Khái luận về 52 Tâm sở trong Abhidhamma, Tâm Sân - một trong những tâm sở bất thiện

12 Tháng Bảy 201611:31 CH(Xem: 9023)
Khái luận về 52 Tâm sở trong Abhidhamma, Tâm Sân - một trong những tâm sở bất thiện
Khái luận về 52 Tâm sở trong Abhidhamma, Tâm Sân - một trong những tâm sở bất thiện

 

Abhidhamma dùng ý nghĩa ngôn ngữ chân đế để diễn tả giáo lý Đức Phật, nên không giống như Kinh Luật A Tỳ Đàm. Abhidhamma, Vi Diệu Pháp, là giáo lý cao siêu, vi diệu, thù thắng, của Đức Phật dạy. Đây là phần tinh hoa của giáo pháp mà Phật đã ban truyền.

A- DẪN NHẬP 
1-Nội dung và ý nghĩa đề tài 
Abhidhamma dùng ý nghĩa ngôn ngữ chân đế để diễn tả giáo lý Đức Phật, nên không giống như Kinh Luật A Tỳ Đàm. Abhidhamma, Vi Diệu Pháp, là giáo lý cao siêu, vi diệu, thù thắng, của Đức Phật dạy. Đây là phần tinh hoa của giáo pháp mà Phật đã ban truyền.
Giáo Pháp nằm trong tạng Kinh (Sutta Pitaka) là giáo huấn thông thường, có tánh cách quy ước, chế định (vohāra desanā). Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) là giáo huấn cùng tột (paramattha desanā) rốt ráo. Không thể đổi thay hay biến chuyển, không thể phân tách thêm được nữa. Cũng không thể xáo trộn khác trình tự được.
Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) không chấp nhận có một linh hồn, xem như một thực thể đơn thuần thường còn, không biến đổi. Phật Giáo dạy một tâm lý học trong đó không có linh hồn trường cửu.
Người học Vi Diệu Pháp có thể thấu hiểu đầy đủ lý Vô Ngã (Anattā), giáo lý nòng cốt của Phật Giáo. Giáo lý nầy rất quan trọng về cả hai phương diện: Triết học và Đạo đức.
Hiện tượng chết, tiến trình tái sanh vào những cảnh giới khác nhau mà không có gì di chuyển từ kiếp nầy sang kiếp khác, giáo lý Nghiệp Báo và Tái Sanh mà ta có thể kiểm chứng bằng những sự kiện hiển nhiên, tất cả đều được giải thích đầy đủ.
Học giả Bà Rhys Davids nói:,
"Vi Diệu Pháp đề cập đến:
Những gì ta tìm thấy  bên trong ta, quanh ta, và
Những gì ta khao khát thành đạt.”
Đối với người minh mẫn sáng suốt thật sự muốn tìm chân lý, Vi Diệu Pháp là một hướng dẫn thiết yếu, vừa là một luận giải có tánh cách trí thức. Ở đây có thức ăn để bồi dưỡng tinh thần các tư tưởng gia chân chánh cũng như người hăng say nghiên cứu học hỏi nhằm tăng trưởng trí tuệ và sống cuộc sống lý tưởng của người Phật tử.
Vi diệu pháp nói về Tâm, bao gồm Tâm Vương và Tâm sở, tuy rất hệ thống nhưng quá đa dạng và phức tạp, trong phạm vi bài tiểu luận không thể đi sâu tất cả các vấn đề của tâm. Ở đây người viết thấy tầm quan trọng của việc hiểu biết khái quát về 52 Tâm sở, trong đó Tâm Sân và các hình thái của nó cực kỳ quan trọng. Nên người viết chọn đề tài: “Khái luận về 52 Tâm sở trong Abhidhamma, Tâm Sân - một trong những tâm sở bất thiện”.
2- Phạm vi đề tài và phương pháp nghiên cứu
Phạm vi đề tài nghiên cứu là phần Tâm sở trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma). Nhưng được tóm tắt một cách khái quát và có hệ thống.
Các loại Tâm sở (Cetasika)
1) 7 Biến hành tâm sở (Sabbacittasàdhàranà)
2) 6 Biệt cảnh tâm sở (Pakinnakacetasika)
3) 14 Bất thiện tâm sở (Akusalacetasika)
4) 25 Tịnh quang tâm sở (Sobhanacetasika)
Phương pháp nghiên cứu hệ thống và đối chiếu qua Kinh và một số bộ Luận về 52 Tâm sở, Tâm Sân trong vi diệu pháp. Người viết muốn cô đọng một cách xúc tích, dễ nhớ về phạm trù tương đối trừu tượng khó nắm bắt này.
B- NỘI DUNG
1- Khái Niệm
1.1- Ý nghĩa Abhidhamma
Abhidhamma nghĩa là Vô thượng pháp hay Thắng pháp.
- Attha nghĩa là vật.
- Sangaha nghĩa là tập yếu.
- Dhamma ở đây có nghĩa là giáo lý.
Theo tập Atthasàlinì:
- Abhi có nghĩa là Atireka, cao hơn, lớn hơn hay Visittha, đặc biệt, thù thắng.
- Abhidhamma nghĩa là thắng pháp vì pháp này giúp người tự giải thoát, hay vì pháp này thù thắng hơn Kinh tạng và Luật tạng.
Trong Kinh tạng hay Luật tạng, đức Phật thường dùng những danh từ Tục đế như người, loài vật, hữu tình... Trong tạng Abhidhamma, mọi pháp đều được chia chẻ rất tỉ mỉ và các chữ trừu tượng như năm uẩn, mười hai xứ được dùng. Như vậy, vì giáo lý Phật dạy rất đặc biệt, vì giáo lý này đưa đến tự giải thoát, vì phương pháp phân tích rất đặc biệt, nên gọi là Abhidhamma.[1]
1.2- Định nghĩa về “tâm”
Tâm(Citta): có nghĩa là nhận thức sự hiện hữu của đối tượng (cinteti: vijànàti). Đây không có nghĩa có người nghĩ đến đối tượng. Theo nghĩa của Abhidhamma, Citta nên định nghĩa là sự nhận thức có mặt của một đối tượng, vì không có nghĩa có một linh hồn suy nghĩ.
Theo thắng pháp tập yếu luận. Chữ “tâm” ở đây được dịch từ ngôn ngữ Pāli là “citta” và được chú giải theo Pāli như sau:
+ Cittī karotīti = cittaṃ (nồng cốt) làm cho chúng sanh đặc biệt sai khác, gọi là Tâm; hoặc căn nguyên làm cho chúng sanh khác biệt gọi là Tâm.
+ Arammanaṃ cintetīti = cittaṃ: biết cảnh gọi là tâm.
+ Cintanamattaṃ = cittaṃ: Biết gọi là tâm .
+ Cinteti sapayutta dhammā etenāti = citaṃ: nhờ pháp tương duyên yếu hiệp là các pháp sở hữu câu sanh.
Vậy, Tâm là biết cảnh, nhận thức được đối tượng hay nói cách khác là sự hiểu biết, sự suy nghĩ, sự nhận thức, sự nhận ra cảnh (đối tượng) gọi là tâm - citta (còn gọi là Ý hoặc Thức).[2] nghĩa là khi mắt thấy các màu sắc và biết được cái màu sắc đó như: xanh, vàng, đỏ, tím, trắng … gọi là biết cảnh sắc; Biết là Tâm, nhận ra cảnh sắc là nhãn thức, tức tâm nhãn thức.
 
1.3- Nhân sanh khởi tâm:
Vì tâm là một pháp hữu vi (saṇkhāradhamma), cho nên dù loại tâm nào cũng đều phải sanh khởi do có nhân có duyên cả, mỗi loại nhân duyên tương ứng cho từng lọai tâm cá biệt. Chung quy có bốn nguyên nhân:
a. Nghiệp quá khứ (atītakamma).
b. Cảnh (ārammana).
c. Sở hữu (cetasika).
d. Có vật nương (vatthu).
Trong bốn nhân sinh tâm, ba nhân đầu phổ biến khắp mọi cõi hữu tâm, riêng “có vật nương” chỉ nói đến cõi ngũ uẩn mà thôi.
Cũng do bốn nhân này mà chủ thuyết “nhất thế duy tâm tạo[3] (mọi sự đều do tâm tạo) không đứng vững. Mặc dù tâm tạo tác các thành phần khác nhau trở thành phức tạp, nhưng chính Tâm vẫn là pháp bị tạo, vẫn là đối tượng.
1.4. Tâm về đặc tính(sabhāva):
Tâm có 4 đặc tính:
a- Trạng thái (lakkhaṇa): tâm có trạng thái là biết cảnh (ārammaṇa vijjāna lakkhaṇam).
b- Phận sự (rasa): phận sự của tâm là dẫn đầu (dẫn dắt) sở hữu tâm (pubbaṅgamā rasaṃ)
c- Thành tựu (paccuppaṭṭhāna): sự thành tựucủa tâm là nối tiếp nhau sanh diệt (sandahana paccuppaṭṭhāna).
d- Nhân cần thiết (nhân cận - padaṭṭhāna): có danh sắc (nāmarūpa padaṭṭhānaṃ).
2- Hình thái của Tâm
Theo Vi Diệu Pháp thì các danh từ Tâm (Citta), Ý (Mana), Thức (Viññāṇa) không có sự sai khác về ý nghĩa, tùy theo chỗ dùng mà chúng có nhiều tên gọi khác nhau. Thí dụ: đối với 12 Xứ thì tất cả Tâm gọi là ý (Ý Xứ), đối với ngũ uẩn thì tất cả tâm gọi là thức (Thức Uẩn) ...
Atthakathā chú giải rằng:
Trạng thái (chơn tướng) của Tâm là biết cảnh (Ārammanaṃ Vijāranakkhanaṃ).
Phận sự của Tâm là chủ trì, hướng dẩn sở hữu tâm (Pubbaṃgamarasaṃ).
Sự thành tựu của Tâm là tư cách liên tục, nối nhau sanh diệt không gián đoạn (Sandhanapaccupaṭṭhānaṃ).
Nhân cần thiết của Tâm là Sở hữu tâm và Sắc pháp (Nāma Rūpa padaṭṭhanaṃ).
Có bốn nhân sanh tâm:
1. Nghiệp quá khứ (Atītakamma) là những hành động thiện hay bất thiện trong quá khứ tạo ra quả hiện tại. Thành phần chính phải nói là tâm quả. Như một người làm các ác nghiệp, khi chết phát sanh tâm quả dẩn đi tục sinh vào kiếp ác thú.
2. Sở hữu tâm (Cetasika) là những thành phần phụ thuộc của tâm. Đồng sanh, đồng diệt với tâm, đồng nương một căn với tâm, đồng biết một cảnh với tâm. Không thể có một tâm nào mà không có sở hữu tâm. Khi nhìn lên bảng, ta biết ngay đó là tấm bảng, thì tâm biết đó phải có sở hữu Tưởng (nhớ lại cái đã gặp để ghi nhận cảnh hiện tại) hay phải có sự hướng tâm đến cảnh (sở hữu Tầm) hoặc trụ tâm trên cảnh (sở hữu Định) ...
3. Cảnh (Ārammanaṃ) là đối tượng của tâm, tâm biết cảnh, những gì bị tâm biết gọi là cảnh. Nếu không có cảnh thì không có tâm, có tâm là có cảnh. Do đó, gọi cảnh là nhân sinh tâm.
4. Vật (Vatthu) là những Sắc Thần Kinh (Pasādarūpa), chỗ nương của tâm thức. Như con mắt là chỗ nương của nhãn thức, tai là chỗ nương của nhĩ thức .... Do đó, gọi vật là nhân sanh tâm.
Theo Abhidhamma có tất cả là 89 tâm (hay 121 tâm nếu tính theo chi thiền) được phân loại tùy theo phương diện.
* Nếu chia theo lãnh vực (Vacara) thì tâm có 4 loại:
1. Tâm Dục Giới (Kāma vacaracitta): là tâm phần lớn bắt cảnh dục (Sắc, Thinh, Khí, Vị, Xúc). Thuộc về lãnh vực Dục Giới gồm có 54 tâm.
2. Tâm Sắc Giới (Rūpa vacaracitta): là tâm Thiền, lấy sắc pháp làm đề mục tu thiền. Gồm có 15 tâm.
3. Tâm Vô Sắc Giới (Arūpa vacaracitta): là tâm Thiền, lấy đề mục không sắc pháp làm đối tượng tu thiền. Gồm có 12 tâm
4. Tâm Siêu Thế (Lokuttaracitta): là tâm biết cảnh Niết Bàn; đối tượng thoát ly thế gian, không thuộc về thế gian. Có tất cả là 8 tâm (hay 40 tâm nếu tính theo 5 chi thiền).
* Nếu phân tâm theo cảnh thì tâm gồm có 6 loại:
1. Tâm Nhãn Thức (Cakkhuviññāṇa): là tâm nương nhãn vật, biết cảnh sắc, hình ảnh. Gồm có 2 tâm.
2. Tâm Nhĩ Thức (Sotaviññāṇa): là tâm nương nhĩ vật, biết cảnh thinh. Có tất cả là 2 tâm nhĩ thức.
3. Tâm Tỷ Thức (Ghānaviññāṇa): là tâm nương tỷ vật, biết cảnh khí (các mùi). Gồm có 2 tâm.
4. Tâm Thiệt Thức (Jivhāviññāṇa): là tâm nương thiệt vật, nhận biết cảnh vị (các vị cay, chua, mặn,...). Gồm có 2 tâm.
5. Tâm Thân Thức (Kāyaviññāṇa): là tâm nương thân vật, nhận thức cảnh xúc (sự va chạm, nóng, lạnh, ...). Gồm có 2 tâm.
6. Tâm Ý Thức (Mana viññāṇa): là tâm bắt cảnh pháp, là cảnh trạng khởi lên trong tâm. Có tất cả 111 tâm (trừ ngũ song thức).
3- Tâm sở (cetasik), trong Sở hữu tâm
3.1. Định nghĩa
Chữ cetasika = ceta + s + ika.
Ceta là tư tưởng, sự chú ý.
Cetasika (tâm sở) là: cái gì liên hợp với tư tưởng (tâm).
Tâm sở là những thành phần phụ thuộc vào tâm, nương vào tâm để sanh khởi lên.
Nói cách khác, tâm sở là pháp luôn luôn phối hợp (sampayoga) với tâm.
Có những câu pāli giải thích “sự phối hợp” như vầy:
- Cetasi bhavaṃ = cetasikaṃ: Có cùng với tâm, gọi là tâm sở(đồng sanh với tâm là tâm sở).
- Cetasi niyuttaṃ = cetasikaṃ: Khắng khít với tâm, gọi là tâm sở. (chữ niyutti là bận rộn, vướng mắc).
- Avippayogavasena cetasi = cetasikaṃ: Không xa lìa nơi trú tâm nương trú, gọi là sở hữu tâm.
Ngài Anuruddha (A Na Luật) nêu đặc trưng 4 sự đồng của tâm sở, Ngài muốn nhấn mạnh rằng “tâm sở phải có đủ bốn sự đồng với tâm”.
Trong bốn sự đồng trên, chủ yếu là đồng sanh, đồng diệt và đồng biết cảnh, còn đồng nương vật là để xác định cõi, tức là cõi ngũ uẩn có bốn sự đồng, còn cõi Vô sắc chỉ có ba sự đồng (trừ đồng nương vật) mà thôi.
Nếu Pháp tính (sabhāvadhamma) nào thiếu một trong ba sự đồng: đồng sanh, đồng diệt, đồng biết cảnh, pháp tính ấy không gọi là tâm sở. Có thể định nghĩa tsm gọn Tâm sở (Cetasika) là:
(i) Cái gì đồng phát sanh cùng tâm vương,
(ii) Cái gì đồng hoại diệt cùng tâm vương,
(iii) Cái gì cùng có chung một đối tượng với tâm vương,
(iv) Cái gì đồng có chung một căn với tâm vương.
3.2.Tâm sở có bốn ý nghĩa
   Tâm sở có:
- Trạng thái (lakkhaṇa): có sự nương dựa vào tâm (cittanissata).
- Phận sự (rasa): không buông lìa tâm (aviyogupādana).
- Thành tựu (paccupaṭṭhāna): có cùng một cảnh với tâm (ekāra - mmaṇa).
- Nhân gần (padaṭṭhāna): có sự hiện hữu của tâm.
3.3- Tóm lược 52 tâm sở
*7 Tâm sở biến hành (Sabbacittasàdhàranà)
 1. Xúc, 2. Thọ, 3. Tưởng, 4. Tác Ý, 5. Nhất Điểm, 6. Mạng Căn, 7. Chú Ý.
*6 Tâm sở biệt cảnh (Pakinnakacetasika)
 1. Tầm, 2. Sát, 3. Xác Định, 4. Tinh Tấn, 5. Phỉ, 6. Dục.
*14 Tâm sở Bất Thiện (Akusalacetasika)
1. Si, 2. Vô Tàm, 3. Vô Quý, 4. Phóng Dật, 5. Tham, 6. Tà Kiến, 7. Ngã Mạn, 8. Sân, 9. Ganh Tỵ, 10. Xan Tham, 11. Lo Âu, 12. Hôn Trầm, 13. Thụy Miên, 14. Hoài Nghi.
*25 Tâm sở tịnh quang (Sobhanacetasika)
+19 Tâm sở thiện
 1. Tín, 2. Niệm, 3. Tàm, 4. Quý, 5. Không- Tham, 6. Không-Sân, 7. Xả, 8. Tâm Sở Vắng Lặng, 9. Tâm Vắng Lặng, 10. Tâm Sở Khinh An, 11. Tâm Khinh An, 12. Tâm Sở Nhu Thuận, 13. Tâm Nhu Thuận, 14. Tâm Sở Thích Ứng, 15. Tâm Thích Ứng, 16. Tâm Sở Tinh Luyện, 17. Tâm Tinh Luyện, 18. Tâm Sở Chánh Trực, 19. Tâm Chánh Trực.
+ 3 Tâm Sở Tiết Chế
1. Chánh Ngữ, 2. Chánh Nghiệp, 3. Chánh Mạng.
+ 2 Tâm Sở Vô Lượng
1. Bi, 2. Hỷ.
+ 1 Tâm Sở Tuệ Căn
- Tuệ Căn.
4- Ý nghĩa tổng quan của 52 tâm sở
4.1- 7 Tâm sở biến hành (Sabbacittasàdhàranà)
1- Xúc (Phassa).
Xuất nguyên từ căn "phas", tiếp xúc.
Cho đặng có sự ghi nhận hay biết của giác quan phải có ba yếu tố: thức, giác quan tương ứng, và đối tượng. Thí dụ như với nhãn thức ta thấy một vật (nhãn trần) xuyên qua mắt (nhãn căn).
Khi một đối tượng phát hiện đến thức, xuyên qua một trong sáu căn thì tâm sở "Xúc" khởi sanh.
2- Thọ (Vedanā).
Xuất nguyên từ căn "vid", cảm thọ.
Thọ là đặc tính chánh yếu của tất cả các loại tâm vương. Thọ có thể là hỷ, ưu, hay vô ký, thuộc tinh thần. Khổ và lạc, thuộc cơ thể vật chất cũng đều là thọ. Nhưng khổ hay lạc thuộc về thân không có tầm quan trọng về phương diện đạo đức.
3- Tưởng (Saññā).
"Saṁ" + căn "ñā", hiểu biết, nhận thức (so với chữ La Tinh "cognoscere", hiểu biết.).
Đặc tính chánh yếu của Saññā là nhận ra một vật do dấu hiệu trên vật ấy như màu xanh v.v... Nhờ Saññā ta nhận ra một vật mà trước kia tâm của ta đã có lần biết, tức tri giác xuyên qua giác quan.
4- Tác Ý (Cetanā)
Cả hai danh từ, Cetanā và Citta, đều xuất nguyên từ căn "cit", suy tư. Có nơi dịch danh từ Cetanā là "Tư". Ở đây xin dùng danh từ Tác Ý, trong nghĩa "ý muốn làm" hay "ý muốn, làm động cơ đưa đến hành động".
5- Nhất Điểm (Ekaggatā)
"Eka" + "agga" + "tā" = nhất điểm, trạng thái tâm gom vào một điểm, an trụ vào một đề mục, hay tập trung vào một đối tượng.
6- Mạng Căn (Jivitindriya)
"Jivita" = đời sống + "Indriya" = khả năng kiểm soát hay quy tắc.
Gọi "jīvita", sinh mạng hay đời sống, vì nó nâng đỡ các tâm sở đồng phát sanh.
Gọi "indriya", khả năng kiểm soát, hay căn, vì nó kiểm soát các tâm sở đồng phát sanh.
7- Sự Chú Ý (Manasikāra)
Theo nghĩa của từng chữ, là “làm trong tâm.”
Quay tâm hướng về đối tượng là đặc tính chánh của danh từ. Sự chú ý giống như bánh lái của một chiếc tàu, bộ phận không thể không có để hướng tàu về đến nơi đến chốn. Tâm không có sự chú ý (manasikāra) cũng như tàu không có bánh lái.
4.2- 6 Tâm sở biệt cảnh (Pakinnakacetasika)
1- Tầm (Vitakka).
"Vi" + căn "takk", suy tư.
Trong Tạng Kinh (Sutta Piṭaka) danh từ Vitakka được dùng trong nghĩa ý niệm, ý kiến, tư tưởng, luận lý v.v.... Trong Tạng Diệu Pháp (Abhidhamma Piṭaka, cũng gọi Tạng Luận) danh từ nầy được dùng trong ý nghĩa đặc biệt kỹ thuật, có tánh cách chuyên môn.
2- Sát (Vicāra)
"Vi" + căn "car", đi thênh thang bất định.
Vicāra, là sinh hoạt liên tục của tâm trên đối tượng.
Quan sát, dò xét (anumajjana) là đặc tính chánh yếu của Vicāra.
Vitakka thường được dịch là Tầm, và Vicāra là Sát, hay Tứ.
Vicāra cũng là một chi thiền. Chi thiền Sát nầy khắc phục triền cái hoài nghi (Vicikicchā).
3- Xác Định (Adhimokkha).
"Adhi" + căn "muc", phóng thích. Nghĩa trắng của danh từ là "phóng thích để đến".
Adhimokkha phóng thích tâm ra khỏi hoài nghi để tiến đến đối tượng.
Đặc tính chánh yếu của Adhimokkha là xác định, chọn lọc, và nghịch nghĩa của danh từ là hoài nghi, bất định. Có nơi dịch danh từ nầy là Thắng Giải.
Có sự quả quyết khẳng định "đúng hẳn là cái nầy" (imam' evā'ti sanniṭṭhānakaraṇaṁ).
4- Tinh Tấn (Vīriya)
Xuất nguyên từ căn "aj" có nghĩa đi + "īr". "Vī" thay thế "aj". Vīra là người chuyên cần nỗ lực hoàn thành công việc của mình một cách liên tục.
Viriya được định nghĩa là trạng thái, hay hành động, của người cương quyết
Sách Atthasālini viết rằng Viriya, Tinh Tấn, phải được xem là căn nguyên của mọi thành tựu mỹ mãn.
Chuyên cần, cố gắng, tận lực, tinh tấn, được xem là những danh từ sát nghĩa nhất với Viriya.
5- Phỉ hay Hỷ (Pīti)
Pīti: Hỷ, Phỉ lạc. Từ ngữ căn Pī nghĩa là hoan hỷ, thích thú. Đặc tánh của Hỷ là khiến cho tâm thích thú đối tượng. Sở hữu Hỷ còn được gọi là pháp Hỷ. Có 5 loại Hỷ là:
a) Tiểu Đản Hỷ (Khuddaka pīti): sự hoan hỷ làm nổi da gà.
b) Sát na Hỷ (Khanika pīti): Sự hoan hỷ khởi lên nhanh như chớp.
c) Hải triều Hỷ (Okkantika pīti): Sự hoan hỷ dâng lên như sóng tạc vào bờ.
d) Khinh thăng Hỷ (Ubbega pīti): Sự hoan hỷ một cách nhẹ nhàng, khiến thân có thể bay bổng lên được.
e) Sung mãn Hỷ (Pharana pīti): Sự hoan hỷ thấm nhuần cả toàn thân như nước lụt tràn bờ.
6- Dục, ý-muốn-làm (Chanda).
Xuất nguyên từ căn "chad", mong ước, muốn.
Có ba loại Chanda, Dục, là:
1. Kāmachanda, tham dục, là khát vọng duyên theo lục trần, một trong năm pháp Triền Cái (Nīvaraṇa). Đây là một loại tâm bất thiện.
2. Kattukamyatā Chanda, chỉ là "ý muốn làm" suông. Không có tánh cách đạo đức.
3. Dhammacchanda, ý muốn chân chánh. Chính ý muốn chân chánh nầy thúc giục Hoàng Tử Siddhattha từ bỏ những dục lạc của đời vương giả.
Người Phật tử có Dhammacchanda, ý muốn chân chánh, để chứng ngộ Niết Bàn. Đây không phải là tham ái.
4.3-14 Tâm sở Bất Thiện (Akusalacetasika)
1- Si (Moha)
Xuất nguyên từ căn "muh", mê mờ, lầm lạc. Nghịch nghĩa của Moha, si, là Paññā, trí tuệ. Đặc tính chánh của Moha là lẫn lộn, không thấy rõ bản chất của sự vật. Moha như đám mây mờ, bao phủ tri kiến của ta liên quan đến Nghiệp và Tứ Diệu Đế.
2- Vô Tàm (Ahirika)
Ahirika là một danh từ trừu tượng được cấu hợp do "a" + "hirika", có nghĩa không hổ thẹn, Vô Tàm. Người không hổ thẹn khi làm điều bất thiện là ahiriko. Người có tâm Hiri (hổ thẹn) sẽ chùng bước, thối lui, trước hành động bất thiện.
 3- Vô Quý (Anottapa)[4]
"Na" + "ava" + căn "tapp", bứt rứt, dày vò.
Ottappa là sợ làm điều bất thiện, tức sợ hậu quả của hành động bất thiện.
Hiri (Hổ Thẹn) phát sanh từ bên trong, và Ottappa từ bên ngoài, do ngoại cảnh.
Hiri và Ottappa được xem là hai yếu tố chi phối thế gian rất quan trọng. Thiếu hai yếu tố nầy không có xã hội văn minh nào có thể tồn tại.
4- Phóng Dật (Uddhacca)
"U" = trên, phía trên + căn "Dhu" = chao động, rung chuyển.
Uddhutassa bhāvo Uddhuccaṁ = Uddhaccaṁ = trạng thái phun lên. Uddhacca được ví như trạng thái chao động của một đống tro khi người ta ném đá vào. Đó là trạng thái tâm chao động, và phản nghĩa là trạng thái tâm an trụ. Khi được xem như một trong năm triền cái (Nivārana, chướng ngại tinh thần), tâm Phóng Dật đối chiếu với chi thiền "Lạc".
5- Tham (Lobha)
Tâm là biết cảnh, Tham là ham muốn. Tâm tham là trạng thái tâm biết cảnh với tư cách ham muốn, bị thu hút bởi đối tượng khả ái. Bộ Atthakathā giải rằng: Cittaṃ lubhatiti lobha cittaṃ = Tâm ái nhiểm gọi là tâm tham.
Như vậy ta có thể nói tâm tham là sự bị cảnh thu hút, dính mắc đối tượng, và đối tượng của tâm tham là cảnh khả ái, cũng như đặc tánh của nam châm là hút sắt, thép, ... và những gì bị nam châm hút thì là chất kim loại. Tâm tham được chia làm 8 thứ, căn cứ vào 3 phương diện:
- Thọ: Thọ hỷ hay thọ xã
- Tương ưng: Hợp tà hay ly tà
- Trợ: Hữu trợ hay vô trợ
6- Tà Kiến (Diṭṭhi).
Nên ghi nhận sự khác biệt giữa Moha, Si, và Diṭṭhi, Tà Kiến. Tâm Si Mê che lấp, làm mờ đối tượng giống như một đám mây bao phủ. Diṭṭhi liên quan đến quan kiến nhất định, khư khư cố chấp vào ý tưởng của mình
7- Ngã Mạn (Māna):
Là kiêu ngạo, tự đắc, tự phụ; lúc nào cũng cho mình hơn người. Từ ngữ căn Man: kiêu ngạo, tự đắc, hay so sánh mình với kẻ khác. So sánh mình với người gọi là Ngã Mạn (Seyyomasmīti ādinā maññatīti: Mano).
- Chơn tướng của sở hữu Ngã Mạng là cách kiêu căn, tự phụ.
- Phận sự của sở hữu Ngã Mạng là làm cho được lừng lẩy.
- Sự thành tựu của sở hữu Ngã Mạng là cống cao, tự kiêu.
- Nhân cần thiết của sở hữu Ngã Mạng là phải có đối tượng để so sánh.
8- Sân (Dosa):
Từ ngữ căn Dus: phật ý, không bằng lòng. Khi có cảnh trái ý, nghịch lòng thì tâm Sân hay khởi lên. Nếu tâm Tham là sự gom vào, sự ôm ấp, gìn giữ đối tượng thì trái lại tâm Sân là sự đẩy ra, sự phá hoại, hủy diệt đối tượng. Sự hung ác, độc hại ... gọi là Sân (Saya meva dussatīti: doso). Sân là một trong ba căn bản phiền não.
- Chơn tướng của sở hữu Sân là cách nóng nảy, thô tháo.
- Phận sự của sở hữu Sân là làm cho tâm ta và tâm người nóng phừng lên.
- Sự thành tựu của sở hữu Sân là phá hoại.
- Nhân cần thiết của sở hữu Sân là cảnh bất như ý (do tác ý sai lầm).
9- Ganh Tị (Issā).
Xuất nguyên từ "i" + căn "su", đố kỵ, ganh ghét, tật đố. Đặc tính của Issā là ganh tị sự thành công và thạnh vượng của người khác. Như vậy có tánh cách khách quan, bắt nguồn từ bên ngoài chủ thể.
10- Xan Tham (Macchariya).
Macchariyassa bhāvo là trạng thái của người bỏn xẻn keo kiết.
Đặc tính của Macchariya là che đậy, dấu kín sự thạnh vượng của mình. Ngược lại với Issā, Macchariya có tánh cách chủ quan, bắt nguồn từ bên trong chủ thể.
Cả hai, Issā (Ganh Tị) và Macchariya (Xan Tham, Bỏn Xẻn) đều được xem là bạn của Dosa (Sân), bởi vì mỗi khi Issā và Machariya khởi sanh là có Dosa.
11- Lo Âu (Kukkucca).
Kukatassa bhāvo = kukkuccaṁ = trạng thái của người bồn chồn lo âu, hối hận vì đã có hành động sai lầm.
Kukkucca (Lo Âu) là một trong năm pháp Triền Cái (Nivāraṇa) và đi chung với Uddhacca (Phóng Dật). Kukkucca chỉ liên quan đến quá khứ.
Theo Tạng Luật, Kukkucca là tâm hoài nghi trong sạch về Giới Luật.
Theo Tạng Diệu Pháp trái lại, Kukkucca là hối tiếc, làm cho tâm bất an, và như vậy nên tránh.
12- Hôn Trầm (Thīna).
Xuất nguyên từ căn "the", co rút lại + "na". Thena = thāna = thīna.
Thīna là trạng thái tâm co rút lại, thối lui, giống như lông gà trước ngọn lửa. Thīna (Hôn Trầm) nghịch nghĩa với Viriya (Tinh Tấn). Thīna được giải thích là Citta-gelaññaṁ, trạng thái tâm ươn yếu bệnh hoạn. Như vậy, Thīna đối nghịch với Cittakammaññatā, trạng thái nhu thuận của tâm, một trong các tâm sở Đẹp (Sobhana cetasika, Tịnh Quang, hay Tịnh Hảo tâm sở).
13- Dã dượi, hay Thụy Miên (Middha).
Xuất nguyên từ căn "middh", không hoạt động, không có phản ứng, không có khả năng.
Đây là trạng thái uể oải, ươn yếu, dã dượi, của tâm sở.
Cả hai -Thīna (Hôn Trầm) và Middha (Thụy Miên) luôn luôn đi chung - là một trong năm pháp Triền Cái (Chướng Ngại Tinh Thần). Chi thiền Vitakka (Tầm) khắc phục Chướng Ngại nầy. Middha (Thụy Miên) cũng nghịch nghĩa với Viriya (Tinh Tấn). Nơi nào có Thīna và Middha thì không có Viriya.
Middha được giải thích là Kāya-gelañña, trạng thái ươn yếu của "cơ thể tinh thần".
14- Hoài Nghi (Vicikicchā).
Là sự nghi hoặc, không tin sự thật. Từ ngữ căn Vici là tìm hiểu, Kicchati là chán nản, mệt mỏi; vậy Hoài Nghi là chán nản trong việc tìm hiểu (vì không có kết quả). Hay Vi: không; Cikicchā: thuốc đối trị. Vậy Vicikichā có nghĩa là hết thuốc chữa. Thuốc chữa ở đây là Tri Kiến chơn chánh. Pāli có chú giải "Vicikicchātīti = do dự là hoài nghi".
- Chơn tướng của sở hữu Hoài Nghi là cách nghi hoặc.
- Phận sự của sở hữu Hoài Nghi là làm cho lưởng lự, phân vân.
- Sự thành tựu của sở hữu Hoài Nghi là không thể quyết đoán.
- Nhân cần thiết của sở hữu Hoài Nghi là không khéo dùng tâm.
Khi là một Chướng Ngại Tinh Thần Vicikicchā không có nghĩa là hoài nghi Phật, Pháp, Tăng v.v...
4.4- 25 Tâm sở tịnh quang (Sobhanacetasika)
4.4.1- 19 Tâm sở thiện
1- Tín (Saddhā).
"Saṁ", tốt đẹp + căn "dah", thiết lập, đặt lên, để trên.
Danh từ Saṁskrt Sraddhā gồm "Srat", đức tin + "dhā", thiết lập.
Theo Pāli, Saddhā là niềm tin thiết lập vững chắc đặt nơi Đức Phật, Giáo Pháp và Giáo Hội Tăng Già. Saddhā (Tín) ở đây không phải là đức tin mù quáng mà là niềm tin tưởng, tín nhiệm, căn cứ trên sự hiểu biết.
2- Niệm (Sati)
Do căn "sar", hồi nhớ.
Sati (Niệm), không chính xác tương đương với quan niệm về trí nhớ của người Tây Phương. Trạng thái chú tâm gần với Sati. Sự chú tâm ghi nhận, hay Niệm, cần phải được trau giồi và phát triển. Kinh Niệm Xứ, Satipaṭṭhāna Sutta, có mô tả với đầy đủ chi tiết nhiều phương pháp khác nhau để phát triển tâm sở Niệm nầy. Khi phát triển Sati (Niệm) đến mức cao độ hành giả có thể thành đạt khả năng nhớ lại nhiều kiếp sống quá khứ. Chính Sati nầy được xem là một trong tám chi của Bát Chánh Đạo - Chánh Niệm.
3- Tàm (Hiri)
Là tâm biết hỗ thẹn khi làm lỗi, ngược lại với tâm Vô Tàm.
4- Quý (Ottappa).
. Thẹn với người. Đây ngược với tâm Vô quý.
5- Không-Tham (Alobha).
Alobha phản nghĩa với Lobha (Tham).
Alobha (Không-Tham) bao hàm ý nghĩa Dāna, là lòng quảng đại, hạnh bố thí. Alobha là một phẩm hạnh tích cực liên quan đến lòng vị tha. Alobha (Không-Tham) là một trong ba căn Thiện. Giống như giọt nước trên lá sen, lăn trôi đi mà không dính mắc, đặc tính chánh của Alobha là buông bỏ, từ khước, không đeo níu vật gì.
6- Không-Sân (Adosa).
Adosa là phản nghĩa của Dosa (Sân).
Adosa (Không-Sân) không phải chỉ là không có lòng sân hận hay không bất toại nguyện, mà còn là một phẩm hạnh tích cực.
Adosa (Không-Sân) đồng nghĩa với Mettā (tâm Từ), một trong bốn phẩm hạnh cao thượng vô lượng vô biên, Tứ Vô Lượng Tâm.
Adosa (Không-Sân) cũng là một trong ba căn thiện. Giống như một người bạn lành dễ chịu Adosa có đặc tính chánh là không gắt gỏng, không nặng lời (caṇḍikka).
7- Xả, tâm quân bình (Tatramajjhattatā)
Theo đúng căn nguyên, "tatra" = ở đó, tức đối với đối tượng. "majjhattatā" = ở khoảng giữa, tức không thiên về bên nào, quân bình.
Đặc tính chánh yếu của Tatramajjhattatā là nhìn đối tượng một cách vô tư, không thiên vị. Tatramajjhattatā như người đánh xe, nhìn đồng đều vào cặp ngựa đã được huấn luyện thuần thục.
Tatramajjhattatā nầy đuợc xem là tâm Xả (Upekkhā) về cả hai phương diện, trí thức và đạo đức.
8- Tâm sở vắng lặng (Kāya Passaddhi).
Passaddhi gồm "pa" + căn "sambh" làm cho an tĩnh, yên lặng. Passaddhi là trạng thái an tĩnh, yên lặng, tự tại.
Đặc tính chánh của Passaddhi là tiêu trừ, hay làm giảm dịu tình trạng nóng bỏng của dục vọng (Kilesa- daratha-vūpasama). Passaddhi như tàn bóng mát mẻ của một cội cây đối với người đi đường đang bị nắng thiêu đốt. Passaddhi nghịch nghĩa với Uddhacca, phóng dật, trạng thái tâm bị khích động. Khi được phát triển đến cao độ Passaddhi trở thành một trong Thất Giác Chi (Bojjhaṅga).
9- Tâm vắng lặng (Citta Passaddhi).
Giống phần 8.
10- Tâm sở Khinh An (Kāya Lahutā)
Trạng thái nhẹ nhàng của tâm sở và trạng thái nhẹ nhàng của tâm vương.
Xuất nguyên từ "Laghu", có nghĩa nhẹ, mau. (Saṅskrt Laghutā). Lahutā là trạng thái nhẹ nhàng, thư thái. Tiêu trừ trạng thái nặng nề của tâm và của tâm sở là đặc tính chánh yếu của Lahutā. Lahutā ví như đặt gánh nặng xuống, nghịch nghĩa với Thīna và Middha, hôn trầm và thụy miên, làm cho tâm sở và tâm nặng nề, thô cứng.
11- Tâm Khinh An (Citta Lahutā).
Giống phần 9.
12- Tâm sở Nhu Thuận (Kāya Mudutā ).
Trạng thái mềm dẻo của tâm sở và của tâm vương.
Đặc tính chánh của Mudutā là tiêu trừ trạng thái thô cứng và đề kháng. Mudutā làm mất đi tính cách thô cứng và làm cho tâm trở thành mềm dẻo, nhu thuận để tiếp nhận đối tượng. Mudutā được ví như một tấm da có thấm dầu và nước đầy đủ, trở nên mềm dẻo và có thể được xử dụng dễ dàng. Mudutā nghịch nghĩa với tà kiến và ngã mạn (Diṭṭhi và Māna). Hai tâm sở sau nầy làm tâm thô cứng, không mềm dẻo, khó xử dụng.
13- Tâm Nhu Thuận (Citta Mudutā).
Giống phần 12.
14- Tâm Sở Thích ng (Kāya-Kammāññatā).
Trạng thái thích ứng của tâm sở và trạng thái thích ứng của tâm vương.
"Kamma" + "nya" + "tā" = Kammanyatā = Kammaññatā. Đúng căn nguyên của danh từ, là trạng thái dễ xử dụng, hay tình trạng có thể dùng.
Đặc tính chánh của Kammaññatā là tiêu trừ trạng thái không dùng được, khó xử dụng, của tâm sở và của tâm vương. Kammaññatā ví như kim khí đã được đốt nóng, muốn uốn nắn thế nào cũng được. Kammaññatā nghịch nghĩa với tất cả các chướng ngại tinh thần còn lại (tức tham dục, oán ghét và hoài nghi).
 
15- Tâm Thích Ứng (Citta-Kammaññatā).
Giống phần 14.
16- Tâm sở tinh luyện (Kāya-Pāguññatā).
Trạng thái tinh luyện của tâm sở và trạng thái tinh luyện của tâm vương.
Đây là trạng thái tinh luyện, thuần thục. Đặc tính chánh của nó là tiêu trừ tình trạng ươn yếu bệnh hoạn của tâm và các tâm sở. Nghịch nghĩa của Paguññatā là những khát vọng như thiếu niềm tin v.v...
17- Tâm tinh luyện (Citta-Pāguññatā).
Giống phần 16
18- Tâm sở Chánh Trực (Kāyujjukatā ).
Trạng thái ngay thẳng của tâm sở và trạng thái ngay thẳng của tâm vương.
Đây là trạng thái chánh trực, ngay thẳng, nghịch nghĩa với trạng thái xuyên vẹo, quanh co, khuất khúc, lừa phỉnh, mưu mẹo, Đặc tính chánh của trạng thái nầy là ngay thẳng.
19- Tâm Chánh Trực (Cittujjukatā).
4.4.2- 3 Tâm sở tiết chế (Virati)[5]
"Vi" + căn "ram", thỏa thích trong. Virati là tiết chế, thỏa thích trong sự kiêng cữ.
Theo sách Atthasālini có ba loại Virati (Tiết Chế): Sampatta-Virati, Samādāna-Virati, và Samuccheda-Virati.
Sampatta-Virati là kiêng cữ, tránh làm điều bất thiện vì nghĩ đến tông môn, đến tuổi tác, giáo dục v.v... của mình. Samādāna-Virati là kiêng cữ, tránh làm điều bất thiện vì đó là vi phạm giới luật mà mình đã tự nguyện nghiêm trì. Thí dụ như người Phật tử kiêng cữ, không sát sanh, trộm cắp v.v... để giữ tròn ngũ giới.
1-Chánh Ngữ (Sammavaca)
Không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác và không nói ỷ ngữ
2-Chánh mạng (Samma ajivo)
Tránh năm nghề nuôi mạng khả dĩ: Không bán thuốc độc, không bán rượu, không bán vũ khí, không bán nô bọc (Nô lệ), không bán loài vật để sát sanh.
3-Chánh nghiệp (Samma kammanto)
Không sát sanh không trộm cắp và không tà dâm.
4.4.3- 2 Tâm sở vô lượng (Appamaññā)
Vì có đối tượng nhiều vô số kể nên tâm sở nầy được gọi là Vô Lượng, Appamaññā, không có giới hạn (Saṅskrt Aprāmānya). Cũng đuợc gọi là Brahma Vihāra, Những Nếp Sống Cao Thượng. Mettā (Từ), Karuṇā (Bi), Muditā (Hỷ), và Upekkhā (Xả) là bốn tâm Vô Lượng ấy.
Như đã giải thích ở phần trên Mettā (Từ) đã được bao hàm trong Adosa (Không-Sân), và Upekkhā (Xả) trong Tatramajjhattatā (Tâm Quân Bình). Do đó ở đây chỉ ghi nhận có hai tâm sở.
1- Bi (Karuṇā).
Căn "Kar", làm ra, chế tạo + "uṇa".
Cái gì làm rung động trái tim của người hiền lương nhân đức trước cảnh ưu phiền của kẻ khác là Karuṇā (Bi). Cái gì làm tan biến nổi đau khổ của kẻ khác là Karuṇā (Bi).
Đặc tính chánh yếu của Karuṇā (Bi) là lòng mong muốn giải trừ nổi khổ đau của người khác. Kẻ thù trực tiếp của Karuṇā là Hiṁsā (tánh Hung Bạo), và kẻ thù gián tiếp là Domanassa (Ưu Phiền). Karuṇā bao gồm những chúng sanh đau khổ. Karuṇā loại bỏ những tư tưởng hung bạo.
2- Hỷ (Muditā).
Xuất nguyên từ căn "mud", hoan hỷ, bằng lòng.
Muditā (Hỷ), không phải là thiện cảm suông, mà là trạng thái hoan hỷ có tánh cách tán dương, vui vẻ ngợi khen. Kẻ thù trực tiếp của tâm Hỷ là ganh tỵ, và kẻ thù gián tiếp là vui mừng rối rít (Pahāsa). Đặc tính chánh của Muditā là hoan hỷ ghi nhận sự thạnh vượng của kẻ khác (Anumodanā). Tâm Hỷ bao gồm các chúng sanh thạnh vượng, là thái độ ngợi khen. Hỷ loại trừ sự ghét bỏ (Arati).
4.4.4- 1 Tâm sở tuệ căn
* Tuệ Căn (Paññindriya)
"Pa" = chân chánh, đúng; "ñā", hiểu biết. Paññā là hiểu biết chân chánh, biết đúng.
Đặc tính chánh của Paññā là thấu đạt thực tướng, hay hiểu biết thông suốt, tức hiểu biết thấu đáo, xuyên thấu (Yathāsabhāva-paṭivedho vā akkhalita-paṭivedho).
Vì Paññā nổi bật và chiếm phần lớn trong sự hiểu biết bản chất thật sự, và bởi vì Paññā khắc phục vô minh nên được gọi là khả năng kiểm soát (Indriya, Căn). Trong Tạng Diệu Pháp (Abhidhamma) những danh từ Ñāṇa, Paññā và Amoha thường được dùng như đồng nghĩa. Trong các loại tâm liên hợp với tri kiến (Ñāṇa-sampayutta), danh từ "tri kiến" hay Ñāṇa có nghĩa là trí tuệ (Paññā). Trong Tứ Thần Túc (Iddhipāda), Paññā có tên là Vīmaṁsā (theo đúng nghĩa trắng là quan sát, quán trạch). Khi được tâm Định (Samādhi) thanh lọc, Paññā đảm nhiệm vai trò danh dự của Abhiññā (diệu trí, tri kiến cao siêu, hay thần thông). Phát triển cao hơn nữa, Paññā được nâng lên đến trạng thái của một Bojjhaṅga-Dhamma-Vicaya (Trạch Pháp Giác Chi, Dò Xét Chân Lý), và đến Maggaṅga-Sammā Diṭṭhi, Chánh Kiến của Bát Chánh Đạo. Mức cùng tột của Paññā là trạng thái Toàn Giác của một vị Phật.
Đúng theo nghĩa của danh từ, Paññā là thấy sự vật đúng như thật, thấy thực tướng của sự vật, tức thấy sự vật dưới ánh sáng của Anicca (Vô Thường), Dukkha (Khổ), và Anattā (Vô Ngã).
5 - Tâm Sở Bất Thiện (akusalacitta)
Tâm nào hòa hợp (samyutta) với căn bất thiện, tâm ấy gọi là tâm bất thiện.
Tâm Bất Thiện là Tâm chẳng lành, chẳng tốt, Tâm xấu, Tâm quấy, Tâm thấp hèn, Tâm hạ tiện, Tâm Bất Thiện có ba: Tâm tham (lobhacitta), tâm sân (dosacitta), tâm si (mohacitta).[6]
Trong ba tâm bất thiện ta gọi là tam độc, bài viết chỉ giới hạn ở Tâm sân.
*Năm nguyên nhân chính sanh tâm Bất thiện:
1- Tác ý không khéo (ayonisomanasikāra).
2- Ở chỗ không đáng ở (appaṭirūpadesāvā).
3- Thân cận ác nhân (asappurisaruupa nissāya).
4- Đời trước không tạo (nhiều phước) (pubbe akata-puññatā).
5- Lập trường sái quấy (attamicchāpanidhi).
5.1-Tác năng tạo quả của tâm bất thiện
Trong 12 tâm bất thiện, khi tạo các ác nghiệp thì sẽ cho quả nặng nhẹ như sau
Tâm Thọ Hỷ có quả nặng hơn tâm Thọ Xã.
Tâm Hợp Tà có quả nặng hơn tâm Ly Tà.
Tâm Vô Trợ có quả nặng hơn tâm Hữu Trợ.
Vì nghiệp (Kamma) hay hành động tạo quả, phần chủ yếu là sự chủ tâm, cố ý (hay sở hữu Tư – Cetanā – Phật ngôn: "Cetanānaṃ Bhikkhavekammaṃ vadāmi = Nầy các Tỳ Khưu, Nghiệp là Sở hữu Tư"). Do đó, nếu sự cố ý mạnh sẽ cho quả nặng và ngược lại. Những tâm làm ác với sự thỏa thích (Thọ Hỷ), đương nhiên sẽ có sự cố ý mạnh hơn những tâm hành sự với cảm thọ bình thường (Thọ Xã); hay những tâm mang kiến chấp sai lầm (Hợp Tà), có sự chủ tâm mảnh liệt hơn những tâm không cố chấp (Ly Tà); những tâm phát khởi mau lẹ (Vô Trợ) sẽ có chủ ý, có tâm mạnh hơn những tâm sanh khởi nhờ sự trợ giúp nhiều lần (Hữu Trợ) vì cần có động cơ thúc đẩy, tâm hữu trợ thường sinh lên với tính cách gượng gạo nên sự chủ tâm trong tâm này rất yếu.
5.2- Nhân sanh tâm bất thiện
a) Tâm không khéo tác ý (Ayoniso mānasikāra): là sự không khéo dùng tâm hay vụng về trong cách suy nghĩ, thí dụ: trước sự bất hạnh, đau khổ xảy đến, một người khéo tác ý sẽ nghĩ rằng "Đây là một cơ hội để ta hành pháp nhẫn nại", rồi người ấy hoan hỷ đón nhận nghịch cảnh đó. Trái lại, người không khéo tác ý sẽ than thở, phát tâm sầu muộn (tâm Sân dấy lên). Do đó, có thể nói không khéo tác ý là một nguyên nhân sanh tâm bất thiện.
b) Ở xứ không nên ở (Appatirāpadanevada): là trú ngụ ở những nơi phát sanh nhiều phiền não, gây tai hại cho tinh thần, khiến tâm hằng giao động, như những nơi thường có chiến tranh, những nơi gần chốn ăn chơi, ... đều là những nơi không nên ở vì tục ngữ có câu "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", ngoài lý do bản tánh và thói quen ở kiếp trước, con người còn dể bị ảnh hưởng bởi môi trường chung quanh mình. Vì vậy, có thể nói, cư ngụ ở những nơi không nên ở cũng là một nguyên nhân sanh tâm bất thiện.
c) Thân cận phi thiện nhơn (Asappurisapanissaya): Phi thiện nhơn là những người có thân ác, khẩu ác và ý ác; những người thiếu giới đức, kém trí tuệ. Khi giao thiệp với những người ấy, ta dể bị ảnh hưởng theo ("gần mực thì đen!"), do đó việc thân cận phi thiện nhơn cũng là một nguyên nhân sanh tâm bất thiện.
d) Đời trước không có thói quen tạo phước (Pubbe akata puññata): Có thể nói phiền não của chúng sanh giống như cỏ, thiện pháp của chúng sanh giống như lúa; lúa khó trồng mà dể chết, còn cỏ không trồng nhưng khó diệt. Nói một cách khác, tâm bất thiện là mộât bản năng thường có của chúng sanh ("nhân chi sơ, tính bổn ác!"). Vì vậy, một người không có thói quen tạo phước thì rất dể sinh ác tâm.
e) Hướng mình theo tà vạy (Attamicchapanidhi): tức là có khuynh hướng làm điều ác, nuôi hoài bảo bất chánh, có lập trường bất hảo. Như một người muốn làm du côn; muốn trở thành tướng cướp ... Do thực hành theo những ý hướng bất chánh đó, người ấy tạo ra những hành động bất thiện.
5.3- Tâm Sân (dosacitta), một trong những tâm sở bất thiện
5.3.1- Khái niệm và loại Tâm sân
Tâm sân (Dosamūla Citta): Sân là sự khó chịu, trái ý, nghịch lòng, bất toại nguyện. Tâm sân là sự biết cảnh với tư cách nóng nảy, bất bình, không vừa ý. Đặc tính của tâm sân là hủy diệt đối tượng, không chấp nhận đối tượng (trái với tâm tham là gìn giữ, ôm ấp đối tượng). Cảnh của tâm sân là những đối tượng khả ố, cũng như lửa có đặc tánh thiêu đốt.
Tâm sân thường sanh khởi do nhiều nguyên nhân, như do tánh quen sân, là có thói quen gặp gì trái ý cũng phát sanh sân hận, hay đối với bản tánh nông nỗi, thiếu sự suy xét sâu xa cũng là yếu tố làm tâm sân phát khởi; hoặc đối với người thiếu sự học hỏi, tánh tình thô lỗ cũng là một nguyên nhân làm tâm sân dể phát khởi; và nguyên nhân chính phải nói là sự gặp cảnh không tốt, khả ố.
 Sân giận là một điều mà tất cả ai là con người đều phải có không ít thì nhiều. Đôi khi ta bực tức, khó chịu, cáu gắt. Chúng ta giận dữ hoặc điên tiết với người này hoặc người nọ vì lý do này hay lý do kia. Có nhiều sự việc, hoàn cảnh khiến chúng ta bực mình, khó chịu, thường làm chúng ta nổi cơn thịnh nộ giận dữ khi sự việc không xảy ra theo ý mình.
“Muôn việc ác khởi đầu từ sân nộ
Là nguyên nhân bao thống khổ ly tan”.
 Nhưng lại hiểu sân là gì, có nguy hại như thế nào? Chúng ta có thể cảm nhận nhưng không thấu đáo về nó. Do đó với vi diệu pháp, chúng ta sẽ hiểu được, và tâm nào hòa hợp với căn sân, gọi là tâm sân.
Dosa là từ ngữ căn Dus nghĩa là trạng thái nóng nảy, bực bội, khó chịu, bất bình, phiền muộn, không toại nguyện. Đôi khi Dosa đồng nghĩa với paṭigha (độc ác, hiềm hận, phẫn nộ). Chữ paṭigha phân tích thành paṭi + căn gha; tiếp đầu ngữ “paṭi” có nghĩa là chống lại, căn “gha” nghĩa là chạm vào, đụng vào, tiếp xúc.
Paṭigha là trạng thái chống lại những gì chạm vào tâm, nên tâm chỉ có một lọai thọ là thọ ưu (domanassa vedanā), tức thọ khổ mà không có thọ lạc.
Có lọai tâm sân khi gặp cảnh thì khởi lên ngay, như người vừa gặp kẻ tử thù thì phẫn nộ ngay, gọi là vô trợ (asaṅkhārika).
Có lọai cần phải kích tác mới khởi lên được, như suy nghĩ nhiều lần về sự bội phản mới khởi lên tâm phẩn nộ (suy nghĩ nhiều lần là tự ý trợ, gọi là hữu trợ (sasaṅkharika).
Như vậy tâm sân có hai thứ là:
- Tâm Sân thọ ưu hợp phấn vô trợ.
(Dosacitta Domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ ).
- Tâm Sân thọ ưu hợp phấn hữu trợ.
(Dosacitta Domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ ).
*Tâm Sân thọ Ưu Hợp Phấn Vô Trợ: là sự khó chịu, trái ý, nghịch lòng phát sinh lên mau lẹ không cần một động năng nào thúc đẩy cả. Thí dụ: một người quen tật sân, ai chạm một chút cũng nổi giận, do đó, khi vừa gặp cảnh bất như ý là tâm sân liền nổi lên. Tâm sân đó là tâm sân vô trợ vậy.
Thí dụ: Như một người bị kẻ khác vừa nói nặng một tiếng thì trong tâm đã nổi nóng. Nổi nóng đó là Tâm Sân thọ ưu hợp phấn. Vừa nghe nói lời nặng đã phiền là vô trợ.
* Tâm Sân Thọ Ưu Hợp Phấn Hữu Trợ: là sự nóng giận, ưu phiền, sanh lên do sự thúc đẩy nhiều lần. Thí dụ: một người tánh hay vui vẽ, gặp một người dùng lời chửi mắng, lúc đầu tâm chưa phản ứng gì, sau khi nghe nhiều lần thì nổi giận. Sự nổi giận ấy là tâm hữu trợ vậy.
Thí dụ: Như một người nọ bị kẻ khác dùng lời thô lỗ, mắng nhiếc. Khi mới nghe chưa giận, nhưng khi nghe nhiều lần mới phát Tâm Sân (nghe nhiều lần mới phát tâm sân là hữu trợ).
5.3.2. Bốn nguyên nhân sanh “tâm sân” là:
1. Tánh đa sân (dosajjhāsayatā)
2. Không suy xét cao siêu (agambhirapakatitā)
3. Thiếu sự học hiểu (appasuttatā)
4.Thường gặp cảnh trái ý (cảnh xấu) (aniṭṭhārammaṇasamāyogo).
- Gọi là tánh đa sân là những ngừơi thường bất thiện không hài lòng với những cảnh hay vật tiếp xúc, chạm vào.
Tánh đa sân thường do tập quán tích lũy tụ thành, như người hằng được nuông chiều, do đó mỗi chút y điều tỏ ra cau có, khó chịu để được xoa dịu, dần dần y trở nên người đa sân.
Nói chung, tánh đa sân là do ái ngã hay ái ngã sở (yêu cái của ta ) một cách quá đáng.
Trong Aṅguttara Nikāya, đức Phật dạy rằng:
“ Có ba hạng người: người như ung độc, người như kim cương, người bất động”
Hạng người ung độc là chỉ cho người có tánh đa sân ví như mụt ung độc khi chạm phải sẽ đau nhức, rỉ mủ ra. Cũng vậy, người đa sân khi chạm phải cảnh nghịch ý sẽ phẫn nộ bất bình ngay
- Gọi là không suy xét cao siêu,là không nhận ra kịp, thiếu suy nghĩ tinh tế, không suy xét theo lý nhân quả, không phán xét đây là nội phần hay ngoại phần, chỉ hành động theo bản năng.
- Gọi là thiếu sự học hiểu, là do ít nghe, kém học, không tìm hiểu những vấn đề cần biết như nhân quả, nghiệp báo, Tứ Đế… trái lại tìm hiểu những gì không đáng tìm hiểu như: mưu chước để hại người, ân oán đền trả, hoặc những đề tài nhằm mục đích khuyến dụ người khác rơi vào tham ái, sân hận, những đề tài có tính chất hại nhau…
- Gọi là thường gặp cảnh xấu là thường gặp những cảnh ghê rợn như đánh nhau, chiến tranh tàn khốc, hoặc gặp những cảnh nghịch như: thất bại trong sự nghiệp, bị khánh kiệt tài sản, tiêu tai danh tiếng, suy vong thân tộc…
Trong Aṅguttara nikāya có ghi rằng:
Có hai duyên trợ giúp cho sân sanh khởi, đó là: tướng không tốt (asubhanimitta) và tác ý không khéo.[7]
5.3.3-Tâm Sở Sân Phần
5.3.3.1. Định nghĩa và nội dung.
Dosa (sân) xuất nguyên từ ngữ căn Du là khó chịu, buồn rầu.
Theo quan niệm thông thường “sân” là cách thức “nóng nảy” của tâm. Thật ra, “phẫn nộ” hay “nóng nảy” chỉ là trạng thái thô thiển của tâm sở sân, trạng thái trung bình của tâm sở sân là buồn rầu (soka), khóc than (parideva), khó chịu (domanassa), đau đớn xác thân (dukkha) và trạng thái vi tế của tâm sở sân là “không hài lòng”, “không an lạc”, “không thích thú”, “không hân hoan”.
Những từ ngữ chỉ cho tâm sở sân là: hiṃsa (sát hại), palāsa (ác ý hay thù oán), kodha (phẫn nộ),soka (buồn rầu), parideva (than khóc – than thở, khóc), domanassa (khó chịu), dukkha (khổ ).
Sát hại (hiṃsa) là sự khó chịu lên đến cực điểm, hoàn toàn không hài lòng với đối tượng, ở giai đoạn này tâm không hề chần chừ khi hủy diệt đối tượng.
Chính vì không chịu đựng nổi đối tượng (cảnh), bị đối tượng áp chế, khi hủy diệt xong đối tượng, tâm như thoát ra sự áp chế, nên bộc phát trạng thái hài lòng, thỏa thích khi “chướng ngại” không còn. Đó là lý do vì sao một người sát hại xong kẻ thù, y thích chí cười vang hoặc vô cùng thỏa mãn.
Ác ý (palāsa), phẫn nộ (kodha) cũng là trạng thái khó chịu cao độ trước cảnh, nhưng tâm còn có thể chịu đựng được. Ác ý hay phẫn nộ nếu không được kềm chế, sẽ dẫn đến sát hại.
Kềm chế được ác ý, phẫn nộ, được xem là tốt. Đức Phật có dạy:
“Ai chận được phẫn nộ.
Như dừng xe đang lăn.
Ta gọi người đánh xe.
Kẻ khác, cầm cương hờ.”
Kệ ngôn trên được Đức Phật dạy, nhân câu truyện: Một vị tỳ kheo đốn cây để làm liêu thất, cội cây ấy của một nữ thiên nhân. Vị tỳ kheo vô tình làm con nàng bị thương, thiên nữ phát sanh sự phẫn nộ, toan sát hại vị tỳ khưu, nhưng nàng kịp thời kềm chế được, và đi đến trình câu truyện lên Đức Thế Tôn.
Sợ hãi (bhaya), khiếp đảm (bherava) là một dạng khác của tâm sân. Cả hai đều phản ánh tâm trạng không hài lòng với cảnh.
Sợ hãi phát xuất từ cảnh bên trong, như kẻ trộm cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến hình phạt của vua quan.
Còn khiếp đảm xuất phát từ cảnh bên ngoài, như một người thấy cảnh tra tấn, hành hạ tội nhân. Hoặc như người một mình trong rừng vắng, cảm thấy sợ hãi lẫn khiếp đảm.
Có những sợ hãi (khiếp đảm) là duyên phát sinh các thiện pháp, như cảm thấy sợ hãi đối với 4 khổ cảnh hay những hình phạt của vua quan, nên tránh xa tội lỗi, làm những việc phước thiện.
Trái lại có những sợ hãi (khiếp đảm) khiến bất thiện pháp đang sanh lên được tăng trưởng, như người quá sợ hãi khi thấy tánh mạng hoặc tài sản bị đe dọa, y trở nên liều lĩnh, hung bạo lao vào mọi việc ác để hủy hoại đối tượng đe dọa y (sợ quá hóa liều).
Đây là những minh họa cho sự sợ hãi làm sanh khởi thiện pháp.[8]
*Tâm sở sân có bốn ý nghĩa là:
Trạng thái: Làm cho thân tâm thô tháo (caṇḍikka lakkhaṇa).
Chữ caṇḍikka = caṇḍa = ikka, caṇḍa là thô lỗ, cộc cằn, hung bạo.
Ikka xuất phát từ chữ accha, accha là “chói sáng, rực rỡ, không che đậy..”
Caṇḍikka là “không che đ6ạy sự thô lỗ”, “rực rỡ sự thô lỗ”...
Tâm sở Sân là cách không hài lòng, khó chịu với đối tượng (cảnh) nên điều sử thân hành, ngữ hành để hủy diệt đối tượng. Sự biểu lộ thân hay ngữ thô lỗ (thô bạo) là một trong những trạng thái của tâm sở Sân, ngoài ra về ý thì: Tâm trở nên thô cứng, rắn rỏi.
Điều dễ nhận thấy là: Khi tâm sân cường mạnh thì người này bất chấp đạo lý (tâm rắn rỏi), hay khi có sự khó chịu với người nào thì không thể có tình thương với người đó (tâm thô cứng).
Nên ghi nhận rằng: “Khi sân sinh khởi thì không thể có tình thương, nhưng không có tình thương không hẳn là tâm sân, một người không thương người xa lạ nhưng không hẳn khó chịu với người ấy.
Phận sự: Thiêu đốt (hủy hoại) cảnh (nissaya dāha raso).
Chữ nissaya là “nương tựa”, tâm sinh lên do nương vào cảnh, thiêu đốt (dāha) (nơi) nương tựa là thiêu đốt cảnh, hay hủy diệt đối tượng.
Tâm sở Sân khi sanh lên, luôn luôn có tính không hài lòng đối tượng và chỉ muốn tiêu hủy những gì (cảnh) mà nó không hài lòng.
Vì rằng: Tâm sở sân không bám víu cảnh, nó không có tình cảm, tâm sở sân chỉ thấy những khuyết điểm của đối tượng, nên nảy sinh “không hài lòng” với đối tượng.
Chính vì thế “hủy diệt cảnh” là phận sự của tâm sở Sân, ví như người thấy bộ y phục tuy mới, nhưng thấy dơ bẩn dù chút ít thì không muốm mặc.
Thành tựu: Phạm tội (hay tạo nghiệp ác bất thiện - dussanapaccup -paṭṭhano).
Hành giả quán sát thân ngữ, thấy rõ sự thô thiển của nó và thấy thân ngữ này trở thành thân hành ác, ngữ nói ác. Hành giả hiểu biết đó là sự thành tựu của tâm sở Sân.
Thân vi phạm vào: sát sanh, trộm cắp.
Ngữ vi phạm vào: nói dối, nói hai lời (đâm thọc), nói ác... Đó là sự thành tựu của tâm sở Sân.
Nhân cần thiết: thiếu hiểu biết (hay thiếu lý trí) (upaṭṭhānakārapaccu- paṭṭhānā).
Chữ upaṭṭhānakāra = upa (trên) + ṭhāna (lý do)+ akāra (không làm).
Upa+ ṭhāna = upaṭṭhāna (sự hiểu biết). Nên upaṭṭhānakāra được dịch là “thiếu hiểu biết” hay “không hành động hiểu biết”.
Tâm sở Sân sanh khởi do thiếu điềm tỉnh (santa), thiếu điềm tỉnh là cách biểu hiện của sự thiếu hiểu biết hay không hiểu biết.
Thông thường người thiếu sự suy xét, dễ dàng sinh khởi khó chịu khi xúc chạm cảnh chướng ngại (paṭighanimitta).
Đức Phật có dạy:
“Ví như vết thương đang làm mủ (duṭṭhāruka), nếu bị cây gậy hay miểng sành (kaṭhakā) đánh phải, liền chảy mủ nhiều hơn. Cũng vậy, này các tỳ khưu, ở đây có người phẩn nộ, nhiều hiềm hận, dầu có nói chút ít, cũng tức tối (abhisajjati), phẩn nộ (kuppati), sân hận (uyāpajjati), sừng sộ (paṭiṭṭhīyati), biểu lộ sự phẩn nộ và bực tức (appaccayati)”.[9]
Và Đức Phật gọi người này có tâm ví như vết thương (arukūpama - citta).
Chính vì tâm không điềm tỉnh, dẫn đến thiếu (hay không) có trí suy xét, khiến tâm luôn loạn động, bất bình, khó chịu. Đây là nhân cần thiết cho tâm sở sân.
“Người tâm ý an tịnh.
Lời an, nghiệp cũng an.
Chánh trí , chơn giải thoát.
Tịnh lạc là vị ấy.”[10]
5.3.3.2- Nguyên nhân phát sanh tâm sở Sân?.
Phát sanh tâm sở Sân chính là “ái ngã” và ái ngã sở (yêu thích cái của tôi).
Từ hai điều này, biểu hiện qua chín cách hay chín điều dẫn đến sinh khởi tâm sở sân là:
1. Do nghĩ người ấy đã làm hại tôi.
2. Do nghĩ người ấy đang làm hại tôi.
3. Do nghĩ người ấy sẽ làm hại tôi.
4. Do nghĩ người ấy đã làm hại người thân của tôi.
5. Do nghĩ người ấy đang làm hại người thân của tôi.
6. Do nghĩ người ấy sẽ làm hại người thân của tôi.
7. Do nghĩ người ấy đã làm lợi đến kẻ thù của tôi.
8. Do nghĩ người ấy đang làm lợi đến kẻ thù của tôi.
9. Do nghĩ người ấy sẽ làm lợi đến kẻ thù của tôi.
Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như: “Nổi buồn vu vơ”, “ngậm ngùi cho thân phận”, “đau buồn khi mất người thân”...
Riêng “xúc động” có thể là thiện, có thể là bất thiện.
Như “xúc động trước nổi khổ của người khác”, “xúc động” trước những gương nhẫn nại của các bậc tiền hiền như Đức Phật, Thánh Thinh văn là thiện, là tâm sở Bi (karunācetasika). Còn xúc động đến rơi lệ khi xa cách người mình ái luyến là bất thiện.
Ngài Buddhaghosa có giải thích:
Trí và Sân có điểm giống nhau là:
- Về hình tướng: Sân và trí có vẻ thô tháo bên ngoài.
- Về đặc tính: Sân và trí đều có chung đặc tính “không tình cảm, không bám víu đối tượng”.[11]
Điểm khác nhau là:
- Sân tìm thấy lỗi không thật có. Trí tìm thấy lỗi thật có.
- Sân sinh khởi để buộc tội chúng sanh, trí sinh khởi buộc tội các hành (saṅkhāra).
Do đó, những trường hợp “xúc động” thuộc về dạng bất định, có thể là tâm sở sân, có thể là tâm sở Bi hợp với trí.
Đức Phật có dạy:
“Domanassa pa’haṃ devānaṃ inda duvidhana vadāmi, jevitabham pi asevitabbaṃ pi”.
- Này hiền giả, Ta nói ưu cũng có hai loại: một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa.
Và: loại ưu nào có thể biết được “khi tôi thân cận với ưu này, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng”, thời ưu ấy nên thân cận.
Ở đây, loại ưu nào có thể biết được “khi tôi thân cận với ưu này, thiện pháp suy giảm, bất thiện pháp tăng trưởng”, thời ưu ấy nên tránh xa.”.
Loại ưu nào cần xa lánh? Loại ưu nào cần thân cận?
- Loại ưu nào có liên hệ với ái ngã, ái ngã sở là ưu cần xa lánh. Hình ảnh Đức Ānanda nước mắt đầm đìa khi Bậc Đạo sư viên tịch là loại ưu nên xa lánh.
- Loại ưu nào không liên hệ đến ái ngã, ái ngã sở là loại ưu nên thân cận, như nhàm chán ác pháp, nhàm chán các pháp hành, kinh cảm trước sinh, già, bịnh, chết...
5.3.3.3- Phương Pháp Đối Trị Tâm Sân
Theo Phật học phổ thông, HT. Thích Thiện Hoa đã dụ tâm sân có tất cả là bốn: Nóng, giận, hờn, buồn. Đối trị tâm này cũng có bốn pháp là: Nhẫn, nhịn, nín, thôi.
Ta có rất nhiều tâm sân hận mà chúng ta đã huân tập trong nhiều kiếp sống. Khi hội đủ nhân duyên, chúng ta sẽ phạm những hành động tội lỗi, ta không thể nhận thức được ta đang làm việc đó. Khi chúng biết sân hận là xấu xa, chúng ta tìm cách đọan trừ sân hận.
  Muốn thể hiện những hành động tốt đối với người khác thì chúng ta không thể đọan trừ khuynh hướng ngủ ngầm của sân hận, nhưng ít ra vào những khỏanh khắc này chúng ta cũng không có huân tập sân hận nhiều hơn nữa. Đức phật đã khuyến khích chúng ta tu tập tâm từ (mettā). Có câu:
Lấy oán thù đáp oán thù
Oán thù không hết niềm từ lại tiêu
Lấy tình yêu đáp tình yêu
Sóng lên một ngọn thủy triều liền dâng.
Thù hận không thể dập tắt được hận thù, không hận thù mới làm lắng dịu được thù hận
-Chánh niệm là người bảo vệ đầu tiên và hữu hiệu chống lại sân hận cùng với những  bất ổn của tâm. Thế nào là chánh niệm? Đó là sự hiện diện của tâm, thức giác, biết rõ những gì đang xảy ra ngay thời điểm khởi phát. Do đó, giây phút sân hận khởi lên, ta phải áp dụng chánh niệm.
-Thay vì đáp trả, phản ứng với cơn sân hận, chúng ta lặng lẽ quan sát nó, theo dõi cảm xúc bực tức nóng nảy. Và trong quá trình quan sát như thế, cơn sân hận lắng dần. Thoạt đầu, nó suy yếu rồi từ từ tan biến đi. Thiền sư Achachal người Thái lan nói: “Khi ai làm cho ta sân hận đng nhìn vào người gây cho ta sân hận mà hãy nhìn vào tâm sân hận của ta.”
Khi ta luôn giữ tâm chánh niệm, sự bực tức không còn chỗ đứng. Nó bị chặn đứng, và nếu ta tiếp tục chú ý quan sát, nó sẽ lắng xuống dần, cuối cùng tan biến đi.   
C- KếT LUậN
Abhidhamma đề cập cả danh và sắc, hai thành phần tâm linh và vật chất cấu tạo guồng máy phức tạp của con người, đều được phân tách rất tỉ mỉ. Những diễn tiến chánh yếu liên quan đến tiến trình sanh và tử đều được giải thích tường tận. Những điểm phức tạp và khó hiểu trong Giáo Pháp đều được soi sáng tường tận, chỉ rõ con đường đi đến giải thoát hoàn toàn.
 Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) là tạng kinh bí yếu, đứng về gốc độ chân đế để lột tả mọi hình thái của tâm một cách rõ ràng, tỉ mỉ, chính xác, lô gíc, khoa học. Chỉ một cách cụ thể về tâm, một phạm trù khó nắm bắt, khó hình dung và rất khó hiểu. Bài viết này nhằm hệ thống lại một số vấn đề cơ bản, một phần nhỏ của Vi Diệu Pháp là Tâm sở và nói rõ hành trạng của Tâm sâm-một trong những Tâm sở bất thiện. Qua đó chúng ta có thể hiểu một cách khái quát về Tâm sở và hình tướng của Tâm sân, hiểu biết được nó ta mới có thể chuyển hóa nó. Vì tâm sân là Tâm sở bất thiện nên ông bà thường nói: “Lửa lòng thiêu đốt rừng công đc”. Ta tạo dựng bao năm chỉ một ngọn lửa sân nổi lên làm hại đến người khác thì công đức tu hành kể như tiêu tan theo bọt nước. Nên có vị thiền sư đã nói: “Học xong chữ NhẫnNiết Bàn không xa”.
Thích Trí Huệ
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- HT Minh Châu (dịch), Thắng Pháp Tập Yếu Luận, nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2005.
2- Thích Thiện Minh - Cư Sĩ Đức Tài, Tự Học Vi Diệu Pháp, NXB Tổng Hợp TP HCM, 2007.
3- Thích Giác Chánh, Vi Diệu Pháp Nhập Môn, Lưu hành nội bộ.
4- Thích Chánh Minh, Tâm Vấn Đáp, nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2006.
5- HT. Thích Minh Châu, Tăng chi bộ kinh II, Viện NCPHVN, 1967, 1996.
6- Kinh Pháp Cú, HT. Thích Minh Châu dịch, 1996, Website: Quangduc.com.
7- Sư Cô Trí Hải dịch, VISUDDHIMAGGA (Thanh Tịnh Đạo), nxb. Đai Học Quốc Gia, Hà Nội, 2001.
8- Nārada Mahā Thera, Phạm Kim Khánh dịch, Vi Diệu Pháp Toát Yếu, Website: Quangduc.com.
9- HT. Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, nxb. Tôn Giáo, 1999.

[1] HT Minh Châu (dịch), Thắng Pháp Tập Yếu Luận, nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2005, tr19-20.
[2] Thích Thiện Minh - Cư Sĩ Đức Tài, Tự Học Vi Diệu Pháp, NXB Tổng Hợp TP HCM, 2007, tr.45.
[3] Kinh Hoa Nghiêm thuộc Kinh điển Đại thừa.
[4] Buddhist Psychology, tr. 20.
[5] HT. Thích Minh Châu, Thắng pháp tập yếu luận, nxb. Tôn giáo, 2005. quyển 1, tr.83.
[6] Thích Giác Chánh, Vi Diệu Pháp Nhập Môn, Lưu hành nội bộ.
[7] Thích Chánh Minh, Tâm Vấn Đáp, nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2006, tr. 97
[8] Thích Chánh Minh, Tâm Sở Vấn Đáp, NXB Tôn Giáo, 2005, tr. 373.
 
[9] Thích minh châu, tăng chi bộ kinh II, năm 1967
[10] Thích minh châu, kinh pháp cú, 96,
[11] Sư Cô Trí Hải dịch , VISUDDHIMAGGA (Thanh Tịnh Đạo), NXB Đai Học Quốc Gia, Hà Nội, 2001