Phần 10

11 Tháng Giêng 20173:19 CH(Xem: 2985)
Phần 10
Từng giọt  nắng hồng
 
Tịnh Minh soạn dịch  
--- o0o ---
Phần 10

CHỈ VÌ LÒNG NẶNG XAN THAM

NGU SI TỰ ÁI ĐỐT AM THẤT THẦY

Truyện kể rằng khi an trú tại động Pi-pa-li (Pipphali), trưởng lão Ma Ha Ca Diếp (Mahà Kassapa) có hai chú đệ tử theo hầu. Một là Ssa di Chí Tịnh, tíùnh tình chơn chất, trung hậu đảm đang; hai là Sa di Chí Động, nói năng liến thoắng, tánh khí thất thường. Chí Động hay lánh nặng tìm nhẹ, thường cướp công Chí Tịnh bằng những lời lẽ ngọt ngào, khéo léo với Bổn Sư. Như mỗi khi thấy Chí Tịnh đem nước vào phòng tắm thì Chí Động liền đến gặp Trưởng lão, thưa:

- Bạch Thầy, mời Thầy đi tắm, có nước rồi ạ!

Thấy Chí Động lanh tay lẹ mắt, thường ba hoa khoác lác, lập công lấy điểm với Thầy bằng những hành vi thiếu trung thực. Chí Tịnh nghĩ cách chơi khăm cho bỏ ghét. Một hôm, chờ Chí Động ngủ say, Chí Tịnh đun sôi một ấm nước đầy, xong đổ nước vào nồi và bê ra giấu ở nhà sau, chỉ để lại một ít trong ấm, rồi ra sông tắm.

Vừa mới thức dậy, thấy bếp lửa sắp tàn với ấm nước còn bốc khói bên cạnh, Chí Động đoán là Chí Tịnh đã nấu nước và bê ra nhà tắm. Thế là cậu hối hả chạy đến gặp Bổn Sư, chấp tay cúi đầu thưa với vẻ trịnh trọng:

- Bạch Thầy đi tắm ạ! Nước đã bê vào nhà tắm rồi.

Sau đó cậu cùng đi với Thầy. Nhưng vào nhà tắm không thấy nước, Trưởng lão hỏi:

- Ủa, nước đâu? Điệu thiệt là!...

Chí Động sững sờ ngơ ngác, không biết trả lời bằng cách nào, bèn hầm hầm đi thẳng xuống nhà bếp để tìm ra manh mối. Thấy than còn đỏ, ấm còn nóng, nhưng nước đi đâu. Lạ nhỉ! Trong tích tắc, cậu đoán ra sự thể và gằm mặt lầm bầm:

- Thằng ranh này đểu thật! Mi chơi ông hả! Rồi sẽ biết tay tao! Nhưng biết hắn đi đâu mà tìm để lấy nước cho Thầy tắm, nghiệt chứ!

Chí Động đang đứng phân vân trong nhà bếp thì thấy Chí Tịnh từ ngoài ngõ đi thẳng vào nhà sau, bê nồi nước nóng vào nhà tắm rồi đến thỉnh Thầy. Trưởng lão bấy giờ mới vỡ lẽ rằng té ra lâu nay Chí Động lăng xăng cướp công Chí Tịnh. Sơ tâm nhập đạo, tuổi tác còn non mà đã cơ tâm thế này thì e rằng khó mà uốn nắn!

Tắm xong, Trưởng lão cho gọi Chí Động đến, hỏi:

- Lâu nay điệu thường mời Thầy đi tắm, nhưng Chí Tịnh nấu nước phải không?

- Chí Động cúi mặt, không đáp.

- Sao Thầy hỏi mà điệu không trả lời?

- Bạch Thầy ... ai nấu cũng vậy thôi, miễn có nước và con mời Thầy đi tắm là được rồi.

- Thế thì có lỗi. Đã là người xuất gia thì phải suy nghĩ và nói năng chân thật. Đừng bao giờ đánh cắp công đức và thành quả của người khác. Hãy đi sám hối Chí Tịnh.

Động lòng tự ái và xấu hổ với Thầy với bạn, Chí Động thầm nghĩ: “Chỉ vài giọt nước mà Thầy làm nhục ta trước mặt mọi người! Không phải xin lỗi sám hối gì với ai cả! Sống trong hang động, bữa đói bữa no, khổ thấy bà mà làm như vinh hạnh lắm vậy!

Sáng hôm sau, Chí Động lánh mặt, chờ Thầy và Chí Tịnh lên đường hóa duyên, khất thực, cậu vội bê bát đến đứng trước cửa nhà của một Phật tử thường cúng dường thực phẩm cho Trưởng lão. Thấy vậy, thí chủ hỏi:

- A Di Đà Phật, sao chú đến một mình! Sư  ông đâu?

- Dạ!... Hôm nay Trưởng lão không được khỏe nên bảo tiểu Tăng đến đây.

- Được rồi, chú chờ một chút nhé!

Thí chủ đem nhiều thức ăn ra, cho vào đầy bát, chấp tay xá xá rồi lui vào nhà.

Chí Động tay trái bê bát, tay phải đưa lên ngực niệm thiện tai, thiện tai rồi quay lui.

Trên đuờng về am thất, Chí Động vừa đi vừa ăn hết thực phẩm cúng dường cho Trưởng lão.

Trưa hôm đó, thấy Thầy trò được Phật tử cúng dường nhiều lễ vật, vải vóc, Chí Động càng thêm ấm ức và ngấm ngầm trây lười ra mặt.

Ngày hôm sau, vừa thấy Trưởng lão đến trước ngõ, thí chủ thân quen liền ra chào hỏi:

- A Di Đà Phật, mừng quá, Trưởng lão đã khỏe lại rồi!

- Ủa!... Bần đạo có ốm đau gì đâu mà khỏe lại!

- Vậy sao!... Hôm qua chú Chí Động bảo Trưởng lão bị ốm, không đi thiền hành khất thực được. Con đã làm vài món đặc biệt cúng dường Trưởng lão. Té ra là!...

- Được rồi, được rồi!... Để bần đạo hỏi lại xem.

Trưởng lão nhận lễ vật cúng dường của thí chủ, tụng một thời kinh ngắn hồi hướng công đức rồi cáo từ, trở về am thất.

Tối hôm đó, Trưởng lão cho gọi Chí Động đến, hỏi:

- Thầy được biết là điệu đi khất thực một mình, có phải vậy không?

- Chí Động quỳ gối, chấp tay cúi mặt, không nói.

- Con đã từ  giã gia đình, cách ly cha mẹ, theo Thầy học đạo, xả ly xan tham, vậy mà con không nghe lời Thầy thì nghe ai! Đã là người xuất gia, tu hạnh giải thoát, thì phải thanh tịnh thân – ngữ – ý. Từ  nay về sau con phải thành thật, không được thọ dụng lễ vật theo danh nghĩa của người khác, và phải theo Thầy thiền hành khất thực, nghe chưa?

Chí Động lạy Thầy ba lạy, xin sám hối, nguyện hứa không dám tái phạm. Nhưng trong lòng vẫn thấy gai gai, thầm nghĩ: “Hôm qua, chỉ vì vài giọt nước sôi mà Thầy cho ta là kẻ gian manh, lường gạt. Hôm nay, chỉ vì dăm ngụm cháo hoa mà Thầy bảo ta là tên lương lẹo, khinh suất. Hơn nữa, được của ngon vật quý thì Thầy dành hết cho Chí Tịnh, còn thân phận mình có ra chi, bị đối xử tệ bạc thế này thì quá đáng. Ta đã có cách, rồi sẽ biết tay ta!” .

Sáng hôm sau, Chí Động giả bộ cảm cúm, không đi khất thực với Thầy, một mình ở nhà lấy búa đập tan nát các vật dụng sành sứ dùng để nấu nước và đựng thức ăn, xong sẵn tay phóng hỏa đốt rụi am tranh của Thầy, rồi bỏ trốn. Và tất nhiên, sau khi mạng vong, loại người như thế chắc chắn sẽ bị đọa vào địa ngục A tỳ.

Dân chúng thấy vậy bàn tán:

- Quả thật là nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà. Từ bi phải đi với trí tuệ chớ.  Sư ông hiền quá, giáo hóa chi thứ đó!

- Đúng là vô minh ngu muội, muôn kiếp trầm luân! .- Một người khác lên tiếng. Thầy nhỏ nhẹ khuyên dạy mà nó cho là nhục mạ nhân cách, chà đạp danh dự của nó. Hừ!... Đồ láu cá. Ngữ đó bỏ đói cho vêu mỏ!

- Khiếp thật!... Một cụ ông vụt nói và ứng khẩu ngâm bốn câu thơ với giọng mỉa mai, buồn buồn:

Sư sãi sân si đốt  phá chùa,

Chỉ vì đau đáu chuyện hơn thua,

Ôi đời nguy khốn nhiều  gian ác,

Len lỏi vào ra các cửa chùa.

Mọi người bật cười nhưng không dấu được nỗi xót xa hiện qua ánh mắt.

Rồi một hôm, có một Sa môn từ Vương Xá đến KỳViên thăm Thế Tôn. Sau khi đảnh lễ Đức Bổn Sư, vị Sa môn ngồi sang một bên, Thầy trò hàn huyên tâm sự  một lát, Đức Thế Tôn hỏi:

- Thế nào, Tăng chúng và Ma Ha Ca Diếp vẫn khỏe chứ?

- Bạch Thế Tôn, Tăng chúng sinh hoạt bình thường, Ma Ha Ca Diếp vẫn khỏe, nhưng... bị một chú điệu phóng hỏa đốt am vì tự  ái về những lời răn dạy của Trưởng lão, rồi trốn mất.

- Đây đâu phải là lần đầu tiên cậu ấy lên cơn tự ái về những lời khuyên dạy của Thầy rồi nổi loạn đốt am, phá nhà. Trong tiền kiếp cậu ấy cũng đã ra tay hành động như thế. Đức Thế Tôn mỉm cười, nói.

- Trời đất!... Hung bạo vậy sao, bạch Thế Tôn.

Vậy thì hãy lắng nghe:

*

*       *

Vào thời xa xưa, khi Bra-ma-đát-ta (Brahmadatta) trị vì tại xứ Ba La Nại, có một chú chim chóp mào xin-gi-la (Singìla) xây một cái tổ làm nhà trên rặng Hy Mã Lạp Sơn. Một hôm, trong khi trời đổ mưa tầm tã thì có một cậu khỉ hối hả nhảy đến với dáng co ro, run rẩy ra vẻ lạnh lẽo lắm. Vừa nhác thấy cậu ta, chóp mào liền nheo mắt, lên giọng ngâm:

Này anh bạn khỉ ta ơi,

Tay chân đầu mặt giống người thế gian,

Cớ sao chịu cảnh cơ hàn,

Không làm nên nổi một gian nhà tồi!

Khỉ ta tự nhủ: “Đúng thế! Tay chân ta tương đối giống người nhưng đâu có trí tuệ như họ mà làm nên nhà cửa, lâu đài”. Cậu ngước mắt nhìn Xin-gi-la, hạ giọng đáp lời:

Này anh bạn Xin-gi-la,

Tay chân đầu mặt của ta giống người,

Chỉ vì thiếu tuệ thiên tư,

Mà ra suốt kiếp nương từ rừng xanh!

Chóp mào thầm nghĩ: “Sống nay đây mai đó, lang thang phiêu bạt, nhảy nhót liên hồi như ngươi thì làm gì có nhà có cửa mà an thân lập mệnh. Đói nghèo rách nát là phải!” . Để cảnh tỉnh ông bạn phóng dật, bất định, chóp mào cất giọng hơi thẳng thắn:

Khéo xảo ngôn, phản trắc,

Thiếu thành tín, buông lung,

Sống nổi trôi, khinh bạc,

Chuốc bất hạnh, khốn cùng!

Hãy nỗ lực hướng thượng,

Từ bỏ tập quán xưa,

Dựng túp lều nho nhỏ,

Phòng bão tố, nắng mưa!

Khỉ ta thấy bị xúc phạm, ngồi im lặng nén giận và nhận định: “Chóp mào cho ta là loại du côn mất dạy, du thủ du thực, lăng xăng trạo cử, lịnh ngữ xảo ngôn; đau nhất là bảo ta ác tâm phản phúc, mưu hại bạn bè. Sắc sảo và hùng biện đấy! Được rồi, ta sẽ cho mi biết thế nào là công thành danh toại, phúc thọ diên niên của mi.” Khỉ ta liền nhảy vọt lên cây, tóm lấy tổ chim xé nát và vất hết rơm rác bay theo chiều gió. Mục đích là thỏa cơn tự ái và giằn mặt chóp mào. Nhưng vừa thấy khỉ trợn mắt vung tay thì, nhanh như chớp, Xin-gi-la đã vọt ra khỏi tổ bay mất.

Dừng lại trong giây lát, Đức Thế Tôn tiếp:

- Thấy chưa? Khỉ kia chính là Sa di Chí Động, còn Xin-gi-la đích thị là Ca Diếp vậy. Thầy nghĩ sao? Ca Diếp nên sống một mình hơn là gần gũi với hạng vô mimh, thiếu trí như thế.

Ngài đọc kệ:

Nếu như không gặp bạn,

Hơn mình hay ngang mình,

Thà quyết sống một mình,

Chớ thân cận kẻ ngu.

(PC. 61)

 


 

SUỐT ĐỜI VUN VÉN CỦA TIỀN

NHẪN TÂM ÍCH KỶ OAN KHIÊN CHẤT CHỒNG

Tương truyền rằng tại Xá Vệ có một quan thủ khố tên là A-nan-đa  (Aønanda). Ông ấy có 800 triệu bảo vật nhưng vô cùng keo kiệt nên được mệnh danh là Trùm Tích. Cứ hai tuần một lần, ông họp mặt cả nhà, lên giọng trịnh trọng nhắc nhở mọi người, đặc biệt là cậu con trai Mu-la-xi-ri (Mùlasiri) duy nhất của ông, về ba điểm trọng yếu như sau:

1.    Đừng cho rằng có 800 triệu bảo vật này là nhiều.

2.    Chớ để thất thoát một mảy may tài sản nào của gia đình.

3.  Phải luôn luôn ý thức và nỗ lực vun bồi của cải ngày thêm phong phú.

Vì rằng: một xu lọt qua kẽ tay, sẽ có ngày gia nghiệp sụp đổ. Cho nên: năng nhặt thì chặt bị.

Và để dễ nhớ, ông cô đọng quan điểm của mình thành một khúc ngâm gọi là kim ngôn di huấn:

Xưa nay hương sắc phai màu,

Hãy xem đàn kiến chung nhau xây nhà,

Ong kia hút mật phấn hoa,

Người khôn bồi đắp cửa nhà hiển vinh.

Ít lâu sau, ông chỉ cho cậu con trai của ông thấy vị trí năm kho báu, hướng dẫn cặn kẽ cách bảo quản chúng, rồi đột nhiên ngã bịnh và qua đời, để lại một gia sản đồ sộ, đáng được tự hào, nhưng không cách nào xóa hết những vết nhơ tham lam, bủn xỉn.

Bấy giờ, gần cổng thành có một ngôi làng với khoảng trên dưới một ngàn gia đình thuộc bộ tộc Can-đa-la (Candàlas) sinh sống, và A-nan-đa được đầu thai vào dạ một phụ nữ dân quê ở đó. Quốc vương, được tin A-nan-đa qua đời, liền triệu Mu-la-xi-ri đến hoàng cung, bổ nhiệm chàng giữ chức thủ khố, thay phụ thân chàng.

Dân làng Can-đa-la sinh sống bằng nghề khuân thuê vác mướn, kiếm được đồng tiền cực khổ vô vàn; vậy mà từ lúc cấn thai của người phụ nữ kia, mức sinh hoạt của họ sa sút hẳn đi: kiếm việc rất khó, vật giá gia tăng, đói nghèo lan khắp. Họ thường bảo nhau:

- Chúng ta lao động quần quật suốt ngày như trâu bò mà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lại có nguy cơ tệ hại hơn nữa chứ! Chắc là có tên mặt trơ trán bóng hay đầu trộm đuôi cướp nào lọt vào cái làng này.

- Đừng suy diễn mà tội nghiệp người ta ông ơi! Hay là chúng ta nên đến làng khác kiếm kế sinh nhai.- Một thanh niên ra vẻ tự tin, phát biểu.

- Thôi em ơi, tội nghiệp cho cái thân già này quá! Qua nghĩ: “Cây khô tưới nước cũng khô, vận nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo”.- Một ông cụ gầy guộc, ở trần, vận chiếc khố cũ nát góp ý với giọng ảo não, chán đời.

- Đúng! “Gánh nghèo lên đổ trên non, co chân mà chạy nó còn chạy theo!” Một người đứng tuổi vừa nói vừa co chân lên như minh chứng cho mọi người thấy.

Nhưng rồi họ cũng nhất trí với nhau chia thành hai nhóm, ra sức điều tra sự việc, và cuối cùng đi đến kết luận rằng:

- Tên xấu xa khốn kiếp, gieo rắc khổ đau cho dân làng chắc chắn chui vào nhà này.

Và thế là họ trục xuất người phụ nữ mang thai ra khỏi làng, vĩnh viễn biệt xứ.

Bà ôm thai nhi lên đường với những giọt nước mắt sụt sùi theo từng bước chân vô định. Bà phát nguyện gánh chịu oan khiên, cưu mang ngang trái miễn sao bà được mẹ tròn con vuông. Bà đã phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, đói lạnh rốc người cho đến thời khai hoa nở nhụy. Và, việc gì đến phải đến, bà đã sanh được một bé trai.

Khốn thay, tay chân tai mắt mũi miệng của em bé không nằm đúng vị trí của chúng. Một quái thai. Một quái vật gớm guốc chưa từng thấy trên đời! Vậy mà, vì  thâm tình cốt nhục, mẫu tử thiêng liêng, người mẹ vẫn ôm con vào lòng với từng lời ru bất diệt. Khốn khổ lắm bà mới nuôi nổi con. Vì rằng nếu bế con theo, bà sẽ bị mọi người nguyền rủa và khó kiếm được bát cháo chén cơm. Nhưng nếu để con ở nhà,  nó sẽ bị bơ vơ đói khát, tội nghiệp xiết bao! Có lúc bà ôm con mà lòng đau như dao cắt, ruột thắt tợ tơ vò, thầm trách ông trời sao mà bất công với những người cùng khổ đến thế.

Đến khi đứa con tạm đủ trí khôn, biết đi xin ăn, bà đặt vào tay nó một bát sành và nghẹn ngào nói:

- Con ơi, vì con mà mẹ đã phải nếm trải hằng sa tủi nhục, vô số khổ đau. Con ơi, vì số kiếp đọa đày, mẹ không thể lo cho con được nữa. Con hãy tự nuôi thân bằng cách nương nhờ vào lòng vị tha nhân ái của mọi người nghe con. Hãy trân trọng và biết ơn từng hạt cơm sợi chỉ của họ nghe con!

Bà ôm con khóc nức nở, rồi khoác tay ra hiệu nó lên đường.

Thằng bé lang thang xin ăn cùng khắp thôn làng, phố thị. Một hôm, nó đến đúng căn nhà mà nó đã từng làm chủ với tư cách là quan thủ khố A-nan-đa. Nhớ lại tiền kiếp, nó đi thẳng vào nhà một cách tự nhiên, qua ba căn phòng mà không ai hay biết. Đến khi vào phòng thứ tư, các em bé trai, con của quan thủ khố Mu-la-xi-ri đang nô đùa, nhìn thấy khuôn mặt quái dị của nó mà thất kinh hồn vía, la khóc thét lên. Mấy cậu gia nhân chạy vào, thấy thằng nhỏ mặt mày khủng khiếp, bèn lớn tiếng quát: 

- Đồ quỷ, mày phải cút ra khỏi nhà này ngay! Ngó coi, rùng rợn chưa!

Vừa nói xong là chúng dần thằng nhỏ một trận đích đáng, rồi lôi nó sền sệt ra khỏi nhà và vất nó trên một đống rác.

Ngay lúc đó, trên đoạn đường thiền hành khất thực, Đức Thế Tôn, được Trưởng lão A Nan theo hầu, đi ngang qua và thấy rõ mọi việc. Quay nhìn Trưởng lão, Thế Tôn giải thích sự kiện đã diễn ra để giải đáp vấn đề. Động lòng bi mẫn, Trưởng lão đích thân mời Mu-la-xi-ri đến gặp Thế Tôn, dân làng thấy thế cũng đi theo và tụ tập rất đông.

Gặp Đức Thế Tôn, Mu-la-xi-ri cung kính đảnh lễ Ngài mà lòng cứ xôn xao thắc mắc không biết có chuyện gì hệ trọng. Thế Tôn nhìn thẳng vào đôi mắt của quan thủ khố, hỏi:

- Đạo hữu có biết cậu bé bị đánh bầm mình sưng mặt này là ai không?

- Dạ... không biết, bạch Thế Tôn! Thưa... có chuyện gì ạ?

- Đây là cha của đạo hữu đấy! Quan thủ khố A-nan-đa đấy!

- Không thể!... Phi lý!... Xin Thế Tôn hiểu cho rằng  con đương là mệnh quan của triều đình. Mu-la-xi-ri nghiêm sắc mặt nói.

- Ta hiểu. Nhưng sự vận hành của nghiệp lực thì như hình với bóng.

Đoạn Thế Tôn đảo mắt nhìn cậu bé, nói:

- Này A-nan-đa, hãy chỉ năm kho bảo vật cho con trai của ngươi xem.

Cậu bé làm theo lời của Đấng Đại Giác. Mu-la-xi-ri điếng cả người, sụp lạy Đức Thế Tôn với nước mắt nước mũi tuôn trào và không dám đứng dậy.

Đức Thế Tôn đưa tay đỡ Mu-la-xi-ri và đọc kệ:

Con ta, tài sản ta,

Kẻ ngu mãi lo xa,

Chính ta còn không có,

Tài sản, con đâu ra.

(PC. 62)


 

TƯỞNG RẰNG TRÍ TUỆ VÔ BIÊN

NÀO NGỜ NGU ĐỘN TRIỀN MIÊN SUỐT ĐỜI

Truyện kể rằng, tại một ngôi làng nọ, có hai người bạn, Chí Thiện và Mật Thủ, thân nhau từ thuở nhỏ. Chí Thiện thì nói năng chơn chất, hồn nhiên trung thực với bạn bè; còn Mật Thủ thì lanh lợi, xảo ngôn và hay lợi dụng lòng tốt của người khác. Một hôm, nhân kỷ niệm ngày Đản sanh của Đức Thế Tôn, cả hai cùng theo các Phật tử đến Kỳ Viên nghe Ngài thuyết pháp. Chí Thiện lắng lòng ghi nhớ và ứng dụng Phật pháp vào nếp sinh hoạt hằng ngày của mình, như làm thế nào để hướng dẫn cuộc sống phù hợp với Bát chánh đạo:  chánh kiến (quan điểm chân chánh), chánh tư duy (suy nghĩ chân chánh), chánh ngữ (nói năng chân chánh), chánh nghiệp (sinh hoạt chân chánh), chánh mạng (lập mệnh chân chánh), chánh tinh tấn (nỗ lực chân chánh), chánh niệm (ghi nhớ chân chánh), chánh định (thiền định chân chánh); và nhất là biến cho được ngũ căn: tín, tấn, niệm, định, huệ thành ngũ lực, tức là năm sức mạnh tiềm ẩn làm nền tảng cho việc phát huy nhân cách và đạo phong của người con Phật. Đó là: chánh  tín Tam bảo, nỗ lực hướng thiện, dứt trừ vọng tưởng, an định thân tâm và hoạt dụng trí tuệ. Mật Thủ thì ngược lại. Đi chùa không phải để lễ Phật nghe Pháp mà là để thực hiện mưu đồ thầm kín, đúng ra là để ứng dụng đôi tay quyền biến (mật thủ) giữa chốn thiền môn. Trong khi mọi người đang định tâm tụng niệm thì Mật Thủ mắt la mày lét, đảo tới vòng lui, và lẹ tay gỡ phắt túi vải đựng năm cắc bạc buộc ngang thắt lưng của một ông cụ định cúng dường xây cốc cho Tăng chúng nhưng còn đang lom khom lạy Phật. Đúng là tay chôm chỉa chuyên nghiệp và táo bạo. Hắn có bao giờ hiểu được thế nào là lương thiện và bất lương, danh dự và ô nhục. Hắn chỉ biết cách len lỏi giữa đám đông, ra tay trộm cắp tiền bạc châu báu của người khác rồi đem về khoe khoan thành tích láo bịp với vợ. Hắn thường ra mặt sung sướng trên mồ hôi nước mắt của bà con bất hạnh. Hắn đang đứng trên bờ vực thẳm mà tự hào về nề nếp gia phong của mình.

Tan lễ, trên đường về nhà, Mật Thủ cười nói huyên thuyên, ra vẻ rất tâm đắc về những lời thuyết giảng của Đức Phật. Đoạn gã quay sang Chí Thiện, hỏi:

- Này, cậu đã nấu cơm ở nhà chưa?

- Chưa! Tay làm hàm nhai ấy mà. Định trên đường về, mua ít gạo nấu cho tiện.

-  Thấy cậu giờ này mà còn lận đận, thiếu trước hụt sau. Độc thân là hẩm hiu thế đó! Lấy vợ đi. Kiếm cô nào phốp pháp, lanh lợi, xông xáo một chút. Như vợ tớ đấy!...  vừa về tới ngõ là đã nghe tiếng cười nói rổn rảng từ trong nhà vọng ra. Mình luồn lách cực khổ cỡ nào cũng thấy mát ruột khi có được một nội tướng đồng thanh đồng thủ như thế. Nghe lời tớ đi! Đừng chần chừ nữa! Hay... để tớ làm mai cho một tiểu thư... đúng mốt!

-   Xin cảm ơn! Nghe Thế Tôn thuyết pháp riết rồi mình muốn đi tu quá.

- Ngu!... Mật Thủ quắc mắt nói như một nhát búa phập vào khúc gỗ mục. Cậu tưởng đi tu sướng lắm hả! Sống lệ thuộc vào lòng hảo tâm của bá tánh lương dân mà hãnh diện! Mọi người như tớ thì thầy trò ông Cồ Đàm có nước treo y máng bát chứ ở đó mà dài lưỡi “luân hồi sanh tử, vô ngã giả danh”. Đã vô ngã giả danh thì nhận lễ vật cúng dường làm gì? Chẳng lẽ để ra sức nuôi dưỡng cái thân tướng vô ngã giả danh ấy! Thấy chưa? Toàn là mâu thuẫn và phi lý. Này... mà “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại” là gì cậu? Tớ nghe ổng nói hồi sáng mà như vịt nghe sấm, chả hiểu gì cả.

- Đầu óc anh đâu có tập trung vào chuyện lễ nghi giáo điển mà hiểu. Thế anh có bao giờ nghe nói đến câu tục ngữ “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” chưa?

- Có!... Trâu theo trâu, ngựa theo ngựa. Đúng quá!

- Đó đó!... Na ná như vậy đó. Mèo hoang thì gặp chó hoang, chàng đi móc túi gặp nàng chỉa chôm.

- Cậu nói ai móc túi? Đừng vu khống nhé! Cậu là cái thá gì mà dám mỉa mai vợ chồng tớ là phường đầu trộm đuôi cướp, trâu ngựa chó mèo. Hãy giữ miệng giữ mồm đấy! .- Mật Thủ nói với vẻ mặt choắt lại và đôi môi run run mím mím như điện giật.

- Ấy chết!... Không phải thế!... Xin lỗi, xin lỗi!... Ý mình muốn nói là trên đời cái gì cũng có nhân duyên với nhau cả. Thân cận với Phật pháp và Thánh tăng cũng thế. Phải có duyên. Phải có sự tương ưng giữa hai tầng số thì mới hiểu, mới rung động theo giáo pháp của Như Lai.

- Như Lai là gì? Mật Thủ liếc xéo và nhíu mũi, hỏi.

- Là “vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ ...”

- Là sao?...

- Là không từ đâu đến và cũng không đi về đâu ...

- Thôi được rồi!... Toàn là chữ với nghĩa. Cái lưỡi cậu càng lúc càng dài đấy. Cậu nói cái gì nghe cũng bùi tai. Bỏ chuyện đó đi! Tiện đường về nhà tớ ăn trưa, được chưa?

- Xin đa tạ! Chí Thiện nhận lời để xua tan mối hoài nghi của bạn.

Vừa tới ngõ, Chí Thiện đã nghe giọng nói the thé rít lên:

- Nữa!... Trúng mánh thế nào mà rước  “chánh tổng gàn” về đây!

- Mình ơi có khách. Cho chúng tôi ăn cơm với nhé! Mật Thủ giả vờ không nghe thấy gì và vừa đi vừa nói  giọng bông đùa cho đượm nét uy phong gia trưởng.

- Ai thế?... Úi dzời, xin chào bác ạ! Lâu quá mới được bác tới chơi.- Vợ Mật Thủ nói giọng đưa đẩy.

- Chào chị. Xin chúc sức khỏe và may mắn cả nhà!

Khoảng mười lăm phút sau, bà chủ nhà bê lên một mâm cơm đạm bạc, ra giọng xởi lởi nói:

- Mời bác dùng bữa với nhà em. Đột xuất quá, mong bác thông cảm!

- Thế này thì nhất rồi. Đúng là một nội tướng tế nhị và đảm đang. Anh Mật Thủ quả thật có phước!

- Xin mời! .- Mật Thủ huơ tay đầy vẻ tự mãn.

- Xin mời! .- Chí Thiện đáp lễ.

Chỉ trong giây lát, Mật Thủ ngước nhìn Chí Thiện, nói giọng triết lý:

- Tớ nghĩ cũng lạ thật! Đúng là mọi việc đều có thể xảy ra dưới gầm trời này. Như ông Cồ Đàm chẳng hạn: đường đường là một thái tử, rồi sẽ lên ngôi hoàng đế, cai trị xã tắc muôn dân, quyền cao tột đỉnh, châu báu đầy kho, mỗi buớc chân đi là ngựa xe nghênh rước, bá tánh cúi đầu; nhất là vợ đẹp con ngoan như thế mà nỡ phủi tay ra đi, chấp nhận cuộc sống cô đơn, khổ hạnh, rồi nhiều người thấy thế noi theo, từ bỏ cha mẹ, đoạn tuyệt gia đình..., thật là một lũ ngu si hết chỗ nói!

- Không biết ai ngu hơn ai! Đức Thế Tôn từ bỏ ngôi vị quốc vương để đạt đến ngôi vị Pháp vương, đoạn đường phấn đấu cho tự thân thanh tịnh, trí tuệ siêu phàm, trải dài vô lượng kiếp, chứ không phải một sớm một chiều như thò tay...

- Thò tay làm gì?... Ai thò?... Cậu nói gì tớ không hiểu?...

- Thôi, thôi!... một giọng nói lanh lảnh từ nhà dưới vọng lên, mời hai triết gia xơi giùm cho, ngày mai đến Kỳ Viên tha hồ mà tranh luận với Đức Phật. Mời khách về nhà mà lý sự như thế thì còn ai dám lui tới nữa! Ông thiệt là!...

- Bạn bè chúng tôi phấn khích một chút cho vui ấy mà, bà sao!... .- Mật Thủ chữa thẹn.

Cả hai tiếp tục dùng bữa, rồi tạm biệt nhau qua ánh mắt xã giao chứ thật sự chưa được tâm bình khẩu phục.

Mấy hôm sau, Chí Thiện đến thăm Kỳ Viên với tâm trạng phân vân, không được tự nhiên như trước kia, Thế Tôn gọi Chí Thiện, hỏi:

- Đạo hữu có gì vướng kẹt trong lòng thì tâm sự với Thầy, đừng để lâu ngày thành nội kết. Đạo hữu biết đấy: giang sơn dễ đổi, tập khí khó dời!...

Chí Thiện xúc động đến nghẹn ngào, chấp tay cúi đầu với hai giọt nước mắt rưng rưng. Thế Tôn nắm tay Chí Thiện  đưa về tịnh thất.

- Nào, có gì nói cho Thầy  nghe!

- Bạch Thế Tôn, con muốn theo Thầy học đạo, nhưng Mật Thủ bảo ai sống đời phạm hạnh là ngu dại, là không nếm được đầy đủ hương vị của cuộc đời, là trốn tránh trách nhiệm với đồng bào, đồng loại; ổng còn bảo con chạy ăn từng bữa không xong nên tính chuyện lừa đảo; con hoang mang quá, bạch Thế tôn!

- Hừ!... có vậy mà hoang mang!...

Thế Tôn mỉm cười, đọc kệ:

Người ngu biết mình ngu,

Nhờ vậy thành có trí,

Người ngu cho mình trí,

Thật đáng gọi chí ngu!

(PC. 63)

Thầy trò cùng cười. Chí Thiện đảnh lễ Thế Tôn, cáo từ ra về với cõi lòng thênh thang, nhẹ nhõm.

 


 

THÍCH NGỒI NGẮM GIỮA PHÁP TÒA

HIỀM VÌ CHỮ NGHĨA NHẠT NHÒA CĂN CƠ

Truyện kể rằng U-đa-di (Udàyi) là vị sư già ít học, ít có duyên với sách vở chữ nghĩa, nhưng lại thích ra vẻ bệ vệ kiểu cách với đồng môn pháp lữ, nhất là với người lạ. Một hôm, sau thời quán niệm, các bậc Trưởng lão rời khỏi chánh điện, U-đa-di ở lại và lên ngồi trên pháp tòa theo tư thế của một Pháp sư đang diễn thuyết. Bấy giờ có một số du tăng đến hầu thăm Đức Thế Tôn, thấy U-đa-di ngồi uy nghi trên pháp tòa, trông ra dáng quảng học đa văn, quán thông kinh điển, bèn nghĩ: “Đây hẳn là đại lão Pháp sư, may quá!” Họ cung kính đảnh lễ U-đa-di và thưa:

- Kính bạch Pháp sư, hôm nay chúng con có chút duyên lành, được gặp Pháp sư, xin Pháp sư từ bi chỉ dạy cho chúng con một số vướng mắc về Phật pháp.

- Nghi gì cứ hỏi. Biết đâu nói đó. Miễn khách sáo!

- Dạ... thưa Pháp sư, lâu nay chúng con học tập kinh văn nhưng chưa hiểu rõ thế nào là “ngũ uẩn giai không và tứ đại phù trì”.

- Có thế mà cũng hỏi! Ngũ uẩn giai không là năm uẩn đều không. Tứ  đại phù trì là bốn đại giữ giúp.

- Sao đơn giản thế, thưa Pháp sư! Theo giáo lý chúng con học thì ngũ uẩn là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức; tức là hình sắc, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức. Năm yếu tố này hoàn toàn lệ thuộc vào các điều kiện thời gian và không gian, chúng không có thật tánh, không hiện hữu độc lập, nên gọi là không. Còn tứ đại là: đất, nước, gió, lửa; tức là bốn nguyên tố: rắn, lỏng, khí và nhiệt vận hành trong mỗi cá thể chúng sanh. Ngũ uẩn và tứ đại hỗ tương duyên hợp với lục căn lục trần mà hoạt dụng tương tục theo dạng giả danh, nên gọi là không.

- Thiện tai! Thiện tai! Cái uyên áo của Pháp sư là ở chỗ đó. Khơi gợi. Khơi gợi cho ý thức tham vấn bùng vỡ đúng lúc. U-đa-di gõ gõ ngón tay trỏ xuống thành pháp tòa nói.

- Thưa Pháp sư, chúng con còn một mối nghi nữa!

- Tự nhiên!

- Thế nào là quán “tứ niệm xứ”?

- Chà!... Thấy các sư thông thái quá mà còn hỏi chi nữa hè!

- Chúng con muốn lĩnh thọ thâm ý kiến giải của Pháp sư.

- Vậy là các ngươi muốn đố ta! Muốn chơi ta hả?

- Dạ không dám! Chúng con thật sự muốn cầu học, xin Pháp sư hoan hỷ!

- Ừ!... thế thì được. Nhưng trước hết ta muốn thấy sự hiểu biết của quý vị. Hãy trình bày ta xem.

- Thưa Pháp sư, theo chúng con biết thì quán “tứ niệm xứ” là quán niệm, suy xét về bốn lĩnh vực hay đối tượng cơ bản, tiên quyết cho cuộc hành trình của người xuất gia, tu hạnh giải thoát. Đó là: 1. Quán thân bất tịnh: quán sát sâu sắc để thấy rõ căn thân là một tổ hợp không trong sạch, nói cách khác là bẩn thỉu. 2. Quán thọ thị khổ: chiêm nghiệm tận cùng để thấy mọi cảm thọ vui buồn đều khổ; nói chung, nhận lãnh sắc thân và nhu cầu sinh hoạt là đương đầu với vô vàn khổ lụy. 3. Quán tâm vô thường: soi rọi tinh tế để thấy tâm tư máy động, luồn lách vô thường. 4. Quán pháp vô ngã:  rà xét toàn triệt để thấy các pháp hữu vi vô vi, tức là đối tượng của nhận thức, đều do duyên sanh, không có tự tánh, hoàn toàn vô ngã. Quán niệm và ngộ đạt “tứ niệm xứ” sẽ giúp hành giả vững bước trên lộ trình thẳng đến mục tiêu thánh đạo.

- Hay!... Cái bí quyết ưu việt của Pháp sư là thế đó. Khơi gợi. Khơi gợi cho tinh hoa phát tiết, nghi vấn tự tiêu.

- Này, chúng tôi nói cho sư biết nhé. Chúng tôi đang tạo cơ duyên cho sư nhìn lại chính sư đấy! Lâu nay nghe nói ở Kỳ Viên có một sư sống lâu lên lão làng, tu học phất phơ mà hành xử bệ vệ, nếu không muốn nói là hợm hĩnh; thích làm thầy thiên hạ mà hiếm khi đụng đến sách đèn, kinh điển. Sư biết pháp tòa đó dành cho ai không? Thế Tôn và đại chúng từ bi hỷ xả cho sư nhiều lắm rồi đó!

- Ơ kìa!... “Thân bất tịnh, thọ thị khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã” mà lại!...

- Đừng nói với ông ấy nữa. Gàn bướng! Phạm thượng! Thế mà cũng xênh xang y áo ra vào thiền môn. Thế Tôn hiền quá! Một sư trẻ trong nhóm nói nhỏ.

Sau đó họ cùng nhau đến đảnh lễ, vấn an Đức Thế Tôn và thưa rằng:

- Kính bạch Thế Tôn, vừa rồi chúng con thấy một trưởng lão ngồi chễm chệ trên pháp tòa, té ra sư  không những mù mờ về Phật pháp mà còn ngang bướng  về ngôn hạnh!

- Thế đấy!... Sư Quảng Tạo đó! Sư tạo ra nhiều dáng nhiều vẻ lắm! Đại chúng trách hoài mà sư chứng nào tật nấy, giai do tập khí trì độn mà ra; đúng là thân người khó được, Phật pháp khó thông, chúng sanh khó độ!... Hy vọng từ từ rồi thầy ấy sẽ sáng láng và nhuần nhuyễn ra! Thế Tôn cười chúm chím nói và đọc kệ:

Kẻ ngu dầu trọn đời,

Thân cận với người trí,

Cũng không hiểu pháp vị,

Như  muỗng trong nồi canh.

(PC. 64)


 

MUÔN KIẾP XUÔI DÒNG VƯƠNG KHỔ LỤY

NHỨT THỜI NGỘ ĐẠT SẠCH TRẦN DUYÊN

Một hôm, Đức Thế Tôn thấy một nhóm ba mươi người đàn ông đang hung hăng chạy khắp nơi tìm kiếm một phụ nữ trên sườn đồi bông vải (kappasìka). Gặp Ngài, một gã đen thùi thùi, thở hồng hộc, hỏi:

- Bạch Tôn giả, Ngài có thấy một phụ nữ  ôm một bao vải to tướng chạy qua đây không? Con điếm đó! Chuyên nghề lường gạt, bắt được là chúng tôi xé xác nó ngay!

- Té ra quí vị đang chạy tìm một con điếm. Đã là điếm thì hẳn là giỏi nghề lường gạt, nhất là lường gạt ngọc ngà châu báu, tiền của sinh lực của những người khác phái, tìm chi nữa cho khổ!

- Mệt quá!... Một là thấy, hai là không thấy! Đang sốt ruột sốt gan mà còn nghe đâm chọt, biện giải vòng vo!...

- Điếm khác phái, điếm bên ngoài, thì bòn rút tài sản sự nghiệp của đối phương; còn điếm cùng phái, điếm bên trong, thì hủy diệt công trình sáng tạo, trí tuệ siêu việt của chính đương sự.

- Thưa Tôn giả, những gì Ngài nói là cho chính Ngài, hay cho tất cả mọi người.

- Này ông bạn đáng yêu, việc nào quan trọng hơn, thù thắng hơn – lao tâm tổn sức chạy tìm người phụ nữ, hay tịch tịnh tư duy tìm lại chính mình!

- Thế Tôn!... Đúng là Đức Thế Tôn rồi!... Cậu thanh niên miệng nói, tay chấp vàø hai gối quỳ phịch dưới chân Như Lai với hai mắt trân trân nhìn Ngài.

Sau đó cậu đi thông báo cho mọi người đến gặp Đạo Sư.

Vừa thấy họ từ xa đi lại, Thế Tôn gọi: “Hãy đến đây, này các thầy Tỳ kheo!” Và thế là ba mươi Sa môn với ca sa, bình bát chỉnh tề, đi thành hàng dọc, tiến đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, và được Ngài thuyết giảng cho họ một Pháp thoại về bảy yếu tố giác ngộ, tức là “Thất bồ đề phần, còn gọi là thất giác chi, thất giác ý hay thất giác phần”.

Với âm thanh như sóng biển rì rào, Thế Tôn cất giọng:

- Này các thầy Tỳ kheo, để tiến đến Thánh đạo hay chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác, bước đầu hành giả phải tu tập thân khẩu ý theo bảy điều cơ bản như sau:

1.      Chánh niệm: suy nghĩ và ghi nhớ chánh pháp, loại bỏ tạp niệm vọng tưởng, một đường thẳng đến mục tiêu tối thượng.

2.      Trạch pháp: xem xét, khảo sát, tuyển chọn cho mình những đối tượng tư duy  chân thật, lành mạnh; nhất là chọn đúng pháp môn tu tập, phù hợp với căn cơ và thể trạng tâm sinh lý của chính mình.

3.      Tinh tấn: xác định hướng đi đích thực rồi thì phải nỗ lực phấn đấu, phát huy thiện căn, hàng phục tập khí, dõng mãnh tiến bước trên lộ trình giải thoát.

4.      Hỷ lạc: vui vẻ phấn chấn, hòa hợp lạc quan; nghe dông tố như gió lộng đồi non, thấy tuyết sương như nắng hồng sưởi ấm; nhất là xem ốm đau nghịch cảnh như quân bình thể lý tâm tư, gặp hủy báng khinh khi như xoa bóp thần dược tiêu trừ kiêu căng ngạo mạn.

5.      Khinh an: nhẹ nhàng thanh thản, tự tại thong dong; ăn rau rừng như nhai cam thảo, uống nước suối như nuốt đề hồ; nghe chim ca như nhạc trời vang vọng, ngắm hoa nở như cánh mạn đà la; phiền não tiêu tan, kiến chấp khô kiệt.

6.      Thiền định: tâm tư tịch tịnh, vắng lặng, đứng yên; vọng tưởng hết duyên  dấy khởi, thân tâm rũ sạch hồng trần.

7.      Hành xả: buông bỏ, xả ly; dứt bặt kiến chấp, ngã pháp tiêu vong, tâm cảnh dung thông, tuệ giác hiển lộ.

Thế Tôn vừa dứt lời thì ba mươi Sa môn liền chứng quả A la hán, thần thông diệu dụng, pháp lực sâu dày; tất cả chấp tay đồng niệm danh hiệu: Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ba lần, rồi đảnh lễ Đức Đạo Sư và lui ra.

Tối hôm đó, sau thời tịnh niệm, các sư ngồi lại trong chánh điện luận bàn về sự kiện đã diễn ra trong ngày. Người thì bảo các Sa môn kia đã có túc duyên nhiều đời nhiều kiếp với Đức Thế Tôn, kẻ thì tự trách mình thiền hành mòn gót, thiền tọa cứng lưng mà chưa thấy được chút gì gọi là chân không diệu hữu; chỉ có các vị Trưởng lão đã chứng thánh quả thì mặc nhiên tịnh tọa, hiểu rõ ngọn nguồn: ý niệm trước mê lầm, nguyên dạng chúng sanh; ý niệm sau tỏ ngộ, diện mục Phật tổ.

Nghe các sư lên tiếng luận bàn, Thế Tôn vào ngồi giữa chánh điện, mỉm cười, nói:

- Này các thầy Tỳ kheo, đây không phải là lần đầu tiên ba mươi Sa môn kia vấp phải lỗi lầm. Họ đã từng hành xử như thế, và họ cũng đã từng tu hành thanh tịnh, chứng đắc thanh văn. Kiếp này họ thành tựu quả vị nhanh như thế âu cũng là phước duyên hội tụ, nhân quả tương phùng. Quý thầy ngạc nhiên và thắc mắc lắm sao!

- Kính bạch Thế Tôn, chúng con không dám thắc mắc. Chúng con chỉ mừng cho họ và tủi cho chính mình. Chúng con nguyện tu tập tinh tấn hơn nữa,

- Thiện tai! Thiện tai! Hồng nào hồng chẳng có gai, thành công nào lại không dài gian lao.

 Ngài đọc kệ:

Người trí với người trí,

Gần nhau trong phút giây,

Chánh pháp nhận ra ngay,

Như lưỡi nếm canh vậy.

(PC. 65)         

 

--- o0o ---