Phần 8

11 Tháng Giêng 20173:18 CH(Xem: 2717)
Phần 8
Từng giọt  nắng hồng
 
Tịnh Minh soạn dịch  
--- o0o ---
Phần 8

CHO DÙ BIỀN BIỆT SƠN KHÊ
NHƯNG TÂM TƯ VẪN VỌNG VỀ CỐ HƯƠNG

Truyện kể rằng thiên thần Hoa Mang, Ma-la-ba-ri (Garland-Wearer, Mãlabhãrĩ) một hôm vào lạc viên ở tầng trời thứ Ba mươi ba với một ngàn tiên nữ. 500 tiên nữ trèo lên cây hái hoa, thả xuống; 500 tiên nữ nhặt hoa, kết thành từng tràng và trang điểm cho thiên thần. Một tiên nữ ngồi trên cành cây cao bỗng dưng đầu thai vào một gia đình vọng tộc ở Xá Vệ. Vừa mở mắt chào đời, cô đã nhớ rõ kiếp trước của cô là vợ của thiên thần Hoa Mang. Do đó, khi lớn lên, cô thường hái nhiều loại hoa khác nhau, kết thành từng tràng cúng dường Đức Thế Tôn và Tăng đoàn với ước nguyện sẽ được tái sanh với người chồng cũ.

Khi lên mười sáu tuổi, cô được cha mẹ gả cho một thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn thuộc gia đình thâm tín Tam bảo. Nhờ thế, cô thường viếng chùa, lễ Phật, cúng dường lương thực, y phục và những vật dụng cần thiết khác cho Thế Tôn và đại chúng với lời khấn nguyện:

- Nguyện cầu Thế Tôn và hiện tiền chúng Tăng chứng minh công đức, giúp con được tái sanh với người chồng cũ.

Mỗi khi cúng dường, lễ Phật cô đều dâng lời ước nguyện duy nhất như thế. Tăng chúng thấy vậy nhìn nhau, thắc mắc:

- Cô này lạ thật! Coi bộ nết na thùy mị, lễ Phật cúng dường như vậy mà vẫn đa sầu, đa cảm. Chồng ngồi bên cạnh trơ vơ, đang tâm tơ tưởng chồng hờ kiếp nao! Đúng là: sông ái ân nước dâng ngàn thước, biển khổ đau sóng dập muôn trùng.

 Các sư không ngần ngại tặng cho cô biệt hiệu là Trọng Phu, Pa-ti-pu-ji-ka (Husband-Honorer, Patipũjikã). Cô thường xuyên chăm sóc tăng đường được thiết lập giữa một ngôi làng hiền hòa, vắng vẻ. Cô ngày ngày quét dọn phòng xá sạch sẽ, chuẩn bị nước nôi và bàn ghế tươm tất cho Tăng chúng. Cô cẩn trọng tích lũy công đức, nuôi dưỡng thiện nghiệp; và niềm vui đã đến với gia đình nhà chồng, côø có thai và sanh được một cháu trai bụ bẫm, dễ thương sau mười tháng tinh chuyên chăm lo ẩm thực cho Tăng đoàn. Khi cháu vừa biết đi, cô sanh thêm đứa thứ hai, rồi đứa thứ ba, đứa thứ tư; và trong vòng sáu năm, côø sanh được bốn cháu trai khỏe mạnh, lanh lợi, thông minh.

Một buổi sớm mai, tiết trời dịu mát, cô dâng lễ vật cúng dường Đức Thế Tôn, nghe Ngài thuyết pháp, thọ trì giới luật, và đến cuối ngày thì cô lặng lẽ qua đời sau một chút choáng váng. Cô được tái sanh với người chồng trước theo ước nguyện thiết tha của mình.

Trong khoảng thời gian cô làm dâu, làm vợ, sanh con, lễ Phật, cúng dường, giúp chùa, công quả và giã từ dương thế thì các tiên nữ vẫn còn đang trang điểm hương hoa cho thiên thần. Vừa chợt thấy cô, thiên thần Hoa Mang hỏi:

- Từ sáng tới giờ ta không thấy thiếp. Phu nhân đi đâu về đó?

- Thiếp đã đầu thai một kiếp, thưa phu quân.

- Phu nhân nói sao?

- Đúng thế, thưa phu quân! Thiếp đã đầu thai một kiếp.

- Phu nhân đầu thai vào cõi nào?

- Trong một gia đình khá giả ở Xá Vệ.

- Phu nhân ở đó được bao lâu?

- Cuối tháng thứ mười thì thiếp được mẹ thiếp cho ra đời. Khi lên mười sáu tuổi, thiếp phải theo chồng về một gia đình khác. Thiếp đã sanh được bốn người con trai. Rồi thiếp lo việc nhà, việc chùa quần quật suốt ngày. Chẳng hạn như lễ Phật, cúng dường, tụng kinh, bái sám, bửa củi, nấu ăn, giặt giũ, rửa ráy v.v... nhưng thiếp lúc nào cũng cầu nguyện sao cho được tái hợp với phu quân.

- Hay lắm! Thế ... thọ mạng của người đời được bao lâu?

-  Chỉ vỏn vẹn một trăm năm!

-  Ngắn ngủi vậy sao?

-  Đúng vậy, thưa phu quân!

-  Nếu thọ mạng người đời ngắn như vậy thì họ chỉ biết ăn chơi, ngủ nghỉ hay lễ Phật, cúng dường?

-  Dạ!... Họ vốn thích buông lung phóng dật, tận hưởng khoái lạc, sống thác theo đời;  cho dù sống đến muôn kiếp họ vẫn thế, chả có chủ đề hay định hướng gì cho chu trình sanh - lão - bịnh - tử.

Vô cùng ái ngại, thiên thần Hoa Mang cất tiếng hỏi:

- Nếu như phu nhân nói người đời chỉ sống trăm năm, và nếu như họ thường phóng ngôn lộng ngữ, cẩu thả buông lung, ăn ngủ vô độ thì làm sao trong thời gian ngắn ngủi ấy họ có thể liễu sanh thoát tử, tận khử khổ đau?

-  Phu quân hỏi nhiều quá! Hạ giới một chuyến thì biết. Thiếp thấy sao nói vậy.

- Ha!... Ha!... Thôi được rồi. Cảm ơn phu nhân đã cho ta biết đôi điều ở dương thế.

Sáng sớm hôm sau, các sư vào làng khất thực, đến tăng đường, thấy nước nôi không có, bàn ghế ngổn ngang, trên thềm dưới sân lá dồn chồng chất, bèn vui miệng nói:

- Ủa, cô Trọng Phu nay sao giải đãi thế! Nhớ đức lang quân năm xưa đến nỗi quên cả nghĩa vụ thiền môn sao? Thưa bà Trọng Phu kính mến!

Một Phật tử từ trong nhà chạy ra, chấp tay xá xá và nói lắp bắp:

- Bạch chư sư, cô ấy mất tối hôm qua rồi. Tội nghiệp! suốt ngày lễ Phật, cúng dường, bòn mót công quả; tối về tắm rửa, cơm nước xong, lên giường nằm là đi luôn. Tội nghiệp quá!

Các sư đã chứng quả A la hán thì thản nhiên trước sự vận hành của các pháp hữu vi, còn các sư chưa thành đạt thì ngậm ngùi, liếc nhìn nhau và đưa tay lau nước mắt.

 Sau thời thiền hành, khất thực, các sư đến tu viện, đảnh lễ Đức Thế Tôn, thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn, Phật tử Trọng Phu mất rồi. Cô ấy cẩn trọng, chăm chỉ, góp nhiều công sức cho chùa, nhưng vẫn một lòng nguyện tác hợp với người chồng cũ. Bạch Thế Tôn, cô ấy đầu thai về đâu? Liệu cô ấy có gặp lại người chồng cũ không?

- Này các thầy Tỳ kheo, người chồng cũ mà cô ấy nguyện tác hợp không giống như ý nghĩ suy diễn của các thầy. Đó là thiên thần Hoa Mang ở tầng trời thứ Ba mươi ba. Cô ấy đầu thai trong khi đang trang điểm hoa hương cho thiên thần đó. Nay cô ấy đã về quê cũ, gặp lại người xưa trong bầu không khí phu thê hạnh phúc.

- Đúng vậy sao, bạch Thế Tôn?

- Như Lai chơn ngữ giả, thật ngữ giả, bất cuống ngữ giả.

- A Di Đà Phật! Bạch Thế Tôn, thọ mạng của chúng sanh trên cõi đời này sao ngắn ngủi quá! Buổi sáng lễ Phật tụng kinh, tối về giã từ dương thế!

- Này các thầy Tỳ kheo, thọ mạng của con người trên cõi đời này quả thật mong manh, cho nên họ bỏ công tìm kiếm và hưởng thụ dục lạc. Nhưng tiếc thay, ý dục lạc chưa thỏa thì đã bị tử thần lôi họ ra đi với những lời khóc than ai oán.

Dừng lại trong giây lát, Thế Tôn mỉm cười, đưa mắt nhìn  đại chúng một lượt, xong Ngài đọc kệ:

Người hái hoa dục lạc,

Tâm tham nhiễm say sưa,

Dục vọng, ý chưa vừa,

Đã bị tử thần kéo.

(PC. 48)

 


 

VUI THAY BỐ THÍ CÚNG DƯỜNG

XAN THAM ĐOẠN TUYỆT, MƯỜI PHƯƠNG AN LÀNH

Truyện kể rằng tại thị trấn Thịnh Đường (Jaggery), cách thành Vương Xá không xa, có một phú ông vang danh giàu có nhưng khét tiếng bủn xỉn nên quần chúng gọi ông là lão gia Chí Kiệt Kô-xi-da (Nigardly Kosiya). Lão không bao giờ cho ai một hạt đậu, hạt mè; thậm chí vợ con trong nhà, gia nhân phục vụ, và ngay cả bản thân lão cũng phải tách bạch khẩu phần theo kiểu đo lọ tương ớt, đếm củ dưa hành. Kết quả là cái gia sản kết sù của lão chả có ý nghĩa gì, chẳng mang lại cho ai trong gia đình một chút tự hào hãnh diện, mà chỉ gây nghẹn ngào u uất như một ngục tù đầy dẫy âm binh.

Một sáng tinh mơ, trời trong gió mát, bốn bề vắng lặng, cảnh vật êm đềm và thanh thoát làm sao! Đức Thế Tôn xả thiền sau một thời khởi tâm đại bi, vận dụng Phật nhãn quán chiếu thế gian, thấy ngay vợ chồng phú ông đang trầm ngâm suy nghĩ bên ánh đèn leo lét trong chốn cô phòng. Họ tận dụng từng giờ từng phút để tích lũy lương thực, tàng trữ châu báu, nhưng lại khép kín tâm hồn đến lạnh lùng xơ cứng. Động lòng từ ái, Thế Tôn chờ dịp khai mở trí tuệ, khơi mầm thiện căn cho họ đến gần với chánh pháp.

Ngày hôm sau, Chí Kiệt đến hoàng cung hầu hạ quốc vương, trải thân qụy lụy hoàng gia để có được chút danh bá hộ. Rồi trên đường về nhà, Chí Kiệt thấy một gã ăn mày đang cạp chiếc bánh gai gần nát cả lá. Thế là dịch vị trong người lão cứ rần rần tiết ra, làm cho lão nuốt nước bọt liên hồi mà chả chế ngự được cơn thèm khát. Khi về tới nhà, lão ngồi phịch xuống ghế, đăm chiêu suy nghĩ:

- Nếu bảo ta muốn ăn bánh gai thì bao nhiêu người trong nhà cũng sẽ nhao nhao mong ngóng bánh gai, và thế thì hao tốn lắm! Gạo mè đường nếp đâu mà chịu cho xuể!  Phải nhịn thôi!

Chí Kiệt đi tới đi lui để hàng phục cơn đói, và nhất là để tìm ra kế sách ăn bánh một mình. Thời gian lặng lẽ trôi qua, cơn đói bức bách đến nỗi da thịt Chí Kiệt bỗng dưng đổi sắc vàng khè, gân cốt nổi lên ngoằn ngoèo như đàn giun lãi rục rịch trên bó rạ khô. Lão vội vã vào phòng, quăng mình trên chiếc giường gỗ, tâm trạng lo sợ thất thoát tài sản còn hơn là sợ ai biết mình thèm ăn bánh gai.

Thấy chồng nằm úp mặt xuống giường, chốc chốc lại thở dài nghe não nuột. Người vợ đến ngồi trên mép giường, đưa hai tay xoa xoa lưng chồng, an ủi:

- Mình nghe em nói này. Có chuyện gì vậy?

- Chả có chuyện gì cả!

- Quốc vương có đòi hỏi gì nữa không? Chơi thân với bọn vua quan có lúc sẽ đi ăn mày hay mang gông vào cổ nghe anh!

- Suỵt!... câm mồm. Nói năng bậy bạ có ngày mất lưỡi cả đám!

- Vậy thì con cái và đám gia nhân có đứa nào tiêu xài tùy tiện, làm phiền anh không?

- Không có gì cả, mệt bà quá!...

- Anh đừng giấu em! Không có gì cả thì tại sao nom anh khốn khổ thế này! Da thịt bỗng dưng vàng khè, gân cốt nổi lên lố nhố trông phát ớn! Hay là anh thèm khát thứ gì? Một vợ sáu con chưa vừa hả?

Chí Kiệt nằm im bất động. Nỗi lo sợ hao hụt tài sản khiến lão không nói nên lời.

Dằn lòng hết nổi, người vợ thét lên:

-  Nói!... Ông mê con nào? Một hớp rượu ngon không dám dính môi nhưng sẵn sàng dâng cả hương hỏa từ đường này cho nó phải không?

- Bà sao!... Nói nho nhỏ có được không! Vâng, tôi thèm lắm! Chí Kiệt vừa nói vừa nuốt nước miếng ừng ực.

- Thèm thứ gì? Ông nai lưng ra làm giàu để được chết đói chết khát hả?

- Ước gì bà cho tôi một chiếc bánh gai. Lão nói với đôi môi như mếu.

- Tại sao ông không nói là ông thèm ăn bánh gai? Ông nghèo khổ lắm hả? Ông mằn tro mò trấu không ra bánh gai hả? Ông mang danh Chí Kiệt là phải lắm! Được rồi, tôi sẽ làm bánh đãi cả làng cho ông xem.

- Ơ kìa!... Chí Kiệt ngồi phắt dậy. Bà khùng hả? Việc gì phải quan tâm đến họ! Tay làm hàm nhai! Quảng đại từ bi cũng bị tù! Bà hiểu chưa?

- Vậy thì  ít ra cũng vui vẻ với bà con chòm xóm chứ?

- Đánh chết cái nết không chừa! Cái tật hoang phí của bà khó ưa lắm!

- Thế mọi người trong nhà này ngồi nhìn ông ăn bánh. Họ là gỗ đá trơ trơ, không có cảm xúc!

- Nữa!... Bà thật sự không hiểu thế nào là bừa bãi, vung vít!

- Vậy con cái của ông thì sao? Chẳng lẽ cha ăn bánh, con liếm lá!

- Chúng dùng cơm canh rau đậu như thường lệ là được rồi.

- Còn tôi đây?

- Bà ấy à!... Khổ quá! Tại sao bà phải kể hết người này đến người nọ?

- Thôi được!... Tôi chỉ làm một cái cho ông vừa lòng.

- Nhưng coi chừng chứ chúng nó sẽ thấy bà làm bánh trong nhà. Tốt nhất là đem một ít gạo nếp sữa mật, nồi niêu xoong chảo với ba cục gạch lên sân thượng là ổn. Bánh làm xong là tôi ăn liền, khỏi ai thấp thỏm dòm ngó gì cả.

Để vừa lòng chồng, người vợ đem các thứ cần thiết lên lầu bảy, đóng cửa cài then, cấm con cái và gia nhân lên xuống, âm thầm nhóm lửa làm bánh cho lão gia Chí Kiệt.

Sáng hôm đó Thế Tôn bảo Trưởng lão Mục Kiền Liên (Moggallãna) đến thành Vương Xá khất thực, tìm cách gặp vợ chồng Chí Kiệt đang nấu bánh trên lầu cao, thuyết giảng cho họ biết thế nào là vô ngã, vô thường, vị tha và nội kết; xong, bằng thần thông diệu lực, đưa họ đến tu viện Trúc Lâm gặp Thế Tôn với 500 Tỳ kheo để cùng nhau thưởng thức hương vị đặc thù của loại bánh gai Chí Kiệt.

Chỉ trong khoảnh khắc, Mục Kiền Liên đã đứng sừng sững giữa hư không trước phòng Chí Kiệt như một pho tượng rực rỡ. Vừa thấy dung nghi Trưởng lão, Chí Kiệt hết hồn, đứng bật dậy, nhưng chỉ trong giây lát thì trấn an được ngay và gằn giọng nói:

-  Ông đạo, ông muốn gì? Dù cho ông trổ tài phù phép đi lại giữa hư không cũng chả kiếm được chút gì. Mời ông đi ngay cho!

Trưởng lão cất bước đi đi lại lại trong không trung.

Nổi nóng, Chí Kiệt quát:

- Ông đạo, cho dù ông ngồi kiết già ở đó thì cũng chả đánh động được lòng vị tha của ta đâu!

Trưởng lão liền xếp chân ngồi kiết già như đang nhập định.

Bực quá, Chí Kiệt thách thức:

- Ông đứng trên ngưỡng cửa sổ này cũng vô ích thôi. Cơm gạo đâu mà cho các ông. Một lũ lười biếng. Thấy ai có của thì lò mò tới. Thật không biết xấu hổ, liêm sĩ gì cả!

Trưởng lão liền đứng trên ngưỡng cửa sổ.

Hết chịu nổi, Chí Kiệt trợn mắt, chỉ tay vào mặt Trưởng lão, nói:

- Ông có phun mây, nhả khói đi nữa thì cũng chả sờn một sợi lông chân của ta.

Trưởng lão huýt nhẹ một cái và căn nhà liền chìm trong khói mù dày đặc.

Chí Kiệt phẫn uất, định nói: “Dù mi có ho ra cát, khạt ra lửa cũng thế thôi”. Nhưng vì vừa ho, vừa sặc, nước mắt nước mũi trào ra, và nhất là sợ căn nhà bị thiêu rụi, nên lão dằn được sân tâm, ôn tồn nói với vợ:

- Mình ơi!... Làm thêm một cái bánh cỏn con cho hắn để hắn đi cho khuất mắt. Hắn đang trí mạng đòi ăn đấy!

Người vợ cho một chút bột vào nồi, nhưng bánh lại nở to, làm nước trong nồi tràn ra. Chí Kiệt đau lòng thầm nghĩ: “Hẳn là bà ấy đã lấy nhiều bột quá!” ; và thế là Chí Kiệt đích thân nhéo một tí bột dính trên đầu thìa cho vào nồi, nhưng bánh lại to hơn cái trước. Và cứ thế, bánh họ nấu cái nào cũng lớn hơn cái trước. Cuối cùng Chí Kiệt nói với vợ:

- Bà ơi!... Coi cái nào nho  nhỏ cho đại nó một cái. Nó đứng đó hoài làm tôi xốn mắt lắm!

Nhưng khi người vợ vừa lấy một cái thì tất cả bánh trong rổ đều dính chùm lại với nhau, ngạc nhiên, bà nói:

- Mình ơi!... Bánh dính chùm, không gỡ ra được!

- Để đó tôi gỡ cho. Chuyện nhỏ mọn thế mà cũng kêu réo!

Chí Kiệt gắng sức tách bánh ra, nhưng càng tách chúng càng dính chặt. Cuối cùng, chồng nắm một đầu, vợ nắm một đầu, cố kéo tách bánh ra, nhưng vẫn không được.

Trong khi Chí Kiệt hì hục chiến đấu với bánh, mồ hôi toát ra đẫm người, và lòng tham bỗng dưng biến mất. Quay sang nhìn vợ, lão nói:

- Bà ơi!... Tôi không cần những thứ này nữa. Cúng dường rổ bánh cho ông sư đó đi.

Theo lời chồng, người vợ bê rổ bánh đến trước mặt Mục Kiền Liên. Trưởng lão mỉm cười, tán thán:

Vui thay bố thí cúng dường,

Xan tham đoạn tuyệt, mười phương an lành,

Vô thường, vô ngã, vô danh,

Vô công dụng xứ viên thành đạo tâm.

Chí Kiệt sững sốt đến trân người, mắt đăm đăm nhìn Trưởng lão mà hai gối quỳ xuống lúc nào không hay. Ông chấp tay, thưa:

- Kính bạch Trưởng lão, mời Trưởng lão đến đây, ngồi trên chiếc giường này và dùng bánh tự nhiên.

- Cảm ơn thí chủ. Đức Thế Tôn và 500 Sa môn đang chờ bánh gai của thí chủ tại tu viện Kỳ Viên. Nếu không trở ngại, mong lão gia và phu nhân đem bánh và những thực phẩm khác đến cúng dường Thế Tôn và đại chúng, rồi cùng nhau thưởng thức cho vui.

- Nhưng Trúc Lâm cách đây xa quá, bạch Trưởng lão. Chúng con đi bằng cách nào?

- Khỏi lo!... Miễn sao thí chủ hoan hỷ thì mọi việc sẽ đâu vào đó.

Thế là một chiếc cầu thang xinh xinh nối liền giữa biệt thự của lão gia với ngọ môn Kỳ Viên. Vợ chồng Chí Kiệt đến chùa nhằm giờ thọ trai. Họ đem bánh gai, bơ, sữa, đường, mật vào trai đường, đảnh lễ cúng dường Thế Tôn và đại chúng, rồi tất cả cùng nhau thọ thực trong bầu không khí chan hòa, thân mật.

Thọ trai xong, vợ chồng Chí Kiệt được Thế Tôn tán thán công đức và ban cho một thời pháp thoại về hạnh xả ly xan tham, vun bồi trí tuệ và lợi ích phước điền. Sau đó họ ngỏ lời tạm biệt Thế Tôn, đại chúng, và ra về trong niềm hạnh phúc vô biên.

Tối hôm sau, đại chúng họp nhau trong chánh điện, ai ai cũng hãnh diện ca ngợi thần lực của Trưởng lão Mục Kiền Liên.

- Quý huynh đệ thấy đấy, thần thông diệu lực của Trưởng lão Mục Kiền Liên quả thật bất khả tư nghì. Chỉ trong giây lát, Trưởng lão đã giáo hóa lão gia Chí Kiệt nhận thức được lý vô thường, vô ngã; đem vật thực đến chùa cúng dường lễ Phật, thật là thậm thâm hy hữu.

Nghe các Sa môn tán dương hưng phấn trong chánh điện, Thế Tôn bước vào, nói:

- Vui hỷ?!... Các thầy có gì mà họp nhau bàn luận thú vị thế này?

Đại chúng vừa liếc nhìn nhau thì Thế Tôn tiếp lời:

- Này các thầy Tỳ kheo, các thầy hóa duyên với chúng sanh phải đến tận thôn làng, gặp mặt từng người, viếng thăm từng hộ mà không làm suy giảm niềm tin, hao tổn tài vật, và phiền lòng thí chủ. Hãy thuyết giảng cho họ biết đức hạnh của Đức Phật cũng giống như sứ mạng của một con ong, đúng không? Ong suốt đời tần tảo, bay tìm khắp muôn nơi, hút nhụy hoa làm mật, dâng hương vị cho đời, nhưng ong không tác hại gì cả. Tỳ kheo Mục Kiền Liên là thế đó.

Im lặng trong giây lát, Thế Tôn mỉm cười và đọc kệ:

Tỳ kheo vào làng xóm,

Như ong đến vườn hoa,

Lấy mật xong bay ra,

Không hại gì hương sắc.

 (PC. 49)

Không ai bảo ai, đại chúng đồng chấp tay, cúi đầu, khẽ niệm: A Di Đà Phật. Rồi họ đứng lên đảnh lễ Đức Thế Tôn và lui ra với những bước chân  nhẹ nhàng nhưng vững chãi hơn.

 


 

TUYẾT RƠI TRƯỚC CỬA CHƯA TỪNG QUÉT

LẠI LO SƯƠNG PHỦ MÁI NHÀ NGƯỜI

Truyện kể rằng tại Xá Vệ có một tín nữ, vợ của một thương gia giàu có, rất mực thuần thành, chăm lo ẩm thực và những nhu cầu cần thiết khác cho một ẩn sĩ lõa thể hiệu Pa-thi-ka (Pãthika) như chăm lo yêu quý đứa con trai duy nhất của bà vậy. Một hôm, những người láng giềng đến chùa nghe Thế Tôn thuyết pháp, rồi về nhà hết lời tán dương dung nghi uy lực của Đức Đạo Sư: nào là pháp âm ngọt ngào, êm dịu; nào là diện mạo rạng rỡ như ánh trăng rằm; hai tai Phật dài, đầy đặn và đẹp làm sao; đôi mắt Ngài hiền hòa, trong sáng và đẫm lòng nhân ái v.v... Khi nghe các bà ca ngợi đức hạnh và phong thái thanh thoát của Thế Tôn, tín nữ cũng muốn đi chùa  nghe pháp. Bà bày tỏ ý định với ẩn sĩ:

- Bạch thầy, con muốn đến chùa nghe Phật thuyết pháp.

- Có gì mà nghe! Quanh đi quẩn lại cũng chỉ ngần ấy chuyện: cũng Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên, nghe cũ rích! Còn nữa, tu hành mà lo y phục chỉnh tề, làm đỏm làm dáng, đi đứng quy cách, ngủ nghỉ điều độ, ăn uống tùy duyên ... khó tin lắm!

Lần nào tín nữ định đi chùa cũng bị ẩn sĩ tìm cách ngăn cản với lời lẽ gần như thóa mạ. Cuối cùng, bà quyết định thỉnh Thế Tôn đến nhà để bà được nghe pháp.

Một đêm nọ, bà bảo đứa con trai duy nhất của bà đến chùa thỉnh Đức Thế Tôn trưa hôm sau đến nhà bà thọ trai. Cậu thiếu niên, theo nếp lễ giáo, đến chào ẩn sĩ, và thế là Pa-thi-ka bắt chuyện:

- Cậu đi đâu mà đến đây đêm hôm khuya khoắt thế này?

- Dạ!... Mẹ con bảo con đến chùa thỉnh Phật trưa mai đến nhà thọ trai.

- Đi đâu cho phí sức, về đi! Có gì xảy ra ta chịu.

- Dạ... nhưng con sợ mẹ con mắng lắm!

- Có ta đây còn sợ nỗi gì? Thầy trò mình sẽ hưởng phần dâng lễ đặc biệt đó.

- Không được!... Mẹ con sẽ đánh con chết.

- Ơ kìa!... Vậy thì đi đi, nhưng đừng cho địa chỉ. Nói vòng vo đôi điều rồi về gấp, nghe chưa?

Theo lời ẩn sĩ, cậu thiếu niên đến chùa gặp Thế Tôn, thưa mời Ngài xong là hối hả ra về.

Vừa gặp ẩn sĩ, Pa-thi-ka liền hỏi:

- Sao!... Cậu làm đúng những điều ta dặn chứ?

- Dạ... vâng ạ! Thầy bảo sao con làm vậy.

- Khá lắm!... Đêm nay ở lại đây. Ngày mai chúng ta sẽ mặc nhiên thọ dụng lễ vật cúng dường đó.

Sáng sớm hôm sau, ẩn sĩ đưa cậu thiếu niên về nhà, và cả hai ngồi nghe ngóng ở phòng sau.

Được tin Thế Tôn đến thọ trai, bà con chòm xóm hăng hái đến trang hoàng nhà cửa tươm tất, nhất là thiết kế một chỗ ngồi cao sang để cung nghinh Đức Phật an tọa.

Từ tờ mờ sáng hôm đó, Thế Tôn vận y, ôm bình, thiền hành thẳng đến căn nhà của tín nữ. Bà ra tận cổng tiếp đón và gieo mình sát đất đảnh lễ Thế Tôn. Xong bà mời Ngài vào trai phòng, bê nước cho Ngài rửa tay, chân và thỉnh Ngài ngồi vào chánh tòa, thọ dụng lễ vật cúng dường.

Thọ trai xong, với âm thanh ngọt ngào êm dịu, Thế Tôn cất lời hồi hướng công đức:

Cung nguyện thập phương tam thế Phật,

Hộ trì gia đạo vĩnh an khương,

Viễn ly ác kiến tam đồ khổ,

Bát nhã hoa khai tuyệt đoạn thường.

Thế Tôn vừa dứt lời thì tín nữ và các Phật tử phụ hầu trai lễ đều đồng thanh niệm danh hiệu Đức Bổn Sư, biểu lộ sự hoan hỷ và hãnh diện được Phật quang lâm, thọ ký.

Từ phòng sau, nghe mọi người đồng niệm hồng danh Bổn Sư, ẩn sĩ lõa thể khởi tâm kiêu mạn, ghen tức trong lòng, bèn xông ra phòng ngoài, lớn tiếng hủy báng:

- Con đĩ già kia, mi đâu còn là tín nữ của ta. Rồi đây mi sẽ tan xương nát thịt vì cái tội tán dương, cung kính lão ăn mày lẻo mép này.

Pa-thi-ka trợn mắt, khuỳnh tay trút lời đê tiện xong là vọt ra khỏi cửa, chạy mất. Tín nữ vô cùng ân hận về những lời nhục mạ trơ tráo của tên ẩn sĩ ác tâm đến  nỗi đầu óc rối bù, tâm tư loạn động, không còn lòng dạ mặt mũi nào hầu Phật nghe pháp. Hiểu rõ tâm trạng của tín nữ, Thế Tôn hỏi:

- Tín nữ, ngươi không thể định tĩnh tâm hồn, lắng nghe chánh pháp nữa phải không?

- Đúng vậy, bạch Thế Tôn! Con rất đau buồn về những lời hồ đồà, thô lậu của gã ẩn sĩ đó. Không ngờ lâu nay con tận tâm chăm sóc một gã côn đồ, điên loạn. Thật có tội với Tam bảo. Xin Thế Tôn từ bi, hỷ xả cho gia đình con.

- Có gì mà hỷ xả! Thế Tôn tươi cười nói. Không nên nhận xét, đánh giá lời lẽ của một kẻ ngoại đạo như thế. Không nên quan tâm đến hạng người như vậy. Hãy tỉnh giác. Hãy quán chiếu lỗi lầm do chính mình gây ra. Đừng trĩu lòng ray rứt theo kiểu: tuyết rơi trước cửa chưa từng quét, lại lo sương phủ mái nhà người.

Ngài mỉm cười, đọc kệ:

Đừng tò mò vạch lỗi,

Việc người làm hay chưa,

Hãy nhìn lại việc mình,

Đã làm hay vất bừa.

(PC. 50)


 

TRAO TRUYỀN GIỚI LUẬT PHẬT ĐÀ
ĐÓ LÀ SỨ MẠNG TĂNG GIÀ SA MÔN

Tại Xá Vệ, có một cư sĩ đã chứng quả Tư đà hàm, tên là Đắc Thủ (Chattapãni). Một sáng sớm nọ, nhằm ngày chay tịnh, và theo nếp sinh hoạt thiền môn, Đắc Thủ phải đến chùa lễ Phật, nghe Pháp.

Trong lúc Đắc Thủ đang ngồi nghe pháp thoại trong chánh điện thì quốc vương Pa-xen-na-đi Kô-xa-la (Pasenadi Kosala) đến lễ Phật cúng dường. Đắc Thủ thấy lòng mình phân vân, ái ngại, không biết có nên đứng lên cung đón quốc vương hay không. Cuối cùng, ông quyết định:

- Ta đang ngồi trước sự hiện diện của bậc Chuyển luân thánh vương, tức là vua trong những vì vua. Nếu ta đứng lên chào quốc vương thì hóa ra ta xem thường uy đức cao dày của đấng Pháp vương. Nhưng nếu ta không đứng lên cung nghinh hoàng thượng thì mạng sống này khó bề an toàn. Một khi nhà vua cau mày thì cỏ cây cũng phải gục đầu vàng úa, biết làm sao đây! Nhưng thôi! Đã quyết thì làm, đã đốn thì vác, thà chết chứ không chịu thất lễ với Đức Thế Tôn. Thế là Đắc Thủ cứ mặc nhiên tịnh tọa.

Thấy Đắc Thủ không đứng lên chào mình, tâm can quốc vương bỗng dưng sôi lên sùng sục, nhưng nhà vua liền trấn an, vui vẻ, thản nhiên đảnh lễ Thế Tôn và cung kính ngồi sang một bên. Tuy nhiên, những tia lửa sân hận, kiêu khí cứ chập chờn, thấp thoáng vút qua khóe mắt quốc vương. Nhận thấy hậu quả nguy kịch có thể xảy ra, Thế Tôn dịu giọng, nói:

- Đại vương, Đắc Thủ là một hiền giả, thông đạt tam tạng giáo điển, và lúc nào cũng hoan hỷ với duyên nghiệp thành tựu hay bất hạnh của mình.

Nghe Thế Tôn tán thán nhân cách trung hậu của Đắc Thủ, quốc vương hạ hỏa, lờ đi hành vi xem ra như trịch thượng của một thần dân.

Rồi một hôm, sau bữa điểm tâm, quốc vương đứng trên lan can hoàng cung, nhìn thấy Đắc Thủ tay cầm dù vải, chân mang giày hạ, đi ngang trước sân. Ngay tức khắc, quốc vương lệnh vệ sĩ đưa Đắc Thủ đến trước bệ rồng. Được lệnh diện kiến long nhan, Đắc Thủ liền cởi bỏ giày, dù ; trịnh trọng từng bước đến trước mặt quốc vương, khấu đầu thi lễ với lời chúc thọ theo kiểu thiết triều:

- Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!

Sau đó Đắc Thủ bình thân, rón rén bước sang một bên.

Thấy ngôn hạnh đoan trang, cung cách tự tin và cẩn mật của Đắc Thủ, quốc vương hỏi:

- Này cư sĩ, tại sao ngươi phải cởi bỏ giày, dù; phải đi đầu trần chân đất thế?

- Muôn tâu hoàng thượng, khi được lệnh triệu kiến long nhan, thảo dân đã cởi bỏ giày dù ngay.

- Hôm nay ngươi mới nghe danh hoàng thượng?

- Thưa không ạ! Thảo dân đã biết hoàng thượng là bậc anh minh thánh đức, là biểu tượng phước điền cho sơn hà xã tắc  Xá Vệ ạ!

- Thế thì tại sao hôm nọ thấy ta đến chùa lễ Phật, nghe pháp,  ngươi vẫn điềm nhiên tọa thị, không đứng lên chào ta?

- Muôn tâu hoàng thượng, thảo dân đang ngồi trước đức Chuyển luân thánh vương, đứng lên chào hoàng thượng e lỗi đạo với đấng Pháp vương, người mà đại vương còn phải cung kính đảnh lễ; xin hoàng thượng lượng thứ.

- Khá lắm! Thôi, việc đã qua, cho qua! Nhưng này, nghe nói ngươi bát lãm kim cổ, thông đạt tam tạng thánh giáo; vậy ngươi hãy vào cấm cung,  thuyết giảng giới luật cho cung phi, được không?

- Dạ... không dám! Muôn tâu hoàng thượng.

- Tại sao?

- Dạ... vào ra cung cấm hoàng triều dễ bị dư luận lên án lắm, dù là việc quốc gia đại sự hay thăm viếng thâm tình, tâu hoàng thượng!

- Nói thế không được! Hôm nọ gặp ta, ngươi bảo đứng lên chào hoàng thượng là lỗi đạo tông môn; nay vào cung vua thì ngươi cho là thiên hạ đàm tiếu. Ngươi định lộng giả thành chơn, buông lời sỉ nhục đấy chắc!

- Dạ... không dám, không dám, muôn tâu hoàng thượng! Cư sĩ mà đăng đàn thuyết pháp, tụng giảng giới luật, ôm trọn chức năng của giới Sa môn thì khó coi lắm, e sẽ bị nặng lời chỉ trích! Xin hoàng thượng cung thỉnh một Trưởng lão thâm uyên lo  việc đó cho.

- Thôi được! Ngươi có thể lui ra.

Sau đó quốc vương phái một sứ thần đến gặp Thế Tôn với lời thỉnh nguyện:

- Bạch Thế Tôn, hoàng hậu Ma-li-ka (Mallikã) và chánh phi Va-xa-ba-kha-ti-da (Vãsabhakhattiyã) của trẫm muốn thọ trì giới luật. Vậy thỉnh Thế Tôn phái 500 Sa môn thường xuyên đến hoàng triều thuyết giảng giới luật cho họ.

- Đại vương.- Thế Tôn đáp, xưa nay chư Phật không thể thường xuyên đến một nơi nào.

- Vậy thì, bạch Thế Tôn, thỉnh một Tỳ kheo.

Thế Tôn giao trách nhiệm cho Trưởng lão A Nan. Và thế là A Nan ngày ngày đến cấm cung thuyết giảng giới luật cho hoàng hậu và chánh phi. Ma-li-ka chí tâm cầu học, nghe đâu nhớ đó, và nhất là ứng dụng giới luật vào nếp sinh hoạt hằng ngày trong cung phủ, nên quốc vương hoan hỷ lắm; còn Va-xa-ba-kha-ti-da thì học hành chiếu lệ, tai nghe giới luật mà lòng dạo hoa viên, kết quả là không nắm được phần tinh hoa, cốt tủy của giới luật.

Một hôm Thế Tôn hỏi A Nan:

- Này, A Nan, quý vị Ưu bà di của thầy có hiểu và áp dụng được giới luật vào nếp sống hằng ngày không?

- Dạ... thưa có, bạch Thế Tôn!

- Ai đạt hiệu quả cao nhất?

- Dạ... Ma-li-ka. Hoàng hậu dốc tâm tu học nên nắm được tông chỉ của giới luật, còn chánh phi thì hay giải đãi, không tha thiết mấy với cung cách điều thân, luyện tâm nên còn nhiều mặt hạn chế.

Nghe A Nan trình bày kết quả trao truyền và hành trì giới luật, Thế Tôn nói:

- Này, A Nan, giới luật ta thuyết giảng, đối với những ai không tha thiết lắng nghe, không học, không ứng dụng, không truyền bá, thì chả lợi ích gì cả; giống như một đóa hoa sắc màu rực rỡ mà thiếu hẳn hương vị ngọt ngào. Hình thức huy hoàng mà nội dung rỗng tuếch thì chưa được gọi là viên mãn. Nhưng nếu ai chí tâm lắng nghe, học tập, ứng dụng và truyền bá giới luật thì được công đức và phước báo vô lượng, vô biên.

Ngài đọc kệ:

Như bông hoa tươi đẹp,

Có sắc nhưng không hương,

Nói hay làm không được,

Kết quả có chi lường.

 

Như bông hoa tươi đẹp,

Có sắc lại thêm hương,

Nói hay và làm giỏi,

Kết quả thật vô lường.

(PC. 51-52)


 

TÍN TÂM VUN XỚI PHƯỚC ĐIỀN
PHÁT HUY NGUYỆN LỰC VÔ BIÊN QUẢ LÀNH

Tương truyền rằng Minh Nguyệt (Visàkhà) là một nữ đại thí chủ đối với Đức Thế Tôn và Tăng đoàn. Bà thâm tín chư Phật, suốt đời toàn tâm tận lực vun xới phước điền bằng cách chăm lo ẩm thực, cung cấp y phục, xây dựng phòng xá và phục vụ thuốc thang cho Tăng chúng. Bà phụng sựï Tam bảo với tâm hồn rỗng rang, thanh tịnh, hồn nhiên và vô ngại.

Một đêm rằm tháng tư, nhân lúc dự lễ khánh thành một tu viện, thấy công đức xây dựng của mình được thành tựu viên mãn, nhất là niềm vui được thể hiện qua từng bước thiền hành của Đức Thế Tôn và đại chúng vòng quanh chánh điện, bà cùng con cháu chấp tay chánh niệm theo sau chúng Tăng. Bỗng dưng bà thầm nghĩ: “Thế là tâm nguyện bấy lâu của ta nay được thành tựu”. Bằng ngữ điệu uyển chuyển ngọt ngào, bà cất lời tán thán:

Bao năm tứ sự cúng dường,

Hộ trì Tam bảo tuyên dương pháp mầu,

Thiền môn lộng ánh trăng sao,

Nghe trong cây cỏ dạt dào tình quê.

Nghe âm thanh luyến láy mượt mà của bà, các sư lấy làm ngạc nhiên, hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn, chúng con chưa bao giờ nghe Minh Nguyệt hát. Thế mà hôm nay thấy bà cùng con cháu hân hoan ca khúc khải hoàn vòng quanh tu viện. Phải chăng bà ấy lên cơn tâm thần hay có điều uẩn khúc trong lòng?

- Này các thầy Tỳ kheo, Thế Tôn đáp, tín nữ đâu có hát. Chỉ vì tâm nguyện xây chùa được thành tựu nên phấn khởi reo lên thành lời đấy thôi.

- Nhưng... bạch Thế Tôn, Minh Nguyệt phát nguyện xây chùa hồi nào?

- Các thầy muốn biết sao?

- Vâng ạ, bạch Thế Tôn!

- Vậy thì hãy lắng nghe, này các thầy Tỳ kheo.

*

*      *

Thuở xưa, cách đây vô lượng kiếp, có một Đức Phật hiệu là Pa-đu-mút-ta-ra (Padumuttara) xuất hiện tại thành Ham-xa-va-ti (Hamsavatĩ). Cha của Ngài là Xu-nan-đa (Sunanda) và mẹ Ngài là Xu-ja-ta Đê-vi (Sujàtà Devi). Bấy giờ có một tín nữ chăm lo tứ sự cúng dường cho đấng Đạo Sư. Bà có người bạn thân thường cùng nhau đến chùa lễ Phật, nghe pháp. Thấy bà tiếp xúc thân thiện và được Đạo Sư quý mến, bà bạn tự nhiên thắc mắc trong lòng: “Vì sao phụ nữ được chư Phật ưu ái như thế?”

Một hôm, để giải tỏa nghi vấn, bà mạnh dạn lên tiếng:

- Kính bạch Đạo Sư, con có chút vướng kẹt, xin Đạo Sư từ bi hỷ xả tháo gỡ cho. Thú thiệt, người phụ nữ này quan hệ thế nào với Ngài?

- Cô ấy là ân nhân, là nữ đại thí chủ của ta.

- Đạo Sư, vì sao phụ nữ thường là ân nhân của chư Phật?

- Vì nguyện lực thiết tha của họ.

- Đạo Sư, liệu một phụ nữ có thể trở thành ân nhân bằng nguyện lực như thế ngay trong lúc này?

- Dĩ nhiên!

- Thế thì, bạch Đạo Sư, con xin cúng dường vật thực cho hàng ngàn Sa môn trong bảy ngày.

- Lành thay!... Lành thay!...

Suốt bảy ngày, bà tịnh tâm cúng dường thức ăn, nước uống cho Tăng đoàn. Đến ngày thứ bảy, bà gieo người đảnh lễ dưới chân Đạo Sư và tỏ lời thiết tha phát nguyện:

Kính bạch Đạo Sư, con cúng dường lễ vật không phải vì phước báo chư thiên mà chỉ nguyện được chút phước điền trong tay Phật tổ như Đạo Sư vậy. Ước sao con là mẫu thân của một Đức Phật tương lai. Con là tín nữ trung kiên hàng đầu tận tâm cung hiến y phục, vật thực, phòng xá, thuốc thang cho Đức Phật đó.

Bỗng dưng một ý nghĩ chợt đến với Đức Đạo Sư: “Liệu ước nguyện thiết tha như vậy có được thành tựu?” Và sau một thoáng quán chiếu tương lai, Ngài nói:

- Ngàn vạn kiếp sau sẽ có Đức Phật hiệu Gô-ta-ma (Gotama) ra đời. Lúc đó cô là một nữ cư sĩ chánh tín Tam bảo, tên là Minh Nguyệt. Cô sẽ có dịp trang trải công đức, thiết lập phước điền nơi tay Thế Tôn. Cô sẽ là mẫu thân của Ngài. Cô sẽ là tín nữ hàng đầu nguyện dâng tứ sự cúng dường cho Ngài.

Và tất nhiên là ước vọng của bà sẽ được thành tựu viên mãn. Bà qua đời, tái sanh vào thế giới chư thiên. Đến khi mãn phần thoát kiếp, bà lại được đầu thai dưới danh hiệu công chúa thứ bảy, út nhất nhưng cũng được cưng chiều nhất của quốc vương Ka-xi (Kàsi), nhằm thời Đức Phật Ca Diếp (Kassapa). Lớn lên, bà được phụ hoàng và mẫu hậu xây dựng gia thất, theo chồng lập nghiệp, và cũng suốt đời lễ Phật, công quả, cúng dường Tam bảo với các chị em khác trong gia đình.

Một hôm, bà đảnh lễ Đức Ca Diếp và phát lời thệ nguyện:

- Kính bạch Tôn Sư, ước sao con là mẫu thân của một Đức Phật tương lai như Tôn Sư vậy. Con là tín nữ trung kiên hàng đầu nguyện dâng tứ sự cúng dường cho Đức Phật đó.

Và sau khi hoàn tất hạnh nguyện một đời, bà lại được hóa kiếp thành ái nữ của lão gia tỷ phú Đa-nan-ja-da (Dhananjaya). Thế là những chuỗi ngày vun bồi phước huệ, thanh tẩy thân tâm, thân cận thiện hữu lại tiếp tục gắn liền với bà.

- Vậy đó, này các thầy Tỳ kheo.- Thế Tôn lập lại. Tín  nữ đâu có hát. Chỉ vì tâm nguyện viên thành nên lòng mừng reo lên thành lời đấy thôi.

Rồi Đức Phật kết luận:

- Này các thầy Tỳ kheo, từ nhiều loại hoa khác nhau, người làm hoa gom chúng thành từng đống, rồi kết chúng thành từng tràng, tạo thành những vòng hoa rực rỡ sắc màu, đậm đà hương vị. Tâm trí của Minh Nguyệt cũng vậy: nhiều kiếp huân tu, tận lực công quả.

Ngài mỉm cười, đọc kệ:

Nhiều tràng hoa được kết,

Từ những đóa hoa tươi,

Thân sanh diệt kiếp người,

Phải làm nhiều việc thiện.

(PC. 53)

 

--- o0o ---