Chương 6- Các chủng loại thế giới

19 Tháng Sáu 20169:42 CH(Xem: 6236)
Chương 6- Các chủng loại thế giới

Phật Học Tinh Yếu 2
HT Thích Thiền Tâm


Thiên Thứ Hai
Chương Sáu

Các Chủng Loại Thế Giới

Tiết Muc:

I. Uế độ và tịnh độ
II. Tịnh độ phương tây
III. Tịnh độ phương đông
IV. Cõi Phật mười phương
V. Thế giới sai biệt

Kinh sách tham khảo: Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Thất Phật Công Đức, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Kinh Phật Thuyết A Di Đà, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Duy Ma Cật.

Đề yếu: Khi nói kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo ở Long cung, đức Thế Tôn đã chỉ cho chúng hội thấy vô số loài thủy tộc hình tướng kỳ lạ khác nhau, và bảo đó là do nghiệp ác sai biệt cảm hiện. Kế tiếp, Phật lại chỉ kim thân rực rỡ của mình, sắc tướng xinh đẹp trang nghiêm của các vị Bồ tát trong pháp hội, mà chứng minh rằng đó là kết quả của mười nghiệp lành. Ngay như nhơn loại cõi này, chúng ta đã thấy có loài da trắng, da vàng, da đen, da đỏ, kẻ xinh đẹp, người xấu thô. Có xứ khí hậu mát mẻ, cây cối tốt tươi, nhiều ao hồ, cảnh đẹp, nhơn dân thường hưởng phước thanh bình. Lại có các xứ địa thế gần miền sa mạc, quanh năm nắng cháy, cây cỏ héo khô, con người vất vả; thổ dân ở những nơi đây phần nhiều hung dữ. Đó đều là kết quả của những nghiệp nhân thiện hoặc ác.

Trong Tứ tất đàn của Phật nói, có môn Thế giới tất đàn. Vì có những hạng chúng sanh nghe pháp tất đàn này mà tỏ ngộ, hoặc phát tâm hướng đạo, nên trong các kinh, đức Phật thường chĩ dẫn sự sai biệt về chánh báo và y báo của các cõi để hóa độ họ. Thể theo ý đó, trong bản chương đã lược trình bày về các cõi uế, tịnh, cùng sự sai biệt của thế giới ở mười phương, để cho duyệt giả thêm rộng tầm nhãn quan, và suy gẫm sâu về những nhân quả khổ, vui, xấu, đẹp.

Thiết tưởng đây cũng là một điều cần yếu.

Tiết I: Uế Độ Và Tịnh Độ

Trong các thâm kinh như Phạm Võng, Pháp Hoa, đức Thế Tôn đã từng có lời khuyên phải dè dặt không nên đem pháp đại thừa nói cho hạng tiểu cơ, hoặc những kẻ kém lòng tin, thiếu căn lành nghe; vì e họ không liễu giải rồi sanh lòng phỉ báng mà mang tội. Bởi sự tin hiểu của phàm phu không ngoài các giác quan như mắt thấy, tai nghe; những cái gì vượt quá tầm tri thức thông thường, tất họ không chấp nhận. Song lắm khi các việc ta chưa thấy, chưa hiểu nổi, thật ra nó chẳng phải không có, chỉ do ta thiếu sự bác lãm, hoặc kém trí suy luận mà thôi. Như trước kia, vì chưa tiếp xúc với xúc với nền khoa học cơ giới của Tây phương, người Đông phương nghe một đôi kẻ thuật lại những việc khác lạ ở các nước văn minh, đều cho là đi xa về nói dối. Và bởi chưa mục kích về hiện tượng thuộc khoa học huyền bí của Đông phương, người Tây phương cho những bùa chú của Đông phương là mê tín dị đoạn. Thật ra giữa thế gian này cũng có những việc mê tín dị đoan, song cũng có những hiện tượng mà các nhà mệnh là bác học cũng ngơ ngác không giải thích nổi. Việc hiện tại mà còn như thế, huống là những việc cao xa? Trong các kinh Phật nói, nhứt là kinh điển Đại Thừa, có những sự lý mà bậc huệ nhãn A la hán không thấy hiểu được trừ bậc đăng địa Bồ tát và hàng phàm phu hay Thanh văn, Duyên giác có tín căn Đại Thừa. Vì thế, đối với kinh nghĩa Đại Thừa, có kẻ không tin hiểu nổi rồi cho đó là những điều tưởng tượng; lại có người hiểu không thấu suốt rồi giải thích sai lầm. Phạm vào các lỗi này, có khi là những học giả giỏi về thế pháp muốn nghiên cứu qua tôn giáo, có khi là hàng Phật tử tại gia, một đôi khi là những vị xuất gia kém thông hiểu.

Vì những lý do trên, nên khi sưu khảo kinh tạng để viết về chương Chủng loại thế giới, bút giả đã đôi ba phen băn khoăn, ngần ngại... Song nghĩ lại, pháp Đại Thừa của Phật chẳng lẽ không được tuyên dương, biết đâu có nhiều người tin nhận được mà mình không diễn dịch cũng là một điều phụ với bi tâm của Phật?

Bởi suy xét như thế, bút giả mới đem tâm thành thật và sự phô diển thô sơ mà viết ra chương này. Lòng tin cố nhiên là điều không thể ép buộc, nhưng mong rằng khi xem qua bản chương, những điều nào mà duyệt giả chưa thể chấp nhận, cũng xin thong thả đừng vội chê bai, vì đây là lời trích dịch theo kinh Phật, người muốn học Phật phải tiềm tâm suy nghĩ kỹ. Và đó mới là thái độ trung thật của nhà học giả.

Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật bảo: "Này A Nan! Hư không sanh trong tâm ông ví như một áng mây nhỏ điểm giữa khoảng trời xanh rộng lớn bao la, huống chi vô lượng thế giới ở trong hư không ư?". Các kinh khác cũng cho ta biết rằng, ngoài cõi Ta Bà còn có nhiều thế giới khác, và trong biển tánh chân như có vô biên quốc độ, gồm các cõi tịnh và uế.

Thế nào là Tịnh độ? Tịnh độ là một cõi mà từ người đến cảnh đều trong sạch đẹp lành. Về phương diện người, tức là phần chánh báo, có những điều kiện như sau: 1. An vui không bịnh. 2. Thọ mạnh lâu dài. 3. Thân tướng xinh đẹp. 4. Không có sự giàu, nghèo, sang hèn cách biệt nhau. 5. Tâm tánh nhu hòa, ý chí cao thượng. 6. Đạo tâm không lui sụt. 7. Người đều hóa sanh, không có sự uế nhiễm về nam nữ, sanh dục. 8. Không có trẻ, già, mạnh, yếu khác nhau. 9. Không có các sự nhơ nhớp như nước mắt, nước mũi, mồ hôi, đàm dãi, đại tiểu tiện. 10. Đạo đức tinh thần, trí huệ thông suốt. 11. Không có các nỗi khỗ về tinh thần, thể chất. 12. Sự ăn thọ dụng đều tự nhiên. 13. Có đủ huệ nhãn, chánh kiến. 14. Có ngũ thông hoặc lục tông. 15. Thường trụ nơi chánh định.

Về phương diện cảnh, tức là phần y báo, lại có những điều kiện như sau: 1. Đất đai bằng phẳng, do bảo chất hợp thành, không có sông, biển, núi, gò, chông gai, hầm hố. 2. Không có các nạn cảnh như: chiến tranh, bão, lụt, động đất, nắng hạn, dịch khí, đói khát, sấm sét, sa mù. 3. Khắp nơi đều trong tạnh sáng suốt, không cần ánh quang minh của mặt trời, mặt trăng, đèn đuốc, và không có ngày đêm. 4. Khí hậu thường mát mẻ điều hòa, không có các thời tiết nắng, mưa, nóng, lạnh. 5. Tất cả vật kiện đều khéo đẹp tinh khiết, không mục nát hư hoại. 6. Đường sá, lan can, cây, hoa, đều nghiêm chỉnh xinh đẹp, có hàng lối. 7. Điện các, lâu đài đều nguy nga tráng lệ, hóa hiện tự nhiên, không cần phải dùng sức người kiến trúc. 8. Âm nhạc vi diệu không cần người hòa tấu, muốn nghe liền tự trỗi lên, không thích nghe lại tự yên lặng. 9. Trừ loài người ra, không có thú dữ, ruồi, rắn, rít, độc trùng, cùng những loại động vật khác, duy có các thứ chim đẹp lạ do thần lực của Phật, hoặc Bồ tát hóa hiện. 10. Khắp nơi có nhiều ao thất bảo, trong ấy nước bát công đức đầy dẫy, các hoa sen đủ màu sằc, màu nào phóng sáng nấy. 11. Nước ở các ao trong sạch ngọt thơm, tùy ý người mà lên, xuống, ấm mát. 12. Tất cả cảnh vật, khí dụng đều do từ một thứ báu đến nhiều thứ báu hóa thành. 13. Thường có mưa hoa đúng thời rơi xuống. 14. Người tuy tăng thêm, nhưng quốc độ không chật hẹp, vật dụng không thiếu hụt. 15. Thường có Phật, Bồ tát ứng hiện giáo hóa, không bị nạn ngoại đạo tà ma.

Những cõi nào có đủ điều kiện người và cảnh như trên, mới thật đúng là Tịnh độ. Ngoài ra nếu các cõi chỉ có phần ít thanh tịnh, chưa được viên mãn, chỉ tạm gọi là Tịnh độ trên phương tiện giả lập mà thôi. Như thế giới hoàng kim theo người đời hằng mơ ước, hoặc cõi này vào lúc nhơn thọ 84000 tuổi, cũng có thể tạm gọi là nhơn gian Tịnh độ.

Sao gọi là Uế độ? Đây là cõi mà từ người đến cảnh đều không trong sạch an lành. Như phần người, về thân thì có sự suy già, thô sấu, tật bịnh, đủ các điều nhơ nhớp; về tâm lại có những phiền não, dục nhiễm, ác kiến. Phần cảnh, thì có những hầm hố, gai chông, bùn lầy, sạn sỏi, muỗi mòng, rắn rít, ác thú, độc trùng, thiên tai, nhơn họa. Tóm lại Uế độ là cõi có những điều kiện trái hẳn với Tịnh độ.

Những cõi Tịnh độ đều do công đức, nguyện lực của Phật, Bồ tát, cùng thiện nghiệp của dân chúng cõi đó cảm hiện. Còn Uế độ là do nghiệp bất tịnh của chúng sanh nơi ấy tạo thành.

Tiết II: Tịnh Độ Phương Tây

Về uế độ, đại khái như cõi Ta Bà hiện tại mà chúng ta đang ở, không có chi kỳ đặc đáng kể. Dưới đây, xin trích dẫn các kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, Phật Thuyết A Di Đà, lược thuật về chánh báo, y báo cõi Cực Lạc, một Tịnh độ vị trí thuộc phương Tây của thế giới này. Hiểu qua y chánh cõi Cực Lạc, tức sẽ quan niệm chung được những y chánh các cõi tịnh ở mười phương; vì quan cảnh cõi Cực Lạc thế nào, những tịnh độ khác về sự thanh tịnh trang nghiêm, cũng tương tợ như thế ấy.

A. Chánh Báo Cõi Cực Lạc

1. Thân tướng trang nghiêm: Thân thể của nhơn dân cõi Cực Lạc đều là sắc chân kim, đủ 32 tướng, dung nghi xinh đẹp nhiệm mầu, hình mạo đồng nhau không có ai hơn kém. Tất cả đều thọ thân thể vô cực, tự nhiên. Thân tướng của Tây phương Tam Thánh lại càng muôn phần trang nghiêm vi diệu.

2. Thọ mạng vô lượng: Người ở cõi Cực Lạc đều sống lâu vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, trừ những vị có bản nguyện đi đến các cõi khác để độ sanh muốn trụ thọ mạng dài hay ngắn đều được tùy ý.

3. Thần thông tự tại: Dân chúng cõi Cực Lạc đều có ngũ thông là: Thiên nhĩ thông, thiên nhãn thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, và Thần túc thông. Nếu vị nào chứng quả A la hán, thì kiêm được Lậu tận thông.

4. Thường ở trong chánh định: Tất cả đều an trụ nơi chánh định tụ.

5. Không đọa ác đạo: Kẻ nào được sanh về cõi ấy, tất không còn bị đọa ba đường ác là: địa ngục, ngạ quỉ, bàng sanh.

6. Hóa sanh nơi hoa sen: Nhơn dân cõi Cực lạc đều hóa sanh nơi hoa sen trong ao thất bảo, thuần là người nam, không có sự ái dục và thai sanh.

7. Thân thể tinh sạch: Chúng sanh ở cõi Cực Lạc thọ thân kim cương, thể chất thơm tho tinh sạch, không có các uế vật như mồ hôi, đàm dãi, đại tiểu tiện; không thọ các sự khổ: sanh, già, bịnh, chết, thân ái, biệt ly, oán thù gặp gỡ, mong cầu không toại ý và năm ấm lẫy lừng.

8. Vui như bậc lậu tận: Nhơn dân ở cõi ấy thân tâm thường được an vui như bậc Lậu tận tỷ khưu.

9. Đạo tâm không lui sụt: Những kẻ sanh về cõi này, đều thành bậc A bệ bạt trí, đối với đạo vô thượng không còn thối chuyển, tu hành mạnh mẽ tinh tấn cho đến khi thành Phật.

10. Trí huệ biện tài: Nhơn dân cõi Cực Lạc có vị đọc tụng, thọ trì, diễn giảng kinh pháp; có vị tư duy diệu nghĩa, nhập dịnh tham thiền; tất cả đều đủ trí huệ biện tài.

11. Được vô sanh nhẫn: Đã sanh về cõi ấy tất sẽ chứng được vô sanh pháp nhẫn và các môn thâm tổng trì.

12. Cúng dường chư Phật: mỗi buổi sớm mai, nhơn dân nước Cực lạc thường đem các thứ hoa quí lạ đi cúng dường chư Phật ở mười phương. Nếu muốn cùng dường hương mầu, y phục, bảo cái, tràng phan; do nhờ nguyện lực của Phật A Di Đà, đồ cúng dường quí đẹp đúng theo ý muốn, liền hiện trên không nhóm lại như mây, rồi uyển chuyển rơi xuống đạo tràng thành pháp cúng dường. Khi cúng dường và nghe thuyết pháp xong, trong khoảnh khắc, tất cả đều trở về bản quốc trước giờ thọ thực.

13. Không ba ác đạo: Ở cõi Cực lạc không có các loài địa ngục, ngạ quỉ, bàng sanh, cho đến không nghe điều chi bất thiện huống nữa là có thật.

14. Gần gũi Thánh chúng: Người sanh về cõi Cực lạc, thường được gần gũi các bậc đại Bồ tát như Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, chung quanh mình toàn là bậc thượng thiện, không có thầy tà bạn ác.

15. Oai lực tự tại: Các bậc Thanh văn, Bồ tát ở Cực lạc, thần thông rộng lớn, oai lực tự tại, có thể nhiếp trì tất cả thế giới trong bàn tay.

16. Thân quang rực rỡ: Ánh sáng nơi thân của chúng Thanh văn ở cõi ấy chiếu xa một tầm, còn quang minh của hàng Bồ tát chiếu xa từ 100 do tuần đến tam thiên đại thiên thế giới.

17. Nhiều Thanh văn, Bồ tát: Chúng Thanh văn ở pháp hội đầu tiên của Phật A Di Đà nhiều đến vô số. Các chúng Bồ tát cũng như vậy. Đức Bổn sư bảo ngài A Nan: "Người có trí huệ thần thông như bọn ông Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, đến kế các bậc Bồ tát, cũng không biết số lượng là bao nhiêu, huống chi các pháp hội khác!".

18. Bậc Bổ xứ vô biên: Chúng sanh sanh về cõi Cực lạc đều là bậc A bệ bạt trí. Trong ấy những vị nhứt sanh bổ xứ Bồ tát rất nhiều, không thể dùng toán số tính kể được, chỉ có thể đem số vô lượng vô biên A tăng kỳ để nói mà thôi.

B. Y Báo Cõi Cực Lạc

1. Quốc độ bằng phẳng: Toàn cõi Cực lạc bằng phẳng, trong sạch không một điểm trần, không có núi Tu di, Kim cang và tất cả các núi, cũng không có các biển lớn nhỏ, sông, suối, giếng, hang.

2. Bảy báu làm đất: Quốc độ của Phật A Di Đà, đất là lưu ly xen với thất bảo, trong ngoài chói suốt nhau, dưới có tràng kim cương thất bảo nâng đỡ. Tràng này hình bát giác đều đặn, mỗi phía do tám thứ báu hợp thành. Mỗi hạt bảo châu phóng ra ngàn tia sáng, mỗi tia sáng có 84000 sắc chói, đất lưu ly sáng như ngàn ức mặt trời. Mặt đất lưu ly bằng phẳng, có giây hoàng kim cùng thất bảo giăng phân khu vực và đường xá. Mỗi khu vực rộng rãi bao la, cảnh trí kỳ lệ nhiệm mầu, trang nghiêm thanh tịnh.

3. Khí hậu điều hòa: Khí hậu ở cõi Cực lạc không nóng không lạnh, thường mát mẻ điều hòa, không có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.

4. Lưới báu trang nghiêm: Trên hư không có vô lượng lưới báu chia từng khuôn, giăng che khắp Phật độ. Lưới này giây bằng chất nhuyển kim hoặc chơn châu, trang nghiêm bằng vô lượng kỳ trân tạp bảo, quang sắc rực rỡ như sao. Chung quanh mỗi khuôn lưới có treo nhiều linh báu, mỗi khi gió nhẹ thoảng qua, các bảo linh ấy phát ra vô lượng pháp âm mầu nhiệm. Chư thiện nhơn nghe rồi tự nhiên sanh lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

5. Sáu thời mưa hoa: Ở cõi Cực lạc, ngày đêm sáu thời mưa xuống hoa Mạn đà la, gió nhẹ phi phất, hoa bay khắp Phật độ. Hoa này nhu nhuyển thơm tho; chư thiện nhơn lúc bước chân đi, hoa lún xuống bốn tấc, khi giở chân lên, hoa tròn nguyên như cũ. Thánh chúng thưởng ngoạn và thọ dụng mưa hoa xong, Mạn đà la hoa lần lượt biến mất, mặt đất trở lại vẻ trang nghiêm, tịnh khiết.

6. Bảo trì thơm sạch: Ở cõi Cực lạc nơi nơi đều có bảo trì rộng rãi mênh mông, trong ao đầy dẫy nước bát công đức trong sạch thơm tho, vị như cam lộ. Những ao này do từ một thứ báu đến bảy thứ báu tạo thành, như thành ao bằng hoàng kim, đáy ao trải cát thủy tinh; thành ao bằng bạch ngân, xa cừ, mã não, đáy ao trải cát lưu ly; hoặc thành ao bằng bạch ngọc, đáy ao trải cát kim cương nhiều màu.

7. Nước ao tùy ý: Các thượng thiện nhơn lúc vào ao để tắm, tùy theo ỷ muốn, nước tự dâng lên, hoặc ngập đến đầu gối, đến bụng, đến cổ. Nước này từ như ý châu vương sanh ra, tùy tâm người mà lên xuống, hoặc sâu, hoặc cạn, hoặc ấm, hoặc mát, rất điều hòa, thuận thích.

8. Sen báu nhiệm mầu: Mỗi ao có sáu mươi ức hoa sen thất bảo. Mỗi hoa sen tròn lớn 12 do tuần, có trăm ngàn ức cánh, đủ các màu xinh đẹp, màu nào chiếu ánh sáng nấy. Nước bát công đức chảy lên xuống theo cộng sen hoặc lòn vào cánh hoa, phát ra tiếng thanh tao diễn nói pháp mầu: Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã và các môn Ba la mật.

9. Cây đạo tràng thọ: Cây bồ đề nơi đạo tràng của Phật do các thứ báu hợp thành, chất báu căn bản tên là Nguyệt Quang Ma Na Trì Hải Luân, Thân cây trang nghiêm bằng ngọc anh lạc treo rũ xuống, chiếu ra ngàn muôn sắc. Trên ngọn cây có lưới báu phủ giăng; nơi thân cây và lưới báu tùy thời ứng hiện vô lượng Phật sự trang nghiêm.

10. Bảo thọ phát âm: Khắp cõi Cực lạc có những cây thất bảo mọc theo hàng lối ngay thẳng, có thứ cây thuần một chất báu, hoặc hai, ba, cho đến bảy chất báu hợp thành. Các hàng cây, thân cây, cành, lá, hoa, trái đều có sự tương đối cân phân. Tất cả Phật sự ở cõi Cực lạc và mười phương thế giới đều hiện bóng rõ nơi thân cây như vật hiện trong gương sáng. Những hoa xinh đẹp sắc vàng Diêm phù đàn xen trong kẽ lá, sáng rỡ như những vòng lửa. Trên hoa tự nhiên có trái thất bảo hình như chiếc bình quý của trời Đế Thích. Sự trang nghiêm của bảo thọ nhìn xem không thể xiết! Gió mát từ thân cây nhẹ nhàng phát ra, nổi lên năm thứ âm thanh vi diệu, tự nhiên hòa tấu, còn nhiệm mầu hơn tiếng nhạc của trời Tha Hóa ngàn muôn ức lần! Âm thanh của bảo thọ diễn nói pháp mầu! Chúng sanh ở cõi ấy tai nghe tiếng tăm, mắt thấy màu sắc, mũi ngửi hương thơm, lưỡi nếm vị ngon, thân tắm ánh sáng, ý duyên diệu pháp của cây báu, đều được sáu căn thanh triệt, trụ nơi bất thối chuyển.

11. Bảo tòa quý lạ: Ở cõi Cực lạc, Phật, Bồ tát cùng thánh chúng đều ngồi tòa sen báu. Các liên tọa này do từ một hai, cho đến vô lượng chất báu hợp thành, màu sắc đẹp lạ, quang minh sáng rỡ, nhu nhuyển lớn nhỏ xứng theo thân thể người ngồi. Tòa sen của Phật có 84000 cánh, mỗi cánh rộng 250 do tuần, có 100 màu. Nơi mỗi cánh hoa lại hiện 84000 làn gân, phóng ra 84000 tia sáng, có trăm ức châu ma ni xen lẫn vào. Đài sen bằng chất Thích ca tỳ lăng già bảo, trang nghiêm xen lẫn tám muôn thứ ngọc kim cương, ma ni. Sự kỳ lệ của liên tòa này vô cùng, đây là chỉ kể phần sơ lược.

12. Cung điện trang nghiêm: Những giảng đường, tinh xá, lâu các, cung điện của Phật, Bồ tát, nhơn dân nơi cõi Cực lạc, do vô lượng trân bảo hợp thành, trăm ngàn muôn lần quý đẹp hơn Tự Tại thiên cung. Những đền đài này có thứ nổi lên giữa hư không, cao lớn tùy theo ý muốn của người ở, có thứ không theo ý muốn mà trụ trên bảo địa. Đây là do công hạnh tu hành có hơn kém mà trụ xứ khác nhau, nhưng sự thọ dụng về ăn mặc thì đều bình đẳng.

13. Thức uống ăn tinh khiết: Nhơn dân cõi Cực lạc khi muốn uống ăn thì bát khí thất bảo như: vàng, bạc, lưu ly, tùy ý hiện ra trước mặt. Trong các thứ đồ báu ấy có đầy đủ trăm vị ẩm thực, ăn vào tự nhiên tiêu hóa không còn cặn bã, có vị chỉ thấy sắc, nghe hương tự nhiên no đủ, không cần phải ăn uống. Khi sự việc đã xong, bảo khí tự nhiên ẩn mất, đúng thời lại hiện ra, không cần phải dọn dẹp.

14. Pháp phục tùy tâm niệm: Y phục của dân chúng ở cõi này, tùy tâm niệm liền hiện ra nơi thân. Tất cả y phục đều quý đẹp tự nhiên, không cần phải cắt, may, nhuộm, giặt.

15. Hóa cầm nói pháp: Đức Phật A Di Đà vì muốn cho pháp âm lưu thông, hóa hiện ra vô số thứ chim tạp sắc kỳ lạ như: Bạch hạt, khổng tước, Anh vỏ, Xá lợi, Ca lăng tần già, Cộng mạng, Hồng, Nhạn, Oan ương.... Các thứ chim này ngày đêm sáu thời kêu lên tiếng hòa nhã, diễn nói những pháp như: năm căn, năm lực, bảy phần bồ đề, tám phần thánh đạo. Chúng sanh ở cõi ấy nghe rồi, tự nhiên sanh lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

16. Hương thơm bay khắp: Ở cõi Cực lạc, từ mặt đất cho đến hư không, cung điện lâu đài, ao nước cây hoa, đều do vô lượng tạp bảo, trăm ngàn thứ hương kết thành, sự trang nghiêm kỳ diệu vượt hơn các cõi trời. Mùi hương bay xa đến mười phương thế giới, hàng Bồ tát nghe rồi đều tu Phật hạnh.

17. Vạn vật nghiêm đẹp: Tất cả muôn vật ở cõi này đều nghiêm, sạch, sáng, đẹp, hình sắc lạ thường, vi diệu cùng cực, không thể diễn tả và nói hết số lượng.

18. Quốc độ sáng trong: Cõi Cực lạc sáng sạnh trong ngần, in bóng vô số thế giới chư Phật ở mười phương. Sự ảnh hiện này rất phân minh, như người nhìn vào gương soi thấy mặt mình.

Tiết III: Tịnh Độ Phương Đông

Như trên đã lược thuật phần y chánh của thế giới Cực lạc ở phương tây. Nhưng phương tây chẳng phải chỉ có một cõi tịnh là Cực lạc, mà còn vô số tịnh độ khác. Các phương kia cũng như thế. Xin y theo kinh lược dẫn ra đây một ít tịnh độ ở phương Đông để làm tỷ lệ cho những tịnh độ khác ở mười phương.

Kinh Thất Phật Công Đức nói: "Từ đây qua phương Đông cách bốn căn già sa cõi Phật, có thế giới tên là Vô Thắng, Phật hiệu Thiện Danh Xưng Kiết Tường Vương Như Lai. Cách năm căn già sa cõi Phật có thế giới tên là Diệu Bảo, Phật hiệu Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang Âm Tự Tại Vương Như Lai. Cách sáu căn già sa cõi Phật, có thế giới tên là Viên Mãn Hương Tích, Phật hiệu Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Thành Tựu Vương Như Lai, cách bảy căn già sa cõi Phật, có thế giới tên là Vô Ưu, Phật hiệu Vô Ưu Tối Thắng Kiết Tường Vương Như Lai. Cách tám căn già sa cõi Phật, có thế giới tên là Pháp Tràng, Phật hiệu Pháp Hải Lôi Âm Vương Như Lai. Cách chín căn già sa cõi Phật có thế giới tên là Thiện Trụ Bảo Hải, Phật hiệu Pháp Hải Thắng Huệ Du Hí Thần Thông Vương Như Lai. Cách mười căn già sa cõi Phật, có thế giới tên là Tịnh Lưu Ly, Phật hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.

Những thế giới trên đây đều do các thứ trân bảo hòa hợp tạo thành, thánh chúng đều hóa sanh nơi hoa sen, công đức và sự trang nghiêm xinh đẹp, cũng giống như cõi Cực lạc ở phương Tây"

Tiết IV: Cõi Phật Mười Phương

Trong mười phương, mỗi phương, đều có vô biên tịnh độ và uế độ. Các cõi đều có Phật ra đời giáo hóa chúng sanh, nên trong kinh thường gọi là Phật độ hay Phật sát. Mỗi cõi Phật hoặc lấy một, mười, trăm, ngàn muôn, ức, triệu cõi đại thiên làm một Phật độ; hoặc lấy một hằng hà sa hay nhiều hằng hà sa cõi đại thiên làm một Phật độ. Như trong Kinh Pháp Hoa, đức Thích Ca đã thọ ký cho ngài Phú Lâu Na, sau vô lượng a tăng kỳ kiếp sẽ thành Phật, hiệu là Pháp Minh Như Lai. Đấng Điều Ngự này lấy một hằng hà sa cõi đại thiên làm một Phật độ, cõi nước tên là Thiện Tịnh, cảnh vật ở bản quốc đều do bảy báu hợp thành. Để chứng minh ngoài cõi Ta Bà nầy còn có nhiều thế giới khác, xin trích kinh tạng đơn cở trong mười phương mỗi phương một cõi Phật để làm chỉ cho vô biên Phật độ.

Kinh Hoa Nghiêm nói: "Phương đông cõi Ta bà này, có thế giới tên là Mật Huấn. Phương nam có thế giới tên là Phong Dật. Phương tây có thế giới tên là Ly Cấu. Phương bắc có thế giới tên là Phong Lạc. Phương Đông bắc có thế giới tên là Nhiếp Thủ, Phương đông nam có thế giới tên là Nhiêu Ích. Phương tây nam có thế giới tên là Tiên Thiểu. Phương tây bắc có thế giới tên là Hoan Hỷ. Hạ phương có thế giới tên là Chấn Âm. Các đấng Như Lai trong mười phương thế giới nầy, mỗi vị có nhiều danh hiệu, cho đến vô lượng chư Phật ở vô số thế giới cũng đều như thế".

Tiết V: Thế Giới Sai Biệt

Trong mười phương hư không có nhiều chủng loại thế giới; có thế giới nhỏ hình tướng chúng sanh và cảnh vật cũng nhỏ; có thế giới lớn, hình tướng chúng sanh và cảnh vật cũng lớn. Như kinh Pháp Hoa nói:

Bấy giờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ nơi tướng đại nhơn là nhục kế và tướng lông trắng giữa đôi mày, phóng ra ánh sáng soi khắp tám trăm muôn ức na do tha hằng hà sa thế giới chư Phật ở phương Đông. Qua khỏi số các cõi đó, có thế giới tên là Nhứt Thế Tịnh Quang Trang Nghiêm. Đấng chánh giác ở cõi này thánh danh Tịnh Hoa Tú Vương Trí, có đủ mười hiệu là: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn, đang thuyết pháp cho vô lượng vô biên chúng Bồ tát cung kính vi nhiễu ánh sáng bạch hào của đức Thích Ca Mâu Ni soi khắp quốc độ ấy. Lúc đó, trong cõi Nhứt Thế Tịnh Quang Trang Nghiêm có một vị Bồ tát tên là Diệu Âm. Vị Bồ tát này đã gieo trồng các cội công đức từ nhiều kiếp lâu xa, và đã gần gũi cúng dường vô lượng trăm ngàn muôn ức chư Phật....

Khi ấy, đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí bảo Diệu Âm Bồ tát: "Thiện nam tử. Hình thế cõi Ta bà kia nơi cao chỗ thấp không được bằng phẳng, có những núi đất đá và đầy dẩy sự nhơ xấu. Thân Phật và chúng Bồ tát ở cõi ấy đều kém nhỏ, mà thân của ông lại cao đến bốn vạn hai ngàn do tuần, thân ta cao sáu trăm tám mươi vạn do tuần. Sắc tượng của ông do trăm ngàn muôn phước tập hợp hiện thành, sáng rỡ nhiệm mầu, xinh đẹp bậc nhứt. Tuy nhiên, khi qua cõi kia, ông chớ nên vì thế mà đối với Phật, Bồ tát và quốc độ ấy, sanh tư tưởng khinh mạn, cho là hạ liệt..."

Bấy giờ Diệu Âm đại sĩ cùng 84000 chúng Bồ tát ẩn thân nơi cõi Tịnh Quang, cùng nhau sang Ta bà thế giới. Khi vượt qua các quốc độ, đất đai của những cõi này bổng rung động sáu cách, trên hư không mưa xuống hoa sen thất bảo trăm ngàn thiên nhạc tự nhiên hòa tấu. Mắt của Diệu Âm Bồ tát như đôi cánh hoa sen xanh biếc rộng rãi. Khuôn mặt của ngài còn đoan chánh rực rỡ hơn trăm ngàn muôn mặt trăng sáng hòa hợp. Và thân thể của ngài do vô lượng trăm ngàn công đức trang nghiêm, đầy đủ các tướng, bền chắc như Na la diên, sắc vàng chiếu diệu, hiện vẻ uy đức tôn nghiêm.

Trong kinh Duy Ma Cật cũng có đoạn nói:

"Lúc ấy trưởng giả Duy Ma Cật hỏi ngài Văn Thù Sư Lợi: "Nhân giả đã từng du ngoạn khắp vô lượng a tăng kỳ Phật độ, có thấy thứ tòa sư tử nào kỳ xảo và quý đẹp bậc nhứt chăng?" Văn Thù Bồ tát đáp: "Cư sĩ! Về phương đông cõi này, trải qua ba mươi sáu hằng hà sa quốc độ, có thế giới Tu Di Tướng, vị hóa chủ là đức Phật Tu Di Đăng Vương, Đấng Như Lai ấy thân cao tám muôn bốn ngàn do tuần, tòa sư tử bề cao và rộng cũng như thế. Tòa này do công đức thượng diệu hóa thành, trang nghiêm xinh đẹp bậc nhứt..." Và đoạn:

"Bấy giờ trưởng giả Duy Ma Cật liền vào tam muội, dùng sức thần thông hiện bày cho đại chúng thấy các thế giới ở phương trên. Từ cõi Ta bà đi lên trải qua bốn mươi hai hằng hà sa Phật độ, có cõi nước tên là Chúng Hương. Nơi ấy có đức Hương Tích Như Lai hiện đang giáo hóa. Mùi thơm tại cõi nầy thắng diệu hơn các thứ hương của hàng nhơn thiên trong mười phương thế giới. Ở cõi Chúng Hương không có danh từ Thanh văn, Bích chi Phật, duy có chúng Đại Bồ tát thanh tịnh. Tất cả lầu các và cảnh vật nơi cõi này đều do chất thơm tạo thành, vườn cây ao hoa cũng là chất thơm, thánh chúng đi kinh hành trên hương địa. Mùi thơm của thức ăn từ cõi Chúng Hương lan rộng đến vô lượng thế giới ở mười phương. Khi ấy, đức Hương Tích Thế Tôn cùng chư Bồ tát đang ngồi thọ trai, các hàng thiên tử đồng hiệu là Hương Nghiêm, đã phát tâm vô thượng Bồ đề, cúng dường Phật và chúng hội".

Trên đây là mấy đoạn kinh chỉ rõ sự trang nghiêm kỳ diệu của các thế giới. Căn cứ vào đó, ta có thể suy hiểu ngoài cõi Ta bà này, có nhiều thế giới khác mà nhân vật và sự cảnh đều phi thường. Lại theo kinh Hoa Nghiêm, Tịnh danh, các Phật độ ở mười phương có nhiều chủng loại, hình thể khác nhau. Có thế giới hình vuông hoặc vuông dài, có thế giới hình tròn, có thế giới hình như dòng nước xoáy, có thế giới hình như con sông, có thế giới hình luân võng, có thế giới hình đàn đài, có thế giới hình như khu rừng cây, có thế giới hình như lầu quán, có thế giới hình như tràng thi la, có thế giới hình như thai tạng, có thế giới hình hoa sen, có thế giới hình khê lặc ca (khataka; hình ấn Toàn vũ), có thế giới hình chúng sanh, có thế giới hình Phật tướng, có thế giới hình như áng mây, có thế giới hình màn lưới, có thế giới hình như đôi cánh cửa gài, có thế giới hình như các khí cụ nghiêm đẹp... Mỗi thế giới như vậy, có nhiều thế giới đồng chủng loại vi nhiễu.

Chư Phật ở các thế giới, hoặc dùng sắc tướng làm Phật sự; hoặc dùng âm thanh làm Phật sự; hoặc dùng mùi hương làm Phật sự; hoặc dùng trân vị làm Phật sự; hoặc dùng ánh sáng làm Phật sự; hoặc dùng những động tác làm Phật sự.

Tóm lại, do nghiệp sai biệt của chúng sanh, nên cảm hiện vô số thế giới hình loại sai biệt. Có cõi uế ác, có cõi nghiêm tịnh, có cõi thân người xinh đẹp cao lớn, có cõi thân người thân nhỏ xấu thô; có cõi thuần là người nam, có cõi thuần là người nữ, có cõi nam nữ ở xen lẫn; có cõi loài người do thai, noãn, thấp, hóa mà sanh ra; có cõi dân chúng toàn là hóa sanh; có cõi các thánh chúng, loài người cùng những tạp loại khác ở lẫn lộn; có cõi toàn là bậc tam thừa thánh nhơn; có cõi chỉ thuần những vị đại thừa Bồ tát.

Sự kỳ lạ sai biệt của các thế giới thật là vô cùng....

Phật Học Tinh Yếu. Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
Đánh máy: Huệ Trang