Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.

Phát Triển Thất Giác Chi

04 Tháng Tám 201610:08 CH(Xem: 2248)
Phát Triển Thất Giác Chi

Yếu tố thứ sáu: Phát Triển Thất Giác Chi


Cách thứ sáu làm cho ngũ căn bén nhạy là phát triển những yếu tố dẫn đến giác ngộ hay Thất Giác Chi, đó là: Niệm Giác Chi, Trạch Pháp Giác Chi, Tinh Tấn Giác Chi, Hỷ Giác Chi, Thư Thái Giác Chi, Định Giác Chi  Xả Giác Chi. Những trạng thái tâm hay còn gọi là tâm sở này là nguyên nhân chính đưa đến giác ngộ đạo quả. Khi chúng hiện diện trong tâm thiền sinh thì thiền sinh cần phải tinh tấn thêm vì có thể nói rằng thời điểm giác ngộ đã gần kề. Hơn nữa, Thất Giác Chi còn được gọi là "đạo và quả tâm".

Khi thiền sinh giác ngộ chân lý hay giác ngộ Niết Bàn, thì một tâm phát khởi trong họ, gọi là đạo tâm. Tiếp theo đó là quả tâm. Đó là những gì xảy ra khi tâm chuyển sự chú ý của nó từ thế giới điều kiện sang Niết Bàn thực tại vô điều kiện. Kết quả của sự chuyển tâm này là phiền não được nhổ tận gốc rễ, và tâm từ nay không còn giống như trước nữa. Khi hành thiền để tạo điều kiện cho đạo và quả tâm, thiền sinh phải hiểu biết bảy nguyên nhân phát sanh quả bồ đề, hay Thất Giác Chi, có thể dùng chúng để quân bình việc hành thiền của mình. Dùng tinh tấn giác chi, hỷ giác chi và trạch pháp giác chi để nâng đỡ tâm khi tâm bị thối chuyển, xuống tinh thần, và dùng thư thái giác chi, định giác chi và xả giác chi để an định tâm khi tâm quá phấn chấn.

Nhiều lần, thiền sinh cảm thấy xuống tinh thần và nản chí, chẳng có chánh niệm, nghĩ rằng việc hành thiền của mình đang xuống dốc một cách tệ hại. Chánh niệm không đủ khả năng để bắt đề mục như trước đây. Vào lúc đó, thiền sinh cần phải thoát ra khỏi tình trạng này và thắp sáng tâm lên. Thiền sinh phải tìm sự khích lệ và hứng khởi. Một cách để khích lệ và làm tâm hứng khởi là nghe những bài pháp thích hợp. Một bài pháp có thể giúp phát sanh hỷ lạc hay có thể giúp kích thích sự tinh tấn hoặc đào sâu trạch pháp giác chi, cung ứng sự hiểu biết về việc hành thiền. Ba giác chi hỷ, tinh tấn, và trạch pháp hỗ trợ đắc lực để đương đầu với sự thối chí và xuống tinh thần.

Khi nghe được một bài pháp khích lệ đem lại hỷ, tinh tấn hay trạch pháp, bạn nên lợi dụng cơ hội này mà cố gắng chú tâm một cách rõ ràng trên đề mục hành thiền, để cho đề mục hiện rõ ràng trong tâm.

Vào những lúc khác, thiền sinh có thể có những kinh nghiệm khác thường hay vì một vài lý do gì đó, thiền sinh có thể thấy mình ngập tràn phấn khởi và hỷ lạc. Tâm trở nên quá mẫn và quá phấn chấn. Trong một khóa thiền, bạn có thể nhận ra loại thiền sinh này. Họ tỏ vẻ tươi tỉnh và quá hăng hái, đi vòng vòng như người đi trên mây. Vì quá tinh tấn, tâm trượt khỏi đề mục và không thể tập trung vào những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Khi sự chú tâm vừa đụng đề mục một chút thì ngay tức khắc đổi hướng và chuyển đi nơi khác.

Nếu bạn cảm thấy mình quá phấn chấn, thì nên hồi phục sự quân bình bằng cách khai triển ba giác chi là thư thái, định và xả. Phương cách khởi đầu tốt đẹp là phải ý thức rằng năng lực của bạn đã quá trội và tự nhủ: "Có gì mà phải vội vã. Giáo pháp sẽ tự hiển lộ. Ta nên ngồi xuống theo dõi một cách tỉnh thức và thoải mái". Đó là cách để kích thích sự thư thái.

Rồi một khi năng lực nóng bỏng của bạn đã được mát và nguội đi, bạn có thể bắt đầu tập định tâm. Phương pháp thực tiễn là thu hẹp các đối tượng tập trung tâm ý. Thay vì ghi nhận nhiều đề mục, hãy giảm bớt và tập trung vào một số ít đề mục thôi. Tâm sẽ sớm trở lại tình trạng bình thường, từng bước chậm rãi thoải mái. Cuối cùng, khi tâm đã có sự quân bình, hãy dỗ dành trấn an nó bằng cách tự phản tỉnh. Bạn có thể tự nhủ như sau: "Là một người hành thiền, thì ta không được quá ưa thích hay quá quí chuộng điều gì cả. Chẳng có gì phải hấp tấp vội vã. Hãy thư thả, thoải mái. Ta chỉ có một việc phải làm là theo dõi một cách chánh niệm những gì, dù tốt, dù xấu, xảy ra mà thôi".

Nếu bạn có thể giữ tâm thăng bằng, sự phấn khích đã được xoa dịu, tinh thần yếu đuối đã được nâng lên, thì chắc chắn, chỉ trong một thời gian ngắn, trí tuệ sẽ tự hiển lộ.

Người có đủ khả năng nhất để điều chỉnh sự mất quân bình trong việc hành thiền của một thiền sinh là một thiền sư có đủ thẩm quyền. Nếu vị thiền sư thường xuyên đều đặn theo dõi thiền sinh qua các buổi trình pháp thì thiền sư có thể nhận ra và kịp thời điều chỉnh nhiều tình trạng thái quá mà thiền sinh đang gặp phải.

Tôi muốn nhắc thiền sinh là đừng chán nản, xuống tinh thần khi thấy việc hành thiền của mình có gì bất ổn và không tiến triển. Thiền sinh cũng giống như các em bé. Các em bé thì phải trải qua nhiều giai đoạn phát triển để trưởng thành. Khi trẻ em chuyển từ giai đoạn này đến giai đoạn khác (như mọc răng hay dậy thì v.v...,) thì nó phải trải qua những biến chuyển về sinh lý và tâm lý. Lúc bấy giờ, hình như chúng dễ cáu kỉnh và khó dạy. Một người mẹ thiếu kinh nghiệm sẽ băn khoăn lo lắng về đứa trẻ trong suốt các giai đoạn thay đổi này. Nhưng thực ra, nếu trẻ con không trải qua sự đau khổ khó khăn này thì chúng sẽ không thể trưởng thành được. Trẻ con bỗng nhiên trở nên buồn bã, khó chịu, thường là dấu hiệu cho thấy chúng đang phát triển. Vậy, nếu bạn thấy việc hành thiền của mình bị xuống dốc thì đừng lo lắng băn khoăn gì cả. Bạn cũng như một đứa trẻ đang chuyển từ giai đoạn này sang một giai đoạn khác để phát triển mà thôi.