CON NGƯỜI LÀ CHỦ NHÂN CỦA NGHIỆP VÀ THỪA TỰ CỦA NGHIỆP
Thích Minh Tâm
A-DẪN NHẬP
Sinh ra trong cuộc đời, hầu như ai cũng muốn phấn đấu để đạt được cuộc sống hạnh phúc. Hạnh phúc trong cuộc sống đời thừơng không gì khác hơn những nhu cầu về cuộc sống vật chất hay những địa vị quan trong xã hội, gia đình mạnh khỏe bình yên… Thế nhưng ngay trước mắt ta cuộc sống với bao nhiêu là nghịch lý, những cái đối với một nhãn quan bình thường thì cho đó là những bất công, những sự sắp xếp của thần linh chớ ít khi họ đi tìm nguồn cội sâu xa của vấn đề. Thế thì, nguyên nhân của sự không bình đẳng giữa xã hội loài người là gì? Vì sao người này lại sinh trưởng trong cảnh xa hoa, mà bẩm tánh ngu dốt, người nọ thì bị chìm đắm trong cảnh nghèo khó mà bẩm tánh thông minh, người thì vừa nghèo vừa chậm chạp, kẻ nọ đã giàu lại lanh lợi? Có người suốt cuộc đời làm gì cũng gặp trắc trở, có người làm gì cũng thông suốt? Vì sao người này là bậc Vĩ nhân Thánh thiện, người kia là kẻ điêu trá sát nhân? Người này là một nghệ sĩ tài ba, nhà toán học, nhạc sĩ từ khi mới lọt lòng, người kia sinh ra đã mù điếc què quặt? Người này vừa trông thấy đã có cảm tình, người kia vừa trông thấy đã khó chịu?... Đối với những sự sai khác không bình đẳng này, cần phải có một hoặc nhiều nguyên nhân hay chỉ là một sự ngẫu nhiên hoàn toàn? Không một thức giả nào lại cho rằng sự không bình đẳng này chỉ là một sự may rủi mù quáng hay là sự ngẫu nhiên tình cờ. Tất cả sự hưởng thụ của một người nào cũng vậy đều do vì nguyên nhân, và nguyên nhân này có thể ra ngoài sự hiểu biết tầm thường của chúng ta. Cái nguyên nhân chính đáng vô hình của những hiện tượng hữu hình có thể không ở trong hiện tại mà ẩn núp trong một quá khứ gần hay xa.
Nếu hạn cuộc trong phạm vi tương đối của các giác quan, có thể rằng những sự sai khác bất bình đẳng này chính do nguyên nhân của sự di truyền và hoàn cảnh. Nhưng sự di truyền và hoàn cảnh dù có thể thuộc trong sự sinh hoạt đến mấy cũng không đủ để cắt nghĩa những sự sai khác nhỏ nhiệm giữa người và người. Ví dụ vì sao những anh em sinh đôi về hình thể rất giống nhau lại được nuôi dưỡng trong một hoàn cảnh như nhau mà tính tình, tư tưởng, học thức, cuộc đời, lại trái ngược hẳn nhau. Phải chăng có một đấng quyền năng tối cao nào đó ban bố hay thưởng phạt, tạo dựng xã hội? Hay là trong xã hội chỉ vô tình một cách ngẫu nhiên như vậy chớ không có một lý do nào khác hơn? Hay chỉ thuần túy theo dòng dõi giàu sang thì giàu sang, còn kẻ bần hàn thì cứ phải chịu kiếp lầm than trong cuộc sống!
Theo đạo Phật, tất cả những sự cách biệt sai khác, không những do sự di truyền, hoàn cảnh chung quanh và của thức ăn uống mà thâm sâu cốt tủy nhất là do nghiệp lực của tự mỗi người. Nói cách khác, do gia tài chúng ta hưởng thụ từ những nghiệp chúng ta đã tạo ra ở quá khứ và tạo ra từng giây từng phút trong hiện tại cộng lại. Chúng ta chịu trách nhiệm đối với hạnh phúc hay sự đau khổ của chính chúng ta (cá nhân và tập thể) thiên đường hay địa ngục đều do ta tạo nên. Chúng ta là kết tinh của tất cả những nghiệp do chúng ta đã gây ra.Theo Phật giáo, vị trí của con người là tối thượng. Con người là vị thầy riêng của mình, và không có ai hay năng lực nào ngồi để phán xét số phận của họ, vì Đức Phật đã dạy:
“Này thanh niên Bà La Môn, chúng sinh là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp; nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là nhân tố phán xét” {1,III,481}
1. Lý Do Chọn Đề Tài:
Trong vị trí con người dù đau khổ cùng cực, dù nghiệp lực chuyển đổi dời như ng vẫn ý thức-hồi đầu bỉ ngạn thì bờ kia sẽ hiện tiền. “ Mê nhất kiếp ngộ nhất thời” là tinh thần siêu việt gần như phủ định vai trò của Nghiệp đối con người chúng ta. Vì thế đức Phật dạy cho chúng sanh tự có trách nhiệm với nhận thức và hành động của chính mình, giúp người có lối sống không ỷ lại, không cầu xin, không tránh né mà có lối sống lạc quan yêu đời, có niềm tin vào khả năng chuyển nghiệp của mình. Vì thế mà người viết mạo muội chọn đề tài: “Con người là chủ nhân của nghiêp, là thừa tự của nghiệp” nhằm sáng tỏ giáo lý nghiệp chuyển tải một vài ý thô thiển và trí tuệ chưa sắc bén để triển khai giáo lý nghiệp. Đây cũng là điều then chốt và điều tâm đắc của người viết trong qúa trình học.
2. Giới Hạn Đề Tài:
Đây là Luận Văn Cấp Cử Nhân Phật Học, số lượng trang có giới hạn nên đối với một đề tài rộng lớn như con người là chủ nhân của nghiệp là thừa tự của nghiệp thì không thể khai triển được. Trong điều kiện cho phép, luận văn này chỉ trình bày khái quát ý nghĩa và nêu ra một số tính chất, ứng dụng cơ bản của Nghiệp. Tuy người viết có nổ lực trình bày với các chương mục như dàn bài đã nêu, chắc cũng chỉ là những nét chấm phá nhỏ giữa bức tranh toàn cảnh to lớn của Tôn gíao và Tam Tạng Thánh Điển như Phật giáo. Tuy nhiên nhân nơi đây người viết cố gắng tìm kiếm những cái mới mẻ bổ ích trong khi trình bày, nhân đó làm cơ sở để phát triển hướng nghiên cứu sau này.
Với những giá trị vô cùng thiết thực của giáo lý nghiệp, nên người thực hiện luận văn này cũng cố gắng sưu tầm thu thập những tài liệu, những kiến thức sau bốn năm được quý Hòa Thượng, Chư Vị thượng Tọa, quý Giáo Thọ Sư đã ân cần chỉ dạy, nhằm thể hiện những điều tiếp nhận từ nơi quý Ngài đã trao truyền. Tuy nhiên, tìm hiểu về Giáo lý không phải là một chuyện dễ. Vả lại, trong khả năng có hạn của môt Tăng sinh, nên trong phạm vi của đề tài chỉ xoay quanh đến tính Thừa Tự Của Nghiệp và Con Người Tạo Tác Nghiệp.
B-NỘI DUNG
CHƯƠNG 1 : KHÁI QUÁT VỀ NGHIỆP
1. Định nghĩa:
Nghiệp tiếng Phạn là karman, Pàli Kamma. Nghiệp, theo đúng nghĩa của danh từ, là hành động, hay việc làm. Theo tự điển Từ Nguyên thì nói: Điều mình tạo ra làm cái nhân (hạt) để sau chịu lấy cái qủa (trái) gọi là Nghiệp. Nghiệp nói cho đủ là nghiệp báo Định nghĩa cùng tột của Nghiệp là Tác ý (cetana). Tư tưởng, lời nói, việc làm, thường khởi xuất do "ý muốn làm" tạo động cơ. Phật Giáo gọi ý muốn làm ấy là Tác ý (volitional action). Tất cả những hánh động có tác ý, dù biểu hiện bằng thân, khẩu, hay ý, đều tạo Nghiệp. Tất cả những hành động có tác ý, thiện hay bất thiện, đều tạo Nghiệp. Những hành động không có chủ tâm, mặc dầu đã biểu hiện bằng lời nói hay việc làm, đều không tạo Nghiệp.
Còn Đức Phật thì dạy:"Nầy hỡi các Tỳ Khưu, Như Lai xác nhận rằng chính Tác ý là Nghiệp. Do có ý muốn mới có hành động, bằng thân, khẩu hay ý "[ 2,III,415 ]. Ngoại trừ những hành động của chư Phật và chư vị A La Hán, mỗi hành động có tác ý đều gọi là Nghiệp. Mặc dầu chư Phật và chư vị A La Hán vẫn còn chịu ảnh hưởng của những nhân đã gieo trong quá khứ, các Ngài không còn tạo Nghiệp mới nữa vì các Ngài đã thoát ra ngoài cái lành và cái dữ, đã tận diệt vô minh và ái dục là hai nguồn gốc của Nghiệp. Ratana Sutta (Tam Bảo Kinh) ghi rằng: "Mầm giống (Khina-bija) đã bị tận diệt, những ham muốn vị kỷ không còn khởi sanh." [18,624]
Như vậy không có nghĩa là chư Phật và chư vị A La Hán sống một cách thụ động. Các Ngài luôn luôn tích cực hoạt động để tạo an lành hạnh phúc cho chúng sanh. Hành động của các ngài, thường được coi là thiện, không có năng lực tạo Nghiệp. Am hiểu tận tường thực tướng của vạn pháp, các Ngài phá tan mọi thằng thúc trói buộc chúng sanh trong vòng luân hồi, những chuỗi dài nhân và quả.
Giáo lý Nghiệp báo hay Nghiệp nhân qủa báo của đạo Phật đã được truyền bá vào Việt Nam rất sớm từ đầu thế kỷ thứ II Tây lịch. Giáo lý đó đương nhiên trở thành nếp sống tín ngưỡng hết sức sáng tỏ đối với con người Việt Nam có hiểu biết , có suy nghĩ. Mọi người dù chưa trở thành tín đồ đạo Phật về mặt nghi lễ nhập đạo nhưng họ biết luật nhân qủa nghiệp báo thì đương nhiên họ là tín đồ Phật giáo. Thậm chí trẻ con trên mười tuổi cũng tự nhiên biết câu: ác giả ác báo. Chúng phát biểu rất đúng hoàn cảnh sự việc xảy ra cho đối phương hay chạy trời cũng không khỏi nắng. Và tiến sâu hơn một chặng đường, nghiệp nhân qủa báo đối với tâm thức hay sự hiểu biết bình dân mang tính chất hai mặt là: Họ coi nghiệp nhân như một định mệnh và sự hiểu biết tự sửa chữa lỗi cũ, cải ác tùng thiện.
Một vài hệ thống tín ngưỡng cũng nhìn nhận rằng mọi chênh lệch trong xã hội đều do Nghiệp, nhưng khi đề cập đến Nghiệp, lại chủ trương rằng mọi hành động, có tác ý hay không, đều tạo Nghiệp.
Theo chủ trương ấy, một người giết cha, giết mẹ dầu cố tâm hay vô ý, đều phạm trọng tội như nhau. Cũng như đối với lửa, dầu vô tình hay cố ý thọc tay vào lửa thì phải bị phỏng như nhau, không hơn không kém.
Lập luận như vậy dĩ nhiên sẽ đưa đến một định thức phi lý. Đứa bé trong bào thai, vô tình làm cho mẹ đau đớn, hay bà mẹ vô ý làm đau đứa con trong lòng mình, hẳn cũng tạo Nghiệp bất thiện? Vả lại, nêu ra một sự kiện để giải thích một sự kiện tương tợ, như trường hợp của người thọc tay vào lửa và một người hành động ác là một luận cứ không thể đứng vững. “Hơn nữa, cũng theo luận điệu trên, một hành động ác không có tác ý có thể còn tai hại hơn một hành động ác có tác ý. Nói cách khác, cố ý làm ác bị hại ít hơn là vô tình, vì theo ví dụ người thọc tay vào lửa, biết rằng lửa nóng người cố tâm ắt phải dè dặt hơn nên ít bị nóng. Người vô tình, vì không định ý trước, không kịp ngăn ngừa, ắt bị phỏng nhiều hơn”. [18,316-317 ]
Trong sự báo ứng của Nghiệp, Tâm là yếu tố tối quan trọng. Tất cả những việc làm, lời nói và tư tưởng đều do tâm ảnh hưởng. Khi không điều phục được tâm tức nhiên không thể kềm chế được việc làm, lời nói, và tư tưởng. Điều phục tâm tức kềm chế thân, khẩu, ý.
Kinh Pháp cú có câu:
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo. PC: 1
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình. PC: 2
Ta có thể thắc mắc vì sao một vật vô hình như tâm lại có thể gây ra những xáo trộn cho thế gian vật chất. Thật ra không có gì khó hiểu. Chính các bộ máy cực kỳ hùng mạnh và có khả năng làm đảo lộn thế gian hiện đại chỉ là sản phẩm của những bộ óc phong phú. Cái tâm vô hình tạo nên tất cả những tác động báo ứng của Nghiệp.
Nghiệp không nhất thiết chỉ là những hành động trong quá khứ, mà bao trùm quá khứ và hiện tại. Như vậy, nói một cách khác, chúng ta như thế nào trong hiện tại là tùy thuộc trong quá khứ chúng ta đã hành động như thế nào, và trong tương lai chúng ta sẽ hành động như thế nào tùy thuộc nơi hành động của chúng ta như thế nào trong hiện tại. Hiểu một cách khác nữa, ta phải hiểu
thêm rằng trong hiện tại chúng ta như thế nào không hoàn toàn bởi vì trong quá khứ ta đã như thế và trong tương lai chúng ta sẽ như thế nào cũng không hoàn toàn tùy thuộc nơi chúng ta như thế nào trong hiện tại. Hiện tại chắc chắn là con đẻ của quá khứ, đồng thời cũng là mẹ sanh của tương lai. Nhưng trong sự báo ứng vô cùng phức tạp của Nghiệp, ta không thể nhìn vào hiện tại mà quả quyết quá khứ và tương lai. Thí dụ như tên cướp sát nhân ngày hôm nay có thể là một người hiền như Bậc Thánh Nhân ngày mai. Một người hiền lương đạo đức ngày hôm qua có thể hôm nay trở nên hư hèn hung dữ.
Như đã định nghĩa, Nghiệp là hành động có tác ý (volitinan action). Nói cách khác, nghiệp luôn luôn được bắt nguồn từ những tạo tác của tâm, thông qua những hoạt động của thân, miệng, và ý, gọi chung là tam nghiệp. “Do đó, một hành động (tạo tác), nếu không phát sinh từ tâm (ý) thì không thể gọi là nghiệp, mà hành động chỉ được gọi là hành động hay hành động duy tác (kriyà). Và như vậy, định nghĩa của nghiệp là: hành động có tác ý, hay hành động được phát sinh từ tâm”.[28,165]
1.1. Nguyên Lý Căn Bản Của Nghiệp:
Tự tác hoàn tự thọ là nghiệp nhân do chính mình gieo ra trong đời sống hiện giờ hay qúa khứ về việc làm tốt hay xấu cuối cùng ta lãnh qủa báo cay đắng hay sung sướng. Không có thế lực nào hay thần linh nào trừng phạt cho hành động ấy hay ân hưởng cho hành độnh ấy cả. Trong kinh Pháp cú, câu 19 có nói: “Khi nghiệp nhân đã gieo thì chắc chắn sẽ lãnh thọ, không thể trốn vào đâu được, dù kẹt núi biển cả hay trên hư không.” Như vậy trên nền tảng nguyên lý là có nhân thì ắt có quả, tất yếu không sai chạy như ta nói hai với hai là bốn. Thì đó là nguyên lý, chưa đi sâu vào hiện thực thì còn nhiều chi tiết phải được liệt kê ra. Hai con bò và hai củ khoai thì không thể nào thành bốn con bò được mà phải đồng loại hai củ khoai cộng với hai củ khoai mới thành bốn được, con bò cũng vậy. Nghiệp nhân cũng vậy dù là nhân ắt có quả nhưng nó còn phải trải qua nhiều điều kiện hội đủ mới trổ quả được.
1.2. Cội Nguồn Xuất Phát Của Nghiệp Nhân Là Tâm.
Trong Pháp cú kinh, câu 1 có nói: “Tâm dẫn đầu mọi hành động. Tâm làm chủ. Tâm tạo tác tất cả. Nếu ta nói hay làm với tâm ác thì sự đau khổ sẽ theo như bánh xe lăn theo dấu chân con bò kéo xe” và nếu ta nói hay làm với tâm trong sạch thì hạnh phúc sẽ theo như bóng theo hình( câu 2 ). Đó là sự thật ròng rã quay đều khắp càn khôn vũ trụ. Mộ qủa bom hạt nhân quăng xuống giết bao hạng người há không phải xuất phát từ tâm kẻ chế tạo là gì ? Cái tâm, ý, suy tưởng, vô hình nhưng nó lại tạo ra hết thảy báo ứng của nghiệp. Tác ý là đơn vị nhỏ nhất của một tâm niệm. Biết rõ chỗ cội nguồn ấy nên ta biết giử tâm ý để hướng nó vào thiện nghiệp, hầu gặt hái kết qủa tốt cho đời sống của ta và y nên ta biết giử tâm ý để hướng nó vào thiện nghiệp, hầu gặt hái kết qủa tốt cho đời sống của ta và mọi người xung quanh.
1.3. Nguồn Gốc Của Nghiệp:
Vô minh và ái thủ. Vô minh là thiếu hiểu biết đúng đắn sáng tỏ về lẽ sống, là tham dục trên đời này. Trong đời sống, ta cứ hành tác theo chiều bản năng 99% ấy thì đó là ta tự se sợi dây nghiệp thức cực chắc để tự buộc cổ mình vào bánh xe luân hồi tái sinh. Cứ như thế mà ta trôi dạt thênh thang trong sáu cõi buồn tênh ảm đạm. Nhứ thế để chấm dứt khổ lụy tái sanh là phải biết tu tập xả ly, cắt đứt dần mọi động tác ngu tối, bám víu qúa mạnh vào ham thích dục lạc tạm thời trong đời nay.
1.4. Phân loại nghiệp:
Thông thường, nghiệp được tạo tác trên cơ sở của thân, khẩu và ý. Tất nhiên, cả ba nghiệp trên đều xuất phát từ ý hay còn gọi là tâm. Như thế, khi xét đến nghiệp của một con người là xét đến thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Ngoài ba nghiệp này, không còn một cái nghiệp nào khác. Tuy nhiên, nghiệp có những tính chất và chức năng khác nhau nên chúng được phân làm nhiều loại và có nhiều tên gọi khác nhau.
1.4.1 Phân loại 1 (theo tên gọi):
Theo trình tự trước hết giáo lý về nghiệp được chia thành hai loại:
- Nghiệp thiện: Tư duy và hành động về các điều lành như thực hành Ngũ giới và Thập thiện giới.
-Nghiệp ác: Tư duy hành động về các điều lành như thực hành những điều trái ngược với Ngũ giới và Thập thiện giới.
Từ hai loại nghiệp trên, chúng ta phải xét đến quá trình tạo tác, tư duy và hành động để hình thành nên nghiệp (thiện hay ác). Do đó, nếu xét về tiến trình của nghiệp thì nghiệp được chia thành hai loại nữa:
- Nghiệp nhân: Những tư duy, hành động tạo nghiệp chưa đưa đến một kết quả.
- Nghiệp quả: Những tư duy, hành động tạo tác sau một tiến trình đã tạo thành nghiệp, còn gọi là nghiệp quả hay nghiệp báo.
Trong thực tế, khi nói đến nghiệp, hàng Phật tử thường chú trọng đến nghiệp báo (nghiệp quả) hơn là nghiệp nhân. Và đây là chỗ thiếu sót của chúng sanh khi đối diện với nghiệp. Và cũng chính điều này khiến cho chúng sanh quan tâm đến quả báo hơn là gieo nhân. Nghiệp quả hay nghiệp báo còn được gọi là quả dị thục.
1.4.2. Phân loại 2 (theo tiến trình):
Xét theo tiến trình (từ nhân đến quả) của nghiệp thì có hai loại nghiệp cơ bản:
-Định nghiệp:
Là nghiệp được lưu chuyển trong thời gian ổn định và từ nhân đến quả thống nhất với nhau. Ví dụ, trứng gà sau khi được ấp trong một thời gian sẽ nở ra con gà. Nói chung, các nghiệp nhất định sẽ đưa đến kết quả (như ăn thì sẽ no) thì được gọi là định nghiệp.
- Bất định nghiệp:
Là nghiệp không dẫn đến kết quả, hoặc kết quả sẽ thành tựu trong thời gian bất định, hoặc có thể giữa kết quả và nguyên nhân không hoàn toàn thống nhất với nhau, thì được gọi là bất định nghiệp.
1.4.3. Phân loại 3 (theo thời gian):
Nếu căn cứ theo thời gian, chúng ta nhận ra hai loại nghiệp, một đã chín muồi và một đang và sẽ diễn tiến trong dòng nghiệp tạo tác:
- Nghiệp cũ:
Là nghiệp đã được tích lũy từ nhiều đời sống quá khứ, và hiện tại nó đã chín muồi. Chẳng hạn thân thể của ta (cao, thấp, mập, ốm, thông minh, ngu đần, hạnh phúc hay bất hạnh v. v...) ngày nay là do cái nghiệp đã được gieo từ trong vô thủy. Các nghiệp quả (y báo và chánh báo) của thân này là quả dị thục của các nghiệp từ vô thủy. Ngoài thân này, không hề có một cái nghiệp riêng lẻ, cũ xưa nào khác.
- Nghiệp mới:
Nếu như thân thể này là nghiệp cũ thì mọi tạo tác đang làm và sẽ làm của ta ngày hôm nay là do các tạo tác trước đó. Và sự thành đạt của ngày mai như thế nào sẽ tùy thuộc vào tư duy và hành động của ngày hôm nay.
Đức Phật dạy: "Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý là nghiệp cũ. Các hành động của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý trong hiện tại là nghiệp mới". [3,IV,223-224 ]
Trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du đã chỉ rõ cái nghiệp cũ và mới của con người:
"Sư rằng phúc họa đạo trời
Cõi nguồn cũng ở lòng người mà ra
Có trời mà cũng có ta
Tu là cội phúc, tình là dây oan"
Họa và Phúc (thiện, ác) là đạo trời, nhưng cái đạo trời ấy cội nguồn của nó chính là ở tại lòng người (tâm, ý) mà sinh ra. Và trời ở đây là nghiệp cũ, còn ta chính là nghiệp mới.
1.4.4. Phân loại (theo tính chất):
Như đã trình bày, nghiệp báo là sự chín muồi (quả dị thục) của các nghiệp thuộc về bất thiện. Do đó, khi nói đến nghiệp báo (nghiệp quả) là nói đến tiến trình nhân - quả của nghiệp. Theo giáo lý về nghiệp, một nhân không thể tạo thành một quả, mà phải có các duyên phụ trợ. Cho nên, nói đủ phải nói là nhân - duyên - quả. Duyên là các nhân phụ làm cho nhân chính thành quả; như nước, phân, đất, sự cần mẫn chăm bón của con người (là các duyên) làm cho hạt giống thành tựu nảy nở. Vì thế, khi tìm hiểu về quả dị thục (sự chín muồi) của nghiệp, ta phải tìm hiểu về 3 đặc tính sau:
- Dị thời nhi thục: Thời gian chín muồi của nghiệp quả khác với thời gian tạo nghiệp (nghiệp nhân). Ví dụ như trái xoài, thời điểm khi sinh ra cho tới khi nó chín muồi là khác nhau (khác thời mà chín).
- Dị loại nhi thục: Kết quả bị biến chất (dị loại) so với thời gian mới tạo nghiệp. Ví dụ, trái xoài khi nhỏ thì chua nhưng khi chín thì ngọt (biến chất rồi mới chín).
- Biến di nhi thục: Kết quả bị biến thái và biến tướng (biến dị) so với thời gian mới tạo nghiệp. Ví dụ trái xoài non thì màu xanh, đến khi chín thì màu vàng.
1.4.5. Phân loại 5 (theo năng lực):
Năng lực của nghiệp được hình thành theo từng loại nghiệp khác nhau trong một tiến trình tâm lý rồi đưa đến sự hình thành các đặc tính của nghiệp.
- Tập quán nghiệp: Là nghiệp được huân tập bởi một thói quen trong đời sống hàng ngày. Có thể đó là thói quen thuộc tâm lý, hành vi, cách ứng xử v.v...Ví dụ, hút thuốc lá là một Tập quán nghiệp.
-Tích lũy nghiệp: Là các nghiệp được tích lũy dần như rót nước vào thùng, có thể xem thân của ta như là một tích lũy nghiệp từ vô thủy.
-Cực trọng nghiệp: Là các nghiệp gây hiện tượng xấu ác cực mạnh và sâu trong tâm lý của con người như phạm các tội ngũ nghịch (giết cha, mẹ, giết A La Hán, làm thân Phật ra máu, phá hòa hợp Tăng). Phạm những tội không sám hối được.
- Cận tử nghiệp: Là nghiệp lúc sắp chết hay những sức mạnh tâm lý của con người trước lúc tắt thở. Nghiệp này cực kỳ hệ trọng trong việc hướng dẫn nghiệp thức đi tái sinh. Những tư tưởng cuối cùng của người chết sẽ tạo nên một cận tử nghiệp (thiện hoặc bất thiện). “Một người có thể suốt đời làm ác, nhưng trước lúc tắt thở, nỗ lực sinh khởi về thiện pháp, về những điều thiện trong đời, và nhờ ý lực đó có thể tái sinh vào cõi tốt đẹp (tương tự như vậy đối với các trường hợp ngược lại). Từ đó, qua những kinh nghiệm cận tử, chúng ta cần huân tập các thiện nghiệp trong đời sống của mình để tạo thành một sức mạnh (ý lự) đoạn trừ các ác nghiệp ngay trong đời sống hàng ngày và cả đến giờ phút lâm chung”. [ 26,297 ]
1.5. Tính chất của nghiệp: Nghiệp có thiện tánh, ác tánh, vô ký tánh. Tuy nhiên chỉ có ác và thiện tánh mới là nghiệp, chứ vô ký tánh không đủ sức mạnh tạo thành quả nên không gọi là nghiệp. Nhưng sao gọi rằng thiện, ác, vô ký?
Luận Bà Sa cuốn 11 nói: "Nếu pháp gì hay chiêu cảm quả khả ái, khả lạc thì gọi là thiện, nếu chiêu cảm quả báo không khả ái, không khả lạc thì gọi là ác; trái với cả hai sự đó thì gọi là vô ký". [ 31,55 }
Luận Câu Xá nói: "Nghiệp an ổn hay chiêu cảm quả báo khả ái, và Niết-bàn, tạm thời và vĩnh viễn xa lìa thống khổ gọi là thiện. Nghiệp không an ổn hay chiêu cảm quả báo bất khả ái gọi là ác. Còn nghiệp trái hai tánh trên gọi là vô ký”. Đây là căn cứ vào sự cảm quả để phân biệt ba tánh thiện, ác, vô ký.
Nghiệp là một cái gì đó tuy gần gũi nhưng cũng là một vấn đề bí nhiệm vô cùng. Chính vì những tính chất phức tạp của nghiệp nên hàng phàm phu khó có thể liễu tri tất cả. Thế nhưng mọi hành vi hay tất cả những gì trong đời sống con người đều do nghiệp chi phối cả: “Hữu tình lấy nghiệp làm tự thể, là sự tương tục của nghiệp, lấy nghiệp làm mẫu thai, lấy nghiệp làm quyến thuộc, lấy nghiệp làm sở vi, phàm sự phân biệt như thế đều là do nghiệp phân phối” [7,890]. Trong vòng luân chuyển bất tận của đời sống chúng sanh, chính nghiệp là vai trò quyết định trong đời sống tái sanh của một kiếp mới. Và chính nghiệp cũng quyết định cho việc hình thành những cá tính đặc thù riêng biệt của một hữu tình. Chính vì sự chi phối cũng như sự sai khác của nghiệp mà đời sống của những chúng sanh ấy có những bất đồng trong mọi cách sống ngay cả trong tư duy hoặc trong hành động. Chính vì sự thọ nghiệp một cách bất tận như thế nên chúng sanh bị trôi cuốn trong vòng xoáy của luân hồi: “Thế gian y vào nghiệp mà chuyển, hữu tình bị nghiệp trói buộc, cũng như bánh xe y vào cái trục mà quay”. [11,654]
Trong kinh Tạp A Hàm Đức Phật dạy: "Gieo giống nào, gặt giống nấy". Thế thì liệu chúng ta có phải gặt hái tất cả những nhân đã gieo không? Không nhất thiết phải như thế. Vì nếu như tất cả những nghiệp mà chúng ta đã tạo ra mà chúng ta phải chịu thọ nhận thì không thể nào thoát khỏi sanh tử luân hồi được. Và chúng sanh cũng không thể nào có can đảm để tu tập suốt cả lộ trình tu học để hoàn thành tâm nguyện của mình trong suốt thời gian lâu dài.
Đức Phật dạy: "Nếu có ai cho rằng con người phải gặt hái trọn hậu quả theo tất cả những hành động trong quá khứ thì không thể có đời sống đạo đức, và con người cũng không thể có cơ hội tận diệt phiền não, nhưng nếu nói rằng quả phải gặt tương xứng với nhân đã gieo thì ắt có đời sống đạo đức và con người sẽ có cơ hội dập tắt phiền não". [2,294 ] Như vậy, theo Phật Giáo có thể uốn nắn, chuyển hóa cái nghiệp được. Phật dạy:
“Không trên trời, giữa biển
Không lánh vào động núi
Không chỗ nào trên đời
Trốn được quả ác nghiệp”. PC: 127
Nếu như phải trả quả của tất cả những nghiệp đã tạo trong quá khứ thì chúng sanh ắt phải chịu vĩnh viễn sống trong đau khổ và không thể mong có ngày giải thoát.
Dầu không hoàn toàn làm chủ cái Nghiệp - vì nhân đã gieo - nhưng ta cũng không tuyệt đối phải bó tay chịu làm nô lệ. Dù con người xấu xa đê tiện nhất cũng có thể cố gắng trở nên trong sạch đạo đức. Chúng ta luôn luôn biến đổi và luôn luôn trở thành một cái gì mới, và cái mới ấy tùy thuộc chính ta, tùy thuộc nơi hành động của chính ta. Từng giây, từng phút ta có thể tự cải hoán, làm cho ta trở nên tốt đẹp hơn, cũng như xấu xa hơn. Dù người tội lỗi hư hèn nhất cũng không đáng khinh.
Trái lại, ta nên tạo cho họ một niềm tin tưởng nơi sự cố gắng cải thiện bẩm chất bình sanh của họ. Nên thương và thông cảm cho họ, biết đâu một lúc nào trong quá khứ ta cũng cùng ở trong tình trạng với hạng người hư hèn ấy và ta đã tiến bộ. Hôm nay ở một vị trí thấp kém, họ cũng có thể cố gắng theo ta và có khi tiến triển hơn ta.
Ai biết được cái nghiệp đã tích trữ của một người khác?
“Angulimala, tên sát nhân lừng danh khét tiếng một thời, đã giết chết cả ngàn anh em đồng loại, trở thành một vị A La Hán và thoát khỏi quả dữ của những hành động tàn ác ấy.
Cô Ambapali, một gái giang hồ biết hồi tâm tu hành cũng đắc Quả A La Hán.
Alavaka, dạ xoa hung tợn thường ăn thịt người, từ bỏ thói dữ và cố gắng tu tập, cũng đắc Quả Tu Đà Hoàn.
Vua Asoka (A-Dục) có tiếng là hung ác bạo tàn, trở thành một đấng minh quân, đổi những trận giặc xâm lăng khốc liệt ra những chiến dịch truyền bá đạo lý cao siêu thâm diệu và giáo huấn từ bi của Đức Phật, để mưu cầu hạnh phúc cho một phần nhân loại, và những đóng góp về tư liệu của A-dục là một tư liệu hết sức quý giá cho những nhà nghiên cứu lịch sử Phật gíao Ấn Độ nói chung hay lịch sử Đức Phật Thích Ca nói riêng”. [19,20]
Đó là một vài trường hợp hiếm hoi chỉ rằng nhờ ý chí hùng dũng, con người có thể đổi hẳn tâm tánh, từ xấu ra tốt, từ dữ ra lành.
Trong một vài trường hợp khác, cũng có thể quả của một nhân yếu mà tái sanh tròn đủ, còn quả của một nhân mạnh lại được lắng dịu.
Đức Phật dạy: "Hỡi nầy các Tỳ khưu, người kia không biết khép mình vào kỹ cương của thân, của đạo lý, của tâm, của trí tuệ, người kém đạo đức, kém giới hạnh và do đó, sống đau khổ”. Dù một hành động tầm thường của người ấy cũng đủ tạo quả đưa vào cảnh khổ.
"Hỡi nầy các Tỳ khưu, người nọ có nếp sống kỹ cương về phương diện vật chất cũng như về mặt tinh thần đạo đức, và trí tuệ, người đạo đức cao thượng, biết làm điều thiện và lấy tâm Từ vô lượng đối xử với tất cả mọi chúng sanh”.
"Người như thế, dù có một hành động lầm lạc tầm thường như kể trên, hành động ấy không tạo quả trong hiện tại hay trong kiếp vị lai.
"Tỷ như có một người kia sớt một muổng muối vào bát nước. Nầy hỡi các Tỳ khưu, các thầy nghĩ như thế nào? Nước trong bát có thể trở nên mặn và khó uống không?
- Bạch Đức Thế Tôn, có.
- Tại sao?
- Bạch Đức Thế Tôn, vì nước trong bát thì ít mà cho vào một muổng muối thì phải mặn.
- Bây giờ, tỷ như người kia đổ muổng muối ấy xuống sông Hằng (Ganges), nầy hỡi các Tỳ khưu, các thầy nghĩ sao? Nước sông Hằng có vì muối ấy mà trở nên mặn và khó uống không?
- Bạch Đức Thế Tôn, không?
- Tại sao?
- Bạch Đức Thế Tôn, vì sông Hằng rộng lớn, nước nhiều, chỉ bấy nhiêu muối ấy không đủ làm mặn.
- Cũng dường thế ấy, có trường hợp người kia vì phạm một lỗi nhỏ mà chịu cảnh khổ. Người khác cũng tạo một lỗi tương tợ nhưng gặt quả nhẹ hơn và sau khi chết, quả kia không trổ sanh nữa, dù trổ một cách nhẹ nhàng. "Có thể có trường hợp người kia bị bỏ tù vì ăn cắp nửa xu, một xu, hay một trăm đồng xu, và cũng trong trường hợp người nọ không bị bỏ tù vì nửa xu, một xu, hay một trăm đồng xu.
"Ai bị bỏ tù vì nửa xu, một xu, hay một trăm xu?
"Khi người ta nghèo khổ, túng thiếu, bần cùng thì dù chỉ nửa xu, một xu, hay một trăm đồng xu cũng bị bỏ tù.
"Ai không bị bỏ tù vì nữa xu, một xu, hay một trăm đồng xu?
"Khi người ta giàu có, dư dả, sung túc, thì không bị bỏ tù vì nửa xu, một xu, hay một trăm đồng xu.
"Cùng một thế ấy, có trường hợp người kia chỉ có một vài hành động bất thiện nhỏ nhặt mà phải lâm vào cảnh khốn cùng, và có trường hợp người nọ cũng phạm lỗi lầm y như vậy mà không phải gặt quả nào trong kiếp hiện tại. Hành động bất thiện ấy cũng không có hậu quả nhỏ nhen nào sau kiếp sống nầy". [7,I,101]
CHƯƠNG 2 : CON NGƯỜI LÀ CHỦ NHÂN CỦA NGHIỆP
Trong kinh Majjhima Nikàya (Trung Bộ), Đức Phật dạy rằng:"Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp. Nghiệp là thai tạng mà từ đó con người được sinh ra; nghiệp là quyến thuộc, là nơi nương tựa” [2,II,77]. Như thế, sự hiện hữu của mỗi con người đồng thời là sự hiện hữu của nghiệp thiện và bất thiện từ (vô lượng kiếp) quá khứ. Mỗi con người cá thể là điểm trung tâm của nghiệp; ngoài mỗi cá thể ấy sẽ không có bất kỳ một cái nghiệp nào được bàn đến.
Thành thật luận, phẩm Nghiệp Tướng nói: “Nghiệp có ba loại: thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Những gì do thân tạo tác gọi là thân nghiệp...; tích tập thiện ác do lời nói gọi là khẩu nghiệp...; tâm quyết định giết hại chúng sanh lúc ấy tích tập thiện ác gọi là ý nghiệp”.
2.1. Thân nghiệp:
Phạn ngữ Kya-karman, Pàli Kya-kamma là một trong ba nghiệp, chỉ cho những nghiệp tạo từ thân, có thể chia làm ba loại: thiện, ác và vô ký; ác nghiệp của thân tức chỉ cho sát sanh, trộm cướp, tà dâm; trái lại là không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, tức là thiện nghiệp của thân, không thiện không ác và không cảm được năng lực của quả báo thì gọi là thân nghiệp vô ký. Thân nghiệp lại phân biệt thành Biểu nghiệp và Vô biểu nghiệp. Biểu nghiệp chỉ cho những động tác được biểu thị bên ngoài, như quơ tay hay lắc chân...Vô biểu nghiệp chỉ cho những nghiệp không biểu thị bên ngoài mà chỉ nhấn mạnh vào tự tánh ngăn ngừa những điều ác, đình chỉ những việc thiện.
“Tiểu Thừa thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ nói hai nghiệp chung là Tư kỷ nghiệp. Chủ trương Biểu Nghiệp dùng hình sắc làm thể; Vô biểu nghiệp lấy Vô biểu sắc làm thể. Kinh bộ thì chủ trương dùng tư Tâm sở làm thể, Vô biểu nghiệp dùng chủng tử làm thể. Đại thừa Duy Thức cũng dùng những phát động của thân và ngữ làm nghiệp thể, chủ trương Biểu nghiệp Vô biểu nghiệp đều là giả lập, chẳng phải là thật hữu, tức gọi Biểu Nghiệp chính là những biểu thị của những động thái bên ngoài,và những biểu thị những tác động giả lập của sự sanh diệt, Vô biểu nghiệp chính là những sự giả lập được tác tạo từ Tư tâm sở. Thành Thật Tông thì lập Nghiệp thể làm phi sắc phi tâm pháp.
(Chúng Sự Phân A-Tỳ-Đàm Quyển 5; Câu Xá Luận Quyển 1, 13; Thành Duy Thức Luận Quyển 1; Đại Tỳ Bà Sa Quyển 113; Thuận Chánh Lý Luận Quyển 33; Thành Thật Luận Quyển 7; Câu Xá Luận Quang Ký Quyển 13; Thành Duy Thức Luận Thuật Ký Quyển 2; Đại Thừa Nghĩa Chương Quyển 7; Đại Thừa Pháp Uyển Nghĩa Lâm Quyển 3, phần cuối)”. [15,5497]
Chỉ xét riêng về thân nghiệp thì cũng có nhiều quan điểm và chủ trương khác nhau. Chính ngay trong đời sống con người, thì thân đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo Nghiiệp của con người. Chính những hành vi từ thân thể con người mà đã tạo ra nhiều ác nghiệp. Sát hại sinh mạng hay cắt đứt đời sống của chúng hữu tình, được xem như là một việc làm tạo Nghiệp trực tiếp. Tuy sự tạo nghiệp ấy trước hết phải được tác động từ sự suy nghĩ, nhưng sự suy nghĩ có trở thành hiện thực hay không là do thân thực hiện. Chính do Nghiệp báo sát hại mà chúng sanh phải chịu những quả báo thật thê thảm trong vòng luân hồi. Không những con người bình thường mà chính những người có khả năng trong tu tập khi phạm vào vào tội Nghiệp sát hại vẫn chịu những quả báo thật khủng khiếp, chẳng hạn như chuyện của Ngộ Đạt quốc sư, đã mười đời làm cao tăng nhưng vì nghiệp sát hại vẫn phải chịu quả báo.
Trộm cắp cũng vậy, chính vì mang tội trộm cấp mà chúng sanh trong nhiều đời phải chịu kiếp sống hèn hạ, hoặc phải chịu trong những loài thú phải chịu những khổ sở của thân xác.
Không giết hại chúng sanh mà phải đem lòng từ ra cứu vớt chúng sanh, không gian tham trộm cắp còn biết đem tài sản vật chất ra bố thí giúp đở mọi người, không tà dâm mà còn trinh bạch thủy chung. Chuyển hoá những hành động xấu phát xuất từ thân trở thành những hành động đẹp, có ích cho người cho mình. Chính hành động chuyển hóa nầy tích cực góp phần làm cho Thân được thanh tịnh ngay trong đời sống hiện tại và tương lai.
2.2. Khẩu nghiệp:
Phạn ngữ Vikkarman. Hành động của miệng, tức lời nói diễn đạt nội tâm, một trong ba nghiệp. Khẩu nghiệp có hai: Biểu nghiệp và Vô biểu nghiệp. Về điều này Đại thừa và Tiểu Thừa chủ trương khác nhau.
“Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, cho ngữ biểu nghiệp dùng âm thanh làm thực thể, Vô biểu nghiệp là thật sắc. Luận Thành Thật cho Ngữ biểu nghiệp là danh thanh giả lập, Vô biểu nghiệp là phi sắc, phi tâm. Kinh bộ và Duy Thức chủ trương Ngữ biểu nghiệp là thanh âm giả lập, lấy “Tư” do ngữ nghiệp phát khởi làm thể. Vô biểu nghiệp cũng là giả lập, lấy thiện hoặc công năng khởi bất thiện hoặc công năng bất thiện hay ngăn thiện trong “Tư” chủng tử làm thể”. (Phần chúng sự, Luận a tỳ đàm 5, Luận Câu Xá 1,13; Tạp A Tỳ Đàm Tâm Luận 3, Luận Đại Tỳ Bà Sa 113, Luận Thành Thật 7; Luận Thành Duy Thức 1; Thành Duy Thức Luận Thuật Ký 2, phần đầu; Đại Thừa Nghĩa Chương 7). [14,2283-2284]
Khẩu nghiệp cũng đóng vai trò quyết định trọng việc tạo nghiệp. Từ nơi miệng có thể tạo ra những ác nghiệp làm cho chúng sanh phải chịu những quả báo khổ đau, nhưng cũng từ nghiệp khẩu này làm cho chúng sanh thành tựu những công hạnh. Nếu như một người có được lợi khẩu thì nếu như dùng lợi khẩu đó để tạo những vấn đề phước thiện, nhằm tạo phước cho mình và cho người thì khẩu nghiệp đó là lợi khẩu tốt cho đời sống thăng hoa con người.
Cũng câu nói, có lúc làm cho người ta thăng hoa và an lành nhưng cũng lời nói mà làm cho người ta phải tan nhà mất nước. Nếu như lời nói như thế thì thật tai hại cho mình và cho người.
Quả báo của khẩu nghiệp cũng không cùng tận, có những quả báo phải chịu đựng trong loài súc sanh, chịu những nỗi thống khổ của thân thể, bị người ta kinh tởm hay xua đổi…Và có những quả báo của khẩu nghiệp trong đời này làm cho người ta được những thanh âm vi diệu, mỗi khi phát ra lời nói hay ngôn ngữ được nhiều người thương mến, làm lợi lạc cho nhiều ngừơi.
2.3. Ý nghiệp:
Phạn ngữ Manas-Karman, một trong ba nghiệp, có ý nghĩa là nghiệp nương vào Tâm vương, nghiệp có ý nghĩa tạo tác, nói rộng ra thì bao hàm hết thảy những động tác hành vi thiện, ác hoặc vô ký. Luận Câu Xá quyển 13: “Suy nghĩ được gọi là ý nghiệp, bởi vì suy nghĩ có ý nghĩa tạo tác, khiến tâm vương tạo tác thiện, ác, hoặc vô ký… cho nên ý nghiệp tức đồng nghĩa với tư (suy nghĩ). Lại, y cứ Thành Duy Thức Luận Quyển 4 đề xuất, Tư có thể chia làm ba loại: Thẩm lự tư, quyết định tư, động phát thắng. Trong đó Thẩm lự và quyết định cùng tương ưng với nhau mà tạo tác gọi là ý nghiệp. Ngoài ra, căn cứ vào Đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Đa Kinh Quyển 7 ghi rằng, ý nghiệp có đầy đủ hai loại tâm sau: 1- Tâm tinh tấn, tức phát tâm bồ đề tu tập nghiệp lành mà xa rời hếât thảy những tâm biếng lười;2- Tâm thối chuyển, tức đối với pháp lành không thể tiến tu, hoặc chỉ tạm thời phát tâm tu hành rồi sanh tâm thối thất”. [15,3807 ]
Ý nghiệp thật bí nhiệm và thầm kín vô cùng. Một hành động được biểu hiện qua thân và khẩu đều do sự tác động của ý cả. Nếu như không có sự chỉ đạo của ý thì mọi hành động đều không tác thành. Nếu như một hành động nào đó được tác thành mà không có sự tác động của ý thì đó không hẳn là sự tác thành nghiệp như đã tìm hiểu ở phần định nghĩa, tức là nghiệp là một hành động có tác ý. Mặt khác, tất cả những toan tính trong cuộc sống thường nhật, tất cả đều do ý chủ đạo. Cũng chính từ ý nghiệp mà con người có những hành động khác nhau từ đó dẫn đến sự thọ sanh khác nhau. Từ những ý nghĩa thầm kín sâu xa, con người có thể hình thành những công trình vĩ đại để lại cho nhân loại những di tích, những mưu đồ tham vọng có khi họ cũng chôn vùi tận trong tâm khảm hàng chục năm trời, cho đến khi có nhân duyên thời tiết đủ thì những toan tính thầm kín kia sẽ bộc phát. Nếu như không làm chủ được ý nghiệp con người có thể tạo nghiệp ác bất cứ lúc nào. Nhận thức trong vấn đề chuyển hóa ý nghiệp thật là một việc làm không phải dễ, nó đòi hỏi con người cần có những công phu đích thực. Nếu không những dấy động của tâm thức không thể nào nhận biết được.
CHƯƠNG 3: THỪA TỰ CỦA NGHIỆP
3.1. Thừa Tự Nghiệp Từ Quá Khứ:
Chính Nghiệp, tức hành động, tạo điều kiện để tái sanh. Nghiệp quá khứ tạo điều kiện để tái sanh trong kiếp hiện tại. Nghiệp hiện tại phối hợp với nghiệp quá khứ, tạo điều kiện để tái sanh trong kiếp vị lai. Hiện tại là con đẻ của quá khứ và trở nên cha mẹ của tương lai.
Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt nói:
“Thanh niên Subha bạch Thế Tôn: Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, giữa loài người với nhau, khi họ là loài người, lại thấy có người liệt, có người ưu? Có người đoản thọ, có người trường thọ? Có người nhiều bệnh, có người ít bệnh? Có người đẹp sắc, có người xấu sắc, có người trí tuệ yếu kém, có người đầy đủ trí tuệ?
Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Nghiệp phân chia các loại hữu tình, nghĩa là có liệt, có ưu. Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông sát sanh tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy, khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục. Ở đây, khi mạng chung nếu được đi đến loài người, chỗ nào nó sinh ra, nó phải đoản mạng. Nhưng nếu có người đàn bà hay đàn ông từ bỏ sát sanh, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh. Do nghiệp ấy, khi thân hoại mạng chung, được sanh vào thiện thú, thiên giới, ở đời. Ở đây, khi mạng chung nếu nó đi đến loài người, chỗ nào nó sinh ra, nó được trường thọ v.v..."[1, 473].
Trong lịch sử Phật Giáo có rất nhiều điển tích nói lên cái nhân quả do mình làm mình chịu, không ai có thể gánh thay cho mình được, như sự tích bà Mục Liên Thanh Đề, thân mẫu ngài Mục Kiền Liên. Bà Thanh Đề khi còn sống đã làm nhiều điều độc ác, tham lam và ích kỷ, không bao giờ làm phước, bố thí hay giúp đỡ người nghèo khổ, nên khi mệnh chung bà phải đọa vào địa ngục A-Tỳ, làm thân ngạ quỷ, đói khát cực khổ.
Hay ngay chính Đức Phật cũng thế, có những nghiệp Ngài đã gieo trồng trong những kiếp xa xưa đến kiếp hiện tại Ngài cũng thọ nhận quả, chẳng hạn như việc Tỳ khưu Devadatta kết oan trái với Đức Phật, lăn đá làm bầm bàn chân của Đức Phật, hay nàng Cincàmànavikà vu khống Đức Phật, khiến voi say Nàlàgiri định xông đến chà Đức Phật. Ở đây ta nhấn mạnh đến những nghiệp nhân đã tạo ra từ quá khứ và dẫn đến hiện tại, những nghiệp nhân ấy đến khi hình thành quả thì dầu cho bất cứ đối tượng nào cũng phải gánh chịu. Thế nên trong kinh thường nói: “Bồ tát sợ nhân chúng sanh sợ quả”. Những ai không mê mờ nhân quả chính là những người rất sợ nhân quả, vì khi đã tạo nhân thì rất khó hoán đổi. Trong khi đó những kẻ vô văn phàm phu thì khi làm một chuyện gì ít khi lo nghĩ đến nhân, cho đến khi những nhân xấu trổ quả thì lúc đó rất sợ và tìm mọi cách để lẫn trốn, nhưng nào có được. Chúng ta đề cập đến những quả mà đức Phật phải chịu trong đời sống hiện thế của Ngài. Tuy nhiên những quả báo ấy cũng không tác động được nhiều đến Ngài.
Theo luật nhân quả, thì quả vui hay quả khổ của người đang thụ hưởng đều do những nhân tốt hay xấu do chính người ấy, chứ không phải do người khác đã gieo trồng, trong kiếp hiện tại hay trong những kiếp quá khứ. Với cái nhận thức và tầm nhìn giới hạn của chúng ta nên chúng ta chỉ thấy trước mặt cái quả đang trổ mà không thấy được tất cả các nguyên nhân vi tế đã sanh quả ấy, vì các nhân ấy không phải chỉ là những nhân đã gieo trồng trong kiếp này mà có thể là đã được gieo trải từ nhiều kiếp trong quá khứ. Nhà Phật gọi là nhân quả ba đời, (có nghĩa là bao gồm nhiều kiếp trong quá khứ, kiếp hiện tại và nhiều kiếp trong tươntg lai).
Có một ý thức trực giác về nghiệp quả - một sự hiểu biết rằng hạnh phúc, và bất hạnh của chúng ta tùy thuộc vào hành động của chúng ta và vì vậy chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về định mệnh của chúng ta - điều này đã đặt cuộc đời chúng ta trong một vị trí có sức mạnh. Nếu chúng ta hiểu rằng tất cả mọi thứ, tất cả không chừa một việc gì, đều xảy ra do từ một nguyên nhân thì chúng ta sẽ hiểu thế nào là an toàn. Như vậy, khi có một sự đau khổ, mâu thuẫn, hiểm nguy, đau đớn, hay một vấn đề xảy ra trong cuộc đời chúng ta, chúng ta không chỉ đơn thuần tìm cách tiêu diệt nó. Tốt hơn là chúng ta nên can đảm thay đỗi những điều kiện tạo môi trường cho việc đó xảy ra và nuôi dưỡng hay duy trì sự tồn tại của nó.
Thừa nghiệp từ quá khứ là một hệ quả tất yếu đối với chúng sanh, thế nhưng không phải tất cả những gì con người tác tạo trong quá khứ thì phải thọ lãnh trong kiếp hiện tại hay tương lai. Nếu như có một điều tuyệt đối như vậy thì chúng sanh không thể nào tu hành giải thoát sanh tử được. Và điều này cũng đã được đức Phật khai thị:
“Ai nói như sau: "Người này làm nghiệp như thế nào, như thế nào nó cảm thọ quả như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời không có đời sống phạm hạnh, không có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chân chính đoạn trừ. Và này, ai nói như sau: "Người này làm nghiệp được cảm thọ như thế nào, như thế nào nó cảm thọ quả báo như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời có đời sống phạm hạnh, có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chân chính đoạn trừ. Này các Tỷ-kheo, có những người làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ấy đưa nó vào địa ngục. Có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, và nghiệp ác ấy đưa đến cảm thọ ngay trong hiện tại cho đến chút ít cũng không được thấy trong tương lai”. [ 2,I,294 ]
Hơn nữa, trong đời sống hiện tại không phải con người lãnh thọ tất cả những khổ đau gì đều do những nguyên nhân của quá khứ. Nếu như hoàn toàn phủ nhận hiện tại thì không thể được. Vì hiện tại là một nhân tố quan trọng trong đời sống con người:
“Này các Tỷ-kheo, đối với các Sa-môn, Bà-la-môn thuyết như sau, chấp kiến như sau: "Phàm có cảm giác gì con người lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ không lạc, tất cả đều do nhân nghiệp quá khứ". Đối với vị ấy, ta đến và nói: "Chư Tôn giả, có thiệt chăng, chư Tôn giả có thuyết như sau, chấp kiến như sau: "Phàm có cảm giác gì con người lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ không lạc, tất cả đều do nhân nghiệp quá khứ?" - Được Ta hỏi như vậy, họ trả lời: "Thưa phải, có như vậy". - Ta nói với họ như sau: "Như vậy, thời các Tôn giả do nhân nghiệp quá khứ sẽ trở thành người sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói láo v.v..." nhưng này các Tỷ-kheo, với những ai trở lại dựa vào nghiệp quá khứ và lý do viên thực, với những người ấy sẽ không có ước muốn, không có tinh tấn, không có "đây là việc phải làm" hay "đây là việc không nên làm". Như vậy sự cần thiết cần phải làm hay không cần phải làm, không được tìm thấy là chân thật, là đáng tin cậy, thời danh từ Sa-môn không thể áp dụng đúng pháp cho các ngươi được, vì các ngươi sống thất niệm và các căn không được hộ trì. Như vậy, đây là sự chỉ trích đúng pháp của Ta đối với các vị Sa-môn, Bà-la-môn thuyết như vậy, có chấp kiến như vậy”. [2,I,231]
Qua đoạn kinh trên, ta thấy rằng đức Phật chỉ trích những người cho nghiệp quá khứ giống như một định mệnh. Nhất thiết những cảm thọ gì, hành vi gì trong hiện tại cũng đều cho rằng do nghiệp quá khứ quy định cả, thế thì hiện tại chỉ quay theo quá khứ. Sát sanh, trộm cắp, nói láo v.v... đều do nghiệp quá khứ sai khiến, chứ hiện tại không có trách nhiệm gì. Vậy thì không còn sự lựa chọn: đây là việc nên làm, đây là việc không nên làm, đây là tu, đây không phải tu; thời danh từ Sa-môn, người tu, trở thành vô nghĩa; bởi không thể kể đây là một công phu của một ý chí tự do lựa chọn, mà chỉ là một sự thụ động tuân theo nghiệp quá khứ sai sử, hiện tại chẳng có công lao gì. Cuộc sống con người, không phải chỉ sống cho quá khứ, mà điều quan trọng chỉ là cảm nhận những gì mình làm trong quá khứ để kiến tạo đời sống hiện tại cho được hạnh phúc.
3.2. Thừa Tự Nghiệp Từ Cộng Đồng:
Con người ngoài sự tác tạo nghiệp riêng của bản thân thì chính sự tạo nghiệp của bản thân họ cũng đã góp phần vào sự thác sanh hay cùng chung sống trong một cộng đồng xã hội. Như một người hiền lành suốt đời tụng kinh niệm Phật để hồi hướng vãng sanh, thì phần chắc ngay sau khi lâm chung họ sẽ thác sanh về cảnh giới lành hay ngay trong nước Phật. Nếu như cuộc đời của một chúng sanh nào đó luôn tạo những ác nghiệp thì phần chắc sau khi thác sanh họ phải luân chuyển vào những cảnh đau khổ, thấp hèn.
Một khi thác sanh vào chỗ nào thì chính trú xứ đó, những thành phần đang cùng sống trong trú xứ ấy phần lớn cũng có những nghiệp nhân tương ứng. Chính vì thế sau khi thác sanh và cùng sanh trưởng trong một hoàn cảnh thì những tác động của hoàn cảnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống của mỗi con người trong trú xứ ấy. Trong khi chịu ảnh hưởng trong cùng nhiều mối quan hệ tương giao với nhau thì một điều tất nhiên xảy ra là những phát khởi của vấn đề tạo nghiệp đều có những cái chung nhất giống nhau. Ta có thể nói khác đấy cũng là một hình thức chịu nghiệp từ cộng đồng. Thừa tự nghiệp từ cộng đồng chính là những tác động của cộng đồng đến bản thân của từng cá nhân. Lúc đó cá nhân không còn là tự ý hay chủ đích theo mọi suy nghĩ của bản thân mình mà lúc đó tùy thuộc vào cộng đồng xã hội. Thí dụ như đang sống trong thời buổi loạn ly của chiến tranh. Hầu hết tất cả những chàng trai đều phải lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Chính những cộng nghiệp ấy đã đưa họ đến những việc làm mà chính bản thân họ cũng không muốn thực hiện.
Một thí dụ khác sẽ cho ta thấy về tính thừa tự nghiệp từ cộng đồng, như một người sanh ra từ một gia đình gia giáo thì thường những hành động suy nghĩ của họ cũng phần nào tương ứng với gia đình mà họ đang sống. Chính điều đó lại tác động đến bản thân họ và trở thành những nghiệp riêng của họ. Bên cạnh đó nếu như một người sống trong gia đình hoàn cảnh thật phức tạp, có những sinh hoạt bất thiện thì tất nhiên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của con cháu họ và chính những người thọ nghiệp chung giờ đây trở thành nghiệp của riêng mình.
Tuy nhiên vấn đề nghiệâp của nhiều người trong cộng đồng xã hội, đan xen với biệt nghiệp của từng cá nhân, khiến cho cơ chế vận hành của nghiệp khá phức tạp, mà chỉ có bậc Thánh như Phật mới có thể hiểu hết ngọn ngành, chi tiết: "Với thiên nhãn thuần tịnh, vượt xa tầm nhìn của loài người, Ta thấy các chúng sanh chết và tái sanh như thế nào, Ta thấy những người cao quý và kẻ nghèo hèn, kẻ xuất sắc và người bần tiện, mỗi người đều theo nghiệp của mình tạo ra mà có được thân phận hạnh phúc hay bất hạnh". [ 2,I,294 ]
CHƯƠNG 4 : TU TẬP CHUYỂN HÓA NGHIỆP
4.1. Tu Thân Nghiệp: Thân Nghiệp : Những hành vi thuộc về thân có 3 :
4.1.1. Không giết hại: Có nghĩa là không hủy hoại cuộc sống của mọi loài, không tự huỷ hoại mình, không sai người khác giết hại, thấy người khác giết hại không sanh lòng mừng vui; trái lại người Phật Tử phải tìm mọi cách để cứu sống chúng sanh, chẳng hạn như mua chim, mua cá thả cho chúng sống đời tự do, không bị cảnh cá chậu, chim lồng. Cá nuôi trong chậu, chim bị nhốt trong lòng dù cho có được ăn uống đầy đủ nhưng nào có được tự do, khác chi với cảnh con người bị tù đày, chúng ta không muốn bị tù đày tại sao chúng ta lại tù đày chúng, chúng ta muốn luôn luôn được tự do, chúng ta nên mua chim, cá thả để cho chúng tự do.
4.1.2. Không trộm cắp: Không chiếm đoạt về phần mình những của cải của người khác từ đất đai, nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ là những vật lớn cho chí vật nhỏ như cây kim, sợi chỉ cũng không chiếm đoạt của người khác. Người ta không thuận cho, tìm cách chiếm đoạt, tự tiện lấy dùng cũng thuộc về trộm cắp. Dùng sức mạnh để chiếm đoạt của người khác là tội cướp, dùng những phương tiện xảo trá để lường gạt người, cho đến trốn thuế cũng thuộc về trộm cắp, tất cả những việc sai trái như thế đều không làm, trái lại đem tiền của, phương tiện của mình để giúp đỡ cho chúng sanh được an vui, ấm no đó là sự bố thí đáng làm.
4.1.3. Không tà dục: Nghĩa là không sống trác táng, ăn chơi, cờ bạc, rượu chè, hút sách. Trái lại phải tu hạnh tiết dục thanh tịnh, tu sĩ cấm hẳn tà dục, hàng cư sĩ lập gia đình phải tiết dục, chỉ sống một vợ một chồng, trong sạch từ thể chất đến tinh thần. Tà dục là gốc sanh tử luần hồi, người tu theo đạo Phật phải dứt bỏ dần dần tà dục, để trở nên người thanh khiết.
4.2. Tu Khẩu Nghiệp:Khẩu Nghiệp : Thuộc về khẩu nghiệp là những lời nói thô, có 4 cách:
4.2.1. Không nói dối: Là không nói sai sự thật như :
-Không thấy nói thấy, thấy nói không thấy
-Nghe nói không nghe không nghe nói nghe
-Biết nói không biết, không biết nói biết
-Biết trái nói phải, biết phải nói trái.
Gặp trường hợp đặc biệt phải nói không đúng sự thật để cứu mạng chúng sanh, buộc lòng phải nói, chẳng hạn như có một người đi săn đuổi theo một con thú, ta thấy lối con thú ấy chạy, người thợ săn đến gặp ta, hỏi ta có thấy con thú chạy lối nào không, để cứu con thú khỏi chết, ta có thể nói không thấy. Như vậy, ta đã thực hành được hạnh Từ Bi, việc nói chơi cũng không nên nói.
4.2.2. Không nói lời hung ác: Không nên chưởi rủa người, dù là bậc trên trước, có quyền thế, như ông bà, cha mẹ cũng không nên ỷ vào quyền thế ấy mắng chưởi người hay con cháu, dù người đó có lầm lỗi, trái lại nên dùng lời dịu dàng, chỉ dạy cho người ta thấy những lỗi lầm, để lần sau tránh.
4.2.3. Không nói thêu dệt: Không nên thêm bớt để chuyện không nói có, chuyện có nói không, dùng lời lẻ làm cho câu chuyện sai với sự thật trắng thành đen, đen thành trắng, hoặc dùng lời văn hoa, bóng bẩy để mê hoặc làm hại người, những việc đó đều không nên làm, trái lại nên nói lời đúng đắn, chơn thật với lòng mình.
4.2.4. Không nói lưỡi hai chiều: Không nên nói đòn xóc, đến bên A nói xấu bên B, đến bên B nói xấu bên A, mục đích gây chia rẽ, làm cho hai bên thù địch nhau. Trái lại nên dùng lời lẽ để hóa giải mọi sự thù nghịch.
4.3. Tu ý nghiệp: Những suy nghĩ, tưởng tượng có 3 cách tạo thành ý nghiệp :
4.3.1. Không tham muốn: Không tham muốn năm món dục lạc ở đời : Sắc đẹp, của cải, danh vọng, ngủ nghỉ, ăn uống. Tham muốn sắc đẹp hao tốn tiền của, nhiều khi phải dùng những mưu chước tồi tệ làm mất phẩm chất con người, khi không thỏa mãn đâm ra ghen tương, thù hận giết chóc, tù đày. Tham của cải phải đày đọa tấm thân làm cho có nhiều tiền của, nhiều khi phải dùng mưu sâu, chước độc để hại người đoạt của. Tham danh vọng phải vào lòn ra cúi, nhiều khi phải lao tâm cực trí để được cái danh ảo huyền. Tham ăn cao lương mỹ vị làm cho thân thể dễ sanh bệnh tật. Tham ngủ nghỉ làm cho trí não trở nên đần độn. Năm món dục lạc làm cho con người bị tù đày, tội lỗi, là nguyên nhân chính trói buộc người ta trong sanh tử luân hồi. Chẳng những người tu phải biết tiết dục mà còn biết tri túc, tức là hạn chế dần lòng khát khao ham muốn, chỉ nên sống cuộc sống tạm đủ, không đua chen với đời, nhiều người tu cơm ăn chỉ cần đủ no, áo mặc chỉ cần đủ ấm, nơi ở chỉ cần có chỗ nằm tránh mưa, tránh nắng, tránh luồng gió độc mà thôi, những người đó không bị vật chất ràng buộc, họ sẽ được mau giải thoát.
4.3.2. Không giận hờn: Giận hờn là một tánh xấu, rất tai hại, nó như một ngọn lửa mạnh, đốt cháy cả mọi vật chung quanh cả mình lẫn người. Trong kinh Phật có dạy : Một niệm giận hờn nổi lên, thì trăm nghìn cửa nghiệp chướng đều mở. Lữa tức giận một phen phát ra, liền đốt tất cả rừng công đức" . Trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, người nào không giận tức, sẽ được tám món tâm pháp sau đây:
-Không tâm khổ não
-Không tâm giận hờn
-Không tâm tranh giành
-Tâm nhu hòa ngay thẳng
-Tâm từ bi như Phật
-Thường làm lợi ích an ổn cho chúng sanh
-Thân tướng trang nghiêm, chúng sanh tôn kính
-Có đức tính nhẫn nhục được mau sanh lên cõi Phạm Thiên.
Nhờ quán từ bi, tâm sanh lòng từ bi, chúng ta mới không giận hờn khi có người làm cho chúng ta giận hờn, những người làm để cho ta sanh tâm giận hờn, vì sự ít hiểu biết nên họ mới làm như thế, chúng ta nên thương họ, chỉ có tấm lòng từ mới bao dung, tha thứ được lầm lỗi của kẻ khác.
4.3.3. Không si mê:
Si mê là nguồn gốc của mọi tội lỗi, vì si mê người ta không phân biệt phải trái, không nhận định rõ đúng sai, chấp theo sự hiểu biết của riêng mình nó che lấp sự thật, chơn lý. Người không si mê là người có trí huệ, tu tập thiện nghiệp, nên quán nhân duyên sanh để diệt trừ vô minh, tinh tấn trên đường giải thoát.
Không tham lam mà phải biết khởi lòng từ bi đối với mọi người; không sân hận mà còn phải biết nhẩn nhục, không tà kiến mà phải biết chánh kiến.
Cho nên kinh Thập thiện đã đưa ra mô hình cho những người tu muốn thăng hoa trong đời sống tu tập, điều quan trọng là phải cố gắng thực hành mười thiện nghiệp. Mười thiện nghiệp đó chính là sự chuyển hóa của những hành vi thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp:
“Này Long vương! Ông nên biết Bồ-tát có một pháp có thể đoạn trừ tất cả khổ não trong các đường ác. Đó là ngày đêm nhớ nghĩ tư duy, quán sát thiện pháp, khiến các thiện pháp mỗi niệm mỗi niệm được tăng trưởng, không để cho bất kỳ pháp bất thiện nào xen lẫn, pháp ấy có thể khiến các ác pháp vĩnh viễn chấm dứt, thiện pháp được tràn đầy, thường được gần gũi chư Phật, chư Bồ-tát và các Thánh chúng.
Nói rằng thiện pháp, nghĩa là thân của các hàng Trời, Người, Thanh văn Bồ-đề, Độc giác Bồ-đề, Vô thượng Bồ-đề, đều nương vào pháp này, lấy nó làm căn bản để được thành tựu cho nên gọi là thiện pháp. Pháp này chính là Thập thiện nghiệp đạo.
Vậy mười điều đó là gì? Đó là vĩnh viễn xa lìa sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói đôi chiều, nói ác, nói thêu dệt, tham lam, sân hận và tà kiến”. [ 20,35 ]
C- KẾT LUẬN
Chính đức Phật trong nhiều đoạn kinh cũng có ý như nhắc nhở cho hàng đệ tử ngầm hiểu Nghiệp không phải là một định Nghiệp:
“Này các Tỷ-kheo, đối với các Sa-môn, Bà-la-môn thuyết như sau, chấp kiến như sau: "Phàm có cảm giác gì con người lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ không lạc, tất cả đều do nhân nghiệp quá khứ". Đối với vị ấy, ta đến và nói: "Chư Tôn giả, có thiệt chăng, chư Tôn giả có thuyết như sau, chấp kiến như sau: "Phàm có cảm giác gì con người lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ không lạc, tất cả đều do nhân nghiệp quá khứ?" - Được Ta hỏi như vậy, họ trả lời: "Thưa phải, có như vậy". - Ta nói với họ như sau: "Như vậy, thời các Tôn giả do nhân nghiệp quá khứ sẽ trở thành người sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói láo v.v..." nhưng này các Tỷ-kheo, với những ai trở lại dựa vào nghiệp quá khứ và lý do viên thực, với những người ấy sẽ không có ước muốn, không có tinh tấn, không có "đây là việc phải làm" hay "đây là việc không nên làm". Như vậy sự cần thiết cần phải làm hay không cần phải làm, không được tìm thấy là chân thật, là đáng tin cậy, thời danh từ Sa-môn không thể áp dụng đúng pháp cho các ngươi được, vì các người sống thất niệm và các căn không được hộ trì. Như vậy, đây là sự chỉ trích đúng pháp của Ta đối với các vị Sa-môn, Bà-la-môn thuyết như vậy, có chấp kiến như vậy”.[ 2,I,292 ]
Qua đoạn kinh vừa nêu, đức Phật chỉ trích những người cho Nghiệp quá khứ giống như một định mệnh. Hết thảy những cảm thọ gì, hành vi gì trong hiện tại cũng đều cho rằng do Nghiệp quá khứ quy định cả, thế thì hiện tại chỉ quay theo quá khứ. Sát sanh, trộm cắp, nói láo v.v... đều do Nghiệp quá khứ sai khiến, chứ hiện tại không có trách nhiệm gì. Vậy thì không còn sự lựa chọn: đây là việc nên làm, đây là việc không nên làm, đây là tu, đây không phải tu; thời danh từ Sa-môn, người tu, trở thành vô nghĩa; bởi không thể kể đây là một công phu của một ý chí tự do lựa chọn, mà chỉ là một sự thụ động tuân theo nghiệp quá khứ sai sử, hiện tại chẳng có công lao gì.
Điều nên chú ý là, mọi Nghiệp đều phải qua một thời gian nhất định, có đủ nhân đủ duyên thì Nghiệp mới chín muồi: Có người đời trước tạo Nghiệp nhân ác, đời này tuy tu tỉnh tạo nhiều Nghiệp thiện, nhưng cảnh ngộ vẫn bất hạnh, nhưng vì hiện tại biết tu tỉnh, thường xuyên làm thiện cho nên nội tâm vẫn an lạc. Trường hợp trái ngược với trường hợp trên là có người, do đời trước tạo nghiệp thiện cho nên đời này gặp cảnh ngộ sung sướng, nhưng lại không biết tu tập, hiện tại chuyên tạo nghiệp ác, thì nội tâm anh ta vẫn đau khổ, không an lạc. Chính hai trường hợp trái ngược nhau trên khiến cho người bình thường không hiểu, cho nên không tin ở thuyết Nghiệp. Tất nhiên, có người đời trước tạo Nghiệp ác, đời này có cuộc sống bất hạnh, lại không tu tỉnh, cứ tiếp tục theo đà tạo Nghiệp ác, cho nên cả cảnh ngộ bên ngoài và nội tâm bên trong đều đau khổ. Lại có người, đời trước tạo Nghiệp thiện, đời này tiếp tục tạo Nghiệp thiện, cho nên cả cảnh ngộ bên ngoài và đời sống nội tâm bên trong đều an lạc, sung sướng.
Nhờ hiểu rõ Nghiệp là gì? Cơ chế vận hành của Nghiệp ra sao, con người có thể chuyển Nghiệp quá khứ, hạn chế nó, thậm chí triệt tiêu nó. Phật dạy: "Này các Tỳ Kheo, nếu có người nào đó nói một người phải chịu quả báo theo đúng hành vi của anh ta, thì trong trường hợp đó, này các Tỳ Kheo, sẽ không có đời sống tôn giáo, sẽ không có cơ may để đoạn trừ toàn bộ khổ não. Nhưng này các Tỳ Kheo, nếu có người nào đó nói rằng quả báo mà một người chịu, thích ứng với hành vi của anh ta làm thì trong trường hợp đó, này các Tỳ Kheo, có đời sống tôn giáo, có cơ may để đoạn trừ toàn bộ khổ não". [ 2,I,284-290 ]
“Theo lời đức Thế Tôn dạy thì sự diễn tiến của Nghiệp thật là phức tạp, hạng phàm phu bình thường khó có thể liễu tri toàn bộ quá trình diễn tiến cũng như những quả dị thục của Nghiệp, và điều này đức Phật cũng đã dạy trong kinh điển rất rỏ ràng”.[ 1,III,473-498 ]
Tóm lại tìm hiểu và thực hành về Nghiệp là một việc làm vô cùng quan trọng trong đời sống người con Phật. Giáo lý Phật sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống con người mà nhất là chính bản thân mình. Tin giáo lý Nghiệp sẽ giúp chúng ta càng củng cố niềm tin trong cuộc sống và ra sức vun bồi những thiện căn tốt lành của mình nhằm đem lại ích lợi cho bản thân và cộng đồng xã hội. Càng hiểu giáo lý Nghiệp bao nhiêu chúng ta càng cảm tạ ơn đức cao cả của Phật bấy nhiêu. Chúng sanh trong cõi ta bà, Nghiệp chồng chất như núi Tu Di thế mà đức Phật vẫn thị hiện trong cõi đời vẩn đục đầy năm ác trược này để giáo hóa những chúng sanh hữu duyên. Học và tu tập theo giáo lý Nghiệp thì chúng ta có những hóa giải trong cuộc sống vốn đầy những bất công mà con người với trí năng bình thường không thể nào lý giải được. Nhờ học giáo lý nghiệp mà con người dễ dàng hóa giải những hận thù vốn dĩ đã chất chồng từ nhiều đời nhiều kiếp. Cho đến nay đang trong kiếp sống hiện tại, chúng ta cũng không tránh khỏi những đấu tranh trong những chuyện phiền toái thị phi, nhưng nhờ có hiểu về Nghiệp nên cũng tự hóa giải những hận thù.
Thuyết nghiệp báo Nhân quả cho thấy: Nếu quá khứ ảnh hưởng quyết định đến cuộc sống hiện tại của chúng ta, thì cuộc sống hiện tại mà chúng ta đang sống là một cuộc sống hướng thượng được soi sáng dẫn đường bằng chánh pháp, sự quyết định tương lai quang vinh, an lạc và hạnh phúc của chúng ta. Đó là điều không còn nghi ngờ gì nữa, vì cuộc sống hiện tại là ở trong tầm tay của chúng ta.
Hiểu Nghiệp báo càng sâu chúng ta càng cảm tạ những thâm ân giáo dưỡng của cuộc đời, trong đó ân tình của cha mẹ là một trong nguồn ân tình vừa linh thiêng vừa cao cả nhất trần đời, bên cạnh càng nghĩ về quá khứ chúng ta đã tri ân với tiền nhân nhìn lại tương lai chúng ta càng suy nghĩ lại mình phải làm gì cho xứng đáng với ý nghĩa cuộc sống. Cảm nhận để rồi tương tác trong ba thời gian và cùng hòa điệu những ân tình trong cuộc sống tạo thêm hương sắc cho cuộc đời.
Do đó, nguyên tắc của Nghiệp là nền tảng của tất cả mọi pháp, dù là thế gian hay là xuất thế gian. Và chúng ta lại càng cảm nhận ra được tầm vóc bao la vô biên của Nghiệp để cảm thông với Thế Thân Bồ Tát qua câu nói của Ngài để mở đầu phẩm Nghiệp trong Câu Xá Luận: "Thế gian muôn vàn sai biệt, đều do nơi Nghiệp sinh ra !".[ 29,158 ]
Khi nào còn tạo Nghiệp là vòng luân hồi vẫn cứ tiếp tục và cứ luân chuyển mãi mãi, và Nghiệp cứ kéo chúng sanh vào muôn vạn nẽo luân hồi sanh tử. Tạo Nghiệp và chuyển hóa Nghiệp cũng đều do chính ta chớ không phải do thần linh nào tạo nghiệp hay làm cho ta bớt Nghiệp.
Ý thức tu tập và chuyển hóa Nghiệp nhằm không tạo những ác nghiệp để chịu những quả báo ở tương lai, tích cực gieo trồng những Nghiệp thiện để gặt được quả lành. Đến khi nào tâm thức không còn bị lệ thuộc của vòng sang diệt của những khái niệm chấp trước có không còn mất thì mọi cảnh giới sẽ bình an tuyệt đối . [13,113 ]
Khi hiểu đúng về Nghiệp, thì sẽ thật sự là chủ nhân của Nghiệp, đã là chủ nhân của Nghiệp thì có thể sai khiến Nghiệp của mình chứ không phải là nô lệ để Nghiệp sai khiến. Hiểu được Nghiệp chúng ta phải thường áp dụng những lời Phật dạy vào đời sống hằng ngày, nhất là giáo lý Nghiệp, để chuyển hóa Nghiệp, không bị Nghiệp ràng buộc chi phối. Vào đời độ sanh mà không bị đời làm ô nhiễm. Hiểu rõ Nghiệp chúng ta không than oán chùng bước khi gặp những nghịch cảnh, và cũng không hân hoan reo mừng khi gặp những thuận duyên, mà chúng ta phải biết cảm nhận những gì đang xảy ra ở hiện tại, đều do sự vận hành của Nghiệp mà có. Chỉ khi nào chúng ta thật sự hiểu tường tận về giáo lý Nghiệp, thì lúc đó Nghiệp không còn chi phối chúng ta nửa. Đức Phật dạy giáo lý Nghiệp nhằm khuyến khích con người thực hành các Nghiệp lành, để trang nghiêm cho kiếp sống ở hiện tại và thăng hoa lý tưởng giải thoát cho vô lượng kiếp trong tương lai.
THƯ MỤC THAM KHẢO
[1]. Thích Minh Châu- Trung Bộ Kinh III, VNCPHVN 1996
[2]. Thích Minh Châu- Tăng Chi Bộ Kinh II,III, VNCPHVN 1996
[3]. Thích Minh Châu- Tương Ưng Bộ Kinh IV, VNCPHVN 1996
[4]. Thích Minh Châu- Trường Bộ Kinh I, II, VNCPHVN 1996
[5]. Thích Minh Châu- Thắng Pháp Tập Yếu Luận II, lưu hành nội bộ 1996
[6]. Thích Minh Châu- Kinh Pháp Cú, NXB Tôn Giáo 2000
[7]. Thích Minh Châu- Trung A Hàm Kinh, VNCPHVN 1996
[8]. Minh Chi- Các Vấn Đề Phật Học, NXB Tp. Hồ Chí Minh 1999
[9]. Minh Chi- Thuyết Bốn Đế, giáo án giảng tại Học Viện-lưu hành nội bộ 2005
[10]. Nguyễn Du- Truyện Kiều, NXB Văn Học 1999
[11]. Thích Quảng Độ-Nguyên Thủy PG Tư Tưởng Luận, lưu hành nội bộ 1999
[12]. Thích Quảng Độ-Tiểu Thừa PG Tư Tưởng Luận, lưu hành nội bộ 2000
[13]. Cao Hữu Đính- Kinh Na Tiên Tỳ Kheo, lưu hành nội bộ 1997
[14]. Huệ Quang Phật Học Tự Điển, tập III, NXB Tổng Hợp TP. HCM 2004
[15]. Phật Quang Đại Tự Điển, bản Cbeta
[16]. Thích Thiện Hoa- Phật Học Phổ Thông, quyển I, NXB TP. HCM 1993
[17]. Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, tập I No 79, trang 890
[18]. Phạm Kim Khánh-Đức Phật Và Phật Pháp, THPG Tp. HCM ấn hành 1991
[19]. Thích Giải Quảng- Giáp Trình Lịch Sử PG Ấn Độ, lưu hành nội bộ 2000
[20]. Thích Hoàn Quan- Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh, lưu hành nội bộ 1997
[21]. Thích Chơn Quang- Nghiệp Và Kết Quả, NXB Tôn Giáo 2000
[22]. Thich Trí Quang- Sa Di Và Sa Di Ni tập III, lưu hành nội bộ 1999
[23]. Thích Trí Quang- Kinh Di Giáo, lưu hành nội bộ 1999
[24]. Thích Trí Quang- Từ Bi Thủy Sám Văn, NXB Tôn Giáo 2004
[25]. Thích Thiền Tâm- Phật Học Tinh Yếu I,II,III, NXB Tp. HCM 1999
[26]. Thích Chơn Thiện- Phật Học Khái Luận, VNCPHVN 1997
[27]. Thích Chơn Thiện-Lý Thuyết Nhân Tính Qua Kinh Tạng Pàli,
NXB Tp. HCM 2004
[28]. Thích Tâm Thiện- Phật Học Hàm Thụ – Nghiệp Báo, NXB Tp HCM 2000
[29]. Thích Thiện Siêu- Đại Cương Câu Xá Luận, NXB Tp. HCM 1992
[30]. Thích Thiện Siêu- Ngũ Uẩn Vô Ngã, NXB Tôn Giáo 1999
[31]. Thích Thiện Siêu- Luận Câu Xá NXB Tôn Giáo 2000
Nguồn: dentutraitim.com