Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.

Quan điểm của Phật giáo về hôn nhân

30 Tháng Tám 201611:18 SA(Xem: 4353)
Quan điểm của Phật giáo về hôn nhân
Với quan điểm về những gì đã được đề cập ở \"sinh và khổ\"; có một số người đã chỉ trích Phật giáo nêu lên những điều đó nhằm chống lại đời sống hôn nhân. Họ hoàn toàn sai. Đức Phật chưa từng lên tiếng phản bác đời sống hôn nhân.
Ngài chỉ vạch ra tất cả những vấn đề, những khó khăn, những lo âu mà người ta sẽ phải đối mặt khi họ nhận lấy trách nhiệm hôn nhân. Chỉ vì Ngài muốn cảnh giác cho người ta phòng ngừa những vấn đề trong hôn nhân và không có nghĩa là Đức Phật kết tội hôn nhân.
 
Chính hành động hôn nhân đã bao hàm rằng một người vẫn còn chịu nhiều dính mắc với thế giới trần tục và bởi vì những cơ sở tinh thần của chúng ta bị ảnh hưởng bởi tham ái, chấp thủ và những cảm xúc của con người, nhưng rồi theo tự nhiên các vấn đề lại phát sinh. Sự kiện này xảy ra khi chúng ta phải quan tâm đến nhu cầu của những người khác và không đáp lại được những điều người khác cần đến.
 
Vai trò tôn giáo
 
Một cuộc phân tích sâu sắc về bản chất của ngôi thứ rất quan trọng để giúp chúng ta hiểu biết nguồn gốc các vấn đề, những lo lắng, những nỗi khốn khổ và làm cách nào để khắc phục chúng. Ở đây, lời khuyên dạy của tôn giáo rất quan trọng để gìn giữ một đời sống thanh cao. Tuy vậy, con người đừng nên trở thành kẻ nô lệ cho bất cứ tôn giáo nào.
 
"Con người không vì tôn giáo, tôn giáo thì vì con người". Điều này có nghĩa là con người phải biết tận dụng tôn giáo bằng cách nào để được tốt đẹp hơn và làm cho mình hạnh phúc do nhờ sự tôn kính. Nếu chỉ tuân theo những lời nguyện, những lời giáo huấn, những điều răn với đức tin mù quáng hoặc bởi sự ép buộc - cho rằng chúng ta có bổn phận phải tuân thủ - điều này sẽ làm cho chúng ta không phát triển được sự hiểu biết đúng đắn.
 
Một khía cạnh quan trọng của đạo Phật đó là Đức Phật không áp đặt bất cứ giáo điều hoặc điều răn nào. Đức Phật là một vị thầy độc đáo đã đặt ra một số giới luật cho chúng ta gìn giữ, phù hợp với lối sống của chúng ta. Những người tuân theo giới luật này tự nguyện tuân giữ chúng chứ không phải là những giáo điều bắt buộc.
 
Tùy theo chúng ta tuân giữ những lời khuyên dạy nhờ bởi sự hiểu biết của mình về điều nào tốt cho chúng ta và cả những người khác. Qua thử thách và lỗi lầm, chúng ta sẽ cải thiện để có một đời sống tốt đẹp đem lại cho chúng ta an vui và hạnh phúc.
 
Người ta cần phải cố gắng tìm hiểu bản chất của cuộc sống, để củng cố sức mạnh nội tâm và chuẩn bị để đối phó các vấn đề có thể phát sinh nếu bạn lập gia đình. Tôn giáo sẽ giúp bạn vượt qua các vấn đề đó. Bất cứ điều gì bạn đã học được ở tôn giáo, có thể giúp bạn tránh được sự sai lầm, thất vọng và chán nản. Cũng vậy, những phẩm chất tốt, chẳng hạn như sự kiên nhẫn và hiểu biết mà chúng ta học hỏi qua tôn giáo là tài sản quan trọng giúp chúng ta sống một cuộc sống an nhàn, hạnh phúc.
 
Thông thường, do bởi thiếu sự hiểu biết lẫn nhau cho nên nhiều cặp vợ chồng sống trong cuộc sống thống khổ. Kết quả của sự kiện này là những đứa con vô tội của họ cũng gặp phải đau khổ. Điều tốt hơn là biết làm cách nào để xử lý các vấn đề của bạn, hầu để sống một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Tôn giáo có thể giúp bạn thực hiện điều này.
 
Lời dạy của Đức Phật cho đôi vợ chồng
 
1. Người vợ
 
Với lời khuyên phụ nữ về vai trò của họ trong cuộc sống gia đình, Đức Phật đánh giá cao sự an vui và hòa thuận của một mái ấm gia đình phần lớn tùy thuộc vào phụ nữ. Lời dạy của Ngài thực tế và thực tiễn khi Ngài giải thích một số cá tính tốt hàng ngày mà người phụ nữ nên hoặc không nên trau dồi. Ở nhiều dịp khác nhau, Đức Phật khuyên người phụ nữ nên thực hành như sau:
 
- Đừng nuôi dưỡng những ý tưởng xấu xa chống lại chồng mình.

- Đừng độc ác, tàn nhẫn.

- Đừng phung phí nhưng phải tiết kiệm và sống tri túc

- Bảo vệ và tiết kiệm tài sản và tiền thu nhập vất vả của người chồng.

- Luôn luôn chú ý và giữ trong sạch thân tâm.

- Chung thủy và không nuôi dưỡng ý tưởng ngoại tình.

- Phải thanh lọc lời nói và hành động

- Phải tử tế, siêng năng và chăm chỉ.

- Phải ân cần, chu đáo, và thương xót chồng. Thái độ của người vợ phải tương tự như người mẹ hiền quan tâm bảo vệ người con trai duy nhất của mình.

- Khiêm tốn và kính trọng

- Dịu dàng, mát mẻ và hiểu biết - phục vu,ï không chỉ là một người vợ, mà còn là một người bạn, một người cố vấn cho chồng.
 
Vào thời Đức Phật còn tại thế, những vị giáo chủ các tôn giáo cũng nói về bổn phận của người vợ sanh đẻ con cái để nối dõi giòng giống cho người chồng, chung thủy và đem lại hạnh phúc lứa đôi.
 
Một số cộng đồng đặc biệt quan tâm về việc có con trai trong gia đình. Họ tin rằng người con trai cần thiết để thực hiện nghi lễ tang chế để kiếp vị lai của họ sẽ là điều tốt lành. Khi người vợ cả không có được con trai kế nghiệp, người chồng có quyền tự do kiếm một người vợ khác để có con trai. Phật giáo không ủng hộ chủ trương này.
 
Theo những gì Đức Phật đã dạy về nghiệp, một người phải gánh chịu trách nhiệm về hành động họ gây nên và hậu quả của nó. Dù một người con trai hay con gái được sinh ra là không do ý muốn của người cha hay người mẹ mà do nghiệp của đứa bé. Và sự tốt lành của người cha không tùy thuộc vào hành động của đứa con trai hay cháu trai. Mỗi người phải gánh lấy trách nhiệm về hành động của mình.
 
Như vậy, thật sai lạc đối với những người đàn ông đổ lỗi cho vợ của họ hoặc cảm thấy không thỏa đáng khi người vợ không sinh ra cho ông ta một đứa con trai. Giáo pháp của đấng giác ngộ giúp chúng ta sửa đổi quan điểm sai lầm này và giải tỏa những mặc cảm của người phụ nữ không thể sinh những đứa con trai để thực hiện "Nghi lễ của tổ tiên".
 
Mặc dù các bổn phận của người vợ dành cho chồng được đặt ra trong những qui tắc của Khổng giáo, nhưng nó lại không lành mạnh hóa các bổn phận và trách nhiệm của người chồng đối với người vợ. Trong kinh Thi Ca La Việt (Sìgalovàda Sutta), Đức Phật đề cập rất rõ ràng về bổn phận của người chồng đối với người vợ .v.v...
 
2. Người chồng.
 
Để trả lời một người gia trưởng là làm cách nào để người chồng chăm sóc người vợ mình, Đức Phật tuyên bố rằng người chồng phải luôn luôn tôn trọng và quan tâm đến vợ mình, phải chung thủy với vợ, trao quyền cần thiết để quản lý công việc trong nhà và tặng vợ những vật trang sức tốt đẹp. Lời dạy này được đưa ra trên 25 thế kỷ trước đây nay vẫn còn nhiều giá trị.
 
Biết được tâm lý của người đàn ông có khuynh hướng xem mình là kẻ cả, bề trên, Đức Phật đưa ra một sự thay đổi đáng kể là nâng cao vị thế của người phụ nữ, là người chồng phải luôn luôn quan tâm và tôn trọng người vợ, có nghĩa là người chồng phải làm tròn bổn phận và duy trì những bổn phận đối với người vợ, như vậy mới giữ được lòng tin trong mối quan hệ hôn nhân bằng mỗi ý nghĩa của lời nói.
 
Người chồng, là trụ cột của gia đình thường xa nhà, do vậy anh ta phải giao phó những bổn phận trông coi nhà cửa cho người vợ, người vợ được xem như là người thủ kho, người phân phối của cải và người quản lý kinh tế gia đình. Sự cung cấp những trang sức tốt quí cho người phụ nữ phải là biểu tượng tình yêu thương, sự lo lắng và quan tâm của người chồng đều dồn vào cho người vợ.
 
Biểu tượng thực tiễn này đã được thực hành từ thời Đức Phật còn tại thế. Tiếc thay, nó đang trong nguy cơ chết dần, bởi vì ảnh hưởng của nền văn minh tân thời.
 
Tỳ kheo Thiện Minh dịch Việt
từ Hôn Nhân Hạnh Phúc (A Happy Married Life)
của Hòa thượng Sri K. Dhammananda