Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.

TỰ DO TRONG THA HƯƠNG

13 Tháng Bảy 20163:10 CH(Xem: 7488)
TỰ DO TRONG THA HƯƠNG

 

TỰ DO TRONG THA HƯƠNG

hhhi


Tự truyện của Đức DALAI LAMA Tây Tạng

Người được giải thưởng NoBel về Hoà Bình

MỤC LỤC

Diễn giải

Lời nói đầu

1- Người cầm đóa Hoa Sen Trắng

2- Chiếc ngai Sư Tử

3- Xâm lược: giông tố bùng nổ

4- Di tản về phương nam

5- Trên đất nước Trung Hoa cộng sản

6- Nỗi phiền muộn của ngài Nehru

7- Tha hương

8- Một năm tuyệt vọng

9- 100.000 người tỵ nạn

10- Chó sói trong bộ áo cà sa

11- Từ Đông sang Tây

12- Về “huyền thuật và huyền bí”

13- Tin tức từ Tây Tạng

14- Giải pháp hoà bình

15- Trách Nhiệm Toàn Cầu và Tấm lòng vàng

16- Trở về một đất nước Tây Tạng tự do?

LỜI NÓI ĐẦU

Đối với các dân tộc khác nhau, tước vị Dalai Lama mang nhiều ý nghĩa. Theo một số ngưòi, tước vị này nói lên tôi là một vị Phật sống, một hiện thân của Đức Phật Quan Thế Âm, vị Bồ Tát tượng trưng cho lòng từ bi trên trái đất này. Còn những người khác, nó lại mang nghĩa đó là một vị “vua của thượng đế”. Trong giai đoạn cuối năm 1950, nó còn hàm ý tôi là Phó chủ tịch Ủy ban thường trực Hội Đồng Dân Tộc Quốc Gia Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa. Rồi khi sống lưu vong, tôi bị gọi là kẻ phản cách mạng, là tên ăn bám. Nhưng tất cả những điều đó không phải là ý tưởng của tôi. Với tôi, “Dalai Lama” chỉ là một danh tự mang ý nghĩa về chức vụ tôi nắm giữ. Bản thân tôi chỉ là một con người, một người dân Tây Tạng tình cờ được chọn làm một vị sư.

Tôi viết cuốn sách tiểu sử cuộc đời mình với tư cách là một nhà sư, song không mang ý nghĩa của một cuốn sách về Phật giáo. Tôi có hai lý do chính để làm. Trước hết vì số lượng gia tăng của những người hứng thú trong việc tìm hiểu về Dalai Lama. Sau đó, có một số dữ kiện mà tôi muốn điều chỉnh lại cho đúng.

Do thời gian thúc bách, tôi quyết định thuật lại cuộc đời tôi trực tiếp bằng Anh ngữ. Điều này không dễ dàng, khả năng thể hiện của tôi trong dạng ngôn ngữ này rất hạn chế. Hơn nữa, tôi ý thức được rằng một số những ngụ ý muốn nói có thể không được truyền tải chính xác. Song điều này cũng xảy ra tương tự trong việc truyền tải từ Tạng ngữ sang các thứ tiếng khác. Tôi muốn nói thêm là những tư liệu để nghiên cứu trong khả năng của tôi tương đối hạn chế, ký ức tôi cũng có thể sai lầm như mọi người. Xin gửi lời cảm ơn tới những nhân viên Chính Phủ Tây Tạng Tha Hương có liên quan, với ông Alexander Norman, về những hỗ trợ của các vị trong lĩnh vực này.

Chín năm đã trôi qua kể từ khi cuốn tự truyện được xuất bản lần thứ nhất. Gần một nửa thế kỷ trôi qua từ khi Tây Tạng bị chiếm đóng, và tôi đã sống tha hương như một người tỵ nạn quá nửa đời người.

Trùng hợp với sự ra mắt của cuốn phim Kundun lấy bối cảnh là câu chuyện cuộc đời tôi, các nhà xuất bản yêu cầu tôi viết thêm một chương mới vào cuốn sách này. Do vậy tôi có cơ hội ghi lại những sự kiện thích đáng trong vòng mười năm gần đây.

 

Dharamsala 10/3/1998

CHƯƠNG 1
NGƯỜI GIỮ HOA SEN TRẮNG

Tôi rời khỏi Tây Tạng vào ngày 31 tháng ba năm 1959. Kể từ đó, tôi sống lưu vong tại Ấn Độ. Trong khoảng thời gian 1949-1950, nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa đưa quân đội sang xâm chiếm nước tôi. Gần một thập kỷ, tôi giữ vai trò một nhà lãnh đạo chính trị, lãnh đạo tâm linh của dân tộc, đã cố gắng tái thiết lập mối quan hệ hoà bình giữa hai quốc gia. Nhưng các sự kiện xảy ra đã chứng minh điều này không thành hiện thực. Tôi đi đến một kết luận đáng buồn là mình chỉ có thể phục vụ dân tộc mình được tốt hơn từ phía bên ngoài.

Nhìn lại thời gian khi Tây Tạng hãy còn là một đất nước tự do, tôi thấy rằng đó là những tháng năm đẹp nhất trong đời. Giờ đây tôi rất hạnh phúc, nhưng chắc chắn hoàn cảnh hiện tại thật khác xa với thời gian tôi đã sinh ra và lớn lên. Dù rõ ràng không có ích gì với cảm xúc tha hương, nhưng tôi vẫn không tránh khỏi buồn rầu mỗi khi nhớ lại quá khứ. Nó nhắc nhở tới những khổ đau của dân tộc tôi. Trước kia, Tây Tạng không phải là một xã hội hoàn hảo, song phải thật sự nói rằng khi ấy lối sống của chúng tôi có những nét khá đặc biệt. Chắc chắn thời gian đó có rất nhiều điều vô cùng giá trị cần được gìn giữ, mà giờ đây đã mãi mãi mất đi.

Tôi đã nói rằng đối với các dân tộc khác nhau, danh từ “Dalai Lama” mang nhiều ý nghĩa. Với tôi, nó chỉ liên quan tới chức vụ đang nắm giữ. Thực ra, Dalai tiếng Mông Cổ có nghĩa là “đại dương”, còn Lama trong cụm từ Tây Tạng tương ứng với Guru của Ấn ngữ, biểu thị một bậc thầy. Đồng thời, cụm từ Dalai và Lama đôi khi có thể phỏng dịch là “đại dương của trí tuệ”. Nhưng tôi cảm thấy điều này gây ra sự hiểu lầm. Nguyên bản, Dalai là một phần tên được dịch thuật của Sonam Gyatso, danh tự của vị Dalai Lama thứ mười ba: Gyatso, tiếng Tây Tạng có nghĩa là đại dương. Hơn nữa, sự hiểu lầm đáng tiếc do người Trung Quốc diễn đạt danh từ Lama là “hoạt phật” hàm ý về một vị Phật sống. Điều này không đúng. Phật giáo Tây Tạng không chấp nhận ý tưởng này, mà chỉ công nhận một số vị trong đó Dalai Lama là một, những vị này có thể lựa chọn cách tái sinh. Các vị đó được gọi là các “tulku” (hoá thân).

Tất nhiên, hồi tôi còn ở Tây Tạng, để trở thành Dalai Lama là cả một vấn đề trọng đại. Có nghĩa là tôi phải sống một cuộc đời khác hẳn những cuộc đời vất vả, phiền nhiễu của người dân thường. Bất kỳ nơi nào tôi đi, tôi phải đi cùng với một đoàn tháp tùng những người phục vụ. Tôi bị vây quanh bởi các vị bộ trưởng, cố vấn, họ khoác những chiếc áo dài lụa xa hoa, những con ngườì xuất thân từ các gia đình quyền lực, nổi tiếng trong nước xúm xít lại. Bạn đồng hành với tôi là những học giả nổi tiếng, những nhà thực hành tôn giáo trình độ cao. Mỗi khi rời khỏi cung điện Potala, cung điện lộng lẫy với 1000 buồng cư trú mùa đông của Dalai Lama, tôi được hộ tống bởi một đám đông hàng trăm con người.

Dẫn đầu đám đông là “Ngagpa”, một người mang biểu tượng “bánh xe cuộc sống”. Theo sau người này là một nhóm “tatara”, những người cưỡi ngựa mặc y phục truyền thống sặc sỡ tay cầm cờ. Rồi tới nhóm phu khuân vác mang chiếc lồng có con chim biết hót của tôi cùng các vật dụng cá nhân, tất cả được bọc lụa vàng. Tiếp nối là một đoàn sư thuộc tu viện Namgyal, tu viện riêng của Dalai Lama. Mỗi người mang một tấm biểu ngữ trang trí các trích đoạn văn bản thần thánh. Theo sau họ là đoàn nhạc công ngồi trên lưng ngựa. Sau đó tới hai nhóm sư văn phòng, nhóm thứ nhất gồm một đơn vị tuỳ tùng giữ nhiệm vụ liên lạc, nhóm thứ hai thuộc các nhà sư theo giới luật Tsedrung, thành viên chính phủ. Theo sau họ là đội cảnh sát cưỡi ngựa thuộc chuồng ngựa riêng của Dalai Lama, tất cả đều ăn mặc đẹp, ngựa có tấm phủ trang trí và được người chăn ngựa dẫn đi.

Rồi tới một nhóm cưỡi ngựa khác mang ấn tín quốc gia. Theo sau họ, tôi ngồi trong một cỗ kiệu màu vàng do hai mươi người kéo, tất cả đều là quân nhân mặc áo choàng xanh đội mũ đỏ. Không giống như những viên chức chính phủ cao cấp để đầu ngắn, nhóm người này búi tóc thành một cái đuôi dài phía sau lưng. Chiếc kiệu màu vàng (màu đặc trưng của tu viện) còn được hỗ trợ thêm bởi tám người mặc áo dài lụa vàng. Cưỡi ngựa dọc theo kiệu là bốn thành viên Kashag, nội các của Dalai Lama, được bảo vệ bởi Kusun, đội trưởng đội bảo vệ Dalai lama, và Makchi, tổng tư lệnh lực lượng quân đội Tây Tạng nhỏ bé. Những người này đi bộ, bồng kiếm chào một cách oai nghiêm. Họ mặc đồng phục quần dài màu xanh da trời, áo khoác có dây tết màu vàng, trên đầu đội mũ túm. Xung quanh nhóm chính có một đội hộ tống “sing gha”, cảnh sát tu viện. Những người này trông rất hung dữ, họ cao tối thiểu 6 feet (chừng 1,82 mét) và mặc áo độn dày trông rất ấn tượng. Tay cầm roi dài, họ sử dụng không hề ngần ngại.

Theo sau kiệu là hai vị trợ giáo của tôi, một vị trưởng, một vị phó (thành phần nhiếp chính của đất nước Tây Tạng trước khi tôi tới tuổi trưởng thành). Rồi tới cha mẹ tôi và các thành viên trong gia đình. Rồi tới một nhóm đông người không phải là viên chức, gồm giới quý tộc lẫn thường dân, họ diễu hành theo sau.

Lúc nào cũng vậy, tất cả người dân thủ đô Lhasa cố gắng lướt nhìn tôi mỗi khi tôi ra ngoài. Không gian tràn đầy một bầu không khí im lặng kính cẩn và người ta thường ứa nước mắt khi họ cúi đầu hoặc nằm rạp trên nền đất khi tôi đi qua.

Đó là một cuộc sống rất khác với cuộc sống tôi được biết khi còn nhỏ. Tôi sinh vào ngày 6 tháng 7 năm 1935, tên là Lhamo Thondup. Nghĩa đen của Lhamo Thondup là “nữ thần ban cho điều ước”. Tên Tây Tạng dùng để chỉ người, nơi chốn và đồ vật, khi dịch ra rất giàu ý nghĩa. Ví dụ, Tsangpo, tên một con sông quan trọng nhất, đầu nguồn con sông nhỏ bé Brahmaputra ở Ấn độ, có nghĩa là “thanh lọc”. Làng chúng tôi gọi là làng Taktser: hổ gầm. Đó là một khu định cư nhỏ bé tọa lạc trên đồi, nhìn xuống một thung lũng rộng. Đã từ lâu, đồng cỏ của thung lũng này không được chăm sóc hoặc trồng trọt, mà chỉ có người dân du mục thả súc vật chăn nuôi. Lý do vì thời tiết ở khu vực này rất bất thường. Trong thời ấu thơ của tôi, gia đình tôi là một trong khoảng hai mươi gia đình tạm thời sinh sống ở đây.

Làng Taktser ở mãi tít phía đông bắc Tây Tạng thuộc tỉnh Amdo. Về địa lý, Tây Tạng chia ra làm bốn khu vực chính. Khu Changtang nằm ở phía tây bắc, một khu sa mạc lạnh buốt chạy suốt từ đông sang tây kéo dài hơn 800 dặm. Ở đây hầu như không có cây cối, rất ít dân du mục sống giữa khung cảnh cô quạnh này. Phía nam Changtang là tỉnh U, tỉnh Tsang. Miền nam và tây nam khu này được bao bọc bởi dãy núi Himalaya hùng vĩ. Phía đông U-Tsang là tỉnh Kham, miền đất phì nhiêu, đông đúc cư dân nhất nước. Phía bắc tỉnh Kham là tỉnh Amdo. Đường phân cách phía nam cuối tỉnh Kham và Amdo là biên giới Trung Quốc và Tây Tạng. Khi tôi ra đời, một vị tư lệnh theo đạo Hồi, ông Ma Bufeng, vừa thành công trong việc thiết lập xong một chính quyền địa phương tỉnh Amdo trung thành với nước Cộng hòa Trung Quốc.

Cha mẹ tôi là những người điền chủ nhỏ, thực ra họ không phải là nông dân, vì họ không bị ràng buộc với một ông chủ nào cả, nhưng họ không giàu có. Cha mẹ tôi thuê một mảnh đất nhỏ và tự trồng trọt lấy. Sản phẩm thu hoạch chính ở Tây Tạng là lúa mạch (barley) và kiều mạch (buckwheat), cha mẹ tôi trồng cả hai thứ này cùng với khoai. Nhưng thường thường công sức cả một năm vất vả làm lụng của người đều bị hỏng do bão lớn và hạn hán. Cha mẹ tôi cũng nuôi súc vật, đây mới là nguồn thu nhập khá ổn định. Tôi nhớ lại hồi đó chúng tôi có độ 5 hoặc 6 con dzomos (một loại bò lai giữa bò Tây Tạng và bò thường) để lấy sữa, một số gà thả lấy trứng. Chúng tôi có một bầy gia súc độ tám mươi con, gồm cả cừu và ngỗng, cha tôi luôn luôn có một hoặc hai, thậm chí ba con ngựa, ông rất chiều chuộng chúng. Sau rốt, gia đình tôi còn có một vài con bò Tây Tạng (yak).

Bò Tây Tạng là một món quà của thiên nhiên ban cho loài người. Nó sống được ở độ cao trên 3000 mét, phù hợp lý tưởng với điều kiện khí hậu Tây Tạng. Dưới độ cao này nó không thể sống được. Cả hai chức năng; sức kéo, nguồn sữa và thịt (bò cái gọi là dri), khiến bò Tây Tạng thực sự là công cụ chủ yếu của phương thức canh tác trên cao. Lúa mạch mà cha mẹ tôi trồng cũng là một sản phẩm chủ yếu khác. Khi rang chín và xay mịn, nó thành ra bột tsampa. Đây là một món ăn không thể thiếu trong bữa ăn của người Tây Tạng, ngay ở hoàn cảnh tha hương, tôi vẫn dùng nó hàng ngày. Tất nhiên không phải như ăn bột. Trước hết bạn trộn với một chất lỏng, thường là chè, nhưng cũng có thể là sữa (tôi ưa dùng thứ này) hoặc sữa chua, kể cả chang (bia Tây Tạng). Rồi bạn nhào bột bằng tay trong một cái bát, viên thành những viên tròn. Hoặc giả bạn có thể dùng nó như cháo. Đối với người Tây Tạng, dù tsampa rất ngon, song bằng vào kinh nghiệm của tôi, rất ít người ngoại quốc ưa chuộng món ăn này. Riêng người Trung Quốc, họ hoàn toàn không quan tâm.

Phần lớn những thứ cha mẹ tôi trồng trọt chỉ dành vào việc nuôi nấng chúng tôi. Nhưng đôi khi cha tôi bán bột lúa mạch hay một vài con cừu cho dân du mục đi ngang qua, hoặc người mang xuống Siling, huyện gần nhất, hay là thủ phủ Amdo cách chừng 3 giờ đồng hồ đi ngựa. Tiền tệ không thông dụng ở những vùng nông thôn hẻo lánh, mọi quan hệ thương mại được thực hiện bằng cách trao đổi. Vì thế cha tôi đổi lương thực dư thừa lấy chè, đường, vải vóc, chút ít đồ trang sức hoặc giả một vài dụng cụ bằng kim loại. Thỉnh thoảng người trở về với một con ngựa, người rất vui vẻ. Cha tôi cực kỳ nhạy cảm với loài ngựa và nổi tiếng trong khu là một người giỏi chữa bệnh cho ngựa.

Ngôi nhà nơi tôi ra đời khá điển hình cho khu vực chúng tôi ở Tây Tạng. Nhà được xây bằng đá và bùn với mái bằng, dọc theo ba cạnh khuôn viên mảnh đất. Chỉ có một đặc điểm khác thường là hệ thống thoát nước làm bằng cành cây bách xù (juniper) khoét rỗng, tạo thành máng để nước mưa thoát đi. Ngay trước mặt nhà, giữa hai chái là một cái sân, giữa sân có một cột cờ cao treo một lá cờ được buộc chặt ở phía trên và phía dưới, trên lá cờ có ghi vô số những lời cầu nguyện.

Súc vật nuôi phía đằng sau. Trong nhà có sáu buồng và một cái bếp, nơi này chúng tôi thường có mặt suốt thời gian ở nhà, ngoài ra còn có một buồng thờ với bàn thờ nhỏ, chỗ chúng tôi thường tập trung cúng lễ buổi sáng, buồng cha mẹ tôi, một buồng dành cho khách, một kho chứa đồ dự phòng, sau cùng là chuồng nuôi gia súc. Chúng tôi không có buồng ngủ riêng. Là một đứa bé con, tôi thường thường ngủ chung với mẹ, sau này tôi ngủ trong bếp, gần lò sưởi. Chúng tôi không có bàn ghế, giường ngủ, nhưng có những khu vực để ngủ dành cho cha mẹ tôi, một buồng dự phòng. Cũng có một số tủ làm bằng gỗ đã được sơn phủ vui mắt. Sàn nhà cũng bằng gỗ và được lót ván cẩn thận.

Cha tôi là một người tầm thước, dễ cáu kỉnh. Tôi nhớ lại một lần tôi giật râu ông, bị ông đánh đau. Tuy vậy ông cũng là một người tử tế, không bao giờ thù hận ai. Có một câu chuyện thú vị liên quan tới ông được kể lại khi tôi ra đời. Ông bị ốm trong nhiều tuần lễ và nằm liệt giường. Không một ai biết nguyên nhân căn bệnh đó, người ta bắt đầu lo cho tính mạng của ông. Nhưng đúng ngày tôi ra đời, đột nhiên ông khỏi bệnh không một lý do cụ thể. Kể từ khi mẹ tôi sinh ra tám người con, chưa lần nào ông sung sướng được trở thành người cha như lần ấy, dù chỉ có bốn người còn sống sót (do nhu cầu, những gia đình nông trại như gia đình chúng tôi đều tin tưởng vào một gia đình đông đúc, mẹ tôi sinh tổng số được mười sáu người con, song chỉ có bảy người tồn tại). Khi viết cuốn sách này, Lobsang Samten, người anh ngay sát tôi và Tserinh Dolma, người chị cả, đều đã mất, nhưng hai anh trai, một em gái và một em trai tôi vẫn sống mạnh khỏe.

Mẹ tôi là một trong số những người hiền từ nhất mà tôi biết. Bà rất tuyệt vời, đáng mến. Tôi tin chắc điều đó qua các người quen biết mẹ tôi, bà vô cùng nhân hậu. Tôi được nghe kể lại trước đây ở khu vực láng giềng thuộc Trung Quốc có một thời kỳ đói kém. Rất nhiều người Trung Quốc đổ tới biên giới tìm cái ăn. Một hôm, có hai vợ chồng gõ cửa nhà tôi, trên tay họ mang một đứa bé đã chết. Họ xin mẹ tôi thực phẩm, bà vui lòng cho ngay. Rồi mẹ tôi chỉ vào đứa bé và hỏi họ có muốn chôn nó đi không. Khi hiểu ra, họ lắc đầu và tỏ rõ cho mẹ tôi biết rằng họ có ý định ăn thịt đứa bé đó. Mẹ tôi kinh hãi, lập tức mời ngay họ vào trong nhà rồi cho tất cả những gì còn lại trong trạn trước khi để họ ra đi một cách luyến tiếc. Kể cả nếu như phải cho đi thức ăn của gia đình, bản thân chúng tôi sẽ phải đói, bà cũng không bao giờ để bất kỳ một người ăn mày nào trở ra mà trên tay không có gì.

Tsering Dolma là người con gái lớn nhất nhà, chị hơn tôi mười tám tuổi. Thời gian tôi ra đời, chị giúp mẹ coi sóc nhà cửa, săn sóc tôi như một hộ lý. Khi đỡ tôi, chị thấy một mắt tôi không mở. Không do dự, chị đưa một ngón tay vào cái mí khó mở rồi mạnh mẽ vạch nó ra, thật may là nó không bị tổn thương. Chị Tsering cũng chịu trách nhiệm về việc cho tôi ăn bữa ăn đầu tiên theo truyền thống, đó là một chất lỏng lấy từ vỏ một loại bụi cây đặc chủng mọc ở địa phương. Người ta tin rằng thứ nước này đảm bảo cho một em bé khoẻ mạnh. Sau này, chị tôi nói rằng tôi là một đứa bé rất bẩn thỉu. Chị vừa bế tôi trên tay, tôi đã nghịch bẩn!

Tôi không tiếp xúc nhiều với ba anh tôi. Thubten Jigme Norbu, anh lớn nhất, được xác nhận là hóa thân của một vị Lạt ma trình độ cao: Taktser Rinpoché (Rinpoché là tước vị dành cho các bậc thầy tâm linh, nghĩa đen là “con người quý báu”), anh được tiếp nhận lễ thụ phong tại Kumbum, một tu viện nổi tiếng cách nhiều giờ đi ngựa. Người anh kế tiếp - Gyalo Thondup - lớn hơn tôi tám tuổi, khi tôi ra đời, anh đã đi học ở làng bên. Chỉ có người anh ngay sát tôi, anh Lobsang Samten là ở nhà. Lớn hơn tôi ba tuổi, nhưng rồi anh cũng được gửi đi tu ở tu viện Kumbum, nên tôi không biết nhiều về anh.

Tất nhiên, không một ai nghĩ rằng tôi có thể trở thành một cái gì khác hơn là một đứa bé thông thường. Hầu như người ta không thể tin được lại có nhiều hóa thân sinh ra trong cùng một gia đình, và chắc chắn rằng cha mẹ tôi không nghĩ rằng tôi sẽ được công bố là Dalai Lama. Việc cha tôi bình phục là một điềm lành, nhưng nó không được coi là một dấu hiệu có ý nghĩa đặc biệt. Tương tự như vậy, bản thân tôi cũng không có một dự báo về điều gì sẽ xảy ra. Những ký ức sớm nhất của tôi rất bình thường. Một số người đặt nặng vấn đề đối với các ký ức đầu tiên, nhưng tôi thì không. Ví dụ, trong những hồi tưởng của tôi, tôi nhớ lại việc quan sát một nhóm trẻ con đánh nhau, còn tôi chạy tới nhập bọn với phe yếu hơn. Tôi cũng nhớ lại lần đầu tiên tôi trông thấy con lạc đà. Lạc đà tương đối phổ biến tại một vài địa phương ở Mông cổ, đôi khi người ta mang chúng qua biên giới. Trông nó to lớn và oai nghiêm. Tôi cũng nhớ lại một lần tôi bị giun, một tai họa phổ biến ở phương Đông.

Một kỷ niệm tôi đặc biệt thích thú nhớ lại hồi còn bé, đó là lần đi vào trong chuồng gà nhặt trứng với mẹ tôi rồi ở lại trong đó. Tôi thích ngồi bên cạnh ổ gà và kêu tích tích. Một sở thích nữa của tôi là đóng gói đồ đạc như là chuẩn bị đi du lịch dài hạn. Tôi thường nói “Tôi sẽ đi Lhasa, tôi sẽ đi Lhasa”. Điều này, cùng với việc tôi luôn luôn đòi ngồi đầu bàn, về sau được coi là một tín hiệu mà tôi phải biết rằng cá nhân tôi đã được trao cho một sứ mệnh lớn. Tôi cũng nhớ lại một số giấc mơ khi còn bé, những giấc mơ này mở tới một định hướng tương tự, song tôi không thể nói dứt khoát rằng tôi biết về tương lai của mình. Sau này, mẹ tôi kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện có thể được coi là những dấu hiệu của một kiếp sống có trình độ cao. Ví dụ, tôi không bao giờ để một ai cầm chiếc bát của tôi, trừ mẹ tôi ra. Tôi cũng không bao giờ tỏ ra sợ người lạ cả.

Trước khi nói về chuyện phát hiện ra tôi là Dalai Lama, đầu tiên tôi phải trình bày đôi điều về Phật giáo, lịch sử Phật giáo ở Tây Tạng. Vị sáng lập ra Phật giáo là một con người có thật trong lịch sử, thái tử Siddhartha, được biết dưới tên Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài ra đời hơn 2000 năm trước đây. Giáo lý của ngài, bây giờ gọi là Pháp, Dharma, hoặc Phật giáo, được đưa vào Tây Tạng hồi thế kỷ thứ 4 sau công nguyên. Phải mất nhiều thế kỷ để Phật giáo thay thế quốc giáo Bon rồi trở nên hoàn chỉnh, cuối cùng toàn bộ quốc gia chuyển biến, nguyên lý của Phật giáo đã ảnh hưởng tới xã hội ở mọi mức độ. Và người Tây Tạng, dù bản chất khá hung hăng, hiếu chiến, song việc gia tăng những hứng thú với các thực hành tôn giáo lại chính là nhân tố chủ yếu dẫn tới sự khép kín của đất nước này. Trước đây, Tây Tạng sở hữu một đế quốc rộng lớn, ngự trị vùng trung tâm châu Á với những miền đất trải rộng phía bắc Ấn độ, phía nam Nê pan và Bhutan. Đế quốc Tây Tạng cũng bao gồm một phần lãnh thổ Trung Quốc. Năm 763 sau công nguyên, quân đội Tây Tạng đánh chiếm kinh đô Trung Quốc, ép buộc vua Trung Quốc hứa cống nộp và các điều kiện nhượng bộ khác. Tuy nhiên, khi nhiệt tình của người dân Tây Tạng đối với Phật giáo gia tăng, quan hệ của Tây Tạng với các quốc gia láng giềng dần dần trở thành một mối quan hệ mang tính tâm linh hơn là quan hệ chính trị. Điều này đặc biệt đúng đối với Trung Quốc, nơi mà mối quan hệ “bảo hộ tôn giáo” (priest-patron) được thiết lập. Hoàng đế Mãn châu cũng là phật tử, ông coi vị Dalai Lama như một vị “vua của những người trình bày giáo lý Phật giáo”.

Nguyên lý căn bản của Phật giáo là mối quan hệ tương hỗ, hoặc Luật Nhân Quả. Điều này thuần túy nói lên rằng những gì mà một cá thể đã thực nghiệm, trải qua, chúng được rút chiết từ động cơ, thông qua hành động. Do vậy động cơ là nguồn gốc của cả hành động lẫn thực nghiệm. Từ nhận thức này, những luận thuyết về ý thức và sự tái sinh của Phật giáo được suy ra.

Luận thuyết thứ nhất là, do nguyên nhân sinh ra hậu quả, rồi hậu quả lại trở thành nguyên nhân để tạo ra hậu quả sau đó, nên ý thức sẽ phải được tiếp nối. Dòng ý thức này chảy liên tục, tập hợp lại những thực nghiệm và ấn tượng từ một thời điểm này sang một thời điểm khác. Tại thời điểm cái chết vật chất xảy ra, điều tiếp nối là ý thức của một con người đã chứa đựng một vết hằn sâu sắc của tất cả những thực nghiệm, ấn tượng đã xảy ra trong quá khứ, và cả những hành động xảy ra trước những thực nghiệm, ấn tượng đó. Điều này được biết là “karma” - nghiệp quả, nghĩa là “hành động”. Do đó ý thức, với sự tham dự của nghiệp quả, những thứ này được “tái sinh” vào một cơ thể mới: cơ thể súc vật, cơ thể con người hoặc cơ thể thần thánh.

Vậy, để đưa ra một ví dụ đơn giản, một người cả đời ngược đãi súc vật, kiếp sau người đó có thể bị tái sinh làm súc vật như con chó chẳng hạn, con vật này lại thuộc về một ai đó không ưa súc vật. Tương tự như vậy, đạo đức tốt giành được ở cuộc đời nãy sẽ hỗ trợ cho một quá trình tái sinh thuận lợi trong kiếp sau.

Hơn nữa, Phật giáo tin rằng bản chất của ý thức là trung tính, nên khả năng thoát khỏi vòng vô tận của sự ra đời, khổ não, chết và tái sinh mà kiếp sống chắc chắn phải kế thừa, khả năng này có thể thực hiện với điều kiện khi nào tất cả mọi nghiệp quả tiêu cực được loại bỏ cùng với những gắn bó trần tục. Khi đạt tới điểm này, cái ý thức được đề cập tới, ý thức này được cho là đã đạt được mức giải thoát thứ nhất, rồi cuối cùng sẽ đạt tới cõi Phật. Tuy nhiên, theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, một sinh linh đạt tới cõi Phật, dù rằng sinh linh này đã thoát khỏi Samsara - vòng luân hồi, được biết như hiện tượng hiện hữu, song sinh linh đó vẫn tiếp tục quay trở lại hoạt động vì lợi ích của những sinh linh khác cho tới khi nào từng sinh linh một được giải thoát.

Bây giờ, với trường hợp của tôi, tôi được coi là hóa thân của vị Dalai Lama đời thứ mười ba ở Tây Tạng (vị thứ nhất ra đời năm 1351 sau công nguyên), vị được coi là hiện thân của Đức Phật Quan Thế Âm, Chenrezig, vị Bồ tát của lòng từ bi, người cầm đóa Hoa Sen Trắng. Vì thế, tôi cũng được tin là hiện thân của Chenrezig, thực ra là người thứ 14 trong một dòng truyền thừa tính từ cậu bé Brahmin sống vào thời kỳ Phật Thích Ca Mâu Ni. Người ta thường hỏi tôi có thực sự tin vào điều đó không. Câu trả lời không đơn giản. Nhưng ở tuổi 56, khi nghiên cứu những thực nghiệm của chính mình trong kiếp sống hiện tại này, và căn cứ vào niềm tin đối với Phật giáo, tôi không gặp mấy khó khăn trong việc công nhận mình có liên quan về mặt tâm linh với vị Dalai Lama đời thứ mười ba, với Cherezig và với bản thân Đức Phật.

Khi tôi chưa đầy ba tuổi, một phái đoàn tìm kiếm hóa thân của Dalai Lama do chính phủ cử đi, họ tới tu viện Kumbum. Việc họ tới đây căn cứ theo một số dấu hiệu. Một trong những dấu hiệu đó có liên quan tới xác ướp người tiền nhiệm của tôi, Thupten Gyatso, vị Dalai Lama đời thứ mười ba mất năm1933, thọ năm mươi bảy tuổi. Trong khoảng thời gian xác ướp ở tư thế ngồi, đầu xác ướp được phát hiện đã quay từ hướng đối diện với phía nam tới hướng đối diện phía đông bắc. Ngay sau đó, vị nhiếp chính, bản thân ông cũng là một Lama trưởng lão, ông thấy một linh ảnh. Nhìn vào mặt nước hồ thiêng Lhamoi Lhatso ở miền nam Tây Tạng, ông này trông thấy rất rõ ràng những ký tự Tây Tạng Ah, Ka và Ma nổi bồng bềnh trong tầm nhìn. Sau đó là linh ảnh của một tu viện ba tầng, mái bằng vàng và ngọc lam, có một con đường từ đó chạy thẳng lên đồi. Cuối cùng, ông này trông thấy một ngôi nhà có cái máng nước hình dáng rất lạ. Vị nhiếp chính tin chắc rằng chữ Ah có liên quan tới Amdo, một tỉnh phía đông bắc, vì vậy nhóm tìm kiếm hóa thân được phái tới đó.

Tới Khumbum, những người tìm kiếm hoá thân cảm thấy họ đã đi đúng hướng. Nếu như ký tự Ah liên tưởng tới tỉnh Amdo, thì ký tự Ka phải biểu thị tu viện ở Kumbum, tu viện đúng là có ba tầng với mái bằng ngọc lam. Bây giờ cần xác định quả đồi và ngôi nhà có cái ống máng kỳ dị. Họ bắt đầu tìm kiếm các làng xung quanh. Khi trông thấy những nhánh có mấu của cây bách xú trên mái nhà cha mẹ tôi, họ tin chắc vị Dalai Lama đang ở quanh đâu đây. Tuy nhiên, thay vì bộc lộ mục đích thăm viếng, phái đoàn chỉ yêu cầu nghỉ qua đêm. Vị trưởng đoàn, Kewtsang Rinpoché, ông đóng giả làm người phục vụ, suốt buổi tối ông chỉ quan sát và chơi với những đứa bé nhất trong nhà.

Bọn trẻ con nhận ra ông và kêu to “Sera lama, Sera lama”. Sera là tên gọi tu viện của ông. Hôm sau phái đoàn ra đi, rồi trở lại sau vài hôm với danh nghĩa thực sự. Lần này họ mang theo một số vật dụng thuộc về vị tiền nhiệm của tôi cùng một số vật dụng khác hình dạng tương tự nhưng không phải là đồ sở hữu của Dalai Lama đời thứ mười ba. Trong tất cả các trường hợp, đứa trẻ nhận ra một cách chính xác những gì thuộc về sở hữu của vị Dalai Lama thứ 13 và nói “Cái này là của tôi, cái này là của tôi”. Điều này vừa đủ để phái đoàn thừa nhận họ đã tìm ra vị hóa thân. Tuy nhiên, còn một ứng cử viên nữa cần được xem xét trước khi có quyết định cuối cùng. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cậu bé ở Taktser được công nhận là vị Dalai Lama mới. Tôi chính là cậu bé đó.

Không cần phải nói, tôi cũng không nhớ nhiều về các sự kiện này. Lúc đó tôi hãy còn bé quá. Tôi chỉ hồi tưởng lại duy nhất về một người có đôi mắt sắc bén. Cặp mắt này thành ra lại thuộc về một con người tên là Kenrap Tenzin, ông trở thành vị thầy y phục (Master of Robes) của tôi, về sau ông dạy tôi viết.

Ngay khi phái đoàn tìm kiếm kết luận rằng em bé ở Taktser chính là hóa thân của Dalai Lama, một văn bản thông báo cho quan nhiếp chính được gửi về Lhasa. Phải mất nhiều tháng sau văn bản mới được chính thức công nhận. Trong thời gian này tôi vẫn ở nhà. Cùng thời gian đó, Ma Bufeng, người đứng đầu chính quyền địa phương bắt đầu gây khó khăn. Song cuối cùng cha mẹ tôi cũng đưa tôi tới tu viện Kumbum, ở đây tôi được làm lễ nhập môn vào lúc tờ mờ sáng. Tôi đặc biệt nhớ sự kiện này vì tôi ngạc nhiên khi bị đánh thức dậy mặc y phục trước lúc mặt trời mọc. Tôi cũng nhớ tới lúc được ngồi trên ngai.

Bây giờ dường như là bắt đầu một quãng đời buồn bã. Cha mẹ tôi không ở đây lâu và lập tức tôi cảm thấy đơn độc xung quanh những người mới mẻ, xa lạ. Đối với một em bé, tách rời nó khỏi cha mẹ là một điều nó rất khó chịu. Tuy nhiên, cuộc sống tu viện lại có hai niềm an ủi. Thứ nhất, Lobsang Samten, người anh sát tôi đã ở đó từ trước. Dù chỉ lớn hơn tôi ba tuổi, nhưng anh săn sóc tôi rất chu đáo, chúng tôi nhanh chóng trở thành thân tình. Niềm an ủi thứ hai: thày giáo của anh tôi là một vị sư già hiền hậu, ông thường giấu tôi trong áo choàng của ông. Tôi nhớ lại một lần ông cho tôi một quả đào. Dẫu vậy, phần lớn thời gian này tôi rất buồn. Tôi không hiểu được trở thành Dalai Lama nghĩa là cái gì. Bằng vào suy nghĩ lúc đó, tôi chỉ là một bé trai bình thường như những bé trai khác. Trẻ con vào tu viện quá sớm là một điều khác thường và người ta cư xử với tôi cũng bình thường như với những người khác. Tôi có một kỷ niệm khá đau đớn với một trong những người chú tôi, một nhà sư ở tu viện Khumbum. Một buổi tối, trong khi ông đang ngồi tụng kinh, tôi lật đổ quyển kinh viết trên lá của ông. Những trang kinh sảch rơi tung tóe khắp nơi, cho tới tận bây giờ, cuốn kinh không thể đóng lại được nữa. Chú tôi nhấc tôi dậy, phát tôi rất đau. Ông nổi điên lên còn tôi thì quá sợ. Sau hàng năm trời tôi thực sự bị ám ảnh bởi khuôn mặt rỗ đen với hàng ria mép dữ tợn của ông. Từ đó trở đi, mỗi khi ông nhìn tôi, tôi vô cùng sợ hãi.

Tới khi biết rõ mình sẽ được trở về nhà và đi cùng với cha mẹ tới Lhasa, tôi bắt đầu nhìn tương lai bằng cặp mắt thiện cảm hơn. Như những đứa trẻ khác, tôi rất hồi hộp với viễn cảnh du lịch. Tuy vậy, việc này kéo dài mất chừng 18 tháng vì ông Ma Bufeng từ chối không cho người ta đưa tôi đi Lhasa mà không trả một số tiền lớn để chuộc. Khi nhận tiền, ông còn đòi thêm dù rằng ông chẳng lấy thêm được gì. Vì thế, mãi tới mùa hè năm 1939 tôi mới được lên thủ đô.

Rồi ngày đại lễ tới, cách ngày sinh nhật lần thứ 4 của tôi một tuần lễ. Tôi nhớ lại ngày đó với một cảm giác sung sướng vô biên. Đoàn người rất đông, không những gồm cả cha mẹ tôi, anh Lobsang Samten, mà còn các thành viên của phái đoàn tìm kiếm và một số người hành hương nữa. Cũng có rất nhiều nhân vật trong chính phủ cùng với nhiều người làm nghề dắt la và hướng đạo. Những người này suốt đời làm việc trên các con đường lữ hành, họ là nhân tố không thể thiếu được cho các cuộc hành trình dài ngày. Họ biết chắc khi nào cần qua sông và cần bao nhiêu thời gian để vượt qua đèo.

Sau vài ngày di chuyển, chúng tôi ra khỏi khu vực do ông Ma Bufeng quản lý, lúc này chính phủ Tây Tạng chính thức tuyên bố công nhận việc ứng cử của tôi. Giờ đây chúng tôi đi vào một miền quê hẻo lánh nhất, đẹp nhất thế giới: những sườn núi với cánh đồng bằng phẳng bao la mà đoàn người phải cố gắng vượt qua như những con sâu. Thỉnh thoảng gặp suối, chúng tôi phải lội lõm bõm trong dòng nước lạnh giá. Cứ vài ngày đoàn người lại tới một khu cư dân nhỏ bé túm tụm giữa một đồng cỏ xanh rực rỡ, hoặc cheo leo như bám chặt trên sườn đồi. Đôi khi từ xa chúng tôi còn trông thấy một tu viện chênh vênh trên vách đá. Nhưng phần lớn là những khoảng trống khô cằn với nhiều cơn gió man rợ trĩu nặng bụi bậm và những cơn giông giận dữ, như nhắc nhở con người nhớ tới sức mạnh của thiên nhiên.

Hành trình tới Lhasa kéo dài chừng 3 tháng. Tôi chỉ còn nhớ rất ít ngoài những cảm giác kỳ diệu của những gì trông thấy: những đàn bò Tây Tạng hoang dã (drong) di chuyển qua suốt bình nguyên, những bầy nhỏ lừa hoang (kyang) và đôi khi cái bóng mờ của gowa và nawa, một vài con dê con rất nhẹ và nhanh nhẹn như bóng ma. Tôi cũng thích những bầy ngỗng khổng lồ kêu quàng quạc đôi khi chúng tôi gặp trên đường.

Phần lớn thời gian trong cuộc hành trình tôi ngồi cùng với Lobsang Samten trong chiếc kiệu tên là dreljam do một cặp la kéo. Như những đứa trẻ khác, chúng tôi dành phần lớn thời gian để cãi nhau và thường dẫn tới đánh nhau. Điều này khiến chiếc xe chở chúng tôi trở nên nguy hiểm vì bị mất cân bằng. Lúc đó người đánh xe dừng xe lại mách mẹ tôi. Khi mẹ tôi nhìn vào trong xe, người luôn luôn thấy anh Lobsang Samten khóc và tôi ngồi đó với vẻ mặt đắc thắng. Dù anh lớn tuổi, song tôi luôn thắng thế. Tuy rất thân nhau, nhưng chúng tôi chưa đủ tư cách để cư xử với nhau thật tốt. Một trong hai chúng tôi thường gây sự, cãi nhau, để rồi kết thúc bằng đánh nhau và khóc lóc, nước mắt luôn luôn là phần của anh tôi chứ không phải tôi. Lobsang Samten bản chất rất tốt, anh không bao giờ sử dụng sức mạnh để đánh lại tôi.

Cuối cùng đoàn chúng tôi cũng tới gần thủ đô. Bấy giờ là mùa thu. Khi còn cách Lhasa chừng vài ngày đường, một toán nhân viên cao cấp trong chính phủ ra nghênh tiếp, hộ tống đoàn tới vùng đồng bằng Doeguthang, cách cửa ra vào thủ đô chừng 2 dặm Anh. Ở đó một chiếc lều lớn đã được dựng lên. Giữa lều là một công trình màu xanh da trời và trắng, tên là Macha Chenmo, “con công vĩ đại”. Dưới mắt tôi trông nó to khủng khiếp, gồm cả một cái ngai bằng gỗ chạm trổ phức tạp, chỉ dùng với mục đích chào đón vị Dalai Lama thơ ấu trở về nhà.

Buổi lễ trao cho tôi nhiệm vụ lãnh đạo tâm linh cho dân tộc được tổ chức ngay sau đó và kéo dài suốt một ngày. Nhưng kỷ niệm của tôi về buổi lễ rất mập mờ. Tôi chỉ nhớ một cảm giác mạnh mẽ được trở về nhà, những đám người đông vô tận: tôi không thể tưởng tượng có nhiều người như thế. Theo người ta kể lại, với một đứa trẻ lên bốn tuổi, tôi đã ứng xử tốt, ngay cả đối với một hoặc hai vị trưởng lão là những người tới dự để họ tự cân nhắc xem thực sự tôi có phải là hóa thân của vị Dalai Lama đời thứ mười ba hay không. Sau đó cùng với anh Lobsang Samten, chúng tôi được tháp tùng tới Norbulingka (Norbulingka nghĩa là Công viên Đá quý) nằm ở phía bắc Lhasa.

Thông thường, Norbulingka chỉ sử dụng làm cung điện mùa hè của Dalai Lama. Nhưng quan nhiếp chính quyết định tôi cần đợi tới cuối năm sau trước khi chính thức lên ngôi tại điện Potala, vị trí của chính phủ Tây Tạng. Thời gian này, việc tôi sống ở cung điện Potala không cần thiết. Điều đó trở thành một thay đổi tốt đẹp vì trong hai nơi, Norbulingka là nơi dễ chịu nhất. Nó được bao quanh bởi vườn tược và nhiều nhà cao tầng rất nhỏ, nhẹ, bên trong rất thoáng. Ngược lại với cung điện Potala, từ xa tôi có thể nhìn thấy dáng dấp lâu đài lộng lẫy nổi bật trên thành phố, song bên trong tối tăm, lạnh lẽo và ảm đạm.

Vậy là tôi tận hưởng một năm hoàn toàn không bị ràng buộc bởi trách nhiệm, sung sướng vui chơi cùng anh tôi, thường xuyên gặp cha mẹ. Đó là niềm tự do tạm thời cuối cùng mà tôi được biết.

CHƯƠNG 2
CHIẾC NGAI SƯ TỬ

Tôi nhớ rất ít về mùa đông đầu tiên năm đó, nhưng có một điều in sâu trong ký ức. Những ngày cuối cùng của năm, theo truyền thống, các vị sư thuộc tu viện Namgyal phải thực hành Cham, một điệu múa nghi lễ tượng trưng cho việc xua đi mọi sức mạnh tiêu cực của năm ngoái. Tuy nhiên, do chưa chính thức lên ngôi nên chính phủ cảm thấy để tôi tới cung điện Potala xem nghi lễ là một việc không thích hợp. Mặt khác, Lobsang Samten được mẹ tôi cho đi theo. Tôi vô cùng ghen tức với anh. Mãi tới khuya khi anh về, anh trêu chọc tôi bằng nhiều câu chuyện mô tả chi tiết về các động tác nhảy vọt và lao xuống của những người vũ công ăn mặc quái gở.

Suốt cả năm sau, năm 1940, tôi ở lại Norbulingka. Tôi thường xuyên gặp gỡ mẹ trong những tháng mùa xuân và mùa hè. Khi tôi được công nhận là Dalai Lama, cha mẹ tôi tự nhiên đạt tới vị trí quý phái cao nhất cùng với một số tài sản đáng kể. Hàng năm vào thời gian này, các vị được sử dụng một căn nhà trong cung điện. Hầu như ngày nào cũng vậy, tôi cùng với người phục vụ thường lén sang nhà cha mẹ tôi. Thực ra tôi không được phép làm như vậy, song vị quan nhiếp chính có trách nhiệm trông coi, ông bỏ qua việc này. Tôi đặc biệt thích sang bên đó vào giờ ăn. Bởi vì do một đứa trẻ được chọn là một vị sư, những loại đồ ăn như trứng gà, thịt lợn đều bị cấm, nên chỉ có ở nhà cha mẹ thì tôi mới có cơ hội nếm những đồ ăn đó. Tôi nhớ một lần tôi bị ông Gyop Kenpo, một trong những nhân viên chính, bắt gặp tôi đang ăn trứng gà. Ông ta choáng váng, tôi cũng giật mình. Tôi gào hết cỡ: “Xéo đi”.

Một trường hợp khác, tôi nhớ lại tôi ngồi bên cạnh cha, giống như một con chó con, nhìn ông ăn thịt lợn quay với hy vọng ông sẽ cho mình một miếng, mà ông cho thật. Miếng thịt ngon tuyệt vời. Vậy nhìn chung, năm đầu tiên ở Lhasa là cả một quãng thời gian sung sướng. Tôi vẫn chưa phải là một nhà sư, chương trình giáo dục vẫn còn ở phía trước. Về phần Lobsang Samten, anh sung sướng có một năm được nghỉ trong thời gian đi học ở Khumbum.

Mùa đông năm 1940, tôi được đưa tới cung điện Potala, được chính thức làm lễ thụ phong là một người lãnh đạo tôn giáo của Tây Tạng. Tôi không nhớ nổi những nét gì đặc biệt về yêu cầu bắt buộc của buổi lễ này, ngoại trừ đây là lần thứ nhất tôi ngồi trên chiếc ngai Sư tử, một cấu trúc đục đẽo bằng gỗ, rộng rãi, nạm đá quý, đặt ở Si shi phuntsog (sảnh đường các chiến công tích cực thuộc thế giới tâm linh và thế giới đời thường), phòng khánh tiết chính phía bên trái cung điện Potala.

Ngay sau đó, người ta đưa tôi sang ngôi chùa Jokhang ngay giữa thành phố, tại đây tôi làm lễ nhập môn thành một tu sĩ sơ cơ. Điều này liên quan tới một nghi thức gọi là taphu, có nghĩa là “xuống tóc” (lễ cắt tóc). Từ nay trở đi tôi là người trọc đầu, mặc áo cà sa của nhà sư màu hạt dẻ. Tôi cũng lại không nhớ gì nhiều về nghi lễ này, trừ có một điểm, lúc đang nhìn những bộ quần áo sặc sỡ của một vài vũ công, tôi hoàn toàn quên khuấy mất thân phận mình và buột miệng hứng thú nói với Lobsang Samten: “Nhìn này!”

Mái tóc của tôi được Reting Rinpoché gọt một cách có biểu tượng, Reting Rinpoché là vị nhiếp chính, kiêm nhiệm chức vụ đứng đầu nhà nước cho tới khi tôi tới tuổi trưởng thành, đồng thời ông cũng được chỉ định là vị trợ giáo chính của tôi. Đầu tiên, thái độ của tôi đối với ông khá thận trọng, nhưng sau này tôi vô cùng yêu quý ông. Tôi nhớ lại một nét đặc trưng rất ấn tượng: ông luôn luôn ngạt mũi. Ông là một con người khá giàu trí tưởng tượng với một phong cách vô cùng thoải mái, một người coi mọi chuyện hết sức nhẹ nhàng. Ông thích đi chơi, ăn ngoài trời, và yêu quý ngựa, vì thế ông trở thành bạn thân của cha tôi. Song thật đáng buồn, trong thời kỳ nhiếp chính, ông là một nhân vật để nhiều người bàn tán, lúc này chính quyền đã bị tha hóa, tham nhũng. Ví dụ, việc mua bán chức vụ cao là chuyện bình thường.

Vào thời điểm bắt đầu dạy dỗ tôi, có tin đồn rằng Reting Ripoche không đủ tư cách làm lễ xuống tóc cho tôi. Người ta đưa ra giả thiết rằng ông đã vi phạm lời thề không lập gia đình, do vậy ông không còn là sư nữa. Đã có dư luận công khai chỉ trích về cách ông trừng phạt một nhân viên văn phòng lên tiếng phản đối ông tại Quốc hội. Tuy nhiên, theo truyền thống, tôi bỏ đi cái tên Lhamo Thondup và thừa nhận tên ông, Jamphel Yeshe, cùng với nhiều tên khác, vậy tên hoàn chỉnh của tôi bây giờ là Jamphel Ngawang Lobsang Yeshe Tenzin Gyatso.

Thêm vào việc Reting Rinpoché là trợ giáo trưởng, tôi còn được chỉ định một trợ giáo phó: Tathag Rinpoché, một nhà tâm linh đặc biệt, một con người nhiệt tình, hiền hậu. Sau giờ học, ông thường thả mình trong những câu chuyện ngẫu hứng, những chuyện khôi hài mà tôi rất say sưa. Cuối cùng, trong mấy năm đầu tiên, Kewtsang Rinpoché, trưởng đoàn đi tìm hóa thân, ông này được giao trách nhiệm không chính thức là vị trợ giáo thứ ba của tôi. Ông sẽ đại diện cho những vị kia khi họ đi vắng.

Tôi đặc biệt yêu mến Kewtsang Rinpoché. Cũng như tôi, ông là người Amdo. Ông đáng mến tới mức tôi hay đùa với ông. Trong khi học bài, thay vì phải đọc thuộc, tôi thường bá lấy cổ ông và nói “Ông đọc!” Sau này, ông cảnh báo với Trijang Rinpoché, vị trợ giáo của tôi năm tôi mười chín tuổi, rằng vị đó hãy cẩn thận không nên cười với tôi kẻo tôi lại lợi dụng vị này.

Tuy vậy, những sắp đặt này không kéo dài, ngay sau khi tôi bắt đầu cuộc đời tu sĩ sơ cơ, Reting Rinpoché từ bỏ vị trí nhiếp chính do tính cách không quần chúng. Dù mới chỉ sáu tuổi, tôi cũng được hỏi xem ai có thể thay thế ông. Tôi tiến cử Tathag Rinpoché. Vì thế ông trở thành trợ giáo trưởng, vị trí phó trợ giáo được Ling Rinpoché thay thế.

Tathag Rinpoché là một người hết sức nhã nhặn, ngược lại với Ling Ringpoché dè dặt, nghiêm khắc, mới đầu tôi rất sợ ông. Tôi sợ cả người phục vụ của ông và rất nhanh tôi học được cách nhận ra tiếng bước chân ông, lúc đó tim tôi đập mạnh. Nhưng cuối cùng tôi trở nên thân thiện với ông và chúng tôi thiết lập được mối quan hệ rất tốt. Ông trở thành người bạn tâm tình nhất của tôi cho tới khi ông chết năm 1983.

Cùng với những trợ giáo, có ba vị được chỉ định là người phục vụ riêng cho tôi, những người này đều là sư. Đó là Chopon Khenpo, người phụ trách nghi lễ, Solpon Khenpo, người phụ trách ăn uống và Simpon Khenpo, người phụ trách y phục. Vị cuối cùng là Kenrap Tenzin, thành viên trong phái đoàn tìm kiếm, cặp mắt sắc bén của ông làm tôi hết sức ấn tượng.

Khi còn trẻ, tôi phát sinh một cảm xúc vô cùng quyến luyến với người phụ trách ăn uống. Cảm xúc này mạnh mẽ tới mức ông ta phải luôn luôn ở trong tầm mắt tôi, dù chỉ nhìn thấy cái gấu áo cà sa của ông qua phía cửa ra vào, hoặc phía dưới những tấm rèm dùng như một thứ cửa bên trong nhà người Tây Tạng. Thật may mắn, ông tha thứ cho cách cư xử của tôi. Ông là một con người rất nhân hậu và đơn giản, đầu nhẵn thín. Ông không phải là một người kể chuyện hay, cũng không phải là một người bạn học thân thiết, nhưng điều đó chẳng hề ảnh hưởng gì.

Tôi thường ngạc nhiên về mối quan hệ này của chúng tôi. Bây giờ tôi thấy mối quan hệ này giống như sự ràng buộc giữa một con mèo con hoặc một con vật nhỏ bé với người nuôi dưỡng chúng. Đôi khi tôi nghĩ rằng hành vi mang lại đồ ăn là một trong những nguồn gốc cơ bản của mọi mối quan hệ.

Ngay sau khi làm lễ gia nhập tu sĩ sơ cơ, tôi bắt đầu học vỡ lòng. Chương trình vỡ lòng chỉ duy nhất học đọc. Tôi và Lobsang Samten cùng học. Tôi nhớ rất rõ buồng học của chúng tôi (một buồng ở cung điện Potala, một ở Norbulingka). Trên bức tường đối diện treo hai chiếc roi, một bằng lụa vàng, một bằng da. Cái đầu tiên dành cho Dalai Lama và cái sau dành cho người anh của vị đó. Những vật tra tấn này khiến cả hai chúng tôi sợ hãi. Chỉ một cái liếc nhìn vào đó của thầy giáo đã khiến tôi sợ xanh cả mặt. Thật may chiếc roi vàng đã không bao giờ được sử dụng, dù cho chiếc roi da rời khỏi tường một hoặc hai lần. Buồn thay cho Lobsang Samten, anh thật không may mắn, anh không phải là một học sinh tốt như tôi. Nhưng tôi có một điều mê tín rằng những trận đòn của anh có thể dựa theo một câu ngạn ngữ Tây Tạng cổ “Đánh con dê để dọa con cừu”. Anh sinh ra để chịu đau cho tôi.

Dù rằng tôi hoặc Lobsang Samten không được phép có bạn cùng lứa tuổi, song chúng tôi không bao giờ thiếu bạn. Cả cung điện Potala và Norbulingka là một tập thể đông đảo những người phục vụ các phòng (bạn không thể nói đó là những người hầu). Phần lớn họ là những người trung niên, trình độ học vấn nghèo nàn, một số làm ở đó sau khi phục vụ trong quân đội. Nhiệm vụ của họ là giữ cho các buồng sạch sẽ, xem xem sàn nhà có được đánh bóng chưa. Điểm cuối cùng tôi còn đặc biệt nhớ là tôi thích trượt trên sàn nhà. Sau khi Lobsang Samten phải ra đi vì hai chúng tôi cư xử với nhau quá tồi, chỉ còn lại những người phục vụ là bạn tôi. Nhưng họ thực sự là bạn như thế đấy! Bất chấp tuổi tác, họ chơi như những đứa bé con.

Khi tôi lên tám, anh Lobsang Samten được gửi đi học ở một trường tư thục. Lẽ tự nhiên, điều này khiến tôi buồn rầu vì anh là mối liên lạc duy nhất của tôi với gia đình. Giờ đây tôi chỉ còn gặp anh trong ngày nghỉ vào giữa tháng. Mỗi lần anh ra về, tôi nhớ lại mình đứng tựa bên cửa sổ, lòng vô cùng buồn bã khi bóng anh khuất sau phía xa.

Ngoài những lần gặp gỡ định kỳ hàng tháng, tôi chỉ còn trông đợi lúc mẹ tôi tới thăm. Người thường đi cùng chị Tsering Dolma. Tôi đặc biệt rất thích những cuộc viếng thăm này, vì người luôn luôn mang quà tặng và đồ ăn. Mẹ tôi là một người nấu ăn giỏi, bà còn nổi tiếng về làm bánh kẹo.

Khi tôi hơn mười tuổi, mẹ tôi cũng mang theo cả Tenzin Choegyal, cậu em tôi. Tenzin Choegal kém hơn tôi mười hai tuổi và nếu có một đứa bé nào đó ngỗ ngược hơn tôi, đó chính là nó. Một trong những trò chơi nó ưa thích, đó là đưa ngựa con lên mái nhà cha mẹ tôi. Tôi cũng nhớ rất rõ một lần, nó rón rén đến nói với tôi rằng mẹ vừa mới đặt mua thịt lợn của người đồ tể. Điều này bị nghiêm cấm, dù rằng được phép mua thịt, song hành vi đặt mua thịt có thể đưa tới việc một sinh vật bị giết đặc biệt do nhu cầu của bạn, hành vi này không thể chấp nhận được.

Người Tây Tạng có một quan niệm khá lạ lùng về việc ăn mặn. Đạo Phật không nhất thiết cấm ăn thịt, nhưng cũng cho rằng không nên giết súc vật để ăn. Xã hội Tây Tạng chấp nhận ăn thịt, thực ra ngoài bánh tsampa, về cơ bản thường là không còn gì khác, nhưng không được dính dáng tới hành vi tàn sát súc vật. Việc đó để cho người khác. Một số người Hồi giáo đảm nhiệm công việc này, họ là một cộng đồng phát triển với nhà thờ Hồi giáo riêng ở Lhasa. Trong toàn cõi Tây Tạng có hàng ngàn tín đồ Hồi giáo. Chừng một nửa là người Kashmir, số còn lại từ Trung Quốc tới.

Một lần, khi mẹ tôi mang một món ăn có thịt (súc sích nhồi thịt và gạo, món đặc sản vùng Taktser), tôi nhớ lại là tôi ăn hết ngay lập tức, vì biết rằng nếu nói ra với những người phục vụ, tôi sẽ phải chia cho họ. Ngày hôm sau tôi bị ốm. Sau vụ này, vị phụ trách ăn uống buộc phải thôi việc, Tathag Rinpoché cho rằng người phụ trách ăn uống phải chịu trách nhiệm về việc này. Tôi đành khai ra sự thật. Đây là một bài học lớn đối với tôi.

Dù rằng cung điện Potala rất đẹp, song đó không phải là một nơi cư trú dễ chịu. Cung điện được xây trên một tảng đá trồi lên, tên là “quả đồi đỏ”, địa điểm của một tòa lâu đài nhỏ vào cuối thời kỳ vị Dalai Lama vĩ đại đời thứ năm, người trị vì trong thế kỷ thứ mười bảy theo lịch Thiên chúa giáo. Năm 1682 khi ngài mất đi, cung điện vẫn chưa hoàn thành nên ông Desi Sangye Gyatso, vị thủ tướng chính phủ trung thành, ông đã giữ kín cái chết của ngài trong mười lăm năm cho tới khi cung điện hoàn tất, với lý do Đức Dalai Lama đang ẩn tu dài hạn.

Bản thân cung điện Potala không phải là một tòa lâu đài. Bên trong không những bao gồm các phòng làm việc của chính phủ, khá nhiều buồng kho, mà còn có tu viện Namgyal (Namgyal nghĩa là Chiến thắng) với 175 vị sư và nhiều đền chùa nhỏ, một trường đào tạo những vị sư trẻ trở thành nhân viên Tsedrung.

Là một đưá bé con, tôi được ở trong phòng ngủ của Đức Dalai Lama vĩ đại đời thứ năm tại tầng bảy (tầng trên cùng). Căn buồng lạnh giá, âm u và tôi cho rằng sau khi ngài mất đi, không biết còn có ai sử dụng nó hay không. Mọi thứ trong đó đều cổ kính, cũ nát, đằng sau rèm treo trên bốn bức tường đóng dầy một lớp bụi thế kỷ. Cuối buồng là một cái bàn thờ. Trên bàn thờ có một ngọn đèn bơ (một cái bát bơ ôi trong đó có bấc để thắp sáng), mấy đĩa đồ ăn với nước để cúng dâng Phật. Ngày nào những thứ đó cũng bị chuột ăn. Tôi trở nên quý mến những sinh vật bé nhỏ đó. Chúng rất đẹp và tỏ ra không sợ hãi khi tự tiện sử dụng những khẩu phần hàng ngày này. Ban đêm, khi nằm trên giường, tôi có thể nghe thấy những người bạn này chạy đi chạy lại. Đôi khi chúng trèo lên giường tôi. Ngoài bàn thờ, chiếc giường là một thứ đồ gỗ đáng kể duy nhất trong buồng, đó là một cái hộp chứa đầy những chiếc gối, có rèm đỏ bao bọc xung quanh. Chuột cũng trèo cả lên trên đó, nước đái của chúng rớt xuống, tôi ngửi thấy mùi này ở chăn đắp.

Chương trình hàng ngày của tôi ở cung điện Potala và Norbulingka đều giống nhau, dù rằng thời gian chậm hơn một tiếng đồng hồ do ngày mùa hè dài hơn. Nhưng điều đó không gây khó khăn. Tôi không bao giờ thích dậy sớm khi mặt trời mọc. Một lần tôi nhớ lại mình ngủ quá giấc, khi tỉnh dậy, Lobsang Samten đã ở bên ngoài chơi, tôi phát cáu lên.

Ở cung điện Potala, tôi thường dậy vào quãng sáu giờ sáng. Sau khi thay y phục, tôi thiền và cầu nguyện trong một thời gian ngắn chừng một giờ đồng hồ. Hơn bảy giờ, bữa ăn sáng được mang tới. Ăn sáng bao giờ cũng chỉ có chè, bánh tsampa, mật ong hoặc đường thắng. Sau đó là giờ học đầu tiên với Kenrap Tenzin. Sau khi tôi biết đọc, viết, và cho tới mười ba tuổi, chương trình học luôn luôn là cách viết văn. Ngôn ngữ Tây Tạng có hai hệ chữ viết chính, hệ chữ Uchen và hệ chữ U-me. Một hệ dùng cho các bản thảo, hệ thứ hai sử dụng trong văn bản và để trao đổi cá nhân. Đối với tôi, tôi chỉ cần biết viết hệ U-me, nhưng do tiếp thu nhanh, tôi tự học cả hệ Uchen.

Tôi không thể nhịn được cười khi nghĩ về những bài học buổi sáng. Vì trong khi tôi ngồi học dưới cặp mắt giám sát của vị phụ trách y phục, tôi có thể nghe thấy vị phụ trách nghi lễ cầu nguyện ở phòng bên cạnh. “Buồng học” thực ra chỉ là một cái hành lang với một dãy chậu cây đặt ngay sát buồng ngủ của tôi. Ở đây thường khá lạnh, nhưng sáng sủa và tôi có điều kiện quan sát con chim dungkar, một loài chim bé nhỏ màu đen với cái mỏ đỏ rực rỡ, chúng thường hay làm tổ trên cao bên trong cung điện Potala. Lúc này vị phụ trách nghi lễ ngồi trong phòng ngủ của tôi. Thật không may, vị đó có thói quen ngủ gật khi tụng kinh buổi sáng. Lúc đó giọng của ông dài ra giống như máy quay đĩa bị yếu điện, lời cầu kinh trệu trạo, cuối cùng ngừng lại. Một khoảng tạm ngưng cho tới khi ông tỉnh dậy, rồi lại bắt đầu. Lúc đó ông lẫn lộn không biết mình đã cầu nguyện tới đâu, vì thế ông cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Chuyện này rất tức cười, song nó lại có một khía cạnh tốt. Đến thời điểm tôi phải học những bài kinh cầu nguyện đó, tôi đã thuộc lòng chúng từ trước.

Sau giờ học viết văn là giờ học thuộc lòng. Bài học thuộc lòng chỉ là học thuộc kinh Phật để tụng vào cuối ngày. Tôi thấy giờ học này rất chán vì tôi thuộc rất nhanh. Dẫu sao cũng phải nói rằng tôi rất nhanh quên.

Đến mười giờ là thời gian giải lao, đúng lúc này có cuộc họp của các nhân vật trong chính phủ mà tôi phải tham dự dù rằng tôi còn rất trẻ. Ngay từ lúc bắt đầu, tôi đã phải chuẩn bị cho cái ngày khi mà, để thêm vào vai trò là người lãnh đạo tâm linh cho Tây Tạng, tôi còn phải gánh lấy trách nhiệm là người lãnh đạo những công việc đời thường. Trong cung điện Potala, phòng họp ở ngay sát cạnh phòng ngủ của tôi, các nhân viên thuộc mọi phòng ban trong chính phủ, từ tầng hai, tầng ba trong cung điện đều tới dự. Cuộc gặp gỡ này mang tính chất tương đối hình thức, lúc này nhiệm vụ trong ngày của từng người được đọc lên cho từng người, và lẽ dĩ nhiên, nghi lễ đối với tôi được cử hành nghiêm túc. Người phụ trách nội vụ, Donyer Chemo, sẽ tới buồng tôi và đưa tôi ra phòng họp, đầu tiên là quan nhiếp chính, rồi tới bốn thành viên của Kashag, từng người một theo thứ tự chúc tụng tôi.

Sau cuộc gặp gỡ buổi sáng với chính phủ, tôi trở lại buồng học tiếp. Bây giờ có cả vị phó trợ giáo tham dự, tôi phải nhắc lại những trích đoạn đã học trong giờ học thuộc lòng buổi sáng cho vị phó trợ giáo. Vị này lại đọc cho tôi nghe những bài của ngày hôm sau, giải thích cặn kẽ từng chi tiết trong lúc đọc. Chương trình này kéo dài tới giữa trưa. Đúng lúc này tiếng chuông ngân lên (chuông đánh lên mỗi giờ một lần, trừ có một lần người đánh chuông quên khuấy đi mất, anh ta đánh mười ba tiếng vào giữa trưa!). Cũng đúng giữa trưa, tù và được thổi lên. Rồi sau đó là phần quan trọng nhất trong ngày của vị DalaiLama trẻ: chơi.

Rất may mắn là tôi có khá nhiều đồ chơi. Khi tôi còn bé, có một viên chức ở Dromo, một làng nằm ngay sát biên giới Ấn Độ. Người này thường gửi những đồ chơi nhập khẩu cho tôi cùng với những thùng táo khi tới mùa. Đồng thời tôi cũng được các nhân viên nước ngoài tặng quà khi họ tới Lhasa. Một trong những thứ tôi ưa thích là bộ Meccano do người đứng đầu phái đoàn thương mại Anh quốc có văn phòng tại thủ đô Lhasa tặng. Càng lớn, tôi càng có thêm nhiều bộ Meccano, và tới khi mười lăm tuổi, tôi đã có đầy đủ tất cả các bộ Meccano, từ dễ nhất tới khó nhất.

Hồi tôi lên bảy, một đoàn đại biểu gồm hai viên chức cao cấp của Mỹ tới Lhasa. Cùng với thư của Tổng thống Mỹ Roosevelt, họ mang theo hai con chim hót rất hay và một cái đồng hồ vàng. Đó là những thứ quà biếu được nồng nhiệt tiếp nhận. Tuy nhiên tôi không ấn tượng lắm với những thứ quà biếu của viên chức người Trung Quốc. Đối với một đứa bé con, những súc lụa không tạo ra được một hứng thú nào.

Một thứ đồ chơi khác mà tôi ưa thích, đó là một đoàn tàu hỏa chạy bằng dây cót. Tôi cũng có một bộ các chú lính chì mà sau này với bộ đồ chơi đó, tôi học được cách nấu chảy, đúc lại thành những nhà sư. Với chú lính chì, tôi thích sử dụng các chú trong trò chơi chiến tranh. Tôi thường dành nhiều thời gian dùng chúng để dàn trận, và khi cuộc chiến bắt đầu, chỉ trong một phút, những trận thế đẹp đẽ do tôi dựng nên đã trở thành tan hoang. Với các trò chơi như tạo ra những mẫu xe tăng, máy bay bé nhỏ từ bánh tsampa nhão, hay là pa, kết thúc các trò chơi này cũng như vậy.

Trước hết, tôi tổ chức một cuộc thi với những người bạn lớn tuổi để xem ai tạo ra mẫu đồ chơi đẹp nhất. Từng người một được cho một lượng bột nhão như nhau và được phép trong một khoảng thời gian, ví dụ độ nửa giờ đồng hồ, để nặn ra một đội quân. Sau đó tôi giám định kết quả. Do khéo tay nên tôi không bao giờ thất bại trong trò chơi này. Tôi thường đánh trượt những người khác vì họ làm xấu. Rồi tôi lại bán một số mẫu mã của mình cho phe đối lập để lấy gấp đôi lượng bột cần thiết. Bằng cách này, tôi tính toán để hoàn thành công việc bằng hết sức mình, đồng thời cũng giành được thắng lợi qua việc đổi chác. Sau đó chúng tôi vào trận đánh. Cho tới tận bây giờ, tôi phải tự mình làm tất cả mọi thứ, cho nên tôi thường thất bại. Vì những người phục vụ không bao giờ giúp tôi trong cuộc thi, nên tôi phải cố gắng sử dụng vai trò của Dalai Lama làm ưu thế, nhưng chẳng có ích gì. Tôi chơi rất hăng hái, hay nổi nóng và sử dụng quả đấm, song họ không nhượng bộ. Đôi khi họ còn làm tôi khóc.

Một sở thích nữa của tôi là luyện tập quân đội, điều này tôi học được từ Norbu Thondup, người phục vụ tôi quý mến, Norbu Thondup là một trong những người đã từng tham gia quân đội. Con người tôi luôn luôn tràn đầy năng lượng của một đứa trẻ nên tôi thích mọi thứ liên quan tới những hoạt động vật chất. Tôi rất thích một trò chơi nhảy đặc biệt, trò chơi này về nguyên tắc bị cấm. Bạn chạy thật nhanh trên một tấm gỗ đặt nghiêng chếch lên 45º và nhảy vọt lên đỉnh. Tuy nhiên, khuynh hướng thô bạo này đã một lần làm tôi suýt gây chuyện nghiêm trọng. Tôi tìm thấy một cây gậy chỉ huy cũ đầu bịt ngà voi trong đống đồ dùng của vị Dalai Lama tiền nhiệm. Tôi giữ cây gậy làm của riêng. Một hôm, tôi vung gậy rất mạnh quanh đầu, nó tuột khỏi tay và văng mạnh vào mặt anh Lobsang Samten. Anh ngã sầm ra sàn nhà. Trong một thoáng tôi nghĩ rằng mình đã giết chết anh. Sau một lúc choáng váng, anh đứng dậy, nước mắt và máu tràn trề từ vết cắt sâu khủng khiếp ở phía lông mày bên phải. Vết thương nhiễm trùng, chỉ sau một thời gian dài mới lành lại. Anh Lobsang Samten khốn khổ có một cái sẹo vĩnh viễn ở đó.

Sau một giờ là giờ ăn trưa nhẹ, thường là vào lúc này, vì ở vị trí của cung điện Potala, sau giờ học buổi sáng, ánh sáng tràn ngập khắp buồng. Nhưng khoảng chừng hai giờ chiều, ánh sáng bắt đầu nhạt dần và căn buồng lại trở nên tối đi. Lúc này tôi rất sợ: căn buồng tối dần, một bóng đen trùm lên tâm hồn tôi. Buổi học chiều bắt đầu ngay sau bữa ăn trưa. Một tiếng rưỡi đồng hồ dành cho việc giáo dục phổ thông cùng với vị phó trợ giáo. Gần như là ông phải cố gắng làm tôi tập trung học tập. Tôi là một học sinh miễn cưỡng, không thích tất cả các bộ môn.

Chương trình học tập của tôi cũng giống như chương trình của các vị sư nghiên cứu Phật học để làm học vị tiến sĩ. Chương trình này rất lệch lạc, có nhiều điểm không thích hợp đối với người lãnh đạo nhà nước trong những năm cuối thế kỷ thứ mười chín. Cùng một lúc, chương trình học tập của tôi gồm có năm đề tài chính yếu và năm đề tài phụ, đó là: 1- Lý luận, 2- Nghệ thuật và văn hóa Tây Tạng, 3- Phạn ngữ, 4- Y học, và 5- Triết học Phật giáo. Phần cuối là phần quan trọng nhất (và khó nhất), được phân thành năm phạm trù: Prajnaparamita: sự viên mãn của trí tuệ, Madhyamyka: triết học của Trung đạo, Vinaya: giới luật tu viện, Abidharma: siêu hình học, và Pramana: lập luận và duy thức học.

Năm đề tài thứ yếu là: 1- thơ, 2- âm nhạc và diễn kịch, 3- chiêm tinh học, 4- vần luật và phân nhịp, và 5- các từ đồng nghĩa. Thực ra, học vị tiến sĩ được quyết định chỉ duy nhất dựa trên cơ sở triết học Phật giáo, lập luận và biện chứng. Vì lý do này nên mãi tới giữa năm 1970 tôi mới học văn phạm Phạn ngữ và một số đề tài khác như y học. Tôi không bao giờ học những thứ khác một cách không bài bản cả.

Căn bản của hệ thống giáo dục trong tu viện Tây Tạng là phương pháp biện chứng, hoặc nghệ thuật tranh luận. Hai người tranh luận thay phiên hỏi lẫn nhau, họ thể hiện bằng cả những điệu bộ kèm theo. Khi câu hỏi được đưa ra, người hỏi giơ bàn tay phải lên quá đầu, đập vào bàn tay trái đang mở rộng và dẫm mạnh chân trái xuống đất. Sau đó người này để trượt bàn tay phải ra khỏi tay trái, tới gần đầu của đối thủ. Người được hỏi giữ thái độ thụ động, cố gắng tập trung không những trả lời mà còn phải giành lại thế chủ động từ phía đối thủ lúc nào cũng đi vòng quanh anh ta. Tính chất hóm hỉnh là một phần quan trọng của cuộc tranh luận, điểm xuất sắc sẽ giành được bằng cách xoay chuyển những luận thuyết của người đối lập thành lợi thế hài hước của mình. Điều này khiến các cuộc tranh luận trở nên một hình thức giải trí phổ biến đối với cả những người dân Tây Tạng trình độ dân trí thấp, dù họ không nắm được điểm tinh túy trong phần tranh luận, song họ vẫn thưởng thức được cuộc vui và cảnh tượng. Ngày xưa, hiếm khi người ta thấy dân du cư và những người sống cách xa Lhasa lại mất một phần thời gian trong ngày để xem những cuộc tranh luận uyên bác tại sân tu viện.

Khả năng của một vị sư ở hình thức tranh luận độc đáo này chính là tiêu chuẩn để quyết định thành quả về trí tuệ của vị đó. Với lý do này, là một Dalai Lama, không những tôi phải có một kiến thức vững vàng về triết học Phật giáo, mà còn phải thành thạo trong kỹ năng tranh luận. Do vậy, mười tuổi tôi đã bắt đầu nghiên cứu những đề tài nghiêm túc, tới năm mười hai tuổi, người ta chỉ định hai vị tsenshap, hai vị chuyên gia hướng dẫn tôi về nghệ thuật tranh luận.

Sau giờ học đầu tiên buổi chiều, giờ thứ hai vị trợ giáo giải thích cho tôi cách tranh luận đề tài của ngày hôm nay. Bốn giờ chiều là giờ uống trà. Nếu có dân tộc nào uống trà nhiều hơn người Anh, đó là người Tây Tạng. Theo số liệu thống kê của Trung Quốc tôi vô tình nhận được gần đây, hàng năm Tây Tạng nhập khẩu mười triệu tấn chè từ Trung Quốc trước khi bị xâm lăng. Điều này có thể không đúng vì nó ám chỉ rằng mỗi người dân Tây Tạng uống tới hai tấn trà chỉ trong một năm. Hiển nhiên số liệu này được bịa ra để chứng tỏ rằng nền kinh tế Tây Tạng phụ thuộc vào Trung Quốc, song nó đưa ra được một bằng chứng về thú ưa chuộng uống trà của chúng tôi.

Phải nói rằng tôi không hoàn toàn chia sẻ hứng thú uống trà của dân tộc tôi. Trong xã hội Tây Tạng, trà truyền thống được uống có vị mặn, bơ dùng thay cho sữa. Những thứ này tạo ra một thứ đồ uống ngon và bổ dưỡng nếu như được chuẩn bị tốt, nhưng hương vị của trà lại do chất lượng bơ quyết định. Bếp ăn trong cung điện Potala thường được cung cấp bơ tươi có kem, trà pha tuyệt vời. Nhưng đó chỉ là thời gian duy nhất trước đây khi tôi còn uống trà Tây Tạng. Hiện nay tôi thường uống trà pha theo kiểu Anh vào buổi sáng và buổi tối. Buổi chiều, tôi uống nước nóng, một thói quen có được khi tôi ở Trung Quốc vào năm 1950. Dù vị nó nhạt nhẽo, nhưng thực ra uống nước nóng rất có lợi cho sức khỏe. Trong y học Tây Tạng, nước nóng được coi là phương thuốc đầu tiên.

Sau giờ uống trà, hai vị sư tsenshap tới, tôi dành hơn một tiếng đồng hồ để tranh luận những câu hỏi có tính chất trừu tượng, ví dụ như “Thế nào là bản chất của tư duy?”. Cuối cùng, nỗi cơ cực của một ngày cũng kết thúc vào quãng năm giờ rưỡi. Tôi không thể đưa ra thời gian chính xác vì người Tây Tạng không quá quan tâm về giờ giấc như một số dân tộc khác, mọi việc có khuynh hướng bắt đầu và kết thúc mỗi khi thuận tiện. Sự vội vã là một điều cần luôn luôn tránh xa.

Khi các trợ giáo về hết, tôi vội vã trèo lên mái nhà với một chiếc kính viễn vọng nếu như tôi ở trong cung điện Potala. Kính viễn vọng cho tôi thấy toàn cảnh mỹ lệ của thành phố Lhasa, từ trường Y Khoa Chakpori ngay kế bên tới Holy City (đô thị linh thiêng), đó là một phần của thủ đô nằm quanh ngôi chùa Jokhang ở phía xa. Tuy nhiên tôi rất hứng thú với làng Shol, trải dài mãi dưới chân quả đồi Đỏ (Red Hill). Vì ở đó là nhà tù quốc gia, lúc này là thời gian các tù nhân được phép đi lại trong sân nhà tù. Tôi coi họ như những người bạn, quan sát kỹ mọi hành động của họ. Họ biết điều này, khi họ nhìn thấy tôi họ đều quỳ lạy. Tôi nhận biết được tất cả bọn họ và luôn biết khi có người được tha hoặc có người mới vào. Tôi cũng thường kiểm tra những đống củi, cỏ khô ở sân bên trong.

Sau lúc quan sát là thời gian chơi trong nhà (ví dụ: vẽ chẳng hạn) trước khi bữa ăn chiều được mang tới sau bảy giờ tối. Bữa ăn gồm có trà (điều tất yếu), cháo, đôi khi có một chút thịt, sữa chua hay là so, cùng với nhiều loại bánh khác nhau mà mẹ tôi mới làm, tuần nào cũng gửi đến cho tôi. Loại bánh tôi ưa thích nhất là loại bánh làm theo kiểu Amdo, ổ bánh nhỏ, cùi cứng, ruột bánh nhẹ và xốp.

Thường xuyên tôi dùng bữa với một hoặc vài người trong số những người phục vụ. Tất cả bọn họ đều phàm ăn. Chiếc bát của họ lớn vừa đủ để đựng nổi cả một siêu nước pha trà. Có lúc tôi ăn cùng với một số vị sư ở tu viện Namgyal. Tuy nhiên tôi thường ăn với ba vị sư tùy tùng, đôi khi với ông Chikyab Khenpo, vị phụ trách nội vụ. Sự vắng mặt của vị này luôn luôn là những dịp rất náo nhiệt, rất vui. Tôi đặc biệt nhớ tới những bữa ăn tối mùa đông, chúng tôi ngồi gần lò lửa sưởi, ăn cháo bên ánh sáng ngọn đèn bơ nhảy múa và lắng nghe tiếng rên rỉ của gió tuyết nặng nề bên ngoài.

Sau bữa ăn tôi phải đi xuống bẩy đợt cầu thang ở bên trong sân sau, lẽ ra tôi phải vừa đi vừa tụng kinh, cầu nguyện tại đây. Nhưng do hãy còn bé và vô tư lự, tôi đã không làm như vậy. Thay vào đó, tôi dành thời giờ hoặc là nghĩ tới những câu chuyện linh tinh, hoặc dự đoán những chuyện gì sẽ được kể trước khi đi ngủ. Thông thường đó là những câu chuyện thuộc về một dạng bản chất siêu phàm, vậy là khoảng chín giờ tối có một vị Dalai Lama rón rén đi vào căn buồng ngủ tối tăm lúc nhúc sâu bọ. Một trong những câu chuyện hãi hùng có kể về một con cú khổng lồ ban đêm vồ lấy trẻ con. Truyện này dựa trên một bức tranh cổ vẽ trên tường trong ngôi chùa Jokhang. Câu chuyện khiến tôi rất ấn tượng khi ở trong nhà lúc trời xẩm tối.

Sinh hoạt của tôi ở cung điện Potala và Norbulingka rất đều đặn. Nó chỉ thay đổi khi có những ngày lễ quan trọng và khi tôi nhập thất ẩn tu. Trong thời gian ẩn tu, tôi được một vị trợ giáo tháp tùng, đôi khi lại là hai vị, hoặc các vị lama cao tuổi ở tu viện Namgyal. Thông thường tôi thực hành ẩn tu mỗi năm một lần vào mùa đông. Nói chung thời gian ẩn tu kéo dài chừng ba tuần lễ, trong thời gian đó tôi chỉ có một bài học ngắn, không được phép ra ngoài chơi, thời gian cầu nguyện rất dài, thực hành thiền dưới sự giám sát. Vì là một đứa bé con, tôi không phải lúc nào cũng thích thú với việc đó. Tôi dành nhiều thời gian nhìn ra ngoài qua một trong những tấm cửa sổ trong buồng ngủ. Cánh cửa phía bắc quay ra hướng tu viện Sera với dãy núi phía xa làm nền. Cánh cửa phía nam đối diện với đại sảnh mà những cuộc họp hành buổi sáng thường tổ chức tại đây.

Trong đại sảnh treo một bộ sưu tầm cổ kính vô giá những bức tranh thangka thêu trên lụa, mô tả cuộc đời của thánh Milarepa, một trong những bậc thầy tâm linh được yêu quý nhất ở Tây Tạng. Tôi thường ngước mắt lên nhìn những bức tranh đẹp đẽ này và tự hỏi xem chuyện gì đã xảy ra với các bức tranh đó.

Đến chiều tối, giai đoạn ẩn tu của tôi còn tồi tệ hơn ban ngày, lúc này là lúc những đứa trẻ bằng tuổi tôi bắt đầu dắt trâu về làng Shol bên dưới cung điện Potala. Tôi nhớ rất rõ tôi ngồi yên lặng đọc chú trong khung cảnh tĩnh lặng của ánh sáng mờ dần và nghe thấy tiếng hát của chúng khi chúng từ các cánh đồng cỏ gần đó trở về. Đôi khi tôi ước gì tôi có thể thay đổi vị trí với chúng. Nhưng dần dần tôi cảm nhận được giá trị của việc ẩn tu. Giờ đây tôi thiết tha mong muốn có được nhiều thời gian hơn nữa cho việc này.

Về cơ bản, do tôi tiếp thu nhanh nên không có vấn đề gì với các vị trợ giáo. Tôi có một tư duy khá tốt, tôi phát hiện ra điều này do đôi chút thành tựu đạt được khi thực tập với một số học giả xuất chúng người Tây Tạng. Nhưng chủ yếu tôi chỉ học tập chăm chỉ để tránh mọi sự rắc rối. Tuy nhiên có lần các vị trợ giáo bắt đầu lo lắng về sự tiến bộ của tôi. Cho nên ông Kenrap Tenzin tổ chức một cuộc thi thử, tôi phải so tài với ông Norbu Thondup, người phục vụ tôi ưa thích. Tôi không hề hay biết gì cả, còn Kenrap Tenzin lại cho Norbu Thondup biết trước mọi vấn đề, cuối cùng tôi bị thua cuộc. Tôi hoàn toàn bị choáng váng, nhất là sự thất bại của tôi bị công bố.

Kế hoạch đó đã thành công, trong một thời gian dài tôi học tập rất chuyên cần chỉ vì bực tức. Nhưng cuối cùng sự chuyên cần của tôi mòn mỏi, tôi bị tuột trở lại thói quen cũ. Cho tới khi trưởng thành và nhận thức được chương trình giáo dục dành cho mình quan trọng như thế nào, lúc đó tôi mới bắt đầu say mê một cách đúng đắn chương trình học tập của mình. Giờ đây tôi nuối tiếc sự lề mề trước đây và luôn luôn học tập tối thiểu bốn tiếng đồng hồ một ngày. Có một điều mà tôi nghĩ rằng điều này có thể tạo ra sự khác biệt trong những năm tháng đầu tiên đi học, đó là một sự tranh đua học tập thực sự. Bởi vì tôi không có bạn học cùng, tôi không có ai để so sánh.

Khi lên chín tuổi, tôi tìm thấy trong số những đồ vật của vị tiền nhiệm có hai chiếc máy quay phim quay tay đã cũ và rất nhiều cuộn phim. Lúc đầu, không ai tìm ra được người biết sử dụng nó. Cuối cùng, có một vị sư già người Trung Quốc, hồi còn là một cậu bé con, vị sư này đã được cha mẹ giao cho Đức Dalai Lama đời thứ Mười ba trong dịp ngài tới thăm Trung Quốc năm 1908, bây giờ vị sư đó cư trú lâu dài ở Norbulingka, vị này được phát hiện là một người giỏi về cơ khí. Ông là một con người hiền hậu, trung thực, có niềm sùng kính chuyên nhất đối với khuynh hướng tôn giáo của ông, dù rằng giống như nhiều người Trung Quốc khác, ông rất hay nổi nóng.

Một trong những cuốn phim đó là phim thời sự về lễ đăng quang của vua George gây ấn tượng rất mạnh cho tôi với hàng dãy, hàng dãy quân đội toàn thế giới mặc binh phục. Một số phim khác gồm cả kỹ xảo nhiếp ảnh rất hấp dẫn như một vũ nữ không biết làm sao lại từ trong quả trứng nhảy ra. Nhưng hay nhất vẫn là một phim tư liệu về mỏ vàng. Qua đó tôi thấy được việc làm ở mỏ vô cùng nguy hiểm, điều kiện làm việc của thợ mỏ rất gian khổ. Sau này mỗi khi tôi nghe tin về những vụ nổ của dạng công việc này (tôi thường được nghe trong những năm sau đó), tôi lại nghĩ tới cuốn phim đó.

Thật đáng tiếc, vị sư già người Trung Quốc, người mà chúng tôi trở thành bạn thân rất nhanh, ông chết sau khi tôi tìm thấy chiếc máy chiếu phim không lâu. Thật may, lúc đó tôi đã tìm ra cách tự mình sử dụng máy chiếu, qua việc này tôi có được những kiến thức đầu tiên về điện và hoạt động của máy phát. Điều đó trở nên rất có lợi khi tôi nhận được một món quà, một máy chiếu phim hiện đại có nguồn phát điện riêng, hình như là quà tặng của Hoàng gia Anh. Món quà này được gửi qua phái đoàn thương mại Anh quốc, và ông Reginald Fox, vị tham tán thương mại, ông tới hướng dẫn tôi cách sử dụng.

Do độ cao của quốc gia Tây Tạng, một số chứng bệnh khá phổ biến ở một số nơi trên thế giới thì lại không được biết tới. Tuy nhiên, có một căn bệnh bao giờ cũng nguy hiểm: bệnh đậu mùa. Khi tôi lên mười, người ta chỉ định một bác sĩ mới, hơi mũm mĩm, ông này dùng loại thuốc nhập khẩu chủng đậu cho tôi. Đó là một thực nghiệm đau đớn kinh khủng, ngoài việc nó để lại bốn vết sẹo trên cánh tay tôi, nó còn gây ra đau đớn và sốt kéo dài chừng một tuần lễ. Tôi nhớ lại mình phàn nàn rất nhiều về “lão đốc tờ béo” ấy.

Người bác sĩ riêng của tôi lúc đó có biệt hiệu là Bác sĩ Lê Nin vì chòm râu dê của ông ta. Ông là một người bé nhỏ, thèm ăn ghê gớm và có bộ điệu rất khôi hài. Tôi đặc biệt đánh giá cao về kỹ năng kể chuyện của ông. Cả hai ông này được đào tạo theo hệ y học Tây Tạng cổ truyền, tôi sẽ nói thêm về hệ thống y học này trong một chương sau.

Cũng năm tôi lên mười, chiến tranh thế giới kéo dài trong năm năm trời đã kết thúc. Tôi biết rất ít về sự kiện này cho tới khi chiến tranh chấm dứt, chính quyền Tây Tạng gửi một phái đoàn mang lễ vật và lời chúc mừng tới chính phủ Vương quốc Anh ở Ấn Độ. Phái đoàn được phó vương Wavell đón tiếp. Năm sau đó, một đại biểu đại diện cho quốc gia Tây Tạng được gửi tới Ấn Độ dự hội nghị quan hệ Châu Á.

Đầu mùa xuân năm 1947, một chuyện không hay xảy ra, sự kiện này là một hình ảnh thu nhỏ hướng phát triển của đất nước, trong đó mục đích vị kỷ vì lợi ích cá nhân của những nhân vật cao cấp đã tác động tới định mệnh quốc gia.

Một hôm, trong khi theo dõi tranh luận, tôi nghe thấy tiếng súng. Tiếng súng từ phương bắc vọng lại, hướng tu viện Sera. Tôi chạy vội ra ngoài, hồi hộp với ý định làm một cái gì đó bằng chiếc ống nhòm. Hơn nữa, ngay lúc đó tôi rất hoang mang khi nhận thấy rằng bắn nhau là chết chóc. Thành ra là Reting Rinpoché, người được thông báo đã ngừng hoạt động chính trị sáu năm trước đây, ông quyết định giành lại vai trò Nhiếp chính. Ông được một số các nhà sư và nhân viên chính phủ ủng hộ, họ tổ chức âm mưu chống lại Tathag Ripoché. Kết quả là Reting Ripoché bị bắt, một số lớn những người theo ông bị chết.

Sau đó người ta đưa Reting Rinpoché về cung điện Potala, ông yêu cầu được gặp tôi. Tiếc thay, nhân danh tôi, yêu cầu này đã bị từ chối và sau một thời gian ngắn, ông chết trong tù. Là một thiểu số, đương nhiên tôi có rất ít cơ hội liên quan tới những vấn đề luật pháp, nhưng nhìn lại, đôi khi tôi tự hỏi mình trong trường hợp này, phải chăng tôi đã không làm được một cái gì. Nếu như bằng cách nào đó tôi can thiệp vào việc này, rất có thể sự tàn phá tu viện Reting, một trong những tu viện đẹp nhất, cổ kính nhất của Tây Tạng, đã được ngăn chặn. Nhìn chung toàn bộ vụ việc đều ngớ ngẩn. Dẫu sao, bất chấp những lầm lỗi của ông, tôi vẫn giữ trọn niềm tôn kính cá nhân đối với Reting Rinpoché, vị trợ giáo đầu tiên, vị guru, một bậc thầy cao quý. Sau cái chết của ông, tên ông bị gạch ra khỏi tên tôi, cho tới khi tôi phục hồi lại cái tên đó sau hàng bao năm trời do hướng dẫn của tiên tri.

Sau sự kiện không vui đó, tôi đi cùng với Tathag Rinpoché tới tu viện Drepung và Sera (những tu viện này nằm tách biệt cách Lhasa khoảng năm dặm về phía tây và nửa dặm về phía bắc). Lúc này Drepung là tu viện lớn nhất thế giới có trên bảy ngàn vị sư. Tu viện Sera cũng không ít hơn với năm ngàn vị. Cuộc thăm viếng này đánh dấu lần xuất hiện đầu tiên của tôi trước công chúng dưới danh nghĩa là một nhà biện chứng. Tôi phải tranh luận với các tu viện trưởng của ba trường đào tạo thuộc tu viện Drepung và hai trường đào tạo thuộc tu viện Sera. Do những biến động gần đây, mọi biện pháp tăng cường an ninh được thực hiện khiến tôi cảm thấy khó chịu. Hơn nữa, lần đầu tiên trong đời gặp các vị học giả uyên bác vĩ đại, tôi rất sợ hãi. Tuy vậy, không hiểu tại sao cả hai vị rất quen thuộc đối với tôi và tôi cảm nhận được một số mối liên quan nào đó trong tiền kiếp. Cuộc tranh luận được điều khiển trước hàng trăm vị sư và tiến hành tương đối tốt, bất chấp nỗi lo lắng của tôi.

Đồng thời, cũng trong thời gian này, tôi được Tathag Rinpoché hướng dẫn giáo lý đặc biệt của vị Dalai Lama thứ năm, dạng giáo lý chỉ dành riêng cho các Dalai Lama. Giáo lý này được vị Dalai Lama vĩ đại đời thứ năm tiếp nhận bằng linh ảnh. Trong những tuần sau đó, tôi có được khá nhiều những thực nghiệm không bình thường, đặc biệt dưới dạng những giấc mơ, dù rằng vì một lý do nào đó chúng có vẻ không có ý nghĩa, song tôi thấy chúng rất quan trọng.

Một trong những bù đắp của cuộc sống tại cung điện Potala, đó là trong cung điện có vô vàn các kho chứa đồ. Đối với một đứa bé, những phòng này còn thích hơn cả các kho chứa vàng bạc, chứa các đồ tạo tác tôn giáo vô giá, còn thích hơn cả những ngôi mộ rộng rãi khảm nạm đầy đồ trang sức thuộc về các vị tiền nhiệm của tôi trong khu mộ. Tôi rất thích kho vũ khí với những bộ sưu tầm các thanh kiếm cổ, súng bắn bằng đá lửa và áo giáp. Nhưng ngay cả những thứ đó cũng chẳng là cái gì so với một số vật dụng thuộc vị tiền nhiệm của tôi. Trong đống đồ, tôi tìm thấy một cái súng hơi đã cũ, bia tập bắn và đạn dược, ống nhòm, thứ mà tôi đã nói tới trước đây, chưa kể tới một chồng sách dày có minh họa viết bằng tiếng Anh về đại chiến thế giới lần thứ nhất. Những thứ này hấp dẫn tôi, chúng gồm nhiều bản vẽ mẫu tàu thủy, xe tăng và máy bay hiện đại mà tôi đã làm ra. Khi tôi lớn lên, tôi có một số bản được dịch ra Tạng ngữ.

Tôi cũng tìm thấy hai đôi giầy kiểu châu Âu. Dù cho đôi chân quá bé, tôi vẫn xỏ vào để đi, và nhét một ít vải vào mũi giầy cho vừa. Tôi rùng mình với tiếng động do đôi giầy phát ra bởi gót giày nặng nề bọc sắt.

Như những trẻ em khác, một trong những thứ tôi thích nhất, đó là việc tháo rời đồ đạc ra rồi lắp nó lại. Tôi rất thạo việc đó. Tuy nhiên, ban đầu tôi không luôn luôn thành công với những cố gắng của mình. Có một thứ tôi vô tình tìm ra trong những vật cũ của người tiền nhiệm, đó là một chiếc hộp âm nhạc (musical box) của Nga hoàng, người có thời kỳ là bạn của vị tiền nhiệm. Chiếc hộp đó không còn hoạt động nữa, cho nên tôi quyết định chữa lại. Tôi thấy cái dây cót chính bị vặn quá chặt và kẹt lại. Khi mở hộp ra bằng chiếc xoáy vít, cái hộp bất thình lình bung ra, dây cót xổ tung, những mảnh kim loại nhỏ bé tạo âm thanh văng tung tóe. Tôi không bao giờ quên được cái âm hưởng mãnh liệt khi những mảnh nhỏ bay tứ tán khắp căn buồng. Mỗi khi nghĩ lại chuyện này, tôi thấy rằng mình thật may mắn không bị mù. Lúc nghịch vớ vẩn với cái món cơ học đó, mặt tôi kề ngay sát chiếc hộp. Sau này trong cuộc đời tôi lại mắc sai lầm với Moshe Dayan!

Tôi rất biết ơn ngài Thupten Gyatso, vị Dalai Lama đời thứ mười ba, vì ngài được tặng vô số món quà quý. Có rất nhiều người phục vụ ngài ở cung điện Potala khi sinh thời, qua họ tôi được biết một số điều về cuộc đời ngài. Tôi biết rằng ngài không chỉ là một bậc thầy tâm linh trình độ rất cao mà còn là một nhà lãnh đạo thế giới đời thường nhìn xa trông rộng. Tôi cũng biết rằng đã hai lần ngài phải tha hương vì ngoại xâm, lần thứ nhất vào năm 1903, chính quyền Anh phái quân đội do đại tá Younghusband thống lãnh xâm chiếm, lần thứ hai do nhà Thanh vào năm 1910. Lần thứ nhất, quân Anh tự động rút lui, lần thứ hai, quân đội Mãn châu bị đánh bật năm 1911-1912.

Vị tiền nhiệm của tôi cũng rất quan tâm tới nền kỹ thuật hiện đại. Trong những thứ ngài nhập khẩu cho Tây Tạng có một nhà máy phát điện, một xưởng đúc tiền để đúc và in những đồng tiền giấy đầu tiên của TâyTạng, cùng với ba chiếc ô tô. Những thứ này là một ấn tượng đối với Tây Tạng. Thời gian đó cả nước không có phương tiện di chuyển bằng bánh xe. Ngay cả loại xe chở hàng do ngựa kéo cũng gần như không được biết. Tất nhiên người ta biết chúng là gì, nhưng do cấu tạo địa hình Tây Tạng nên súc vật là thể loại thực tiễn nhất của hình thức vận chuyển.

Thupten Gyatso cũng nhìn xa trông rộng theo một quan điểm khác. Sau thời kỳ tha hương lần thứ hai, ngài thu xếp cho lứa tuổi trẻ người Tây Tạng được gửi sang Vương quốc Anh học tập. Chương trình thử nghiệm thành công mỹ mãn, các em học tập rất tốt, được Hoàng gia Anh tiếp đón, nhưng đáng tiếc là không có gì tiến triển xa hơn. Nếu như chương trình gửi các em du học được thực hiện thường xuyên, chắc chắn tình hình Tây Tạng ngày hôm nay sẽ hoàn toàn khác. Còn về chương trình cải cách quân đội của Đức Dalai Lama thứ mười ba, điều ngài nhận thấy là rất thiết yếu, chương trình này có vẻ như có kết quả mỹ mãn, nhưng sau khi ngài mất, chương trình này không được duy trì.

Một kế hoạch khác của ngài là kế hoạch kiện toàn lại bộ máy đại diện chính quyền Lhasa ở tỉnh Kham. Ngài nhận thấy rằng do khoảng cách địa lý xa xôi với Lhasa, tỉnh Kham đặc biệt bị chính quyền trung ương quên lãng. Vì thế ngài đề xuất ý kiến con em các thủ lĩnh địa phương cần được đưa tới Lhasa đào tạo rồi trở về vị trí trong chính quyền địa phương. Ngài cũng muốn cổ động việc tuyển mộ tân binh địa phương cho quân đội. Nhưng thật đáng tiếc do tính trì trệ của bộ máy chính quyền, cả hai kế hoạch đều không được thực hiện.

Tầm nhìn xa về chính trị của Đức Dalai Lama cũng thật phi thường. Trong văn bản cuối cùng ngài cảnh báo về những vấn đề sau, trừ phi có một sự thay đổi căn bản.

Điều có thể xảy ra ở Tây Tạng, là tôn giáo và chính quyền sẽ bị tấn công từ cả phía bên trong lẫn bên ngoài. Trừ phi chúng ta bảo vệ đất nước của chúng ta, nếu không thì ngay bây giờ các vị Dalai Lama và Panchen Lama, Cha và Con, tất cả những người nắm giữ niềm tin một cách tôn kính, họ sẽ biến mất mà không còn ai biết tới. Sư sãi và tu viện bị tàn phá. Mọi quy tắc về luật lệ bị sói mòn. Đất đai, tài sản của các nhân viên chính phủ bị chiếm hữu. Bản thân họ bị buộc phải phục vụ kẻ thù hoặc là lang thang như kẻ ăn mày. Mọi sinh linh sẽ bị nhấn chìm trong nỗi khó khăn ghê gớm, tràn đầy sợ hãi, ngày và đêm kéo dài lê thê trong đau khổ.

Sau Dalai Lama, vị Panchen Lama đề cập trong văn bản này là người lãnh đạo tâm linh cao nhất của Phật giáo Tây Tạng. Theo truyền thống, nơi làm việc của vị đó ở tu viện Tashilumpo thuộc thành phố Shigatse, thành phố lớn thứ hai của Tây Tạng.

Về phương diện cá nhân, DalaiLama thứ mười ba là một con người đơn giản, ngài bỏ đi nhiều truyền thống cũ kỹ. Ví dụ, thông thường, khi Dalai Lama rời khỏi nơi làm việc, bất kỳ người phục vụ nào xung quanh cũng phải đi ra. Ngài nói rằng quy định này tạo ra những phiền toái không cần thiết cho mọi người khiến ngài ngần ngại, vì thế ngài hủy bỏ luật lệ đó.

Hồi còn nhỏ, tôi được nghe kể rất nhiều chuyện mô tả tính thực tế của ngài. Một người đàn bà già kể cho tôi nghe câu chuyện sau. Bà có con trai là một nhà sư ở tu viện Namgyal, lúc đó có một ngôi nhà mới được xây ngay trên nền đất tu viện. Như thường lệ, tất cả mọi người đều đến đặt một viên đá làm nền móng, đánh dấu sự tôn kính và ước vọng tốt lành. Một hôm, một người dân du mục từ xa tới (cha của người kể cho tôi nghe câu chuyện này) xin tham gia. Ông có một con lừa rất khó bảo, ngay khi ông vừa mới quay đi để cúng dâng, con lừa chạy lồng lên. Thật may mắn, có một người đang đi ngược chiều. Người du mục gọi to người đó nhờ người này giữ nó lại. Người lạ mặt nắm được con lừa rồi đưa nó cho ông ta. Người du mục trước tiên hết sức vui mừng, rồi ngạc nhiên sững sờ, vì người vừa giúp ông không phải là ai khác mà chính là Đức Dalai Lama.

Nhưng Dalai Lama cũng là một người rất nghiêm khắc. Ngài cấm hút thuốc trong cung điện Potala và Norbulingka. Tuy nhiên, có một lần khi ngài ra ngoài và tới nơi thợ xây đá đang làm việc. Nhóm thợ không trông thấy ngài, họ đang nói chuyện. Một người thợ phàn nàn về việc cấm hút thuốc, người đó nói rằng lúc người ta mệt mỏi, đói khát, hút thuốc là một điều tốt. Rồi anh ta nhai một dúm thuốc lá. Khi nghe thấy nhóm thợ nói chuyện này, Đức Dalai Lama lặng lẽ quay đi không để cho họ biết.

Song việc này không có nghĩa là lúc nào ngài cũng khoan dung. Nếu tôi có điêù gì bình luận về ngài, đó là điều tôi cảm thấy ngài hơi quá độc đoán. Ngài cực kỳ khắt khe với các nhân viên cao cấp, trừng phạt nghiêm khắc về mọi sai lầm nhỏ nhất. Ngài chỉ dành lòng quảng đại của mình đối với những con người bình thường.

Thành tựu lớn nhất của Thupten Gyatso trong lĩnh vực tâm linh có liên quan tới sự cống hiến của ngài về vấn đề tiêu chuẩn học bổng trong tu viện (có trên sáu ngàn tu viện trong toàn cõi Tây Tạng). Để làm được việc này, ngài dành ưu tiên cho những vị sư có nhiều khả năng, dù họ còn trẻ tuổi. Đồng thời ngài tự mình phong chức cho hàng ngàn vị sư. Tính đến năm 1970, phần lớn các sư trưởng được ngài làm lễ thụ phong tỳ kheo (bikshu).

Khi bước vào tuổi hai mươi, tôi bắt đầu được chính thức cư trú tại cung điện Potala. Hàng năm vào đầu xuân, tôi chuyển tới Norbulingka, rồi trở lại cung điện Potala lúc chớm đông. Ngày tôi rời bỏ căn buồng tối tăm trong cung điện Potala chắc chắn đó là một trong những ngày tôi thích nhất. Bắt đầu bằng một buổi lễ kéo dài chừng hai giờ đồng hồ (đối với tôi nó dài vô tận), rồi tới cuộc diễu hành mà tôi không quan tâm nhiều lắm. Tôi thích đi bộ và thưởng thức phong cảnh đồng quê hơn, vẻ đẹp tự nhiên tươi mát tràn ngập như mới bắt đầu bộc lộ trong những chồi non thanh tú.

Trò tiêu khiển ở Norbulingka thật là vô tận. Norbulingka là một công viên rộng rãi có tường cao bao bọc, trong công viên có nhiều nhà dành cho các gia đình viên chức. Cũng có một bức tường phía bên trong, gọi là “Bức tường màu vàng”, sau bức tường này chỉ có Dalai Lama, những người trực tiếp trông nom nơi ở, và một số vị sư được phép đi lại. Phía bên kia bức tường là một dãy nhiều nhà, gồm cả nhà riêng của Dalai Lama, xung quanh ngôi nhà là một hoa viên cắt tỉa gọn gàng.

Tôi sung sướng hàng giờ dạo quanh khu vườn đẹp đẽ, quan sát súc vật và chim chóc sinh sống. Trong những con thú ở đây, đôi khi có một bầy hươu xạ hương đã được thuần hóa, tối thiểu sáu con dogkhyi, một loại chó tai cụp khổng lồ ở Tây Tạng dùng làm chó bảo vệ, một con chó Bắc Kinh từ Khumbum gửi tới, vài con dê núi, một con khỉ, mấy con lạc đà Mông cổ, hai con báo, một con hổ già buồn bã (những con thú này tất nhiên đều được nhốt lại), khá nhiều vẹt, chừng sáu con công, vài con sếu, một cặp ngỗng vàng, và độ ba mươi con ngỗng Canada phiền muộn, cánh của chúng bị kẹp lại để chúng khỏi bay đi. Tôi cảm thấy buồn thay cho chúng.

Có một con vẹt rất thân với Kenrap Tenzin, vị thầy y phục của tôi. Ông thường cho nó ăn hạt dẻ. Khi con vẹt nhặt hạt từ ngón tay ông, ông thường vuốt đầu nó, lúc này con vẹt có vẻ như rơi vào trạng thái khoái cảm. Tôi thèm muốn thứ tình bạn này và nhiều lần cố giành lấy một sự đáp ứng tương tự, song không hiệu quả. Cho nên tôi dùng một cái que trừng phạt nó. Tất nhiên từ đó trở đi khi trông thấy tôi, nó bay mất. Đó là một bài học tốt về cách tạo ra một tình bạn: tình bạn không thể có được bằng sức mạnh, mà phải do lòng nhân từ.

Ling Rinpoché cũng có mối quan hệ tốt đẹp như vậy đối với khỉ. Nó chỉ thân thiện với ông. Ông thường lấy đồ ăn từ trong túi ra cho nó, nên mỗi khi con khỉ thấy ông tới, nó chạy ngay lại và bắt đầu móc tất cả những túi áo choàng của ông.

Tôi may mắn hơn một chút trong việc kết bạn với cá ở một cái hồ rộng, đầy đủ mọi thứ. Tôi thường đứng ở ven hồ để gọi chúng. Khi chúng nghe lời, tôi thưởng cho chúng một miếng bánh nhỏ và pa. Tuy nhiên chúng hay có khuynh hướng không vâng lời, đôi khi còn lờ cả tôi đi. Nếu chuyện đó xảy ra, tôi nổi cáu và thay vì cho chúng thức ăn, tôi mở một trận pháo kích bằng sỏi đá. Nhưng khi chúng lại gần, tôi rất cẩn thận quan sát xem những con cá nhỏ đã có phần chưa. Nếu cần thiết, tôi dùng một cái que để xua những con lớn hơn tránh ra.

Một hôm, trong khi đang chơi bên hồ, tôi nhìn thấy một mảnh gỗ nổi bập bềnh ngay sát dìa nước. Tôi cố gắng nhấn chìm miếng gỗ bằng cái que đuổi cá. Điều tôi biết sau đó, là mình nằm dài trên bãi cỏ ngắm nhìn những ngôi sao. Tôi đã ngã xuống nước và bắt đầu chìm nghỉm. Thật là may, một trong những người phục vụ, một cựu quân nhân sinh trưởng ở miền cực tây Tây Tạng, ông để ý đến tôi và cứu tôi.

Một nét hấp dẫn nữa ở Norbulingka vì tu viện này ở gần nhánh sông Kyichu, ngay phía sau bức tường bên ngoài, chỉ mất vài phút đi bộ. Là một đứa bé, tôi thường lẻn đi vi hành cùng với một người phục vụ tới gần bờ sông. Đầu tiên người ta bỏ qua chuyện này, nhưng cuối cùng Tathag Rinpoché ra lệnh cấm. Thật không may, mọi nghi lễ liên quan tới Dalai Lama đều được thực hiện một cách chính xác. Tôi bắt buộc phải giấu mặt giống như một con cú. Thực ra, chủ nghĩa bảo thủ của xã hội Tây Tạng thời đó là như vậy, đối với các vị bộ trưởng, các vị nhìn xuống phố mà để người ta thấy được là một hành vi không lịch sự.

Ở Norbulingka cũng như ở cung điện Potala, tôi dành phần lớn thời gian chơi với những người làm công việc dọn dẹp. Dù còn rất trẻ, tôi không thích nghi lễ cầu kỳ mà chỉ ưa bầu bạn với các người phục vụ, ví dụ, những người phục vụ các thành viên chính phủ. Tôi đặc biệt thích gặp người phục vụ cha mẹ tôi, tôi dành nhiều thời gian với họ mỗi khi sang nhà cha mẹ. Họ phần lớn là người Amdo và tôi rất thích nghe những mẩu chuyện về làng tôi cùng những vùng quê lân cận.

Tôi cũng rất thích tham gia trong việc đột kích kho thực phẩm của cha mẹ tôi. Những lúc này họ đều hết sức vui vẻ với tôi vì một lý do hiển nhiên, đó là một hành động có ích lợi tương hỗ. Thời gian tốt nhất cho các cuộc đột nhập là vào cuối mùa thu, lúc này trong kho luôn luôn có thịt khô mới, chúng tôi chấm với tương ớt. Tôi ưa chuộng món này đến nỗi có lần tôi ăn quá nhiều, sau đó đau bụng. Khi tôi cong người nôn ọe tứ tung, Kenrap Tenzin bắt gặp và đưa ra những lời động viên tôi, đại khái như “Thế đấy, hãy dậy đi. Điều này tốt cho anh. “Tôi cảm thấy bẽ bàng đến nỗi không thể nói nổi một lời cảm ơn về sự quan tâm của ông.

Dù có là Dalai Lama, những người phục vụ cha mẹ vẫn coi tôi là một đứa bé giống như khi họ cư xử với mọi trẻ em khác, ngoại trừ những lúc nghi lễ. Tôi không được đối xử đặc biệt, không có ai phải sợ hãi khi nói những ý nghĩ của họ với tôi. Qua đó, ngay ở lứa tuổi nhỏ tôi cũng biết được rằng đối với người dân tôi, cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tương tự, những người phục vụ nói với tôi về họ một cách thoải mái, về những điều không công bằng họ phải gánh chịu dưới bàn tay các viên chức hành chính, các vị lama cao cấp. Họ cũng để tôi tiếp xúc với những chuyện tầm phào hàng ngày. Đó là những câu chuyện được thể hiện dưới hình thức lời hát, trường ca mà người ta hát khi làm việc. Vậy thì, dù cho tuổi ấu thơ của tôi khá là đơn độc, dù cho Tathag Rinpoché cấm tôi về nhà khi tôi mười hai tuổi, thời niên thiếu của tôi tối thiểu cũng không giống như thái tử Siddhartha hoặc là Phổ Nghi, vị hoàng đế cuối cùng của đất nước Trung Quốc. Ngoài ra, khi lớn lên tôi còn được tiếp xúc với nhiều nhân vật đáng quan tâm.

Thời gian này có chừng mười người Âu sống ở Lhasa. Tôi không gặp một ai cả cho tới khi anh Lobsang Samten đưa ông Heinrich Harrer tới, lúc đó tôi mới có cơ hội biết một inji, một người Âu theo cách gọi của người Tây Tạng

Trong số những người Âu châu cư trú ở thủ đô hồi tôi lớn lên có ngài Basil Gould, trưởng đoàn phái bộ thương mại Anh Quốc, và người kế vị ông ta, ông Hugh Richardson, người đã viết những cuốn sách về Tây Tạng, người tôi có nhiều cuộc tranh luận hữu ích trong lúc tha hương. Cùng với Reginal Fox còn có một vị thầy thuốc người Anh tôi không nhớ tên. Tuy nhiên tôi không bao giờ quên có lần ông này được triệu tới Norbulinhka để chữa bệnh cho một con công có cái u dưới mắt. Tôi chăm chú nhìn ông, hứng thú lắng nghe khi ông nói với con công bằng một giọng an ủi, ông sử dụng cả thổ ngữ Lhasa và Tạng ngữ rất trịnh trọng (hai dạng ngôn ngữ này là hai thứ ngôn ngữ hầu như khác biệt). Ông làm tôi hết sức ngạc nhiên như một chuyện kỳ quái khi người đàn ông xa lạ này gọi con công là “Ngài công”.

Heinrich Harrer là một người khá hấp dẫn với mái tóc màu hạt dẻ mà trước đây tôi chưa bao giờ được gặp. Tôi đặt biệt danh cho ông là Gopse: “chiếc đầu màu vàng”. Ông mang quốc tịch Úc, bị bắt trong trận thế chiến thứ hai và trở thành tù binh của người Anh ở Ấn độ. Nhưng không biết thế nào mà ông trốn thoát được cùng với một người bạn tù tên là Peter Aufschnaiter. Họ cùng đi tới Lhasa. Đó là một thành công lớn, vì ngoại trừ một vài trường hợp hãn hữu, Tây Tạng chính thức không chấp nhận người nước ngoài. Trước khi tới thủ đô Lhasa, họ sống như dân du cư suốt năm năm trời. Khi đến nơi, dân chúng rất ấn tượng vì lòng dũng cảm, kiên trì của họ, nên chính quyền cho phép họ cư trú. Lẽ tự nhiên, tôi là một trong những người đầu tiên nghe tin họ tới, tôi tò mò muốn biết họ trông ra làm sao, đặc biệt Harrer, người nhanh chóng nổi tiếng là một con người khá thú vị và dễ hòa đồng.

Heinrich Harrer nói tiếng Tây Tạng thông dụng rất thành thạo, có một vẻ hài hước tuyệt vời, song ông luôn được kính trọng, được đối xử nhã nhặn. Khi tôi hiểu ông nhiều hơn, ông trở nên thẳng thắn, bỏ hẳn lối xã giao, ngoại trừ trường hợp lúc nhân viên của tôi có mặt. Tôi đánh giá rất cao phong cách này. Tôi cho rằng lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau vào năm 1948, và trước khi ông rời khỏi Tây Tạng chừng một năm rưỡi, tôi thường xuyên gặp ông mỗi tuần một lần. Qua ông, tôi học được một đôi điều về thế giới bên ngoài, đặc biệt là Âu châu với cuộc chiến gần đây. Ông giúp tôi về môn Anh ngữ, môn học tôi mới bắt đầu cùng với một trong các nhân viên. Tôi đã biết những chữ cái và phiên âm sang tiếng Tây Tạng, tôi thiết tha muốn học nhiều hơn. Ông Harrer còn hỗ trợ tôi trong một số công việc thực tiễn.

Ví dụ, ông giúp tôi sử dụng cái máy phát điện mà người ta tặng cùng với máy chiếu phim. Hóa ra đó là một cái máy quá cũ và hư hỏng. Tôi thường tự hỏi rằng tại sao các nhân viên người Anh không giữ cái máy của tôi, đưa cho tôi cái máy cũ của họ!

Một cảm xúc mạnh mẽ của tôi trong thời gian này, đó là cảm xúc đối với ba chiếc ô tô mà vị Dalai Lama thứ mười ba nhập khẩu vào Tây Tạng. Dù đường xá không tốt lắm, nhưng đôi khi ngài sử dụng nó để đi lại trong Lhasa tới khi ngài mất. Sau đó nó không được dùng tới và bị hỏng. Bây giờ ba chiếc xe này để trong một căn nhà ở Norbulingka. Có một chiếc là xe Dodge của Mỹ, hai chiếc kia đều là Baby Austin. Tất cả thuộc kiểu xe vào cuối năm 1920. Đồng thời cũng có một chiếc Willy jeep của phái đoàn thương mại Tây Tạng được tặng khi họ sang Mỹ năm 1948, chiếc xe này rất hiếm sử dụng.

Cùng với máy chiếu phim, tôi phải mất một thời gian để tìm ra người biết về xe hơi. Nhưng tôi quyết định những chiếc xe cần được sử dụng trở lại. Cuối cùng họ cũng tìm ra người lái xe, Tashi Tsering, một con người nóng nảy, gốc ở Kalimpong, phía nam gần biên giới Ấn độ. Cả hai chúng tôi cùng sửa xe, cuối cùng chúng tôi tháo rỡ một chiếc Austin để lấy đồ cho chiếc xe kia chạy. Hai xe Dodge và Jeep tình trạng khá hơn, chúng hoạt động ngay sau khi sửa chữa qua loa.

Tất nhiên, khi xe chạy được, tôi không được phép loanh quanh ở đó. Nhưng điều này quá sức tôi nên một hôm, khi biết người lái xe đi vắng, tôi quyết định lấy một chiếc để lái đi. Hai chiếc Dodge và Jeep cần chìa khóa để mở mà người lái lại giữ. Tuy nhiên, chiếc Baby Austin phát động được bằng động cơ từ (magneto), nó có thể khởi động bằng dụng cụ quay tay (ma ni ven).

Rất thận trọng, tôi lùi ra khỏi nhà xe, lái một vòng quanh vườn. Thật không may, khu vườn Norbulingka có quá nhiều cây cối, ngay sau đó tôi đâm sầm vào một cái cây. Trong cơn hốt hoảng, tôi trông thấy một kính đèn phía trước vỡ tan. Trừ phi tôi sửa được nó trong ngày hôm đó, còn không thì việc lái xe đi chơi sẽ bị người lái xe phát hiện, tôi sẽ gặp rắc rối.

Tôi cố gắng cho xe trở lại mà không gây ra thêm một hư hỏng nào nữa, rồi lập tức sửa ngay cái đèn vỡ. Tôi hãi hùng thấy đây không phải là một thứ kính thông thường mà là loại kính tráng thiếc. Nên dù cố gắng tìm được đủ mảnh vỡ để ráp lại, tôi vẫn phải đối phó với vấn đề ghép được chúng như cũ. Sau rốt, tôi hoàn thành công việc này bằng cách lấy đường cô đặc bôi bẩn chiếc đèn. Cuối cùng, tôi rất hài lòng với công việc khéo tay của mình. Song dù thế nào đi chăng nữa, tôi cực kỳ hối hận khi nhìn thấy người lái xe. Tôi chắc rằng ông ta phải biết việc này, hoặc tối thiểu ông có thể hiểu ra vấn đề. Nhưng ông không nói một lời nào. Tôi không bao giờ quên Tashi Tsering. Hiện nay ông vẫn còn sống tại Ấn Độ, và dù rất ít khi gặp ông, tôi vẫn coi ông là một người bạn tốt.

Lịch Tây Tạng hết sức phức tạp, dựa trên cơ sở nguyệt lịch. Đồng thời, thay cho cách tính một thế kỷ là một trăm năm, chúng tôi tuân theo một chu kỳ sáu mươi năm, từng phần của nó được ấn định cho một trong năm tố chất theo thứ tự sau: đất (thổ), không khí (mộc), lửa (hỏa), nước (thủy) và sắt (kim). Mười hai con vật cũng sắp xếp theo thứ tự: chuột (tí), trâu (sửu), hổ (dần), thỏ rừng (mão), rồng (thìn), rắn (tỵ), ngựa (ngọ), cừu (mùi), khỉ (thân), chim (dậu), chó (tuất) và lợn (hợi). Mỗi một tố chất xảy ra hai lần, đầu tiên là nam tính (dương), sau là nữ tính (âm). Những tố chất kết thúc trong thời hạn mười năm. Rồi tố chất đầu tiên lại kết hợp với con vật thứ mười một và thứ mười hai, tố chất thứ hai kết hợp với con vật thứ mười ba, mười bốn, cứ thế tiếp tục. Ví dụ, theo lịch Tây Tạng, năm 2000 là năm con rồng sắt (năm Canh thìn, hành kim).

Hàng thế kỷ trước đây, Tây Tạng bị Trung Hoa xâm chiếm, mùa màng được đánh dấu bằng những ngày lễ hội. Thông thường các lễ hội này mang một ý nghĩa có tính chất tôn giáo, nhưng chúng được sư sãi và thường dân tổ chức. Đối với người dân, đây là thời gian ăn uống, ca hát vui chơi, kết hợp xen kẽ từng đợt cầu nguyện.

Một trong những sự kiện trọng đại nhất là ngày Tết, hay gọi là losar, xảy ra vào khoảng tháng Hai hoặc tháng Ba dương lịch. Đối với tôi, ý nghĩa đặc biệt của ngày đó là cuộc gặp gỡ giữa tôi với Nechung, vị tiên tri của nhà nước. Tôi sẽ trình bày vấn đề này trong một phần sau, nhưng về cơ bản cuộc gặp gỡ này cho tôi và chính quyền cơ hội tư vấn Dorje Drakden, vị Hộ Pháp, vị thần hộ mệnh của Tây Tạng, về các vấn đề của năm tới, cuộc tư vấn được thực hiện qua một người đồng tử, hoặc kuten.

Có một ngày lễ mà tôi có nhiều cảm xúc lẫn lộn, đó là Monlam, ngày lễ đại cầu nguyện, ngay sau lễ losar, lý do vì là Dalai Lama, dù rằng ít tuổi, tôi vẫn phải tham gia vào cuộc lễ quan trọng nhất này. Vấn đề tồi tệ của Monlam là do bụi bậm, tôi bắt buộc phải chịu đựng những đợt cúm dữ dội, giống như hiện nay, mỗi khi tôi tới Bodh Gaya ở Ấn Độ. Bởi vì tôi phải ở một trong những căn buồng tại ngôi chùa Jokhang, những căn buồng còn hoang phế hơn cả căn buồng của tôi ở cung điện Potala.

Khóa lễ, hoặc gọi là puja mà tôi rất sợ, khóa lễ này bắt đầu vào buổi chiều sau hai tuần của lễ Monlam. Nó gồm một bản thuyết trình dài về cuộc đời của Phật Thích Ca Mâu Ni do quan nhiếp chính đọc. Khóa lễ puja kéo dài hơn bốn tiếng đồng hồ, sau đó tôi phải đọc bằng trí nhớ một trích đoạn kinh bản dài và khó. Tôi sợ đến nỗi mình không hiểu nổi một từ nào. Vị trưởng trợ giáo, quan nhiếp chính, phó trợ giáo, các vị thầy về nghi lễ, y phục và bếp núc, tất cả đều hoảng hốt. Phần lo lắng chính của các vị là vì khi tôi ngồi trên chiếc ngai cao chót vót suốt buổi lễ, không một ai có thể dễ dàng nhắc lúc tôi ngập ngừng.

Nhưng nhớ được cách ứng xử mới chỉ là một nửa vấn đề. Do tiến trình hành lễ quá dài, tôi còn một nỗi sợ hãi nữa: tôi sợ cái bàng quang của tôi không giữ được lâu. Cuối cùng thì mọi sự đều tốt đẹp, dù đây là lần đầu tiên, khi mà tôi hãy còn bé quá. Nhưng tôi nhớ lại là tôi đã bị ứ máu não vì sợ. Nó làm trì trệ mọi cảm giác đến nỗi tôi không thể ý thức được những gì xảy ra xung quanh. Ngay cả việc nhận biết được những con chim bồ câu bay lượn bên trong tòa nhà, chỉ rình ăn cắp đồ lễ đặt trên cái đĩa, sự nhận biết đó cũng ngừng lại. Tôi chỉ lại ý thức được về những con chim lúc đọc tới một nửa bản trích đoạn.

Khi mọi việc hoàn tất, tôi điên lên vì sung sướng. Sung sướng không riêng vì thứ công việc kinh hãi này đã kết thúc, nó chỉ lặp lại sau mười hai tháng sau, mà ngay sau đó là một trong những thời gian đẹp nhất trong năm của Dalai Lama. Sau nghi lễ này tôi được phép ra ngoài đi lại trên phố, nên tôi có thể nhìn thấy thorma, những pho tượng khổng lồ, thanh tú làm bằng bơ được cúng dâng cho Đức Phật trong ngày hôm đó. Đồng thời cũng có những màn trình diễn con rối, ca nhạc do dội quân nhạc thực hiện, và một bầu không khí hạnh phúc vô biên giữa mọi người.

Ngôi chùa Jokhang là một nơi linh thiêng nhất cõi Tây Tạng. Ngôi chùa này được xây cất trong triều đại vua Songtsen Gampo vào thế kỷ thứ bảy sau công nguyên để thờ pho tượng do một trong những người vợ của ông, bà Bhrikuti Devi, con gái vua Nepal Anshuriaruam đưa về. (Vua Songtsen Gampo còn bốn người vợ nữa, ba người là người Tây Tạng, một người là người Trung Quốc, công chúa Wengchen Konjo, con gái vị hoàng đế thứ hai đời nhà Đường). Qua hàng thế kỷ, ngôi chùa được mở mang, trang hoàng mỹ lệ. Một đặc điểm bất diệt của ngôi đền là một chiếc bia đá vẫn còn dựng sừng sững ngay lối vào, chiếc bia đá mang những bằng chứng đầy sức mạnh lịch sử của Tây Tạng. Những câu khắc trên bia bằng chữ Tây Tạng và chữ Trung Quốc ghi lại hiệp ước bất diệt được Trung Quốc và Tây Tạng khẳng định năm 821-822 sau công nguyên:

Đại vương Tây Tạng, vị lãnh chúa thiêng liêng, và Đại vương Trung Hoa, vị hoàng đế Trung Quốc, trên quan hệ chú cháu, hai bên đã cùng nhau bàn bạc về sự liên minh vương quốc của các vị. Các vị đã phê chuẩn một hiệp định. Tất cả các đấng thần linh và con người đều biết hiệp định này và đều xác nhận, nên hiệp định này sẽ không bao giờ thay đổi, văn bản miêu tả hiệp định đã được khắc lên thạch trụ này để thông báo cho các triều đại tương lai và các thế hệ về sau.

Vị lãnh chúa thiêng liêng Trisong Dretsen và hoàng đế Trung Hoa Wen Wu Hsiao-te, cháu và chú, các vị đã vận dụng trí tuệ vô biên để ngăn ngừa tất cả mọi nguyên nhân gây tổn thương tới nền hạnh phúc quốc gia của các vị ngay bây giờ và trong tương lai, các vị đã mở rộng lòng nhân từ bình đẳng của mình trên mọi phương diện. Với mong muốn duy nhất hành động vì hòa bình và lợi ích cho mọi thần dân, các vị đã nhất trí về mục đích cao cả của việc đảm bảo mãi mãi cho những điều tốt lành. Các vị đã lập ra bản hiệp ước này để hoàn thành quyết định của mình, phục hồi lại tình hữu nghị lâu đời, phục hồi những mối quan hệ tương hỗ, tình láng giềng bằng hữu đã có từ lâu.

Tây Tạng và Trung Hoa sẽ duy trì vĩnh viễn hàng rào biên giới như hiện có. Tất cả hướng đông là đất nước của Trung Hoa, và tất cả hướng tây chắc chắn là quốc gia Tây Tạng. Từ nay trở đi sẽ không có bên nào tiến hành chiến tranh, không bên nào lấn chiếm lãnh thổ. Nếu một cá nhân nào nghi ngờ, cá nhân đó sẽ bị bắt giữ, hành động của cá nhân đó sẽ được làm rõ và cá nhân đó sẽ bị dẫn độ trở về.

Do hiệp định này, bây giờ hai nuớc đã là đồng minh, điều cần thiết là những thông điệp này lập tức cần được gửi đi bằng lộ trình cũ để tiếp tục công bố và mang theo sự trao đổi những thông điệp hữu nghị liên quan tới mối quan hệ hài hòa giữa chú và cháu. Theo phong tục cổ truyền, ngựa trạm sẽ được đổi tại cuối con đường Trường Xuân, biên giới giữa Trung Hoa và Tây Tạng. Tại hàng rào Suiyung, người Trung Hoa sẽ gặp phái viên của Tây Tạng và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ. Tại Ch'ing-shui, người Tây Tạng sẽ gặp phái viên của Trung Hoa và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ. Hai bên sẽ được đối xử một cách danh dự theo truyền thống, được tôn trọng phù hợp với mối quan hệ hữu nghị giữa chú và cháu.

Giữa hai quốc gia sẽ không bao giờ được thấy khói và bụi. Không có những báo động đột ngột, danh từ “kẻ thù” không được nói tới. Ngay ở biên giới những người gác cũng không sợ hãi, lo lắng, mà hãy tận hưởng đất đai, giường ngủ của mình một cách thoải mái. Tất cả mọi người cần sống trong hòa bình và chia sẻ niềm hạnh phúc trong mười ngàn năm. Tiếng tăm của bản hiệp ước này sẽ trải rộng khắp mọi nơi mà mặt trời và mặt trăng có thể tới được.

Bản hiệp ước nghiêm chỉnh này đã thiết lập một kỷ nguyên, lúc đó người Tây Tạng sống hạnh phúc trên đất nước Tây Tạng, người Trung Hoa sống hạnh phúc trên đất nước Trung Hoa. Điều này vĩnh viễn không thay đổi. Tam Bảo, chư Thánh Thần, Mặt trời và Mặt trăng, các Hành Tinh, các vì Sao được triệu thỉnh như những nhân chứng. Lời thề được tuyên bố với những ngôn từ long trọng nhất, với lễ hiến sinh súc vật, và với hiệp ước đã được phê chuẩn.

Nếu một bên nào không thực hiện hiệp ước này, hoặc xâm phạm hiệp ước, dù là Tây Tạng hay Trung Hoa, sự trả đũa từ phía bên kia sẽ không bị coi là bên đó vi phạm hiệp ước.

Các vị Vua, các Bộ Trưởng của Tây Tạng và Trung Hoa đã chấp nhận lời tuyên thệ với ý nghĩa như vậy, văn bản thỏa thuận này đã được viết lại chi tiết. Hai vị Vua đã đóng ấn triện. Các vị Bộ Trưởng đặc biệt được ủy quyền thực hiện hiệp ước phải ký tên, văn bản được lưu trữ trong tàng thư của hoàng gia mỗi nước.

Căn buồng của tôi trong chùa Jokhang nằm trên tầng hai, tức là ở trên mái bằng của ngôi chùa. Từ đây, tôi có thể nhìn xuống không những toàn bộ toà nhà mà còn trông ra được cả khu chợ ở phía dưới. Cửa sổ nhìn về phía nam cho tôi thấy được căn buồng chính, tôi nhìn rõ các vị sư tụng kinh suốt ngày. Những vị sư này cư xử rất đúng mực và cần cù trong phòng làm việc.

Tuy nhiên, cảnh tượng ở hướng đông lại khác hẳn. Ở cửa sổ phía đông, tôi ngó xuống khoảng vườn, nơi các sư sơ cơ như tôi tập trung lại. Tôi thường nhìn một cách thích thú xem họ trốn học, đôi khi còn đánh nhau. Khi còn bé, tôi hay rón rén xuống cầu thang để nhìn chúng rõ hơn. Tôi không thể tin được những điều mình đã nghe, đã thấy. Đầu tiên, chúng không cầu nguyện như đáng lẽ phải làm, chúng ê a, hoặc tối thiểu là như vậy, như thể ngại mở mồm ra. Trong các sư sơ cơ, rất nhiều sư không muốn cầu nguyện, thay vào đó chúng chỉ chơi. Đôi khi xảy ra ẩu đả, rồi chúng rút bát gỗ đập lên đầu nhau. Cảnh tượng này khơi dậy cho tôi một phản ứng kỳ dị. Một mặt, tôi cho rằng những sư đó cực kỳ ngu xuẩn, mặt khác tôi lại không thể không ghen tỵ với chúng. Dường như chúng chẳng chú ý gì hết. Nhưng khi trận ẩu đả trở nên ác liệt, tôi đâm ra sợ hãi và bỏ đi.

Ở cửa sổ hướng tây, tôi có thể nhìn thấy chợ. Nơi này dễ dàng trở thành hướng tôi thích nhìn, nhưng tôi phải hành động lén lút chứ không dám nhìn một cách thẳng thắn vì sợ người ta trông thấy mình. Nếu họ thấy tôi, mọi người sẽ nằm rạp ra để lạy. Tôi chỉ có thể hé chiếc rèm với cảm giác như một tên tội phạm. Tôi nhớ lại lần thứ nhất hay lần thứ hai khi ở trong chùa Jokhang, lúc đó tôi lên bảy hoặc tám tuổi, lần đó tôi rất ghê tởm mình. Cảnh tượng những người ở dưới chợ khiến tôi không chịu nổi, tôi trơ tráo thò hẳn đầu ra khỏi rèm. Nhưng điều đó cũng chưa tệ hại. Tôi nhớ lại tôi thổi những bong bóng bằng nước bọt lên trên đầu nhiều người khi họ nằm rạp xuống đất ở phía dưới. Sau đó tôi phải vui sướng nói rằng vị Dalai Lama trẻ tuổi đã học được một bài học đắt giá về cách tự kỷ luật mình.

Tôi thích nhìn trộm xuống những quầy hàng trong chợ và nhớ lại có lần thấy một khẩu súng gỗ, tôi cho người ra mua. Tôi trả tiền bằng tiền của những người hành hương dâng cúng, mà đôi khi tôi thường tự tiện làm vậy, vì trên nguyên tắc tôi không được phép sử dụng tiền. Thực ra cho tới nay, tôi không trực tiếp sử dụng tiền. Tất cả mọi nguồn thu nhập, chi tiêu do Văn phòng cá nhân của tôi giải quyết.

Một trong những niềm vui trong thời gian ở chùa Jokhang là cơ hội kết bạn với nhóm người phục vụ ở đây. Thông thường, mọi thời gian rảnh rỗi của tôi đều dành cho việc bầu bạn với họ, tôi cho rằng khi tôi rời khỏi đó họ cũng buồn như tôi. Tuy vậy, tôi nhớ lại có một năm khi những người đã trở thành bạn thân của tôi hình như không còn ở đó nữa, tôi ngạc nhiên tự hỏi tại sao và lập tức đi tìm họ. Tôi gặng hỏi một người còn sót lại. Người đó nói rằng mười người kia đã bị đuổi vì tội ăn trộm. Lần cuối cùng khi tôi rời khỏi chùa, họ trèo qua trần nhà vào trong buồng tôi, lấy đi một số thứ như đèn bơ bằng vàng hoặc những đồ đạc khác tương tự. Chẳng còn gì để nói thêm về tình bạn mà tôi hằng gìn giữ!

Ngày cuối cùng của buổi lễ hội Monlam chấm dứt bằng những hoạt động ngoài trời. Trước tiên, một pho tượng Phật Di Lặc rất to, vị Phật kế tiếp, dẫn đầu một đám rước vòng quanh con đường vành đai khu vực thủ đô cũ. Con đường này tên là Lingkhor. Tôi nghe nói do dự án phát triển thủ đô của chính quyền Trung Quốc, con đường này không còn tồn tại, nhưng Barkhor, hay là con đường vành đai bên trong chạy xung quanh ngôi đền Jokhang vẫn được duy trì. Thời gian trước đây, như một bổn phận, những người hành hương sùng kính nằm rạp xuống lạy dọc theo chiều dài con đường Lingkhor.

Ngay sau cuộc rước tượng đi hết lộ trình là một không khí sôi động, mọi người quay sang những hoạt động thể thao. Những hoạt động này rất vui, có đua ngựa và chạy thi cho tất cả mọi người tham gia. Trước đây có một điều lạ là ngựa không có người cưỡi. Chúng được thả ra từ đằng sau tu viện Drepung, người giữ ngựa và người xem hướng lũ ngựa chạy thẳng tới trung tâm Lhasa. Trước khi ngựa tới đích, những lực sĩ tương lai chạy thi cũng bắt đầu chạy với một cự ly ngắn, hướng thẳng tới trung tâm. Điều này có khuynh hướng mang lại kết quả rất sôi nổi và lộn xộn khi cả hai cuộc thi tới cùng một lúc. Tuy vậy, có một năm tai nạn xảy ra do một số người chạy thi nắm lấy đuôi những con ngựa phi qua và bị lôi đi. Lập tức ngay sau cuộc thi, vị phụ trách hoàng gia lên án những người mà ông cho là có liên quan. Một số trong bọn họ lại là nhân viên gia đình tôi. Tôi rất buồn khi thấy họ có thể bị trừng phạt. Cuối cùng, và cũng chỉ một lần, tôi phải can thiệp cho họ.

Một số khía cạnh của lễ hội Monlam đã ảnh hưởng sâu sắc tới toàn thể cư dân Lhasa. Vì theo truyền thống, chính quyền dân sự lúc này được giao lại cho trưởng lão tu viện Drepung. Vị này chỉ định một hệ thống nhân viên và cảnh sát ngay trong các sư của tu viện đó để duy trì luật lệ, trật tự. Điều này được áp đặt tuyệt đối chính xác, bất kỳ một tội nhẹ nào cũng bị phạt nặng. Một trong những điều vị trưởng lão bắt buộc là sự sạch sẽ. Cuối cùng, đây là thời điểm mọi ngôi nhà đều được quét vôi trắng mới, toàn bộ đường phố sạch trơn.

Một điều trong ngày tết rất quan trọng đối với tôi, một đứa trẻ con, là truyền thống làm bánh quy khabse hoặc losar. Hàng năm, đến dịp lễ tết, vị phụ trách bếp núc cũng làm những mẻ bánh nướng rất ngon, nặn thành những hình dạng vô lý để rán giòn. Một năm, tôi quyết định tự tay mình làm bánh. Mọi thứ đều ổn, tôi rất ấn tượng với sự khéo tay của mình, tôi nói với vị phụ trách bếp rằng hôm sau tôi sẽ làm nữa.

Ngày hôm sau tôi tiếp tục công việc làm bánh, nhưng không may thứ dầu ăn lấy ra để sử dụng lần này lại là dầu mới, chưa được nấu kỹ. Kết quả là khi cho gia vị vào trong chảo, chảo dầu bùng lên như một quả núi lửa. Cánh tay phải tôi bị dầu nóng đổ lên bỏng rộp ngay lập tức, tuy vậy ký ức chính của tôi đối với sự kiện này là có một trong số những người làm bếp, một người đàn ông lớn tuổi hít rất nhiều thuốc lá và rất bình tĩnh chạy tới, trong tay ông là một thứ gì giống như kem đã đánh bông lên, ông xoa lên cánh tay tôi. Thông thường ông là một con người vui tính, lúc này ông cực kỳ bối rối. Tôi nhớ lại lúc nghĩ tới ông ta, trông ông rất tức cười với thứ bột hít và một chút nước mũi chảy ra, với một dáng vẻ rất nghiêm trọng trên bộ mặt rỗ chằng rỗ chịt của ông.

Trong tất cả các lễ hội, thứ tôi thích nhất là lễ hội ca kịch kéo dài hàng tuần, bắt đầu vào ngày đầu tiên trong tháng thứ bảy. Nó gồm nhiều màn trình diễn của các ca sĩ, vũ công và diễn viên toàn cõi Tây Tạng. Họ biểu diễn ở một khu được lát phẳng phiu tại một nơi xa, nhưng gần kề Bức Tường Màu Vàng. Bản thân tôi đứng xem biểu diễn từ một cái hàng rào tạm thời dựng thẳng đứng trên đỉnh một nóc nhà phía bên trong ngay sát bức tường. Trong số những người đi xem có tất cả các thành viên chính phủ cùng với vợ con họ, những người phụ nữ này nhân cơ hội để ganh đua với người khác về y phục và trang sức. Tuy vậy, sự ganh đua không hạn chế ở phía nữ giới. Vì đó cũng là thời gian ưa chuộng của những người phục vụ ở Norbulingka. Trước ngày hội hè đình đám bắt đầu, họ dành nhiều thời gian và công sức để thuê mướn quần áo, đồ trang sức, nhất là san hô, nhằm mục đích phô trương. Thời điểm thể hiện của họ là lúc họ đưa ra những bình cắm các loại hoa để chấm điểm trong một cuộc thi làm vườn được tổ chức tại lễ hội.

Tôi sẽ không bao giờ quên một trong số những người phục vụ của tôi, một người luôn luôn đội một cái mũ đặc biệt mà anh tự hào về chiếc mũ đó. Chiếc mũ có một cái dải bằng lụa màu đỏ dài, anh trang trí rất nghệ thuật xung quanh cổ và trên vai.

Dân chúng cũng đến xem diễn kịch dù họ không có được chỗ ngồi đặc biệt dành riêng như các thành viên chính phủ hoặc giới quý tộc. Cùng với việc xem biểu diễn, họ kinh ngạc trước những nhân viên cao cấp trong trang phục lộng lẫy sang trọng. Người dân cũng thường tranh thủ cơ hội đi vòng quanh Bức Tường Màu Vàng với kinh luân (bánh xe cầu nguyện) trong tay. (Một bánh xe cầu nguyện gồm một cái ống trụ có ghi lời cầu nguyện, ống trụ quay tròn trong khi người quay đọc chú).

Rất nhiều người không phải dân Lhasa cũng tới: giới anh hùng thảo khấu cao lớn Khampa ở phương đông, tóc dài cuộn lên một cách lộn xộn, thắt bằng một dải lụa đỏ; thương gia Nêpan và Sikkim từ miền nam, và lẽ dĩ nhiên, cả những bộ mặt gầy gò, nhỏ thó của dân làm trang trại du cư. Mọi người hòa mình trong các trò vui chơi, đôi khi người Tây Tạng chơi rất nhiệt tình. Phần lớn chúng tôi là những con người đơn giản, chúng tôi không thích gì hơn là những màn trình diễn ngoạn mục và các cuộc liên hoan vui vẻ. Ngay cả một số ít thành viên trong tu viện cũng tham gia, dù rằng họ không được phép, cho nên họ phải cải trang.

Đó là một thời khắc hạnh phúc. Người ta ngồi sát bên nhau nói chuyện trong khi các màn trình diễn thực hiện, họ quá quen thuộc với những lời ca, điệu múa đến nỗi thuộc lòng các chi tiết. Hầu hết mọi người mang theo đồ ăn, trà và chang, họ đi lại tự do. Những người phụ nữ trẻ cho con bú, những đứa bé chạy tới chạy lui, la hét và cười đùa, chúng chỉ ngưng lại một chút để mở to đôi mắt nhìn chòng chọc vào người diễn viên mới trong bộ y phục sặc sỡ, man rợ đi ra sân khấu. Đúng lúc này, những ông già ngồi một mình với dáng vẻ lạnh như đá, khuôn mặt họ bỗng bừng sáng lên, phút chốc các bà già ngưng nói chuyện... Rồi mọi việc lại như cũ. Trong khi đó mặt trời le lói qua bầu không khí mảnh dẻ, hân hoan.

Chỉ có một lúc mà bạn có thể chắc chắn mọi người đều chú ý, đó là khi màn hài hước được thể hiện. Diễn viên xuất hiện trong bộ trang phục giống như các ông sư, bà vãi, các nhân viên cao cấp, và ngay cả các vị tiên tri, để bài bác những bộ mặt thường xuất hiện nơi công cộng.

Một số lễ hội quan trọng khác trong năm gồm có lễ hội Mahakala bắt đầu từ ngày thứ tám trong tháng thứ ba. Lễ hội đó bắt đầu khi mùa hè chính thức tới, vào đúng ngày các nhân viên chính phủ chuyển sang mặc y phục mùa hè. Đó cũng là ngày tôi từ cung điện Potala chuyển tới Norbulingka. Ngày thứ mười lăm của tháng thứ năm là ngày lễ Zamling Chisang, ngày cầu nguyện toàn quốc, đánh dấu thời điểm bắt đầu của một tuần nghỉ lễ, thời điểm mà hầu hết cư dân thành phố Lhasa, những người không phải là sư nam, sư nữ hoặc nhân viên chính phủ, họ nhổ trại chuyển tới các cánh đồng bên ngoài Lhasa để tham gia mọi hoạt động xã hội vui chơi khác. Thực ra, tôi chắc rằng có một số người không được phép làm như vật, nhưng họ đã hoá trang. Rồi tới ngày thứ hai mươi lăm tháng thứ mười, ngày kỷ niệm cái chết của đại sư Tsongkapa, người chấn chỉnh Phật giáo Tây Tạng và sáng lập ra truyền thừa Gelupa, đó là một ngày lễ lớn gồm những đám diễu hành đốt đuốc và đèn bơ thắp sáng toàn cõi. Sự kiện này cũng đánh dấu ngày bắt đầu của mùa đông, các nhân viên hành chính chuyển sang y phục mùa đông và tôi lại miễn cưỡng trở về cung điện Potala. Tôi khát khao được lớn lên để noi gương người tiền nhiệm, do phải tham gia vào đám rước, thường là vị tiền nhiệm của tôi trở lại Norbulingka, nơi người ưa thích.

Cũng có những sự kiện muôn thuở được tổ chức vào thời điểm khác nhau trong năm, ví dụ hội chợ ngựa, tổ chức vào tháng đầu tiên. Có những thời điểm đặc biệt tương tự trong năm, vào mùa thu, thời điểm những người du mục mang bò Tây Tạng bán cho lò sát sinh. Đối với tôi đó là một thời gian buồn bã. Tôi không thể chịu được khi nghĩ tới những sinh linh khốn khổ đang tiến dần tới cái chết. Nếu có lần nào tôi trông thấy súc vật bị dắt đi phía sau Norbulingka, trên đường ra chợ, tôi luôn luôn cố gắng mua lại chúng bằng cách nhờ ai đó ra ngoài làm việc này thay cho mình. Chỉ có cách đó tôi mới có khả năng cứu sống được chúng. Qua hàng năm trời tôi có thể hình dung mình đã cứu sống được tối thiểu mười ngàn sinh mạng. Khi nghĩ về điều này, tôi nhận thấy rằng thằng bé cực kỳ láo lếu này cuối cùng đã làm được một vài điều tốt đẹp.

CHƯƠNG 3
SỰ XÂM LĂNG: BÃO TỐ BÙNG NỔ

Vào một buổi trước ngày hội ca kịch năm 1950, khi vừa mới ra khỏi buồng tắm ở Norbulingka, thình lình tôi thấy đất dưới chân mình bắt đầu chuyển động. Đó là một buổi tối muộn, lúc tôi vừa rửa mặt, vừa nói chuyện với một trong những người phục vụ trước khi đi ngủ. Khu vệ sinh ở trong một căn nhà phụ cách khu vực của tôi chỉ vài mét nên hiện thượng này xảy ra đúng lúc tôi đang ở bên ngoài nhà. Đầu tiên tôi nghĩ đó là động đất, vì ở Tây Tạng, những hoạt động địa chấn thường xảy ra. Hơn nữa, khi vào trong nhà, tôi thấy rất nhiều bức tranh treo trên tường bị nghiêng lệch. Vì thế phải có một chấn động mạnh ở một khoảng cách nào đó. Tôi chạy vội ra ngoài, theo sau là những người phục vụ. Khi chúng tôi nhìn lên trên trời, lại có một chấn động, rồi một chấn động nữa. Giống như là một trận pháo kích, điều này khiến chúng tôi cho rằng nguyên nhân của những chấn động và ồn ào có thể do một cuộc thử nghiệm của quân đội Tây Tạng. Tất cả có chừng ba mươi đến bốn mươi tiếng nổ.

Ngày hôm sau chúng tôi được biết rằng đó không phải là thử nghiệm của quân đội, mà là một hiện tượng tự nhiên nào đó. Một vài người còn nói rằng họ nhìn thấy có những ánh sáng màu đỏ rực lên trên bầu trời từ hướng tiếng động vang lại. Vấn đề trở nên rõ ràng là người ta thấy được hiện tượng này dọc suốt chiều dài và chiều rộng của đất nước Tây Tạng, chắc chắn nhất ở Amdo, gần 400 dặm về phía đông, và ở Sakya cách tây nam 300 dặm. Tôi cũng nghe nói hiện tượng này còn được quan sát thấy tại Calcutta nữa. Khi sự kiện lạ lùng này lắng xuống, người ta bắt đầu nói rằng đó không phải là một hiện tượng động đất đơn thuần, đó là điềm báo.

Đã từ lâu, tôi rất hứng thú về khoa học. Vậy lẽ tự nhiên tôi muốn tìm hiểu nền tảng khoa học căn bản của sự kiện này. Mấy hôm sau, khi gặp Heinrich Harrer, tôi yêu cầu ông giải thích không những về sự chấn động của mặt đất, mà còn quan trọng hơn, với những hiện tượng lạ lùng của bầu trời. Ông nói ông tin rằng hai hiện tượng này có liên quan tới nhau. Đây phải là một hiện tượng lớp vỏ trái đất bị bẻ gẵy do nhu động của các quả núi.

Đối với tôi, điều này có vẻ hợp lý, nhưng không hẳn như vậy. Tại sao một sự bẻ gãy lớp vỏ quả đất tự nó lại thể hiện với một tia sáng đổ trên bầu trời đêm, kèm theo tiếng sấm, và hơn nữa, làm sao nó lại có thể được mọi người nhìn thấy với một khoảng cách xa vô tận như vậy? Tôi không cho rằng lý thuyết của ông Harrer có thể giải thích toàn bộ câu chuyện. Ngay hôm đó tôi cũng không tin. Có thể đây là một lời giải thích mang tính khoa học, nhưng cảm giác riêng tư của tôi là những gì xảy ra đó hiện tại vượt quá ngưỡng cửa khoa học, có một vài điều gì đó thực sự huyền bí. Trường hợp này, tôi thấy điều dễ dàng chấp nhận là coi những gì tôi trông thấy như một hiện tượng siêu hình. Dù bất kỳ trong trường hợp nào, qua những cảnh báo từ trên không trung hay chỉ là tiếng ầm ỳ dưới lòng đất, hoàn cảnh Tây Tạng sau đó xấu đi rất nhanh.

Như tôi nói, sự kiện này xảy ra ngay trước ngày lễ hội ca kịch. Hai hôm sau, điềm báo này, nếu đúng là như vậy, đã trở thành hiện thực. Buổi tối, trong một tiết mục trình diễn, tôi thấy một người liên lạc chạy về phía tôi. Tới hàng rào, người đó lập tức trao thông điệp cho Tathag Rinpoché, vị nhiếp chính, ông này giữ lại nửa thông điệp kia. Lập tức tôi nhận thấy có điều gì không ổn. Trong trường hợp bình thường, những vấn đề của quốc gia phải đợi tới tuần sau để xem xét. Lẽ tự nhiên tôi nổi tính tò mò. Vậy thông điệp đó muốn nói gì. Phải có một chuyện gì khá tồi tệ. Do còn ít tuổi và không có một chút quyền lực về chính trị, tôi phải đợi cho tới khi Tahtag Rinpoché thấy thời điểm thích hợp để cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra. Tuy nhiên, tôi khám phá điều này bằng cách đứng lên trên một chiếc hòm nhìn trộm qua cửa sổ trên bức tường ngăn giữa buồng tôi và buồng ông. Khi người liên lạc đi vào, tôi nhón người lên, nín thở theo dõi vị nhiếp chính. Tôi thấy rõ khuôn mặt ông khi ông đang đọc thư. Gương mặt ông trở nên trầm trọng. Vài phút sau, ông ra ngoài, tôi nghe thấy ông hạ lệnh triệu tập Kashag.

Tôi phát hiện ra đúng trình tự rằng bức thư gửi tới vị nhiếp chính thực ra là bức điện tín của chính quyền tỉnh Kham ở Chamdo, bức điện thông báo quân đội Trung Quốc đã tấn công vào đồn biên phòng của Tây Tạng làm người phụ trách đồn biên phòng tử thương. Thực ra đó là một cái tin quan trọng. Vào mùa thu trước đây, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã có những vụ tập kích vượt qua biên giới, mở đầu cho ý định giải phóng Tây Tạng thoát khỏi tay những kẻ xâm lăng đế quốc, hoặc một ý định tương tự. Điều này đưa tới việc tất cả các nhân viên người Trung Quốc cư trú ở Lhasa bị trục xuất vào năm 1949.

Bây giờ có vẻ như phía Trung Quốc đã làm tốt trong động thái đe dọa. Nếu đúng như vậy, tôi hoàn toàn ý thức được Tây Tạng đang ở trong một tình trạng nguy hiểm trầm trọng vì quân đội chúng tôi tập hợp lại không quá 8500 người kể cả sĩ quan và binh lính. So với chiến thắng gần đây của Giải phóng quân (PLA: People's Liberation Army), lực lượng của chúng tôi thật không cân đối.

Tôi nhớ được rất ít về năm lễ hội ca kịch đó ngoài nỗi phiền muộn cảm nhận được từ trong tim. Kể cả những điệu múa ma quái thực hiện với tiếng trống chậm chạp, cả những người biểu diễn trong bộ trang phục cầu kỳ (một số người ăn mặc giống như những bộ xương người, tiêu biểu cho thần chết), nghiêm trang, nhịp nhàng theo một vũ điệu cổ truyền, tất cả cũng không làm tôi chú ý.

Vào tháng mười, sau đó hai tháng, nỗi lo sợ tồi tệ của chúng tôi đã trở thành hiện thực. Tin tức bay tới Lhasa: 80.000 lính giải phóng quân đã vượt qua sông Drichu phía đông tỉnh Chamdo. Đài phát thanh Trung Quốc đưa tin, vào đúng ngày lễ kỷ niệm Đảng cộng sản Trung Quốc giành được chính quyền, cuộc “giải phóng hòa bình” cho Tây Tạng bắt đầu.

Vậy là chiếc rìu đã rơi xuống. Rất nhanh, Lhasa thất thủ. Chúng tôi không đủ khả năng chống cự nổi một cuộc tấn công dữ dội như vậy. Cộng thêm vào sự thiếu hụt nhân lực, quân đội Tây Tạng còn bị ảnh hưởng vì quá ít vũ khí hiện đại và thiếu huấn luyện. Suốt thời gian Nhiếp chính, các vấn đề đó bị quên lãng. Đối với người Tây Tạng, mặc dù có một bề dày lịch sử, song yêu chuộng hòa bình là nền tảng căn bản của họ, việc gia nhập quân đội được coi là hình thức thấp nhất của cuộc sống: người lính gần giống như người đồ tể. Dù cho một số trung đoàn từ các nơi được gửi tới, cộng thêm một trung đoàn vừa mới thành lập, thì chất lượng của những đạo quân được đưa ra chống lại phía Trung Quốc hết sức kém.

Nghiên cứu một khả năng để đảo ngược tình thế là điều vô ích. Chỉ có thể nói rằng phía Trung Quốc tổn thất khá nhiều người trong việc chinh phục Tây Tạng: ở một vài nơi, họ gặp phải sức chống cự mãnh liệt, thêm vào những trường hợp cấp cứu thương binh, họ còn gặp khó khăn trong việc cung ứng quân nhu, mặt khác khí hậu lại khắc nghiệt. Nhiều người chết vì thiếu lương thực, một số người không chống nổi bệnh tật do độ cao địa lý, những chứng bệnh này luôn luôn quấy nhiễu, đôi khi còn gây tử vong cho những người không phải là dân bản xứ. Nhưng trong chiến đấu, dù cho quân đội Tây Tạng có được chuẩn bị kỹ càng thế nào đi chăng nữa, kết quả cuối cùng vẫn là con số không. Vì dẫu sao, dân số Trung Quốc đông hơn dân số chúng tôi gấp hơn một trăm lần.

Sự kiện nền hòa bình của Tây Tạng bị đe dọa không được thế giới lưu ý tới. Chính phủ Ấn Độ, do chính phủ Anh quốc ủng hộ, họ không tán thành với chính quyền Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Họ tuyên bố việc xâm chiếm đó không phải vì mục đích hoà bình. Ngày 7 tháng 11, Kashag và chính phủ Tây Tạng yêu cầu tổ chức Liên Hợp Quốc can thiệp nhân danh chúng tôi. Nhưng thật đáng buồn, đất nước Tây Tạng, với chính sách hòa bình cô lập, nước này dường như không phải là một thành viên của Liên Hợp Quốc, vì thế không kết quả gì được mang lại, ngay cả hai bức điện tín được gửi đi trước khi một năm kết thúc cũng không có hồi âm.

Mùa đông tới gần, tin tức càng đáng lo ngại, bây giờ người ta nói tới việc ủng hộ vị Dalai Lama. Dân chúng bắt đầu tán thành việc trao quyền hạn tạm thời cho tôi sớm hơn hai năm theo như quy định. Những người phục vụ cho tôi biết các thông cáo lên án chính phủ được dán khắp Lhasa, kêu gọi tôi lập tức tiếp nhận ngôi vị, còn có những câu hát truyền khẩu cùng một mục đích.

Có hai trường phái tư duy: một phái gồm những người trông đợi tôi lãnh đạo trong lúc khủng hoảng này, còn phái kia lại cho rằng tôi hãy còn quá non trẻ đối với trách nhiệm. Tôi đồng ý với trường phái sau, nhưng thật đáng tiếc, tôi không được hỏi ý kiến. Thay vào đó, chính phủ quyết định vấn đề này cần được giao cho nhà tiên tri. Đó là một dịp tham vấn rất căng thẳng. Cuối buổi lễ, vị kuten, lảo đảo dưới sức nặng của cái áo nghi lễ trùm đầu khổng lồ, ông tiến lại gần chỗ tôi ngồi và trải kata, một dải lụa trắng vào trong lòng tôi với lời nói"thu-la bap”, “thời điểm của ngài đã tới!”.

Dorje Drakden đã phát ngôn. Ngay lập tức, Tathag Rinpoché chuẩn bị nhường chức vụ Nhiếp chính, dù ông vẫn duy trì vai trò trưởng trợ giáo đối với tôi. Vấn đề còn lại là những nhà chiêm tinh học quốc gia lựa ngày tôi chấp chính. Họ chọn ngày 17 tháng 11 năm 1950, ngày may mắn nhất trước khi năm kết thúc. Đối với những diễn biến này tôi buồn nhiều hơn vui. Một tháng trước đây tôi còn là một thiếu niên vô tư lự, hăm hở chờ đón ngày lễ hội ca kịch hàng năm. Giờ đây tôi phải đối diện với sự kiện trước mắt, phải lãnh đạo quốc gia chuẩn bị đối phó với chiến tranh. Nhưng nhìn lại vấn đề, tôi thấy rằng mình không nhất thiết phải ngạc nhiên. Vì đã bao năm trời, vị tiên tri bộc lộ rõ ràng thái độ coi thường chính quyền, đồng thời rất tôn trọng tôi.

Đầu tháng mười một, chừng hai tuần trước ngày lễ đăng quang, anh cả tôi tới Lhasa. Tôi biết về anh rất ít. Anh tôi, Taktser Rinpoché, bây giờ là tu viện trưởng tu viện Kumbum, nơi tôi sống mười tám tháng đơn độc sau khi được phát hiện là hóa thân của vị Dalai Lama thứ mười ba. Ngay khi trông thấy anh, tôi biết rằng anh đã chịu nhiều nỗi khổ đau ghê gớm. Anh đang trong một tình trạng tồi tệ, cực kỳ căng thẳng, lo lắng. Khi kể chuyện về mình cho tôi nghe, anh nói lắp bắp. Vì Amdo, nơi chúng tôi sinh ra, nơi tu viện Kumbum tọa lạc, lại ngay gần sát Trung Quốc, nơi này rất nhanh rơi vào quyền kiểm soát của chính quyền Cộng Sản. Ngay lập tức, anh tôi bị câu thúc. Các hoạt động của sư sãi đều bị hạn chế, bản thân anh bị giam giữ không chính thức tại tu viện. Cùng lúc đó, người Trung Quốc nỗ lực truyền bá cho anh cách suy nghĩ theo đường lối cộng sản và cố gắng làm hư hỏng đạo đức của anh. Họ vạch kế hoạch họ sẽ để anh tôi tự do đi Lhasa nếu anh đảm nhiệm việc thuyết phục tôi chấp nhận đường lối cộng sản. Trường hợp tôi chống lại, anh phải giết chết tôi, sau đó sẽ được khen thưởng.

Đó là một gợi ý lạ lùng. Trước hết, đối với Phật giáo, ý tuởng giết hại sinh linh là một điều cấm kỵ. Vậy gợi ý để anh ám sát Dalai Lama vì ích lợi cá nhân, điều này chứng tỏ người Trung Quốc hiểu biết về người Tây Tạng ít ỏi chừng nào.

Sau một năm, anh tôi thấy cộng đồng của mình bị người Trung Quốc làm đảo lộn, anh quyết định phải trốn đi Lhasa để báo cho tôi và chính quyền biết những gì sẽ dành cho Tây Tạng nếu người Trung Quốc thắng được chúng tôi. Chỉ còn một con đường là giả cách đi theo họ. Cuối cùng anh tôi đồng ý tuân lệnh.

Tôi kinh ngạc khi anh nói với tôi như vậy. Cho tới tận khi đó, tôi hoàn toàn không hiểu biết gì về người Trung Quốc. Đối với chủ nghĩa Cộng sản, tôi hầu như không quan tâm, dù ý thức được rằng họ đã gây ra những khắc nghiệt đối với người Mông Cổ. Ngoài ra, điều tôi biết chỉ là những gì lượm lặt được từ các trang cũ kỹ của tạp chí Life trong tay. Song giờ đây anh tôi khẳng định rằng không những họ là những người vô thần, họ còn chống đối lại mọi thực hành tôn giáo. Tôi rất lo sợ khi Taktser Rinpoché bảo tôi, anh thấy rằng hy vọng duy nhất đối với chúng tôi là chúng tôi cần giành được những hỗ trợ từ nước ngoài để chống lại Trung Quốc bằng vũ trang.

Đức Phật cấm giết chóc, nhưng người vạch rõ rằng trong một số trường hợp nào đó, điều này có thể được biện hộ. Với suy nghĩ của anh, hoàn cảnh hiện tại có thể biện minh cho việc đó. Do vậy anh muốn từ bỏ lời phát nguyện trong tu viện, cởi bỏ áo cà sa và đi ra nước ngoài như một sứ thần của Tây Tạng. Anh muốn tiếp xúc với người Mỹ, anh cảm thấy chắc chắn họ sẽ ủng hộ cho một ý tưởng Tây Tạng tự do.

Khi nghe điều này, tôi choáng váng, nhưng trước khi tôi phản kháng, anh yêu cầu tôi hãy rời khỏi Lhasa. Mặc dù rất nhiều người phát biểu giống nhau, song không mấy người có quan điểm này. Anh tôi khẩn nài tôi hãy chấp nhận lời khuyên của anh, không cần lý tới những gì đa số nói. Anh bảo, khả năng nguy hiểm rất lớn, tôi không được phép rơi vào tay chính quyền Trung Quốc vì bất cứ một lý do gì.

Sau cuộc họp, anh tôi thảo luận với nhiều người trong chính phủ trước khi rời khỏi thủ đô. Tôi còn gặp anh một hoặc hai lần nữa, nhưng không thể làm gì thuyết phục được anh thay đổi ý nghĩ. Những thực nghiệm khủng khiếp trong năm qua khiến anh nhận thức được rằng không còn con đường nào khác. Tuy vậy tôi không suy nghĩ nhiều về vấn đề này vì đã có định kiến riêng. Lễ đăng quang chỉ còn vài ngày nữa.

Để đánh dấu sự kiện này, tôi quyết định ân xá toàn quốc. Đúng vào ngày tôi nhậm chức, tất cả tù nhân sẽ được phóng thích. Điều này có nghĩa là nhà tù ở Shol lúc đó sẽ trống rỗng. Tôi rất vui có được cơ hội này, dù rằng đã có lúc tôi hối tiếc vì chuyện đó. Không còn niềm vui về tình bạn mỏng manh của chúng tôi nữa. Khi tôi chĩa ống nhòm vào sân nhà tù, nó trống rỗng, an toàn cho mấy con chó bới rác. Gần như là thiếu đi một cái gì trong cuộc đời tôi.

Vào sáng ngày thứ 17, tôi dậy sớm hơn thường lệ chừng hai giờ đồng hồ, lúc đó trời hãy còn tối. Khi thay xong quần áo, vị phụ trách y phục đưa cho tôi một miếng vải màu xanh lá cây thắt ngang lưng. Việc này làm theo chỉ đạo của các nhà chiêm tinh học, họ cho rằng màu xanh lá cây là màu may mắn. Tôi quyết định không ăn sáng vì biết rằng nghi lễ sẽ kéo dài, và tôi không muốn bị vướng víu bởi những tiếng gọi của tự nhiên. Tuy vậy, các nhà chiêm tinh ấn định rằng tôi phải ăn một quả táo trước khi nghi lễ cử hành. Tôi nhớ lại tôi phải cố gắng nuốt nó xuống. Sau khi ăn xong, tôi tới điện, nơi nghi lễ cử hành vào lúc rạng sáng.

Đó là một cơ hội hoành tráng với sự có mặt của toàn thể nhân viên chính phủ cùng nhiều nhân viên người nước ngoài cư trú ở Lhasa, tất cả đều mặc lễ phục lộng lẫy, trang trọng nhất. Thật đáng tiếc, trời còn rất tối nên tôi không thấy được mọi chi tiết. Trong khi nghi lễ cử hành, tôi phải cầm chiếc bánh xe vàng (Golden Wheel) tượng trưng cho quyền lực trên trần thế. Tuy nhiên, tôi không nhớ gì hơn, trừ có một nhu cầu làm giảm nhẹ áp lực cái bàng quang của tôi, một nhu cầu bắt buộc và mỗi lúc một tăng. Tôi nguyền rủa những nhà chiêm tinh. Ý tưởng cho tôi ăn táo rõ ràng là nguyên nhân của vấn đề. Tôi chưa bao giờ quá tin họ và điều này chỉ củng cố thêm sự đánh giá tồi tệ của tôi đối với họ.

Tôi luôn luôn cảm thấy rằng đối với những ngày quan trọng của cuộc đời một con người như ngày ra đời hoặc ngày chết, những ngày như vậy không thể đặt vấn đề tư vấn với các chiêm tinh gia, con người càng không nên lo lắng về những chuyện đó. Tuy nhiên đây chỉ là quan điểm cá nhân. Điều này không có nghĩa là tôi cho rằng vấn đề thực hành chiêm tinh của người Tây Tạng nên chấm dứt. Đối với nền văn hóa chúng tôi, việc thực hành chiêm tinh rất quan trọng.

Vậy là tình trạng của tôi trong trường hợp này diễn biến từ xấu đến tồi tệ. Tôi kết thúc bằng trao một thông điệp cho một vị phụ trách hoàng gia, thỉnh cầu ông hãy đẩy nhanh tiến độ. Nhưng nghi lễ rất dài và phức tạp, tôi bắt đầu lo rằng nó không bao giờ chấm dứt.

Cuối cùng nghi lễ dần dần đi tới chỗ kết thúc, tôi được thừa nhận là người lãnh đạo sáu triệu con người đối mặt với sự đe dọa của một cuộc chiến tranh toàn diện. Và tôi cũng chỉ mới có mười lăm tuổi. Bị rơi vào một tình trạng tuyệt vọng, nhưng tôi thấy được trách nhiệm của mình là cố gắng tránh thảm họa này với khả năng tối đa. Công việc trước tiên, tôi cần bổ nhiệm hai vị thủ tướng mới.

Lý do bổ nhiệm hai vị thủ tướng là trong hệ thống chính phủ chúng tôi, những chức vụ từ thủ tướng trở xuống đều có hai vị trí, một dành cho người thường và một dành cho một vị sư. Quy trình này được rút ra từ thời Đức Dalai Lama thứ năm, người đầu tiên đảm đương trọng trách đời thường thêm vào vị trí lãnh đạo tâm linh của quốc gia. Thật không may, dẫu rằng quy trình này trước đây hoạt động rất tốt, song nó lại không hề phù hợp với thế kỷ thứ hai mươi. Hơn nữa, sau gần hai mươi năm với chế độ nhiếp chính, chính quyền đã trở nên đồi bại như trước đây tôi đề cập.

Không cần phải nói, một vài cải cách đã được đưa ra. Nhưng ngay cả vị Dalai Lama cũng không thể làm được điều này, vì bất kỳ những điều gì ngài đề xuất cũng phải đệ trình các thủ tướng, rồi tới Kashag, tới các thành viên cấp dưới trong ban chấp hành, và cuối cùng tới quốc hội. Nếu một ai đó phản đối, ý kiến của ngài không thể thực hiện được.

Trình tự này cũng xảy ra khi một số cải cách được quốc hội đề xuất, trừ khi bị bác bỏ. Trong trường hợp một đạo luật cuối cùng được đệ trình tới Đức Dalai Lama, nếu ngài muốn sửa đổi, ý kiến sửa đổi phải viết lên trên giấy da và đính kèm với văn bản chính, rồi gửi tới đơn vị phê chuẩn. Nhưng điều gây khó khăn hơn hết cho những dự định cải cách là nỗi lo lắng của cộng đồng tôn giáo đối với ảnh hưởng ngoại lai, họ cho rằng những cải cách đó có thể phá hỏng Phật giáo ở Tây Tạng.

Tôi lựa chọn một nhà sư tên là Lobsang Tashi làm thủ tướng, và một người không theo đạo Phật, giàu kinh nghiệm quản lý, ông Lukhangwa, cũng là thủ tướng ở vị trí đối lập.

Sau khi làm xong việc đó, thông qua tư vấn với họ và Kashag, tôi gửi các phái đoàn tới Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh và Nêpan, hy vọng thuyết phục được những quốc gia này can thiệp nhân danh chúng tôi. Một phái đoàn khác tới Trung Quốc với mục đích đàm phán lui binh. Vào khoảng cuối năm, những phái đoàn này ra đi. Ngay sau đó, do quân lực của Trung Quốc được tăng cường ở phía đông, chúng tôi quyết định bản thân tôi cần phải chuyển về phía nam Tây Tạng cùng với đại bộ phận nhân viên nòng cốt của chính phủ. Nếu tình hình xấu đi, chúng tôi có thể di tản dễ dàng qua biên giới sang Ấn Độ. Trong lúc đó, ông Lobsang Tashi và ông Lukhangwa vẫn ở lại Lhasa với tư cách là thủ tướng, còn tôi sẽ mang đi ấn triện của quốc gia.

CHƯƠNG 4
DI TẢN VỀ PHÍA NAM

 

Có rất nhiều công việc cần tổ chức, cần một thời gian nhiều tuần trước khi chúng tôi ra đi. Hơn nữa, mọi chuẩn bị đều phải giữ bí mật. Các vị thủ tướng lo rằng nếu tin tức Dalai Lama chuẩn bị ra đi bị tiết lộ, không khí sợ hãi sẽ lan rộng. Tuy nhiên tôi chắc rằng rất nhiều người ý thức được chuyện gì đang xảy ra khi họ thấy những khối lượng lớn hành lý được gửi đi trước, một số trong những thứ đó ngay cả tôi cũng không được biết, gồm năm mươi hoặc sáu mươi hòm vàng bạc châu báu, phần lớn là vàng nén và bạc thanh lấy đi từ những phần mộ trong cung điện Potala. Đây là ý tưởng của Kenrap Tenzin, vị thầy y phục của tôi trước đây, bây giờ được thăng chức Chikyab Kenpo. Tôi rất bực mình khi được biết điều này. Không phải tôi quan tâm về kho tàng, mà do niềm kiêu ngạo tuổi trẻ bị tổn thương. Tôi cảm thấy rằng qua việc không nói cho tôi biết, Kenrap Tenzin vẫn coi tôi như một đứa trẻ con.

Tôi mong đợi ngày khởi hành với một cảm xúc lẫn lộn của lo âu và đề phòng. Một mặt, tôi vô cùng buồn bã vì phải rời bỏ những công dân của mình, tôi cảm thấy có trách nhiệm nặng nề đối với họ. Mặt khác, tôi lại háo hức mong đợi ra đi. Thêm vào nỗi hồi hộp, người phụ trách công việc hoàng gia quyết định tôi phải hóa trang, mặc y phục như một người bình thường. Ông lo rằng người ta có thể ngăn không cho tôi ra đi một khi họ biết tình hình hiện tại. Cho nên ông khuyên tôi không nên để lộ tung tích. Điều này khiến tôi hào hứng. Bây giờ không những tôi có khả năng thấy được những gì của đất nước, mà còn có thể hành động như một người quan sát bình thường, chứ không phải là một vị Dalai Lama.

Chúng tôi rời khỏi Lhasa vào lúc nửa đêm. Tôi nhớ lại hôm đó trời lạnh nhưng rất nhẹ nhõm. Những ngôi sao trên bầu trời Tây Tạng sáng lấp lánh, tôi chưa từng thấy ở nơi nào trên thế giới sao sáng như vậy. Không gian vô cùng lặng lẽ và trái tim tôi hẫng đi một nhịp mỗi khi một trong những con ngựa vấp lúc chúng tôi rón rén đi từ sân trong phía dưới cung điện Potala, qua tu viện Norbulingka và Drepung. Tuy vậy thực ra tôi không thấy sợ hãi.

Nơi đến cuối cùng của chúng tôi là Dromo (phát âm là Tromo) cách Lhasa chừng 200 dặm ngay bên trong biên giới sát với quốc gia Sikkim. Hành trình kéo dài tối thiểu mất mười ngày nếu như không có gì rủi ro. Tuy nhiên, chúng tôi gặp rắc rối ngay sau đó. Sau vài ngày rời khỏi Lhasa, chúng tôi tới một cái làng hẻo lánh tên là Jang, nơi này các vị sư thuộc tu viện Ganden, Drepung và Sera thường tập trung cắm trại tranh biện vào mùa hè. Khi họ trông thấy kích thước đoàn người, một điều không bình thường, họ nhận ra ngay. Tổng số đoàn chúng tôi tối thiểu chừng hai trăm người, có năm mươi viên chức cao cấp và chừng năm mươi đàn súc vật, các sư đoán ngay rằng tôi cũng ở trong nhóm này.

Thật may là tôi ở ngay phía trước đoàn, việc hóa trang của tôi đã có hiệu quả. Không ai ngăn tôi lại. Nhưng khi cưỡi ngựa đi ngang qua, tôi có thể thấy các vị sư trong trạng thái xúc động mạnh. Nhiều vị ứa nước mắt. Một lát sau, họ ngăn Ling Rinpoché đang đi sau tôi lại. Tôi liếc nhìn về phía sau, thấy họ van nài ông hãy quay trở lại với tôi. Đây là một khoảng khắc căng thẳng, cảm xúc dâng lên mãnh liệt. Những vị sư này đặt niềm tin vào tôi như một vị Hộ Pháp của họ đến nỗi họ không hề nghĩ rằng tôi đang rời bỏ họ. Ling Rinpoché giải thích với họ rằng tôi không có ý định đi xa mãi, và các vị sư miễn cưỡng bằng lòng để chúng tôi đi. Rồi, nằm rạp xuống đường, họ cầu xin tôi sẽ trở lại thật sớm.

Sau sự kiện không may này, chúng tôi không còn gặp rắc rối gì nữa, tôi có thể tận dụng điều kiện bằng cách đi lên hàng đầu, vẫn trong lốt cải trang, tranh thủ mọi lúc để dừng lại nói chuyện với dân chúng. Tôi nhận thấy rằng giờ đây mình có một cơ hội quý báu tìm hiểu xem cuộc sống đối với đồng bào nam nữ của tôi là thế nào, tôi cố gắng trò chuyện nhiều trong khi phải giấu diếm thân phận mình. Qua các cuộc nói chuyện, tôi được hiểu thêm về những bất công nhỏ bé của cuộc đời mà dân tộc tôi phải gánh chịu, do đó tôi kiên quyết tạo ra những thay đổi hòng giúp họ ngay khi có điều kiện.

Chúng tôi tới Gyantse (thành phố lớn thứ tư của Tây Tạng) sau một tuần lễ di chuyển. Ở đây, bí mật không thể giữ được nữa, hàng trăm con người đổ ra chào đón tôi. Một đội kỵ binh vũ trang xoàng xĩnh song rất nhiệt tình thường hộ tống phái bộ thương mại Ấn Độ, họ cũng bồng khí giới chào. Nhưng không còn thời gian để cử hành nghi thức nữa và chúng tôi phải hối hả ra đi. Chúng tôi tới Dromo vào tháng giêng năm 1951 sau một cuộc hành trình gần nửa tháng.

Mọi người đều kiệt sức. Riêng tôi, tôi cảm thấy vô cùng hứng thú. Nơi này gồm nhiều làng mạc gần kề nhau, tuy không có gì đặc biệt, nhưng phong cảnh thật hùng vĩ. Dromo nằm ngay tại vị trí chia đôi thung lũng Amo-chu, cao chừng 9000 bộ so với mặt biển.

Một con sông chạy dọc theo đáy thung lũng gần sát làng, tiếng sóng vỗ có thể nghe thấy suốt ngày đêm. Cách con sông không xa là những ngọn đồi nhô lên từng bậc. Tại một số địa điểm, con sông được bao bọc bởi những vách đá thẳng đứng vút lên bầu trời xanh. Gần đó nhô cao một cái đỉnh nhọn hùng vĩ làm phong cảnh Tây Tạng trở nên oai nghiêm và đe dọa. Đây đó những bụi thông, những lùm cây đỗ quyên dầy dặc điểm xuyết lên cánh đồng cỏ xanh. Tôi phát hiện ra khí hậu khá ẩm thấp. Do vị trí quá gần đồng bằng Ấn Độ, Dromo bị ảnh hưởng bởi gió mùa và mưa. Nhưng dù sao trời vẫn thường xuyên nắng, những tia sáng xuyên qua các đám mây khổng lồ rửa sạch thung lũng bằng thứ ánh sáng lấp lánh huyền diệu. Tôi khao khát thám hiểm khu vực này, khát khao trèo lên núi khi nó được trải lên bằng những đóa hoa rừng mùa xuân, nhưng lúc này đang là những tháng mùa đông.

Trên đường tới Dromo, đầu tiên tôi nghỉ tại nhà một viên chức địa phương (người đã gửi cho tôi đồ chơi và những quả táo) trước khi tới Dungkhar, tu viện nhỏ bé toạ lạc một quả đồi có thể nhìn thấy toàn bộ thung lũng Dromo. Ngay sau khi ổn định xong, tôi trở lại chương trình thường xuyên là cầu nguyện, thiền, nhập thất và thực hành. Nhưng dù mong muốn có thêm thời gian rảnh rỗi, dù luyến tiếc những trò giải trí thường lệ ở Lhasa, tôi cảm thấy trong tôi có một cái gì thay đổi. Có lẽ đó là tiếng vọng thoảng qua của cảm giác tự do, vì tôi có thể làm mọi thứ mà không còn bị ràng buộc bởi quá nhiều nghi lễ hình thức, cứng nhắc như thời gian ở Lhasa. Trong nỗi luyến tiếc tình bạn với những người phục vụ, sự luyến tiếc này được khỏa lấp bằng những trách nhiệm gia tăng mà tôi cảm nhận được. Một điều mà chuyến đi xuôi này thuyết phục được tôi, đó là sự cần thiết của việc chịu khó nghiên cứu, học hỏi thật nhiều. Tôi có nghĩa vụ phải thực hiện điều này vì niềm tin của dân tộc, họ muốn tôi trở thành một con người tốt nhất.

Một sự kiện có ý nghĩa xảy ra ngay sau khi chúng tôi tới Dromo, đó là sự có mặt của một vị sư người Sri Lanka, nhà sư này mang một thánh tích quan trọng mà tôi được đón nhận với một nghi lễ đầy xúc động.

Do Lukhangwa và Lobsang Tashi vẫn còn ở lại Lhasa, nên những cố vấn chính của tôi bây giờ là Kashag, vị phụ trách hoàng gia, Ling Rinpoché (bây giờ là vị trưởng trợ giáo của tôi), và Trijang Rinpoché, vị trưởng tsenshap mới được bổ nhiệm làm phó trợ giáo. Anh trai tôi, Taktser Rinpoché đồng thời cũng ở đó. Anh đã tới đây vài tuần lễ trước khi sang Ấn Độ.

Tin tức tồi tệ nhất chúng tôi nhận được, là trong những phái đoàn ra đi trước khi tôi rời khỏi Lhasa, chỉ có một đoàn tới đích, đó là phái đoàn đi Trung Quốc. Còn những phái đoàn khác đều bị từ chối. Đây là một thảm họa. Tây Tạng luôn luôn duy trì mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp nhất với Nêpan và Ấn Độ. Xét cho cùng, họ là láng giềng của chúng tôi. Đối với nước Anh, nhờ có đoàn thám hiểm của đại tá Younghusband, phái đoàn thương mại Anh quốc đã có mặt ở Tây Tạng gần nửa thế kỷ. Dù cho Ấn Độ giành được độc lập năm 1947, phái đoàn thương mại này vẫn là cơ quan tiếp tục hoạt động do ngài Hugh Richardson người Anh điều hành. Vậy hoàn toàn không có khả năng tin được rằng bây giờ chính phủ Anh quốc chấp nhận việc Trung Quốc nắm quyền lực ở Tây Tạng. Hình như là người Anh quên mất rằng trước đây, khi ngài Younghusband ký kết hiệp định với chính quyền Tây Tạng, họ đã thấy được vấn đề cần đối xử với Tây Tạng như một quốc gia hoàn toàn có chủ quyền. Họ cũng quên là với tư cách của họ, năm 1914, khi họ triệu tập một cuộc hội nghị (hiệp định Simla), trong hội nghị này Tây Tạng và Trung Quốc được mời một cách độc lập. Ngoài ra, người Anh và người Tây Tạng luôn luôn có mối quan hệ tốt đẹp. Người dân nam nữ chúng tôi cũng thấy người Anh có thái độ đúng đắn, công bằng và hài hước mà dân Tây Tạng rất ngưỡng mộ.

Về phía Hoa Kỳ, năm 1948 Hoa Thịnh Đốn nhiệt tình chào đón phái đoàn thương mại Tây Tạng, chúng tôi còn có cả cuộc gặp gỡ với vị Phó tổng thống. Nhưng cuối cùng họ cũng thay đổi cách suy nghĩ. Tôi nhớ lại cảm giác buồn vô cùng khi thấy được điều này muốn nói gì: Tây Tạng phải đơn độc đối mặt với toàn bộ sức mạnh của cộng sản Trung Quốc.

Tiến triển thứ hai, sau khi các phái đoàn bị từ chối, và sau khi phái đoàn được cử đi đã trở về, một bản báo cáo dài của Ngabo Ngawang Jigme, chủ tịch tỉnh Chamdo gửi tới. Phần lớn các khu vực thuộc Chamdo giờ đây nằm trong tay người Trung Quốc, bản báo cáo được chuyển tới Lhasa do một trong những nhà thương gia hàng đầu của khu vực mang tới. Ông này thận trọng đưa tận tay cho Lobsang Tashi và Lukhangwa để họ chuyển lại cho tôi. Bản báo cáo vạch ra chi tiết thực chất những đe dọa của chính quyền Trung Quốc và nêu rõ, trừ phi đạt được một thỏa thuận, còn không thì Giải Phóng Quân sẽ sớm tiến bước trên thành phố Lhasa. Nếu điều này xảy ra, chắc chắn sẽ có rất nhiều người chết, và tôi muốn bằng bất kỳ mọi giá, điều này phải được tránh xa.

Ông Ngabo gợi ý rằng chúng tôi không còn con đường nào khác ngoài biện pháp thương thuyết. Nếu chính quyền Tây Tạng chấp thuận, nếu chúng tôi gửi một vài trợ lý tới, ông dự định sẽ thân chinh ra đi nhằm cố gắng mở một cuộc đối thoại với phía Trung Quốc tại Bắc kinh. Tôi tiếp xúc với Lobsang Tashi và Lukhangwa để tìm hiểu quan điểm. Họ cho rằng những cuộc thương lượng như thế cần được tổ chức ở Lhasa, nhưng vì địa điểm này không an toàn, họ phải đồng ý Bắc Kinh là điểm tới.

Do ông không quản ngại, tự mình nhận nhiệm vụ này, tôi kết luận Ngabo nên tới thủ đô Bắc Kinh vì biết rằng ông là một người quản lý nhà nước rất có trách nhiệm. Đồng thời, tôi gửi thêm hai nhân viên ở Dromo và hai nhân viên Lhasa đi cùng. Tôi hy vọng ông sẽ khẳng định với các nhà lãnh đạo Trung Quốc là Tây Tạng không yêu cầu “giải phóng”, mà chỉ muốn tiếp tục mối quan hệ hòa bình với các nước láng giềng anh em.

Lúc này mùa xuân tới, dạt dào bản sắc tự nhiên. Những quả đồi điểm xuyết hoa rừng, cỏ mọc đầy một màu xanh tươi mát, rực rỡ. Không gian tràn ngập hương thơm của hoa nhài, hoa kim ngân và oải hương (lavender). Từ căn buồng riêng bên trong tu viện, tôi có thể nhìn xuống con sông mà những người nông trại thả cừu, bò Tây Tạng và dzomo ăn cỏ. Tôi có thể nhìn một cách thèm thuồng những nhóm người đi cắm trại tới hàng ngày đốt lửa nấu ăn bên bờ sông. Tôi bị mê hoặc với những gì thấy được, đến nỗi can đảm yêu cầu Ling Rinpoché để tôi được nghỉ ngơi đôi chút. Chắc ông cũng cảm nhận được, nên trước sự ngạc nhiên của tôi, ông chấp thuận để tôi nghỉ ngơi. Tôi không thể nhớ được mình sung sướng thế nào khi lang thang quanh khu vực trong nhiều ngày. Có lần tôi tới thăm một tu viện của đạo Bon trong một chuyến du ngoạn. Nỗi buồn duy nhất là tôi đã biết giai đoạn rối ren đang chờ đợi phía trước. Bây giờ thì tình hình rắc rối xảy ra trước khi tôi được biết tin tức của Ngabo từ Bắc Kinh. Tôi đã nửa phần trông đợi tin tức xấu, nhưng không có gì chuẩn bị được cho tôi đối với sự choáng váng khi tin đó tới.

Tại tu viện, tôi có một chiếc máy thu thanh cũ nhãn hiệu Bush sử dụng bằng bình điện sáu vôn. Mỗi buổi tối tôi thường nghe đài phát thanh Bắc Kinh phát bằng Tạng ngữ. Đôi khi tôi cùng nghe với một hoặc vài nhân viên, nhưng thường là một mình. Phần lớn chương trình phát thanh chỉ tuyên truyền về “tổ quốc vinh quang”, song phải nói rằng tôi rất thất vọng về những gì nghe được. Đó là một dòng ngôn từ liên miên bất tận về những tiến bộ công nghiệp, về sự bình đẳng của mọi công dân Trung Quốc. Đây dường như là một kết hợp hoàn hảo của tiến bộ vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, vào một buổi tối, lúc đang ngồi một mình, một chương trình hoàn toàn khác lạ được phát thanh. Một giọng nói thô bạo, rè rè tuyên bố bản “Hiệp Ước Mười Bảy Điểm” vì sự nghiệp giải phóng hòa bình cho Tây Tạng đã được ký kết do những người đại diện của chính phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và cái họ gọi là “chính quyền địa phương” Tây Tạng.

Tôi không thể tin nổi vào đôi tai của mình, tôi muốn chạy ra ngoài gọi tất cả mọi người vào, nhưng lại ngồi yên bất động. Người phát thanh mô tả “hàng trăm năm trước đây, lực lượng đế quốc phản động đã thâm nhập vào Tây Tạng và tiến hành mọi hoạt động lừa gạt, khiêu khích”. Thêm vào đó là “trong hoàn cảnh đó, quốc gia và dân tộc Tây Tạng bị nhấn chìm trong khổ đau và nô lệ”. Tôi cảm thấy buồn nôn khi nghe những luận điệu hỗn tạp dối trá, những lời sáo rỗng kỳ khôi.

Rồi điều tồi tệ đã xảy ra. Mục Một trong “Hiệp Ước” nói rằng “Dân tộc Tây Tạng sẽ đoàn kết và xua đuổi mọi lực lượng đế quốc phản động khỏi Tây Tạng. Dân tộc Tây Tạng sẽ trở về đại gia đình tổ quốc, trở về nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Điều này muốn nói gì? Đạo quân nước ngoài cuối cùng đóng trên đất Tây Tạng năm 1912 là quân đội Mãn châu. Như tôi ý thức được (và giờ đây tôi biết rõ), lúc đó chỉ có một dúm người phương Tây ở Tây Tạng. Và ý tưởng “Tây Tạng trở về với đất mẹ” là một phát minh trơ trẽn. Tây Tạng chưa bao giờ là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Như tôi đã đề cập, thực ra Tây Tạng ngày xưa còn yêu sách những phần đất đai rộng lớn của Trung Quốc. Hơn nữa, người chúng tôi về mặt chủng tộc có nét đặc trưng rõ ràng. Chúng tôi không nói chung một thứ tiếng nói, chữ viết chúng tôi không giống chữ viết của người Trung Quốc. Hội đồng luật gia quốc tế đã phát biểu rõ ràng trong báo cáo của họ:

Bối cảnh của Tây Tạng trong việc trục xuất người Trung Quốc năm 1912 có thể được mô tả một cách công bằng trên thực tế, đây là một quốc gia độc lập... do vậy điều này chứng tỏ những sự kiện xảy ra năm 1911-1912 đánh dấu sự nổi dậy của Tây Tạng như là sự nổi dậy của một quốc gia hoàn toàn có chủ quyền, độc lập với mọi sự kiện và luật lệ thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc.

Tuy vậy, điều đáng chú ý nhất, là ông Ngabo không đủ quyền hạn ký kết bất kỳ một điều gì nhân danh tôi, ông chỉ có quyền thương lượng. Tôi giữ con dấu của nhà nước ở Dromo để đảm bảo cho việc này. Do vậy chắc chắn ông bị ép buộc. Nhưng phải mất nhiều tháng sau tôi mới được biết toàn bộ câu chuyện. Trong khi chờ đợi, tất cả mọi thứ chúng tôi có thể tiến hành được là nghe đài (phát đi phát lại rất nhiều lần), cùng với rất nhiều bài thuyết giảng tâng bốc về niềm vui của chủ nghĩa cộng sản, niềm vinh quang của Mao chủ tịch, đất nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa kỳ diệu và những điều tốt đẹp mà người dân Tây Tạng có thể trông đợi, giờ đây vận mệnh chúng ta đã được hợp nhất. Thật khá là ngớ ngẩn.

Dù sao mọi chi tiết về bản hiệp định Mười Bảy Điểm cũng ớn lạnh. Điều khoản Hai phát biểu rằng “Chính quyền địa phương” của Tây Tạng cần “chủ động hỗ trợ Giải Phóng Quân tiến vào Tây Tạng củng cố quốc phòng”. Theo tôi cân nhắc, điều này có nghĩa là lực lượng quân sự của chúng tôi phải đầu hàng ngay lập tức. Điều khoản Tám tiếp tục chủ đề bằng cách tuyên bố quân đội Tây Tạng sẽ được biên chế vào trong quân đội Trung Quốc - cứ như là chuyện có thể xảy ra! Rồi trong Điều khoản Mười bốn, chúng tôi hiểu rằng từ nay trở đi, Tây Tạng bị tước đi quyền xử lý mọi công việc nội bộ. Rải rác với những điều khoản này là một số điều khoản khác đảm bảo Tây Tạng tự do tín ngưỡng, đảm bảo địa vị của tôi và hệ thống chính trị hiện tại. Nhưng trong tất cả những điều vô vị đó, có một điểm đã rõ ràng: từ nay trở đi, Miền Đất Tuyết phải chịu sự điều khiển của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Khi đã đủ thấm thía hoàn cảnh thực tại đáng buồn này, rất nhiều người, nhất là Taktser Rinpoché. Trong một bức thư dài gửi từ Calcutta, anh yêu cầu tôi lập tức đi ngay Ấn Độ. Mọi người thuyết phục rằng chỉ có một cơ hội duy nhất cho Tây Tạng, là phải tìm được đồng minh giúp đỡ để chống lại Trung Quốc. Khi tôi nhắc lại sự kiện phái đoàn của chúng ta gửi đi các nước Ấn Độ, Nêpan, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã bị từ chối, họ phản bác bằng lập luận một khi những quốc gia này nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, chắc chắn các quốc gia đó sẽ ủng hộ Tây Tạng. Họ vạch rõ, Hoa Kỳ kiên quyết chống đối sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản và đã chiến đấu ở Nam Hàn vì lý do đó. Tôi nhận thức được tính hợp lý của lập luận, nhưng cảm thấy vấn đề là vì Hoa Kỳ đã tham gia chiến tranh trên một chiến tuyến, khả năng muốn mở tiếp một chiến tuyến thứ hai có thể bị giảm thiểu.

Mấy hôm sau, một bức điện tín dài của đoàn đại biểu ở Bắc Kinh gửi tới. Bức điện tín không nói gì nhiều hơn là những điều đã được nhắc đi nhắc lại trên đài phát thanh. Hiển nhiên Ngabo bị ngăn cản không cho nói sự thật. Gần đây, trong hồi ký của một vài thành viên phái đoàn, họ kết nối toàn bộ câu chuyện họ bị ép buộc ký vào hiệp ước dưới áp lực như thế nào, và phải sử dụng con dấu quốc gia làm giả. Nhưng qua bức điện tín của Ngabo, tôi chỉ có thể phỏng đoán sự việc. Tuy nhiên ông nói người sẽ cầm quyền Tây Tạng, tướng Chiang Chin-wu, ông này đang trên đường qua Ấn Độ tới Dromo. Chúng tôi sẽ sớm gặp người đó.

Bây giờ chỉ còn phải chờ đợi. Cùng thời gian đó, tôi gặp các tu viện trưởng thuộc ba trường đại học lớn của tu viện Ganden, Drepung và Sera vừa tới. Được biết về bản Hiệp Ước Mười Bảy điểm, họ yêu cầu tôi nhanh chóng trở về Lhasa. Họ cho biết dân chúng Tây Tạng vô cùng hoảng hốt, tôi cần phải trở về. Lukhangwa và Lobsang Tashi đã ủng hộ ý kiến họ và gửi thông điệp cho tôi.

Mấy hôm sau, tôi được nghe tin này một lần nữa từ Taktser Rinpoché, người thành công trong việc tiếp xúc với Lãnh sự Hoa Kỳ ở Calcutta và được phép tới thăm nước Mỹ. Anh lại khẩn khoản yêu cầu tôi sang Ấn Độ, anh nói người Mỹ rất nóng lòng tiếp xúc với Tây Tạng. Anh gợi ý rằng nếu tôi tỵ nạn, những dàn xếp về một sự hỗ trợ có thể đàm phán được giữa hai chính phủ. Anh kết thúc trong bức thư bằng câu nói đây là một mệnh lệnh, tôi phải đi Ấn Độ ngay, hiện tại phái đoàn Trung Quốc đã ở Calcutta, trên đường tới Dromo. Ẩn ý ở đây là nếu tôi không đi ngay, cơ hội sẽ quá muộn.

Ngay lúc này, tôi cũng nhận được một lá thư có nội dung tương tự của Heinrich Harrer, ông rời khỏi Lhasa trước tôi một thời gian ngắn, bây giờ đang ở Kalimpong. Ông phát biểu một cách chắc chắn quan điểm của ông là tôi nên xin tỵ nạn tại Ấn Độ, quan điểm này được một số nhân viên của tôi ủng hộ. Tuy nhiên Ling Rinpoché cũng cương quyết rằng tôi không nên đi.

Vậy là tôi phải đối diện với một vấn đề tiến thoái lưỡng nan. Nếu bức thư của anh tôi là những gì cần được thực hiện, xét cho cùng thì hình như có đôi chút cơ hội để giành được sự ủng hộ của nước ngoài. Nhưng điều này muốn nói gì với người dân của tôi đây? Tôi có nên ra đi trước khi gặp gỡ phía Trung Quốc hay không? Và nếu tôi ra đi, liệu rằng những đồng minh mới của chúng tôi có dám gặp chúng tôi bất chấp mọi khó khăn hay không? Khi cân nhắc những ý tưởng này, tôi liên tục va phải hai điểm đặc trưng cần tính đến. Thứ nhất, đối với tôi, kết quả hiển nhiên của một hiệp ước với Hoa Kỳ hoặc một quốc gia nào đó sẽ là chiến tranh. Và chiến tranh là đổ máu. Thứ hai, tôi lập luận rằng dù cho Mỹ là một quốc gia rất mạnh, nhưng cách Tây Tạng xa hàng ngàn dậm. Mặt khác, Trung Quốc lại là nước láng giềng chúng tôi, dù rằng tiềm năng vật chất kém hơn Hoa Kỳ, song họ lại dễ dàng có một số ưu thế. Do vậy, để giải quyết vấn đề bằng đấu tranh vũ trang, biện pháp này có thể kéo dài nhiều năm.

Hơn nữa, Hoa Kỳ là một nước theo chế độ dân chủ, tôi không thể tin rằng người dân Hoa Kỳ sẽ kiên nhẫn với những trường hợp thương vong không giới hạn. Cho nên tôi dễ dàng hình dung ra thời điểm mà chúng tôi, dân tộc Tây Tạng, chúng tôi lại một lần nữa phải tự lực cánh sinh. Kết quả cũng như nhau. Trung Quốc có đường lối riêng của họ, trong thời gian sự việc diễn biến, sẽ có vô số những sinh mạng của người Tây Tạng, người Trung Quốc và người Mỹ mất đi mà chẳng vì mục đích gì. Do vậy tôi kết luận rằng tiến trình hành động tối ưu là hãy đợi cuộc gặp gỡ với viên tướng Trung Quốc. Dù sao, ông ta cũng là con người.

Đúng ngày 16/7 năm 1951, phái đoàn Trung Quốc có mặt tại Dromo. Một thông điệp được gửi tới tu viện thông báo sự có mặt của họ. Với tin này, tôi cảm thấy vừa phấn khích vừa sợ sệt. Những người này trông họ giống như thế nào? Tôi một nửa bị thuyết phục với ý tưởng tất cả bọn họ phải có sừng trên đầu. Tôi đi ra ban công hăm hở nhìn xuống thung lũng phía dưới thị trấn, nhìn lướt những ngôi nhà bằng kính viễn vọng. Tôi nhớ lại đó là một ngày đẹp trời dù cho đang giữa mùa mưa, hơi nước từ mặt đất bốc lên cuồn cuộn dưới sức nóng của ánh nắng mặt trời. Thình lình tôi phát hiện ra một đoàn người đang di chuyển. Một nhóm nhân viên của tôi dẫn đầu đi về hướng tu viện. Đi cùng với họ, tôi phân biệt được ba người mặc đồng phục màu ghi. Bên cạnh những viên chức cao cấp Tây Tạng mặc áo dài truyền thống bằng lụa đỏ và vàng, trông những người này rất bình thường.

Cuộc gặp gỡ của chúng tôi mang tính chất nghi lễ lạnh lùng. Thoạt đầu, tướng Chiang Chin-wu hỏi tôi có nghe nói tới bản Hiệp Ước Mười Bảy Điểm không. Với một thái độ thận trọng, tôi trả lời có. Ông trao cho tôi bản sao của bản Hiệp Ước cùng với hai tài liệu khác. Khi ông đưa ra, tôi thấy ông đeo một cái đồng hồ vàng nhãn hiệu Rolex. Về hai văn bản bổ sung, một bản nói về vấn đề quân đội Tây Tạng. Văn bản kia giải thích những gì sẽ xảy ra nếu tôi lựa chọn con đường tỵ nạn. Văn bản gợi ý rằng tôi phải nhanh chóng nhận thấy rằng chính quyền Trung Quốc tỏ thái độ hữu nghị rất thành thật. Do vậy chắc chắn tôi sẽ muốn trở lại đất nước mình. Nếu được như vậy, tôi sẽ được hoan nghênh với những cánh tay mở rộng. Cho nên, việc ra đi không có ý nghĩa gì hết.

Sau đó, tướng Chiang hỏi khi nào tôi có ý định trở lại Lhasa. “Rất sớm” tôi trả lời không hào hứng, và tiếp tục xử sự một cách hết sức tránh né. Câu hỏi của ông ta hiển nhiên là ông muốn tôi trở về Lhasa cùng với ông, chúng tôi trở lại Lhasa một cách có ý nghĩa. Cuối cùng nhân viên của tôi cố gắng tránh né vấn đề này và ông ta đi Lhasa sau tôi một hoặc hai ngày.

Ấn tượng đầu tiên của tôi vượt quá điều tôi mong đợi. Bỏ qua những gì nghi vấn, lo âu mà tôi cảm thấy trước đây, trong cuộc họp, rõ ràng con người này dù được giả thiết là kẻ thù của tôi, thực ra ông ta cũng chỉ là một con người, một con người bình thường như tôi. Nhận thức này đã ảnh hưởng lâu dài đối với tôi. Đó là một bài học quan trọng.

Giờ đây khi gặp tướng Chiang, tôi vui lên một chút với viễn cảnh trở lại Lhasa. Những công việc chuẩn bị lập tức được tiến hành và cùng với nhân viên, chúng tôi lên đường vào cuối tháng. Lần này không cần phải giữ bí mật, tôi trở về với một tư thế được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn lúc ra đi. Tôi dừng lại hầu hết ở những làng chính trên đường để giảng dạy cho dân chúng địa phương. Việc này khiến tôi có cơ hội nói cho mọi người biết chuyện gì đã xảy ra ở Tây Tạng, chúng ta bị một đội quân nước ngoài xâm lăng như thế nào, nhưng chính quyền Trung Quốc lại tuyên bố tình hữu nghị ra sao. Đồng thời, tôi cũng đọc một bài thuyết trình ngắn về những văn bản thuộc tôn giáo mà tôi thường lựa chọn, phù hợp với những điều tôi nói. Tôi tiếp tục sử dụng phương thức này cho tới nay. Đó là một phương pháp tốt chứng tỏ rằng tôn giáo có nhiều điều để chúng ta học hỏi trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, hiện giờ tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Trước đây tôi rất thiếu tự tin, dù rằng mỗi khi nói trước công chúng, lòng tự tin có tăng lên. Đồng thời tôi thấy rằng, cũng như các bậc thầy, để giúp một con người học hỏi, không có gì bằng giáo lý.

Tôi rất sung sướng vì có nhiều điều phải làm trong hành trình này. Nếu không tôi sẽ rất buồn. Tất cả mọi người trong gia đình tôi đều ở nước ngoài, trừ có cha tôi, người mất khi tôi mới mười hai tuổi, và anh Lobsang Samten hiện đang tháp tùng tôi. Bạn đồng hành duy nhất ngoài gia đình là Tathag Rinpoché. Ông tới thăm tôi tại Dromo để truyền lại một số giáo lý quan trọng, bây giờ ông trở lại tu viện của mình ở ngoại ô Lhasa. Ông già đi nhiều so với lúc tôi gặp hồi mùa đông trước đây, hiện tại trông như một cụ già bảy mươi tuổi. Tôi vô cùng vui sướng được là bạn đồng hành với ông một lần nữa, không chỉ vì ông là một con người cực kỳ nhân hậu, mà còn là một bậc thầy tâm linh có mức độ hoàn thành cao. Chắc chắn ông là vị guru quan trọng nhất của tôi. Ông đã làm lễ truyền thụ cho tôi một số lớn những dòng truyền thừa và những giáo lý bí mật, những thứ được truyền lại cho ông do các đại sư nổi tiếng nhất trong thời kỳ của ông.

Từ Dromo chúng tôi thong thả tiến tới Gyantse, ở đây đội kỵ binh lại bồng khí giới chào như lần trước. Nhưng thay vì gấp rút, tôi dừng lại vài ngày. Rồi chúng tôi tới tu viện Samding, ngôi nhà của Dorje Phagmo, một trong những vị Bồ Tát quan trọng nhất. Đây cũng là một tu viện đẹp nhất trên toàn cõi Tây Tạng. Phong cảnh trên đường thật mỹ lệ: những chiếc hồ màu xanh lá mạ được viền quanh với các cánh đồng xum xuê chạy dài, có hàng ngàn con cừu ăn cỏ. Nhờ ánh sáng mùa hè trong suốt, khô ráo, cảnh vật ở đây đẹp hơn tất cả những gì tôi đã gặp. Đôi khi tôi còn nhìn thấy những bầy hươu nai, linh dương, hồi đó còn khá phổ biến ở Tây Tạng. Tôi thích quan sát chúng đứng yên, lo lắng nhìn chúng tôi lại gần, rồi lao vút đi trên đôi chân dài khúc khuỷu.

Có một lần tôi vui sướng được ngồi trên lưng ngựa, mặc dù thường là tôi sợ ngựa. Tôi không biết vì sao, một khi tôi có thể tiếp xúc với hầu hết những sinh vật khác, ngoại trừ con sâu bướm. Tôi có thể cầm lấy nhện và bọ cạp mà không hề do dự, không quá thận trọng với rắn rết, nhưng tôi không quý mến ngựa, còn sâu bướm làm tôi ớn lạnh. Tuy nhiên đôi khi tôi vui sướng cưỡi ngựa phi qua thảo nguyên và liên tục thúc ngựa phi nhanh. Thực ra đó là một con la, tên nó là “bánh xe mầu ghi”, ngày trước con la thuộc về Reting Rinpoché. Nó phi rất nhanh và có sức chịu đựng tốt, tôi khá thân với nó. Tuy vậy người giữ ngựa lại không tán thành sự lựa chọn này. Anh ta cho rằng nó quá bé và không xứng đáng để một vị Dalai Lama cưỡi.

Tu viện Samding nằm cách một thị trấn nhỏ thuộc Nangartse không xa lắm, gần hồ Yamdrok, một trong những vùng nước mạch lộng lẫy nhất mà tôi gặp. Do không có một dòng nước nào chảy vào hoặc chảy ra, hồ Yamdrok có một màu ngọc lam huyền bí tạo ra những cảm giác sửng sốt. Đáng buồn thay, gần đây tôi nghe nói chính quyền Trung Quốc đang vạch kế hoạch bơm nước ra để thực hiện dự án nhà máy thủy điện, tôi không dám nghĩ tới hậu quả lâu dài của việc này.

Lúc đó, Samding là một cộng đồng phồn vinh. Thật hứng thú, theo truyền thống, người đứng đầu tu viện là một phụ nữ. Điều này không mấy ngạc nhiên vì ở Tây Tạng không có sự phân biệt chủng tộc đối với nữ giới. Ví dụ, có một đại sư quan trọng ở một nơi ẩn tu gần Lhasa, khi tôi còn bé, bà nổi tiếng trên toàn cõi Tây Tạng. Dù không phải là một vị hóa thân, thời đó bà vẫn được mọi người vô cùng kính trọng. Có rất nhiều vị sư nữ, nhưng đây là một tu viện duy nhất có người đứng đầu là nữ giới.

Điều có lẽ hơi lạ là Dorje Phagmo được đặt tên sau khi Vajravarahi, một nữ thần được biết dưới tên là Adamantine Sow. Truyền thuyết nói rằng hiện thân Vajravarahi có cơ thể là một phụ nữ và khuôn mặt của con lợn. Một câu truyện kể lại vào thế kỷ thứ mười tám, khi đạo quân Mông cổ tới Nangartse, tên thủ lĩnh ra lệnh vị tu viện trưởng phải tới gặp hắn. Hắn nhận được một lời từ chối lễ độ. Hắn nổi giận, phi tới tu viện, xông thẳng vào bên trong cùng với quân lính. Giữa sảnh đường đầy những vị sư, và ngồi trên ngai, phía trên đầu các sư, hắn thấy một con lợn rừng to lớn.

Lúc này người đứng đầu thiền viện là một cô gái trẻ trạc tuổi tôi. Khi tôi tới, cô hành lễ tỏ ý tôn kính. Tôi còn nhớ cô là một người con gái hay xấu hổ với những bím tóc đuôi sam dài trên đầu. Sau đó cô trốn đi Ấn Độ, nhưng do một lý do nào đó tôi không biết, cô trở lại Lhasa, sau đó cô bị các ông chủ mới lợi dụng. Thảm thương thay, cuối năm 1950, tu viện và những ngôi nhà phụ trợ đều bị phá hủy giống như hàng ngàn thiền viện khác, truyền thống cổ kính của tu viện đó bị tiêu diệt.

Tôi dừng lại ở Samding chừng hai, ba ngày. Trước khi trở lại Norbulingka, tôi tháp tùng Tathag Rinpoché tới tu viện của ông, cách cổng thành phố chừng vài giờ đồng hồ. Rất từ tốn, ông dọn buồng của ông cho tôi rồi dời xuống khu vực cỏ mọc đầy phía sau tòa nhà, nơi trước đây được sử dụng cho các cuộc tranh luận. Chúng tôi gặp gỡ một số lần theo nghi lễ trong vài ngày sau đó. Khi chia tay, tôi rất buồn vì phải xa ông. Tôi vô cùng cảm kích và tôn kính Tathag Rinpoché. Điều làm tôi rất buồn là thanh danh của ông bị tổn thương nhiều trong thời kỳ ông giữ vai trò nhiếp chính. Ngay cả tới tận bây giờ tôi tự hỏi phải chăng tốt hơn nếu như ông vẫn còn là một Lama không tham gia vào vấn đề chính trị. Hơn nữa, ông không có kiến thức về quản lý và kinh nghiệm điều hành. Thật vô lý khi mong chờ ông làm tốt những công việc mà chưa bao giờ ông được huấn luyện. Nhưng đó là Tây Tạng. Do ông rất được tôn trọng vì những hiểu biết tâm linh, dường như theo lẽ tự nhiên, ông chỉ nên được chỉ định vào văn phòng cao cấp thứ nhì của đất nước.

Đó là lần cuối cùng tôi gặp Tathag Rinpoché khi ông còn sống. Lần gặp nhau cuối cùng, ông yêu cầu tôi đừng có những cảm xúc tiêu cực về những trừng phạt ông đã buộc phải thực hiện lúc tôi còn nhỏ. Tôi rất xúc động khi một bậc thầy già cả, rất được tôn kính, lại nói ra những điều như vậy với tôi. Lẽ đương nhiên tôi hiểu điều này.

Tôi trở lại Lhasa vào giữa tháng tám, sau chín tháng vắng mặt. Một cuộc đón tiếp được tổ chức long trọng. Gần như là toàn thể dân chúng tới gặp tôi, thể hiện tất cả niềm vui sướng của ngày trở về. Tôi hết sức xúc động đồng thời vô cùng vui sướng. Chỉ một điều tôi biết rất rõ là kể từ mùa đông năm ngoái tới nay, đã có rất nhiều thay đổi, không có gì còn nguyên vẹn như cũ nữa. Dường như mọi người cũng đều biết thế, dù họ vô cùng hân hoan, nhưng vẫn có những dấu vết quá khích trong nhiệt tình của họ. Thời gian tôi đi vắng, các tin đồn bắt đầu lan tới thủ đô, nói về những sự độc ác tàn bạo chống lại người dân Tây Tạng ở tỉnh Amdo và tỉnh Kham. Lẽ tự nhiên, người dân rất lo lắng đến tương lai, mặc dù tôi biết rằng một số người cảm thấy mọi việc sẽ tốt đẹp vì tôi đã trở về.

Trên phương diện cá nhân, tôi rất buồn vì người phục vụ tôi yêu thích, Norbu Thondup, ông mới chết hồi đầu năm, người đã từng là bạn nhiệt tình nhất của tôi. Trong thời ấu thơ, đây là người bạn trung thành tận tụy, một nguồn vui liên tục. Khi tôi còn bé, ông hay dọa tôi bằng cách nhăn cái bộ mặt ghê gớm của mình. Lúc tôi lớn hơn, ông cùng tôi tham gia trong những trò chơi cực kỳ ồn ào. Chúng tôi thường dùng vũ lực trong trò chơi trận giả và tôi nhớ lại hồi đó mình đã cư xử khá ác ý với ông, ngay cả chọc vào những nơi có thể chảy máu bằng thanh kiếm trong tay những người lính của tôi khi ông ôm chặt lấy tôi lúc chơi chiến trận. Nhưng ông luôn luôn ăn miếng trả miếng và không bao giờ mất đi dáng vẻ vô cùng hài hước. Tất nhiên giờ đây tôi không còn làm được gì cho ông, dù có thể giúp đỡ con trai, con gái ông. Là một Phật tử, tôi biết rằng buồn phiền chẳng có ích lợi gì. Nhưng đồng thời tôi nhận thức được rằng cái chết của Norbu Thondup đánh dấu sự kết thúc thời ấu thơ của tôi. Thời ấu thơ đó không bao giờ trở lại. Trong vài ngày tới, tôi phải gặp lại phái đoàn Trung Quốc. Tôi phải làm tất cả vì dân tộc tôi, dù nhiều dù ít, bao giờ tôi cũng ghi nhớ rằng mọi theo đuổi nhằm mục đích hòa bình của tôn giáo là một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất của cuộc sống. Và lúc này tôi mới chỉ có mười sáu tuổi.

Theo truyền thống, tôi tiếp tướng Chiang Chin-wu tại tổng hành dinh đội bảo vệ. Điều này khiến ông ta phẫn nộ, ông đòi giải thích lý do tôi tiếp ông ở đây chứ không phải ở một chỗ khác trang trọng hơn. Ông khẳng định ông không phải là người nước ngoài, không muốn được cư xử như một người ngoại quốc. Việc không nói được tiếng Tây Tạng dường như khiến ông thiệt thòi. Đầu tiên tôi sửng sốt với cái nhìn của cặp mắt ốc nhồi và đôi má hồng hào khi ông nói ấp úng, lắp bắp, đập bàn với quả đấm. Sau đó tôi phát hiện ra vị tướng này thường xuyên nổi giận như vậy. Đồng thời tôi tự nhắc nhở mình rằng có thể ông ta là một người căn bản tốt, thực ra ông sẽ là như vậy, và là một người khá thẳng thắn.

Do cách thể hiện sự giận dữ, rất nhanh tôi phát hiện ra những cơn bùng nổ như vậy khá phổ biến đối với người Trung Quốc. Tôi tin vào điều này vì họ được một số người đối xử quá tôn kính, đặc biệt người Âu châu và người Mỹ, những con người có khuynh hướng kiểm soát cảm xúc tương đối triệt để. Rất may, việc rèn luyện tôn giáo giúp tôi giữ được thái độ đúng mức đối với cách cư xử của ông ta; tôi có thể thấy được sự thể hiện nỗi tức giận như vậy đôi khi lại là một điều khá tốt. Dù điều này không phải lúc nào cũng thích hợp, nhưng thái độ này thường là tốt hơn so với thái độ tỏ ra lịch sự mà che giấu nỗi oán hờn.

Lúc đầu, tôi không thường xuyên giải quyết với tuớng Chiang về các vấn đề. Trong một hay hai năm đầu tiên khi Trung Quốc chiếm đóng, có lẽ tôi chỉ gặp ông vài lần. Lukhangwa, Lobsang Tashi và những thành viên của Kashag luôn luôn gặp ông, rất nhanh họ không ưa cách cư xử của ông. Họ nói với tôi rằng ông kiêu ngạo, cậy quyền, không có tình cảm đối với cách sống khác biệt của chúng tôi. Mỗi khi chúng tôi gặp ông, bản thân tôi cũng thấy ông ta cùng với các đồng hương, lần nào họ cũng xúc phạm tới người Tây Tạng.

Bây giờ tôi coi năm sáu tuần lễ đầu tiên sau khi trở lại Lhasa như một thời kỳ trăng mật. Nó kết thúc đột ngột vào ngày 26 tháng 10 năm 1951, khi 3000 quân Trung Quốc thuộc đạo quân thứ 18 tiến vào Lhasa. Những người lính này thuộc sư đoàn đã đánh thắng quân đội chúng tôi năm ngoái. Đi cùng họ là tướng Tan Kuan-sen và Chiang Kuo-ha, lúc những người này tới yết kiến, họ có một người Tây Tạng tháp tùng trong y phục truyền thống với cái mũ bằng lông thú. Lúc tất cả vào trong buồng, người đàn ông này quỳ lạy ba lần. Tôi cho rằng kẻ lạ mặt đó hiển nhiên là nhân viên của phái đoàn Trung Quốc. Hóa ra anh ta là người phiên dịch, một người trung thành ủng hộ chế độ cộng sản. Sau này khi tôi hỏi tại sao anh không mặc bộ quần áo Mao Trạch Đông như các bạn đồng hành, anh trả lời rất tự nhiên, anh nói tôi không được lầm lẫn nghĩ rằng cách mạng là cách mạng trong cách trang phục, cách mạng là cách mạng tư tưởng.

Đồng thời trong lúc này, Gyalo Thondup trở lại Lhasa. Anh không ở lại lâu, trong thời gian ở lại, anh gặp nhóm lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần. Sau đó anh tuyên bố có ý định đi về phương nam, nơi gia đình tôi có một khu căn hộ do chính quyền cho khi tôi được phong tước vị. Tuy nhiên cuộc viếng thăm tài sản này chỉ là một mưu kế, sau đó tôi được biết anh đã trốn qua biên giới để vào trong khu Assam, được biết là NEFA-North-Eastern Frontier Area- (khu biên giới đông bắc). Anh cố gắng làm những gì có thể theo cách hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài, nhưng anh không cho tôi biết hế hoạch này vì sợ với tuổi tác của tôi, tôi có thể lộ bí mật trong một phút khinh suất.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, một biệt đội lớn của Giải Phóng Quân tới Lhasa. Tôi nhớ rất rõ sự có mặt của họ. Do độ cao ở Tây Tạng, mọi âm thanh truyền đi rất xa, vì vậy tôi nghe thấy tiếng trống trận chậm chạp, nặng nề lặp đi lặp lại trong buồng tôi tại cung điện Potal rất lâu trước khi nhìn thấy những người lính. Tôi hối hả chạy lên mái nhà với chiếc kính viễn vọng, và thấy một đội hình dài, ngoằn ngoèo, bao bọc trong một đám mây bụi đang tiến lại. Khi họ tới bức tường thành, những cánh tay vung cao cờ đỏ, ảnh Chủ tịch Mao, Phó chủ tịch Chu Đức. Rồi tới đội kèn lệnh. Khung cảnh rất ấn tượng. Đó là những đạo quân có vẻ hết sức xuất quỷ nhập thần.

Sau này, khi đã vượt qua cảm xúc rất khó chịu trước cảnh tượng những lá cờ đỏ của họ (xét cho cùng, đó là màu tượng trưng cho sự nguy hiểm), tôi nhận thấy rằng những người lính đang trong một tình trạng khá tồi tệ: quân phục tả tơi, họ trông gày gò. Cùng với bụi đất từ đồng cỏ Tây Tạng bám đầy mặt, tất cả những thứ này tạo cho họ một dáng vẻ lo sợ.

Suốt mùa đông 1951-2, tôi tiếp tục học tập như thường lệ, tuy có phần siêng năng hơn. Thời gian này tôi bắt đầu tập thiền Lam Rim. Phương pháp thiền Lam Rim có liên quan tới văn bản giải thích từng bước con đường dẫn tới khai sáng qua huấn luyện tư duy. Vào khoảng tám tuổi, song song với chương trình giáo dục của tu viện, tôi đã bắt đầu học các giáo lý mật tông này. Ngoài các kinh bản, giáo lý còn bao gồm những khẩu truyền bí mật được truyền thụ bằng nghi lễ. Sau một tháng trôi qua, tôi bắt đầu ý thức được trong mình có một vài tiến bộ khi xây dựng được một nền tảng cho riêng mình, một sự phát triển tâm linh rất nhẹ nhàng.

Trong khi thực hành ẩn tu, tôi nghe tin Tathag Rinpoché qua đời. Tôi rất muốn di dự đám tang của ông, song không thể được, nên tôi dành những lời cầu nguyện đặc biệt cho ông.

Mối bận tâm khác trong mùa đông, đó là tôi phải cố gắng động viên các vị bộ trưởng và Kashag. Tôi nhắc nhở họ những học thuyết của Đức Phật về sự vô thường và chỉ rõ rằng tình trạng hiện tại sẽ không kéo dài mãi mãi, dù cho nó tồn tại suốt cuộc đời chúng ta. Nhưng trong thâm tâm, tôi theo dõi các diễn biến với tâm trạng lo lắng gia tăng. Chỉ có một trường hợp vui vẻ được mong đợi, đó là cuộc viếng thăm của Panchen Lama (Ban Thiền Lạt Ma), người sẽ tới Lhasa trong một ngày gần đây.

Lúc này, ngay sau đợt tiếp quản của 20,000 lính, tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng bắt đầu xảy ra. Dân số ở Lhasa hầu như tăng gấp đôi trong khoảng chừng một tuần, điều này không thể kéo dài trước khi tiềm năng đạm bạc của chúng tôi cạn kiệt. Đầu tiên, người Trung Quốc cố duy trì những điều khoản của Hiệp Ước Mười bảy điểm, trong đó nói rằng Giải Phóng Quân cần phải “công bằng trong việc mua bán, không được tùy tiện lấy đi một cái kim hoặc sợi chỉ của nhân dân”. Họ trả tiền cho khẩu phần lương thực chính quyền cấp cho họ, và hoàn trả lại nhà cửa cho những người chủ các ngôi nhà bị trưng dụng để đóng quân.

Tuy nhiên, hệ thống công xá trả bằng tiền lương sụp đổ rất nhanh. Tiền tệ ngừng lưu thông, người Trung Quốc bắt đầu đòi hỏi lương thực, chỗ ở, như một thứ quyền lợi của họ. Rất nhanh, cuộc khủng hoảng xảy ra. Lạm phát bắt đầu. Đó là những điều trước đây chúng tôi chưa bao giờ thực nghiệm, người dân chúng tôi không thể hiểu được làm sao mà giá cả lương thực lại có thể tăng gấp đôi chỉ trong một đêm. Họ đã bị xúc phạm, sự ghê tởm tiêu cực trước đây bùng nổ thành hành động nhạo báng. Theo truyền thống xua đuổi ma quỷ, những người dân bắt đầu vỗ tay và nhổ nước bọt mỗi khi trông thấy lính Trung Quốc. Trẻ con thì ném gạch đá, ngay cả các nhà sư cũng cuộn lại những nếp áo thành một cái búi, họ dùng nó để xua đuổi những người lính nào lại gần.

Trong thời gian này, những câu hát tục tĩu về tướng Chiang Chin-wu được hát lên riễu cợt về chiếc đồng hồ vàng của ông ta. Khi dân chúng phát hiện rất nhiều nhân viên của ông mặc áo lót lông đắt tiền dưới lần đồng phục thông thường, sự coi khinh của người Tây Tạng trở nên vô hạn. Điều này khiến người Trung Quốc tức điên lên, tôi nghi là như vậy vì dù họ biết bị chế riễu, song họ không thể hiểu được dân chúng nói cái gì. Lòng kiêu ngạo của họ bị tổn thương. Điều này tương đương với sự mất mặt, điểm tồi tệ nhất đối với người Trung Quốc. Kết quả cuối cùng là một chuyện rất buồn cười về tướng Chiang. Một hôm ông ta tới gặp tôi, yêu cầu tôi cho ra một bản công bố cấm chỉ trích người Trung Quốc bằng các hình thức như ca hát hoặc tranh cổ động, vì đó là những biểu hiện “phản động”.

Tuy nhiên, mặc dù có những đạo luật mới trừng phạt mọi hành vi chống lại phía Trung Quốc, nhiều yết thị bắt đầu xuất hiện trên đường phố phản đối sự có mặt của họ. Sự phản kháng trong dân chúng bắt đầu hình thành. Cuối cùng, một “Bị Vong Lục sáu điểm” được soạn thảo, gửi trực tiếp cho tướng Chiang, Bị Vong Lục đưa ra một loạt những than phiền của dân chúng, yêu cầu rỡ bỏ các đơn vị đồn trú. Điều này làm tướng Chiang tức giận. Ông cho rằng văn bản này là hành động của “chủ nghĩa đế quốc” và buộc tội hai vị thủ tướng đứng đầu âm mưu này. Tình trạng căng thẳng. Cho rằng có thể qua mặt Lobsang Tashi và Lukhangwa, người Trung Quốc bắt đầu trực tiếp gặp tôi. Đầu tiên, tôi từ chối tiếp họ nếu không có mặt hai vị thủ tướng. Nhưng một hôm Lobsang Tashi nói một điều gì đó đặc biệt khiến Chiang nổi giận, ông định xông vào đánh vị thủ tướng. Không kịp suy nghĩ, tôi xông vào giữa hai người và quát họ dừng lại. Tôi quá sợ hãi. Tôi chưa bao giờ trông thấy những người lớn cư xử như vậy. Từ đó trở đi, tôi bằng lòng gặp riêng hai bên.

Khi có nhiều nhân viên và quan chức từ Trung Quốc tới, hoàn cảnh giữa những người lãnh đạo Trung Quốc đối với hai vị thủ tướng càng ngày càng tồi tệ. Những con người này chẳng những không để chính quyền Tây Tạng lo lắng tới các công việc nội bộ như đã ấn định trong Hiệp Ước Mười Bảy Điểm, họ còn không ngừng can thiệp sâu vào nội bộ. Tuớng Chiang triệu tập những cuộc họp hành liên miên giữa họ và Kashag, phần lớn với quan điểm tranh luận về nơi cư trú lâu dài của các nhân viên, quân đội, hàng ngàn lạc đà và những đoàn súc vật khác. Lobsang Tashi và Lukhangwa thấy rằng họ không thể nào làm ông này hiểu được một điều, đó là những đòi hỏi đó không chỉ phi lý mà còn bất khả thi.

Khi vị tướng yêu cầu một khoản chi phí thứ hai là 2000 tấn lúa mạch, các thủ tướng giải thích với ông rằng họ không có số lương thực đó. Cư dân thành phố đã sống trong lo lắng khan hiếm lương thực, lượng ngũ cốc ít ỏi trong kho chính phủ chỉ đủ dùng cho quân đội với thời gian tối đa là hai tháng. Các thủ tướng nói với ông rằng không có lý do thích đáng nào để duy trì một lực lượng quân đội lớn như vậy ở tại thành phố Lhasa. Nếu mục đích của người Trung Quốc là bảo vệ đất nước, vậy thì quân đội cần được chuyển qua biên giới. Chỉ có nhân viên là cần ở lại thủ đô cùng với một trung đoàn hộ tống. Họ kể lại với tôi là viên tướng yên lặng lắng nghe, trả lời một cách lễ phép, nhưng chẳng làm gì cả.

Sau đề nghị quân đội cần phải chuyển đi chỗ khác, hai vị thủ tướng càng tỏ ra không thân thiện với tướng Chiang. Đầu tiên, tướng Chiang trút nỗi tức giận của mình sang Lobsang Tashi, người nhiều tuổi nhất, biết đôi chút tiếng Trung Quốc. Việc biết tiếng Trung Quốc làm vị tướng tức giận, rất nhanh ông lên án nhà sư với những tội danh không thể tưởng tượng được, đồng thời tâng bốc Lukhangwa, người mà ông coi như một bạn đồng minh tiềm năng.

Tuy vậy, thành ra Lukhangwa lại là một người có cá tính sâu sắc, mặc dù trẻ tuổi, không bao giờ, dù chỉ một lần, ông dấu diếm cảm xúc của mình với tướng Chiang. Ngay trong quan hệ cá nhân, ông cũng thể hiện sự coi thường cực điểm đối với viên tướng. Tôi được nghe kể lại có một hôm, tướng Chiang đột ngột hỏi ông uống được bao nhiêu trà. Lukhangwa trả lời: “Cái đó còn phụ thuộc vào chất lượng trà”. Khi nghe thấy câu trả lời như vậy, tôi cười lớn, nhưng tôi nhận thấy ngay rằng hoàn cảnh hai người lúc đó thật là tồi tệ.

Cực điểm của sự gay cấn xuất hiện chỉ sau đó một thời gian ngắn vào lúc tướng Chiang dàn xếp một cuộc họp với hai vị thủ tướng, Kashag, và toàn bộ nhân viên của ông ta. Khi cuộc họp bắt đầu, tướng Chiang tuyên bố tất cả được tập trung để thảo luận vấn đề đưa quân đội Tây Tạng sát nhập với Giải phóng quân Trung Quốc. Điều này quá sức chịu đựng của Lukhangwa. Ông nói thẳng luôn là ý tưởng này không thể chấp nhận được, bất kể đây là một trong những điều khoản của Hiệp định Mười Bảy Điểm. Những điều khoản trong hiệp ước này rất nhiều lần không được phía Trung Quốc tôn trọng, cho nên đây là một tư liệu vô nghĩa. Ông nói không thể tưởng tượng nổi rằng quân đội Tây Tạng cần phải chuyển hướng lòng trung thành của họ sang phía Giải Phóng Quân.

Chiang yên lặng lắng nghe. Ông nói “Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ không thể làm gì hơn là thay thế cờ Tây Tạng bằng cờ Trung Quốc”. Lukhangwa trả lời “Nếu ông làm, chỉ có một điều ông có thể làm là kéo nó xuống và đốt đi. Đó sẽ là một điều khó khăn cho ông”. Lukhangwa tiếp tục nói rằng thật vô lý đối với phía Trung Quốc, đã xâm chiếm lãnh thổ Tây Tạng lại còn trông đợi một tình bạn hữu nghị. Lukhangwa nói “Ông đã đập vỡ đầu người ta, vết thương còn chưa lành, vậy việc mong đợi họ trở thành bạn ông hơi quá sớm”. Lúc này Chiang quát tháo ầm lên trong cuộc họp. Ba ngày sau lại cũng có một cơn giận dữ tương tự.

Lẽ tự nhiên tôi không có mặt trong các cuộc họp như vậy, nhưng tôi được nghe thông báo toàn bộ những gì xảy ra. Có vẻ như nếu tình trạng đôi bên không được cải thiện, tôi sẽ phải sớm trực tiếp tham gia giải quyết những việc này.

Cuộc họp lại được triệu tập sau ba ngày theo như kế hoạch. Lần này một vị tướng khác, tướng Fan Ming chủ tọa. Ông bắt đầu bằng câu nói ông biết chắc rằng Lukhangwa muốn xin lỗi những lời nói trong cuộc họp trước đây. Lukhangwa lập tức chấn chỉnh lại ý kiến đó ngay. Ông nói ông không có ý định xin lỗi. Ông ủng hộ những gì ông đã nói và thêm rằng ông coi đó là bổn phận nghiêm chỉnh của ông để người Trung Quốc hoàn toàn ý thức được quan điểm của chính phủ Tây Tạng. Người dân rất hoang mang trước sự xuất hiện quá nhiều quân đội Trung Quốc. Hơn nữa, họ còn quan tâm tới việc Chamdo không được trao trả cho chính phủ Tây Tạng, không có dấu hiệu nào chứng tỏ Giải Phóng Quân đóng ở mọi nơi trên lãnh thổ Tây Tạng sắp sửa rút về Trung Quốc. Về những đề xuất của phía Trung Quốc liên quan tới quân đội Tây Tạng, chắc chắn sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng nếu những đề xuất này được thông qua.

Fan Ming bị xúc phạm. Ông lên án Lukhangwa cấu kết với bọn đế quốc nước ngoài và nói rằng ông sẽ yêu cầu vị Dalai Lama đưa Lukhangwa ra khỏi chức vụ. Lukhangwa trả lời rằng nếu như Dalai Lama yêu cầu, ông sẽ vui vẻ không những rời khỏi văn phòng mà còn từ bỏ cả cuộc sống nữa. Với lời phát biểu đó, cuộc họp kết thúc trong rối loạn.

Ngay sau đó, tôi nhận được một văn bản của phái đoàn Trung Quốc, văn bản nêu rõ Lukhangwa là một tên đế quốc phản động, không muốn nâng cao mối quan hệ Trung Quốc - Tây Tạng, văn bản yêu cầu đưa ông này ra khỏi văn phòng. Tôi cũng nhận được một gợi ý bằng miệng của Kashag, rằng có lẽ điều tốt nhất là tôi nên yêu cầu hai vị thủ tướng từ chức. Gợi ý này làm tôi rất buồn. Hai vị thủ tướng đã chứng tỏ được sự trung thành, niềm tin, thái độ nghiêm chỉnh, trung thực, và lòng yêu mến những người dân mà họ đã phục vụ như thế đó.

Một hoặc hai hôm sau, khi họ đến gặp tôi đệ đơn xin từ chức, cặp mắt họ có những giọt lệ. Nước mắt cũng ở trong mắt tôi. Nhưng tôi cũng nhận thấy rằng nếu tôi không chịu đựng hoàn cảnh, cuộc sống của họ có thể gặp nguy hiểm. Vì thế, với một tâm trạng nặng nề, tôi đành chấp nhận đơn từ chức của họ. Tôi chỉ ý thức về mối quan tâm của tôi, nếu có thể, là cải thiện quan hệ với bên Trung Quốc, những người mà giờ đây tôi sẽ trực tiếp giải quyết. Lần đầu tiên, tôi hiểu được ý nghĩa đích thực của danh từ “kẻ bắt nạt”.

Đúng lúc này Panchen Lama tới Lhasa. Thật không may, vị này bị rơi vào tầm ngắm của người Trung Quốc, hiện tại đang trên đường về tu viện Tashilhunpo để chính thức tiếp nhận tước vị. Khi từ Amdo tới, vị này đi cùng với một biệt đội thuộc quân đội Trung Quốc (đơn vị bảo vệ của ngài), các trợ giáo và gia đình.

Ngay sau đó, tôi tiếp vị Panchen Lama trẻ trong một cuộc gặp gỡ trọng thể rồi cùng ăn trưa tại cung điện Potala. Tôi nhớ lại vị này có một nhân viên bảo vệ người Trung Quốc rất huênh hoang, anh ta cố xâm nhập vào chúng tôi khi chúng tôi ngồi riêng với nhau. Người bảo vệ của tôi (theo nghi thức) lập tức lao tới chặn anh ta lại, kết quả là tôi bị một tai nạn ở bàn tay: anh chàng kia có khí giới.

Cuối cùng, tôi cố gắng để có được một khoảng khắc riêng tư với Panchen Lama, cảm tưởng của tôi về vị này là cảm tưởng về một con người trẻ tuổi đứng đắn, trung thực. Trẻ hơn tôi ba tuổi, chưa sẵn sàng trong vai trò có trách nhiệm, vị này vẫn giữ được một phong cách trong trắng, gây ấn tượng với tôi như là một con người vui vẻ dễ thương. Tôi cảm thấy khá gần gũi. Quả là một điều tốt khi mà trong hai chúng tôi, không ai có thể biết được vị này đang hướng tới một cuộc đời bi thảm như thế nào.

Ngay sau cuộc thăm viếng của Panchen Lama, tôi được mời trở lại tu viện Tathag, ở đây tôi làm lễ tôn phong cho stupa (bảo tháp, nơi giữ di hài các vị sư), một nghi lễ rất tỷ mỷ, kỹ càng, kéo dài mười lăm tiếng đồng hồ, để cống hiến cho vị guru của tôi. Khi nằm sấp lạy trước bảo tháp, tôi cảm thấy rất buồn. Sau đó, tôi đi du ngoạn vào trong núi và những khu phụ cận để thoát khỏi áp lực của hoàn cảnh buồn bã. Chi tiết lý thú của cuộc thăm viếng là một mảnh xương sọ của Tathag Rinpoché không bị lửa hỏa táng thiêu cháy. Người ta có thể nhìn rõ dấu vết của một ký tự Tây Tạng tương ứng với vị thần hộ mệnh của Rinpoché trên mảnh xương. Thực ra, hiện tượng huyền bí này khá phổ biến đối với các lama trình độ cao. Xương cốt các vị chảy ra thành những ký tự, đôi khi những hình dạng. Trong một số trường hợp khác, như trường hợp vị tiền nhiệm của tôi, những dấu vết này có thể được nhìn thấy ngay trên thân thể các vị.

Sau việc Lukhangwa và Lobsang Tashi bị buộc từ chức hồi đầu mùa xuân năm1952 là thời kỳ tạm ngừng bắn một cách căng thẳng với chính quyền Trung Quốc. Tôi sử dụng cơ hội này để thành lập Hội Đồng Cải Cách mà tôi đã có ý tưởng trong suốt cuộc hành trình tới Dromo cách đây hơn một năm. Một trong những tham vọng chính của tôi là thiết lập một bộ máy tư pháp không phụ thuộc.

Như đã đề cập về trường hợp của Reting Rinpoché, tôi bất lực vì chưa tới tuổi trưởng thành trong việc giúp đỡ mọi người khi họ va chạm với chính phủ, dù cho đôi khi tôi cũng ở trong hoàn cảnh đó. Ví dụ, tôi buồn bã nhớ lại trường hợp một người trong bộ phận quản lý bị phát hiện tích trữ những bụi vàng dùng để làm thangka (tranh ảnh linh thiêng). Qua ống nhòm, tôi nhìn thấy anh ta tay bị trói, bị đặt lên lưng ngựa, ngồi quay mặt về phía sau và bị trục xuất khỏi thành phố. Đó là cách trừng phạt truyền thống đối với tội danh như vậy.

Đôi khi tôi cảm thấy mình cần can thiệp thường xuyên. Có một vụ việc khác tương tự mà tôi chứng kiến tại cung điện Potala. Hồi mới đầu, khi có cơ hội, tôi đã nhận biết được nhiều địa điểm trong cung điện. Bằng cách nhìn qua cửa sổ hoặc cửa trên mái nhà, tôi có thể quan sát những gì xảy ra trong buồng mà tôi không vào được bên trong. Một hôm, bằng cách này tôi được thấy một vụ xử kiện của một nhân viên nhiếp chính, ông này phải xem xét sự khiếu nại của một người thuê đối với chủ nhà của họ. Tôi nhớ rất rõ người đàn ông trông thiểu não đến mức nào. Ông đã khá già, thấp, lưng hơi còng, tóc màu muối tiêu với bộ ria nhỏ. Thật không may cho ông, người chủ nhà lại thân với vị nhiếp chính (thời gian này Reting Rinpoché vẫn là nhiếp chính), và trường hợp của người đàn ông bị bỏ qua. Sự cảm thông của tôi nghiêng về phía ông già nhưng tôi không thể làm được một điều gì. Và bây giờ, khi nghe được những chuyện bất công như vậy, tôi càng nhận thấy sự cần thiết của việc cải cách hệ thống tư pháp.

Tôi cũng muốn làm một điều gì đó về mặt giáo dục. Thời gian này, chúng tôi không có hệ thống giáo dục đại học. Chỉ có một vài trường học ở Lhasa, nông thôn thì rất ít, nhưng nhiều khu vực trong tu viện, những nơi chỉ dành cho học tập, chương trình giáo dục mà tu viện áp dụng lại chỉ dành cho cộng đồng tu viện. Cho nên, tôi chỉ đạo cho kashag đẩy mạnh những dự án phát triển một chương trình giáo dục thật tốt.

Một mảng khác tôi cảm thấy cần khẩn trương sửa đổi, đó là hệ thống giao thông liên lạc. Thời gian đó, toàn cõi Tây Tạng không có một con đường nào, loại xe có bánh chỉ là ba chiếc ô tô của Đức Dalai Lama đời thứ mười ba. Rất dễ dàng nhận thấy người dân sẽ được lợi ích rất lớn với một hệ thống đường xá, phương tiện giao thông. Nhưng cũng giống như hệ thống giáo dục, đây là một vấn đề cần nghiên cứu lâu dài, tôi thấy phải cần một thời gian nhiều năm trước khi những cải cách đó được thực hiện.

Tuy nhiên, có một số thứ có thể làm ngay, có ngay kết quả tích cực. Một trong những việc đó là sự hủy bỏ các món nợ bị thừa kế. Điều này tôi tập hợp được qua nhiều người phục vụ, qua cuộc nói chuyện trên đường đi Dromo. Đây là tai họa của nông dân và cộng đồng nông thôn ở Tây Tạng. Tai họa này là những món nợ của người thuê đất nợ chủ đất, có lẽ do kết quả của sự mất mùa, theo luật, món nợ đó có thể chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác. Rốt cục lại, rất nhiều gia đình không có điều kiện để có một cuộc sống tươm tất, chứ đừng nói tới trả hết nợ. Tác hại này phần lớn do hệ thống mà với hệ thống đó, chủ đất có thể vay chính phủ khi họ cần. Ở đây cũng vậy, món nợ có thể kế thừa được. Vậy trước hết tôi hủy bỏ nguyên lý nợ kế thừa, sau đó hủy bỏ tất cả những khoản nhà nước cho vay mà những khoản cho vay này người dân có thể không còn khả năng chi trả.

Biết rằng những cải cách như vậy sẽ không được chấp nhận rộng rãi đối với tầng lớp quý tộc và lớp người có quyền lợi được đảm bảo, tôi thuyết phục người phụ trách công việc hoàng gia hãy công bố rộng rãi sắc lệnh này, nhưng không phải bằng cách thông thường là dán quảng cáo ở chỗ công cộng. Thay vì làm vậy, tôi cho phân phát những bản in khắc gỗ giống như những kinh bản. Bằng cách này, đó là cơ hội tốt hơn để thông tin có thể được phổ biến rộng rãi. Ngược lại, những ai cố ý gây cản trở sẽ không phát sinh nghi ngờ cho tới khi mọi việc đã xong.

Những điều khoản trong Hiệp ước Mười Bảy Điểm phát biểu rất rõ ràng, là “chính quyền địa phương sẽ tiến hành cải cách vì lợi ích chung của họ” và không bị lệ thuộc vào “sự ép buộc của chính quyền phía bên kia (nghĩa là chính quyền Trung Quốc)”. Tuy nhiên, dù cho mọi cố gắng sớm sủa về cải cách ruộng đất mang lại lợi ích trước mắt cho hàng ngàn người dân chúng tôi, rõ ràng nó cũng rất sớm cho thấy những người giải phóng của chúng tôi có các phương pháp hoàn toàn khác về cách tổ chức nông nghiệp. Chính sách tập thể hóa đã bắt đầu ở Amdo, cuối cùng được áp dụng trên toàn cõi Tây Tạng, và đây là nguyên nhân trực tiếp gây ra nạn đói kém toàn quốc cùng cái chết của hàng trăm ngàn người. Dù cho nhà cầm quyền có bớt đi đôi chút hà khắc sau cuộc Cách Mạng Văn Hóa, nhưng hậu quả của chính sách tập thể hóa ruộng đất vẫn còn ảnh hưởng đến tận ngày nay. Rất nhiều người tới thăm Tây Tạng đã phải phát biểu rằng người dân nông thôn trông bé nhỏ, còi cọc do thiếu dinh dưỡng. Song tất cả những điều này thuộc về tương lai. Cùng lúc đó, tôi yêu cầu chính phủ làm mọi việc để loại bỏ ngay những thực hành lạc hậu, không hữu ích. Tôi kiên quyết nỗ lực đưa Tây Tạng hội nhập vào thế kỷ thứ hai mươi.

Mùa hè năm 1953, theo như tôi nhớ, tôi được tiếp nhận lễ thụ giáo Kalachakra từ Ling Rinpoché. Đây là một trong những nghi lễ thụ giáo quan trọng nhất của truyền thừa Mật tông, mang một ý nghĩa đặc biệt cho thế giới hòa bình. Và, không như những nghi thức Mật tông khác, lễ thụ giáo này được thực hiện công khai trước quần chúng khán giả đông đảo. Nghi lễ hết sức phức tạp, phải mất từ một tuần cho tới mười ngày để chuẩn bị, thời gian thực hiện nghi lễ kéo dài ba ngày. Một trong những nét đặc trưng của nghi lễ là việc sử dụng vô số hạt cát độc đáo có màu sắc để xây dựng một Mandala lớn: sự thể hiện hai chiều (two dimensions) của một biểu tượng ba chiều (three dimensions). Đây là lần đầu tiên tôi được trông thấy một trong những Mandala như thế này. Tôi gần như mất bình tĩnh khi trông thấy, nó đẹp một cách kỳ dị

Sau lễ thụ giáo là khóa ẩn tu kéo dài một tháng. Tôi nhớ lại thời kỳ này như một thực nghiệm rất xúc động, thực nghiệm này tác động tới cả tôi lẫn Ling Rinpoché. Tôi cảm thấy cực kỳ vinh hạnh được tham dự vào một thực hành truyền thống qua vô vàn thế hệ do những bậc đại sư có trình độ cao kế thừa. Khi tụng đoạn kinh cuối cùng của bài cầu nguyện cống hiến, tôi quá xúc động tới mức nghẹn ngào vì xúc cảm, một sự kiện sau này tôi coi là mình đã được may mắn, dù ngay lúc đó tôi không hề nghĩ ngợi gì cả. Giờ đây tôi thấy đó là một điềm báo trước tôi sẽ có khả năng nhận được nhiều lễ thụ giáo Kalachakra hơn cả các vị tiền nhiệm của tôi, hơn cả mọi người trên thế giới, dù rằng cá nhân tôi không đủ phẩm chất để được như vậy.

Năm sau đó, trong thời kỳ Monlam, tôi được thụ phong Phật tử tỳ kheo (bikshu) trước tượng Phật Chenrezig trong chùa Jokhang do Ling Rinpoché điều hành nghi lễ. Đây cũng là một dịp rất xúc động. Rồi vào mùa hè, theo yêu cầu của một nhóm phụ nữ thường dân, tôi điều hành nghi lễ thụ giáo Kalachakra lần đầu tiên trong đời.

Tôi rất vui sướng trong thời gian lập lại mối quan hệ mỏng manh với chính quyền Trung Quốc. Tôi sử dụng thời gian này để tập trung vào bổn phận tôn giáo và giảng dạy thường xuyên với từng nhóm lớn hoặc nhỏ. Kết quả là tôi bắt đầu xây dựng mối quan hệ cá nhân với đồng bào của mình. Dù đầu tiên tôi hơi hoảng hốt khi nói chuyện trước công chúng, song lòng tự tin nhanh chóng gia tăng. Tuy nhiên, tôi cũng ý thức được bên ngoài Lhasa, người Trung Quốc đã khiến cuộc sống người dân rất khốn khổ. Cùng lúc đó, tôi có thể tự mình thấy được lý do tại sao hai vị thủ tướng của tôi lại rất khinh miệt chính quyền Trung Quốc. Ví dụ, bất kỳ lúc nào tướng Chiang Chin-wu tới gặp tôi, ông ta đều cho bảo vệ đứng ngoài cửa buồng, dù ông biết chắc rằng tính chất thiêng liêng của cuộc sống là một trong những luật lệ chủ yếu của đạo Phật.

Đương nhiên, tôi ghi nhận giáo lý của Phật, rằng trong một cách hiểu, một kẻ thù giả định có giá trị hơn là một người bạn, vì kẻ thù dạy bạn được nhiều thứ, như sự kiên nhẫn chịu đựng, điều mà một người bạn thông thường không làm được. Với quan niệm này, tôi thêm tin chắc chắn rằng dù hoàn cảnh có tồi tệ như thế nào đi chăng nữa, cuối cùng mọi chuyện sẽ tốt hơn. Rốt cục, ước vọng bẩm sinh của tất cả mọi người về chân lý, sự công bằng, hiểu biết nhân bản chắc chắn sẽ chiến thắng sự vô minh, chiến thắng cảm xúc tuyệt vọng. Vậy thì nếu như chính quyền Trung Quốc đè nén chúng tôi, họ sẽ chỉ làm chúng tôi mạnh mẽ hơn.

CHƯƠNG 5
TRONG LÒNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC

Một năm sau sự ra đi của Lobsang Tashi và Lukhangwa, người Trung Quốc đề nghị chính phủ Tây Tạng gửi một số nhân viên tới Bắc Kinh để tham quan cuộc sống tuyệt vời tại Đất Mẹ Vinh Quang. Một phái đoàn được chính thức tổ chức để đi thăm nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Khi trở về sau vài tháng, họ đệ trình một bản báo cáo đầy sự tán dương, ngưỡng mộ và dối trá. Tôi nhận thấy ngay tài liệu này được viết dưới sự giám sát, vì giờ đây tôi đã quen với vấn đề là trước mặt những ông chủ mới của chúng tôi, nói thật là điều không xảy ra. Tôi cũng phải học một cách truyền tải tương tự: cách khoác lên dáng vẻ bên ngoài không đúng với thực chất mỗi khi giải quyết với người Trung Quốc trong trường hợp rắc rối.

Sau một thời gian ngắn, vào đầu năm 1954, bản thân tôi được mời tới thăm Trung Quốc. Đây dường như là một ý tưởng tuyệt vời. Không những có cơ hội gặp Mao chủ tịch, dịp này còn cho tôi cơ hội nhìn thấy những gì ở thế giới bên ngoài. Nhưng rất ít người Tây Tạng hài lòng với ý tưởng đó. Họ lo rằng tôi có thể bị giữ lại Bắc Kinh, không được trở về nữa. Một vài người còn cảm thấy mạng sống của tôi có thể lâm nguy, rất nhiều người cố gắng can ngăn tôi đừng đi. Tuy vậy, tôi không lo lắng gì cho bản thân, và quyết định đi dù cho mọi người nói thế nào chăng nữa. Nếu tôi không dứt khoát, tôi e rằng lời đề nghị này sẽ phát sinh một cái gì đó.

Cuối cùng tôi xuất phát cùng với một đoàn tùy tùng gồm có gia đình, các trợ giáo, hai vị tsenshap (một vị mới được chỉ định sau khi Trijang Rinpoché trở thành vị phó trợ giáo), Kashag và rất nhiều nhân viên khác. Tổng số chúng tôi gồm năm trăm người. Đoàn khởi hành vào một buổi sáng mùa hè, nghi lễ tiễn đưa được tổ chức bên bờ sông Kyichu với một dàn nhạc và cuộc diễu hành của các nhân viên. Mười nhóm mỗi nhóm hàng ngàn người có mặt, nhiều người mang cờ tôn giáo và thắp hương để cầu chúc tôi có một chuyến đi an toàn, cầu chúc ngày trở về tốt đẹp.

Thời đó không có một chiếc cầu nào trên con sông Kyichu, chúng tôi qua sông bằng thuyền bọc da thú, đoàn cầu kinh của các vị sư thuộc tu viện Namgyal đã ở phía bên kia sông. Khi bước xuống chiếc thuyền đặc biệt gồm hai chiếc khác ghép vào, và quay lại vẫy chào những người dân của tôi, tôi có thể thấy họ đang trong trạng thái xúc động mạnh. Rất nhiều người khóc, có vẻ như một vài người muốn nhảy xuống sông, họ tin rằng đây là lần cuối cùng họ được thấy tôi. Bản thân tôi có cảm giác vui buồn lẫn lộn, giống như lúc đi Dromo bốn năm trước đây. Thật vô cùng đau khổ khi thấy những người dân tôi quá phấn khích. Cùng lúc đó, viễn cảnh du lịch trải ra lại vô cùng hào hứng đối với một thiếu niên mười chín tuổi.

Khoảng cách từ Lhasa tới Bắc Kinh dài chừng hai ngàn dặm. Năm 1954 vẫn chưa có đường giao thông nối giữa hai quốc gia, dù chính quyền Trung Quốc đang bắt đầu thực hiện cái gọi là đường cao tốc Thanh Hải bằng sức lao động của người Tây Tạng. Phần đầu đã hoàn thành, tôi có thể đi một quãng ngắn bằng chiếc xe Dodge của vị Dalai Lama thứ mười ba. Xe này cũng được mang qua sông.

Trạm dừng chân đầu tiên là tu viện Ganden, cách Lhasa ba mươi lăm dặm, tôi dừng lại ở đây vài hôm. Ở đây tôi có một thực nghiệm ấn tượng. Ganden là tu viện đại học lớn thứ ba của Tây Tạng. Khi rời tu viện để tiếp tục hành trình tới Trung Quốc, tôi nhận ra một điều gì đó rất lạ. Pho tượng của một trong những vị thần linh bảo hộ Tây Tạng, được thể hiện là một vị có chiếc đầu của một con bò, rõ ràng có sự dịch chuyển. Lần đầu tiên tôi trông thấy, pho tượng nhìn xuống với một cái nhìn hiền từ trên khuôn mặt. Bây giờ pho tượng quay mặt về hướng đông với dáng vẻ tàn bạo (tương tự như vậy, tôi được nghe nói thời gian tôi đi di tản, bức tường trong một ngôi đền ở Ganden chảy máu).

Cả đoàn tiếp tục cuộc hành trình bằng xe hơi. Nhưng chẳng bao lâu chúng tôi phải đổi hình thức giao thông oai vệ này sang phương tiện di chuyển bằng ngựa: đường xá bị nước cuốn sạch, khi chúng tôi tới miền Kongpo, rất nhiều cầu cống sập đổ. Việc di chuyển với tốc độ nhanh trở thành một điều hết sức nguy hiểm. Lũ lụt liên miên từ trên núi đổ về đem theo tuyết tan và thường xuyên lở đất. Những tảng đá lớn, các khối đất ầm ầm sụp xuống xung quanh chúng tôi. Cuối mùa hè có những cơn mưa lớn, những quãng đường bùn lầy ngập gần tới đầu gối. Tôi cảm thấy hết sức ái ngại cho người già cả, những người đôi khi phải đấu tranh để giữ vững tinh thần.

Tất cả mọi điều kiện đều rất tồi tệ. Hướng đạo viên Tây Tạng cố gắng thuyết phục đoàn hộ tống người Trung Quốc thay đổi hướng đi, để chúng tôi có thể di chuyển theo con đường truyền thống trên độ cao hơn là đường được vạch trong lộ trình, những con đường mà họ cho rằng không thích hợp. Nhưng người Trung Quốc khăng khăng cho rằng nếu chúng tôi theo lộ trình đó, chúng tôi sẽ gặp khó khăn. Vì thế chúng tôi vẫn tiếp tục. Một điều kỳ diệu xảy ra, có hơn ba người thoát chết. Những người bị chết đều là người vô tội, đó là những người lính trẻ Trung Quốc trong số người đứng xếp hàng dọc theo con đường che cho chúng tôi khỏi bị tuyết lở. Tôi cảm thấy vô cùng thương tiếc họ. Họ không còn con đường lựa chọn nào khác. Nhiều con ngựa cũng bị tuột ra khỏi vách núi, chết lòi cả ruột.

Rồi một đêm, tướng Chiang Chin-wu, người cũng ở trong đoàn, ông đến tận lều tôi, giải thích rằng hành trình ngày hôm sau còn tồi tệ hơn. Chúng tôi phải xuống ngựa đi bộ. Do đó, với tư cách là người đại diện cho Chính quyền Nhân Dân Trung Ương, bản thân ông sẽ sát cánh hộ tống tôi trên đường. Khi ông ta nói vậy, ông khiến tôi có ý nghĩ rằng không những ông dùng sức mạnh bản thân đối với hai vị thủ tướng Tây Tạng mà còn hăm dọa cả thiên nhiên nữa.

Tôi mất hoàn toàn một ngày bị buộc chặt với Chiang. Ông trông già hơn tôi và không khỏe lắm, vì thế nên đây là một việc dàn xếp khá buồn chán. Hơn nữa, tôi quan tâm tới những hòn đá từ phía trên liên tục rơi xuống phá hỏng đường đi, chúng không thể phân biệt được một ai trong chúng tôi, nếu như thời khắc của vị tướng đã điểm!

Suốt hành trình, mỗi khi chúng tôi dừng lại, điểm dừng của chúng tôi là doanh trại Giải Phóng Quân được trang trí bằng cờ đỏ. Những người lính Trung Quốc ra mời chúng tôi dùng trà. Có một lần vì khát quá, tôi uống trà mà không lấy thứ đựng đồ uống riêng của mình. Sau khi hết khát, tôi mới thấy rằng cái ca tôi uống bẩn kinh khủng với những mẩu thừa thức ăn, những vệt nước bọt đã khô bên miệng ca. Điều này làm tôi khá ghê tởm. Tôi nhớ lại tôi đã đặc biệt bẩn như thế nào khi còn là một đứa bé con, cho đến nay mỗi khi nhớ lại chuyện này, tôi không thể nhịn được cười.

Sau chừng hai tuần lễ tới một thị trấn nhỏ tên là Demo, chúng tôi cắm trại bên dòng suối nghỉ qua đêm. Khí hậu tuyệt vời, tôi nhớ lại mình bị mê hoặc bởi khung cảnh hai bên sông, vệ sông bồng bềnh những đoá hoa mao lương màu vàng (buttercup), hoa báo xuân màu hoa cà (mauve-pink primula). Mười ngày sau, chúng tôi tới khu vực Poyul. Từ đây trở đi trên đường có xe máy chạy, nhiều đoàn người di chuyển bằng xe jeep và xe tải. Đó thực là một điều hết sức dễ chịu vì tôi bắt đầu thấy đau nhức do cưỡi ngựa, dù rằng không chỉ có riêng mình. Tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh tượng của một nhân viên trong đoàn. Mông anh ta quá đau đớn tới mức anh phải ngồi chéo sang một bên trên yên ngựa. Bằng cách này, anh xoay sở để được nghỉ ngơi, đầu tiên ở một bên mông, sau rồi tới bên kia.

Chặng đường từ Lhasa tới đây, chính phủ Trung Quốc kiểm soát khá hữu hiệu. Họ xây dựng nhiều trại lính, nhà cửa cho các nhân viên. Trong làng mạc, xóm thôn đều có loa phát thanh phát đi nhiều bài ca chiến đấu, những lời cổ vũ người dân làm việc và nỗ lực hơn nữa vì “niềm vinh quang của Đất Mẹ”.

Rất nhanh, chúng tôi tới Chamdo, thủ phủ tỉnh Kham, một nơi tiếp đón rộng rãi đã được chuẩn bị sẵn tại đây. Nơi này do chính quyền Trung Quốc trực tiếp quản lý, trình tự đón tiếp chúng tôi mang một phong cách lạ lùng. Quân nhạc cử lên những bài hát ca ngợi Mao chủ tịch và Cách mạng, những người dân Tây Tạng đứng vẫy cờ.

Từ Chamdo, tôi đi bằng xe jeep tới Chengdu, thị trấn đầu tiên thuộc Trung Quốc. Trên đường đi, chúng tôi vượt qua đồi tại một nơi gọi là Dhar Tse-dho, nơi đánh dấu lịch sử biên giới Tây Tạng-Trung Quốc. Khi đi xuống vùng đồng bằng phía bên kia, tôi tự mình đánh giá sự khác nhau của nông thôn. Liệu rằng người Trung Quốc có thể chứng minh được rằng họ khác biệt với chúng tôi, cũng như là nông thôn của họ có khác với nông thôn của chúng tôi hay không?

Tôi không được tham quan nhiều ở Chengdu vì bị sốt, tôi ốm liệt giường trong nhiều ngày. Sau khi khỏi, tôi và một số nhân viên chính trong đoàn tùy tùng được đưa tới Shingang, ở đó tôi gặp Panchen Lama, vị này từ Shigatse tới đây trước vài tháng. Rồi chúng tôi cùng bay tới Diên an.

Chiếc máy bay chở chúng tôi là một chiếc máy bay quá cũ kỹ, tôi có thể nói rằng trước đây nó đã có thời kỳ khấm khá. Bên trong máy bay, ghế ngồi là những chiếc khung sắt không bọc đệm. Nhưng tôi rất hứng thú với viễn cảnh được cất cánh tới mức bỏ qua nhiều nhược điểm và cảm thấy không hề sợ sệt chút nào, dù từ nay trở đi tôi cẩn thận hơn đối với những chuyến bay. Hiện tại tôi không thích bay lắm, tôi còn là một người bạn đồng hành tồi. Tôi thích cầu nguyện hoặc tổ chức những cuộc đàm thoại hơn là bay.

Ở Diên an, chúng tôi lại thay đổi phương tiện giao thông để rồi kết thúc chặng đường cuối cùng bằng xe hỏa. Đây cũng là một thực nghiệm hứng thú nữa. Toa xe dành cho Panchen Lama và tôi được trang bị tất cả mọi tiện nghi, từ giường ngủ, buồng tắm cho tới một phòng ăn cực kỳ tinh xảo. Với tôi, chỉ có một thứ làm hỏng cuộc du lịch, đó là cảm giác e ngại tăng lên khi chúng tôi gần đến thủ đô Trung Quốc. Cuối cùng, khi tới ga xe lửa Bắc Kinh, tôi vô cùng lo sợ, dù nỗi sợ hãi có giảm đi chút ít khi tôi trông thấy một đám đông những người trẻ tuổi tập hợp lại đón chào. Nhưng rất nhanh tôi nhận thấy những nụ cười, không khí chào đón nhiệt tình của họ hoàn toàn giả dối, họ làm theo mệnh lệnh, rồi nỗi lo âu quay trở lại.

Lúc chúng tôi xuống xe, thủ tướng Chu Ân Lai và phó thủ tướng Chu Đức ra đón, cả hai đều tỏ ra khá thân thiện. Đi cùng họ là một người Tây Tạng trung niên tên là Phuntsog Wangyal, người mà tôi đã gặp ở Lhasa cùng với tướng Tan Kuan-sen. Sau những lời đôi bên chào hỏi xã giao nhã nhặn, người này tháp tùng chúng tôi tới đại bản doanh, đó là ngôi nhà một tầng có vườn tược đẹp đẽ, trước đây thuộc về phái đoàn ngoại giao Nhật Bản. Tại đây ông giải thích chương trình làm việc trong vài hôm tới.

Sau này tôi trở thành người bạn trung kiên của Phuntsog Wangyal. Phuntsog Wangyal chuyển hướng theo sự nghiệp của Đảng Cộng Sản đã từ lâu. Trước khi tới Trung Quốc, ông hoạt động như một điệp viên cho đảng Cộng Sản trong thời gian dạy học ở một trường do phái đoàn Trung Quốc tại Lhasa tổ chức. Khi phái đoàn đóng cửa theo lệnh trục xuất năm 1949, ông và vợ ông, một người Tây Tạng ngẫu nhiên trở thành tín đồ Hồi giáo, tất cả đều ra đi. Bản thân ông là người tỉnh Kham. Khi còn nhỏ ông học trong một trường thuộc Hội truyền giáo Cơ đốc ở Bathang, thị trấn quê hương ông, và học tiếng Anh tại đó. Thời gian khi chúng tôi làm quen nhau, ông cũng đã đạt được một trình độ thành thạo xuất sắc về tiếng Trung Quốc, tạo được một phong cách dịch thuật trong sáng giữa tôi và Chủ tịch Mao.

Thành ra Phuntsog Wangyal là một con người giàu khả năng, điềm đạm, thông minh, một nhà tư tưởng giỏi giang. Ông cũng rất trung thực, lương thiện, tôi luôn coi trọng tình bạn của ông. Hiển nhiên ông cảm thấy vô cùng sung sướng với nhiệm vụ là người phiên dịch cho tôi, ít nhất cũng không phải vì đó là phương tiện đưa ông tiếp cận tới Chủ tịch Mao, người ông tôn sùng. Tuy nhiên, cảm xúc của ông về tôi cũng khá mạnh. Có một lần, khi chúng tôi nói chuyện về Tây Tạng, ông coi tôi là một người có đầu óc thoáng đạt, ông nói ông hoàn toàn lạc quan về tương lai. Ông kể rằng nhiều năm trước đây, khi đến dự buổi tiếp kiến ở Norbulingka, ông thấy một em bé ngồi trên ngai báu. “Giờ đây ngài không còn là một đứa bé con nữa, ngài ở đây cùng với tôi trong thành phố Bắc Kinh”. Ý tưởng này khiến ông phấn khích và khóc không giấu diếm. Sau một lát ông tiếp tục nói, bây giờ ông nói như một người cộng sản đích thực. Ông bảo Dalai Lama không được dựa trên vấn đề chiêm tinh như một công cụ để quản lý nhà nước, tôn giáo không phải là một cái gì xác thực để con người đặt nền tảng cuộc đời trên đó. Do tính chân thật hiển nhiên của ông, tôi lắng nghe rất cẩn thận. Về vấn đề mà ông gọi là những thực hành mê tín dị đoan, tôi giải thích rằng Đức Phật nhấn mạnh vào thái độ cần thiết nghiên cứu kỹ càng trước khi công nhận một vấn đề nào đó đúng hay sai. Tôi cũng cho ông ta biết tôi nhận thấy tôn giáo là hành trang thiết yếu, đặc biệt đối với những người tham gia chính trị. Cuối buổi nói chuyện, tôi cảm thấy chúng tôi tôn trọng lẫn nhau. Những điểm khác biệt của chúng tôi chỉ là vấn đề thuộc về cá nhân, vậy không có mâu thuẫn mang tính cơ bản. Trong phân tích cuối cùng, chúng tôi, cả hai con người Tây Tạng, chúng tôi đều suy nghĩ sâu xa về tương lai tổ quốc của chúng tôi.

Sau khi tới chừng một hoặc hai ngày, người ta thông báo cho tôi biết tất cả các thành viên trong phái đoàn được mời dự tiệc chiêu đãi. Chiều hôm đó chúng tôi phải tổng duyệt lại những hoạt động dành cho buổi tối. Thành ra việc chiêu đãi chúng tôi lại có nét đặc trưng ngoại giao rất độc đáo (sau này tôi phát hiện ra đó là nét đặc trưng chung cho các nhân viên của nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa), các nhân viên liên lạc của chúng tôi dần dần đi tới một cơn hoảng hốt điên cuồng. Họ lo chúng tôi sẽ làm hỏng việc khiến họ trở thành ngớ ngẩn, vì thế họ đưa ra tất cả những chỉ dẫn chính xác, chi tiết, là chúng tôi phải làm những gì, thậm chí cả số lượng bước chân, sau đó bao nhiêu bước để quay phải quay trái. Giống như là duyệt binh vậy. Có những lệnh chính xác mà mọi người phải xuất hiện. Tôi phải đi ra trước, rồi tới Panchen Lama, sau đó là hai vị trợ giáo, các vị Kalon (bốn thành viên của Kashag), mỗi vị theo thứ tự chức vụ, rồi lần lượt từng người tương đương với cấp bậc. Tất cả chúng tôi mang theo quà biếu, quà biếu cũng phải phù hợp với từng đối tượng. Toàn bộ tiến trình này xem ra vô cùng phức tạp, phức tạp ngay cả đối với những người Tây Tạng thuộc giới quý tộc, những con người nổi tiếng vì tính cách ưa chuộng xã giao. Song sự náo nhiệt của buổi tiếp tân đã bị nhiễm trùng. Rất nhanh, tất cả chúng tôi đều ở trong trạng thái lo âu, trừ có Ling Rinpoché, người không ưa mọi hình thức. Ông không quan tâm tới đó một chút nào.

Ngày hôm sau, như tôi còn có thể nhớ được, tôi có một cuộc chạm trán mở màn với Chủ tịch Mao. Đây là một cuộc gặp gỡ công khai với những quy trình tương tự như quy trình ở bữa tiệc ngoại giao. Tất cả chúng tôi đi hàng một theo thứ tự cấp bậc. Khi tiến vào sảnh, điều đầu tiên tôi chú ý là một dãy đèn đặt thẳng đứng của cả một đạo quân nhiếp ảnh. Đứng phía dưới đạo quân này là ông Mao, trông rất bình tĩnh thoải mái. Ông không có phong cách của một con người thông minh đặc biệt. Tuy nhiên, khi bắt tay ông, tôi cảm thấy sự hiện diện của một hấp lực mạnh mẽ. Ông bước tới rất thân thiện và tự phát, bất chấp mọi nghi lễ. Dường như nỗi lo âu tôi cảm nhận là không có căn cứ.

Cả thảy tôi có ít nhất trên mười cuộc họp với ông Mao, phần lớn rất đông người, trừ một vài cuộc họp riêng không ai tham dự ngoài Phuntsog Wangyal. Trong bất kỳ mọi trường hợp, hoặc dự tiệc hay hội nghị, ông Mao luôn luôn ngồi cạnh tôi, có lần ông còn lấy đồ ăn cho tôi. Điều này khiến tôi hơi lo vì tôi nghe đồn ông bị lao.

Tôi thấy ông là một con người hết sức ấn tượng. Ngoại hình rất dị thường, nước da tối, nhưng bóng loáng như ông có dùng một loại dầu xoa. Bàn tay ông rất đẹp với các ngón tay hoàn chỉnh, ngón cái thanh tú và cũng bóng loáng một cách kỳ dị.

Tôi còn thấy hình như ông có vấn đề về hô hấp, ông thở hổn hển rất nhiều. Điều này có thể ảnh hưởng tới phong cách nói năng luôn luôn chậm rãi, rõ ràng. Ông hay dùng câu ngắn gọn, có lẽ cũng do nguyên nhân này. Phong thái, hành động cũng chậm rãi tương tự. Nếu ông ngoảnh đầu từ trái qua phải, hành động này phải mất nhiều giây đồng hồ, điều này tạo cho ông một dáng vẻ nghiêm trang và chắc chắn.

Tương phản với phong cách đặc biệt của ông là y phục, chúng có vẻ hoàn toàn cũ nát. Áo sơ mi luôn luôn sờn rách ở cổ tay, chiếc áo khoác ngoài trông khá tiều tụy. Những thứ này giống như quần áo người khác đã mặc, trừ có màu sắc, đó là một dạng khác của màu nâu xám. Chỉ riêng một thứ trong trang phục được giữ cẩn thận, đó là đôi giày, nó luôn luôn được đánh bóng. Nhưng ông không cần tới những bộ quần áo sang trọng. Bất chấp bề ngoài nhếc nhác lôi thôi, ông vẫn có một dáng vẻ cực mạnh mẽ của quyền lực và trung thực. Chỉ cần sự xuất hiện đơn thuần của ông đủ khiến người ta phải kính trọng. Ngay cả tôi, tôi cũng cảm thấy ông là một con người hoàn toàn thành thật, quyết đoán.

Trong vài tuần lễ đầu tiên ở Trung Quốc, vấn đề thảo luận chủ yếu giữa những người Tây Tạng chúng tôi tất nhiên là làm cách nào để hòa giải mọi nhu cầu của chúng tôi phù hợp với sự mong muốn của phía Trung Quốc. Vai trò của tôi là người dàn xếp giữa Kashag với các vị lãnh đạo Cộng Sản. Có nhiều cuộc họp sơ bộ tiến hành tốt đẹp. Lần đầu tiên họp riêng với ông Mao, các vấn đề tranh luận đã đưa ra nhiều thúc đẩy xa hơn. Trong cuộc họp này, ông cho tôi biết ông đi tới kết luận là thời gian để thực hiện mọi điều khoản trong Hiệp Ước Mười Bảy Điểm hơi quá sớm. Đặc biệt đối với một trong những điều khoản đó, ông cảm thấy chắc chắn có thể yên tâm tạm quên đi trong lúc này. Đó là điều khoản liên quan tới việc thiết lập một Uỷ Ban Quân Quản ở Tây Tạng, qua đó quốc gia này sẽ được thực sự điều hành do Giải Phóng Quân. Ông nói “Tốt hơn nên thành lập một Hội đồng Trù Bị cho “Khu Tự Trị” của Tây Tạng. Tổ chức này sẽ lo liệu để chương trình cải cách được chỉ đạo bởi chính nguyện vọng người dân Tây Tạng. Ông khăng khăng cho rằng các điều khoản của “Hiệp Ước” phải được thi hành thật thong thả như chính chúng tôi xét thấy cần thiết. Khi tôi báo cáo lại thông tin này cho Kashag, họ nhẹ cả người đi. Coi như giờ đây chúng tôi có thể đạt được một thỏa hiệp có tính khả thi mà chúng tôi đang trực tiếp giải quyết với cấp cao nhất của lục địa.

Tại cuộc gặp riêng với ông Mao sau này, ông cho tôi biết ông rất vui khi tôi tới Bắc Kinh. Ông tiếp tục nêu rõ tất cả mục đích sự có mặt của Trung Quốc ở Tây Tạng chỉ để giúp đỡ chúng tôi. Ông bảo: “Tây Tạng là một quốc gia vĩ đại, bạn có một lịch sử thần kỳ. Trước đây các bạn còn chinh phục phần lớn đất nước Trung Quốc. Nhưng bây giờ các bạn đã tụt lại phía sau và chúng tôi muốn giúp đỡ các bạn. Trong thời gian hai mươi năm nữa các bạn sẽ vượt lên phía trước và lúc đó đến lượt các bạn giúp đỡ lại Trung Quốc”. Tôi không thể tin nổi vào tai mình, nhưng dường như ông nói không phải với mục đích thuyết phục, cũng không phải để gây hiệu quả.

Tôi bắt đầu say sưa về mọi khả năng hợp tác với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Càng đọc kỹ về chủ nghĩa Mác, tôi càng thấy ưa thích. Đây là một hệ thống được xây dựng trên căn bản bình đẳng, công bằng cho tất cả mọi người, được coi là một thứ thuốc chữa bách bệnh. Về lý thuyết, mặt hạn chế của chủ nghĩa Mác, theo như tôi thấy được, đó là luận thuyết khẳng định sự tồn tại của con người trên quan điểm thuần túy vật chất. Điểm này tôi không đồng ý. Tôi cũng quan tâm tới những phuơng pháp mà người Trung Quốc sử dụng để theo đuổi ý tưởng của họ, và thấy được một phong cách quá cứng nhắc. Tuy vậy, tôi vẫn biểu lộ ước vọng trở thành đảng viên. Cho tới nay, tôi vẫn tin rằng tiến hành một khuynh hướng tổng hợp giữa Phật giáo và học thuyết Mác nguyên bản là điều khả thi, khuynh hướng này chắc chắn là một đường lối hiệu quả để điều hành chính trị.

Cũng trong thời gian đó, tôi bắt đầu học tiếng Trung Quốc, và do gợi ý của một nhân viên bảo vệ người Trung Quốc, một con người thú vị, một thương binh trong đợt Viện Triều Chống Mỹ, tôi bắt đầu tập thể dục. Hàng sáng ông này thường tới quan sát tôi. Tuy nhiên, ông không hay dậy sớm và không thể hiểu được tại sao tôi lại dậy trước năm giờ sáng để cầu nguyện. Ông thường xuất hiện với đầu tóc rối bù, mặt chưa rửa. Chế độ tập thể dục này có vẻ có đôi chút hiệu quả. Lồng ngực tôi trước đây giơ xương và hẹp, bây giờ bắt đầu phẳng phiu đáng kể.

Tổng cộng, tôi ở Bắc Kinh chừng mười tuần lễ. Phần lớn thời gian dành cho các cuộc họp chính trị và hội thảo, không kể tới những bữa tiệc chiêu đãi. Đồ ăn và những bữa ăn khổng lồ nhìn chung rất ngon, dù tôi vẫn rùng mình với những ý nghĩ về thứ được coi như cao lương mỹ vị, đó là các quả trứng đã để lâu tới một trăm năm. Mùi vị của nó vô cùng hấp dẫn không thể cưỡng lại được. Hương vị này còn tồn tại mãi, dù bạn có ăn xong, bạn không thể phân biệt được mình vẫn còn đang thưởng thức nó trong miệng, hay đó chỉ là dư vị còn phảng phất: hương vị này hoàn toàn tràn ngập cảm giác. Tôi phải nhấn mạnh là một số phó mát Âu châu cũng có một hiệu ứng tương đương. Những bữa tiệc chiêu đãi này được chủ tiệc của chúng tôi coi là rất quan trọng, những người hình như có quan điểm là người ta chỉ cần cùng ngồi với nhau bên bàn ăn, thế là tình hữu nghị đích thực có thể tạo ra được. Tất nhiên điều này khá nhầm lẫn.

Cũng thời gian này, khi Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ nhất nhóm họp, tôi được bầu làm Phó chủ tịch Uỷ Ban Chỉ Đạo Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đây là một sự chỉ định trên danh nghĩa, kèm theo đôi chút uy tín, chứ không phải là một thứ quyền lực chính trị đích thực (Ban Chỉ Đạo chỉ thảo luận những đường lối trước khi chuyển sang Bộ Chính Trị, cơ quan thực sự nắm quyền lực).

Những cuộc họp chính trị và hội nghị của Uỷ ban Chỉ Đạo là những thực nghiệm hữu ích, hơn hẳn các bữa tiệc chiêu đãi, dù rằng chúng có khuynh hướng kéo dài vô tận. Đôi khi người nói chuyện có thể nói một mạch năm, sáu hoặc bảy giờ liền, điều này thực sự vô cùng chán nản. Tôi dành thời gian đó nhấm nháp từng ngụm nước nóng, mong tới lúc kết thúc. Tuy nhiên, những cuộc họp do Mao chủ trì lại có một phong cách khác hẳn. Ông là một con người có sức thu hút mãnh liệt. Điểm mạnh nhất của ông, là khi nói chuyện, ông có thể phát hiện ra quan điểm của người nghe. Ông luôn luôn cố gắng thăm dò những cảm giác sâu kín nhất của người ta bằng cách đặt vấn đề rồi tiếp thu mọi thứ họ có thể nói ra. Ông còn đi xa hơn nữa bằng cách tự phê bình bản thân mình trong một số trường hợp. Có lần, khi không nhận được kết quả mong đợi, ông đưa ra một bức thư được gửi tới cho ông từ quê nhà, bức thư phê bình cách đối xử của Đảng bộ địa phương. Hành động này hoàn toàn ấn tượng, nhưng sau này tôi bắt đầu nhận thấy sự màu mè giả dối của phần lớn các cuộc họp. Người ta sợ nói lên ý nghĩ của mình, đặc biệt với những người không phải là đảng viên, những người này luôn luôn làm hài lòng các đảng viên và rất lễ phép với họ.

Dần dần, trong tôi sáng tỏ một vấn đề là cuộc sống chính trị ở Trung Quốc đầy những mâu thuẫn, dù tôi không thể khẳng định một cách chính xác nguyên nhân của nó. Lần nào gặp Mao, ông ta cũng gây hứng thú cho tôi. Tôi nhớ lại có một lần, ông tới chỗ tôi mà không báo trước. Ông muốn nói chuyện riêng với tôi về một vài vấn đề, tôi không nhớ chính xác là vấn đề gì, nhưng trong lúc chuyện trò ông làm tôi hết sức ngạc nhiên khi nói tới Đức Phật. Ông ca ngợi ngài là “chống đẳng cấp, chống tham nhũng và chống bóc lột”. Ông cũng đề cập tới nữ thần Tara, một vị nữ Phật được mọi người biết. Đột nhiên ông có vẻ ủng hộ tôn giáo.

Một trường hợp khác, tôi ngồi đối diện với “Người cầm lái vĩ đại” (ông được biết dưới cái tên đó) trước một cái bàn dài, đầu kia có hai vị tướng. Ông trỏ vào hai người đó, nói rằng ông sẽ bổ nhiệm họ tới Tây Tạng. Rồi ông nghiêm khắc nhìn tôi và nói “Tôi gửi hai người này tới phục vụ ông. Nếu họ không nghe theo lời ông, ông phải cho tôi biết, tôi sẽ triệu hồi họ”. Ngay cả trong lúc ghi nhận được những biểu hiện có lợi này, bản thân tôi cũng thấy được tính đa nghi mà đại bộ phận đảng viên thể hiện trong mọi nhiệm vụ hàng ngày. Họ luôn luôn lo lắng về công việc, cuộc sống của họ.

Cùng thời gian gặp Mao, tôi cũng gặp cả Chu Ân Lai và Lưu Thiếu Kỳ. Lưu nói rất ít và cũng ít cười. Tóm lại, ông hết sức cứng rắn. Có lần, tôi dự một cuộc họp giữa ông Lưu và ông U Nu, thủ tướng Miến Điện. Trước khi cuộc họp bắt đầu, mỗi người tham dự đều tóm tắt những vấn đề họ quan tâm. Vấn đề của tôi là tôn giáo: nếu người lãnh đạo Miến Điện muốn nói về tôn giáo, tôi sẽ là người trả lời. Thực ra cuộc họp không phải như vậy, nó không giống với những những gì có trong suy nghĩ của U Nu. Để thay thế, ông U Nu muốn chất vấn ông Lưu về sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho những người Cộng Sản chống đối ở nước ông ta. Nhưng khi U Nu nhấn mạnh rằng những người du kích này đã gây rắc rối cho chính quyền, ông Lưu nhìn đi chỗ khác. Lưu tránh né, câu hỏi của U Nu không được trả lời. Tôi sửng sốt, song tự an ủi với ý nghĩ rằng ít nhất ông Lưu không nói dối hoặc lừa gạt. Nếu là Chu, chắc chắn ông này sẽ nói được một điều gì đó rất láu cá đối với điểm đó.

Ông Chu là một con người hoàn toàn khác. Trong khi Lưu vững vàng, nghiêm nghị, thì Chu luôn luôn cười, duyên dáng, nhanh nhẹn và thông minh. Thực ra ông ta lễ độ quá mức, đó là dấu hiệu chắc chắn của một con người không đáng tin cậy. Ông có cặp mắt rất sắc bén. Tôi nhớ lại trong một bữa tiệc đặc biệt mà tôi được tham dự, ông tháp tùng mấy nhân vật quan trọng ngoại quốc đi tới bàn tiệc, thình lình một vị vấp chân vào bậc thang. Ông Chu có một cánh tay có tật, nhưng khi người kia trượt chân, cánh tay lành lặn của ông đã vung ra sẵn sàng đỡ người kia, miệng vẫn không ngừng nói chuyện.

Ngôn từ của ông cũng rất sắc bén. Sau khi U Nu tới thăm Bắc Kinh, Chu nói chuyện trước một cuộc mít tinh trên hàng ngàn nhân viên, trong cuộc mít tinh, ông công khai đưa ra những nhận xét xúc phạm tới vị thủ tướng Miến Điện. Tôi thấy điều này rất lạ vì ở nơi công cộng, ông luôn luôn lễ phép quá mức và nhã nhặn với mọi người.

Thời gian ở Bắc Kinh, tôi được một số Phật tử người Trung Quốc yêu cầu giảng dạy. Lúc này người phiên dịch của tôi là một nhà sư Trung Quốc, tôi nghe nói vị này đã từng tu nghiệp ở Tây Tạng, đã thụ giáo một vị Lạt ma (thời gian trước đây có rất nhiều nhà sư Trung Quốc đi học ở Tây Tạng, đặc biệt trong lĩnh vực biện chứng). Tôi rất ấn tượng với ông này, ông khiến tôi ngạc nhiên khi nhận ra ông là một nhà thực hành nghiêm chỉnh, tận tụy với niềm tin của mình.

Một số người Cộng Sản tôi gặp, họ là những người rất tốt, hoàn toàn không vị kỷ trong cách phục vụ người khác. Họ rất hữu ích đối với tôi. Tôi học hỏi rất nhiều ở họ. Một trong những người đó là một viên chức cao cấp thuộc Vụ Thiểu Số tên là Liu Ka-ping, người được chỉ định hướng dẫn tôi nghiêu cứu chủ nghĩa Mác và cách mạng Trung Quốc. Thực ra ông ta là người Hồi giáo, tôi thường thường trêu ông bằng cách hỏi xem có bao giờ ông ăn thịt lợn không. Ông bị cụt một ngón tay, tôi nhớ lại ông là một con người rất nhã nhặn. Chúng tôi trở thành bạn tốt. Vợ ông ta là một phụ nữ rất trẻ, gần như con gái ông, cô cũng trở thành một người bạn tốt đối với mẹ và em gái tôi. Khi chúng tôi rời khỏi Trung Quốc, ông khóc như một đứa bé con.

Tôi ở Bắc Kinh tới tận sau ngày quốc khánh tháng Mười. Năm đó kỷ niệm năm thứ năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, một số yếu nhân ngoại quốc có mặt ở thủ đô trong thời gian đó. Trong số những nhân vật quan trọng có Khơ-rút-xốp và Bun-ga-nin, tôi được giới thiệu với cả hai vị này. Với tôi, cả hai không gây ấn tượng gì hết, chắc chắn trong hai người này không ai có thể so sánh với Pandit Nehru, người tới thăm Bắc Kinh khi tôi đang còn ở đó. Ông là một vị khách danh dự tại một bữa tiệc chiêu đãi do Chu Ân Lai chủ tọa và, như thường lệ, tất cả các vị khách khác xếp hàng đi ngang qua đều được giới thiệu. Từ xa, trông ông rất lịch sự hòa nhã, không gặp phiền toái gì trong cách tìm ra một vài lời nói đối với những người đi tới ông. Tuy nhiên, khi đến lượt tôi, tôi đứng bắt tay ông, ông như bị khựng lại. Cặp mắt ông dính chặt về phía trước, ông không nói một lời nào. Tôi cảm thấy xấu hổ và phá tan khối băng bằng cách nói tôi rất vui được gặp ông, tôi được nghe nói nhiều về ông, dù cho Tây Tạng là một quốc gia hẻo lánh. Cuối cùng ông nói, nhưng nói một cách hời hợt chiếu lệ.

Tôi rất thất vọng vì tôi đặc biệt muốn nói chuyện với ông, muốn hỏi về thái độ của đất nước ông đối với Tây Tạng. Nhìn chung, đó là một cuộc gặp gỡ rất lạc lõng.

Sau này tôi cũng nói chuyện với vị Sứ quán trưởng Ấn Độ theo yêu cầu của vị này, nhưng cuộc nói chuyện cũng thất bại như cuộc gặp gỡ của tôi với Nehru. Dù tôi có một nhân viên nói tiếng Anh rất giỏi, người Trung Quốc vẫn khăng khăng muốn tôi phải mang theo phiên dịch của họ. Điều này có nghĩa là những gì viên sứ quán nói bằng tiếng Anh phải vất vả dịch sang tiêng Trung Quốc, rồi lại dịch sang tiếng Tây Tạng. Đó là một phiên họp bất tiện. Có những vấn đề tôi muốn thảo luận, những vấn đề này không thể đưa ra với sự có mặt của người Trung Quốc. Phần dễ chịu nhất trong buổi chiều hôm đó xảy ra, đó là lúc rót trà cho chúng tôi, người phục vụ đã đánh đổ chiếc bát lớn đựng hoa quả nhập khẩu đắt tiền. Khi nhìn thấy những quả anh đào, đào, mận lăn bừa bãi trên sàn nhà, người phiên dịch rất can đảm cùng phụ tá của ông (không bao giờ nhân viên được đi một mình) bò xuống thảm để nhặt nó lên. Tôi phải cố gắng lắm mới nhịn được cười.

Tôi có một khoảng khắc dễ chịu hơn với vị sứ quán Liên Xô, người tôi ngồi cạnh trong buổi tiệc chiêu đãi. Thời gian đó, Liên Xô và Trung Quốc là những người bạn thân thiết nên không có gì nguy hiểm trong việc trao đổi ở đây. Viên sứ quán rất thân tình, tỏ rõ niềm hứng thú khi thấy được ấn tượng của tôi về Chủ Nghĩa Xã Hội. Khi tôi nói tôi thấy được tương lai đầy triển vọng của Chủ Nghĩa Xã Hội, ông khuyên tôi nên tới thăm Liên bang Xô Viết. Điều này dường như là một ý kiến hay, tôi lập tức nảy ra ước muốn đi thăm tổ quốc ông ta với tư cách là một nhân viên thông thường trong phái đoàn. Bằng cách này, phái đoàn tưởng tượng đó đi bất kỳ chỗ nào, tôi cũng được tới đó mà không chịu trách nhiệm gì, tôi có thể dành nhiều thời gian lưu tâm tới công việc riêng của mình và quan sát. Đáng tiếc ý tưởng này chẳng đi tới đâu. Chuyện này xảy ra hơn hai mươi năm về trước, trước khi tôi nhận thức được tham vọng tới thăm Liên bang Xô Viết của tôi. Và không cần phải nói, hoàn cảnh thực tế hoàn toàn khác xa với những gì tôi đã hình dung một cách ngớ ngẩn.

Nhìn chung, chính quyền Trung Quốc rất miễn cưỡng để tôi tiếp xúc với người nước ngoài. Tôi cho rằng tôi đã từng là một cái gì đó khiến họ xấu hổ. Trong thời gian Tây Tạng bị xâm chiếm, có nhiều dư luận chỉ trích Cộng Sản của nhiều nước trên thế giới. Đây là một nỗi khó chịu đối với họ, họ rất bận rộn làm mọi thứ để nâng cao hình ảnh của họ, để biện minh cho hành động chiếm hữu Tây Tạng bằng lịch sử, bằng lý luận về sự giúp đỡ của một nước lớn đối với một quốc gia yếu kém. Nhưng tôi không thể không lưu ý tới điểm khác nhau hoàn toàn trong phong cách đối xử với địa vị là chủ nhân khi những vị khách nước ngoài xuất hiện. Thường là theo thói quen, họ hay có thái độ kiêu căng đối với người nước ngoài, nhưng trước mặt người nước ngoài, họ lại tỏ ra rất nhu mì và dễ khuất phục.

Tuy vậy, một số người tới thăm Bắc Kinh bày tỏ sự mong muốn gặp tôi, trong đó có cả đoàn vũ Hung-ga-ri, mọi người đều muốn có chữ ký của tôi, tôi cũng tặng cho họ. Đồng thời, hàng ngàn người Mông Cổ tới thủ đô Trung Quốc hy vọng gặp tôi và Panchen Lama. Điều này không làm chính quyền Trung Quốc hài lòng, có thể hình ảnh người Tây Tạng sát ngay bên người Mông Cổ là một lời nhắc nhở không mấy dễ chịu về những gì đã xảy ra trong quá khứ đối với họ. Không chỉ Tây Tạng bắt người Trung Quốc cống nạp hồi thế kỷ thứ tám, mà Mông Cổ còn cai trị đất nước Trung Hoa từ năm 1279 tới năm 1368 sau công nguyên, sau cuộc xâm lăng thành công của Thành Cát Tư Hãn, hoàng đế Mông Cổ.

Thời đó có một sự kiện lịch sử khá thú vị. Thành Cát Tư Hãn trở thành một Phật tử và có một người thầy là một đại sư người Tây Tạng. Vị đại sư này thuyết phục được hoàng đế Mông Cổ chấm dứt hành động kiểm soát sự gia tăng dân số Trung Quốc bằng cách đưa hàng ngàn người ra biển dìm chết. Qua sự kiện này, người Tây Tạng đã cứu vô số mạng sống của người Trung Quốc.

Mùa đông năm 1954, tôi thực hiện một chuyến đi mở rộng ở Trung Quốc cùng với cả đoàn gồm mẹ tôi và Tenzin Choegyal, người em út, để tham quan điều kỳ diệu của những tiến bộ công nghiệp, tiến bộ vật chất. Tôi rất thích chuyến đi này, song khá nhiều nhân viên hoàn toàn không quan tâm tới chương trình dành cho họ, họ thở phào nhẹ nhõm mỗi khi thấy tuyên bố không có chương trình tham quan trong ngày hôm đó. Đặc biệt là mẹ tôi, người không hứng thú trong thời gian ở Trung Quốc. Nỗi buồn bã của người tăng lên khi, trong một chuyến tham quan, người nhiễm một cơn sốt, biến chứng thành cúm khá nặng. Thật may vị bác sĩ riêng của tôi, ông"bác sĩ béo"trong thời ấu thơ của chúng tôi, ông cũng đi cùng. Ông là một con người rất uyên bác, một người bạn lớn của mẹ tôi, ông kê ngay một số thuốc cho bà và người uống luôn. Không may mẹ tôi hiểu sai cách hướng dẫn, bà uống tất cả cùng một lúc mà lẽ ra phải dùng hai lần riêng biệt trong ngày. Việc đó gây một phản tác dụng mạnh, ngoài sốt cao, bà còn bị mệt nặng. Bà lả đi trong nhiều ngày, tôi rất lo lắng. Nhưng sau một tuần bà khỏi dần, thực ra bà còn sống thêm hơn hai mươi năm nữa. Ling Ripoché cũng ốm rất nặng, nhưng ông không hồi phục được nhanh và chỉ sau khi tỵ nạn ông mới phục hồi được thể lực.

Em trai tôi, Tenzin Choegyal, kém tôi mười hai tuổi, nó là nguồn vui sướng và nỗi khủng khiếp của mọi người, kể cả đối với một người Trung Quốc đặc biệt rất mến nó. Hết sức thông minh, nó hội nhập tiếng Trung hoa phổ thông một cách thành thạo chỉ trong vài tháng, với mọi điều kiện thuận lợi hay không. Nó thích nhìn người lớn bối rối. Nếu mẹ tôi hoặc một ai đó nhận xét chê bai về một trong những người khách của chúng tôi, em tôi tiếp tục ngay không hề do dự. Tất cả chúng tôi phải hết sức cẩn thận về những gì nói trước mặt nó. Tuy vậy, nó luôn luôn cảm nhận được khi một ai đó nói mập mờ hoặc lảng tránh. Nhưng nó rất vui vẻ đến nỗi chỉ có Trijang Rinpoché, vị phó trợ giáo của tôi, là người duy nhất thành công trong việc kiểm soát Tenzin Choegyal, tôi cho rằng chủ yếu do em tôi thường nhảy lên tất cả các đồ đạc bằng gỗ, còn ông lo lắng trong việc giải thích cho những người Trung Quốc về lý do đổ vỡ. Mặt khác, với Tenzin Choegyal, Ling Rinpoché là một người bạn rất nhiệt tình. Cá nhân tôi không gặp nó nhiều, dù rằng gần đây nó nhắc tới một lần khi tôi thấy nó câu lên tất cả những con cá chép từ một cái giếng được trang trí hoa mỹ và đặt chúng gọn gàng bên cạnh giếng. Nó kể lại là tôi đã tát nó rất đau.

Dù rằng niềm hứng thú về tiến bộ vật chất ở Trung Quốc của tôi không được chia sẻ với nhân viên, song tôi rất ấn tượng đối với những gì Đảng Cộng Sản đã đạt được trong lĩnh vực công nghiệp nặng. Tôi thiết tha mong muốn đất nước tôi tạo ra được nhiều tiến bộ tương tự. Tôi đặc biệt quan tâm tới nhà máy thủy điện mà chúng tôi tham quan ở Mãn Châu. Không cần phải giàu trí tưởng tượng mới thấy được nhà máy thủy điện có những ích lợi vô tận cho Tây Tạng như thế nào. Nhưng điều làm cho chuyến đi đặc biệt này trở thành đáng nhớ, đó là ấn tượng mạnh mẽ trên khuôn mặt người nhân viên giải thích quy trình khi tôi hỏi người đó một số câu hỏi thích đáng về điện năng. Nhờ công việc sửa chữa chiếc máy phát điện cũ kỹ chạy bằng dầu ma dút ở Lhasa, tôi nắm khá chắc về những nguyên lý cơ bản có liên quan. Tôi cho rằng đối với một thanh niên người nước ngoài trong bộ áo cà sa của nhà sư, mà lại đi hỏi những vấn đề về ki lô oát giờ và kích thước của động cơ tuyếc bin, đấy phải là một điều vô cùng phi lý.

Điểm nổi bật nhất của chuyến tham quan này là khi tôi lên một chiếc tầu chiến cũ, cũng ở Mãn Châu. Tôi đã bị mê hoặc. Việc nó cũ kỹ đến nỗi không thể phân biệt đầu hay đuôi của những thiết bị hoặc những mặt của các bảng số, điều này không thành vấn đề. Chỉ cần ở trên một vật thể kim loại khổng lồ màu ghi, với mùi dầu, mùi nước biển khác thường này, việc đó đối với tôi là quá đủ.

Mặt tiêu cực khác, tôi nhận thấy chính quyền Trung Quốc không có ý định để tôi tiếp xúc với người dân Trung Quốc. Mỗi lần muốn tách khỏi chương trình tham quan, hay chỉ cần một mình đi dạo chơi, tôi đều bị các nhân viên chăm sóc tôi ngăn cản, luôn luôn lấy cớ “an ninh, an ninh": sự an toàn của tôi là lý do bất diệt của họ. Nhưng không phải chỉ một mình tôi bị cô lập khỏi những con người bình thường, mà tất cả những người Trung Quốc ở Bắc Kinh cũng vậy. Họ cũng bị cấm làm bất kỳ một điều gì mang tính độc lập.

Tuy nhiên, S    erkon Rinpoché, một trong những vị Tsenshap của tôi, ông luôn luôn tìm cách khắc phục hoàn cảnh. Ông không bao giờ nghe những gì người Trung Quốc nói, chỉ làm những gì ông cho là đúng. Có lẽ do ông què quặt và khá kín đáo, không ai thấy cần phải ngăn cản ông. Do vậy ông là người duy nhất tìm cách ghi lại được một hình ảnh miêu tả sâu sắc về cuộc sống trong một nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân mới mẻ, dũng cảm. Tôi học được từ ông rất nhiều. Ông vẽ lại một bức tranh vô cùng ảm đạm về sự nghèo nàn, sợ hãi của dân cư.

Tuy nhiên, tôi có cuộc nói chuyện thú vị với một nhân viên mang hành lý trong khi đi thăm một khu công nghiệp. Anh ta nói anh đã nhìn thấy ảnh cuộc khởi hành của tôi ở Lhasa, anh vui mừng được biết người dân Tây Tạng rất sung sướng về chuyến đi của tôi. Khi tôi cho anh biết điều đó không đúng như vậy, anh vô cùng ngạc nhiên. “Nhưng người ta nói thế trên báo chí! “. Tôi trả lời là bối cảnh đó đã bị trình bày sai lệch, sự thực là phần lớn dân chúng tôi lo phiền tới quẫn trí. Lúc này, anh bạn tỏ ra choáng váng, kinh ngạc. Về phần tôi, lần đầu tiên tôi nhận thức được quy mô của sự việc bị bóp méo qua báo chí: hình như tính cách dối trá đã nhiễm vào máu của những người cầm quyền.

Trong cuộc du hành quanh Trung Quốc, tôi vượt qua biên giới sang Mông Cổ cùng với Serkon Rinpoché và một số người khác. Đây là một thực nghiệm thú vị, nó khiến tôi nhận thức được mối quan hệ thân thiết giữa quốc gia này và quốc gia chúng tôi.

Chúng tôi trở về Bắc Kinh vào cuối tháng hai năm 1955, đúng dịp lễ Losar, ngày tết nguyên đán của Tây Tạng. Do tầm quan trọng của dịp lễ, tôi quyết định tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi, mời Chủ tịch Mao và những thành viên của nhóm “Tứ Đại”, đó là Chu Ân Lai, Chu Đức và Lưu Thiếu Kỳ. Tất cả đều nhận lời. Trong bữa tiệc buổi tối Mao tỏ ra rất thân thiết. Ngay lúc tôi ném một nhúm tsampa vào trong không khí, ông ta nghiêng người về phía tôi, hỏi làm như thế để làm gì. Tôi giải thích đó là một dấu hiệu dâng hiến bố thí, thế là ông cũng nhón một dúm và làm như vậy. Rồi ông lấy thêm một nắm và, với một cái nhìn tinh quái, ông ném lên sàn nhà.

Cử chỉ hơi có tính chất nhạo báng này là điểm duy nhất làm hỏng bữa dạ tiệc lẽ ra rất đáng nhớ, dường như nó từ chối một lời hứa hữu nghị nghiêm chỉnh giữa hai quốc gia. Chắc chắn đó là phương pháp để Trung Quốc miêu tả sự kiện. Cuối buổi, như thường lệ, họ tổ chức một đội nhiếp ảnh chụp hình để lưu lại. Một số bức ảnh được công bố trên báo chí sau chừng một hai hôm sau với những bài viết sinh động, nhấn mạnh các câu nói. Những bức hình này chắc phải được cung cấp cho Tây Tạng vì, khi tôi trở lại Lhasa, tôi trông thấy một bức ảnh trong tờ báo địa phương do người Trung Quốc ấn hành. Bức ảnh mô tả tôi và chủ tịch Mao cùng ngồi, đầu tôi quay về phía ông ta, tay tôi làm một cử chỉ không thể giải thích được. Người biên tập bức tranh của tờ báo đã dựng nên một suy luận của anh ta về sự kiện xảy ra và chạy một tiêu đề gây hiệu quả, rằng đây là ảnh của vị Dalai Lama giải thích cho"Người cầm lái vĩ đại” cách làm bánh khabse (một loại bánh ngọt)!

Trước ngày rời Trung Quốc trở về Tây Tạng vào mùa xuân năm 1955, trong khi dự một cuộc họp của Uỷ ban Chỉ Đạo. Lu Rau-chi, người chủ tọa cuộc họp đang đọc được một nửa bài diễn văn, thình lình nhân viên bảo vệ của tôi bật cửa và chạy thẳng tới chỗ tôi nói"Chủ tịch Mao muốn gặp ông ngay. Người đang đợi ông”. Tôi không biết phải nói sao. Tôi không thể chỉ đơn thuần đứng dậy rời bỏ cuộc họp, và Lu nín thở. Tôi trả lời"Trong trường hợp này, anh phải về và cho tôi gửi lời xin lỗi”. Anh ta lập tức đi ngay.

Chúng tôi thẳng tới văn phòng làm việc của Mao, ông ta đang thực sự đợi tôi. Đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng. Ông thông báo ông muốn đưa ra một vài lời khuyên về phương pháp quản lý nhà nước trước khi tôi trở lại Tây Tạng, rồi ông tiến hành giải thích cách tổ chức một cuộc họp, cách rút ra ý kiến của mọi người, làm thế nào để quyết định trên cơ sở những ý kiến chủ chốt. Đây là những thông tin tuyệt vời, tôi bận rộn ngồi ghi nhớ như thường làm mỗi khi chúng tôi gặp nhau. Ông tiếp tục cho tôi biết, những phương tiện thông tin là những cấu thành cần thiết cho các dạng tiến bộ vật chất, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận thức được vấn đề cần thật nhiều lớp thanh niên Tây Tạng học hỏi trong lĩnh vực này. Ông thêm rằng mỗi khi ông trao đổi mọi vấn đề với tôi, ông đều muốn việc đó được thực hiện qua một người Tây Tạng. Cuối cùng ông xích lại gần và nói “Thái độ của bạn tốt, bạn biết đấy. Tôn giáo là thuốc độc. Trước hết nó làm giảm dân số, vì sư nam, sư nữ đều sống không gia đình. Thứ hai, tôn giáo bỏ qua mọi tiến bộ vật chất”. Ngay lúc đó đột nhiên tôi cảm thấy rất sợ hãi, cả khuôn mặt nóng rát lên. Tôi nghĩ “Vậy, cuối cùng ông là người đã hủy hoại Pháp (Dharma)”.

Lúc này trời đã khuya. Khi ông Mao nói những lời định mệnh đó, tôi ngả người về phía trước như định viết một điều gì, che khuất nửa khuôn mặt. Tôi hy vọng ông không biết được nỗi sợ hãi tôi cảm nhận: cảm giác này đã phá vỡ niềm tin về ông trong tôi. Thật may mắn, không hiểu vì sao Phuntsog lúc này lại không phiên dịch lại. Nếu Phuntsog phiên dịch, tôi chắc rằng ông sẽ phát hiện ra ý nghĩ của tôi, nhất là sau đó chúng tôi thường cùng nhau tranh luận.

Dẫu vậy, tôi không thể che đậy cảm xúc này lâu. Thật may, Mao kết thúc cuộc phỏng vấn sau đó vài phút. Tôi cảm thấy nhẹ hẳn người khi ông đứng dậy bắt tay tôi. Thật kỳ diệu, đôi mắt ông đầy sức sống, ông hoàn toàn tỉnh táo dù lúc đó quá muộn. Chúng tôi cùng đi ra ngoài, không gian ban đêm yên lặng. Xe đã đợi sẵn, ông mở cửa, đóng cửa cho tôi. Khi chiếc xe chuyển bánh, tôi ngoái người lại vẫy vẫy. Hình ảnh cuối cùng của ông trong tôi là Chủ tịch Mao đứng yên trong không gian lạnh lẽo, ông đứng đó, không mũ, không áo khoác, tay vẫy vẫy.

Nỗi lo sợ và sửng sốt nhường chỗ cho trạng thái rối loạn. Làm sao ông có thể đánh giá tôi sai lầm như vậy? Làm sao ông có thể nghĩ rằng tôi không ý thức được bản chất sự hiện hữu của tôi? Điều gì khiến ông nghĩ khác đi? Mọi hành động của tôi đều được ghi lại, điều này tôi biết: tôi ngủ bao nhiêu giờ, ăn bao nhiêu bát cơm, nói những gì ở các cuộc họp. Chắc chắn báo cáo hàng tuần về hành xử của tôi đều được gửi đi phân tích và đệ trình cho Mao. Như vậy rõ ràng ông không thể lầm lẫn rằng mỗi ngày tôi thiền và cầu nguyện tối thiểu bốn giờ đồng hồ, hơn nữa, trong thời gian ở Trung Quốc, tôi còn được các vị trợ giáo giảng dạy thêm nữa. Ông cũng phải biết rằng tôi đang học tập chuyên cần cho những đợt kiểm tra cuối cùng của tu viện, từ nay tới lúc đó không còn lâu nữa, nhiều lắm là sáu hoặc bảy năm. Tôi rất lúng túng.

Khả năng có thể giải thích được, là ông đã bị truyền tải sai lệch về những hứng thú của tôi đối với các lĩnh vực khoa học, tiến bộ vật chất. Đúng là tôi muốn hiện đại hóa Tây Tạng để bắt kịp với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, và cũng đúng với cách tư duy của tôi dựa trên cơ sở khoa học. Vậy có thể thế này, với sự kém hiểu biết về triết học Phật giáo, Mao bỏ qua lời hướng dẫn của Đức Phật, rằng mọi người thực hành Pháp, chính bản thân họ cần phải thử nghiệm về giá trị của Pháp. Vì lý do này tôi luôn luôn cởi mở với mọi phát hiện, mọi chân lý của khoa học. Có lẽ điều này là điều đã lừa gạt Mao vào lập luận rằng những thực hành tôn giáo đối với tôi chỉ là một biện pháp chống đối hoặc một sự thỏa hiệp. Dù bất kỳ lý do gì, giờ đây tôi biết ông hoàn toàn đánh giá sai về tôi.

Ngày hôm sau, tôi rời Bắc Kinh về Tây Tạng. Hành trình lúc này nhanh hơn năm ngoái do đường cao tốc Thanh Hải đã làm xong. Trên đường về, tôi có cơ hội dừng lại hai hoặc ba ngày tại các địa điểm khác nhau, gặp gỡ quần chúng, kể lại cho họ nghe những thực nghiệm tôi đã trải qua ở Trung Quốc, những gì tôi hy vọng trong tương lai. Dù đã xét lại quan điểm của mình về Mao, tôi vẫn cảm thấy ông là một nhà lãnh đạo vĩ đại, hơn nữa, là một con người trung thực. Ông không giả dối. Do vậy, tôi nhận thấy chừng nào những nhân viên của ông ở Tây Tạng còn theo sự chỉ đạo của ông, chừng đó ông còn kiểm soát chặt chẽ được họ, đấy chính là một lý do đúng đắn để lạc quan. Bên cạnh đó, như những gì tôi quan tâm, thì phương pháp tiếp cận tích cực là phương pháp hợp lý duy nhất để vận dụng. Bi quan không có ích gì mà chỉ làm hoàn cảnh đã bi đát lại còn tồi tệ hơn. Nhưng niềm lạc quan của tôi không được nhiều người trong phái đoàn chia sẻ. Rất ít người có được ấn tượng tốt về Trung Quốc, phần lớn họ lo rằng những phương pháp khắt khe của Cộng Sản sẽ dẫn tới sự đàn áp ở Tây Tạng. Họ còn hoang mang do câu chuyện đồn đại về một quan chức cao cấp trong chính quyền Trung Quốc, tên là Gan Kung. Người ta thì thầm rằng ông phê phán Lưu Thiếu Kỳ, vì thế ông đã bị giết bằng một phương pháp khủng khiếp.

Sau đó không lâu tôi bắt đầu có mối nghi ngờ riêng. Khi tới thăm Tashikiel ở tận miền đông Tây Tạng, tôi thấy có rất nhiều người đã có mặt ở đó. Hàng ngàn người tới đây để gặp tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ. Tôi vô cùng xúc động vì lòng sùng kính của họ. Tuy nhiên về sau này, tôi rất thất vọng khi nghe nói chính quyền Trung Quốc đã đánh lừa người dân, họ làm cho dân chúng tin rằng tôi đến đó chậm hơn một tuần lễ so với thực tế. Họ nói dối ngày tôi tới để ngăn cản việc người ta gặp tôi. Kết quả là hàng ngàn người tới đó sau khi tôi đã ra đi.

Còn một nguyên nhân không vui nữa là sự hoang tưởng của người Trung Quốc về an ninh cá nhân của tôi. Khi về thăm quê hương, họ yêu cầu tôi không được nhận đồ ăn của một ai ngoài người đầu bếp riêng. Có nghĩa là tôi không được nhận bất cứ đồ cúng dâng mà người dân tôi mang đến, dù rằng họ hàng tôi vẫn ở Taktser. Cứ như thể là một ai đó trong số những con người đơn giản, thành kính, khiêm tốn đó lại có ý định đầu độc vị Dalai Lama. Mẹ tôi rất buồn. Bà không biết nói thế nào với họ. Khi tôi nói chuyện với những người Tây Tạng ở đó, tôi hỏi họ về cuộc sống, họ trả lời rằng “Nhờ ơn Mao chủ tịch, nhờ ơn Đảng Cộng Sản và nhờ ơn nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, chúng tôi rất hạnh phúc” nhưng họ nói với những giọt lệ trong đôi mắt.

Trong suốt cuộc hành trình trở về Lhasa, tôi tiếp xúc với rất nhiều người. Khác với Trung Quốc, việc gặp gỡ ở đây không khó khăn. Hàng ngàn người tới, họ đem thân nhân đau ốm, già nua tới chỉ cần để nhìn thấy tôi. Cũng có rất nhiều người Trung Quốc trong đám đông đó. Điều này cho tôi cơ hội bày tỏ, rằng đối với họ, việc thấu hiểu cách suy nghĩ của người Tây Tạng là cần thiết. Để làm được như vậy, tôi mạo hiểm tìm xem ai là đảng viên, ai không phải là đảng viên. Kinh nghiệm đã dạy tôi, nhìn chung, những người đảng viên cũ rất thẳng thắn.

Thái độ của nhà cầm quyền Trung Quốc ở Tây Tạng đối với tôi rất thú vị. Có một lần, một nhân viên nói: “Người Trung Quốc không yêu mến Mao chủ tịch nhiều bằng người Tây Tạng yêu mến vị Dalai Lama”. Lần khác, một người lính gác với một thái độ rất hùng hổ, anh tiến lại gần xe tôi và yêu cầu được biết vị Dalai Lama đang ở đâu. Khi được trả lời “Ở đây”, anh bỏ mũ ra và xin được ban phúc. Lúc rời khỏi Chengdu, rất nhiều nhân viên Trung Quốc tháp tùng cuộc đi thăm rớt nước mắt nhìn tôi ra đi. Tôi cũng có một cảm giác ấm áp tương tự đối với họ: tuy khác nhau về quan điểm, song chúng tôi đã xây dựng được một mối quan hệ thân thiện mạnh mẽ.

Gặp lại người dân Tây Tạng sau nhiều tháng, điều này cho phép tôi nhìn lại một lần nữa điểm khác nhau giữa họ và người Trung Quốc. Đầu tiên, bằng vào sự so sánh các khuôn mặt, bạn có thể thấy người Tây Tạng hạnh phúc hơn. Tôi cảm thấy điều này do một số nhân tố văn hóa quyết định. Trước hết, mối quan hệ giữa chủ đất và nông nô ở Tây Tạng nhẹ nhàng hơn ở Trung Quốc, tình trạng người nghèo cũng khá hơn nhiều. Thứ hai, ở Tây Tạng không có những tục lệ gì giống như tục lệ dã man bó chân hay thiến, mà gần đây hầu như lan rộng khắp Trung Quốc. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng đó là những điều thiệt thòi trong cộng đồng Trung Quốc, những người nhìn vào chế độ phong kiến của chúng tôi như là một bản sao chép của chính họ.

Ngay khi gần tới Lhasa, tôi gặp Chu Ân Lai, ông vừa bay tới một nơi thuộc tỉnh Kham mới bị ảnh hưởng của động đất. Đây là một cuộc chạm trán lạ lùng, trong buổi gặp gỡ này, ông nói một số vấn đề tích cực về tôn giáo. Tôi ngạc nhiên tự hỏi lý do, vì điều này hoàn toàn không tiêu biểu cho cá tính của ông ta. Có lẽ ông phát biểu theo hướng dẫn của Mao, cố gắng hàn gắn những rạn nứt trong cuộc gặp gỡ cuối cùng của chúng tôi.

CHƯƠNG 6
NHỮNG HỐI TIẾC CỦA ÔNG NEHRU

Khi trở lại Lhasa vào tháng sáu 1955, như thường lệ, tôi được hàng ngàn người chào đón. Đợt vắng mặt dài ngày của tôi gây ra nhiều nỗi buồn phiền trong người dân Tây Tạng, bây giờ họ cảm thấy dễ chịu khi Dalai Lama trở lại với họ. Tôi cũng nhận thấy như vậy. Hiển nhiên, người Trung Quốc ở đây cư xử có ý tứ hơn là ở miền đông nam Tây Tạng. Trong chuyến trở về, cùng với những người bình thường, tôi còn tiếp nhiều đại biểu các thủ lĩnh địa phương, họ yêu cầu tôi đòi hỏi những người chủ mới thay đổi lại chính sách ở những vùng nông thôn. Họ thấy được người Trung Quốc đã trực tiếp đe dọa lối sống của người Tây Tạng, cho nên họ rất lo lắng.

Trong thành phố, mọi việc trở lại bình thường, trừ có một điều, đó là lần đầu tiên trong lịch sử, những chiếc ô tô, xe tải giờ đây mang lại sự ồn ào, gây ô nhiễm thành phố. Sự thiếu hụt lương thực đã giảm đi, mọi hành động thể hiện giận dữ đã nhường chỗ cho nỗi oán hận xen lẫn với những chống đối tiêu cực. Việc tôi trở về còn là sự hồi sinh của không khí lạc quan. Về phần tôi, tôi cảm thấy vai trò của mình đối với nhà cầm quyền Trung Quốc ở địa phương chắc phải được nâng cao do thái độ công khai tỏ niềm tin của Mao, và tôi vẫn duy trì niềm lạc quan về tương lai một cách thận trọng.

Dù sao tôi cũng ý thức được ở bên ngoài Tây Tạng, thế giới quay lưng lại với chúng tôi. Tệ hơn nữa, Ấn Độ, người láng giềng gần nhất, người cố vấn tâm linh giàu kinh nghiệm nhất của chúng tôi, họ đã ngầm công nhận những khẳng định của Bắc Kinh về Tây Tạng. Tháng tư năm 1954, Nehru ký một hiệp ước Trung- Ấn mới, gồm một Bị Vong Lục được biết là Panch Sheel, trong Bị Vong Lục này họ nhất trí là Ấn Độ và Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau dù trong hoàn cảnh nào. Căn cứ vào hiệp ước này, Tây Tạng là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Mùa hè năm 1955, chắc chắn là thời gian đẹp đẽ nhất mà chúng tôi trải qua trong thập kỷ tồn tại không mấy dễ chịu giữa nhà cầm quyền Trung Quốc và những người quản lý đất nước Tây Tạng. Nhưng mùa hè Tây Tạng là một mùa hè ngắn ngủi, kéo dài không được bao nhiêu tuần lễ trước khi những tin tức rắc rối về các hoạt động của nhà cầm quyền Trung Quốc ở tỉnh Kham và Amdo đến tai tôi. Không để người dân yên, họ bắt đầu đơn phương tiến hành các hình thức “cải cách”. Những sắc thuế mới áp đặt vào nhà cửa, đất đai, gia súc, và “miệng nói tay còn đấm thêm”, tài sản trong tu viện cũng bị áp thuế. Các khu chung cư rộng lớn bị tịch thu, đất đai do cán bộ khung người Trung Quốc phân chia lại theo quan niệm chính trị của riêng họ, chủ đất bị công khai đấu tố, trừng phạt với tội danh “chống lại nhân dân”. Tôi kinh hoàng thấy một số còn bị xử tử. Đồng thời, chính quyền Trung Quốc bắt đầu cho tập trung lại hàng ngàn nông dân du cư, những con người sống lang thang trên những miền đất phì nhiêu. Đối với ông chủ mới của chúng tôi, cuộc sống du cư là một cuộc sống đáng ghét, có dáng dấp dã man (thực ra, mantze, một từ Trung Quốc mô tả Tây Tạng, nghĩa đen là dã man, man di mọi rợ).

Điều rắc rối nhất là những tin tức nói rằng công việc của các tu viện bị xâm phạm nghiêm trọng, dân cư địa phương bị truyền bá tư tưởng chống đối tôn giáo. Các vị sư nam nữ bị quấy nhiễu, làm nhục trước đám đông. Ví dụ, họ bắt buộc các sư phải tham gia chương trình hủy diệt sâu bọ, chuột, chim và các loại sinh vật khác, dù nhà cầm quyền Trung Quốc biết rằng việc lấy đi mạng sống của sinh linh đi ngược với giáo lý của Phật. Nếu từ chối, họ bị đánh đập. Trong lúc đó, người Trung Quốc ở Lhasa vẫn tiến hành như không có vấn đề gì không thích hợp cả. Vì nhà cầm quyền Trung Quốc không tham gia vào những vấn đề tôn giáo ở thủ đô, rõ ràng họ hy vọng tôi bị ru ngủ với một cảm giác bình an sai lầm, trong khi họ làm những gì họ muốn ở khắp các nơi.

Tới cuối năm1955, những chuẩn bị được tiến hành cho lễ khai mạc Uỷ Ban Trù Bị của Khu Tự Trị Tây Tạng (PCART), đây là biện pháp sửa đổi của Mao thay vì điều hành Tây Tạng bằng Uỷ Ban Quân Quản. Nhưng từ mùa thu tới mùa đông, tin tức từ phía đông trở nên tồi tệ. Người Khampa không quen với những hành động can thiệp từ phía bên ngoài, họ không chấp nhận đường lối của Trung Quốc: trong tất cả mọi thứ sở hữu, thứ họ coi trọng nhất là khí giới cá nhân. Khi cán bộ tới tịch thu vũ khí, họ phản ứng lại quyết liệt. Suốt các tháng mùa đông, hoàn cảnh xấu đi rất nhanh. Trong tình trạng này, những người tránh sự đàn áp của chính quyền Trung Quốc bắt đầu chuyển tới Lhasa, mang theo nhiều câu chuyện về sự tàn bạo, hèn hạ của chính quyền mới. Nhà cầm quyền Trung Quốc xử lý với hành động phản kháng của Khampa một cách độc ác: không những việc đánh đập, xử tử được thi hành trước công chúng, mà những hành động đó còn do chính con cái của nạn nhân thực hiện. Hành động đấu tố công khai được hướng dẫn. Đây là một phương pháp ưa chuộng đặc biệt của Cộng sản Trung Quốc. Kẻ “phạm tội” bị trói chặt bằng dây thừng theo một phương pháp làm cho hai vai bị trật khớp. Rồi khi người đó hoàn toàn tuyệt vọng, kêu gào đau đớn, những người tới xem gồm cả đàn bà và trẻ con, tất cả được khích động để đánh cho kẻ phạm tội bị thương thêm. Hình như là người Trung Quốc cảm thấy đó là tất cả những điều cần làm khiến người dân phải thay đổi ý nghĩ, và việc đó sẽ hỗ trợ thêm cho quá trình cải tạo tư tưởng chính trị.

Đầu năm 1956, trong dịp lễ Losar, tôi có một cuộc tiếp xúc với tiên tri Nechung, người tuyên bố rằng “Ánh sáng của Viên Ngọc Ước (một trong những tên gọi của Dalai Lama ở Tây Tạng), sẽ rực sáng ở phía Tây”. Tôi cho đó là một dấu hiệu báo rằng tôi phải đi Ấn Độ trong năm nay, dù rằng giờ đây tôi đã hiểu: lời tiên tri này còn có một ẩn ý sâu hơn.

Một mối quan tâm khẩn thiết nữa là rất nhiều người tỵ nạn gần đây đổ tới Lhasa. Thành phố sôi sục. Lần đầu tiên có một màu sắc chính trị công khai trong cảnh hội hè đình đám năm mới. Những quảng cáo lên án chính quyền Trung Quốc dán khắp thủ đô, các truyền đơn rải mọi nơi. Tây Tạng trước đây chưa bao giờ chứng kiến những sự kiện như thế này. Lẽ tự nhiên, chính quyền Trung Quốc nổi giận. Lập tức họ bắt giữ ba người, họ nói rằng những người này chịu trách nhiệm về tội xúi giục chống lại chính quyền dân chủ. Nhưng điều này không hề giảm bớt phản ứng của dân chúng đối với luật lệ của họ.

Trong thời gian lễ hội Monlam, những thương gia có thế lực ở Amdowa và Khampa quyên góp tiền cho nghi lễ Se-tri Chenmo được thực hiện vào cuối năm. Nghi lễ này có liên quan tới một thủ tục cúng dâng cho các thần linh bảo hộ đất nước Tây Tạng, cầu xin các ngài ban cho vị Dalai Lama trường thọ và thành đạt. Sự quyên góp của họ thành công tốt đẹp, được đánh dấu bằng một cái ngai bằng vàng to lớn nạm đá quý cúng dâng cho tôi. Tuy nhiên, sau này tôi phát hiện ra hành động này còn có một khía cạnh khác. Nó đánh dấu sự hình thành một tổ chức liên minh gọi là Chushi Gangdruk, có nghĩa là “bốn con sông, sáu vùng đồng cỏ”, tên cổ truyền gọi chung cho hai tỉnh Kham và Amdo. Tổ chức này sau đó điều phối một hoạt động chống đối rộng rãi của du kích quân.

Sau lễ hội Monlam, những bước chuẩn bị cho lễ ra mắt PCART (khu tự trị Tây Tạng) mà tôi là chủ tịch, được chuẩn bị mau chóng. Trong vòng vài tháng, người Trung Quốc xây ba tòa nhà công cộng lớn bằng nhân lực Tây Tạng: một nhà nghỉ cho quan khách Trung Quốc tới thăm, một nhà tắm, một đại sảnh làm việc. Nhà đại sảnh là một tòa nhà kiến trúc hiện đại hai tầng, mái bằng tôn múi, đủ chỗ ngồi cho một ngàn hai trăm người trước một cái bục cao và ba trăm chỗ ở một căn phòng trưng bày lớn phía trên. Tòa nhà này dựng lên ngay trước cung điện Potala.

Tháng tư năm 1956, nguyên soái Chen Yi, phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao, cùng với vợ và cả một phái đoàn đông đảo đại diện cho chủ tịch Mao tới. Tôi nhớ lại Chen Yi từ lần tới Trung Quốc. Cá nhân ông là một con người đáng mến, tuy rằng tiếng tăm về tài diễn thuyết của ông thật kinh khủng. Có lần ông nói suốt bảy tiếng đồng hồ liền. Ở Lhasa, nguyên soái đeo một chiếc cà vạt, ông rất tự hào về chiếc cà vạt dù rằng hình như ông không biết cách đeo nó. Chiếc sơ mi chỉ chứa nổi cái bụng phệ. Tuy vậy, những thứ này không gây phiền hà gì: ông vui vẻ, thích sang trọng và rất tự tin. Sự có mặt của ông ở Lhasa báo hiệu một thể hiện ấn tượng. Chính quyền Trung Quốc bày ra những trò tiêu khiển lãng phí với nhiều bữa đại tiệc, nhiều cuộc nói chuyện để tỏ lòng trân trọng ông. Khi PCART chính thức ra mắt tại cuộc họp ở tòa đại sảnh mới, nơi này được trang trí bằng rất nhiều cờ, biểu ngữ, ảnh Chủ tịch Mao và các đồng chí lãnh đạo tối cao. Đoàn quân nhạc cử hành, những bài hát cộng sản được hát lên, tất cả đều mang không khí rất lễ hội. Nguyên soái Chen Yi đọc một bài diễn văn (tương đối ngắn), trong diễn văn ông tuyên bố “những cuộc cải cách cần thiết” sẽ được hướng dẫn để “giải thoát Tây Tạng khỏi tình trạng lạc hậu”, bài diễn văn giải thích sự cần thiết đưa người dân Tây Tạng lên tới mức sống của nhân dân Trung Quốc tiến bộ. Tiếp đó là bài diễn văn nịnh bợ bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Tây Tạng, tất cả đều cầu chúc cho Chủ nghĩa Xã hội và Đảng, hoan nghênh sự có mặt của người Trung Quốc ở Tây Tạng. Cả tôi cũng phải đọc diễn văn, trong bài diễn văn tôi nhấn mạnh là tôi tin chắc người Trung Quốc sẽ vinh dự trong trách nhiệm hướng dẫn chương trình cải cách với tốc độ nhân dân mong muốn, và được phép tự do tín ngưỡng.

Hiến pháp của PCART đưa ra việc thành lập các Bộ để quản lý những mảng như tài chính, giáo dục, nông nghiệp, thông tin, y tế, tôn giáo và an ninh. Những Bộ này phần lớn do người Tây Tạng điều hành. Công việc quản lý ở Chamdo cũng được trao lại cho Lhasa. Tất cả các tổ chức này nằm trong cái gọi là Khu Tự Trị Tây Tạng. Tuy nhiên, phần còn lại của tỉnh Kham và toàn bộ tỉnh Amdo vẫn nằm dưới quyền kiểm soát trực tiếp của Bắc Kinh. Uỷ Ban Điều Hành gồm năm mươi mốt đại biểu địa phương. Chỉ có năm người là người Trung Quốc. Cũng thời gian đó Kashag và Quốc hội vẫn tồn tại, dù rõ ràng người Trung Quốc có ý định gạt hai đơn vị này ra, cuối cùng những gì họ thực hiện khác xa với đường lối chính quyền truyền thống.

Trong khi trên văn bản, PCART hứa hẹn đánh dấu một tiến bộ quan trọng cho khu tự trị, thực tế lại hoàn toàn khác. Khi Chen Yi tuyên bố những vị bổ nhiệm, hóa ra trong năm mươi mốt vị đại biểu này (không một ai được bầu cả), một số người thú nhận địa vị của họ có được là do người Trung Quốc: họ được phép nắm giữ quyền lực và tài sản chừng nào họ không lên tiếng chống đối. Nói một cách khác, tất cả chỉ là một sự giả dối.

Tuy nhiên có một vài trường hợp đáng ngạc nhiên. Một trong những trường hợp đó là việc bổ nhiệm Lobsang Samten vào thành viên của Bộ An ninh mới thành lập. Là một người tốt bụng và đáng kính, không ai có thể phù hợp với công việc này hơn anh. Tôi sẽ không bao giờ quên cái nhìn trên khuôn mặt anh sau khi từ cuộc họp với các đồng nhiệm người Trung Quốc trở về. Tất cả mọi việc đều diễn ra tốt đẹp cho tới khi một người quay sang Lobsang Samten (anh nói được chút ít tiếng Trung Quốc) và hỏi anh: tiếng Tây Tạng “giết nó đi” nói như thế nào. Trước lúc đó, anh tôi vẫn nghĩ người nhân viên đó khá dễ thương và thẳng thắn, nhưng câu hỏi đó làm anh chết lặng. Ý tưởng giết chóc, ngay cả giết chóc sâu bọ, cũng hoàn toàn khác lạ với tư duy của anh khiến anh không nói được một lời nào. Chiều hôm đó khi trở về Norbulingka, khuôn mặt anh hết sức bối rối. “Tôi phải làm gì đây?” Anh hỏi. Câu chuyện này là một minh họa cho sự khác nhau giữa thái độ cư xử của người Trung Quốc và người Tây Tạng. Với một dân tộc, việc giết người là một sự kiện của cuộc sống, còn đối với dân tộc kia, đó là điều không thể tưởng tượng được.

Ngay sau lễ công bố Khu Tự Trị Tây Tạng, tôi có nghe nói nhà cầm quyền Trung Quốc ở tỉnh Kham cố gắng nắm giữ tất cả những vị trí lãnh đạo ở địa phương. Họ thực hiện việc này bằng cách tập hợp mọi người lại, yêu cầu những người đó bỏ phiếu theo hướng chỉ đạo của những “cải cách dân chủ”, cụ thể là bỏ phiếu cho dự kiến thiết lập hàng ngàn hợp tác xã nông nghiệp, gồm trên 100,000 hộ dân trong khu, bao gồm Gar-chu và Karze. Trong 350 người được tập hợp, có chừng hai trăm người đồng ý tiến hành cải cách khi nào tôi và nội các của tôi đồng ý cho phép. Bốn mươi người nói họ sẵn sàng chấp nhận ngay lập tức, số còn lại nói họ không cần cái gọi là “cải cách”. Sau cùng, tất cả được phép ra về.

Một tháng sau, những người có ý kiến bất đồng một lần nữa lại được triệu tập, địa điểm họp lần này tại một pháo đài tên là Jomdha Dzong, nằm phía đông bắc Chamdo. Khi mọi người đã vào bên trong, lập tức pháo đài bị 5000 lính Giải Phóng Quân vây kín, những người này được biết họ sẽ bị giữ tới khi nào chấp nhận cải cách và hứa tạo cơ hội thực hiện cải cách. Sau hai tuần lễ bị cầm tù, người Khampa chịu nhượng bộ. Dường như không còn cách nào khác. Tuy nhiên, đêm đó số người gác pháo đài giảm đi. Nắm được cơ hội, toàn bộ những người bị giam giữ trốn ra và chạy lên đồi. Ngay lập tức, người Trung Quốc đã tạo ra một số nhân tố sống ngoài vòng pháp luật, trong nhiều năm về sau, những nhân tố này sẽ gây ra cho họ rất nhiều phiền toái.

Sự kiện ở Jomdha Dzong xảy ra cùng thời gian tôi nhận được bản sao của một tờ báo do nhà cầm quyền Trung Quốc phát hành tại Karze thuộc tỉnh Kham. Trong nỗi hoài nghi, tôi thấy tờ báo có bức ảnh chụp một dãy nhiều chiếc đầu người. Đầu đề bài báo nói hàm ý những chiếc thủ cấp đó là thủ cấp của bọn “phản động”. Đây là một bằng chứng mạnh mẽ về sự hung bạo của người Trung Quốc mà tôi được thấy. Từ đó trở đi, tôi biết rằng những điều ghê gớm tôi được nghe về cách cư xử của ông chủ mới đều là sự thật. Về phần người Trung Quốc, do thấy được tác động tiêu cực của tờ báo đó đối với người dân, họ cố gắng thu hồi, kể cả mua lại.

Với những thông tin mới này, kết hợp với nhận thức được thực chất về Khu Tự Trị Tây Tạng chỉ là tzuma (lời nói khoác), tôi bắt đầu tự hỏi trong tương lai liệu còn cơ hội nào nữa không. Lời tiên tri người tiền nhiệm của tôi bắt đầu được chứng minh chính xác. Tôi rất đau khổ. Tuy nhiên, nhìn bề ngoài, cuộc sống của tôi vẫn bình thường. Tôi vẫn cầu nguyện, thiền và chuyên cần học tập dưới sự hướng dẫn của các trợ giáo. Tôi vẫn giữ một vai trò trong các lễ hội tôn giáo và các nghi lễ khác, lúc thì học tập, lúc thì giảng dạy giáo lý. Thỉnh thoảng, tôi sử dụng quyền hạn của mình rời khỏi Lhasa tới thăm các tu viện. Một trong những chuyến đi đó là chuyến đi tới tu viện Reting, tu viện của vị cựu nhiếp chính, tu viện này cách Lhasa chừng vài ngày đường về phía bắc. Ngay trước lúc đi, tôi nhận được thư của một nhân vật quan trọng người Tây Tạng đã di tản. Hoàn cảnh Lhasa trở nên nghiêm trọng đến nỗi tôi bắt đầu hoài nghi, nên thay vì mở ra đọc, tôi giữ lại bức thư đó, ban đêm cất cẩn thận ngay dưới gối cho tới tận sau khi đi Reting.

Thật thoải mái khi rời xa thành phố, xa cách những thời khắc điên cuồng cố gắng làm việc cùng với nhà cầm quyền Trung Quốc, cố gắng hạn chế những tổn thất do họ gây ra. Như trước đây, tôi đi lại hết sức đơn giản, cố không để lộ tung tích. Bằng cách đó, tôi có thể gặp gỡ dân chúng địa phương, nghe những gì họ muốn nói. Có lần, khi còn cách Reting không xa, tôi bị lôi cuốn vào một cuộc trò chuyện với một người chăn nuôi gia súc. Người này hỏi: “Ông là ai?” Người chăn nuôi gia súc là một người đàn ông cao lớn, cứng cáp với mớ tóc dài, bờm xờm như lông bò Tây Tạng. Tôi trả lời: “Tôi là một người phục vụ cho Đức Dalai Lama”. Chúng tôi nói về cuộc đời của người đó ở nông thôn, nói tới niềm hy vọng, nỗi lo âu trong tương lai. Anh này biết rất ít về người Trung Quốc, chưa hề tới Lhasa bao giờ. Anh quá bận rộn với cuộc sống đời thường, với mảnh đất cằn cỗi bạc màu, không còn thời gian để lo lắng về những gì xảy ra ở thành phố và ở những nơi khác.

Dù cuộc sống anh vô cùng đơn giản, tôi rất sung sướng thấy rằng anh có một niềm tin sâu sắc vào tôn giáo. Phật, Pháp đã lan rộng tới ngay cả vùng xa xôi hẻo lánh này. Anh sống một cuộc đời của những người nông dân, hòa hợp với tự nhiên và môi trường, nhưng vẫn có quan tâm đôi chút tới thế giới phía sau tầm nhận thức trước mắt của anh. Tôi hỏi anh về những thực nghiệm của anh đối với nhân viên chính quyền địa phương. Anh nói phần lớn họ rất công minh, dù rằng một vài người nhiễu sự. Tôi thích cuộc nói chuyện này, cuộc nói chuyện mang lại cho tôi nhiều hiểu biết. Quan trọng hơn, tôi thấy rằng dù cho cuộc sống của người chăn nuôi gia súc đó hoàn toàn thiếu đi một nền giáo dục, anh vẫn bằng lòng với cuộc sống; dù anh không có một chút tiện nghi nào, anh vẫn an tâm với sự hiểu biết rằng cuộc đời của anh cũng như cuộc đời của vô vàn thế hệ tổ tiên anh ta, và chắc chắn nó cũng sẽ giống như cuộc đời của con cháu anh. Ngay lúc đó, tôi nhận thấy rằng thứ quan điểm về thế giới như vậy giờ đây không còn thích hợp nữa, Tây Tạng không thể tồn tại với lối sống hòa bình cách ly như đã từng lựa chọn, dù cho kết quả của Cộng sản Trung Quốc đối với Tây Tạng có như thế nào đi chăng nữa. Khi chia tay, chúng tôi chia tay với phong cách của những người bạn tốt nhất.

Nhưng câu chuyện hãy còn tiếp diễn. Nó xảy ra đúng vào ngày hôm sau. Hôm đó tôi được mời tới nói chuyện với dân làng bên cạnh nằm trên lộ trình và chúc phúc cho họ. Một chiếc ngai tạm thời được đặt lên và hàng trăm con người tập hợp lại. Đầu tiên mọi việc tiến hành trôi chảy, nhưng rồi nhìn xung quanh, tôi bỗng thấy người bạn ngày hôm trước đứng trong đám đông với một cái nhìn bối rối khốn khổ trên khuôn mặt. Anh không thể tin nổi vào mắt mình. Tôi cười với anh ta, nhưng anh nhìn lại một cách lãnh cảm. Tôi vô cùng ân hận vì đã lừa dối anh ta.

Khi tới tu viện Reting, khấu đầu trước pho tượng tôn nghiêm nhất, tôi nhớ lại tự nhiên tôi vô cùng xúc động mà không vì một lý do cá biệt nào. Tôi cảm nhận được một cảm xúc mãnh liệt là chắc chắn mình đã có một mối quan hệ xa xưa với nơi này. Từ đó trở đi, tôi thường nghĩ tới việc xây một nơi ẩn tu ở Reting và dành phần cuối đời mình ở đó.

Vào mùa hè năm 1956, một sự kiện xảy ra khiến tôi thêm buồn bã hơn bao giờ hết. Nhóm Liên minh các chiến sĩ Khampa/Amdowa chiến đấu cho tự do bắt đầu có những thắng lợi đáng kể. Vào tháng 5, tháng 6, nhiều khu vực đường giao thông quân sự của Trung Quốc bị phá hủy cùng với nhiều chiếc cầu lớn. Giải Phóng Quân tăng cường thêm 40,000 lính. Đó chính là điều tôi lo ngại. Liên minh chống đối dù có đạt được thắng lợi như thế nào chăng nữa, cuối cùng chính quyền Trung Quốc sẽ khắc phục được vấn đề, hoàn toàn bằng vào sức mạnh của số lượng và hỏa lực trội hơn. Nhưng tôi không thể đoán trước được khu vực đánh bom lại là các tu viện ở Lithang thuộc tỉnh Kham. Khi nghe thấy tin này, tôi đã khóc. Tôi không thể tin được con người lại có thể đối xử với nhau tàn ác như vậy.

Sau trận dội bom là những cuộc tra tấn vô nhân đạo, hành hình đàn bà, trẻ con mà cha hoặc chồng những người này đã tham gia vào các hoạt động chống đối, và không thể tưởng tượng được, còn có cả những hành vi ngược đãi các nhà sư nam, nữ một cách kinh tởm. Sau khi bị bắt, những con người tu hành thuần túy này, từng người một bị công khai ép buộc vi phạm lời thề không lập gia đình của họ, và còn bị ép buộc giết người. Tôi không biết nên như thế nào, nhưng chắc chắn phải làm một cái gì đó. Lập tức tôi yêu cầu tổ chức một cuộc họp với tướng Chiang Kuo-ha, thông báo cho ông hay rằng cá nhân tôi sẽ viết thư cho chủ tịch Mao. Tôi hỏi ông: “Làm sao người dân Tây Tạng có thể tin được chính quyền Trung Quốc, nếu đây chính là cách cư xử của họ?” Tôi nói thẳng với ông rằng họ làm như vậy là sai lầm. Nhưng điều này mới chỉ bắt đầu cho một cuộc tranh cãi. Sự phê phán của tôi là một xúc phạm tới Đất Mẹ, song phê phán đó chỉ nhằm mục đích bảo vệ và ủng hộ dân tộc tôi. Tuớng Chiang Kuo-ha trả lời: “Nếu một số những người dân của chúng tôi không muốn cải cách, mà cải cách sẽ có lợi cho đa số vì cải cách ngăn chặn sự bóc lộ của họ, những người này sẽ phải bị trừng phạt”. Lập luận của ông ta là một sự điên rồ. Tôi nói với ông rằng điều này không thể biện hộ cho việc tra tấn những con người vô tội, lại càng không thể biện họ cho hành vi từ trên không ném bom vào những người đó.

Tất nhiên đây là một thực hành vô dụng. Viên tướng vẫn giữ vững quan điểm của ông ta. Hy vọng duy nhất của tôi là Chủ tịch Mao sẽ thấy được thuộc cấp của ông không tuân lệnh Chủ tịch.

Tôi gửi đi ngay một bức thư. Không có hồi âm. Tôi gửi tiếp một bức nữa, cũng qua đường lối chính thức. Đồng thời, tôi thuyết phục Phuntsog Wangyal gửi riêng một bức thư thứ ba cho Mao. Nhưng cũng không có phúc đáp. Mấy tuần lễ trôi qua, không nhận được hồi âm từ Bắc Kinh, lần đầu tiên tôi bắt đầu nghi ngờ những dự định của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Điều này làm chấn động tôi. Sau cuộc viếng thăm Trung Quốc, mặc dù nhận được nhiều ấn tượng tiêu cực, thái độ của tôi đối với người Cộng sản về cơ bản vẫn tốt đẹp. Song giờ đây, tôi bắt đầu thấy những lời nói của Chủ tịch Mao giống như chiếc cầu vồng: đẹp, nhưng không có thực chất.

Phuntsog Wangyal tới Lhasa trong thời điểm lễ công bố Khu Tự Trị Tây Tạng. Tôi vui mừng khi gặp lại ông. Ông vẫn trung thành với chủ nghĩa Cộng sản. Sau những lễ hội tháng tư, ông tháp tùng một số cán bộ quan trọng người Trung Quốc đi thăm vài nơi hẻo lánh. Khi trở về, ông kể cho tôi nghe một câu chuyện thú vị. Một cán bộ cao cấp hỏi một người nông dân của một cộng đồng trang trại hẻo lánh, để xem anh ta nghĩ gì về chế độ mới. Người nông dân đó trả lời rằng anh ta khá là thoải mái, trừ một thứ, đó là loại thuế mới. Người cán bộ cao cấp hỏi “Thuế mới gì?” - “Thuế vỗ tay. Mỗi khi người Trung Quốc tới, chúng tôi được gọi ra để vỗ tay”.

Tôi cảm thấy chừng nào Phuntsog Wangyal còn duy trì niềm tin vào Chủ tịch Mao, Tây Tạng vẫn còn cơ hội. Vì thế, sau khi ông đi Bắc Kinh một lần nữa, tôi đệ trình một văn bản cho tướng Chiang Chin-wu, yêu cầu được đưa Phuntsog Wangyal vào chức vụ Bí thư Đảng ở Tây Tạng. Đầu tiên, ý tưởng về nguyên lý được chấp thuận, nhưng có một khoảng cách rất dài trước khi tôi được nghe thêm một số tin tức.

Cuối năm 1957, một viên chức Trung Quốc thông báo cho tôi hay rằng Phuntsog Wangyal không trở về Tây Tạng nữa vì ông ta là một con người nguy hiểm. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe thấy tin này, vì tôi biết Chủ tịch Mao đánh giá ông rất cao. Viên chức này giải thích rằng có nhiều lý do khác nhau, lý do thứ nhất và cũng là lý do quan trọng nhất, là hồi ở tỉnh Kham, trước khi về Lhasa, Phuntsog Wangyal đã tổ chức một Đảng Cộng Sản Tây Tạng riêng, không có đảng viên quốc tịch Trung Quốc. Với tội danh này, ông bị giáng chức, bị giữ lại không được trở về Tây Tạng. Tôi rất buồn khi biết tin này, và còn buồn hơn khi tôi được biết năm sau đó ông bạn cũ của tôi bị cách chức và tạm giam. Cuối cùng ông phải vào tù, ông ở trong tù tới tận năm 1970, chính thức bị quy cho là người “không có chính kiến” (non-person). Tất cả là thế đó, dù rằng ông là người trung thành, sùng bái chủ nghĩa Cộng sản như mọi người đều thấy. Điểm này khiến tôi nhận thức được rằng bộ phận lãnh đạo Trung Quốc không phải theo tư tưởng Mác xít, phụng sự tất cả cho một thế giới tốt hơn, họ là những người theo chủ nghĩa quốc gia ở mức độ cao. Thực ra đó là những người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi (Chinese chauvinists), tự cho mình là Cộng sản: một nhóm cuồng tín tư duy hẹp hòi.

Phuntsog Wangyal bây giờ vẫn còn sống, tuy đã quá già. Tôi rất muốn gặp lại ông một lần trước khi ông chết. Tôi vẫn ngưỡng mộ ông, một người cộng sản Tây Tạng lão thành, giàu kinh nghiệm. Nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay tự hào về điều đó và tôi vẫn có hy vọng chúng tôi sẽ gặp lại nhau.

Một vị khách được nhiệt liệt chào đón ở Lhasa vào mùa xuân1956, đó là thái tử Maharaj Kumar ở Sikkim, một quốc gia bé nhỏ nằm dọc theo biên giới Tây Tạng - Ấn Độ, cách Dromo không xa lắm. Ông là một con người rất thú vị: cao, lặng lẽ, nhẹ nhàng, điềm tĩnh, với đôi tai khá lớn. Ông mang theo những tin tức tuyệt vời dưới hình thức một lá thư của hội Maha Bodhi mà ông là chủ tịch. Đại diện cho Phật tử các châu lục, tổ chức này mời tôi dự ngày lễ kỷ niệm sinh nhật Đức Phật Jyanti lần thứ 2500.

Tôi vô cùng phấn khởi. Đối với người Tây Tạng chúng tôi, Ấn Độ là Aryabhumi, miền đất thiêng liêng. Suốt cuộc đời, tôi khát khao hành hương tới Ấn Độ: đây chính là nơi tôi muốn tới thăm nhất. Hơn nữa, một cuộc hành trình tới Ấn Độ có thể cho tôi cơ hội nói chuyện với Pandit Nehru và những người kế thừa của ngài Mahatma Gandhi. Tôi muốn mạo hiểm tiếp xúc với chính quyền Ấn Độ chỉ để tham quan cách thức hoạt động của một chế độ dân chủ. Tất nhiên, có thể người Trung Quốc không để tôi đi, nhưng tôi vẫn phải cố gắng. Do vậy tôi mang lá thư tới gặp tướng Fan Ming.

Thật không may, tướng Fan Ming có nhiều điểm không nhất trí với chính quyền Trung Quốc ở địa phương. Ông đón tiếp tôi khá lễ độ. Nhưng khi tôi giải thích lý do việc tôi được triệu tập, ông bắt đầu lảng tránh. Ông không cho rằng đây có vẻ là một ý kiến tốt. Có rất nhiều quân phản động ở Ấn Độ, đó là một nơi nguy hiểm. Hơn nữa, Uỷ Ban Trù Bị rất bận, ông e rằng tôi không có lúc nào rỗi. Ông nói: “Mặt khác, đây chỉ là thư mời của một tổ chức tôn giáo, không phải là thư của chính phủ Ấn Độ. Vậy ông đừng lo, ông không cần phải nhận lời”. Tôi thật tuyệt vọng. Hiển nhiên nhà cầm quyền Trung Quốc cố ý ngăn cấm tôi ngay cả việc thi hành nhiệm vụ tôn giáo.

Một khoảng thời gian nhiều tháng trôi qua, không có gì nói nhiều về lễ kỷ niệm Đức Phật Jyanti. Rồi vào quãng giữa tháng mười, Tướng Fan Ming gặp tôi, ông hỏi tôi muốn tiến cử ai là người lãnh đạo phái đoàn: người Ấn Độ muốn biết. Tôi đề xuất Trijang Rinpoché, vị phó trợ giáo của tôi, thêm vào đó rằng phái đoàn đã sẵn sàng đi khi ông quyết định. Hai tuần lễ qua đi và dần dần tôi gạt bỏ tất cả chuyện đó ra ngoài ý nghĩ. Đột nhiên Chiang chin-wu vừa từ Bắc Kinh tới, ông cho tôi biết rằng chính phủ Trung Quốc cuối cùng quyết định để tôi đi. Tôi sướng quá đến nỗi không thể tin vào tai mình nữa. “Nhưng phải cẩn thận” Ông cảnh cáo “Có rất nhiều tên phản động và gián điệp ở Ấn Độ. Nếu ông định cố gắng làm một cái gì đó với chúng, tôi muốn ông nhận thức được những gì đã xảy ra với Hung-ga-ry và Ba Lan. Điều này sẽ xảy ra ở Tây Tạng” (Ông này muốn nói tới những hành vi tàn bạo của Liên Xô đối với các cuộc nổi loạn ở các quốc gia đó). Khi ông nói xong, tôi nhận thấy mình cần che giấu niềm vui, thay vào đó phải cố gắng tỏ ra rất hoảng hốt. Tôi bày tỏ rằng tôi thành thật ngạc nhiên, lo lắng tới thông tin của ông về những tên đế quốc, phản động. Điều này khiến Chiang yên tâm, ông nói với một giọng hòa hoãn “Đừng có quá lo lắng, nếu ông gặp vấn đề gì khó khăn, sứ quán của chúng tôi ở đó sẽ giúp ông”. Cuộc họp kết thúc. Viên tướng đứng dậy cáo từ tôi theo phong cách truyền thống. Khi ông vừa đi khỏi, tôi cười như miệng kéo dài tới tận mang tai và vội vàng kể cho những người phục vụ tin mới này.

Vài ngày trước khi xuất phát, tôi được nghe một câu chuyện rất thú vị về sự thay đổi bất chợt của chính quyền Trung Quốc. Lãnh sự quán Ấn Độ ở Lhasa hỏi các nhân viên của tôi xem tôi có khả năng đi Ấn Độ dự lễ hay không. Được câu trả lời không mấy trông đợi, người Ấn Độ gửi thông điệp mang câu trả lời này cho chính quyền của họ, kết quả là ông Nehru nhân danh tôi can thiệp với tư cách cá nhân. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn không muốn để tôi đi. Cho tới khi tướng Chiang trở lại Lhasa và phát hiện rằng Lãnh sự Ấn Độ đã nói với một số người về tuyên bố của ông Nehru như vậy, với mối nguy cơ tổn thương tới quan hệ Trung - Ấn, người Trung Quốc bắt buộc phải thay đổi ý định.

Cuối cùng tôi rời Lhasa vào cuối tháng mười một năm 1956, hoàn toàn vui sướng vì được đi lại tự do mà không bị người Trung Quốc liên tục giám sát. Đoàn tôi không đông lắm, giờ đây nhờ những con đường quân sự chạy suốt từ bắc tới nam, đông sang tây, nối liền Tây Tạng với Trung Quốc, nên chúng tôi có thể đi thẳng tới Sikkim bằng xe hơi. Tại Shigatse, chúng tôi dừng lại đón Panchen Lama, đi tiếp tới Chumbithang, khu vực cư dân cuối cùng trước đèo Nathu ngay biên giới. Ở đây chúng tôi chuyển xe sang ngựa và tôi chào tạm biệt tướng Tin Ming-yi, người tháp tùng chúng tôi từ Lhasa. Ông thực sự có vẻ luyến tiếc để tôi đi. Tôi cho là ông đã bị thuyết phục rằng ra khỏi ngôi đền Cộng sản, cuộc sống của tôi sẽ bị đe dọa bởi bọn đế quốc nước ngoài, bọn gián điệp, những kẻ phục thù và tất cả những yêu ma quỷ quái. Ông cho tôi một cảnh báo khác theo kiểu của tướng Chiang, nhắc nhở tôi phải hết sức cẩn thận, ông thêm vào, tôi phải giải thích về mọi tiến bộ vĩ đại của Tây Tạng sau khi được “giải phóng” đối với những nhân tố phản động nước ngoài mà tôi gặp. Ông nói “Nếu những người này không tin, họ có thể tới Tây Tạng để tự mình chứng kiến”. Tôi an ủi ông tôi sẽ cố gắng tới mức tối đa. Rồi tôi lên ngựa và bắt đầu chuyến đi vào trong sương mù.

Tại đỉnh đèo sừng sững một cột mốc bằng đá hình tháp to lớn với những ngọn cờ cầu nguyện. Theo phong tục, mỗi người trong chúng tôi đặt một viên đá vào cột mốc đó và hô to “Lha Gyal Lo” (Chiến thắng dành cho thượng đế), trước khi đi vào vương quốc Sikkim.

Ở phía bên kia, ngay dưới chân đèo trong làn sương mờ mịt, chúng tôi gặp đoàn tiếp đón có đội quân nhạc cử hành quốc ca Tây Tạng và Ấn Độ cùng nhiều viên chức. Một trong những người đó là ông Apa B. Pant, cựu cố vấn chính phủ Ấn Độ ở Lhasa, hiện nay là nhân viên chính trị tại Sikkim. Đồng thời có cả Sonam Topgyal Kazi, một người Sikkim, phiên dịch cho tôi trong thời gian tới thăm. Và tất nhiên, bạn tôi Thondup Namgyal cùng thái tử Maharaj Kumar cũng có mặt.

Từ biên giới, tôi được hộ tống tới một khu dân cư nhỏ bên cạnh hồ Tsongo, chúng tôi nghỉ qua đêm ở đây. Lúc này trời rất tối, lạnh, tuyết phủ dày trên thảm cỏ. Khi tới nơi, tôi hết sức ngạc nhiên, cả hai anh tôi, Taktser Rinpoché và Gyalo Thondup, hàng mấy năm trời tôi chưa hề gặp lại một ai, tất cả đều ở đây đón tiếp tôi. Lobsang Samten và cậu nhỏ Tenzin Choegyal lại cùng đi với tôi, thế là lần đầu tiên trong đời, năm anh em tôi lại gặp nhau.

Hôm sau, chúng tôi đi Gangtok, thủ đô Sikkim, đầu tiên bằng ngựa, rồi xe jeep, chặng cuối cùng bằng xe hơi có phòng khách. Ở đây, tôi gặp ngài Maharajah, đức ông Tashi Namgyal, người sở hữu chiếc xe. Sau đó là một chi tiết thú vị gây ấn tượng mạnh. Khi chúng tôi vừa đi vào Gangtok, đoàn xe tạm dừng trước một đám đông người đang tập trung lại. Hàng ngàn con người, gồm cả rất nhiều học sinh chen chúc nhau tới tung kata và hoa, không để chúng tôi đi. Bất thình lình xuất hiện một thiếu niên Trung Quốc lạ mặt không biết từ đâu tới. Không nói một lời nào, cậu bé giật bỏ lá cờ Tây Tạng ở một bên xe, đối diện với lá cờ Sikkim, và thay vào đó một lá cờ đuôi nheo Trung Quốc.

Chúng tôi nghỉ lại một đêm ở Gangtok trước khi ra sân bay Bagdogravào sáng sớm ngày hôm sau. Tôi nhớ lại, đó là một chuyến đi không dễ chịu. Từ Lhasa tới đây tôi đã quá mệt, hơn nữa, lại có một bữa tiệc chiêu đãi vào tối hôm trước. Sau cùng, với trạng thái mất tinh thần, bữa điểm tâm tôi phải ăn mỳ, rồi sức nóng trong xe khiến tôi ngột ngạt khi chúng tôi đi xuống đồng bằng Ấn Độ.

Chiếc máy bay đang chờ đợi chúng tôi khá tiện nghi hơn là chiếc máy bay tôi đã bay ở Trung Quốc. Nó chở chúng tôi tới Allahabad để ăn trưa, rồi bay thẳng tới sân bay Palam thuộc New Delhi. Khi đang ở độ cao hàng ngàn thước trên những tỉnh thành, làng quê Ấn Độ, tôi suy nghĩ về sự khác nhau giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Tôi chưa bao giờ tới đây, nhưng ý thức được một vực thẳm vô biên giữa cách sống của hai quốc gia. Dưới một hình thức nào đó, cuộc sống ở Ấn Độ cởi mở và dễ chịu hơn.

Ấn tượng này càng tăng mạnh khi chúng tôi hạ cánh tại thủ đô Ấn Độ. Một đội danh dự chờ đón chúng tôi cùng với Thủ tướng Nehru và Phó thủ tướng Radhakrishnan. Có nhiều cuộc trình diễn và nghi lễ hơn là những gì tôi thấy ở Trung Quốc, nhưng cùng một lúc, những lời chào mừng chúc tụng của Thủ tướng, hoặc thăm hỏi cá nhân của các nhân viên thứ yếu, tất cả đều hàm chứa một tình cảm trung hậu. Người ta thể hiện xúc cảm thực sự của họ và không nói những gì họ nghĩ rằng họ bắt buộc phải nói ra. Ở đây không có sự màu mè giả dối.

Từ sân bay tôi được đưa thẳng tới Rashtrapathi Bhavan để gặp vị Chủ tịch Ấn Độ, giáo sư Rajendra Prasad. Tôi thấy ông là một người tương đối già, chậm chạp và hết sức khiêm tốn. Ông rất khác với viên sĩ quan phụ tá, một con người cao lớn, oai vệ trong bộ đồng phục, rất khác với người cận vệ to lớn, trịnh trọng.

Ngày hôm sau, tôi hành hương tới Rajghat bên bờ sông Jamuna, nơi hỏa thiêu Mahatma Gandhi. Đây là một địa điểm đẹp đẽ, tĩnh lặng, ở đây tôi vô cùng cảm kích. Như tôi, một người khách của một dân tộc, cũng như dân tộc tôi, một dân tộc đã từng cam chịu sự thống trị ngoại bang, tôi cũng biết ơn khi được tới một quốc gia chấp nhận Ahimsa, học thuyết bất bạo động của Mahatma Gandhi. Khi đứng cầu nguyện, tôi đồng cảm nhận một nỗi buồn vô biên vì không có cơ hội gặp được Gandhi, và một niềm vui sướng mãnh liệt về tấm gương lộng lẫy cuộc đời của ngài. Đối với tôi, ngài đã và vẫn là một nhà chính trị lỗi lạc, một con người đặt niềm tin vào sự vị tha trên mọi toan tính cá nhân. Tôi cũng thức ngộ được sự sùng kính của người đối với sự nghiệp bất bạo động, đó chính là đường lối duy nhất để lãnh đạo chính trị.

Mấy hôm sau là lễ hội Đức Phật Jyanti. Trong những ngày lễ này, tôi nói về niềm tin của tôi, rằng giáo lý của Đức Phật sẽ mang lại hòa bình không những cho cuộc sống của từng cá thể, mà còn tới cả các quốc gia. Tôi cũng tranh thủ cơ hội thảo luận với những người theo chủ nghĩa Gandhi về phương pháp Ấn Độ giành được độc lập bằng đường lối bất bạo động.

Một trong phát hiện lớn về Ấn Độ ở điểm này, là dù những buổi dạ tiệc, tiếp tân mà tôi thường xuyên được mời, những buổi này không cầu kỳ như những buổi tôi đã dự ở Trung Quốc, nhưng bầu không khí thành thật tràn lan, điều này nói lên những buổi dạ tiệc, tiếp tân là cơ hội để tình bằng hữu đích thực phát triển. Điểm này trực tiếp tương phản với những thực nghiệm của tôi ở Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, nơi có quan điểm là bạn có thể thay đổi suy nghĩ của con người bằng cách đe dọa họ. Giờ đây tôi có thể so sánh và tự mình thấy được đó là một suy nghĩ sai lầm. Chỉ có thể qua sự phát triển một thái độ thực sự tôn trọng lẫn nhau, tình bạn mới có thể nảy sinh. Những phương tiện này có khả năng thay đổi tư duy con người, chứ không phải bằng vũ lực.

Với quan sát này, với suy nghĩ về một câu nói cổ của Tây Tạng là một người tù một khi đã trốn thoát khỏi nhà tù thì không bao giờ nên trở lại, tôi bắt đầu nghĩ tới việc ở lại Ấn Độ. Tôi quyết định khám phá cơ hội tìm được một nơi cư trú chính trị khi gặp Pandit Nehru, và sau này tôi đã thực hiện.

Thực ra, tôi gặp vị thủ tướng này rất nhiều lần. Ông là một người cao lớn, đẹp trai, tính cách đặc biệt của dân Bắc Âu được nhấn mạnh bằng chiếc mũ chỏm bé nhỏ kiểu Gandhi của ông. So với Mao, ông xem ra kém tự tin, nhưng không có vẻ gì độc tài. Ông dường như rất chân thật, vì thế sau này ông khiến Chu Ân Lai thất vọng. Lần đầu gặp nhau, tôi có cơ hội giải thích chi tiết toàn bộ câu chuyện Trung Quốc xâm chiếm đất nước hòa bình của chúng tôi, lý do tại sao chúng tôi không chuẩn bị trước để gặp gỡ kẻ thù, tại sao tôi lại phải cố gắng điều chỉnh người Trung Quốc ngay khi tôi ý thức được không có ai ở thế giới bên ngoài sẵn sàng thừa nhận yêu cầu chính đáng đòi độc lập của chúng tôi.

Đầu tiên ông lắng nghe và gật đầu một cách lễ phép. Nhưng tôi cho rằng những lời lẽ nhiệt tình của tôi có thể quá dài đối với ông, sau một lát, ông có vẻ lơ đãng như buồn ngủ. Cuối cùng, ông ngước mắt nhìn tôi và nói ông hiểu hết những gì tôi nói. Nhưng ông tiếp tục một cách hơi thiếu kiên nhẫn: “Ngài phải hiểu Ấn Độ không thể ủng hộ ngài”. Khi ông nói với một phong cách Anh ngữ rõ ràng, tuyệt vời, chiếc môi dưới, dài rung lên như dao động cùng với âm thanh của giọng nói.

Điều này không tốt đẹp, nhưng không phải là điều chúng tôi hoàn toàn không lường tới. Và dù ông Nehru đã xác định rõ hoàn cảnh của ông ta, tôi vẫn tiếp tục nói tôi đang tìm kiếm phương án tỵ nạn chính trị ở Ấn Độ. Lập tức ông tỏ vẻ nghiêm trang: “Ngài phải trở lại đất nước và phải cố gắng thu xếp với Trung Quốc trên cơ sở Hiệp Ước Mười Bảy Điểm”. Tôi cam đoan rằng tôi đã cố gắng hết mình để làm như ông nói, hơn nữa, mỗi lần tôi cho rằng tôi đã đạt được một sự thông cảm với chính quyền Trung Quốc, họ lại phá vỡ niềm tin của tôi. Giờ đây tình hình miền đông Tây Tạng rất tồi tệ, tôi lo rằng một sự trả đũa ghê gớm bằng bạo lực có thể dẫn tới việc hủy diệt một quốc gia. Làm sao tôi có thể tin rằng Hiệp ước Mười Bảy Điểm còn có tác dụng nữa? Cuối cùng Nehru bảo, với tư cách cá nhân, ông sẽ nói với Chu Ân Lai về vấn đề này, vì ngay ngày hôm sau, ông Chu phải ghé qua Delhi trên đường đi Âu châu. Ông cũng dàn xếp cho tôi gặp viên công sứ Trung Quốc.

Nehru giữ lời hứa, sáng hôm sau, tôi đi cùng ông tới sân bay Palam, nơi ông dàn xếp cho tôi gặp Chu chiều hôm đó. Khi gặp nhau, tôi thấy ông bạn cũ vẫn đúng như những gì tôi nhớ về ông ta: rất quyến rũ, tươi cười và giả dối. Nhưng tôi không phản ứng lại dáng vẻ đầy nghệ thuật của ông. Thay vào đó, tôi nói thẳng mối quan tâm của tôi về cách cư xử của nhà cầm quyền Trung Quốc ở miền đông Tây Tạng. Tôi cũng vạch rõ sự khác nhau tôi thấy được giữa Nghị viện Ấn Độ và hệ thống chính quyền Trung Quốc: quyền tự do của người dân Ấn Độ, quyền bộc lộ những gì họ thực sự cảm nhận, và chỉ trích chính phủ nếu họ thấy cần thiết. Như thường lệ, ông Chu cẩn thận lắng nghe trước khi trả lời với những từ ngữ ngọt ngào. Ông nói: “Bạn chỉ ở Trung Quốc vào thời điểm Quốc hội họp lần thứ nhất. Từ đó tới nay, Quốc hội đã họp lần thứ hai và mọi sự đã thay đổi tốt hơn lên rất nhiều”. Tôi không thể tin được ông ta, nhưng tranh luận là một việc vô ích. Rồi ông nói ông nghe thấy tin đồn rằng tôi định ở lại Ấn Độ. Đó là một sai lầm. Tổ quốc tôi cần tôi. Điều này có lẽ đúng, nhưng tôi cảm thấy chúng tôi không giải quyết được vấn đề gì.

Hai anh trai tôi, Taktser Rinpoché và Gyalo Thondup, cũng gặp Chu, hoặc ông “Lải nhải và Nói dối” (Chew And Lie, chew; nhai nuốt, lải nhải; và Lie: nói dối), như một tờ báo Ấn Độ gọi trong khi ông đang ở Delhi. Họ còn thẳng thắn hơn tôi, họ nói họ không có ý định trở lại Lhasa, dù Chu khẩn khoản yêu cầu. Trong khi đó, tôi bắt đầu cuộc hành hương cuối cùng tới một số nơi linh thiêng ở Ấn Độ, lúc này tôi cố gắng gạt bỏ mọi vấn đề chính trị ra khỏi đầu. Thật đáng tiếc, tôi thấy tôi không thể tống khứ những ý nghĩ rối loạn về định mệnh của quốc gia tôi. Vị Panchen Lama, người đi cùng với tôi khắp các nơi, cũng là một người liên tục nhắc nhở tới hoàn cảnh đáng sợ của chúng tôi. Vị này không còn là một cậu bé đáng mến và khiêm tốn như tôi biết trước đây: áp lực liên tục của người Trung Quốc đẩy tư duy thanh thiếu niên của cậu tới một hậu quả không tránh khỏi.

Tuy vậy tôi vẫn thấy đôi khi con người mình tràn ngập một cảm xúc vui sướng, tôn kính sâu sắc khi đi từ Sanchi cắt ngang tới Ajanta, rồi tới Bodh Gaya và Sarnath, tôi cảm thấy tôi trở về ngôi nhà tâm linh của tôi. Mọi thứ dường như rất quen thuộc.

Bihar, tôi tới thăm Nalanda, vị trí trước đây của một trường đại học Phật giáo lớn nhất và nổi tiếng nhất, nơi này đổ nát từ hàng trăm năm nay. Rất nhiều học giả Tây Tạng đã học tập ở đây, và bây giờ, nhìn những đống gạch ngói vỡ ghi dấu nơi ra đời một trong số những tư tưởng uyên thâm nhất của Phật giáo, tôi lại thấy học thuyết Vô Thường thật đúng chừng nào.

Cuối cùng tôi tới Bodh Gaya. Tôi vô cùng xúc động được ở ngay chính nơi Đức Phật đạt tới khai sáng. Nhưng niềm vui của tôi không được lâu. Trong lúc đang ở đó, tôi nhận được một thông điệp do đoàn hộ tống mang lại: Chu Ân Lai vừa mới trở về Delhi và muốn gặp tôi. Rồi tại Sarnath, tôi lại nhận được điện báo của tướng Chiang Chi-wu yêu cầu tôi lập tức trở lại Lhasa. Bức điện nói: những tên phản động đảo chính và những tên cộng tác với đế quốc đã vạch ra một kế hoạch nổi dậy, tôi cần có mặt ngay.

Tôi trở lại Delhi bằng xe lửa, gặp viên sứ quán Trung Quốc tại nhà ga. Với sự cảnh giác của người phụ trách nội vụ và nhân viên bảo vệ của tôi, người phụ trách nội vụ yêu cầu tôi cùng với ông đi xe của ông về sứ quán gặp Chu Ân Lai. Hai người này lo rằng có thể tôi bị bắt cóc, và khi họ tới sứ quán, liệu tôi đã tới hay chưa, cho nên họ bảo một ai ở đấy mang cho tôi một cái áo nịt để thấy được phản ứng của họ. Trong lúc này, tôi có một cuộc nói chuyện thẳng thắn với Chu. Ông cho tôi biết tình hình ở Tây Tạng xấu đi, ông nhấn mạnh rằng nhà cầm quyền Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực đè bẹp mọi cuộc nổi loạn của dân chúng.

Ở điểm này, tôi thẳng thừng nói ra mối quan tâm về cách cư xử của người Trung Quốc ở Tây Tạng, họ ép buộc chúng tôi thực hiện những cải cách chúng tôi không muốn, mặc dù họ dứt khoát cam đoan rằng họ không làm như vậy. Một lần nữa ông trả lời với một vẻ rất đáng yêu, rằng Chủ tịch Mao đã tuyên bố không thực hiện cải cách trong vòng tối thiểu sáu năm. Sau thời gian đó mà chúng tôi chưa sẵn sàng, họ lại còn hoãn lại tới mười lăm năm nếu cần thiết: Trung Quốc ở đó chỉ để giúp các bạn. Tôi vẫn không thừa nhận. Chu tiếp tục, ông nói ông hiểu tôi đã vạch kế hoạch đi thăm Kalimpong. Điều đó đúng. Tôi được yêu cầu giảng dạy cho đông đảo cư dân Tây Tạng sống ở đó. Ông mạnh mẽ khuyên tôi không nên đi vì ở đó “đầy những gián điệp và các phần tử phản động”. Ông thêm rằng tôi cần phải cẩn thận với những nhân viên Ấn Độ mà tôi tin tưởng: một số người tốt, một số người nguy hiểm. Sau đó ông đổi chủ đề. Ông hỏi tôi có sẵn sàng trở lại Nalanda và, với tư cách là đại diện của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, tôi sẽ đưa cho tổ chức nơi này một tấm ngân phiếu và một thánh tích của Tang s'en, một vị thầy tâm linh của Trung Quốc? Biết rằng Pandit Nehru sẽ có mặt ở buổi lễ đó, tôi đồng ý nhận lời.

Sau đó khi tôi gặp vị thủ tướng Ấn Độ, ông này có mang theo một bản sao của Hiệp ước Mười Bảy Điểm. Ông vẫn tiếp tục yêu cầu tôi trở lại Tây Tạng làm việc với người Trung Quốc trên cơ sở “Hiệp ước”. Ông nói tôi không còn sự lựa chọn nào khác, thêm vào đó ông phải khẳng định rằng Ấn Độ không hỗ trợ Tây Tạng. Ông cũng khuyên tôi nên làm như Chu Ân Lai nói, trở lại Lhasa mà không dừng chân ở Kalimpong. Nhưng khi tôi tạo áp lực với ông về điểm này, bất thình lình ông thay đổi ý kiến. Ông nói: “Xét cho cùng, Ấn Độ là một quốc gia tự do, và ông không vi phạm luật nước này”. Sau đó ông nhận trách nhiệm tạo ra những dàn xếp cần thiết cho các cuộc thăm viếng.

Đó là vào tháng hai năm 1957, khi tôi cùng một nhóm nhỏ đi Calcutta bằng tầu hỏa. Trên đường đi, tôi nhớ rằng mẹ tôi không quan tâm tới những hạn chế nghi lễ và cảm thấy hoàn toàn không bị ngăn trở, bà mua một cái bếp lò nhỏ rồi nấu món thugpa rất ngon (món mỳ nấu theo kiểu truyền thống Tây Tạng). Sau khi tới thủ đô của West Bengal, chúng tôi nghỉ ở đó vài ngày trước khi bay theo hướng bắc tới Bagdogra, đây là nơi bắt đầu của chân núi Hy mã lạp sơn với những hòn đá lởm chởm trong cái nóng vô biên từ cánh đồng Ấn Độ. Chặng cuối cùng chúng tôi đi bằng xe jeep. Khi tới Kalimpong, tôi trú tại ngôi nhà của một gia đình người Bhutan, ngôi nhà mà người tiền nhiệm của tôi đã một lần dừng lại trong thời gian di tản ở Ấn Độ. Họ để tôi ở đúng cái buồng mà vị tiền nhiệm đã sử dụng. Tại căn buồng này tôi có một cảm giác rất lạ trong những điều kiện cũng lạ tương tự. Gia đình trong căn hộ thân thiện này là gia đình thủ tướng Bhutan, về sau ông bị ám sát. Nhà có ba người con trai, cậu nhỏ nhất rất quan tâm tới các vị khách. Cậu hay lên trên buồng tôi dường như để kiểm tra. Rồi cậu cười và trượt xuống thành cầu thang.

Ngay sau khi đến nơi, tôi gặp Lukhangwa, vị thủ tướng cũ vừa từ Lhasa tới dưới hình thức hành hương. Tôi rất vui khi gặp ông, dù rằng tôi phát hiện ngay là ông hoàn toàn phản đối chuyện trở về của tôi. Hai anh tôi, có vẻ như đi Kalimpong, họ cũng đồng ý với Lukhangwa, lúc này họ bắt đầu thuyết phục tôi ở lại. Cả ba người cũng van nài Kashag đừng để tôi trở về. Trong thời gian ở Bodh Gaya, các anh tôi đã tiếp xúc với một số chính trị gia Ấn Độ có cảm tình, một trong những người đó là Jaya Prakash Narayan, ông hứa trong một số cơ hội thích hợp sau này, ông sẽ phát động cơ quan ngôn luận của Ấn Độ để hỗ trợ nền tự do cho Tây Tạng. Hai anh tôi, Lukhangwa và một hoặc hai người khác đảm bảo rằng chuyện đó sẽ xảy ra, Nehru sẽ buộc phải hỗ trợ Tây Tạng. Xét cho cùng, quân đội Trung Quốc đóng ở biên giới phía đông Ấn Độ không có lợi cho Ấn Độ. Nhưng tôi không bị thuyết phục. Tôi hỏi Ngabo Ngawang Jigme (trưởng phái đoàn bị ép buộc phải ký vào Hiệp Ước Mười Bảy Điểm), người cũng đi cùng với chúng tôi, xem ông suy nghĩ như thế nào. Lời khuyên của ông là nếu có khả năng đạt được một kế hoạch cụ thể, thì việc nghiên cứu để ở lại có thể tốt hơn. Nhưng do thiếu một cơ sở vững chắc, ông cảm thấy tôi không còn con đường lựa chọn nào khác mà phải trở về.

Tôi hỏi ý kiến tiên tri. Có ba vị tiên tri chủ yếu để Dalai Lama tham khảo. Hai vị, Nechung và Gadong đều xuất hiện. Cả hai vị đều nói tôi nên trở lại. Lukhangwa vừa tới đúng lúc một trong hai cuộc tư vấn đang thực hiện, lúc này vị tiên tri nổi giận, bảo ông đi ra ngoài. Hình như là vị tiên tri biết Lukhangwa đã quyết định. Nhưng Lukhangwa lờ vị tiên tri đi và vẫn ngồi xuống coi như không có gì. Sau cuộc tư vấn, Lukhanwa lại gần tôi và nói: “Khi con người tuyệt vọng, họ tham kiến thần thánh. Và khi thần thánh tuyệt vọng, thần thánh nói dối!”.

Hai anh tôi kiên quyết cho rằng tôi không nên trở về Tây Tạng. Cũng như Lukhangwa, họ là những con người mạnh mẽ, đầy sức thuyết phục. Không một ai có thể hiểu nổi sự phân vân của tôi. Họ tin là vì sự tồn tại của dân tộc Tây Tạng đang bị đe dọa, cần phải đối đầu với Trung Quốc bằng mọi khả năng. Họ cảm thấy đối với tôi, cách tốt nhất để làm được điều này là ở lại Ấn Độ. Sau đó tôi có thể tìm sự hỗ trợ của nước ngoài, mà họ chắc rằng sẽ dễ dàng đạt được. Họ khẳng định nước Mỹ sẽ giúp chúng tôi.

Dù rằng lúc đó chúng tôi không bàn bạc về một cuộc đấu tranh có vũ trang chống lại chính quyền Trung Quốc, song tôi không được biết rằng hai anh tôi đã tiếp xúc với CIA (cơ quan tình báo Mỹ). Xem ra người Mỹ cảm thấy việc cung cấp có giới hạn những hỗ trợ cho các chiến sĩ chiến đấu vì tự do của Tây Tạng là một việc có giá trị, không phải vì họ quan tâm tới sự độc lập của Tây Tạng, mà chỉ là một phần trong những nỗ lực trên toàn cầu nhằm giảm đi sự vững mạnh của các chính phủ cộng sản. Cuối cùng họ nhận việc cung cấp một số khí giới đơn giản bằng máy bay cho những người chiến đấu vì tự do. Họ cũng có kế hoạch để CIA huấn luyện kỹ thuật chiến tranh du kích cho một số chiến sĩ, những người này sẽ nhảy dù trở lại Tây Tạng. Lẽ tự nhiên, các anh tôi cân nhắc là tốt nhất không để tôi biết thông tin này. Họ thừa biết phản ứng của tôi đối với việc đó như thế nào.

Khi tôi giải thích rằng dù thấy được tính hợp lý về lập luận của họ, tôi vẫn không chấp nhận phương án này, Gyalo Thondup bắt đầu có dấu hiệu dao động. Anh đã, và vẫn là một trong những người yêu nước mãnh liệt nhất trong số anh em tôi. Anh có cá tính rất mãnh liệt, có khuynh hướng chuyên nhất với quan điểm không khoan nhượng. Nhưng tâm địa anh rất tốt và trong tất cả anh em chúng tôi, anh là người bị ảnh hưởng nhiều nhất khi mẹ tôi chết. Anh khóc rất nhiều. Taktser Rinpoché nhẹ nhàng hơn Gyalo Thondup, nhưng dưới vẻ bình thản và vui tính bên ngoài tiềm ẩn một cốt lõi cứng rắn, kiên cường. Anh rất chịu đựng trong những lúc khủng khoảng, nhưng ở trường hợp này anh cũng có những thể hiện cáu giận. Cuối cùng, không ai thắng thế, tôi quyết định trở lại Tây Tạng để tạo cơ hội cho Trung Quốc một lần cố gắng cuối cùng, phù hợp với lời khuyên của Nehru và lời cam kết của Chu Ân Lai.

Sau khi rời khỏi Kalingpong, tôi bắt buộc phải dừng lại ở Gangtok đúng một tháng trước khi có thể vượt qua đèo Nathu một lần nữa. Nhưng tôi không hề luyến tiếc một chút nào và lại giành cơ hội giảng dạy giáo lý cho cư dân địa phương.

Cuối cùng, với một tâm trạng nặng nề, tôi khởi hành chuyến trở lại Lhasa vào gần cuối tháng 3 năm1957. Nỗi buồn còn được tăng lên bởi quyết định cuối cùng của Lobsang Samten, anh ở lại Ấn Độ do tình trạng sức khỏe sau khi mổ ruột thừa. Khi tới biên giới và nói lời chia tay lần cuối với các bạn người Ấn Độ, tất cả đều khóc, tâm hồn tôi còn trầm xuống sâu hơn. Sự xáo động giữa những lá cờ cầu nguyện Tây Tạng là ít nhất có một tá những lá cờ đỏ tuyên bố sự hiện diện của Trung Quốc. Dù tướng Chin Rhawo-rhen tới đó gặp tôi, đây hoàn toàn không phải là một điều an ủi. Vì, tuy ông ta là một con người tốt và trung thực, tôi không nghĩ tới ông với bộ quân phục đang mặc, mà chỉ nghĩ về “tự do”.

CHƯƠNG 7
THA HƯƠNG

Ngay khi vượt qua biên giới Tây Tạng, tôi trở lại Lhasa bằng con đường qua Dromo, Gyantse và Shigatse. Tại mỗi nơi, tôi đều nói chuyện với đông đảo quần chúng, các nhân viên Trung Quốc và Tây Tạng cũng được mời. Như thường lệ, tôi giảng dạy một số giáo lý ngắn kết hợp với những gì tôi phải nói về các vấn đề đời thường. Để làm được như vậy, tôi nhấn mạnh vào bổn phận của tất cả người dân Tây Tạng cần xử lý một cách trung thực và công bằng với nhà cầm quyền Trung Quốc. Tôi yêu cầu rằng bổn phận của tất cả mọi người là uốn nắn lại những sai lầm khi người ta thấy, bất luận là ai phạm phải sai lầm đó. Tôi cũng thuyết phục người dân tôn trọng triệt để Hiệp Ước Mười Bảy Điểm. Tôi cho họ biết những cuộc nói chuyện của tôi với Nehru và Chu Ân Lai, trong tuần đầu tiên tháng hai năm nay, bản thân chủ tịch Mao đã công khai tuyên bố rằng Tây Tạng chưa sẵn sàng để cải cách. Cuối cùng, tôi nhắc nhở họ về sự khẳng định của Trung Quốc là người Trung Quốc tới Tây Tạng để giúp đỡ người Tây Tạng. Nếu bất kỳ các cấp chính quyền nào không hợp tác, như vậy họ đã hành động chống lại chính sách của Đảng Cộng Sản. Tôi thêm rằng một số người khác có thể chỉ ca ngợi, song theo chỉ đạo của chính Chủ tịch Mao, chúng ta cần tự phê. Về điểm này, những người Trung Quốc có mặt rõ ràng không mấy dễ chịu.

Bằng cách này, tôi cố gắng đảm bảo với người dân tôi là tôi làm hết khả năng vì họ, và gửi tới một lời cảnh báo cho ông chủ mới, ông chủ ngoại quốc của chúng tôi, từ nay trở đi, khi thấy cần thiết, chúng tôi không ngần ngại chỉ ra những gì sai trái. Tuy nhiên, trong từng bước tiến trình, sự lạc quan gượng gạo của tôi bị giáng một đòn choáng váng bởi những tin mới nhận, những báo cáo về nhiều trận đánh lan rộng ở phía đông. Rồi một hôm, vị chính ủy quân đội, tướng Tan Kuan-sen gặp tôi, ông đề nghị tôi cử đại diện tới yêu cầu những người chiến đấu cho tự do hạ vũ khí. Do đây là ý muốn của riêng tôi, tôi bằng lòng gửi một vị Lama tới nói chuyện với họ. Nhưng họ không chịu, khi tới Lhasa vào 1/4/1957, tôi được biết rằng hoàn cảnh trên toàn cõi Tây Tạng đã rất nhanh tuột khỏi tầm kiểm soát của người Trung Quốc, và cũng ra ngoài vòng kiểm soát của tôi.

Vào giữa mùa hè, chiến cuộc công khai lan tràn suốt tỉnh Kham, tỉnh Amdo. Dưới sự chỉ đạo của một người tên là Gompo Tashi, số lượng chiến sĩ chiến đấu cho tự do tăng lên hàng ngày, họ còn táo bạo hơn trong những trận đánh. Phía Trung Quốc tỏ ra không ngăn cản được. Song song với việc sử dụng máy bay thả bom xuống các thị trấn, làng mạc, toàn bộ khu vực còn bị tàn phá bởi những trận pháo kích. Hậu quả là hàng ngàn cư dân ở Kham và Amdo phải dời tới Lhasa, lập trại trên các cánh đồng ngoại ô thành phố. Một số tình tiết họ kể lại khủng khiếp tới mức sau bao nhiêu năm tôi vẫn không thể tin nổi. Những phương pháp người Trung Quốc dùng để dọa dẫm dân chúng ghê tởm tới mức vượt khỏi sức tưởng tượng của tôi. Chỉ tới khi nhận được báo cáo vào năm 1959 do Hội Luật Gia Quốc Tế công bố, tôi mới hoàn toàn công nhận những gì tôi đã được nghe: đóng đinh, mổ sống, mổ bụng moi ruột, chặt chân tay nạn nhân là chuyện bình thường. Cho nên những chuyện chặt đầu, thiêu sống, đánh đập tới chết, chôn sống cũng thường xảy ra, chưa kể tới việc người bị kéo lê đằng sau ngựa cho tới chết, hoặc là treo ngược, trói chân tay rồi ném vào trong nước băng giá. Và để ngăn ngừa họ hô to “Dalai Lama muôn năm” khi bị hành hình, người ta xé lưỡi họ bằng cái móc treo thịt.

Nhận thấy thảm họa sắp bùng nổ, tôi tuyên bố tôi sẽ tham dự các cuộc sát hạch chuyên môn lần cuối trong thời gian lễ hội Monlam1959, từ nay tới đó còn chừng 18 tháng nữa. Tôi cảm thấy tôi phải khẩn trương tối đa, vì sợ rằng không còn thời gian. Đồng thời, tôi mong chờ ngày Pandit Nehru tới Lhasa, ông chấp thuận lời mời của tôi (được sứ quán Trung Quốc nồng nhiệt phê chuẩn) tới thăm Tây Tạng vào năm tới. Tôi hy vọng rằng sự có mặt của ông sẽ buộc nhà cầm quyền Trung Quốc phải cư xử văn minh hơn.

Trong lúc này, cuộc sống ở thủ đô vẫn tiếp tục như hồi người Trung Quốc tới đây sáu năm về trước, nhưng thái độ người Trung Quốc trở nên hận thù rõ rệt. Từ nay trở đi, mỗi khi các tướng tới thăm tôi, họ đều có vũ trang. Tuy nhiên, họ không mang súng một cách lộ liễu mà dấu dưới lớp quần áo. Khẩu súng khiến họ bị lúng túng khi ngồi, nòng súng có thể nhìn thấy rất rõ. Khi nói, họ vẫn tiếp tục đưa ra những đảm bảo như thường lệ, nhưng khuôn mặt họ đã lộ rõ cảm xúc thật do thay đổi sắc mặt thành màu cây củ cải (mặt đỏ tía).

Đồng thời, Uỷ ban Trù Bị tiếp tục gặp gỡ để tranh luận những điểm bổ sung của một chính sách vô nghĩa. Thật quái gở về những gì mà nhà cầm quyền Trung Quốc tiến hành để đưa ra một hình thức bên ngoài, đằng sau hình thức này họ lại thực hiện những hành động kinh tởm ở khắp mọi nơi trên đất nước. Tôi cảm thấy bất lực. Hơn nữa tôi còn chắc rằng dù tôi giữ thái độ nhẫn nhục (tôi đã cân nhắc vấn đề này) hoặc là trực tiếp đối đầu với chính quyền Trung Quốc, hậu quả cũng vẫn tồi tệ. Đồng thời tôi cũng không cho phép Lhasa và các khu vực khác của Tây Tạng đi tới mức độ phải nhận chìm trong biển máu. Đã có tối thiểu tám sư đoàn Giải Phóng Quân hoạt động ở miền đông: trên 150,000 binh sĩ được huấn luyện kỹ thuật chiến đấu tinh nhuệ chống lại những đoàn kỵ sĩ không chính quy và những chiến binh miền núi. Càng nghĩ về tương lai, tôi càng thấy ít hy vọng. Dường như là dù tôi hoặc mọi người cố gắng đến thế nào đi chăng nữa, toàn thể Tây Tạng chẳng chóng thì chầy sẽ trở thành một quốc gia chư hầu trong đế chế Trung Hoa mới, không còn tự do văn hóa, không còn tự do tín ngưỡng, đừng nói gì tới tự do ngôn luận.

Cuộc sống ở Norbulingka, nơi tôi đang cư trú lâu dài, vẫn tiếp tục như trước đây. Hàng ngàn pho tượng Phật mạ vàng lung linh trong ánh sáng nhẹ nhàng của vô vàn ngọn đèn bơ là một lời nhắc nhở sắc bén, rằng chúng ta đang sống trong một thế giới Vô thường, thế giới Ảo ảnh. Quy trình của tôi vẫn như cũ, dù cho bây giờ tôi dậy sớm hơn, thường là trước năm giờ sáng để cầu nguyện và nghiên cứu văn bản một mình vào phần đầu buổi sáng. Một lát sau, một trong những vị trợ giáo sẽ đến và tranh luận văn bản tôi vừa đọc. Sau đó tsenshap tới cùng tham gia với chúng tôi, bây giờ là bốn người, rồi tôi dành thời gian còn lại trong ngày để tranh luận, vì đó là đề tài tôi phải thi. Và như thường lệ, trong một số ngày nào đó, tôi chủ tọa puja ở một trong những căn buồng thiêng liêng của tòa nhà.

Tuy nhiên, bản thân Lhasa lại có những thay đổi đáng kể từ khi quân Trung Quốc xâm chiếm. Một khu mới hoàn toàn xây dựng để dành cho các nhân viên cộng sản và gia đình. Ở đây đã có dấu hiệu của một thành phố hiện đại kiểu Trung Quốc, rồi một ngày nào đó những dấu hiệu này sẽ nhấn chìm thủ đô cổ kính của Tây Tạng. Họ cũng xây một bệnh viện, một trường học mới, tiếc rằng tôi phải nói điều này không mang lại nhiều lợi ích cho người dân Tây Tạng, rồi còn nhiều doanh trại quân đội được xây lên. Đồng thời, với quan điểm về một hiện trạng xấu, quân đội bắt đầu đào hào xung quanh tổng hành dinh, củng cố giao thông hào bằng những bao cát. Và bây giờ mỗi khi ra ngoài, trước đây họ cảm thấy đi hai người là đủ an toàn (không bao giờ đi một mình), bây giờ họ đi phải có hộ tống. Nhưng mối liên hệ của tôi với thế giới này khá sơ sài, phần lớn tin tức tôi nhận được đều từ các báo cáo ảm đạm do những người phục vụ và các nhân viên khác mang lại.

Mùa xuân năm1958, tôi chuyển tới tòa nhà mới ở Norbulingka, theo truyền thống, mỗi vị Dalai Lama kế tiếp đều có nhà riêng trong công viên “Đá quý”. Giống như những vị khác, ngôi nhà của tôi tương đối nhỏ, được thiết kế để sử dụng như một nơi làm việc cá nhân. Tuy vậy, điều làm nó khác biệt, là ngôi nhà có những đồ đạc hiện đại, những thiết bị, được trang bị bàn ghế. Tôi có một chiếc giường sắt kiểu mới thay cho cái hộp gỗ cũ kỹ, một buồng tắm hoàn chỉnh với hệ thống nước nóng. Cũng có cả hệ thống sưởi, nhưng không may nhiệm kỳ của tôi ở Norbulingka bị gián đoạn trước khi hệ thống đó làm việc một cách hoàn chỉnh. Đèn điện cũng được lắp đặt cả hai tầng. Trong buồng hội họp, tôi có bàn ghế thay cho những chiếc gối truyền thống Tây Tạng (tiện lợi cho những vị khách tham quan người nước ngoài), cùng với một chiếc máy thu thanh to, quà tặng của chính phủ Ấn Độ nếu tôi không nhầm. Đây là một ngôi nhà hoàn hảo. Phía bên ngoài là một cái giếng, một hòn non bộ đẹp tuyệt và một vườn hoa hồng do tôi chăm sóc. Mọi chuyện tiến triển tốt đẹp ở Lhasa, và rất nhanh nơi này có ánh đèn màu. Nhìn chung, tôi cực kỳ vui sướng ở đây, nhưng niềm vui không kéo dài lâu.

Chiến sự ở Kham và Amdo, bây giờ ở cả trung tâm Tây Tạng, tiếp tục lan rộng. Đầu mùa hè, nhiều nhóm hàng trăm ngàn chiến sĩ đấu tranh cho tự do đã đầu quân, họ quyết tâm đẩy mạnh cuộc tấn công tới gần Lhasa dù cho thiếu thốn khí giới hạng nhẹ, thiếu thốn đạn dược. Một số vũ khí họ chiếm được từ quân đội Trung Quốc, một số do tấn công vào nơi chứa đạn dược phế liệu của chính quyền Tây Tạng ở gần Tashilumpo, và một khối lượng nhỏ chính thức do sự giúp đỡ của CIA, nhưng đó vẫn là những trang thiết bị tồi, thiếu năng lực.

Khi di tản, tôi được nghe nhiều tường thuật về cách thức vũ khí và tiền bạc thả xuống Tây Tạng. Tuy nhiên, những nhiệm vụ này hầu như gây bất lợi cho người Tây Tạng hơn là cho quân đội Trung Quốc. Do người Mỹ không muốn hành động hỗ trợ của họ bị quy trách nhiệm, họ cẩn thận không cung cấp những trang thiết bị sản xuất tại Mỹ. Thay vào đó, họ chỉ thả xuống vài khẩu ba dô ca tồi và những khẩu súng trường Anh cũ kỹ, đã sử dụng trong những công việc linh tinh ở Ấn Độ và Pakistan, do đó những vũ khí này không thể tìm thấy được nguồn gốc xuất xứ trong trường hợp nó bị chiếm đoạt. Những thiết bị kém phẩm chất mà các chiến sĩ nhận được khi họ thả xuống đều hoàn toàn vô dụng.

Lẽ tự nhiên, tôi chưa bao giờ trông thấy chiến sự, nhưng trong những năm 1970, một vị Lama già mới trốn thoát khỏi Tây Tạng kể cho tôi nghe có lần từ trong cái ngăn nhỏ nơi ẩn tu, trên ngọn núi thuộc một khu hẻo lánh ở Amdo, ông chứng kiến một cuộc đụng độ nhỏ. Một toán sáu người cưỡi ngựa tập kích vào một đơn vị Giải Phóng Quân có hàng trăm binh lính mạnh khỏe, ngay gần khúc quành của con sông. Kết quả là một trận đánh hỗn loạn. Quân Trung Quốc hốt hoảng, hò hét man rợ khắp các hướng, bắn nhầm lẫn nhau. Trong khi đó, những kỵ sĩ đã tẩu thoát sang bên kia sông, họ lại quay trở lại, rồi từ một hướng khác họ đánh thọc vào sườn địch trước khi biến mất vào trong những quả đồi. Tôi rất xúc động khi nghe nói về những con người can đảm như vậy.

Điểm khủng khoảng không thể tránh khỏi cuối cùng đã đạt tới vào thời kỳ nửa sau của năm 1958, khi những thành viên của Chushi Gangdruk, tổ chức liên minh những chiến sĩ chiến đấu cho tự do, họ vây hãm đơn vị Giải Phóng Quân chủ lực đồn trú ở Tsethang, cách cổng thành Lhasa không quá hai ngày đường. Thời gian này tôi thường gặp tướng Tan Kuan-sen. Trông ông giống như một nông dân, răng vàng khè, tóc cắt rất ngắn, bây giờ hầu như hàng tuần lễ ông đến gặp tôi. Cùng với những người phiên dịch rất kiêu căng, ông tới để thuyết phục, phỉnh phờ và lừa bịp. Trước đây hiếm khi ông tới nhiều hơn một lần trong một tháng. Kết quả là tôi sinh ra ghét cái buồng hội họp mới của tôi ở Norbulingka. Chính không gian căn buồng bị hỏng do áp lực của những cuộc hội kiến và tôi bắt đầu sợ phải vào đó.

Đầu tiên, viên tướng yêu cầu tôi phát động quân đội Tây Tạng đánh lại quân “phiến loạn”, ông nói đây là nhiệm vụ của tôi. Ông phát điên lên khi tôi vạch ra cho ông thấy nếu tôi làm như vậy, ông phải biết rằng những người lính Tây Tạng sẽ nắm lấy cơ hội để chạy sang phía các chiến sĩ chiến đấu cho tự do. Sau đó ông phải dằn mình xuống trong việc nguyền rủa sự bạc bẽo của người Tây Tạng, ông nói những chuyện như thế sẽ có một kết thúc tồi tệ đối với chúng tôi. Cuối cùng, viên tướng xác định Taktser Rinpoché và Gyalo Thondup cùng với nhiều nhân viên cũ của tôi (những người này đã ra nước ngoài) là những thủ phạm, ông ra lệnh cho tôi tước quyền công dân Tây Tạng của họ. Tôi thực hiện điều này, vì nghĩ rằng trước tiên họ đã ở nước ngoài, do đó họ rất an toàn, thứ hai là trong lúc này, cách tốt nhất nên bằng lòng ngầm với người Trung Quốc hơn là chọc tức họ để họ mở ra những hoạt động quân sự chống đối ngay tại thủ đô Lhasa. Tôi muốn tránh tất cả những điều đó bằng bất kỳ giá nào. Tôi cảm thấy nếu người dân Lhasa dính líu tới chiến cuộc, cơ hội để phục hồi hòa bình sẽ không còn nữa.

Trong lúc này, những chiến sĩ giành tự do lại không có thái độ thỏa hiệp. Họ còn cố gắng đạt được những chấp thuận của tôi đối với những gì họ đang làm. Than ôi, dù chỉ là một người trẻ tuổi, một người yêu nước, và hiện tại tôi có một số ý tưởng để thực hiện, nhưng tôi không thể nhượng bộ được điều này. Tôi đang khao khát hy vọng trong cuộc gặp gỡ sắp tới với thủ tướng Nehru, nhưng đến phút cuối cùng nhà cầm quyền Trung Quốc bãi bỏ. Tướng Tan Kuan-sen tuyên bố ông không đảm bảo an ninh cho thủ tướng Ấn Độ, lời mời thăm viếng buộc phải rút lại. Tôi cảm thấy đó là một thảm họa.

Cuối mùa hè năm 1958, tôi tới tu viện Drepung, rồi tu viện Sera, để thực hiện phần đầu chương trình kiểm tra cuối cùng. Chương trình liên quan tới các cuộc biện luận nhiều ngày với những học giả xuất sắc nhất của hai trung tâm học tập này. Tại tu viện Drepung, ngày thứ nhất bắt đầu với những âm hưởng cầu nguyện diệu kỳ của hàng ngàn vị sư trong hội trường. Những lời cầu nguyện Đức Phật, các vị thánh và những người kế vị (có nhiều người là các học giả Ấn Độ và các bậc thầy) khiến tôi ứa nước mắt.

Trước khi rời khỏi tu viện Drepung, theo truyền thống, tôi trèo lên trên đỉnh ngọn đồi cao nhất đằng sau tu viện, từ đó người ta có thể đạt được một tầm nhìn hàng trăm dặm. Nơi này rất cao, ngay cả đối với người Tây Tạng, đây là một nơi nguy hiểm đối với những người mắc các chứng bệnh về độ cao, nhưng không quá cao so với một loài chim rất đẹp làm tổ trên các cao nguyên, cũng không quá cao với vô vàn những bông hoa rừng, Tây Tạng gọi là upel. Giống thảo mộc ngoạn mục này có màu xanh da trời nhạt, cao và có gai, trông giống như cây la lết (cây phi yến: delphinium).

Thật đáng tiếc, cảnh quan dễ thương này bị hỏng đi do quân đội Tây Tạng cần triển khai trên núi để bảo vệ tôi. Vì ngay trước tu viện Drepung có một doanh trại quân Trung Quốc đồn trú với những hàng rào kẽm gai, boong ke, trong một khoảng cách người ta có thể nghe thấy hàng ngày quân đội tập tành với khí giới và các khẩu pháo.

Sau khi kết thúc cuộc thi, trở lại Lhasa, tôi được biết tôi đã đỗ rất tốt. Một trong những viện trưởng, một vị sư thông thái nhất tên là Pema Gyaltsen, ông cho tôi biết nếu như cũng một cơ hội học tập đó đối với một vị sư bình thường, thành tích bảo vệ sẽ không thể vượt trội lên được. Tôi rất sung sướng thấy rằng cuối cùng tên sinh viên lười biếng này tự nó không đến nỗi hổ thẹn.

Trở lại thủ đô sau đợt nghỉ ngơi ngắn ngủi, sáng suốt này, tôi thấy tình hình xấu đi nhiều so với lúc ra đi. Hơn hàng ngàn người chạy trốn khỏi những hành vi tàn ác của người Trung Quốc ở phía ngoài Lhasa đã tới thủ đô và cắm trại tại các vùng ngoại vi. Cho tới bây giờ, dân số Tây Tạng ở thủ đô tăng gấp đôi. Hơn nữa, đây là nơi tạm ngừng bắn, không có chiến sự. Dù sao, trong mùa thu, khi tới Ganden để tiếp tục chương trình tranh luận, tôi được một số cố vấn khuyến khích tôi nên đi về phương nam, nơi mà phần lớn các vùng ở trong tầm kiểm soát của “những người bảo vệ Phật Pháp”. Kế hoạch thăm dò là tôi sẽ bác bỏ Hiệp ước Mười Bảy Điểm, phục hồi lại chính phủ của tôi, cơ quan quản lý nhà nước hợp pháp của Tây Tạng. Tôi đưa ra một số ý kiến nghiêm túc đối với gợi ý của họ, nhưng tôi cũng buộc phải kết luận rằng làm như vậy sẽ không đạt được kết quả tích cực. Những tuyên bố như vậy chỉ khích thích người Trung Quốc tiến tới một cuộc tập kích ở mức độ cao.

Vậy tôi trở lại Lhasa tiếp tục học tập qua những tháng mùa đông dài, lạnh lẽo. Tôi còn phải dự một kỳ thi lần chót trong dịp lễ Monlam hồi đầu năm sau. Việc tập trung vào công việc hiện nay của tôi rất khó khăn. Hầu như hàng ngày tôi đều được nghe những báo cáo về sự vi phạm trắng trợn của người Trung Quốc đối với thường dân. Đôi khi một số tin tức có lợi cho phía Tây Tạng, nhưng không mang cho tôi cảm giác dễ chịu. Chỉ có những suy nghĩ về trách nhiệm của tôi đối với sáu triệu con người Tây Tạng khiến tôi tồn tại. Và cùng với cả niềm tin của tôi. Mỗi buổi sáng sớm, khi ngồi cầu nguyện trong buồng ngủ, trước bàn thờ cổ kính với những bức tượng nhỏ hỗn độn lặng lẽ đầy ân phúc, tôi cố gắng tập trung để tạo ra lòng từ bi đối với toàn thể sinh linh. Tôi liên tục nhắc nhở cho mình về những giáo lý của Đức Phật, rằng kẻ thù của chúng ta, với một cách hiểu nào đó, lại là những người thầy vĩ đại của chúng ta. Và nếu như điều này đôi khi khó thực hiện, tôi cũng không bao giờ mảy may nghi ngờ rằng điều này không thể nào không thực hiện được.

Cuối cùng năm mới đã tới, tôi rời Norbulingka để tới Jokhang tham dự lễ hội Monlam, sau đó là lần thi cuối cùng. Ngay lúc tôi vừa chuẩn bị, tướng Chiang Chin-wu tới với lời chúc mừng năm mới theo phong tục của người Trung Quốc. Ông cũng thông báo về một đoàn nghệ sĩ múa Trung Quốc đã tới Lhasa. Ông hỏi tôi có muốn gặp họ không? Tôi trả lời “Rất có thể”. Ông nói họ có thể biểu diễn ở mọi nơi, nhưng từ khi có một sân khấu đúng tiêu chuẩn với hệ thống đèn ở tổng hành dinh quân đội Trung Quốc, nếu tôi có thể đến đó thì tốt hơn. Lời đề nghị này hợp lý vì ở Norbulingka không có những phương tiện như vậy, nên tôi tỏ ý bằng lòng.

Khi tới chùa Jokhang, như mong đợi, tôi thấy hơn bao giờ hết, rất nhiều người xúm xít quanh ngôi chùa. Cộng thêm vào những người thường từ những nơi xa xôi nhất kéo đến Tây Tạng, phải có tới 25-30,000 vị sư lẫn với đám đông.

Mỗi một ngày, Barkhor và Lingkhor tràn đầy những người mộ đạo thành kính đi vòng quanh. Một số người, với bánh xe cầu nguyện trong tay, họ tụng câu chú “Om Mani Padme Hum”, câu chú của cả nước chúng tôi. Những người khác yên lặng ôm chặt tay lên trán, lên cổ họng và trái tim trước khi nằm dài trên mặt đất để lạy. Khu chợ phía trước ngôi chùa tràn ngập những người: phụ nũ mặc váy dài thượt, trang trí bằng những tấm tạp dề sặc sỡ; người Khampa nhanh nhẹn, mớ tóc dài của họ được buộc chặt bằng những dây tết màu đỏ tươi, súng đeo lủng lẳng trên vai; những người du mục nhăn nheo từ trên các quả đồi kéo xuống; trẻ con với một điệu bộ vui sướng có mặt khắp nơi.

Khi tôi hé mắt nhìn qua tấm rèm từ trong buồng, tôi chưa bao giờ thấy một sự hối hả bận rộn như thế này. Chỉ riêng năm nay là có một không khí chờ đợi chưa từng thấy, ngay cả tôi, một con người tách biệt, tôi không thể không nhận ra. Cứ như là mọi người đều biết rằng có một cái gì hết sức quan trọng sắp xảy ra.

Ngay sau khi phần chính của nghi lễ Monlam vừa kết thúc (phần liên quan tới một khóa tụng kinh dài), hai nhân viên người Trung Quốc tới không thông báo trước, họ nhắc lại lời mời đi xem đoàn nghệ sĩ múa. Họ cũng hỏi tôi xem ngày nào tôi có thể đi dự được. Tôi trả lời tôi sẽ tới sau khi lễ hội kết thúc. Nhưng bầy giờ tôi còn có nhiều việc quan trọng khác để suy nghĩ, cụ thể là kỳ thi cuối cùng sắp tới.

Đêm hôm trước tôi cầu nguyện rất thiết tha, khi cầu nguyện, tôi cảm nhận được một xúc cảm mạnh mẽ chưa từng có, một cảm xúc vô tận về trách nhiệm nặng nề mà cương vị của tôi gánh vác. Rồi sáng hôm sau, tôi phải có mặt trong các cuộc tranh luận được tổ chức trước hàng ngàn người tham dự. Đề tài buổi sáng: lý luận và khoa học về nhận thức, những người phản biện đều là các sinh viên chưa tốt nghiệp giống như tôi. Giữa trưa, chủ đề là các trường phái Madhyamika và Prajnaparamita, cũng tranh luận với các sinh viên chưa tốt nghiệp. Đến chiều, tất cả năm chủ đề chính đều tấn công mạnh vào tôi, lần này do những người đã tốt nghiệp, họ đều lớn tuổi và cũng giàu kinh nghiệm hơn tôi.

Cuối cùng, vào khoảng bảy giờ tối, mọi chuyện đều kết thúc. Tôi cảm thấy kiệt quệ, song nhẹ nhõm và sung sướng thấy ban giám khảo nhất trí đồng ý tôi xứng đáng nhận bằng tốt nghiệp với học vị geshe, tiến sĩ Phật học.

Ngày mùng 5 tháng 3, tôi từ giã chùa Jokhang trở về Norbulingka với một đám diễu hành lộng lẫy như thường lệ. Vì là lần cuối cùng, cảnh ngoạn mục của một nền văn minh kế thừa trên một ngàn năm được thể hiện. Các nhân viên bảo vệ của tôi, đồng phục nghi lễ sặc sỡ, họ đứng quanh chiếc kiệu tôi ngồi. Phía sau họ là những thành viên của Kashag và giới quý tộc ăn mặc xa xỉ trong những bộ quần áo lụa lượt là, ngựa họ cưỡi cất bước ngạo nghễ. Họ như thể biết chắc rằng lời nói của mình được làm bằng vàng. Đằng sau giới quý tộc là các vị trưởng lão, các lạt ma lỗi lạc của cả nước, một số gày còm, khổ hạnh, một số trông giống như những thương gia phát đạt hơn là những bậc thầy có trình độ tiến hóa tâm linh rất cao.

Cuối cùng, hàng ngàn người tiếp nối hàng ngàn người, đường phố chật ních những người háo hức dọc theo quãng đường dài bốn dặm giữa chùa Jokhang và Norbulingka. Chỉ có một số người vắng mặt, đó là những nhân viên Trung Quốc, những người mà kể từ khi họ tới đây, lần đầu tiên họ đã quên gửi đại biểu tới. Điều này khiến nhân viên bảo vệ của tôi và quân đội không yên tâm. Phía quân đội đã bố trí binh sĩ ở những ngọn đồi bên cạnh, bề ngoài là bảo vệ tôi đối với những chiến sĩ chiến đấu cho tự do, nhưng thực ra trong đầu họ nghĩ về một kẻ thù khác. Nhân viên bảo vệ của tôi cũng có một nỗi lo tương tự. Nhiều người trong bọn họ công khai chiếm lĩnh vị trí, hướng mũi súng Bren vào tổng hành dinh quân đội Trung Quốc.

Chỉ sau hai ngày, tôi lại có một cuộc trao đổi gián tiếp với nhà cầm quyền Trung Quốc. Họ muốn biết chính xác khi nào tôi có thể đi xem biểu diễn. Tôi trả lời ngày 10/3 tôi có thể đi được. Hai hôm sau, trước hôm biểu diễn một ngày, một số nhân viên Trung Quốc tới gặp viên đội trưởng đội bảo vệ của tôi tại nhà riêng, nói rằng họ được lệnh mời anh ta tới tổng hành dinh của thiếu tướng Fu, cố vấn quân sự. Ông này muốn hướng dẫn tường tận những dàn xếp cho buổi tối hôm sau.

Viên cố vấn bắt đầu bằng việc cho anh ta biết nhà cầm quyền Trung Quốc muốn chúng tôi bỏ qua những thủ tục thông thường, những nghi lễ về buổi tới dự của tôi. Thật mỉa mai, ông nài nỉ rằng không cần quân đội Tây Tạng tháp tùng, mà chỉ có một hoặc hai vệ sĩ không vũ trang nếu thật sự cần thiết, ông thêm rằng họ muốn mọi việc diễn ra tuyệt đối bí mật. Đây dường như là những yêu cầu lạ lùng, các cố vấn của tôi có rất nhiều cuộc tranh về thái độ của họ. Tuy nhiên, tất cả đều đồng ý rằng tôi không thể từ chối mà không gây ra một mối bất hòa nghiêm trọng về ngoại giao có hậu quả xấu. Cho nên tôi bằng lòng đi dự với một điều kiện ít nghi lễ nhất và chỉ mang theo một vài nhân viên.

Tenzin Choegyal, em trai tôi, cũng được mời đi dự. Lúc này, cậu đang học ở tu viện Drepung, cậu có thể đi một mình. Cũng thời gian đó, có tin đồn rằng ngày hôm sau giao thông sẽ bị hạn chế trong vùng phụ cận, khu vực chiếc cầu đá bắc ngang qua sông gần kề tổng hành dinh của Trung Quốc.

Tất nhiên, những hoạt động của tôi không thể nào giữ bí mật được và chính việc người Trung Quốc muốn làm khiến những người dân lo lắng, họ hết sức quan tâm tới sự an ninh của tôi. Tin tức này nhanh chóng lan ra như ngọn lửa trên cánh đồng cỏ khô.

Kết quả thật tồi tệ. Ngày hôm sau, sau buổi cầu nguyện và bữa điểm tâm, tôi dạo bước trong vườn dưới ánh sáng yên lặng buổi bình minh. Đột nhiên tôi giật mình vì tiếng la hét cách đó một khoảng. Tôi vội đi vào trong nhà và nói với mấy người cần vụ hãy ra xem có chuyện gì. Khi trở về, họ giải thích người dân Lhasa đổ ra ngoài đường, hướng về phía chúng tôi. Dân chúng quyết định tới bảo vệ tôi. Suốt buổi sáng lượng người đông dần lên. Một số người tụ tập thành từng nhóm tại mỗi cửa ra vào công viên Đá quý, những người khác đi vòng quanh công viên. Tới trưa đã có khoảng chừng ba mươi ngàn người tập trung lại. Và buổi sáng, ba thành viên trong Kashag vô cùng khó khăn để vượt qua đám đông trước cửa ra vào. Người ta quát tháo một cách thù nghịch với những ai họ cho rằng kẻ đó phạm tội hoặc cộng tác với người Trung Quốc. Một viên chức cao cấp có nhân viên bảo vệ tháp tùng trong xe ô tô, ông này bị ném đá, bị thương nặng vì người ta cho rằng ông là kẻ phản bội. Họ đã lầm (trong thời gian 1980, con trai ông này, một thành viên trong phái đoàn bị cưỡng bức ký vào bản Hiệp ước Mười Bảy Điểm, đã tới Ấn Độ và ghi lại chi tiết về những gì trong thực tế đã xảy ra. Nhưng về sau, một vài người trong phái đoàn bị giết chết.).

Tôi kinh hoàng với cái tin này. Phải làm một điều gì để xoa dịu tình thế. Tôi nghĩ rằng, trong cơn tức giận, đám đông có thể liều lĩnh tập kích vào doanh trại quân Trung Quốc. Một số những người lãnh đạo được nhân dân tự phát bầu ra, họ kêu gọi người Trung Quốc hãy để mặc Tây Tạng cho người Tây Tạng. Tôi cầu nguyện một sự yên lặng. Cùng lúc đó tôi nhận thấy rằng dù cảm xúc cá nhân của tôi như thế nào đi chăng nữa, khả năng tôi sang tổng hành dinh Trung Quốc tối hôm đó sẽ không có. Vì vậy, người phụ trách nội vụ điện thoại cho phía Trung Quốc gửi lời xin lỗi, và theo sự hướng dẫn của tôi, ông thêm rằng tôi hy vọng mọi chuyện sẽ sớm bình thường, đám đông sẽ được thuyết phục để giải tán.

Tuy nhiên, đám đông trước các cổng ở Norbulingka quyết định không giải tán. Như những gì mà dân chúng và các người lãnh đạo của họ quan tâm, đó là sinh mạng Dalai Lama đang gặp nguy hiểm từ phía Trung Quốc, họ sẽ không giải tán cho tới khi nào cá nhân tôi đảm bảo với họ rằng tôi sẽ không đi tới tổng hành dinh Trung Quốc tối hôm đó. Tôi thực hiện điều này qua một nhân viên. Nhưng điều này cũng chưa đủ. Sau đó họ yêu cầu tôi không được tới doanh trại quân đội. Tôi khẳng định chấp nhận yêu cầu. Lúc này phần lớn những người lãnh đạo đã giải tán và đi vào trong thành phố, nơi những cuộc biểu tình khác vẫn tiếp diễn, nhưng còn rất nhiều người bên ngoài Norbulingka vẫn ở lại. Thật đáng tiếc, họ không ý thức được sự tiếp tục có mặt của họ đã tạo nên một mối đe dọa thay vì họ nên bỏ đi.

Cùng ngày đó, tôi gửi ba nhân viên cao cấp nhất sang gặp tướng Tan Kuan-sen. Khi tới tổng hành dinh của viên tướng này, họ thấy Ngaba Ngawang Jigme đã ở đó. Đầu tiên người Trung Quốc rất lễ phép. Nhưng khi viên tướng tới, ông ta không giấu được cơn thịnh nộ. Ông và hai nhân viên khác diễn thuyết nhiều giờ trước những người Tây Tạng, về cái gọi là sự lừa đảo của “bọn phiến loạn đế quốc”, ông buộc tội chính quyền Tây Tạng đã bí mật tổ chức chống lại chính quyền Trung Quốc. Hơn nữa, chính quyền Tây Tạng coi thường lệnh của nhà cầm quyền Trung Quốc, từ chối việc tước khí giới quân phiến loạn ở Lhasa. Những kẻ phiến loạn sẽ phải hứng chịu mọi biện pháp quyết liệt nghiền nát hành vi chống đối đó.

Khi các nhân viên báo cáo lại tình hình tối hôm đó cho tôi hay tại phòng họp ở Norbulingka, tôi nhận thức được rằng người Trung Quốc đã công bố tối hậu thư. Trong khi đó, vào khoảng 6 giờ, quãng độ bảy mươi nhân viên chính phủ cùng với những người lãnh đạo quần chúng còn lại và các thành viên đội bảo vệ của tôi tổ chức cuộc họp ở bên ngoài công viên Đá quý, họ tán thành một tuyên bố bãi bỏ Hiệp ước Mười Bảy Điểm, thêm vào đó là Tây Tạng không công nhận nhà cầm quyền Trung Quốc. Khi nghe tin đó, tôi gửi tới một thông điệp nói rằng trách nhiệm của những người lãnh đạo là làm giảm bớt áp lực chứ đừng làm xấu đi. Song lời khuyên của tôi dường như rơi vào những chiếc tai không thể nghe thấy.

Cũng tối đó, vào lúc muộn, tướng Tan Kuan-sen gửi tới một bức thư lời lẽ rất khả nghi, bức thư gợi ý rằng với lý do an ninh, tôi nên chuyển sang bên tổng hành dinh của ông ta. Tôi ngạc nhiên trước sự vô liêm sỉ của ông. Không thể nào có khả năng này. Nhưng để kéo dài thời gian, tôi viết một bức thư trả lời có tính chất hòa giải.

Hôm sau, ngày 11/3, những người lãnh đạo đám đông tuyên bố với chính phủ, họ sẽ bố trí người gác phía ngoài văn phòng chính phủ, ở ngay trong bức tường bên ngoài lâu đài Norbulingka. Họ làm như vậy để ngăn ngừa các vị bộ trưởng đi ra ngoài. Họ sợ rằng nếu họ không nắm lấy luật pháp trong tay, chính phủ sẽ bị ép buộc phải thỏa hiệp với nhà cầm quyền Trung Quốc. Kashag lại họp tiếp với các người lãnh đạo, yêu cầu họ chấm dứt biểu tình vì nó có khả năng dẫn tới một cuộc đối đầu.

Đầu tiên, những người lãnh đạo tỏ ra có thiện chí lắng nghe, song lại có hai lá thư của tướng Tan Kuan-sen gửi tới. Một bức gửi cho tôi, bức kia gửi cho Kashag. Thư gửi cho tôi lần này nội dung cũng tương tự như lần trước, tôi lại trả lời một cách lễ phép, tôi đồng ý rằng có những nhân tố nguy hiểm trong đám đông có thể sói mòn đi mối quan hệ Trung Quốc - Tây Tạng. Tôi cũng đồng ý rằng đối với sự an toàn của tôi, ý kiến sang bên tổng hành dinh của ông là đúng (nhưng không phải như vậy).

Trong lá thư gửi cho Kashag, viên tướng ra lệnh cho các bộ trưởng phải chỉ đạo đám đông rỡ bỏ chướng ngại vật dựng lên trên các đường phố từ ngoại ô Lhasa hướng tới Trung Quốc. Thật không may, điều này dẫn đến một hậu quả tai hại. Đối với những người lãnh đạo đám đông, bằng việc phát biểu họ muốn rỡ bỏ chướng ngại vật, người Trung Quốc đã tạo ra một dấu hiệu rõ ràng là họ có kế hoạch tăng viện, kế hoạch này có thể sử dụng để tập kích Dalai Lama. Những người lãnh đạo từ chối thi hành.

Khi nghe thấy điều này, tôi quyết định tự mình nói chuyện với những người lãnh đạo. Tôi giải thích rằng điều này rất nguy hiểm, người Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực để dẹp tan đám đông nếu những người lãnh đạo không mau chóng giải tán. Hiển nhiên lời thỉnh nguyện của tôi thành công một phần, vì sau đó họ tuyên bố họ sẽ di chuyển tới Shol, một ngôi làng dưới chân cung điện Potala, nơi mà những người biểu tình giận dữ sau này tập hợp lại. Nhưng những người ở bên ngoài Norbulingka vẫn không giải tán.

Trong lúc này tôi lại tham vấn tiên tri Nechung, vị này được triệu tập khẩn cấp. Tôi nên ở lại hay tôi nên đào thoát? Tôi sẽ phải làm gì? Nhà tiên tri nói rất rõ là tôi nên ở lại và đối thoại với người Trung Quốc. Chỉ có mỗi lần này, tôi không chắc rằng thực sự đây có phải là phương hướng hành động tốt nhất không. Tôi nhớ lại nhận xét của Lukhangwa về những thượng đế nói dối một khi thượng đế cũng cảm thấy tuyệt vọng. Cho nên tôi dành cả buổi chiều để thực hành Mo, một phương pháp dự đoán tương lai. Kết quả cũng giống như vậy.

Ngày hôm sau trôi qua trong trạng thái quay cuồng, hãi hùng và mờ mịt. Tôi bắt đầu nhận được những báo cáo về sự tăng viện của quân đội Trung Quốc, còn thái độ của đám đông gần như cuồng loạn. Một lần nữa tôi lại tham vấn tiên tri, song lời khuyên của vị đó cũng vẫn như trước. Rồi vào ngày 16, tôi nhận được lá thư thứ ba, lá thư cuối cùng của viên tướng, cùng với một tài liệu đính kèm của Ngabo. Lá thư của tướng Tan vẫn cùng một luận điệu như hai bức thư trước của ông ta. Mặt khác, tài liệu đính kèm của Ngabo xác định rõ điều mà tôi và mọi người lờ mờ kết luận, cụ thể là người Trung Quốc đã vạch kế hoạch tập kích đám đông và nã pháo vào Norbulingka. Ông muốn tôi chỉ rõ trên bản đồ vị trí của tôi sẽ ở đâu, để các pháo thủ có thể nắm rõ với mục đích không nhằm vào tòa nhà nào mà tôi đánh dấu. Thật khủng khiếp khi sự thật được hiểu ngầm trong đó. Không những cuộc sống của tôi gặp nguy hiểm, mà có thể hàng ngàn người còn bị mất mạng. Giá mà thuyết phục được họ trở về nhà. Chắc chắn họ thấy được họ đã thể hiện cho người Trung Quốc thấy cảm xúc mạnh mẽ của họ. Nhưng phỏng có ích chi? Họ đang trong tình trạng giận dữ tuyệt đỉnh không lay chuyển nổi, họ chống lại những người nước ngoài, những người không được hoan nghênh này đã tới đất nước họ với những biện pháp độc ác. Họ sẽ ở lại đến cùng và chết, để bảo vệ người hộ mạng quý báu của họ.

Miễn cưỡng, tôi bắt đầu trả lời Ngabo và tướng Tan trong một chừng mực nào đó, là tôi bị choáng váng do những cư xử đáng hổ thẹn của các phần tử phản động trong số những người dân ở Lhasa. Tôi cam đoan với họ rằng tôi vẫn cho là tốt nhất tôi nên chuyển tới nơi trú ẩn trong tổng hành dinh quân đội Trung Quốc, nhưng lúc này thực sự khó khăn, tôi hy vọng họ cũng kiên nhẫn đứng ngoài sự nhiễu loạn này. Làm mọi việc để kéo dài thời gian! Cuối cùng, đám đông sẽ không thể tụ tập như thế mãi được. Tôi cẩn thận không nói tôi ở đâu, hy vọng rằng điểm thiếu sót này sẽ gây ra một cái gì không chắc chắn và chậm trễ.

Gửi xong thư trả lời, tôi bối rối không biết làm gì hơn. Ngày hôm sau, tôi lại đi tìm lời chỉ bảo của vị tiên tri. Trước sự ngạc nhiên của tôi, vị đó quát to “Đi! Đi! Ngay tối nay!”. Người đồng tử (medium), vẫn trong trạng thái hôn mê, lảo đảo nghiêng người về phía trước, vồ lấy giấy bút, và rất rõ ràng, dứt khoát, anh vạch ra con đường tôi sẽ rời khỏi Norbulingka, tới tận thị trấn cuối cùng của Tây Tạng ngay sát biên giới Ấn Độ. Hướng chỉ của vị tiên tri không phải là hướng người ta mong đợi. Xong việc, người đồng tử, một vị sư trẻ tên là Lobsang Jigme, ngất lịm đi, dấu hiệu ngài Dorje Drakden đã rời khỏi thân xác vị sư đó. Ngay lúc đó, để nhấn mạnh thêm lời dạy tiên tri, hai quả đạn súng cối nổ ngay trong cánh đồng bên ngoài cửa phía bắc công viên Đá quý.

Nhìn lại sự kiện này sau hơn ba mươi mốt năm, tôi chắc rằng Dorje Drakden đã biết suốt từ đầu tới cuối sự việc đó, là tôi phải rời Lhasa vào ngày 17, nhưng không nói trước vì sợ bị tiết lộ. Nếu không có kế hoạch nào được vạch ra, sẽ không có ai biết gì về kế hoạch đó.

Tuy vậy, tôi không lập tức chuẩn bị ngay cho cuộc đào thoát này. Trước hết, tôi muốn xác định lại quyết định của vị tiên tri bằng phương pháp Mo một lần nữa. Câu trả lời nhất trí với vị tiên tri, dù cho tỷ lệ rủi ro rất cao. Không những quần chúng không cho ai ra vào mà không kiểm soát, thẩm vấn, thậm chí bức thư của Ngabo còn nói rõ người Trung Quốc đã tính đến việc tôi có thể đào tẩu. Họ cũng đã có những biện pháp ngăn ngừa. Hơn nữa, lời tư vấn siêu việt lại phù hợp với lập luận riêng của tôi: tôi thừa nhận rằng biện pháp ra đi là cách duy nhất tôi có thể khiến đám đông giải tán. Nếu như tôi không còn ở bên trong, sẽ không còn lý do gì để đám đông tụ tập. Do vậy tôi quyết định chấp thuận lời khuyên.

Do hoàn cảnh quá bế tắc, tôi thấy chỉ nên nói quyết định của mình với rất ít người. Đầu tiên tôi thông báo cho người phụ trách nội vụ và Chikyab Kenpo. Họ tiến hành những bước chuẩn bị cho một đoàn người đi khỏi cung điện đêm hôm đó, nhưng không cho ai biết ai sẽ có mặt trong đoàn. Đồng thời khi chúng tôi thảo luận xem đoàn đi như thế nào, chúng tôi cũng quyết định thành phần của đoàn. Tôi chỉ mang đi những người cố vấn gần gũi nhất, gồm hai vị trợ giáo và các thành viên trong gia đình hiện có mặt.

Chập tối ngày hôm đó, các trợ giáo cùng bốn thành viên Kashag rời cung điện, họ dấu mình dưới lần vải bạt đằng sau thùng xe của một chiếc xe tải; buổi tối, mẹ tôi, Tenzin Choegyal và Tsering Dolma cải trang, họ ra đi với lý do đi đến một tu viện nữ ở phía nam con sông Kyichu. Rồi tôi triệu tập những người lãnh đạo quần chúng tới, nói với họ kế hoạch của tôi, nhấn mạnh yêu cầu không những cần hợp tác tối đa (tôi biết chắc việc này được đảm bảo), mà còn phải tuyệt đối bí mật. Tôi tin rằng người Trung Quốc đã có gián điệp lẫn trong đám quần chúng. Khi những người lãnh đạo đã đi, tôi viết cho họ một cái thư giải thích lý do tôi ra đi, cầu xin họ đừng nổ súng, trừ khi buộc phải tự vệ, tôi tin rằng họ sẽ truyền đạt lại thông tin này với mọi người. Tin này phải được đưa ra vào ngày hôm sau.

Màn đêm xuống, lần cuối cùng tôi tới miếu thờ Mahakala, vị thần hộ mệnh của tôi. Khi đi vào trong miếu qua tấm cánh cửa nặng nề, kẽo kẹt, tôi ngừng lại một chút để ghi nhận những gì trông thấy trước mắt. Một số lớn các vị sư ngồi tụng kinh ngay dưới bệ pho tượng lớn vị thần bảo hộ. Không một chút ánh sáng điện nào ở trong buồng, chỉ có hàng tá ngọn đèn bằng bơ được cúng dâng, sắp thành dãy trên những chiếc đĩa bằng vàng hoặc bạc. Vô số những bức vẽ trên tường. Một chút bánh tsampa đặt lên trên một cái đĩa trên bàn thờ. Một người phục vụ, khuôn mặt nửa sáng nửa tối, khom người với một cái bình lớn để múc bơ ra đổ vào đèn. Không một ai ngước nhìn lên, dù tôi biết sự xuất hiện của tôi đã được thông báo trước. Phía bên phải tôi, một người cầm chiếc thanh la lên, trong khi người khác đặt miệng vào chiếc kèn thổi lên một nốt dài, buồn bã. Những chiếc thanh la cùng ngân vang lên. Âm thanh nghe thật an ủi.

Tôi bước tới trước, dâng lên vị thần hộ mệnh một chiếc kata, một dải lụa trắng. Đây là cử chỉ truyền thống của người Tây Tạng khi ra đi, ý nghĩa của nó không những làm nguôi giận các vị thần, mà còn ngụ ý sẽ trở về. Tôi nán lại một chút, lặng lẽ cầu nguyện. Bây giờ các nhà sư bắt đầu ngờ rằng tôi sẽ ra đi, nhưng tôi yên tâm với sự im lặng của họ. Trước khi rời khỏi căn buồng, tôi ngồi xuống ít phút và đọc kinh, tôi dừng lại ở đoạn nói về sự cần thiết “tạo ra niềm tin, lòng can đảm”.

Lúc ra đi, tôi bảo một ai đó vặn nhỏ đèn trong những gian còn lại của tòa nhà trước khi xuống cầu thang, ở đó tôi thấy một trong những con chó của tôi. Tôi vỗ về nó và sung sướng vì nó chưa bao giờ thân thiện với tôi cả. Sự chia tay của chúng tôi không quá khó khăn. Tôi rất buồn khi phải để lại những người bảo vệ, cần vụ. Tôi đi ra ngoài trong không khí tháng ba se lạnh. Ngay lối vào tòa nhà là những bậc thềm toả sang hai bên. Tôi đi vòng quanh, dừng lại ở một bên với một khoảng cách xa để quán tưởng tới Ấn Độ an toàn. Lúc quay trở lại lối vào, tôi quán tưởng trở về Tây Tạng.

Vài phút trước mười giờ, lúc này tôi mặc một cái quần dài không mấy quen thuộc, một cái áo khoác ngoài dài màu đen và khoác một khẩu súng trên vai bên phải, cuộn bức tranh cũ (thangka) của Đức Dalai Lama đời thứ hai đeo lên vai trái. Rồi bỏ cặp kính vào trong túi áo, tôi bước ra bên ngoài. Tôi rất sợ hãi. Có hai người lính đi cùng, họ yên lặng hộ tống tôi ra tận cửa ở bên trong bức tường, ở đây tôi gặp Kunsun Depon. Cùng với họ, tôi dò dẫm băng qua công viên mà không thể nhìn thấy gì. Tới bức tường bên ngoài, chúng tôi nhập vào với Chikyab Kenpo, người tôi phân biệt được do ông đeo một thanh kiếm. Ông nói với tôi bằng một giọng trầm, chắc nịch. Tôi được ông bảo vệ bằng bất kỳ mọi giá. Đi qua cổng, ông can đảm tuyên bố với dân chúng tập hợp ở đó, rằng ông đang làm nhiệm vụ tuần tra. Nhờ thế, chúng tôi được phép đi qua, không nói một lời nào.

Tôi có thể cảm nhận được sự hiện diện một khối lượng khổng lồ những con người mà tôi tình cờ gặp, nhưng họ không lưu ý tới chúng tôi, sau một vài phút đi bộ, chúng tôi lại chỉ còn một mình. Chúng tôi thương lượng để vượt qua đám đông một cách thành công, nhưng bây giờ còn phải lo ứng xử với người Trung Quốc. Ý nghĩ bị bắt khiến tôi kinh hãi. Lần đầu tiên trong đời tôi thực sự cảm thấy sợ sệt, tôi không sợ cho bản thân, mà chỉ lo cho hàng triệu con người đặt niềm tin nơi tôi. Nếu tôi bị bắt, tất cả sẽ mất hết. Còn một mối nguy hiểm khác là chúng tôi có thể bị những người chiến đấu cho tự do, vì không biết được chuyện đã xảy ra, họ có thể nhận lầm chúng tôi với lính Trung Quốc.

Trở ngại đầu tiên là nhánh của con sông Kyichu mà tôi thường tới thăm khi còn nhỏ, cho tới khi Tathag Rinpoché cấm tôi ra đó. Để vượt qua nhánh sông, chúng tôi phải bước lên các phiến đá, tôi khó khăn vượt qua sông vì không có kính. Mấy lần suýt ngã. Rồi chúng tôi tiến về bờ sông Kyichu. Gần tới bờ sông, chúng tôi tình cờ gặp một đám đông. Người phụ trách nội vụ vắn tắt nói với lãnh đạo của họ, rồi chúng tôi tiến ra bờ sông. Có nhiều chiếc thuyền nhỏ đã đợi chúng tôi cùng với người lái thuyền.

Cuộc vượt qua sông xảy ra bình thường, dù tôi chắc rằng tiếng mái chèo khua nước có thể thu hút những cỗ súng máy bắn vào chúng tôi. Có hàng ngàn lính Giải Phóng Quân đóng cả ở bên trong và bên ngoài Lhasa lúc này, không thể lường trước được rằng họ có đi tuần hay không. Sang tới phía bên kia, chúng tôi gặp một toán chiến sĩ chiến đấu cho tự do, họ đợi sẵn cùng với một số ngựa. Tại đây đoàn chúng tôi, mẹ tôi, anh chị em và các vị trợ giáo đều tập hợp lại. Cả đoàn phải tạm dừng để đợi số viên chức cao cấp đi sau. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi tranh thủ thì thầm trao đổi những nhận xét về cách hành xử tội lỗi của người Trung Quốc đã đưa chúng tôi tới con đường đèo này. Tôi đeo kính lên, không phải chịu cảnh mắt kém nữa, nhưng lẽ ra tôi không được làm như vậy, ánh đèn pin của lính Giải Phóng Quân gác doanh trại chỉ cách chỗ chúng tôi đứng vài trăm thước, có thể vì cặp kính mà họ nhận ra chúng tôi. Thật may, ánh trăng bị một đám mây thấp che khuất, tầm nhìn rất hạn chế.

Khi những người đi sau đã tới, chúng tôi lập tức tiến thẳng lên đèo có tên là đèo Che-La, đèo này phân cách thung lũng Lhasa với thung lũng Tsangpo. Vào quãng ba giờ sáng, cả đoàn dừng chân tại một ngôi nhà xuềnh xoàng, bên trong một trang trại, nơi đầu tiên của những nơi tạm dừng trong hành trình nhiều tuần tới. Nhưng chúng tôi không dừng lại đây lâu, sau ít phút chúng tôi tiếp tục lên đèo, và tới đỉnh đèo vào quãng tám giờ. Ngay trước khi tới đó, tia sáng đầu tiên của ban ngày bừng lên, chúng tôi nhìn thấy một cảnh tượng khôi hài, kết quả của sự vội vàng. Một mớ hỗn độn những con ngựa, yên cương và người cưỡi. Do tu viện cung cấp ngựa cho chúng tôi không được báo trước, do trời tối, thứ tốt nhất lại lắp vào thứ tồi nhất, rồi đưa nhầm đối tượng, những con ngựa già, ốm yếu nhất lại được lắp những bộ yên cương tốt nhất và do các viên chức cao cấp cưỡi!

Trên đỉnh đèo cao 16,000 bộ (đơn vị đo độ cao của Anh), đèo Che-La có nghĩa là đèo Cát, người dắt ngựa của tôi đứng lại, ông nói đây là cơ hội cuối cùng nhìn lại Lhasa. Thành phố cổ kính trông thật thanh bình hơn bao giờ hết, nằm tận phía xa tít. Tôi dành vài phút cầu nguyện trước khi xuống ngựa và chạy chân đất tới những sườn núi cát, những sườn núi tạo nên tên địa danh. Sau đó chúng tôi nghỉ ngơi một chút trước khi tiến tới bờ sông Tsangpo. Cuối cùng cả đoàn tới bờ sông lúc gần trưa, đây là điểm duy nhất để vượt qua sông bằng phà, hy vọng Giải Phóng Quân chưa tới đó trước. Họ đã chưa tới.

Ở phía bên kia sông, đoàn người dừng chân tại một ngôi làng nhỏ, dân trong làng đổ ra chào đón, có nhiều người khóc. Giờ đây chúng tôi đang ở bên lề những khu vực khó tới nhất của Tây Tạng: một miền có rất ít khu cư dân hẻo lánh. Đây là khu căn cứ của các chiến sĩ chiến đấu cho tự do. Từ đây trở đi, tôi biết rằng chúng tôi đã nằm trong tầm bảo vệ kín đáo của hàng trăm chiến sĩ du kích, họ được thông báo nơi sắp tới của chúng tôi, công việc của họ là bảo vệ khi chúng tôi di chuyển.

Người Trung Quốc sẽ rất khó khăn trong việc đuổi theo chúng tôi, nhưng nếu họ nhận được thông tin về địa điểm, họ có khả năng tính toán lộ trình và điều động lực lượng chặn chúng tôi lại. Để bảo vệ tức thì, một đoàn hộ tống chừng ba trăm năm mươi lính người Tây Tạng cùng với chừng độ năm mười người không chính quy được tập hợp. Bản thân đoàn người di tản bây giờ tăng lên chừng một trăm người.

Hầu như mọi người kể cả tôi, đều được vũ trang đầy đủ. Ngay như người nấu ăn cho tôi cũng đeo một khẩu ba dô ca to tướng và thắt một cái thắt lưng đeo đầy những quả đạn cối. Anh ta là một trong những thanh niên trẻ do CIA đào tạo. Anh háo hức sử dụng thứ vũ khí khủng khiếp này đến nỗi khi tới một nơi, anh nằm xuống, bắn nhiều phát vào chỗ anh nói là vị trí của kẻ thù. Nhưng việc nạp đạn mất quá nhiều thời gian đến nỗi tôi chắc rằng nếu là một kẻ thù thực sự, anh có thể không bắn trúng. Nói chung, đó không phải là một hành động ấn tượng.

Có những nhân viên CIA khác hoạt động ngay trong đoàn, một người sử dụng máy thu thanh hình như để liên lạc với cơ quan đầu não suốt hành trình. Hồi đó tôi không biết anh ta liên lạc với ai. Tôi chỉ biết rằng anh ta được trang bị một máy phát tín hiệu Moóc (Morse)

Đêm đó chúng tôi dừng lại ở một ngôi chùa tên là Ra-Me, tại đây tôi viết vội một lá thư cho Panchen Lama, tôi cho vị đó biết cuộc đào tẩu và khuyên nếu có thể, Panchen Lama hãy gặp tôi ở Ấn Độ. Từ hồi giữa mùa đông, sau khi vị này viết lên lời cống hiến những ước mong tốt lành cho năm tới, tôi không được biết tin tức gì về vị đó. Trong một thông báo ngắn và bí mật, Panchen Lama cũng nói vị đó nghĩ rằng, với tình hình xấu đi trên toàn quốc, chúng tôi cần vạch ra một chiến lược cho tương lai. Đây là dấu hiệu đầu tiên đó chứng tỏ Panchen Lama không còn ở trong vòng kiềm tỏa của những ông chủ Trung Quốc. Thật không may, thông điệp của tôi đã không tới tay vị này, Panchen Lama vẫn còn ở lại Tây Tạng.

Con đèo thứ hai tên là đèo Sabo-La, nơi chúng tôi tới đó sau hai ngày. Đỉnh đèo rất lạnh và có bão tuyết. Tôi bắt đầu lo lắng về một vài người đồng hành. Tuy rằng tôi còn trẻ và khỏe, song một số những người có tuổi trong đoàn cảm thấy việc đi lại rất khó khăn. Nhưng chúng tôi không dám giảm tốc độ vì đoàn vẫn còn trong tình trạng nguy hiểm, có thể bị quân đội Trung Quốc chặn đầu. Đặc biệt chúng tôi có nguy cơ bị bắt ở gọng kìm giữa cánh quân đóng ở Gyaltse và ở vùng Kongpo.

Đầu tiên, tôi định dừng tại Lhuntse Dzong, cách biên giới Ấn Độ không xa lắm, ở đây tôi sẽ tuyên bố bác bỏ bản hiệp ước Mười Bảy Điểm, tái lập lại chính quyền, cơ quan quản lý hợp pháp của toàn cõi Tây Tạng, rồi cố gắng mở cuộc đối thoại với chính quyền Trung Quốc. Tuy vậy, chừng năm ngày sau, bất thình lình một người kỵ binh tới mang cho chúng tôi những tin tức đáng sợ. Ngay sau khi chúng tôi ra đi chừng bốn mươi tám tiếng đồng hồ, người Trung Quốc bắt đầu pháo kích vào Norbulingka rồi bắn xả vào đám đông không có khả năng tự vệ. Nỗi lo tồi tệ nhất của tôi đã thành sự thực. Tôi nhận thấy không thể thương lượng được với những con người hành xử theo kiểu dã man tàn ác này. Không thể làm gì hơn, nên chúng tôi đi càng xa càng tốt, dù cho Ấn Độ còn cách rất nhiều ngày đường, qua nhiều đèo núi cao.

Cuối cùng, khi tới Lhuntse Dzong sau hơn một tuần di chuyển, chúng tôi tạm nghỉ ở đó hai ngày, đủ thời gian cho tôi chính thức tuyên bố bác bỏ hiệp ước Mười Bày Điểm và thành lập chính phủ, cơ quan hợp pháp duy nhất của nhà nước. Hơn một ngàn người tới dự lễ tấn phong. Tôi rất muốn ở đây lâu hơn một chút, nhưng những báo cáo cho biết có nhiều hoạt động của quân đội Trung Quốc cách đây không xa lắm. Do đó miễn cưỡng chúng tôi phải chuẩn bị di chuyển tới biên giới Ấn Độ cách nơi này theo đường chim bay là sáu mươi dặm Anh, trong thực tế dài gấp đôi. Vẫn còn một dãy núi phải vượt qua, cần nhiều ngày để thu hẹp khoảng cách, đặc biệt là những con ngựa đã kiệt sức và còn rất ít cỏ khô cho chúng. Chúng cần được nghỉ thường xuyên để bảo tồn sức lực. Trước khi lên đường, tôi cử đi một toán nhỏ với những người sung sức nhất, đi thật nhanh tơi Ấn Độ, tới gặp những nhân viên gần nhất, thông báo cho họ rằng tôi có kế hoạch tìm nơi trú ẩn ở đó.

Từ Lhuntse Dzong, chúng tôi vượt qua một ngôi làng nhỏ Jhora tới đèo Karpo, con đèo cuối cùng trước khi đến biên giới. Trước lúc sắp tới đỉnh đèo, chúng tôi gặp một chuyện chẳng lành. Không biết từ đâu, một chiếc máy bay xuất hiện, bay ngay trên đầu chúng tôi. Nó bay rất nhanh, nhanh tới nỗi không một ai nhìn thấy được dấu hiệu của nó, nhưng không nhanh tới mức người trên máy bay không thể nhìn thấy chúng tôi. Đây không phải là một dấu hiệu tốt. Nếu đó là máy bay của Trung Quốc, rất có thể là như vậy, đây là một cơ hội tốt của họ để bây giờ họ biết được chúng tôi đang ở đâu. Với nguồn tin này, họ có thể quay trở lại oanh tạc mà chúng tôi không có điều kiện tự vệ. Dù bất kỳ một dạng nào của máy bay, đây là một lời nhắc nhở mạnh mẽ, rằng tôi không được an toàn ở bất kỳ một nơi nào trên đất Tây Tạng. Mọi nỗi lo âu về hoàn cảnh di tản đều tan biến với một nhận thức: Ấn Độ là niềm hy vọng duy nhất của chúng tôi.

Muộn hơn một chút, những người tôi phái đi từ Lhuntse đã quay trở lại với thông tin: chính phủ Ấn Độ có tín hiệu đồng ý đón nhận. Tôi cảm thấy dễ chịu khi nghe thấy điều này, vì tôi không muốn đặt chân tới Ấn Độ mà không được phép.

Tôi nghỉ qua đêm cuối cùng trên đất Tây Tạng tại một cái làng bé nhỏ tên là làng Mangmang. Ngay khi vừa đặt chân lên điểm cuối cùng của miền Đất Tuyết, trời bắt đầu mưa. Trận mưa cộng thêm vào sau một tuần lễ thời tiết tồi tệ với những cơn bão tuyết lần lượt dội lên cả đoàn khiến chúng tôi tụt hậu lại. Mọi người đều kiệt quệ và tôi cho rằng đó là khó khăn cuối cùng chúng tôi phải chịu, nhưng cơn mưa liên tục xối xả suốt đêm. Tồi tệ hơn, chiếc lều của tôi bị dột, dù cho tôi có kéo cái giường đi khắp mọi nơi cũng không thể tránh được nước mưa tràn vào bên trong. Kết quả là cơn sốt của tôi kéo dài từ mấy ngày hôm trước, sau một đêm, cơn sốt biến chứng thành bệnh lỵ.

Sáng hôm sau, tôi ốm nặng, vì thế cả đoàn phải dừng lại ở đây. Các bạn đồng hành chuyển tôi tới một ngôi nhà nhỏ gần đó, nhưng không khá hơn chiếc lều bao nhiêu. Hơn nữa, tôi bị ngột ngạt bởi mùi hôi của bò từ nền đất xông lên tới nơi nằm. Ngày hôm đó, tôi nghe thấy trên máy thu thanh, một bản thông báo của đài phát thanh Ấn Độ nói tôi ngã ngựa và bị thương nặng trên đường tới Ấn Độ. Điều này lại làm tôi phấn khởi, vì đó là điều không may mà tôi cố tránh, dù tôi hiểu rằng các bạn tôi không yên tâm khi nghe thấy tin này.

Ngày hôm sau, tôi quyết định khởi hành. Giờ đây tôi rất khó khăn khi nói lời chia tay với những người lính và những chiến sĩ chiến đấu vì tự do, những người đã hộ tống đoàn suốt dọc đường từ Lhasa, những người bây giờ trở về đối mặt với người Trung Quốc. Có một nhân viên quyết định ở lại. Ông nói ở Ấn Độ, ông không có tác dụng, do vậy tốt hơn là nên ở lại chiến đấu. Tôi thực sự ngưỡng mộ quyết định và lòng can đảm của ông.

Sau khi nói lời chào tạm biệt đầy nước mắt với những con người đó, tôi được đỡ lên chiếc lưng rộng của con dzomo vì tôi còn yếu quá, chưa cưỡi được ngựa. Vậy là tôi rời quê hương bằng phương tiện giao thông khiêm tốn này.

CHƯƠNG 8
NĂM TUYỆT VỌNG

Đối với một nhóm lính gác ở biên giới Ấn Độ, chắc chắn họ phải nhìn chúng tôi với một cặp mắt thương hại: tám mươi người lữ hành, thể xác kiệt quệ, khốn khổ về mặt tinh thần do trải qua những thử thách. Tuy nhiên, tôi sung sướng khi gặp một nhân viên tôi được biết cách đây hai năm, ông cũng tới đây đón tiếp chúng tôi. Ông giải thích nhiệm vụ của ông là hộ tống tôi tới Bomdila, một thị trấn lớn cách đây bảy ngày đường, để nghỉ ngơi.

Cuối cùng chúng tôi tới đó sau ba tuần lễ rời Lhasa, tựa như một kỷ nguyên trôi đi. Tới nơi, một người nhân viên liên lạc cũ nhiệt tình chào đón tôi: ông Menon, và người phiên dịch: Sonam Topgyal Kazi, một trong hai ông đó đưa cho tôi bức điện của ngài thủ tướng:

“Các đồng nghiệp và tôi xin chào đón bạn, chúc mừng bạn tới Ấn Độ an toàn. Chúng tôi rất hân hạnh dành cho bạn, gia đình và các thành viên trong đoàn những tiện nghi cần thiết đề cư trú tại Ấn Độ. Nhân dân Ấn Độ, những người dành cho bạn sự sùng kính, chắc chắn theo truyền thống, sẽ tôn trọng tước vị của bạn. Xin kính thư. Nehru.”

Tôi ở lại Bomdila chừng mười ngày, ở đây tôi được gia đình vị Uỷ viên Hội Đồng địa phương quan tâm chu đáo. Sau cùng tôi khỏi hẳn bệnh kiết lỵ. Rồi, một sớm ngày 18/4/1959, tôi đi bằng xe jeep tới một trại tạm cư tên là Foothills, một đội quân danh dự đứng hai bên một chiếc thảm tạm thời bằng vải bạt trải tới tận nhà người đốc công, căn cứ buổi sáng của tôi. Khi vào trong nhà, tôi được dành cho một bữa ăn sáng gồm chuối tiêu, tôi ăn rất nhiều, và hậu quả thật không may cho hệ tiêu hóa. Tôi được ông Menon chỉ dẫn tường tận về những dàn xếp của chính phủ Ấn Độ đại diện cho tôi.

Chiều hôm đó, người ta đưa tôi tới Tezpur, từ đây tôi bắt đầu hành trình đi Mussoorie, một nơi an dưỡng trên đồi cách Delhi không xa, ở đây người ta đã tìm sẵn cho tôi một ngôi nhà. Một đoàn tàu đặc biệt đưa chúng tôi đi suốt quãng đường 1500 dặm đã chờ sẵn.

Khi rời khỏi ngôi nhà ở Foothills và lên một chiếc ô tô to màu đỏ đi tới ga xe lửa cách đó chừng 30 dặm, tôi thấy có rất nhiều người quay phim. Tôi được giải thích đó là những đại diện báo chí thế giới. Họ tới phỏng vấn về “sự kiện của thế kỷ”. Tôi sẽ phải gặp rất nhiều người trong bọn họ trên đường tới thành phố.

Khi tới Tezpur, tôi được đưa thẳng tới Nhà hát lớn, ở đây có hàng trăm thông điệp, điện tín và thư từ của mọi người trên toàn thế giới gửi tới chúc mừng. Trong một khoảng khắc ngắn ngủi, trong lòng tôi tràn ngập sự biết ơn, nhưng tình trạng khẩn cấp hiện tại bao trùm lên mọi thứ. Tôi cảm thấy yêu cầu cấp thiết nhất là chuẩn bị một bài diễn văn ngắn, dành cho những người đang chờ đợi một vài lời, để họ gửi tới tờ báo của họ. Trong bài diễn văn, tôi phác họa một cách thẳng thắn và cẩn thận những vấn đề lịch sử mà tôi đã đề cập tới. Xong việc, và sau khi ăn trưa nhẹ, chúng tôi lên tầu, chuyến xe lửa sẽ khởi hành lúc một giờ trưa.

Trên đường đi, hàng ngàn người xúm quanh đoàn hộ tống, vẫy tay và hô vang lời chào đón. Sự việc này diễn ra liên tục suốt hành trình tới Mussoorie. Một số nơi, người ta phải dẹp đường cho chúng tôi. Tin tức lan đi rất nhanh giữa những cộng đồng nông thôn và hình như tất cả mọi người đều biết tôi có mặt trên chuyến tầu đó. Hàng ngàn người quay lại và hô to “Dalai Lama Ki Fai! Dalai Lama Zinda-bad” (Xin chào Đức Dalai Lama, Đức Dalai Lama muôn năm). Cảnh tượng rất xúc động. Tại ba thành phố lớn trên lộ trình, thành phố Siliguri, Benares và Lucknow, tôi buộc lòng phải rời bỏ toa xe, ra nói chuyện trước những cuộc mít tinh tự phát đông đảo của những người tung hoa thân ái. Toàn bộ hành trình giống như là một giấc mơ kỳ lạ. Mỗi khi nhớ lại, tôi vô cùng biết ơn dân tộc Ấn Độ qua những cuộc biểu tình dạt dào thiện chí lúc bấy giờ.

Cuối cùng, chuyến tầu dừng tại ga Dehra Dun sau một hành trình dài ngày. Lại một cuộc mít tinh đông đảo chào đón. Từ đây chúng tôi đi xe thẳng tới Mussoorie, cách ga chừng một tiếng đồng hồ lái xe. Tôi được đưa tới Birla House, ngôi nhà của một trong những gia đình kỹ nghệ hàng đầu Ấn Độ được chính quyền trưng dụng dành cho tôi. Tôi phải ở đây cho tới khi một kế hoạch dài hạn được vạch ra. Do sự việc diễn biến, nó trở thành ngôi nhà tôi cư trú suốt một năm trời.

Chừng một ngày sau khi tới nơi, tôi nghe bản tin Tân Hoa xã nói rằng do vì bản tuyên bố của tôi ở Tezpur được viết dưới sự có mặt của người thứ ba, tuyên bố này có thể không đúng. Bản tin Tân Hoa xã khẳng định hiển nhiên tôi đã bị bắt cóc và bị “quân phiến loạn” ép buộc, họ so sánh bản tuyên bố của tôi như “một tài liệu thô bỉ, lập luận què quặt, đầy dối trá và nhiều kẽ hở”. Bài viết của Tân Hoa xã mô tả cuộc nổi dậy của người Tây Tạng do “bè lũ phản động có địa vị cao trong xã hội” tổ chức. Tuy nhiên, họ giải thích “với sự giúp đỡ của các nhà sư yêu nước người Tây Tạng và dân chúng, Giải Phóng Quân đã đập tan quân phiến loạn. Trước hết, đó là do lòng yêu nước của dân tộc Tây Tạng, ủng hộ Chính Quyền Nhân Dân Trung Ương, yêu quý nồng nàn Giải Phóng Quân, chống lại bọn đế quốc và những kẻ phản bội”. Tôi ra ngay một thông cáo vắn tắt xác nhận bản tuyên bố ở Tezpur do chính tôi ủy quyền.

Ngày 24/4, đích thân Pandit Nehru tới Mussoorie. Chúng tôi nói chuyện với nhau hơn bốn giờ đồng hồ với sự giúp đỡ của một người phiên dịch. Tôi bắt đầu bằng việc kể về những gì xảy ra sau khi tôi quay trở lại Tây Tạng, như tôi nhắc lại cho ông thấy, chủ yếu do yêu cầu của ông. Tôi tiếp tục nói tôi đã làm đúng như những gì ông đề nghị, xử lý rất công bằng, trung thực với người Trung Quốc, chỉ trích họ ở những điểm cần thiết và cố gắng giữ vững những điều khoản trong bản Hiệp Ước Mười Bảy Điểm. Sau đó tôi giải thích tôi nguyên không có ý chỉ nương nhờ vào sự hiếu khách của quốc gia Ấn Độ, mà còn muốn thành lập chính quyền của tôi tại Lhuntse Dzong. Lý do là tình hình ở Lhasa khiến tôi thay đổi ý định. Điểm này làm ông hơi mất bình tĩnh, ông nói: “Chính phủ Ấn Độ sẽ không công nhận điều này kể cả ông đã làm vậy.”. Tôi bắt đầu có ấn tượng rằng Nehru cho tôi chỉ là một người trẻ tuổi đôi khi cần được mắng mỏ.

Trong một phần khác của cuộc nói chuyện, ông đập bàn. “Sao lại có thể thế được?” Ông phẫn nộ hỏi lại một hoặc hai lần gì đó. Tôi tiếp tục trình bày dù cho sự gia tăng bằng chứng khiến ông trở nên hơi khó chịu. Cuối cùng, tôi khẳng định với ông vấn đề tôi quan tâm, đó là hai điểm: “Tôi quyết định giành lại độc lập cho Tây Tạng, nhưng yêu cầu trước mắt là chấm dứt đổ máu.”. Lúc này ông không còn nhịn được nữa. “Điều này không thể được” - Ông nói với một giọng đầy cảm xúc - “Bạn nói bạn muốn độc lập và cũng một giọng bạn nói bạn không muốn đổ máu. Phi lý!” Khi ông nói, chiếc môi dưới của ông rung lên vì giận dữ.

Tôi bắt đầu nhận thấy vị thủ tướng đang trong một trạng thái nhạy cảm, lúng túng. Trong nghị viện Ấn Độ, sau nguồn tin về cuộc trốn thoát khỏi Lhasa của tôi là sự chất vấn căng thẳng về vấn đề Tây Tạng. Hàng năm nay, vị thủ tướng bị nhiều chính trị gia chỉ trích về cách xử lý của ông. Và bây giờ, đối với tôi, ông có những biểu hiện của một lương tâm bị cắn rứt trong việc cố gắng nài ép tôi trở về Tây Tạng năm 1957.

Hơn nữa, lúc này rõ ràng Nehru muốn bảo vệ mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, quyết định triệt để gắn bó với mọi nguyên tắc của Bị Vong Lục Panch Sheel, dù cho sự mô tả của chính trị gia Acharya Kripalani về Bị Vong Lục là “sinh ra trong lỗi lầm để đóng dấu sự phê chuẩn của chúng ta trong việc hủy diệt một nhà nước cổ kính”. Ông cũng nêu rõ chính phủ Ấn Độ không xem xét việc tranh luận với người Trung Quốc đối với vấn đề chủ quyền của Tây Tạng. Ông khuyên tôi hiện tại nên nghỉ ngơi, không vạch ra một kế hoạch trước mắt nào cả, chúng ta sẽ có cơ hội cho những cuộc tranh luận sau này vào một dịp nào đó. Khi nghe thấy điều này, tôi bắt đầu nhận thức được rằng tương lai của tôi, của dân tộc tôi, tương lai đó không được đảm bảo như tôi đã nhận định. Cuộc gặp gỡ kết thúc khá chân thành, nhưng sau khi vị thủ tướng ra về, tôi ghi nhận một cảm xúc thất vọng sâu sắc.

Tuy vậy, rất nhanh, chúng tôi phải đối mặt với những việc trước mắt hơn là vấn đề Tây Tạng độc lập. Ngay khi vừa tới Mussoorie, chúng tôi nhận được báo cáo về một số lượng lớn người tỵ nạn không chỉ tới Ấn Độ, họ còn tới cả Bhutan. Lập tức, tôi cử ngay một số nhân viên đến tiếp nhận họ tại trại tỵ nạn mà chính quyền Ấn Độ mới thành lập một cách vội vã.

Qua những người mới tới, tôi được biết rằng sau trận dội bom đầu tiên xuống Norbulingka, người Trung Quốc chĩa súng vào cung điện Potala và chùa Jokhang, sát hại, làm bị thương hàng ngàn người. Cả hai tòa lâu đài đều hư hỏng nặng. Trường Y khoa Chakpori bị phá hủy hoàn toàn. Không ai biết được có bao nhiêu người chết trong cuộc tàn sát này, nhưng một tài liệu của Giải Phóng Quân bị các chiến sĩ chiến đấu cho tự do Tây Tạng bắt được trong năm 1960, tài liệu nói rằng từ tháng 3 năm 1959 tới tháng 9 năm 1960, có 87.000 người chết trong các hoạt động quân sự được ghi nhận (con số này không bao gồm những người chết do tự tử, tra tấn và đói kém).

Kết quả là hàng ngàn người dân chúng tôi tìm cách rời khỏi Tây Tạng. Rất nhiều người chết, hoặc trực tiếp dưới tay người Trung Quốc, hoặc do bị thương, đói rét và bệnh tật. Những người đào thoát qua biên giới, họ ra đi trong hoàn cảnh bị bỏ rơi một cách khốn khổ. Dù có lương thực và nơi nghỉ khi tới, mặt trời nghiêm khắc xứ Ấn Độ đòi hỏi nơi họ một cái giá không thương xót. Có hai trại tỵ nạn chính, một trại ở Missamari, gần Tezpur, trại kia ở Buxa Duar, trước đây là trại giam giữ tù binh chiến tranh của người Anh, gần biên giới Bhutan về hướng đông bắc.

Hai nơi này đều thấp hơn độ cao của Mussoorie chừng 6.000 bộ (foot: đơn vị đo chiều dài của Anh, một bộ bằng 0,3048 mét), do vậy sức nóng rất khắc nghiệt. Dù cho ở Tây Tạng mùa hè tương đối nóng, nhưng độ cao và không khí ở đó khô ráo, còn ở đồng bằng Ấn Độ, sức nóng lại đi kèm với độ ẩm cao. Đối với người tỵ nạn, điều này không những rất khó chịu mà thường còn gây tai họa chết người. Những chứng bệnh người Tây Tạng trước đây không hề biết, bây giờ phát triển nhanh trong môi trường mới. Vì thế, thêm vào nỗi nguy hiểm do thương tật phải chịu trong khi trốn khỏi Tây Tạng, còn thêm nỗi nguy hiểm chết người do nóng nực và các chứng bệnh khác như bệnh lao, chứng bệnh hay phát triển trong những điều kiện này. Rất nhiều người chịu không nổi.

Những người trong chúng tôi sống ở Mussoorie được xem là may mắn hơn đại bộ phận đồng hương. Do ở Birla House có lắp quạt, nên tôi ít bị ảnh hưởng, dù tôi cũng nhận thấy bản thân cái quạt có gây ra một số khó chịu. Khuynh hướng để quạt chạy suốt đêm, khuynh hướng này gây ra chứng rối loạn tiêu hóa. Tôi nhớ lại một câu tục ngữ của một người phục vụ tôi hồi còn ở cung điện Potala: “Mùa đông lạnh, bạn mặc ấm ban đêm, nhưng mùa hè nóng, bạn lại quên mất.”

Một nhận xét nhỏ trong lúc này của tôi là thời tiết nóng khích thích việc ăn hoa quả, trong khi mùa lạnh con người lại không có nhu cầu.

Tôi phải tự cố nén mình về những nỗi khó chịu do cái nóng gây ra, cái nóng của tháng hè đã hành hạ đồng bào tha hương của tôi trong những dịp tôi đi xuống đồng bằng. Chuyến đi xuống đồng bằng đầu tiên vào tháng sáu, khi tôi tới Delhi thăm vị thủ tướng để thảo luận về sự gia tăng dân số tỵ nạn. Hiện tại đã có chừng 20,000 người và con số đó còn gia tăng hàng ngày.

Tôi bắt đầu bằng việc yêu cầu cho người tỵ nạn mới tới được chuyển đến nơi nào khí hậu bớt khắc nghiệt hơn Tezpur và Buxa Duar. Khi tới, họ mặc áo dài và đi ủng, họ hoàn toàn quên mất mùa hè sắp tới. Và dù chỉ có vài ngàn người đầu tiên thoát khỏi bàn tay sát nhân của “những người giải phóng Tây Tạng”, phần lớn là đàn ông ở Lhasa hoặc những vùng phụ cận, thì sau này gia đình họ cũng sẽ tới. Những người này ra đi chủ yếu từ khu vực sát biên giới, nơi mà quyền kiểm soát của người Trung Quốc không triệt để.

Tôi khẳng định với ông Nehru là đại bộ phận họ sẽ chết nếu để họ ở đó. Đầu tiên, ông tỏ ý tức giận. Ông nói tôi yêu cầu nhiều quá, tôi cần nhớ Ấn Độ là một nước nghèo, đang phát triển. Nhưng rất nhanh bản năng nhân đạo của ông chiếm ưu thế. Kashag đã tổ chức những cuộc tranh luận với các nhân viên người Ấn về việc thuê mướn người tỵ nạn ở trại tỵ nạn phía bắc Ấn Độ, và bây giờ Nehru nói rằng ông muốn lo liệu để cho việc dàn xếp này được tiến hành thật nhanh chóng. Điều đó sẽ cho phép họ có đôi chút thu nhập để nuôi sống gia đình, đồng thời họ được đưa tới một nơi có khí hậu phù hợp hơn.

Rồi ông nói về việc giáo dục cho con em người tỵ nạn, và rất nhiệt tình đối với vấn đề này, cuối cùng ông cũng tỏ ra hứng thú với mọi vấn đề như vậy, ông coi đây là trách nhiệm cá nhân của ông. Ông nói, chừng nào ông còn quan tâm, chúng tôi vẫn là những vị khách của Ấn Độ với một tương lai trong tầm tay, con em chúng tôi sẽ là nguồn tài nguyên quý báu nhất. Các em cần được giáo dục cẩn thận. Và để bảo tồn văn hóa Tây Tạng, cần phải có những trường học dành riêng cho các em. Do vậy cần phải có một Hiệp Hội Giáo Dục Tây Tạng thuộc Bộ Giáo Dục Ấn Độ. Ông thêm vào rằng chính phủ Ấn Độ sẽ chịu hết mọi phí tổn để thành lập trường học (cho tới nay, chính phủ Ấn Độ vẫn tài trợ một phần rất lớn trong chương trình giáo dục của chúng tôi).

Cuối cùng, ông cảnh báo tôi, rằng trong khi điều quan trọng là trẻ em cần được lớn lên với kiến thức toàn diện về lịch sử và văn hóa của dân tộc mình, điều thiết yếu là các em cũng phải hiểu rành mạch cách sống của thế giới hiện đại. Tôi hoàn toàn tán thành. Ông nói, với lý do đó, chúng ta nên sử dụng tiếng Anh như là phương tiện dạy dỗ, vì “đó là ngôn ngữ quốc tế trong tương lai”.

Sau cuộc thảo luận tới bữa ăn trưa, lúc này Nehru nói ông sẽ gọi Tiến sĩ Shrimali, bộ trưởng Bộ Giáo Dục tới. Điều đó lại cho tôi cơ hội tiếp tục cuộc tranh luận. Ngay chiều hôm đó, vị thủ tướng nói với tôi chính phủ sẽ công bố thành lập Hiệp hội ngay ngày hôm đó. Tôi rất ấn tượng với một quyết định nhanh chóng như vậy.

Hàng bao năm trời nay, nhân dân và chính phủ Ấn Độ đã có những đóng góp phi thường cho chúng tôi, những người tỵ nạn Tây Tạng, đóng góp về mọi hỗ trợ tài chính và về nhiều mặt khác nữa, bất chấp những khó khăn kinh tế to lớn của họ. Tôi không biết rằng bằng vào địa vị chủ nhân của họ, những người tỵ nạn khác có được đối xử quá tốt như chúng tôi không. Trong thâm tâm, tôi luôn luôn nghĩ rằng bất kỳ lúc nào người Tây Tạng bị bắt buộc phải xin thêm tiền, thì chính lúc đó, hàng trăm ngàn trẻ em Ấn Độ đã bị thiếu đi ngay cả sự giáo dục căn bản.

Hơn nữa, với một góc độ, Ấn Độ nên là chỗ nương tựa của chúng tôi, đây là một điều đúng đắn. Vì Phật giáo từ Ấn Độ truyền bá sang Tây Tạng cùng với những ảnh hưởng của các dòng văn hóa quan trọng khác. Trong suy nghĩ của tôi, chắc chắn rằng Ấn Độ có quyền đòi hỏi Tây Tạng hơn là Trung Quốc, một đất nước chỉ có những ảnh hưởng ít ỏi. Tôi thường so sánh mối quan hệ giữa Ấn Độ với Tây Tạng như là mối quan hệ của một người thầy giáo với một học sinh. Khi học sinh gặp khó khăn, trách nhiệm của người thầy là giúp đỡ học sinh của mình.

Ngay phía sau lòng quảng đại của nhân dân Ấn Độ là sự hào phóng của các tổ chức hỗ trợ nước ngoài. Phần lớn đóng góp của họ là những hành động về bản chất rất thực tế, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Đồng thời sự giúp đỡ của họ cũng vô cùng quan trọng trong việc thiết lập xưởng làm đồ thủ công và các trung tâm lao động khác, những nơi này mang lại việc làm, điều rất có ý nghĩa đối với nhiều người. Bắt đầu là xưởng dệt thảm thành lập ở Darjeeling, thị trấn sản xuất chè mãi phía trên biên giới Nê pan, và ở Dalhousie, cách Dharamsala không xa. Hai nơi này do chính phủ Ấn Độ thành lập cuối năm 1959. Từ đó đưa ra một mô hình cho nhiều trung tâm khác, ví dụ một số trung tâm được thiết lập với sự trợ giúp của những đại diện nước ngoài cho tới nay vẫn còn tiếp tục hoạt động. Bây giờ, sau bao nhiêu năm, từng đơn vị trong các tổ chức hỗ trợ đã hoạt động từ khi cuộc di tản của chúng tôi bắt đầu, các đơn vị này đã thể hiện sự thành đạt của mình với những tiến bộ do người tỵ nạn thực hiện dưới sự hướng dẫn của họ.

Thái độ tích cực nhất mà người Tây Tạng dùng để đáp lại sự giúp đỡ được dành cho họ, đó cũng là cách tốt nhất của chúng tôi để thể hiện lòng biết ơn của mình. Điều này rất quan trọng, ít nhất vì tôi ý thức được tiền bạc cống hiến cho các tổ chức này đều từ túi của những con người mà nguồn kinh tế của họ cũng vô cùng hạn chế.

Trở lại Mussoorie sau khi tới thăm Delhi, tôi cảm thấy rằng đây là thời gian chín muồi để phá vỡ sự im lặng có chủ định, và ngày 20/6, tôi tổ chức họp báo. Có rất nhiều phóng viên báo chí ở Mussoorie đợi nghe tôi nói. Dù rằng “câu chuyện” đã qua đi hơn hai tháng, nhưng tổng số 130 phóng viên, đại diện cho các nước trên thế giới đều có mặt.

Tôi bắt đầu bằng một lần nữa long trọng tuyên bố bác bỏ hiệp ước Mười Bảy Điểm. Tôi giải thích rằng, một khi Trung Quốc đã vi phạm thuật ngữ “Hiệp ước” của họ, thì cũng không còn cơ sở luật pháp nào để công nhận hiệp ước. Sau đó tôi chi tiết hóa trong bản tuyên bố ngắn, nêu một cách cụ thể những hành vi tàn bạo họ đã vi phạm đối với người dân Tây Tạng. Tôi chắc chắn rằng người ta sẽ thấy được câu chuyện của tôi gần sự thật hơn những hư cấu khó tin của người Trung Quốc. Nhưng dù bản tuyên bố sau này của tôi được đưa tin rộng rãi, tôi đã coi thường hiệu quả sức mạnh của một chiến dịch được chỉ đạo đối với các mối quan hệ công khai mà chính phủ Trung Quốc đã tiến hành. Hoặc giả có lẽ tôi đánh giá quá cao những thiện chí của loài người khi đối mặt với chính sự thật. Tôi tin rằng bằng chứng thứ nhất của sự thật là cuộc Cách mạng Văn Hóa, rồi vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn xuất hiện trên màn hình, những sự kiện có thật này đã xảy ra trước khi thế giới hoàn toàn công nhận sự xuyên tạc và hành động dã man của cộng sản Trung Quốc.           

Ngay tối hôm đó, một bản thông cáo của chính phủ Ấn Độ tuyên bố không công nhận chính phủ lưu vong của Dalai Lama. Đầu tiên, tôi hơi ngạc nhiên và bị tổn thương. Tôi hiểu rất rõ chính phủ Ấn Độ không ủng hộ chúng tôi về mặt chính trị, nhưng giữ một khoảng cách như vậy thật không cần thiết. Tuy nhiên, cảm giác đau đớn tan đi rất nhanh, nhường chỗ cho một cảm xúc biết ơn to lớn như tôi thấy được lần đầu tiên trong đời, ý nghĩa thực sự của cụm từ “dân chủ”. Chính phủ Ấn Độ phản đối kịch liệt quan điểm của tôi, nhưng không hề cố ý ngăn cản tôi thể hiện quan điểm, lại càng không kìm hãm quan điểm đó.

Tương tự như vậy, Delhi không can thiệp vào công việc của tôi, không can thiệp vào sự kiện gia tăng số dân tỵ nạn. Theo yêu cầu của dân chúng, tôi bắt đầu một chương trình nói chuyện hàng tuần tại một khoảng đất trống trong ngôi nhà Birla House. Việc này khiến tôi có cơ hội gặp gỡ các tầng lớp người dân khác nhau, nói cho họ biết hoàn cảnh thực sự của Tây Tạng. Điều này cũng giúp tôi bắt đầu một tiến trình rỡ bỏ những nghi thức làm cô lập Dalai Lama với quần chúng. Tôi có một cảm giác mạnh mẽ là chúng ta không nên bám lấy những thực hành cổ lỗ không còn thích hợp. Tôi thường nhắc nhở mọi người, giờ đây chúng ta là những người tỵ nạn.

Cuối cùng, tôi yêu cầu tất cả mọi nghi lễ cần được cân nhắc để giảm thiểu, tôi xác định rõ là bản thân mình không muốn người dân phải thực hiện những thủ tục xã giao cổ hủ. Tôi cảm thấy điều này cực kỳ quan trọng khi giải quyết với những người nước ngoài. Gần như họ hưởng ứng với sự chân thành nếu họ nhận thấy điều đó. Duy trì một sự cách biệt dễ dàng làm người ta xa lánh. Cho nên tôi quyết định hoàn toàn cởi mở, bộc lộ tất cả, không hề giấu diếm dưới hình thức xã giao. Với phong cách này tôi hy vọng người ta sẽ quan hệ với tôi như con người cư xử với con người.

Đồng thời tôi quy định là mỗi khi tôi tiếp một người nào, người đó cần ngồi trên một cái ghế có cùng độ cao, không cần ngồi thấp hơn theo như truyền thống. Đầu tiên, bản thân tôi cũng thấy vấn đề này rất khó do tôi kém tự tin, nhưng từ đó lòng tự tin lại nảy nở. Và dù cho những cố vấn có tuổi của tôi e ngại, tôi nghĩ rằng chỉ có những người mới từ Tây Tạng sang là những người lúng túng với nguyên tắc này, họ không biết rằng vị Dalai Lama đã không còn sống theo như lối sống trước đây nữa.

Cuộc sống ở Birla House cũng không ích gì đối với những lễ nghi. Ở đây không trang trọng, to lớn, lúc này lại khá đông người. Tôi ở cùng với mẹ và người nhà, gia đình các nhân viên cũng ngay gần đó. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi thường xuyên gặp mẹ tôi. Tôi rất thích ở cùng bà.

Cộng thêm vào việc giảm nghi thức, hoàn cảnh khó khăn cũng cho tôi cơ hội lớn để đơn giản hóa cuộc sống của mình. Ở Lhasa tôi có khá nhiều vật sở hữu không dùng tới, nhưng việc cho đi lại rất khó. Giờ đây, tôi gần như không sở hữu một thứ gì, tôi thấy dễ dàng cho đi những gì người ta cho tôi, nếu như thứ đó có ích cho những người bạn tỵ nạn của tôi.

Ngay cả trong lĩnh vực quản lý, tôi cũng có nhiều thay đổi cơ bản. Ví dụ, lúc này tôi đã hiểu được cơ cấu phòng ban khác nhau của một chính phủ Tây Tạng mới. Cơ cấu này gồm có Bộ thông tin, Bộ giáo dục, Bộ kế hoạch, Bộ an ninh, Bộ tôn giáo và Bộ kinh tế. Tôi đặc biệt hoan nghênh phụ nữ tham gia trong chính phủ. Tôi nhắc nhở mọi người là những vị trí quan trọng không bao giờ được dựa trên cơ sở vấn đề giới tính, mà phải dựa vào trình độ, năng lực của ứng cử viên. Như tôi đã đề cập, phụ nữ luôn luôn giữ một vai trò quan trọng trong xã hội Tây Tạng, hiện nay có khá nhiều người nắm các vị trí then chốt trong chính phủ Tây Tạng tha hương.

Tôi trở lại Delhi vào tháng chín. Lúc này, tâm trạng tôi đôi chút nhẹ nhõm với vấn đề người tỵ nạn. Số người tỵ nạn tăng lên gần ba mươi nghìn, nhưng Nehru thực hiện lời ông nói và phần lớn người tỵ nạn được chuyển tới các trại tạm cư trên những quả đồi phía bắc Ấn Độ. Mục tiêu chính của tôi hiện nay là làm tất cả để vấn đề quyền đòi độc lập của Tây Tạng được đưa ra Liên Hiệp Quốc. Một lần nữa tôi bắt đầu cuộc thăm viếng bằng việc kêu gọi vị thủ tướng. Chúng tôi thảo luận dự án chuyển một số người mới đến tới miền nam Ấn Độ. Vị thủ tướng đã viết cho những người lãnh đạo các tiểu bang, hỏi xem nơi nào có thể chuẩn bị cho người Tây Tạng chúng tôi cư trú.

Sau khi bộc lộ sự thỏa mãn lớn do được biết nhiều nơi đã tạo điều kiện giúp đỡ, tôi đề cập tới kế hoạch cố gắng để có được một phiên tòa tại Liên Hợp Quốc. Lúc này, Nehru lại bắt đầu bày tỏ những dấu hiệu thái quá. Ông nói: một khi Tây Tạng và Trung Quốc không là thành viên trong tổ chức Liên Hiệp Quốc, khả năng thỏa mãn nguyện vọng của tôi không thể có. Dù cho tôi cố gắng, hiệu quả sẽ rất ít ỏi. Tôi trả lời rằng tôi ý thức được những khó khăn, nhưng tôi chỉ mong muốn thế giới lưu tâm tới Tây Tạng. Điều thiết yếu là dân tộc tôi không bị lãng quên trong thảm họa. Ông nói “Phương pháp để giữ vấn đề Tây Tạng tồn tại không do Liên Hợp Quốc quyết định, mà do sự giáo dục đúng đắn của con em bạn. Nhưng mọi chuyện tùy thuộc vào bạn. Bạn đang ở trong một quốc gia tự do. “

Trước đây tôi đã viết cho chính phủ nhiều nước trên thế giới, bây giờ tôi phải có những cuộc hội kiến với đại sứ các nước. Tôi thấy đây là một thử thách lớn. Tôi mới hai mươi bốn tuổi, kinh nghiệm ứng xử với các viên chức cao cấp chỉ giới hạn bởi những gì tôi đạt được trong thời gian tới thăm Trung Quốc và một vài cuộc nói chuyện với Nehru cùng các đồng nghiệp của ông ta. Tuy nhiên, cách ứng xử này lại rất hiệu quả khiến một số người thông cảm, họ cho tôi những lời khuyên về cách tiến hành, tất cả đều hứa thông báo lại cho chính phủ họ về yêu cầu được hỗ trợ của tôi. Cuối cùng, Liên bang Mã Lai và Cộng hòa Ái Nhĩ Lan nhận bảo trợ một giải pháp dự thảo, giải pháp này sẽ đưa ra tranh luận tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc vào tháng mười. Giải pháp dự thảo được thông qua nghiêng về phía chúng tôi trong một cuộc bầu với bốn mười lăm phiếu thuận và chín phiếu chống, hai mươi sáu phiếu trắng. Ấn Độ là một trong số các quốc gia bỏ phiếu trắng.

Đồng thời, trong cuộc thăm viếng thủ đô đặc biệt này, tôi có những buổi gặp gỡ với một số chính trị gia cảm tình người Ấn, gồm cả Jaya Prakash Naryan. Trung thành với cam kết năm 1957, ông này đã thành lập Hội Đồng Hỗ Trợ Tây Tạng. Ông thấy rằng đây là cơ hội tốt để thuyết phục chính phủ thay đổi lập trường đối với Tây Tạng. Lòng nhiệt tình của ông lan rộng và hết sức xúc động, dù về bản chất tôi đã biết Pandit Nehru không bao giờ thay đổi suy nghĩ. Một tiến triển khác được nhiệt tình đón nhận, đó là tin Uỷ Ban Luật Pháp Quốc Tế, một tổ chức độc lập, bảo vệ sự công bằng cho toàn thế giới, gần đây tổ chức này công bố một bản báo cáo về tình trạng pháp lý của Tây Tạng, bản báo cáo đã minh oan cho toàn bộ hiện trạng của chúng tôi. Uỷ ban này xem xét trường hợp của chúng tôi vào hồi đầu năm, bây giờ họ có kế hoạch tiến hành một cuộc điều tra hoàn chỉnh.

Một tháng sau khi trở lại Mussoorie, khi Uỷ ban Á - Phi họp ở Delhi, tôi ghi nhận một tinh thần phấn chấn đầy nhuệ khí. Uỷ ban dành hầu hết công việc của họ để tranh luận vấn đề Tây Tạng. Đại bộ phận các đại biểu đều xuất thân từ các quốc gia đã từng trải qua cảnh thuộc địa bị áp bức, lẽ tự nhiên họ có khuynh hướng tốt đối với Tây Tạng. Họ coi chúng tôi có cùng một hoàn cảnh giống như họ trước khi giành được độc lập. Tôi tiếp nhận những báo cáo về sự nhất trí ủng hộ của các đại biểu với một niềm vui sướng, lạc quan lớn lao, và bắt đầu cảm thấy từ đó một cái gì tích cực chắc chắn sẽ xảy ra. Nhưng hỡi ôi! Sự thất vọng đã rõ ràng đối với tôi, ngài thủ tướng có lý. Những người Tây Tạng chúng tôi không được phép nghĩ tới một cuộc trở về quê hương quá sớm. Thay vào đó chúng tôi cần tập trung trong việc xây dựng một cộng đồng Tây Tạng tha hương vững mạnh để cuối cùng khi thời cơ tới, chúng tôi có khả năng giành lại cuộc sống ở quê hương, một cuộc sống đã thay đổi bằng thực nghiệm của chúng tôi.

Việc cấp đất Nehru đã đề cập tới dường như tạo ra một viễn cảnh cho phép chúng tôi làm điều đó. Ba ngàn mẫu Anh gần Mysore thuộc miền nam Ấn Độ sẽ được giao ngay nếu chúng tôi muốn, nhưng dù đó là một đề nghị hào phóng, đầu tiên tôi hơi do dự. Tôi đã đi qua khu vực này trong lần đầu hành hương tới Ấn Độ, đó là một nơi yên tĩnh, thưa dân cư. Tuy vậy, khí hậu ở đây nóng hơn ở phía bắc, tôi cảm thấy điều kiện nơi này có vẻ khắc nghiệt. Hơn nữa, tôi sợ rằng khoảng cách từ đó tới văn phòng tôi ở Dharamsala quá xa.

Mặt khác, đối với hoàn cảnh hiện tại, tôi thấy rằng cần phải suy nghĩ về điều kiện bán ổn định tại Ấn Độ. Chỉ như vậy chúng tôi mới có thể bắt đầu một chương trình giáo dục, và tiến hành từng bước đề đảm bảo tính kế thừa văn hóa của người dân Tây Tạng. Cuối cùng tôi kết luận những cân nhắc đó giá trị hơn là các vấn đề về địa dư và tâm lý, do vậy tôi chấp nhận việc cấp đất một cách biết ơn. Đợt đầu tiên gồm 666 người tái định cư sẽ đi trong dịp đầu năm mới của năm 1960 để bắt đầu làm nhà ở. Trên cơ sở một mẫu Anh cho một người tỵ nạn, mục tiêu cuối cùng là thành lập một cộng đồng 3000 người.

Cuối năm 1959, một nguồn tin về hai tổ chức, tổ chức Uỷ Ban Cứu Trợ Trung Ương, người đứng đầu là ông Acharya Kripalani, và tổ chức Uỷ Ban Cứu Trợ Hoa Kỳ về Tỵ Nạn Tây Tạng, hai tổ chức này được thành lập đặc biệt để giúp đỡ chúng tôi. Về sau còn có những đại diện tương tự ở những quốc gia khác. Rất tận tuỵ, những tổ chức này giành cho chúng tôi nhiều hỗ trợ giá trị.

Trong thời gian đó, tôi bắt đầu đón tiếp các cuộc thăm viếng của những người quan tâm tới vấn đề. Một trong số đó là một vị sư Ấn Độ tôi đã gặp ở Dromo cùng với cả thánh tích của Đức Phật ông mang theo. Tôi vô cùng sung sướng gặp lại ông. Ông rất uyên bác, đặc biệt hứng thú với vấn đề kinh tế xã hội. Từ sau lần cuối chúng tôi gặp nhau, ông sử dụng phần lớn thời gian, sức lực để tổng hợp hệ tư tưởng Mác xít cùng với những nguyên lý tâm linh của Phật giáo. Điều này khiến tôi vô cùng hứng thú. Tôi nhận thấy rằng có rất nhiều người châu Á từ biên giới Thái Lan tới tận Si bê ri, tín ngưỡng quốc gia của họ là Phật giáo, do hiện nay họ phải chịu đựng đau khổ vì hậu quả của sự đối lập giữa chủ nghĩa Mác với tôn giáo, vậy thì những công việc như thế vô cùng quan trọng.

Đồng thời cũng trong thời gian này, tôi được tiếp một vị sư thuộc cánh tả Sinhalese. Cuối thời điểm ông ở Mussoorie, người bạn mới này mời tôi tới Sri Lanka. Đó là nơi tôi rất muốn đi, đặc biệt nơi này cho tôi cơ hội được nhìn thấy một trong những thánh tích quan trọng nhất: răng của Đức Phật. Tuy nhiên, mấy tháng sau, khi thời điểm thuận tiện của tôi đã tới, tôi nhận được một hướng dẫn đầy sức thuyết phục về tình trạng không an toàn của một người tỵ nạn. Chính phủ Sri Lanka gửi thông báo tỏ ý hối tiếc rằng cuộc viếng thăm của tôi phải hoãn lại vô thời hạn vì “có những khó khăn bất ngờ phát sinh không dự kiến trước”. Lời từ chối này hóa ra xuất phát từ Bắc Kinh. Một lần nữa tôi lại được nhắc nhở về quyền lực của những người anh, người chị có địa vị cao, họ chặn đứng ngay cả những hoạt động tôn giáo nếu như họ lựa chọn cách đó.

Tôi nhận thức được sự cần thiết để mở một cuộc đối thoại có ý nghĩa với người Trung Quốc sau khi tiếp một đại biểu trong nhóm nạn nhân của chủ nghĩa bành trướng Cộng sản. Họ là người ở phía đông Turkestan, bị Trung Quốc giày xéo năm 1949. Chúng tôi có rất nhiều điều để nói, dành nhiều thời gian so sánh những thực nghiệm của bên này với bên kia. Tôi được tiết lộ là số lượng người tỵ nạn Đông Turkestan nhiều hơn chúng tôi một cách đáng kể, một trong những người lãnh đạo của họ là luật sư. Hiện tại chúng tôi không có nổi một người thày thuốc nào trong những người tỵ nạn Tây Tạng, huống hồ là luật sư. Rốt cuộc chúng tôi thảo luận các biện pháp khác nhau để có thể tiến hành đấu tranh cho tự do ở trong nước. Cuối cùng, chúng tôi nhất trí liên lạc mật thiết với nhau, điều này chúng tôi vẫn duy trì, mặc dù không biết vì sao mà trường hợp của Tây Tạng luôn luôn thu hút công chúng hơn là trường hợp của họ.

Tháng mười hai, tôi thực hiện một hành trình sáu giờ đồng hồ tới Delhi một lần nữa, lần này coi như chặng thứ nhất của một chuyến hành hương mới. Tôi muốn dừng lại lâu hơn một chút tại những nơi đã tới hồi đầu năm 1957. Trong chuyến hành hương, tôi tới thăm vị thủ tướng một lần nữa. Hơi e ngại về những điều ông có thể phải nói với tôi do cách giải quyết của Liên Hợp Quốc, tôi lưỡng lự chờ đợi ông bực dọc. Trên thực tế, ông nhiệt thành chúc mừng tôi. Tôi bắt đầu thấy rằng, dù cho đôi khi bị ức chế, ông vẫn là một con người cao thượng. Một lần nữa, tôi lại nhớ tới ý nghĩa của cụm từ “dân chủ”. Dù tôi có phản đối quan điểm của ông, thái độ của ông đối với người Tây Tạng vẫn không thay đổi. Kết quả là, tôi cảm thấy hơn lúc nào hết tôi sẵn sàng lắng nghe ông. Điều này hoàn toàn trái ngược với những thực nghiệm của tôi ở Trung Quốc. Nehru không cười nhiều. Ông thường yên lặng lắng nghe, môi dưới rung rung, hơi trễ ra trước khi trả lời, mà ông luôn luôn thẳng thắn, trung thực. Sau hết, ông để tôi hoàn toàn tự do làm theo lương tâm. Nói một cách khác, người Trung Quốc hay cười cợt và giả dối.

Một lần nữa tôi cũng gặp vị chủ tịch nước, ngài Rajendra Prasad. Tôi là khách mời của ông cùng với các vị Jain và Acharya Tulsi, những người tôi có một cảm xúc vô cùng tôn trọng. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với vị chủ tịch năm 1956, tôi rất ấn tượng về tính khiêm tốn của ông. Phong cách của ông là một cái gì tương đối lạ lẫm, tôi thực sự xúc động rớt nước mắt. Đối với tôi ông như một vị Bồ tát sống. Lần cuối tôi nhìn thấy ông trong vườn tại nhà riêng của ông. Tôi di dạo rất sớm ngoài vườn, thấy ông cũng đang ở bên ngoài, một ông già, lưng còng, dáng vẻ cao quý ngồi trên chiếc xe lăn.

Rời Delhi, tôi tới Bodh Gaya. Ở đây tôi tiếp một đoàn đại biểu của hơn sáu mươi người tỵ nạn cũng hành hương tới. Một phút rất cảm động ngay sau đó, khi những người lãnh đạo đến gặp tôi, họ nguyện dành cả cuộc đời để tiếp tục đấu tranh vì một Tây Tạng tự do. Sau đó, lần đầu tiên trong kiếp sống này, tôi làm lễ thụ phong cho một nhóm 162 tu sĩ trẻ người Tây Tạng trở thành tỳ kheo (bikshu). Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự được thực hiện nghi lễ này tại tu viện Tây Tạng, một tu viện xây dựng trong tầm nhìn của chùa Mahabodhi, ngay bên cạnh Cây Bồ Đề, dưới gốc cây này Đức Phật đã đạt được khai sáng.

Sau đó tôi tới Sarnath và công viên Con Hươu, nơi Đức Phật giảng bài thuyết pháp đầu tiên. Đi cùng tôi là một đoàn tùy tùng nhỏ, gồm có Ling Rinpoché, Trijang Rinpoché, đương nhiên cả vị phụ trách y phục, vị phụ trách nghi lễ và vị phụ trách bếp núc. Khi đến nơi, tôi thấy chừng độ hai ngàn người tỵ nạn Tây Tạng vừa từ Nê pan tới, họ đã tập trung ở đó vì biết rằng tôi có kế hoạch giảng dạy. Những người này đang ở trong một điều kiện vật chất thật tồi tệ, song tôi có thể thấy được họ đối mặt với nỗi khổ bằng một thái độ rất can đảm. Người Tây Tạng là những thương nhân không hề biết mỏi mệt, họ dựng lên nhiều quầy hàng. Một số bán các đồ giá trị mang theo, những người khác bán quần áo cũ, một số lại chỉ bán trà uống. Tôi được truyền cảm bởi sức sống mãnh liệt của họ trước những khổ đau như vậy. Lẽ ra từng người một, họ có thể kể lại những câu chuyện về sự khắc nghiệt ghê gớm, tàn ác dã man, song ở đây họ đã cố gắng tới mức tối đa đối với những gì cuộc đời bé nhỏ này dành cho họ.

Tuần lễ giảng dạy đầu tiên ở công viên Con Hươu là một sự kiện tuyệt vời dành cho tôi. Có nghĩa là vô vàn điều có thể đưa ra giảng dạy ngay tại nơi Đức Phật đã giảng dạy 2500 năm về trước. Trong khóa giảng, tôi tập trung vào mọi khía cạnh tích cực về những thử thách của chúng tôi. Tôi nhắc nhở lại lời Đức Phật khi ngài nói sự đau khổ là bước đầu tiên dẫn tới sự khai sáng. Cũng có một câu nói cổ truyền của người Tây Tạng: “Nỗi đau khổ là thứ để bạn đo được sự sung sướng”.

Ngay sau khi trở lại Mussoorie, tôi được biết chính phủ Ấn Độ có kế hoạch di chuyển tôi tới một địa điểm ổn định tên là Dharamsala. Đây là một tin đột ngột có dấu hiệu cảnh báo. Tôi tìm Dharamsala trên bản đồ và thấy rằng đó là một vùng đồi, giống như Mussoorie, nhưng ở một vị trí rất hẻo lánh. Tìm hiểu sâu hơn, tôi được biết, không như Mussoorie cách Delhi vài giờ đồng hồ, hành trình từ thủ đô tới Dharamsala phải mất một ngày trời. Tôi bắt đầu nghi ngờ chính quyền Ấn Độ bây giờ định giấu chúng tôi tại một nơi khó liên lạc, với hy vọng những người Tây Tạng chúng tôi sẽ biến mất khỏi tầm nhìn của thế giới bên ngoài.

Tôi yêu cầu được phép gửi một nhân viên chính phủ Tây Tạng tới xem nơi này có phù hợp với nhu cầu của chúng tôi hay không. Lời thỉnh cầu được chấp thuận, tôi cử một thành viên của Kashag, ông J.T.Kundeling tới thăm dò điểm này. Sau một tuần lễ, ông trở về và tuyên bố “Nước ở Dharamsala còn tốt hơn sữa ở Mussoorie”. Vì thế chúng tôi chuẩn bị nhổ trại ngay, không chậm trễ.

Cùng lúc đó, tôi thực hiện cuộc thăm viếng đầu tiên trong nhiều lần tham quan các tỉnh phía bắc, nơi mà hàng ngàn người dân chúng tôi đang làm đường. Khi trông thấy họ tôi vô cùng đau đớn. Đàn bà, đàn ông, trẻ con làm việc từng nhóm sát cạnh nhau, những ni cô, nông dân, sư, nhân viên, tất cả đều tụ họp lại. Họ phải chịu đựng một ngày làm việc quần quật dưới ánh nắng mặt trời gay gắt, rồi ban đêm chui rúc trong những chiếc lều nhỏ xíu. Không một ai thích nghi nổi với hoàn cảnh. Dù ở đây có mát hơn ở trại tỵ nạn một chút, nhưng nóng nực và ẩm ướt vẫn gây ra những tổn thất đáng sợ. Không khí hôi hám, ruồi muỗi dày đặc. Kết quả là bệnh tật lan tràn, gây tử vong do thể trạng con người đã quá yếu. Tồi tệ hơn, bản thân công việc lại rất nguy hiểm. Phần lớn họ làm ngay bên sườn núi, mìn bắn đá sử dụng trong công việc cũng tạo ra một phần thương vong.

Cho tới nay, do công việc khủng khiếp này, một số những người già vẫn còn mang sẹo, tật nguyền, què quặt. Hiện nay kết quả công việc của họ đã rõ ràng, nhưng lúc đó toàn bộ dự án dường như là vô nghĩa. Chỉ cần một cơn mưa dữ dội đổ ập xuống là có thể xóa sạch mọi cố gắng của họ thành một vệt bùn đỏ. Song dù với tất cả những khó khăn như vậy, dù trong hoàn cảnh tuyệt vọng, những người tỵ nạn vẫn bộc lộ cho tôi thấy lòng tôn kính sâu sắc, họ cẩn thận lắng nghe khi tôi nói điều quan trọng của chúng ta bây giờ là cần giữ thái độ lạc quan. Tôi vô cùng xúc động.

Tuy nhiên, những cuộc viếng thăm các trại làm đường khiến tôi ý thức được một vấn đề. Con cái của những người làm đường đều bị thiếu dinh dưỡng nặng, tỷ lệ tử vong rất cao. Vì thế tôi tiếp xúc ngay với chính phủ Ấn Độ, chúng tôi khẩn trương tổ chức một trại tỵ nạn mới, đặc biệt phục vụ cho nhu cầu của những người làm đường. Cùng lúc đó, đợt đầu tiên gồm năm mươi em nhỏ được gửi tới Mussoorie, nơi trường học đầu tiên của chúng tôi được thành lập.

Ngày 1 tháng 2 năm 1960, những người cư trú đầu tiên tới Bylakuppe thuộc lãnh thổ Mysore. Sau này tôi được nghe nói khi trông thấy khu đất, nhiều người tỵ nạn òa khóc lên. Nhiệm vụ trước mắt dường như vô tận. Họ được cấp cho lều bạt và những dụng cụ cơ bản, nhưng ngoài những thứ đó ra, vốn liếng để sử dụng chỉ còn là lòng quyết tâm.

Hơn một tháng sau, vào ngày 10 tháng 3, trước khi cùng với chừng tám mươi nhân viên trong Chính Phủ Tây Tạng Tha Hương chuyển tới Dharamasala, tôi bắt đầu tuyên bố kỷ niệm ngày Dân Tộc Tây Tạng vùng lên, bây giờ trở thành ngày truyền thống. Trong dịp đầu tiên này, tôi nhấn mạnh sự cần thiết chấp nhận một quan điểm lâu dài của người dân đối với hoàn cảnh đất nước Tây Tạng. Những người sống tha hương như chúng ta, vấn đề ưu tiên là được định cư và kế thừa nền văn hóa truyền thống. Đối với tương lai, tôi phát biểu niềm tin của tôi, với Sự Thật, Công Bằng, và Can Đảm là vũ khí, chúng tôi, những người Tây Tạng, trong công cuộc giành lại tự do cho đất nước Tây Tạng, cuối cùng chúng tôi sẽ là người chiến thắng.

CHƯƠNG 9
100.000 NGƯỜI TỴ NẠN

Hành trình tới Dharamsala là một hành trình bằng ô tô và tầu hỏa chạy suốt đêm. Cùng với các tùy tùng, chúng tôi rời Mussoorie vào ngày 29 tháng 4 năm 1960, tới ga Pathankot ở Himachal Pradesh ngày hôm sau. Tôi nhớ rất rõ chuyến đi bằng xe hơi này. Sau một giờ trên đường, tôi trông thấy những chóp nhọn cao chót vót tít ở phía xa. Chúng tôi hướng thẳng tới đó. Trên đường đi chúng tôi qua một trong những miền quê đẹp nhất Ấn Độ- các cánh đồng xum xuê điểm xuyết cây cối, khắp nơi hoa rừng đủ các màu. Ba tiếng đồng hồ sau, chúng tôi dừng lại trong trung tâm thành phố Dharamsala, tôi chuyển từ xe Limousine sang xe jeep để đi nốt vài dặm về nhà ngay phía trên làng McLeod Ganj, một ngôi nhà nhìn xuống toàn cảnh thung lũng.

Đó là một cái bậc, đúng hơn là một cuộc leo núi dựng tóc gáy, tôi nhớ lại một vài cuộc hành trình quanh Lhasa, ở những nơi mà từ bên vệ đường, đôi lúc bạn có thể nhìn xuống phía dưới sâu hàng ngàn bộ. Khi tới McLeod Ganj, chúng tôi thấy tấm cánh cửa bằng tre dựng đứng lên với khẩu hiệu"Chào mừng” được in bằng chữ vàng ở phía trên. Từ đây chỉ còn là một dặm nữa là tới nhà tôi, tòa nhà Swarg Ashram, trước đây là Highcroft House, nơi cư trú của Quân Uỷ trong thời kỳ Anh quốc cai trị Ấn Độ. Đó là một ngôi nhà nhỏ xíu ăn sâu vào trong rừng, được bao quanh bởi những dãy nhà phụ, một trong những gian phụ dùng làm bếp. Còn ba ngôi nhà được trưng dụng cho các nhân viên của tôi. Dù sau này có thể cơi nới, số buồng ở nơi này vẫn ít hơn số buồng chúng tôi thường sử dụng, nhưng tôi thấy dễ chịu vì từ nay trở đi, cuộc sống chúng tôi sẽ được ổn định.

Khi tới đây, trời đã tối quá nên tôi không thấy được gì nhiều, nhưng ngày hôm sau, lúc thức dậy, điều đầu tiên tôi được nghe thấy là tiếng hót rất đặc biệt của một con chim, sau này tôi phát hiện ra nó là loài chim riêng ở khu vực này. “Kara-chok, Kara-chok”, nó hình như hót vậy. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ nhưng không thấy gì cả. Thay vào đó là một quang cảnh lộng lẫy của núi rừng.

Nhìn chung, thực nghiệm của chúng tôi về Dharamsala tương đối vui vẻ, mặc dầu tôi nhớ là ông Kundeling đã tìm thấy hương vị sữa của Mussoorie và cũng đã nghỉ hưu tại đây vài năm về trước. Chỉ có một mặt bất tiện của Dharamsala là mưa, khu vực mưa nhiều thứ hai trong lục địa Ấn Độ. Đầu tiên cả thảy có dưới một trăm người Tây Tạng. Nhưng giờ đây số người tỵ nạn vượt trên năm ngàn người. Chỉ có một vài lần người ta nghĩ tới việc chuyển đi chỗ khác. Lần cuối cùng cách đây mấy năm, khi một số trận động đất làm hư hỏng nhà cửa. Dân chúng bắt đầu nói ở đây quá nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng tôi không di chuyển, lý do chính vì phần lớn tuy có những trận động đất ở đây, nhưng thường là rất nhẹ. Lần nghiêm trọng cuối cùng xảy ra vào năm 1905, trong lúc người Anh sử dụng nơi này làm nơi rút quân về vào mùa hè. Lần đó, chóp nhọn của nhà thờ xứ bị xụp đổ. Vậy rất hợp lý để thừa nhận rằng những cơn chấn động cường độ lớn thường không phổ biến. Bên cạnh đó còn có một lý do thực tiễn: chuyển tới một nơi khác là một vấn đề hết sức khó khăn.

Tại Birla House, tôi ở cùng với mẹ và hai con chó loại Lhasa Apso người ta vừa mới tặng. Những con vật này là nguồn vui bất tận của mọi người. Cả hai đều có đặc tính riêng. Con lớn nhất tên là Sangye. Tôi thường nghĩ rằng tiền kiếp nó là một nhà sư, có lẽ là một trong những vị sư bị chết đói ở Tây Tạng. Tôi nói thế vì một mặt nó không có hứng thú với giới tính, mặt khác nó lại rất thích ăn: ngay cả khi đã no, con chó luôn tìm lý do để được ăn thêm. Đồng thời nó rất trung thành với tôi.

Còn Tashi, con chó kia, lại hoàn toàn khác. Dù bé hơn, nó lại là con can đảm nhất. Tenzin Norgay, người giỏi leo núi Everest, đã đem nó cho tôi, do vậy có thể tôi phải làm một cái gì đó cho nó. Tôi nhớ rất rõ có một lần nó ốm và bị tiêm. Sau lần tiêm thứ nhất, con chó rất sợ hãi. Lần sau, khi viên bác sỹ thú y tới, nó bị hai người bắt và giữ chặt để tiêm. Lúc này, Tashi gầm gừ với kẻ đã hành hạ nó, người mà sau khi xong việc, anh ta về ngay, vì khi đó mới là lúc an toàn để thả con chó nhỏ ra. Tashi lao đi đánh hơi khắp căn nhà để tìm con người khốn khổ kia. Nhưng nếu nó có thái độ dữ tợn, nó chỉ có thể sủa chứ không làm được gì hơn: quai hàm của nó chồng chéo lên theo một kiểu mà răng nó không thể cắn vào được một cái gì.

Khi chuyển tới Dharamsala, tôi đi cùng với ông Nair, nhân viên liên lạc của chính phủ, và một số bảo vệ thuộc quân đội Ấn Độ. Tôi có một mối quan hệ tuyệt vời với ông Nair, người tình nguyện dạy tiếng Anh cho tôi. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, tôi thu xếp gửi Tenzin Choegyal tới North Point, một trường dạy Anh ngữ ở Darjeeling, bản thân tôi bắt đầu học tiếng Anh trong thời gian ở Mussoorie. Rất rộng rãi, chính phủ Ấn Độ cho một số người thường xuyên hướng dẫn tôi mỗi tuần chừng hai hoặc ba lần. Nhưng lúc này tôi không phải là một học sinh có hứng thú, tôi mau chóng tìm được những lý do biện hộ cho việc trốn tránh học tập. Tôi tiếp thu khá chậm. Nhưng tôi thích học tập với người liên lạc mới, tôi tiến bộ rất nhanh dưới sự huấn luyện của ông, dù không hứng thú với một khối lượng khổng lồ các bài viết ông đưa ra cho tôi. Tôi rất buồn vì hai năm sau, ông Nair được bổ nhiệm vị trí khác.

Từ đó trở đi, việc hướng dẫn Anh ngữ của tôi trở nên thất thường. Rất nhiều người giúp đỡ, kể cả một số người Tây Tạng, nhưng tôi ngờ rằng khả năng sử dụng thành thạo Anh ngữ của tôi không khá hơn cách đây hai mươi năm. Tôi luôn luôn nhớ lại một cách đau đớn về vấn đề này khi ra nước ngoài. Tôi thường xấu hổ với những sai lầm nghiêm trọng mắc phải trong ngôn ngữ, và hối tiếc rằng mình đã không chuyên cần học tập khi có cơ hội.

Cùng với việc học tiếng Anh trong những năm đầu tiên sống ở Dharamsala, tôi lại đắm mình trong công cuộc nghiên cứu tôn giáo. Tôi bắt đầu xem xét lại một số văn bản Tạng ngữ mà tôi đọc lần đầu tiên khi còn nhỏ. Đồng thời, tôi cũng theo học giáo lý của một số bậc thầy di tản thuộc các truyền thừa khác nhau. Và, dù cho sự thức ngộ về Bồ tát (khát vọng đạt được Phật quả vì lợi ích của toàn thể chúng sinh) vẫn còn rất xa, tôi thấy giờ đây không có một áp lực nào buộc mình phải làm việc cả, ý tưởng này không quá khó chịu, tôi bắt đầu làm được nhiều thứ. Thật đáng tiếc, sự thiếu thốn thời gian rất nhanh trở thành một chướng ngại lớn trong quá trình phát triển của lĩnh vực này. Nhưng tôi có thể nói rằng, tới mức độ mà tôi đã đạt được một cái gì đó về tâm linh, mức độ này vượt quá toàn bộ những nỗ lực tôi bỏ ra.

Trong hai tuần lễ kể từ ngày tới Dharamsala, tôi đã mở được một nhà trẻ đầu tiên cho con em người Tây Tạng. Nhà trẻ thành lập trong một tòa nhà nhỏ trước đây bị bỏ hoang, được chính phủ Ấn Độ thuê làm nhà ở cho trẻ em mồ côi trong số những người tỵ nạn mới tới. Tôi chỉ định chị Tsering Dolma điều hành. Nơi này không đủ không gian cho năm mươi em trong đợt ủy thác đầu tiên. Nhưng hiện tại các em sống khá tiện nghi nếu so sánh với cuối năm, khi con số tăng lên gấp mười lần, một sự gia tăng rõ ràng. Có một thời điểm, 120 em phải chia nhau một căn buồng ngủ độc thân. Năm hoặc sáu em chung nhau một cái giường, nằm đảo đầu đuôi cho tất cả vừa đủ chỗ. Nhưng dù cho hoàn cảnh rất khắc nghiệt, tôi không thể ngăn được nỗi vui sướng mỗi khi tới thăm chị và gia đình mới mẻ đông đúc này của chị. Vì rằng, dù không cha không mẹ, song ngôi nhà của những sinh mạng cơ cực này lại tràn đầy tiếng cười, tràn đầy niềm vui, dường như chúng tạo ra một sự nhạo báng về cảnh đời cơ cực của chúng.

Chị tôi đã chứng tỏ là một người lãnh đạo xuất sắc, không bao giờ chịu thất bại. Chị là một phụ nữ có uy lực, nghiêm khắc, thừa kế tính khí truyền thống gia đình trên mọi mức độ. Về tâm hồn, chị là con người nhân hậu với một phong cách hài hước. Những đóng góp của chị trong lúc khó khăn này thật vô giá. Chỉ là cô gái quê, không được thừa hưởng một nền giáo dục nào, chị dành phần lớn tuổi trẻ của mình giúp đỡ mẹ tôi trong việc nhà. Chị có một sức chịu đựng vô biên với mọi công việc nặng nhọc. Điều này cùng với bản chất mãnh liệt, tạo chị thành một người lãnh đạo tuyệt vời.

Tuy nhiên, vấn đề rất nhanh trở nên rõ ràng, rằng những nguồn an ủi thỏa đáng đối với các em mồ côi lại không phải là chúng tôi, cũng không phải là chính phủ Ấn Độ. Tôi đi đến kết luận: ít nhất một vài em cần được một số gia đình người nước ngoài nhận làm con nuôi, nếu có thể. Vì thế tôi tiếp xúc với một người bạn Thụy sĩ, giáo sư Aeschmann, nhờ ông tìm kiếm cơ hội. Đối với tôi Thụy sĩ là một quốc gia lý tưởng, đây là một quốc gia tương đối nhỏ, phương tiện liên lạc tuyệt vời, và như một ưu đãi, một quốc gia có những dãy núi gợi nhớ phong cảnh quê nhà.

Chính phủ Thụy sĩ hỗ trợ ngay từ lúc bắt đầu, họ tuyên bố họ muốn nhận 250 em lập tức. Hơn nữa, họ đồng ý hỗ trợ từng bước, đảm bảo dù các em có được nhận nuôi nấng trong những gia đình Thụy sĩ, các em vẫn có cơ hội tối đa để duy trì nền văn hóa độc đáo và nhân thân người Tây Tạng của các em.

Đợt đầu tiên ra đi, rồi nối tiếp những đợt sau đó, sau này còn có một chương trình dành cho không những một số sinh viên lớn tuổi được học tập ở Thụy sĩ, mà 1000 người tỵ nạn được định cư. Khi hoàn cảnh chúng tôi khá hơn, chúng tôi không còn phải kêu gọi lòng quảng đại của quốc gia Thụy sĩ nữa. Nhưng tôi luôn luôn vô cùng biết ơn về tất cả những gì quốc gia này đã dành cho dân tộc tôi.

Ngay sau khi tới Dharamsala, tôi đích thân tiếp xúc với các thành viên của Uỷ Ban Luật Gia Quốc Tế, những con người mà công việc của họ trong thời gian trước đây đã cổ vũ chúng tôi rất nhiều. Họ yêu cầu tôi đưa ra bằng chứng cho Uỷ Ban Điều Tra, tôi vui sướng làm điều này. Kết quả cuộc điều tra của họ được công bố ở Geneva vào tháng tám năm1960. Một lần nữa, các luật gia hoàn toàn chứng minh được quan điểm đúng đắn của Tây Tạng: Uỷ Ban tuyên bố Trung Quốc đã vi phạm điều khoản thứ mười sáu của Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, đã phạm vào tội ác diệt chủng. Họ cũng nêu cụ thể một số hành vi tàn bạo ghê tởm mà tôi đã đề cập trước đây.

Với mức độ thực tiễn, tôi học được một điểm rất có ích bắt nguồn từ các cuộc thảo luận với Uỷ Ban. Một trong những thành viên của Uỷ Ban, có lẽ là một người Anh, ông hỏi tôi xem chúng tôi có ai nghe và kiểm tra đài phát thanh Bắc Kinh. Tôi trả lời không. Ông ngạc nhiên trước điều này, ông giải thích một số điểm về việc cần thiết lắng nghe xem họ nói gì. Đây là một lời phê bình sự thiếu tinh tế của chúng tôi, điều này chúng tôi chưa nghĩ ra. Như chúng tôi biết, đài Bắc Kinh không làm gì hơn là tuyên truyền và dối trá. Chúng tôi không thấy được giá trị của việc nghe đài để biết những gì xảy ra trong suy nghĩ của người Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi thấy được tính hợp lý của việc đó và lập tức chỉ đạo Kashag thành lập một đội kiểm tra tin tức phát thanh, những người kế vị họ vẫn tiến hành công việc tới tận hôm nay.

Suốt năm 1960, tôi tiếp tục công việc sắp xếp lại cơ quan quản lý nhà nước Tây Tạng. Cùng với Kashag và các đơn vị khác, tôi bắt đầu thực hiện tiến trình khó khăn của một khuynh hướng hoàn toàn dân chủ. Ngày mồng 2 tháng 9, tôi khai mạc cơ quan “Uỷ Ban Đại Diện Nhân Dân Tây Tạng”. Các thành viên của tổ chức này, đơn vị hợp pháp tối cao của chính phủ, được mở rộng cho những đại biểu bầu từ ba miền của Tây Tạng, đó là U-Tsang, Amdo và Kham. Mỗi một truyền thừa chính trong Phật giáo Tây Tạng cũng có ghế trong đó. Sau này cơ quan cũng gồm cả những người theo đạo Bon cổ truyền. Uỷ ban, bây giờ gọi là Quốc Hội Đại Diện Nhân Dân Tây Tạng, hoặc Bhoe Mimang Chetui Lhenkhang, ủy ban có chức năng giống như nghị viện. Thành viên của tổ chức này gặp gỡ Kashag và các thư ký của các Bộ khác, hoặc Lhenkhang, để thảo luận mọi vấn đề mỗi tháng một lần. Trong trường hợp đặc biệt, Uỷ Ban này có quyền gặp cả Uỷ Ban Lao Động Quốc Gia, hoặc Gyunle, gồm lãnh đạo các Lhenkhang, và những thành viên của Kashag (hiện nay những thành viên này được bầu ra chứ không do tôi chỉ định nữa). Mọi thứ Quốc Hội Đại Diện Nhân Dân đưa ra biểu quyết phải được thi hành theo kết quả của biểu quyết.

Mới đầu, cách tổ chức mới mẻ này không thu được thắng lợi khả quan. Vì đối với người Tây Tạng, sự thay đổi này quá triệt để nên một số người cho rằng chính phủ Dharamsala thực hành đường lối cộng sản! Sau ba thập kỷ, chúng tôi vẫn phải đối đầu với biết bao nhiêu vấn đề, nhưng mọi thứ đều đổi mới và luôn luôn được cải thiện. Chắc chắn chúng tôi vượt xa anh chị em chúng tôi ở Trung Quốc, những người có thể học được ở chúng tôi rất nhiều. Tại thời điểm viết cuốn sách này, Chính quyền Tây Tạng tha hương đang ở trong tiến trình thi hành nhiều biện pháp mới để nâng cao quyền dân chủ trong cộng đồng.

Đầu tiên, một số nhân viên có tuổi cùng di tản, họ cảm thấy sự thay đổi này khó chấp nhận. Nhưng nói chung, họ nhận thức được nhu cầu cải cách của hệ thống và nhiệt tình hoàn thành nhiệm vụ. Tôi thường nghĩ về họ một cách trìu mến. Trong những năm đầu tiên, dù tôi có điều kiện sống tương đối tiện nghi, song với đại bộ phận nhân viên trong chính phủ, điều này không đúng một chút nào. Rất nhiều người, kể cả những người cao tuổi, tất cả đều sinh hoạt trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn, ví dụ, một số người phải ở trong chuồng bò. Nhưng họ sẵn lòng chịu đựng không hề phàn nàn, dù rằng ở Tây Tạng cuộc sống của họ cực kỳ sung sướng. Và ngay cả một số cá nhân, do tư tưởng bảo thủ của họ, tận trong đáy lòng, họ không đồng ý với đường lối tôi đang lãnh đạo, nhưng từng người một, tất cả mọi người đều có những đóng góp nhất định trong giai đoạn đen tối đó. Họ đối mặt với mọi khó khăn mà chúng tôi phải chia sẻ với một niềm vui lớn, sự quyết tâm, và làm tất cả mọi thứ để tái thiết lại cuộc sống đổ vỡ của dân tộc tôi, hoàn toàn không vì một ý nghĩ vị kỷ. Trong những ngày đó luơng của họ không vượt quá 75 rúp pi, hoặc 3 bảng Anh một tháng, mặc dù họ có có thể kiếm được nhiều hơn ở nơi khác nhờ vào trình độ được giáo dục.

Không có ai trong nhóm chúng tôi nói công việc quản lý lúc này là dễ dàng. Lẽ tất nhiên, con người có những cá tính khác nhau, còn có cả những chuyện cãi nhau lặt vặt. Đó là bản chất của con người. Song nhìn chung, mọi người sử dụng hết sức lực của mình một cách nhiệt tình vì lợi ích người khác mà không hề tính toán.

Một mối bận tâm chính yếu khác của tôi ngay lúc bắt đầu cải tổ, đó là việc gìn giữ, phát triển tôn giáo. Không có điều này, tôi biết chắc rằng nguồn văn hóa của chúng tôi sẽ bị khô kiệt. Mới đầu, Chính phủ Ấn Độ đồng ý tạo điều kiện cho một cộng đồng triết học kinh viện gồm 300 vị sư, cộng đồng được thiết lập tại một trại tù chiến tranh cũ ở Buxa Duar, gần biên giới Bhutan. Nhưng với lý do cộng đồng Phật tử này phụ thuộc vào học bổng có tiêu chuẩn cao, cuối cùng chúng tôi cố gắng thuyết phục họ gia tăng mức cam kết tài trợ cho 1500 vị sư của tất cả các dòng truyền thừa. Đây là những vị sư trẻ nhất, có khả năng nhất trong hơn 6000 nhà sư đi tỵ nạn, và cũng là những giáo sư có kinh nghiệm còn sống sót.

Thật đáng tiếc, điều kiện ở Buxa Duar rất tồi. Khí hậu ẩm ướt và nóng đặc biệt, bệnh tật tràn lan. Những khó khăn này gia tăng cùng với vấn đề lương thực phải cung cấp từ xa. Khi tới nơi, thực phẩm thường đã bị ôi thiu. Chỉ trong vài tháng, hàng trăm vị sư học giả mắc bệnh lao. Tuy vậy, họ vẫn chịu khó học tập, làm việc chuyên cần cho tới khi có thể được di chuyển. Tôi lấy làm buồn phiền vì không có điều kiện tới thăm nơi này, tuy vậy tôi cố động viên họ bằng những lá thư, lời dặn ghi vào băng. Hiển nhiên điều này đã có một kết quả nhất định, dù cho trại này không bao giờ khắc phục được những khó khăn đó, song những con người còn sống sót ở nơi đó đã trở thành nhân tố của một cộng đồng tu viện vững mạnh.

Tất nhiên, với những năm đầu tiên, một trong khó khăn lớn nhất của chúng tôi là nguồn tài chính. Đây không phải là một vấn đề nếu như các chương trình giáo dục và định cư đã được quan tâm nhờ lòng quảng đại vô biên của chính phủ Ấn Độ, đồng thời nhiều tổ chức tình nguyện khác ở nước ngoài đã tài trợ nhiều dự án. Nhưng tôi cảm thấy yêu cầu trợ giúp tài chính cho những vấn đề như quản lý nhà nước là điều không thích hợp. Số lượng bé nhỏ của nguồn thuế do áp đặt thuế tự nguyện mỗi đầu người là 2 rúp pi một tháng, cùng với thuế thu nhập tình nguyện hai phần trăm một tháng của người có việc, toàn bộ thu nhập này không làm được gì nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi có một sợi dây an toàn dưới dạng bảo vật tích lũy mà Kenrap Tenzin đã ký thác ở Sikkim năm 1950 để phòng xa. Số bảo vật này vẫn còn đó.

Đầu tiên tôi có ý định trực tiếp bán số tài sản này cho chính phủ Ấn Độ, một dự án do bản thân ông Nehru gợi ý. Nhưng các cố vấn của tôi kiên quyết nói rằng số tài sản đó cần bán trên thị trường cạnh tranh tự do. Họ cam đoan bằng cách này, chúng tôi sẽ thu được nhiều tiền hơn. Cuối cùng số tài sản đó được bán tại Calcutta, mang lại một số tiền khổng lồ đối với tôi, tương đương 8 triệu đô la Mỹ.

Nhiều hoạt động kinh doanh được đầu tư bằng số tiền đó. Một chương trình sản xuất ống sắt, một công việc kinh doanh có liên quan tới nhà máy giấy cùng những hoạt động khác được cho là đảm bảo chương trình tiền quay vòng. Thật không may, chẳng bao lâu những cố gắng để số vốn quý báu đó hoạt động cho chúng tôi bị thất bại. Rất buồn là chúng tôi không được đối xử tốt bởi một số người tỏ vẻ giúp đỡ chúng tôi. Dường như họ chỉ quan tâm nhiều tới lợi ích của họ, và chúng tôi bị lỗ vốn. Quan điểm của Chinkyab Kenpo thành ra là một sự lãng phí lớn.

Tổng số tiền được thu hồi lại chưa được nổi một phần tám, số tiền này dùng để hình thành cái được gọi là Tổ chức Từ Thiện của Đức Dalai lama vào năm 1964. Tuy vậy, nếu như có một số câu chuyện đáng buồn trong trích đoạn này, bản thân tôi lại không quá tiếc vì sự thể xoay ra như vậy. Nghĩ đi nghĩ lại, rõ ràng là kho tàng này thuộc về tất cả nhân dân Tây Tạng, chứ không phải chỉ dành cho một số đi tỵ nạn. Cho nên chúng tôi không có một quyền hạn gì đặc biệt đối với nó, cũng không có quyền về nghiệp quả. Tôi nhớ tới một ví dụ Ling Rinpoché tạo ra. Ling Rinpoché để lại Lhasa chiếc đồng hồ ông quý nhất ngay trong đêm chúng tôi rời Lhasa. Ông cảm thấy do đi tỵ nạn, ông đã bị tước đi quyền sở hữu nó. Bây giờ tôi thấy đó là một quan điểm đúng đắn.

Với nguồn tài chính cá nhân, trước đây có hai nhân viên phụ trách mọi công việc tài chính của Dalai Lama, từ năm 1959 trở đi chỉ còn lại một. Đây là văn phòng riêng, phụ trách mọi thu nhập và chi tiêu của tôi, kể cả các khoản phụ cấp được trả dưới hình thức lương do chính phủ Ấn Độ trả với mức 20 rúp pi một ngày, không thay đổi, chừng hơn một đô la Mỹ, ít hơn một bảng Anh. Về lý thuyết, số tiền này chi cho thực phẩm và quần áo. Như những thời gian trước đây, tôi không trực tiếp sử dụng tiền, có lẽ đúng như tôi nghi ngờ rằng tiền của tôi thuộc thứ tiền tự do tiêu, dù rằng cũng lúc đó, tôi đã biết rằng từ thuở bé tôi rất bủn xỉn với những món tiền nhỏ. Tuy nhiên, tôi vẫn có khả năng yêu cầu cách sử dụng số tiền cá nhân tôi nhận được (ví dụ, số tiền của giải thưởng Nô Ben về Hòa Bình).

Trong mùa hè đầu tiên ở Dharamsala, tôi có thời gian nghỉ ngơi đôi chút, hầu như tối nào tôi cũng chơi cầu lông (Tôi thường xuyên không mặc áo cà sa). Vào mùa đông, khí hậu thường rất khắc nghiệt, chúng tôi thích chơi trên tuyết. Chị cả và mẹ tôi đặc biệt hứng thú tham gia những trò chơi ném tuyết, bất chấp tuổi tác.

Một hình thức giải trí rất quan trọng là đi bằng xe bò tới dãy núi Dhauladar Range gần đó, đỉnh cao nhất của nó đạt tới trên mười bảy ngàn bộ. Tôi luôn luôn ưa thích núi non. Có lần tôi trèo lên đỉnh cao nhất cùng với một đoàn các vệ sĩ người Tây Tạng. Lên tới đỉnh, chúng tôi vô cùng mệt mỏi, tôi đề nghị hãy nghỉ ngơi đôi chút. Khi đang ngồi thở hổn hển chiêm ngưỡng phong cảnh huy hoàng, đột nhiên tôi nhận thấy chúng tôi bị quan sát từ một khoảng cách bởi một trong những cư dân địa phương của dãy núi: một con người nhỏ bé, nước da đen, giống như một người nhìn trộm. Hắn đứng dậy nhìn chòng chọc vào chúng tôi chừng vài phút, rồi bất thình lình ngồi xuống một cái gì trông giống như một miếng gỗ nhỏ và trượt với một tốc độ rất nhanh xuống dưới núi. Tôi nhìn thất thần cho tới khi hắn biến mất trong một cái đốm nhỏ dưới hàng ngàn bộ. Tôi nảy ra ý nghĩ thử xuống núi theo phương pháp của hắn.

Một số người bện dây thừng, rồi mười người chúng tôi cùng quấn lấy chiếc dây. Chúng tôi làm theo như người bạn yên lặng của chúng tôi đã làm, cũng ngồi lên những tấm gỗ hoặc phiến đá phẳng rồi lao xuống dốc. Cách xuống núi này rất hào hứng dù là khá nguy hiểm. Có nhiều cú va đập, sau đó là những vết sước khi chúng tôi đâm sầm vào nhau trong những dòng tuyết. Thật may không có ai bị thương, nhưng sau đó tôi ý thức được chắc chắn có một sự khiên cưỡng nào đó của vài người tháp tùng tôi trong cuộc phiêu lưu quá xa trại. Đặc biệt những người bảo vệ rất do dự ngay khi tôi tuyên bố hành trình mới này.

Một trong những hoạt động lúc nhàn rỗi trong thời điểm này, là công việc của tôi với ông David Howarth, một nhà văn người Anh, về một cuốn sách Đất nước, Dân tộc tôi, bản miêu tả đầu tiên cuộc đời của tôi.

Năm 1961, Chính phủ công bố văn kiện toát yếu Dự Thảo Hiến Pháp Tây Tạng. Toàn bộ người dân Tây Tạng được mời tham dự để bình luận, phân tích. Có rất nhiều ý kiến. Phần lớn họ đề cập về điều khoản quan trọng có liên quan tới chức vụ của Dalai Lama. Là một phương tiện chủ yếu để chính thức hóa chuyển đổi từ chế độ chính trị thần quyền (theocracy) sang chế độ dân chủ hoàn toàn (full democracy), tôi đề ra điều khoản để Quốc Hội có thể cách chức vị đương nhiệm nếu việc này được hai phần ba số phiếu ủng hộ. Thật đáng tiếc, ý tưởng mà Dalai Lama có thể bị cách chức làm mọi người Tây Tạng kinh ngạc. Tôi phải giải thích là ý tưởng dân chủ rất hòa hợp với các nguyên lý của Phật giáo, và có lẽ hơi độc đoán, tôi yêu cầu điều khoản này cần giữ nguyên.

Vào đầu năm, cộng thêm việc lại đi thăm những người làm đường, tôi cũng tới thăm nơi định cư mới ở Bylakuppe. Khi tới nơi, tôi thấy tất cả mọi người đều đen đủi, gầy còm. Lập tức tôi biết ngay lý do tại sao họ lại bi quan tới như vậy. Cả trại không có một cái gì ngoài mấy chiếc lều bên bìa rừng, và dù cho phong cảnh nơi này đẹp tuyệt vời như tôi nhớ lại từ lần hành hương tới đây, đất đai chỗ này không có vẻ hứa hẹn lắm. Hơn nữa, sức nóng từ những đống đổ nát được đốt đi, cộng với sức nóng của mặt trời, thật là không thể chịu nổi.

Những người định cư làm một cái lều đặc biệt cho tôi với những bức tường bằng tre và mái bằng vải bạt. Nhưng dù cho nó cũng được làm rất tốt, nó cũng không thể ngăn được những đám bụi khủng khiếp tung lên do quá trình dọn dẹp. Hàng ngày, một đám mây dày gồm khói và mồ hóng bao trùm lên toàn bộ khu vực. Đến tối, nó từ từ lắng xuống, thâm nhập qua những khe hở rất nhỏ, nên sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, bạn thấy mình bị phủ kín bởi một lớp bột mịn. Vì những điều kiện như vậy, tinh thần người tỵ nạn xuống rất thấp. Hơn nữa, tôi không làm được gì nhiều ngoài việc động viên những con người tiên phong này. Tôi nói với họ chúng ta không từ bỏ hy vọng và cam đoan với họ, bản thân tôi khó tin điều này, rồi có lúc chúng ta lại một lần nữa thịnh vượng. Tôi hứa với họ chúng ta sẽ thắng. Rất may họ tin mọi lời tôi nói và chắc chắn là từng bước một, điều kiện của họ sẽ chuyển biến.

Nhờ lòng quảng đại của các bang thuộc Ấn Độ, trong quãng đầu năm 1960, chúng tôi có khả năng thiếp lập trên hai mươi khu định cư, đưa mọi người dần dần ra khỏi tình trạng lang thang, nên tới hôm nay, với tổng số trên 100, 000 người tỵ nạn, chỉ còn độ vài trăm người sống du cư. Đó là ý muốn riêng của họ.

Do gần một nửa số đất đai dành cho chúng tôi ở phía nam Ấn Độ, nơi khí hậu nóng hơn miền bắc, tôi quy định rằng chỉ những người thật khỏe mới được gửi tới trong giai đoạn đầu. Tuy vậy, số lượng người chết vì say nắng, vì kiệt sức do quá nóng lúc này rất cao, nên tôi tự hỏi phải chăng mình đúng hay sai khi nhận đất trong vùng nhiệt đới. Hơn nữa, tôi tin rằng, cuối cùng người dân tôi sẽ học cách điều chỉnh. Do họ đã tin tôi, tôi cần tin vào họ.

Cuối cùng tôi phải an ủi những người tỵ nạn trong nỗi muộn phiền của họ mỗi khi tới thăm những trại này. Ý nghĩ xa tổ quốc, không còn được thấy băng tuyết, chưa nói tới những ngọn núi cao yêu dấu, đó là những gì họ không thể chịu nổi. Tôi cố gắng đưa tư duy của họ rời khỏi quá khứ. Thay vào đó, tôi nói với họ rằng tương lai của Tây Tạng phụ thuộc vào chúng ta, những người tỵ nạn. Nếu chúng ta muốn bảo tồn cuộc sống, bảo tồn văn hóa của chúng ta, chỉ còn một cách duy nhất chúng ta phải xây dựng một cộng đồng vững mạnh. Tôi cũng nói về tầm quan trọng của việc giáo dục, kể cả ý nghĩa của việc kết hôn. Dù rằng thực sự đây không phải là một vấn đề đúng đắn để một vị sư khuyên bảo, tôi vẫn nói với các phụ nữ rằng nếu có thể, họ nên kết hôn với con trai Tây Tạng, con cái của họ cũng là người Tây Tạng.

Phần lớn những người định cư bắt đầu tới vào giữa năm 1960 và 1965. Thời gian này tôi hay đi lại thăm họ. Dù không bao giờ ấp ủ tư tưởng thất bại, song có những lúc các vấn đề của chúng tôi dường như không vượt qua được. Ví dụ, ở bang Bandhara và bang Maharashtra, đợt đầu tiên người định cư đến vào mùa xuân, đúng lúc bắt đầu mùa nóng. Trong khoảng vài tuần lễ, một trăm người (một phần năm số người ở đó) đã chết vì nóng. Khi tôi tới thăm họ lần đầu, họ khóc lóc, khẩn khoản xin được chuyển tới nơi mát hơn. Tôi không thể làm gì hơn là giải thích cho họ rằng họ tới nơi này đúng vào thời điểm tồi tệ, nhưng những khó khăn này giờ đây đã qua rồi. Do vậy họ cần học cách thích nghi với lối sống của nước này, cần thử xem họ có thể làm được những gì tốt nhất trong hoàn cảnh này không. Tôi thiết tha yêu cầu họ hãy cố chịu thêm một năm nữa. Nếu không ổn định nổi, khi tôi trở lại vào mùa đông, tôi hứa sẽ chuyển họ đi.

Thành ra mọi sự từ đó lại trở nên tốt đẹp. Mười hai tháng sau tôi quay trở lại và thấy những người khai hoang đã bắt đầu khấm khá hơn. “Vậy tất cả các bạn đã không bị chết hết”. Tôi nói vậy khi gặp những người lãnh đạo trại. Họ cười và trả lời mọi thứ xảy ra như tôi đã nói. Tuy nhiên, tôi phải thêm vào, dù từ đó trở đi cộng đồng cá biệt này tương đối thành công, song nó cũng chứng tỏ rằng do vấn đề nhiệt độ, nơi này không thể thu hút nhiều hơn 700 người khai hoang. Như ở Bylakuppe, chúng tôi được cấp 3000 mẫu Anh đất đai với tiêu chuẩn mỗi mẫu cho một người khai hoang. Nhưng vì chỉ có ít người tới, chúng tôi bị lấy đi 2300 mẫu, số đất đai này dành cho những người tỵ nạn khác, dù rằng họ cũng không ở đây lâu.

Một trong nhiều khó khăn của chương trình định cư là, dù chúng tôi có thể thấy được những khó khăn trước khi chúng phát sinh, song có những trở ngại khiến chúng tôi hoàn toàn ngạc nhiên. Ví dụ, ở một nơi, rắc rối xảy ra do lợn rừng và voi lạc vào nơi trồng trọt. Không những chúng phá hoại mùa màng, chúng còn dẵm nát, phá hoại nhiều lều lán, làm chết một số người.

Tôi nhớ lại một vị lama già sống ở đó đề nghị tôi cầu nguyện để bảo vệ họ, nhưng sử dụng cụm từ tiếng Phạn hathi để chỉ con voi. Theo nghĩa đen, đó là một sinh linh quý báu liên quan tới những con voi thần thoại, biểu tượng của công cuộc từ thiện. Tôi hiểu một cách chính xác ông định nói gì, nhưng ngạc nhiên khi nghe thấy từ ngữ này được sử dụng theo lối đó. Tôi cho rằng vị sư coi những con voi thật sự phải là loài thú vật nhân từ.

Mấy năm sau, ngẫu nhiên trong chuyến đi Thụy sĩ, tôi tới một trang trại để kiểm tra, ở đây người ta chỉ cho tôi thấy những hàng rào điện. Vượt quá sự kinh ngạc của người hướng dẫn, tôi hỏi xem anh ta có cho rằng loại hàng rào này ngăn cản được voi hay không. Anh nói nếu điện thế được nâng cao hợp lý, anh cho là có thể được. Do đó tôi thu xếp để chuyển một đợt hàng rào điện tới nơi khai hoang theo yêu cầu.

Tuy vậy, không phải tất cả mọi vấn đề của chúng tôi đều có thể thực thi. Đôi khi nền văn hóa truyền thống lại gây khó khăn cho những người Tây Tạng chúng tôi trong việc đón nhận hoàn cảnh mới. Lần đầu tiên tới thăm Bylakuppe, tôi nhớ rất rõ những người khai hoang rất băn khoăn trong công việc đốt phá để dọn sạch đất, việc này đã gây ra vô số cái chết của sâu bọ và những loài vật khác. Đối với Phật giáo, đây là một điều khủng khiếp họ phải làm, chúng tôi tin rằng tất cả cuộc đời của mọi sinh linh đều thiêng liêng, không chỉ riêng cuộc đời con người. Rất nhiều người tỵ nạn tới gặp tôi và nói công việc này cần chấm dứt.

Một số ít dự án được chuẩn bị với sự trợ giúp của những đại diện cứu trợ của nước ngoài cũng không thực hiện được với lý do tương tự. Ví dụ, tất cả mọi cố gắng thành lập trại nuôi gà, nuôi lợn đều không thành công. Ngay trong hoàn cảnh sa sút như vậy, người Tây Tạng vẫn tỏ ra không hứng thú trong việc chế biến súc vật thành thức ăn. Điều này làm nảy sinh một số lời châm biếm từ phía người nước ngoài, những người vạch ra sự bất thường giữa nhu cầu được ăn thịt của người Tây Tạng và thái độ miễn cưỡng tự cung cấp thịt cho bản thân.

Song có thể nói rằng nhiều dự án được đảm nhiệm do sự hỗ trợ của các tổ chức đó rất thành công, bạn bè chúng tôi hết sức vui mừng với kết quả tích cực của các dự án đó.

Kinh nghiệm về sự giúp đỡ được mọi người ở các quốc gia có nền công nghiệp phát triển mạnh bày tỏ một cách thoải mái, những kinh nghiệm này đã xác nhận niềm tin căn bản của tôi về cái tôi gọi là Trách Nhiệm Toàn Cầu. Đối với tôi, dường như đây là then chốt sự phát triển của con người. Không có ý thức về Trách Nhiệm Toàn Cầu, cái gọi là “phát triển” chỉ là đường lối phát triển không cân đối trong thế giới. Con người càng nhận thức được rằng chúng ta không sống trong hành tinh của chúng ta như những đơn vị riêng lẻ- cuối cùng tất cả chúng ta đều là anh chị em của nhau, điều này càng gần gũi với sự tiến bộ của nhân loại hơn là sự tách biệt.

Một số người từ nước ngoài tới, họ bày tỏ cuộc đời mình cho người tỵ nạn thấy. Một trong những người đó là ông Maurice Friedmann, một người Do Thái ở Ba Lan. Tôi gặp ông lần đầu vào năm 1956 cùng với Uma Devi, một người bạn họa sĩ của ông, cũng người Ba Lan. Cả hai định cư tại tiểu lục địa này để sống theo lối sống của người Ấn Độ. Khi chúng tôi đi tỵ nạn, họ là một trong số những người đầu tiên dành cho chúng tôi sự trợ giúp.

Ông Friedmann lúc này đã có tuổi và rất yếu. Lưng còng, ông đeo kính rất dày để lộ ra yếu điểm về thị lực, tuy vậy ông có một cặp mắt màu xanh da trời vô cùng sắc bén, một bộ óc rất thông minh. Đôi khi ông có thể cáu điên lên: ông có thể tranh luận một cách bướng bỉnh để ủng hộ những dự án hoàn toàn bất khả thi. Nhưng nói chung, những lời khuyên ông đưa ra đặc biệt về vấn để thiết lập nhà cho trẻ em vô cùng giá trị. Uma Devi, người có khuynh hướng về tâm linh nhiều hơn Friedmann, nhưng cũng đã có tuổi, ông cũng cống hiến phần cuối cuộc đời mình để làm việc nhân danh dân tộc chúng tôi.

Một vị quan trọng khác là ông Luthi, người làm việc cho hội Chữ thập đỏ Thụy sĩ. Ông được gọi là pala, (tiếng Tây Tạng là “cha”) một con người vô cùng sốt sắng đầy sức mạnh, một nhà lãnh đạo đích thực, rất nghiêm khắc với những người dưới quyền. Thói quen dễ dãi trong cách cư xử của người Tây Tạng khiến ông khó chấp nhận và tôi biết rằng có một số những lời phàn nàn về phương pháp của ông, nhưng trong thực tế mọi người đều yêu quý ông. Tôi yêu quý những kỷ niệm về ông, về cả những người khác như ông, những người làm việc hết mình, hết sức vị tha vì dân tộc Tây Tạng.

Với chúng tôi, những người tỵ nạn Tây Tạng, một sự kiện có ý nghĩa hồi đầu thập kỷ 1960 là chiến tranh Trung - Ấn, xảy ra năm 1962. Lẽ tự nhiên, tôi cực kỳ buồn khi chiến cuộc bắt đầu, nhưng đó là một nỗi buồn đượm màu lo lắng. Lúc này, tiến độ của các chương trình khai hoang vẫn ở trong tình trạng sơ khai. Nhiều trại tạm cư có vị trí không an toàn, gần Ladakh và NEFA, cuối cùng những trại này buộc phải đóng cửa. Vì thế một số người dân chúng tôi lại trở thành người tỵ nạn lần thứ hai. Điều làm chúng tôi buồn hơn, đó là những vị cứu tinh của chúng tôi, những người Ấn Độ, họ bị làm nhục bởi lính Trung Quốc đóng ngay trên đất Tây Tạng.

May mắn thay, đây chỉ là một cuộc chiến ngắn ngủi, dù rằng cuối cùng cả hai bên đều tổ thất nhiều sinh mạng mà không bên nào thắng. Suy nghĩ về chính sách đối với Trung Quốc của mình, ông Nehru buộc phải phát biểu rằng Ấn Độ đã “sống trong tình trạng ảo tưởng do chúng ta tạo ra”. Suốt cuộc đời, ông mơ ước một châu Á tự do, tất cả các nước trong khu vực đều chung sống hòa bình. Chưa tới một thập kỷ sau khi được ký, giờ đây hiệp ước Panch Sheel đã bộc lộ rõ là một cái thùng rỗng, bất chấp tất cả mọi chuyện mà con người đầy tính nhân bản này đã làm để gìn giữ cái thùng rỗng đó.

Tôi vẫn duy trì liên lạc với Pandit Nehru tới khi ông chết vào năm 1964. Bản thân ông luôn luôn quan tâm tới hoàn cảnh tuyệt vọng của người tỵ nạn Tây Tạng, đặc biệt với trẻ em, ông luôn giữ quan điểm nền giáo dục dành cho các em là điều quan trọng bậc nhất. Rất nhiều người nói chiến tranh Trung - Ấn đã phá nát tâm hồn ông, tôi cho rằng họ đã nói đúng. Lần cuối cùng tôi gặp ông vào tháng năm năm đó. Khi vào buồng ông, tôi cảm nhận được Pandit Nehru đang trong trạng thái choáng váng về tinh thần, ông mới bị hành hạ bởi một cơn đột quỵ và còn rất yếu, trông phờ phạc, ngồi trong ghế bành với những chiếc gối kê dưới hai cánh tay. Cùng với nhiều dấu vết hiển nhiên của một nỗi đau đớn kịch liệt về thể xác, tôi còn thấy được sự căng thẳng tinh thần trong ông. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi diễn ra ngắn ngủi, tôi lui gót với tâm trạng nặng nề.

Cùng ngày hôm đó Pandit Nehru đi Dehra Dun, tôi ra phi trường chào tạm biệt ông. Khi tới đó, tình cờ tôi gặp bà Indira Gandhi, con gái ông, người tôi quen biết hàng bao năm nay, lần gặp bà thứ nhất khi bà tháp tùng cha đi Bắc Kinh năm 1954 (đầu tiên tôi có cảm tưởng bà là vợ ông). Tôi cho bà biết tôi rất buồn khi thấy ông không được khỏe. Tôi nói thêm rằng tôi sợ đây là lần cuối tôi gặp ông.

Hóa ra lời tôi nói lại thành sự thực, vì ông chết sau đó chưa tới một tuần. Thật đáng tiếc tôi không có điều kiện đi dự đám tang ông. Nhưng tôi có mặt trong lễ rắc tro thiêu hài cốt ông xuống ngã ba 3 con sông ở Allahabad. Đây là một vinh dự lớn khiến tôi gần gũi gia đình ông hơn. Một trong các thành viên lễ rắc tro tôi gặp là bà Indira. Sau khi xong lễ, có một lúc nào đó bà tiến tới, nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Bạn đã biết mọi chuyện”.

CHƯƠNG 10
CHÓ SÓI TRONG BỘ ÁO CÀ SA

Tsering Dolma cũng qua đời năm 1964. Công việc của bà được giao lại cho Jetsun Pema, em gái tôi, người có lòng can đảm và tính quyết đoán tương tự. Ngày hôm nay, nhà trẻ đã phát triển lên thành một phần của Làng Trẻ Em Tây Tạng (TVC) ở Dharamsala.

Làng trẻ em Tây Tạng - TVC- có rất nhiều chi nhánh ở các khu định cư, hiện nay TVC tiếp nhận và giáo dục trên sáu ngàn trẻ em, chừng một ngàn năm trăm em ở Dharamsala. Dù cho nguồn tài chính đầu tiên chủ yếu do chính phủ Ấn Độ tài trợ, song phần lớn những chi phí hiện nay thuộc Hội từ thiện quốc tế SOS đáp ứng. Ba mươi năm trôi qua, kết quả những cố gắng về lĩnh vực giáo dục của chúng tôi thật đáng hài lòng. Hiện nay, trên ba ngàn trẻ em tỵ nạn đã tốt nghiệp phổ thông hoặc cao học, phần lớn tại Ấn Độ, nhưng ở phương Tây, số lượng các em tốt nghiệp gia tăng. Suốt thời gian đó tôi rất quan tâm tới chương trình giáo dục, tôi luôn nhớ tới nhận xét của Nehru: thanh thiếu niên sẽ là vốn quý nhất của chúng tôi.

Những ngày đầu, trường học chỉ là vài tòa nhà đổ nát, giáo viên người Ấn dạy nhiều nhóm học sinh rất khác nhau. Bây giờ, chúng tôi có khá đông nhân viên có chất lượng người Tây Tạng.. Nhưng vẫn có một số lượng đáng kể các nhà giáo dục người Ấn tham gia. Với các nhà giáo nam nữ đó, với các vị tiền nhiệm của họ, tôi muốn dành sự cảm tạ sâu sắc của tôi với các vị. Tôi không thể bộc lộ một cách thỏa đáng sự tri ân tôi cảm nhận đối với những vị tình nguyện cống hiến phần lớn cuộc đời để phục vụ cho dân tộc tôi, thường là trong những hoàn cảnh thiếu thốn ở những khu hẻo lánh hoang vu.

Về mặt hạn chế, thật đáng tiếc có trường hợp một số các em không hoàn thành chương trình học tập, đặc biệt các em gái. Đôi khi điều này do sự miễn cưỡng của các em, đôi khi do cách nhìn thiển cận của bậc cha mẹ các em đó. Bất kỳ lúc nào có cơ hội, bất kỳ lúc nào thích hợp, tôi luôn nói với phụ huynh các em rằng họ phải có trách nhiệm lớn, không được sử dụng bàn tay bé nhỏ của thiếu niên vì lợi ích trước mắt. Hoặc giả, tạo ra một kiểu giáo dục nửa vời là một điều nguy hiểm. Các em thấy được những cơ hội đầy màu sắc của cuộc đời, nhưng vì thiếu giáo dục, các em không được trang bị để nắm lấy cơ hội đó. Điều này có thể kết thúc bằng sự thất vọng và còn tạo ra lòng tham nữa.

Người kế vị Pandit Nehru làm thủ tướng là ông Lal Bahadur Shastri. Dù cầm quyền chưa tới ba năm, tôi gặp ông khá nhiều lần và rất tôn trọng ông. Giống như Nehru trước đây, ông là người bạn vĩ đại của nhân dân Tây Tạng. Tuy nhiên, hơn cả Nehru, ông còn là một đồng minh về chính trị.

Vào tháng tám 1965, nhờ có bản phác thảo giải pháp của Thái Lan, Phi líp pin, Malta, Ái nhĩ lan, Mã lai, Nicaragua và El Salvador đệ trình lên Liên Hợp Quốc, vấn đề Tây Tạng một lần nữa được đưa ra bàn luận. Lần này, với sự kiên quyết của ông Shastri, Ấn Độ bỏ phiếu ủng hộ Tây Tạng. Trong thời gian tại chức, xem như chính phủ mới của Ấn Độ có thể công nhận chính phủ Tây Tạng tha hương. Nhưng thật đáng buồn, vị thủ tướng không được thọ. Lúc này Ấn Độ một lần nữa lại lâm vào cảnh chiến tranh với Pakistan. Chiến sự bắt đầu vào ngày1/9/1965.

Do Dharamsala cách biên giới Ấn Độ - Pakistan không tới 100 dặm, tôi có thể tận mắt nhìn thấy thảm họa chiến tranh. Ngay sau khi cuộc chiến bắt đầu, tôi rời nhà đi thăm theo thường lệ tới khu khai hoang ở phía nam. Lúc đó vào buổi tối, điện hoàn toàn bị cắt. Chúng tôi buộc phải lái xe ba tiếng đồng hồ không có đèn tới ga Pathankot. Chỉ duy nhất có một hoạt động giao thông khác trên đường, đó là hoạt động của quân đội, và tôi nhớ lại lúc đó tôi nghĩ: đây là tình trạng đáng buồn của một nhà nước, khi người dân thường buộc phải đi trốn và “lực lượng bảo vệ” bị đưa ra phía trước. Tất nhiên, trong thực tế họ đều là những con người giống nhau như bản thân tôi.

Sau một hành trình gian khổ, cuối cùng khi tới ga xe lửa, tôi nghe thấy tiếng pháo từ sân bay Pathankot gầm lên với một khoảng cách rất gần. Có lúc tôi nghe thấy tiếng máy bay phản lực gầm rú ngay trên đầu và ít phút sau, ánh sáng của những trái đạn lửa chống máy bay vạch lên bầu trời. Tiếng động thật kinh khủng, tôi rất sợ hãi dù không chỉ riêng mình tôi. Tôi chưa bao giờ đi một chuyến tầu lao ra khỏi nhà ga nhanh như chuyến tầu tối hôm đó

Trên đường tới phương nam, trước tiên tôi qua Bylakuppe gặp những người tỵ nạn đầu tiên đã tới đây vào ngày 10 tháng 9. Bây giờ Bylakupe là nơi ở của 3,200 con người. Có những ngôi nhà kiên cố được xây bằng gạch, mái lợp ngói, và công việc khoan giếng, cưa cây đã hoàn thành. Theo kế hoạch ban đầu, công việc đồng áng giờ đây bắt đầu một cách nghiêm chỉnh. Mỗi đầu người được giao cho quyền sử dụng một mẫu đất (mẫu Anh), dù rằng thực chất đó là một hình thức hợp tác, và một tỷ lệ nhỏ dành cho vườn rau, hoa quả bốn mùa. Thu hoạch chính là gạo, ngô và kê (ragi). Tôi rất sung sướng thấy được những tiến bộ đó. Nó xác nhận niềm tin của tôi vào sức mạnh vô biên của một quan điểm tích cực, khi quan điểm này được kết hợp với những quyết định phi thường.

Tổng kết lại, tôi thấy hoàn cảnh được cải thiện đáng kể. Tôi không còn phải gặp gỡ những con người trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Tôi cũng không phải hứa hẹn về một tương lai tươi sáng mà bản thân tôi cũng khó mà tin vào đó. Nhưng dù rằng có những dấu hiệu cho thấy sự kiên trì của họ đã có hiệu lực, song cuộc sống người khai hoang vẫn còn vô cùng gian khổ.

Trong những ngày đầu tiên phác thảo chương trình tái định cư với chính phủ Ấn Độ, chúng tôi hy vọng người tỵ nạn sẽ ổn định trong vòng năm năm. Sau đó người Tây Tạng sẽ có khuynh hướng đóng góp vào nền kinh tế Ấn Độ bằng cách nâng cao mức thặng dư sản phẩm nông nghiệp để có thể bán ra. Tuy nhiên, những lạc quan này bị phá sản, chúng tôi hoàn toàn thừa nhận lực lượng lao động đã không được huấn luyện cẩn thận. Rất ít người làm ruộng có kiến thức về nông trang. Những người buôn bán, sư sãi, binh lính và dân quê lại càng không biết gì, tất cả được ném vào các hoạt động kinh doanh mới, bất chấp mọi hậu quả. Và tất nhiên, công việc nhà nông vùng nhiệt đới Ấn Độ là cả một vấn đề khác biệt với công việc nông gia ở những độ cao thuộc xứ sở Tây Tạng. Do vậy kể cả những người biết canh tác cũng phải học những phương pháp canh tác khác hoàn toàn mới, từ cách sử dụng bò chuyển sang dùng máy kéo nông nghiệp. Vì thế, gần như sau năm năm, điều kiện trong trại vẫn còn rất sơ khai.

Dẫu sao, khi nhìn lại, tôi thấy được giữa thập kỷ 1960 có những đỉnh cao trong chương trình tái định cư của người Tây Tạng: đại bộ phận đất đai cần thiết dọn quang đã được hoàn tất, phần lớn người tỵ nạn căn bản được hưởng quyền chăm sóc y tế do sự giúp đỡ của Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế và các tổ chức khác, máy móc nông nghiệp tương đối mới, trong khi hiện tại các thiết bị đã cũ và cần được thay thế.

Vào một dịp năm 1965, tôi dừng chân ở Bylakuppe chừng một tuần lễ hoặc mười ngày, sau đó tranh thủ ghé qua Mysore, Ootamacund và Madras bằng đường bộ trước khi tới Trivandrum, thủ đô của Kerala, bang có nhiều người biết chữ nhất Ấn Độ. Tôi được mời tới ở cùng với vị thống đốc bang. Cuối cùng, cuộc dừng chân của tôi phải kéo dài nhiều tuần lễ do chiến tranh ở phía bắc có vẻ như khá nguy hiểm: hai trái bom rơi xuống Dharamsala. Tuy nhiên, thời gian tôi ở lại đây không bị lãng phí.

Tình cờ, buồng của tôi ở khu dinh cơ ngài thống đốc Rajbhavan trông thẳng vào khu nhà bếp đối diện. Một hôm, ngẫu nhiên nhìn thấy người ta giết gà để làm bữa ăn trưa, con gà bị vặn cổ chết, tôi nghĩ tới sinh linh tội nghiệp này phải chịu đau đớn như thế nào. Nhận thức này khiến tôi vô cùng hối hận, tôi quyết định đây là thời điểm để mình trở thành người ăn chay. Như đã đề cập trước đây, theo lẽ tự nhiên, người Tây Tạng không phải là dân ăn chay vì ở Tây Tạng, rau khan hiếm, thịt trở nên thực đơn chính hàng ngày. Tuy nhiên, theo một số văn bản Mahayana, sư và ni phải là người kiêng ăn thịt.

Để kiểm tra quyết tâm, tôi gọi đồ ăn tới. Khi bưng lên, tôi cẩn thận kiểm tra. Gà được nấu theo kiểu Anh với hành, nước sốt, hương vị rất thơm ngon. Nhưng tôi từ chối không mấy khó khăn. Từ đó trở đi, tôi triệt để tuân thủ luật ăn chay và để kiêng thịt, tôi không ăn trứng hoặc cá nữa.

Chế độ ăn uống mới này rất phù hợp, tôi vô cùng hài lòng, cảm thấy mình đủ điều kiện đối với một yêu cầu khắt khe của giới luật. Nhớ lại năm 1954 ở Bắc Kinh, tại một bữa tiệc, tôi tranh luận đề tài ăn chay với Chu Ân Lai và một chính trị gia. Nhà chính trị kia tuyên bố mình là một người ăn chay, nhưng ông lại ăn trứng. Tôi hỏi lại việc đó và lập luận rằng gà từ trứng mà ra, vậy trứng không được coi là đồ ăn chay. Chúng tôi bất đồng ý kiến khá nặng nề, ít nhất kéo dài cho tới khi ông Chu đưa cuộc tranh luận này tới chỗ kết thúc bằng một phong cách rất ngoại giao.

Chiến tranh với Pakistan kết thúc vào ngày 10 tháng giêng năm 1066. Nhưng cùng với sự kiện tốt đẹp này lại có một tin buồn: thủ tướng Shastri từ trần ở Tashkent, nơi ông đang thương lượng với ông Ayub Khan, Chủ tịch nước Pakistan. Ông chết chỉ vài tiếng sau khi ký xong hiệp ước hòa bình.

Lal Bahadur Shastri đã để lại một ấn tượng mạnh mẽ trong ký ức của tôi. Dù là một người bé nhỏ, có vẻ yếu đuối và vô dụng, nhưng ông có một tư duy, một tinh thần rất mãnh liệt. Khác với hình thức bên ngoài ẻo lả, ông là một nhà lãnh đạo xuất sắc. Không giống như những người giữ nhiều chức vụ đầy trách nhiệm lớn, ông can đảm, quyết đoán: ông không để sự kiện lôi kéo đi, mà cố gắng kiểm soát sự kiện tới mức tối đa.

Ngay sau đó, tôi được mời tới dự tang lễ. Trên đường từ Trivandrum về nhà, tôi đã tới viếng ông. Đó là một công việc buồn rầu, đặc biệt đây là lần đầu tiên trong đời, tôi tận mắt nhìn một cái tử thi, dù là một Phật tử, tôi quán tưởng cái chết hàng ngày. Tôi nhớ lại lúc nhìn vào hình thể nằm trơ trên đỉnh dàn hỏa thiêu, nhớ lại tất cả những phong cách, một chút thông tin cá nhân ông chia sẻ với tôi. Ông kể chuyện với tôi bản thân ông là một người ăn chay nghiêm túc, vì khi còn là một cậu bé học sinh nhỏ tuổi, có một lần ông đuổi một con chim bồ câu bị thương chạy vòng quanh cho tới khi con chim chết vì kiệt quệ. Quá sợ bởi những gì đã làm, từ đó ông thề không bao giờ ăn thịt sinh vật. Vậy là không những Ấn Độ mất đi một chính trị gia giỏi nhất, không những thế giới mất đi một nhà lãnh đạo đã được khai sáng, mà nhân loại còn mất đi một tâm hồn từ bi nguyên bản.

Sau khi tỏ lòng tôn kính lần cuối với vị cố thủ tướng, và trước lúc trở lại Dharamsala, tôi đi thăm một số bệnh viện cấp cứu nạn nhân chiến tranh ở Delhi. Hầu hết các nạn nhân đều là viên chức. Rất nhiều người đau đớn khủng khiếp, phải chịu những hoàn cảnh khắc nghiệt. Khi bước ngang qua giữa hai dãy giường bệnh, giữa thân nhân người bị thương đang thổn thức, tôi tự nghĩ: phải chăng đây chính là kết quả thực sự của chiến tranh, biết bao nhiêu con người đang đau khổ. Những gì từ xung đột phát sinh cũng dễ dàng như những gì có thể xảy ra từ các biện pháp hòa bình. Chỉ có một điều an ủi nhỏ nhận thấy ngay, là các nạn nhân được chăm sóc tử tế: nhiều người bị bắt trong chiến tranh không có được sự giúp đỡ tốt như vậy.

Hai tuần lễ sau, bà Indira Gandhi tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Ấn Độ. Do thường xuyên gặp mỗi khi tới thăm cha bà, nên tôi cảm thấy tương đối thân thiện với vị thủ tướng mới. Tôi cũng có lý do để tin rằng bà cũng khá thân thiện với tôi. Hơn một lần bà thổ lộ với tôi về con người, về những sự việc đã gây phiền hà cho bà. Đối với tôi, tôi cho rằng tôi hiểu bà khá rõ để có thể nhắc nhở bà trong một trường hợp hồi cuối nhiệm kỳ thứ nhất, là điều cốt yếu đối với một người lãnh đạo, họ cần duy trì mối quan hệ với quần chúng.

Bản thân khi còn trẻ tôi đã học được, rằng một người muốn lãnh đạo cần phải gần gũi quần chúng. Nếu không, người đó dễ dàng mắc sai lầm bởi các cố vấn và nhân viên cùng những người xung quanh vì lý do riêng tư của họ, họ có thể không muốn người lãnh đạo thấy rõ vấn đề.

Cũng như đối với từng vị thủ tướng Ấn Độ, tôi ghi nhận lòng biết ơn sâu sắc về mọi hỗ trợ nồng nhiệt của Indira Gandhi đối với người tỵ nạn Tây Tạng. Từ lúc bắt đầu, bà đã là thành viên của Quỹ Tài Trợ Nhà Ở cho người tỵ nạn Tây Tạng đặt ở Mussoorie, bà còn đặc biệt chu đáo trong lĩnh vực giáo dục. Bà có cùng một quan điểm giống như người cha, coi việc giáo dục học đường là quan trọng. Và sau một cuộc họp bất thường, dù có rất nhiều ngôn từ nặng nề lăng mạ, dù một số người còn gọi bà là kẻ độc tài, tôi nhận thấy bà từ bỏ quyền lực một cách thật trang nhã khi cuộc bầu cử đưa ra phán quyết vào tháng 3 năm 1977. Đối với tôi đó là một ví dụ tuyệt vời của tính dân chủ trong hành động: dù có rất nhiều cuộc xung đột ở bên trong Nghị viện và cả phía bên ngoài, khi thời điểm ra đi đã tới, bà từ giã không một chút ồn ào. Tôi cũng nhớ lại cùng một trường hợp đối với tổng thống Nixon. Thông thường, việc thay đổi lãnh đạo được coi như một tín hiệu đổ máu. Một khi cơ cấu nghị viện chiến thắng quyền lợi cá nhân, đấy chính là dấu hiệu của một quốc gia văn minh dân chủ.

Lúc này, nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đưa ra một hình ảnh hoạt động chính trị nội địa rất khác. Giữa những năm của thập kỷ 1960 tới khi Mao chết năm 1976, nước này cùng với các thuộc địa đã phải chịu đựng một loạt những biến động tàn bạo, đẫm máu. Nhiều năm trôi qua cho tới khi bộ mặt thật của cái gọi là Cách Mạng Văn Hóa bắt đầu bộc lộ. Thành ra không những lúc đó là thời kỳ của các căn bệnh điên loạn vô nghĩa, mà lối hành xử của Giang Thanh, vợ Mao, giống như lối hành xử của một Nữ hoàng đế. Cùng lúc đó, tôi nhận thấy rằng các lãnh đạo cộng sản, những người mà trước kia tôi cho rằng họ dường như chỉ có một ý nghĩ duy nhất cư trú trong các cơ thể khác nhau, song tất cả bọn họ đều chỉ nói miệng mà thôi.

Tuy nhiên chúng tôi không thể làm gì hơn là dự đoán tổng quát tình trạng lộn xộn này. Cùng với nhiều người Tây Tạng, tôi nhận thức được những chuyện không hay đang xảy ra tại mảnh đất yêu dấu của chúng tôi. Nhưng mọi thông tin đều cạn kiệt. Nguồn tin duy nhất của chúng tôi là do các thương gia người Nê Pan thỉnh thoảng được quá cảnh cung cấp. Tuy vậy, mọi tin tức họ cho chúng tôi hay lại rất hiếm hoi và luôn luôn không cập nhật. Ví dụ, tới một năm sau tôi mới được biết có một cuộc khởi nghĩa quy mô rộng lớn nổ ra ở nhiều nơi trên đất Tây Tạng trong năm 1969. Theo một số báo cáo, số người chết trong cuộc phục thù sau đó còn nhiều hơn số người chết năm 1959.

Bây giờ chúng tôi được biết có rất nhiều cuộc nổi dậy đã nổ ra. Tất nhiên, tôi không liên lạc trực tiếp với giới lãnh đạo Bắc Kinh, lúc này họ coi tôi như một “con sói dưới lốt nhà sư”. Tôi trở thành mục tiêu trong những cơn nổi giận của chính quyền Bắc Kinh, tôi thường bị lên án kịch liệt ở Lhasa là một cá nhân tự cho mình quyền lãnh đạo tôn giáo. Chính quyền Trung Quốc nói rằng, thực ra tôi là một tên ăn cắp, một tên giết người và một kẻ hiếp dâm. Họ cũng cho rằng tôi có quan hệ giới tính với bà Gandhi!

Vậy là gần mười lăm năm người tỵ nạn Tây Tạng rơi vào trong một thời kỳ đen tối. Viễn cảnh trở về quê hương dường như còn xa xôi hơn lúc chúng tôi bắt đầu ra đi. Nhưng tất nhiên đêm tối là thời gian để phục hồi, trong những năm vùa qua, chương trình định cư đã đạt được một số kết quả. Dần dần càng có nhiều người từ bỏ cảnh lang thang, chuyển vào các khu định cư mới ở quanh Ấn Độ. Đồng thời một số ít người tỵ nạn ra khỏi Ấn Độ thành lập những cộng đồng nhỏ bé trên thế giới. Lúc viết cuốn sách này, có chừng 1.200 người rải rác đồng đều suốt Cananda và Mỹ, chừng 2.000 ở Thụy sĩ, 100 ở Vương quốc Anh, và một ít ở khắp các nơi thuộc châu Âu, gồm cả một gia đình trẻ tuổi tại Ái nhĩ lan.

Song song với làn sóng định cư thứ hai, Chính Phủ Tây Tạng Tha Hương mở nhiều văn phòng đại diện tại các quốc gia khác nhau. Văn phòng thứ nhất ở Kathmandu, văn phòng thứ hai ở New York, rồi lần lượt tới Zurich, Tokyo, London và Washington. Cùng với việc quan tâm tới quyền lợi của người Tây Tạng sinh sống ở các quốc gia này, văn phòng đại diện làm tất cả mọi thứ để phổ biến các thông tin về nước nhà, văn hóa, lịch sử và cuộc sống ở quê nhà cũng như trong điều kiện tha hương.

Năm 1968, tôi có kế hoạch chuyển nhà từ Swarg Ashram, nơi tôi đã ở đó tám năm trời, tới một ngôi nhà nhỏ tên là Bryn Cottage. Bản thân tòa nhà này không lớn hơn ngôi nhà cũ, nhưng nó có ưu điểm đây là một khu tổ hợp mới xây, có chỗ cho cả Văn phòng Cơ Mật, Văn phòng An ninh Ấn Độ, cùng với một hội trường, một phòng làm việc của tôi. Chính Phủ Tây Tạng Tha Hương đã phát triển thành một tổ chức hàng trăm con người mạnh mẽ, bây giờ phần lớn họ chuyển tới một tổ hợp văn phòng cách đấy một quãng xa. Cùng thời với việc sắp xếp lại, mẹ tôi chuyển tới một căn nhà mới tên là Kashmir Cottage (mặc dầu đầu tiên bà không muốn), tạo điều kiện cho tôi một lần nữa được sống cuộc đời tu hành đích thực.

Ngay sau khi dọn tới Bryn Cottage, tôi xây dựng lại tu viện Namgyal, trước đây các vị sư của tu viện đó sống tạm trong một ngôi nhà nhỏ phía trên Swarg Ashram. Hiện nay tu viện là một tòa nhà cách nơi tôi ở không xa. Sau này, vào năm 1970, một ngôi đền mới cũng được hoàn thành, đền Tsuglakhang. Thế là giờ đây tôi có điều kiện tham gia nhiều nghi lễ theo lịch cổ truyền Tây Tạng. Hiện nay, sát với tòa nhà ở tu viện Namgyal là trường Phật giáo Biện Chứng, trường này duy trì nghệ thuật tranh biện trong cộng đồng tu viện. Chiều chiều, sân trước đền đầy những nhà sư trẻ áo nâu sồng, họ vỗ tay, lắc đầu và cười vang khi thực tập bài kiểm tra của họ.

Năm 1963, tôi triệu tập một cuộc gặp gỡ những người đứng đầu các truyền thừa khác nhau cùng với các vị đại diện đạo Bon. Chúng tôi thảo luận về khó khăn chung, về chiến lược khắc phục khó khăn để bảo toàn, phát triển mọi khía cạnh của nền văn hóa Phật giáo Tây Tạng. Sau nhiều ngày thảo luận, tôi hoàn toàn thỏa mãn rằng, nếu chúng tôi chỉ cần tự lo liệu trong những điều kiện đúng đắn, tôn giáo của chúng tôi sẽ tồn tại. Và giờ đây, ngay sau khi khánh thành tu viện của tôi, tôi tái thiết lại tu viện Ganden, Drepung và Sera ở phía nam bang Karnataka, bắt đầu với một cơ số là 1, 300 vị sư, những vị còn sống sót ở Buxa Duar.

Hôm nay, khi bước vào thập kỷ thứ tư sống tha hương, chúng tôi đã có một cộng đồng tu viện thịnh vượng với trên sáu ngàn tăng lữ kiên định. Tôi có thể nói rằng chúng tôi có rất nhiều vị sư: Sau cùng, điều đáng quan tâm là phẩm chất và sự cống hiến của những vị đó, chứ không phải là số lượng.

Một tổ chức khác về văn hóa cũng được thực hiện vào cuối thập kỷ 1960, đó là Thư Viện Tác Phẩm Tây Tạng và Viện Lưu Trữ, những đơn vị này không chỉ lưu trữ trên bốn mười ngàn cuốn sách Tây Tạng nguyên bản, mà còn xuất bản bằng cả Anh ngữ và Tạng ngữ. Trong năm 1990, thư viện công bố cuốn thứ 200 tựa đề bằng tiếng Anh. Thư viện được xây dựng theo phong cách Tây Tạng truyền thống, phía sau phòng lưu trữ sách có viện bảo tàng chứa nhiều đồ vật do người tỵ nạn đem lại. Trong số ít những người mang theo đồ vật, nhiều người mang được cả thangka (tranh thờ), kinh bản và đồ tạo tác của các dòng tôn giáo khác. Nhiều thứ họ đặc biệt dành tặng cho Đức Dalai Lama. Tôi chuyển những thứ này cho những đơn vị này.

 

Trước khi chính thức chuyển tới Bryn Cottage, tôi ốm mất vài tuần lễ. Trên đường trở lại Dharamsala đầu năm1966, sau khi cuộc chiến Ấn Độ và Pakistan chấm dứt, tôi hăng hái thực hiện chương trình ăn chay mới. Thật không may, chỉ có một số ít món ăn trong nhà bếp Tây Tạng là không sử dụng thịt, đôi khi nhà bếp không chịu học cách nấu ngon mà không cần thịt. Nhưng cuối cùng họ đã thành công và bắt đầu nấu những món ăn rất ngon. Tôi cảm thấy khỏe khoắn với các món chế biến của họ. Lúc này nhiều người bạn Ấn Độ nói với tôi về tầm quan trọng của việc bổ sung vào bữa ăn chay của tôi nhiều sữa và các loại hạt khác nhau. Tôi chấp hành lời khuyên này một cách nghiêm chỉnh, kết quả là sau 12 tháng, tôi mắc bệnh vàng da rất nặng.

Ngày đầu tiên, tôi nôn rất nhiều. Sau đó tôi mất cảm giác ngon miệng trong hai hoặc ba tuần lễ, và rơi vào trạng thái hoàn toàn kiệt quệ. Để di chuyển dù chỉ một chút, tôi cũng phải cố gắng hết sức. Hơn nữa, nước da trở nên vàng khè. Trông tôi giống như một ông Phật! Một vài người thường nói vị Dalai Lama sống như một người tù trong một chiếc lồng bằng vàng: trường hợp này, tôi là một thi thể bằng vàng.

Cuối cùng bệnh của tôi, thành ra là bệnh viêm gan B, được chữa khỏi, nhưng chỉ khỏi sau khi tôi dùng một số lượng lớn thuốc của Tây Tạng (về vấn đề này tôi sẽ nói nhiều trong chương sau). Ngay lúc tôi cảm thấy muốn ăn trở lại, bác sĩ riêng hướng dẫn tôi không những giảm những thức ăn có chất béo đi, hạn chế thức ăn loại hạt, giảm sức tiêu thụ sữa, mà phải tiếp tục ăn thịt. Họ rất sợ chứng bệnh đã gây ra những tổn thất lâu dài trong gan và theo quan điểm của họ, tuổi thọ của tôi sẽ giảm đi. Tôi hỏi thêm một số bác sĩ Ấn Độ, các bác sĩ này cũng có chung một quan điểm. Tôi đành miễn cưỡng trở lại chế độ ăn mặn. Giờ đây tôi ăn thịt, trừ những dịp đặc biệt do phần thực hành tâm linh yêu cầu. Trường hợp của tôi cũng giống như trường hợp của một số người đi theo con đường tôi đi, và cùng chịu chung một số phận.

Ngay từ đầu, tôi rất vui sướng với ngôi nhà mới. Giống như Swarg Asham, ngôi nhà này đầu tiên do người Anh xây dựng trên đỉnh đồi, trong một khu vườn nhỏ có cây cối bao quanh. Nơi đây có một tầm nhìn rất đẹp với dãy núi Dhauladar và thung lũng mà Dharamsala tọa lạc. Ngoài việc có đủ không gian bên ngoài để nói chuyện với hàng ngàn người, điểm thu hút chính của ngôi nhà là cái vườn. Tôi bắt tay vào việc ngay lập tức, trồng rất nhiều hoa và các loại cây ăn quả khác nhau. Tôi làm việc này bằng tay. Với tôi, làm vườn là một thú vui. Song thật đáng buồn, rất ít cây tươi tốt, không những thế chúng ra ít quả và quả lại đắng, nhưng tôi được an ủi nhờ có nhiều giống súc vật tới thăm, đặc biệt là chim chóc.

Tôi thích quan sát những động vật hoang dã hơn là làm vườn. Vì thế, tôi dọn một khu đất dành cho chim ngay trước cửa sổ bàn học. Khu đất được quây bằng dây thép, chăng lưới chống những con chim to và chim săn mồi, chúng hay xua đuổi những con chim nhỏ đồng loại. Tuy vậy, không phải lúc nào tôi cũng thành công trong việc ngăn cách chúng. Hãn hữu tôi phải lấy một khẩu súng hơi tôi có được khi mới tới Ấn Độ, để răn đe những tên xâm nhập to béo, tham lam. Khi còn bé, ở Norbulingka, tôi có quá nhiều thời gian tập tành với khẩu súng hơi cổ lỗ của vị Dalai Lama đời thứ mười ba, tôi bắn rất khá. Tất nhiên không bao giờ tôi giết chúng. Tôi chỉ cố ý bắt chúng chịu đau một chút nhằm dạy cho chúng một bài học.

Thời gian biểu ở Bryn Cottage cũng giống như trước đây. Mùa đông tôi đi thăm khu khai hoang của người tỵ nạn, đôi khi thuyết giảng. Tôi cũng tiếp tục nghiên cứu tôn giáo. Thêm vào đó, tôi học cách tư duy của người phương Tây, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, thiên văn học và triết học. Lúc nhàn rỗi, tôi phát hiện lại thiên hướng về nhiếp ảnh của mình. Khi mới mười ba hay mười bốn tuổi, nhờ sự giúp đỡ của Serkon Rinpoché, vị tsenshap tàn tật, tôi sở hữu chiếc máy ảnh đầu tiên của văn phòng quản lý đồ đạc.

Đầu tiên, tôi giao những phim đã chụp cho ông đi rửa. Ông nói đó là phim của riêng ông (tránh cho tôi khỏi xấu hổ nếu tôi có chụp những gì được coi là không xứng đáng với cương vị Dalai Lama) và đưa cho một người say mê lĩnh vực đó. Họ sẽ tráng và in thành ảnh ở Ấn Độ. Việc rửa, in ảnh này thường làm ông lo sợ, vì nếu như chủ đề của tôi không thích hợp, ông sẽ phải gánh chịu mọi trách nhiệm. Sau này, tôi thành lập một buồng tối ở Norbulingka và học lại Jgme Taring cách tự làm lấy công việc này.

Một sở thích khác tôi phục hồi lại sau khi chuyển tới ngôi nhà mới, đó là việc sửa chữa đồng hồ. Có chỗ rộng rãi hơn, tôi đủ điều kiện dành riêng một buồng làm xưởng làm việc do tôi có một bộ đồ sửa chữa đầy đủ. Vì như tôi nhớ lại, tôi rất say mê đồng hồ và các chuỗi tràng hạt, một cá tính tôi có chung với vị Dalai Lama thứ mười ba. Thông thường, khi nhìn vào những điểm khác nhau trong bản chất, tôi cho rằng tôi không thể là hóa thân của người, song xét lại niềm đam mê của chúng tôi về đồng hồ và tràng hạt, tôi nhận thấy đương nhiên tôi phải là hóa thân của vị đó!

Khi còn trẻ, tôi giữ chiếc đồng hồ bỏ túi của người. Nhưng thứ mà tôi khao khát, đó là một chiếc đồng hồ đeo tay, dù cho một số người khuyên tôi không nên sử dụng vật đó. Lúc lớn lên, tôi thuyết phục Serkon Rinpoché rằng tôi cần đồng hồ. Tôi thu xếp để ông mua cho tôi một chiếc Rolex và một chiếc Omega ở chợ Lhasa. Dường như không thể tin được rằng ngày xưa, trước khi người Trung Quốc tới khai hóa chúng tôi, việc mua được đồng hồ Thụy sĩ ở Lhasa là điều có thể được. Thực ra, chỉ có rất ít thứ bạn không thể mua, còn mọi thứ từ xà phòng Marmite và Yardley của Anh, cho tới tạp chí Life số mới nhất, người ta có thể dễ dàng tìm thấy ở chợ.

Không cần phải nói, việc đầu tiên của tôi đối với những thứ này là tháo rời nó ra. Lần đầu tiên thấy những mảnh vật chất nhỏ bé cấu thành máy móc, tôi tiếc cho sự vội vã của mình. Nhưng tôi không mất quá nhiều thời gian để lắp chúng lại và hiểu được cách để chúng chạy nhanh hơn lên hoặc chậm đi. Thế là tôi sung sướng vì cuối cùng tôi có một cái xưởng để làm những việc đó. Tôi đã chữa cho bạn bè và thân nhân một số đồng hồ gần như là hỏng hẳn, đồ nghề của tôi luôn luôn sẵn sàng, dù rằng hiện nay tôi không còn thời gian để làm công việc này nữa. Ngoài ra, bây giờ người ta sản xuất nhiều đồng hồ không thể mở ra mà không làm sây sước. Tôi sợ rằng mình sẽ làm một số người thất vọng khi trả lại đồng hồ cho họ, tuy đồng hồ của họ hoạt động tốt, nhưng hình thức không còn được nguyên bản nữa.

Có nghĩa là, tôi đã ít nhiều cố gắng bắt kịp với kỹ thuật hiện đại, tất nhiên, đồng hồ điện tử là thứ ngoài mục tiêu. Tôi cũng phải thừa nhận có một vài trường hợp tôi không khắc phục được. Một trong những trường hợp đó là chiếc đồng hồ Patek Philippe bằng vàng rất đẹp của tổng thống Roosevelt gửi tặng tôi. Hoạt động của kim giây và lịch ngày không ăn khớp với nhau, điều này vượt quá khả năng của tôi, vượt quá cả khả năng của người thợ chữa đồng hồ mà tôi gửi tới chữa. Mãi khi tôi mang nó tới xưởng sản xuất trong một dịp đi Thụy sĩ hồi mấy năm trước, người ta mới chữa cho nó chạy trở lại. Thật rất may chiếc đồng hồ này trước đây ở trong tay một người thợ sửa chữa đồng hồ người Ấn vào thời điểm tôi đi khỏi Lhasa. Trường hợp thứ hai là một chiếc đồng hồ thuộc về một viên chức trong chính phủ: tôi rất tiếc phải nói rằng tôi đã gửi trả chiếc đồng hồ đó bằng phong bì trong tình trạng thái nó rời từng mảnh một.

Lúc này có lẽ tôi cần đề cập tới ba chú mèo tôi nuôi trong khi ở Ấn Độ. Chú thứ nhất ở cùng với chúng tôi hồi cuối năm 1960. Đó là một con mèo mướp cái tên là Tsering, nó có nhiều điểm tốt, một trong những điểm tốt đó là sự thân thiện. Tôi có một vài nguyên tắc dành cho những sinh vật nào sinh hoạt trong gia đình tôi, ngoài những nguyên tắc đó, chúng còn phải là sư hoặc ni, nhưng Tsering có một điều vi phạm mà là một Phật tử, tôi không thể tha thứ được: nó không cưỡng lại được bản năng săn chuột, tôi thường xuyên kỷ luật nó về điều này. Trong một lần kỷ luật, tôi rất tiếc phải nói nó đã kết thúc cuộc sống. Tôi bắt gặp đúng lúc nó vừa mới vồ chết một con chuột trong nhà. Khi tôi quát mắng, nó leo lên đỉnh rèm, thình lình trượt chân rơi xuống đất và bị thương nặng. Dù cho tôi tận tình săn sóc, nó không qua khỏi, sau mấy ngày nó chết.

Tuy vậy, sau đó không lâu, tôi lại thấy có một con mèo con trong vườn, hình như mẹ nó bỏ lại. Tôi bế nó dậy, nhận thấy chân sau của nó bị què giống như tình trạng Tsering lúc chết. Tôi mang sinh vật đó vào trong nhà săn sóc tới khi nó đi được. Giống như Tsering, đó là một con mèo cái đẹp và dịu dàng hơn. Nó cũng sống rất hòa thuận với hai con chó, đặc biệt là Sangye.

Sau hai con chó, khi con mèo chết, tôi quyết định không giữ súc vật nữa. Giống như vị phó trợ giáo của tôi, Ling Rinpoché, bản thân ông là một người yêu súc vật, có lần ông nói: “Gia súc cuối cùng chỉ là một nguyên nhân kèm thêm để gây ra nỗi hoảng hốt của chủ nhân nó. “Hơn nữa, với quan điểm của Phật giáo, không bao giờ nên nghĩ và quan tâm tới chỉ một hoặc hai con vật, trong khi tất cả mọi sinh linh đều cần sự quan tâm và lời nguyện cầu của bạn.

Tuy vậy, mùa đông năm 1988, tôi ngẫu nhiên lại thấy một con mèo con ốm cùng với mẹ nó trong bếp đối diện với lối vào nhà tôi. Tôi mang nó về nuôi. Tôi ngạc nhiên thấy nó lại cũng què chân, giống như hai con mèo trước đây. Tôi cho nó uống thuốc Tây Tạng và sữa trong một cái ống hút cho tới khi nó khỏe hẳn, bây giờ nó là thành viên trong nhà. Lúc viết cuốn sách này, nó vẫn chưa có tên: việc này sẽ theo trình tự. Đồng thời, con mèo tỏ ra rất linh hoạt và tò mò. Mỗi khi tôi có khách, nó luôn tới quan sát họ. Cho tới nay nó khá ngoan ngoãn, không săn bắt các sinh vật khác, mặc dù nếu có dịp, nó vẫn ăn vụng đồ ăn của tôi.

Tôi có một nhận xét về súc vật, ngay cả đối với gia súc, dù được chiều chuộng, chúng vẫn có khuynh hướng bỏ đi khi có cơ hội. Điều này củng cố niềm tin của tôi, rằng ước muốn tự do là điểm cơ bản của tất cả mọi sinh linh.

Đối với tôi, một trong những khía cạnh quan trọng với ba mươi mốt năm tha phương, là cơ hội gặp gỡ mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội. Do Ấn Độ là một quốc gia tự do, nên đối với những người tôi tiếp kiến, họ không bị gò bó. Có lần tôi may mắn gặp những con người thực sự xuất sắc. Tuy nhiên, đôi khi tôi cũng gặp những người đau yếu, kể cả những người bị rối loạn thần kinh. Song phần lớn người tôi gặp đều là những con người bình thường.

Bất kể lúc nào gặp họ, mục đích của tôi là giúp họ với mọi khả năng, và cũng học những gì tôi có thể học được.

Hiếm khi những người tôi trao đổi tỏ ra lúng túng, nhưng trong tất cả các trường hợp tôi nhớ lại, tôi thường dành phần thuận lợi cho đối tác. Tôi tin rằng điều này có thể thực hiện được bằng cách luôn luôn có cùng một động cơ chân thành thúc đẩy.

Đặc biệt, tôi rất thích gặp gỡ những người có bối cảnh khác nhau bất kể nam nữ, kể cả người theo các truyền thống tôn giáo khác nhau. Một ví dụ điển hình là ông J. Krishnamurti. Tôi thấy ông là một con người rất ấn tượng, tư duy sắc bén, kiến thức rộng lớn. Dù dáng vẻ hòa nhã, song ông lại có một quan điểm rất rõ ràng, dứt khoát về cuộc sống và ý nghĩa của nó. Sau đó, tôi cũng gặp rất nhiều đệ tử của ông, những người rút ra được vô số ích lợi qua các bài giảng của ông.

Thời gian này, một trong những kỷ niệm hạnh phúc nhất là trường hợp tôi may mắn được tiếp cha Thomas Merton, một tu sĩ khổ hạnh dòng Trappist ở Mỹ (dòng tu khổ hạnh, dòng Luyện Tâm). Ông tới Dharamsala vào tháng mười hai năm 1968, trước khi cái chết thảm thương của ông xảy ra vài tuần sau đó ở Thái Lan. Chúng tôi gặp nhau trong ba ngày liên tiếp, mỗi lần gặp kéo dài hai tiếng đồng hồ. Ông Merton là một người lực lưỡng, tầm thước, đầu còn ít tóc hơn tôi, không phải vì ông cũng cạo đầu trọc. Ông đi ủng to và đeo một cái thắt lưng bằng da rất dầy xung quanh bộ áo thầy tu dày màu trắng nặng nề. Hình thức bên ngoài của ông thật ấn tượng, không thể nào quên, nhưng thứ gây ấn tượng mạnh hơn, đó là cuộc sống nội tâm mà ông đã thể hiện. Tôi có thể thấy được ông là một con người thực sự khiêm tốn, có trình độ tâm linh rất sâu. Đây là lần đầu tiên tôi hết sức kinh ngạc bởi một cảm giác thuộc về tâm linh đối với người theo đạo Cơ đốc. Từ đó trở đi, tôi cũng tình cờ gặp những người có phẩm chất tương tự, nhưng chính ông Merton là người cho tôi biết ý nghĩa đích thực của danh từ “Cơ đốc”.

Cuộc gặp gỡ của chúng tôi được tiến hành trong bầu không khí rất dễ chịu. Ông Merton là một người vừa hài hước vừa hiểu biết, tôi gọi ông là Catholic geshe (tiến sĩ Cơ đốc giáo). Chúng tôi nói chuyện về các vấn đề trí tuệ và tâm linh, những lợi ích tương hỗ, trao đổi các thông tin về tu viện. Tôi rất hào hứng học hỏi tất cả những gì về truyền thống tu viện ở phương Tây. Ông kể cho tôi nghe nhiều chuyện khiến tôi kinh ngạc, nhất là những hành giả Cơ đốc thực hành thiền, họ không theo một tư thế đặc biệt nào. Theo sự hiểu biết của tôi, tư thế và kể cả hơi thở đều quan trọng. Chúng tôi cũng thảo luận về những lời thề nguyện của các hành giả nam nữ Cơ đốc giáo.

Về phần ông, ông muốn biết về lý tưởng Bồ tát. Ông cũng muốn gặp một giảng viên có thể chỉ dẫn cho ông về Mật tông. Nói chung, đây là một cuộc trao đổi rất có ích, nhất là vì tôi phát hiện ra được nhiều điểm tương đồng giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Nên tôi vô cùng buồn thảm khi được tin ông chết bất thình lình. Thomas Merton hoạt động như một chiếc cầu cứng cáp nối liền hai truyền thống tôn giáo rất khác nhau. Hơn nữa, ông giúp tôi nhận thấy là mọi tôn giáo chính yếu, với giáo lý về tình yêu thương và lòng từ bi, những tôn giáo này sẽ giáo dục con người trở nên con người nhân bản.

Sau khi gặp Cha Thomas Merton, tôi còn có nhiều cuộc tiếp xúc đáng kể với những người Cơ đốc khác. Trên đường tới Âu châu, tôi đi thăm nhiều tu viện các quốc gia khác nhau, mỗi lần tới, tôi đều rất ấn tượng với những gì thấy được. Những hành giả tôi đã gặp, họ thể hiện sự sùng kính đối với khuynh hướng của họ mà tôi khá là ghen tỵ. Dù rằng chỉ là một số ít, nhưng tôi có ấn tượng mọi phẩm chất và cống hiến của họ rất cao. Ngược lại, người Tây Tạng chúng tôi, kể cả trong hoàn cảnh tha hương, chúng tôi có một số lượng lớn các nhà sư, bốn hoặc năm phần trăm của dân số tỵ nạn, tuy thế mức độ cống hiến lại không đạt tới như vậy.

Tôi cũng rất ấn tượng với mọi công việc thực tiễn của người Cơ đốc thuộc các dòng qua nhiều tổ chức từ thiện cống hiến cho y tế và giáo dục. Có nhiều tấm gương tuyệt vời của họ ở Ấn Độ. Đó là một lĩnh vực mà chúng tôi có thể học được từ các anh chị em Cơ đốc chúng ta: nếu Phật giáo có thể có được những đóng góp như vậy đối với cộng đồng, điều này thật vô cùng lợi ích. Tôi cảm thấy rằng các sư ni của Phật giáo có khuynh hướng nói nhiều về lòng từ bi mà không thực hành mấy. Đã nhiều lần tôi tranh luận vấn đề này với những người Tây Tạng và các Phật tử khác, tôi tích cực cổ vũ việc thành lập những tổ chức tương tự. Tuy vậy, nếu đúng là chúng ta có thể học được từ phía Cơ Đốc giáo, tôi cảm thấy họ cũng có thể học từ phía chúng tôi đôi điều. Ví dụ, kỹ thuật thiền, sự tập trung tư duy rất có thể hỗ trợ họ trong những lĩnh vực khác của cuộc sống tâm linh.

Cuối những năm 1960 trùng hợp với nhiều dấu hiệu đầu tiên nói lên mơ ước của tôi trong việc tái định cư cho 100, 000 người Tây Tạng ở Ấn Độ, Nepal và Bhutan, mơ ước này đã có thể đạt được. Vậy dù cho những tin tức ít ỏi về Tây Tạng mà tôi được nghe đều là những tin tức đáng thất vọng, tôi vẫn nhìn thẳng vào tương lai với một cảm giác lạc quan rất thực tế và có cơ sở. Tuy vậy, hai loạt sự kiện ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của tôi, chúng nhắc nhở tôi về hoàn cảnh bấp bênh hiện tại.

Sự kiện thứ nhất có liên quan tới chừng bốn ngàn người tỵ nạn định cư ở Bhutan. Vương quốc Bhutan là một quốc gia hẻo lánh nằm ở mạn viễn đông biên giới Ấn Độ, đúng ngay phía nam tỉnh U-Tsang, một tỉnh chủ chốt của Tây Tạng. Giống như Tây Tạng, Bhutan là một miền đất với những dãy núi oai nghiêm, quê hương của một dân tộc rất nhiệt tình với tôn giáo, một dân tộc cũng theo Phật giáo như chúng tôi. Không như Tây Tạng, quốc gia này là thành viên chính thức của Liên Hiệp Quốc.

Vị vua quá cố của đất nước Bhutan đối xử rất tốt với những người Tây Tạng tỵ nạn tại quốc gia của người. Với sự giúp đỡ của chính phủ Ấn Độ, ngài cấp đất đai, phương tiện giao thông, hỗ trợ thành lập các khu vực nông nghiệp cho người dân chúng tôi.

Đầu tiên, mọi việc đều tốt đẹp, người Tây Tạng rất sung sướng. Khi gặp một nhóm trong số người đó tại buổi đầu tiên tôi làm lễ nhập môn Kalachakra ở Bodh Gaya năm 1974, tôi hài lòng thấy họ đã làm rất tốt. Họ rất được những người chủ nhà ca ngợi, đặc biệt là tân vương Wangchuk mới lên ngôi. Ngài gây ấn tượng bằng vào thái độ chín chắn khi xử lý công việc quốc gia. Nhưng chỉ vài tháng sau, mọi chuyện đột nhiên xấu đi. Hai mươi hai thành viên xuất chúng trong cộng đồng Tây Tạng bị bắt giam, tra tấn, bị giam giữ trong nhà tù Timphu ở thủ đô mà không được đưa ra xét xử. Người đại diện cho cá nhân tôi, ông Lhading (người bà con với vị vua cuối cùng) cũng là một trong số người bị bắt. Tôi vô cùng thất vọng với tin này và thấy cần phải có một cuộc điều tra nghiêm túc (mặc dù tôi không tin vào những lý lẽ viện dẫn về âm mưu để kết tội những người này). Nhưng cuộc điều tra không được thực hiện, thực chất vấn đề không bao giờ được làm sáng tỏ. Cuối cùng tôi nhận thấy rằng những người Tây Tạng đó bị sử dụng như những kẻ bung xung trong chuyện nội bộ của chính quyền Bhutan.

Sau chuyện không may này, rất nhiều người tỵ nạn quyết định rời khỏi Bhutan. Song tôi tin rằng những người còn ở lại vẫn tiếp tục sống một cách bình an, cho dù hãy còn một số thái độ nghi ngờ, oán giận đối với họ. Dù thế nào đi chăng nữa, tôi cũng vô cùng biết ơn nhân dân và chính phủ Bhutan về tất cả những gì họ đã làm cho dân tộc tôi, tôi tin chắc rằng trong tương lai, mối quan hệ hữu nghị truyền thống của chúng tôi sẽ hoàn toàn phục hồi.

Một sự kiện bi thảm khác có liên quan tới những người du kích được CIA huấn luyện và cung cấp khí giới, những người tiếp tục chiến đấu giành tự do cho Tây Tạng bằng phương pháp bạo lực. Hơn một lần, tôi cố gắng tìm hiểu tin tức cụ thể về hoạt động này qua Gyalo Thondup và một số người khác, song tôi chưa bao giờ được nghe đầy đủ câu chuyện. Tuy nhiên, tôi biết rằng quân du kích được thành lập năm 1960 ở Mustang, một khu hẻo lánh nhất vùng bắc Nepal, ngay sát biên giới Tây Tạng. Một lực lượng nhiều ngàn người khỏe mạnh được tuyển mộ trong số dân tỵ nạn đã tập hợp ở đây (mặc dù chỉ có một tỷ lệ ít ỏi được Mỹ huấn luyện). Thật đáng tiếc, tính hợp lý của căn cứ này không được tính toán cẩn thận. Kết quả là những người “khởi nghĩa trong tương lai” phải chịu nhiều khó khăn, dù lẽ tất nhiên khó khăn này không thể so sánh được với những nỗi nguy hiểm phải đương đầu của các chiến sĩ chiến đấu một cách can đảm phi thường vì nền tự do, những người tiến hành cuộc đấu tranh ngay trong lòng Tây Tạng.

Cuối cùng, khi căn cứ hoạt động, quân du kích liên tục quấy rối quân Trung Quốc, có lần đã phá hủy cả một đoàn xe. Đó là cuộc tấn công bắt được tài liệu ghi nhận 87.000 người chết ở Lhasa trong khoảng thời gian từ tháng ba 1959 tới tháng chín 1960. Những thắng lợi này có một số kết quả tích cực trong việc đẩy mạnh dũng khí của họ. Nhưng vấn đề là không có các buớc tiếp theo phù hợp, hữu hiệu, nên những hoạt động này chỉ có thể mang lại kết quả đau thương thêm cho người dân Tây Tạng. Tệ hơn nữa, đây là cái cớ để chính quyền Trung Quốc lên án mọi nỗ lực của những người tìm cách giành độc lập cho Tây Tạng bằng hoạt động của lực lượng bên ngoài, tất nhiên thực chất đây là quyền hành động của mọi người dân Tây Tạng.

Cuối cùng, người Mỹ chấm dứt việc ủng hộ quân du kích sau khi họ công nhận chính quyền Trung Quốc năm 1970, điều này nói lên sự hỗ trợ của họ chỉ là một phản ứng của những chính sách chống cộng sản hơn là một hỗ trợ thuần túy phục hồi nền độc lập cho Tây Tạng.

Tuy nhiên, quân du kích quyết tâm tiếp tục chiến đấu tới cùng. Điều này khiến chính quyền Trung Quốc (chắc chắn họ gặp rắc rối do hoạt động của các du kích) yêu cầu chính quyền Nepal tước khí giới của lực lượng ở Mustang, dù đã có một sự dàn xếp nào đó giữa những người Tây Tạng này và chính quyền Nepal. Nhưng khi chính quyền Nepal cố thực hiện điều này, quân du kích từ chối, họ nói họ quyết định tiếp tục chiến đấu, dù rằng điều này ngụ ý giờ đây họ phải chiến đấu cả với quân đội Nepal nữa.

Tuy luôn ngưỡng mộ quyết định của các chiến sĩ du kích, song chưa bao giờ tôi hứng thú với những hoạt động của họ, và bây giờ tôi quyết định phải can thiệp. Tôi biết rằng chỉ có mỗi một con đường có thể hy vọng tạo ra một ấn tượng với họ, đó là yêu cầu họ trên danh nghĩa cá nhân tôi. Cho nên, tôi chỉ đạo nguyên Kusun Depon P.T.Takla mang một cuốn băng ghi những thông điệp tới cho người lãnh đạo của họ. Trong cuốn băng, tôi nói rằng chiến tranh với người Nepal là một điều vô nghĩa, ít nhất sẽ có hàng nhiều ngàn người Tây Tạng tỵ nạn định cư ở Nepal phải chịu đau khổ. Thay vì làm vậy, họ cần biết ơn chính phủ Nepal. Vì thế họ nên buông vũ khí và trở lại cuộc sống hòa bình. Cuộc đấu tranh của Tây Tạng cần có một chiến lược lâu dài.

Sau đó, P.T.Takla cho tôi biết rất nhiều chiến sĩ cảm thấy họ đã bị lừa dối, thậm chí một số ít những người lãnh đạo thà chết chứ không chịu rời bỏ khí giới. Tôi phát điên khi nghe thấy tin này. Lẽ tự nhiên, tôi có những cảm xúc hỗn tạp đối với việc yêu cầu các chiến sĩ chiến đấu cho tự do. Dường như có điều gì sai lầm trong cách phản đối những con người can đảm, trung thành và mến yêu Tây Tạng như vậy, dù trong thâm tâm tôi biết đó là một hành động đúng.

Phần lớn những người du kích đều buông vũ khí, song một số trong bọn họ, chừng dưới một trăm người bỏ qua lời yêu cầu của tôi. Khi từ biên giới bên này vượt qua biên giới bên kia, họ bị quân Nepal đuổi theo. Cuối cùng, trong một trận phục kích, họ bị bắt và bị giết chết. Vậy là kết thúc một chương bi thảm trong lịch sử cộng đồng Tây Tạng.

CHƯƠNG 11
TỪ ĐÔNG SANG TÂY

Chuyến đi đầu tiên của tôi ra khỏi Ấn Độ vào hồi tháng tám năm1967 tới Nhật và Thái Lan. Từ đó trở đi, tôi phải đi lại nhiều hơn trước, dù những khó khăn thường do các anh chị em ở Trung Quốc gây ra. Thật đáng tiếc, phần lớn những cuộc hành trình ra nước ngoài của tôi chỉ hoàn toàn mang tính cá nhân (thường là lời mời của một trong những cộng đồng Tây Tạng hoặc cộng đồng Phật giáo nước ngoài), song người Trung Quốc luôn đánh giá đó là những hoạt động chính trị, người nào gặp tôi đều bị nhà cầm quyền Bắc Kinh coi là những người phát biểu có tính chất chính trị. Vì lý do đó, có lúc một số nhân vật lãnh đạo quần chúng bị ngăn trở khi tiếp xúc với tôi, họ sợ phải chịu trách nhiệm đối với chính phủ của họ, hoặc sợ nhà cầm quyền Trung Quốc không hài lòng.

Trong giai đoạn viếng thăm đầu tiên đó, cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang ở thời kỳ căng thẳng. Tôi nhớ lại trên một chuyến bay, khi đang ở một độ cao, tôi thấy một chiếc máy bay khác rất lớn bay vượt lên chúng tôi. Tôi nhận ra đó là chiếc máy bay ném bom B52. Với một nỗi buồn vô hạn, tôi nhận thức được chiếc máy bay này dùng cho việc thả những vật nặng của nó không phải rơi xuống biển một cách vô tội, mà rơi vào ngay những con người như tôi. Tôi mất hết can đảm khi nhìn thấy nó, ngay cả trên độ cao cách mặt đất 30.000 bộ, người ta cũng không thể chối bỏ các bằng chứng về cách cư xử vô nhân đạo của con người với con người.

Hạ cánh xuống Tokyo, tôi vui sướng thấy những dấu hiệu của một bản chất tốt hơn của loài người. Điểm đầu tiên là sự sạch sẽ kỳ lạ. Tôi chưa bao giờ thấy sạch sẽ như vậy. Tôi nhận ra ngay tầm quan trọng của một sự ngăn nắp trật tự bên ngoài, ngay cả đối với đồ ăn, chúng luôn luôn được thể hiện trang nhã. Dường như đối với tôi, theo cảm giác của người Nhật, vấn đề trình bày trên đĩa được coi trọng hơn cả hương vị. Một thứ khác gây ấn tượng mạnh mẽ ngay với tôi là một khối lượng khổng lồ ô tô, xe tải hoạt động trong thành phố, chở người và hàng hóa chạy suốt ngày đêm. Những điều mắt thấy tai nghe này gây ấn tượng cho tôi tiềm năng về mặt mạnh của kỹ thuật hiện đại. Tôi cực kỳ hứng thú thấy rằng, dù nước Nhật đã đạt được nhiều ưu thế lớn về vật chất, song nước Nhật không hề mất đi truyền thống văn hóa và giá trị của nó.

Thời gian ở Nhật, tôi rất sung sướng gặp những sinh viên người Tây Tạng đang học tập ở đó. Tôi cũng vui mừng gặp được một số người Nhật nói tiếng Tây Tạng và hiểu rõ đất nước tôi. Thời kỳ vị Dalai Lama thứ mười ba còn tại thế, các học giả Nhật bản đã tới Tây Tạng nghiên cứu. Do vậy, dù chỉ với tư cách của một người tỵ nạn, việc tái thiết lập mối liên quan giữa hai quốc gia chúng tôi là điều đáng mừng.

Ấn tượng của tôi đối với Thái Lan lại rất khác. Tôi thấy người ở đây dễ tính đáng nể. Điều này trái ngược với Nhật bản, nơi mà ngay cả người phục vụ cũng gây ấn tượng cho tôi như một cái gì khá chính quy. Có nghĩa là có một số quy tắc bất thành văn nào đó được tuân thủ ở Thái Lan mà tôi thấy đặc biệt khó khăn. Theo phong tục của Thái, những người thế tục phải luôn luôn tỏ ra tôn kính với tăng lữ (sangha), như giới luật tu viện chỉ rõ. Nhưng thật hoàn toàn sai lầm khi một nhà sư mặc nhiên chấp nhận thái độ tôn kính như vậy, kể cả khi một người phủ phục xuống lạy vị đó. Tôi thật sự không thể quen được cung cách này. Với hoàn cảnh bình thường, tôi luôn luôn cố gắng đáp lễ lại sự chúc tụng. Và trong khi cố gắng hết sức kiềm chế mình, tôi thường thấy mình hoàn toàn tự chủ.

Đi thăm Thái Lan lần sau, phong tục này lại bộc lộ một vấn đề rất hứng thú khi tôi được mời dự ăn trưa với Đức vua. Tôi có nên bắt tay ông chăng? Rất có thể ông coi việc bắt tay là một hành động không thích đáng đối với tôi. Không ai biết chắc được vấn đề này. Trong trường hợp này, ông tiến tới và bắt tay tôi một cách thân mật.

Vấn đề khó khăn khác ở quốc gia này là khí hậu nóng kinh khủng, còn nóng hơn cả miền nam Ấn Độ. Nóng và muỗi. Hai thứ này khiến tôi rất khó ngủ. Mặt khác, một số vị sư trưởng mà tôi được vinh dự gặp gỡ, họ vô cùng ấn tượng. Cũng như ở Nhật bản, có rất nhiều vấn đề cần tranh luận như những truyền thống khác nhau của chúng tôi có thể chia sẻ được được với nhiều thực hành phổ thông, điều này giúp tôi thấy được Phật giáo trong truyền thống Tây Tạng là một hình thức hoàn chỉnh của Phật giáo.

Năm 1973, tôi đi du lịch chuyến đầu tiên tới châu Âu và Scandinavia (khu bắc Âu). Chuyến đi kéo dài hơn sáu tuần với mười một quốc gia. Thời gian cuối chuyến đi, tôi hoàn toàn kiệt quệ. Tuy vậy, tôi rất hồ hởi vì có cơ hội tới nhiều nơi mới mẻ, gặp được nhiều con người mới mẻ. Tôi cũng rất vui sướng được làm mới lại những mối quan hệ cũ. Đặc biệt tôi gặp Heinrich Harrer một lần nữa. Ông vẫn như thường lệ, vui vẻ, điệu bộ hài hước vẫn thô lỗ, phàm tục như xưa. Ông đã tới Dharamsala một lần, nhưng rất lâu trước khi tôi gặp ông lần cuối, và mái tóc vàng của ông, mái tóc mà tôi hay trêu chọc ông khi tôi còn bé, bây giờ đã trở thành màu xám. Ngoài ra, thời gian chẳng làm ông thay đổi nhiều. Những ngón tay leo núi mạnh mẽ của ông vẫn quyến rũ tô. Do một tai nạn trong khi ông dẫn một đoàn thám hiểm đi New Guinea, ông còn bị thêm nhiều vết thương hơn hồi tôi gặp lần cuối, song ông hoàn toàn mãn nguyện với chuyến đi này.

Điểm dừng đầu tiên là La mã, ở đây tôi được gặp Đức Giáo Hoàng. Khi máy bay tiếp đất, tôi háo hức muốn thấy phong cảnh có nói lên được những dấu hiệu của sự khác nhau ghê gớm tồn tại giữa Đông và Tây hay không. Mặc dù đã được xem rất nhiều tranh ảnh về các thành phố ở Âu châu, đặc biệt là trong bộ sưu tầm những sách viết về chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai, tôi vẫn không thể hình dung được những gì mình có thể thấy. Tôi nhẹ người khi thấy cây cối, thực vật và nơi cư trú của con người cũng giống như những gì tôi được biết ở phương Đông. Cuối cùng, mọi việc hiển nhiên không có gì khác nhau nhiều.

Sau khi hạ cánh, tôi tới thẳng thành phố Vatican. Phố Peter's Basilica có một cái gì khiến tôi gợi nhớ lại cung điện Potala, tối thiểu về kích thước và trạng thái cổ kính. Mặt khác, những người lính gác Thụy sĩ với bộ đồng phục sặc sỡ, dường như khá là khôi hài. Trông họ giống những người để trang trí. Cuộc nói chuyện với Giáo hoàng Paul đệ tứ rất ngắn ngủi, nhưng tôi giành cơ hội nhấn mạnh với ông niềm tin của tôi về tầm quan trọng của những giá trị tâm linh đối với nhân loại, bất luận tín ngưỡng nào. Ông hoàn toàn đồng ý và chúng tôi vui vẻ chia tay nhau.

Ngày hôm sau, tôi đi Thụy sĩ độ một tuần, ở đây tôi gặp chừng 200 em bé được các gia đình người Thụy sĩ nhận làm con nuôi. Tôi thấy chúng bẽn lẽn và ngượng nghịu trong cách cư xử. Thật đáng buồn, phần lớn các em mất khả năng nói tiếng mẹ đẻ (tuy vậy, lần tới thăm sau này vào năm 1979, tình hình khá hơn nhiều. Các em đã đi học và nói với tôi bằng tiếng Tây Tạng không chuẩn xác, khá hơn thứ tiếng Anh không chuẩn xác của tôi). Nhớ lại trạng thái buồn bã của các em sáu năm trước đây, tôi sung sướng nhận ra những khuôn mặt tươi cườ. Tôi nhận thấy người dân Thụy sĩ đón nhận các em với những cánh tay mở rộng như tôi đã hy vọng. Hiển nhiên các em đã lớn lên trong một bầu không khí yêu thương nhân ái.

Từ Thụy sĩ, tôi tới Hà Lan, một trong những người tôi gặp ở đây là một giáo sĩ Do Thái. Đó là một thực nghiệm rất cảm động. Do khó khăn ngôn ngữ, chúng tôi không thể trao đổi với nhau bằng lời nói, song điều này không cần thiết. Trong cặp mắt ông ta, tôi rõ ràng trông thấy những nỗi đau khủng khiếp của dân tộc ông, và những giọt nước mắt.

Tôi chỉ dừng lại ở Hà Lan hai ngày, chừng vài tiếng đồng hồ ở Bỉ trước khi bay tới Ái Nhĩ Lan, rồi Na uy, Thụy Điển và Đan Mạch, mỗi nước độ một hoặc hai hôm. Thời gian quá ngắn để đạt được những gì nhiều hơn là một số ấn tượng nhẹ nhàng về những nơi đây. Nhưng bất kỳ tới nơi nào tôi cũng nhận được những tình cảm nhân ái, nồng hậu, những khao khát tin tức về Tây Tạng. Đối với tôi, thật rõ ràng đất nước chúng tôi có một hấp lực mãnh liệt đối với các dân tộc trên thế giới. Một trong những niềm vui đặc biệt của chuyến đi này là cơ hội tôi đích thân cảm ơn một số trong nhiều người đã tổ chức cứu trợ người tỵ nạn Tây Tạng. Ví dụ, ở Na uy, Đan Mạch, Thụy Điển, tôi tới thăm các tổ chức tạo cơ hội cho bốn mười thanh niên nam nữ Tây Tạng được đào tạo thành công nhân cơ khí, nông gia hiện đại.

Quốc gia mà tôi dành phần lớn thời gian, đó là Vương quốc Anh. Tôi ở đó mười ngày và rất vui mừng thấy được điều củng cố niềm tin của tôi là, trong tất cả các quốc gia, Anh quốc là nước có mối liên quan gần gũi nhất với Tây Tạng. Hết sức ngạc nhiên, tôi gặp một số người rất già, họ có thể nói chuyện với tôi bằng Tạng ngữ. Thành ra là trong một số trường hợp, cha mẹ họ đã có thời kỳ là viên chức chính phủ ở Tây Tạng. Một trong những người đó là Hugh Richardson, người mà tôi đã gặp cách đây mười năm khi ông tới Dharamsala.

Trong thời gian ở Anh, tôi gặp đức ngài Harold Macmillan, người gây cho tôi một ấn tượng mạnh. Ông cực kỳ tử tế và có một dáng vẻ uy quyền lẫn khiêm tốn rất đáng chú ý. Ông cũng tỏ ra quan tâm tới giá trị của tâm linh. Một người khác tôi mới làm quen và sau này trở thành một người được quý trọng, đó là Edward Carpenter, rồi Dean of Westminster, bây giờ vợ ông thường gọi tôi là “Con tôi”.

Mặc dù năm 1960, tôi đọc trong một bài báo Ấn Độ nói rằng tổng thống Eisenhowwer tỏ ý ông sẽ tiếp vị Dalai Lama nếu tôi đi Mỹ, song một cuộc tìm hiểu về khả năng đó năm 1972 cho thấy có thể có những khó khăn trong việc xin giấy phép nhập cảnh. Lẽ tự nhiên, tôi muốn tò mò được thấy một quốc gia được cho là quốc gia giàu có nhất và tự do nhất trên trái đất, nhưng chỉ mãi tới năm 1979 tôi mới có điều kiện.

Trên đường tới New York, điểm tới đầu tiên, tôi lập tức ấn tượng ngay về không khí của tự do. Những người tôi gặp, họ có vẻ thân mật, cởi mở và thoải mái. Nhưng cùng lúc đó tôi không thể không thấy được tình trạng bẩn thỉu, bừa bãi của một số khu vực trong thành phố. Tôi cũng cảm thấy buồn khi gặp rất nhiều người lang thang, không nhà cửa, ở tạm trong những khoảng trống tiền sảnh của các tòa nhà lớn. Tôi lấy làm lạ là lại có thể có cả những người ăn mày trong một đất nước vô cùng giàu có, thịnh vượng này. Tôi nhớ lại những gì mà những người bạn cộng sản nói cho tôi biết về sự bất công của “Con hổ giấy đế quốc Mỹ”, bóc lột người nghèo vì lợi ích của người giàu. Một điều kinh ngạc khác được phát hiện ra, giống như nhiều người phương Đông, dù cho tôi vẫn giữ quan điểm nước Mỹ là một nước vô địch về tự do, song thực ra rất ít người biết về tình cảnh bị hủy diệt của Tây Tạng. Giờ đây, khi hiểu biết về quốc gia này nhiều hơn, tôi nhận thấy rằng với một phong cách nào đó, hệ thống chính trị của nước Mỹ không đựơc thi hành đúng với lý tưởng của nó.

Nhưng không phải những điều đó muốn nói rằng tôi không hào hứng trong lần đầu tới thăm nơi này, cũng không phải tôi không thấy những gì gây ấn tượng. Tôi đặc biệt thích nói chuyện trước các thính giả là sinh viên, tôi thấy họ luôn luôn thể hiện thiện chí. Việc tôi sử dụng thứ Anh ngữ tồi tệ không thành vấn đề, tôi luôn có được sự hưởng ứng nồng nhiệt, dù mọi người hiểu hay không hiểu. Điều này giúp tôi vượt qua cảm giác xấu hổ khi nói trước công chúng bằng thứ ngôn ngữ này, đồng thời giúp tôi phát triển lòng tự tin hơn, tôi rất biết ơn họ. Tuy nhiên, giờ đây tôi tự hỏi rằng sự tử tế này phải chăng đã không ích gì cho tôi đối với việc mất đi quyết tâm nâng cao hơn nữa trình độ Anh ngữ của mình. Vì dù cho bây giờ tôi quyết định như vậy, ngay khi về tới Dharamsala, tôi thấy quyết tâm của mình đã hoàn toàn sụp đổ! Kết quả là tôi thích nói chuyện với cử tọa Đức, Pháp và những người châu Âu khác, nhiều người nói tiếng Anh cũng chỉ như tôi, không văn phạm, lối phát âm khá nặng nề. Tôi không thích một chút nào khi nói tiếng Anh với người Anh, rất nhiều người khiến tôi ngạc nhiên vì họ quá dè dặt và hình thức.

Kể từ lần đầu tiên đi thăm các khu vực khác nhau của thế giới, tôi đã nhiều lần trở lại đó. Đặc biệt, tôi hào hứng đón nhận những cơ hội do đi lại, để gặp gỡ và nói chuyện với những người ở nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, một số nghèo khổ, một số giàu có, một số được giáo dục tốt, một số kém giáo dục, một số theo tôn giáo, một số không tín ngưỡng. Cho tới nay, tôi chỉ ghi nhận được một điều duy nhất củng cố cho niềm tin của tôi, là bất kỳ nơi nào bạn tới, thì về cơ bản con người đâu đâu cũng như nhau, dù có những khác biệt nông cạn bên ngoài. Giống như tôi, họ đều tìm kiếm hạnh phúc, không một ai muốn khổ đau. Hơn nữa, mọi người đều hiểu rõ giá trị của sự thương mến, đồng thời có tiềm năng thể hiện lòng thương mến với những người khác. Bằng vào suy nghĩ đó, tôi thấy tình bạn và sự thông cảm có thể phát triển được.

Nói chung tôi phát hiện được đó là những ấn tượng của tôi về xã hội phương tây. Cụ thể, tôi ngưỡng mộ sức mạnh, sự sáng tạo, lòng khát khao hiểu biết của xã hội này. Mặt khác, một số vấn đề về cách sống của phương tây khiến tôi quan tâm. Một thứ mà tôi lưu ý, đó là thiên hướng con người chỉ nghĩ về phạm trù"trắng và đen” “hoặc là, hay là”, mà họ quên đi vấn đề phụ thuộc lẫn nhau và khái niệm tương đối. Họ có khuynh hướng không nhìn thấy được khu vực màu ghi tồn tại giữa hai quan điểm.

Một điều được quan sát nữa, là nhiều người phương Tây sống rất tiện nghi trong những thành phố lớn, nhưng hầu như họ tách biệt với khối nhân loại. Tôi thấy rất là lạ, trong điều kiện vật chất đầy đủ, với hàng ngàn anh chị em hàng xóm láng giềng, rất nhiều người hình như chỉ có thể thể hiện cảm xúc thật của họ với chó hoặc mèo mà thôi. Tôi cảm thấy điều này nói lên sự hụt hẫng những giá trị tâm linh. Có lẽ một phần của những vấn đề ở đây là do tính cạnh tranh khắc nghiệt trong cuộc sống tại các quốc gia này, dường như qua đó nó sản sinh ra nỗi lo lắng, sản sinh ra một cảm giác sâu thẳm về tình trạng không an toàn.

Đối với tôi, cảm giác cô lập này được tượng trưng hóa bằng một vài thứ tôi lập tức thấy ngay trong ngôi nhà của một người rất giàu có mà tôi là khách mời trong một dịp ra nước ngoài. Đó là một ngôi nhà riêng rất lớn, hiển nhiên được thiết kế cực kỳ thuận lợi và tiện nghi, được lắp đặt các loại thiết bị. Tuy nhiên, khi vào trong phòng tắm, tôi không thể không chú ý tới hai lọ thuốc to đặt ở cái giá ngay phía trên chiếc tay vịn bồn tắm. Một lọ đầy thuốc an thần, lọ kia là thuốc ngủ. Đây cũng là một bằng chứng chứng tỏ rằng chỉ riêng sự thịnh vượng vật chất không thôi cũng không thể mang lại hạnh phúc lâu dài.

Như đã nói trước đây, tôi thường được mời ra nước ngoài. Rất thường xuyên, tôi cũng được yêu cầu nói chuyện trước một nhóm đông người. Khi đó, phương pháp tiếp cận của tôi gồm ba giai đoạn. Trước tiên, là một con người, tôi nói về cái tôi gọi là Trách Nhiệm Toàn Cầu. Về điều này, tôi muốn nói về thứ trách nhiệm mà tất cả chúng ta cần có đối với người khác, với tất cả mọi sinh linh, và cả với tự nhiên nữa.

Thứ hai, là một nhà sư, tôi cố gắng đóng góp tới mức tối đa cho một sự hài hòa hơn, hiểu biết hơn giữa các tôn giáo khác nhau. Đó là niềm tin vững chắc của tôi, là mọi tôn giáo đều nhằm mục đích làm con người tốt hơn, và dù cho có những nền triết học khác nhau, dù cho một số tôn giáo chỉ rất căn bản, tất cả đều nhằm mục đích giúp con người tìm thấy niềm hạnh phúc. Điều này không có nghĩa là tôi bào chữa cho một thế giới tôn giáo nào đó hoặc một thứ “tôn giáo siêu việt”. Đúng hơn, tôi coi tôn giáo như một dạng dược liệu. Với lời khai bệnh khác nhau, người bác sĩ sẽ kê các đơn thuốc khác nhau. Do vậy, vì những chứng “bệnh” thuộc về tâm linh của con người không giống nhau, nên con người phải cần tới những dược liệu tâm linh khác nhau.

Cuối cùng, là một công dân Tây Tạng, hơn nữa lại là một Dalai Lama, tôi nói về đất nước, con người và văn hóa của chúng tôi mỗi khi có người tỏ ra hứng thú với những vấn đề như vậy. Tuy nhiên, dù rất phấn khởi khi tổ quốc và những nỗi khổ đau của người dân trong đất nước Tây Tạng bị chiếm đóng được để ý tới, dù cho những hành động đó tiếp thêm năng lượng cho lòng quyết tâm tiếp tục chiến đấu vì công lý của tôi, tôi cũng không coi những người ủng hộ động cơ của chúng tôi là những người “thân Tây Tạng”, họ là những người “ủng hộ chân lý”.

Một trong những điều tôi lưu ý qua các chuyến đi, là tất cả những hứng thú được lớp trẻ thể hiện trong mọi vấn đề tôi nói tới. Tôi cho rằng, sự nhiệt tình đó có thể do yêu cầu của tôi về một thái độ thân mật tuyệt đối với họ. Riêng tôi, tôi đánh giá rất cao những trao đổi với lớp thính giả trẻ. Họ hỏi các loại câu hỏi liên quan tới những vấn đề về lý thuyết của Phật giáo về sự Trống Rỗng, ý tưởng của tôi về vũ trụ học và khoa học hiện đại, những câu hỏi về giới tính và đạo đức. Những câu hỏi phức tạp, không được chuẩn bị trước, đó là những câu hỏi khiến tôi vô cùng hứng thú. Chúng rất có ích, tôi buộc phải quan tâm tới những gì đã không thể xảy ra đối với mình. Các cuộc trao đổi như vậy gần như là một cuộc tranh luận.

Một nhận xét nữa là rất nhiều người khi tôi nói chuyện với họ, đặc biệt đối với người phương Tây, họ có một cách suy nghĩ mang tính chất hoài nghi rất cao. Tôi cảm thấy điều này có thể có ích, với điều kiện sự hoài nghi này phải được sử dụng làm cơ sở cho một quá trình tìm hiểu sau này.

Có lẽ những người hoài nghi nhiều nhất là các nhà báo, phóng viên, những người mà với thân phận Dalai Lama, tôi buộc phải tiếp xúc rất nhiều, đặc biệt khi đi xa. Tuy nhiên, dù cho người ta thường nói những người này là những người của thế giới báo chí tự do, họ rất cứng rắn, hung hăng, song tôi lại thấy rằng nói chung không hẳn là như vậy. Phần lớn họ trở thành bạn bè, dù cho lúc bắt đầu không khí đôi khi có vẻ căng thẳng. Đúng là có một vài lần, cuộc hỏi đáp lại trở thành một cuộc tranh cãi nặng nề. Nếu trường hợp này xảy ra, tôi thường ngừng lại ngay khi chạm tới vấn đề chính trị, lĩnh vực tôi cố gắng tránh xa. Người ta có lý đối với quan điểm riêng của họ, còn tôi không coi vai trò của mình là tìm cách thay đổi tư duy của họ.

Sự việc sảy đúng như vậy trong một chuyến đi nước ngoài gần đây. Sau khi hội nghị báo chí kết thúc, một số người cảm thấy Dalai Lama đã đưa ra những câu trả lời không thỏa đáng. Tuy nhiên tôi không mấy quan tâm. Người ta phải tự quyết định xem vấn đề Tây Tạng có phải là một trường hợp đúng hay không.

Tệ hại hơn những cuộc chạm trán không như ý một cách kỳ quặc với giới báo chí, là một vài sự cố liên quan tới việc xuất hiện trên truyền hình. Có một trường hợp, khi ở Pháp, tôi được mời nói trên chương trình thời sự. Người ta giải thích rằng người giới thiệu sẽ trực tiếp nói với tôi bằng tiếng Pháp. Những gì ông ta nói sẽ ngay lập tức được phiên dịch sang tiếng Anh cho tôi qua một chiếc tai nghe nhỏ. Nhưng lần đó tôi không thể hiểu được một từ nào từ chiếc tai nghe đó cả.

Một trường hợp khác, khi đang ở Washington, trường hợp xảy ra tương tự như vậy, chỉ khác là lần này tôi ở trong trường quay một mình. Người phỏng vấn tôi lại nói từ New York. Tôi được cho biết là tôi phải nhìn trực tiếp lên màn hình có hình của tôi chứ không phải hình của người phỏng vấn. Điều này làm tôi hoàn toàn bị đảo lộn. Tôi thấy thật rắc rối khi phải nói với chính mình, rắc rối đến nỗi tôi không thể nói nổi.

Bất kỳ lúc nào khi ra nước ngoài, tôi đều cố gắng tiếp xúc với các nhà thực hành của nhiều tôn giáo khác nhau với quan điểm cổ vũ cho những cuộc đối thoại giữa các đức tin. Có lần, tôi gặp một số người Cơ Đốc giáo có những mong muốn tương tự. Từ đó dẫn tới một cuộc trao đổi các vấn đề thuộc về tu viện kéo dài vài tuần, một số nhà sư Tây Tạng đi thăm tu viện Cơ Đốc, và một số lượng tương đương các tu sĩ Cơ Đốc đi thăm Ấn Độ. Cuộc trao đổi này chứng tỏ đây một thực hành cực kỳ hữu ích cho cả hai bên. Đặc biệt, cuộc trao đổi này khiến chúng tôi đạt được một hiểu biết sâu sắc về cách suy nghĩ của người khác.

Trong những cá nhân thuộc các dòng tôn giáo mà tôi đã gặp, tôi có thể kể ra một vài nhà Cơ Đốc nổi danh (tôi phải thêm vào rằng tôi rất may mắn được gặp những con người có bối cảnh vĩ đại của các tôn giáo khác nhau). Đức Giáo Hoàng đương kim là một vị tôi vô cùng tôn trọng. Đầu tiên, bối cảnh tương tự của chúng tôi khiến chúng tôi có một nền tảng chung. Lần đầu tiên gặp nhau, ông gây ấn tượng đối với tôi như là một dạng người rất thực tiễn, có tư tưởng rộng rãi, cởi mở. Tôi tin chắc ông là một nhà lãnh đạo tâm linh vĩ đại. Ai mà có thể gọi to “Hỡi người anh em” đối với chính kẻ đã ám sát mình như Giáo Hoàng Paul đã làm, người đó phải là một nhà thực hành tâm linh có trình độ tiến hóa rất cao.

Mẹ Teresa, người tôi gặp tại sân bay Delhi trên đường đi dự hội nghị ở Oxford, Anh quốc trở về năm 1988 (bà cũng đi dự hội nghị đó), đây là người tôi có một niềm kính trọng sâu sắc. Tôi ấn tượng ngay lập tức về hành vi mang tính nhân bản tuyệt đối của bà. Theo quan điểm Phật giáo, bà được coi là một vị Bồ tát.

Một vị nữa mà tôi coi là một bậc thầy tâm linh có trình độ tiến hóa rất cao, đó là một hành giả Thiên chúa giáo, tôi đã gặp người tại nơi ẩn tu gần Monserrat, Tây Ban Nha. Ông đã ở đây rất lâu giống như một hiền triết phương Đông, chỉ sống bằng bánh mỳ, nước lã và một ít trà. Ông nói tiếng Anh rất ít, còn ít hơn tôi, nhưng từ trong cặp mắt ông ta, tôi có thể thấy được mình đang ở trước một con người phi thường, một hành giả đích thực của tôn giáo. Khi tôi hỏi ông rằng ông thiền về gì? Ông trả lời rất đơn giản: “Tình thương yêu”. Từ đó trở đi, tôi luôn luôn nghĩ về ông như một vị Milarepa cận đại, đứng sau một bậc thầy người Tây Tạng cùng tên, người dành gần cả cuộc đời ẩn tu trong mật thất, thiền và sáng tác những bài thơ.

Một nhà lãnh đạo tâm linh khác tôi được tiếp chuyện khá nhiều, đó là vị tổng giám mục Canterbury sắp hết nhiệm kỳ, ngài Robert Runcie (viên sứ thần can đảm của ông là Terry Waite, tôi luôn nhớ tới người này khi cầu nguyện). Chúng tôi cùng chia sẻ quan điểm rằng tôn giáo và chính trị có thể hợp nhất được, nhiệm vụ rõ ràng của tôn giáo là phục vụ nhân loại, vậy tôn giáo không được phép quên thực tại. Người theo tôn giáo chỉ thuần tuý cầu nguyện cũng không đủ. Hơn thế nữa, về đạo đức, họ nhất thiết phải đóng góp mọi khả năng để giải quyết những vấn đề của thế giới.

Tôi nhớ lại có lần một nhà chính trị người Ấn chỉ trích tôi về quan điểm này. Ông nói với tôi rất khiêm tốn: “Ồ, nhưng chúng tôi là những chính trị gia, không phải là những người theo tôn giáo. Điều chúng tôi quan tâm đầu tiên là phục vụ con người bằng chính trị “. Tôi trả lời “Chính trị cần tôn giáo hơn là cần một người ẩn tu đang nhập thất. Nếu một người ẩn tu hành động với một động cơ không đoan chính, người đó chỉ gây tổn hại cho riêng ông ta. Nhưng nếu cá nhân nào đó có ảnh hưởng trực tiếp tới toàn thể xã hội mà lại hành động với động cơ không tốt, rất nhiều người sẽ phải gánh chịu hậu quả”. Tôi hoàn toàn không thấy có điều gì mâu thuẫn giữa chính trị và tôn giáo. Vậy tôn giáo là gì? Như tôi được biết, mọi chiến công được thực hiện với một động cơ tốt, đó là hành động của tôn giáo. Nói một cách khác, tập hợp một số người trong nhà thờ hoặc đền chùa mà họ không có một động cơ đúng đắn khi cầu nguyện, đó cũng không phải là cách thực hiện một hoạt động tôn giáo.

Dù không chủ tâm, tôi cũng làm quen với nhiều chính trị gia qua các chuyến đi. Một trong những người đó là Edward Heath, nguyên thủ tướng Anh quốc, người tôi gặp tới bốn lần. Giống như Nehru, trong cuộc gặp riêng lần thứ nhất, tôi thấy ông dường như có trục trặc về những gì tôi nói. Tuy nhiên, ba lần sau, chúng tôi có nhiều cuộc trao đổi khá lâu và thẳng thắn về vấn đề Tây Tạng, Trung Quốc. Ông Heath nhấn mạnh cảm tình với sự thành công của Trung Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp. Là một người gần đây tới thăm Tây Tạng nhiều hơn tôi, ông cũng nói rằng tôi cần nhận thấy có rất nhiều thay đổi trên quê hương tôi, đặc biệt có liên quan tới việc ủng hộ cho Dalai Lama. Theo quan điểm của ông, sự ủng hộ Dalai Lam chắc chắn không còn nữa, đặc biệt trong thế hệ trẻ hơn.

Đây là một quan điểm rất thú vị mà tôi được nghe từ một nhà chính trị lão luyện, hơn nữa lại là một người có nhiều quan hệ rộng rãi với Bắc Kinh. Tuy nhiên, tôi giải thích rằng mối quan tâm của tôi không phải là chức tước của Dalai Lama, mà là quyền lợi của sáu triệu con người sống trong một nước Tây Tạng đang bị chiếm đóng. Tuy nói vậy, tôi vẫn cho ông biết như tôi ý thức được, sự ủng hộ Dalai Lama trong những lớp trẻ ở Tây Tạng là sự ủng hộ ở mức độ cao nhất, việc tha hương của tôi đã khiến dân tộc Tây Tạng gắn bó lại với nhau trong một bối cảnh trước đây chưa từng có.

Chúng tôi thường xuyên liên lạc, và dù có những quan điểm khác nhau, tôi vẫn đánh giá ông Heath là một người có kiến thức rất lớn về các công việc của thế giới. Nhưng đồng thời, tôi cũng in sâu hiệu quả những thông tin sai lạc của Trung Quốc, hiệu quả những lừa dối đối với ngay cả một con người giàu kinh nghiệm như ông.

Một hiện tượng rất hứng thú xảy ra trong quãng hai thập kỷ qua, đó là sự gia tăng rất nhanh mối quan tâm tới Phật giáo của các nước phương Tây. Tôi thấy vấn đề này không có ý nghĩa gì đặc biệt lắm, dù rằng tất nhiên tôi hết sức vui sướng vì giờ đây có hơn năm trăm trung tâm Phật giáo Tây Tạng trên toàn thế giới, phần nhiều ở châu Âu và bắc Mỹ. Tôi luôn luôn vui sướng nếu như một ai đó rút ra được lợi ích do đón nhận những thực hành của Phật giáo. Tuy nhiên, khi việc này trở thành vấn đề khiến người ta thay đổi tôn giáo của họ, tôi thường khuyên họ cần suy nghĩ hết sức cẩn thận. Vội vàng gia nhập một tôn giáo mới có thể gây ra những xung đột thuộc về tinh thần và hầu như rất khó khăn.

Tuy nhiên, ngay cả ở những nơi Phật giáo hãy còn rất mới mẻ, vì lợi ích của những người muốn tham gia, tôi vẫn thực hành nghi lễ trong một số trường hợp. Ví dụ, tôi thực hành nghi lễ nhập môn Kalachakra ở một vài quốc gia bên ngoài Ấn Độ. Động cơ của tôi làm các việc đó không chỉ đưa một số trí tuệ vào trong cách sống và suy nghĩ của người Tây Tạng, mà trên một bình diện sâu xa, nó còn tạo ra một nỗ lực vì nền hòa bình của thế giới.

Trong khi với chủ đề truyền bá rộng rãi Phật giáo ở phương Tây, tôi muốn nói rằng tôi ý thức được một số khuynh hướng bè phái giữa những người mới thực hành Phật giáo. Điều này hoàn toàn sai. Tôn giáo không bao giờ là nguồn gốc của những xung đột, không bao giờ là nhân tố sâu xa của sự chia rẽ trong cộng đồng nhân loại. Riêng tôi, trên cơ sở tôn kính sâu sắc đối với những đóng góp mà các đức tin khác có thể tạo ra cho niềm hạnh phúc nhân loại, tôi cũng tham gia một số nghi lễ của các tôn giáo khác. Và, theo gương các vị lạt ma vĩ đại cổ truyền cũng như cận đại, tôi tiếp tục học hỏi thêm giáo lý từ tất cả các truyền thống khác nhau. Vì trong khi đúng là theo một số trường phái, họ cảm thấy nhà thực hành tốt nhất nên dừng lại trong phạm vi truyền thống của họ, song thực tế con người luôn luôn tự do làm những gì họ thấy thích hợp. Hơn nữa, xã hội Tây Tạng luôn rộng mở với đức tin của những người khác. Không những ở đó có sự phát triển của cộng đồng Hồi giáo, mà còn cả một số hội truyền giáo Cơ Đốc được chấp nhận không hề gặp trở ngại. Cho nên tôi rất có thiện cảm với một đường lối tự do. Khuynh hướng bè phái là một thứ độc dược.

Do thực hành tôn giáo, tôi cố gắng sống một cuộc sống theo đuổi cái tôi gọi là lý tưởng Bồ tát. Theo tư duy Phật giáo, một vị Bồ tát là một con người trên đường đạt tới Phật quả, đạt tới khai sáng, người này cống hiến hết mình trong việc giúp đỡ toàn thể sinh linh thoát khỏi khổ đau. Danh từ Bồ tát- Bodhisattva- có thể được hiểu một cách tốt nhất bằng dịch tách biệt từ “Bodhi” và từ “Sattva": Bodhi có nghĩa là hiểu biết hoặc trí tuệ của bản chất thực tại tối hậu, và Sattva có nghĩa là con người hành động bởi lòng từ bi vũ trụ. Do vậy, lý tưởng Bồ tát là khát vọng thực hành lòng từ bi vô biên với trí tuệ vô biên. Như một phương tiện tự giúp mình để đạt được yêu cầu đó, tôi chọn con đường trở thành một vị sư. Có 253 điều luật của tu viện Tây Tạng dành cho sư nam (364 cho sư nữ) và do cố gắng tuân thủ, tôi đã tránh khỏi nhiều trở ngại, buồn phiền của cuộc đời. Một số luật này phần lớn đề cập tới những quy tắc nghi thức, như khoảng cách vật lý một nhà sư cần giữ khi đi sau vị tu viện trưởng; những luật khác lại liên quan tới cách ứng xử. Bốn lời phát nguyện căn bản liên quan tới những cấm kỵ đơn giản: cụ thể là một vị sư không được giết chóc, ăn cắp hoặc dối trá về thành tựu tâm linh của người đó. Người này cũng tuyệt đối không lập gia đình. Nếu người đó phá vỡ một trong những điều này, người đó không còn là sư nữa.

Đôi khi tôi được hỏi về lời phát nguyện không lập gia đình thực sự có nên tồn tại không, thực sự có thể xảy ra được không. Chỉ cần nói rằng thực chất của nó không đơn giản chỉ là vấn đề ngăn cản ham muốn giới tính. Ngược lại, điều cần thiết là hoàn toàn công nhận sự hiện hữu của dạng ham muốn đó, để rồi vượt lên bằng sức mạnh của lập luận. Khi thành công, kết quả trong tư duy sẽ rất có ích. Vấn đề của ham muốn giới tính, đó là một ham muốn không sáng suốt. Nói “Tôi muốn quan hệ giới tính với người này”, điều này thường thể hiện một ham muốn không được dẫn hướng bằng trí tuệ theo kiểu như “Tôi muốn trừ bỏ sự nghèo nàn trong thế giới” là một ham muốn được dẫn hướng bằng trí tuệ. Hơn nữa, sự thoả mãn của dạng ham muốn giới tính chỉ mang lại một trạng thái mãn nguyện tạm thời. Do vậy, Nagarjuna- Long Thọ Bồ Tát-, vị thánh học giả Ấn Độ, nói:

“Khi bạn ngứa, bạn gãi.

Nhưng nếu không ngứa chút nào,

Điều này còn tốt hơn bất kỳ một vết sước nào

Về chương trình thực hành hàng ngày, tôi dành ít nhất năm tiếng rưỡi đồng hồ để cầu nguyện, thiền và học tập. Thêm vào đó, tôi cũng cầu nguyện trong lúc rỗi rãi, ví dụ sau khi ăn xong, hoặc khi đi lại. Trường hợp đi lại, tôi có ba lý do chính để cầu nguyện: thứ nhất, nó góp phần hoàn thành nhiệm vụ trong ngày; thứ hai, nó giúp tôi để thời gian trôi đi một cách hiệu quả; thứ ba, nó làm dịu đi nỗi lo lắng! Là một Phật tử, tôi nghiêm túc thấy rằng không có sự phân biệt giữa những thực hành tôn giáo và cuộc sống hàng ngày. Thực hành tôn giáo là một công việc 24 giờ/ ngày. Đúng ra, có những lời cầu nguyện được mô tả cho mọi hoạt động từ thức dậy tới rửa mặt, ăn uống và kể cả đi ngủ nữa. Với nhà thực hành Mật tông, bài tập thực hiện trong giấc ngủ sâu, trong trạng thái nằm mơ là những chuẩn bị tối ư quan trọng cho cái chết.

Tuy nhiên, đối với tôi, thực hành vào buổi sáng sớm là thời gian tốt nhất. Tư duy lúc đó trong lành, mẫn cảm nhất. Vì thế tôi dậy vào lúc bốn giờ. Lúc dậy, tôi bắt đầu một ngày bằng tụng các bài chú (mantra), rồi uống nước nóng và uống thuốc trước khi quỳ lạy Phật chừng nửa giờ đồng hồ. Mục đích của hành động này gồm hai phần. Trước hết, nó gia tăng công đức của con người (đảm nhận một sự thúc đẩy thích đáng), và thứ hai, đó là một bài tập tốt. Sau khi quỳ lạy, tôi rửa mặt, cầu nguyện khi rửa mặt. Rồi tôi thường ra ngoài đi tản bộ, lúc này tôi vừa đi vừa tụng thêm chú, cho tới khi ăn sáng vào khoảng 5. 15am. Tôi ăn sáng chừng nửa giờ (đồ ăn tương đối bổ dưỡng), trong khi ăn tôi đọc kinh.

Từ 5.45 tới 8.00 sáng, tôi ngồi thiền, chỉ tạm nghỉ một chút để nghe bản tin ngắn thế giới của đài BBC. Rồi từ 8.00 sáng tới giữa trưa, tôi nghiên cứu triết học Phật giáo. Giữa khoảng thời gian nghiên cứu và bữa ăn trưa lúc 12.30, tôi đọc báo hoặc đọc các văn bản của chính phủ, nhưng trong bữa ăn tôi lại đọc kinh. Một giờ chiều tôi tới văn phòng làm việc với chính quyền, giải quyết các vấn đề, trao đổi tới tận 5.00 pm. Ngay khi về tới nhà tôi dành một thời gian ngắn để cầu nguyện và thiền. Nếu có vấn đề gì quan trọng trên truyền hình, tôi theo dõi trước khi uống trà vào lúc 6.00 pm. Cuối cùng, tôi đọc lại kinh bản một lần nữa trong khi uống trà, và lại cầu nguyện tới 8.30 hoặc 9.00 tối rồi đi ngủ. Sau đó là một giấc ngủ ngon.

Tất nhiên đôi khi trình tự này có những thay đổi. Đôi khi tôi tham gia nghi lễ puja trong buổi sáng, hoặc giảng dạy buổi chiều. Nhưng thường tất cả đều như nhau, tôi rất hiếm khi thay đổi thực hành hàng ngày của mình, đó là buổi cầu nguyện sáng, chiều và thiền.

Lý do ẩn dấu sau thực hành này rất đơn giản. Trong phần đầu tiên khi tôi quỳ lạy, tôi nương tựa (quy) vào Phật, Pháp, Tăng. Bước sau đó là phát triển tâm Bồ Đề. Phần này tiến hành trước tiên bằng cách thức ngộ được tính vô thường của vạn vật, sau đó cần nhận thức rõ bản chất đích thực của sinh linh là khổ đau. Trên cơ sở suy nghĩ về các vấn đề này, lòng vị tha sẽ nảy sinh.

Để tạo ra lòng vị tha, hoặc lòng từ bi, tôi thực hành một số những bài tập về tư duy, những bài tập này đẩy mạnh tình thương yêu thẳng tới hết thảy mọi sinh linh, đặc biệt đối với cả những sinh linh mà tôi gọi là kẻ thù. Ví dụ, tôi tự nhắc nhở rằng đấy chỉ là hành động của con người, chứ không hẳn là chính thực chất con người đó khiến họ trở thành kẻ thù của tôi. Căn cứ vào sự thay đổi trong cách ứng xử của mình, cũng con người đó, họ có thể dễ dàng trở thành một người bạn tốt.

Phần còn lại trong tiến trình thiền liên quan tới Sunya hay là “Sự trống rỗng” (emptiness), trong tiến trình này tôi tập trung vào ý nghĩa tinh tế nhất của “sự phụ thuộc lẫn nhau (interdependence). Một phần của thực hành này liên quan tới một phương pháp được gọi là “Deity Yoga”, lhai naljor, trong phần này tôi sử dụng những Mandala khác nhau để quán tưởng bản thân mình như một chuỗi các thần hộ pháp (Deity) khác nhau. (Tuy vậy, điều này không được coi là điều dẫn tới niềm tin về những hiện hữu độc lập tồn tại ở bên ngoài). Để làm được như vậy, tôi tập trung tư duy vào một điểm mà điểm đó không còn bị thu hút bởi những dữ kiện do các giác quan tạo ra. Đây không phải là một trạng thái xuất thần, vì tư duy tôi hoàn toàn ý thức được, hơn nữa đó là một sư tập luyện tư duy trong trạng thái ý thức tinh khiết. Điều chính xác tôi muốn nói rất khó giải thích, cũng như các nhà khoa học khó giải thích bằng lời về cụm từ “không gian của thời gian” (space-time). Không có một thứ ngôn ngữ nào, không có một thực nghiệm hàng ngày nào có thể truyền tải được dạng thực nghiệm của “tư duy tinh khiết”. Chỉ có thể nói rằng đây là một thực hành không dễ dàng. Phải mất nhiều năm mới quán triệt được điều này.

Một khía cạnh quan trọng trong thực hành hàng ngày của tôi là sự tương quan của thực hành với ý tuởng về cái chết. Theo tôi nghĩ, có hai thứ trong cuộc đời này bạn có thể làm đối với cái chết. Một là quên nó đi, trường hợp này bạn có thể có đôi chút thành công trong việc xua đi ý tưởng về cái chết trong một khoảng thời gian hạn chế nào đó, hai là bạn đối đầu với viễn cảnh cái chết của chính mình, cố gắng phân tích nó, và do làm như vậy, bạn cố giảm thiểu một số đau đớn không tránh khỏi do cái chết gây ra. Nhưng trong hai cách này không có một cách nào để bạn có thể vượt qua được cái chết. Tuy nhiên, là một Phật tử, tôi quan niệm cái chết như một tiến trình bình thường của cuộc sống. Tôi chấp nhận đó là một thực tại sẽ xảy ra chừng nào tôi còn ở trong luân hồi (samsara). Biết rằng không thể tránh khỏi, tôi thấy lo lắng về nó là một điều vô nghĩa. Tôi giữ quan điểm rằng chết như một kiểu thay quần áo của con người khi nó đã cũ nát. Bản thân cái chết không phải là một sự kết thúc. Hơn nữa cái chết không thể dự đoán trước, bạn không thể biết được cái chết đến lúc nào, đến như thế nào. Vậy thì hợp lý nhất là ta nên có những bước chuẩn bị trước khi sự kiện đó xảy ra.

Là một Phật tử, tôi còn tin rằng kinh nghiệm đích thực về cái chết là một thực nghiệm tối ư quan trọng. Đó là lúc những thực nghiệm uẩn súc, lợi ích nhất có thể xảy ra. Vì lý do đó, rất nhiều bậc thầy vĩ đại, bằng vào sự hiện hữu của họ trên trái đất, họ nắm ngay lấy cơ hội giải thoát, có nghĩa là họ chết trong trạng thái thiền. Khi điều này xảy ra, thường là sau khi chết, cơ thể họ rất lâu không bị hư thối.

Quy trình thực hành tâm linh của tôi chỉ thay đổi khi tôi nhập thất ẩn tu. Trong trường hợp này, thêm vào các thực hành hàng ngày, tôi cũng thực hành những khóa thiền đặc biệt. Những khóa thiền này được thực hiện trong thời gian thiền và nghiên cứu thường lệ của tôi, giữa khoảng ăn sáng và buổi trưa, và tôi phải lui công việc thường ngày của buổi sáng vào buổi chiều. Sau lúc uống trà, mọi chuyện lại như thường lệ. Tuy vậy, không có một quy định nào chặt chẽ. Đôi khi do áp lực bên ngoài, tôi bắt buộc phải giải quyết những công việc hành chính, hoặc phải nói chuyện với cử tọa trong thời kỳ nhập thất ẩn tu. Với trường hợp này, tôi phải hy sinh một số thời gian ngủ để sắp xếp công việc cho ổn thỏa.

Mục đích của nhập thất ẩn tu là tạo khả năng cho một con người hoàn toàn tập trung vào sự phát triển nội tâm. Thông thường, cơ hội để tôi thực hiện ẩn tu rất hạn chế. May ra trong năm được chỉ định thực hiện ẩn tu, tôi có thể dàn xếp hai quãng thời gian, mỗi lần khoảng một tuần lễ, họa hoằn được một tháng. Năm 1973, tôi khát khao được nhập thất ẩn tu một khóa ba năm, nhưng thật đáng tiếc hoàn cảnh không cho phép. Tôi vẫn rất muốn thực hiện khoá ẩn tu dài hạn này vào một dịp nào đó. Trong khi chờ đợi, tôi phải làm những đợt “phục hồi ngắn”, tôi gọi khoảng thời gian đó là như vậy. Một tuần không đủ để phát triển hoặc tạo ra những tiến bộ đích thực, nhưng cũng vừa vặn cho bản thân tôi phục hồi. Để rèn luyện tư duy đạt tới một mức độ nhất định, con người cần phải có một thời gian dài hơn thế rất nhiều. Đây là một trong nhiều lý do để tôi coi mình chỉ là một người ở mức độ sơ khai trên con đường phát triển tâm linh.

Tất nhiên, một trong những lý do chính khiến tôi có quá ít thời gian để thực hành ẩn tu, đó là khối lượng những chuyến đi hiện tại tôi phải thực hiện, dù rằng tôi không hề hối tiếc. Do đi lại, tôi có khả năng chia sẻ những kinh nghiệm, những ước mong của mình với người khác nhiều hơn. Nhưng theo quan điểm của tôi, một nhà sư Phật giáo, nếu tôi làm điều này, điều đó không có nghĩa là người ta chỉ có thể mang lại hạnh phúc cho bản thân họ và cho những người khác duy nhất bằng thực hành Phật giáo. Ngược lại, tôi tin rằng khả năng mang lại hạnh phúc cũng có thể xảy ra kể cả với những người không hề có một tôn giáo nào cả. Tôi chỉ sử dụng Phật giáo như một ví dụ, vì mọi sự kiện trong cuộc sống đã khẳng định niềm tin của tôi về giá trị đích thực của Phật giáo. Hơn nữa, là một vị sư từ khi lên sáu tuổi, tôi đã có một số hiểu biết trong lĩnh vực này.

CHƯƠNG 12
VỀ “HUYỀN THUẬT VÀ HUYỀN BÍ”

Người ta thường hỏi tôi về cái gọi là khía cạnh huyền thuật của Phật giáo Tây Tạng. Rất nhiều người phương Tây muốn biết về các cuốn sách viết về Tây Tạng của những tác giả như Lobsang Rampa (tác giả cuốn Tây Tạng huyền bí) và các tác giả khác, trong sách đề cập tới một số thực hành huyền bí, điều đó đúng hay sai. Họ cũng hỏi tôi về Shambala có thực hay không (Sambala là một quốc gia thần thoại mà một số kinh bản đề cập tới, được coi là nằm ẩn dấu giữa những khu vực hoang vu phía bắc Tây Tạng). Và đầu những năm 1960, tôi cũng nhận được thư của một nhà khoa học lỗi lạc, ông nghe nói một số vị Lạt ma cao cấp có khả năng thực hiện những công năng siêu nhiên, ông hỏi tôi xem ông có thể điều khiển một cuộc thử nghiệm để xác định vấn đề này.

Về câu hỏi thứ nhất, tôi thường nói phần lớn những cuốn sách đó là những tác phẩm hư cấu, do vậy quốc gia Shambala có thật, nhưng không phải tồn tại theo cách hiểu thông thường. Đồng thời, cũng sẽ sai lầm nếu như phủ nhận việc một số thực hành Mật tông nguyên bản làm nảy sinh một số hiện tượng huyền bí. Với lý do này, tôi nửa muốn viết cho các nhà khoa học để nói rằng những gì ông được nghe là chính xác, hơn nữa, tôi cũng rất hào hứng trong việc thử nghiệm; nhưng một nửa tôi cũng rất tiếc phải thông báo để ông biết rằng người có thể làm được những thử nghiệm đó lại chưa ra đời. Sự thực, lúc đó có rất nhiều lý do cụ thể khiến tôi không thể tham gia những cuộc điều tra thuộc thể loại này.

Tuy nhiên, sau này tôi phải đồng ý cho tiến hành một số công trình nghiên cứu khoa học về bản chất của những thực hành đặc chủng đó. Cuộc nghiên cứu thứ nhất do tiến sĩ Herbert Benson, hiện nay là viện trưởng Viện Nghiên Cứu Dược Động Học tại Trường đại học Y khoa Harvard Hoa Kỳ. Khi chúng tôi gặp nhau trong chuyến thăm năm 1979, ông cho tôi biết ông đang thực hiện một công trình phân tích cái ông gọi là “hiệu ứng phản hồi có tính chất thư dãn” (nguyên bản: relaxation response), hiện tượng sinh lý gặp phải khi một người đi vào trạng thái thiền. Ông cảm thấy rằng sẽ hiểu sâu hơn về tiến trình này nếu ông có thể tiến hành một cuộc thử nghiệm với những hành giả có trình độ cao về thiền.

Là một người tin tưởng mạnh mẽ vào giá trị của khoa học hiện đại, tôi quyết định để ông tiến hành thử nghiệm, tuy không phải là không do dự. Tôi biết chắc rất nhiều người Tây Tạng không thoải mái với ý kiến đó. Họ cảm thấy những thực hành được đề cập tới cần phải giữ kín vì đó là những điều được rút ra từ các lý thuyết bí mật. Để chống lại thái độ cân nhắc này, tôi đặt vấn đề là kết quả của những nghiên cứu như vậy có thể mang lại lợi ích không chỉ đối với khoa học mà còn với cả các hành giả nữa, do vậy cuộc thử nghiệm có thể có lợi ích chung cho cả loài người.

Trong cuộc thử nghiệm này, bác sĩ Benson rất thỏa mãn khi ông tìm ra một số vấn đề kỳ lạ (Những điều ông tìm thấy được công bố trong nhiều cuốn sách và tạp chí khoa học, gồm cả tạp chí Tự Nhiên). Ông đến Ấn Độ cùng với hai người phụ tá và nhiều thiết bị hiện đại, họ tiến hành thí nghiệm cùng với một số vị sư tại những nơi ẩn tu gần Dharamsala, Ladakh và Sikkim, tít trên phía bắc.

Những vị sư tham gia là những hành giả thuộc dòng Tum-mo yoga, dòng được chỉ định để thể hiện sự điêu luyện trong những phương pháp rèn luyện Mật tông đặc chủng. Bằng cách thiền về chakras (trung tâm năng lượng) và nadis (kênh năng lượng), hành giả kiểm soát và tạm thời ngăn chặn được những hoạt động ý thức ở mức độ thô thiển, qua đó họ có thể thực nghiệm được ý thức ở mức độ tinh tế hơn. Theo quan niệm của Phật giáo, ý thức có rất nhiều mức độ. Ý thức ở mức độ thô gắn liền với loại nhận thức thông thường như: sờ mó, nhìn, ngửi vv… trong khi ý thức ở mức độ tinh tế là những ý thức cảm thấy được rõ ràng tại lúc chết. Một trong những mục tiêu của Mật tông là giúp nhà thực hành “thực nghiệm” được cái chết, vì lúc đó là lúc những thức ngộ tâm linh mãnh liệt nhất xảy ra.

Khi mức độ thô thiển của ý thức bị ngăn cản, những hiện tượng thuộc sinh lý có thể quan sát thấy. Trong thí nghiệm của bác sĩ Benson có cả vấn đề gia tăng thân nhiệt (được đo bên trong cơ thể bằng nhiệt kế trực tràng và đo bên ngoài bằng nhiệt kế ngoài da) tới tận 18 độ Fahrenheit (10 độ bách phân). Sự gia tăng nhiệt độ cơ thể này khiến các vị sư làm khô được tấm chăn đã ngâm trong nước lạnh và quấn lên người họ, ngay khi nhiệt độ xung quanh họ xuống dưới 0 độ. Bác sĩ Benson cũng chứng kiến và đo nhiệt độ của những vị sư ngồi mình trần trên tuyết. Ông thấy họ ngồi yên lặng suốt cả đêm, nhiệt độ cơ thể không giảm. Trong thời gian này, ông thấy lượng dưỡng khí mà hành giả hít vào giảm xuống chừng bảy hơi thở trong một phút.

Kiến thức hiện tại của chúng ta về cơ thể con người và hoạt động của cơ thể vẫn chưa đủ để đưa ra một lời giải thích về những gì xảy ra ở đây. Tiến sĩ Benson tin rằng tiến trình tư duy can thiệp vào hoạt động cơ thể có thể tạo điều kiện cho người thực hành thiền giải phóng “mỡ nâu”, thứ được tích lũy trong cơ thể, một hiện tượng trước đây người ta cho rằng chỉ xảy ra đối với loài thú ngủ đông. Nhưng dù cho bất kỳ cơ cấu nào hoạt động, điều khiến tôi hứng thú nhất là có những dấu hiệu rõ ràng, có những thứ mà khoa học hiện đại có thể học lại được từ nền văn hóa Tây Tạng. Hơn nữa, tôi tin rằng nghiên cứu các vấn đề trong lĩnh vực thực nghiệm của chúng ta là một việc làm rất có ích. Ví dụ, tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ tổ chức một công trình nghiên cứu khoa học về hiện tượng tiên đoán, hiện tượng này vẫn duy trì một phần rất quan trọng trong lối sống của người dân Tây Tạng.

Tuy nhiên, trước khi nói về vấn đề này một cách chi tiết, tôi phải nhấn mạnh rằng mục đích của các tiên tri không phải thuần tuý dự báo về tương lai như người ta thường giả định. Đó chỉ là một phần của những gì các vị thực hiện. Thêm vào đó, các vị còn được thỉnh cầu như những hộ pháp, trong một vài trường hợp các vị còn là những dược vương (thần điều trị: healer). Nhưng chức năng chủ yếu của các vị là hỗ trợ con người trong thực hành về Pháp (Dharma) của các vị. Một điểm cần ghi nhớ, đó là bản thân từ ngữ “tiên tri” bị hiểu nhầm. Từ này ngụ ý có những người sở hữu một sức mạnh tiên tri, sấm truyền. Điều này không đúng. Trong truyền thống Tây Tạng, có một số nam nữ hoạt động như một tầng trung gian giữa thế giới tự nhiên và cõi tâm linh. Tên gọi của họ là kuten, nghĩa đen là “cơ sở vật chất”. Đồng thời, tôi cần nhấn mạnh trong khi chúng ta thường nói về các tiên tri nhưng những con người, nói như vậy chỉ để cho tiện thôi. Chính xác hơn, các vị có thể được mô tả như những “linh hồn”, được kết hợp với những vật thể đặc biệt (ví dụ, một pho tượng chẳng hạn), những con người và những địa điểm. Tuy vậy, điều này không được coi như một sự hiều ngầm về sự hiện hữu của những dạng thực thể độc lập từ phía bên ngoài.

Ngày xưa có hàng trăm tiên tri trên toàn cõi Tây Tạng. Bây giờ còn rất ít, nhưng một số vị quan trọng nhất - những vị được chính quyền Tây Tạng sử dụng - vẫn tồn tại. Trong số đó, vị chủ yếu được biết là tiên tri Nechung. Qua vị này, Dorje Drakden, một trong những thần linh bảo hộ Đức Dalai Lama, được hiển thị.

Nechung đầu tiên tới Tây Tạng cùng với hậu duệ của vị học giả Ấn Độ Dharmapala, cư trú tại một lâu đài ở trung tâm châu Á tên là Bata Hor. Trong triều đại vuaTrisong Dretsen thế kỷ thứ tám sau công nguyên, Đức Padmasambhava, một vị đại sư Mật tông người Ấn Độ, vị bảo vệ tâm linh tối cao của Tây Tạng, ngài chỉ định Nechung làm hộ pháp cho tu viện Samye (Samye là tu viện đầu tiên được xây ở Tây Tạng, do một vị học giả khác người Ấn Độ, trưởng lão Shantarakshita sáng lập). Sau đó, vị Dalai Lama đời thứ hai thiết lập nên mối quan hệ gần gũi với Nechung, lúc này Nechung rất gắn bó với tu viện Drepung, từ đó trở đi Dorje Drakden được chỉ định là hộ pháp cho các vị Dalai Lama kế tiếp.

Qua hàng trăm năm, việc Đức Dalai Lama và chính phủ Tây Tạng tham vấn Nechung trong dịp năm mới đã trở thành truyền thống. Hơn nữa, vị này cũng được triệu thỉnh mỗi khi có yêu cầu đặc biệt. Bản thân tôi đã giao tiếp với vị đó nhiều lần trong một năm. Đối với độc giả phương Tây ở thế kỷ thứ hai mươi, điều này có vẻ như cường điệu. Ngay như đối với những người Tây Tạng, những người tự cho là “tiến bộ”, họ cũng nghi ngờ việc tôi vẫn tiếp tục sử dụng phương pháp tập hợp trí tuệ cổ truyền này. Nhưng tôi làm vậy chỉ với một lý do đơn giản, là khi điểm lại những truờng hợp tôi đã hỏi vị tiên tri, mỗi lần hỏi là một lần câu trả lời của vị đó chính xác. Song điều này không có nghĩa là tôi hoàn toàn dựa dẫm vào những lời khuyên bảo của tiên tri. Tôi không làm như vậy. Tôi xem xét quan điểm của tiên tri cũng như là xem xét quan điểm văn phòng của tôi và quan điểm của riêng lương tâm tôi. Tôi quan niệm thượng đế như quan điểm của “thượng nghị viện”. Kashag cấu tạo nên hạ viện. Giống như các nhà lãnh đạo khác, tôi tham vấn cả hai bên trước khi đi đến một quyết định về công việc quốc gia. Đôi khi, để bổ sung cho lời khuyên của Nechung, tôi cũng tham vấn thêm một số tiên tri khác nữa.

Trong một khía cạnh, trách nhiệm của Nechung và trách nhiệm của vị Dalai Lama đối với Tây Tạng đều giống nhau, cho dù mỗi bên sử dụng những phương pháp riêng biệt. Công việc của tôi, công việc của một lãnh đạo, là một loại công việc có tính chất hòa bình, còn công việc của Nechung, với tư cách là một hộ pháp, người bảo hộ, là một loại công việc có tính chất mãnh liệt. Tuy vậy, dù chức năng giống nhau, song mối quan hệ của tôi với Nechung là mối quan hệ của một người chỉ huy với sĩ quan: tôi không bao giờ cúi đầu trước vị đó, mà Nechung cúi đầu trước Dalai Lama. Tuy nhiên chúng tôi cũng rất thân thiết, hoàn toàn là những người bạn gắn bó. Khi tôi còn nhỏ, điều này rất cảm động. Nechung vô cùng yêu quý và luôn quan tâm tới tôi. Ví dụ, nếu vị này thấy tôi ăn mặc cẩu thả, không nghiêm chỉnh, vị đó sẽ lại gần và sửa lại y phục cho tôi.

Nhưng dù có những cử chỉ rất thân tình, Nechung luôn tỏ ra tôn kính tôi. Ngay cả khi mối quan hệ của vị đó với chính phủ xấu đi trong những năm cuối của thời kỳ nhiếp chính, khi được hỏi mọi thứ về tôi, vị này lúc nào cũng đáp lại bằng một thái độ thiện chí. Đồng thời, câu trả lời của vị đó về chính sách của chính phủ có thể có tính chất lăng mạ. Đôi khi vị đó chỉ trả lời bằng một tràng cười nhạo báng. Tôi nhớ rất rõ một chuyện xảy ra khi tôi mười bốn tuổi. Nechung được hỏi một câu về Trung Quốc. Thay vì trả lời một cách trực tiếp, người đồng tử (kuten) quay về phía đông và gập người xuống một cách dữ dội. Cảnh tượng trông thật khủng khiếp, rõ ràng động tác này kết hợp cùng với trọng lượng của chiếc mũ đội khổng lồ trên đầu vừa đủ để bẻ gãy cổ anh ta. Người đồng tử làm như thế ít nhất mười lăm lần, không để cho ai phải nghi ngờ về hành động nguy hiểm này.

Giao tiếp với Nechung không dễ dàng. Cần phải chờ đợi và kiên nhẫn với mỗi cuộc gặp gỡ trước khi vị này bắt đầu. Nechung rất dè dặt và mộc mạc, bạn hãy hình dung một ông già cao lớn thuở xưa. Ông không để ý chuyện lặt vặt mà chỉ quan tâm tới những vấn đề lớn, vậy cần sắp xếp các câu hỏi một cách phù hợp. Nechung cũng có thể hiện yêu ghét rõ ràng, song không dễ dàng bộc lộ.

Nechung có tu viện riêng ở Dharamsala, nhưng vị này thường tới chỗ tôi. Trong trường hợp nghi thức, người đồng tử mặc trang phục rất trau chuốt, gồm nhiều lớp quần áo, phủ bên ngoài bằng một cái áo dài trang trí cầu kỳ lụa vàng thêu kim tuyến, với những hoa văn cổ kính màu đỏ, xanh da trời, xanh lá cây và màu vàng. Trước ngực người đồng tử đeo một cái gương tròn, trang trí xung quanh là những viên ngọc lam và thạch anh tím (amethys), phần bằng kim loại được đánh bóng của chiếc gương lấp lánh với những câu chú bằng chữ Phạn tương ứng với Dorje Drakden. Trước khi bắt đầu tiến trình, người đồng tử khoác một loại áo giáp cắm bốn chiếc cờ và ba ngọn cờ chiến thắng. Tổng cộng trọng lượng những thứ trang bị này nặng hơn 70 pounds (hơn 30 kg) và người đồng tử nếu không ở trong trạng thái xuất thần thì không thể di chuyển với những thứ đó.

Nghi lễ bắt đầu bằng những lời triệu thỉnh được hát lên cùng những lời cầu nguyện, kèm theo sự thôi thúc của kèn tù và, thanh la và trống. Sau một lát, người đồng tử đi vào trạng thái xuất thần, lúc này những người phụ tá đỡ đồng tử đi tới một cái ghế đẩu đặt trước chiếc ngai của tôi. Rồi khi vòng cầu nguyện thứ nhất kết thúc và vòng thứ hai bắt đầu, trạng thái xuất thần bắt đầu sâu hơn. Lúc này, một chiếc mũ khổng lồ được đặt lên đầu người đồng tử. Chiếc mũ này nặng chừng 30 pounds (độ 13,5kg), trước kia chiếc mũ này còn nặng hơn 80 pounds.

Bây giờ khuôn mặt của kuten biến đổi, trở nên man rợ rồi bạnh to lên khiến người này có một dáng vẻ hoàn toàn lạ lùng, mắt lồi ra, má phùng lên. Hơi thở ngắn lại, người đồng tử bắt đầu rít lên thô bạo. Rồi từng đợt, từng đợt, hơi thở anh ta ngừng lại. Lúc này chiếc mũ được đặt đúng vị trí với một cái nút buộc thật chặt tới mức chắc chắn nó sẽ bóp nghẹt kuten nếu như có một cái gì đó rất thật không xảy ra. Giờ đây sự sở hữu thân xác của Dorje Drakden đã hoàn chỉnh, trạng thái chết chóc của người đồng tử có thể trông thấy rõ ràng.

Sau đó, người đồng tử nhảy dựng lên, nắm ngay lấy chiếc kiếm thờ từ tay một phụ tá rồi bắt đầu nhảy với những bước nhảy chậm, trang nghiêm hơi có tính chất hăm dọa. Người đồng tử tới phía trước tôi, rồi hoặc quỳ lạy, hoặc cúi rạp người cho tới khi chiếc mũ chạm đất trước khi bật thẳng người lên, trọng lượng của những trang phục lúc này hoàn toàn không còn tác dụng. Năng lượng núi lửa của vị thần linh vừa đủ chứa trong thân hình mảnh dẻ trần tục của kuten, người mà điệu bộ, cử chỉ khiến người ta nghĩ rằng thân thể người đó làm bằng cao su, được điều khiển bởi sức mạnh khủng khiếp của một cái lò xo xoắn.

Sau khi Nechung thi lễ xong là một cuộc trao đổi giữa tôi và Nechung. Tôi đặt những câu hỏi dành cho vị này. Trả lời tôi xong, Nechung trở lại chiếc ghế đẩu và lắng nghe câu hỏi của các thành viên chính phủ. Trước khi trả lời cho họ, người đồng tử lại nhảy và vung kiếm lên trên đầu. Trông kuten lúc này giống như một viên tướng Tây Tạng ngày xưa, lộng lẫy và oai mãnh.

Ngay khi Dorje Drakden ngừng nói, người đồng tử quỳ lạy lần cuối rồi ngã ra, thân hình cứng nhắc, vô tri vô giác, dấu hiệu kết thúc sự sở hữu xác thân của Dorje Drakden. Đồng thời cái nút buộc chặt để giữ chiếc mũ nặng lập tức được các người phụ tá nhanh chóng cởi ra, những người này đưa người đồng tử ra ngoài chờ hồi tỉnh trong khi nghi lễ vẫn tiếp diễn.

Thật đáng ngạc nhiên, những câu trả lời tiên tri rất ít khi mập mờ. Như trường hợp tôi rời khỏi Lhasa, vị này thường chỉ định cụ thể. Nhưng tôi cho rằng những cuộc điều tra của khoa học sẽ gặp khó khăn trong việc hoặc là công nhận, hoặc là bác bỏ một cách hết sức thuyết phục về giá trị lời tuyên bố của vị đó. Điều này chắc chắn cũng đúng với các lĩnh vực thực nghiệm khác của Tây Tạng, ví dụ vấn đề hóa thân (tulkus). Tuy nhiên, tôi hy vọng một ngày nào đó, những thể loại điều tra về hai hiện tượng này sẽ được tiến hành.

Thực ra, việc xác định được vị hóa thân mang nhiều tính lập luận hơn là cách thể hiện bên ngoài. Căn cứ vào niềm tin của Phật giáo rằng nguyên lý tái sinh là có thật, căn cứ vào toàn bộ mục đích của việc tái sinh là cho phép một sinh linh tiếp tục sự nỗ lực của sinh linh đó nhân danh các sinh linh khác đang đau khổ, lập luận về hóa thân đứng vững với lý do nó có thể xác minh được từng trường hợp của cá thể. Điều này tạo khả năng cho các hóa thân được giáo dục và đặt đúng vị trí trong thế giới để họ có thể sớm tiếp tục thực hiện công việc của họ.

Sai lầm trong tiến trình xác định một hóa thân chắc chắn có thể xảy ra, nhưng cuộc sống của đại bộ phận những hóa thân vĩ đại (hiện nay chỉ có vài trăm người được biết tới, dù rằng ở Tây Tạng, trước khi người Trung Quốc xâm chiếm, có lẽ có chừng vài ngàn người) đã đủ chứng thực tính hiệu quả của nó.

Như tôi nói, toàn bộ mục đích của tiến trình hóa thân là tạo điều kiện cho công việc của một sinh linh được tiếp tục. Sự kiện này có một hàm ý rất lớn đối với việc đi tìm hậu thân của một con người đặc biệt nào đó. Ví dụ, khi mà tất cả nỗ lực của tôi nói chung là trực tiếp hướng tới việc giúp đỡ hết thảy mọi sinh linh, cụ thể với những người đang trực tiếp giúp đỡ đồng bào tôi, vậy nếu như tôi chết trước khi Tây Tạng giành được tự do, thì chỉ có một lập luận được thừa nhận, là tôi sẽ tái sinh ở bên ngoài Tây Tạng. Do vậy, lúc đó có thể là dân tộc tôi không còn ưa chuộng Dalai Lama nữa, trong trường hợp này họ không cần tìm tôi nữa. Vậy có thể tôi tái sinh làm một loài sâu bọ, hoặc súc vật, hoặc một thứ gì giá trị nhất cho tất cả mọi sinh linh.

Phương pháp thực hiện tiến trình xác minh hoá thân không thần bí như người ta tưởng tượng. Bắt đầu bằng tiến trình loại trừ. Ví dụ, chúng ta muốn tìm lại hóa thân của một vị sư cá biệt nào đó, trước hết ta cần xác định được vị sư đó chết khi nào, chết ở đâu. Rồi, căn cứ vào sự kiện vị hóa thân mới thường sẽ được thụ thai chừng một năm sau cái chết của người tiền nhiệm, độ dài thời gian này chúng tôi được biết qua kinh nghiệm, một thời gian biểu được thành lập. Ví dụ, nếu vị Lạt ma X chết vào năm Y, hóa thân của vị đó có thể sẽ ra đời quãng độ mười tám tháng sau hoặc hai năm sau khi vị đó chết. Năm Y cộng thêm 5 năm nữa, đứa trẻ (hóa thân của vị Lama X) lúc này quãng ba hoặc bốn tuổi: khoảng xác định đã được thu hẹp lại.

Sau đó là thiết lập khu vực vị hóa thân xuất hiện. Điểm này khá dễ dàng. Đầu tiên, nơi đó ở bên trong hay bên ngoài Tây Tạng? Nếu ở bên ngoài, có một số nơi có khả năng, ví dụ: cộng đồng Tây Tạng ở Ấn Độ, Nêpan hay Thụy sĩ. Sau đó, phải quyết định xem thị trấn nào nhiều khả năng nhất để tìm thấy. Thường thường việc này được tiến hành bằng cách liên hệ tới cuộc đời của vị tiền nhiệm hoá thân đó.

Thu hẹp lại những dữ kiện được chọn lọc, thiết lập những thông số theo cách tôi vừa trình bày, bước tiếp sau đó là thành lập phái đoàn tìm kiếm. Điều này không nhất thiết mang ý nghĩa như một nhóm người được cử đi tìm kho báu. Nói chung người ta chỉ cần hỏi những người trong cộng đồng để tìm ra một em bé khoảng ba đến bốn tuổi có thể là ứng cử viên. Thường có những biểu hiện mang tính chất gợi ý rất có ích, như hiện tượng khác thường phát sinh khi đứa bé ra đời, hoặc đứa bé biểu lộ một số cá tính đặc biệt.

Đôi khi hai, ba hoặc nhiều khả năng sẽ lộ ra ở những biểu hiện này. Hãn hữu, việc thành lập phái đoàn tìm kiếm lại hoàn toàn không cần thiết vì vị tiền nhiệm đã để lại thông tin chi tiết như tên người kế thừa, tên cả cha mẹ người kế thừa. Nhưng điều này khá hiếm. Còn trong những trường hợp khác, các đệ tử của vị tiền nhiệm có thể có những giấc mơ rõ ràng, hoặc thấy những linh ảnh về địa điểm để tìm ra hóa thân của vị tiền nhiệm đó. Mặt khác, gần đây, một vị Lama trình độ cao chỉ định rằng không cần phải tìm hóa thân của ngài. Ngài nói bất cứ một ai hoạt động cho Phật, Pháp và cộng đồng của ngài một cách tốt nhất, người đó cần được đặt vào vị trí người thừa kế của ngài, hơn là việc để mọi người lo lắng về một thân phận xác thực. Việc xác định hóa thân không có một quy định nào cứng nhắc cả.

Với trường hợp nhiều trẻ em được chọn làm ứng cử, thường là người biết rõ nhất về vị tiền nhiệm được cử ra chỉ đạo cuộc khảo nghiệm cuối cùng. Thông thường người này được một trong số các em đó nhận ra, đây là một bằng chứng mạnh mẽ, nhưng đôi khi những dấu vết trên cơ thể em bé ứng cử cũng được tính đến.

Trong một vài trường hợp, tiến trình xác minh còn liên quan tới việc tham vấn một trong những vị tiên tri hay một người nào đó có tiềm năng ngon shé (khả năng biết trước). Một trong các phương pháp mà những người này sử dụng là phương pháp Ta, bằng phương pháp này nhà thực hành nhìn vào trong một cái gương, họ có thể thấy được đứa trẻ, hoặc một tòa lâu đài, hoặc một cái tên được viết lên. Tôi gọi phương pháp này là “vô tuyến truyền hình thời cổ”. Điểm này tương ứng với linh ảnh mà người ta thấy ở hồ Lhamoi Lhatso, nơi này Reting Rinpoché đã trông thấy những chữ Ah, Ka và Ma, cảnh tượng tu viện và một ngôi nhà, từ đó ông bắt đầu đi tìm tôi.

Đôi khi bản thân tôi được mời để chỉ đạo cuộc tìm kiếm vị hóa thân. Trong trường hợp này trách nhiệm của tôi là đưa ra quyết định cuối cùng xem em bé ứng cử có được lựa chọn một cách chính xác không. Ở đây tôi phải nói rằng tôi không có khả năng tiên đoán. Tôi không có thời gian và cơ hội để phát triển khả năng đó, mặc dù tôi có lý do để tin rằng về lĩnh vực này, Dalai Lama thứ mười ba là người có khả năng này.          

Để đưa ra một ví dụ về tôi làm việc đó như thế nào, tôi sẽ thuật lại câu chuyện của Ling Rinpoché, vị trưởng trợ giáo của tôi. Tôi luôn luôn tôn kính Ling Rinpoché vô cùng, dù hồi nhỏ, vì thấy người phục vụ tỏ ra sợ hãi ông, mỗi khi tôi nghe thấy tiếng chân quen thuộc của ông, tim tôi lại đập thình thịch. Nhưng dần dần, tôi tôn trọng ông như một trong những người bạn vĩ đại nhất, gần gũi nhất. Cách đây không lâu, khi ông chết, tôi cảm thấy cuộc sống không có ông bên cạnh thật vô cùng khó khăn. Ông đã trở thành một phiến đá lớn để tôi tựa vào đó.

Khi được tin ông ốm nặng vào cuối mùa hè năm 1983, lúc đó tôi đang ở Thụy sĩ: ông bị chứng đột quỵ và liệt. Tin này khiến tôi rất bối rối. Tuy vậy, là một Phật tử, tôi biết rằng lo lắng là một việc không có ích. Tôi trở lại Dharamsala ngay khi có điều kiện, và thấy ông vẫn còn sống, song ở một trạng thái rất yếu. Tuy nhiên tư duy của ông rất minh mẫn nhờ suốt đời siêng năng rèn luyện. Sức khoẻ của ông ổn định trong nhiều tháng, sau đó đột ngột xấu đi. Ông rơi vào tình trạng hôn mê không qua khỏi, và chết ngày 25 tháng 12 năm 1983. Nhưng, như thể là những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ ông là một con người khác thường, mười ba ngày sau khi chết đi, cơ thể ông không bị phân hủy mặc dù khí hậu rất nóng. Dường như ông vẫn cư trú trong cơ thể của mình, dù rằng về y học, cơ thể đó không còn sự sống.

Nhìn lại phong thái trong cái chết của ông, tôi chắc rằng tình trạng bệnh tật của ông kéo dài như vậy, trạng thái này đã được ông cân nhắc kỹ lưỡng nhằm giúp tôi làm quen với sự kiện sẽ không có ông. Tuy nhiên, đó chỉ là một nửa câu chuyện. Do chúng ta đang nói tới con người Tây Tạng, câu chuyện vẫn tiếp diễn một cách có hậu. Sau khi hóa thân của ông được tìm ra, ông xuất hiện dưới hình thức một cậu bé ba tuổi, thông minh và nghịch ngợm. Trường hợp phát hiện hóa thân của ông là một trong những trường hợp mà cậu bé hóa thân nhận ra một thành viên của phái đoàn tìm kiếm một cách rõ ràng. Dù mới có mười tám tháng tuổi, câu bé gọi đúng tên người đó, mỉm cười và nhoài người về phía người này. Sau đó cậu nhận diện một cách chính xác nhiều người quen khác của vị tiền nhiệm.

Lần đầu tiên gặp cậu bé, tôi tin ngay về thân phận của cậu. Cậu cư xử với một phong cách như hiển nhiên cậu đã biết tôi, dù cậu cũng tỏ ra rất kính trọng. Trong dịp gặp gỡ đầu tiên, tôi tặng vị Ling Rinpoché một thanh súc cù là to tướng. Cậu đứng một cách dửng dưng, tay cầm thanh súc cù là, cánh tay duỗi, đầu luôn luôn cúi xuống trước mặt tôi. Tôi không thể nghĩ được rằng một em bé nào khác lại giữ nguyên một thứ của ngọt mà không nếm, nghiêm chỉnh đứng thẳng như vậy. Rồi, khi đón tiếp cậu bé tại nơi tôi ở, và khi cậu được đưa tới cửa, cậu cư xử đúng như vị tiền nhiệm của cậu. Rõ ràng cậu nhớ lại được lối ra vào. Hơn nữa, khi tới phòng làm việc của tôi, cậu thể hiện ngay lập tức sự quen biết của mình với một trong những người phục vụ bị gãy chân vừa mới khỏi. Trước tiên, con người nhỏ bé này trang trọng trao cho người phục vụ một cái kata (một loại khăn quàng dài, dấu hiệu chúc phúc) và cười khúc khích như trẻ con, cậu cầm lấy một chiếc nạng của Lobsang Gawa, chạy vòng quanh cùng với chiếc nạng như một cái cột cờ.

Một chuyện nữa đầy ấn tượng, khi lên hai tuổi, cậu được đưa tới Bodh Gaya, nơi tôi tới giảng dạy. Không ai nói gì cho cậu biết, cậu bò lên cầu thang, tìm đến buồng ngủ của tôi và đặt một chiếc kata lên giường ngủ. Hiện nay, Ling Rinpoché đã biết tụng kinh, dù cho đang học đọc, người ta vẫn coi cậu như là một trong số những hóa thân trẻ, nhớ được các văn bản với một tốc độ thần kỳ, giống như họ chỉ việc nhặt những gì họ đánh rơi mà thôi. Tôi biết rất nhiều em nhỏ có thể diễn thuyết hùng hồn các văn bản dài hàng trang giấy không hề khó khăn.

Chắc chắn có một yếu tố huyền bí trong tiến trình xác minh hóa thân này. Nhưng phải nói rằng là một Phật tử, tôi không tin những con người như Mao, Lincoln hoặc Churchill xuất hiện là chuyện “ngẫu nhiên”.

Một lĩnh vực nữa trong các kinh nghiệm của người Tây Tạng mà tôi rất muốn khảo cứu bằng khoa học, đó là hệ thống y khoa Tây Tạng. Dù đã tồn tại trên hai ngàn năm, dù được rút ra từ nhiều nguồn gốc khác nhau, gồm cả nền văn minh cổ kính Ba tư (Iran ngày nay), hiện tại nguyên lý của nền y khoa này vẫn là toàn bộ nguyên lý của Phật giáo. Điểm này tạo cho nó có một sắc thái hoàn toàn khác với hệ thống y học phương Tây. Ví dụ, hệ thống y khoa Tây Tạng giữ quan niệm rằng nguồn gốc của bệnh tật là sự Vô minh, Tham vọng và Hận thù.

Theo y khoa Tây Tạng, thân thể con người bị chi phối bởi ba nopa chính, nghĩa đen là ba loại “tổn hại”, nhưng thường được dịch là ba “tâm trạng”. Những nopa này được coi là những thứ mãi mãi hiện hữu bên trong một sinh vật. Điều này có nghĩa là sinh vật không thể thoát khỏi bệnh tật, hoặc tối thiểu không thoát khỏi tiềm năng của nó. Nhưng do nopa được duy trì ở trạng thái cân bằng, cơ thể tồn tại mạnh khỏe. Tuy nhiên, nếu trạng thái cân bằng bị mất đi do một hoặc hai, ba trong ba nguyên nhân nói trên (ba loại tổn hại), sự mất cân bằng này sẽ được thể hiện như là những căn bệnh. Bệnh tật thường được chẩn đoán bằng xem mạch và kiểm tra nước tiểu người bệnh. Có cả thảy mười hai vị trí chủ yếu trong bàn tay và cổ tay để kiểm tra mạch. Nước tiểu được phân tích và đánh giá bằng các phương pháp khác nhau (màu sắc, mùi vv…).

Về phần điều trị, liệu pháp đầu tiên liên quan tới cách hành xử và chế độ ăn uống. Thuốc men là bước điều trị thứ hai, châm cứu và xông nóng (một cách điều trị bằng sức nóng) theo một phương pháp đặc biệt là bước thứ ba, mổ xẻ đứng thứ tư. Thuốc men được bào chế bằng các dạng vật chất hữu cơ, đôi khi phối hợp với ô xít kim loại và một số khoáng chất (ví dụ, gồm cả kim cương nghiền thành bột).

Cho tới nay, vẫn còn rất ít các cuộc khảo cứu về giá trị của hệ thống y khoa Tây Tạng, dù rằng một trong những bác sĩ trước đây của tôi, đốc tờ Yeshe Dhonden, ông đã tham gia vào một loạt thí nghiệm tại trường đại học Virginia, Hoa Kỳ. Tôi biết rằng ông đã thu được một số kết quả tốt đáng kinh ngạc trong việc điều trị chứng ung thư ở chuột bạch. Nhưng rất nhiều công việc cần phải làm trước khi có thể đạt được những kết luận rõ ràng. Lúc này tôi chỉ có thể nói rằng với kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy thuốc của Tây Tạng rất hiệu nghiệm. Tôi thường xuyên sử dụng, không chỉ để điều trị mà còn chống lại các chứng bệnh khác. Tôi thấy rằng thuốc men của Tây Tạng làm vững mạnh thể chất, trong khi tác dụng phụ lại không đáng kể. Kết quả là, dù rằng thời gian làm việc ban ngày của tôi rất dài, thời gian thiền rất tập trung, song tôi hầu như không cảm thấy mệt mỏi.

Hơn nữa, còn một lĩnh vực khác mà tôi tin rằng đây là cơ hội cho các cuộc đối thoại giữa nền khoa học hiện đại và nền văn minh truyền thống Tây Tạng liên quan tới phạm vi lý thuyết hơn là các kiến thức thuộc về thực nghiệm. Một số phát hiện sau này về môn vật lý hạt nhân dường như hướng tới tính bất nhị nguyên (non-duality) của tinh thần và vật chất. Ví dụ, người ta phát hiện là nếu một khoảng chân không (có nghĩa là không gian trống rỗng) được nén lại, các phân tử xuất hiện từ chỗ trước đây chưa hề có, bằng cách nào đó, vật chất dường như là cố hữu. Những phát hiện này dường như tạo ra một miền hội tụ giữa khoa học và lý thuyết về “trống rỗng” của Phật giáo trường phái Madhyamika. Về cơ bản, điều này phát biểu rằng tinh thần và vật chất tồn tại riêng rẽ, nhưng chúng có quan hệ tương tác.

Tuy nhiên, tôi ý thức được sự nguy hiểm của việc ràng buộc niềm tin vào tâm linh với một hệ thống khoa học nào đó. Vì trong khi Phật giáo vẫn liên tục được kế thừa với thời gian hai kỷ nguyên rưỡi kể từ khi bắt đầu, thì tính xác thực của khoa học mới chỉ đạt được trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Song tôi không coi những vấn đề như tiên tri, hoặc khả năng của các vị sư sống sót qua hàng đêm trong điều kiện băng giá, phải là những bằng chứng của sức mạnh huyền thuật. Tôi cũng không đồng ý với người anh em Trung Quốc, coi những người Tây Tạng chấp nhận các hiện tượng đó như một bằng chứng của sự lạc hậu, dã man. Kể cả đối với các quan điểm khoa học khe khắt nhất, cách nhìn nhận này không phải là một quan điểm khách quan.

Đồng thời, nếu một nguyên lý được chấp nhận, điều này không có nghĩa là mọi thứ liên quan tới nó đều có giá trị. Với phương pháp loại suy (analogy: quá trình suy luận dựa trên sự giống nhau một phần giữa hai vật được so sánh), thật đáng buồn cười nếu chỉ tuân theo một cách mù quáng tất cả những phát biểu của Marx và Lênin mà không có một nhận thức đúng đắn trước những bằng chứng rõ ràng cho thấy chủ nghĩa cộng sản là một hệ thống không hoàn hảo. Sự thận trọng cần được liên tục duy trì trong những lĩnh vực mà chúng ta không am hiểu lắm. Tất nhiên đây là lúc khoa học có thể hỗ trợ. Cuối cùng, chỉ khi nào chúng ta không hiểu, chúng ta mới coi mọi việc trở nên thần bí.

Cho tới nay, kết quả của những cuộc điều tra mà tôi đã mô tả, chúng đều có ích cho tất cả mọi tầng lớp. Nhưng tôi nhận thấy chúng chỉ nên được coi một cách chính xác là những thí nghiệm để đạt tới kết quả như vậy. Hơn nữa, tôi nhận thấy rằng không tìm thấy một cái gì không có nghĩa là chúng không tồn tại. Nó chỉ chứng tỏ rằng một số thí nghiệm đã không đủ khả năng tìm ra. (Nếu tôi không có một vật bằng kim loại trong túi, do vậy máy dò kim loại không phát hiện ra, điều này không có nghĩa là trong túi tôi không có gì). Đó là lý do chúng ta phải hết sức cẩn thận trong mọi công cuộc điều tra, đặc biệt trong lĩnh vực mà dạng thực nghiệm khoa học còn sơ sài. Những hạn chế bị áp đặt do bản chất cũng là điều quan trọng cần ghi nhớ. Ví dụ, trong khi một số các khảo cứu khoa học không thể nắm bắt được ý nghĩ của tôi, điều này không có nghĩa là chúng không tồn tại, mà do phương pháp khảo cứu không phát hiện ra một chút gì về chúng, trong khi đó kinh nghiệm của người Tây Tạng lại tiếp cận được. Qua việc rèn luyện tư duy, chúng tôi tạo ra những kỹ thuật để thực hiện một số điều mà khoa học chưa thể giải thích thỏa đáng. Do vậy, đây là nền tảng của cái gọi là “huyền thuật và huyền bí” của Phật giáo Tây Tạng.

CHƯƠNG 13
TIN TỨC TỪ TÂY TẠNG

Đầu năm 1959, do áp lực leo thang thành biến cố lớn cuối cùng, tôi được nghe nói về một báo cáo của Giải Phóng Quân gửi cho chủ tịch Mao. Bản báo cáo nói người dân Tây Tạng không hoan nghênh với việc duy trì sự có mặt của Giải Phóng Quân, thêm vào đó là có quá nhiều mệnh lệnh không được tuân thủ mà tất cả nhà tù giờ đây đã đầy ắp. Mao được cho là đã trả lời rằng không phải lo lắng gì. Không nhất thiết phải quan tâm tới những cảm xúc của người Tây Tạng: đó là những cảm xúc không thích hợp. Đối với việc không tuân lệnh, chính quyền phải chuẩn bị đưa toàn bộ dân chúng vào tù nếu cần thiết. Có nghĩa là phải làm thêm nơi giam giữ. Tôi nhớ lại cảm giác khủng khiếp khi nghe thấy điều này. Cả một sự trái ngược so với thời gian trước đây, thời gian mà tôi nhận ra được từng người tù, coi mỗi người trong bọn họ là những người bạn.

Cùng lúc này, một câu chuyện khác có liên quan tới phản ứng của Mao đối với báo cáo được gửi tới cho ông sau vụ nổi dậy tháng Ba, bản báo cáo cho biết trật tự đã được thiết lập. Người ta kể rằng ông hỏi: “Vậy tình hình Dalai Lama thế nào?”. Khi được cho biết tôi đã trốn thoát, ông trả lời: “Trong trường hợp này chúng ta đã thất trận”. Sau cùng, tất cả những tin tức liên quan tới Người Cầm Lái Vĩ Đại đều do tôi đọc báo và nghe đài BBC. Tôi và cả chính quyền Tây Tạng tha hương không có liên hệ gì với Bắc Kinh tận sau khi Mao chết vào tháng 9 năm 1976.

Lúc này tôi ở Ladakh, một miền hẻo lánh phía bắc Ấn Độ thuộc Jammu và Kashmir, nơi tôi đang điều khiển nghi lễ nhập môn Kalachakra. Vào ngày thứ hai của chương trình ba ngày thực hiện nghi lễ, Mao qua đời. Ngày thứ ba, trời mưa suốt buổi sáng, nhưng đến chiều, một chiếc cầu vồng thật đẹp mà tôi chưa từng thấy bỗng xuất hiện. Tôi chắc rằng đó là một điềm tốt. Tuy nhiên, dù đó là một dấu hiệu đầy triển vọng, tôi cũng không trông đợi một bước thay đổi đột ngột của Bắc Kinh sau đó. Hầu như ngay lập tức nhóm bốn người đứng đầu là Giang Thanh, vợ của Mao đều bị bắt. Rõ ràng hàng bao năm trời chính họ đã điều hành Trung Quốc một cách hiệu quả đằng sau cái lưng ốm yếu của vị chủ tịch, họ triệt để theo đuổi những chính sách hà khắc, ủng hộ đường lối mở rộng Cách Mạng Đại Văn Hóa.

Rồi thì, năm 1977, thời kỳ này Lý Tiên Niệm là chủ tịch nước, có tin đồn rằng ông tuyên bố: dù đạt được nhiều thành quả, cuộc Cách Mạng Đại Văn Hóa đồng thời cũng gây nhiều tổn thất. Đây là dấu hiệu thứ nhất cho thấy cuối cùng những người lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu đối mặt với sự thật. Tiếp sau đó là một bài phát biểu có tính chất hòa giải về vấn đề Tây Tạng. Tháng tư năm đó, Ngabo Ngawang Jigme (lúc này là nhân vật cao cấp trong chính phủ ở Bắc Kinh) tuyên bố trước công chúng là Trung Quốc sẵn sàng hoan nghênh sự trở về của Dalai Lama và “của những người đã đi theo ông sang Ấn Độ”. Từ những năm của thập kỷ 1960, chính quyền Trung Quốc đã kêu gọi tất cả những người rời bỏ Tây Tạng hãy trở về, họ nói rằng mọi người sẽ được chào đón trong vòng tay mở rộng.

Lời phát biểu này đánh dấu điểm khởi đầu của một đợt tuyên truyền mạnh mẽ, dụ dỗ người dân quay trở lại Tây Tạng. Chúng tôi bắt đầu nghe nhiều về “hạnh phúc chưa từng có ở Tây Tạng ngày nay”. Hoa Quốc Phong, người được chỉ định kế vị thay Mao, ông kêu gọi hãy phục hồi toàn bộ nền văn hóa Tây Tạng, và lần đầu tiên trong hai mươi năm, những người già được phép đi vòng quanh ngôi chùa Jokhang một lần nữa, y phục truyền thống được phép sử dụng. Tất cả những điều này dường như rất hứa hẹn, nó chứng tỏ đây không phải là dấu hiệu hy vọng cuối cùng.

Vào 25 tháng 1 năm 1978, tôi vô cùng ngạc nhiên và sung sướng, Panchen Lama bất thình lình được tha sau gần một thập kỷ trong nhà tù. Ngay sau đó, Hồ Diệu Bang, với uy tín đang lên, ông xét lại tuyên bố của Lý Tiên Niệm về Đại Cách Mạng Văn Hóa, ông phát biểu rằng đâylà một thực nghiệm hoàn toàn tiêu cực, không hề có ích cho Trung Quốc về mọi mặt.

Điều này dường như là một bước tiến bộ đáng kể. Nhưng tôi vẫn cảm thấy rằng nếu như Trung Quốc đã thực sự thay đổi từ trong tâm, điều này sẽ được thể hiện bằng những hành động cởi mở đối với Tây Tạng. Trong bài diễn văn ngày 10/3 (đánh dấu lần kỷ niệm thứ mười chín ngày dân tộc Tây Tạng nổi dậy), tôi kêu gọi nhà cầm quyền Trung Quốc không hạn chế người ngoại quốc ra vào Tây Tạng. Tôi cũng gợi ý rằng nhà cầm quyền nên cho phép người Tây Tạng cư trú tại Tây Tạng đi thăm thân nhân của họ đang tha phương và ngược lại, thân nhân của họ có thể về Tây Tạng thăm họ. Tôi cảm thấy rằng nếu sáu triệu người dân Tây Tạng thực sự sung sướng và thoả mãn hơn bao giờ hết với những gợi ý hiện tại, chúng tôi không còn một vấn đề gì để tranh luận. Nhưng đúng là chúng tôi phải có cơ hội tìm ra sự thật trong những phát biểu này.

Tôi rất ngạc nhiên, dường như đề nghị của tôi được lưu ý tới. Vì sau đó không lâu, những người ngoại quốc đầu tiên được tới Tây Tạng. Và cùng với ước muốn của tôi, các quy định được đưa ra để người dân Tây Tạng ở bên trong lẫn bên ngoài có thể đi thăm nhau, dù rằng không bên nào có được giấy phép không hạn chế.

Sự thay đổi đột ngột ở Trung Quốc xuất hiện đúng thời điểm Ấn Độ cũng trải qua những biến cố quan trọng. Năm 1977, bà Gandhi thất bại trong cuộc bầu cử do bà triệu tập sau một giai đoạn khủng hoảng. Lên thay bà là ông Moraji Desai, người mà lần đầu tiên sau ngày độc lập, đảng Janata thành công trong việc lật đổ đảng Congress. Tuy rằng bà Gandhi giành lại quyền lực sau đó không lâu, nhưng trong thời gian này tôi trở nên thân hơn với ông Desai, người tôi gặp lần đầu tiên năm 1956, người tôi đã biết và quý mến ông từ trước.

Thời gian viết cuốn sách này, ông Desai vẫn còn sống, dù đã quá già song tôi vẫn coi ông như một người bạn thân. Desai là một nguời khác thường với khuôn mặt tuyệt vời, đầy sức sống, không hề phiền muộn. Tuy vậy, tôi không muốn nói ông không sai lầm. Như Mahatma Gandhi, cuộc sống hàng ngày của ông rất khắc khổ. Là một người ăn chay tuyệt đối, không hề động tới rượu và thuốc lá, ông thẳng thắn tuyệt đối trong công việc giải quyết với những người khác. Đôi khi tôi tự hỏi giá mà ông không quá thẳng tuột, mọi chuyện sẽ ra sao. Tuy vậy, nếu như đây là một trong những nhược điểm của ông, trong mắt tôi, bằng vào tình bạn của ông đối với người Tây Tạng, ông đã dành cho họ sự thẳng thắn nhiều hơn là những gì hình thức. Có lần ông viết cho tôi, nói rằng nền văn hóa Ấn Độ và văn hóa Tây Tạng là hai nhánh khác nhau của cùng một cây Bồ đề. Điều này đúng. Như tôi đã xác định rõ, quan hệ giữa hai nước chúng tôi rất sâu xa. Nhiều người Ấn Độ coi Tây Tạng là hiện thân của thiên đường hạ giới, một miền đất của thần thánh và những nơi linh thiêng. Đỉnh Kailash và Hồ Mansarova, theo thứ tự, ở miền tây và tây nam Tây Tạng, là những nơi hành hương quan trọng của người Ấn mộ đạo. Tương tự, người Tây Tạng chúng tôi coi Ấn Độ là Aryabhumi, xứ sở linh thiêng.

Cuối năm 1978 có một hướng tiến triển đáng khích lệ trong giai đoạn Đặng Tiểu Bình nổi lên như một người nắm quyền lực tối cao ở Bắc Kinh. Là nhà lãnh đạo của một phái ôn hòa hơn, uy thế của ông dường như có dấu hiệu hy vọng thực sự hơn trong tương lai. Tôi luôn luôn cảm thấy một ngày nào đó Đặng có thể làm được nhiều việc lớn cho tổ quốc ông ta. Thời gian ở Trung Quốc năm 1954-1955, tôi gặp ông nhiều lần, rất ấn tượng đối với ông. Chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện lâu với nhau, nhưng tôi được nghe nhiều điều về ông, đặc biệt ông là một con người giàu khả năng và rất quyết đoán.

Lần cuối cùng gặp gỡ, tôi nhớ lại ông đang ngồi, một con người nhỏ bé trong chiếc ghế bành to tướng, thong thả và cẩn thận bóc một quả cam. Ông không nói nhiều, song rõ ràng lắng nghe một cách kiên nhẫn tất cả những gì đang nói ra. Ông gây ấn tượng đối với tôi như một con người đầy quyền lực. Giờ đây người ta bắt đầu thấy, cộng thêm vào những phẩm chất này, ông còn rất thông minh. Ông đặt vấn đề với những câu nói nổi tiếng như “Điều quan trọng là tìm kiếm sự thật qua những sự kiện”, “Chừng nào còn bắt được chuột, mèo trắng hay mèo đen không là điều quan trọng”, “Nếu bộ mặt bạn lấc cấc, việc giả bộ hiền lành là điều không có ích”. Hơn nữa, về mặt chính trị, ông tỏ ra quan tâm tới kinh tế, giáo dục hơn là học thuyết chính trị và những khẩu hiệu thường là rỗng tuếch.

Rồi, tháng 11 năm 1978, ba mươi tư người tù, phần lớn là những thành viên già cả trong bộ máy quản lý nhà nước của tôi, được công bố trả tự do với một nghi lễ lớn ở Lhasa. Những người này bị coi là những người lãnh đạo nổi dậy cuối cùng. Báo chí Trung Quốc nói rằng, sau một chuyến đi tham quan đất nước “Tây Tạng mới” kéo dài chừng một tháng, họ được hỗ trợ để tìm việc làm, kể cả đi ra nước ngoài nếu họ muốn.

Tết nguyên đán tới gần không làm ngừng lại cơn lũ phát triển dị thường này. Vào ngày 1 tháng 2 năm 1979, trùng hợp với ngày nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được Mỹ chính thức công nhận, vị Panchen Lama lần đầu tiên ra mắt công chúng sau mười bốn năm, vị này lên tiếng cùng với những người kêu gọi Dalai Lama và các cộng sự hãy trở về. “Nếu Dalai Lama thực sự quan tâm tới hạnh phúc và lợi ích của đa số người dân Tây Tạng, vị này không cần phải nghi ngại” - Panchen Lama nói, “Tôi xin đảm bảo rằng cuộc sống của người dân Tây Tạng hiện nay tốt hơn rất nhiều lần so với ' xã hội ngày xưa”. Một tuần sau, lời mời này được đài phát thanh Lhasa nhắc lại và công bố tin tức về việc hình thành một ủy ban đặc biệt tiếp đón những người Tây Tạng ở nước ngoài.

Sau đó một tuần là một cuộc thăm viếng đột xuất của Gyalo Thondup ở Kanpur (Uttar Pradesh), nơi tôi đang dự một hội nghị tôn giáo. Trước sự ngạc nhiên của tôi, anh tuyên bố anh được nghe từ những người bạn cũ rất đáng tin cậy ở Hồng Kông (nơi anh đang sống), là Xinhua, tờ báo Tân Hoa, cơ quan ủy nhiệm của lãnh sự Trung Quốc ở thuộc địa Anh, cơ quan này muốn gặp anh. Sau đó anh gặp một đặc phái viên của Đặng Tiểu Bình, người này giải thích nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn đối thoại với Dalai Lama. Như một dấu hiệu thiện chí, Đặng muốn mời Gyalo Thondup tới Bắc Kinh để nói chuyện. Anh từ chối vì muốn biết ý kiến tôi trước.

Điều này hoàn toàn bất ngờ, tôi không trả lời ngay. Tình hình tiến triển trong hai năm qua có vẻ rất hứa hẹn. Tuy nhiên, có một câu nói cổ truyền của người Ấn Độ “Khi bạn đã bị rắn cắn một lần, bạn cảnh giác đến cả chiếc dây thừng”. Và thật không may, kinh nghiệm của tôi về các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết nguồn tin này không đáng tin cậy. Không những họ dối trá, mà tệ hơn nữa, khi những lời dối trá bị lộ tẩy, họ không hề có một chút xấu hổ. Cách Mạng Văn Hóa đã từng là một “thành công vĩ đại” trong khi nó được tiến hành, giờ đây thất bại, nhưng không hề có lấy một chút khiêm tốn đối với việc thừa nhận thất bại. Cũng không có một điểm gì cho thấy những người này đã từng giữ lời hứa. Bất chấp cam kết cụ thể trong điều khoản thứ mười ba của bản Hiệp Ước Mười Bảy Điểm, là người Trung Quốc sẽ “không tùy tiện lấy đi một cái kim sợi chỉ” của người Tây Tạng, họ đã cướp bóc toàn bộ đất nước chúng tôi. Thêm vào đó, qua vô vàn hành động tàn bạo, họ đã chứng tỏ họ hoàn toàn không tôn trọng nhân quyền. Dường như đối với suy nghĩ của người Trung Quốc, có lẽ do tầm cỡ dân số của họ, cuộc sống con người được coi là thứ rẻ tiền, và cuộc sống của người Tây Tạng còn kém giá trị hơn. Vì thế tôi cảm thấy cần phải hành xử hết sức cẩn thận.

Mặt khác, niềm tin cơ bản của tôi là những vấn đề về nhân loại chỉ có thể giải quyết qua việc con người tiếp xúc với nhau. Do đó nghe những điều người Trung Quốc nói có thể vô hại. Hy vọng chúng tôi đồng thời giải thích quan điểm của mình. Chắc chắn chúng tôi không giấu diếm điều gì. Đồng thời, nếu nhà cầm quyền Bắc Kinh giữ thái độ nghiêm chỉnh, chúng tôi còn có thể gửi một vài phái bộ đi thực tế để tìm ra sự thật.

Với suy nghĩ này và biết rằng sự nghiệp của chúng tôi là một trăm phần trăm chính đáng, căn cứ theo nguyện vọng của toàn thể người dân Tây Tạng, tôi đồng ý để anh đi. Sau khi anh gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc, chúng tôi sẽ nghiên cứu bước tiếp theo. Đồng thời tôi cũng gửi lời tới Bắc Kinh qua sứ quán Trung Quốc ở Ấn Độ, yêu cầu một phái đoàn từ Dharamsala cần được phép về thăm Tây Tạng trên quan điểm tìm hiểu sự thật ở đó để báo cáo lại. Tôi cũng gợi ý là anh nên cân nhắc xem ý tưởng đó có khả thi không.

Ngay sau đó, tôi lại nhận được những mẩu tin khá ấn tượng qua nhiều nguồn tin hoàn toàn khác nhau. Các nguồn tin này xuất phát dưới hình thức một lời mời tới thăm cộng đồng Phật tử của nhà nước Cộng hòa Mông Cổ và Liên Bang Xô Viết. Tôi nhận thấy việc đi thăm có thể không làm những người bạn ở Bắc Kinh hài lòng, song mặt khác, tôi cảm thấy với tư cách là một nhà sư và một vị Dalai Lama, tôi phải có trách nhiệm phục vụ đồng đạo. Bên cạnh đó, làm sao tôi có thể chối bỏ chính những con người đã tặng tôi tước vị này. Còn nữa, khi mà tôi chưa hoàn thành giấc mộng đi thăm Liên Xô hồi còn là nhân viên cao cấp của Trung Quốc (chỉ là một nhân viên chính quyền mà mọi hoạt động đều bị giới hạn một cách ngặt nghèo), tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội được đi như một người tỵ nạn Tây Tạng. Vì thế tôi vui vẻ chấp nhận.

Sự việc này không gây một hậu quả tiêu cực nào, khi Gyalo Thondup trở lại Dharamsala vào cuối tháng ba, anh cho biết chính quyền Trung Quốc chấp nhận đề nghị gửi phái đoàn tìm hiểu tới Tây Tạng. Điều này khích lệ tôi rất lớn. Dường như cuối cùng rồi Trung Quốc cũng cố gắng tìm một giải pháp hòa bình đối với yêu cầu của Tây Tạng. Ngày dành cho chuyến đi của đoàn đại biểu được ấn định vào tháng tám.

Cũng thời gian này, vào đầu tháng sáu, tôi khởi hành đi Liên Xô theo lộ trình qua Mông Cổ. Khi đến Mạc tư khoa, tôi có cảm giác như trở về một thế giới quen thuộc. Tôi nhận ra ngay lập tức cùng một bầu không khí thô bạo hà khắc mà tôi đã biết rõ khi ở Trung Quốc. Nhưng điều này không khiến tôi ngừng bước, vì những người tôi gặp, về căn bản họ tốt và tử tế, chân thật một cách đáng ngạc nhiên. Quan sát cuối cùng này khiến tôi hiểu. Một phóng viên của một trong những tờ báo ở Liên Xô tới phỏng vấn. Tất cả mọi câu hỏi của người phóng viên rõ ràng được thiết kế để rút ra được những lời khen ngợi. Nếu tôi nói những gì không có tính chất ủng hộ chính phủ, hoặc nếu câu trả lời không đúng vào những gì anh ta mong muốn, anh nhìn tôi giận dữ. Nhưng có trường hợp một nhà báo sau khi kết thúc danh sách những câu hỏi, người này trở nên khá khiêm tốn, anh thành thật hỏi tôi: “Ông có cho rằng giờ đây tôi có nên hỏi ông nữa hay không?”

Ở Mạc Tư Khoa, bất kỳ nơi nào tới, tôi cũng thấy sự khả ái đó nằm dưới một bề mặt tuân thủ. Điều này khẳng định niềm tin của tôi là không một ai trên cõi đời này muốn khổ đau. Đồng thời, tôi nhớ lại tầm quan trọng của việc tiếp xúc với con người trên phương diện cá nhân: bản thân tôi có thể thấy được, rằng người Liên Xô cũng không phải là những con người cổ quái hơn người Trung Quốc, người Anh hoặc người Mỹ. Tôi đặc biệt xúc động về sự đón tiếp của những thành viên trong Nhà thờ Thiên chúa giáo chính thống.

Từ Mạc Tư Khoa, tôi tới nước cộng hòa Buryat, nghỉ lại một ngày tại một tu viện Phật giáo. Dù không có điều kiện trực tiếp nói chuyện với mọi người, song tôi thấy mình có thể hiểu được những lời cầu nguyện khi những lời cầu nguyện này được đọc bằng tiếng Tây Tạng, hơn là người Thiên chúa giáo trên toàn thế giới sử dụng tiếng Latin hiểu tiếng Latin. Các vị sư này cũng viết bằng chữ Tây Tạng. Ngoài ra, tôi còn phát hiện ra chúng tôi có thể chuyện trò với nhau bằng mắt. Khi vào trong tu viện, tôi thấy rất nhiều nhà sư và những thường dân trong giáo đoàn ứa nước mắt. Đó là một cách thể hiện tự phát rằng họ nghiêng về phía người Tây Tạng, và tôi cảm nhận ngay được mối quan hệ họ hàng.

Tu viện ở Ulan Ude, thủ đô của Buryat, là một trong những tu viện nổi bật tôi được thấy ở Liên Xô. Tu viện được xây dựng từ năm 1945, khi Stalin đang ở đỉnh cao quyền lực. Tôi không hiểu lý do tại sao nó được xây, nhưng điều này giúp tôi nhận thức rằng vấn đề tâm linh bắt nguồn rất sâu trong tư duy con người, việc bài trừ tôn giáo vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói rằng hoàn toàn không thực hiện được. Giống như những người dân chúng tôi, niềm tin của người dân Buryat bị tổn thương nặng nề trong một thời gian dài hơn cả chúng tôi. Tuy vậy, bất cứ nơi nào đi qua, căn cứ vào những cơ hội mảnh mai nhất, tôi cũng thấy được bằng chứng rõ ràng là cuộc sống tâm linh của những con người ở đây đã nảy nở.

Điều này nhấn sâu thêm vào niềm tin của tôi, rằng cuộc đối thoại giữa Phật giáo và chủ nghĩa Mác thực sự cần thiết ngay tại nơi chúng tồn tại, và thực ra phải có đối thoại giữa các tôn giáo với bất kỳ mọi cơ cấu nào của chủ nghĩa duy vật. Hai phương pháp tiếp cận cuộc sống này hiển nhiên bổ sung cho nhau. Thật đáng buồn khi người ta có khuynh hướng cho rằng chúng đối lập với nhau. Nếu chủ nghĩa duy vật và khoa học kỹ thuật thực sự là đáp án cho tất cả mọi vấn đề của nhân loại, thì xã hội có nền công nghiệp tiên tiến nhất giờ đây đã tràn đầy những khuôn mặt rạng rỡ. Nhưng không phải vậy. Cũng tương tự, nếu con người chỉ có ý định quan tâm tới các vấn đề tâm linh, tất cả chúng ta sẽ sống sung sướng với niềm tin tôn giáo, song sẽ không tiến bộ. Sự phát triển cả hai vấn đề vật chất và tinh thần là điều cần thiết. Nhân loại không được dậm chân tại chỗ, vì đó là một hình thức chết chóc.

Từ Ulan Ude, tôi bay tới Ulan Bator, thủ đô nước cộng hòa Mông Cổ, ở đây một nhóm sư nghênh tiếp tôi một cách rất xúc động. Tuy nhiên, niềm vui và không khí thoải mái dành cho tôi hiển nhiên không được nhà cầm quyền chấp nhận. Ngày đầu tiên, dân chúng chen chúc nhau cố gắng chạm vào tôi. Nhưng hôm sau, tôi thấy mọi người cư xử như là những pho tượng, nước mắt lưng tròng. Không một ai lại gần khi tôi tới thăm ngôi nhà mà người tiền nhiệm của tôi đã ở hồi đầu thế kỷ. Sau này, một người cố ý bí mật không tuân theo cung cách cư xử đó. Lúc rời khỏi viện bào tàng, tôi thấy trong lòng bàn tay mình có một vật gì lạ khi bắt tay với một người đàn ông đứng ở cổng ra vào. Nhìn xuống, tôi thấy ông ta ấn một chuỗi tràng hạt nhỏ vào tay tôi để cầu phúc. Đột nhiên tôi cảm thấy cực kỳ buồn rầu và thương cảm.

Trong viện bảo tàng, ngẫu nhiên tôi lưu ý tới một bức tranh vẽ một ông sư với chiếc mồm to tướng, trong chiếc mồm, những người du mục đi lại với đàn bò của họ. Hiển nhiên đây là một bức tranh tuyên truyền chống tôn giáo có chủ ý. Tôi tiến tới gần hơn để nhìn cho rõ, nhưng người hướng dẫn hoảng hốt cố lái tôi ra khỏi bức tranh tuyên truyền đáng xấu hổ đó. Tôi nói không cần phải giấu diếm tôi một cái gì. Chắc chắn có một số sự thật mà bức tranh đó định nói lên. Những sự kiện như vậy không nên lẩn tránh. Mọi tôn giáo đều có khả năng gây tổn hại, lợi dụng con người như bức tranh gợi ý. Đó không phải là lỗi của tôn giáo, mà là lỗi của những người thực hành tôn giáo.

Một sự việc hài hước liên quan tới một cuộc triển lãm khác, đó là mô hình của Mandala Kalachakra. Tôi nhận ra một vài điểm không chính xác trong cách trình bày. Nên khi một người phụ nữ trẻ bắt đầu giải thích ý nghĩa của nó cho tôi, tôi nói: “Này! Tôi là chuyên gia về những vấn đề này, tại sao bạn lại không để tôi giải thích cho bạn?” rồi chỉ ra những điểm không chính xác. Tôi khá hài lòng với việc này.

Khi hiểu về người Mông Cổ, tôi bắt đầu nhận thấy mối liên quan giữa hai quốc gia chúng tôi mạnh mẽ chừng nào. Lúc đầu, tôn giáo của người Mông Cổ cũng giống như tôn giáo của chúng tôi. Như tôi đã đề cập, trong quá khứ, rất nhiều học giả Mông Cổ tới thăm Tây Tạng, họ đã có những đóng góp lớn cho nền văn hóa, tôn giáo của chúng tôi. Tây Tạng cũng sử dụng rất nhiều kinh bản do người Mông Cổ viết. Hơn nữa, chúng tôi cùng chia sẽ nhiều phong tục, ví dụ tục lệ tặng khăn kata. (Chỉ có một sự khác nhau là khăn của người Tây Tạng màu trắng, khăn người Mông Cổ màu xanh da trời xám hoặc màu ghi đá). Suy nghĩ về những cách cư xử này, đối với tôi, về mặt lịch sử dường như là Mông Cổ có quan hệ với Tây Tạng, mối quan hệ này cũng giống như quan hệ của Tây Tạng với Ấn Độ. Với ý nghĩ này, tôi dàn xếp một phương án trao đổi sinh viên của những cộng đồng tương ứng, để qua đó hồi phục lại mối liên hệ xa xưa của hai đất nước chúng tôi.

Khi ra đi, tôi đã đạt được rất nhiều ấn tượng vô cùng hứng thú về Liên Xô và Mông Cổ. Một số ấn tượng này liên quan tới những tiến bộ vật chất mà tôi được thấy, đặc biệt ở Mông Cổ, nơi họ có những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và chăn nuôi. Sau này tôi trở lại nước Nga (Liên Xô) một lần nữa vào năm 1987, lúc đó tôi vui mừng thấy rằng không khí đã đột ngột thay đổi tốt hơn nhiều. Đây là một bằng chứng cụ thể chứng tỏ sự tự do về mặt chính trị có một vị trí trực tiếp trong cách con người tự cảm nhận về chính họ. Giờ đây họ có khả năng bộc lộ những cảm xúc thực sự, rõ ràng họ sung sướng hơn nhiều.

Vào ngày 2 tháng 8 năm 1979, một phái đoàn gồm năm thành viên của chính phủ Tây Tạng tha hương rời Delhi đi Tây Tạng trên con đường qua Bắc Kinh. Tôi cẩn thận lựa chọn những người này. Vì điều quan trọng là họ cần hết sức khách quan, nên tôi lựa chọn những người không những đã biết Tây Tạng trước khi bị xâm chiếm, mà họ còn phải hiểu biết về thế giới hiện đại nữa. Tôi cũng cẩn thận lựa chọn ba vị đại diện ở ba miền khác nhau.

Anh Lobsang Samten là một trong số đó. Anh từ bỏ lời thề của người tu hành đã lâu, còn lại mình tôi là người duy nhất của gia đình trong cộng đồng tăng lữ, lúc này anh là một con người hiện đại với lối ăn mặc và phong cách thể hiện. Anh để tóc dài, ria mép cụp xuống. Quần áo mặc cũng rất tuỳ tiện. Tôi hơi lo lắng là anh có thể không được những người ở Tây Tạng nhớ ra anh.

Hơn mười năm sau, tôi vẫn không biết chắc nhà lãnh đạo Bắc Kinh mong chờ những ấn tượng gì ở phái đoàn về một “Tây Tạng mới”. Nhưng tôi cho rằng phái đoàn đã bị thuyết phục vì gặp một bầu không khí mãn nguyện, thịnh vượng khắp nơi, nên họ thấy người dân Tây Tạng không cần thiết phải tha hương nữa. (Và thực ra, do sợ phái đoàn bị tấn công bởi một vùng cư dân cực đoan, nhà cầm quyền Trung Quốc đã chỉ đạo người dân Tây Tạng phải bày tỏ sự nhã nhặn với phái đoàn!). Tôi cũng cho rằng Dalai Lama và sự tồn tại của chính quyền Tây Tạng tha hương là một nỗi xấu hổ cực lớn đối với Trung Quốc, là mối lo của nhà cầm quyền với quan điểm của thế giới. Do đó, những biện pháp để lôi kéo chúng tôi trở lại đều được chấp nhận

Rất may là họ đã quá chắc chắn. Vì trong khi phái đoàn thứ nhất đang ở Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc chấp nhận đề nghị của tôi yêu cầu gửi thêm ba phái đoàn nữa.

Năm vị đại diện cho tôi ở lại Bắc Kinh hai tuần để họp và vạch lộ trình. Trong thời gian bốn tháng, họ sẽ đi theo hướng dọc và ngang suốt bờ cõi Tây Tạng. Tuy nhiên, khi tới Amdo, những rắc rối bắt đầu xảy ra với chính quyền Trung Quốc. Bất kể nơi nào họ đi, có những đám đông hàng ngàn người, đặc biệt là thanh niên, tất cả yêu cầu được ban phúc và hỏi thăm tôi. Điều này xúc phạm tới người Trung Quốc, những người này tức giận đánh điện trước cho Lhasa, báo động chính quyền ở đây về những gì sắp xảy ra với chính quyền. Một bức điện trả lời nói rằng “Do được huấn luyện chính trị chất lượng cao, nên khả năng rối loạn là không có.”

Hơn nữa, mỗi bước đi trên hành trình, sự chào đón năm vị đại diện tha hương thật mỹ mãn. Khi tới Lhasa, một biển người chào đón họ, họ mang những tấm ảnh về, đường phố đông đặc với hàng vạn người đầy thiện chí, không tuân theo lệnh nhường đường. Trong khi ở thành phố, một thành viên trong phái đoàn tình cờ nghe thấy một cán bộ cao cấp nói với đồng nghiệp: “Hậu quả của hai mươi năm về trước đã bị xóa sạch chỉ trong một ngày”.

Dẫu rằng giữa những người lãnh đạo và dân chúng ở các quốc gia có chế độ độc tài thường tồn tại một khoảng cách, nhưng ở đây hình như người Trung Quốc đã làm một phép tính nói chung sai lầm một cách quái dị. Mặc dầu họ có những hệ thống mật vụ rất hiệu quả được thiết kế để ngăn chặn các trường hợp như thế này, song mọi đánh giá của họ hoàn toàn sai lầm. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn nữa là dù biết được như vậy, người Trung Quốc vẫn tiếp tục kiên trì với hệ thống này. Ví dụ, khi Hồ Diệu Bang, hồi đó là Tổng bí thư Đảng Cộng Sản, người kế vị của Đặng Tiểu Bình, đi thăm Tây Tạng vào năm sau đó, ông được đưa tới một nơi tương ứng với làng Potemkin và ông hoàn toàn bị hiểu sai lệch. Cũng gần như thế, năm 1988, tôi được nghe kể lại khi một vị lãnh đạo Trung Quốc lỗi lạc tới thăm Lhasa, ông trực tiếp hỏi một bà già xem bà nghĩ gì về tình trạng hiện nay của Tây Tạng. Tất nhiên bà thành thực nhắc lại những đường lối của Đảng và vị này nghiêm túc cho đây là cảm xúc thực sự của một người dân Tây Tạng. Gần như là những người cầm quyền Trung Quốc thực sự muốn tự đánh lừa mình. Hơn nữa, chắc chắn những ai có đôi chút nhận biết cũng thấy được rằng một con người dưới sự đe dọa bị trừng trị, liệu họ có dám bộc lộ những ý nghĩ tiêu cực của họ chăng?

Thật may mắn, Hồ Diệu Bang không hoàn toàn bị đánh lừa. Ông công khai thể hiện sự choáng váng về điều kiện sống của người dân Tây Tạng, ông còn hỏi xem tất cả nguồn tài chính gửi tới Tây Tạng phải chăng đã bị ném xuống sông. Hồ Diệu Bang tiếp tục hứa hẹn sẽ rút về tám mươi lăm phần trăm cán bộ nòng cốt người Trung Quốc có địa vị ở Tây Tạng.

Những biện pháp đã đề xuất này được biết rất ít. Quyền lực của Hồ Diệu Bang không tồn tại lâu, cuối cùng ông bị ép từ chức Tổng bí thư Đảng. Tuy nhiên, tôi vô cùng trân trọng đối với những ký ức về ông, về những gì ông đã thể hiện một cách vô cùng can đảm trong việc thừa nhận sai lầm của Trung Quốc đối với Tây Tạng. Sự kiện ông làm như vậy là một bằng chứng rõ ràng. Ngay trong những vị lãnh đạo Trung Quốc, không phải ai ai cũng ủng hộ chính sách đối ngoại hà khắc sai lầm của chính phủ. Nhưng nếu sự thừa nhận của Hồ Diệu Bang không có một tác động lâu dài đối với vấn đề Tây Tạng, thì bản báo cáo của phái đoàn thứ nhất sau khi họ trở về Tây Tạng vào cuối tháng mười, cũng khẳng định điều đó.

Khi tôi trở về sau hai chuyến đi dài hạn (Liên Xô, Mông Cổ, Hy Lạp, Thụy Sĩ và cuối cùng là Hoa Kỳ) vào tháng 10 năm 1979, năm thành viên của phái đoàn đã trở lại. Họ mang về hàng trăm cuốn phim, vô số những băng ghi âm các cuộc nói chuyện hàng giờ, đủ các loại tin tức mà phải mất nhiều tháng trời đối chiếu, rút gọn và phân tích. Họ cũng mang về trên bảy ngàn bức thư của người Tây Tạng viết cho thân nhân. Sau hơn hai mươi năm, lần đầu tiên thư từ được gửi ra ngoài Tây Tạng.

Thật đáng tiếc, ấn tượng của họ về một “Tây Tạng mới” lại vô cùng tiêu cực. Cũng trong lúc người Tây Tạng tràn đầy nước mắt vây quanh họ khắp nơi, họ chứng kiến nhiều bằng chứng nhà cầm quyền Trung Quốc cố gắng hủy hoại một cách tàn nhẫn có hệ thống nền văn hóa cổ truyền của chúng tôi. Hơn nữa, họ thỏa mãn với vô số báo cáo về hàng năm trời khan hiếm, đói kém, hành hình công khai, vi phạm nhân quyền thô bạo kinh tởm, ít nhất gồm có bắt trẻ em đưa đi cưỡng bức lao động, hoặc đưa đi “giáo dục” ở Trung Quốc, cầm tù những công dân vô tội, gây ra cái chết của hàng ngàn sư sãi trong các trại tập trung. Đó là một lời than vãn khủng khiếp được minh họa bằng nhiều tấm ảnh các tu viện nam, nữ bị biến thành gạch vụn, thành kho thóc, nhà máy hoặc chỗ quây gia súc.

Tuy nhiên, trước những thông tin này, nhà cầm quyền Trung Quốc khẳng định rằng họ không nghe thấy những điều phàn nàn từ phía phái đoàn hoặc là phía cộng đồng Tây Tạng tha hương. Họ nói chừng nào chúng tôi còn ở phía ngoài, chúng tôi không có quyền phê phán những gì xảy ra bên trong lãnh thổ. Khi Lobsang Samten kể cho tôi nghe điều này, tôi nhớ lại một câu chuyện xảy ra vào quãng năm 1950. Một đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc hỏi một nhân viên người Tây Tạng về quan điểm của anh ta đối với luật lệ Trung Quốc ở Tây Tạng. Nhân viên đó trả lời “Trước tiên hãy để tôi rời khỏi đất nước, rồi tôi sẽ cho anh biết.”

Tuy nhiên, nói rằng phái đoàn mang về những tin tức đầy hy vọng, điều đó đúng. Ví dụ, khi họ ở Bắc Kinh, họ có gặp một số sinh viên trẻ được đào tạo để trở thành đảng viên Cộng Sản nòng cốt. Nhưng thay vì tất cả bọn họ bị mù quáng với chủ nghĩa Mác và chính sách thân Trung Quốc, các sinh viên lại trung thành với sự nghiệp Tây Tạng tự do. Và, xem xét vấn đề qua nhiều trường hợp khi thường dân Tây Tạng công khai chống lại nhà cầm quyền Trung Quốc để bày tỏ lòng yêu mến, kính trọng đối với vị Dalai Lama của họ, điều này chứng tỏ tinh thần người dân không hề đổ vỡ. Thực ra, dường như những thực nghiệm tuyệt vọng này chỉ làm mạnh thêm ý chí kiên cường của họ.

Một sự kiện tích cực với phái đoàn thứ nhất là cuộc gặp gỡ của họ với Panchen Lama tại Bắc Kinh. Panchen Lama bị nhà cầm quyền Trung Quốc đối xử cực kỳ tàn bạo, ngài cho năm đồng hương của mình thấy những vết thương vĩnh viễn trên cơ thể của mình do bị tra tấn. Panchen Lama giải thích rằng sau khi tôi đi tỵ nạn, tu viện của ngài ở Tashilhunpo không bị Giải Phóng Quân động tới. Nhưng khi Panchen Lama chỉ trích những ông chủ mới, quân đội lập tức được gửi tới. Rồi vào năm 1962, người ta yêu cầu ngài thay thế chức vụ của tôi là Chủ tịch Hội Đồng Trù Bị. Panchen Lama từ chối, thay vào việc nhận chức mới, ngài gửi cho họ một Bị Vong Lục phản đối dài 70.000 chữ. Sau đó Panchen Lama bị cách chức (mặc dù Mao cam đoan một cách trơ tráo rằng những nhận xét của Panchen Lama sẽ được quan tâm). Một nhóm sư già cả trông coi tu viện bị bắt giữ trên đường về Tashilhunpo, bị kết tội, bị lăng nhục trước công chúng ở Shigatse.

Đầu năm 1964, Panchen Lama được phục hồi tước vị, được mời nói chuyện trước công chúng ở Lhasa trong dịp lễ hội Monlam, lễ hội cử hành trong một ngày. Ngài bằng lòng. Tuy nhiên, trước sự vui mừng của nhà cầm quyền Trung Quốc, Panchen Lama tuyên bố với công chúng rằng chính Dalai Lama mới thực sự là người lãnh đạo dân tộc Tây Tạng. Ngài kết thúc cuộc nói chuyện bằng cách hô to “Dalai Lama muôn năm”. Ngài bị bắt ngay, và sau một phiên tòa bí mật kéo dài mười bảy ngày, Panchen Lama bị đưa đi mất tích. Rất nhiều người lo rằng ngài đã bị thủ tiêu. Song đầu tiên ngài bị quản thúc tại gia, sau đó bị giam trong một nhà tù nghiêm ngặt, bị tra tấn dã man rồi đưa đi “cải tạo”. Điều kiện ở trại cải tạo rất khắc nghiệt đến mức hơn một lần ngài đã định tự tử.

Vậy là Panchen Lama vẫn còn sống và tương đối mạnh khỏe. Nhưng phái đoàn nhận thấy điều kiện y tế ở Tây Tạng rất kém. Thực ra, nền kinh tế của đất nước có chuyển biến, có rất nhiều thứ. Song chuyển biến này không mang lại lợi ích cho người dân Tây Tạng vì mọi tiện nghi đều ở trong tay những người Trung Quốc đang chiếm đóng. Ví dụ, hiện nay có rất nhiều nhà máy mà trước đây không có, nhưng toàn bộ những sản phẩm đều đưa trở lại Trung Quốc. Nhà máy được xây dựng mà không để ý tới những gì ngoài mục đích lợi nhuận, lợi ích này được biết trước là sẽ mang lại hậu quả bất lợi cho môi trường. Điều này cũng đúng đối với các nhà máy thủy điện. Hơn nữa, cơ quan hành chính đầu não của người Trung Quốc ở các thành phố, thị trấn, đều tràn ngập ánh sáng đèn điện, nhưng ngay tại Lhasa, trong khu cư dân Tây Tạng, mỗi một buồng chỉ được dùng tối đa một ngọn đèn chừng 15 tới 20 watt. Thường là không có điện, nhất là trong mùa đông khi nguồn điện được chuyển sang cung cấp cho những nơi còn lại trong thành phố cần sử dụng điện nhiều hơn.

Về nông nghiệp, người Trung Quốc cho rằng lúa mỳ mùa đông sẽ thay thế cho vụ thu hoạch kiều mạch truyền thống. Lý do là người Trung Quốc thích ăn lúa mỳ hơn kiều mạch. Bởi vậy, nhờ những phương pháp thâm canh mới, có chừng một hoặc hai vụ bội thu, nhưng sau đó là nhiều năm đói kém. Những thay đổi này đã gây ra sự sói mòn nhanh chóng lớp đất mảnh dẻ màu mỡ, để lại hàng dặm sa mạc rộng lớn.

Một dạng tài nguyên đất đai khác như rừng cây cũng bị lạm dụng tương tự. Từ năm 1955, người ta ước chừng năm mươi triệu cây bị đốn hạ, hàng triệu mẫu đất bị dọn sạch cây cối. Số lượng gia súc tăng đột biến: ở một số nơi, lượng gia súc ăn cỏ tăng gấp mười lần, trong khi diện tích đồng cỏ vẫn y nguyên như thời gian trước. Nhưng ở nơi khác, sự quá lạm dụng còn mang ý nghĩa là môi trường sinh thái không thể hỗ trợ cho các dạng đồng cỏ được nữa. Kết quả, toàn bộ môi trường sinh thái bị mất đi. Thời kỳ trước đây nhiều bầy hươu, kyang và drong thường xuất hiện khắp nơi, bây giờ hầu như chúng biến mất, những đàn vịt, ngỗng cũng chẳng thấy nữa.

Về vấn đề y tế, bây giờ rõ ràng là có khá nhiều bệnh viện hơn trước như người Trung Quốc nói. Nhưng hoạt động của những nơi này có sự phân biệt một cách công khai vì lợi ích của các cư dân từ nơi khác tới. Mỗi khi người Trung Quốc cần tiếp máu, máu sẽ do những người Tây Tạng “tình nguyện” cung cấp.

Số trường học nhiều hơn trước đây. Nhưng rồi chương trình giáo dục cũng bị bóp méo để có lợi cho người Trung Quốc. Ví dụ, phái đoàn thứ nhất được nghe nhiều câu chuyện về phương pháp lấy được ngân sách của trung ương. Để có được ngân sách, chính quyền địa phương nói họ sẽ nâng cao các công trình phúc lợi cho người dân Tây Tạng. Rồi số tiền này chỉ được sử dụng để có lợi cho con cái họ. Về nền giáo dục họ cung cấp cho người Tây Tạng, các chương trình phần lớn được sử dụng bằng tiếng Trung Quốc. Có vẻ như ngôn ngữ Tây Tạng sẽ bị xóa sạch “trong vòng mười lăm năm”. Trong thực tế, nhiều trường học chỉ là trại lao động của trẻ em. Số em thực sự nhận được hệ thống học đường đúng đắn chỉ chừng mười lăm ngàn em, những em thông minh nhiều triển vọng nhất. Các em này bị đưa tới những tổ chức ở Trung Quốc, trên cơ sở nền giáo dục này sẽ thúc đẩy “sự thống nhất”.

Phái đoàn cũng thấy hệ thống liên lạc trên toàn cõi Tây Tạng được phát triển rất nhanh. Có rất nhiều đường phố chằng chịt nối liền các khu dân cư. Cũng có tới hàng ngàn chiếc ô tô, phần lớn là xe tải loại nặng, nhưng tất cả đều thuộc sở hữu của chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, với dân thường, mọi phương tiện di chuyển không thể hoạt động nếu không được phép. Cứ cho là sự thống trị gần đây có vẻ nới lỏng một chút, nhưng rất ít người được hưởng ưu thế đó.

Tương tự như vậy, dù rằng hàng hóa đương nhiên dồi dào, nhưng rất ít người Tây Tạng có khả năng sắm sửa. Phần lớn dân chúng sống trong cảnh khổ sở, nghèo nàn. Phái đoàn còn được nghe nói gần đây chế độ phân phối thực phẩm quá chặt chẽ đến nỗi tiêu chuẩn thực phẩm của một tháng chỉ đủ cho hai mươi ngày. Cuối cùng, người ta giảm tới mức phải ăn rau cỏ trừ bữa. Ví dụ, tiêu chuẩn bơ trong một tháng trước kia dùng riêng để pha trà bơ, bây giờ chỉ có thể dùng để quết lên môi. Bất cứ nơi nào phái đoàn tới, họ cũng thấy người dân địa phương còi cọc do thiếu dinh dưỡng, ăn mặc tả tơi. Không cần phải nói, những đồ trang sức, nữ trang như vòng đeo tai… lần lượt ra đi, những thứ mà con người Tây Tạng xứng đáng trước đây đã có được.

Chất chồng lên vô vàn gian khổ ghê gớm này, người dân còn bị đánh thuế một cách không thể tin nổi, dĩ nhiên người ta không gọi đó là thuế: đó là một sự “thuê mướn” hoặc một cái gì tương tự. Ngay cả những người du cư cũng buộc phải trả một khoản cho quyền lợi đặc biệt của cuộc sống du cư. Nói chung, chương trình kinh tế của Trung Quốc đối với Tây Tạng, bản thân nó là một hình thức tra tấn.

Nếu như điều này chưa đủ, với cách đánh giá về nền văn hóa Tây Tạng, các phái đoàn còn thấy rằng nền văn hóa này bị cấm đoán một cách thô bạo. Ví dụ, chỉ có một bài hát được phép, đó là bài ca mừng chiến thắng mang tính chất chính trị hát bằng tiếng Trung Quốc. Tôn giáo bị cấm đoán. Hàng ngàn tu viện nam nữ bị mạo phạm. Họ nghe nói việc này đã được tiến hành một cách có hệ thống bắt đầu từ năm 1950 trở đi. Trước hết, nhân viên hành chính tới từng tu viện một để xác định tài sản. Sau đó, công nhân tới bốc dỡ những đồ vật có giá trị trước mắt lên xe đưa thẳng về Trung Quốc, ở đây chiến lợi phẩm hoặc là được nấu chảy để đúc thành thỏi, hoặc bán ra thị trường nghệ thuật quốc tế đổi lấy ngoại tệ mạnh. Rồi lại có nhiều người tới để mang đi những đồ đạc còn dùng được, kể cả ngói lợp và kèo cột gỗ. Cuối cùng, dân chúng địa phương bị ép buộc tới để “thể hiện sự khinh bỉ” với chế độ cũ và với các nhà sư “thoái hóa”. Trong khoảng vài tuần, tất cả chỉ còn là những đống đổ nát.

Đồ đạc trong tu viện là những thứ tiêu biểu cho sự sung túc đích thực sẵn có của Tây Tạng. Vì hàng trăm năm này, nơi này tích lũy mọi cống hiến của các thế hệ gia đình thành đạt, họ luôn luôn dâng tặng những gì tốt nhất mà họ có. Giờ đây, tất cả đều tan biến vào trong cái dạ dày tham lam vô độ của người Trung Quốc.

Vẫn chưa thỏa mãn với những điều đó, nhà cầm quyền Trung Quốc còn quyết định kiểm soát dân số Tây Tạng. Giới hạn hai con đối với một cặp vợ chồng cũng được áp đặt ở Tây Tạng (chứ không chỉ riêng ở Trung Quốc như họ đã tuyên bố). Những người vượt quá tiêu chuẩn này được gửi đi trung tâm y tế, giống như nơi được biết một cách đơn giản là “lò sát sinh” ở Gyantse, ở đây phụ nữ có thai sẽ bị nạo bỏ trước khi bị triệt sản. Thực ra, rất nhiều phụ nữ bị ép buộc phải sử dụng các biện pháp điều tiết sinh sản, như giờ đây chúng tôi được biết từ những người vừa mới từ Tây Tạng tới, họ bị đặt vòng tránh thai.

Và khi dân chúng nổi dậy, mà họ đã nhiều lần nổi dậy từ sau năm 1959, toàn bộ làng xóm của họ đều bị san bằng, cư dân bị tàn sát, hàng chục ngàn người còn lại chịu cảnh tù đày. Trong tù họ phải sống dưới điều kiện vô cùng ghê tởm, suốt ngày lao động cực nhọc, buổi tối họp kiểm điểm (thamzing) tới khuya với một khẩu phần chết đói. Bản thân tôi đã nói chuyện với nhiều người từng là tù nhân của chính quyền Trung Quốc. Một trong những người đó là bác sĩ Tenzin Choedrak, người được chỉ định làm phó bác sĩ của tôi năm 1950. Khi phái đoàn tìm kiếm giải pháp thứ nhất đi Bắc Kinh, tôi yêu cầu họ đề nghị nhà cầm quyền hãy thả ông, để ông ra nước ngoài đoàn tụ với tôi.

Đầu tiên không có chuyện gì xảy ra cả, nhưng một năm sau ông được tự do, cuối năm 1980, ông tới Dharamsala. Những câu chuyện về sự độc ác, hèn hạ mà ông kể lại thật không thể tin được. Trong hơn hai mươi năm tù tội, rất nhiều lần ông suýt chết đói. Ông kể cho tôi nghe ông và các bạn tù bị bắt ăn quần áo thay cơm, và có một bạn tù khi ở trong cùng bệnh viện, người bạn tù này liều tới mức khi đi ngoài ra một con giun, anh ta rửa nó đi rồi ăn con giun đó.

Tôi không nhắc lại những thông tin này một cách vô cớ. Tôi viết những điều này ra với tư cách một nhà sư, không phải để gây ra mối hận thù với các anh chị em người Trung Quốc của tôi, mà chỉ mang tính chất giáo dục con người. Chắc chắn có vô số người Trung Quốc rất tốt chưa ý thức được hoàn cảnh thực sự của Tây Tạng. Tôi cũng không đề cập tới những sự kiện tàn bạo này từ những cảm xúc cay đắng. Ngược lại, những chuyện này đã xảy ra, vậy không thể làm được gì hơn ngoại trừ thái độ cần thận trọng với tương lai.

Hơn mười năm trước đây, khi phái đoàn tìm kiếm giải pháp thứ nhất trở về, những phát hiện của họ được xác minh từ nhiều nguồn khác nhau, như các phái đoàn Tây Tạng khác, các nhà báo nước ngoài, du khách, cũng như một số người Trung Quốc có cảm tình. Tiếc thay, trong khoảng thời gian giữa hai sự kiện, dù rằng có được một vài tiến bộ, song bức tranh về Tây Tạng vẫn còn nhiều khía cạnh tồi tàn.

Hiện này chúng ta biết rằng hơn 300.000 quân Trung Quốc có mặt ở Tây Tạng, rất nhiều lính đóng dọc theo khu vực biên giới vẫn còn tranh chấp với Ấn Độ, đồng thời tối thiểu có chừng 50.000 quân đóng cách Lhasa trong vòng một ngày đường. Hơn nữa, Trung Quốc duy trì tối thiểu 1/3 số lượng vũ khí nguyên tử của họ trên đất Tây Tạng. Và do Tây Tạng là một trong những quốc gia có nhiều quặng uranium nhất thế giới, người Trung Quốc dường như mang tới những miền rộng lớn của quốc gia này mối nguy hiểm của chất thải phóng xạ qua những hoạt động khai thác. Ở Amdo, miền đông bắc Tây Tạng, nơi tôi sinh ra, có một khu vực cực rộng, đủ rộng để ước tính có thể dùng cho việc giam cầm chừng mười triệu tù nhân.

Theo sau chương trình di dân khổng lồ đó, cư dân Trung Quốc ở Tây Tạng giờ đây rõ ràng vượt quá số dân Tây Tạng. Người dân nam nữ chúng tôi hiện nay đang trong tình trạng nguy hiểm, họ bị biến thành những người khách du lịch không hơn không kém ngay trên quê hương họ.

CHƯƠNG 14
GIẢI PHÁP HÒA BÌNH

Phái đoàn tìm kiếm giải pháp thứ hai và thứ ba đều rời Ấn Độ đi Tây Tạng hồi tháng 5 năm 1980. Một nhóm gồm những người trẻ tuổi, nhóm kia là các nhà giáo dục. Thoạt đầu, tôi muốn cố gắng đạt được một ấn tượng về hoàn cảnh đất nước Tây Tạng đối với những người có quan điểm mới của tuổi trẻ. Sau đó, tôi muốn biết về triển vọng của thanh niên Tây Tạng.

Tiếc thay, phái đoàn trẻ tuổi không có khả năng hoàn tất sứ mệnh điều tra. Khi những người Tây Tạng từ biện pháp chống đối vũ trang chuyển sang tiếp nhận giải pháp di tản, phản đối sự có mặt của chính quyền Trung Quốc, nhà cầm quyền kết tội phái đoàn đã xúi giục quần chúng hoạt động chống đối và trục xuất phái đoàn khỏi Tây Tạng vì lý do “nguy hiểm cho sự thống nhất tổ quốc”. Lẽ tự nhiên, tôi hoang mang trước những biến đổi này. Không đúng với phương châm “tìm kiếm sự thật qua sự kiện”, dường như người Trung Quốc còn quyết định bỏ qua tất cả các sự kiện. Song tối thiểu việc trục xuất này cũng chứng tỏ họ đã quan tâm tới những xúc cảm của người dân Tây Tạng.

Tuy nhiên, phái đoàn thứ ba do em gái tôi- Jetsun Pema- được phép ở lại. Trở về Dharamsala tháng 10 năm 1980, những phát hiện của phái đoàn cho thấy rõ ràng dù có đôi chút tiến bộ trong tiêu chuẩn chung về giáo dục khoảng 20 năm qua, dường như đây cũng không phải là một ân huệ lớn lao, vì đối với người Trung Quốc, giá trị đích thực của đọc viết là để các em nhỏ học tập tư tưởng của chủ tịch Mao, để các em có khả năng viết “kiểm điểm”.

Nhìn chung, tin tức được tập hợp do các phái đoàn tìm kiếm giải pháp cho biết không những về tầm vĩ mô của việc Trung Quốc chiếm đoạt Tây Tạng, mà ngay cả điều kiện sống của người dân Tây Tạng không khá hơn. Mặc dù hoàn cảnh chắc chắn có được cải thiện, nhưng so với những nỗi khổ đau hai mươi năm về trước, hiển nhiên nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn coi những người Tây Tạng là “lạc hậu, ngu dốt và dã man”, như họ diễn đạt.

Năm 1981, mẹ tôi chết sau một thời gian ngắn ốm đau, rồi bị đột quỵ. Suốt cuộc đời bà (bà già như thế kỷ), bà có một sức khoẻ rất tốt, nên việc bị nằm liệt giường là một thực nghiệm vô cùng mới mẻ đối với bà. Có nghĩa là lần đầu tiên bà phải phụ thuộc vào người khác. Trước kia, mẹ tôi thường tự săn sóc lấy chính mình. Ví dụ, dù bà thích dậy thật sớm, nhưng không bao giờ bà áp đặt điều đó đối với người phục vụ mình, bà luôn luôn tự mang cho mình trà buổi sáng, dù một khớp cổ tay bị thương khiến bà làm việc đó rất khó khăn.

Trong những tháng cuối cùng của cuộc đời, Tenzin Choegyal lúc này ở bên bà, anh thẳng thắn hỏi bà xem trong số con cái bà yêu quý người nào nhất. Tôi cho rằng anh hy vọng mình sẽ là người được nêu ra. Nhưng không, bà trả lời đó là Lobsang Samten. Tôi kể ra câu chuyện này không phải vì khi em tôi nói với tôi điều đó, bản thân tôi cũng có lúc nghĩ rằng mình có thể là người được bà yêu quý nhất, hóa ra là Lobsang Samten, người con duy nhất ở bên bà khi bà qua đời. Bản thân tôi đã gặp mẹ tôi ngay trước lúc đó tại nhà riêng của người, những đúng lúc người từ trần, tôi lại ở Bodh Gaya.

Ngay khi được biết tin, tôi cầu nguyện xin bà sẽ có được một kiếp tái sinh thuận lợi. Mọi người Tây Tạng có mặt đều tới hỏi thăm, thật vô cùng xúc động khi thấy sự cảm thông sâu sắc được thể hiện bởi tất cả những người khác. Lẽ tự nhiên, chính phủ cũng gửi thư chia buồn. Bức thư được gửi tới Ling Rinpoché, người có nhiệm vụ thông báo tin tức. Nhưng không hiểu tại sao bức thư lại được gửi thẳng tới tôi. Sau đó là một câu chuyện khôi hài. Tôi xem bức thư rồi đưa lại cho ông. Khi đọc xong, ông lúng túng lại gần tôi gãi đầu và nói rằng: “Tôi thấy rằng tôi có nhiệm vụ phải truyền đạt bức thư này cho ngài, chứ không phải ngược lại. Bây giờ tôi phải làm thế nào?” Đây là lần duy nhất tôi thấy Ling Rinpoché ngập ngừng.

Lẽ tất nhiên tôi rất buồn trước cái chết của mẹ. Thời gian trôi đi, càng ngày tôi càng ít gặp người do áp lực công việc và trách nhiệm tăng lên. Tuy nhiên về mặt tinh thần chúng tôi vẫn gần gũi, vì thế tôi thực nghiệm được một cảm xúc mãnh liệt đối với sự mất mát này như tôi thường thấy mỗi khi lớp người già cả trong đoàn tùy tùng của tôi mất đi. Đương nhiên với thời gian, thế hệ lớn tuổi dần dần sẽ phải ra đi, không thể khác được. Càng ngày, xung quanh tôi càng có nhiều người trẻ hơn. Thực ra, độ tuổi trung bình của nhân viên trong bộ máy chính quyền chúng tôi là dưới ba mươi lăm tuổi. Tôi cảm thấy điều này tốt trên nhiều phương diện. Thách thức phát sinh trong hoàn cảnh Tây Tạng hiện nay cần tới lối tư duy hiện đại. Đồng thời, đối với những người sinh ra, lớn lên trong đất nước Tây Tạng cổ xưa, việc nhận thức thấu đáo được những gì đang xảy ra là một việc khó khăn. Điều tốt hơn là người xử lý các vấn đề như thế này không nên quá nặng nề với ký ức. Bên cạnh đó, cuộc đấu tranh giành lại quyền độc lập cho Tây Tạng phải được tiến hành do con em chúng ta, và con em chúng ta phải tiếp tục cuộc đấu tranh này nếu họ muốn.

Vào đầu tháng 4 năm 1982, một đoàn đàm phán gồm ba đại biểu từ Dharamsala bay tới Bắc Kinh để thảo luận vấn đề tương lai của Tây Tạng. Trưởng đoàn đàm phán là Juchen Thubten Namgyal, thành viên cao cấp của Kasha. Cùng với vị này là Phuntsog Tashi Takla, nguyên Kusun Depon của tôi, một trong những người phiên dịch cho Ngabo Ngawang Jigme năm 1951, và Lodi Gyaltsen Gyari, chủ tịch Chetui Lhenkhang, quốc hội Tây Tạng. Trong thời gian ở Bắc Kinh, họ gặp những nhân viên cao cấp của chính quyền Trung Quốc trên quan điểm đôi bên làm rõ vai trò của mình.

Trong những điểm bên Tây Tạng đưa ra để tranh luận, trước tiên là các vấn đề lịch sử liên quan tới đất nước chúng tôi. Họ nhắc nhở người Trung Quốc rằng về mặt lịch sử, Tây Tạng luôn luôn tách rời khỏi Trung Quốc, một sự kiện hoàn toàn được thừa nhận khi Bắc Kinh áp đặt bản Hiệp Ước Mười Bảy Điểm. Thứ hai, những người đàm phán đặt vấn đề với Trung Quốc là, dù cho có những “tiến bộ” ở Tây Tạng được công bố ầm ỹ và thổi phồng quá mức, thực tế người dân Tây Tạng hoàn toàn không thỏa mãn. Trên cơ sở những sự kiện này, họ đề nghị rằng vấn đề phụ thuộc vào phía Trung Quốc tìm ra giải pháp mới, giải pháp này cần thừa nhận thực tại.

Một trong những nhà đàm phán cũng hỏi rằng người Tây Tạng, trên quan điểm nguồn gốc khác nhau, liệu họ có được hưởng những quyền lợi giống như, nếu không nói là nhiều hơn, những quyền lợi mà người Trung Quốc nói họ chuẩn bị giành cho dân họ ở Đài Loan. Người này được cho biết là những quyền lợi dành cho người Đài Loan vì nơi này chưa được “giải phóng”. “Nhưng Tây Tạng đã đang trên con đường vinh quang tiến tới Chủ nghĩa Xã hội. “

Thật đáng tiếc là sự việc lại chuyển hướng, về phần họ, người Trung Quốc không có một điều gì chắc chắn để nói. Họ quở trách phái đoàn tìm kiếm sự thật và lên án chúng tôi sử dụng những bằng chứng của phái đoàn để làm sai lệch sự thật. Điều họ thực sự muốn bàn luận là việc trở về của Dalai Lama. Để kết thúc, họ đưa ra danh sách năm điểm có liên quan tới địa vị trong tương lai của tôi:

1- Vị Dalai Lama cần tin rằng Trung Quốc đã xem xét một chính sách ổn định lâu dài, kinh tế tăng trưởng vững mạnh và trợ giúp lẫn nhau giữa các dân tộc.

2- Vị Dalai Lama và các đại biểu của vị này cần thẳng thắn, trung thành với Chính quyền trung ương, không quanh co. Họ không được ngụy biện về các sự kiện năm 1959.

3- Chính quyền trung ương sẽ chân thành đón nhận sự trở về của vị Dalai Lama và các tùy tùng. Điều này dựa trên cơ sở hy vọng những người này sẽ đóng góp vào việc tán thành sự thống nhất của Trung Quốc, tăng cường đoàn kết giữa dân tộc Hán, dân tộc Tây Tạng và các thành viên khác, xúc tiến chương trình hiện đại hóa.

4- Vị Dalai Lama sẽ giữ địa vị chính trị và điều kiện sinh hoạt như trước năm 1959. Vị đó không nhất thiết phải cư trú ở Tây Tạng hoặc giữ một vị trí nào ở đó. Tất nhiên đôi khi vị này có thể trở về Tây Tạng. Các tùy tùng không phải lo lắng về công việc và điều kiện sống của họ. Mọi thứ đó chắn chắn sẽ tốt hơn trước đây.

5- Khi vị Dalai Lama muốn trở về, vị này chỉ cần phát biểu ngắn gọn trên báo chí. Vị này có thể quyết định nói những gì muốn nói trong bài phát biểu đó.

Sau khi các phái đoàn trở về Dharamsala, chính quyền Trung Quốc công bố một bản tường thuật được xuyên tạc nặng nề về những biên bản cuộc họp đó, đề cập tới quan điểm của chúng tôi như là những kẻ “chia rẽ”, “phản động”, “chống đối lại nhân dân Trung Quốc và những người dân Tây Tạng tích cực”. Dường như là chính sách “mới” của Trung Quốc đối với Tây Tạng còn tồi hơn cả chương trình phát triển vào những năm cuối thập kỷ 1970 đã được vạch ra. Tục ngữ Tây Tạng có câu “Trước mắt bạn người ta cho bạn nhìn thấy đường đỏ, nhưng người ta lại đổ xi vào trong miệng bạn. “

Về năm điểm có liên quan tới tôi, tôi không hiểu nổi tại sao người Trung Quốc lại nghĩ rằng địa vị cá nhân của tôi đối với tôi là quan trọng. Trong suốt cuộc đấu tranh, tôi không quan tâm tới bản thân mà chỉ vì quyền lợi, hạnh phúc và nền tự do của sáu triệu người dân Tây Tạng. Lý do của tôi đối với cuộc đấu tranh này không chỉ liên quan thuần tuý tới vấn đề biên giới và những gì tương tự. Vì tôi tin rằng điều quan trọng nhất đối với loài người là sự sáng tạo. Tôi còn tin rằng để có khả năng sáng tạo, con người cần được tự do. Tôi có tự do trong tha hương. Và là một người tỵ nạn trên ba mươi mốt năm trời, tôi đã biết được đôi chút giá trị của tự do đó. Do vậy, tôi sẽ sai lầm nếu trở về Tây Tạng trước khi toàn thể người dân Tây Tạng được hưởng một nền tự do tương tự trên quê hương.

Tuy vậy, dù các cuộc tranh luận với chính quyền Trung Quốc thực chất không kết quả, tôi vẫn quyết định về thăm Tây Tạng trong một thời gian ngắn, nếu Bắc Kinh đồng ý. Tôi muốn nói chuyện với đồng bào tôi, tự mình tìm hiều thực chất hoàn cảnh. Yêu cầu được đáp ứng, năm 1984, những bước chuẩn bị được tiến hành cho một đoàn tiền trạm ra đi năm 1984, trước cuộc viếng thăm của tôi vào năm sau đó.

Cũng thời gian này, do việc nới rộng sự đi lại, một số lượng đáng kể người Tây Tạng bắt đầu tới Ấn Độ. Họ tiếp tục ra đi, dù số lượng giảm dần. Vào thời điểm viết cuốn sách này, chừng 10.000 người đã lên đường và hơn một nửa số đó, phần lớn là thanh niên, những người muốn được hưởng một nền giáo dục ưu việt của trường học, tu viện chúng tôi, số này ở lại. Với những người quay trở lại Tây Tạng, họ trở về bởi những lý do rất thuyết phục.

Tôi cố gắng sắp xếp thời gian để tự mình đón tiếp người tới thăm và người từ Tây Tạng đến. Lúc nào cũng vậy, cuộc gặp gỡ của chúng tôi rất cảm động, những con người buồn bã, tả tơi, cơ cực và vô tội. Tôi luôn luôn hỏi họ về cuộc sống, gia đình. Và câu trả lời nào cũng có nước mắt, một số người hoàn toàn sụp đổ khi liên tưởng tới câu chuyện đau thương của họ.

Cũng trong thời gian này, tôi bắt đầu gặp gỡ nhiều du khách đã từng tới Tây Tạng. Lần đầu tiên trong lịch sử, người ngoại quốc (phần lớn là người phương Tây), được phép tới thăm miền đất Tuyết. Thật đáng tiếc, ngay từ đầu chính quyền Trung Quốc đã áp đặt rất nhiều hạn chế. Ngoại trừ trong thời gian đầu tiên của chính sách mở cửa, giấy phép vào Tây Tạng hầu như không cấp, trừ trường hợp người xin cấp là thành viên của một nhóm du lịch với lộ trình được vạch sẵn. Và khi đã vào Tây Tạng, số lượng địa điểm dành cho du khách cũng hạn chế. Hơn nữa, sự tiếp xúc với người Tây Tạng rất hãn hữu, hầu hết các khách sạn đều do người Trung Quốc sở hữu, điều hành. Rất ít người Tây Tạng hoạt động trong các cơ sở kinh doanh này, họ chỉ làm các công việc phục vụ như lau chùi, dọn dẹp.

Tất cả mọi thứ đó là, và vẫn tiếp tục là một trở ngại lớn. Còn tệ hơn, hướng dẫn viên du lịch chắc chắn chỉ cho du khách tham quan những tu viện mới xây hoặc đã được xây lại. Du khách không thể thấy được hàng ngàn tu viện khác vẫn đang trong tình trạng đổ nát. Một số công cuộc trùng tu được tiến hành trong vòng mười năm nay, điều này hoàn toàn đúng, đặc biệt ở bên trong và xung quanh Lhasa. Nhưng đây không phải là chủ nghĩa hoài nghi vị kỷ thúc đẩy để tôi nói rằng những công cuộc phục hồi đó chỉ nhằm mục đích phục vụ du khách. Một khi các vị sư được phép sống trong những nơi được tái thiết, chúng tôi biết rằng họ đã được chính quyền cẩn thận thẩm tra, và sau đó hơn là nghiên cứu học tập, họ bắt buộc phải tự mình tiến hành khôi phục lại (với phần lớn tài chính do các cá nhân hỗ trợ), do vậy, công việc trùng tu chỉ vì lợi ích cho du khách là một kết luận có cơ sở.

Nhờ có sự đào tạo cẩn thận hướng dẫn viên du lịch, rất ít du khách nhận thức được điều này. Nếu du khách có hỏi tại sao lại cần quá nhiều công tác tu tạo, họ sẽ được cho biết, thật đáng tiếc, sự quá khích của Cách mạng Văn hóa vươn tới cả Tây Tạng, song do thực sự hối tiếc về những gì xảy ra dưới thể chế của nhóm Tứ nhân bang, chính quyền Trung Quốc đang tiến hành tất cả những bước cần thiết để sửa sai. Người ta không bao giờ nói rằng phần lớn những hành động phá hoại này đã được tiến hành rất lâu trước khi cuộc Cách Mạng Văn Hóa xảy ra.

Buồn thay, đối với khách tham quan, đất nước Tây Tạng dường như khá hơn một nơi cư trú tha hương, một con dấu khác đóng trong hộ chiếu. Họ đã thấy khá nhiều tu viện, đủ để thỏa mãn sự tò mò, nhiều người hành hương quần áo đủ màu sắc hỏi thăm họ, điều này đủ để làm dịu đi những nghi vấn có thể có. Tuy nhiên, nếu đây phần lớn là sự thực, sự thực này lại hoàn toàn không đúng như vậy. Đây chính là điểm mà lợi ích thực sự của ngành du lịch Tây Tạng tiềm ẩn. Lợi ích tiềm ẩn này không liên quan gì tới kinh tế hoặc thống kê, mà chỉ có tác dụng đối với một phần nhỏ du khách muốn tìm hiểu và có sự suy diễn đúng đắn. Đó là những người nắm lấy cơ hội để tránh khỏi các nhân vật đi kèm, nhìn những gì không được phép nhìn, và quan trọng hơn, nghe được những gì họ không được phép nghe.

Giữa thời điểm năm 1981 và 1987, số người tới thăm Tây Tạng tăng từ 1.500 tới 43.000 mỗi năm. Qua những người sau đó gặp lại chúng tôi ở nước ngoài, chúng tôi được biết rằng có rất ít cái thực chất người Trung Quốc gọi là “chủ nghĩa tự do”. Người Tây Tạng vẫn không được tự do ngôn luận. Và dù trong thâm tâm người dân xác định rõ thái độ phản kháng về sự xâm chiếm của Trung Quốc với đất nước họ, nhưng họ không dám công khai nói ra. Hơn nữa, các kênh thông tin của họ bị quản lý rất chặt chẽ như những thực hành tôn giáo. Chỉ cần khách quan một chút người ta cũng thấy đất nước Tây Tạng giống một xứ sở của cảnh sát, nơi người dân bị khủng bố để thuần phục. Vì thế họ tiếp tục sống trong lo âu, dù rằng có những lời hứa thành thật cải cách ngay sau cái chết của Mao. Và giờ đây họ phải đấu tranh với sự gia tăng làn sóng di dân của người Trung Quốc đang có nguy cơ nhấn chìm họ.

Rất nhiều người tham quan mà tôi gặp lại sau đó, họ nói rằng trước khi tới Tây Tạng, về cơ bản họ ủng hộ Trung Quốc, song những gì thấy được đã làm đảo lộn quan điểm họ. Tương tự như vậy, rất nhiều người nói rằng dù về cơ bản họ không hứng thú với chính trị, giờ đây họ bắt buộc phải thay đổi lập trường. Tôi đặc biệt nhớ lại trường hợp một người đàn ông Na uy nói với tôi đầu tiên anh rất khâm phục Trung Quốc về việc họ phá hủy tôn giáo. Nhưng khi trở lại Lhasa lần thứ hai, anh đã thấy được những gì thực chất xảy ra. Anh hỏi tôi xem liệu anh có thể làm được gì để hỗ trợ dân tộc tôi, tôi trả lời cho anh cũng như cho tất cả những ai đã tới Tây Tạng và đặt câu hỏi này, rằng điều tốt nhất anh có thể làm là nói lên sự thật những gì anh đã được thấy để nhiều người được biết. Bằng cách này, hiểu biết của thế giới về cảnh ngộ của Tây Tạng sẽ tăng lên.

Theo những gì tôi được biết từ những người mới tới và các du khách tôi gặp, tôi không ngạc nhiên lắm khi nghe nói về một cuộc đàn áp mới ở Tây Tạng và Trung Quốc vào tháng 9 năm 1983. Những vụ xử tử được ghi nhận ở Lhasa, Shigatse và Gyantse, bắt bớ ở Chamdo và Karze. Bề ngoài, việc trấn áp (cũng xảy ra cả ở Trung Quốc) nhằm vào “tội phạm và các thành phần phản động”, nhưng điều này rõ ràng muốn nói tới phe chống đối. Tuy vậy, dù cho điều này dường như chỉ ra sự cứng rắn trong thái độ của nhà cầm quyền, song những tin tức này lại có mặt tích cực. Lần đầu tiên, tin tức về các hoạt động của Trung Quốc ở Tây Tạng được phổ biến trên các báo chí thế giới, những tờ báo được phép gửi phóng viên tới Tây Tạng.

Cảm thấy những hoạt động khủng bố mới này có thể là tín hiệu của khuynh hướng quay trở lại các phương pháp cổ điển, tàn bạo trong thời kỳ Mao, người tỵ nạn phản ứng mãnh liệt. Những cuộc biểu tình phản đối rầm rộ xảy ra ở Delhi và các khu cư dân tại Ấn Độ. Về phần tôi, tôi cảm thấy quá sớm để phát biểu rằng những hành động tàn bạo này tiêu biểu cho một sự phản ứng dữ dội của những người thuộc trường phái thủ cựu chống lại hệ thống cai trị của Đặng Tiểu Bình, hoặc là dấu hiệu Tây Tạng quay trở lại một thời kỳ đen tối. Nhưng cụ thể là nhóm chuẩn bị cho cuộc thăm viếng của tôi không thể thực hiện chương trình được. Rồi sau đó, cuộc thăm viếng không thành hiện thực.

Tháng 5 năm 1984, rõ ràng chính sách của Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng đã thực sự trải qua một bước ngoặt lớn. Mâu thuẫn trực tiếp với lời cam kết của Hồ Diệu Bang là giảm 85% số viên chức người Trung Quốc ở Tây Tạng, một cố gắng lớn khích lệ cho việc di dân bắt đầu. Dưới danh nghĩa “phát triển”, 60.000 người lao động có và không có nghiệp vụ được tuyển mộ để bắt đầu tiến trình, họ được đảm bảo về mặt tài chính, hỗ trợ nhà ở, được hứa hẹn nhiều quyền lợi khi xa nhà. Đồng thời, do việc nới rộng những giới hạn đi lại trong nước, rất nhiều người cũng ra đi với mục đích cá nhân, bị quyến rũ bởi công ăn việc làm. Do vậy, phù hợp với câu nói của người Tây Tạng là nơi nào có một người Trung Quốc, mười người Trung Quốc sẽ đi theo, từ lúc này, một dòng người tràn vào Tây Tạng liên miên, không giảm sút.

Cùng năm đó, vào cuối mùa thu, bà Gandhi bị ám sát, người tỵ nạn Tây Tạng mất đi một người bạn chân thành. Trên đường từ Delhi tới Luân đôn, tôi vô cùng choáng váng khi nghe được tin đó, nhất là vì lẽ ra chính hôm đó tôi sẽ ăn trưa cùng với bà và J. Krishnamurti. Bà thành công trong chức vụ của mình nhờ người con trai, ông Rajiv, một nhà lãnh đạo trẻ tuổi, ông rất quyết đoán trong việc làm một cái gì đó cho đất nước và làm những gì có thể cho cộng đồng Tây Tạng tha hương.

Rajiv Gandhi là một con người bản chất hiền lành, hòa nhã, nhân hậu. Tôi nhớ rất rõ lần đầu gặp ông. Trong thời gian ở thăm Ấn Độ năm 1956, tôi được mời tới ăn trưa tại nhà riêng ngài Pandit Nerhu, ông của Rajiv. Khi vị thủ tướng đưa tôi đi xem vườn, tôi thấy có hai cậu bé chơi quanh một chiếc lều với đống pháo hoa, chúng không thành công trong việc bắn pháo hoa vào trong không gian. Đó là Rajiv và người em trai, Sanjay. Gần đây, Rajiv kể lại với tôi là tôi đã dốt họ ở trong lều bởi trò tiêu khiển của họ.

Gần một năm sau, Lobsang Samten chết, Tây Tạng lại mất đi một trong những người ủng hộ vĩ đại nhất. Anh chết lúc mới 54 tuổi. Dù rất buồn, tôi cũng không ngạc nhiên lắm về tin này. Những thực nghiệm có được khi còn là một thành viên trong phái đoàn tìm kiếm giải pháp đã ảnh hưởng tới anh sâu sắc. Anh không thể hiểu nổi sự thờ ơ của Trung Quốc với Tây Tạng trước những đau thương, khổ sở hiển nhiên như vậy. Ngược lại với trước đây, một con người luôn luôn khôi hài, vui nhộn (anh có đầu óc khôi hài nhạy bén và rất quần chúng), đột nhiên anh rơi vào một thời gian dài phiền muộn. Tôi không cho là sẽ quá cường điệu để nói rằng anh chết vì đau đớn.

Tôi thực sự vô cùng thương tiếc đối với cái chết của Lobsang Samten, không những vì chúng tôi rất thân nhau, mà còn vì lý do tôi không có điều kiện ở bên anh khi anh ốm nặng. Lần cuối cùng tôi gặp anh trong chuyến đi thăm Delhi, nơi anh đang tham dự một số công việc có liên quan tới nghiệp vụ là giám đốc Viện Y khoa Tây Tạng. Thay vì trở về Dharamsala bằng xe buýt cùng với vợ, anh quyết định ở lại thêm một ngày để giải quyết công việc của mình. Vì thế nên anh về cùng với tôi. Nhưng trên đường ra ga tầu hỏa, đột nhiên anh thay đổi thái độ. Công việc chưa thực sự hoàn tất, nên đáng lẽ về nhà, anh cảm thấy mình cần ở lại, đó là đặc tính của anh. Anh không bao giờ đặt mình lên vị trí hàng đầu. Ngày hôm sau anh bị ngã gục vì bệnh cúm không rõ nguyên nhân. Bệnh cúm biến chứng thành viêm phổi, cộng thêm với bệnh vàng da, ba tuần sau anh chết.

Giờ đây, mỗi khi nhớ tới anh, tôi xúc động vì tính khiêm tốn của anh. Anh luôn bày tỏ sự tôn kính đối với tôi như một người Tây Tạng bình thường, không bao giờ cư xử với tôi như một người anh. Ví dụ, mỗi khi tôi về nhà hoặc đi đâu, bao giờ anh cũng đứng xếp hàng ở ngoài cổng cùng với những người khác để chào đón hoặc cầu chúc cho chuyến đi an toàn. Không những khiêm tốn, anh còn rất từ bi. Tôi nhớ lại một lần tôi đề cập với anh về khu vực hủi ở Orissa phía đông Ấn Độ. Giống như tôi, anh rất ấn tượng với tất cả những loại công việc nhằm giảm bớt nỗi đau của những người khác. Nên khi tôi nói với anh xem cộng đồng Tây Tạng tha hương có thể làm gì để giúp đỡ họ, anh ứa nước mắt và nói cá nhân anh đã sẵn sàng làm tất cả mọi thứ cần thiết.

Sau chuyến đi Mỹ năm 1979, 1981 và 1984, rất nhiều người ở quốc gia này thể hiện ước muốn làm một cái gì cho Tây Tạng. Kết quả trực tiếp của việc này là tháng 7 năm 1985, chín mươi mốt thành viên của Quốc Hội Hoa Kỳ đã ký vào một bức thư gởi cho vị Chủ Tịch Quốc Hội ở Bắc Kinh, ông Lý Tiên Niệm, nhấn mạnh sự ủng hộ cho một cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính quyền Trung Quốc và những người đại diện của tôi. Bức thư yêu cầu Trung Quốc hãy “chấp nhận những nguyện vọng hợp lý và công bằng của vị Dalai Lama và các công dân của người trong mọi vấn đề cần cân nhắc”.

Lần đầu tiên, Tây Tạng có được một sự ủng hộ chính thức về mặt chính trị, điều tôi coi như một dấu hiệu dáng khích lệ, sự nghiệp chính nghĩa của chúng tôi cuối cùng bắt đầu được quốc tế công nhận. Bằng chứng rõ ràng hơn, đó là một làn sóng quan tâm của con người ở mọi quốc gia khác, những con người bắt đầu tiến hành các bước đi tương tự.

Rồi, đầu năm 1987, tôi nhận được lời mời tới nói chuyện tại Tổ Chức Nhân Quyền của Cơ quan lập pháp Mỹ ở Hoa Thịnh Đốn. Tôi vui mừng chấp nhận. Ngày đi đã được ấn định vào khoảng mùa thu. Cùng lúc đó, phần lớn những người bạn cũ đề nghị tôi cần sử dụng cơ hội này để đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với vấn đề Tây Tạng mà những người ủng hộ nền công bằng trên thế giới có thể chứng minh được. Điều này gây ấn tượng với tôi như một lời khuyên tốt, tôi bắt đầu hệ thống hóa một số ý tưởng có được trong vòng mấy năm nay.

Ngay trước lúc đi Mỹ, Cơ quan lập pháp này công bố một bản thông báo về những vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng. Trong đó, bản thông báo nhấn mạnh rằng bức thư của Cơ quan gửi cho chủ tịch Lý Tiên Niệm đã bị bỏ qua: “không có dấu hiệu quan tâm (về những nguyện vọng hợp lý và công bằng của vị Dalai Lama) được Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chấp nhận”.

Sau khi tới Mỹ, tôi gửi bài diễn văn của tôi tới Capitol Hill vào ngày 21 tháng 9 năm 1987. Dự kiến mà tôi phác thảo được biết như một Kế Hoạch Hòa Bình Năm Điểm. Dự kiến bao gồm những điểm sau:

 

1- Chuyển đổi toàn bộ lãnh thổ Tây Tạng vào trong khu vực hòa bình.

2- Huỷ bỏ chính sách di chuyển dân Trung Quốc vào, chính sách này đe dọa sự tồn tại của dân tộc Tây Tạng.

3- Tôn trọng nhân quyền đối với người dân Tây Tạng, tôn trọng quyền tự do dân chủ.

4- Phục hồi và bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên của Tây Tạng, huỷ bỏ chính sách Trung Quốc sử dụng Tây Tạng như một nơi chế tạo vũ khí hạt nhân và nơi chứa đựng chất thải hạt nhân.

5- Tiến hành nghiêm chỉnh đàm phán về tình trạng tương lai của Tây Tạng và các mối quan hệ của nhân dân Tây Tạng với nhân dân Trung Quốc.

Sau khi vắn tắt đưa ra những đề nghị này, tôi xin ý kiến cử tọa. Lúc này, tôi nhận thấy có một số người trông như người Trung Quốc. Tôi hỏi xem các vị đó ở đâu tới. Sau một phút do dự, họ trả lời họ là người của báo Tân Hoa, cơ quan báo chí của Trung Quốc. Từ đó trở đi, tôi nhận thấy rằng Bắc Kinh luôn luôn cho người giám sát bất kỳ lúc nào tôi phát biểu trước công chúng. Thường thường, những người này thể hiện thái độ rất hữu hảo đối với tôi và chỉ khi nào họ tỏ ra phản đối, mỉa mai, khuôn mặt họ mới mới méo đi tội lỗi.

Tôi muốn giải thích rộng rãi những điều khoản của Kế Hoạch Hòa Bình Năm Điểm. Trong phần thứ nhất, đề nghị của tôi là toàn bộ Tây Tạng, gồm những tỉnh phía đông của tỉnh Kham và Amdo, được chuyển thành khu vực Ahimsa (thuật ngữ Hindu có nghĩa là hòa bình, không bạo động), phù hợp với vị trí của Tây Tạng như một quốc gia Phật giáo hòa bình. Nó cũng phù hợp với sự phát triển tương tự của Nepal, quốc gia tự tuyên bố là khu vực hòa bình, điều đã thu hút được sự ủng hộ của Trung Quốc. Nếu đề nghị này được thực hiện, nó sẽ cho phép Tây Tạng giành lại vai trò hoạt động lịch sử như một quốc gia trung gian biệt lập với sức mạnh của lục địa.

Sau đây là những điểm mấu chốt của dự kiến khu vực Ahimsa:

- Toàn bộ khu vực Tây Tạng là khu phi quân sự.

- Nhà máy, nơi thí nghiệm, dự trữ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí khác trong khu vực Tây Tạng bị cấm.

- Khu vực Tây Tạng chuyển thành một công viên tự nhiên lớn nhất thế giới, hoặc một khu vực môi trường sinh thái. Những đạo luật chính xác sẽ có hiệu lực để bảo vệ động vật hoang dã và thực vật, vấn đề khai thác tài nguyên môi trường sẽ được điều chỉnh cẩn thận để không hủy hoại môi trường sinh thái liên quan, một chính sách phát triển có thể chấp nhận được sẽ áp dụng trong khu vực cư dân.

- Sản xuất, sử dụng điện nguyên tử và những ngành kỹ thuật sản sinh chất thải nguy hiểm bị cấm.

- Tài nguyên quốc gia và chính sách sẽ hướng tới các hoạt động xúc tiến hòa bình và bảo vệ môi trường. Các tổ chức cống hiến cho việc xúc tiến hòa bình, bảo vệ các dạng sinh sống sẽ tìm thấy một ngôi nhà mến khách ở Tây Tạng.

- Sự thiết lập các tổ chức quốc tế, địa phương về bảo vệ, xúc tiến nhân quyền được ủng hộ ở Tây Tạng.

Khi được thiết lập, khu vực Ahimsa tạo ra cơ hội để Ấn Độ rút quân đội ra khỏi miền Hy mã lạp sơn giáp biên giới Tây Tạng. Điều này sẽ đạt được dưới một hiệp ước quốc tế, hiệp ước này thỏa mãn yêu cầu an ninh chính đáng của Trung Quốc, xây dựng niềm tin giữa dân tộc Tây Tạng, Trung Quốc, Ấn Độ và các dân tộc khác trong khu vực. Đây là lợi ích tốt nhất của tất cả dân tộc, đặc biệt đối với Trung Quốc và Ấn Độ, lợi ích đó sẽ nâng cao nền an ninh của các nước này, đồng thời giảm gánh nặng kinh tế trong việc duy trì quân đội tập trung trên khu vực biên giới Hy mã lạp sơn vẫn đang còn tranh cãi. Về mặt lịch sử, quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc chưa bao giờ căng thẳng. Chỉ do lần đầu tiên quân đội Trung Quốc tiến vào Tây Tạng, tạo ra một vùng biên giới chung, nên những áp lực phát sinh giữa hai lực lượng này, cuối cùng dẫn tới cuộc chiến tranh năm 1962. Từ đó trở đi, một loạt những sự kiện nguy hiểm mới tiếp tục xảy ra.

Biện pháp phục hồi mối quan hệ hữu hảo giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ cực kỳ dễ dàng nếu hai quốc gia này được tách ra - và đã từng được phân cách qua lịch sử- bằng một miền đất trung gian rộng lớn, hữu hảo.

Để tăng cường quan hệ giữa người dân Tây Tạng và người dân Trung Quốc, yêu cầu trước tiên là việc tạo ra niềm tin. Sau sự hủy diệt hàng loạt của ba thập kỷ trước đây, trong giai đoạn này, thật không thể tưởng tượng nổi, gần một triệu hai trăm năm mươi nghìn người Tây Tạng chết vì bị đói, bị hành hình, tra tấn và tự tử, hàng chục ngàn người sống lay lắt trong nhà tù, sự rút quân của Trung Quốc mới có thể bắt đầu một tiến trình hòa giải nghiêm túc. Lực lượng hùng hậu quân đội chiếm đóng ở Tây Tạng chính là một sự nhắc nhở hàng ngày đối với người dân Tây Tạng về những áp bức, khổ đau mà họ đã thực nghiệm. Việc rút quân sẽ là một dấu hiệu cơ bản để trong tương lai, một mối quan hệ đầy ý nghĩa có thể được thiết lập với Trung Quốc trên cơ sở hữu nghị và tin cậy.

Thật không may, Bắc Kinh hiểu phần thứ nhất dự kiến của tôi như một động thái dẫn tới sự chia cắt, dù đây không phải là điều tôi nghĩ tới. Tất cả những gì tôi muốn nói là kết luận một cách hợp lý, rằng nếu như đây là một đề nghị nguyên bản hài hòa giữa hai dân tộc chúng tôi, thì hoặc phía bên này, hoặc phía bên kia phải tạo ra một sự nhượng bộ, hay tối thiểu một cử chỉ hòa giải. Khi Tây Tạng là bên chịu thiệt thòi, vì người Tây Tạng chúng tôi đã mất đi tất cả, chúng tôi không còn gì dành cho người Trung Quốc nữa. Do vậy, để mang lại tinh thần tín nhiệm tương hỗ, những người mang súng ống (dù súng ống có được giấu đi hay không) cần được rút khỏi Tây Tạng, đó là điều hợp lý. Đây chính là ý tôi muốn nói về một khu vực hòa bình: chỉ đơn thuần là một khu vực không vũ trang. Không những điều này sẽ tạo ra niềm tin cho cả đôi bên, mà còn tạo cho phía Trung Quốc tăng trưởng về mặt kinh tế. Ngân sách để duy trì một số lượng lớn quân đội ở Tây Tạng là một nguồn chi khổng lồ đối với tài nguyên của một nước đang phát triển.

Phần thứ hai của Kế Hoạch Hòa Bình Năm Điểm liên quan về những gì dẫn tới sự đe dọa lớn nhất đối với dân tộc Tây Tạng như nạn phân biệt chủng tộc, cụ thể là số lượng người Trung Quốc chuyển vào Tây Tạng. Giữa năm 1980, rõ ràng chính quyền Bắc Kinh cố ý theo đuổi một chính sách Hán hóa (Sinocisation: đồng hóa thành người Hán), cái mà người ta phải gọi đó là “giải pháp cuối cùng” một cách lén lút. Họ thực hiện điều này bằng cách giảm dân số Tây Tạng thành một dân tộc thiểu số kém ý nghĩa, bị mất quyền bầu cử trên mảnh đất của riêng họ. Điều này cần chấm dứt. Những cuộc di chuyển số lượng lớn công dân Trung Quốc tới Tây Tạng là hành vi đi ngược lại Công ước quốc tế thứ tư ở Geneva. Kết quả của nó là, trong những khu vực thuộc miền đông nước chúng tôi, số lượng người Trung Quốc nhiều hơn người Tây Tạng. Ví dụ, ở tỉnh Thanh hải bây giờ gồm có Amdo, nơi tôi ra đời, theo thống kê của Trung Quốc, có 2,5 triệu người Trung Quốc mà chỉ có 750.000 người Tây Tạng. Ngay trong cái gọi là Khu Tự Trị Tây Tạng (ở đây có nghĩa là khu trung tâm và khu phía tây Tây Tạng), theo tin tức của chúng tôi, số cư dân Trung Quốc đã vượt xa số cư dân Tây Tạng.

Chính sách di chuyển dân số không phải là một điều gì mới mẻ. Trung Quốc đã áp dụng chính sách này một cách có hệ thống đối với những khu vực khác. Cách đây không lâu, Mãn châu là một chủng tộc có nền văn hóa, truyền thống riêng biệt. Hiện nay, chỉ có chừng hai hoặc ba triệu người Mãn châu là còn lại ở Mãn châu, trong đó 75 triệu người Trung Quốc định cư ở đó. Ở khu vực phía đông Turkestan, người Trung Quốc bây giờ gọi là Thanh giang, dân số Trung Quốc tăng trưởng từ con số 200, 000 người năm 1949, bây giờ lên tới trên bảy triệu người, vượt quá nửa tổng số dân cư ở đó. Tiếp theo sau chính sách thực dân hóa Nội Mông, số lượng người Trung Quốc là 8, 5 triệu, người Mông Cổ chỉ có 2, 5 triệu. Lúc này, toàn bộ Tây Tạng chúng tôi ước tính đã có chừng 7, 5 triệu người Trung Quốc, vượt xa số người Tây Tạng chừng sáu triệu.

Để người Tây Tạng còn được tồn tại như một dân tộc, điều khẩn thiết là cần chấm dứt việc di dân, người Trung Quốc đang định cư cần được phép trở về Trung Quốc. Nếu không, Tây Tạng sẽ chỉ còn là một nơi thu hút khách du lịch, là tàn dư ủa một thời vàng son. Lúc này, dường như phần lớn động cơ kinh tế là còn giữ người Trung Quốc ở lại; chắc chắn họ thấy điều kiện sinh hoạt rất khó khăn: các thứ bệnh tật về độ cao được ghi là các loại bệnh địa phương phát sinh trong cư dân Trung Quốc.

Phần ba đề xuất liêu quan tới vấn đề nhân quyền Tây Tạng. Nhân quyền của người Tây Tạng cần được tôn trọng. Người Tây Tạng ngay lập tức cần được tự do phát triển nền văn hóa, trí tuệ, kinh tế và tâm linh, được thực hiện nền dân chủ tự do cơ bản. Những vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng là một trong các vấn đề nghiêm trọng của thế giới. Điều này được tổ chức Ân Xá Quốc Tế và những tổ chức khác tương tự chứng thực. Sự phân biệt đối xử thực hiện ở Tây Tạng dưới chính sách phân biệt chủng tộc rất rõ ràng mà người Trung Quốc gọi là “tách rời và đồng hóa”. Thực ra, người dân Tây Tạng may lắm là loại công dân hạng hai ngay tại quê hương của họ. Bị tước đi tất cả những quyền dân chủ cơ bản, quyền tự do, họ tồn tại dưới một chế độ cai trị thuộc địa chiếm hữu mà quyền lực đích thực do các viên chức Trung Quốc thuộc đảng Cộng sản và Giải Phóng Quân nắm giữ. Dù cho chính phủ Trung Quốc cho phép người dân Tây Tạng xây dựng lại một số tu viện Phật giáo và hành lễ trong đó, song họ vẫn cấm tất cả những công trình nghiên cứu nghiêm túc, cấm giảng dạy về tôn giáo. Vì thế, trong khi người Tây Tạng tha hương có cơ hội thực hiện quyền dân chủ, trong dự thảo hiến pháp do tôi soạn thảo năm 1963 có vạch rõ, thì hàng ngàn đồng bào của tôi vẫn đớn đau trong ngục tù và trại cải tạo vì niềm tin vào tự do. Vì ở Tây Tạng, một người dân thể hiện sự trung thành với Trung Quốc được gọi là “tiến bộ”, nhưng người nào thể hiện lòng trung thành của họ với tổ quốc họ thì bị quy kết là “tội phạm” và bị tống giam.

Phần đề xuất thứ tư của tôi kêu gọi những cố gắng nghiêm túc cần có để phục hồi môi trường tự nhiên của Tây Tạng. Tây Tạng không được sử dụng để làm nơi chế tạo vũ khí hạt nhân, nơi hủy bỏ chất thải phóng xạ. Người Tây Tạng tôn kính tất cả mọi hình thức cuộc sống. Cảm xúc cố hữu này được củng cố thêm bởi niềm tin vào giáo lý của Phật là nghiêm cấm việc gây tổn hại cho mọi sinh linh, dù là người hay là sinh vật. Trước khi Trung Quốc xâm chiếm, Tây Tạng là một khu vực thiên nhiên hoang sơ đẹp đẽ, tươi mát, không hề hư hoại trong môi trường tự nhiên độc đáo.

Đáng buồn thay, trong vài thập kỷ qua, cuộc sống thiên nhiên ở Tây Tạng đã gần như bị huỷ diệt, và rất nhiều nơi, tổn thất không thể lấy lại được đã xảy ra cho những khu rừng. Toàn bộ hậu quả đối với môi trường tinh tế của Tây Tạng đã bị tàn phá, đặc biệt khi mà độ cao của vùng đất và sự khô cằn của nó tự nói lên quá trình phục hồi thực vật mất rất nhiều thời gian hơn những vùng thấp và ẩm ướt. Vì lý do này, những gì ít ỏi còn lại phải được bảo vệ, những nỗ lực cần được tạo ra để đảo ngược lại mọi ảnh hưởng tàn phá bất hợp lý và ngang ngạnh của Trung Quốc đối với môi trường Tây Tạng.

Để làm được việc này, điều tiên quyết phải là dừng ngay việc sản xuất vũ khí nguyên tử, quan trọng hơn, phải ngăn ngừa việc đổ chất thải phóng xạ ở đây. Có vẻ như Trung Quốc không những đổ chất thải phóng xạ của họ, mà còn nhập vào những chất thải của các quốc gia khác nữa để đổi lấy ngoại tệ mạnh. Sự nguy hiểm của loại rác thải này là hiển nhiên. Không những thế hệ đang sống bị đe dọa mà các thế hệ sau cũng vậy. Hơn nữa, những vấn đề không thể tránh khỏi của cái gọi là nguyên nhân cục bộ này sẽ dễ dàng trở thành tai họa cho một phần địa cầu. Đưa chất thải vào Trung Quốc, việc này có thể phải sử dụng những khu vực rộng lớn mà dân cư thưa thớt, nhưng đó chỉ là biện pháp thô thiển, chứng tỏ một giải pháp tạm bợ đối với vấn đề.

Trong lời kêu gọi đối thoại của tôi về tương lai Tây Tạng, tôi nhấn mạnh nguyện vọng tiếp cận chủ đề này trên tinh thần thẳng thắn, hòa giải, trên quan điểm tìm giải pháp trên cơ sở lợi ích lâu dài của mọi người, người Tây Tạng, người Trung Quốc và cuối cùng là các dân tộc trên thế giới, động cơ của tôi trong mọi vấn đề đó là được đóng góp cho nền hòa bình thế giới qua nền hòa bình khu vực. Tôi không nói chỉ nhằm mục đích chỉ trích chính quyền Trung Quốc. Ngược lại tôi muốn giúp đỡ Trung Quốc với mọi khả năng. Tôi hy vọng những gợi ý của tôi sẽ có ích đối với họ. Thật đáng tiếc, họ chỉ lựa chọn cách coi đó là lời kêu gọi của chủ nghĩa chia rẽ (mặc dù với quan điểm về tương lai Tây Tạng, tôi không thể nói một cách nghiêm túc ở một nơi nào khác) và rất nhanh, Bắc Kinh phản đối lời phát biểu của tôi bằng những ngôn từ mạnh.

Điều này không khiến tôi ngạc nhiên. Tôi cũng không ngạc nhiên với những phản ứng của nhân dân Tây Tạng, dù tôi không trông đợi điều này. Mấy ngày sau khi phát biểu ở Hoa Thịnh Đốn, tôi nhận được nhiều báo cáo về các cuộc biểu tình rầm rộ xảy ra ở Lhasa.

CHƯƠNG 15
TRÁCH NHIỆM TOÀN CẦU VÀ LÒNG NHÂN ÁI

Về sau tôi phát hiện ra cuộc biểu tình tháng 9 và tháng 10 năm 1987 xảy ra ngay sau khi Bắc Kinh lên án Kế Hoạch Hòa Bình Năm Điểm của tôi. Hàng ngàn cư dân Lhasa kêu gọi phục hồi nền độc lập cho Tây Tạng. Đoán trước được sự việc, nhà cầm quyền Trung Quốc phản ứng lại một cách thô bạo và tàn ác. Cảnh sát vũ trang nổ súng bắn bừa vào đám biểu tình làm tối thiểu mười chín người thiệt mạng. Rất nhiều người bị thương.

Đầu tiên người Trung Quốc phủ nhận việc bắn vào đoàn biểu tình. Sáu tháng sau họ tự nhận có một vài nhân viên lực lượng an ninh bắn cảnh cáo phía trên đầu đám đông. Nhưng họ cho rằng một số loạt đạn có thể trúng vào đám đông thay vì rơi xuống vô hại. (Khi tôi nghe thấy điều này, tôi tự hỏi rằng có lẽ họ nói tới một loại vũ khí bí mật mới: những viên đạn đi tìm máu người Tây Tạng).

Tin tức về các cuộc biểu tình và sự đàn áp đẫm máu vô nhân đạo lan nhanh trên thế giới, lần đầu tiên kể từ năm 1959, vấn đề Tây Tạng được đưa lên hàng đầu. Tuy nhiên sau đó ít lâu tôi mới được nghe toàn bộ chi tiết về những gì xảy ra. Qua chuyện này, tôi rất biết ơn một nhóm người du lịch phương tây, tình cờ họ có mặt tại thủ đô Lasha ngay lúc đó.

Sau đó bốn mươi người trong những nhân chứng hình thành một nhóm, họ đệ trình một bản cáo trạng về những hành động dã man mà họ đã chứng kiến. Qua đó tôi được biết hình thức của hai cuộc biểu tình đều giống nhau. Đầu tiên, một nhóm nhỏ các nhà sư tập trung trước cửa chùa Jokhang hô to “Bo rangzen”: “Độc lập cho Tây Tạng”. Hàng trăm, rồi hàng ngàn thường dân rất nhanh tập hợp xung quanh họ, hô vang những lời kêu gọi đòi tự do. Bất thình lình một toán nhân viên an ninh xuất hiện. Không một lời cảnh báo trước, nhân viên an ninh bắt giữ chừng 60 nhà sư và người thường, nhốt họ vào đồn cảnh sát ngay phía trước chùa Jokhang. Trước khi bị đưa vào bên trong, họ bị đánh đập dã man. Lúc này, mọi người yêu cầu nhân viên an ninh hãy thả những người biểu tình ra. Nhưng bất thình lình nhiều nhân viên an ninh tới cùng với máy quay phim và bắt đầu quay đám đông. Sợ bị nhận dạng, nhiều người ném đá vào cảnh sát khi họ ghi hình. Một vài người Tây Tạng hoảng loạn, họ lật đổ và đốt cháy xe cảnh sát, nhân viên an ninh bắt đầu bắn. Tuy vậy phần lớn dân chúng vẫn tự kiềm chế được, và khi một số cảnh sát vất súng bỏ chạy, dân chúng thu gom vũ khí lại, phá hủy ngay trên mặt đất.

Trong cuộc gây rối ngày 1 tháng 10 năm 1987, đáng tiếc là đồn cảnh sát bị đoàn biểu tình đốt cháy. Những người biểu tình cố gắng một cách tuyệt vọng để giải thoát đồng bạn, họ cố đốt cháy cánh cửa. Tới tận lúc đó, nhân viên an ninh vẫn tiếp tục chạy ra ngoài lôi người biểu tình vào đồn, đánh đập họ rất dã man.

Cuối cùng khi đám đông giải tán, tối thiểu mười hai thường dân Tây Tạng trong đó có nhiều trẻ em nằm chết. Đêm đó và những đêm tiếp sau, hàng trăm người bị cảnh sát đến tận nhà bắt đi. Cuối cùng, hơn hai ngàn người bị bắt giam. Hầu hết những người này bị đánh đập và tra tấn, một báo cáo cho biết có bốn mươi người bị hành quyết.

Trước khi đi xa hơn, tôi muốn nhấn mạnh sự ghi nhận sâu sắc đối với những người nước ngoài đó, dù họ không có bổn phận phải hành động như vậy. Họ đã liều mình một cách không tính toán để giúp đồng loại đang đau khổ. Những hành động tự phát mang tính nhân bản đó thể hiện niềm hy vọng duy nhất cho tương lai loài người. Một số các vị nam nữ này tiếp tục liều mạng cứu trợ những người Tây Tạng bị thương. Đồng thời là nhân chứng, họ chụp ảnh được nhiều hành động dã man của người Trung Quốc.

Dù cho nhà cầm quyền Trung Quốc vội vàng trục xuất không chỉ các phóng viên báo chí có mặt ở Tây Tạng, mà với tất cả các người nước ngoài, thì những hành động dã man của họ được toàn thế giới đưa tin. Kết quả là nhiều chính phủ phương Tây lên tiếng yêu cầu chính quyền Trung Quốc hãy tôn trọng nhân quyền ở Tây Tạng, thả toàn bộ tù chính trị ra. Chính quyền Bắc Kinh trả lời rằng sự nhiễu loạn này là công việc nội bộ, họ phản đối mọi chỉ trích.

Do là giờ đây Tây Tạng bị khép kín với thế giới bên ngoài, mấy tháng sau tôi mới được nghe thêm một chút tin tức. Nhưng bây giờ tôi biết rằng hậu quả tức thì sau các cuộc biểu tình là người Trung Quốc bắt đầu một chương trình “cải tạo"vĩ đại. Họ còn cố gắng tổ chức một cuộc biểu tình mang tính chất đối nghịch vào cuối tháng mười. Những người tham gia sẽ được cho một tuần lễ lương. Nhưng cuộc biểu tình này bị đình hoãn: không có ai tham gia. Đồng thời, để ngăn ngừa rò rỉ thông tin, Giải Phóng Quân đóng cửa biên giới, đồng thời chính quyền Bắc Kinh thực hiện thành công trong việc gây áp lực đối với một quốc gia có chủ quyền, cụ thể là Vương Quốc Nepal, trong việc bắt giữ và trao trả trên hai mươi sáu người Tây Tạng đang ngủ trong màn. Nhưng trong thời gian này tôi được một nguồn tin từ Trung Quốc cho biết (giống như những du khách, động cơ nguồn tin này là lòng từ bi và nỗi bất bình), rằng lệnh bắn vào đoàn biểu tình chắc chắn đã được ban hành.

Đầu năm 1988, chính quyền Trung Quốc ở Lhasa chỉ thị cho cộng đồng tu viện tổ chức lễ hội Monlam như thường lệ (sau hai mươi năm, lễ hội này được phục hồi vào năm 1986). Tuy nhiên, các sư cảm thấy điều này không thích hợp trong khi nhiều người vẫn còn đang trong tù, họ chống lại sắc lệnh. Chính Quyền Nhân Dân Trung Ương ra lệnh vẫn tiến hành lễ hội theo kế hoạch, hy vọng để thế giới bên ngoài thấy rằng tình hình Tây Tạng đã trở lại bình thường. Vì thế các vị sư bị ép buộc tiến hành. Nhưng hiển nhiên phía Trung Quốc lo sợ phát sinh rối loạn. Ngày 28 tháng 2, đài BBC đưa tin:

Hàng ngàn nhân viên an ninh Trung Quốc được chuyển tới khu vực Lhasa, các vật chắn đường đặt khắp nơi trong thành phố. Những đoàn xe bọc sắt đi tuần suốt đêm, loa phóng thanh yêu cầu dân chúng ở trong nhà. Một thông điệp nói thẳng: “Nếu các người không tuân lệnh, chúng tôi sẽ bắn chết”.

Rồi, trước ngày lễ hội một tuần, bản tin nhanh của hãng thông tấn Reuter ở Bắc Kinh cho biết có năm mươi xe quân đội và trên một ngàn cảnh sát Trung Quốc, rất nhiều người trong đơn vị chống bạo động, tất cả đã diễn tập trước cửa chùa Jokhang.

Lễ hội bắt đầu với áp lực nặng nề. Một lực lượng quân đội tháp tùng nghi lễ mở màn, mỗi vị sư xuất hiện trước công chúng được tối thiểu mười nhân viên an ninh giám sát. Hơn nữa, rất nhiều cảnh sát mặc thường phục trà trộn trong đám đông, một số trang bị máy quay phim. Dường như là lực lượng an ninh cũng cải trang, một số cạo trọc, một số đội tóc giả, để gây ấn tượng họ là sư hoặc là những người từ bên ngoài Lhasa tới.

Đầu tiên, không khí hòa hoãn chiếm ưu thế, nhưng sang ngày 5 tháng 3, một số vị sư hô to yêu cầu thả một vị hóa thân tên là Yulu Dawa Tsering, một trong những người phản đối bị giam giữ không kết án từ hồi tháng mười năm ngoái. Sau đó, đám đông tập trung lại thực hiện phần cuối của lễ hội cầu nguyện, khi bức tượng đức Phật Di Lặc được rước quanh Barkhor, đám đông bắt đầu lên án sự có mặt của người Trung Quốc ở Tây Tạng, ném đá vào cảnh sát đi tuần có tính chất khiêu khích gần đó. Lực lượng an ninh đáp lại trước tiên bằng dùi cui, roi điện. Rồi quân đội khai hỏa, lần này họ không bắn ẩu nữa. Rất chính xác, họ ngắm cẩn thận và bắn rất nhiều người chống đối. Sau đó là một trận hỗn chiến làm hàng trăm người Tây Tạng bị thương. Tới trưa, cảnh sát xông vào chùa Jokhang giết chết ít nhất mười hai nhà sư. Một vị bị họ đánh đập tàn tệ, bị móc hai con mắt và ném từ trên mái nhà xuống. Ngôi chùa thiêng liêng nhất của Tây Tạng trở thành một cái gì giống như hàng thịt.

Toàn bộ khu dân cư ở Lhasa giờ đây náo loạn. Ban đêm, chừng hai mươi cửa hàng của người Trung Quốc, chủ những cửa hàng này thường tỏ thái độ tiêu cực đối với người Tây Tạng, những cửa hàng này đều bị đốt cháy. Cũng thời gian đó, lực lượng an ninh mở nhiều đợt tấn công, lôi đi hàng trăm đàn ông, đàn bà và trẻ em.

Do lúc này chỉ có một số ít người phương tây trong thành phố, không có ai là phóng viên cả, cho nên rất ít tin tức lọt ra ngoài, các phuơng tiện thông tin đại chúng đều giữ im lặng, mãi nhiều tuần sau tôi mới được biết chi tiết. Cùng lúc đó, rõ ràng cuộc rối loạn cuối cùng vượt quá mức độ và tính ác liệt so với cuộc rối loạn hồi mùa thu năm ngoái. Kết quả là lệnh giới nghiêm hai tuần lễ được áp đặt, thời gian này chừng 2.500 người bị bắt, toàn bộ dân cư Lhasa bị đe dọa một cách thô bạo.

Một lần nữa, tôi lại không quá ngạc nhiên vì sự thể hiện tuyệt vọng của người dân Tây Tạng, tuy nhiên tôi vô cùng choáng váng khi được nghe về cách hành xử của người Trung Quốc. Quan điểm của thế giới đã bị xúc phạm, lần thứ hai trong sáu tháng, tin tức về các cuộc náo loạn được đăng tải rộng rãi trên báo chí thế giới, dù rất ít thông tin. Trong khi đó, phản ứng của chính quyền Trung Quốc vẫn không đổi: đây là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, họ lăng mạ cuộc biểu tình là công việc của một nhóm “những kẻ chia rẽ phản động”, gọi tôi là một kẻ tội phạm nguy hiểm. Họ cho rằng Dalai Lama cố ý kích động bạo loạn, đưa gián điệp vào Tây Tạng thực hiện hoạt động này. Điều này có thể đoán trước được, nhưng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên thấy người Trung Quốc bây giờ lại kết tội người nước ngoài đã đóng một vai trò chỉ đạo trong cả hai cuộc bạo loạn.

Tôi nhận được bản báo cáo đầy đủ đầu tiên về cuộc biểu tình Monlam từ phía nhà chính trị Anh quốc, ngài Ennals, ông này tới Lhasa sau cuộc biểu tình chưa đầy một tháng. Đứng đầu một phái đoàn độc lập được chính quyền Bắc Kinh phê chuẩn, mục đích của ngài Ennals là điều tra về nhân quyền ở Tây Tạng. Cùng với các thành viên trong đội, ngài vô cùng sửng sốt khi thấy rằng những xúc phạm nặng nề vẫn tiếp tục xảy ra đối với người dân Tây Tạng. Phái đoàn cũng tình cờ thấy được nhiều bằng chứng tra tấn, ngược đãi tù nhân sau khi các cuộc biểu tình xảy ra, họ được nghe toàn bộ chi tiết từ vô số nhân chứng. Báo cáo của họ được cơ quan Cảnh Báo Thế Giới công bố, nói về “một cuộc khủng hoảng đòi hỏi cần có một hành động nhanh chóng và tích cực”.

Trong thời gian phái đoàn tìm kiếm giải pháp ở Tây Tạng, tôi lại đang ở Vương quốc Anh theo lời mời của một số nhóm quan tâm tới Phật giáo Tây Tạng. Ở đây, tôi rất ấn tượng khi thấy được nhiều cơ quan thông tin đại chúng cực kỳ quan tâm một cách đồng cảm với hoàn cảnh khó khăn của dân tộc Tây Tạng. Đồng thời tôi cũng vui mừng nhận được lời mời tới nói chuyện trước một nhóm quan tâm tới vấn đề chính trị tại nhà Quốc Hội Châu Âu vào cuối năm 1988. Điều này trùng hợp với sự kiện nhiều nhà lãnh đạo phương tây kêu gọi Trung Quốc hãy mở cuộc thương thuyết với tôi về vấn đề tương lai Tây Tạng.

Nghĩ rằng đây là cơ hội để phát biểu về Kế Hoạch Hòa Bình Năm Điểm, và đặc biệt để triển khai điều Năm của bản Kế Hoạch, tôi vui vẻ nhận lời. Trong bài diễn văn gửi tới Strasbourg tháng 6 năm 1988, tôi đề cập tới quan điểm của mình, là trong những điều kiện đặc biệt nào đó, Tây Tạng có thể tồn tại hòa hợp với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa về các công việc đối ngoại, các thỏa thuận hạn chế quốc phòng do Bắc Kinh trực tiếp chỉ đạo, cho tới khi một hội nghị hòa bình về khu vực được nhóm họp, sau đó toàn bộ Tây Tạng sẽ được chọn làm khu vực hòa bình. Tôi cũng phát biểu rõ ràng rằng Chính phủ Tây Tạng tha hương sẵn sàng thương thuyết với chính quyền Trung Quốc bất kỳ lúc nào phía Trung Quốc sẵn sàng. Nhưng tôi nhấn mạnh rằng đây chỉ là một dự kiến, mọi quyết định sẽ phải do người dân Tây Tạng quyết định, chứ không phải là tôi.

Phản ứng của Trung Quốc lại vẫn tiêu cực. Bài diễn văn của tôi bị phản đối kịch liệt, Quốc Hội Châu Âu phân tích rất khắt khe về việc cho phép tôi nói. Tuy nhiên, mùa thu năm 1988, trong một tiến triển đầy hứa hẹn, người Trung Quốc tỏ ý muốn bàn luận về tương lai Tây Tạng với Dalai Lama. Đây là lần đầu tiên họ thú nhận họ không chỉ muốn thảo luận về vai trò của Dalai Lama, mà còn cả vấn đề Tây Tạng nữa. Họ để tôi lựa chọn nơi gặp gỡ. Ngay lập tức, tôi chỉ định một đoàn thương thuyết và đề nghị hai bên sẽ gặp gỡ tại Geneva vào hồi tháng giêng năm 1989. Lý do của sự lựa chọn này là tôi có thể tham gia với tư cách cá nhân trong cuộc nói chuyện ngay khi có dấu hiệu rõ ràng rằng sự hiện diện của tôi là một yêu cầu.

Thật không may, ngay sau lúc người Trung Quốc đồng ý về nguyên tắc, họ bắt đầu đưa ra điều kiện và những phản đối. Đầu tiên, họ muốn Bắc Kinh là địa điểm gặp gỡ, rồi họ đặt điều kiện không một người nước ngoài nào được là thành viên của phái đoàn, sau đó họ nói họ không chấp nhận những người là thành viên chính phủ Tây Tạng tha hương bởi vì họ không công nhận chính phủ này, rôi họ lại nói họ không muốn nói chuyện với một cá nhân nào kêu gọi Tây Tạng độc lập. Cuối cùng họ tuyên bố họ chỉ muốn nói chuyện với tôi. Điều này làm tôi vô cùng thất vọng. Đã thừa nhận mong muốn rõ ràng được nói chuyện, song người Trung Quốc lại khiến cuộc nói chuyện hầu như không thể thực hiện được ngay từ lúc bắt đầu. Trong khi tôi hoàn toàn không phản đối việc gặp gỡ người Trung Quốc với tư cách cá nhân, điều duy nhất hợp lý là trước hết họ cần có một cuộc thảo luận sơ bộ với người đại diện của tôi. Vậy dù cho địa điểm Geneva cuối cùng được chấp thuận, nhưng tháng giêng năm 1989 đến và trôi đi mà không có một việc gì hoàn thành.

Ngày 28 tháng giêng năm 1989, báo chí đưa tin Panchen Lama qua đời khi vị này từ Bắc Kinh, nơi đang sống, trở về Tây Tạng trong một cuộc viếng thăm hiếm có. Panchen Lama mới năm mươi ba tuổi, lẽ tự nhiên tôi rất buồn. Tôi cảm nhận được rằng Tây Tạng đã mất đi một chiến sĩ chân chính chiến đấu cho tự do. Điều không thể phủ nhận, là một số người Tây Tạng coi vị này như một nhân vật được nhiều người bàn tán. Thực ra, trong đầu năm 1950, khi Panachen Lama còn rất trẻ, tôi có một điểm hoài nghi là, do đứng về phía người Trung Quốc, vị này nghĩ rằng mình có thể lợi dụng hoàn cảnh để phục vụ cho ưu thế cá nhân. Nhưng tôi tin rằng lòng yêu nước của Panchen Lama là lòng yêu nước thực sự. Dù cho người Trung Quốc sử dụng vị này như một con rối sau khi thả vị này ra năm 1978, Panchen Lama tiếp tục chống đối họ tới cùng. Ngay trước khi chết, khi báo Tân Hoa phỏng vấn, vị này mạnh mẽ phê phán “nhiều sai lầm” nhà cầm quyền Trung Quốc đã gây ra ở Tây Tạng. Đó là hành động can đảm cuối cùng.

Hai ngày sau đó, Panchen Lama xuất hiện lần cuối ở tu viện Tashilhunpo. Sau khi cúng mộ cho các vị tiền nhiệm, vị này lên một cơn đau tim đột ngột. Nhiều người cảm thấy sự kiện Panchen Lama từ trần tại tu viện của mình, đó là một dấu hiệu, một hành động được cân nhắc của một bậc thầy tâm linh đích thực.

Dù không được gặp Panchen Lama trước khi vị này chết, tôi đã nói chuyện với Panchen Lama qua điện thoại ba lần. Hai lần tôi gọi tới văn phòng ở Bắc Kinh, nơi Panchen Lama được bổ nhiệm trong Quốc Hội, và một lần khi vị này ở nước ngoài. Điều chắc chắn là các cuộc điện thoại ở Bắc Kinh đều bị ghi âm. Tôi biết điều này vì sau cuộc nói chuyện của chúng tôi trên điện thoại lần thứ hai, một bản sao rất cẩn thận về cuộc nói chuyện được công bố trên báo chí Trung Quốc. Tuy vậy, khi đang ở Úc, Panchen Lama tìm cách đưa cho người bảo vệ của mình một mảnh giấy ghi thời gian được sắp xếp trước, và tôi nói chuyện với vị này từ Tây Đức. Chúng tôi không nói được lâu, nhưng cuộc nói chuyện đó cũng đủ để tôi tin chắc rằng trong trái tim Panchen Lama, vị này vẫn trung thành với tôn giáo, dân tộc và tổ quốc mình. Vì thế tôi không mấy quan tâm khi được nghe những báo cáo không hay về vị này từ Lhasa gửi tới, vị này bị chỉ trích vì thu hoạch lãi suất trong việc kinh doanh mở rộng. Người ta cũng nói vị này đã có vợ.

Sau cái chết của Panchen Lama, tôi nhận được lời mời tới dự lễ an táng ở Bắc Kinh do hội Phật giáo Trung Quốc gửi tới. Rốt cuộc đó là một lời mời tới thăm Trung Quốc mang tính nghi lễ. Cá nhân tôi rất muốn đi nhưng còn do dự vì nếu tôi đi, chắc chắn tôi sẽ phải tham dự những cuộc thảo luận về Tây Tạng. Nếu như cuộc nói chuyện ở Geneva xảy ra theo như kế hoạch, thì đây là một cơ hội thuận lợi. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này, tôi cảm thấy việc dự tang lễ không mấy thích hợp nên buộc lòng tôi phải từ chối.

Trong khi đó, sự chần chừ của phía Trung Quốc gây ra một kết quả không tránh khỏi. Ngày 5 tháng 3 năm 1989 là thời điểm bắt đầu thêm ba ngày biểu tình ở Lhasa. Một số những thể hiện mãnh liệt của sự ức chế từ tháng 3 năm 1959 là nhiều ngàn người đổ xuống đường. Thay đổi chiến lược, suốt một ngày đầu tiên, lực lượng an ninh chỉ đứng bên ngoài, họ quay phim một số cảnh rồi đưa lên truyền hình buổi tối. Ngày hôm sau, lực lượng an ninh phản ứng bằng cách tấn công liên tiếp bằng dùi cui, xả súng bừa bãi. Những nhân chứng cho biết họ nhìn thấy nhân viên an ninh dùng súng tự động bắn vào cả trong nhà dân, giết chết toàn bộ gia đình.

Thật không may, người Tây Tạng phản ứng bằng cách không những đánh lại cảnh sát và lực lượng an ninh, mà trong một vài trường hợp, họ còn tấn công cả những người dân Trung Quốc vô tội. Điều này khiến tôi rất buồn. Dù thế nào đi chăng nữa, người Tây Tạng sử dụng bạo lực là điều không hợp lý. Nếu Trung Quốc muốn, với hàng ngàn triệu dân chống lại sáu triệu dân chúng tôi, họ có thể xóa sạch toàn bộ chủng tộc Tây Tạng trên trái đất. Còn như người ta cố gắng tìm hiểu những con người giả định là kẻ thù của họ, điều này sẽ mang tính xây dựng rất nhiều. Học cách tha thứ ích lợi hơn là chỉ nhặt đá và ném vào đối tượng bực tức của con người, và điều này càng hữu ích hơn khi mà những cơn khích động lên tới cực điểm. Vì trong nghịch cảnh lớn thường xuất hiện tiềm năng lớn để làm việc tốt cho mình và cho cả người khác nữa.

Dù sao, trong thực tế, tôi nhận thấy đối với nhiều người, những lời như vậy không phù hợp. Điều này đòi hỏi quá nhiều. Tôi sẽ sai lầm nếu tôi mong muốn người Tây Tạng, với cuộc sống hàng ngày bị đè nén áp bức, mà lại có thể yêu thương được người Trung Quốc. Do một khi chưa thể bỏ qua được, tôi chấp nhận hành động bạo lực là điều không tránh khỏi.

Thực ra, tôi hết sức ngưỡng mộ, tôn kính lòng can đảm của dân tộc tôi. Nhiều người tham gia biểu tình là phụ nữ, trẻ em và người già: hàng trăm đàn ông đã bị bắt trong buổi tối đầu tiên, nên chỉ còn gia đình họ tiếp tục thể hiện cảm xúc mạnh mẽ trong những ngày hôm sau. Một số người giờ đây có lẽ đã chết. Và còn rất nhiều người vấn còn ở trong tù, bị tra tấn đánh đập hàng ngày.

Nhờ sự có mặt của số ít người nước ngoài can đảm, một vài người trong số đó bị quấy rối, nên báo cáo về những xúc phạm gần nhất được nhanh chóng đưa ra thế giới bên ngoài. Như trước đây, rất nhiều sự ủng hộ dành cho người Tây Tạng: Mỹ, Pháp, Nghị viện châu Âu đều lên án việc trả đũa của Trung Quốc gây ra cái chết của ít nhất hai trăm năm mươi người Tây Tạng không khí giới, chưa kể tới vô số những người bị thương khác. Rất nhiều chính phủ khác bộc lộ sự “quan tâm nghiêm túc” và sau đó việc thiết quân luật vào ngày 8 tháng 3 đã gây ra một làn sóng chỉ trích rộng rãi.

Ý tưởng áp đặt thiết quân luật của Trung Quốc ở Lhasa thật đáng sợ, vì trong thực tế, thành phố đã bị đặt dưới quyền kiểm soát của quân đội từ 26 tháng 10 năm 1951, khi những đạo quân đầu tiên của Giải Phóng Quân tới. Dường như người Trung Quốc muốn biến nới này thành một lò sát sinh, một cánh đồng tử thần ở Hy mã lạp sơn. Hai ngày sau, vào dịp kỷ niệm thứ ba mươi ngày Nhân dân Tây Tạng vùng lên, tôi gửi một bản kiến nghị tới Đặng Tiểu Bình, yêu cầu ông can thiệp để giải tỏa lệnh thiết quân luật và chấm dứt việc đàn áp những người dân vô tội. Đặng Tiểu Bình không trả lời.

Chỉ vài tuần sau cuộc biểu tình ở Lhasa, lại một cuộc nổi dậy nữa ở Trung Quốc. Tôi theo dõi sự kiện này với một cảm giác hoài nghi pha lẫn kinh hoàng, đặc biệt trở nên hốt hoảng khi một số người biểu tình bắt đầu tuyệt thực. Những sinh viên rõ ràng là hoạt bát, trung hậu, vô tội, với cả một cuộc đời để sống. Chống lại họ, những người cầm quyền có một chính phủ hoàn toàn ương ngạnh, độc ác và lạnh lùng. Ngay lúc đó, tôi không thể ngưỡng mộ được các vị lãnh đạo Trung Quốc, những con người già cả ốm yếu, điên khùng ôm khư khư lấy ý tưởng của mình. Mặc dù có những bằng chứng cho thấy hệ thống của họ bị đổ vỡ, chủ nghĩa Cộng sản đã không phát triển rộng rãi trên toàn thế giới, mặc dù hàng triệu con người biểu tình ngay trước ngưỡng cửa, họ vẫn giữ chặt lấy niềm tin của họ.

Lẽ tự nhiên, tôi kinh hoàng khi thấy cuối cùng quân đội dàn trận phá vỡ cuộc biểu tình. Nhưng xem xét dưới khía cạnh chính trị, biện pháp này chỉ thể hiện một dàn xếp tạm bợ cho các hoạt động dân chủ. Bằng bạo lực, chính quyền chỉ tạo ra những thái độ có lợi cho sinh viên trong lòng quần chúng nhân dân. Làm như vậy, họ đã cắt giảm đi từ một nửa tới hai phần ba thời gian của chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc. Đồng thời, họ cũng để thế giới biết sự thật về chiến lược của họ: đó là chủ nghĩa hoài nghi. Đối với những lời khẳng định Trung Quốc vi phạm nhân quyền của người Tây Tạng, chiến lược này không còn tác dụng.

Về phương diện cá nhân, tôi phần nào cảm thấy tiếc cho Đặng Tiểu Bình. Tên tuổi của ông giờ đây bị hư hại không thể cứu vãn được. Nếu như không có vụ thảm sát năm 1989, tên tuổi ông sẽ đi vào lịch sử quốc gia như một nhà lãnh đạo vĩ đại. Tôi cũng thông cảm cho những người cùng lãnh đạo với ông, những người mà trong sự vô minh, họ đã phá hủy thanh danh Trung Quốc đối với nước ngoài sau một thập kỷ cần cù xây dựng tiếng tăm. Dường như là, dù họ có thất bại trong việc tuyên truyền đối với mọi người, song họ lại rất thành công với chính họ.

Tương phản tàn khốc với những gì đẹp đẽ đang xảy ra khắp các nơi trên thế giới, lệnh giới nghiêm lại rất phổ biến ở Lhasa trong suốt năm 1989. Tôi chưa bao giờ ý thức được nhiều về sự kiện đau thương này cho tới khi trong một cuộc tới thăm nước Mỹ vào mùa thu năm đó, tôi được biết tôi đã đoạt giải thưởng Nobel về hòa bình. Mặc dù đối với tôi, tin này không ảnh hưởng nhiều cho lắm, song tôi nhận thấy điều này lại có một ý nghĩa lớn đối với người dân Tây Tạng, vì chính họ là “người đoạt giải” đích thực. Thắng lợi của bản thân tôi bắt nguồn từ những gì tôi thấy, đó là nhận thức trên toàn thế giới về giá trị của lòng từ bi, sự tha thứ và lòng yêu thương. Hơn nữa, tôi vui mừng thấy ngay tại lúc này, con người của nhiều quốc gia tự họ nhận thấy rằng sự thay đổi mang tính chất hòa bình không phải là không khả thi. Trong quá khứ, ý tưởng về “cách mạng bất bạo động” dường như chỉ là một loại ý tưởng phi thực tế, nhưng từ những bằng chứng mạnh mẽ nói trên, tôi rút ra được một nguồn an ủi vô cùng lớn lao.

Đã có lần chủ tịch Mao nói rằng quyền lực chính trị bắt đầu từ thùng thuốc súng. Ông chỉ đúng một phần. Quyền lực bắt nguồn từ thuốc súng có hiệu lực chỉ trong một thời gian ngắn. Cuối cùng, lòng yêu chuộng sự thật của con người, tính công bằng, tinh thần tự do và dân chủ của loài người sẽ chiến thắng. Dù chính phủ có thi hành những gì đi chăng nữa, tinh thần nhân bản sẽ luôn luôn chiến thắng.

Tôi trực tiếp thực nghiệm được quyền lực đích thực này vào cuối năm 1989 khi sang thăm Berlin đúng ngày Egon Kranz bị lật đổ. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền Đông Đức, bản thân tôi được trèo lên bức tường Đông - Tây Berlin. Khi đứng trên bức tường, ở vị trí quan sát toàn diện của trạm gác, một bà già lặng lẽ đưa cho tôi cây nến đỏ. Với một tâm trạng, tôi châm ngọn nến và giơ lên. Trong phút giây, ngọn lửa bé nhỏ nhảy múa như bị đe dọa thổi tắt, nhưng nó vẫn cháy, và khi đám đông chen lấn xung quanh, nắm lấy tay tôi, tôi cầu nguyện cho ánh sáng của lòng từ bi, trí tuệ sẽ tràn đầy thế giới, xua tan sự tối tăm của sợ hãi, của áp bức. Đó chính là thời khắc tôi nhớ mãi.

Điều tương tự như vậy cũng xảy ra khi tôi tới Tiệp Khắc mấy tuần sau, với tư cách là khách mời của tổng thống Havel, người mới ra khỏi nhà tù do hoạt động chính trị, bấy giờ là Chủ tịch nước. Tới nơi, tôi được rất đông người chào đón một cách xúc động. Nhiều người rơm rớm nước mắt, họ vẫy tay làm dấu hiệu chiến thắng. Ngay lập tức tôi thấy rằng, dù bao năm tháng dưới một nền độc tài chuyên chế, những người dân nam nữ này vẫn tràn trề sinh lực và hớn hở với nền tự do họ mới giành được.

Tôi vô cùng vinh dự được tới thăm Tiệp Khắc lần đầu tiên, không chỉ do người đứng đầu quốc gia này mời, mà còn do lời mời của một con người kiên định, con người này thể hiện sự tôn trọng chân lý như thế đó. Tôi thấy vị Chủ tịch mới rất nhã nhặn, đầy trung thực, khiêm tốn và hài hước. Tại bữa ăn tối hôm đó, ông ngồi uống bia, tay cầm điếu thuốc lá, ông nói ông gắn bó chặt chẽ với vị Dalai Lama thứ sáu, người có thanh danh trên cõi trần tục. Điều này tự nhiên khiến tôi trông đợi một cuộc cách mạng thứ hai ở Tiệp Khắc: đó là giảm bớt hút thuốc trong bữa ăn! Nhưng điều tôi ấn tượng nhất về vị Chủ tịch này là phong cách không tự phụ. Dường như ông không bị ảnh hưởng bởi vị trí mới của mình, cái nhìn và cách nói của ông cho ta thấy ông có một độ nhạy cảm rất lớn.

Một con người khác tôi được gặp hồi đầu năm 1990, con người gây cho tôi một ấn tượng vô cùng sống động, đó là ông Baba Amte, người sáng lập ra một ngôi làng ở miền nam Ấn Độ. Trên mảnh đất trước đây cằn cỗi, ông tạo ra một cộng đồng thịnh vượng được bao bọc bởi cây cối, một vườn hoa hồng, vườn rau xanh, một bệnh viện nhỏ, một tòa nhà cho người già cả, trường học và xưởng thợ. Riêng điều này cũng là một thành tựu to lớn, nhưng điều nổi bật nhất là ngôi làng này được xây dựng lên hoàn toàn do những người tàn tật.

Khi đi quanh làng, tôi không nhìn thấy những điểm gì gợi lên một sự nhân nhượng đối với họ. Đến một nơi, tôi đi vào trong nhà kho, ở đây có một người thợ đang sửa cái bánh xe đạp. Trong những phần còn lại của hai bàn tay người hủi, anh ta cầm một cái đục và một cái búa, anh sử dụng chúng với một động tác mạnh mẽ đến nỗi tôi không thể không nghĩ rằng anh ta muốn thể hiện. Nhưng thái độ hồ hởi tự tin của anh đã khẳng định là, với một tổ chức đúng đắn, nhiệt tình, ngay cả những con người bị thiệt thòi nghiêm trọng về tố chất, họ cũng vẫn có thể đạt được chân giá trị, được công nhận như một thành viên hữu ích của xã hội.

Baba Amte là một con người kỳ lạ. Cuộc đời ông đã có một thời kỳ mạnh khỏe, cường tráng, rồi ông phải chịu một thử thách ghê gớm về bệnh tật, bản thân ông gần như tàn tật và do hư hại cột sống, giờ đây ông chỉ có thể đứng thẳng hoặc nằm dài ra. Tuy nhiên ông vẫn tràn trề năng lượng tới mức tôi không thể làm nổi công việc của ông, dù tôi khỏe hơn ông. Khi ngồi xuống giường cầm lấy tay ông, khi ông bày tỏ với tôi, tôi không thể không cảm nhận được, rằng đây chính là một con người thực sự từ bi. Tôi nói với ông, một khi lòng từ bi của tôi là nói nhiều, lòng từ bi của ông lại tỏa sáng qua những gì ông đã làm. Đến lượt Baba Amte kể cho tôi nghe câu chuyện tại sao ông lại quyết định cống hiến đời mình để giúp đỡ người khác. Một hôm, ông trông thấy một người hủi có những con dòi ở ngay chỗ ông để mắt tới. Đó là tất cả lý do.

Những ví dụ về lòng nhân ái như vậy mang lại cho tôi niềm tin, là một ngày nào đó, mọi nỗi khổ đau của dân tộc tôi trong bàn tay chính quyền Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa sẽ chấm dứt, vì người Trung Quốc đông tới hàng trăm triệu, trong khi có thể có nhiều ngàn người tham gia vào những hành động tàn ác trong một phút chốc nào đó, tôi vẫn tin rằng có rất nhiều triệu người đang thực hiện những hành vi vô cùng nhân đạo.

Điều đó nói rằng tôi không thể quên được hoàn cảnh hiện tại của Tây Tạng, nơi mà không có một bất mãn nào, một trấn áp nào lại chỉ giới hạn ở Lhasa. Vào thời điểm giữa cuối tháng 9 năm 1987 và tháng 8 năm 1990, hơn tám mươi cuộc biểu tình được ghi nhận. Nhiều cuộc biểu tình chỉ có một số ít người, và cũng không phải tất cả đều kết thúc trong đổ máu. Nhưng cuối cùng, người dân nam nữ chúng tôi vẫn phải gánh chịu một triều đại khủng bố mới. Ngay trong thủ đô, nơi mà số dân Trung Quốc vượt xa số dân Tây Tạng, gần đây người ta còn thấy cả xe tăng, trong khi những báo cáo gần nhất do các tổ chức như Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế và tổ chức Quan Sát Châu Á chỉ rõ các cuộc đàn áp dã man vẫn tiếp tục xảy ra trên toàn cõi Tây Tạng. Bắt bớ không có lý do, đánh đập, tra tấn, thậm chí tử hình không có phiên tòa xét xử, những thứ này tiêu biểu cho cách đối xử của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Bản danh sách đau khổ này phải được thêm vào những lời chứng của nhiều người Tây Tạng, những người bị tù đày, ngược đãi sau một hoặc nhiều cuộc biểu tình, những người sau đó đã thành công trong việc trốn chạy tới Ấn Độ. Có một người, hiện dấu tên vì sợ thân nhân bị trả thù, anh mô tả với những người điều tra về nhân quyền, là anh ta bị lột truồng, bị còng tay trong xà lim một thời gian dài, bị ngược đãi về thể xác và ngôn ngữ. Đôi khi, những người cai ngục say rượu vào tận trong xà lim đánh đập anh ta. Có một đêm, anh bị họ liên tiếp đập đầu anh vào tường chảy cả máu mũi, dù lúc đó anh vẫn tỉnh táo. Anh cũng mô tả mình bị đem làm mục tiêu cho các cuộc tập võ bởi những người cai tù “sặc mùi rượu”. Giữa hai thời gian hỏi cung để ép buộc anh phải thú nhận đã tham gia biểu tình, đôi khi anh bị bỏ đói mấy ngày không được ăn, không cả một ổ rơm trong xà lim lạnh lẽo đắng cay.

Tới ngày giam giữ thứ năm, người đàn ông này bị đánh thức dậy, bị dẫn tới trung tâm thẩm vấn bên ngoài nhà tù. Đầu tiên hai người gác giữ chặt anh nằm trên đất, trong khi người thứ ba quỳ xuống dùng hai tay nắm đầu anh liên tiếp đập thái dương phía bên trái xuống nền đất chừng mươi phút. Sau đó anh mô tả mình phải chịu đựng một phương pháp tra tấn gọi là “đi máy bay":

“Tôi bị nhấc khỏi mặt đất, hai người lính trói tay tôi bằng dây thừng. Chiếc dây thừng này có một cái vòng bằng sắt ở giữa, vòng sắt được đặt ngay phía sau gáy tôi. Hai đầu dây luồn qua phía trước vai tôi, cuộn theo hình xoắn ốc rất chặt xung quanh cánh tay, cuối cùng xiết chặt các ngón tay. Rồi một người lính kéo hai đầu cuối chiếc dây xuyên qua cái vòng, lôi ngược cánh tay tôi lên giữa hai xương bả vai. Nắm chặt dây thừng, anh ta ấn mạnh đầu gối vào phía thắt lưng, làm tôi đau nhói trong ngực. Rồi dây thừng lại vắt qua một cái móc trên tường và kéo xuống phía dưới khiến tôi bị treo lửng lơ ngón chân chỉ vừa chấm tới mặt đất. Tôi lập tức hôn mê. Tôi không biết mình lịm đi trong bao lâu, nhưng khi tỉnh dậy, tôi thấy mình trần truồng trong xà lim, tay vẫn bị còng, chân bị xiềng.”

Bốn ngày sau, người ta lột quần áo anh, còng tay nhưng chân không bị xiềng, dẫn anh ra khỏi phòng giam. Anh không bị đưa tới nơi hỏi cung, người ta dắt anh tới một cái cây.

“Một người lính cầm cuộn dây thừng to, trói tôi vào cái cây. Chiếc dây thừng quấn quanh người tôi từ cổ xuống tới đầu gối. Rồi người lính đứng đằng sau thân cây, đạp chân vào cây để xiết chặt dây thừng. Những người lính Trung Quốc ngồi xung quanh cây đang ăn trưa. Một người lính đứng dậy, ném những gì còn lại trong bát rau và ớt lên mặt tôi. Quả ớt làm tôi bỏng mắt, đến bây giờ tôi vẫn còn hơi đau. Sau đó họ cởi trói, đưa tôi về xà lim, nhưng tôi thường vấp ngã vì tôi bước đi rất khó khăn, mỗi lần tôi ngã tôi lại bị đánh.”

Những người trước đây bị tạm giữ vì tình nghi, họ kể lại rằng họ thường bị cảnh sát dùng dùi cui điện gây điện giật khi cuộc biểu tình đang tiến hành. Một thanh niên nói anh bị cảnh sát ấn dùi cui điện vào mồm khiến anh sưng đau nhức nhối, một vị sư nữ nói với những người điều tra là bà bị thứ dụng cụ tra tấn này ấn vào hậu môn và âm đạo.

Trong khi việc sử dụng các thông tin này để khẳng định tất cả những gì về người Trung Quốc là một điều hấp dẫn, song tôi biết rằng đó lại là một sai lầm. Nhưng công bằng mà nói, những hành vi đồi bại này không thể bỏ qua được. Vậy, dù phần lớn cuộc đời tôi sống tha hương, dù theo lẽ tự nhiên tôi rất quan tâm tới mọi công việc của Trung Quốc trong suốt thời gian này, cuối cùng tôi cũng chỉ có được một số thực nghiệm như “người quan sát Trung Quốc”, và tôi cũng phải thú nhận rằng tôi hoàn toàn không thể hiểu hết được cách suy nghĩ của họ.

Khi tới thăm Trung Quốc vào đầu năm 1950, tôi có thể thấy được rất nhiều người đã từ bỏ tất cả để tạo ra một thay đổi cho xã hội. Vô số người mang nhiều vết sẹo do các cuộc chiến đấu, phần lớn họ là những người với niềm tin cao nhất, họ thành thật cố gắng mang lại lợi ích thực sự cho mọi người trong đất nước rộng lớn của họ. Để làm được việc này, những người đó xây dựng một hệ thống đảng giúp họ biết mọi chi tiết gần nhất về từng người, tới tận số giờ ngủ mỗi người cần tới. Họ nhiệt tình với lý tưởng tới mức sãn sàng làm mọi thứ để đạt được lý tưởng đó. Về người lãnh đạo của họ, Chủ Tịch Mao Trạch Đông, họ có một con người có tầm nhìn rộng lớn, sáng tạo, một con người nhận thức được giá trị của việc phê bình mang tính xây dựng và luôn luôn cổ vũ nó.

Song rất nhanh, vai trò quản lý mới trở nên tê liệt bởi những chuyện cãi cọ tầm thường. Tôi trông thấy những chuyện đó ngay trước mắt tôi. Rất nhanh, họ bắt đầu chuyển đổi từ sự thật sang chuyện bịa đặt, nói những lời dối trá bất kỳ lúc nào thấy cần thiết để tỏ ra mình là tốt đẹp. Khi tôi gặp Chu Ân Lai ở Ấn Độ trong trường hợp này vào năm 1956 và cho ông biết về những nỗi lo lắng của tôi, ông trả lời bằng cách nói tôi hãy yên tâm đi, tất cả mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Thực tế, mọi chuyện còn tồi tệ hơn.

Trở lại Tây Tạng năm 1957, tôi thấy nhà cầm quyền Trung Quốc công khai ngược đãi người dân tôi, dù rằng đồng thời tôi luôn được họ cam đoan sẽ không có việc can thiệp nội bộ. Họ dối trá mà không hề do dự như đã từng dối trá. Còn tệ hơn nữa, dường như là đại bộ phận thế giới bên ngoài sẵn sàng tin vào những điều hư cấu này. Rồi trong những năm 1970, một số chính trị gia lỗi lạc được đưa tới Tây Tạng, sau khi trở lại họ nói ở đó mọi chuyện đều tốt đẹp.

Sự thực vẫn như vậy, sau khi Trung Quốc xâm chiếm, trên một triệu người Tây Tạng đã chết vì kết quả trực tiếp do những chính sách của Bắc Kinh. Khi Trung Quốc thực hiện các giải pháp của những chính sách này ở Tây Tạng năm 1965, Liên Hiệp Quốc thẳng thắn phát biểu rằng sự xâm chiếm quê hương tôi của Trung Quốc được mô tả là “những hành vi giết chóc, hãm hiếp, và cầm tù không xét xử; tra tấn và đối xử độc ác, vô nhân đạo, hạ phẩm giá người Tây Tạng trên quy mô rộng lớn.”

Tôi vẫn còn lúng túng trong việc giải thích lý do những sự kiện này xảy ra, làm sao mà mọi ý tưởng cao quý của những con người nam nữ tốt như vậy lại trở thành những hành vi dã man vô lý thế. Tôi cũng không hiểu được động cơ nào khiến các nhân vật trong giới lãnh đạo Trung Quốc lại hăng hái khuyến khích việc hủy diệt chủng tộc Tây Tạng. Dường như Trung Quốc là một quốc gia đã mất đi niềm tin của nó, kết quả là người dânTrung Quốc, bản thân họ phải chịu đựng nỗi khổ không thể nói được trên bốn mươi mốt năm dưới chiêu bài chủ nghĩa Cộng Sản.

Hơn nữa, mục đích của chủ nghĩa Cộng Sản đã từng là một trong những thử nghiệm lớn nhất của nhân loại trong mọi thời điểm, và tôi không phủ nhận bản thân tôi đầu tiên rất ấn tượng với ý tưởng đó. Nhưng rất nhanh, tôi phát hiện ra là dù chủ nghĩa Cộng sản tuyên bố rằng phục vụ “nhân dân”, vì nhân dân mà có được “khách sạn của nhân dân”, “bệnh viện của nhân dân"…”, song nhân dân không có nghĩa là mọi người, mà chỉ là những người có một số quan điểm, là quan điểm này được một thiểu số nắm giữ, được coi là “quan điểm của nhân dân”.

Sự quá khích của chủ nghĩa Cộng sản trực tiếp nhằm vào xã hội phương tây. Thái độ chuyên chính vô sản mà những chính quyền Mác xít đầu tiên hoan nghênh, thái độ này được coi là một trong những biện pháp phòng ngừa lố bịch mà chính quyền Mác xít này dùng để tự bảo vệ mình. Họ trở nên nghi ngờ với mọi người, mọi thứ, sự nghi ngờ lại gây ra những nỗi đau khủng khiếp vì nó chống lại nét tiêu biểu cơ bản của nhân loại, cụ thể là ước muốn của một con người được tin vào người khác. Về việc này, tôi nhớ lại một trường hợp ngớ ngẩn xảy ra trong cuộc viếng thăm gian phòng của Lê Nin ở điện Kremlin khi tôi tới thăm Mạc Tư Khoa năm 1982. Tôi bị canh chừng bởi một nhân viên an ninh nghiêm nghị mặc thường phục, sẵn sàng nổ súng ngay lập tức, trong khi đó một nữ hướng dẫn viên giải thích một cách máy móc về lịch sử cuộc Cách Mạng Nga.

Tuy nhiên, trong tất cả những gì tôi có đối với bổn phận chính trị, tôi cho rằng tôi vẫn một nửa là người theo chủ nghĩa Mác. Tôi không phản đối chủ nghĩa tư bản chừng nào nó được thực hiện với một đường lối nhân đạo, nhưng niềm tin về tôn giáo hướng tôi tiến tới Chủ Nghĩa Xã Hội và Chủ Nghĩa Quốc Tế, những chủ nghĩa gần gũi với giáo lý của Phật giáo hơn. Điểm thu hút khác của chủ nghĩa Mác đối với tôi là sự thừa nhận con người cuối cùng phải chịu trách nhiệm về số phận của chính mình. Điểm này phản ánh một cách chính xác ý tưởng của Phật giáo.

Dựa vào điều này, tôi đặt vấn đề là những quốc gia theo đuổi Chủ Nghĩa Tư Bản bằng một cấu trúc dân chủ, những quốc gia này tự do hơn những quốc gia theo đuổi ý tưởng Cộng sản. Nên cuối cùng tôi ủng hộ một chính phủ mang tính nhân bản, một chính phủ hướng tới phục vụ toàn thể cộng đồng: trẻ em, người già, người tàn tật, cũng như với tất cả những ai có thể là thành viên trực tiếp hữu ích của xã hội.

Nói rằng tôi vẫn giữ trạng thái một nửa Mác xít, nếu như tôi đi bầu cử, tôi sẽ bỏ phiếu cho một trong những đảng về Môi Trường. Một trong những phát triển tích cực của thế giới gần đây là sự gia tăng ý thức con người về tầm quan trọng của tự nhiên. Chẳng có gì thần thánh hoặc linh thiêng về vấn đề này cả. Việc chăm sóc hành tinh của chúng ta cũng giống như việc chăm sóc ngôi nhà của mình. Khi mà chúng ta, những thực thể, chúng ta từ tự nhiên mà ra, thì việc chống lại quy luật tự nhiên là một điều vô nghĩa, đó là lý do tại sao tôi nói rằng vấn đề môi trường không phải là vấn đề tôn giáo, đạo đức, tiêu chuẩn phẩm hạnh. Đó là những thứ xa xỉ, chúng ta có thể tồn tại mà không có chúng. Nhưng chúng ta sẽ không tồn tại nếu chúng ta chống lại tự nhiên.

Ta phải chấp nhận điều này. Nếu chúng ta không duy trì sự cân bằng tự nhiên, loài người sẽ chịu hậu quả tai hại. Hơn nữa, là những người sống tới hôm nay, chúng ta buộc phải suy nghĩ về các thế hệ trong tương lai: một môi trường trong sạch là một quyền lợi của loài người cũng như các quyền lợi khác. Do vậy, đó là một phần trách nhiệm của chúng ta đối với những người khác, để đảm bảo rằng thế giới mà chúng ta tiếp tục cuộc hành trình của sự sống là một thế giới lành mạnh, nếu không nói là lành mạnh hơn thế giới chúng ta đã tìm ra nó. Đây không phải là một vấn đề khó khăn như mọi người tưởng tượng. Dẫu rằng là những cá thể, việc thực hiện đối với chúng ta có một số hạn chế, song kết quả mà vũ trụ có thể đạt được lại vô hạn. Điêù này phụ thuộc vào chúng ta, những đơn vị độc lập, để chúng ta làm tất cả những gì có thể, dù nhiều hay ít. Giống như hành động tắt đèn khi ra khỏi phòng là một điều vụn vặt, song không có nghĩa rằng không nên làm như vậy.

Là một nhà sư, ở đây tôi cảm thấy việc tin vào khái niệm 'nghiệp quả' là một điều rất hữu ích trong cách sống hàng ngày. Khi bạn tin vào mối liên quan giữa động cơ thúc đẩy và hậu quả của nó, bạn sẽ cẩn thận hơn với những hậu quả do hành động của bạn gây ra, hậu quả này sẽ tác động lên chính bạn và những người khác nữa.

Vì thế, dù rằng thảm họa ở Tây Tạng đang tiếp diễn, tôi vẫn còn thấy được những gì tốt đẹp trong thế giới. Tôi đặc biệt được cổ vũ là niềm tin vào sự bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng như một nhu cầu, niềm tin này dường như phải được nhường cho một sự nhận thức sâu sắc, là con người chúng ta phải bảo tồn tài nguyên của trái đất. Điều này vô cùng cần thiết. Nhân loại, theo một cách hiểu, là những đứa con của trái đất. Nhưng ngược lại cho tới bây giờ, người mẹ trái đất chung của chúng ta dù vẫn khoan dung đối với cách cư xử của đứa con bà, hiện nay người mẹ này đang cho chúng ta thấy bà đã chớm tới giới hạn của sự khoan dung.

Lời cầu nguyện của tôi là một ngày nào đó tôi có khả năng mang thông điệp về sự quan tâm tới môi trường, tới những người khác; thông điệp này sẽ được mang tới nguời dân Trung Quốc. Một khi Phật giáo không hề xa lạ với người Trung Quốc, tôi tin rằng tôi có thể phục vụ họ với một đường lối rất thực tiễn. Người tiền nhiệm cuối cùng của Panchen Lama đã một lần điều khiển nghi lễ Kalachakra ở Bắc Kinh. Nếu là tôi, tôi cũng sẽ làm như vậy. Vì là một nhà sư, mối quan tâm của tôi mở rộng tới tất cả mọi người trong gia đình nhân loại, và thật ra, đối với tất cả mọi sinh linh đang khổ đau.

Tôi tin rằng nỗi đau khổ này phát sinh bởi vô minh, con người gây ra nỗi khổ đau cho người khác chỉ vì theo đuổi hạnh phúc riêng tư hoặc do thỏa mãn ý muốn cá nhân của họ. Tuy nhiên hạnh phúc đích thực chỉ đến từ một cảm xúc hòa bình trong nội tâm, cảm xúc này phải đạt được qua việc tích lũy lòng vị tha, tình yêu, lòng từ bi, qua việc loại trừ những cảm xúc tức giận, ích kỷ và tham lam.

Với một số người, điều này có vẻ ngây thơ, nhưng tôi muốn nhắc nhở họ rằng, việc chúng ta ở một miền nào trên trái đất, điều này không quan trọng, căn bản tất cả chúng ta đều là con người như nhau. Chúng ta đều mưu cầu hạnh phúc, tránh xa khổ đau. Chúng ta có chung một nhu cầu, một mối quan tâm. Hơn nữa, tất cả mọi người đều muốn tự do và có quyền quyết định số phận của mình như một cá thể. Đó là bản chất tự nhiên của loài người. Những thay đổi lớn xảy ra khắp nơi trên thế giới, từ Đông Âu tới châu Phi, đó là những dấu hiệu rõ ràng về vấn đề này.

Cùng một lúc, những vấn đề hiện nay chúng ta đang phải đối mặt: bạo động, xung đột, tàn phá tự nhiên, nghèo nàn, đói khát vv…, đó là những vấn đề do chính con người gây ra. Những vấn đề này có thể giải quyết được, nhưng chỉ bằng vào nỗ lực của con người, vào sự hiểu biết và sự phát triển tình bằng hữu anh em. Để làm được điều này, chúng ta cần tích lũy một ý thức trách nhiệm toàn cầu vì mọi người, vì hành tinh chúng ta đang chia sẻ, dựa trên cơ sở thiện chí, sáng suốt. Giờ đây, dù tôi thấy rằng Phật giáo rất có ích trong việc tạo ra tình yêu thương và lòng từ bi, tôi vẫn tin là những phẩm chất như thế, ai ai cũng có thể tạo ra được dẫu rằng họ có tin vào tôn giáo hay không. Hơn nữa tôi còn tin là mọi tôn giáo đều theo đuổi cùng một mục đích: tích lũy những đức tính tốt, mang lại hạnh phúc cho mọi người. Phương tiện có thể khác đi, nhưng kết quả đều giống nhau.

Tất cả những vấn đề nói về trách nhiệm toàn cầu này có vẻ như ngây thơ, vô vọng. Tuy nhiên, đó là một ý tưởng tôi phải công khai nhấn mạnh hơn bao giờ hết ngay từ lần đầu tiên ra nước ngoài sau khi tha hương ở Ấn Độ năm 1973. Và trong lúc người ta hoài nghi với ý tưởng đó, cũng như họ không luôn luôn dễ dàng hứng thú với ý niệm thế giới hòa bình, tôi vui mừng thấy rằng giờ đây số lượng người bắt đầu hưởng ứng ý tưởng này một cách đầy thiện chí, số lượng đó gia tăng. Với kết quả của những sự kiện lạ lùng đầy tính nhân bản được thực nghiệm trong thế kỷ thứ hai mươi, tôi cảm thấy chúng ta đang trưởng thành. Ví dụ, trong những năm 50 và 60, ngay cả những năm 70, rất nhiều người nhận thấy giải pháp cuối cùng cho các mâu thuẫn phải dẫn tới chiến tranh.

Ngày hôm nay, cách suy nghĩ đó chỉ thống trị trong ý tưởng của một thiểu số. Và khi mà trong phần đầu của thế kỷ này, nhiều người tin rằng những buớc tiến bộ, phát triển trong xã hội cần được theo đuổi bằng hình thức tổ chức khắt khe, thì sự sụp đổ của chủ nghĩa phát xít, sự mất đi bức màn sắt, những việc này đã chứng tỏ ý tưởng đó là một ý tưởng vô vọng. Tương tự như vậy, chúng ta thấy trong khi gần một thế kỷ, có những quan điểm coi khoa học và tâm linh là những thứ xung khắc nhau, thì ngày nay, khi khoa học hiểu bản chất thực tại một cách sâu hơn, đặc biệt trong lĩnh vực cơ học lượng tử, quan điểm này đã thay đổi. Rõ ràng là chúng ta không còn nói một cách mạch lạc, súc tích về thực tại như một hiện tượng tách rời khỏi thực nghiệm của loài người. Vì lý do đó, con người bắt đầu quan tâm tới cái tôi gọi là “thế giới bên trong”, đó là động lực và chức năng của ý thức, hoặc là tâm linh, thế giới này ảnh hưởng tới cơ thể. Tất nhiên, thêm vào đó là sự gia tăng toàn cầu về ý thức môi trường.

Đối với tôi, đây là tất cả những bước phát triển rất đáng khích lệ, chắc chắn chúng sẽ có nhiều kết quả có ảnh hưởng sâu rộng. Cho nên ý thức cũng phát triển. Trong thế giới ngày nay, thế giới có mối quan hệ tương hỗ rõ ràng, không một cá thể, một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết toàn bộ vấn đề của mình, chúng ta cần thiết lẫn nhau. Và dù cho rất nhiều nỗi đau khổ tiếp tục tác động tới từng cá thể, từng dân tộc, dưới chiêu bài ý thức hệ, hoặc tôn giáo, hoặc tiến bộ, phát triển, từ những áp lực này, một niềm hy vọng mới nổi lên. Khắp mọi nơi con người biểu lộ sự tự nguyện hy sinh hạnh phúc riêng tư của họ, đôi khi cả sinh mạng cá nhân vì quyền lợi và tự do cho đồng bào. Dù sao, sự hy sinh đó không đơn độc. Những thành công gần đây của các cuộc đấu tranh vì nhân quyền, vì dân chủ ở những nơi như Nam Phi, Liên Xô cũ không thể xuất hiện mà không có sự thông cảm, hỗ trợ và quan tâm của mọi cá nhân khắp các nơi, những người tuy không dính dáng trực tiếp, song họ vẫn cảm thấy có trách nhiệm đối với quyền lợi và hạnh phúc của người khác. Vậy thì, dẫu đưa ra những thay đổi tích cực trong xã hội là điều rất khó, nhưng chắc chắn thế giới sẽ cố gắng. Điều này có thể xảy ra. Đây là niềm tin vững chắc của tôi. Dù chúng tôi thành công hay không, đó là một vấn đề khác: điều quan trọng là chúng ta cần cố gắng tới mức tối đa.

Vì thế, bằng vào cuộc sống cá nhân, tôi luôn luôn cố gắng trung thực, kể cả đối với những người coi tôi là kẻ thù. Nếu như thay vì cư xử như vậy, tôi lại phát sinh ý đồ xấu xa qua nỗi tức giận hoặc hận thù, thì ai sẽ bị thiệt thòi? Không ai cả, mà chính là tôi. Niềm vui, khả năng ngủ ngon giấc, kể cả khẩu vị của tôi cũng sẽ bị tổn thương, còn ý đồ xấu của tôi lại không thể gây tổn thương cho người bị ý đồ đó hướng tới. Sự dao động xuất hiện cùng với thứ ý nghĩ đó không những chẳng giải quyết được gì mà chỉ làm yếu đi cấu trúc của tôi. Kết quả là những người mà tôi đã có thể giúp họ hạnh phúc, những người đó sẽ không hạnh phúc. Vậy thì trong khi một số người có thể phê phán tôi, tôi cố gắng giữ trạng thái vui vẻ. Tôi biết rất rõ nếu tôi muốn làm việc vì tự do và công bằng một cách hiệu quả, điều tốt nhất là hãy thực hiện mà không hề có một ý nghĩ độc ác nào trong tâm hồn. Nếu tôi vẫn duy trì một sự yên lặng, tập trung vào ước muốn phục vụ mọi người, tôi tin chắc rằng mình sẽ có khả năng đóng góp vượt thời gian. Tôi tin chắc vào điều đó do trung thành với chủ nghĩa bất bạo động, chủ nghĩa này dựa trên cơ sở một ước vọng chân thành về tình bằng hữu toàn cầu, do vậy tôi đã đạt được một số kết quả tích cực, dù rằng những kết quả này hãy còn mờ nhạt, mong manh.

CHƯƠNG 16
TRỞ LẠI MỘT TÂY TẠNG TỰ DO?

Trong khi cuốn sách này xuất bản lần đầu tiên, trên thế giới đã có rất nhiều đổi thay. Tại thời điểm đầu của thiên niên kỷ mới, dù có một vài cuộc xung đột mới xảy ra, tôi tin rằng chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của một tinh thần mới về đối thoại và hòa giải. Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa cũng không tránh khỏi điều này. Thực ra, trong thập kỷ cuối cùng, Trung Quốc đã phát triển trên một đường lối xuất sắc nhìn chung đáng ca ngợi. Vấn đề quản lý Hong Kong một cách thực tiễn, mềm dẻo sau khi tái lập chủ quyền ở đó thật vô cùng ấn tượng. Tuy nhiên, thật đáng buồn là những thay đổi trong nội địa Tây Tạng chủ yếu vẫn còn tồi tệ. Chắc chắn từ quãng thời gian 1994, tình trạng trong một vài khu vực đã trở nên xấu hơn tới mức chưa từng thấy kể từ sau cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Nhân quyền cơ bản của người Tây Tạng hàng ngày vẫn bị xâm phạm có hệ thống. Vẫn tiếp tục có rất nhiều cuộc bắt bớ, đánh đập, tra tấn và xử tử đối với những người đòi tự do mà hiện nay việc đòi tự do là điều dĩ nhiên xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Một trong những diễn biến gây phiền phức nhất là phương pháp các nhà cầm quyền Trung Quốc đang thực hiện ở Tây Tạng qua việc sử dụng vũ lực để ngăn chặn những thể hiện không đáng kể của sự bất đồng. Sau quãng thời gian ngắn từ cuối thập kỷ trước tới đầu thập kỷ này, một nguồn thông tin đáng kể đã lọt ra ngoài Tây Tạng. Tuy nhiên, ví dụ như trước đây những nhà báo ngoại quốc được phép ra vào Tây Tạng tương đối dễ dàng, thì hiện nay sự có mặt của họ lại bị cấm trừ những trường hợp ngoại lệ được quản lý cẩn thận. Hơn nữa, dòng người Trung Quốc định cư vẫn tiếp tục tràn vào, do bị quyến rũ bởi những ưu đãi kinh tế không nghiêm chỉnh, bao gồm cả lời hứa về một mức lương cao hơn mức lương ở quê nhà. Sự kiện này phá hoại nền văn hóa Tây Tạng một cách ghê gớm. Người Tây Tạng đã bị giảm xuống thành dân tộc thiểu số ngay trên quê hương họ. Và trong những năm gần đây nhà cầm quyền Trung Quốc hạn chế ngặt nghèo việc nghiên cứu mọi đề tài về Tây Tạng cũng như việc sử dụng ngôn ngữ Tây Tạng làm phương tiện giảng dạy. Chính sách “kinh tế thị trường” này đã thành công trong việc thu hút người di dân, dù rằng nó khiến một số ít người Tây Tạng trở nên giàu có, nhưng nó đã tạo ra một lớp người Tây Tạng thất nghiệp bởi nền giáo dục bệnh hoạn, những con người bị lên án về sự hiện hữu đáng thương của họ.

Cũng trong khía cạnh khác, tình trạng hiện tại ở Tây Tạng tạo ra những bối cảnh bất ổn nghiêm trọng. Trong mười năm qua, một sự kiện đáng buồn nhất xảy ra, có liên quan tới hóa thân của vị Panchen Lama, người tạ thế năm 1989. Để giải thích rõ ràng, điều cần thiết là đưa ra một số bối cảnh. Trước tiên, tôi cần lưu ý với các bạn rằng, tước vị Dalai Lama cũng như tước vị Panchen Lama chỉ đơn thuần biểu thị một chức vụ, ví dụ, giống như là cách gọi “Tổng giám mục địa phận Canterbury” hoặc “Chủ tịch nước”. Bản thân danh tự “Panchen” là một tổ hợp hai từ: Pandita, chữ Phạn nghĩa là “học giả”, và Chenpo, chữ Tạng là “vĩ đại”. Về nguyên bản, tước vị này mang ý nghĩa như vậy vì nhờ nó mà các trưởng lão kế truyền ở tu viện Tashilunpo được biết tới. Tu viện đặc biệt này tọa lạc gần ngay thành phố Shigatse ở tây nam Tây Tạng do Gendun Drup, vị Dalai Lama đời thứ nhất vào năm 1447 dương lịch sáng lập. Tuy nhiên, chỉ tới thời kỳ của vị Dalai Lama thứ năm (1617-1682) thì truyền thừa các hóa thân mới được áp dụng với tu viện “Điềm lành rực rỡ” (nghĩa đen của danh từ Tashilunpo). Sau đó, một phần do đây là một trong những tu viện quan trọng nhất ở Tây Tạng với tối đa có lẽ là 4.000 vị sư, nên ở đây phát triển một mối quan hệ đặc biệt giữa Dalai Lama và Panchen Lama. Kết quả là, trong thời gian chưa có người chính thức kế vị giữa các Dalai Lama, thời gian giữa cái chết của vị đương đại với thời điểm đảm đương chức vụ của vị kế tiếp, Panchen Lama nhận một quyền hạn đặc biệt trong việc tìm kiếm hóa thân của Dalai Lama.

Vị Panchen Lama sau này, tên thụ phong đầy đủ là Lobsang Trinley Lhundrup Choekyi Gyalsten, là vị thứ mười được công nhận. Như bạn đọc đã biết, vị này có một cuộc sống cực kỳ gian khổ. Tuy nhiên, dù bị ngược đãi trong bàn tay của những người mà khi vị này còn trẻ, những người đó cố tranh thủ vị này với nhiều lời hứa hữu nghị, Panchen Lama chắc chắn là một chiến sĩ vĩ đại chiến đấu cho sự nghiệp tự do ở Tây Tạng. Điều này có thể được tuyên bố một cách chắn chắn vì sau khi được thả, Panchen Lama vẫn tiếp tục can đảm công khai phê phán nhiều mặt khác nhau của chính sách Trung Quốc ở Tây Tạng. Mười lăm năm bị giam hãm đọa đầy không thể làm giảm đi sự khẳng định công bằng và chân lý của vị này. Dẫu là một chiến sĩ chiến đấu cho tự do khác, nhà chính trị đối lập Wei Jingshen người Trung Quốc, người cùng trong một nhà tù thời gian đó, ông này cũng nói đã có lúc Panchen Lama nghĩ tới tự sát vì chế độ trong tù quá khắc nghiệt, song vị này sống sót bằng nguyên lòng can đảm của mình. Vị này được người ta báo cáo là đã nói “Các anh có thể mang thi thể tôi tới Ban Chấp Hành Trung Ương”.

Tuy vậy, điều thực sự quan trọng của truyền thừa Panchen Lama lại là khía cạnh tâm linh hơn là mặt chính trị. Tập trung quanh các Panchen Lama có rất nhiều vị thánh học giả. Cũng như trên trái đất này, Dalai Lama được coi là hiện thân của Chenrezig, vị Bồ Tát của lòng từ bi, thì Panchen Lama cũng được coi là hiện thân của Đức Phật Amithaba, Phật A Di Đà, vị Phật “Ánh sáng vô lượng”. Do vậy tôi công nhận vai trò truyền thống của Dalai Lama là khẳng định và thừa nhận hóa thân mới của Panchen Lama với một trách nhiệm nặng nề.

Khía cạnh quan trọng của điều này liên quan tới việc đảm nhận nhiều thực hành tôn giáo mà tôi tiến hành tuyệt đối cẩn thận. Lần thực hành đầu tiên, gồm cả một phương pháp bói toán gọi là mo, xảy ra vào đầu năm 1991. Cả thảy mười ba nghi lễ (không phải tất cả đều là nghi lễ bói toán) đều thực hiện trước khi tôi tuyên bố Gendhun Choekyi Nyima, một em bé sáu tuổi ra đời trong một gia đình bình thường ở Nagchu thuộc miền bắc Tây Tạng, là hóa thân đích thực của vị Panchen Lama thứ mười. Thông thường có một danh sách ứng cử viên chừng ba mươi em. Do không muốn chính trị hóa vấn đề này, tôi thông báo cho chính phủ Trung Quốc vào đầu tháng ba năm 1991 về ước muốn được hỗ trợ trong việc tìm kiếm hóa thân, tất nhiên việc này trước hết phải do tu viện Tashilunpo tiến hành ở Tây Tạng. Thật đáng tiếc, không ai chú ý tới. Thay vào đó, nhà cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố việc chọn lựa của tôi không giá trị. Gendhun Choekyi Nyima, vị Panchen Lama đời thứ 11 sau đó bị họ đưa về Trung Quốc. Vị này trở thành người tù chính trị trẻ nhất thế giới.

Tuy vậy, ngược lại với sự kiện này cùng những đáng tiếc khác, có một số bước phát triển tích cực đáng được quan tâm khi đánh giá viễn cảnh tự do ở Tây Tạng. Ví dụ, dần dần có nhiều người dân Trung Quốc tỏ thái độ thông cảm và quan tâm tới vấn đề Tây Tạng. Thực ra, dường như có một xu hướng đoàn kết đối với dân tộc Tây Tạng bị đè nén, xu hướng này phát sinh từ nhận thức chính trị của người Trung Quốc. Đây là một bước phát triển khích lệ tôi mãnh liệt, đặc biệt là tôi đã có những thực nghiệm cá nhân về cảm nghĩ này trong một số trường hợp hiện tại. Ví dụ, tôi nhớ lại có một lần ra nước ngoài, trong một cuộc tiếp đón tại sân một trường đại học, khi đang trong phòng đợi, một sinh viên trẻ lại gần tôi và quỳ xuống đất. Anh nói với tôi, là một người Trung Quốc, anh muốn thể hiện sự đau buồn về những hành động tiêu cực của nam nữ đồng bào anh đối với người Tây Tạng. Rồi trong dịp gần đây, tôi được giới thiệu với một người Trung Quốc, một nhà văn trông khá đặc biệt với chiếc đầu hói, một con người chừng năm sáu mươi tuổi, ông cũng bộc lộ nỗi đau thương của ông đối với những gì đồng bào ông đã làm. Ông nắm lấy tay tôi và khóc, ông nói không có một lời xin lỗi nào có thể rửa sạch những hành vi tàn bạo mà người Trung Quốc đã phạm phải trong việc chống lại người Tây Tạng. Rồi có lúc sau khi nói chuyện trước hai trăm sinh viên Trung Quốc trong một cuộc tới thăm Boston ở Mỹ, tôi ăn trưa cùng với chừng hai mươi người. Đó là những giáo sư, sinh viên và một vài nhà chính trị bất đồng quan điểm, tất cả đều là người Trung Quốc, họ hầu như nhất trí cho tôi biết là nếu đường lối trung dung, ôn hòa của Dalai Lama về vấn đề Tây Tạng được người Trung Quốc biết tới, họ tin chắc rằng tất cả đất nước Trung Quốc sẽ ủng hộ người Tây Tạng.

Thực nghiệm cá nhân về thiện chí của người Trung Quốc đối với người Tây Tạng đã được chứng thực qua một số báo cáo tôi nhận được. Ví dụ, tôi biết một sinh viên trẻ người Tây Tạng tha hương đang theo học cao học trong một trường đại học hàng đầu ở Mỹ, tôi cho rằng sinh viên này theo học luật. Người sinh viên đó cũng nhận được những ấn tượng đầy thiện chí của nhiều người Trung Quốc mà anh đã gặp. Hiện tại có một số lượng đáng kể các học giả người Trung Quốc tới thăm trường đại học này. Anh nói với tôi, đã nhiều lần anh nói chuyện với những người đó, đôi khi cùng đi chơi xa với họ. Trong lúc truyện trò, họ thể hiện sự ngưỡng mộ đường lối của Dalai Lama, phản đối mạnh mẽ những chính sách của chính phủ đối với với Tây Tạng. Những con người nam nữ mà anh sinh viên đã được nói chuyện, giờ đây tất cả đều là những viện sĩ quan trọng. Thật hợp lý khi giả định rằng quan điểm của họ là tôn kính quê hương. Do vậy tôi tin rằng dù thái độ của họ đối với nền tự do của Tây Tạng có thể mang tính cá nhân, song thái độ này vẫn có một tác dụng quan trọng sau này.

Thêm vào đó cũng là sự kiện về số lượng gia tăng lượng người Trung Quốc quan tâm tới Phật giáo nói chung và Phật giáo Tây Tạng nói riêng. Thực ra, có nhiều bài viết trong báo chí quốc tế nói về sự tăng cường mối quan tâm đối với vấn đề này của một bộ phận nhà cầm quyền Trung Quốc. Tôi nhớ lại có đọc một bài báo nói ở tỉnh Quảng Tây Trung Quốc, theo truyền thống, nơi này đã từng là quê hương của một cộng đồng Phật giáo rất mạnh, sự phát triển số lượng chùa chiền, tượng Phật được xây nên do cộng đồng địa phương khiến chính quyền sở tại phải quan tâm tới. Một ủy ban điều tra được thành lập, chủ tọa là bản thân vị lãnh đạo tỉnh. Sau đó một sắc lệnh tuyên bố tất cả những kiến trúc đã xây dựng mà không được phép buộc phải hủy bỏ. Điều này chứng tỏ niềm tin vào tâm linh của những người dân Trung Quốc rất mạnh mẽ và có chiều hướng gia tăng.

Bản thân tôi đã trực tiếp thực nghiệm sự gia tăng mối quan tâm trong những vấn đề tâm linh của người Trung Quốc. Thứ nhất, trước kia chỉ là một số ít, nhưng số lượng người Trung Quốc ở Đài Loan, Singapore và những nơi khác tới Dharamsala nghiên cứu giáo lý tăng lên một cách ổn định. Thực ra, chúng tôi có khá nhiều người Trung Quốc gia nhập các dòng luật ở tu viện, một vài người học tập ở Viện nghiên cứu Phật học biện chứng tại đây. Thứ hai, tôi vô cùng sung sướng vì sau này tôi có nhiều buổi giảng dạy giáo lý ở phương Tây, chủ yếu cho những thính giả người Trung Quốc mà ngôn ngữ cần dịch thuật lại là tiếng Trung. Vấn đề là những gì tôi ghi nhận một cách xúc động, lẽ tất nhiên đối với tôi là một sự mãn nguyện lớn. Tuy vậy, tôi không nói hiện tượng những anh chị em Trung Quốc muốn học được một vài điều gì về chân lý của Phật giáo là một điều đáng ngạc nhiên. Để đón trước sự phát triển này, gần hai mươi năm trước đây, một số các nhà sư Tây Tạng đã học tiếng Trung Quốc, rồi khi thời điểm tới, chúng tôi sẵn sàng có người phiên dịch. Hơn nữa, điều này khiến tôi hy vọng rằng trong tương lai, tôi có thể phục vụ người Trung Quốc về mặt tâm linh. Sau cùng, từ những viễn cảnh đó, tôi thấy không có gì khác biệt giữa chúng tôi và những người khác. Thực ra, không có một sự khác biệt nào giữa mọi thành viên trong gia đình nhân loại, dù họ là người Trung Quốc, Tây Tạng, Ấn Độ, người Âu hay bất kỳ một ai đó. Tất cả chúng ta đều giống nhau về ước muốn được hạnh phúc, tránh khỏi khổ đau.

Với tôi, một phát hiện rất thú vị là việc tôi cảm thấy không hề e ngại, không do dự khi nói về Phật giáo đối với các thính giả người Trung Quốc. Tôi cho là theo truyền thống, rất nhiều người Trung Quốc theo đạo Phật. Ngược lại, khi thuyết trình vấn đề này với các thính giả người phương Tây, bối cảnh và nền văn hóa cơ bản là Do Thái - Thiên chúa giáo, tôi luôn luôn cảm thấy hơi do dự. Đó là vì tôi tin rằng đối với một cá nhân, điều tốt hơn là họ nên duy trì tôn giáo truyền thống của họ thay vì chuyển đổi sang một thứ tôn giáo khác mà nền văn hóa cơ bản của tôn giáo này lại là ngoại lai, không phải là một phần trong những thực nghiệm hàng ngày của họ. Cuối cùng, tôi luôn cảm nhận được mọi mục đích của các tôn giáo về căn bản đều giống nhau, cụ thể là làm chúng ta tốt hơn lên, giảm đi tính ích kỷ, cuối cùng khiến chúng ta trở thành những con người hạnh phúc. Đó là mấu chốt, là trọng tâm của đời sống tôn giáo. Do vậy với quan điểm của tôi, tốt hơn người ta nên duy trì những giá trị truyền thống của họ, bao gồm cả tôn giáo nữa.

Sau này, quan điểm của tôi được củng cố bởi những sự kiện ở nước Cộng hòa Mông Cổ. Ở nước này, một số các nhà truyền giáo đã cố gắng chuyển hóa con người trở thành những người theo Cơ Đốc giáo bằng cách một mặt họ trợ giúp tài chính, mặt khác họ nói với người dân là lý do người Mông Cổ mất tự do, lạc hậu vì dân Mông Cổ mê tín vào Phật giáo. Thấy được những tác động tiêu cực của việc bỏ một tôn giáo cũ để theo một tôn giáo mới, tôi càng do dự trong việc tham gia vào các hoạt động mà những hoạt động này có thể khiến người ta rời bỏ nền văn hóa truyền thống, rời bỏ giá trị tâm linh của họ. Điểm mà tôi cảm thấy có lẽ tôi có thể hỗ trợ trong cuộc sống tâm linh đối với những người có một bối cảnh tôn giáo khác, đó là lĩnh vực đối thoại tương quan tôn giáo. Đồng thời, tôi tin rằng, nếu như có một số khía cạnh về trí tuệ của Phật giáo Tây Tạng, hoặc những thực hành có thể có ích với người của những niềm tin, những dòng truyền thừa khác, lẽ tất nhiên tôi sẵn sàng chia sẻ mọi thứ đó với họ. Thực ra, tôi cảm thấy cực kỳ thỏa mãn về những trường hợp khi người ta cho tôi biết, như một phụ nữ theo đạo Tin Lành gần đây đã làm sau một cuộc nói chuyện dài về Phật giáo, họ đã học hỏi được một số điều từ đường lối của chúng tôi, điều này rất có ích cho các thực hành tâm linh của họ. Tôi cũng cảm thấy hạnh phúc khi những người thuộc tôn giáo khác bộc lộ một số thừa nhận và đánh giá cao về đường lối thống nhất tôn giáo. Thấy được những kết quả tích cực xuất phát từ mọi nỗ lực của mình về sự hài hòa giữa các tôn giáo khác nhau, điều này gia cố thêm lòng tin của tôi rằng chủ nghĩa đa tôn giáo là cần thiết.

Do tận tuỵ với chủ nghĩa tôn giáo không chia rẽ, lẽ tất nhiên tôi gặp rắc rối nghiêm trọng mỗi khi đụng phải khuynh hướng bè phái chủ nghĩa ngay trong cộng đồng Tây Tạng. Thật không may, sau này có một phát sinh trong lĩnh vực này làm tôi vô cùng buồn rầu. Ở đây tôi muốn nói tới cuộc tranh luận về “linh hồn” được biết như trường hợp Dorje Shugden. Như tôi đã đề cập trong chương 12, Phật giáo truyền thống Tây Tạng chấp nhận về khái niệm thần linh bảo hộ. Những vị thần linh này được cho là một dạng năng lượng tâm linh thể hiện trên trái đất, kết hợp với những con người cá biệt, những nơi đặc biệt, hoặc những vật thể đặc biệt nào đó. Một trong các ví dụ được biết là Dorje Drakden, vị bảo hộ tâm linh cá nhân của Dalai Lama, vị này được thể hiện qua người đồng tử ở tu viện Nechung. Những người có bối cảnh là Thiên chúa giáo hoặc Hồi giáo, họ có thể suy diễn về các vị hộ pháp, thần linh bảo hộ này dưới một phong cách thích hợp như thiên thần, thiên sứ. Tuy nhiên, điều cần nhớ là trong Phật giáo, ý niệm về mọi hiện tượng tồn tại một cách độc lập, hoặc mang tính thực chất, ý niệm này tuyệt đối bị bác bỏ. Nói một cách khác, theo cách hiểu của Phật giáo Tây Tạng, những “linh hồn” này không tồn tại, không hiện hữu vì chúng. Chúng không phải là những thực thể tồn tại độc lập, dù rất nhiều người cư xử với chúng một cách lầm lẫn như chúng là những thực thể độc lập.

Tính từ thời kỳ vị Dalai Lama thứ năm trở đi, hơn ba thế kỷ nay, mối quan hệ giữa Dalai Lama và Dorje Shugden không được tốt đẹp. Một khía cạnh của vấn đề này là mối quan hệ không hài hoà giữa Shugden với chính phủ Tây Tạng. Do đó, đây là một trong ba lý do quan trọng mà gần hai mươi năm nay, tại thời điểm đang viết cuốn sách này, tôi cảnh báo người ta hãy chống lại việc kết giao với “linh hồn” đặc trưng này. Lý do thứ hai liên quan tới phương thức dùng để lấy lòng Shugden. Bị cuốn hút vào việc chỉ đơn thuần “thờ cúng linh hồn” là một điều nguy hiểm. Được hiểu theo cách thông thường, những thực hành có liên quan (để lấy lòng Shugden) này làm xuất hiện một tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng, những trí tuệ về triết lý uyên thâm và tâm lý học của Phật giáo có thể bị mất mát, và kết quả là người ta biến chất thành ra mê tín dị đoan. Lý do thứ ba liên quan tới lời cam kết nghiêm chỉnh của tôi với chủ nghĩa “không bè phái”, đối với cả trong bối cảnh của Phật giáo và cả với những đức tin khác, tôn giáo khác. Một khi đường lối của tôi luôn luôn nhận được mọi hướng dẫn tâm linh của các bậc thầy thuộc bốn dòng truyền thừa, con đường của Shugden và các đệ tử lại công khai đi ngược với những cởi mở không bè phái đó. Ví dụ, một số đệ tử Shugden cho rằng ngay việc giữ một cuốn sách hoặc kinh bản thuộc truyền thống Nyingma sẽ phải chịu sự phẫn nộ tột bực của Shugden. (Như tôi đề cập trước đây, có bốn trường phái chính trong Phật giáo Tây Tạng: trường phái Nyingma, trường phái Sakya, trường phái Kargyu, và trường phái Gelugpa, trường phái của Dalai Lama. Shugden được coi là vị hộ pháp của trường phái Gelugpa).

Mặc dù tôi đã cảnh báo với người dân về những hậu quả tiêu cực trong việc kết giao với “linh hồn” này, song một số người Tây Tạng vẫn tiếp tục thực hiện kết giao một cách thiếu chín chắn. Cho nên sau này tôi phải nhấn mạnh hơn mối quan tâm về sự “lấy lòng” Shugden. Tôi cũng phải nhắc lại rằng những ai mong muốn nhận được giáo lý và để tôi thực hiện lễ gia nhập, họ cần tránh điều đó. Nói như vậy, tôi không có ý cấm đoán quyền tự do tôn giáo của con người như một số đã lấy cớ. Ngược lại, những giới hạn mà tôi yêu cầu có liên quan tới sự lấy lòng “linh hồn” này thực ra là sự giới hạn có khuynh hướng bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Do vậy người ta có thể nói về vấn đề này như một dạng tiêu cực kép. Tôi chỉ tìm cách cắt bỏ đi một dạng thực hành mà bản thân thực hành này vượt quá những biện pháp hạn chế, một dạng thực hành kéo theo ý tưởng mà hậu quả tiêu cực sẽ xảy ra cho những người theo các truyền thống khác với truyền thống Gelugpa, truyền thống tự nó nói lên là một Dalai Lama, tôi cũng là một con người trung thành tuyệt đối với truyền thống.

Hãy quay trở lại với thế giới này, trong thời gian mười năm trước đây, tôi có thể nói được gì thêm về cuộc đời mình? Chắc chắn tôi coi sự phát triển của nền dân chủ trên toàn thế giới là một nguồn động viên, một niềm hy vọng. Tôi cũng rất vui sướng với nhiều cố gắng đã được tạo ra để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những bất hòa lâu dài ở một số nơi như Trung Đông và Bắc Ái Nhĩ Lan. Trên danh nghĩa cá nhân, gần đây tôi sung sướng được đi thăm nước Cộng hòa Nam Phi mới thành lập, được đặc quyền gặp tổng thống Nelson Mandela. Tôi thấy ông là một con người xuất sắc. Việc nắm quyền lực là Tổng thống qua bầu cử thật vô cùng ấn tượng. Thông thường, trước khi một cá thể đảm đương nhiệm vụ, họ có rất nhiều lời lẽ hứa hẹn tốt đẹp, nhưng sau đó những lời lẽ tốt đẹp bằng một cách nào đó bị lãng quên. Nhưng ngược lại, dường như ở đây chỉ có sự thay đổi tốt hơn mà thôi. Hình như tổng thống Mandela còn trở nên hòa hoãn hơn, thân thiện hơn. Dù trước đây tôi luôn có ấn tượng tốt về ông, song sau khi gặp ông, ấn tượng này còn tăng lên. Đôi khi thực tế ngược lại xảy ra và tôi ra đi, cảm thấy hơi thất vọng. Tuy vậy, trường hợp này bản thân tôi thực sự ấn tượng. Một con người tuyệt vời. Đồng thời thật xúc động khi thấy rằng vấn đề Nam Phi cùng trên lộ trình mà các công việc của Uỷ ban vì Chân lý và Hòa giải đang tiến hành. Dù rằng thiếu đi sự hối hận ở một bộ phận trong số thành viên chế độ cũ, song nơi đây vẫn duy trì được thái độ tha thứ.

Một trong những chuyến đi ra nước ngoài đầy ý nghĩa của tôi là chuyến đi thăm đảo Đài Loan vào tháng 3 năm 1997. Chắc chắn trong mọi cố gắng của tôi để vươn tới những người anh chị em Trung Quốc chúng ta, chuyến đi này là một sự kiện quan trọng. Nhiều năm trước đây tôi đã nhận được lời mời tới thăm từ phía Phật giáo và cả các tổ chức khác ở Đài Loan, cho nên tôi vui mừng thấy cuối cùng mình có thể tới đó như một vị khách mời của Hội Phật giáo Cộng hòa Trung Quốc và những nhóm không có tín ngưỡng là Phật giáo. Do phần lớn dân số Đài loan là Phật tử, lẽ tự nhiên tôi rất nhiệt tình gặp và phục vụ họ với mọi khả năng. Là một Dalai Lama, tôi cũng đặc biệt háo hức muốn học hỏi truyền thống Phật giáo của Trung Quốc về bikshuni, có nghĩa là sự thụ phong chính thức của các ni cô. Trong truyền thống Tây Tạng, hiện tại chúng tôi không tuân thủ loại thực hành này, nhưng đó là điểm tôi muốn giới thiệu.

Cũng trên phương diện cá nhân, cuộc viếng thăm là một thực nghiệm xúc động đáng nhớ. Người Đài Loan đối xử với tôi cực kỳ nồng nhiệt. Bất kỳ nơi nào tới, tôi cũng nhận được một sự nhiệt tình, thông cảm và tôn trọng. Với tư cách người quan sát, tôi thấy rõ ràng Đài Loan là một lãnh thổ hiện đại, thành công, đạt mức độ cao về mọi tiến bộ vật chất trên cơ sở kinh tế phồn vinh, cũng như một nền giáo dục có tiêu chuẩn thật ấn tượng. Hơn nữa, theo mô hình dân chủ do tổng thống Lý Đăng Huy xây dựng, cuộc bầu tổng thống trực tiếp đầu tiên vào tháng 3 năm 1996 đánh dấu sự nổi lên của Đài Loan như một nền dân chủ trưởng thành. Tất cả những điều này gây ấn tượng mạnh với tôi như một tín hiệu tích cực. Nhưng điểm làm tôi hứng khởi là tôi thấy được sự thể hiện quan tâm một cách mạnh mẽ mà người dân có được trong những vấn đề tâm linh nói chung, Phật giáo nói riêng. Tôi thực sự ngạc nhiên một cách hứng thú bởi niềm tin của các Phật tử tôi gặp ở đây. Ví dụ như trong lần giảng dạy giáo lý tại một trường đua ngựa lộ thiên ở Cao Hùng với lượng thính giả chừng 50.000 người. Mặc dù đó là một ngày mưa tầm tã, tất cả mọi người đều theo dõi tới tận cuối buổi, kéo dài chừng hai giờ đồng hồ. Họ trật tự, tập trung tới tận phút chót. Tương tự như vậy cũng xảy ra ở trường đua mái vòm Đào Viên, đông đảo người tham dự buổi giảng dạy kéo dài hai ngày trời, họ thể hiện một tinh thần xuất sắc về niềm tin và sự sùng kính đối với những giáo lý của Phật. Mặt khác, tôi đánh giá cao sự đơn giản, sạch sẽ của các chùa chiền, tu viện Phật giáo mà tôi được tham quan trong thời gian ở đây. Tôi cũng rất vui mừng được gặp một số lớp người trẻ tuổi của hòn đảo này khi tới Học viện Cơ Đốc Fu Jen và học viện Trung Sơn, ở đây tôi có điều kiện tham gia trao đổi quan điểm với các sinh viên.

Gặp gỡ tổng thống Lý Đăng Huy, phó tổng thống Liên Chấn là một niềm vui, niềm vinh dự. Tôi nhận được sự cổ vũ lớn lao qua thái độ các nhà lãnh đạo Đài Loan, và ước mong có được một quan hệ tốt hơn giữa những người Tây Tạng chúng tôi và nhân dân Đài Loan. Thủ tướng Liên Chấn phát biểu trong cuộc mít tinh rằng trong quá khứ đã có những hiểu lầm không cần thiết. Ông nói: “Đây là một điểm bắt đầu mới”. Tôi tin điều này hoàn toàn đúng. Cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Lý Đăng Huy diễn ra trong bầu không khí hoàn toàn ấm cúng, đầy nhân bản. Tôi được cho biết trước, ông là người rất mộ đạo thuộc giáo hội Trưởng Lão- Presbyterian. (Presbyterian: giáo hội Trưởng Lão, một giáo hội thuộc xứ Scotland), và thực ra tôi được truyền cảm mãnh liệt bởi sự thành thật trong sáng, một hứng thú mạnh mẽ đối với các vấn đề tâm linh của Chủ tịch. Tôi cũng rất xúc động, hứng khởi do thái độ thông cảm trung thực hiển nhiên của ông đối với hoàn cảnh tuyệt vọng của người dân Tây Tạng.

Nhìn vào tương lai, tôi tin rằng khả năng những người tỵ nạn Tây Tạng trở lại một đất nước Tây Tạng tự do, khả năng này gia tăng đáng kể trong vòng mười năm qua. Tiếp sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản độc quyền suốt từ Đông Âu tới Trung Á, tôi thấy ngay trong lòng nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, tiêu chuẩn để xác định phẩm chất một chính quyền được gọi là chính quyền Mác xít không còn tồn tại nữa. Lý do để nói lên điều này là nếu chính quyền Bắc Kinh thực sự tiếp tục theo ý tưởng của Mác xít, chính quyền đó sẽ hết sức quan tâm tới sự chênh lệch đang gia tăng giữa tầng lớp giàu nghèo ở Trung Quốc. Tuy vậy, dường như thái độ hiện tại là, khi mà toàn thể quốc gia tiếp tục giàu có lên, chính quyền không quan tâm lắm tới sự mất bình đẳng này. Điều này cùng với những phát triển khác đã chứng tỏ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đang thay đổi. Và trong cùng thời gian đó, như tôi đã vạch ra, càng nhiều giới trí thức Trung Quốc, các nhà văn, viện sĩ, nhà tư tưởng, họ đều có được nhận thức sâu sắc về thực tại của vấn đề Tây Tạng. Đồng thời, chắc chắn là dù còn rất nhiều vấn đề, Trung Quốc hiện tại vẫn là một nơi có cuộc sống khá hơn so với mười lăm, hai mươi năm trước đây. Những cải cách bắt đầu từ thời Đặng Tiểu Bình đã tác động tới đất nước theo hướng hệ thống chính trị giảm đi ý thức hệ tư tưởng, giảm đi sự dựa dẫm vào những cuộc vận động khổng lồ, giảm đi tính áp đặt, và giảm đi cả bầu không khí ngột ngạt đối với những công dân bình thường. Dường như chính sách đối ngoại của Trung Quốc trở nên mềm dẻo hơn. Một biểu hiện của vấn đề này là Trung Quốc có những cuộc tham dự lớn trong diễn đàn thế giới, trong quan hệ hợp tác với các đại diện, các tổ chức quốc tế. Đó là những buớc phát triển đáng hoan nghênh. Lúc này tinh thần của người dân Tây Tạng trong nước vẫn rất mạnh mẽ. Do vậy tôi tin rằng ngày trở về đã tới gần hơn, dù rằng tất nhiên chúng tôi không thể khẳng định được điều này.

Tuy nhiên, tôi không phủ nhận là bên trong Tây Tạng đang nảy sinh sự thiếu kiên nhẫn do không đạt được những bước tiến bộ cụ thể về quyền lợi của người dân Tây Tạng. Kết quả là có một số cuộc bạo động bột phát đáng tiếc. Ngay trong thời gian đó, lập trường của tôi về vấn đề này không thay đổi. Tôi vẫn nhận thức rằng những quyết định được đưa ra trong lúc tuyệt vọng, và hoàn cảnh Tây Tạng thì đang tuyệt vọng, những quyết định này thường sai lầm. Do vậy, thay vì dựa trên cơ sở cảm tính, chúng ta cần phân tích cẩn thận và đưa ra quyết định căn cứ trên thực tế. Vấn đề là con người Tây Tạng đã bị tổn thương. Họ không muốn thêm nhiều vết thương nữa. Vậy sử dụng các phương pháp bạo lực để giải quyết vấn đề Tây Tạng là điều không hợp lý. Lời khuyên của tôi đối với người dân Tây Tạng là: “Hãy nhẫn nại”. Cuộc đấu tranh bất bạo động vì quyền lợi của người dân Tây Tạng được coi là một thử nghiệm. Theo cách nghĩ thông thường, nó có thể không thực hiện được, nhưng tôi tin chắc nó sẽ hiệu quả. Hơn nữa, nếu người Tây Tạng từ bỏ chủ trương đấu tranh bất bạo động, mà chuyển sang đấu tranh bạo động, những hỗ trợ đang gia tăng đối với sự nghiệp của chúng tôi trong đất nước Trung Quốc sẽ không còn nữa.

Một số ít người có thể nghĩ, bằng vào thái độ muốn đối thoại với người Trung Quốc mà không đặt điều kiện tiên quyết, Dalai Lama là một người không yêu nước. Mới đây tôi nảy ra ý nghĩ là người Tây Tạng có thể cần được chuẩn bị để chấp nhận một chế độ tự trị cho đất nước, trong khi Trung Quốc có thể duy trì sự kiểm soát đối với chính sách đối ngoại và còn duy trì một sự có mặt ngay bên trong Tây Tạng. Do vậy đất nước sẽ tồn tại một mối kết hợp hài hoà với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Tuy nhiên, đối với sáu triệu người dân Tây Tạng, một bộ phận của thế giới, tôi không thể đơn phương quyết định, vấn đề này sẽ phải đưa ra trưng cầu dân ý. Đơn thuần một cá nhân không thể quyết định được. Tương tự như vậy, không có vấn đề chấp nhận yêu cầu của Trung Quốc như một điều kiện tiên quyết để thương thuyết về tương lai của Tây Tạng, là tôi phải thừa nhận Tây Tạng là một phần không thể chuyển nhượng được của Trung Quốc. Làm như vậy sẽ là một điều dối trá to lớn có liên quan tới lịch sử, mà là một nhà sư, tôi không thể làm vậy. Tuy nhiên, nếu như một số người coi tôi như một người không yêu nước, điều này có thể phản ánh về khía cạnh là, do công trình rèn luyện tâm linh, tôi thực sự không phân biệt người Tây Tạng với những người khác. Tôi tin rằng tất cả mọi người đều có quyền được hạnh phúc, quyền được miễn trừ khổ đau. Sự cống hiến vì quyền cơ bản cho dân tộc Tây Tạng của tôi là như vậy, tôi không gắn lên nhãn hiệu những tính chất quan trọng và các thuật ngữ chính trị.

Tôi cho rằng thái độ của tôi đối với với lòng yêu mến gia tăng của mọi người mà gần đây bản thân tôi thấy được, thái độ đó cũng chịu tác động do quá trình huấn luyện tâm linh. Sự kính trọng mà một vị Dalai Lama được đối xử khiến tôi hơi ngạc nhiên. Tôi đã làm quá ít để xứng đáng với sự kính trọng đó cho dù người ta có nói thế nào đi chăng nữa. Trong một vài trường hợp, tôi được công khai tuyên duơng về những cố gắng vì nền hòa bình thế giới. Nhưng tôi không làm được một chút gì, thực sự chưa làm được gì cho nền hòa bình thế giới. Chỉ có mỗi việc tôi làm vì hòa bình, đó là nói rất nhiều về hòa bình, trong khi đó, chắc chắn có những người khác đã làm được rất nhiều thứ để đẩy mạnh sự nghiệp hòa bình trên thế giới hơn là cái ông Dalai Lama này. Đồng thời đã có hai cuốn phim thực hiện ở Hollywood nói về cuộc đời tôi, song điều này không mấy ý nghĩa. Tôi không thể nói rằng cá nhân tôi cảm nhận được những gì đặc biệt về mặt này. Tất nhiên, tới mức độ những phương tiện thông tin đại chúng như thế tiếp tục đưa vấn đề Tây Tạng trước một số lượng công chúng rộng rãi hơn trước đây, điều này khiến tôi vô cùng vui sướng. Tuy vậy, có lẽ còn quan trọng hơn những cuộc biểu tình rầm rộ để hỗ trợ người Tây Tạng, đó là nhiều cố gắng nhỏ bé của vô vàn cá nhân trên toàn thế giới, những người đã nói thẳng về nỗi khổ đau của hàng triệu con người trong miền Đất Tuyết.

Do vậy tôi muốn kết thúc cuốn sách này bằng những lời cảm ơn cá nhân tới tất cả những người bạn của đất nước Tây Tạng. Mọi mối quan tâm, hỗ trợ mà các bạn đã thể hiện đối với nỗi khốn cùng của người dân Tây Tạng khiến toàn thể chúng tôi đều xúc động, mối quan tâm, hỗ trợ đó tiếp tục cho chúng tôi niềm can đảm tranh đấu vì tự do, công lý, không bằng cách sử dụng vũ khí quân sự, mà với một thứ vũ khí mãnh liệt của chân lý và quyết tâm. Tôi biết rằng tôi phát biểu nhân danh tất cả mọi người dân chúng tôi, xin cảm tạ các bạn, xin các bạn đừng quên đất nướcTây Tạng tại thời điểm then chốt trong lịch sử quốc gia chúng tôi.

Chúng tôi, chúng tôi cũng hy vọng đóng góp cho sự phát triển của một thế giới hòa bình hơn, nhân bản hơn và tươi đẹp hơn. Một đất nước Tây Tạng tự do tương lai, đất nước này sẽ tìm cách hỗ trợ mọi người có nhu cầu, bảo vệ thiên nhiên, xúc tiến hòa bình. Tôi tin rằng người Tây Tạng chúng tôi có khả năng phối hợp những phẩm chất thuộc về tâm linh vào một quan điểm hiện thực thực tiễn, sự phối hợp này sẽ khiến chúng tôi tạo ra một đóng góp đặc biệt bằng một đường lối hiện đại nào đó.

Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ với các bạn độc giả một lời cầu nguyện ngắn, lời cầu nguyện mang lại cho tôi nguồn cảm hứng và sự quyết tâm lớn lao:

Chừng nào không gian còn tồn tại,

Chừng nào sinh linh còn tồn tại,

Cho tới lúc đó, xin cho tôi cũng được tồn tại.

Để xua tan đi nỗi khổ của thế giới.

 

HẾT