Chương 1 - Xã hội Ấn Độ trước khi đức Phật ra đời

17 Tháng Sáu 201611:13 CH(Xem: 4657)
Chương 1 - Xã hội Ấn Độ trước khi đức Phật ra đời

Thiên Thứ Nhất
 Chương Nhất
Xã Hội Ấn Độ Trước Khi Phật Ra Đời

Tiết Mục:

I. Nguồn gốc dân tộc Ấn Độ 

II. Bốn thứ Phệ Đà 

III. Sự diễn biến của Phệ Đà 

IV. Bốn giai cấp của xã hội Ấn Độ. 

Kinh sách tham khảo: Nhơn Vương Kinh Sớ, Ấn Độ Phật giáo, Phật học Đại cương, Ấn Độ Phật giáo Sử lược.

Đề yếu: Tiết thứ nhứt, lược thuật cuộc di cư của chủng tộc Nhã Lỵ An, sau thành dân Ấn Độ, trải qua năm giai đoạn: Từ Trung Á dời qua Đông Nam Á, từ Đông Nam Á vào Ca Nhĩ Bố, từ Ca Nhĩ Bố đến Ấn Độ Hà, từ Ấn Độ Hà xuống lưu vực sông Hằng, và từ Hằng hà về Nam Ấn. Tiết thứ hai, nói về lý tưởng tôn giáo của dân tộc Ấn thời xưa, được thể hiện bằng bốn pho kinh: Lê Câu, Dạ Du, Sa Ma, và A Thát Bà Phệ Đà. Tiết thứ ba, kể lại tình trạng biến đổi về tư tưởng tôn giáo của dân tộc Ấn: từ Đa thần qua Nhất thần, từ Nhất thần lần sang khu vực Triết học theo ba thời đại: Phệ đà thiên thơ, Phạm thơ và Áo nghĩa thơ. Ấn độ giáo hiện thời cũng thừa kế tư tưởng của hệ thống này. Tiết thứ tư, nói về sự sai biệt của bốn giai cấp: Bà La Môn, Sát đế lỵ, Phệ xá, Thủ đà la. Sự sai biệt này có liên quan đến lý tưởng tôn giáo, và dẫn khởi hai tự trào: hệ thống Phệ Đà và hệ thống phản Phệ Đà.

Hai hệ thống này đã sản xuất nhiều giáo phái ở Ấn Độ.

Tiết I: Nguồn Gốc Dân Tộc Ấn Độ

Một tôn giáo không luận là cao siêu hay thâm thúy đến đâu, cũng vẫn là sản phẩm của xã hội. Là sản phẫm của xã hội, tất nhiên tôn giáo ảnh hưởng đến xã hội và đồng thời cũng chịu ảnh hưởng đến xã hội. Đó là điều không thể tránh khỏi.

Phật giáo có một lịch sử trên hai ngàn năm, đông tây truyền bá đến vài mươi nước. Ngoài năm xứ của Ấn Độ, Phật giáo đã gieo rắc rất nhiều ảnh hưởng ở các nơi. Trong sự gieo rắc ấy, qua mỗi thời đại, Phật giáo lại tùy theo tình trạng xã hội của mỗi địa phương mà có ít nhiều biến thái về bản sắc. Vì thế, muốn nói đến điểm xuất phát của đạo Phật, không thể đi sâu vào bối cảnh lịch sử của Ấn Độ đương thời.

Trước đây khoảng trên bốn ngàn năm, dân tộc xưa nhất của Ấn Độ là giống người Nhã Lỵ An (Aryan). Chủng tộc này lấy nghề du mục để sinh sống. Trước tiên họ cư trụ ở miền trung nguyên Á Tế Á, rồi vượt qua dãy núi Tín Độ Khó tư (Hindukush), dời xuống vùng Đông Nam Á Tế Á. Từ nơi đây, họ chia làm hai bộ, một bộ di chuyển về phía Tây nam vào xứ Ba Tư (Iran); một bộ tiến thẳng về phía Đông Nam vào xứ Ca Nhĩ Bố (Kabul) và lần xâm nhập miền Tây bắc Ấn Độ, đánh đuổi người bản xứ, chiếm lãnh vùng Bằng Xà Bạch (Panjab Ngũ hà địa phương) thuộc thượng lưu Ấn Độ hà (Indus). Sau đó, họ lại đi dọc theo dãy núi Tuyến (Hymalaya), vào ở tại lưu vực sông Hằng (Ganga, Gange). Cuộc di cư sau này, thuộc vào khoảng 1.000 năm trước kỷ nguyên. Trong mười vạn bài tụng của bộ Đại sử thi Ma Ha Bà La Đa (Mahàbhàrata), có nói rõ những chiến sự và tình trạng giữa thời gian đó. Còn cuộc di chuyển tiếp tục về nam Ấn, ước vào khoảng 500 năm trước kỷ nguyên. Trong khoảng thời gian nầy, để ghi lại sự giao tranh giữa thổ nhơn và chủng tộc Nhã Lỵ An, người Ấn Độ đã mượn cảnh động tác của cá nhơn mà làm ra bộ La Ma Diễn Noa (Ramayana), gồm hai vạn bốn ngàn bài tụng.

Tiết II: Bốn Thứ Phệ Đà

Giữa thời kỳ chiếm lãnh Ấn Độ hà, thuộc miền Tây bắc Ấn, giống người Nhã Lỵ An được gọi là dân tộc Nhã Lỵ An Ấn Độ. Gặp nơi khí hậu ấm áp, thời tiết điều hòa, vật sản phong phú, dân tộc ấy hưởng một đời sống an nhàn, vui vẻ. Vì thế, đối với bầu trời man mác, với hiện tượng nhựt, nguyệt, tinh tú, non, sông, gió, mây, nước, lửa, họ đều có một ý niệm tín thành sùng bái. Đó là những lý do người ta đã sáng tác ra những bản Thánh ca và nghi thức cúng tế Thần linh, để cầu cho đất nước gia đình được tiêu tai, thêm phước. Nghi thức đã nhiều thì không thể ai cũng thông thạo cả, phải có người chủ chốt việc tế tự. Nhân đó mới sản xuất một hạng Tăng lữ, về sau thành giai cấp Bà La Môn (Brahman).

Bà La Môn, Trung Hoa dịch là Tịnh hạnh hoặc Phạm hạnh, chỉ cho phái tu hạnh trong sạch. Kinh điển của phái này gọi là Phệ Đà (Veda), Trung Hoa dịch là Minh luận hoặc Trí luận, có nghĩa: Kinh sách thuyết minh sự thật và phát sinh trí huệ. Kinh điển của đạo Bà La Môn truyền lại có 4 thứ:

1. Lê Câu Phệ Đà (Rig-Veda): Trước tiên, dân tộc Ấn Độ chỉ sùng bái ca ngợi những hiện tượng của tự nhiên vật. Lần lần họ tin tưởng mỗi hiện tượng đó đều có tính cách đạo đức, có quyền thưởng phạt thế gian. Đồng thời lại do sự hàm dưỡng của tư tưởng triết họ, họ dung hợp lại, chế tác ra bộ kinh đầu tiên là Lê Câu Phệ Đà. Lê Câu Phệ Đà, Trung Hoa dịch là Tán Tụng Minh Luận hoặc Thọ Minh. Nội dung của kinh này gồm những bài ca tán có tính cách thần thoại, nhưng cũng bao hàm nhiều tư tưởng về vũ trụ và nhân sinh quan. Trong ấy lại có biên tập về thuật dưỡng sinh, dạy những phương pháp làm cho con người dung sắc thường tươi trẻ, mạng sống được lâu dài. Tư tưởng của Lê Câu Phệ Đà là tư tưởng mở đầu cho nền văn minh và triết học Ấn Độ và cũng là cơ sở để khai triển cho những trào lưu tư tưởng hậu lai.

2. Dạ Du Phệ Đà (Yajur Veda): Từ sự ca ngợi tự nhiên vật rồi tin tưởng thần linh, người ta lại bày ra những nghi thức thờ phụng cúng tế. Đây là nguyên nhân sản xuất kinh Dạ Du Phệ Đà. Dạ Du Phệ Đà, Trung Hoa dịch là Tế Tự Minh Luận, gọi tắt là Tự Minh. Nội dung của kinh điển này, phần nhiều đều trích dẫn trong Lê Câu Phệ Đà, lấy cơ bản của sự tán tụng mà chế tác. Trong ấy, ngoài việc biên tập về nghi thức cúng tế, lại có ghi chép những bài chú văn để tế tự trong các mùa. Xét qua từ Lê Câu Phệ Đà, cho đến Da Du Phệ Đà, người ta nhận thấy tôn giáo thời ấy tuy là đa thuần mà kiêm sắc thái nhất thần, đôi khi lại xen tạp những tư tưởng về triết học.

3. Sa Ma Phệ Đà (Sàma Veda): Để cho sự tán ca được tiện lợi, và bổ túc phần nghi lễ thêm hoàn bị, người ta lại sáng chế kinh Sa Ma Phệ Đà. Kinh điển này cũng trích dẫn một phần các tụng văn trong Lê Câu Phệ Đà mà làm ra. Sa Ma Phệ Đà, Trung Hoa dịch là Ca Vịnh Minh Luận, cũng gọi là Bình Minh. Trong đó, ngoài sự ghi chép về nghi lể, âm nhạc, luật lệ xử đoán, lại có giảng dạy về môn bốc toán cho đến binh pháp đồ trận. Căn cứ theo ba pho kinh Phệ Đà trên đây, mỗi khi cúng thần, người ta đều dùng những vị tế tăng riêng biệt.

4. A Thát Bà Phệ Đà (Atharva Veda): Về sau, có kẻ lại tập hợp những bài chú thuật cổ truyền, được người đời tin tưởng, viết ra kinh A Thát Bà Phệ Đà. A Thát Bà Phệ Đà, Trung Hoa dịch là Nhương Tai Minh Luận, cũng gọi là Thuật Minh. Trong ấy, người ta ghi chép những bài chú để cầu phước, tiêu tai. Ngoài ra, kinh điển này cũng có dạy về y phương và nhiều dị thuật.

Bốn thứ kinh trên đây, được gọi chung là Tứ Phệ Đà thánh điển. Đó là một hệ thống tư tưởng về thời xưa của Ấn Độ.

Tiết III: Sự Diễn Biến Của Phệ Đà

Từ khi Tứ Phệ Đà thánh điển được thành lập, chủng tộc Bà La Môn chiếm địa vị tối cao trong xã hội, và thành ra một giai cấp tăng lữ. Họ không còn những hoạt động hướng ngoại như khi trước, mà có một cuộc sống trầm tư, hướng nội, bảo thủ những truyền thuyết tán tụng, những nghi thức cúng tế theo xưa. Các tăng lữ lại thẩm định những câu văn, ý nghĩa trong kinh Phệ Đà, rồi giải rộng thêm ra, gây thành một học phong phiền tỏa và thần bí. Đồng thời trên hình thức tôn giáo, những hành nghi cũng tăng thêm phần bí mật. Khi giáo lý càng phiền, thì địa vị của giai cấp Bà La Môn càng được bền vững. Do đó nền văn học, đạo đức trong xã hội, nằm yên trong nếp cũ, dường như ở trong trạng thái khó nổi chấn hưng.

Tuy nhiên, cảnh đời đã vô thường, thì nguồn tư tưởng của nhân loại cũng theo thời gian mà biến đổi. Từ khi giai cấp tăng lữ mới thành lập, cho đến khoảng 600 năm trước kỷ nguyên, nếu phân tích kỹ, chúng ta có thể chia nền học thuyết của Bà La Môn giáo thành ba thời đại:

1. Thời đại Phệ Đà thiên thơ (Veda): Thời đại này khởi thủy từ khi bốn mươi quyển Lê Câu Phệ Đà vừa được sáng tác, lúc dân tộc Nhã Lỵ An di cư xuống Ấn Độ hà, vào khoảng 2500 - 1000 năm trước kỷ nguyên. Trong thời gian này, giáo đồ Bà La Môn thiên về sự sùng bái cúng tế, hình thức phần chánh thuộc về Đa thần giáo. Họ có ba cú thoại (luận điệu): Phệ Đà là thiên thơ (sách của Trời) Bà La Môn là chủng tộc cao quí nhất của nhân loại. Tế lễ là vạn năng.

Những tư tưởng trên, được truyền lại một thời gian lâu xa về sau. Cho đến khi Phật giáng sinh, một số đông giáo đồ Bà La Môn vẫn còn bảo thủ lấy quan niệm cũ. Nhưng đó là một chủ nghĩa chuyên chế, họ không thể trói buộc mãi được lòng người, khi tình thế đổi mới. Hơn nữa, lúc bấy giờ giáo đồ Bà La Môn rất kiêu sa, cho nên họ không thể duy trì một cách hữu hiệu sự tín ngưỡng của đạo mình trong xã hội nữa.

2. Thời đại Phạm Thơ (Brahmana - Thần học thơ): Thời đại này vào khoảng 1000 - 800 năm trước kỷ nguyên, lúc dân tộc Nhã Lỵ Ấn Độ di chuyển về phía Đông Nam, chiếm lãnh khu vực đồng bằng phì nhiêu trên bờ sông Hằng, lấy nghề canh nông làm mục tiêu. Hình thức của Phệ Đà khi xưa thiên về Đa thần giáo, việc tế lễ rất nặng nề, phiền phức. Đến thời gian này, dân chúng sinh ra chán những nghi thức nghiêm cách ấy. Vì thế, trong các vị thần, người ta chọn lấy ít vị quan trọng để làm trung tâm tín ngưỡng. Ba vị thần phổ thông nhất bấy giờ là Phạm Thiên (Brahma), Tỳ Nựu Noa thiên (Visnu) và Thấp Bà Thiên (Civa). Thế là đối tượng tín ngưỡng đã bắt đầu chuyển lần từ Đa thần giáo sang Nhất thần giáo.

Về mặt tư tưởng, từ khi kinh điển Phệ Đà được suy diễn rộng thêm, giáo lý Bà La Môn đượm vẻ thần bí; người ta gọi đó là học thuyết Bà la ma noa, tức Phạm thơ. Phạm thơ là bộ sách chú thích và thuyết minh kinh Phệ Đà. Phần chủ yếu của sách này, đều rút những tài liệu trong Tứ Phệ Đà thánh điển, nhưng suy diễn sâu rộng đến chỗ u vi, hoàn toàn có tính cách thần học. Tư tưởng triết học của Phạm thơ tiến triển theo thứ tự trong ba giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhứt, Phạm (Brahma) là vị thần tối cao, trước tiên tạo ra trời đất, rồi đến Thái dương thần, Phong thần, Hỏa thần... con người và vạn hữu. Vì thế Phạm cũng có hiệu là Sanh chủ (Prajapati). Giai đoạn này thiên về quan niệm sáng tạo, lấy thần Sanh chủ làm trung tâm điểm.

Giai đoạn thứ hai, Phạm là Đại ngã (Svayambhu), là bản thể của vũ trụ, có tính cách tuyệt đãi độc tồn. Giá trị của Phạm đứng trên hai phương diện: Một mặt thì duy trì cái bản chất không biến động của nó; mặt khác lại hoạt động theo hai yếu tố là Danh (Nama) và Sắc (Rupa) để mở mang vạn hữu. Giai đoạn này thiên về quan niệm bất biến, lấy Đại ngã làm trung tâm điểm.

Giai đoạn thứ ba, Phạm là Tự ngã (Atman). Phạm và Tự ngã tên tuy khác nhau, nhưng cùng một thể. Sở dĩ có tên khác nhau như thế, vì Tự ngã do sự suy lý của triết học, chỉ định cho là nguồn gốc của muôn vật; còn Phạm thì do sự khảo sát của thần học, chỉ định cho là tự tánh của muôn vật. Tự ngã thuộc về phương diện tâm lý (linh hồn), Phạm thuộc về phương diện vũ trụ (linh tánh). Căn cứ vào phương diện tâm lý thì linh hồn bất diệt, khi con người chết thì Tự ngã lìa thế thể xác mà quy thuộc về Phạm. Giai đoạn này lấy Tự ngã làm trung tâm điễm.

3. Thời đại Áo Nghĩa Thơ (Upanishad): Thời đại này thuộc vào khoảng 800 - 600 trước kỷ nguyên. Từ nơi Phạm thơ, người ta suy diễn rộng thêm, cho rằng khi hành nghi thức đã có hàm triết lý bên trong, và nghi thức tế tự là biểu hiện cho triết lý. Để kỷ thuật Đạo lý này, người ta sáng chế ra sách A lan nhã ca (Aranyaka). A lan nhã ca có nghĩa là Lâm trung thơ. Bởi người trong chủng tộc Bà la môn đến khi lớn tuổi thì ẩn cư nơi rừng vắng, lấy sự tế tự tu hành làm thường khoá. Những nghi thức ấy đều ghi chép trong sách này. Nhưng nội dung của Lâm trung thơ không phải chỉ giới hạn trong nghi thức tế tự, mà gồm có môn triết lý cao siêu.

Từ Lâm trung thơ, người ta nghiên cứu rộng thêm, rồi sáng tác ra bộ Ưu Ba Ni Sa Đàm, tức là Áo nghĩa thơ. Danh từ Áo nghĩa thơ bao hàm những ý: Môn triết học trong triết học, Bí mật ngữ, Bí mật văn và Bí mật nghĩa. Bộ phận chủ yếu của nguồn tư tưởng này, do chủng tộc Sát đế lỵ khai sáng, về sau dòng Bà la môn mới phụ họa suy diễn rộng thêm. Nội dung của Áo nghĩa thơ chủ trương thuyết "Phạm, Ngã đồng nhất", Phạm cùng Ngã đều là một bản thể của vũ trụ. Các hiện tượng của sai biệt giới đều là huyễn pháp (Maya) không ngoài bản thể ấy mà có. Lý tưởng giải thoát của Áo nghĩa thơ chia làm hai phần:

Phần thứ nhất là việc đi tìm giải thoát, nhưng giải thoát phải tìm chính nơi mình, không phải ở bên ngoài. con người sở dĩ bị luân hồi là do Vô minh (Avidya) che lấp, không biết sai biệt giới là giả huyễn. Từ Vô minh sanh Ái dục (Kàma), rồi tạo nghiệp, gây ra sự khổ trong đường sinh tử. Muốn được giải thoát, phải có tinh thần tự giác hướng về Trí minh ( Vidya) mà trừ cái gốc Vô minh. Hướng về Trí minh là an trụ tâm vào bản tính trong lặng để bồi dưỡng phần trí huệ. Khi tâm đã thuần tịnh, tự nhiên được giác ngộ, nảy sinh trí huệ, thấy sự sống chết như chiêm bao. Phạm và ngã thầm hợp, không còn luân hồi, chứng được Phạm niết bàn (Brahma nirvana). Đây là phần lý thuyết.

Phần thứ hai là phải y theo pháp thức tu trì để phát minh trực giác trí. Pháp thức này lại có hai phương diện: một mặt là cần giữ giới, lìa tất cả dục cảnh để thành hạnh Xả ly (Samuyasa); mặt khác, phải trừ vọng tình, chuyên tâm nơi ngã tướng để thành hạnh Du già (Yoga - tương ưng quán). Cứ như thế mà tu, lần lần chân ngã sẽ toàn hiện, tức là được giải thoát, chấm dứt luân hồi. Đây là phần thực hành.

Tóm lại, ba thời đại trên đây đã cho chúng ta thấy sự diễn biến của giáo lý Phệ Đà, từ nơi thô sơ đến chỗ u vi thần bí. Riêng về Áo nghĩa thơ, các nhà nghiên cứu triết học Đông Tây đều tán dương, cho là một sản phẩm trí huệ cao siêu của nhân loại. Về sau, các học giả nương theo tư trào này mà lập ra nhiều giáo phái, như phái Số luận thì cho Ngã là Thần ngã, Huyễn là Tự tánh, danh từ tuy khác, nhưng lý tưởng vẫn đồng. Phật giáo cũng nương theo một phần trọng yếu của Áo nghĩa thơ, như thuyết luân hồi, nhưng canh tân thêm, thành ra sâu sắc và hoàn bị hơn. Ngoài ra cũng có nhiều học giả thoát ly tư tưởng Phệ Đà, chủ trương tự do khảo cứu, rồi lập thành phái triết học tự nhiên. Trong chương sau, chúng ta sã thấy những học thuyết ấy.

Tiết IV: Bốn Giai Cấp Của Xã Hội Ấn Độ

Thuở xưa, dân tộc Ấn Độ rất cung kính thần linh, tôn trọng nghi thức cúng tế. Lúc đầu, họ đặt ra người Gia trưởng, hoặc Tộc trưởng, để giữ việc tế lễ, gọi là chức Ty tế. Dần dần, chức Ty tế này trở thành việc chuyên môn, nên được thay thế bằng các Tăng lữ. Mặc khác, vì theo đà tiến triển của xã hội, lại phát sinh ra bốn chức nghiệp: Sĩ, Nông, Công, Thương. Các nghề nghiệp này dần dần trở thành giai cấp hóa. Giai cấp Tăng lữ chủ về việc tế tự, chiếm địa vị tối cao. Giai cấp vua chúa nắm giữ chánh quyền, ở vào địa vị thứ hai. Nhơn dân phổ thông như hạng nông, công, thương, thuộc về địa vị thứ ba. Còn hạng người thổ dân của Ấn Độ, bị Nhã Lỵ An chinh phục, chuyên theo nghề nghiệp thấp kém như ở đợ, làm mướn, là giai cấp tiện dân, ở vào địa vị thứ tư.

Lối phân chia giai cấp đó, mỗi ngày thêm chặt chẽ. Ban sơ, sự phân biệt chỉ ở trong quan niệm của dân chúng mà thôi. Nhưng khi các Tăng lữ nắm được thật quyền trong xã hội họ liền tổ chức thành bốn giai cấp rõ rệt: Tăng lữ thuộc giai cấp Bà la môn (Brahman), Vua chúa thuộc giai cấp Sát đế lỵ (Ksatriya), Bình dân thuộc giai cấp Phệ Xà (Vaisya), Tiện dân thuộc giai cấp Thủ đà la (Sùdra). Hai hạng trước là giai cấp thống trị, hai hạng sau là giai cấp bị trị. Bốn giai cấp này theo chế độ thể tập, cha truyền con nối, nên giai cấp nô lệ cứ phải đời đời làm nô lệ, gây ra một tổ chức xã hội bất công.

Giai cấp Bà la môn lại nương vào chế độ của xã hội mà quy định thành bốn thời kỳ của chủng tộc mình. Bốn thời kỳ đó như sau:

1. Phạm trí kỳ (Brahmacàrin): thời kỳ du học của buổi thiếu niên và tráng niên. Người trong chủng tộc Bà la môn, vào khoảng từ 7 tới 15 tuổi, thì học tập ở nhà; từ 16 tới 39 tuổi, phải xuất gia theo thầy học tập Phệ Đà thánh điển. Đến khi học nghiệp thành tựu lại được trở về nhà.

2. Gia cư kỳ (Grhastha): thời kỳ sinh hoạt gia đình của buổi trung niên. Khi đã được 40 tuổi, người Bà la môn phải trở về nhà lập gia đình để cho dòng dõi không bị tuyệt. Thời gian này họ theo chức nghiệp, làm trọn nhiệm vụ tế tự của người gia trưởng.

3. Lâm cư kỳ (Vànaprastha): thời kỳ tu dưởng của buổi mộ niện. Lúc 50, 51 tuổi sắp lên, người Ba la môn đã làm xong nhiệm vụ gia đình, phải lìa nhà vào nơi núi sâu rừng vắng để tu luyện.

4. Du hành ký (Parivràjaka): thời kỳ du hành vừa tự tu vừa hóa đạo của buổi lão niên. Thời kỳ này không nhất định, tùy theo tu nghiệp được vững vàng, mà sự xuất thế có sớm hay muộn. Trong khoảng thời gian sau cùng, hàng Bà la môn muốn cho thân tâm được tự tại giải thoát, nên nơi ăn chốn ở không nhất định, rày đây mai đó. Cho nên người tu ở thời kỳ này có tên là Khất sĩ (Bhiksu) hay Hành giả (Yati).

Bốn thời kỳ kể trên, là lý tưởng sinh hoạt của giai cấp Bà la môn. Theo đó, nếu người nào tu hành đạt tới chỗ cứu cánh, thì được mọi người cung kính tột bậc.

Chủng tộc Bà la môn đã chế định ra bốn giai cấp, tự cho mình ở địa vị tối cao. Còn ba giai cấp kia, nhất là hàng tiện dân, lại bị xã hội khinh miệt, không được luật pháp bảo hộ, không cho dự phần tín ngưỡng tôn giáo và tán tụng kinh điển Phệ Đà. Thời bấy giờ ở Ấn Độ người ta lại chế ra luật ma noa (Mànu), hỗn hợp cả chính trị lẫn tôn giáo. Nhờ có pháp luật này, tổ chức của đạo Bà la môn mới được hoàn thành. Bởi giáo lý của đạo ấy, là nương vào tư tưởng của phái Phệ Đàn Đà, lấy việc duy trì giai cấp bốn chủng tộc làm mục đích duy nhất. Sống dưới một chế độ bất công như thế, lâu ngày dân chúng đâm ra chán nản, hằng ước ao có một cuộc đổi mới.

Sự phát sinh của các học thuyết như: chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa yếm thế sau đây, phần lớn cũng bởi nguyên nhân này.