tướng vô tánh, sinh vô tánh, thắng nghĩa vô tánh. Tướng vô tánh là thế nào, là chính biến kế chấp tánh của các pháp, tại sao, vì tánh ấy do giả danh thiết lập chứ không phải do tự tướng thiết lập, nên gọi là tướng vô tánh. Sinh vô tánh là thế nào, là chính y tha khởi tánh của các pháp, tại sao, vì do cái khác là duyên tố mà có chứ không phải tự nhiên mà có, nên gọi là sinh vô tánh. Thắng nghĩa vô tánh là thế nào, là (một mặt), các pháp do sinh vô tánh mà nói là vô tánh, có nghĩa chính các pháp duyên sinh cũng gọi là thắng nghĩa vô tánh, tại sao, vì nơi các pháp, nếu là thanh tịnh sở duyên thì Như lai nói là thắng nghĩa vô tánh, mà y tha khởi tánh không phải thanh tịnh sở duyên nên cũng gọi là thắng nghĩa vô tánh. Thêm nữa, (mặt khác), viên thành thật tánh của các pháp cũng gọi là thắng nghĩa vô tánh, tại sao, tại pháp vô ngã của tất cả các pháp thì gọi là thắng nghĩa, thắng nghĩa này cũng gọi là vô tánh, vì nó mới là thắng nghĩa của các pháp và do vô tánh hiển lộ, nên (viên thành thật tánh) gọi là thắng nghĩa vô tánh (65) . Tương tự không hoa, tướng vô tánh cũng vậy. Tương tự ảo tượng (của ảo thuật), sinh vô tánh cũng vậy, thắng nghĩa vô tánh mặt thứ nhất cũng vậy. Tương tự hư không do sắc tướng vô tánh hiển lộ và phổ biến tất cả (66) , thắng nghĩa vô tánh mặt thứ hai cũng vậy, vì do pháp vô ngã hiển lộ và phổ biến tất cả. Như lai căn cứ ba vô tánh như vậy mà mật ý nói rằng các pháp toàn không.

Lược Giải.-

Trọn đoạn E2 giải thích 3 vô tánh có đến 7 đoạn nhỏ. Trên đây là đoạn nhỏ thứ nhất, giải thích 3 vô tánh.

Chính Văn.-

Thắng nghĩa sinh, ông nên biết Như lai căn cứ tướng vô tánh mà mật ý nói các pháp không sinh không diệt, bản lai vắng bặc, tự tánh niết bàn, vì sao, vì nếu tự tướng các pháp toàn không thì không sinh, không sinh thì không diệt, không sinh diệt thì bản lai vắng bặt, bản lai vắng bặt thì tự tánh niết bàn, trong đó không có chút gì gọi là có để còn phải làm cho nhập vào niết bàn, nên Như lai căn cứ tướng vô tánh mà mật ý nói các pháp không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn. Thế nhưng Như lai cũng căn cứ thắng nghĩa vô tánh được hiển lộ bởi pháp vô ngã mà mật ý nói các pháp không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn, vì sao, vì thắng nghĩa vô tánh do pháp vô ngã hiển lộ thì, luôn luôn và vĩnh viễn, pháp tánh các pháp là an trú, vô vi, không thích ứng với tất cả tạp nhiễm: luôn luôn và vĩnh viễn, pháp tánh các pháp là an trú nên vô vi, là vô vi nên không sinh diệt, là không thích ứng với tất cả tạp nhiễm nên bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn, thế nên Như lai căn cứ thắng nghĩa vô tánh do pháp vô ngã hiển lộ mà mật ý nói các pháp không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn.

Lược Giải.-

Đây là đoạn nhỏ thứ hai, căn cứ 3 vô tánh mà giải thích câu nói các pháp toàn không, không sinh diệt, bản lai niết bàn.

Chính Văn.-

Thắng nghĩa sinh, nhưng không phải vì trong chúng sinh giới có những kẻ nhìn riêng biến kế chấp cho là tự tánh, cũng không phải vì những kẻ ấy nhìn riêng y tha khởi hay viên thành thật cho là tự tánh cả, mà Như lai thiết lập ba vô tánh. Như lai thiết lập ba vô tánh là vì những kẻ nơi y tha khởi tánh và viên thành thật tánh mà tăng thêm biến kế chấp tánh. Những kẻ ấy, do biến kế chấp tánh (quá khứ) nên (hiện tại) nơi y tha khởi tánh và viên thành thật tánh mà nổi lên ngôn ngữ; như ngôn ngữ nổi lên thế nào thì cũng như thế ấy (67) mà ngôn ngữ huân tập vào tâm, ngôn ngữ phát sinh ra biết, ngôn ngữ liên tục trong tâm (67B) , nên nơi y tha khởi tánh và viên thành thật tánh mà tăng thêm biến kế chấp tánh (68) . Vì, như biến kế chấp tánh thế nào thì cũng như thế ấy (68B) , nơi y tha khởi tánh và viên thành thật tánh mà tăng thêm biến kế chấp tánh, nên phát sinh y tha khởi tánh trong tương lai, nghĩa là bị hoặc tạp nhiễm, bị nghiệp tạp nhiễm, bị sinh tạp nhiễm, nên trong phạm vi sinh tử, (những kẻ ấy) mãi hoài dong ruổi, trôi lăn, không hề ngừng nghỉ, chịu mọi khổ não trong nại lạc ca (69) , trong bàng sinh, trong ngạ quỉ, trong chư thiên, trong tu la, trong nhân loại.

Lược Giải.-

Đây là đoạn nhỏ thứ ba, nói tại sao lập ra 3 vô tánh (hay nói vì người nào mà lập ra 3 vô tánh).

Chính Văn.-

Thắng nghĩa sinh, với những người từ hồi nào đến giờ chưa gieo trồng thiện căn, chưa làm sạch chướng ngại (70) , chưa thành thục liên tục (71) , chưa tu nhiều thắng giải, chưa thể dồn chứa hai thứ tư lương phước đức trí tuệ, thì Như lai vì họ, căn cứ sinh vô tánh mà tuyên thuyết pháp yếu; nghe pháp yếu này rồi, họ có thể tùy sức mà lý giải các hành duyên sinh là không thường hằng, không yên ổn, biến động, hư rã; lý giải như vậy rồi, đối với các hành, họ e sợ, chán ghét sâu xa; e sợ chán ghét như vậy nên họ kềm chế điều ác, với điều ác thì có khả năng đình chỉ, với điều thiện thì có khả năng tu tập; tu tập điều thiện nên chưa gieo trồng thiện căn thì có thể gieo trồng, chưa làm sạch chướng ngại thì có thể làm sạch, chưa thành thục liên tục thì có thể thành thục, và do vậy mà tu nhiều thắng giải, dồn nhiều hai thứ tư lương phước đức trí tuệ. Tuy gieo trồng thiện căn cho đến dồn nhiều hai thứ tư lương phước đức trí tuệ, nhưng đối với sinh vô tánh, họ vẫn chưa như thật thấu triệt tướng vô tánh và hai thắng nghĩa vô tánh, nghĩa là đối với các hành, họ vẫn chưa chán ghét chính xác, chưa ly dục chính xác, chưa giải thoát chính xác, chưa giải thoát toàn thể hoặc tạp nhiễm, chưa giải thoát toàn thể nghiệp tạp nhiễm, chưa giải thoát toàn thể sinh tạp nhiễm, nên Như lai nói thêm pháp yếu cho họ về tướng vô tánh và thắng nghĩa vô tánh, vì muốn làm cho họ đối với các hành có thể chán ghét chính xác, ly dục chính xác, giải thoát chính xác, vượt qua toàn thể hoặc tạp nhiễm, vượt qua toàn thể nghiệp tạp nhiễm, vượt qua toàn thể sinh tạp nhiễm; được nghe pháp yếu Như lai nói thêm cho như vậy, nên, đối với sinh vô tánh, họ có thể tin hiểu chính xác về tướng vô tánh và thắng nghĩa vô tánh, lựa lọc suy xét, thấu suốt chính xác, nghĩa là nơi y tha khởi tánh họ không còn chấp biến kế chấp tánh, cái trí không còn huân tập theo ngôn ngữ, không còn nhận thức theo ngôn ngữ, không còn liên tục theo ngôn ngữ, nên họ có thể hủy diệt y tha khởi tánh, ngay trong hiện tại họ được nắm giữ bởi sức mạnh của cái trí như trên nên vĩnh viễn diệt được cái nhân đời sau, tức là đối với các hành họ chán ghét chính xác, ly dục chính xác, giải thoát chính xác, giải thoát toàn thể hoặc, nghiệp, sinh, ba loại tạp nhiễm.

Lược Giải.-

Đây là đoạn nhỏ thứ tư, nói về tu chứng 3 vô tánh. Tựu trung có 2 giai đoạn tu chứng được nói đến là Tư lương vị và Da hành vị.

Chính Văn.-

Thắng nghĩa sinh, những người có chủng tánh đi theo Thanh văn thừa cũng do con đường và dấu đi này mà được niết bàn yên ổn tối thượng, những người có chủng tánh đi theo Độc giác thừa, những người có chủng tánh đi theo Như lai thừa, cũng do con đường và dấu đi này mà được niết bàn yên ổn tối thượng; tất cả các vị Thanh văn Độc giác Bồ tát cùng đi con đường sạch sẽ tinh tế và duy nhất này, cùng được sự thanh tịnh toàn hảo và duy nhất này, chứ không có con đường và sự thanh tịnh thứ hai, nên Như lai căn cứ sự thể ấy mà mật ý nói chỉ có Nhất thừa. Chứ không phải trong chúng sinh giới không có những chủng tánh khác nhau, hoặc độn căn, hoặc trung căn, hoặc lợi căn. Do vậy, nếu người có chủng tánh Thanh văn một chiều đi đến niết bàn, thì dầu được ơn Phật thiết lập đủ cách cải hoán hướng dẫn cho họ tu hành dũng mãnh đi nữa, cũng không bao giờ có thể làm cho họ sẽ ngồi nơi bồ đề tràng mà được vô thượng giác, tại sao, vì họ vốn chỉ có chủng tánh thấp kém, một chiều từ bi bạc nhược, một chiều khiếp sợ khổ sở; vì một chiều từ bi bạc nhược nên họ một chiều trái bỏ những công hạnh ích lợi chúng sinh, vì một chiều khiếp sợ khổ sở nên họ một chiều trái bỏ những thệ nguyện phát khởi công hạnh, và Như lai không bao giờ nói những người một chiều trái bỏ công hạnh ích lợi chúng sinh và một chiều trái bỏ thệ nguyện phát khởi công hạnh sẽ được ngồi nơi bồ đề tràng và thành tựu vô thượng giác, nên Như lai gọi những người này là Thanh văn một chiều đi đến niết bàn. Nếu người có chủng tánh Thanh văn xoay lại hướng về bồ đề, thì Như lai cũng dùng cách nói khác mà nói họ là Bồ tát, tại sao, vì họ giải thoát phiền não chướng rồi, khi được ơn Phật thức tỉnh cho, thì đối với sở tri chướng họ cũng sẽ được giải thoát; chỉ bởi nguyên thỉ họ vì tự lợi mà tu hành những cách giải thoát phiền não chướng, nên Như lai nói họ là chủng tánh Thanh văn.

Lược Giải.-

Đây là đoạn nhỏ thứ năm, nói khuynh hướng khác nhau của những người tu chứng 3 vô tánh. Chính khuynh hướng này hình thành Thanh văn Bồ tát, tiểu thừa đại thừa, La hán Phật đà, dầu 3 vô tánh chính là nhất thừa.

Chính Văn.-

Thắng nghĩa sinh, như thế đó, trong chánh pháp mà Như lai khéo tuyên thuyết, khéo qui định, và được nói ra bởi ý muốn cực kỳ trong sạch, vẫn có những nhận thức khác nhau của nhiều hạng người. Như lai vốn căn cứ ba vô tánh như trên, nhưng do mật ý sâu xa, nên trong những kinh nghĩa lý chưa hoàn hảo mà Như lai đã nói, Như lai nói pháp yếu theo cách nói kín đáo, rằng các pháp toàn không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn. (Một), đối với kinh pháp như vậy (72) , người đã gieo trồng thiện căn thượng phẩm, đã làm sạch chướng ngại, đã thành thục liên tục, đã tu nhiều thắng giải, đã dồn chứa được hai thứ tư lương phước đức trí tuệ thượng phẩm, thì nghe kinh pháp như vậy rồi, người ấy thấu hiểu đúng như sự thật lời nói mật ý sâu xa của Như lai: người ấy tin hiểu sâu xa kinh pháp như vậy, đối với nghĩa lý của kinh pháp như vậy người ấy dùng cái trí tuệ không đảo ngược mà thông suốt đúng như sự thật, rồi dựa vào sự thông suốt này mà khéo léo tu tập, nên mau chóng đạt đến sự cứu cánh cùng cực ; và đối với Như lai, người ấy phát sinh một cách sâu xa đức tin trong sáng, nhận thức Như lai là bậc ứng cúng, chánh biến giác, đã chánh biến giác tất cả các pháp. (Hai), người đã gieo trồng thiện căn thượng phẩm, đã làm sạch chướng ngại, đã thành thục liên tục, đã tu nhiều thắng giải, nhưng chưa dồn chứa được hai thứ tư lương phước đức trí tuệ thượng phẩm, mà tính họ chất trực, họ thuộc loại chất trực, dầu bất lực trong việc suy nghĩ chọn lựa những sự phế bỏ và thiết lập, họ vẫn không đứng yên trong sự cố thủ ý kiến của mình; do đó, họ nghe kinh pháp như vậy rồi, dầu bất lực trong sự thấu hiểu đúng như sự thật lời nói mật ý sâu xa của Như lai, nhưng đối với kinh pháp như vậy họ vẫn có thắng giải, vẫn sinh đức tin trong sáng: tin rằng kinh pháp như vậy là do Như lai nói, là rất sâu xa, biểu lộ sự sâu xa, thích hợp đạo lý Không, khó thấy khó hiểu, không thể tầm tư, không phải lĩnh vực tầm tư biết thấu, mà là nhỏ nhiệm, xác thực, những người tuệ giác sáng suốt biết thấu; đối với nghĩa lý được nói trong kinh pháp như vậy thì họ khiêm tốn mà tự nói rằng tuệ giác đức Thế tôn cực kỳ sâu xa, pháp tánh các pháp cũng cực kỳ sâu xa, chỉ đức Thế tôn mới thấu triệt một cách khéo léo chứ không phải là cái mình hiểu nổi; đức Thế tôn thuyết pháp cho những người thắng giải khác nhau, thấy và biết của đức Thế tôn không có giới hạn, thấy và biết của mình chỉ bằng lỗ chân trâu bò; đối với kinh pháp như vậy họ tôn kính như thế, và đem nói cho người, sao chép, bảo tồn, mở đọc, truyền bá, thiết tha, hiến cúng, học hỏi, tụng thuộc, ôn tập, nhưng chưa thể đem cái tu của mình mà làm theo; do vậy, họ chưa thể thông suốt lời chữ của Như lai mật ý sâu xa nói ra, nhưng cũng do vậy mà họ vẫn tăng trưởng được hai thứ tư lương phước đức trí tuệ, và đời sau thì thành thục được cái chưa thành thục. (Ba), người chưa gieo trồng thiện căn thượng phẩm, cho đến chưa dồn chứa được hai thứ tư lương phước đức trí tuệ thượng phẩm, tính không chất trực, không thuộc loại chất trực, dầu có sức lực trong việc suy nghĩ chọn lựa những sự phế bỏ và thiết lập, nhưng vẫn đứng yên trong sự cố thủ ý kiến của mình, thì họ nghe kinh pháp như vậy không thể thấu hiểu đúng như sự thật lời nói mật ý sâu xa của Như lai, dầu tin hiểu kinh pháp như vậy nhưng đối với nghĩa lý kinh pháp như vậy thì chấp trước theo ngôn ngữ, cho các pháp quyết định toàn không, quyết định không sinh không diệt, quyết định bản lai vắng bặt, quyết định tự tánh niết bàn; do vậy, đối với các pháp, họ thấy không, thấy không tánh (72B) , vì thấy không và thấy không tánh nên phủ nhận rằng các tánh đều không tánh, nghĩa là họ bài bác tất cả biến kế chấp tánh, y tha khởi tánh và viên thành thật tánh của các pháp -- tại sao biết họ bài bác tất cả, vì có y tha khởi tánh và viên thành thật tánh mới thiết lập biến kế chấp tánh, nếu y tha khởi tánh và viên thành thật tánh mà thấy là không tánh cả thì thế là bài bác cả biến kế chấp tánh, thế nên Như lai nói họ bài bác tất cả ba tánh -- và như thế thì dẫu đối với kinh pháp của Như lai họ thấy là kinh pháp, nhưng đối với phi nghĩa lý họ thấy là nghĩa lý, vì kinh pháp thấy là kinh pháp nhưng phi nghĩa lý thấy là nghĩa lý, nên họ nắm lấy kinh pháp làm kinh pháp và nắm lấy phi nghĩa lý làm nghĩa lý: họ tin hiểu kinh pháp nên phước đức tăng trưởng, nhưng chấp trước phi nghĩa lý nên trí tuệ lui mất, trí tuệ lui mất nên lui mất vô số thiện pháp quảng đại. Người nào nghe họ nói một cách cho kinh pháp là kinh pháp nhưng cho phi nghĩa lý là nghĩa lý, rồi chấp thuận kiến thức của họ thì cũng cho kinh pháp là kinh pháp nhưng cho phi nghĩa lý là nghĩa lý, vì cho kinh pháp là kinh pháp nhưng cho phi nghĩa lý là nghĩa lý nên, cũng như họ, người này lui mất thiện pháp. Còn người nào không chấp thuận kiến thức của họ, nhưng đột nhiên nghe họ nói các pháp toàn không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn, thì sinh ra sợ hãi, sợ hãi như thế nên nói kinh pháp như vậy không phải Phật nói mà là ma nói; do nhận định này mà phỉ báng thóa mạ kinh pháp như vậy, do phỉ báng thóa mạ kinh pháp như vậy mà bị đại suy tổn, chạm đại nghiệp chướng, vì thế, Như lai nói ai cho các tánh toàn là không tánh, nghĩa là lấy phi nghĩa lý làm nghĩa lý, thì đó là phương cách tiện lợi nổi đại nghiệp chướng, vì họ làm cho vô số chúng sinh phải bị sa đọa mà tạo đại nghiệp chướng. (Bốn), người chưa gieo trồng thiện căn, chưa làm sạch nghiệp chướng, chưa thành thục liên tục, không tu nhiều thắng giải, chưa dồn chứa hai thứ tư lương phước đức trí tuệ, tính không chất trực, không phải loại chất trực, dẫu có sức lực trong việc suy nghĩ chọn lựa những sự phế bỏ và thiết lập, nhưng thường đứng yên trong sự cố thủ kiến thức của mình, thì nghe kinh pháp như vậy họ không thể thấu hiểu đúng như sự thật về lời nói mật ý sâu xa của Như lai, cũng không tin hiểu kinh pháp như vậy, nên kinh pháp cho là phi kinh pháp, nghĩa lý cho là phi nghĩa lý; kinh pháp cho là phi kinh pháp và nghĩa lý cho là phi nghĩa lý, nên nói rằng kinh pháp như vậy không phải Phật nói mà là ma nói, và nhận định này làm cho họ phỉ báng thóa mạ kinh pháp như vậy là hư ngụy, bằng lắm cách, họ hủy diệt xô đổ kinh pháp như vậy, những ai tin hiểu kinh pháp như vậy thì bị họ coi là kẻ thù; họ, trước kia bị nghiệp chướng làm cho chướng ngại, nay do lý do trên mà bị nghiệp chướng tiếp tục chướng ngại, và nghiệp chướng này mở đầu (có vẻ) giản dị, nhưng rồi (chịu khổ) trong thời kỳ bằng trăm ngàn câu chi na dữu đa (72C) , khó có lúc thoát khỏi. Thắng nghĩa sinh, như thế đó, trong chánh pháp mà Như lai khéo tuyên thuyết, khéo qui định, và được nói ra bởi ý muốn cực kỳ trong sạch, vẫn có những nhận thức khác nhau của nhiều hạng người như vậy.

Lược Giải.-

Đây là đoạn nhỏ thứ sáu, nói những sự nhận thức đúng và sai về 3 vô tánh.

Chính Văn.-

Bấy giờ đức Thế tôn muốn nói lại ý nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

"Tất cả các pháp
toàn là không cả,
không sinh không diệt,
bản lai vắng bặt,
tự tánh các pháp
vốn thường niết bàn",
lời có trí này
sao không mật ý (73) ?
Tướng vô tự tánh,
sinh vô tự tánh,
nghĩa vô tự tánh,
ba thứ như vậy
Như lai căn cứ
mà nói lời trên (73B) ;
nếu không biết được
mật ý Như lai,
thì mất đường chính,
không đi đến đâu.
Các vị trong sạch
toàn do đường ấy;
đường ấy duy nhất,
không đường thứ hai,
do sự thể này
lập ra nhất thừa,
không phải chúng sinh
chủng tánh đồng nhất.
Nên trong chúng sinh
có vô số người
chỉ đưa bản thân
đi đến niết bàn,
và thật hiếm có
những ai đại bi
tinh tiến dũng mãnh
chứng đại niết bàn
không hề bỏ rơi
hết thảy chúng sinh.
Trong vô lậu giới
nhiệm mầu nan tư,
thì sự giải thoát
thật là đồng đẳng,
hoàn thành chân thật,
thoát ly khổ não,
nên còn được gọi
hai cách gọi khác,
hoặc gọi là thường,
hoặc gọi là lạc.

Lược Giải.-

Đây là đoạn nhỏ thứ bảy, kết thúc sự giải thích về 3 vô tánh.

Tiếp Nhận Lý Giải

Chính Văn.-

Lúc ấy đại bồ tát Thắng nghĩa sinh thưa Phật: bạch đức Thế tôn, ngôn ngữ mật ý của đức Thế tôn thật rất kỳ lạ, rất hiếm có, cho đến tinh tế và rất tinh tế, sâu xa và rất sâu xa, khó thấu triệt và rất khó thấu triệt. Nay, theo ý nghĩa của đức Thế tôn nói mà con tiếp nhận lý giải, thì nơi các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào (74) mà giả danh thiết lập làm tự tánh và sai biệt của sắc uẩn, giả danh thiết lập làm tự tánh và sai biệt của sắc uẩn phát sinh, của sắc uẩn diệt tận, của vĩnh đoạn sắc uẩn, của biến tri sắc uẩn, (sự giả danh thiết lập ấy) gọi là biến kế chấp tánh, và đức Thế tôn căn cứ biến kế chấp tánh như vậy mà thiết lập tướng vô tánh; còn chính các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào thì gọi là y tha khởi tánh, và đức Thế tôn căn cứ y tha khởi tánh như vậy mà thiết lập sinh vô tánh và một phần của thắng nghĩa vô tánh; và cứ như thế, theo ý nghĩa của đức Thế tôn nói mà con tiếp nhận lý giải, thì chính nơi các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào mà (thấy) biến kế chấp tánh không thật có: cái tánh không thật có biến kế chấp tánh này, tức chân như do pháp vô ngã hiển lộ và là thanh tịnh sở duyên này, gọi là viên thành thật tánh, và đức Thế tôn căn cứ viên thành thật tánh như vậy mà thiết lập một phần nữa của thắng nghĩa vô tánh. Như đối với sắc uẩn (được nói như vậy) thì đối với các uẩn khác cũng nên nói rõ như vậy; như đối với năm uẩn (được nói như vậy) thì đối với mười hai xứ mỗi xứ cũng nên nói rõ như vậy, đối với mười hai hữu chi mỗi hữu chi cũng nên nói rõ như vậy, đối với bốn thực mỗi thực cũng nên nói rõ như vậy, đối với (ba lần) sáu giới tức mười tám giới mỗi giới cũng nên nói rõ như vậy.

Nay, theo ý nghĩa của đức Thế tôn nói mà con tiếp nhận lý giải, thì nơi các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào mà giả danh thiết lập làm tự tánh và sai biệt của khổ đế và của biến tri khổ đế, (sự giả danh thiết lập ấy) gọi là biến kế chấp tánh, và đức Thế tôn căn cứ biến kế chấp tánh như vậy mà thiết lập tướng vô tánh; còn chính các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào thì gọi là y tha khởi tánh, và đức Thế tôn căn cứ y tha khởi tánh như vậy mà thiết lập sinh vô tánh và một phần của thắng nghĩa vô tánh; và cứ như thế, theo ý nghĩa của đức Thế tôn nói mà con tiếp nhận lý giải, thì chính nơi các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào mà (thấy) biến kế chấp tánh không thật có: cái tánh không thật có biến kế chấp tánh này, tức chân như do pháp vô ngã hiển lộ và là thanh tịnh sở duyên này, gọi là viên thành thật tánh, và đức Thế tôn căn cứ viên thành thật tánh như vậy mà thiết lập một phần nữa của thắng nghĩa vô tánh. Như đối với khổ đế (được nói như vậy) thì đối với các đế khác cũng nên nói rõ như vậy; như đối với bốn đế (được nói như vậy) thì đối với bốn niệm trú, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi và tám đạo chi, mỗi thứ cũng nên nói rõ như vậy.

Nay, theo ý nghĩa của đức Thế tôn nói mà con tiếp nhận lý giải, thì nơi các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào mà giả danh thiết lập làm tự tánh và sai biệt của chánh định, của các sự của chánh định là năng trị, sở trị, chính tu chưa sinh thì phát sinh, đã sinh thì kiên cố, bội tu thì cao lên và rộng ra, (sự giả danh thiết lập ấy) gọi là biến kế chấp tánh, và đức Thế tôn căn cứ biến kế chấp tánh như vậy mà thiết lập tướng vô tánh; còn chính các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào thì gọi là y tha khởi tánh, và đức Thế tôn căn cứ y tha khởi tánh như vậy mà thiết lập sinh vô tánh và một phần của thắng nghĩa vô tánh; và cứ như thế, theo ý nghĩa của đức Thế tôn nói mà con tiếp nhận lý giải, thì chính nơi các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào mà (thấy) biến kế chấp tánh không thật có: cái tánh không thật có biến kế chấp tánh này, tức chân như do pháp vô ngã hiển lộ và là thanh tịnh sở duyên này, gọi là viên thành thật tánh, và đức Thế tôn căn cứ viên thành thật tánh như vậy mà thiết lập một phần nữa của thắng nghĩa vô tánh.

Lược Giải.-

Sự tiếp nhận lý giải của đại bồ tát Thắng nghĩa sinh có 3 đoạn nhỏ. Trên đây là đoạn nhỏ thứ nhất, nói sự tiếp nhận lý giải về 3 tự tánh và 3 vô tánh.

Chính Văn.-

Bạch đức Thế tôn, như thuốc tỳ thấp phược (75) thì nên để khắp trong các phương thuốc tán và thuốc tiên; tương tự như vậy, "do ba vô tánh nên các pháp toàn không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn", pháp thoại mà nghĩa lý đã hoàn hảo này nên để vào khắp trong các kinh nghĩa lý chưa hoàn hảo. Như bột vẽ màu (76) thì có khắp trong tất cả nét vẽ, làm cho những nét vẽ ấy đều cùng một màu hoặc xanh hoặc vàng hoặc đỏ hoặc trắng, lại làm cho rõ ra những nét vẽ ấy ; tương tự như vậy, "do ba vô tánh nên các pháp toàn không cho đến tự tánh niết bànở, pháp thoại mà nghĩa lý đã hoàn hảo này có khắp trong tất cả các kinh nghĩa lý chưa hoàn hảo, làm cho các kinh ấy cùng một ý vị, lại làm cho rõ ra nghĩa lý chưa hoàn hảo trong các kinh ấy (77) . Như những thực phẩm bánh trái đã chín và quí mà bỏ sữa chín vào thì càng thêm mùi vị đặc biệt; tương tự như vậy, "do ba vô tánh nên các pháp toàn không cho đến tự tánh niết bàn", pháp thoại mà nghĩa lý đã hoàn hảo này đặt vào các kinh nghĩa lý chưa hoàn hảo thì càng làm sinh ra nỗi thích thú siêu việt. Như hư không thì khắp nơi đều cùng mọẤt đặc tính, ấy là không trở ngại mọi sự việc; tương tự như vậy, "do ba tự tánh nên các pháp toàn không cho đến tự tánh niết bàn", pháp thoại mà nghĩa lý đã hoàn hảo này thì khắp trong các kinh nghĩa lý chưa hoàn hảo đều cùng một đặc tính, ấy là không trở ngại việc tu của Thanh văn Độc giác và Đại thừa.

Lược Giải.-

Đây là đoạn nhỏ thứ hai, nói tiếp nhận và lý giải về giá trị của 3 vô tánh.

 

Chính Văn.-

Đại bồ tát Thắng nghĩa sinh thưa như vậy rồi, đức Thế tôn bảo ngài: Tốt lắm, Thắng nghĩa sinh, ông khéo lý giải về ý nghĩa của lời nói mật ý rất sâu xa mà Như lai đã nói. Ông lại khéo ví dụ về ý nghĩa ấy, ví như thuốc tỳ thấp phược, như bột vẽ màu, như sữa chín, như hư không. Thắng nghĩa sinh, đúng như vậy, đúng như ông nói chứ không có gì khác hơn nữa. Ông hãy tiếp nhận và lý giải đúng như vậy.

Lược Giải.-

Đây là đoạn nhỏ thứ ba, đức Thế tôn chuẩn nhận.

 

Đối Chiếu Đề Cao

Chính Văn.-

Bấy giờ đại bồ tát Thắng nghĩa sinh lại thưa Phật: bạch đức Thế tôn, xưa kia, trong thời kỳ đầu tiên, khi ở trong rừng Ban cho loài nai, chỗ tiên nhân Ba la niệt tư sa xuống (78) , đức Thế tôn chỉ vì những vị xu hướng Thanh văn thừa, căn cứ đạo lý tứ đế mà chuyển pháp luân, tuy rất lạ, rất hiếm, bao nhiêu người trời trong thế giới không ai chuyển được đúng cách, nhưng pháp luân được chuyển trong thời kỳ này vẫn có cái trên nữa, vẫn chịu đựng đả phá, là nghĩa lý chưa hoàn hảo, là nơi đặt chân của sự tranh luận. Kế đó, trong thời kỳ thứ hai, đức Thế tôn chỉ vì những vị xu hướng Đại thừa, căn cứ đạo lý "các pháp toàn không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn", dùng sự ẩn mật mà chuyển pháp luân, tuy càng rất lạ, càng rất hiếm, nhưng pháp luân được chuyển trong thời kỳ này vẫn còn có cái trên nữa, vẫn còn chịu đựng đả phá, vẫn là nghĩa lý chưa hoàn hảo, vẫn là nơi đặt chân của sự tranh luận. Còn nay, trong thời kỳ thứ ba, đức Thế tôn khắp vì các vị xu hướng Nhất thế thừa (79) , căn cứ đạo lý "do ba vô tánh nên các pháp toàn không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn", dùng sự minh bạch mà chuyển pháp luân, càng rất lạ nhất, càng rất hiếm nhất, và pháp luân được chuyển hiện nay không còn có cái gì trên nữa, không còn chịu đựng sự đả phá nào nữa, nghĩa lý đích thực hoàn hảo, không còn là nơi đặt chân của sự tranh luận.

Bạch đức Thế tôn, đối với pháp thoại rất sâu xa và rất hoàn hảo của đức Thế tôn căn cứ đạo lý "do ba vô tánh nên các pháp toàn không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn" mà nói ra đây, nếu thiện nam hay thiện nữ nào nghe rồi tin hiểu, sao chép, bảo tồn, hiến cúng, truyền bá, học hỏi, tụng thuộc, tu tập, tư duy đúng lý, và đem sự tu của mình mà nỗ lực tu tập, thì phát sinh được bao nhiêu phước đức?

Lược Giải.-

Sự đối chiếu đề cao có 2 đoạn nhỏ. Trên đây là đoạn nhỏ thứ nhất, đại bồ tát Thắng nghĩa sinh đề cao 3 vô tánh bằng cách hệ thống hóa toàn bộ Phật pháp thành 3 thời kỳ (mà thường gọi là hữu, không và trung), lại hỏi cái phước tín giải và tu học 3 vô tánh.

Chính Văn.-

Đại bồ tát Thắng nghĩa sinh thưa như vậy rồi, đức Thế tôn dạy ngài: Thắng nghĩa sinh, thiện nam hay thiện nữ như vậy được phước vô số vô lượng, khó thể đối chiếu và nhận thức. Như lai nay chỉ nói cho ông một phần nhỏ. Đất nơi móng tay mà so sánh với đất cả đại địa thì không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, không bằng một phần trăm ngàn, không bằng một phần sổ, toán, kế, dụ, ô ba ni sát đàm (80) . Nước trong lỗ chân trâu bò mà so sánh với nước cả bốn đại dương thì không bằng một phần trăm, cho đến không bằng một phần ô ba ni sát đàm. Tương tự như vậy, đối với các kinh nghĩa lý chưa hoàn hảo mà nghe rồi tin hiểu, cho đến đem sự tu của mình mà nỗ lực tu tập, cái phước như vậy đem so sánh với cái phước nghe rồi tin hiểu, cho đến đem cái tu của mình mà nỗ lực tu tập đối với pháp thoại nghĩa lý đã hoàn hảo này, thì không bằng một phần trăm, cho đến không bằng một phần ô ba ni sát đàm.

Lược Giải.-

Đây là đoạn nhỏ thứ hai, đức Thế tôn đề cao cái phước tín ngưỡng và tu học 3 vô tánh.

Danh Hiệu Và Lợi Ích Của Pháp Thoại

Chính Văn.-

Khi đức Thế tôn dạy như vậy rồi, đại bồ tát Thắng nghĩa sinh lại thưa Ngài: bạch đức Thế tôn, trong toàn bộ pháp thoại Giải thâm mật, pháp thoại này nên mệnh danh là gì? chúng con phải kính cẩn ghi nhớ như thế nào? Đức Thế tôn dạy: Thắng nghĩa sinh, pháp thoại này tên là Nghĩa lý hoàn hảo về thắng nghĩa. Ông hãy kính cẩn ghi nhớ theo cái tên như vậy.

Khi đức Thế tôn nói pháp thoại Nghĩa lý hoàn hảo về thắng nghĩa này thì trong đại hội có sáu trăm ngàn chúng sinh phát tâm vô thượng bồ đề; ba trăm ngàn Thanh văn lánh xa bụi bặm, tách rời dơ bẩn, đối với các pháp thì được mắt pháp trong sáng; một trăm năm mươi ngàn Thanh văn hết hẳn mọi sự sơ hở (81) , tâm được giải thoát; bảy mươi lăm ngàn Bồ tát được vô sinh pháp nhẫn.

Nói Tâm Ấy Là Hạnh Năng Quán

D1. Nói Chỉ Quán (Phẩm 6)
Đ1. Nói Y Trú Của Chỉ Quán
Đ2. Nói Sở Duyên Của Chỉ Quán
Đ3. Nói Sự Cầu Và Sự Khéo Về Chỉ Quán
Đ4. Nói Tác Ý Tùy Thuận Của Chỉ Quán
Đ5. Nói Đồng Dị Của Chỉ Quán
Đ6. Nói Duy Thức Của Chỉ Quán
Đ7. Nói Đơn Tu Và Song Tu Của Chỉ Quán
Đ8. Nói Chủng Số Của Chỉ Quán
Đ9. Nói Y Và Bất Y Pháp Của Chỉ Quán
Đ10. Nói Có Và Không Tầm Tư Của Chỉ Quán
Đ11. Nói Chỉ, Cử Và Xả Của Chỉ Quán
Đ12. Nói Sự Biết Pháp Và Biết Nghĩa Của Chỉ Quán
Đ13. Nói Sự Bao Quát Các Định Của Chỉ Quán
Đ14. Nói Nhân Quả Tác Dụng Của Chỉ Quán
Đ15. Nói Chướng Ngại của Chỉ Quán
Đ16. Nói Sự Chứng Đắc Bồ Đề Của Chỉ Quán
Đ17. Nói Sự Dẫn Ra Uy Đức Quảng Đại Của Chỉ Quán
Đ18. Nói Sự Nhập Vô Dư Y Diệt Các Thọ Của Chỉ Quán
Đ19. Kết Thúc Pháp Thoại Chỉ Quán
D2. Nói Địa Độ (Phẩm 7)
Đ1. Nói Về Các Địa
Đ2. Nói Về Các Độ
Đ3. Nói Về Chướng Ngại
Đ4. Nói Về Nhất Thừa
Đ5. Kết Thúc Pháp Thoại

 

Nói Y Trú Của Chỉ Quán

Chính Văn.-

Phẩm sáu: Du Dà (82)  [^]

Vào lúc bấy giờ đại bồ tát Từ thị thưa Phật: bạch đức Thế tôn, trong Đại thừa, các vị Bồ tát y cứ vào chỗ nào và trú ở vào chỗ nào mà tu tập chỉ quán? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, hãy nhận thức rằng, trong Đại thừa, các vị Bồ tát tu tập chỉ quán thì lấy giáo pháp của Như lai thiết lập mà làm chỗ y cứ, lấy sự không bỏ mất tâm nguyện vô thượng bồ đề mà làm chỗ trú ở.

Nói Sở Duyên Của Chỉ Quán

Chính Văn.-

Đại bồ tát Từ thị thưa Phật: bạch đức Thế tôn, như đức Thế tôn nói có bốn đối cảnh sở duyên, một là có phân biệt, hai là không phân biệt, ba là biên tế các pháp, bốn là sở tác thành tựu (83) ; bốn đối cảnh này mấy là sở duyên của chỉ, mấy là sở duyên của quán, mấy là sở duyên của cả chỉ quán? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, một là sở duyên của chỉ, đó là đối cảnh không phân biệt; một là sở duyên của quán, đó là đối cảnh có phân biệt; hai là sở duyên của cả chỉ quán, đó là đối cảnh biên tế các pháp và đối cảnh sở tác thành tựu.

Nói Sự Cầu Và Sự Khéo Về Chỉ Quán

Chính Văn.-

Đại bồ tát Từ thị thưa Phật: bạch đức Thế tôn, Bồ tát do bốn đối cảnh sở duyên như trên mà cầu về chỉ và khéo về quán là như thế nào? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, giáo pháp của Như lai thiết lập cho Bồ tát là khế kinh, ứng tụng, ký biệt, phúng tụng, tự thuyết, nhân duyên, thí dụ, bản sự, bản sinh, phương quảng, hy pháp, luận nghị; đối với giáo pháp ấy (84) , Bồ tát khéo lắng nghe, khéo tiếp nhận, văn khéo rành rẻ, ý khéo tìm tòi, thấy khéo thông suốt; rồi chính nơi giáo pháp phải khéo tư duy (85) như vậy, Bồ tát một mình ở chỗ không phiền không ồn mà tác ý tư duy; sự tư duy này phải được nội tâm liên tục tác ý tư duy: hễ đứng vững rất nhiều trong cái chánh hạnh ấy, sinh ra sự khinh an (86) nơi thân và sự khinh an nơi tâm, thì đó là chỉ, và Bồ tát như vậy là cầu về chỉ. Bồ tát này do cái thân tâm khinh an trên đây làm nền tảng, đối với ấn tượng chánh định theo giáo pháp phải khéo tư duy (87) nói trên, hãy quan sát, thắng giải (88) , bỏ cái tâm tướng về chỉ: hễ đối với ấn tượng chánh định cần phải chứng biết ấy mà chính xác quyết trạch, cùng cực quyết trạch, tầm tư toàn bộ, tứ sát toàn bộ, rồi xác nhận, ưa thích, hiểu biết, nhìn thấy, xét thấy, thì đó là quán, và Bồ tát như vậy là khéo về quán.

Nói Tác Ý Tùy Thuận Của Chỉ Quán

Chính Văn.-

Đại bồ tát Từ thị thưa Phật: bạch đức Thế tôn, Bồ tát từ khi lấy (ấn tượng của) tâm mà làm đối tượng, nội tâm tư duy tâm, cho đến lúc chưa được thân tâm khinh an, thì sự tác ý trong thì gian đó nên gọi là gì? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, đó chưa phải là tác ý về chỉ, mà là tác ý thích ứng sự thắng giải tùy thuận với chỉ. Bạch đức Thế tôn, cho đến lúc chưa được thân tâm khinh an, Bồ tát có sự tác ý tư duy đối với ấn tượng chánh định theo giáo pháp phải tư duy, sự tác ý đó nên gọi là gì? Thiện nam tử, đó chưa phải là tác ý về quán, mà là tác ý thích ứng sự thắng giải tùy thuận với quán.

Nói Đồng Dị Của Chỉ Quán

Chính Văn.-

Đại bồ tát Từ thị thưa Phật: bạch đức Thế tôn, chỉ với quán nên nói có khác nhau hay nên nói không khác nhau? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, nên nói không phải có khác nhau, cũng không phải không khác nhau. Tại sao không phải có khác nhau, vì (chỉ) lấy cái tâm đối tượng của quán mà làm đối tượng của nó; tại sao không phải không khác nhau, vì ấn tượng có phân biệt (của quán) không phải là ấn tượng của nó.

Nói Duy Thức Của Chỉ Quán

Chính Văn.-

Đại bồ tát Từ thị thưa Phật: bạch đức Thế tôn, ấn tượng chánh định của quán cùng với tâm thức chánh định ấy nên nói có khác hay nên nói không khác? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, nên nói không khác. Bạch đức Thế tôn, vì sao không khác? Thiện nam tử, vì ấn tượng ấy chỉ là tâm thức. Thiện nam tử, Như lai nói cái gì thức biết thì cái ấy chỉ do thức hiện. Bạch đức Thế tôn, nếu ấn tượng tâm thức không khác tâm thức thì làm sao tâm thức trở lại nhận thấy tâm thức? Thiện nam tử, ở đây không có chút pháp nào nhận thấy chút pháp nào, nhưng chính tâm thức khi sinh ra thế nào thì hình thành đối tượng thế ấy. Như có kẻ nhờ mặt gương trong sáng rồi chính thân mình làm duyên tố mà thấy thân mình, nhưng bảo mình thấy hình ảnh, lại bảo hình ảnh đó biệt lập với thân mình; tương tự như vậy, khi tâm thức sinh ra thì thấy như có ấn tượng chánh định biệt lập hình thành. Bạch đức Thế tôn, như vậy thì chúng sinh ở trong đặc chất của mình (chứ không phải ở trong chánh định) mà nhận thức sắc thanh hương vị xúc pháp, ấn tượng ấy với nhận thức ấy cũng không khác nhau chăng? Thiện nam tử, cũng không khác nhau; nhưng kẻ ngu ngơ thì vì ảo giác thác loạn, không nhận thức ấn tượng một cách đúng như sự thật của chúng chỉ là tâm thức, nên sinh ra ngộ nhận.

Nói Đơn Song Của Chỉ Quán

Chính Văn.-

Đại bồ tát Từ thị thưa Phật: bạch đức Thế tôn, ngang đâu thì nên nói là Bồ tát một chiều tu quán? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, ngang nơi sự liên tục tác ý chỉ tư duy ấn tượng của tâm. Bạch đức Thế tôn, ngang đâu thì nên nói là Bồ tát một chiều tu chỉ? Thiện nam tử, ngang nơi sự liên tục tác ý chỉ tư duy tâm ấy liên tục. Bạch đức Thế tôn, ngang đâu thì nên nói là Bồ tát chỉ quán hóa hợp cùng có? Thiện nam tử, ngang nơi sự chính xác tư duy về tâm đồng nhất cảnh. Bạch đức Thế tôn, ấn tượng của tâm là gì? Thiện nam tử, là ấn tượng có phân biệt của chánh định mà quán chuyên chú vào. Bạch đức Thế tôn, tâm ấy liên tục là gì? Thiện nam tử, là cái tâm chuyên chú ấn tượng nói trên mà chỉ chuyên chú vào. Bạch đức Thế tôn, tâm đồng nhất cảnh là gì? Thiện nam tử, là thấu triệt rằng ấn tượng chánh định là duy thức, hoặc thấu triệt như vậy rồi lại tư duy về chân như.

Nói Chủng Số Của Chỉ Quán

Chính Văn.-

Đại bồ tát Từ thị thưa Phật: bạch đức Thế tôn, quán có mấy thứ? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, đại khái quán có ba thứ, một là có tướng, hai là tầm cầu, ba là tứ sát. Quán có tướng là gì, là sự quán thuần tư duy ấn tượng có phân biệt của chánh định; quán tầm cầu là gì, là sự quán nhờ tuệ nên tác ý tư duy để khéo thấu hiểu đối với toàn bộ các pháp chưa khéo thấu hiểu; quán tứ sát là gì, là sự quán nhờ tuệ nên tác ý tư duy để khéo chứng ngộ và cực giải thoát đối với các pháp đã khéo thấu hiểu. Bạch đức Thế tôn, chỉ có mấy thứ? Thiện nam tử, do chính cái tâm liên tục theo quán nên chỉ cũng có ba thứ; lại có tám thứ, đó là bốn tịnh lự và bốn không định, mỗi thứ là một chỉ; lại có bốn thứ, đó là bốn vô lượng từ bi hỷ xả, mỗi thứ là một chỉ.

Nói Y Và Bất Y Pháp Của Chỉ Quán

Chính Văn.-

Đại bồ tát Từ thị thưa Phật: bạch đức Thế tôn, như đức Thế tôn nói chỉ quán dựa vào pháp, lại nói chỉ quán không dựa vào pháp, vậy thế nào là chỉ quán dựa vào pháp, thế nào là chỉ quán không dựa vào pháp? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, nếu Bồ tát tùy thuận cái pháp đã tiếp nhận và tư duy, và chỉ quán đạt được bởi nghĩa lý của pháp ấy thì gọi là chỉ quán dựa vào pháp; nếu Bồ tát chưa có cái pháp đã tiếp nhận và tư duy, chỉ dựa vào sự chỉ dạy của người khác, và chỉ quán đạt được bởi nghĩa lý của sự chỉ dạy ấy, như quán thân thể bất tịnh, các hành vô thường, các hành khổ não, các pháp vô ngã, niết bàn vắng lặng, những loại chỉ quán như vậy gọi là chỉ quán không dựa vào pháp. Dựa vào pháp mà được chỉ quán thì Như lai qui định đó là Bồ tát tùy pháp hành, là Bồ tát lợi căn; không dựa vào pháp mà được chỉ quán thì Như lai qui định đó là Bồ tát tùy tín hành, là Bồ tát độn căn.

Đại bồ tát Từ thị lại thưa Phật: bạch đức Thế tôn, như đức Thế tôn nói chỉ quán vin vào pháp riêng biệt, lại nói chỉ quán vin vào pháp tổng quát, vậy chỉ quán vin pháp riêng biệt là thế nào, chỉ quán vin pháp tổng quát là thế nào? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, nếu Bồ tát vin vào mỗi pháp khế kinh cho đến luận nghị, đúng như pháp đã tiếp nhận và tư duy mà tu chỉ quán, thì gọi là chỉ quán vin pháp riêng biệt; nếu Bồ tát vin vào các pháp khế kinh cho đến luận nghị, tập hợp lại làm một viên một cục một phần một khối, tác ý tư duy các pháp ấy (bằng cách) tùy thuận chân như, xu hướng chân như, đi vào chân như, tùy thuận bồ đề, tùy thuận niết bàn, tùy thuận chuyển y, xu hướng các pháp này, đi vào các pháp này, từ các pháp này thuyết ra vô lượng vô số thiện pháp, tư duy như vậy mà tu chỉ quán thì gọi là chỉ quán vin pháp tổng quát.

Đại bồ tát Từ thị lại thưa Phật: bạch đức Thế tôn, như đức Thế tôn nói chỉ quán vin pháp tổng quát nhỏ, chỉ quán vin pháp tổng quát lớn, chỉ quán vin pháp tổng quát vô lượng, vậy thế nào là chỉ quán vin pháp tổng quát nhỏ, thế nào là chỉ quán vin pháp tổng quát lớn, thế nào là chỉ quán vin pháp tổng quát vô lượng? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, nếu vin vào mỗi khế kinh riêng biệt cho đến mỗi luận nghị riêng biệt mà làm một viên một khối để tác ý tư duy, thì nên biết như thế đó gọi là chỉ quán vin pháp tổng quát nhỏ; nếu vin vào các khế kinh cho đến các luận nghị đã tiếp nhận và tư duy mà làm một viên một khối để tác ý tư duy, chứ không phải chỉ vin vào mỗi giáo pháp riêng biệt, thì nên biết như thế đó gọi là chỉ quán vin pháp tổng quát lớn; nếu vin vào vô lượng giáo pháp của Như lai, (bằng cách) vin vào vô lượng văn từ pháp nghĩa của giáo pháp ấy, vào vô lượng pháp được soi tỏ bởi vô lượng tuệ của các giai đoạn liên tiếp sau đó, mà làm một viên một khối để tác ý tư duy, chứ không phải chỉ vin vào các pháp đã tiếp nhận và tư duy, thì nên biết như thế đó gọi là chỉ quán vin pháp tổng quát vô lượng.

Đại bồ tát Từ thị lại thưa Phật: bạch đức Thế tôn, Bồ tát ngang đâu thì gọi là đạt được chỉ quán vin pháp tổng quát? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, ngang lúc có năm hiệu quả sau đây thì gọi là đạt được: một là khi tư duy thì trong từng sát na đã tiêu dung chỗ dựa của mọi thứ thô trọng, hai là bỏ phân biệt mà được pháp lạc, ba là mở tỏ vô số ánh sáng của cái pháp không phân biệt khắp trong mười phương quốc độ, bốn là đã thường xuyên hiện ra cái trí không phân biệt do việc làm đã thành mãn và đã thích ứng với phần thanh tịnh, năm là những giai đoạn sau đó vẫn thể hiện những nhân tố tinh tế hơn lên để làm cho pháp thân thành mãn.

Đại bồ tát Từ thị lại thưa Phật: bạch đức Thế tôn, chỉ quán vin pháp tổng quát như trên thì từ đâu gọi là thông đạt và từ đâu gọi là chứng đắc? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, từ địa thứ nhất là Cực hỷ thì gọi là thông đạt, từ địa thứ ba là Phát quang mới gọi là chứng đắc. Thiện nam tử, các vị Bồ tát mới tu học cũng tác ý học theo chỉ quán này, tuy chưa đáng tán dương nhưng đừng nên nhác bỏ.

Lược Giải.-

Đoạn này, ngoài 1 đoạn nhỏ chính yếu, còn có 4 đoạn nhỏ tiếp phụ nói thêm về chỉ quán dựa vào pháp: dựa vào pháp mà có pháp riêng biệt có pháp tổng quát, pháp tổng quát mà có nhỏ có lớn và có vô lượng, 5 hiệu quả của pháp tổng quát, 2 địa vị của pháp tổng quát.

Nói Có Và Không Tầm Tứ Của Chỉ Quán

Chính Văn.-

Đại bồ tát Từ thị thưa Phật: bạch đức Thế tôn, chỉ quán như vậy tại sao gọi là chánh định có tầm có tứ, chánh định không tầm chỉ tứ, chánh định không tầm không tứ? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, đối với ấn tượng đã thủ đắc từ giáo pháp đã tầm tứ, những chỉ quán có sự tiếp nhận quán sát rất thô thì gọi là chánh định có tầm có tứ; đối với ấn tượng ấy, những chỉ quán tuy không có sự tiếp nhận quán sát rất thô nhưng có sự tiếp nhận quán sát của ký ức sáng tỏ rất nhỏ, thì gọi là chánh định không tầm chỉ tứ; đối với ấn tượng của tất cả giáo pháp, những chỉ quán mà sự tiếp nhận quán sát không có mọi sự tác ý (89) , thì gọi là chánh định không tầm không tứ. Lại nữa, Thiện nam tử, chỉ quán có tầm cầu thì gọi là chánh định có tầm có tứ, chỉ quán có tứ sát thì gọi là chánh định không tầm chỉ tứ, chỉ quán chỉ vin pháp tổng quát thì gọi là chánh định không tầm không tứ.

Nói Chỉ, Cử Và Xả Của Chỉ Quán

Chính Văn.-

Đại bồ tát Từ thị thưa Phật: bạch đức Thế tôn, đình chỉ là thế nào? phấn chấn là thế nào? xả bỏ là thế nào? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, khi tâm quấy động, hay khi phòng tâm quấy động, thì sự tác ý về cái đáng chán, và sự tác ý về cái tâm ấy liên tục, gọi là đình chỉ; khi tâm chìm đắm, hay khi phòng tâm chìm đắm, thì sự tác ý về cái đáng vui, và sự tác ý về cái tâm ấy, gọi là phấn chấn; hoặc chỉ có chỉ, hoặc chỉ có quán, hoặc cả chỉ quán song hành, mà khi bị nhuốm bẩn vì hai thứ tùy phiền não (là quấy động và chìm đắm như trên) thì sự tác ý trong vô công dụng mà nhiệm vận chuyển, gọi là xả bỏ.

Nói Sự Biết Pháp Và Biết Nghĩa Của Chỉ Quán

Chính Văn.-

Đại bồ tát Từ thị thưa Phật: bạch đức Thế tôn, các vị Bồ tát tu tập chỉ quán thì phải biết pháp và biết nghĩa, vậy biết pháp là thế nào? biết nghĩa là thế nào?

Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, các vị Bồ tát ấy do năm sự sau đây mà biết về pháp: một là biết tên, hai là biết câu, ba là biết văn (90) , bốn là biết riêng, năm là biết chung. Tên là thế nào, là sự giả thiết về tự tánh của tất cả các pháp nhiễm tịnh. Câu là thế nào, là sự qui tụ của tên, thành cấu trúc diễn tả về nghĩa nhiễm hay tịnh của các pháp. Văn là thế nào, là chữ mà tên và câu dựa vào. Biết riêng những thứ trên là thế nào, là tác ý nhận thức mỗi thứ riêng ra. Biết chung những thứ trên là thế nào, là tác ý nhận thức các thứ trên chung lại. Tất cả những sự trên đây tổng lược nhất trí thì gọi là biết về pháp, và biết về pháp như vậy thì gọi là Bồ tát biết pháp.

Lược Giải.-

Đ12 này có 4 đoạn nhỏ: nói về sự biết pháp, nói về sự biết nghĩa, nói về cái trí biết pháp biết nghĩa, nói về sự trừ khử của cái trí ấy. Trên đây là đoạn nhỏ thứ nhất, nói về sự biết pháp.

Chính Văn.-

Thiện nam tử, các vị Bồ tát ấy do mười sự sau đây mà biết về nghĩa: một là biết tánh tận hữu, hai là biết tánh như hữu (91) , ba là biết nghĩa năng thủ, bốn là biết nghĩa sở thủ, năm là biết nghĩa dựng nên, sáu là biết nghĩa hưởng dụng, bảy là biết nghĩa đảo ngược, tám là biết nghĩa không ngược, chín là biết nghĩa tạp nhiễm, mười là biết nghĩa thanh tịnh. (Một), tánh tận hữu là biên cương tất cả chủng loại của các pháp nhiễm tịnh, biên cương ấy gọi là tánh tận hữu, tức năm số về uẩn, sáu số về nội xứ, sáu số về ngoại xứ, những pháp số đại loại như vậy. (Hai), tánh như hữu là chân như nơi các pháp nhiễm tịnh, chân như ấy gọi là tánh như hữu. Chân như ấy có bảy: một là chân như nơi sự lưu chuyển, tức cái tánh không mở đầu không chấm hết của các hành; hai là chân như nơi các tướng, tức cái tánh nhân vô ngã và pháp vô ngã của các pháp; ba là chân như nơi sự liễu biệt, tức cái tánh duy thức của các hành; bốn là chân như nơi sự an lập, tức thánh đế về khổ mà Như lai nói; năm là chân như nơi sự tà hành, tức thánh đế về tập mà Như lai nói; sáu là chân như nơi sự thanh tịnh, tức thánh đế về diệt mà Như lai nói; bảy là chân như nơi sự chánh hành, tức thánh đế về đạo mà Như lai nói. Nên biết trong đây do chân như nơi sự lưu chuyển, nơi sự an lập và nơi sự tà hành nên tất cả chúng sinh rất là bình đẳng; do chân như nơi các tướng và nơi sự liễu biệt nên tất cả các pháp rất là bình đẳng; do chân như nơi sự thanh tịnh nên Thanh văn bồ đề, Độc giác bồ đề và Vô thượng bồ đề rất là bình đẳng; do chân như nơi sự chánh hành nên cái tuệ của chỉ quán siêu việt vin vào pháp tổng quát, sau khi nghe giáo pháp, rất là bình đẳng. (Ba), nghĩa năng thủ là năm sắc xứ ở trong (92) , là tâm ý thức và các tâm sở. (Bốn), nghĩa sở thủ là sáu xứ ở ngoài, và những nghĩa năng thủ cũng là nghĩa sở thủ. (Năm), nghĩa dựng nên là giới thế giới (93) , trong giới thế giới này có thể dựng nên giới chúng sinh, tức ruộng đất một thôn, trăm, ngàn hay trăm ngàn ruộng đất thôn ấy; hoặc một lục địa giới hạn bởi đại dương, trăm, ngàn hay trăm ngàn lục địa ấy; hoặc một đại lục Thiệm bộ, trăm, ngàn hay trăm ngàn đại lục ấy; hoặc một bốn đại lục, trăm, ngàn hay trăm ngàn bốn đại lục ấy; hoặc một thế giới ngàn nhỏ, trăm, ngàn hay trăm ngàn thế giới ngàn nhỏ ấy; hoặc một thế giới ngàn vừa, trăm, ngàn hay trăm ngàn thế giới ngàn vừa ấy; hoặc một thế giới ngàn lớn (94) , trăm, ngàn hay trăm ngàn thế giới ngàn lớn ấy; hoặc một ức, trăm, ngàn hay trăm ngàn ức thế giới ngàn lớn ấy; hoặc một vô số, trăm, ngàn hay trăm ngàn vô số thế giới ngàn lớn ấy; hoặc (tại một phương hướng), thế giới ngàn lớn ấy nhiều đến vô số mà có cả trăm ngàn lần, hay nhiều như số lượng vi trần; và ở khắp mười phương hướng có vô lượng vô số những giới thế giới như vậy. (Sáu), nghĩa hưởng dụng là đồ dùng của chúng sinh thu thập (95) mà Như lai đã nói. (Bảy), nghĩa đảo ngược là đối với những sự từ nghĩa năng thủ sắp đi trên đây mà tưởng thác loạn tâm thác loạn và thấy thác loạn cho vô thường là thường, tưởng thác loạn tâm thác loạn và thấy thác loạn cho khổ là vui, cho bất tịnh là tịnh, cho vô ngã là ngã. (Tám), nghĩa không ngược thì nên biết là mâu thuẫn với những sự đảo ngược ở trên, có sức đối trị những sự đảo ngược ấy. (Chín), nghĩa tạp nhiễm là ba sự tạp nhiễm khắp cả ba cõi: một là hoặc tạp nhiễm, hai là nghiệp tạp nhiễm, ba là sinh tạp nhiễm. (Mười) nghĩa thanh tịnh là những pháp bồ đề phần có sức cởi mở sự thắt buộc của ba sự tạp nhiễm nói trên. Mười sự như trên đây, nên biết đã bao quát tất cả các nghĩa.

Thiện nam tử, các vị Bồ tát ấy lại còn do biết năm sự sau đây nên gọi là biết về nghĩa. Năm sự ấy là những gì, một là sự biến tri, hai là nghĩa biến tri, ba là nhân biến tri, bốn là quả biến tri, năm là biết sự ấy. (Một), sự biến tri thì nên hiểu là tất cả pháp sở tri, tức các uẩn, các nội xứ, các ngoại xứ, những sự như vậy. (Hai), nghĩa biến tri là bao nhiêu phẩm loại khác nhau mà cần biết về sự ở trên, tức hoặc thế tục đế với thắng nghĩa đế; hoặc công đức với lầm lỗi; hoặc duyên tố với thì gian (96) ; hoặc sinh, trú và diệt; hoặc như bịnh tật, (như ung thối, như trúng tên, như đau đớn); hoặc khổ, tập, diệt, đạo; hoặc chân như, thật tế, pháp giới, và những danh hiệu cùng loại (97) ; hoặc phong phú với khái quát (98) ; hoặc bốn cách phán quyết là quyết định, phân tách, hỏi lại và lặng bỏ (99) ; hoặc ẩn mật với minh bạch; những pháp như vậy nên biết là nghĩa biến tri. (Ba), nhân biến tri là những pháp bồ đề phần có sức thủ đắc hai loại biến tri ở trên, tức bốn niệm trú, bốn chánh đoạn, và những pháp số cùng loại. (Bốn), quả biến tri là các sa môn quả đã tạm diệt tham sân si (99B) và vĩnh diệt tham sân si, cùng với những công đức chứng sa môn quả mà Như lai đã nói, tức những công đức cọng hữu hay đặc hữu mà bao gồm cả thế gian và xuất thế của Thanh văn và của Như lai. (Năm), biết sự ấy là chính những công đức chứng sa môn quả nói trên, các trí giải thoát khai thị và tuyên dương phong phú cho người. Năm sự như trên nên biết cũng bao quát tất cả các nghĩa.

Thiện nam tử, các vị Bồ tát ấy lại do biết bốn sự sau đây nên gọi là biết về nghĩa. Bốn sự ấy là những gì, một là chấp thọ, hai là lãnh nạp, ba là liễu biệt, bốn là nhiễm tịnh (100) . Bốn sự như trên nên biết cũng bao quát tất cả các nghĩa.

Thiện nam tử, các vị Bồ tát ấy lại còn do biết ba sự sau đây nên gọi là biết về nghĩa. Ba sự ấy là những gì, một là văn, hai là nghĩa, ba là giới. Văn là danh thân cú thân và văn thân. Nghĩa thì có mười: một là sự chân thật (101) , hai là sự biến tri, ba là sự vĩnh đoạn, bốn là sự tác chứng, năm là sự tu tập (102) , sáu là sự chi tiết của các sự nói trên, bảy là sự tương thuộc của sở y và năng y, tám là sự chướng ngại của sự biến tri cho đến sự tu tập, chín là sự tùy thuận của sự biến tri cho đến sự tu tập, mười là nhược điểm với ưu điểm của sự bất tri với sự biến tri, cho đến sự bất tu với sự tu tập (103) . Giới là năm giới: một là giới thế giới (104) , hai là giới chúng sinh, ba là giới các pháp, bốn là giới người được thuần hóa, năm là giới phương pháp thuần hóa. Năm sự như trên nên biết cũng bao quát tất cả các nghĩa.

Lược Giải.-

Đây là đoạn nhỏ thứ hai, nói về sự biết nghĩa.

Chính Văn.-

Đại bồ tát Từ thị lại thưa Phật: bạch đức Thế tôn, cái tuệ do nghe mà có và biết nghĩa của cái nó nghe, cái tuệ do nghĩ mà có và biết nghĩa của cái nó nghĩ, cái tuệ do tu chỉ quán mà có và biết nghĩa của cái nó tu, ba cái tuệ như vậy khác nhau thế nào? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, cái tuệ do nghe mà có thì dựa vào văn từ, chỉ như lời nói, chưa khéo biết ý nghĩa, (đồng loại với cái nghĩa đã biết là ấn tượng chánh định) chưa hiện trước mắt, tùy thuận với giải thoát, nhưng chưa lãnh nhận được sự giải thoát thành đạt. Cái tuệ do nghĩ mà có thì cũng dựa vào văn từ, nhưng không phải chỉ như lời nói, lại khéo biết ý nghĩa, (đồng loại với cái nghĩa đã biết là ấn tượng chánh định) chưa hiện trước mắt, nhưng càng thuận với giải thoát, dầu cũng chưa lãnh nhận được sự giải thoát thành đạt. Còn cái tuệ do tu mà có của Bồ tát thì cũng dựa vào văn từ mà cũng không dựa vào văn từ, cũng như lời nói mà cũng không như lời nói, khéo biết ý nghĩa, đồng loại với cái nghĩa đã biết là ấn tướng chánh định đã hiện trước mắt, cực thuận với giải thoát, đã lãnh nhận được sự giải thoát thành đạt. Đó là sự biết nghĩa mà khác nhau của ba tuệ.

Đại bồ tát Từ thị lại thưa Phật: bạch đức Thế tôn, các vị Bồ tát tu chỉ quán thì phải biết pháp biết nghĩa, vậy biết là thế nào? thấy là thế nào? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, bằng nhiều mặt, Như lai đã nói sự khác biệt của biết và thấy. Như lai nay nói khái lược cho ông về sự ấy: cái tuệ tinh tế vin vào pháp tổng quát mà tu chỉ quán thì gọi là biết, cái tuệ tinh tế vin vào pháp riêng biệt mà tu chỉ quán thì gọi là thấy.

Lược Giải.-

Đây là đoạn nhỏ thứ ba, nói về cái trí biết pháp biết nghĩa.

Chính Văn.-

Đại bồ tát Từ thị lại thưa Phật: bạch đức Thế tôn, các vị Bồ tát tu chỉ quán là do tác ý nào? trừ khử tướng gì? và làm sao trừ khử? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tự, do tác ý chân như, và trừ khử pháp tướng nghĩa tướng. ẫ Đối với cái danh của pháp nghĩa, và tự tánh của cái danh ấy, khi vô đắc (105) thì cũng không thấy cái tướng của cái danh ấy dựa vào: trừ khử như vậy đó; như đối với danh thì đối với câu, đối với văn và đối với nghĩa nên biết cũng cũng vậy; sau hết đối với cái giới của pháp nghĩa, và tự tánh của cái giới ấy, khi vô đắc thì cũng không thấy cái tướng của cái giới ấy dựa vào: trừ khử như vậy đó. Bạch đức Thế tôn, thấu triệt chân như thì tướng chân như ấy cũng bị trừ khử chăng? Thiện nam tử, thấu triệt chân như hoàn toàn vô tướng và vô đắc, vậy trừ khử cái gì. Như lai nói rằng khi thấu triệt chân như thì trừ khử được pháp tướng và nghĩa tướng, chứ không phải chân như được thấu triệt đó cái khác có thể trừ khử. Bạch đức Thế tôn, như đức Thế tôn nói đồ chứa nước dơ bẩn, bức gương không sáng sạch, suối hồ nước xao động, thì không thể nhìn thấy hình ảnh mặt mình, nhìn thấy thì không phải những thứ trên đây; tương tự như vậy, cái tâm mà không tu thì không thể chính xác nhìn thấy chân như, khéo tu cái tâm thì có thể nhìn thấy. Lời này nói về quán trí nào và nói về chân như nào? Thiện nam tử, lời này nói về ba quán trí là quán trí do nghe mà có, quán trí do nghĩ mà có và quán trí do tu mà có, và căn cứ chân như nơi sự liễu biệt (106) mà nói.

Bạch đức Thế tôn, để trừ khử các tướng nên các vị Bồ tát biết pháp tướng nghĩa tướng phải nỗ lực tu tập phương cách trừ khử, vậy có bao nhiêu cái tướng khó trừ khử? và cái gì trừ khử được? Thiện nam tử, cái tướng có mười thứ, và cái Không có thể trừ khử. Mười thứ ấy là những gì ? Một là biết pháp biết nghĩa thì có cái tướng văn từ, cái tướng ấy được chính yếu trừ khử bởi các pháp không. Hai là biết chân như nơi sự an lập thì có cái tướng sinh trụ diệt và cái tướng liên tục chuyển biến, hai cái tướng ấy được chính yếu trừ khử bởi tướng không (107) và vô tiền hậu không (108) . Ba là biết nghĩa năng thủ thì có cái tướng luyến tiếc thân thể và cái tướng ngã mạn, hai cái tướng ấy được chính yếu trừ khử bởi nội không và vô sở đắc không. Bốn là biết nghĩa sở thủ thì có cái tướng luyến tiếc tài sản, cái tướng ấy được chính yếu trừ khử bởi ngoại không. Năm là biết nghĩa hưởng dụng, trong đó có trai gái phục dịch và đồ dùng thích hợp, thì có cái tướng trong thấy thích thú và cái tướng ngoài thấy tốt đẹp, hai cái tướng ấy được chính yếu trừ khử bởi nội ngoại không và bản tánh không. Sáu là biết nghĩa dựng nên thì có cái tướng thế giới bao la, cái tướng ấy được chính yếu trừ khử bởi đại không. Bảy là biết không hình sắc thì có cái tướng bên trong vắng lặng giải thoát, cái tướng ấy được chính yếu trừ khử bởi hữu vi không. Tám là biết chân như nơi các tướng thì có các tướng nhân vô ngã, tướng pháp vô ngã, tướng duy thức và tướng thắng nghĩa, bốn cái tướng ấy được chính yếu trừ khử bởi cứu cánh không, vô tánh không, vô tánh tánh không và thắng nghĩa không. Chín là biết chân như nơi sự thanh tịnh thì có cái tướng vô vi và cái tướng không biến dịch, hai cái tướng ấy được chính yếu trừ khử bởi vô vi không và vô biến dị không. Mười là chính sự tác ý tư duy về cái không để đối trị các cái tướng nói trên thì có cái tướng không, cái tướng ấy được chính yếu trừ khử bởi không không. Bạch đức Thế tôn, như vậy khi trừ khử mười cái tướng là trừ khử cái gì? và giải thoát cái gì? Thiện nam tử, trừ khử cái tướng của ấn tượng chánh định, và giải thoát sự tạp nhiễm thắt buộc (109) , rồi sự trừ khử ấy cũng không còn. Nhưng ông nên biết Như lai căn cứ phần đặc thù mà nói cái không này trừ khử cái tướng kia, chứ không phải mỗi cái không không trừ khử được mọi cái tướng. Thí dụ vô minh không phải không sinh ra mọi thứ tạp nhiễm từ hành cho đến lão tử, nhưng căn cứ phần đặc thù nên nói vô minh sinh ra hành, vì nó là duyên tố gần nhất của hành. Đạo lý ở đây ông nên biết cũng là như vậy. Bạch đức Thế tôn, ở đây cái không nào là cái không tổng quát? Bồ tát hiểu được cái không ấy thì không có những sự mất mát hư hỏng, bỏ được sự tăng thượng mạn đối với cái không. Đức Thế tôn, vào lúc ấy, ca tụng đại bồ tát Từ thị, rằng tốt lắm, Thiện nam tử, tốt lắm; ông có thể hỏi Như lai cái nghĩa sâu như vậy để làm cho các vị Bồ tát không bị mất bị hỏng về cái không. Các vị Bồ tát mất hỏng về cái không thì mất hỏng toàn thể Đại thừa. Do vậy, ông hãy nghe cho thật kyլ Như lai nói cho ông về cái không tổng quát. Ấy là, nơi y tha khởi tánh và viên thành thật tánh, mọi biến kế chấp tánh dầu thuộc loại tạp nhiễm hay thuộc loại thanh tịnh đều rốt ráo rời bỏ, hoàn toàn vô đắc, như vậy gọi là cái không tổng quát của Đại thừa.

Lược Giải.-

Đây là đoạn nhỏ thứ tư, nói về sự trừ khử của cái trí biết pháp biết nghĩa.

Nói Sự Bao Quát Các Định Của Chỉ Quán

Chính Văn.-

Đại bồ tát Từ thị thưa Phật: bạch đức Thế tôn, chỉ quán như thế này bao gồm được mấy thứ chánh định siêu việt? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, vô lượng chánh định siêu việt của Thanh văn của Bồ tát và của Như lai mà Như lai đã nói, thì ông nên biết tất cả đều bao gồm trong chỉ quán ở đây.

Nói Nhân Quả Tác Dụng Của Chỉ Quán

Chính Văn.-

Bạch đức Thế tôn, chỉ quán như thế này lấy gì làm nhân tố? Thiện nam tử, nhân tố của chỉ quán như thế này là giới thanh tịnh, là chánh kiến được có bởi nghe thanh tịnh và nghĩ thanh tịnh. Bạch đức Thế tôn, chỉ quán như thế này lấy gì làm thành quả? Thiện nam tử, thành quả của chỉ quán như thế này là tâm thanh tịnh và tuệ thanh tịnh, còn nữa, hết thảy thiện pháp thuộc loại thế gian và thuộc loại xuất thế của Thanh văn và của Như lai, nên biết toàn là thành quả của chỉ quán như thế này tạo ra. Bạch đức Thế tôn, chỉ quán như thế này làm được công việc gì? Thiện nam tử, làm được công việc giải thoát tướng phược và giải thoát trọng phược.

Nói Chướng Ngại Của Chỉ Quán

Chính Văn.-

Bạch đức Thế tôn, trong năm thứ ràng buộc mà đức Thế tôn nói, mấy thứ là sự cản trở của chỉ? mấy thứ là sự cản trở của quán? mấy thứ là sự cản trở của cả hai? Thiện nam tử, luyến tiếc thân thể và luyến tiếc tài sản là những sự cản trở của chỉ, không thích thánh giáo là sự cản trở của quán, thích ở xen lẫn và được ít đã đủ (110) là những sự cản trở của cả hai: vì sự thứ nhất mà việc tu không làm được, vì sự thứ hai mà việc tu không trọn được.

Bạch đức Thế tôn, trong năm thứ ngăn che (111) , mấy thứ là sự cản trở của chỉ? mấy thứ là sự cản trở của quán? mấy thứ là sự cản trở của cả hai? Thiện nam tử, trạo cử ố tác là sự cản trở của chỉ, hôn trầm thụy miên và nghi pháp là những sự cản trở của quán, tham dục và sân nhuế là những sự cản trở của cả hai. Bạch đức Thế tôn, ngang đâu thì gọi là được trong sáng đầy đủ về chỉ? Thiện nam tử, cho đến lúc bao nhiêu hôn trầm thụy miên được chính xác và khéo léo loại trừ thì ngang đó gọi là được trong sáng đầy đủ về chỉ. Bạch đức Thế tôn, ngang đâu thì gọi là được trong sáng đầy đủ về quán? Thiện nam tử, cho đến lúc bao nhiêu trạo cử ố tác được chính xác và khéo léo loại trừ thì ngang đó gọi là được trong sáng đầy đủ về quán.

Bạch đức Thế tôn, Bồ tát khi chỉ quán đã hiện ra thì phải biết có mấy thứ làm cho tâm xao động? Thiện nam tử, phải biết có năm thứ: tác ý, ngoại tâm, nội tâm, cảnh tướng, thô trọng. Một, nếu Bồ tát rời tác ý hợp với Đại thừa mà rơi vào những tác ý hợp với Thanh văn Độc giác thì gọi là tác ý xao động. Hai, nếu bao nhiêu tầm tư đều xuôi theo phiền não khi đối trước đa dạng của năm thứ dục lạc tuyệt hảo, nếu buông thả tâm trí ra chảy tràn vào ngoại cảnh, thì gọi là ngoại tâm rối loạn. Ba, nếu vì hôn trầm và thụy miên, vì trầm một (112) , vì đam mê về định (113) , vì sự nhuốm bẩn của một tùy phiền não nào đó chướng ngại cho định (114) , thì gọi là nội tâm xao động. Bốn, nếu đối với cảnh tướng ngoài định mà nghĩ là cảnh tướng của định (115) bên trong thì gọi là cảnh tướng xao động. Năm, nếu những cảm giác do tác ý sinh ra mà cho là do cái thân thô trọng nên chấp tự ngã, nổi kiêu mạn, thì gọi là thô trọng xao động.

Bạch đức Thế tôn, từ Bồ tát địa đầu tiên cho đến Như lai địa, chỉ quán như thế này đối trị được những sự chướng ngại nào? Thiện nam tử, chỉ quán như thế này trong Bồ tát địa đầu tiên thì đối trị được sự chướng ngại vì hoặc nghiệp sinh tạp nhiễm của ác đạo, trong Bồ tát địa thứ hai thì đối trị được sự chướng ngại vì hiện hành của sự lầm lỡ vị phạm rất nhỏ, trong Bồ tát địa thứ ba thì đối trị được sự chướng ngại vì tham lam của dục, trong Bồ tát địa thứ tư thì đối trị được sự chướng ngại vì định ái và pháp ái, trong Bồ tát địa thứ năm thì đối trị được sự chướng ngại vì một chiều chống sinh tử hướng niết bàn, trong Bồ tát địa thứ sáu thì đối trị được sự chướng ngại vì hiện hành nhiều của thô tướng, trong Bồ tát địa thứ bảy thì đối trị được sự chướng ngại vì hiện hành của tế tướng, trong Bồ tát địa thứ tám thì đối trị được sự chướng ngại vì phải da công dụng đối với vô tướng và không tự tại đối với hữu tướng, trong Bồ tát địa thứ chín thì đối trị được sự chướng ngại vì không tự tại đối với ngôn từ khéo léo về mọi chủng loại, trong Bồ tát địa thứ mười thì đối trị được sự chướng ngại vì không chứng đắc pháp thân viên mãn. Và chỉ quán như thế này, trong Như lai địa thì đối trị được phiền não chướng và sở tri chướng cực vi tế; và tối cực vi tế, vì vĩnh viễn hại được hai chướng như vậy nên chứng được một cách cứu cánh cái trí thấy biết hoàn toàn, không còn vướng mắc không còn chướng ngại, lại do đối tượng sở tác thành tựu (116) (của cái trí nói trên) nên lập ra pháp thân tối cực thanh tịnh.

Nói Sự Chứng Đắc Bồ Đề Của Chỉ Quán

Chính Văn.-

Đại bồ tát Từ thị thưa Phật: bạch đức Thế Tôn, Bồ tát do nỗ lực tu hành chỉ quán mà chứng đắc vô thượng bồ đề là thế nào? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, nếu Bồ tát đã được chỉ quán bằng cách căn cứ bảy chân như, đúng như cái pháp đã nghe và đã nghĩ, do tâm trí của chánh định siêu việt mà bên trong tự chánh tư duy về tánh chân như đã khéo thẩm định khéo tư lượng và khéo thiết lập, thì vì chánh tư duy chân như nên đối với sự hiện hành của tế tướng tâm trí còn bỏ được, huống chi đối với sự hiện hành của thô tướng. Tế tướng là ấn tượng chấp thọ, lãnh nạp, liễu biệt và nhiễm tịnh (117) , là ấn tượng pháp trong, pháp ngoài và trong ngoài (118) , là ấn tượng cho rằng mình làm mọi sự lợi ích chúng sinh, là ấn tượng chánh trí, chân như, là ấn tượng khổ tập diệt đạo, là ấn tượng hữu vi, vô vi, là ấn tượng hữu thường, vô thường, là ấn tượng khổ có biến dị, khổ không biến dị, là ấn tượng hữu vi đa dạng, hữu vi đồng nhất, là ấn tượng tất cả được có bởi biết tất cả là tất cả (119) , là ấn tượng nhân vô ngã, pháp vô ngã, mọi ấn tượng như vậy tâm trí Bồ tát loại bỏ được cả. Bồ tát ở nhiều trong sự tu hành như thế này nên lúc nào cũng khéo sửa trị tâm trí của mình trong mọi sự ràng buộc, ngăn che và xao động. Từ đó về sau, đối với bảy chân như có bảy cái trí thông suốt, tự chứng bên trong, được riêng biệt sinh ra (120) , và gọi là Kiến đạo vị. Do được như vậy nên gọi là vị nhập vào chánh tánh ly sanh (121) của Bồ tát, vị sinh vào nhà Như lai, vị chứng đắc Bồ tát địa đầu tiên, vị hưởng dụng mọi thành quả siêu việt của Bồ tát địa này. Bồ tát như vậy, trước đây được chỉ quán bằng cách được đối tượng có phân biệt và đối tượng không phân biệt, nay được Kiến đạo vị là được thêm đối tượng biên tế các pháp (121B). Rồi các giai đoạn liên tiếp về sau, trong tất cả Bồ tát địa còn lại, thì tiến tu Tu đạo vị, bằng cách tác ý tư duy cả ba đối tượng nói trên. Tựa như có kẻ lấy chốt nhỏ đẩy chốt to ra, vị Bồ tát này, với cách lấy chốt tháo chốt mà trừ khử mọi ấn tượng có từ bên trong, nên bao nhiêu cái tướng thuộc loại tạp nhiễm đều trừ khử cả, và tướng phược được trừ khử nên trọng phược cũng trừ khử. Vì vĩnh viễn hại được tướng phược và trọng phược nên tuần tự trong các Bồ tát địa về sau, vị Bồ tát này y như cách luyện vàng mà luyện tâm mình, cho đến chứng được vô thượng bồ đề, nghĩa là chứng được đối tượng sở tác thành tựu (122) . Thiện nam tử, như thế đó gọi là Bồ tát từ bên trong tu hành chính xác về chỉ quán nên chứng được vô thượng bồ đề.

Nói Sự Dẫn Ra Uy Đức Quản Đại Của Chỉ Quán

Chính Văn.-

Đại bồ tát Từ thị thưa Phật: bạch đức Thế tôn, như thế nào là Bồ tát tu hành (chỉ quán) dẫn ra uy đức cao rộng của Bồ tát? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, Bồ tát khéo biết sáu sự sau đây thì có thể dẫn ra uy đức cao rộng của Bồ tát: khéo biết tâm phát sinh, khéo biết tâm trú ở, khéo biết tâm thoát ra, khéo biết tâm thêm lên, khéo biết tâm bớt đi, khéo biết các phương tiện. Một, khéo biết tâm phát sinh là chính xác biết mười sáu tâm phát sinh khác nhau, đó là thứ nhất, sự phát sinh của cái thức mà hành tướng năng duyên khó biết, liên tục chấp thọ sắc căn và liên tục chấp trì thế giới, đó là a đà na thức; thứ hai, sự phát sinh của cái thức mà hành tướng đa dạng vin theo đối cảnh đa dạng, đó là phân biệt ý thức nhận thức một lúc tất cả đối cảnh sắc thanh hương vị xúc và cảm nhận một lúc tất cả ấn tượng của giác quan ở trong và đối cảnh ở ngoài, đó là phân biệt ý thức trong một thoáng mà nhập nhiều chánh định, thấy nhiều cõi Phật, thấy nhiều đức Phật; thứ ba, sự phát sinh của cái thức mà đối cảnh nhỏ hẹp, đó là thức hệ thuộc Dục giới; thứ tư, sự phát sinh của cái thức mà đối cảnh rộng lớn, đó thức hệ thuộc Sắc giới; thứ năm, sự phát sinh của cái thức mà đối cảnh vô lượng, đó là thức hệ thuộc Không vô biên xứ và Thức vô biên xứ; thứ sáu, sự phát sinh của cái thức mà đối cảnh vi tế, đó là thức hệ thuộc Vô sở hữu xứ; thứ bảy, sự phát sinh của cái thức mà đối cảnh tận biên, đó là thức hệ thuộc Phi phi tưởng xứ; thứ tám, sự phát sinh của cái thức mà đối cảnh vô tướng, đó là thức siêu thoát thế gian và thức vin theo niết bàn; thứ chín, sự phát sinh của cái thức đi đôi với khổ thọ, đó là thức địa ngục; thứ mười, sự phát sinh của cái thức đi đôi với tạp thọ, đó là thức Dục giới; mười một, sự phát sinh của cái thức đi đôi với hỷ thọ, đó là thức Sơ thiền và Nhị thiền; mười hai, sự phát sinh của cái thức đi đôi với lạc thọ, đó là thức Tam thiền; mười ba, sự phát sinh của cái thức đi đôi với xả thọ, đó là thức Tứ thiền cho đến Phi phi tưởng xứ; mười bốn, sự phát sinh của cái thức đi đôi với các pháp nhiễm, đó là thức thích ứng với mọi phiền não và tùy phiền não; mười lăm, sự phát sinh của cái thức đi đôi với các pháp lành, đó là thức thích ứng với tâm sở thiện; mười sáu, sự phát sinh của cái thức đi đôi với pháp vô ký, đó là thức không thích ứng cả hai loại tâm sở nói trên. Hai, khéo biết tâm trú ở là biết chính xác chân như nơi sự liễu biệt (123) . Ba, khéo biết tâm thoát ra là biết chính xác rằng phải thoát khỏi hai thứ tướng phược và trọng phược, và đó là khéo biết rằng phải làm cho tâm mình thoát ra hai thứ như vậy (124) . Bốn, khéo biết tâm thêm lên là biết chính xác về cái tâm trí đối trị được tướng phược và trọng phược khi nó lớn thêm khi nó dồn lại, (những gì tùy thuộc nó) cũng được lớn thêm cũng được dồn lại. Năm, khéo biết tâm bớt đi là biết chính xác về cái bị đối trị, tức cái tâm trí bị bẩn vì tướng phược và trọng phược khi nó lui lại khi nó bớt đi, (những gì tùy thuộc nó) cũng bị lui lại cũng bị bớt đi. Sáu, khéo biết các phương tiện là biết chính xác về tám giải thoát tám thắng xứ và mười biến xứ, về cách tu tập và về sự trừ khử (của các pháp này). Thiện nam tử, Bồ tát nào khéo biết như vậy thì uy đức cao rộng của Bồ tát hoặc đã được dẫn ra, hoặc sẽ được dẫn ra, hoặc đang được dẫn ra.

Lược Giải.-

Ở đây cho thấy uy đức của Tâm cao rộng biết bao. Biết uy đức ấy mà tu tập để phục hồi và vận dụng thì thế chính là uy đức Bồ tát được dẫn ra đó.

Nói Nhập Vô Dư Y Diệt Các Thọ Của Chỉ Quán

Chính Văn.-

Đại bồ tát Từ thị thưa Phật: bạch đức Thế tôn, như đức Thế tôn nói trong niết bàn hoàn toàn (125) thì hết thảy cảm giác (126) vĩnh viễn diệt hết, không còn thừa sót, vậy những cảm giác nào bị vĩnh viễn diệt hết ở đây? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, lấy cốt yếu mà nói thì ở đây có hai loại cảm giác vĩnh viễn diệt hết, không còn thừa sót, đó là một, cảm giác xuất từ giác quan, và hai, cảm giác xuất từ đối cảnh (127) . Cảm giác xuất từ giác quan lại có bốn loại: thứ nhất là cảm giác dựa vào giác quan có sắc chất, thứ hai là cảm giác dựa vào giác quan không sắc chất, thứ ba là cảm giác của kết quả đã hoàn thành, thứ tư là cảm giác của kết quả chưa hoàn thành ẫ kết quả đã hoàn thành là cảm giác hưởng chịu trong hiện tại, kết quả chưa hoàn thành là cảm giác làm nhân cho vị lai (128) . Cảm giác xuất từ đối cảnh cũng có bốn loại: thứ nhất là cảm giác do thế giới đang sống (129) , thứ hai là cảm giác do đồ dùng để sống, thứ ba là cảm giác do hưởng dụng hai loại trên, thứ tư là các giác do luyến tiếc hai loại trên. Trong niết bàn chưa toàn thì đã diệt hết tất cả cảm giác của kết quả chưa hoàn thành, còn lại là cảm giác phát sinh từ tuệ giác đối trị, là cảm giác mà thánh giả và phàm phu đều có, là cảm giác của kết quả đã hoàn thành; lại nữa, (trong niết bàn chưa toàn) cũng diệt hết cả hai loại cảm giác (của kết quả là đã hoàn thành và chưa hoàn thành), còn lại chỉ có cảm giác phát sinh từ tuệ giác đối trị. Còn niết bàn hoàn toàn mà nhập vào thì lúc đó cái cảm giác phát sinh từ tuệ giác đối trị cũng không còn. Do vậy nên Như lai nói rằng trong niết bàn hoàn toàn, hết thảy cảm giác đều vĩnh viễn diệt cả, không còn thừa sót.

Lược Giải.-

Rõ ràng đoạn này nói về niết bàn một cách cho giống niết bàn của La hán, chứ chưa phải nói về đại niết bàn của Phật. Còn cảm giác thì coi lại phẩm một và coi tới phẩm tám sẽ thấy cảm giác của Phật là thế nào, ấy là chưa kể cảm giác vì chúng sinh mà có.

Kết Thúc Pháp Thoại Chỉ Quán

Chính Văn.-

Lúc ấy đức Thế tôn dạy như vậy rồi lại nói với đại bồ tát Từ thị: Tốt lắm, Thiện nam tử, hôm nay ông khéo căn cứ pháp du dà tinh tế, cùng cực trong sáng và hoàn toàn đầy đủ mà xin hỏi Như lai. Đối với pháp du dà, vốn ông đã được sự khéo léo hiểu biết một cách quyết định và tột bậc. Như lai cũng đã nói cho ông về pháp du dà tinh tế, cùng cực trong sáng và hoàn toàn đầy đủ. Trong quá khứ và trong vị lai, bao nhiêu bậc Chánh biến giác đã nói và sẽ nói thì cũng toàn là nói như vậy. Các thiện nam và thiện nữ nên dựa vào pháp thoại này, dũng mãnh tinh tiến mà chính xác tu học.

Đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

Đối với du dà
giáo pháp lập ra (130) ,
ai sống buông thả
mất đại niết bàn;
dựa vào du dà
giáo pháp lập ra,
chính xác tu tập
được đại bồ đề.
Thấy mà thủ đắc,
khó mong giải thoát!
cho cái thấy ấy
là đã được Pháp,
kẻ ấy rời xa
khỏi pháp du dà
như là mặt đất
cách xa không gian.
Lợi ích chúng sinh
một cách bền bỉ
mà không nghĩ rằng
mình làm như vậy:
lĩnh hội như vậy
càng làm lợi người.
Ai người có trí
làm hết kiếp lượng (131)
thì được cái mừng
cao cả trong sáng.
Ai vì dục vọng
mà thuyết chánh pháp,
thì người như vậy
phải được gọi là
đã bỏ dục vọng
lại theo dục vọng!
Ngu si như vậy
mà được Pháp này
thì như một kẻ
được ngọc vô giá
mà đi lang thang
làm kẻ ăn mày!
Cái lối luận bàn
vô ích ồn náo
thì phải bỏ đi
để mà nổi dậy
hạnh nguyện tinh tiến
vào bậc thượng thừa:
vì để hóa độ
cả trời và người,
hãy siêng tu học
pháp du dà này!

Bấy giờ đại bồ tát Từ thị lại thưa Phật: bạch đức Thế tôn, trong toàn bộ pháp thoại Giải thâm mật, pháp thoại này nên mệnh danh là gì? chúng con phải kính cẩn ghi nhớ như thế nào? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Từ thị: Thiện nam tử, pháp thoại này tên là Nghĩa lý hoàn hảo về du dà. Ông hãy kính cẩn ghi nhớ theo cái tên như vậy.

Khi đức Thế tôn nói pháp thoại Nghĩa lý hoàn hảo về du dà thì trong đại hội có sáu trăm ngàn chúng sinh phát tâm vô thượng bồ đề; ba trăm ngàn Thanh văn lánh xa bụi bặm, tách rời dơ bẩn, đối với các pháp thì được mắt pháp trong sáng; một trăm năm mươi ngàn Thanh văn hết hẳn mọi sự sơ hở, tâm được giải thoát; bảy mươi lăm ngàn Bồ tát được tác ý về du dà rộng lớn.