MẶC RỒI VIỆC LẠI TRĨU VAI THÊM
Tương truyền rằng trong khi Đức Thế Tôn đang an trú tại Xá Vệ thì có cậu thanh niên, con trai của một trưởng ty ngân khố, đến gần một Trưởng lão đang đứng khất thực trước nhà cậu và hỏi:
- Bạch Trưởng lão, con muốn hết khổ. Xin Trưởng lão từ bi chỉ cách cho con giải trừ đau khổ.
- Hay thay! Nguyện cầu thập phương Tam bảo gia hộ cho cậu được an lành.
Vị Trưởng lão chấp tay chú nguyện và tiếp:
- Nếu muốn hết khổ thì hãy phát tâm bố thí, cúng dường y phục, thực phẩm, phòng xá, thuốc thang v.v... cho Tăng chúng. Hãy chia tài sản ra làm ba phần: một phần để cậu kinh doanh, phần thứ hai cho vợ con, và phần thứ ba phụng sự Tam bảo.
- Hay thay! Bạch Trưởng lão.
Cậu thanh niên hứa làm đúng theo lời dạy của vị Sa môn. Sau đó cậu lại hỏi:
- Bạch Trưởng lão, con còn phải làm gì nữa?
- Nên quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, và thọ trì năm giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.
- Hay thay! Bạch Trưởng lão.
Cậu nguyện thọ trì tam quy, ngũ giới. Rồi cậu hỏi tiếp:
- Còn gì nữa, bạch Trưởng lão?
- Còn chứ! Sau năm giới, đến mười giới. Con nên giữ thêm năm giới nữa, tức là không được mang hoa, thoa hương, đánh phấn; không được ca, múa, đàn, hát, hoặc đi xem, nghe; không được ngồi giường cao, rộng lớn; không được ăn lắt nhắt, phi thời; và không được cất giữ vàng bạc, châu báu. Con thọ trì được không?
- Thưa được, bạch Trưởng lão.
Cậu phát tâm tôn kính Tam bảo và giữ gìn giới luật tinh nghiêm, nhưng cậu lại hỏi:
- Còn gì nữa, bạch Trưởng lão?
- Còn việc duy nhất nữa là cậu nên xuất gia làm Sa môn như bần tăng đây vậy.
Cậu thanh niên vô nhà thưa với cha mẹ rồi theo Trưởng lão đến gặp Đức Thế Tôn, xin quy y và làm đệ tử Ngài.
Sư được hai Trưởng lão hướng dẫn tu tập: một là thầy giáo thọ, chuyên về luận lý (Abhidhamma) và một là thầy giám luật, chuyên về giới luật (Vinaya). Khi học với thầy giáo thọ thì phải đạt cách lý luận sắc bén, ngữ khí hùng hồn; thế này hợp lý, thế kia phi lý v.v...Còn khi đến với thầy giám luật thì đâu là dung nghi đỉnh đặc, ngôn hạnh đoan trang, chỉ trì tác phạm v.v... Rồi còn phải khất thực, thiền hành, chấp tác!... Ôi, sao mà phải học, phải nhớ, phải làm nhiều thứ quá! Mệt quá! Cậu đâm ra chán nản, thối chí và thầm nghĩ: “Ở đời vốn khổ, vô chùa thoát khổ nhưng lại khổ hơn. Đúng là: “Vị trước ca sa hiềm đa sự, trước đắc ca sa sự cánh đa”. Thôi, thôi!... Ta phải về lại với cuộc sống gia đình, tự do hơn, thoải mái hơn; nhất là với vai trò một gia trưởng, khỏi phải trùng tuyên văn nghĩa và lễ nghi cung cách gì cả” .
Từ đó, sư đâm ra hoang mang, thất vọng, bất mãn, không thiết tha học hành và thực tập thiền quán. Sư mỗi lúc một gầy guộc, hốc hác, da thịt nhăn nheo, gân cốt nhô lên khắp người. Tâm trạng chán chường, mệt mỏi dằn vặt sư khiến cho toàn thân mang đầy sẹo vảy. Thấy sư tiều tụy cả thân tâm, các chú điệu và Sa di đến thăm sư, hỏi:
- Sư đi đứng ngồi nằm ở đâu mà mang bệnh tội nghiệp thế này?! Đừng buồn nghe! Chắc sư bị ung thư quá! Thấy sư ngày một teo tóp, da thịt rúm ríu, gân cốt lồi ra, còn sẹo sọ đầy người nữa chứ!... Sư đã làm gì đến nông nỗi này!
- Tôi chán quá!
- Vì sao?
Sư kể hết tâm sự cho các chú nghe, các chú kể lại cho hai thầy giáo thọ và giám luật biết, thế là hai Trưởng lão đưa sư đến gặp Đức Thế Tôn.
Thấy các Sa môn đến, Đức Thế Tôn hỏi:
- Các thầy đến có chuyện chi?
- Bạch Thế Tôn, sư này nản lòng, thối chí, không thích tu nữa.
- Sao vậy?... Các thầy nói thế có đúng không?
- Dạ... thưa đúng, bạch Thế Tôn!
- Thầy bất mãn về chuyện gì?
- Bạch Thế Tôn, con đi tu để cầu mong thoát khổ, nhưng vô chùa thấy còn khổ hơn. Đến thầy giáo thọ thì phải nghe, phải thuộc những đoạn văn lý luận dài dằng dặc; còn đến thầy giám luật thì phải luyện tâm dưỡng chí, trụ chỉ oai nghi với những giới luật khắt khe, vi tế. Mệt quá! Bạch Thế Tôn, con muốn hết khổ, nhưng lại chuốc khổ vào thân. Ở đây, con nghĩ, không còn một kẽ hở cho con dang tay hít thở khí trời. Bạch Thế Tôn, cho con về. Làm chủ hộ đỡ khổ hơn làm thầy tu.
- Này, thầy muốn giải thoát khổ đau, vậy mà thầy không hàng phục được một điều gây ra đau khổ.
- Dạ!... điều gì, bạch Thế Tôn?
- Thầy có thể điều phục được tư tưởng của thầy không?
- Dạ!... con có thể, bạch Thế Tôn.
- Vậy thì hãy nỗ lực phòng hộ tư tưởng của thầy.
Ngài đọc kệ:
Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
(PC. 36)
TÂM LANG THANG PHIÊU BẠT
ĐẬP QUẠT VÀO ĐẦU THẦY
Truyện kể rằng có một thanh niên thuộc dòng danh gia vọng tộc sống tại Xá Vệ. Sau khi nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp, cậu xin xuất gia, hội nhập Tăng đoàn, thọ cụ túc giới, và chỉ trong vài hôm, cậu chứng quả A la hán. Cậu được mệnh danh là Trưởng lão Xan-ga-ra-ki-ta (Sangharakkhita). Khi cô em út của Trưởng lão sanh được một bé trai, cô đặt tên cháu theo tên Trưởng lão, và do đóù cháu được gọi là cháu Xan-ga-ra-ki-ta. Đến tuổi trưởng thành, cháu được phép vào Tăng đoàn và mang cùng danh hiệu với Trưởng lão. Sau khi thọ giới sa di, chú được an cư với đại chúng trong ba tháng mưa tại một tu viện xa xôi ở nông thôn. Chú được cúng dường hai bộ y hậu, một dài, một ngắn. Chú quyết định cúng bộ y dài cho Trưởng lão y chỉ sư, và giữ lại cho mình bộ y ngắn hơn. Mãn mùa an cư, chú trở về thăm Trưởng lão y chỉ, và tiện đường thực tập thiền hành. Chú đến tu viện trước khi Trưởng lão đi khất thực và hóa duyên về. Chú quét dọn phòng ốc, trải bày tọa cụ, và chuẩn bị nước rửa tay chân cho Trưởng lão rất tươm tất. Khi Trưởng lão về, chú ra vái chào, mang hộ y bát và thỉnh Trưởng lão vào ngồi nghỉ trong chánh điện. Sau đó chú mời Trưởng lão uống nước, rửa chân cho Trưởng lão, rồi cầm chiếc quạt lá kè quạt hầu sau lưng ngài. Cuối cùng chú đặt bộ y hậu dưới chân Trưởng lão, quỳ xuống và thưa rằng:
- Bạch Trưởng lão, con xin kính cúng dường Trưởng lão bộ y này.
Tác bạch xong, chú tiếp tục hầu quạt.
Trưởng lão nói:
- Này Xan-ga-ra-ki-ta, thầy có bộ y hậu rồi. Con hãy cất nó đi mà dùng.
- Bạch Trưởng lão, từ khi con thọ nhận bộ y hậu này, con đã có ý định cúng dường nó cho Trưởng lão. Xin Trưởng lão nhận cho!
- Đừng bận tâm, Xan-ga-ra-ki-ta. Thầy có rồi. Hãy cất nó đi.
- Bạch Trưởng lão, xin đừng từ chối thiện ý của con. Nếu Trưởng lão mặc bộ y hậu này, con nhất định sẽ được phước lớn.
Chú tác bạch nhiều lần nhưng Trưởng lão vẫn không chấp thuận lời thỉnh nguyện. Thế rồi chú tự nghĩ: “Khi Trưởng lão còn là cư sĩ, thì ta là cháu kêu người bằng cậu. Nay ngài là Sa môn, thì ta là pháp quyến của ngài. Ngài còn là y chỉ sư của ta, thế mà ngài không thèm san sẻ với ta chút tình thiêng liêng huyết tộc. Vậy ta ở chùa làm gì? Làm Sa môn cầu đạo phỏng có ích chi! Thà làm nghiêm đường chủ hộ còn hơn” .
Rồi chú lại nghĩ: “Thật khó mà thích nghi với cuộc sống gia đình. Giả sử ta là một gia trưởng, ta sẽ sinh sống ra sao?” .
Cuối cùng, cậu suy nghĩ: “Ta sẽ bán bộ y dài, mua một con dê cái. Dê cái có lợi lắm. Chúng chóng sanh con. Ta sẽ bán dê con, tích lũy vốn liếng dần dần, rồi sẽ kiếm một cô vợ. Vợ ta sẽ sanh cho ta con trai, và ta sẽ đặt tên nó theo tên cậu ta. Ta sẽ đặt con trai ta trên một chiếc xe đẩy, đưa vợ con đến đảnh lễ người. Rồi khi đi trên đường, ta sẽ bảo vợ ta:
“Hãy đưa con cho anh bế một chút, em ạ!”
Nàng đáp:
“Anh bế con không được đâu! Hãy đến đây đẩy xe và ngắm con cười nè” .
Nói xong, nàng bế con, và nựng:
“Cục cưng của mẹ đây!... Cục cưng của mẹ đây!...”
Bất giác nàng sẩy tay, đánh rơi con xuống đường, và bị chiếc xe cán qua em bé. Thế là ta trợn mắt mắng nàng:
“Cô tệ lắm! Cô không cho tôi bế con. Yếu như sên mà ra bộ tài giỏi. Cô hại tôi rồi!”
Nói xong, ta chụp lấy cành cây bên đường và quất cho nàng mấy phát vào lưng chí tử...
Đứng quạt hầu Trưởng lão mà đầu óc cứ chạy nhảy theo vọng tưởng liên miên, đến khi giật mình sực tỉnh thì chú đập phải chiếc quạt vào đầu Trưởng lão. Ngài thầm nghĩ: “Tại sao Xan-ga-ra-ki-ta đập quạt vào đầu ta?”
Ngay tức khắc, ngài thấy rõ từng ý nghĩ đã diễn ra trong đầu óc của thằng cháu. Ngài nói:
- Xan-ga-ra-ki-ta, đánh phụ nữ không được thì trút căm tức lên đầu ông già này phải không? Già này đã làm gì nên tội hè?!
Chú sa di liền nghĩ: “Thôi, chết rồi! Hình như thầy ta đã biết hết mọi thứ suy nghĩ trong đầu ta rồi. Ta còn mặt mũi nào là thầy tu nữa đây!” .
Chú vội quăng chiếc quạt và cắm cổ chạy, nhưng các chú điệu và Sa di khác đuổi theo, bắt được chú, và đưa chú đến gặp Đức Thế Tôn.
Thấy các chú Sa di đến, Đức Thế Tôn hỏi:
- Các chú đến có chuyện chi?
- Bạch Thế Tôn, chú này tự nhiên bỏ chạy, không biết chú bất mãn hay u uất điều gì. Chúng con đã chạy theo, bắt được chú, và đưa chú về đây.
- Này, những gì họ nói chú thấy có đúng không?
- Dạ... thưa đúng, bạch Thế tôn!
- Tại sao chú làm một việc kỳ cục thế? Chú không phải là tu sĩ ở thiền môn? Mai sau chú không phải là Như Lai sứ giả? Chú không muốn trở thành một tam thừa tứ quả giải thoát tăng? Chú thật có lỗi đấy nhé!
- Bạch Thế Tôn, con chán quá! .- Chú vừa thưa vừa khóc.
- Chán vì nỗi gì?
Chú Sa di kể lại tự sự từ lúc nhận y cho đến khi đập quạt vào đầu Trưởng lão, nhất là những tâm tư vọng tưởng phiêu bạt trong đầu. Và cuối cùng chú thú thực:
-Bạch Thế Tôn, con chán nản và sợ quá nên bỏ chạy.
- Này, con lại đây.- Đức Thế Tôn gọi.
Chú đến quỳ dưới chân Đức Thế Tôn. Ngài đưa tay xoa đầu chú Sa di trẻ đẹp, dễ thương, và nói:
- Đừng phiền muộn nữa. Tâm tư lang thang, dong ruổi và vướng mắc đủ thứ như thế. Phải tự nỗ lực tháo gỡ ba mối ràng buộc tham, sân, si thì mới được tự do, tự tại. Ngài đọc kệ:
Tâm lang thang cô độc,
Vô hình, ẩn hang sâu,
Người điều phục tâm rồi,
Hẳn thoát vòng ma buộc.
(PC. 37)
ĐẾN CHÙA THẤY CẢNH MUỐN TU
VỀ NHÀ LỊU ĐỊU CÔNG PHU KHÓ TRÒN
Truyện kể rằng một hôm có một thanh niên thuộc gia đình khá giả, sống tại Xá Vệ, vào rừng tìm một con bò đực đi lạc. Cậu phải vất vả luồn lách từ bụi gai này đến lùm cây nọ mới tìm thấy nó vào lúc giữa trưa. Phần mệt mỏi, đói khát; phần nắng nóng gay gắt, cậu tự nghĩ:
- Ta nên vào chùa xin quý sư chút gì lót lòng.
Cậu đến gặp các sư, chấp tay cúi đầu chào lễ phép, và cung kính đứng sang một bên. Bấy giờ còn một ít thức ăn thừa đựng trong thố, các sư thấy cậu mồ hôi đẫm áo, mặt mày hốc hác, bèn nói:
- Trông cậu có vẻ đói và khát đấy. Còn thức ăn đó, hãy ăn đi.
Cậu thanh niên đưa hai tay lên trán xá xá, rồi bê thố cơm ăn ngon lành. Ăn xong, cậu rửa tay, uống nước, và thưa:
- Bạch quý sư, hôm nay quý sư có dự lễ trai tăng?
- Không! Chúng tôi đi khất thực như thường lệ.
Cậu thanh niên liền nghĩ: “Dù ta có ngày đêm lao tác khổ nhọc đến đâu cũng khó mà có được thực phẩm bổ dưỡng như thế này. Còn các sư thì tứ thời sung túc, ăn uống thoải mái, ngủ nghỉ thanh nhàn. Ôi, cuộc sống tu hành sao mà ung dung, thư thái thế! Ta sẽ từ bỏ lối sống thế tục, lên đường làm Sa môn” .
Sau đó cậu xin xuất gia, được Đức Thế Tôn chấp nhận và cho gia nhập Tăng đoàn. Cậu siêng năng tu tập và hoàn tất mọi nhiệm vụ của một tân Sa môn. Và sau một thời gian sinh hoạt điều độ, tránh dãi nắng dầm mưa với ngày ngày hai buổi lùa bò vào rừng, cậu đỏ da thắm thịt và quắc thước hẳn ra.
Nhưng rồi cậu thầm nghĩ: “Tại sao ta phải hành nghề khất sĩ, sống nhờ vào thực phẩm của bá tánh thập phương? Ta phải tự lực cánh sinh, phải tay làm hàm nhai mới rõ mặt anh hào” .
Thế là cậu trở về nhà, tiếp tục nếp sống năm xưa. Cậu cày cuốc đào bới chỉ mấy tuần mà tay chân chai lì, mặt mày sạm nám. Sau đó cậu thì thầm:
- Khổ ơi là khổ! Tại sao ta tự đeo gông vào cổ? Ở chùa sướng vậy không tu, về nhà thổi lửa khói mù mắt luôn! Ta phải làm Sa môn thôi.
Cậu đến chùa xin tu lại, làm thị giả quý sư, và chỉ được ít lâu thì đâm ra bất mãn, cáu gắt, rồi lén bỏ chùa trở về nhà. Nhưng ở nhà được mấy ngày thì tâm can ray rứt, bức bách khó chịu đến nỗi cậu phải thốt lên:
- Tầm thường quá! Tẻ nhạt quá! Quanh quẩn mãi cũng chỉ ngần ấy chuyện, lắm thê nhi là muôn kiếp trầm luân.
Nói xong, cậu đi thẳng đến gặp Tăng đoàn xin sám hối. Thấy cậu lễ lạy thiết tha, và nhất là đã một thời tận tình phục vụ quý sư, cậu được phép xuất gia một lần nữa. Và như thế là cậu đã liên tục vào ra giáo hội sáu lần. Các sư đùa với nhau: “Sư ông dao động tâm tư, khi vui thì đến khi đừ thì đi.” Và cậu được cho pháp danh là Tâm Phục, sư Tâm Phục (Cittahattha).
Vì đi về như thế nên vợ cậu có thai. Lần thứ bảy, cậu mang cuốc cào từ rừng về nhà, cất chúng xong, vào phòng riêng, và ngồi ngẫm nghĩ: “Ta sẽ khoác lại y vàng. Cuộc sống thế gian sao mà nặng nề trầm nịch quá!” .
Bấy giờ vợ cậu đang nằm ngủ sõng sượt trên giường, chỉ có một mảnh đồ lót che thân, miệng mở toang hoác, nước miếng chảy ra thành dòng, lại còn ngáy rồ rồ nghe phát tởm. Cậu thấy nàng như một xác chết sình trương. Rồi một ý nghĩ nghiêm mật hiện ra trong đầu cậu: “Mọi thứ trên đời đều vô thường - khổ - không - vô ngã. Vì nàng mà ta đã bao phen vào ra nơi tôn nghiêm tịnh địa, không tiếp tục được cuộc sống thiền môn” .
Cậu chụp lấy chéo y vàng, vọt ra khỏi nhà, cột y quanh bụng và cắm đầu chạy một mạch đến tu viện.
Thấy chàng rể hành động khác thường như thế, bà mẹ vợ vào phòng, thấy con gái đang nằm tênh hênh gớm ghiếc mới vỡ lẽ, bèn thầm trách:
- Phơi ra bầy hầy thế này bảo ai không gớm! Đúng là nái sề!
Bà quát:
- Dậy! Đồ thứ đàn bà thối! Thấy mày ngủ trơ tráo như súc vật nên chồng mày ghê tởm và bỏ đi rồi.
- Cái gì! Đi đâu? Đi đâu rồi nó cũng về. Mẹ khỏi lo. Nàng vừa vung tay vừa quát nhưng đôi mắt vẫn nhắm nghiền.
Chít-ta-ha-tha vừa chạy vừa lẩm bẩm:
- Vô thường! Vô thường! Tất cả đều vô thường - khổ - không - vô ngã.- Và cậu chứng ngay sơ quả Tu đà hoàn.
Đến tu viện, cậu đảnh lễ Tăng đoàn, khẩn khoản xin tu lại, nhưng các sư không chấp nhận, nói:
- Thiền môn chúng tôi không dám nhận cậu vào giáo hội nữa. Phàm việc gì cũng sự bất quá tam, đây cậu quá lục, sợ lắm! Đầu óc cậu giống như viên đá mà!
- Kính lạy Thế Tôn, kính bạch đại chúng, lần này con quyết chí tu hành, xin thương con, hu!... hu!...
Thấy cậu quỳ khóc nức nở, tỏ vẻ thiết tha; vả lại cậu cũng rất có tình với Đức Bổn Sư và đại chúng, nên cậu lại được Thế Tôn cho vào Tăng đoàn tu tập. Và chỉ vài hôm sau, cậu chứng quả A la hán với vô lượng phép mầu vi diệu.
Sau đó đại chúng nhắc khéo thầy:
- Này, Chít-ta-ha-tha, chỉ có sư mới quyết định được ngày đi, ngày về đấy nhé! Kỳ này tu hành như vậy là đủ lắm rồi!
- Thưa quý tôn huynh, đệ đã bị thế trần ràng buộc. Nay đệ đã cắt đứt xích xiềng, giải thoát hệ lụy, đệï không muốn đi nữa.
Hơi ngạc nhiên, các sư đến gặp Đức Thế Tôn, thưa:
- Bạch Thế Tôn, Chít-ta-ha-tha khẳng định là đã đoạn tuyệt dục trần, như vậy là vọng ngôn hay chánh ngữ?
- Chánh ngữ! .- Đức Thế Tôn đáp. Khi tâm không an định thì có đến có đi. Nay Chít-ta-ha-tha đã liễu ngộ chánh pháp, vượt qua thiện ác thì đâu còn khái niệm đi và đến.
Nói xong, Ngài đọc kệ:
Người tâm không an định,
Chánh pháp không liễu tri,
Tín tâm bị lung lạc,
Trí tuệ chẵng đạt gì.
Người tâm không ái dục,
Không bị sân nhuế hành,
Vượt trên mọi thiện ác
Tỉnh giác hết sợ quanh.
(PC. 38 -39)
Rồi một hôm, sau thời tịnh niệm trong chánh điện, các Sa môn bắt đầu bàn tán:
- Quý huynh đệ thấy đấy, bảy lần xuất gia hoàn tục, tham dục buộc ràng, vào ra thênh thang mà chứng thành đạo quả! Nghĩ mà tủi cho thân phận phước mỏng nghiệp dày của anh em chúng mình.
Nghe các Sa môn nhỏ to bàn luận, Đức Thế Tôn vào chánh điện, ngồi đúng vị trí của mình, và hỏi:
- Các thầy có gì vui mà bàn tán sôi nổi vậy hè?
Rồi không đợi trả lời, Ngài tiếp:
- Đúng vậy, này các thầy Tỳ kheo, tham dục quả thật rất nguy hại. Chúng có thể phá vỡ mọi công trình nguy nga, thánh thiện. Chúng có thể lôi kéo con người từ bệ phóng cao sang xuống tận nấc thang cơ hàn, cùng khổ. Ai có thể mô tả hết những tác hại rợn người của chúng đối với vạn loại hữu tình? Ngay chính ta đây, trong một tiền kiếp, chỉ vì nửa lon đậu giống với một cái mai cùn mà phải sáu lần khoác áo cà sa, về nhà thế tục.
- Hồi nào? Bạch Thế Tôn!
Các Sa môn hỏi mà rởn ốc cả người.
- Các thầy muốn nghe truyện này sao? Vậy thì hãy lắng nghe, này các thầy Tỳ kheo.
*
* *
Thuở xưa, khi Bra-ma-đát-ta (Brahmadatta) trị vì xứ Ba La Nại, có một nhà thông thái tên là Mai hiền giả, Ku-đa-la (Spade sage, Kuddala). Ông là một tu sĩ thuộc phái ngoại đạo, ẩn cư tám tháng trong rặng Hy Mã Lạp Sơn. Vào một đêm mưa đầu mùa thoáng mát, mặt đất ẩm ướt, ông liền nghĩ: “Ta có nửa lon đậu giống và một cái mai cùn. Chắc đậu chưa hư” .
Thế là ông quay về nhà, băm xới một lô đất nho nhỏ, gieo hết hạt đậu, và cẩn thận làm một hàng rào bao quanh nó. Đến khi đậu chín, ông nhổ chúng lên, lặt hái để dành nửa lon đậu giống, phần còn lại cất làm lương thực. Rồi ông lại thầm nghĩ: “Tại sao ta phải sống cuộc đời thế tục lụi đụi thế này? Ta sẽ vào Hy Mã Lạp Sơn tu thêm tám tháng” .
Ông giã từ gia môn, khoác áo thầy tu một lần nữa. Như thế đấy, chỉ vì nửa lon đậu giống và một cái mai cùn mà ông phải bảy lần về nhà ra núi.
Đến lần thứ bảy, ông thầm nghĩ:
- Ta đã bảy lần xuất gia, rồi hoàn tục. Tất cả chỉ vì cái mai cùn quái ác này. Ta sẽ vất quách nó đi cho rồi.
Ông đi đến bờ sông Hằng, mang theo nửa lon đậu giống và cái mai cùn. Đứng trên bờ sông, ông suy nghĩ: “Nếu ta thấy những thứ này rơi nơi đâu thì ta buộc phải xuống sông tháo gỡ chúng ra. Chi bằng cẩn thận ném thế nào để khỏi nhìn thấy điểm rơi của chúng. Ông liền gói nửa lon đậu giống trong một miếng vải, và cột nó vào cán mai. Sau đó ông nhắm mắt, cầm đầu cán mai quay tròn ba vòng trên không, rồi ném mạnh một cái. Ông quay lui để khỏi nhìn thấy cái mai rơi xuống sông, và ông reo lên ba lần: “ Ta đã chiến thắng rồi! Ta đã chiến thắng rồi!”
Ngay lúc đó, quốc vương Ba La Nại, từ cuộc dẹp loạn biên cương trở về, dựng trại bên bờ sông Hằng, xuống sông tắm, và nghe tiếng reo sảng khoái: “Ta đã chiến thắng rồi! Ta đã chiến thắng rồi!”, tiếng reo mà xưa nay không một vua chúa nào thích lọt vào tai. Quốc vương đến gặp Chít-ta-ha-tha, gằn giọng hỏi:
- Ta vừa bắt kẻ thù phủ phục dưới chân ta, và ta đã trở về trong vinh quang hiển hách. Trong thâm tâm ta đang vang lên khúc nhạc: “Ta đã chiến thắng!” Còn ngươi, ngươi vừa hô to: “Ta đã chiến thắng rồi!” là nghĩa thế nào?
Mai hiền giả đáp:
- Quốc vương chinh phục đạo tặc và thổ phỉ bên ngoài. Chiến thắng đó rồi sẽ bị kẻ khác chiếm lại. Còn thảo dân đã chinh phục được kẻ thù bên trong, đó là tên cướp tham dục. Hắn sẽ không bao giờ chế ngự thảo dân được nữa. Thắng được hắn mới xứng danh là chiến thắng đích thực.
Nói xong, hiền giả đọc kệ:
Chinh phục giặc ngoại xâm,
Chưa phải là toàn thắng,
Người dứt tâm tham đắm,
Là đích thị thắng nhân.
Lúc bấy giờ, hiền giả chuyên tâm trầm tư quán tưởng các yếu tố cấu tạo nước trên dòng sông Hằng, và bỗng nhiên đại ngộ. Người đứng lên, ngồi kiết già giữa hư không, và tuyên thuyết pháp thoại. Quốc vương vô cùng kinh ngạc, định tâm lắng nghe, rồi sụp lạy tôn giả và xin làm tu sĩ. Một quốc vương khác thuộc nước láng giềng, nghe tin vua Ba La Nại từ bỏ ngai vàng, xuất gia hành đạo, bèn nghĩ: “Nhân cơ hội này ta sẽ tiến quân thôn tính vương quốc của hắn” .
Nhưng khi đến nơi, thấy kinh thành trù phú, dân tình hiền hòa, nhà vua thầm nghĩ: “Một quốc vương có thừa uy dũng, cai trị một nước hùng mạnh, đô thị nguy nga, quân dân hòa mục, vậy mà quyết bỏ quốc thành thê tử, phát nguyện tu hành, thật là hy hữu! Ta cũng nên theo gương ngài” .
Quốc vương đến gặp tôn giả, thành tâm đảnh lễ, xin ngài xuất gia và được cộng trú với đồ chúng. Tương tự như thế, bảy quốc vương lần lượt từ bỏ ngôi vua, dốc lòng đầu trần chân đất, đó đây khất thực qua ngày, và cùng với pháp lữ du hóa bốn phương. Tôn giả đã thể hiện nếp sống thánh thiện, và cuối cùng đạt đến cảnh giới Phạm thiên.
Đức Thế Tôn dừng lại trong giây lát, đảo mắt nhìn một lượt các thầy rồi mỉm cười, nói:
- Này các thầy Tỳ kheo, như các thầy suy đoán, lúc đó ta chính là Mai hiền giả. Nên biết tham dục nguy hại như vậy.
TỪ BI LÀ VŨ KHÍ
HÀNG PHỤC SẠCH MA QUÂN
Truyện kể rằng tại Xá Vệ có 500 Sa môn lãnh thọ yếu chỉ thiền quán từ Đức Thế Tôn rồi đến một ngôi làng rộng lớn cách xa hàng trăm dặm. Dân chúng thấy đoàn Sa môn nghiêm trang từng bước tiến vô làng, họ cùng nhau đem lễ vật, thức ăn, nước uống ra nghinh tiếp, cúng dường Tăng đoàn, và hỏi:
- Kính bạch quý sư, quý sư đi đâu?
- Đến một nơi tạm ổn, thưa thí chủ.- Các Sa môn đáp.
- Vậy thì phước cho chúng con. Xin thỉnh quý sư ở lại đây an cư ba tháng. Chúng con sẽ được dịp thân cận quý sư, nương tựa Tam bảo và thọ trì giới luật. Vị côi cả trong làng chấp tay thưa.
- Lành thay!... Lành thay!...
Sau đó, thấy các sư đông quá, họ đổi ý:
- Bạch quý sư, có một cánh rừng rộng cách đây không xa, các sư có thể an trú, tu tập tại đó.
Thế là đoàn Sa môn phải tiếp tục cuộc hành trình đến khu rừng nọ.
Bấy giờ các thần linh, yêu quái trong rừng liền nghĩ: “Đoàn Sa môn đã đến rồi. Nếu họ lưu trú nơi đây thì thật là bất lợi cho ta về nhiều phương diện” .
Chúng từ trên cây cao xuống ngồi dưới đất tiếp tục suy nghĩ, tìm cách trấn an:
- Nếu các Sa môn ở lại đây đêm nay thì sáng mai chắc họ sẽ đi.
Nhưng ngày hôm sau, sau khi khất thực và thiền hành quanh làng, các Sa môn lại trở về cánh rừng trú xứ.
Các thần linh thầm nghĩ:
- Hẳn là đã có thí chủ thỉnh Tăng đoàn thọ trai nên họ đã trở về lại nơi đây. Ngày mai chắc chắn là họ sẽ đi thôi.
Chúng ngồi trên mặt đất trầm tư suy diễn qua hai tuần như thế, rồi chúng khẳng định:
- Rõ ràng là đoàn Sa môn đã quyết tâm ở lại đây ba tháng. Như vậy thì rất bất tiện cho nếp sinh hoạt gia đình chúng ta, nhất là ta phải ngồi thừ ra thế này. Bằng cách nào chúng ta cũng phải trục xuất họ. Thế là chúng thực hiện quỷ kế hù dọa bằng cách biến hóa ra nhiều hình dạng âm binh, ma quỷ: khi lơ lửng chiếc đầu không mình, lúc sừng sững thân hình không đầu, đặc biệt là vào lúc nửa đêm, bốn bề hoang vắng, từ trong bụi cây, hốc đá vang ra những âm thanh kỳ dị, nghe rởn ốc, rợn người; trong lúc đó cơ thể các Sa môn bỗng dưng bất an: hắc hơi, sổ mũi, ho khan v.v... và tâm tư dao động về những bóng dáng âm binh, cô hồn chập chờn, ẩn hiện. Tăng đoàn đồng lòng quyết định từ bỏ trú xứ, trở về bổn tự với Đức Thế Tôn.
Họ rời khỏi cánh rừng rắc rối, đi thẳng về gặp Bổn Sư, cung kính đảnh lễ Ngài, rồi ngồi sang một bên.
Đức Thế Tôn hỏi:
- Vì sao các thầy trở về? Ở đó không tiện cho việc tu tập sao?
- Dạ!... rất bất tiện, bạch Thế Tôn. Chúng con bị nhiều ám ảnh rùng rợn. Chúng cứ diễn đi diễn lại hoài trước mắt; khủng khiếp nhất là những âm thanh quái dị, tru tréo cả đêm, nên thân tâm chúng con thường bị bất an, dao động, dẫn đến lâm bệnh thời khí khá nhiều. Bạch Thế Tôn nơi đó quả thật nhiễu loạn, chúng con phải lui về thôi.
- Các thầy nên trở lại nơi đó.
- Dạ... không được, bạch Thế Tôn!
- Các thầy thấy đấy! Lần trước các thầy đi với hai bàn tay trắng, không một vũ khí hộ thân. Lần này các thầy đi phải mang theo vũ khí.
- Vũ khí gì, bạch Thế Tôn? Thầy trò mình tu hành có vũ khí gì đâu! .- Các Sa môn hỏi với gương mặt hồn nhiên, ngơ ngác.
- Được rồi, ta sẽ trao vũ khí cho các thầy.- Đức Thế Tôn nói.
Sau đó Ngài tụng toàn phẩm kinh Từ Bi (Metta sutta) với những lời mở đầu như sau:
Người khéo luyện thiện tâm,
Đạt cảnh giới tịch tịnh,
Ắt thường niệm chân chính,
Chánh trực và hiền hòa,
Nhu nhuyến điều phục ma,
Diệt trừ mọi kiêu mạn.
Tụng xong, Đức Thế Tôn nhắn nhủ như lời kệ:
Này các thầy Tỳ kheo,
Hãy tụng kinh Từ Bi,
Nơi núi rừng cô quạnh,
Dù không nơi thanh cảnh,
Cũng sẽ được an lành,
Vào tịnh địa rừng xanh,
Sẽ có ngay am thất.
Theo lời huấn thị, các Sa môn đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi lên đường trở lại cánh rừng tu tập. Trước khi vào trú xứ, các sư đều tụng kinh Từ Bi, và thần linh ở rải rác khắp nơi đều cảm thấy hân hoan, mát mẻ trong lòng. Chúng kéo nhau đến vấn an Tăng đoàn, xin được mang y bát, đem nước rửa chân tay các sư, và phát nguyện hộ trì cánh rừng nghiêm mật. Từ đó, không một hồn ma vất vưởng, chờn vờn; không một âm thanh oán than, văng vẳng. Tâm tư các sư mỗi lúc một an nhiên, định tĩnh; tự tâm soi chiếu, nội thủ u nhàn; và ngày đêm quán niệm về lẽ suy vong của sắc thân ngũ uẩn:
Căn thân vốn mong manh,
Bấp bênh và dễ vỡ,
Như lọ sành sặc sỡ,
Sớm muộn sẽ tan hoang.
Đức Thế Tôn đang thiền định trong tịnh thất, thấy các Sa môn đã phát huy cao độ năng lực thiền quán, bèn tuyên thuyết pháp thoại cho họ:
- Đúng thế! Đúng thế! Này các thầy Tỳ kheo, thân này vốn thật mong manh. Bấp bênh dễ vỡ như bình sứ thôi.
Thuyết xong, Ngài phân thân trong ánh hào quang đến ngồi hiện diện trước mặt các Sa môn, đọc kệ:
Biết thân như nồi đất,
Trụ tâm như thành trì,
Đánh ma bằng gươm trí,
Thủ thắng, đừng lụy gì.
(PC. 40)
RA TAY SĂN THÚ BẪY CHIM
KẾT DÂY OAN NGHIỆT TỰ TÌM KHỔ ĐAU
Có một thanh niên thuộc hàng trưởng giả, gia tộc nhiều đời giàu sang phú quý, và sinh sống tại Xá Vệ. Một hôm nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng chánh pháp, cậu nhận thức được giá trị đích thực của hạnh viễn ly thế tục, bèn dốc lòng cầu đạo, từ giã gia đình, xin Phật xuất gia, được Ngài thọ ký, và cho vào Tăng đoàn với pháp danh là Ti-xa (Tissa). Thấy thời giờ như tên bắn, năm tháng tợ thoi đưa, sư Ti-xa dốc tâm thọ trì giới luật, tinh cần nghiên cứu kinh văn, nhưng rủi thay toàn thân sư bỗng dưng nổi đầy mụt nhọt. Lúc đầu chúng to bằng hạt cải, sau đó chúng phát triển dần dần bằng hạt bắp, hạt đậu, và cuối cùng chúng vỡ ra, mủ máu rịn chảy loang lổ khắp người, đau nhức vô cùng, tanh hôi khủng khiếp. Bấy giờ sư được gọi là Trưởng lão Pu-ti-ga-ta Ti-xa (Putigatta Tissa). Sau một thời gian, xương cốt của sư bắt đầu rệu rạo, cơ bắp bèo nhèo, y phục nhăn nheo vì mủ máu kết thành từng mảng khô cứng. Các bạn đồng môn pháp lữ đều động lòng thương xót, nhưng không ai dám đến gần chăm sóc sư. Sợ bịnh tật lây lan, họ đành phải nhẫn tâm khiêng luôn chiếc giường sư nằm ra ngoài và để trên mặt đất dưới một tàng cây râm mát.
Bấy giờ chư Phật, theo thông lệ, mỗi ngày nhập từ bi quán hai lần: buổi sáng quán sát vạn loại hữu tình, buổi tối chiếu rọi muôn loài vô thức. Đức Thế Tôn, từ tịnh thất tôn nghiêm, trải tâm lân mẫn, soi khắp tam thiên đại thiên thế giới, bắt gặp Sa môn Ti-xa đang độ chín muồi trên đường tu chứng A la hán. Ngài tự nhủ:
- Sa môn này đã bị huynh đệ thiền môn bỏ rơi, không được ai đoái hoài thương tưởng. Nếu ta không dang tay tiếp sức, không an ủi trông nom thì sư còn biết nương tựa vào đâu.
Đức Thế Tôn liền xả định, ra ngoài thiền thất, giả bộ dạo quanh tu viện một vòng, rồi đi thẳng vào nhà un lửa. Ngài lấy một chiếc ấm đất khá lớn, rửa sạch, đổ đầy nước, xong bắt nó lên lò và nổi lửa đun. Khi thấy nước sắp sôi, Ngài đến đứng cạnh giường Ti-xa, nhìn sư một lượt bằng ánh mắt từ ái, cảm thông, như người mẹ hiền nhìn đứa con thoi thóp mà vô phương cứu chữa căn bệnh hiểm nghèo, cô đặc nghiệp lực. Sợ Đức Thế Tôn lây bịnh, các sư lớn tiếng thưa:
- Bạch Thế Tôn, mời Thế Tôn đi cho. Chúng con sẽ khiêng sư đó vào phòng.
Họ khiêng Ti-xa vào phòng nấu nước. Đức Thế Tôn tự tay cởi y phục Ti-xa, lấy nước nóng tắm rửa, lau chặm từng vết lở nhầy nhụa khắp thân thể. Sau đó Thế Tôn cho khiêng sư ra ngoài ánh nắng mặt trời để hong khô mụt nhọt. Khi toàn thân được khô ráo, Đức Thế Tôn cũng tự tay mặc y hậu vàng tươi cho Ti-xa. Cảm thấy toàn thân khinh khoái, tâm trí tinh anh, Ti-xa chấp tay nhìn Đức Thế Tôn với ánh mắt lung linh và nụ cười hàm tiếu. Thế Tôn đứng cạnh gối Ti-xa, nói:
- Này Sa môn Ti-xa, ý thức tư duy sắp từ giã thầy rồi đó. Căn thân thầy sắp thành vô dụng như khúc gỗ mục nằm bên vệ đường.
Nói xong, Ngài đọc kệ:
Rồi đây thân xác này,
Sẽ nằm dài trên đất,
Bị vất nằm vô thức,
Như gỗ mục bên đường.
(PC. 41)
Đức Thế Tôn vừa đọc kệ xong thì Trưởng lão Pu-ti-ga-ta Ti-xa chứng quả A-la-hán và vào Niết-bàn ngay. Đức Thế Tôn làm lễ hỏa táng cho Trưởng lão, thu nhặt xá lợi và dựng tháp tôn trí.
Thấy cử chỉ ân cần của Đức Thế Tôn, các sư thắc mắc, hỏi:
- Bạch Thế Tôn, Trưởng lão Pu-ti-ga-ta Ti-xa sẽ tái sanh vào đâu?
- Ti-xa đã vào Niết-bàn, này các thầy Tỳ kheo.
- Bạch Thế Tôn, một Sa môn cưu mang trọng bịnh lại vào Niết-bàn? Tại sao xương cốt của sư rệu rạo ra như thế? Trong tiền kiếp sư đã gieo trồng thiện căn gì mà kiếp này chứng quả A la hán nhanh vậy?
- Này các thầy Tỳ kheo, tất cả đều do thiện nghiệp của Ti-xa đã vun bồi từ kiếp trước.
- Bạch Thế Tôn, Trưởng lão đã làm gì?
- Vậy thì hãy lắng nghe, này các thầy Tỳ kheo.
*
* *
Vào thời Đức Phật Ca Diếp (Kassapa), Ti-xa là một tay bẫy chim chuyên nghiệp. Ông đã từng bắt vô số chim chóc, một nửa dâng cho hoàng gia, phần còn lại ông bán lấy tiền. Để giữ chim bắt được khỏi sẩy, ông thường bẻ cánh, bẻ chân chúng và chất thành một đống, rồi đem bán chúng ngày hôm sau. Khi nào bắt được nhiều, ông dành một ít để chiên, nướng và cùng thưởng thức với gia đình hay bè bạn.
Một hôm, khi thức ăn đặc sản chim trời được xào nấu dành riêng cho ông thì có một Sa môn đã chứng quả A la hán đến cửa nhà khất thực. Ngắm nhìn Trưởng lão, Ti-xa bỗng thấy trong lòng hân hoan, cảnh vật tươi mát, vợ con trông đẹp và dễ thương hẳn ra, ông bèn nghĩ: “Ta đã sát hại và thụ hưởng quá nhiều chim muông thú vật. Nay gặp Trưởng lão từ bi đến nhà, sẵn món đặc sản chim rừng ngon tuyệt, ta sẽ cúng dường cho sư một ít lấy thảo.
Ông đem thịt chim hầm và những thức ăn ngon khác đặt vào bát của Sa môn, rồi ông chấp tay vái chào, và nói:
- Bạch Trưởng lão, nguyện cầu mai sau con được thánh quả thù thắng như Trưởng lão chứng ngộ vậy.
- Lành thay! Xin hồng ân chư Phật chứng minh lời cầu nguyện chân thành của thí chủ.
Này các thầy Tỳ kheo, chính nhờ công đức bố thí cúng dường vật thực cho bậc A la hán và nguyện lực thiết tha mà Ti-xa ngày nay chứng thành đạo quả. Và cũng chính vì bẻ chân, bẻ cánh các loài chim chóc mà Ti-xa phải cưu mang trọng bịnh: xương cốt rệu rạo, lở loét khắp người. Nhân quả tương ưng như hình với bóng. Các thầy thấy đấy!
- Hay quá! Hay quá! bạch Đức Thế Tôn. Namo Tassa Bhagavato Arahatto Samma SamBuddhassa.
Đại chúng chấp tay đồng niệm danh hiệu Đức Bổn Sư, đảnh lễ Ngài và lui ra.
--- o0o ---