Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.

[00] Lời giới thiệu

02 Tháng Tám 201610:35 CH(Xem: 2444)
[00] Lời giới thiệu

Lời Giới Thiệu


Kinh Đại Niệm Xứ là một kinh vô cùng quan trọng đối với những người hành Thiền Minh Sát bởi vì tất cả những lời chỉ dẫn trực tiếp hay gián tiếp về thiền tập của Đức Phật đều được ghi lại một cách súc tích trong kinh này. Nếu bạn thật tâm và nghiêm túc trong việc hành Thiền Minh Sát thì bạn phải thông suốt kinh Đại Niệm Xứ.

Những lời diễn giải về kinh Đại Niệm Xứ trong cuốn sách này căn cứ trên chú giải, phụ chú giải và bản chú giải bằng tiếng Miến do Ngài Mahasi viết. Ngài là một vị thiền sư nổi tiếng, thành công trong việc dạy thiền và có lẽ là một vị thiền sư Miến Điện được nhiều người biết đến nhất ở Tây phương.

Tên Paa.li của bài kinh này là Maaha Satipa.t.thana Sutta (Đại Niệm Xứ), có nghĩa là: "Bài pháp lớn về căn bản của sự chánh niệm""Bài pháp lớn về sự thiết lập chánh niệm" hay " Bài pháp lớn về các niệm xứ". Quang PhamTrong bài kinh Maaha Satipa.t.thana Sutta (Đại Niệm Xứ), Đức Phật dạy cách thực hành Thiền Tứ Niệm Xứ hay Thiền Minh Sát. Theo lời dạy trong kinh, có bốn nơi để thiết lập chánh niệm. Và trong cuốn sách này chúng tôi cũng sẽ trình bày và giải thích bốn nơi để tạo dựng chánh niệm hay là bốn niệm xứ đó.

Trước khi làm việc gì, người Phật tử thường tỏ lòng thành kính đối với Phật, Pháp, Tăng. Bởi vậy, mỗi khi muốn viết một đề tài Phật Pháp nào người Phật tử thường viết trước tiên câu sau đây: Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammaa-SambuddhasaaChúng tôi cũng bắt đầu cuốn sách này với câu như vậy: Con đem hết lòng thành kính làm lễ Đức Thế Tôn, Ngài là bậc A La Hán, Chánh Biến Tri.

Tôi nghe như vầy [1]

Các bài kinh (Sutta) thường được khởi đầu bằng câu giới thiệu: Tôi nghe như vầy. Chữ "Tôi" ở đây chỉ cho Đại Đức Ananda, anh em chú bác với Đức Phật. Đại Đức Ananda làm thị giả cho Đức Phật trong hai mươi lăm năm. Đại Đức có cùng tuổi và sinh cùng ngày với Đức Phật. Đức Phật dạy đạo trong bốn mươi lăm năm, nhưng hai mươi năm đầu tiên Ngài không có một vị thị giả thường trực; lúc vị tỳ khưu này, khi vị tỳ khưu kia thay nhau làm thị giả. Bắt đầu từ năm thứ hai mươi mốt, Đại Đức Ananda trở thành thị giả thường trực của Ngài.

Tưởng cũng nên biết tại sao Đại Đức Ananda được giao cho trách vụ này. Vào năm thứ hai mươi mốt Đức Phật tuyên bố Ngài cần một thị giả thường trực. Nghe lời tuyên bố này nhiều vị đại đệ tử xin được làm thị giả, nhưng tất cả đều bị Đức Phật từ chối. Lúc ấy trong pháp đường vài vị tỳ khưu khuyên Đại Đức Ananda xin làm thị giả, nhưng Đại Đức Ananda trả lời: "Nếu Đức Phật thực sự muốn tôi làm thị giả thì chính Ngài sẽ bảo tôi. Tôi sẽ không làm thị giả nếu không được Đức Phật yêu cầu". Bởi thế, cuối cùng, Đức Phật đã yêu cầu Đại Đức Aanada làm thị giả.

Đại Đức Ananda trả lời rằng Đại Đức chỉ chấp nhận làm thị giả với một số điều kiện. Có tất cả tám điều kiện: Bốn điều "khước từ" và bốn điều "chấp thuận".

Bốn điều khước từ gồm:

1. Đức Phật không ban y cho Đại Đức Ananda vì Đại Đức là thị giả của Ngài.

2. Đức Phật không ban thực phẩm mà Ngài đã thọ nhận cho Đại Đức Ananda với lý do Đại Đức là thị giả của Ngài.

3. Đức Phật không được bảo Đại Đức Ananda ở trong phòng của Đức Phật hoặc ban cho Đại Đức Ananda một phòng riêng bởi vì Đại Đức là thị giả của Ngài.

4. Nếu có ai thỉnh Đức Phật thọ trai thì lời thỉnh mời này không bao gồm cả việc thỉnh mời Đại Đức Ananda trong đó.

Sở dĩ nêu ra bốn điều khước từ vì Đại Đức Ananda không muốn có được những lợi lộc vật chất do việc Đại Đức làm thị giả cho Đức Phật.

Bốn điều chấp thuận gồm:

1. Đại Đức Ananda được quyền chấp nhận mọi lời thỉnh mời Đức Phật, và một khi Đại Đức Ananda đã chấp nhận một lời thỉnh mời nào thì Đức Phật phải đi đến nơi đã được thỉnh mời đó.

2. Đại Đức Ananda được phép, bất kỳ lúc nào, đưa những tín đồ từ phương xa đến gặp Phật.

3. Đại Đức Ananda được phép đến trình bày với Đức Phật ngay mỗi khi có vấn đề gì khởi sinh,. Nếu có hoài nghi điều gì thì Đại Đức Ananda được phép đến gặp Đức Phật để được Ngài giải tỏa nghi ngờ. Điều này có nghĩa là Đức Phật phải luôn luôn sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của Đại Đức Ananda.

4. Đại Đức Ananda sẽ được Đức Phật cho nghe lại mọi bài pháp mà Ngài đã thuyết trong lúc Đại Đức Ananda vắng mặt.

Điều sau cùng này rất quan trọng vì nó tương hợp với câu: "Tôi nghe như vầy". Đức Phật chấp nhận tám điều kiện này, do đó Đại Đức Ananda trở thành thị giả của Đức Phật. Đức Phật luôn luôn thuyết lại cho Đại Đức Ananda nghe những bài pháp và những lời giảng dạy mà Ngài đã thuyết trong lúc Đại Đức Ananda vắng mặt. Trong Chú giải về cuốn đầu tiên của bộ Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) có ghi lại những lời tán dương Đại Đức Ananda như sau:

"Trưởng lão là một người có rất nhiều kinh nghiệm, một học giả về Tam tạng(Pitaka). Ngài có thể học, tụng đọc và giảng giải trong khi đứng (nghĩa là trong chốc lát, Đại Đức Ananda có thể học, tụng đọc và giảng giải) mười lăm ngàn đoạn hay sáu mươi ngàn câu kệ một cách dễ dàng như đang nhặt lá và hoa. Đó là khả năng đặc biệt của Trưởng lão. Ngoài Đức Phật ra không ai có thể dạy hay đạt được khả năng giảng dạy rành mạch để cho Trưởng lão nhớ biết giáo pháp tận tường như vậy" [2]

Đức Phật là người duy nhất có thể dạy Đại Đức Ananda. Đại Đức có trí thông minh nhạy bén, lãnh hội nhanh chóng mọi lời giáo huấn của Đức Phật.

Câu "Tôi nghe như vầy" và phần tiếp theo câu ấy là những lời do Đại Đức Ananda nói ra trong kỳ Kết Tập Tam Tạng lần thứ nhất, được triệu tập khoảng ba tháng sau khi Đức Phật nhập diệt. Sau khi Đức Phật nhập diệt, Đại Đức Maha Kassapa, trưởng đệ tử của Đức Phật, quyết định triệu tập Đại Hội và chọn năm trăm vị A La Hán tham dự. Trong kỳ Đại Hội Kết Tập Tam Tạng này, tất cả những lời dạy của Đức Phật được sưu tập và thận trọng xem xét. Chỉ khi nào đại hội công nhận những lời dạy này chính thật là những lời dạy của Đức Phật thì mới được chấp nhận đưa vào bộ sưu tập và được toàn thể đại hội cùng tụng đọc. Việc cùng tụng đọc cho thấy rằng những lời dạy được toàn thể đại hội nhất trí chấp nhận đó là những lời do chính Đức Phật dạy. Lúc bấy giờ việc viết ra giấy những lời dạy của Đức Phật chưa được phổ biến nên những lời dạy này được lưu giữ bằng cách tụng đọc thuộc lòng mà thôi.

Những lời dạy của Đức Phật không những được tụng đọc thuộc lòng mà còn được phân loại ra thành nhiều bộ. Sự phân loại phổ thông nhất là phân thành Tạng (Pi.taka) gồm có Tạng Luật(Vinaya Pi.taka) - giới luật của tăng và ni, Tạng Kinh (Sutta Pi.taka) - những bài giảng của Đức Phật và Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma Pi.taka) - những giáo pháp cao thâm. Kinh Đại Niệm Xứ (Maaha Satipa.t.thana Sutta) thuộc về Tạng Kinh. Những lời dạy của Đức Phật được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng cách truyền khẩu, mãi cho đến năm trăm năm sau, kể từ lúc Đức Phật nhập diệt, mới được viết ra trên lá buông ở Sri Lanka.

Như đã nói ở trên, trước tiên Đại Đức Maha Kassapa đặt câu hỏi về những lời dạy do chính Đức Phật thuyết và có hai Đại Đức trả lời câu hỏi của Đại Đức Kassapa. Đại Đức Upali trả lời về Tạng Luật (Vinaya) và Đại Đức Ananda trả lời về Tạng Kinh (Sutta). Tất cả gồm tám mươi bốn ngàn đoạn thuyết giảng.

Khi Đại Đức Maha Kassapa đặt câu hỏi về Kinh Đại Niệm Xứ (Maaha Satipa.t.thana Sutta),Đại Đức Ananda đã trả lời, bắt đầu bằng câu: Tôi nghe như vầy. Khi nói: Tôi nghe như vầy, Đại Đức Ananda đã loại bỏ tư cách cá nhân của mình lúc lập lại những lời dạy của Đức Phật và chỉ đóng vai trò một chứng nhân của Đức Phật khi tụng đọc lại những lời dạy này. Ngài tổng kết những lời dạy của Đức Phật để tạo nên kho tàng pháp bảo hướng dẫn cho những ai muốn đi trên đường giải thoát. Đại Đức đã tạo nên một đức tin vững vàng nơi trời và người khi Đại Đức xác quyết: "Đây là những lời nói mà tôi đã được nghe từ chính nơi Đức Phật, bởi vậy không nên phân vân hoặc hoài nghi những lời dạy này về nghĩa lý hay ý tưởng, về câu văn hay vần điệu."

Tôi nghe như vầy. Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ở tại xứ Kuru nơi đó có một thị trấn tên là Kamma-sadamma.

"Một thuở nọ": Mặc dầu Đại Đức Ananda biết rõ thời điểm kinh này được thuyết ra, nhưng để ngắn gọn Đại Đức chỉ nói: "Một thuở nọ". Đối với Đại Đức, có lẽ, để tiết kiệm thì giờ, nhưng đối với chúng ta, những người thuộc về một thời đại khác, thì đây không phải là điều may mắn bởi vì chúng ta không hiểu đích xác kinh này đã được thuyết ra vào lúc nào. Nếu Đại Đức Ananda quan tâm đến những chi tiết đó thì chúng ta có thể xếp kinh này và các kinh khác theo thứ tự thời gian (biên niên). Nhưng nay thì chúng ta không thể làm được điều đó, chúng ta chỉ có thể đoán kinh nào được thuyết trước kinh nào mà thôi.

"Ở Kuru": Kuru là tên một quận hạt hay một xứ nhỏ ở Ấn Độ. Theo tiếng Paa.li thì Kuru phải viết ở thể số nhiều. Nguyên thủy "Kuru" là tên của những người đầu tiên đến trú ngụ ở xứ này. Về sau tên này được dùng để chỉ cho một xứ thì thể số nhiều cũng vẫn được giữ nguyên. Bởi vậy, mặc dầu chỉ có một quận hạt nhưng chữ Paa.li đòi hỏi phải ở thể số nhiều, do đó tiếngPaa.li viết là "Kurusu" (số nhiều của chữ Kuru).

"Ở trong xứ Kuru có một thị trấn tên là Kammasadamma": Sở dĩ thị trấn có tên làKammasadamma bởi vì nơi đây vị vua ăn thịt người có tên là Kammasapada (chân có đốm) được thuần hóa trở thành một vị vua lương thiện. Một số người thích viết là Kammaasa-dhamma, giải thích rằng thị trấn này được gọi tên như vậy do dân Kuru có truyền thống thực hành giáo pháp (dhamma) một cách tốt đẹp (kammaasa).

Tại đó, Đức Phật đã dạy các thầy tỳ khưu như vầy: "Này các thầy tỳ khưu". Và các thầy tỳ khưu thưa: "Xin vâng, Bạch thế Tôn". Và Đức Thế Tôn đã nói như sau:

Đức Phật thường gọi các tu sĩ là Bhikkhu (tỳ khưu). Bhikkhu là những người cao thượng, sống đời phạm hạnh và thực hành Giáo Pháp. Nhưng khi dùng chữ Bhikkhu không có nghĩa là Đức Phật không nói đến những người không phải là tu sĩ. Bất kỳ ai chấp nhận và thực hành những lời dạy của Đức Phật đều được gọi là Bhikkhu. Bởi vậy, khi Đức Phật nói: "Này các thầy tỳ khưu" thì phải được hiểu là cả tăng, ni và người tại gia cư sĩ đều được nói đến.

Đây là con đường duy nhất để thanh lọc (tâm) chúng sanh, chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc, diệt thân bệnh và tâm bệnh, đạt Thánh Đạo và Giác ngộ Niết Bàn. Đó là Bốn Niệm Xứ.

"Đây là con đường duy nhất": Muốn hiểu rõ câu này bạn phải hiểu danh từ Paa.li về chữ "Con đường duy nhất". Tiếng Paali gọi con đường duy nhất là "ekaayaana". Eka có nghĩa là một vàayaana có nghĩa là con đường. Vậy ekaayana có nghĩa là một con đường. Chữ "ekaayana" được giải nghĩa theo năm cách:

a) Nghĩa đầu tiên là: Đây là con đường "đơn độc'' không có ngã rẽ. Vì không có ngã rẽ nên khi đi trên con đường này bạn được bảo đảm từ lúc bắt đầu cho đến lúc giải thoát.

b) Nghĩa thứ hai là: Phải đi "một mình'' trên con đường này. Trong lúc hành thiền bạn phải thực hiện hành trình một cách đơn độc, không người đồng hành. Bạn có thể ở trong nhóm, bạn có thể ở trong một khóa thiền tập, nhưng thật sự bạn đi trên con đường riêng của mình. Bạn đơn độc. Không ai đi chung với bạn. Không ai có thể ban tặng cho bạn sự định tâm và trí tuệ của họ, và bạn cũng không thể tặng sự định tâm và trí tuệ của bạn cho ai được cả. Bởi vậy, mặc dầu bạn có thể ở chung nhóm, nhưng thật ra bạn đang hành thiền một mình. Do đó, đây là con đường "duy nhất", "con đường bạn phải đi một mình".

c) Nghĩa thứ ba: "Đây là con đường của một Đấng". "Con đường của một Đấng" có nghĩa là "con đường của Đấng Cao Thượng", con đường do Đức Phật tìm ra.

d) Nghĩa thứ tư: "Đây là con đường duy nhất" vì con đường này chỉ dẫn đến một mục tiêu duy nhất, đó là Niết Bàn; bởi thế khi đi trên con đường này chắc chắn bạn sẽ đạt đến mục tiêu. Do đó, Niết Bàn là mục tiêu duy nhất mà bạn đạt đến khi bạn đi trên con đường này.

e) Nghĩa thứ năm: "Đây là con đường duy nhất đưa đến Niết bàn", không có con đường nào khác. Satipa.t.thaana hay con đường chánh niệm là con đường duy nhất đưa đến Niết Bàn, chấm dứt đau khổ, hủy diệt mọi phiền não.

"Để thanh lọc chúng sanh": Nghĩa là để thanh lọc tâm chúng sanh. Tâm của tất cả chúng sanh bị ô nhiễm bởi nhiều loại phiền não. Tâm chúng ta hầu như không lúc nào trong sạch, luôn luôn bị tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn chế ngự. Các loại phiền não này làm ô nhiễm tâm ta. Thiền Minh Sát giúp chúng ta thanh lọc tâm. Đây là con đường duy nhất để thanh lọc tâm mọi chúng sanh. Trong khi bạn thực hành Thiền Minh Sát thì các phiền não như tham lam, sân hận, si mê hay kiêu mạn vv... tạm thời vắng bóng. Khi bạn đạt đến cứu cánh Niết bàn thì tâm bạn hoàn toàn thoát ly khỏi mọi phiền não. Đi trên đường này chúng ta sẽ đạt đến tầng mức giác ngộ cao nhất và tâm sẽ hoàn toàn trong sạch.

"Chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc": Lo âu phiền muộn, uất ức than khóc có thể được chế ngự bởi Thiền Minh Sát. Khi hành Thiền Minh Sát bạn phải nhận biết mọi chuyện xảy ra nơi bạn. Bạn phải ghi nhận mỗi một chuyện đến với bạn trong giây phút hiện tại. Khi bạn nhận biết mọi chuyện, khi bạn quán sát mọi chuyện trong lúc hành thiền thì phiền não không thể xuất hiện. Khi đạt đến tầng mức cuối cùng là A la hán thì mọi lo âu phiền muộn, uất ức than khóc của bạn đều bị tận diệt. Có nhiều người nhờ hành Thiền Minh Sát mà lo âu phiền muộn, uất ức than khóc được chế ngự.

"Diệt thân bệnh và tâm bệnh": Thân bệnh và tâm bệnh có thể được chế ngự nhờ hành Thiền Minh Sát. Khi ngồi thiền một thời gian lâu bạn cảm thấy đau nhức, nhưng nếu bạn kiên nhẫn quán sát hay ghi nhận sự đau và khi tâm định của bạn mạnh mẽ thì sự đau sẽ biến mất và bạn chế ngự được cơn đau. Bạn cũng có thể chế ngự được tâm bệnh nhờ Thiền Minh Sát. Khi bạn đạt đến tầng mức cao nhất thì khổ thân và khổ tâm của bạn sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn.

"Để đạt thánh đạo": Thánh đạo đây là một loại tâm xuất hiện vào lúc giác ngộ. Khi thiền sinh giác ngộ chân lý, tức Niết Bàn, thì một loại tâm khởi sinh trong họ có tên là "đạo tâm". Được gọi là "đạo tâm" bởi vì khi đạt đến tầng mức tâm này thì bạn đã đạt được Niết Bàn trên đường (đạo) này.

Có bốn tầng mức giác ngộ nên cũng có bốn loại đạo tâm. Mỗi đạo tâm tận diệt một số phiền não, và khi đạt đến đạo tâm thứ tư thì tất cả mọi phiền não đều bị tận diệt. Muốn đạt Thánh Đạo, đạt được loại tâm có khả năng tận diệt mọi loại phiền não này thì Tứ Niệm Xứ là con đường duy nhất.

"Giác Ngộ Niết Bàn": Chúng ta có thể nói đạt thánh đạo nghĩa là đạt đạo tâm và Giác Ngộ Niết Bàn là đạt đạo quả. Sau đạo tâm thì quả tâm đến ngay. Nếu có sự hiểu biết chút ít về Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) thì bạn sẽ hiểu rõ ràng về vấn đề này. Cần phải nói thêm là cả đạo tâm và quả tâm đều lấy Niết Bàn làm đối tượng và "thấy" Niết Bàn một cách trực tiếp. Cả hai thời điểm trên đều được gọi là thời điểm giác ngộ Niết Bàn.

Tóm lại, Đức Phật dạy, đây là con đường duy nhất để thanh lọc tâm bạn, để chế ngự lo âu phiền muộn, uất ức than khóc, để diệt thân bệnh và tâm bệnh, để đạt Thánh Đạo và Giác Ngộ Niết Bàn. Và con đường duy nhất này không gì ngoài Tứ Niệm Xứ.

Bốn (niệm xứ hay nơi thiết lập chánh niệm) đó là gì? Này các thầy Tỳ khưu, ở đây, theo lời dạy này, thầy Tỳ khưu quán sát thân trong thân, tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm để loại bỏ mọi tham ái và ưu phiền (sân hận) trên đời.

Đó là những lời dạy ngắn gọn về Thiền Minh Sát. Thiền sinh quán sát thân trong thân. Đó là cách hành thiền. Bạn quán sát và chánh niệm thân trong thân. Chữ thân ở đây được lập lại để bạn ghi nhớ chắc chắn rằng: trong khi niệm thân, bạn chỉ niệm thân trong thân thôi chứ không niệm thân trong thọ, niệm thân trong tâm hay niệm thân trong pháp.

"Tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm": Câu này rất quan trọng vì nó nói rõ bạn phải hành thiền như thế nào. Khi bạn tham thiền, khi bạn quán sát thân trong thân nghĩa là khi bạn ghi nhận mọi chuyện xảy ra trong thân; bạn phải hết sức tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm. Tinh cần có nghĩa là bạn phải nỗ lực, cố gắng để ghi nhớ hay theo dõi những gì đang xảy ra trong thân bạn. Nếu không có tinh cần thì bạn không thể chú tâm trên đối tượng và không thể hành thiền. Giữ tâm trên đối tượng không phải là điều dễ dàng, bởi vậy cần có nhiều nỗ lực tinh cần.

Bạn cần phải "tỉnh giác và chánh niệm": Khi hành thiền bạn phải luôn luôn chánh niệm. Bạn phải chánh niệm trên hơi thở hay sự chuyển động của bụng, tư thế và các tác động nhỏ của cơ thể. Chánh niệm chẳng khác nào viên đá đụng vào tường. Muốn ném viên đá, bạn phải dùng sức cố gắng. Bạn ném viên đá với sự cố gắng và viên đá đụng vào tường. Chánh niệm đụng vào đối tượng chẳng khác nào viên đá đụng vào tường. Dầu là đối tượng nào đi nữa - hơi thở, chuyển động của bụng hoặc các tác động nhỏ của cơ thể - tâm bạn cũng phải hướng đến đối tượng. Sự đụng tâm vào đối tượng là chánh niệm.

Khi có chánh niệm phối hợp với tinh tấn thì tâm bạn sẽ nằm trên đối tượng một thời gian. Viên đá khi đụng vào tường, nếu tường được trét bùn ướt thì viên đá sẽ dính vào đó. Cũng vậy, khi tâm đi đến đối tượng và khi được chánh niệm và tinh tấn hỗ trợ thì sẽ nằm trên đối tượng. Khi tâm nằm trên đối tượng thì gọi là định. Bởi vậy, khi bạn có chánh niệm thì bạn sẽ có định. Chỉ khi nào tâm định phát triển thì bạn mới có trí tuệ và mới hiểu bản chất của sự vật, hiểu biết sự vật một cách rõ ràng. Bởi vậy khi nói bạn phải có tỉnh giác và chánh niệm cũng có nghĩa là bạn phải có định tâm. Cần phải có tỉnh giác vì đó là trí tuệ.

Hơn nữa, Niệm và Định nằm trong nhóm Định của Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo gồm có tám chi, chia làm ba nhóm: Giới, Định và Huệ. Chánh Kiến, Chánh Tư Duy thuộc về nhóm Huệ. Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng thuộc về nhóm Giới. Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định thuộc về nhóm Định. Muốn thực hành một chi thì phải thực hành tất cả các chi cùng nhóm. Bởi vậy Niệm ở đây cũng có nghĩa là Định vì nằm trong nhóm Định.

Khi có định tâm, khi tâm ở trên đối tượng một thời gian, bạn sẽ thấy được bản chất của thân và tâm. Bạn sẽ thấy rõ chúng vô thường, bất toại nguyện (khổ) và không có bản chất hay vượt khỏi sự kiểm soát hoặc điều khiển của mình (vô ngã). Khi có đủ định tâm, bạn sẽ thấy rõ sự sinh diệt của thân tâm. Trong khi đó nếu có sự suy nghĩ đến với bạn, bạn chỉ cần ghi nhận chúng, chúng sẽ biến mất ngay. Bạn chỉ có thể thấy rõ được điều này khi bạn có được sự định tâm cần thiết.

Có bốn yếu tố giúp bạn hành thiền tốt đẹp. Thứ nhất: phải nỗ lực tinh tấn. Thứ hai: phải thực tập chánh niệm. Thứ ba: phải phát triển định tâm. Thứ tư: phải tỉnh giác. Đây là bốn yếu tố mà mọi thiền sinh nghiêm túc phải phát triển đầy đủ để đạt đến mục tiêu cuối cùng là giải thoát giác ngộ.

Khi nói: "Tinh tấn, tỉnh giác và chánh niệm", Đức Phật dạy cho bạn cách hành thiền, cách quán sát sự vật, cách theo dõi hơi thở, chuyển động của bụng và các tác động nhỏ khác của cơ thể cũng như cách quán sát cảm giác, quán sát tâm và quán sát Pháp (dhamma). Bởi vậy, khi hành thiền bạn cần nỗ lực vun bồi chánh niệm để có đủ định tâm thấu suốt được bản chất sự vật.

"Loại bỏ tham ái và sân hận (ưu phiền) trong cõi đời": Chữ "trong cõi đời" ở đây có nghĩa là thân thể hay ngũ uẩn thủ. "Tham ái" là tham lam, luyến ái, dính mắc, và ưu phiền (sân hận) ở đây là ác tâm, nóng giận hay phiền muộn. Qua câu trên Đức Phật cho thấy những thứ phiền não mà chúng ta cần phải loại bỏ. Ngài cũng cho thấy kết quả của việc hành thiền, kết quả của tinh tấn, tỉnh giác và chánh niệm.

Khi bạn có tinh tấn, chánh niệm, định tâm và trí tuệ thì bạn sẽ loại bỏ được tham ái và ưu phiền (sân hận). Loại bỏ được tham và sân là bạn loại bỏ được hai loại chướng ngại to lớn. Có năm loại chướng ngại tất cả (sẽ được giải thích sau), nhưng tham ái và sân hận là hai loại lớn nhất. Khi bạn có thể loại bỏ hai loại chướng ngại lớn này thì bạn có thể loại bỏ các loại chướng ngại nhỏ hơn còn lại kia. Khi bạn nhận thức rõ hơi thở hay sự chuyển động của bụng, hoặc cảm giác, hoặc các tác động nhỏ trong cơ thể thì lúc ấy bạn sẽ không có tham lam hay dính mắc, không có ác tâm hay sân hận. Từng mỗi phút giây, bạn loại trừ được những chướng ngại trên.

Có hai sự loại trừ: "sát na loại trừ" (loại trừ trong từng khoảnh khắc một) và "tạm thời loại trừ". Trong suốt thời gian có "sát na loại trừ" thì chướng ngại được loại bỏ từng sát na một. Tại sát na này, chướng ngại không hiện diện, nhưng sát na sau, chướng ngại có thể lại hiện ra. Chúng chỉ được loại trừ vào sát na khi có những tâm sở thiện sanh khởi và hiện diện trong tâm (khi những tâm sở thiện sanh khởi thì chúng sẽ chiếm chỗ những tâm sở bất thiện). "Tạm thời loại trừ " là loại trừ trong một thời gian dài hơn "sát na loại trừ". Hòa thượng Mahasi đã giảng giải" tạm thời loại trừ" như sau:

''Khi thiền sinh kiên trì quán sát mỗi một hiện tượng thân tâm đang diễn ra và hiểu rõ ràng mỗi hiện tượng là vô thường, bất toại nguyện, vô ngã và không đẹp đẽ, thì tinh tấn, chánh niệm và định tâm sẽ phát triển. Do sự phát triễn này, tâm của thiền sinh trở nên trong sạch, tinh tế đến độ tham lam và sân hận không thể hiện khởi ngay cả trên những đối tượng không được quán sát.

Ngay cả khi thiền sinh nghỉ ngơi, các hình thức thô tướng của tham và sân cũng không hiện khởi khiến cho thiền sinh có cảm tưởng rằng các thô tướng của tham và sân này chẳng bao giờ có thể khởi sinh được nữa. Nhờ chánh niệm, nhờ sự có mặt của những yếu tố trong nhóm định mà những phiền não của đối tượng quán sát và đối tượng không được quán sát đều được chế ngự. Tình trạng này được gọi là "tạm thời loại trừ."

Đó là sự loại trừ tham và sân. Người hành thiền sẽ có kinh nghiệm về hai loại loại trừ này. Mỗi khi quán sát, thiền sinh sẽ có "sát na loại trừ" trên đối tượng quán sát và "tạm thời loại trừ" trên đối tượng không được quán sát. Muốn có được hai lợi ích loại trừ này thiền sinh phải thực hành sự quán sát thân thể, quán sát mọi hiện tượng vật chất đang xảy ra một cách rõ ràng trong giây phút hiện tại. Đó là những điều mà Đức Phật dạy.

(Những lời chỉ dẫn của ngài Mahasi về cách hành thiền sẽ được nói đến nhiều chi tiết hơn ở Phần Ba.)

Bây giờ, khi bạn chú tâm vào hơi thở chẳng hạn và bạn niệm thầm "vào ra, vào ra" thì ngay cả trước khi bạn có sự định tâm vững chắc, bạn cũng có những sát na định. Rồi bạn bị phóng tâm và bạn lại định tâm trở lại, sau đó bạn bị phóng tâm nữa v.v... Vào những sát na có định tâm bạn loại bỏ được tham và sân nên bạn có "sát na loại trừ". Ở một sát na này phiền não bị loại trừ và ở sát na kế, phiền não có thể tái xuất hiện.

Sau một thời gian, khi việc hành thiền của bạn tiến triển tốt đẹp và bạn có thể giữ tâm trên đối tượng trong một khoảng thời gian lâu hơn thì phiền não cũng được "tạm thời loại trừ" trong một thời gian lâu hơn. Rồi bạn sẽ thấy rằng, ngay trên đối tượng không được quán sát, phiền não cũng bị chế ngự. Khi bạn đạt đến tầng mức tiến bộ này, bạn đã loại bỏ được phiền não do "tạm thời loại trừ". Bởi vì sự loại trừ này chỉ có tính cách tạm thời nên phiền não sẽ đến trở lại với bạn khi bạn từ bỏ hành thiền.

Còn một loại loại trừ khác, đó là "vĩnh viễn loại trừ". "Vĩnh viễn loại trừ" sẽ đạt được vào sát na đạo tâm, nghĩa là vào thời điểm giác ngộ Niết Bàn. Bởi vậy, khi đạt đạo tâm, bạn sẽ trừ khử, chấm dứt, tận diệt, loại trừ tất cả các chướng ngại và những loại phiền não khác. Một khi đã bị loại trừ vĩnh viễn thì chúng sẽ không trở lại với bạn nữa.

Thầy tỳ khưu quán sát thọ trong thọ, tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm để loại trừ mọi tham ái và ưu phiền (sân hận) trong cõi đời.

Chữ "trong cõi đời" ở đây nghĩa là "trong Thọ". Thiền sinh ghi nhớ hay chánh niệm trên cảm thọ của mình. Có ba loại cảm thọ: thọ vui, thọ khổ và thọ vô ký (không vui không khổ). Thiền sinh nhận biết mọi cảm thọ của mình đang xảy ra trong giây phút hiện tại.

Thầy tỳ khưu quán sát tâm trong tâm, tinh cần tỉnh giác và chánh niệm để loại trừ mọi tham ái và ưu phiền (sân hận) trong cõi đời.

Chữ "trong cõi đời" ở đây có nghĩa là "trong Tâm". Đối tượng để tham thiền ở đây là quán sát các loại tâm khác nhau. Có tâm tương hợp với tham, có tâm tương hợp với sân, có tâm tương hợp với si vv... Khi bạn muốn một thứ gì đó và bạn nhận biết được ý muốn này bằng cách ghi nhận muốn, muốn, muốn là bạn đang quán sát tâm tương hợp với tham. Tương tự như vậy, khi bạn giận và bạn nhận biết sự nóng giận của mình bằng cách ghi nhận giận, giận, giận là bạn đang quán sát tâm tương hợp với sân vv...

Thầy tỳ khưu quán sát pháp trong pháp, tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm để loại trừ mọi tham ái và sân hận (ưu phiền) trong cõi đời.

Chữ "trong cõi đời" ở đây có nghĩa là "trong Pháp". Chữ Pháp là chữ dịch danh từ Dhammatrong tiếng Paa.li. Dhamma có rất nhiều nghĩa và là chữ Paa.li khó nhất để dịch sang một ngôn ngữ khác. Một số người dịch dhamma là "đối tượng của tâm". Mặc dù dịch như thế không hoàn toàn sai, nhưng không bao hàm được nghĩa của chữ dhamma. Bởi thế nên để vậy đừng dịch tốt hơn.

Bạn sẽ hiểu thế nào là dhamma khi bạn đọc đến chương nói về Quán Sát Pháp. Một cách vắn tắt chữ pháp ở chương này nói đến năm chướng ngại tinh thần, năm uẩn, sáu nội căn và sáu ngoại căn, bảy pháp trợ bồ đề hay Thất Giác Chi và Tứ Diệu Đế. Khi bạn có một sự ước muốn trong tâm và bạn nhận biết bằng cách ghi nhận có sự ước muốn, có sự ước muốn, có sự ước muốn thì đó là niệm pháp. Chúng là những chướng ngại tinh thần. Khi bạn có một sự nóng giận trong tâm và bạn nhận biết bằng cách ghi nhận: có sự nóng giận, có sự nóng giận, có sự nóng giận là bạn đã niệm pháp vv...

-oOo-

Đây là tóm lược về Tứ Niệm Xứ hay bốn nơi quán niệm: quán sát thân (niệm thân), quán sát thọ (niệm thọ), quán sát tâm (niệm tâm) và quán sát pháp (niệm pháp).

Bạn sẽ thấy trong Kinh (sutta) có nhiều sự lập đi lập lại. Điều này không thể tránh được. Bạn phải hiểu rằng kinh này cũng như tất cả các giáo pháp khác của Đức Phật thuộc vào một thời đại không có sách vở. Những lời dạy của Đức Phật đều phải học thuộc lòng. Khi muốn học để nhớ một đoạn kinh nào, bạn cần phải lập đi lập lại nhiều lần. Bằng cách lập đi lập lại này bạn sẽ hiểu sâu xa hơn đoạn kinh đó. Cũng vậy, khi bạn nghe một người nào nói bạn không trở lại phần đã nghe như khi bạn đọc sách. Sự lập đi lập lại giúp bạn hiểu đầy đủ hơn để bạn có thể nắm vững nghĩa lý hơn. Mặc dầu sự lập đi lập lại có thể làm bạn nhàm chán, nhưng không thể tránh được điều này.