Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.

Bước Đầu Tìm Hiểu Những Giá Trị Của Văn Bia Việt Nam

16 Tháng Ba 20171:44 CH(Xem: 6186)
Bước Đầu Tìm Hiểu Những Giá Trị Của Văn Bia Việt Nam

Bước Đầu Tìm Hiểu Những Giá Trị Của Văn Bia Việt Nam

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA VĂN BIA VIỆT NAM ĐỐI VỚI VIỆC NGHIÊN CỨU TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ XÃ HỘI NƯỚC TA THỜI PHONG KIẾN

TRỊNH KHẮC MẠNH

Trong những năm gần đây, văn bia Việt Nam đã được giới khoa học xã hội trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu khai thác ở nhiều lĩnh vực khác nhau; những tuyển tập dịch giới thiệu các tài liệu văn bia theo địa phương và theo niên đại, những chuyên khảo văn bia theo giá trị nội dung và đặc điểm thể loại đã lần lượt ra mắt bạn đọc, nhằm cung cấp những thông tin bổ ích tiềm ẩn trong kho tư liệu quí giá này. Trong bài viết này chúng tôi sẽ nêu lên những giá trị của văn bia Việt Nam đối với việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng chính trị xã hội nước ta thời kì phong kiến

Văn khắc trên đá ở nước ta có một truyền thống lâu đời. Những văn bia sớm trong thời kì Bắc thuộc hiện nay tìm thấy quá ít, duy nhất có tấm bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn (大 隋 九 真 郡 寶 安 道 場 之 碑 文) có nghĩa là "Văn bia ở đàn Bảo An quận Cửu Chân triều Đại Tùy"; bia dựng năm Mậu Dần, niên hiệu Đại Nghiệp thứ 14 (tức ngày 7 tháng 5 năm 618) ở Đông Minh, Đông Sơn, Thanh Hóa(1a). Rất đáng tiếc là chữ khắc trên bia đã bị mờ không đọc được, chỉ còn đọc được dòng đầu đề bài bia và tên người soạn bài văn cùng dòng niên đại khắc ở cuối bia mà thôi. Tuy nhiên đầu đề bài văn bia đã cho chúng ta những thông tin về sự tồn tại của Phật giáo và Đạo giáo ở Việt Nam thời bấy giờ, hai chữ đạo tràng (道 場) của đầu đề bài văn bia đã cho chúng ta biết điều này, vì đạo tràng là nơi dạy kinh và cầu cúng của Phật giáo và Đạo giáo.

Đến thế kỉ X, nước ta giành được độc lập tự do. Đây là sự kiện trọng đại trong lịch sử phát triển quốc gia Đại Việt, là kết quả của một ý chí, một tinh thần đoàn kết kiên cường và bất khuất. Chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt năm 938 đã chấm dứt thời kì ngàn năm Bắc thuộc, mở ra một kỉ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam. Triều đại nhà Ngô được thiết lập, nhân dân Đại Việt thực sự bắt tay vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa xã hội v.v... Tiếp theo triều Ngô là triều Đinh và Tiền Lê, đất nước ta đã xây dựng được một trật tự an ninh xã hội, phát triển quốc phòng và củng cố khối đoàn kết thống nhất, tạo sự ổn định chung trong cả nước. Những thành quả này là cơ sở ban đầu cần thiết cho sự tồn tại và chấn hưng một quốc gia độc lập. Trên cở sở đó, từ thời Lý và suốt thời đại Lý - Trần, đất nước ta đã có những bước tiến vững chắc trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Trong thế kỉ X, nhà nước độc lập mới được xây dựng, đang dần được củng cố, nhưng đã phải đương đầu với những thách thức hết sức khó khăn, vừa phải chống lại những cuộc chiến tranh xâm lược từ bên ngoài, lại vừa phải đối phó với những yếu tố phân tán cát cứ ở bên trong. Trước tình hình đó, nhà nước độc lập non trẻ cần có một điểm tựa về ý thức, một công cụ tinh thần để xây dựng và quản lý đất nước. Khi ấy, lực lượng Phật giáo đã lan rộng khắp mọi miền của đất nước và các nhà sư, các tín đồ đã thực sự tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đứng vào hàng ngũ nhân dân chống xâm lược, giành lại độc lập cho đất nước và Phật giáo đã khẳng định được uy tín, vai trò của mình trong xã hội thời bấy giờ. Khu vực Phật giáo phát triển mạnh mẽ ở thời kì này là vùng văn minh sông Hồng. Ngoài những trung tâm Phật giáo lâu đời như Luy Lâu, Kiến sơ; cũng đã hình thành những trung tâm Phật giáo mới như Đại La, Hoa Lư.

Thời Đinh, Phật giáo đã thấm sâu vào đơì sống nhân dân và cũng được triều đình công nhận như một tôn giáo chính thức. Đinh Tiên Hoàng sau khi lên ngôi đã qui định các cấp bậc tăng đạo đồng thời với cấp bậc quan lại. Điều này chứng tỏ nhà Đinh rất coi trọng vị trí của Phật giáo. Tiếp theo, nhà Tiền Lê cũng theo đường lối này của nhà Đinh. Tại Hoa Lư (nay thuộc tỉnh Ninh Bình) kinh đô nhà Đinh (968-980), các nhà khoa học đã phát hiện ra các cột đá có khắc kinh Phật, đáng chú ý là trên các cột đá khắc kinh Phật này, chúng ta thấy có khắc bài thần chú Phật đỉnh tôn thắng đà la ni (佛 頂 尊 勝 佗 羅 尼) bằng chữ Hán ghi tiếng Phạn. Khi nghiên cứu các cột đá khắc kinh Phật này, Giáo sư Hà Văn Tấn đã cho biết: "những cột kinh Phật này là những tài liệu thư tịch về Phật giáo thế kỉ X, nó cho chúng ta biết được sự tồn tại của yếu tố Phật giáo ở Việt Nam thời kì này"(1b). Bài thần chú Phật đỉnh tôn thắng đà la ni là một thần chú phổ biến của Mật giáo, vốn ở trong kinh Phật đỉnh tôn thắng đà la ni, hoặc là Phật đỉnh tối thắng đà la ni, còn có tên là Tối thắng Phật đỉnh đà la ni tĩnh trừ nghiệp chướng chú kinh(2). Như vậy, các cột đá khắc kinh Phật ở Hoa Lư thời Đinh chứng tỏ Phật giáo ở nước ta thời bấy giờ đã phát triển và sự ảnh hưởng của Mật tông trong Phật giáo.

Thời Lý, Phật giáo phát triển rất mạnh mẽ và đạt tới đỉnh cao. Vua Lý Thái Tổ đã có nhiều lệnh chỉ có lợi cho sự phát triển của Phật giáo, như làm chùa trong cả nước, độ dân làm sư, sai sứ sang Trung Quốc xin kinh Phật, v.v... Sau này các vua Lý đều tôn sùng đạo Phật và tất nhiên cả các tầng lớp quí tộc quan lại cũng mộ Phật. Tinh thần sùng Phật được thể hiện trong các lĩnh vực của hoạt động xã hội. Trên lĩnh vực văn học, bên cạnh những áng văn chính luận nổi tiếng phản ánh công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc còn có những bài thơ và văn bia xoay quanh các chủ đề về đạo Phật.

Văn bia thời Lý (1010-1225) hiện mới tìm thấy được là 18 văn bản(3). Số lượng này tuy còn ít ỏi, nhưng đã là những tài liệu có giá trị khoa học thực sự. Xét về giá trị nội dung văn bản thì các văn bia thời kì này chủ yếu gắn với mục đích tôn giáo, tín ngưỡng. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã nhận xét: "Tác giả văn bia có thể là nhà nho, nhưng bản thân văn bia thì hầu như chỉ xuất hiện với mục đích tôn giáo, lưu hành trong phạm vi thờ cúng và nhất là nhà chùa"(4). Có thể nói các bài văn bia thời Lý là những tài liệu có giá trị khi nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam và đặc biệt lịch sử Phật giáo Việt Nam. Xin nêu lên một số bài văn bia tiêu biểu như: An Hoạch sơn Báo Ân tự bi kí (安 獲 山 報 恩 寺 碑 記) do Chu Văn Thường soạn, niên đại Hội Phong 9 (1100) ở chùa Báo Ân núi An Hoạch, Đông Sơn, Thanh Hóa; Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi (保 寧 崇 福 寺 碑) do Lý Thừa Ân soạn, niên đại Long Phù Nguyên Hòa (1107) ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang; Ngưỡng sơn Linh Xứng tự bi minh (仰 山 靈 稱 寺 碑 銘) ở chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn, Ngọ Xá, Hà Trung, Thanh Hóa và Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh (崇 嚴 延 聖 寺 碑 銘) ở chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, Hậu Lộc, Thanh Hóa do Pháp Bảo soạn trước năm 1107 và năm 1118; Đại Việt quốc đương gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi (大 越 國 當 家 第 四 帝 崇 善 延 齡 塔 碑) do Nguyễn Công Bật soạn, niên đại Thiên Phù Duệ Vũ 2 (1121) ở chùa Sùng Thiện Diên Linh, Duy Tiên, Hà Nam; Viên Quang tự bi minh tính tự (圓 光 寺 碑 銘 并 序) do Dĩnh Đạt soạn, niên đại Thiên Phù Duệ Vũ 3 (1122) ở chùa Viên Quang, Giao Thủy, Nam Định; Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh 乾 尼 山 香 嚴 寺 碑 銘), khuyết danh, niên đại Thiên Phù Duệ Vũ 5 (1124) ở chùa Hương Nghiêm núi Càn Ni, Đông Sơn Thanh Hóa; Cự Việt quốc Thái úy Lý công thạch bi minh tự ( 鉅 越 國 太 尉 李 公 石 碑 銘 序), khuyết danh, niên đại khoảng năm 1159; Phụng Thánh phu nhân Lê thị mộ chí (奉 圣 夫 人 黎 氏 墓 志), khuyết danh, niên đại Chính Long Bảo Ứng (1173) ở chùa Phúc Thánh, Tam Nông, Vĩnh Phúc v.v...

Qua khảo cứu xem xét, chúng ta thấy nhiều bài văn bia thời Lý được viết theo một khuôn mẫu nhất định. Có thể hình dung bài văn bia được chia thành ba phần: phần mở đầu bài văn là nói về triết Lý nhà Phật; phần tiếp đến là nói về gia phả, tiểu sử, cuộc đời, công lao vĩ đại của các bậc trượng phu, tướng lĩnh, thiền tăng có công xây dựng chùa tháp; phần cuối bài văn là nói về công việc xây dựng chùa tháp. Giáo sư Ni Cu Lin N.I. cũng đã nhận xét: "Các tác giả đã trình bày nội dung của bài văn bia theo một khuôn mẫu và phong cách thống nhất"(5). Phần mở đầu của một số bài văn bia thời kì này thường là cung cấp cho chúng những tư liệu khi nghiên cứu về triết Lý Phật giáo nói chung và triết Lý Phật giáoViệt Nam nói riêng. Bài văn bia An Hoạch sơn Báo Ânn tự bi kí mở đầu như sau: "Chói ngời thay diệu Lý, lặng lẽ soi mọi vật mà mọi vật chẳng lấn át nhau. Lồng lộng thay cái chân không vẳng lặng kia, thu nạp mọi cảnh mà chẳng cảnh nào lẫn với cảnh nào. Đó chẳng phải là sâu xa lớn rộng sao! Phật có sắc vàng (như) người ta có Phật tính, nhưng không (mấy ai) tự giác tự ngộ được. Vì vậy người muốn chứng quả phải nhờ điều thiện để đến nơi chứng quả. Điều đáng tham cứu không gì lớn hơn tượng pháp, mà sùng tượng pháp không gì bằng chùa chiền"(6). Bài văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi cũng mở đầu bằng những triết Lý đạo Phật sâu xa: "Ôi ! cái chân không trong lặng, giấu hình khi trời đất chưa chia; cái diệu hữu nảy sinh, bao trùm trước hữu hình vận động. Sáng thì gạt bỏ cái không, vì cơ vi chẳng phải là không; mê thì bám lấy cái có, coi mầu nhiệm cũng là không có. Xa nghĩ đức Phật tổ xưa, trí tuệ của ngưỡi xem xét tất cả không sót một ai. Cho nên người giấu kín cái thực mà làm rõ cái quyền, để gọi bảo cái đạo thường vui mãi mãi; từ cái không đi vào cái có, để giúp cho sự hồi hướng giải thoát đời đời. Khéo mở ra muôn vạn pháp môn, để dạy bảo muôn nghìn thế giới"(7). Và phần mở đầu của bài văn bia Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi đã Lý giải vạn vật theo triết Lý Phật giáo như sau: "Muôn là sự phân tán của một, một là cội gốc của muôn... Nhóm cái đã phân tán để đưa nó về cội gốc, ôm cái một để thâu tóm cái muôn. Tạo nên hình tượng để biểu thị sự thâu tóm, dựng nên đền tháp để có sự hướng về"(8)v.v... Có thể nêu lên khá nhiều ví dụ tương tự như trên và rõ ràng là tư tưởng của Phật giáo đã phát biểu quan điểm có tính chất triết học của mình. Một điều cần được khẳng định là Phật giáo đã ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt tư tưởng và nhân sinh quan của người Việt Nam trong giai đoạn lịch sử này. Ngưỡng Sơn Limh Xứng tự bi đã làm rõ điều này: "Thái úy (Lý Thường Kiệt) tuy thân vướng việc đời mà lòng vẫn hướng về đạo Phật. Có lẽ vì nhà vua và mẫu hậu tôn sùng giáo Lý nhà Phật đó chăng? Cho nên Thái uý vâng theo ý chỉ của đức vua và mẫu hậu mà nâng đỡ Phật pháp vậy"(9). Ngoài ra các văn bia thời Lý còn là những tư liệu có giá trị góp phần nghiên cứu văn hóa Phật giáo và văn hóa dân gian của người Việt trong đời sống xã hội thời kì này.

Đầu năm 1226, triều Lý phải rời khỏi vũ đài chính trị để nhường chỗ cho một vương triều mới là triều Trần (1226-1400). Trên nền tảng vững chắc đã được xây dựng từ thời Lý, triều Trần tiếp tục công cuộc dựng nước và giữ nước, củng cố quốc gia thống nhất, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế và chăm lo đời sống văn hóa giáo dục. Thời Trần, Phật giáo vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của xã hội; nhưng với việc thi tuyển chọn quan lại trở thành thường xuyên, tầng lớp nho sĩ ngày càng đông đảo, đã đẩy lùi dần thế lực của tầng lớp tăng lữ trên lĩnh vực chính trị và tư tưởng. Hàng ngũ quan lại xuất hiện từ tầng lớp nho sĩ ngày càng chiếm ưu thế trong bộ máy chính quyền và nắm giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình. Lực lượng sáng tác văn học và nghệ thuật cũng dần chuyển sang tầng lớp nho sĩ. Các vua Trần đều ý thức được vai trò của Phật giáo và Nho giáo đối với xã hội. Phật giáo thời Trần đã phát triển trong sự dung hòa đối với Nho giáo. Đến cuối thời Trần (khoảng giữa thế kỉ XIV) sự xung đột giữa Phật giáo và Nho giáo mới bắt đầu xuất hiện. Những nhà nho nổi tiếng lúc bấy giờ như Lê Văn Hưu, Trương Hán Siêu, Lê Quát,... đã lên tiếng phê phán và đả kích Phật giáo.

Văn bia thời Trần đã phần nào phản ánh được không khí chính trị tư tưởng thời bấy giờ. Số lượng văn bia thời Trần hiện mới tìm thấy khoảng hơn 40 văn bản, nội dung của các bài văn bia khá phong phú, không chỉ với mục đích tôn giáo như văn bia thời Lý mà còn có các nội dung khác. Tuy nhiên văn bia thời Trần, chủ yếu cũng vẫn được dựng tại các nhà chùa.

Thời nhà Trần, khi Phật giáo còn chiếm ưu thế trong xã hội, một số tác phẩm có giá trị về triết Lý và tư tưởng của Phật giáo xuát hiện, như: Khóa hư lục, Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục,... Văn bia thời kì này cũng vẫn xuất hiện những bài văn bia truyền bá tư tưởng Phật giáo, có thể kể như bài văn bia Sùng Nghiêm sự Vân Lỗi sơn đại bi tự (崇 嚴 事 雲 磊 山 大 碑 序) do Phạm Sư Mạnh soạn, niên đại Thiệu Khánh 3 (1372) đã viết: "Đất trời có tượng, tỏ chở che để nuôi dựng muôn linh; thời tiết không hình, ngầm nóng lạnh để hóa thành vạn vật"(10). Nhưng ở thời Trần, Nho giáo cũng đã bắt đầu phát huy tích cực vai trò của mình và phát triển dung hòa cùng Phật giáo trong đời sống xã hội, một số bài văn bia thời kì này cũng đã phản ánh mối quan hệ cùng tồn tại của Phật giáo và Nho giáo. Có thể kể như: Bài văn bia Hưng Phúc tự bi (興 福 寺 碑) khuyết danh, niên đại Khai Thái (1324) đã viết về mối quan hệ của Phật-Nho như sau: "Noi theo chí người trước làm sáng tỏ ở đời sau, họ Khổng gọi là hiếu; vui bố thí của tiền sáng lập ruộng phúc, đạo Phật gọi là từ. Ôi hiếu và từ, há chẳng phải là bản tâm của con ngưòi hay sao ? Vậy nên dốc lòng hiếu để báo cái ơn vô cùng, rộng điều từ để cầu phúc cỡi âm mờ mịt. Khiến cho đời đời con cháu, nhờ ơn mưa móc, cảm sắc khói hương, mỗi lần chiêm ngưỡng lễ bái lại một lần dậy niềm hiếu kính, gây nền phúc lâu dài về sau"(11). Từ nửa cuối thế kỉ XIV, khi nhà nước phong kiến thời Trần ngày càng trở nên suy yếu, Phật giáo ở nước ta ngày càng tỏ ra kém hiệu lực trong khi giải quyết các vấn đề của đời sống xã hội, nhất là nhưng vấn đề tư tưởng chính trị. Một trào lưu tư tưởng chống Phật giáo ở nước ta xuất hiện, các nhà nho lên tiếng phê phán triết lý và tư tưởng Phật giáo nhằm dành lấy địa vị thống trị cho Nho giáo trong đời sống xã hội. Lê Quát một nhà nho khá nổi tiếng thời bấy giờ, trong bài văn bia Bắc Giang Bái thôn Thiệu Phúc tự bi kí (北 江 村 沛 紹 福 寺 碑 記) của mình đã lên tiếng đề cao Nho giáo, bài xích Phật giáo như sau: "Ta ngày còn trẻ đi học, dốc chí vào việc cổ kim, cũng biết qua về đạo Thánh, muốn lấy đó để giáo hóa nhân dân, nhưng rốt cục chưa có thể làm cho một hướng nào tin cả. Ta cũng thường dạo chơi nơi sông núi, dấu chân đã để lại hầu nửa thiên hạ, thế mà chưa từng tìm thấy một trường học hay một văn miếu nào. Chính vì vậy mà ta rất lấy làm hổ thẹn khi so sánh với tín đồ nhà Phật. Bèn viết ra đây để giải tỏ lòng ta."(12). Trương Hán Siêu một nho sĩ xuất sắc đương thời trong bài văn bia Khai Nghiêm tự bi kí (開 嚴 寺 碑 記) của mình đã lớn tiếng phê phán các tín đồ Phật giáo như sau: "Thế nhưng những kẻ giảo hoạt trong bọn sư sãi lại bỏ mất cái bản ý "khổ không" của đạo Phật mà chỉ chăm lo chiếm những nơi đất tốt cảnh đẹp,... Bọn áo thâm, áo vàng tụ tập ở đấy, không cày mà ăn, không dệt mà mặc..." và "Chùa hỏng lại xây đã ngoài ý muốn của ta thì việc dựng bia khắc chữ có can hệ gì đến văn tự của ta ? Vả lại ngày nay thánh triều muốn mở mang giáo hóa để sửa đổi phong tục đồi bại. Dị đoan đáng phải truất bỏ, chính đạo phải được phục hưng. Đã là kẻ sĩ đại phu, nếu không phải đạo Nghiêu Thuấn, không bày tỏ trước vua; không phải đạo Khổng Mạnh không trước thuật. Thế mà ta lại dương dương tự đắc, bàn bạc dài dòng về đạo Phật, ta lừa dối ai?"(13). Những lời lẽ chỉ trích đạo Phật của Lê Quát và Trương Hán Siêu chứng tỏ đạo Phật cuối thế kỉ XIV đã mất đi vai trò chính trị của mình trong đời sống xã hội. Vào những năm cuối của thế kỉ XIV, đạo Phật đã kết thúc thời kì huy hoàng của mình khi mà Hồ Quí Ly ra lệnh sa thải tăng đồ, bắt những người dưới 40 tuổi phải hoàn tục vào năm 1396.

Đầu thế kỉ XV, Lê Lợi đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1416-1427) thắng lợi, giành độc lập dân tộc và sáng lập ra triều Lê. Thời kì đầu đời Lê, khoảng từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVI, chế độ phong kiến nhà Lê đã tiến hành những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành quả nhất định trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Khi nhà Lê lên nắm chính quyền, việc quan tâm đầu tiên về chính trị tư tưởng là làm suy yếu hẳn Phật giáo, triều đình ban lệnh: các sư sãi đến sảnh đường trình diện, xét duyệt để thi, ai đỗ thì cho làm tăng đạo, không đỗ thì bắt phải hoàn tục, và hạn chế việc xây dựng thêm chùa chiền (năm 1429). Các đời vua Lê sau này, như vua Lê Thánh Tông đã ra lệnh: cấm xây dựng thêm chùa quán, khi tạc tượng đúc chuông mới phải xin phép (năm 1461) và cấm những người đạo Thích trong nước ra vào hoàng cung (năm 1463). Những việc làm này của triều đình nhà Lê Sơ là để khẳng định vai trò độc tôn của Nho giáo trong đời sống chính trị tưởng của nhân dân. Thời kì Lê Sơ, Nho giáo hoàn toàn thắng thế và phát triển đến đỉnh cao, giành được địa vị thống trị và trở thành hệ tư tưởng chính thống của chế độ phong kiến thời Lê Sơ. Có thể nói đây là quá trình lựa chọn lịch sử và hợp với qui luật nhận thức tư tưởng chính trị.

Văn bia thời kì Lê Sơ phát triển trong xu thế chung của toàn xã hội, của nền văn hóa chính thống văn hóa Nho giáo. Số lượng văn bia của thời kì này còn khá nhiều, chúng tôi chưa có điều kiện thống kê hết được; nhiều bài văn bia đã tập trung ngợi ca vai trò của Nho giáo trong đời sống chính trị xã hội, ca ngợi chế độ chuyên chế của nhà nước phong kiến và đề cao nhà vua. Một sự kiện quan trọng thể hiện cho sự tôn sùng Nho giáo là các vua Lê mà mở đầu là vua Lê Thánh Tông cho dựng các bia Tiến sĩ ở Văn miếu -Quốc tử giám (Hà Nội). Nghiên cứu các bài văn bia ở Văn Miếu (Hà Nội) chúng ta thấy rõ điều này. Có thể nêu một số ví dụ như sau: Bài văn bia Đại Bảo tam niên Nhâm tuất khoa Tiến sĩ đề danh kí (大 寶 三 年 壬 戌 科 進 士 題 名 記) do Thân Nhân Trung soạn, niên đại Hồng Đức 15 (1484) từng ngợi ca nhà nước phong kiến và Nho giáo: "Đức Thái Tổ Cao Hoàng Đế trí dũng trời cho, dựng xây nghiệp lớn, diệt trừ tàn bạo, cứu dân lầm than. Khi vũ công đã ổn định, văn đức liền mở mang, nhằm thu nạp anh tài, đổi mới chính trị... Thuở ấy tuy chưa đặt khoa Tiến sĩ nhưng thực chất việc sùng Nho và phương pháp chọn người thì đại khái đã đủ" và "Vẻ vang thay! Đức Thái Tổ Văn Hoàng Đế, nối tiếp nghiệp lớn làm rạng nếp xưa, xem xét nhân văn giáo hóa thiên hạ, coi trọng việc sùng Nho là đạo hàng đầu, cho cầu hiền kính trời là mưu kế tốt" hay "Sĩ thứ đất Trường An đâu đâu cũng tụ tập lại xem, đều ca ngợi thánh triều chuộng Nho xưa nay ít thấy"(14). Bài văn bia Quang Thuận tứ niên Qúi mùi khoa Tiến sĩ đề danh kí (光 順 四 年 癸 未 科 進 士 題 名 記) do Đào Cử soạn, niên đại Hồng Đức 15 (1484) viết: "Vĩ đại thay triều Lê ta, Đức Thái Tổ Cao Hoàng Đế, đại định võ công, rộng cầu văn đức, binh đao chưa kịp xếp, đã mở cửa cầu hiền, sửa sang nền đức, cổ vũ lòng dân, qui mô thật là xa rộng. Đức Thái Tông Văn Hoàng Đế, mở mang thêm qui mô, tập hợp các anh hùng, đặt ra khoa cử để lấy người hiền tài, tiến kẻ chân nho để giúp việc bình trị, thành công thật vô cùng rực rỡ. Đức Nhân Tông Hoàng Đế, theo khuôn phép cũ, nối dõi võ công, nêu cao văn trị, lấy đạo Nho tô điểm cho nền thái bình, đem lòng nhân hậu vun bồi cho mệnh mạch nhà nước, cách chọn kẻ sĩ thẩy đều kính cẩn noi theo phép xưa"(15). Bài văn bia Hồng Thuận lục niên Giáp tuất khoa Tiến sĩ đề danh bi (洪 順 六 年 甲 戌 科 進 士 題名碑) doVũ Duệ soạn niên đại Quang Thuận 6 (1521) cũng viết: "Mọi việc trên được tiến hành, có việc gì là không do lòng tốt coi trọng Nho học của Hoàng thượng đâu?"(16). Thời kì này, văn hóa Nho giáo được đề cao, văn bia có nội dung Nho giáo cũng khá nhiều; nhưng một điều cần được lưu ý là: Phật giáo vẫn được duy trì ở nông thôn, dựa vào sinh hoạt làng xã để tồn tại và văn bia ở các chùa chiền vẫn phát triển. Nội dung của các bài văn bia không phải là những giáo Lý nhà Phật mà là lời ca ngợi cảnh chùa cùng những vẻ đẹp của non sông đất nước, hoặc về đất đai của chùa, về thờ tự. Có thể kể như: Quang Khánh tự bi (光 慶 寺 碑), do vua Lê Thánh Tông soạn, niên đại năm Quang Thuận 6 (1465) ở chùa Quang Khánh, Dưỡng Mông, Kim Thành, Hải Dương; Phúc Thắng tự bi (福 勝 寺 碑) do Vũ Quang Tuấn soạn, niên đại năm Hồng Đức 1(1470) ở chùa Phúc Thắng, Thúy Lai, Thạch Thất, Hà Tây; Diên Khánh tự bi kí (延 慶 寺 碑 記), khuyến danh, niên đại năm Hồng Đức 4 (1479) ở chùa Diên Khánh, Lãng Ngâm, Gia Lương, Bắc Ninh; Phật (Ưu), khuyết danh, niên đại năm Hồng Đức 18 (1487) ở chùa Thiên Phúc, Trạch Lôi, Thạch Thất, Hà Tây v.v...

Bước vào thế kỉ XVI, chế độ phong kiến thời Lê Sơ rơi vào tình trạng suy thoái, các phe phái ở trong triều thì tranh giành quyền lợi và địa vị lẫn nhau, các quan lại thì ngang ngược hoành hành, nhân dân khởi nghĩa khắp nơi. Đất nước lâm vào tình trạng nội chiến kéo dài liên miên, nội chiến Lê - Mạc, rồi cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn, đến cuộc khởi nghĩa vĩ đại Tây Sơn; nỗi đau khổ chiến tranh triền miên đã đưa người dân trở lại với Phật giáo và mọi người đã tìm thâý ở đạo Phật một miền an ủi trong tâm hồn, Phật giáo được phục hưng. Tuy nhiên, Nho giáo vẫn là hệ tư tưởng chính thống của các tập đoàn phong kiến sử dụng điều hành chính quyền và xây dựng trật tự xã hội. Những nhân tố nêu trên đã góp phần làm thay đổi tình hình tư tưởng chính trị xã hội ở Việt Nam các thế kỉ XVI-XVIII.

Văn bia của thời kì này (thế kỉ XVI-XVIII) được phát triển mạnh mẽ về số lượng, phong phú về nội dung. Những văn bia có nội dung Nho giáo, Phật giáo, kể cả Đạo giáo được tự do truyền bá và phát triển; thậm chí, còn xuất hiện những bài văn bia có nội dung ca ngợi Tam giáo. Văn bia có gắn với Nho giáo, trước hết phải kể đến bia đề danh được tạo lập tại các văn miếu ở trung ương và địa phương, có thể kể như: Hoằng Định thập tứ niên Quý Sửu khoa Tiến sĩ đề danh kí (弘 定 十 四 年 癸 丑 科 進 士 題 名 記) do Nguyễn Đăng Minh soạn, niên đại Thịnh Đức 1 (1653) ở Văn Miếu Hà Nội, Cấu tác Văn miếu bi (構 作 文 廟 碑) do Nguyễn Hoan soạn, niên đại Hoằng Định 7 (1606) ở văn miếu huyện Gia Khánh (thuộc xã Thiên Trạo), Ninh Bình...; bia tiên hiền tại các văn chỉ, văn từ và văn hội ở các địa phương, có thể kể như: Cẩm Giàng huyện tư văn bi (錦 江 縣 斯 文 碑) khuyết danh, niên đại Vĩnh Thọ 4 (1661) ở Văn chỉ huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, Tư văn sáng lập bi (斯 文 創 立 碑) do Trần Đình Sâm soạn, niên đại Cảnh Trị 8 (1670) ở Văn chỉ xã Lang Can, Thanh Hà, Hải Dương...; bia tại các từ đường, lăng mộ, có thể kể như: Văn Lý hầu Trần công bi (文 理 候 陳 公 碑) do Phùng Khắc Khoan soạn, niên đại Hoằng Định 7 (1606) ở xã Nguyệt Áo, Can Lộc, Hà Tĩnh, Ngô tướng công đường kí (吳 相 公 堂 記) do Nguyễn Thuần Phu và Vũ Quang Đại soạn, niên đại Khánh Đức 3 (1651) ở nhà thờ họ Ngô, Trảo Nha, Can Lộc, Hà Tĩnh;... Văn bia có gắn với Phật giáo đó là các văn bia ghi chép về việc xây dựng và trùng tu chùa chiền, việc gửi hậu ở chùa của các thiện nam tín nữ; có thể kể như: Độ Mạt tự bi (渡 沫 寺 碑) do Nguyễn Duy Thì soạn, niên đại Vĩnh Tộ 8 (1626) ở chùa Độ Mạt, Hà Mạt, Hoằng Hóa, Thanh Hóa; Càn An tự bi kí (乾 安 寺 碑 記) khuyết danh, niên đại Vĩnh Tộ 3 (1621) ở chùa Càn An, Hà Nội; Phụng sự hậu Phật bi kí (奉 事 後 佛 碑 記) do Hoàng Tiểu Tiên soạn, niên đại Vĩnh Thịnh 6 (1710) ở chua Phổ Am, Vạn Lộc, Nghi Lộc, Nghệ An... Văn bia gắn với tín ngưỡng dân gian là các văn bia ghi chép về việc xây dựng đền đình và việc gửi hậu của mọi người, có thể kể như: Trùng tu Quốc sư từ bi kí (重 修 國 師 祠 碑 記) khuyết danh, niên đại Vĩnh Tộ 10 (1628) ở đền Quốc sư, Liên Huy, Gia Viễn, Ninh Bình; Sáng tạo đình miếu phù đồ bi (創 造 亭 廟 浮 屠 碑) do Lê Thiên Niên soạn, niên đại Dương Hòa 8 (1642) ở đình xã Thuận Quang, Thuận Thành, Bắc Ninh; Hậu thần bi kí (后 神 碑 記) do Hoàng Nhân Thứ soạn, niên đại Phúc Thái 8 (1727) ở đình xã Tri Nhị, Gia Lưong, Bắc Ninh;... Văn bia có nội dung Tam giáo, có thể nêu ví dụ như: Nhị Thanh động Tam Giáo từ bi kí (二 清 峒 三 教 祠 碑) do Lê Hữu Dung soạn, niên đại Cảnh Hưng 41 (1780) ở đền Tam Giáo, động Nhị Thanh, Lạng Sơn; ...

Ở thời kì này, những văn bia có giá trị được nhắc đến khi nghiên cứu lịch sử chính trị xã hội, trước hết phải kể đến bài văn bia Trung Tân quán bi kí (中 濱 館) do Nguyễn Bỉnh Khiêm soạn, được tạo dựng năm 1543, ở quán Trung Tân, Liên Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng; rất tiếc là bia không còn, chỉ tham khảo qua bản sao chép ở Hoàng Việt thi văn tuyển(17). Nội dung bài văn bia đã đề cập đến những quan niệm của Nho giáo về trung, hiếu, thuận, tín; nhưng theo cách hiểu truyền thống đạo đức của nhân dân, mà tác giả là người đại diện phát biểu: "Có người hỏi ta rằng, quán ấy đặt tên là Trung Tân có nghĩa là gì ? Ta trả lời rằng: Trung là đứng giữa không thiên lệch, giữ vẹn được điều thiện là trung vậy. Tân có nghĩa là cái bến, biết chỗ đáng đậu là bến chính, không biết chỗ đáng đậu là bến mê vậy. Đó, quán ta đặt tên là Trung Tân nghĩa là như vậy. Như trung với vua, hiếu với cha mẹ, thuận giữa anh em, hòa giữa vợ chồng, tín giữa bạn bè, đó là trung vậy. Thấy của phi nghĩa đừng có lòng tham, vui làm điều thiện, lại có độ lượng bao dung người khác, lấy lòng chí thành để đối đãi với mọi người, đó cũng là trung vậy." Một bài văn bia khác, như Nhị Thanh động Tam Giáo từ bi kí (nêu ở trên) đã đề cập đến sự dung hòa của tam giáo (Nho, Phật, Lão) và nêu lên những giá trị tốt đẹp của tam giáo; điều này làm cho chúng ta hiểu thêm về "tam giáo đồng nguyên"đã từng diễn ra trong lịch sử chính trị nước ta. Nhưng ở mỗi thời kì lịch sử, sự đồng nguyên lại được biểu hiện khác nhau, thời kì này Nho giáo đang thịnh thì đồng nguyên đã dựa trên cơ sở Nho giáo: "Muôn lòng thánh nhân đều chung một lòng. Bánh xe tuy có khác nhau nhưng đều qui về đức từ bi của Phật, tính cung kiệm của đạo Lão, đạo trung thứ của Phu tử ta vậy. Sự tịch diệt của đạo Phật, lẽ hư vô của đạo Lão cũng chính là điều không muốn nói ra của Phu tử ta. Phật, Lão đều riêng thành từng nhà, còn Phu tử ta quán thông hết thảy"(18). Hoặc là bài văn bia Trùng tu Phổ Tế tự bi kí (重 修 普 濟 寺 碑 記) do Ngô Thì Nhậm soạn, niên đại Cảnh Thịnh 2 (1794) ở chùa Phổ Tế, Nội Vũ, Ứng Hòa, Hà Tây đã nói lên sự cảm nhận đạo Thiền của một danh Nho, một nhà chính trị lỗi lạc đương thời, Nho - Phật hòa quyện trong một con người: "Ta thích uống rượu, ta thích ngâm thơ, ta còn thích đàm đạo về Thiền... Tấm thân du chơi trong Thiền, còn cái tâm lại nhởn nhơ ngoài Thiền. Đó mới là thấy được cái tinh của Thiền"(19).

Một điểm cần lưu ý nữa là: các tài liệu văn bia của thế kỉ XVI-XVIII đã được giới nghiên cứu sử dụng như là những tài liệu cơ bản khi nghiên cứu sự xuất hiện của ngôi đình làng ở Việt Nam, điều này rất có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu tín ngưỡng văn hóa làng xã nước ta (20).

Đầu thế kỉ XIX, nhà Nguyễn lên nắm chính quyền cai quản đất nước và duy trì sự thống trị của mình bằng cách tăng cường hơn nữa chế độ chuyên chế. Để có lợi cho chế độ chuyên chế, cho quyền hành tập trung về một mối; nhà Nguyễn đã tiếp tục củng cố Nho giáo, đưa Nho giáo lên vị trí độc tôn trong hệ tư tưởng và tín ngưỡng thời bấy giờ. Hệ tư tưởng chính thống và văn hóa phục vụ giai cấp phong kiến thống trị là văn hóa Nho giáo. Văn bia gắn với hệ tư tưởng Nho giáo thời kì này phát triển với số lượng khá lớn, trước hết phải kể đến hệ thống bia ở Văn Miếu (kinh đô Huế) với hơn 30 bài văn bia đề danh cho các vị đại khoa và ở văn miếu của các địa phương, có thể kể như: Hoàng triều Tự Đức thập bát niên Ất Sửu hội khoa Tiến sĩ đề danh bi (皇 朝 嗣 德 拾 捌 年 乙 丑 會 科 進 士 題 名 碑), khuyết danh, niên đại Tự Đức 18 (1865) ở Văn Miếu, Huế, Yên Lạc huyện văn miếu bi (安 樂 縣 文 廟 碑) do Cao Xuân Dục soạn, niên đại Thành Thái 5 (1893) ở văn miếu huyện Yên Lạc (thuộc xã Vĩnh Mỗ); bia tiên hiền tại các văn chỉ, văn từ và văn hội ở các địa phương, có thể kể như: Sơn Bình tổng văn từ bi kí (山 屏 總 文 祠 碑 記) do Hoàng Hữu Tạo soạn, niên đại Tự Đức 7 (1854) ở văn chỉ tổng Sơn Bình, Lập Thạch, Vĩnh Yên, Văn hậu bi kí (文 后 碑 記) do Đỗ Lệ soạn, niên đại Thành Thái 3 (1891),... bia tại các từ đường lăng mộ, có thể kể như: Dương tiên sinh bi kí (楊 先 生 碑 記) do Dương Xuân Lệ soạn, niên đại Thiệu Trị 3 (1843) ở từ đường họ Dương, Đức Trịnh, Hưng Yên, Nghệ An, Ngự chế thánh đức thần công bi kí (御 製 聖 德 神 功 碑 記) do vua Thiệu Trị soạn, niên đại Thiệu Trị 1 (1841) ở Hiếu Lăng (lăng Minh Mệnh), Huế, ...

Để nâng cao vị trí độc tôn của Nho giáo, chính sách của nhà Nguyễn nói chung là nhằm hạn chế sự phát triển của Phật giáo trong xã hội. Như thời vua Gia Long đã có lệnh cấm việc xây dựng chùa chiền, cấm tô tượng đúc chuông: "Gần đây có kẻ sùng phụng đạo Phật, xây chùa quá cao, lầu gác rất là tráng lệ, đúc chuông tô tượng rất đỗi trang hoàng,... mở hội phí tổn về cúng Phật, nuôi sư không thể chép hết, để cầu phúc báo viển vông.Vậy từ nay về sau, chùa quán có đổ nát mới được tu bổ, còn làm chùa mới và tô tượng, đúc chuông, đàn chay, hội chùa, hết thảy đều cấm"(21). Bài văn bia Tái tạo Trấn Bắc tự bi (再 造 鎮 北 寺 碑) do Phạm Lập Trai soạn, niên đại Gia Long 14 (1815) ở chùa Trấn Quốc, đường Thanh Niên, Ba Đình, Hà Nội đã ghi: "Trải qua cuộc biến đổi đời Tây Sơn, ngôi chùa dần dần hoang phế, đã không tu sửa được, đổ nát lại đổ nát thêm. Các quan viên hương lão thuộc bàn thứ nhất của bản phường là... (bỏ bớt một số tên người) cùng với mọi người trong phường bàn tính công việc sửa chữa. Hồi đó đang có lệnh cấm xây dựng chùa chiền. Các vị bèn trình với quan xin dùng tiền công của bản phường để làm"(22). Mặc dù vậy, thời kì này Phật giáo vẫn vững chân phát triển và thấm sâu đến từng người dân, như là một nhu cầu không thể thiếu được trong xã hội; hệ thống chùa tháp vẫn được xây mới và trùng tu, việc tô tượng đúc chuông vẫn được tiến hành trong nhân dân, văn bia gắn với văn hóa Phật giáo vẫn phát triển. Những văn bia ghi chép về việc xây dựng và trùng tu chùa chiền, việc gửi hậu ở chùa của các thiện nam tín nữ vẫn phát triển; có thể kể như: Bình Man tự kí (平 蠻 寺 記) do Nguyễn Tấn soạn, niên đại Bính Ngọ Thành Thái (1906) ở chùa Bình Man, Phú thọ, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, Hoàn Long Trích Sài Thiên Niên tự bi kí (環 龍 摘 柴 千 年 寺 碑 記) do Trần Văn Tựu soạn, niên đại Thành Thái 13 (1901), ở chùa Thiên Niên, Trích Sài, Ba Đình, Hà Nội,... Nhưng trong những bia gắn với Phật giáo, chúng ta vẫn thấy những đoạn văn thể hiện tư tưởng độc tôn của Nho giáo, bởi vì những người sáng tác văn bia thường là những danh nho. Bài văn bia Cải kiến Linh Sơn cổ tự bi kí (改 建 靈 山 古 寺 碑 記) do Hà Tông Quyền soạn, niên đại Minh Mệnh 9 (1828) ở chùa Linh Sơn, Nguyễn Trường Tộ, Ba Đình, Hà Nội đã cho chúng ta thấy rõ điều này: "Mùa xuân năm nay, bàn với mọi người trong thôn..., chuẩn bị gỗ hưng công xây dựng điện vũ, tên chùa vẫn giữ nguyên. Đến mùa thu thì hoàn thành, vừa dịp tôi được cử làm chủ khảo trường thi Bắc Thành, họ đến nhờ tôi làm văn bia. Tôi bảo: Đạo chỉ có một mà thôi. Thời trung cổ chia làm ba. Từ đời Đường, Tống về trước, thuyết Phật và Lão tranh chấp với đạo Nho, thì dẹp đi cũng phải. Nhưng nay, Thánh Thiên thiên tử mở rộng văn giáo, đạo Nho ta sáng như mặt trời và trăng sao. Những lời dạy trong sáu kinh... được nhà nhà, người người truyền tụng. Những cái tinh vi huyền diệu của bách gia, phạm vi thật rộng lớn. Duy có một mục đích khuyên người làm điều thiện, thì đối với sự giáo dục cho đời không phương hại gì nhau. Mượn điều đúng của nó để bổ trợ cho đạo Nho ta, thì việc chùa hỏng mà xây dựng lại cũng có thể được thôi"(23).

Dưới triều Nguyễn, văn bia gắn với tín ngưỡng dân gian, như văn bia ghi chép về việc xây dựng đình đền và gửi hậu của mọi người vẫn tiếp tục phát triển. Nhưng cuộc đấu tranh tư tưởng nhằm gìn giữ tín ngưỡng dân gian lành mạnh, chống lại tư tưởng mê tín dị đoan đã được miêu tả trong khá nhiêu bài văn bia,ví dụ như: bài văn bia Trùng tu Bạch Mã miếu bi kí (重 修 白 馬 廟 碑 記) do Phạm Quí Thích soạn, niên đại Minh Mạng thứ nhất(1820), ở miếu Bạch Mã, Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã viết: "Thần sở dĩ là thần, vì khi thì tác dụng kín đáo, khi thì nhân đức rõ ràng, huyền diệu không sao biết được. Chúng ta thờ phụng cũng chỉ hết sức tôn kính, theo đúng nghi lễ để tỏ lòng thành kính tột bực như lúc nào cũng có thần. Nếu chỉ lấy một vài việc kì lạ, tán dương sự linh thiêng của thần, mà thờ phụng cốt để xu nịnh nhảm nhí, phô trương bề ngoài. Như vậy, há chẳng phải là muốn làm cho lớn lao mà lại trở thành nhỏ bé, tôn kính mà lại trở thành kinh nhờn đó sao"( 24).

Bên cạnh các hệ tư tưởng tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống, Thiên Chúa giáo du nhập vào nước ta từ thế kỉ XVI bởi các giáo sĩ người Pháp, người Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha,... Ngay khi du nhập vào nước ta, Thiên Chúa giáo đã rơi vào tình trạng ít người có thiện cảm và bài văn bia Y Miếu bi văn (醫 廟 碑 文) do Nguyễn Quý Đĩnh soạn, niên đại Cảnh Hưng 35 (1774) ở Y Miếu, Hà Nội đã viết: "Lại như các thánh Gia Tô, Do Thái, nhà thờ chỗ nào cũng thấy. Người hiểu biết không khỏi đau đớn trong lòng. Đó chẳng phải là sự thiếu sót sao?"(25). Ở thời Nguyễn, Thiên Chúa giáo đã bị bài xích, đả kích nặng nề, trong một số bài văn bia đã phản ánh rõ điều này. Như bài văn bia Thanh Hà văn chỉ bi kí (清 河 文 址 碑 記) do Nguyễn Văn Siêu soạn, niên đại Tự Đức 17 (1864) ở văn chỉ Thanh Hà, Hàng Chiếu, Hà Nội viết: "Ngày nay tôn giáo Tây Dương lấn tới, triều đình đang lo nghĩ đem đạo thánh để duy trì lòng người"(26).

Như vậy, rõ ràng là các tài liệu văn bia viết bằng chữ Hán và chữ Nôm đã là một trong những tài liệu có giá trị khi nghiên cứu lịch sử tư tưởng chính trị xã hội Việt Nam thời phong kiến. Do vậy công tác sưu tầm, bảo quản và khai thác các tài liệu văn bia cần được giới khoa học quan tâm nhiều hơn nữa, nhằm giới thiệu và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc trong quá khứ cho thế hệ ngày nay và mai sau.

CHÚ THÍCH

(1a) Đào Duy Anh: Văn bia Việt Nam, Nghiên cứu Lịch sử, số 118, năm 1969.

(1b) Hà Văn Tấn: Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa mới phát hiện ở Hoa Lư.

(2) Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1988, tr.139.

(3) Theo số liệu điều tra của công trình Tổng tập văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (sắp xuất bản).

(4) Thơ văn Lý - Trần (tập 1), Nxb. KHXH, H. 1977, tr.185.

(5) Ni Cu Lin N.I.: Văn học Việt Nam từ thế kỉ X - XIX, Nxb. Khoa học, Mátxcơva, 1977, tr.18 ( tiếng Nga).

(6) Thơ văn Lý - Trần (tập 1), Sđd. tr.309.

(7) Thơ văn Lý - Trần (tập 1), Sđd. tr.328.

(8) Thơ văn Lý - Trần (tập 1), Sđd., tr.361.

(9) Thơ văn Lý - Trần (tập 1), Sđd. tr.362.

(10) Thơ văn Lý - Trần (tập 3), Nxb. KHXH, H. 1978, tr.133.

(11) Thơ văn Lý - Trần (tập 2, quyển thượng), Nxb. KHXH, H. 1989, tr.638.

(12) Thơ văn Lý - Trần (tập3), Sđd. tr.145.

(13) Thơ văn Lý - Trần (tập 2, quyển thượng), Sđd. tr.748-749.

(14) Tuyển tập văn bia Hà Nội (quyển 1), Nxb. KHXH, H. 1978 tr.63-65.

(15) Tuyển tập văn bia Hà Nội (quyển 1), Sđd. tr.70.

(16) Tuyển tập văn bia Hà Nội (quyển 1), Sđd. tr.77 .

(17) Hoàng Việt thi văn tuyển (tập 2), Nxb. Văn Sử Địa, H. 1957, tr.135

(18) Văn bia xứ Lạng, Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao Lạng Sơn, 1993, tr.56.

(19) Văn bia Hà Tây, Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao Hà Tây, 1993, tr.201.

(20) Xem luận văn PTS: "Văn bia thời Mạc và đóng góp của nó trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam thế kỉ XVI" của Đinh Khắc Thuân và luận văn PTS: "Văn bia thời Lê xứ Kinh Bắc và sự phản ánh sinh hoạt làng xã" của Phạm Thị Thùy Vinh, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 1997.

(21) Đại Nam thực lục chính biên (tập 3), Nxb. Văn Sử Địa, H. 1963, tr.167.

(22) Tuyển tập văn bia Hà Nội (quyển 1), Sđd. tr.36.

(23) Tuyển tập văn bia Hà Nội (quyển 2), Sđd. tr.76.

(24) Tuyển tập văn bia Hà Nội (quyển 1), Sđd. tr.47- 48 .

(25) Tuyển tập văn bia Hà Nội (quyển 2), Sđd. tr.100.

(26) Tuyển tập văn bia Hà Nội (quyển 1), Sđd. tr.131.