Phần 3

11 Tháng Giêng 20173:14 CH(Xem: 2595)
Phần 3
Từng giọt  nắng hồng
 
Tịnh Minh soạn dịch  
--- o0o ---
Phần 3

LỜI KINH QUÁN NIỆM NGÂN VANG
CHÁNH TÍN TAM BẢO THOÁT VÒNG TRẦM LUÂN

Thuở nọ, tại Xá Vệ có 500 Phật tử thuần thành, chánh trực. Mỗi vị có 500 thân hữu rất mực tin yêu và giúp đỡ nhau trong cuộc sống cũng như trên bước đường tu học. Vị Phật tử cao niên và uy tín nhất sanh được bảy người con trai và bảy người con gái. Họ rất hảo tâm và giàu lòng bố thí. Gia đạo của họ mỗi ngày một thêm hưng thịnh, hạnh phúc. Họ làm ăn càng phát đạt bao nhiêu thì họ càng chánh tín Tam bảo bấy nhiêu, và họ coi việc bố thí người nghèo, giúp đỡ người khó, hộ trì Phật pháp là nghĩa vụ thiêng liêng đối với họ.

Một hôm, vị Phật tử cao niên và thâm tín chư Phật ngã bịnh. Thấy sức khỏe mỗi ngày một yếu, sinh lực mỗi ngày một khô và thọ mạng mỗi ngày một giảm, ông gởi lời đến Đức Thế Tôn, cung thỉnh mười sáu vị Sa môn đến nhà ông tụng kinh, thuyết pháp cho ông nghe. Đức Phật chấp thuận, và mười sáu thầy tức khắc đến thăm hỏi và ngồi quanh giường bịnh chuẩn bị khai kinh, thuyết pháp. Ông nói:

- Kính bạch chư tôn đức, thật là vạn hạnh cho con được thân cận và gặp gỡ quý thầy. Con yếu lắm rồi! Cái chết đang cận kề bên con. Kính mong quý thầy từ bi tụng cho con nghe một thời kinh ngắn gọn.

- Đạo hữu muốn nghe thời kinh gì?.- Một trưởng lão hỏi.

- Xin quý thầy cho con nghe thời kinh Quán niệm (Satipatthana Sutta), thời kinh cúng dường chư Phật đó.

Các Sa môn bắt đầu tụng những lời kinh quen thuộc: “Chỉ có một con đường, này các thầy Tỳ kheo, đây là con đường duy nhất đưa chúng sanh đến bến bờ giải thoát ...”

Ngay lúc đó có sáu cỗ xe được trang hoàng lộng lẫy do một ngàn tuấn mã kéo, nối dài một trăm năm mươi dặm từ sáu thiên giới hiện đến. Trên mỗi cỗ xe đều có một thiên thần đứng uy nghiêm trong thế nghinh đón. Họ đều cất tiếng thỉnh nguyện:

- Xin cung nghinh ngài lên thế giới chư thiên, nơi thọ hưởng phước điền, an vui hạnh phúc của những chúng sanh đã bao đời vun trồng phước thiện.

Không muốn bị gián đoạn nghe Pháp, vị đạo hữu chánh tín Tam bảo kia đưa tay ra hiệu, nói:

- Khoan, khoan!

Tưởng là ông yêu cầu ngưng tụng kinh, các Sa môn liền dừng lại. Thế là con trai con gái của ông òa lên khóc, than rằng:

- Trước đây cha chúng con chưa bao giờ được nghe Pháp trọn vẹn, nay được  quý Trưởng lão cho văn Kinh thính Pháp thì đột nhiên bảo dừng lại. Thật là thiếu duyên thiếu phước, tội nghiệp cho cha chúng con quá! Nhưng xét cho cùng, không ai là người không sợ chết.

Các Sa môn nhìn nhau, nói:

- Vậy là nhân duyên chưa hội ngộ, chúng ta đâu còn thì giờ và lý do ở lại đây.

Họ đứng lên, ngỏ lời cáo từ và ra về.

Sau một lúc, vị đạo hữu hồi tâm, hỏi các con:

- Vì sao các con khóc?

- Cha ơi! - Chúng nói - Cha thỉnh quý Trưởng lão đến tụng Kinh thuyết Pháp, rồi bỗng dưng cha bảo các ngài dừng lại. Chúng con khóc là vì rốt cuộc thì không ai là người không sợ chết.

- Thế các bậc tôn đức hiện giờ ở đâu?

- Các sư bảo rằng nhân duyên chưa tròn, không còn thời giờ và lý do lưu lại nên họ đã ra về hết rồi!

- Trời ơi! Cha đâu có nói gì với quý thầy.

- Vậy chứ cha nói chuyện với ai?

- Sáu vị thiên thần đứng trên sáu cỗ xe cực kỳ lộng lẫy từ sáu thiên giới đến trụ giữa hư không nói với cha rằng:

- Xin cung thỉnh ngài lên thiên giới, xin cung thỉnh ngài lên thiên giới. Cha nói chuyện với chư thiên đấy.

- Thế các cỗ xe đâu, thưa cha? Chúng con nào có thấy gì!

- Các con có thể cho cha một vòng hoa?

- Vâng, thưa cha!

- Các con biết cảnh giới nào an lạc nhất?

- Cảnh Cực lạc, tức cõi Tịnh độ (Tusita), thưa cha, nơi an trụ của hằng hà sa số phụ mẫu chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai.

- Thế thì hãy tung vòng hoa này lên, và xin nguyện vòng hoa gắn vào cỗ xe từ cảnh giới Cực lạc đến.

Các con làm theo lời cha, và vòng hoa kia gắn vào cỗ xe đong đưa giữa hư không. Mọi người đều thấy vòng hoa phất phơ theo gió nhưng không thấy cỗ xe. Vị đạo hữu nói:

- Các vị có thấy vòng hoa không?

- Vâng, chúng tôi có thấy.

- Vòng hoa đang gắn vào cỗ xe từ cảnh Cực lạc đến đó. Ta sắp về cõi Tịnh độ đây. Đừng bịn rịn đau buồn nhé! Nếu quý vị muốn sanh về thế giới Cực lạc với ta thì hãy tạo nhiều công đức phước thiện như ta vậy.

Nói xong, ông đưa tay ra hiệu cáo biệt mọi người và đôi mắt của ông tù từ khép lại. Ông đã để lại cho đời biết bao phước điền ân ích.

Khi các Sa môn về tới tu viện, Đức Thế Tôn hỏi:

- Này các thầy Tỳ kheo, vị đạo hữu đó có chí tâm nghe các thầy tụng Kinh thuyết Pháp không?

- Thưa có, bạch Thế Tôn. Nhưng đến giữa chừng ông ta bỗng dưng đưa tay bảo: “Khoan, khoan!” nên chúng con dừng lại. Sau đó đám con của ông khóc òa lên, và chúng con thấy phải cáo từ ra về là hợp lý.

- Này các thầy Tỳ kheo, ông ấy đâu có nói gì với các thầy. Sáu thiên thần đứng trên sáu cỗ xe lộng lẫy từ sáu cõi chư thiên đến rước ông ấy về thế giới Cực lạc, ông ấy không muốn thời Kinh bị gián đoạn nên yêu cầu chư thiên: “Khoan khoan!”

- Đúng vậy sao, bạch Thế Tôn?

- Đúng vậy!

- Hiện giờ ông ấy được sanh về đâu, bạch Thế Tôn?

- Hẳn là về thế giới Cực lạc.

- Bạch Thế Tôn, trước đây ông ấy sống an vui hạnh phúc giữa gia đình và bà con quyến thuộc, nay ông ấy lại được sanh về cõi Tịnh độ và tiếp tục vui hưởng thanh bình.

- Đúng như vậy, này các thầy Tỳ kheo. Những ai tinh cần cẩn trọng, chánh hạnh đoan nghiêm, dù tu sĩ hay cư sĩ cũng được thái hòa an lạc ở hai nơi.

Ngài đọc kệ:

Nay vui, đời sau vui,

Làm phúc hai đời vui,

Hắn an vui, hoan hỷ,

Thấy tịnh nghiệp mình nuôi.

(PC. 16)

 


 

 VỪA MANH TÂM PHẢN PHÚC
LIỀN ĐÚC KẾT OAN KHIÊN

Thuở nọ, Đức Thế Tôn theo lời cung thỉnh của vua Tần Bà Sa La (Bimbisàra), khởi cuộc hành trình từ Xá Vệ đến Vương Xá. Đi được nửa đường, Ngài dừng chân tại một thị trấn để giáo hóa dân chúng địa phương. Nhiều người đã theo Ngài xuất gia học đạo. A Nậu Lâu Đà (Anuruddha), một vương tử dòng Thích Ca, thấy bàn dân thiên hạ theo Thế Tôn tu hành và giải thoát khá đông, bèn xin mẹ xuất gia theo Ngài. Bà một mực từ chối, nhưng A Nậu Lâu Đà  cứ van xin mãi, cuối cùng bà nói:

- Nếu quốc vương Bạt Đề (Bhaddiya), bạn thân của con, xuất gia làm Sa môn thì mẹ cũng chiều theo ý con.

Thế la A Nậu Lâu Đà đến gặp Bạt Đề, nhỏ to tâm sự:

- Anh thấy đấy, chúng mình là hoàng thân quốc thích, dòng họ Thích Ca, vậy mà chả có mống nào dám từ bỏ quyền quý cao sang, lên đường theo Thế Tôn học đạo. Trong khi hào quang của Ngài đang tỏa khắp nơi thì chúng ta vẫn còn lủi thủi trong rừng núi vô minh, đêm trường dày đặc, nghĩ mà xấu hổ!

Nghe bùi tai, Bạt Đề cùng A Nậu Lâu Đà đến thuyết phục A Nan (Ànanda), Ba-gu (Bhagu), Kim Tỳ La (Kimbila), và Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), tất cả đều quyết tâm giã từ kinh thành, theo Thế Tôn xuất gia, cầu đạo giải thoát.

Trên đường tầm sư học đạo, họ gặp Ưu Ba Ly (Upàli), một gã hớt tóc, và biếu hết ngọc ngà châu báu cho ông. Biết họ là những công tôn vương tử thuộc dòng quý tộc, Ưu Ba Ly quỳ mọp dưới chân họ van xin từ chối, nhưng họ nói:

- Ơ kìa! Chúng tôi thật tình biếu hết báu vật này cho anh. Chúng tôi không cần những thứ này nữa. Chúng tôi đang trên đường đến gặp Đức Thích Ca Mâu Ni và xin Ngài xuất gia học đạo.

Ưu Ba Ly tay nâng châu báu mà mắt ngó trân trân các vị vương tử. Họ vẫy tay, cười chào và tiếp tục lên đường. Một lát sau, Ưu Ba Ly tự nghĩ:

- Công danh cái thế, quyền lực ngút trời mà họ còn vất đi như ném bó rạ khô, huống nữa là thân phận hèn mọn và cái quán ọp ẹp của mình. Không, đừng điên rồ mà vướng vào cái của nợ này!

Ưu Ba Ly máng hết báu vật lên cành cây rồi cùng theo họ đến gặp Đức Thế Tôn và được nhận vào giáo hội đầu tiên. Về sau, Ưu Ba Ly trở thành một trong mười vị đệ tử vĩ đại của Phật, nổi danh về hạnh giữ giới. Sáu vị kia cũng đạt được thánh quả A la hán. Riêng Đề Bà Đạt Đa, vừa được thần thông thì đã hiu hiu tự mãn.

Một hôm, các Phật tử đến Kiều Thưởng Di (Kosambi) thăm viếng, cúng dường lễ vật cho Đức Thế Tôn và các Trưởng lão như  Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp, Bạt Đề, A Nậu Lâu Đà, A Nan, Ba-gu, Kim Tỳ La v.v... Thấy không ai nhắc đến tên mình, Đề Bà Đạt Đa trong lòng cay cú, ấm ức:

- Ta cũng dòng võ tướng, cũng giai cấp cao sang, cũng xuất gia một ngày, cũng đạt được trí tuệ, vậy mà không ai thèm điếm xỉa đến danh tánh. Khinh ta hả! Rồi các ngươi sẽ biết!

Sau đó một ý nghĩ oan nghiệt chợt đến với Đề Bà Đạt Đa : triệt hạ quốc vương Tần Bà Sa La, đệ tử trung kiên của Đức Thế Tôn, và ám sát Phật để thống lãnh Tăng đoàn.

Biết A Xà Thế (Ajàtasattu), nghịch tử của quốc vương Tần Bà Sa La, là một thanh niên nhẹ dạ, ham danh và mù quáng, Đề Bà Đạt Đa cải dạng thành một dị nhân, đầu mình tay chân quấn đầy rắn độc, từ trên không hiện xuống ngồi vào lòng A Xà Thế. Thất kinh, A Xà Thế chấp tay với giọng nói run run:

- Xin thưa ... ngài là ai?

- Thái tử không nhận ra bần đạo sao? Đề Bà Đạt Đa vừa đáp vừa đứng dậy và hiện nguyên hình Sa môn với ca sa bình bát đầy đủ.

Lòng thầm thán phục, A Xà Thế liền kết thân với Đề Bà Đạt Đa và hứa cùng nhau thực hiện mưu đồ.

Một hôm, Đức Thế Tôn đang thuyết giảng giữa đại chúng, Đề Bà Đạt Đa từ chỗ ngồi đứng dậy, cung kính đảnh lễ Ngài và thưa rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn, Ngài nay tuổi cao sức yếu, khó khăn lắm mới điều khiển nổi Tăng đoàn. Thế Tôn nên an thân lập mệnh theo giáo pháp thượng thừa mà Ngài đã chứng đạt, còn giáo hội,  xin hãy để đó cho bần tăng.

Đức Thế Tôn im lặng không trả lời, sau đó bảo Xá Lợi Phất thông báo cho đại chúng và Phật tử thành Vương Xá biết rằng Đề Bà Đạt Đa muốn thống lãnh Tăng đoàn; và, từ nay về sau, giáo hội không chịu trách nhiệm về hành vi ngôn ngữ của sư ấy nữa.

Uất ức về lời thông báo của Đức Thế Tôn, Đề Bà Đạt Đa quyết tâm thực hiện mưu đồ lãnh tụ. Y đến gặp A Xà Thế và trổ tài thuyết phục:

- Này! Thái tử  thấy đấy, chúng ta đang sống trong một thời đại nhiễu nhương, những bậc hiền tài đáng ngôi thiên tử thì phải sống dở chết mòn hay trọn đời làm tôi vào luồn ra cúi chứ không bao giờ được lên ngôi để cứu dân cứu nước. Đời người quả thật mong manh, thọ mạng của phụ vương ngài làm tôi lo cho ngài không ít. Nào! Hãy ra tay dứt điểm. Do dự là đại nghiệp bất thành. Hãy thanh toán phụ hoàng càng nhanh càng tốt, còn bổn mạng của Gô-ta-ma thì để ta hạ thủ. Được như vậy là vạn phúc cho sơn hà xã tắc và quần chúng nhân dân.

Như bị thôi miên bởi quyền lực và địa vị, A Xà Thế soán ngôi và hành hình vua cha trong ngục tối.

Cậy quyền A Xà Thế, Đề Bà Đạt Đa quyết tâm triệt hạ Đức Thế Tôn. Y thuê một nhóm côn đồ đến ám sát Ngài, nhưng vừa trông thấy ánh mắt hiền hòa và thân tướng uy nghiêm của Ngài là chúng quăng ngay dáo mác, quỳ lạy chân thành và xin quy y với Ngài.

Lòng tràn đầy căm tức, Đề Bà Đạt Đa đích thân leo lên đỉnh núi Kền Kền phục kích và chỉ tay lên trời thề rằng: chỉ có cánh tay này mới triệt tiêu mạng sống của Gô-ta-ma. Và y đã xô một tảng đá khổng lồ xuống Đức Thế Tôn khi Ngài đi ngang qua chân núi, nhưng tảng đá chỉ làm chân Ngài chảy máu chút ít.

Tức khí, Đề Bà Đạt Đa tung Na-la-gi-ri (Nàlàgiri), một con voi cực kỳ hung ác để sát hại Ngài. Thấy con voi hung hăng từ xa chạy đến, A Nan vội chạy ra trước, đứng dang hai tay để che cho Đức Thế Tôn, nhưng Ngài kéo A Nan qua một bên, và con voi liền sụp hai chân trước xuống với hai giọt nước mắt lăn tròn như tỏ lòng ân hận, sám hối.

Sau đó, thấy Phật tử mỗi ngày một thêm phẫn uất và tẩy chay mình, Đề Bà Đạt Đa liền đưa ra cái gọi là năm điểm cương lĩnh, mục đích là để vớt vát uy tín, nhằm xác định vai trò và đường hướng tu hành theo giáo hội mới, giáo hội ly khai. Đó là: Tỳ kheo phải sống trong rừng, phải đi khất thực, phải mặc áo vá, phải ngủ dưới gốc cây và không được ăn thịt cá, tức là không được ăn mặn.

Với 500 Tăng chúng quy phục, Đề Bà Đạt Đa dẫn họ đến sống tại Ga-da-xi-a (Gayãsĩa) và sinh hoạt theo tôn chỉ dị giáo.

Một hôm, sau chín tháng mang bịnh liệt giường, Đề Bà Đạt Đa muốn gặp  Đức Bổn Sư, y bày tỏ ý định với đồ chúng nhưng được họ đáp:

- Khi khỏe mạnh thì thầy hiềm khích với Đức Thế Tôn, bây giờ đau yếu khốn khổ thế này thì đi đâu!

- Xin đừng giết ta trong tủi nhục và ân hận. Ta đã phạm phải sai lầm và tội ác. Ta đã căm thù Thầy ta, nhưng Thầy ta chưa bao giờ dấy lên một cọng lông hay sợi tóc than trách ta. Kính lạy Đức Như Lai từ  bi và hỷ xả!

Đề Bà Đạt Đa được đồ chúng khiêng trên một cái cáng đến sám hối Đức Thế Tôn. Tăng chúng hay tin, họ đến báo cho Thế Tôn biết và ngỏ ý không muốn Ngài ngó mặt hạng người phản phúc đó.

- Cứ tự nhiên, Đức Thế Tôn nói. Khi thành lập cái gọi là giáo hội ly khai, Đề Bà Đạt Đa đã tuyên thệ là không bao giờ gặp Như Lai nữa. Chính vì lời thề tuyệt hậu đó mà dù cho Đề Bà Đạt Đa có đến tu viện Trúc Lâm cũng không thể gặp được Như Lai.

Đề Bà Đạt Đa được môn đệ khiêng đến Trúc Lâm và để nghỉ cạnh một hồ sen. Trong khi họ xuống hồ tắm, Đề Bà Đạt Đa ngồi dậy và vừa đặt hai chân xuống đất thì toàn thân cứ lún dần, lún dần và chìm hẳn vào lòng đất.

Sau đó, đại chúng đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, hỏi:

- Bạch Thế Tôn, cái chết của Đề Bà Đạt Đa thật là khủng khiếp, chẳng hay người ấy đầu thai về đâu?

- Địa ngục A tỳ, Đức Thế Tôn đáp.

- Bạch Thế Tôn, đời này người ấy đã khổ như vậy, đầu thai nơi khác người ấy cũng khổ nữa sao?

- Đúng thế! Này các thầy Tỳ kheo, những ai buông lung phóng dật, ngạo mạn, ác tâm, tu sĩ hay cư sĩ đều bị khốn khổ, cơ hàn ở hai nơi.

Ngài đọc kệ:

Nay than, đời sau than,

Làm ác hai đời than.

Hắn than: “Ta làm ác”.

Đọa cõi khổ, càng than.

(PC. 17)

 

 

 

CHĂM LO GIÚP ĐỠ CHƯ SƯ
HỘ TRÌ TAM BẢO CHỨNG TƯ ĐÀ HÀM

Thuở nọ, tại Xá Vệ, hằng ngày có 2.000 Sa môn thọ trai tại nhà trưởng giả Cấp Cô Độc (Anàthapiịđika), và 2.000 Sa môn thọ trai tại nhà tín nữ Vi-xa-kha (Visàkhà). Để tránh lời ra tiếng vào, nhỏ to dị nghị, những ai phát tâm cúng dường chúng tăng đều được yêu cầu tự mình mang lễ vật đến văn phòng hộ trì Tam bảo của hai Phật tử thuần thành đó.

Một hôm, Vi-xa-kha thấy mình mỗi ngày một yếu, cần phải có người trẻ trung tháo vác, thành tâm thiện chí thay bà  phục vụ ẩm thực cho đại chúng. Bà chọn cháu gái của bà đảm trách công việc đó. Cấp Cô Độc cũng chọn  cô gái đầu lòng của mình là Ma-ha Xu-ba-đa (Maha Subhaddà) chăm sóc trai phạn cho chúng tăng. Ái nữ của Cấp Cô Độc là người rất mực thuần thành, chăm lo các sư sớm hôm chu đáo, nhất là chí tâm tu hành, lắng lòng nghe Pháp. Nhờ thế mà cô sớm chứng quả Tu đà hoàn. Sau đó cô lập gia đình và về sống bên nhà chồng. Cấp Cô Độc lại chỉ định Cu-la Xu-ba-đa (Culla Subhaddà), em gái của Ma-ha Xu-ba-đa, giúp đỡ các sư. Cô này nhẹ nhàng, cẩn trọng, noi gương thành tín của chị mình và cũng chứng quả Tu đà hoàn. Sau đó lấy chồng và cũng về sống bên nhà chồng. Cuối cùng ông chỉ định cô gái út là Xu-ma-na (Sumanà) thay chị phục vụ Tam bảo. Xu-ma-na một lòng kính Phật trọng Tăng, phát tâm cúng dường, vun bồi phước huệ; và chẳng mấy chốc cô ấy chứng quả Tư đà hàm. Một hôm cô cho người mời cha cô đến. Ông hỏi:

- Có chuyện gì mà con cho người mời cha vậy, con gái cưng của cha?

- Em nói sao? Hỡi người em út yêu thương của chị! Xu-ma-na hỏi vặn lại.

- Con ăn nói gì mà điên rồ vậy con! Bộ con ... không nhận ra cha sao? Con bị sốt nặng rồi, tội nghiệp con tôi!

- Không! Chị không bao giờ nói năng điên rồ. Chị luôn luôn thương em. Em là em yêu của chị. Chị có đau yếu cảm sốt gì đâu!

- Con có sợ ... lộng ngôn không con?

- Không! Chị chưa bao giờ lộng ngôn ỷ ngữ. Chị luôn luôn trung thành với lời Phật dạy chân thật bất hư.

Nói xong, cô lên giường, miệng mỉm cười và đôi mắt từ từ khép lại.

Cấp Cô Độc tuy đã chứng quả Tu đà hoàn nhưng không chịu nổi cảnh đau buồn mất mát cứ dâng lên trong lòng. Tang lễ xong, ông đến quỳ dưới chân Thế Tôn khóc sướt mướt. Đức Thế Tôn hỏi:

- Trưởng giả, vì sao ông đau buồn, khóc lóc khổ sở thế?

- Bạch Đức Thế Tôn, Xu-ma-na, con gái yêu thương của con mất rồi!

- Vậy hả! Thế ông khóc vì lẽ gì? Chết không phải là định luật tất yếu cho mọi người?

- Con vẫn biết thế, bạch Thế Tôn, nhưng con gái của con rất mực thông minh trí tuệ, hiền hòa khiêm tốn, làm việc gì cũng thành tựu viên mãn. Điều làm cho con đau khổ nhất là tư tưởng hoảng loạn của nó trước khi qua đời. Nó đã bỏ con ra đi trong cơn mê sảng. Bạch Thế Tôn, tội nghiệp con của con quá!

- Nhưng mà con gái của ông đã nói gì, này trưởng giả?

- Bạch Thế Tôn, con gọi nó là con gái cưng của cha, nó bảo con là em yêu quý của chị! Con bảo nó nói năng điên rồ, nó nói là chân thật bất hư. Sau đó nó nhẹ nhàng ra đi không một lời trăn trối.

- Này trưởng giả, Đức Thế Tôn nói, con gái ông nói năng nghiêm chỉnh, đâu có điên rồ!

- Vậy tại sao nó nói thế?

- Chỉ vì ông chính là em trai út của cô ấy. Này trưởng giả, con gái của ông đã chứng quả Tư đà hàm trong khi ông mới chứng quả Tu đà hoàn. Và như ông đã biết, tứ thánh quả là Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán. Cô ấy gọi ông em út là vậy đó.

- Mô Phật ... té ra là như thế!

Cấp Cô Độc chấp tay xá Đức Thế Tôn với ánh mắt hiện rõ nét cung kính và hoan hỷ.

- Nhưng ... chẳng hay hiện giờ con gái của con tái sanh nơi đâu, bạch Thế Tôn?

- Nơi cảnh trời Đâu Suất.

- Bạch Thế Tôn, khi sống với gia đình và bà con quyến thuộc, con của con lúc nào cũng an lành hạnh phúc, nay đầu thai nơi khác, nó cũng được an lạc êm đềm?

- Đúng vậy! Này trưởng giả, những ai chuyên tâm cần mẫn, nỗ lực tiến tu, tu sĩ hay cư sĩ đều được thong dong an lạc ở hai nơi.

Ngài đọc kệ:

Nay mừng, đời sau mừng,

Làm phúc hai đời mừng,

Hắn mừng: “Ta làm phúc”

Sanh căn lành, mừng hơn.

(PC. 18) 


 

BIỆN TÀI KIÊU MẠN MANG CHƯỚNG NGHIỆP
CHÁNH NIỆM KHIÊM CUNG HƯỞNG VÔ ƯU

Thuở nọ, tại Xá Vệ có hai người bạn tuổi tác chênh lệch nhưng rất thân nhau và coi nhau như anh em ruột. Một hôm, nhân theo Phật tử đến tu viện Trúc Lâm nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp, nhận ra lẽ vô thường biến dịch của vạn vật trên đời, họ đâm ra xem thường công danh, nhàm chán lạc thú, dốc lòng theo Phật, cầu đạo giải thoát. Sau năm năm thọ trì giới luật, học hỏi kinh văn với các vị giáo thọ, họ đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn, lâu nay chúng con được hân hạnh tu học với đại chúng, nhưng chưa biết nhiệm vụ của một Sa môn, xin Thế Tôn từ bi chỉ dạy.

- Vậy sao! Đức Thế Tôn nói. Nhiệm vụ chính yếu của một Sa môn là phải nghiên cứu kinh văn và tu tập thiền định. Có định thì có tuệ, có tuệ thì mới có từ bi, hỷ xả và giải thoát, phải vậy không?

- Đúng vậy! Vị Sa môn cao niên nói. Nhưng, bạch Thế Tôn, con nay tuổi già sức yếu, e khó mà thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu kinh văn, xin Thế Tôn cho phép con thực hiện nhiệm vụ tu tập thiền định.

- Được rồi! Vậy thầy hãy nỗ lực tinh tấn, y theo giáo pháp mà quán niệm hành thiền cho đến khi thành tựu đạo nghiệp.

- Bạch Thế Tôn, vị Sa môn trẻ nói, con sẽ hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu kinh văn. Con sẽ quyết tâm nghiên cứu toàn bộ tam tạng giáo điển, vì đó là những lời vàng ngọc của Đức Thế Tôn đã thuyết giảng.

Thế là, từ đó đi đâu thầy cũng trịnh trọng xiển dương giáo pháp. Chẳng mấy chốc thầy trở thành một pháp sư nổi tiếng, làm giáo thọ cho 500 Tỳ kheo và y chỉ cho mười tám cộng đồng Tăng già.

Bấy giờ có một nhóm Sa môn chuyên tu thiền định đến yết kiến Thầy mình, vị Trưởng lão tu thiền đã chứng quả A la hán, và ngỏ ý xin phép về thăm Đức Thế Tôn. Thiền sư đáp:

- Lành thay! Cho tôi gởi lời về hầu thăm Đức Thế Tôn, các vị Trưởng lão và pháp sư thân hữu của tôi.

Các Sa môn về Trúc Lâm đảnh lễ Đức Thế Tôn, viếng thăm các vị Trưởng lão rồi đến vấn an pháp sư, nói:

- Kính bạch Thượng tọa, Thầy chúng con xin gởi lời thăm sức khỏe Thượng tọa.

- Thầy của quý vị là ai? .- Pháp sư hỏi.

- Bạch Thượng tọa, Thầy của chúng con là pháp hữu của Thượng tọa.

- Thế ... quý vị đã học được gì với thầy ấy? Trong các Trường bộ kinh, Trung bộ kinh, Tiểu bộ kinh v.v... quý vị đã học được bộ nào? Trong ba tạng kinh điển, quý vị đã học được tạng nào?

Và rồi pháp sư tự nghĩ:

- Một bài kệ bốn câu không biết, chuyên môn lượm giẻ rách làm y, vào rừng ngồi lim dim suốt buổi, vậy mà nay cũng có môn đồ pháp quyến, sư đệ như ai! Có dịp ta sẽ hỏi sư ấy năm ba câu xem sao.

Ít lâu sau, vị Sa môn cao niên về thăm Đức Thế Tôn, các vị Trưởng lão và đến viếng pháp sư thân hữu. Được dịp trổ tài, vị pháp sư thông minh lanh lợi kia định lên mặt chơi khăm pháp hữu của mình thì Đức Thế Tôn liền nghĩ:

- Nếu khởi tâm khinh miệt, xúc phạm Thánh tăng thì thầy ấy có thể bị đọa địa ngục.

Vì lòng lân mẫn, Đức Thế Tôn giả vờ dạo quanh sân tu viện rồi ghé vào tịnh xá hỏi vị Sa môn thông thái đôi điều về thế giới hữu hình, vô hình;  và, để chứng tỏ tài bát thông kinh luận của mình, pháp sư lên giọng hùng hồn về ý nghĩa của dục giới, sắc giới, vô sắc giới; rồi nào là không vô biên xứ thiên, thức vô biên xứ thiên, vô sở hữu xứ thiên, phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên v.v... Thầy ấy giảng thao thao như gió reo thác đổ, Đức Phật và vị Sa môn cao niên rất hoan hỷ về tài hùng biện và trí nhớ tuyệt vời của pháp sư. Nhưng đến khi đức Thế Tôn hỏi làm thế nào thấy rõ thực tướng của vạn pháp và đoạn trừ sanh tử luân hồi thì pháp sư biện giải loanh quanh như kiến bò miệng chén, trong khi vị Sa môn chứng quả A la hán giải đáp vấn đề rõ ràng, dứt khoát bằng kinh nghiệm tu chứng của chính mình. Và Đức Thế Tôn tán thán:

- Hay thay!... Hay thay!... Sa môn!

Nghe Đức Thế Tôn tán thán vị Sa môn cao niên, môn đồ của pháp sư làu thông kinh điển lấy làm khó chịu, sau đó họ đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, hỏi:

- Bạch Thế Tôn, Thầy của chúng con biện tài vô ngại, trí nhớ tuyệt vời, và hiện là giáo thọ của 500 Tỳ kheo, vậy mà không được Thế Tôn tán thán; trong khi thiền sư kia chưa từng miệt mài kinh điển, chỉ biết nhập định tham thiền thì lại được ân huệ của Thế Tôn!

- Này các thầy Tỳ kheo, Đức Thế Tôn nói, các thầy nói sao? Nên biết thầy của các ngươi hành trì giáo pháp cũng như kẻ chăn bò thuê, ngày ngày lùa bò ra đồng, chăm sóc vỗ béo từng con, nhưng không có con nào là của mình cả, và cũng chả bao giờ nếm được hương vị của sữa bò. Còn vị Sa môn cao niên kia thì giống như ông chủ, không chăn bò mà hưởng được những sản phẩm tuyệt diệu từ sữa bò làm ra.

Ngài đọc kệ:

Dầu đọc tụng nhiều kinh,

Tâm buông lung cẩu thả,

Như kẻ chăn bò thuê,

Khó hưởng Sa môn quả!

 

Dầu đọc tụng ít kinh,

Nhưng hành trì giáo pháp,

Như thật, tâm giải thoát,

Từ bỏ tham sân si,

Hai đời không chấp trì,

Thọ hưởng Sa môn quả.

(PC. 19, 20)

 


 

MƯU SÂU CÀNG KẾT NGHIỆP DÀY
TÍN TÂM NIỆM PHẬT SẠCH NGAY OÁN THÙ

Ma-gan-đi-da (Màgandiyà) và Xa-ma-va-ti (Sàmavàti) là hoàng hậu và cung phi của quốc vương U-đe-na (Udena), một vị vua thông minh, anh dũng và rất mực hiền đức. Cung phi Xa-ma-va-ti, vốn thâm tín chư Phật, hướng dẫn 500 thị nữ quy y Tam bảo, cúng dường chúng tăng và tinh tấn nghe Pháp; trong khi hoàng hậu Ma-gan-đi-da thì nghi ngờ chánh pháp, hủy báng Tăng đoàn và thường ganh tị với cung phi Xa-ma-va-ti.

Một hôm, Ma-gan-đi-da đến cung thất của các thị nữ, thấy trong phòng có một lỗ trống, bèn hỏi:

- Cái gì thế này?

Không biết hoàng hậu căm tức Đức Thế Tôn, các thị nữ thưa:

- Đức Thế Tôn đã du hóa đến thành này, thị nữ chúng em đang đứng chờ chiêm ngưỡng dung nhan và đảnh lễ Ngài.

- Thế là tên ẩn sĩ Gô-ta-ma đã đến đây rồi!

Ma-gan-đi-da thầm nghĩ: “Ta biết phải làm gì. Bọn thị nữ rất thuần thành với gã. Các ngươi rồi sẽ biết tay ta”.

Nàng đến gặp quốc vương, tâu rằng:

- Tâu hoàng thượng, Xa-ma-va-ti và đám cung nữ hẳn đã không trung thành với hoàng thượng, bọn chúng đang âm mưu tước đoạt mạng sống của hoàng thượng đó.

- Họ không nỡ nào làm như vậy đâu! .- Quốc vương ngỏ lời xác tín.

Nàng lập đi lập lại lời cáo trạng hai ba lần, nhưng quốc vương vẫn không tin. Cuối cùng nàng khẳng định:

- Nếu hoàng thượng không tin thần thiếp thì xin mời hoàng thượng đến cung thất của họ sẽ rõ.

Quốc vương đến đó, thấy trên tường phòng nào cũng có một lỗ trống, bèn hỏi:

- Thế này là thế nào?

Sau khi nghe lời giải thích của họ là để chiêm ngưỡng dung nhan và  đảnh lễ Đức Thế Tôn, quốc vương đã không tỏ vẻ nóng giận, quát mắng, mà còn cho thay các lỗ trống bằng những cửa sổ xinh xắn.

Không trị được các cung nữ, Ma-gan-đi-da lại mưu tính:

- Bất cứ giá nào ta cũng phải triệt hạ cho được lão Gô-ta-ma.

Và thế là nàng mua chuộc dân chúng xúi giục đám nô lệ sỉ vả, lăng nhục và ra sức tẫn xuất Tăng đoàn ra khỏi thành thị. Giới ngoại đạo nhân đó lại càng lên mặt, cuồng ngôn lộng ngữ thóa mạ Đức Thế Tôn:

- Ngươi mà là Đạo sư! Ngươi chỉ là một tên trộm cướp đầu đường xó chợ, một gã ngu ngốc vất vưởng lang thang, một âm binh ma quái, một súc sanh trá hình, một loại trâu bò lừa ngựa; ngươi mà cũng mong cầu giải thoát, ngươi sẽ bị vĩnh kiếp đọa đày. Chúng vừa theo sau Ngài vừa vung vít lời lẽ rất hỗn xược trong khi Đức Thế Tôn vẫn thản nhiên theo từng bước thiền hành.

Thấy thầy trò bị xúc phạm, A Nan đau buồn, thưa:

- Bạch Thế Tôn, dân chúng ở đây hung dữ quá, mình nên đi nơi khác thì hơn.

- Nên đi đâu, A Nan? .- Đức Thế Tôn hỏi.

- Đến một thành phố khác, bạch Thế Tôn.

- Nếu ở đó có người hủy báng nữa thì sao?

- Thì đến thành phố khác nữa.

- Nếu bị hủy báng nữa?

- Thì đến nơi khác nữa.

- A Nan, ta như một thớt voi lâm trận, chấp nhận mọi cung tên và kham nhẫn mọi hủy báng. Có ai nghe voi than phiền giữa trận mạc bao giờ! A Nan, đừng phiền muộn nữa. Hãy tu tập hạnh nhẫn nhục. Chỉ trong bảy ngày thì mọi việc sẽ đâu vào đó. Và đúng như vậy, sau bảy ngày, mọi việc trở lại bình thường, tốt đẹp.

Âm mưu bài Phật bị thất bại, Ma-gan-đi-da lại bày ra một quỷ kế khác. Biết cung phi thị nữ là Phật tử trung kiên, nàng bèn quyết tâm triệt tiêu họ trước. Nhân một hôm quốc vương U-đe-na vui vầy trong yến tiệc, nàng mật sai cậu nàng mang đến tám con gà trống sống và tâu với quốc vương ra lệnh cho đám cung nữ làm thịt đãi hoàng thượng. Quốc vương chuẩn y. Các cung nữ được lệnh, liền tâu:

- Tâu hoàng thượng, chúng thần là Phật tử, không bao giờ sát hại sinh mạng, mong hoàng thượng lượng thứ.

Ma-gan-đi-da thừa thế, làm tới:

- Đấy! Hoàng thượng thấy chưa? Họ đâu có xem hoàng thượng ra gì! Lệnh của quốc vương từ nay không còn hiệu lực nữa rồi! .- Bỗng nàng gằn giọng:

- Hoàng thượng hãy lệnh cho họ làm thịt tám con gà trống đó để đãi Sa môn Gô-ta-ma xem sao.

Rồi nàng mật bảo nô tỳ mang tám con gà trống chết đến cho cung nữ và được họ chấp thuận làm tiệc ngay. Thế là Ma-gan-đi-da được trớn quát lên:

- Bọn nô tỳ đáng chết, dám khi quân phạm thượng. Hoàng thượng đã tin lời thần thiếp chưa? Phải mà! Thần thiếp có ra gì mà hoàng thượng phải tin! Giờ thì cháy nhà mới ra mặt chuột, rõ là nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà!

Quốc vương vẫn bình thản, xem như không có chuyện gì xảy ra.

Tức khí, Ma-gan-đi-da ngầm nhờ cậu nàng tìm một con rắn độc, bỏ nó vào lỗ ống tiêu luyện voi mà quốc vương đi đâu cũng mang theo, rồi cắm vào lỗ đó một cành hoa, chờ cơ hội thực hiện yêu kế.

Hôm sau, quốc vương đến lượt viếng khuê phòng của Xa-ma-va-ti, Ma-gan-đi-da liền cản:

- Tâu hoàng thượng, thần thiếp nghĩ hoàng thượng không nên đến đó hôm nay.

- Vì sao? Quốc vương hỏi:

- Đêm qua thần thiếp nằm mộng chẳng lành, e hoàng thượng ...!

- Ta không tin mộng mị.

- Tâu hoàng thượng, hay là cho thần thiếp theo hầu hoàng thượng để có gì xảy ra thì ...

Thế là sau khi dự tiệc vui thú với Xa-ma-va-ti, quốc vương nằm ngủ và để ống tiêu bên cạnh gối đầu. Ma-gan-đi-da giả vờ đứng hầu, rồi lén rút cành hoa, con rắn độc từ từ bò ra, phùng mang thở phì phì và Ma-gan-đi-da thét lên:

- Hoàng thượng! Hoàng thượng! Rắn độc! Cứu hoàng thượng với!... Người đâu!... Người đâu!...

Quốc vương thất kinh lăn xuống giường, Ma-gan-đi-da trợn mắt đay nghiến:

- Ta biết từ lâu rồi mà! Bọn đốn mạt vô lại kia lúc nào cũng muốn ám sát hoàng thượng. Hoàng thượng thấy chưa? Hoàng thượng có bao giờ nghe lời thần thiếp đâu!

Nhìn thấy con rắn thè thè cái lưỡi đen ngòm với đôi mắt đỏ ngầu, quốc vương vỗ bàn, hạ chỉ:

- Lôi Xa-ma-va-ti và 500 cung nữ ra pháp trường, sắp thành hàng một, Xa-ma-va-ti đứng đầu!

Và đích thân quốc vương trương cung nhắm ngay ngực  Xa-ma-va-ti bắn một phát, nhưng lạ thay, mũi tên bay đến ngực Xa-ma-va-ti thì rớt xuống đất. Quốc vương trợn mắt, buông cung, và tay chân run lẩy bẩy, vì mũi tên quốc vương bắn ra có thể xuyên thủng một tảng đá.

Xa-ma-va-ti chấp tay, quỳ xuống, và tâu rằng:

- Muôn tâu hoàng thượng, thần thiếp và cung nữ đã quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Chúng thần lúc nào cũng trang trải tình thương và tôn trọng sự sống.

Quốc vương cảm kích đến rơi lệ. Ngài dang hai tay, ngửa mặt lên trời, nói lớn:

- Huyền diệu thay!  Hỡi Đức Thế Tôn, đấng cha lành của nhân thế.

Mưu kế bị thất bại liên tục, lần này Ma-gan-đi-da lại nghĩ ra một quái chước oan nghiệt hơn. Nàng lệnh cho cậu nàng nhúng vải vào dầu rồi quấn chúng vào các trụ cột của cung thất Xa-ma-va-ti và thị nữ. Thấy vậy, Xa-ma-va-ti hỏi:

- Ngài đang làm gì thế?

- Xin quý nương nương hãy vào trong an nghỉ. Đây là lệnh của quốc vương muốn cột trụ được rắn chắc hơn.

Xa-ma-va-ti và đám cung nữ vừa vào trong thì các cửa được khóa chặt, và những ngọn lửa hung tàn chẳng mấy chốc đã xông lên rần rật một góc trời.

Xa-ma-va-ti lên tiếng nhắn nhủ:

- Này các tỷ muội, chắc các tỷ muội còn nhớ đấy! Đức Thế Tôn dạy: Chúng ta đã trải qua vô lượng vô biên kiếp sanh tử luân hồi trong đau thương khói lửa; nay chúng ta được may mắn làm người, lại được gặp Phật, Pháp và Thánh tăng; chúng ta hãy nhứt tâm chánh niệm, chánh niệm thì an lạc. Họ chí tâm niệm danh hiệu Đức Thế Tôn ba lần rồi cùng nhau đi vào chánh định trong ngọn lửa hung tàn.

Quốc vương nhìn thấy cảnh tượng ghê hồn mà ngậm ngùi than thở cho lòng dạ ghen ghét, ác độc của con người. Sau đó quốc vương ra lệnh bắt hết gia quyến của Ma-gan-đi-da, chôn họ tới cổ, rồi chất rơm trên đầu mà đốt cho đến tan xương nát thịt. Rõ là một bi kịch khủng khiếp trên cõi trần ai!

Các Sa môn hay tin, đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và thắc mắc không biết vì sao những Phật tử tinh tấn thuần thành, hiền lành, hiếu đạo như Xa-ma-va-ti và các cung nữ lại phải chết thảm như thế! Đức Thế tôn nói:

- Này các thầy Tỳ kheo, nếu nhìn những hiện tượng xảy ra trên cõi đời này thì lắm khi thấy bất công và phi lý lắm. Nhưng, như các thầy đã biết, trong vòng xích sanh tử luân hồi, mắc xích nào cũng có nguyên nhân và kết quả của nó. Nay thì Xa-ma-va-ti và các cung nữ đã thành tựu đạo nghiệp, thấp nhất là quả vị Tu đà hoàn.

- Nhưng, bạch Thế Tôn, họ đã làm gì mà nay lâm vào cảnh thê thảm như thế?

Vậy thì hãy lắng nghe, này các thầy Tỳ kheo.

*

*     *

Trong một tiền kiếp xa xưa, Xa-ma-va-ti và các cung nữ đó là thần phi mỹ nữ của quốc vương Bra-ma-đát-ta (Bramadatta) trị vì tại thành Ba La Nại. Một hôm đi thưởng ngoạn, tắm sông đến chiều tối, các phi tần thấm lạnh, họ bèn rủ nhau kiếm củi đốt lên sưởi ấm. Họ đã đốt nhầm một vị Phật Độc giác đang nhập định trên đống cỏ khô, và sau khi phát hiện, sợ vua nghiêm phạt, họ cố tình phi tang bằng cách chất thêm cỏ và đổ dầu lên đốt cho mau xong việc. Hành động trước thì vô tình, hành động sau thì cố ý. Thật là nhân quả trùng trùng, nghiệp cảm điệp điệp.

- Nhưng, bạch Thế Tôn, cái chết của Xa-ma-va-ti và các cung nữ cùng với cái chết của Ma-gan-đi-da có gì khác biệt?

- Này các thầy Tỳ kheo, những ai buông lung phóng dật, lòng dạ hẹp hòi, ghen ghét đố kỵ, thương mình hại người như Ma-gan-đi-da thì sống cũng như đã chết, còn ngược lại như Xa-ma-va-ti và các cung nữ thì chết cũng như đang sống.

Ngài đọc kệ:

Tinh cần là đường sanh,

Buông lung là ngõ tử,

Tinh cần là bất tử,

Buông lung như thây ma!

Hiểu rõ sai biệt ấy,

Người trí luôn tinh cần,

Hoan hỷ không phóng dật,

Vui thánh quả xuất trần.

Ai chuyên tập thiền định,

Quyết tâm tu vững vàng,

Giải thoát mọi trói buộc,

Chứng vô thượng niết bàn.

(PC. 21, 22, 23)

--- o0o ---