Phần 7

11 Tháng Giêng 20173:16 CH(Xem: 2642)
Phần 7
Từng giọt  nắng hồng
 
Tịnh Minh soạn dịch  
--- o0o ---
Phần 7

TÍN TÂM BỐ THÍ CÚNG DƯỜNG
NGHIỆP DUYÊN CHƯA DỨT TẤT VƯƠNG OAN TÌNH

Truyện kể rằng tại Xá Vệ, trưởng giả Cấp Cô Độc (Anathapindika) có một mục tử gia nhân tên là Nan-đa (Nanda) chăm sóc bầy gia súc của ông. Nan-đa mặc nhiên có lắm tiền nhiều của, và thừa phương tiện vui chơi, hưởng thụ. Một hôm Nan-đa thấy Ke-ni-da (Keniya), một ẩn sĩ khổ hạnh đã thoát ly thế tục, du hóa đó đây với phong thái ung dung, thanh thoát. Nan-đa bèn nảy sanh một ý là thỉnh thoảng cậu đem năm loại sản phẩm làm bằng sữa bò đến nhà Cấp Cô Độc để được ngắm nhìn Đức Thế Tôn, nghe Ngài thuyết pháp, và thỉnh Ngài đến nơi trú ngụ của mình. Đức Thế Tôn chần chừ chưa đến, vì Ngài chờ cho trí tuệ của Nan-đa đến hồi chín muồi. Nhưng rồi một hôm, Đức Thế Tôn cùng Tăng đoàn thiền hành khất thực, nhận thấy trí tuệ của Nan-đa đã đến thời lưu lộ, Thế Tôn liền tách ra khỏi đoàn đến ngồi dưới gốc cây nơi trú ngụ của Nan-đa.

Thấy Đức Thế Tôn an nhiên thiền tọa, Nan-đa mừng quá, chạy đến đảnh lễ Ngài cùng chào hỏi Tăng đoàn với tấm lòng thiết tha hộ đạo. Sau đó Nan-đa dâng năm loại sản phẩm đặc biệt như bơ, bánh ngọt, phô mai v.v... làm bằng sữa bò cho Đức Thế Tôn và Tăng chúng suốt tuần. Đến ngày thứ bảy, Đức Thế Tôn đáp lễ bằng cách tuyên thuyết một bài pháp thoại nói lên công đức vô biên của hạnh bố thí, bao gồm tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí là phân phát, cúng dường y phục, lương thực, trụ xứ, thuốc thang và những vật cần dùng khác cho các bậc tu hành chân chính, hay lương dân gặp cảnh cơ hàn. Pháp thí là giáo dục quần sanh, hay trao truyền chánh pháp của Đức Như Lai cho thính chúng với tâm bình đẳng. Đó là nghĩa vụ thiêng liêng của một Sa môn. Tăng đoàn thọ dụng lễ vật cúng dường của thập phương tín thí thì phải chuyên tâm tu tập giới - định - tuệ, nghiên cứu kinh - luật - luận để thuyết giảng giáo lý, hướng dẫn Tăng ni và tín đồ Phật tử theo đúng lộ trình tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Vô úy thí là an ủi, truyền đạt, phổ biến quan điểm chính trực cho người nghe ngỏ hầu tăng thêm sức mạnh nội tâm, không dao động hoảng hốt trước nghịch cảnh khủng bố, trấn áp, hay phủ dụ độc chiêu. Khi Đức Thế Tôn kết thúc thời pháp thoại thì Nan-đa chứng ngay sơ quả Tu đà hoàn, tức mới bắt đầu vào dòng thánh trí. Cậu cảm thấy tâm hồn thanh thảng, đầu óc rổng rang, hình hài đứng trên mặt đất mà nhẹ nhàng như bay giữa hư không. Cậu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin bê bình bát và đi theo tiễn Ngài một đoạn rất xa. Sau đó Đức Thế Tôn nói:

- Được rồi! Hãy dừng lại, tín đồ của ta.

Theo lời Đức Thế Tôn, Nan-đa đảnh lễ Ngài và quay lui.

Ngay lúc đó, một mũi tên oan nghiệt từ cánh cung của một thợ săn vô tình đã xé gió kết liễu cuộc đời cậu. Thấy cảnh thương tâm đột ngột, các Sa môn chạy báo tin cho Đức Thế Tôn với vẻ thầm trách:

- Bạch Thế Tôn, vì chúng ta đến đây mà Nan-đa phải thiệt mạng. Tội nghiệp quá! Mới bê lễ vật cúng dường, vui vẻ tiễn Thầy lên đường để rồi quay về thọ nạn. Nếu Thế Tôn không đến đây, Nan-đa đâu ra nỗi này!

Đức Thế Tôn đáp:

- Này các thầy Tỳ kheo, dù ta có đến hay không, dù Nan-đa có viễn du bốn phương tám hướng đi nữa thì cũng không thể nào thoát khỏi tử vong. Không ai thay thế hay san sẻ được nghiệp lực của tự thân.

Nói xong, Ngài đọc kệ:

Kẻ thù hại kẻ thù,

Oan gia hại oan gia,

Không bằng tâm niệm ác,

Do chính ta hại ta.

(PC. 42)

Tăng chúng lắng nghe Đức Thế Tôn nhưng không ai hỏi gì về tiền kiếp của Nan-đa, nên Ngài không nói thêm gì nữa.

 

 

CẦU ĐƯỢC ƯỚC THẤY VỐN XƯA NAY
PHÓNG TÂM LỘNG NGỮ ẮT CÓ NGÀY

Khi Đức Thế Tôn an trú tại Xá Vệ, có người con trai của một trưởng ty ngân khố tên là Xô-ray-da (Soreyya) cùng bạn bè thân tộc dong xe ra ngoài thành để tắm sông. Bấy giờ Trưởng lão Ma-ha Ka-cha-da-na (Maha Kaccàyana) đang thiền hành khất thực với y bát vàng rực ngoài thành Xô-ray-da. Nhìn thấy sắc thân vàng óng của Trưởng lão, Xô-ray-da thầm nghĩ:

- Ồ, ước gì Trưởng lão là vợ của ta! Hoặc vợ ta có sắc thân vàng óng như Trưởng lão!

Ý nghĩ vừa thoáng qua đầu óc Xô-ray-da thì chàng liền biến thành một phụ nữ. Chàng xuống xe với tâm trạng bối rối và cắm đầu chạy. Không biết chuyện gì xảy ra, đám tùy tùng thắc mắc:

- Thế là thế nào? Tại sao vậy?

Sau khi biến nam thành nữ, Xô-ray-da hoảng quá, lầm lũi đi thẳng về hướng Ta-ka-xi-la (Takkasila). Các bạn đồng hành tìm chàng khắp nơi nhưng không gặp. Số người đang tắm vội lên bờ, thay đồ và về gấp. Họ bị chất vấn:

- Xô-ray-da đâu?

- Chúng tôi nghĩ tắm xong cậu ấy đã về rồi.

Cha mẹ Xô-ray-da thất kinh, chạy tìm cùng khắp, nhưng không gặp chàng. Họ vò đầu bứt tóc, than khóc nghe não nuột. Cuối cùng họ cho rằng Xô-ray-da đã chết đuối, và thiết lễ ma chay giải oan.

Thấy đoàn người đang đi về hướng Ta-ka-xi-la, Xô-ray-da, một thiếu nữ kiều diễm, lững thững theo sau xe ngựa của viên trưởng đoàn. Thấy vậy, một thanh niên trong đoàn hỏi:

- Xin lỗi, cô là ai? Sao cô theo hoài xe chúng tôi vậy? Hay là mời cô lên xe cho đỡ mệt.

- Cảm ơn! Tôi đi bộ được rồi. Các ông cứ tự nhiên.

Đi được một đoạn khá xa, Xô-ray-da thấm mệt. Không thể tiếp tục từng bước bộ hành, nàng đành phải hối lộ cho người trưởng đoàn một viên ngọc quý để có chỗ trên xe. Đoàn lữ hành liền nghĩ: “Con trai của trưởng ty ngân khố ở Xá Vệ chưa vợ. Chúng ta sẽ cho cậu ấy biết về cô phụ nữ xinh đẹp này, và chúng ta chắc sẽ có quà hậu hỷ” .

Khi đến Ta-ka-xi-la, họ báo tin cho cậu ngay:

- Cậu hai, chúng tôi đã mang về cho cậu một viên ngọc quý của người phụ nữ kiều diễm.

Được tin vui, chàng liền cho mời Xô-ray-da đến. Thấy cô xinh đẹp và trạc tuổi với mình, chàng yêu nàng và lấy nàng làm vợ tức khắc.

Xô-ray-da lấy con trai của trưởng ty ngân khố thành Ta-ka-xi-la, và sau ba năm, nàng sanh được hai bé trai nữa. Thế là Xô-ray-da làm cha của hai bé trai tại thành Xô-ray-da, và làm mẹ của hai bé trai ở thành Ta-ka-xi-la, tổng cộng là bốn trai.

Bấy giờ có bạn đồng hành của Xô-ray-da đem 500 thương xa từ Xô-ray-da đến thành Ta-ka-xi-la buôn bán. Xô-ray-da đứng tại cửa sổ trên lầu nhìn xuống đoàn xe, và nhận ra ngay người bạn thân của mình. Nàng sai thị nữ đi mời khách quý đến tư dinh và tiếp đãi rất nồng hậu. Ngạc nhiên trước sự đón tiếp trọng vọng, khách hỏi:

- Thưa bà, tôi chưa bao giờ gặp bà, nhưng bà tiếp tôi tử tế quá. Bà biết tôi?

- Vâng, tôi biết rất rõ. Ngài sanh ra và lớn lên tại thành Xô-ray-da, phải không?

- Vâng, đúng thế, thưa bà.

Sau đó Xô-ray-da hỏi thăm sức khỏe cha mẹ, vợ con và được khách cho biết tất cả đều khỏe mạnh. Nhưng khách thắc mắc hỏi:

- Sao bà biết họ?

- Vâng, tôi biết họ rõ lắm. Họ có một người con trai duy nhất. Bây giờ anh ấy ở đâu, thưa ngài?

- Xin bà đừng nhắc đến anh ấy. Một hôm, chúng tôi cùng đánh xe ra ngoài thành để tắm, thình lình anh ấy biến mất. Chúng tôi không ai biết anh ấy đi đâu, và việc gì đã xảy ra. Chúng tôi tìm khắp mọi nơi, nhưng không thấy tăm hơi gì cả. Cuối cùng, chúng tôi báo tin buồn cho cha mẹ anh ấy. Họ khóc than ai oán và lập đàn giải oan cho vong linh của người xấu số.

- Trời ơi, anh ấy là tôi đây nè!

- Thưa bà, không phải chuyện đùa! Anh ấy là bạn chí thân của tôi. Anh ấy thông minh, tài trí và rạng rỡ như một thiên thần.

- Khỏi lo, này ông bạn quý của ta! Ta chính là con trai của trưởng ty ngân khố thành Xô-ray-da.

- Sao có chuyện lạ vậy!

- Thế ông bạn còn nhớ gặp Trưởng lão Ma-ha Ka-cha-da-na ngày hôm đó không.

- Có chứ, làm sao quên được! Người trông vàng rực như ông Phật ấy mà!

- Ờ, khi nhìn Trưởng lão, ta dấy tâm tham luyến: “Ước gì Trưởng lão là vợ ta, hoặc vợ ta có sắc thân vàng óng như Trưởng lão”. Và ngay lúc khởi niệm như thế, ta liền biến nam thành nữ. Bối rối và xấu hổ quá, không dám cho ai biết, đành phải trôi giạt đến đây.

- Thế là sai lầm! Tại sao không cho tôi biết? Và anh đã sám hối Trưởng lão chưa?

- Chưa! Tôi không dám. Làm sao mở miệng nên lời. Nhưng cậu có biết hiện giờ Trưởng lão ở đâu không?

- Ngài ở gần đây, ngay trong thành này.

- Giá mà ngài an trú nơi đây, ta sẽ cúng dường vật thực và giúp đỡ ngài.

- Thế thì tốt! Hãy chuẩn bị lễ vật. Tôi sẽ đi xin ngài hỷ xả cho anh.

Người bạn năm xưa của Xô-ray-da đến gặp Trưởng lão, cung kính đảnh lễ ngài, ngồi sang một bên và thưa:

- Bạch Trưởng lão, ngày mai thỉnh ngài đến nhà con thọ nhận lễ vật cúng dường.

- Xin lỗi, cậu không phải là du khách?

- Xin Trưởng lão đừng bận tâm về việc con là du khách hay không du khách. Thỉnh Trưởng lão ngày mai đến nhà con.

Ngày hôm sau, theo bước thiền hành, Trưởng lão đến đứng trước cửa nhà thí chủ. Ngài được mời ngồi trên một chiếc ghế sang trọng với nhiều lễ vật quý hiếm bày ra trên bàn trước mặt. Sau đó thí chủ dẫn người phụ nữ ra quỳ dưới chân ngài, đoạn cậu đảnh lễ và thưa:

- Bạch Trưởng lão, xin Trưởng lão từ bi hỷ xả cho cái tội tạp niệm của bạn con đây.

- Thế là thế nào?... Ta chưa hiểu!

- Bạch Trưởng lão, người phụ nữ này vốn là bạn trai của con. Một hôm ngắm sắc tướng kỳ diệu của ngài, bỗng khởi tâm tham luyến, và liền biến nam thành nữ. Xin ngài xót thương hỷ xả cho cái tội vô minh của chúng sanh.

- Thôi được rồi! Hãy đứng lên. Ta không biết việc này, nhưng nguyện hỷ xả tất cả.

Sau đó ngài tán dương sắc diện của Đức Bổn Sư:

Dung nhan Phật tổ tợ trăng rằm,

Như vầng hồng nhựt tỏa nắng trong,

Lung linh chiếu khắp vòng trời đất,

Hỷ xả từ bi khởi tận lòng.

Trưởng lão vừa dứt lời thì Xô-ray-da liền biến nữ thành nam. Quý tử của trưởng ty ngân khố thành Ta-ka-xi-la nói với vợ:

- Em yêu quý, chúng ta là cha là mẹ của hai con thơ. Chúng ta phải có bổn phận chăm sóc chúng nên người. Em đừng buồn, và không nên đi đâu.

- Anh yêu, em đã trải qua hai lần biến đổi thân tướng trong một kiếp người: từ nam qua nữ, rồi từ nữ trở lại nam. Trước kia là cha của hai con trai, gần đây là mẹ của hai con trai. Vậy là quá đủ rồi. Em không thể vào ra căn nhà thế tục nữa. Em sẽ là Sa môn, là đệ tử của Trưởng lão. Anh chăm sóc hai con cẩn thận, đừng để chúng tủi thân.

Nói xong, Xô-ray-da ôm con vào lòng, hôn chúng, xong trả con lại cho cha chúng, và ra khỏi nhà với chí nguyện xuất gia, hành đạo.

Trưởng lão chấp thuận Xô-ray-da vào Tăng đoàn với nguyên danh hiệu và lên đường về Xá Vệ.

Được tin kỳ lạ, dân chúng trong thành rất hân hoan, phấn khởi. Họ đến gần Sa môn Xô-ray-da, hỏi:

- Tin đồn Trưởng lão là cha của hai bé trai, rồi là mẹ của hai bé trai nữa, có đúng vậy không? Nếu đúng thì Trưởng lão thương cặp trai nào hơn?

- Cặp trai mà ta là mẹ! Ta khẳng định như thế.

Sau khi từ giã đám đông, Trưởng lão Xô-ray-da thường đi đứng nằm ngồi một mình, lúc nào cũng trầm tư quán tưởng về lẽ sinh diệt, biến hoại và cuối cùng chứng quả A la hán với phép mầu vi diệu.

Sau đó nhiều người đến thăm Trưởng lão và hỏi:

- Sự thể như vậy sao? Sư thương yêu hai cháu nào nhất?

- Sự thật là như vậy, này các huynh đệ, và ta không còn luyến ái với cháu nào nữa cả.

Nghe thế, các Sa môn đến gặp Đức Thế Tôn, thưa:

- Bạch Thế Tôn, Sa môn Xô-ray-da nói năng e chưa thật. Trước kia sư nói sư thương hai cháu mà sư làm mẹ nhất. Nay sư nói không luyến lưu thương cảm ai cả. Như vậy phải chăng là vọng ngôn, bạch Thế Tôn!

- Này các thầy Tỳ kheo, tâm tư ngôn hạnh của Xô-ray-da đã quang minh chính đại từ khi thầy ấy chứng thành đạo quả. Không mẹ cha hay con cái nào mang lại phước điền cho nhau, trừ tự tâm thanh tịnh và sở nguyện chân thành.

Nói xong, Ngài đọc kệ:

Mẹ cha hay bà con,

Không làm gì được cả,

Chính nhờ tâm nguyện lành,

Đưa ta lên cao cả.

(PC. 43)

 


 

ĐẤT ƯƠM MẦM SỐNG VÔ BIÊN

KẾT GIAO MẠNG MẠCH LƯU TRUYỀN TÔNG MÔN

Một đêm nọ, sau cuộc hành trình vất vả, xuyên suốt cả một vùng nông thôn rộng lớn, các Sa môn cùng Đức Thế Tôn cuối cùng cũng về tới Kỳ Viên. Các sư nhứt trí họp nhau trong chánh điện để rút ra những bài học kinh nghiệm cho các chuyến viễn hành, du hóa về sau. Thượng tọa niên trưởng Chơn Tâm bắt đầu đề cập đến những hình thái sinh động qua các mẫu đất đá đa dạng với màu sắc lung linh, kỳ dị của chúng. Sư nói:

- Quý huynh đệ thấy đấy, chuyến viễn du vừa qua đã giúp ta tai nghe mắt thấy vô số điều thú vị. Ai bảo cỏ cây hoa lá, sỏi đá núi rừng không tình không nghĩa với con người, nhứt là với những bần tăng viễn ly dung dị, du hóa bốn phương theo hạnh nguyện mà Đức Thế Tôn đã dày công tu tập, chứng ngộ và truyền đạt cho chúng ta:

Bát cơm lý tưởng khắp ngàn nhà

Bước chân đạo nghiệp muôn dặm xa

Chỉ vì sinh tử hai việc lớn

Xuân thu giáo hóa tháng ngày qua.

Không biết quý huynh nghĩ sao, thấy gì, chứ Chơn Tâm này đắc ý nhứt là những loại đất đá kiên gan bền chí, phơi mình ra trước phong ba bão tố, nắng hạn mưa dầm, không than thân trách phận mà lại tô điểm thanh sắc, khí vị cho khách đi đường. Tuyệt quá!

- Thượng tọa nói sao chứ em thấy có gì đâu mà phải thi vị hóa như vậy! Đất đá muôn đời vẫn là đất đá. Không khéo như sư Chánh Trí suýt nữa trượt chân lăn xuống đồi vì một cục đá mất nết, thấy người đi tới mà vẫn nằm chình ình ra đó.- Sư Thiện Hỷ phát biểu và đại chúng che miệng cười thú vị.

- Em thấy cũng nên suy nghĩ, đúng hơn là quán niệm về các loại đất đá. - Sư Ngộ Giải trịnh trọng nói - Suốt cuộc hành trình, chúng ta chứng kiến vô số cảnh quan, nổi bật nhất vẫn là đất đá. Mà không đáng quan tâm sao được! Chúng ta sống cũng nhờ đất mà chết cũng nhờ đất. Vạn loại hữu tình và vô tình đều đang nương nhờ, tá túc và sanh sôi nảy nở trên mặt đất này. Kỳ diệu thay! Quý huynh xem, cùng từ dưới lòng đất vươn lên, nhưng mỗi loài hoa đều có màu sắc và hương vị khác nhau, đó là chưa kể ngô khoai lúa nếp, cây trái bốn mùa; chúng luân lưu sinh diệt với muôn màu, muôn vẻ trên ruộng đồng, rừng núi từ năm này qua tháng nọ, nhưng khí chất đất đá có khác gì đâu!

- Có chứ! .- Sư Nhất Thanh tỏ vẻ không cùng quan điểm. Nói sỏi đá có cùng khí chất thì hình như chưa chính xác. Em thấy đất đá cũng có hình dạng và màu sắc khác nhau, vậy là khí chất và biên độ không đồng, nhất là các loại đất ruộng, đất gò : nơi này bằng phẳng, nơi kia gồ ghề; chỗ này lầy lội, chỗ nọ khô khan; rồi thì đất đen, đất đỏ, đất trắng, đất vàng ... úi dzời, nhiều loại pha tạp lắm!

- Hay! không ngờ Nhất Thanh nín nín mà nay ra đòn ác liệt ta! .- Sư Tâm Trực vụt nói và Tăng chúng cười ồ vui vẻ.

- Nghe đại chúng nói cười hưng phấn trong chánh điện, Đức Thế Tôn bước vào, hoan hỷ ngồi giữa các sư, nói:

- Chà! các thầy có gì mà hân hoan, sôi nổi vậy hè?

- Bạch Thế Tôn, Trưởng lão Minh Hạnh đáp, quý huynh đệ đang nhận xét về các loại đất đá đã bắt gặp trên cuộc hành trình vừa qua.

- Vậy sao! Này các thầy Tỳ kheo, các thầy chỉ mới luận bàn hay góp ý cho nhau về những lớp đất đá dễ thấy bên ngoài. Các thầy nên nhìn sâu, thấy rõ những lớp đất đá cô đặc bên trong để rồi lau chùi, mài giũa sao cho chúng trở thành những hạt kim cương lung linh phản chiếu ra muôn màu muôn vẻ, thế mới là đúc kết kinh nghiệm, quán sát tinh tường sau mỗi chuyến hành trình.

Ngài mỉm cười, đọc kệ:

Ai chinh phục Thiên giới,

Địa cầu và Dạ ma,

Thông giảng kinh Pháp Cú,

Như người khéo hái hoa.

 

Hữu học chinh phục đất,

Thiên giới và Dạ ma,

Thông giảng kinh Pháp Cú,

Như người khéo hái hoa.

 (PC. 44, 45)

 


 

LANG THANG NHƯ ÁNG MÂY TRỜI
BỒNG BỀNH NHƯ BỌT NƯỚC PHƠI CHÂN GHỀNH

Truyện kể rằng thuở nọ có một Sa môn dốc tâm cầu đạo, quyết chí tu hành. Sư tha thiết đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin Ngài trao truyền yếu chỉ thiền quán, rồi một mình một bóng đi vào rừng sâu thực hành thiền định. Sau một thời gian dài nỗ lực cao độ, ngày đêm trầm tư quán tưởng về lẽ sanh-trụ-dị-diệt của vạn loại hữu tình, nhưng tia chớp liễu ngộ vẫn chưa lóe sáng trong tâm. Cây cảnh quanh sư vẫn hồn nhiên đâm chồi nảy lộc và thay màu đổi sắc theo chu trình xuân sanh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn. Một cơn gió nhẹ thổi qua, dăm ba chiếc lá chao động lìa cành, rồi nằm trơ vơ trên mặt đất cho đến thời tan loãng theo vũ trụ vần xoay. Sư quán niệm hoài, thiền định mãi mà chưa khám phá ra nguyên nhân của sự tồn vong, luân chuyển. Một buổi mai nọ, nhìn những tia nắng vàng lung linh nhảy múa, khi ẩn khi hiện qua các cành lá rì rào, sư lại càng thắc mắc về lẽ sinh thành, hủy diệt. Sư quyết định tạm biệt núi rừng, trở về thỉnh Đức Thế Tôn trao cho một công án khác, phù hợp với khả năng và nguyện vọng của sư hơn.

Trên đường về Trúc Lâm, sư phải băng qua một khu đồi trọc, rồi đến một cánh đồng rộng. Mặt trời mỗi lúc một lên cao, độ nóng càng thêm gay gắt. Sư bỗng thấy một hiện tượng quái dị cứ chờn vờn ẩn hiện trước mặt. Sư đi thì nó đi. Sư đứng thì nó đứng. Sư chạy thì nó chạy như thể trêu chọc sư. Sư tự hỏi không biết đó là phép mầu huyền bí hay hiện tượng ảo hóa thường xuất hiện ở những nơi đồng không mông quạnh. Bỗng dưng sư nhớ lại lời pháp thoại của Đức Thế Tôn:

Này các thầy Tỳ kheo,

Hãy trụ tâm thiền quán,

Pháp hữu vi tan loãng,

Như mây nổi, sương sa,

Như điện chớp lóe nhòa,

Như mộng mị huyễn hóa.

Ngay tức khắc, sư trực nhận ra vòng sinh diệt của mọi hiện tượng đang quay cuồng theo nghiệp cảm duyên khởi và đang liên tục diễn ra trên cõi đời này. Cảm thấy sảng khoái, phấn khích, sư tiếp tục đếm từng bước thiền hành cho đến khi mặt trời đứng bóng. Phần nóng nực, phần đói khát và thấm mệt, sư ngồi nghỉ mát dưới một tàng cây trên bờ sông A-chi-ra-va-ti (Aciravatĩ). Một lát sau, sư xuống sông uống nước, tắm rửa và ngâm mình thư giãn trong dòng nước trong xanh; đoạn sư lên ngồi thanh thản trên một tảng đá bằng phẳng trong bóng râm, cạnh một dòng thác đang tuôn nước rào rào. Nhìn những chiếc bong bóng tròn vo, to tướng cứ liên tục nhấp nhô, sanh diệt theo sức ép của từng làn sóng luân phiên xô vào ghềnh đá, sư như bắt được của quý, miệng mỉm cười, nói: “À... ta thấy rồi. Sanh tử, tồn vong là thế!” . Sư từ từ đi vào chánh định với niềm hỷ lạc vô biên.

Đức Thế Tôn bấy giờ đang nhập định trong thiền thất, thấy tướng mạo của sư uy nghi như núi Tu Di và rạng rỡ như ánh trăng rằm, Ngài cất lời tán thán: “Đúng thế! Đúng thế! Này Sa môn. Những bong bóng nước và hiện tượng ảo hóa nhấp nhô sanh diệt thế nào thì vòng sanh tử miên trường của chúng sanh cũng nổi trôi tan biến như thế đó”.

Ngài đọc kệ:

Hình hài như huyễn hóa,

Thân xác tợ bọt bèo,

Bẻ tên hoa dục vọng,

Tử thần hết dõi theo.

(PC. 46)

Thế Tôn vừa đọc kệ xong thì sư liền chứng quả A la hán với pháp lực nhiệm mầu, thần thông quảng đại. Trưởng lão xả thiền, tiếp tục hành trình về thăm Bổn Sư với tâm trạng ung dung thư thái, khinh khoái khôn lường. Trưởng lão vừa đi vừa tán thán dung nghi, uy lực của Đức Đạo Sư:

Báo thân Phật tổ lộng ánh vàng,

Uy đức vang lừng khắp thế gian,

Mát nụ cười tươi – thiên đế phục,

Bao dung ánh mắt – quỷ vương hàng.

 

 

 

 

 

 

MỘT THOÁNG SÂN TÂM BUÔNG ÁC NGỮ
KHỔ ĐAU OAN TRÁI KẾT BAO ĐỜI

Thuở xưa, khi Bra-ma-đát-ta (Brahmadatta) trị vì nước Ba La Nại, có một thân vương húy Tú Phát (Kesava) dứt khoát từ bỏ ngôi vị, xa lánh thế trần, sống đời phạm hạnh. Năm trăm môn nhân quyến thuộc thấy vậy cũng giã từ quyền thế cao sang, theo gương thân vương lên đường khổ tu hành đạo. Sau đó thân vương rất được quần chúng tin yêu, kính phục. Ka-pa (Kappa), quan thủ khố của thân vương cũng theo chủ nhân làm đệ tử. Ẩn sĩ Tú Phát cùng môn đệ vào Hy Mã Lạp Sơn khổ tu tám tháng. Khi mùa mưa đến, họ cùng nhau về thành Ba La Nại khất thực những vật dụng cần thiết như muối, dấm v.v... Quốc vương rất vui mừng đón tiếp ẩn sĩ, chấp thuận phái đoàn lưu trú tại hoa viên hoàng cung qua bốn tháng mưa, và nhà vua hứa sáng tối nào cũng đích thân đến vấn an, chăm sóc ẩn sĩ.

Nhóm môn đệ tạm trú được vài hôm thì cảm thấy khó chịu, ray rứt trong lòng vì những tiếng ngựa hí, voi gầm. Họ đến thưa với Đạo sư Tú Phát:

- Bạch Thầy, phiền quá! Chúng con phải đi nơi khác mới an định được thân tâm.

- Đi đâu bây giờ, quý huynh đệ?

-  Trở lại vùng Hy Mã Lạp Sơn, bạch Thầy.

-  Đâu được! Quốc vương đã hứa cho chúng ta an trú tại đây qua hết mùa mưa. Nửa chừng bỏ đi khó coi lắm!

-  Nhưng chúng con không thể lưu trú lâu hơn nữa, bạch Thầy! Chúng con sẽ chọn một nơi gần đây để tiện việc liên hệ với Thầy.

Họ đảnh lễ và tạm biệt Đạo sư, chỉ còn Ka-pa ở lại chăm sóc và thân cận với Thầy.

Sáng hôm sau quốc vương đến vấn an Đạo sư, không thấy các ẩn sĩ, bèn hỏi:

- Ủa! môn đồ đi đâu hết rồi?

-  Họ nói ở đây bất an quá nên họ đã về lại vùng Hy Mã Lạp Sơn rồi, tâu đại vương.

Ít lâu sau, Ka-pa cũng nản lòng, và mặc dù Đạo sư Tú Phát hết lời thuyết phục môn đệ mình đừng bỏ đi, nhưng cậu vẫn nằng nặc xin tạm biệt Thầy, trở về núi rừng với huynh đệ khổ hạnh.

Đạo sư Tú Phát cứ bận tâm về cách sinh hoạt và nếp khổ luyện của nhóm môn sinh mà đâm ra xao xuyến, bức bách trong lòng. Quốc vương cho mời y sĩ đến chữa trị cho Đạo sư, nhưng bịnh trạng không mấy khả quan. Cuối cùng, Tú Phát gặp quốc vương, tha thiết tâu rằng:

- Tâu đại vương! Đại vương muốn bần đạo chóng được khỏe mạnh lắm phải không?

-  Đúng thế, Đạo sư! Giá mà ta có phép mầu kỳ diệu thì ta khôi phục sức lực cho Đạo sư ngay giờ phút này.

-  Đa tạ đại vương. Nếu đại vương muốn bần đạo được thân tâm an lạc, bịnh tật tiêu trừ thì cho bần đạo về lại núi rừng, công phu tu tập với môn đệ của bần đạo.

-  Tốt lắm, Đạo sư!

Quốc vương truyền bốn cận thần, do Na-ra-đa (Naràda) chỉ đạo, khiêng Tú Phát đến gặp đồ chúng và để tâm theo dõi bịnh tình của ẩn sĩ.

Được tin Đạo sư sắp về, Ka-pa liền thông báo cho tất cả huynh đệ đều biết. Họ cùng nhau hân hoan đến đảnh lễ, vấn an, và dâng nhiều loại hoa quả đặc biệt cho Đạo sư. Ngay lúc đó, ngay lúc tình sư đệ được chan hòa theo ánh mắt nụ cười, theo tâm tư nguyện vọng của những người viễn ly thế nghiệp, tịch tịnh tâm hồn thì Đạo sư Tú Phát khỏe mạnh lại ngay: đầu óc linh hoạt, da dẻ như vàng ròng.

Sau đó quốc vương cứ thắc mắc: “Ta ưu ái phái đoàn ẩn sĩ như thế mà họ vẫn ra đi, vẫn nghi ngờ thiện chí của ta. Làm sao ta chiếm được niềm tin yêu của họ. Chỉ còn cách duy nhất là có được một ái nữ thuộc dòng tộc Đức Thế Tôn, và như vậy thì họ sẽ coi ta là bà con quyến thuộc với đấng Đại Giác” . Quốc vương liền truyền lệnh gởi văn thư đến hoàng tộc Thích Ca (Sakyas) với nội dung cầu hôn một nương tử xinh đẹp. Nhà vua còn phái sứ thần tìm hiểu tiểu nương kia thuộc dòng công khanh nào.

Hoàng tộc Thích Ca nhóm họp, xem xét vấn đề và nhận định rằng:

- Tên hôn quân bạo chúa đó là kẻ thù không đội trời chung của chúng ta. Nếu từ chối yêu sách, hắn sẽ có cớ cất binh tàn sát hoàng triều. Vả lại hắn đâu ngang hàng đẳng cấp với vương tộc nhà mình, biết làm sao đây!

Hoàng thân Đại Danh  (Mahãnãma) tự nguyện đứng ra tháo gỡ rắc rối:

- Ta có một thiếu nữ đang độ đương thì, cực kỳ xinh đẹp, tên là Va-xa-ba-kha-ti-da (Vãsabhakhattiyã), con gái đầu lòng của một tiện nữ nô lệ khỏe mạnh, tháo vác. Chúng ta đem nộp cho hắn.

Sau đó thân vương đón tiếp phái đoàn sứ giả, trịnh trọng thưa rằng:

- Hy hữu thay! tiểu quốc chúng tôi được diễm phúc kết thân với quý quốc, được vinh dự dâng cho đại vương một công nương tú lệ, đa tài.

- Tên gì?... Con ai?... .- Trưởng đoàn sứ giả hỏi với giọng đầy quyền uy, thế lực.

- Dạ thưa ... tôn nữ cách cách của hoàng thân


 

Đại Danh, huynh đệ của Đức Thế Tôn đấy ạ! Nàng đa tài, xinh đẹp và rất có hiếu với hoàng thân quốc thích.

- Như vậy thì tốt lắm!

Sau đó phái đoàn sứ giả cung tay cáo từ, trở về hoàng cung tâu lại mọi việc với quốc vương.

Được tin sảng khoái, quốc vương liền ra khẩu dụ đem kiệu xe rước công nương về hoàng triều cho người gấp. Nhưng đám trung thần của quốc vương lắm mưu nhiều kế, bán tín bán nghi, sợ hoàng tộc Thích Ca chơi trò tráo trở, đem nộp ả dân đen tiện tỳ nào đó thì nguy! Họ bàn với quốc vương gởi văn thư yêu cầu hoàng thân Đại Danh cùng ăn chung bàn với công nương. Đại Danh chấp thuận, cho người trang điểm tiểu thư xiêm y rực rỡ, dung mạo diễm kiều, rồi đưa nàng đến quan phủ cùng dự yến tiệc, và sau đó trao tiểu nương cho sứ giả. Nàng được đưa về Xá Vệ và được quốc vương hết lòng yêu quý, phong làm hoàng hậu, cai quản 500 cung phi, mỹ nữ.

Một năm sau, hoàng hậu hạ sanh được một hoàng tử, trông khôi ngô tú dị, toàn thân lấp lánh như ánh vàng ròng. Quốc vương vô cùng hưng phấn, truyền lệnh thái giám báo tin cho thái hậu biết là hoàng hậu, công nương của hoàng thân Đại Danh thuộc hoàng phái Thích Ca đã sanh được một hoàng tử, và thỉnh thái hậu đặt quý danh cho cháu. Thái hậu được tin, lòng lâng lâng cảm kích, thầm nghĩ hoàng hậu là người đoan trang thùy mị, trung hậu đảm đang, được thần dân tôn vinh mến phục; nay lại sanh cho quốc vương một hoàng tử kỳ vĩ, hẳn là được quốc vương sủng ái tuyệt đối, vậy ta nên đặt tên cháu là Va-la-ba (Valabã), có nghĩa là tôn quý; nhưng thái giám đã trọng tuổi, hơi nặng tai, nghe nhầm ra Vi-đu-đa-ba (Vidũdabha), và tâu với quốc vương rằng thái hậu rất tâm đắc với danh xưng này. Thoạt đầu quốc vương lấy làm lạ, vì húy danh  chả có ý nghĩa gì cả. Tên hoàng tử là đại diện cho sơn hà xã tắc mai sau, vậy mà nghe ra rất ngớ ngẩn; hay biết đâu đó là vương hiệu xa xưa của hoàng triều, quốc vương đành phải âm thầm chấp thuận. Thế là hoàng tử được vinh hạnh mang tên Vi-đu-đa-ba, và được phong chức tổng lãnh binh khi còn là một cậu bé. Quốc vương tin rằng vai trò của Vi-đu-đa-ba ở hoàng triều hẳn làm đẹp lòng Đạo sư lắm.

Vi-đu-đa-ba trưởng thành trong nhung lụa và quyền lực. Khi lên bảy tuổi, thấy các công tôn khác được ông ngoại cho nhiều trò chơi trẻ em như ngựa, voi, lạc đà, khỉ, gấu v.v..., hoàng tử lên tiếng hỏi mẹ:

- Mẫu hậu ơi, các công tử kia được ông ngoại cho nhiều quà đẹp quá! Con không có gì cả! Mẫu hậu không có cha mẹ sao? Con không có ông bà ngoại sao?

- Con yêu quý của mẹ, ông bà ngoại của con là hoàng thân dòng Thích Ca, ở cách đây xa lắm, nên không tiện gởi quà cho con.

Đến năm mười sáu tuổi, hoàng tử lại hỏi:

- Thưa mẫu hậu, con muốn về quê ngoại thăm ông bà và gia phong mẫu hậu.

- Này, con yêu quý của mẹ, con còn nhỏ, phần đường sá xa xôi hiểm trở, đi lại bất tiện lắm. Con nên nỗ lực luyện văn múa võ, cưỡi ngựa bắn cung cho thật giỏi để mai sau thay phụ hoàng mà giữ gìn xã tắc, nghe con!

Không hài lòng với những lời tâm huyết của mẹ, hoàng tử vẫn khăng khăng đòi về thăm quê ngoại. Cuối cùng mẫu hậu chấp thuận lời đề nghị của con. Chàng báo tin cho phụ hoàng và lên đường với một đám tùy tùng hùng hậu. Va-xa-ba-kha-ti-da liền gởi mật thư báo cho hoàng thân biết trước mọi việc, và vương triều Thích Ca cố tình đưa đám công tôn trai trẻ về thôn làng nghỉ mát. Do đó, khi Vi-đu-đa-ba đến thành Ca-tỳ-la (Capila), họ tập trung tại hoàng cung khách đường và hoàng tử được tiếp đón tại đó. Họ nói:

- Hoàng tử, đây là lịnh tôn, đây là lão bá bá, đây là lão đại thúc ... của hoàng tử.

Chàng phải đi giáp vòng, thi lễ từng người nhưng không một ai đáp lễ lại. Thấy bị xúc phạm, chàng nghiêm giọng hỏi:

-  Tại sao không ai đáp lễ ta?

Nhóm hoàng tộc đáp:

- Hoàng tử, các công tôn trai trẻ như hoàng tử đã đi nghỉ mát hết rồi.

Tuy nhiên, chàng vẫn được tiếp đón trọng hậu. Và sau vài hôm, chàng cáo từ ra về với phái đoàn.

Bấy giờ có một phụ nữ nô lệ đem sữa và nước ra rửa chỗ ngồi của Vi-đu-đa-ba với một tay che mũi, tỏ vẻ khinh khi, gớm ghiếc và nói:

- Đây là chỗ ngồi của thằng con mụ nô lệ Va-xa-ba-kha-ti-da!

Ngay lúc đó, một cận thần trở lại lấy chiếc khăn để quên, thấy nghe mọi chuyện, và sau giây lát tìm hiểu mới nắm được ngọn nguồn của chốn bí sử thâm cung.  Té ra mẫu hậu tôn quý kia đích thị là đứa con hoang của mụ gia nô trong cung phủ của lão hoàng thân Đại Danh thuộc dòng tộc Thích Ca. Gã cận thần liền thông báo cho đoàn vệ binh biết, và thế là nộ khí hốc lên ngùn ngụt. Khi Vi-đu-đa-ba biết rõ sự thật đau lòng, chàng nắm tay đấm thẳng lên trời và lớn tiếng thề độc:

- Hôm nay dòng giống Thích Ca rửa chỗ ngồi của ta bằng sữa và nước, mai kia lên ngôi ta sẽ rửa chỗ đó bằng máu họng của bọn chúng.

Khi phái đoàn sứ giả về tới Xá Vệ, họ tâu rõ mọi việc tai nghe mắt thấy với đại vương. Nhà vua vô cùng phẫn uất trước hành vi khinh suất, tráo trở của hoàng thân, và hạ lệnh truất phế tước hiệu hoàng hậu, đày mẹ con xuống hàng nô lệ như xưa.

Vài hôm sau, quốc vương đến gặp Thế Tôn, thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn, ta rất đau lòng phải nói ra điều này. Hoàng tộc Thế Tôn vọng ngôn thất tín, lừa đảo gian manh, đã trao cho ta con gái của một tiện  nữ nô lệ mà dám bảo là tôn nương cách cách của hoàng thân Đại Danh. Ta đã tước hết danh hiệu cao quý của hoàng triều ban tặng, đày mẹ con hoàng hậu xuống hàng nô lệ cho phù hợp với triều cương quốc pháp.

- Tâu đại vương, như vậy thì e bất công, khe khắt với hoàng tộc Thích Ca. Va-xa-ba-kha-ti-da được tấn phong cách cách tại tôn phủ của hoàng thân Đại Danh, thuộc dòng võ tướng, thế là con của hoàng thân. Còn Vi-đu-đa-ba là con của đại vương, là hoàng tử chánh hiệu; vậy thì gia phong mẫu hệ có dính dáng gì với tôn tộc đương triều?

Nghe lời biện giải thâm trầm, hữu lý và nhân hậu của Thế Tôn, quốc vương an tâm, hoan hỷ, phục chức hoàng hậu và hoàng tử cho hai mẹ con.

Khi Vi-đu-đa-ba lên ngôi, thay thế phụ hoàng phát huy thế lực, tân vương liền nghĩ đến cái nhục rửa ghế năm xưa mà nghiến răng tuyên bố:

- Ta sẽ tàn sát dòng tộc Thích Ca cho chúng biết thế  nào là uy quyền và danh dự.

Quốc vương lên đường thân chinh với một đoàn quân hùng hậu: binh khí lấp lánh, giáp trụ oai hùng.

Sáng hôm đó, như thường lệ, Đức Thế Tôn thiền định trong tịnh thất, trải tâm từ bi quán chiếu thế gian, thấy dòng tộc Thích Ca sắp đến hạn tuyệt diệt. Động lòng bi mẫn, Ngài thầm nhủ:

- Nguy khốn thay! Ta không thể không để tâm che chở thân tộc hoàng triều.

Và sau một vòng thiền hành, khất thực, Thế Tôn trở về tịnh thất với tâm tư hóa giải hận thù. Đêm đó, bằng thần lực nhiệm mầu, Ngài đến sát biên giới giữa thành Ca-tỳ-la và vương quốc của Vi-đu-đa-ba, thiền định dưới một tàng cây nho nhỏ.

Trưa hôm sau, trên đường phục thù rửa hận, Vi-đu-đa-ba chợt thấy Đức Thế Tôn đang nhập định sừng sững như núi Tu di dưới tàng cây thưa lá. Động lòng kinh ngạc, nhà vua cung kính đảnh lễ đấng Đại Giác, và nói:

- Bạch Thế Tôn, sao Thế Tôn không thiền định hay nghỉ mát dưới tàng cây đa cổ thụ bên vương quốc của trẫm? Ở đây nóng bức quá!

- Cảm ơn đại vương quan tâm! Bóng râm dòng tộc của ta đủ che mát cho ta rồi!

Ngầm hiểu Thế Tôn hẳn đã đến với mục đích bảo bọc thân tộc hoàng triều, Vi-đu-đa-ba ngỏ lời tạm biệt Ngài và lui binh về Xá Vệ. Sau đó Thế Tôn cũng về lại Trúc Lâm.

Nhưng mối hận truyền kiếp với dòng tộc Thích Ca cứ ray rứt tâm can, lảng vảng trong đầu, khiến quốc vương phải cất binh rửa nhục lần thứ hai. Lần này cũng thấy Thế Tôn uy nghi bất động dưới tàng cây như lần trước, và Vi-đu-đa-ba lại phải quay về. Lần thứ ba cũng thế. Đến lần thứ tư, thấy ác nghiệp của dòng tộc Thích Ca quá đỗi sâu dày, đã một thời đổ thuốc độc xuống sông vì tranh nhau ngọn nước vào ruộng, tưới tắm hoa màu, Thế Tôn đành phải im lặng, để cho oan khiên ác trược vận hành theo duyên nghiệp của nó.

Vi-đu-đa-ba tiến quân với quyết tâm tàn sát dòng tộc Thích Ca. Và lạ thay, dòng tộc của đấng Đại Giác Thế Tôn sẵn sàng thuận theo số kiếp điêu tàn, mặc dù họ được coi là những binh sĩ dạn dày sương gió, kinh nghiệm chiến trường, múa kiếm bắn cung cực kỳ điêu luyện. Họ đã bị quân lính của Vi-đu-đa-ba tàn sát đến từng em bé còn nằm nôi hay đang ngậm vú mẹ, chỉ tha mạng cho những ai thuộc tôn phủ hoàng thân Đại Danh. Thế là quốc vương Vi-đu-đa-ba đã trừ được mối hận năm xưa, đã rửa sạch chỗ ngồi của mình bằng máu huyết của quân khinh bạc. Dòng tộc Thích Ca bị tru diệt đến tận gốc.

Hoàng thân Đại Danh được quốc vương Vi-đu-đa-ba, cháu ngoại, cung kính đưa về hoàng triều, tiếp đãi nồng hậu. Tới bữa điểm tâm, hoàng thân tự nghĩ:

- Thế nào ta cũng sẽ được mời ăn sáng với hắn. Bá quan văn võ hoàng triều thà tán thân thất mạng chứ quyết không ăn chung bàn với con bọn  nô lệ.

Thấy ngoài vườn thượng uyển có một hồ sen nên thơ, hoa lá đong đưa, hương thơm ngào ngạt, hoàng thân ngỏ ý:

- Quốc vương, ta muốn ra bờ hồ dạo mát một chút.

- Hoàng thân tự nhiên, giang sơn này vĩnh viễn là xã tắc của hậu duệ hoàng thân. Mong hoàng thân an tâm, thoải mái, và hãy quên đi những ấn tượng không vui.

Nhìn dòng nước trong xanh với từng đàn cá tung tăng bơi lội, Đại Danh trầm ngâm suy nghĩ: “Nếu từ chối ăn sáng, sẽ bị hắn giết liền. Nếu chung mâm cùng bàn, thì còn gì là tông phong đẳng cấp. Cá ơi! cho ta theo các ngươi với!” .

Đại Danh xõa tóc, bện thành hai lọn, buộc vào hai ngón chân cái, rồi lặng lẽ lao nhẹ xuống hồ.

*

*      *

Một hôm, trên bước đường thân chinh dẹp loạn, Vi-đu-đa-ba cùng binh đoàn dựng trại nghỉ đêm trên bờ sông A-chi-ra-va-ti (Aciravati). Một số quân sĩ ngủ trên nền cát mịn giữa lòng sông khô cạn, số còn lại nằm trên bờ đất gồ ghề. Nửa đêm, số nằm trên bờ thức dậy, bảo kiến ra nhiều quá, cắn, đốt không ngủ được. Thế là họ đổi chỗ, xuống ngủ dưới lòng sông, còn nhóm kia lên nằm trên bờ. Bấy giờ ở thượng nguồn có cơn giông tố nổi lên, mưa tuôn như thác đổ, nước theo sông cuồn cuộn xuôi dòng, cuốn phăng mọi thứ, và số binh sĩ nằm giữa lòng sông kia đều bị nước lôi ra biển, làm mồi cho các loại kình ngư, chỉ số nằm trên bờ thì an toàn, hú vía.

Dân chúng thấy thế bàn tán xôn xao, cho rằng chính bọn ác ôn man dã kia đã tàn sát dòng tộc Thích Ca nên nay bị trời tru đất diệt, trả lại công bình cho bá tánh lương dân. Môn đồ của đấng Đại Giác Thế Tôn cũng hơi nóng mũi, lên tiếng rì rào sau thời tịnh niệm:

- Quý huynh đệ thấy đấy, oan oan tương báo, nghiệp chướng khôn cùng. Đúng là sinh sự sự sinh ngày nào dứt, hại người người hại thuở nào nguôi.

Nghe các sư nhỏ to nhận định trong chánh điện, Đức Thế Tôn bước vào, ngồi giữa đại chúng, tươi cười, hỏi:

- Chà! Các thầy có gì mà bàn luận ra vẻ cẩn mật thế?

- Bạch Thế Tôn, vụ tàn sát dòng tộc Thích Ca năm xưa và cảnh lũ lụt khủng khiếp vừa qua phải chăng là oan gia tụ hội, nghiệp báo khó lường!

- Này các thầy Tỳ kheo, Đức Thế Tôn thấp giọng nói, nhân quả như bóng với hình. Cho dù những ai kia có thành đạt mục tiêu hay an tâm mãn nguyện cỡ nào thì cũng khó mà thoát khỏi cơn lũ khủng khiếp tràn qua ngôi làng đang thiếp ngủ, tử thần hẳn lôi họ ra khơi và dìm họ xuống tận biển sâu đau khổ.

Ngài đọc kệ:

Người hái hoa dục lạc,

Tâm tham nhiễm say sưa,

Tử thần sẽ kéo bừa,

Như lụt cuốn làng ngủ.

(PC. 47)

 

--- o0o ---