Chương IX: Gaṇḍavyūha-sūtra (Kinh Hoa Nghiêm)

21 Tháng Chín 201610:12 CH(Xem: 3667)
Chương IX: Gaṇḍavyūha-sūtra (Kinh Hoa Nghiêm)

Lược Sử Văn Học Sanskrit

& Hán Tạng Phật Giáo

 

Thích Kiên Định

 

Chương IX: Gaṇḍavyūha-sūtra (Kinh Hoa Nghiêm) 

 

1. Khái lược về Nguồn gốc và sự Phiên dịch: 

1.1. Nguồn gốc:

Kinh văn thuộc hệ Saṅskrit của Phật giáo Đại thừa giới thiệu về thế giới tâm linh mầu nhiệm củapháp giới trùng trùng duyên khởi trên nền tảng của nhất tâm chơn như mà vạn pháp hiện hữu thảy đều xuyên qua chơn tâm bản giác phát sinh là Gaṇḍavyūha Sūtra (Kinh Hoa-nghiêm). Nguồn gốc của nó, theo truyền thuyết, được đức Phật thuyết sau khi Ngài đã chứng quả Vô thượng Bồ-đề. Khi Ngài thuyết Kinh này, duy hàng Bồ-tát thượng căn thượng trí mới có thể hiểu và lãnh hội được cốt lõi; còn hàng Tân học Bồ-tát và Sơ học Bồ-tát cũng như hàng Nhị Thừa và phàm phu thì không thể hiểu nổi; vì căn trí còn thấp kém, trí tuệ chưa đầy đủ và năng lực thiền-định chưa kiên cố, công đức chưa tích luỹ sâu dày, cho nên chưa thể lãnh hội được yếu chỉ của Kinh. Sau khi quán thấy căn cơ của hàng Tân học Bồ-tát và Sơ học Bồ-tát cũng như hàng Nhị Thừa và phàm phu chưa đủ căn trí để lãnh hội nghĩa lý thâm áo của kinh này, bấy giờ đức Phật mới từng bước giáo hoá bằng cách dắt dẫn những chúng sanh này từ thấp đến cao, từ cạn đến sâu; do đó, những kinh như: A-hàm, Phương Đẳng, Bát-nhã, v.v... lần lượt được thuyết giảng.  

1.2. Phiên dịch:

 

Kinh này là một trong Chín Kinh Đại thừa, mà người Nepal gọi là Chín Pháp. Trước hết Gaṇḍavyūha-sūtra (Kinh Hoa-nghiêm) có thể tìm thấy ở Phẩm thứ 39 trong Avataṁsaka-sūtra (Kinh Hoa-nghiêm). Đây là Phẩm cuối cùng mà tại Trung Hoa và Tây Tạng, nó được gọi là  Dharmadhātupraveśa (Phẩm Nhập Pháp Giới). Nhưng thực tế, Gaṇḍavyūha Sūtra được xem như là một bản dịch độc lập. Nó được dịch sang Hoa ngữ trong khoảng 400 năm _ từ thế kỷ thứ 4 đến  8 sau CN, và được phiên dịch sang tiếng Tây Tạng vào thế kỷ thứ 9. Gaṇḍavyūha Sūtra nói riêng và Avataṁsaka sūtra nói chung là giáo lý nền tảng của trường phái Hoa-nghiêm tại Trung Hoa, trường phái Kegon tại Nhật Bản và Triều Tiên, mà cả 2 hiện nay vẫn đang còn rất thịnh hành. Tác phẩm này được dịch sang Hoa ngữ giữa những năm 317 và 420 với tựa đề Avataṃsaka-sūtra (Kinh Hoa-nghiêm).[151]

Avataṃsaka-sūtra hiện còn 3 bản. Bản thứ nhất do Buddhabhadra (Phật-đà-bạt-đà-la) dịch sang Hoa ngữ suốt những năm 418-420, đời Đông Tấn, 60 quyển, ĐC 9_278. Bản thứ hai do Śikśānanda (Thực-xoa-nan-đà) dịch trong những năm 695-704, đời Đường, 80 quyển, ĐC 10_279. Bản thứ ba do Prajñā (Bát-nhã) dịch trong những năm 795-810, đời Đường, 40 quyển, ĐC 10_293. Tựa đề của ba bản dịch này giống nhau, là “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”. Ngoài ra, có vài bản khác do Divākara (Địa-bà-ha-la) dịch với tựa đề “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Nhập Pháp Giới Phẩm”, đời Đường, 1 quyển, ĐC 10_295; và do Devaprajñā (Đề-vân-bát-nhã) dịch với tựa đề “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Tu Từ Phần”, đời Đường, 1 quyển, ĐC 10_306.

Trong ba bản vừa nêu, bản thứ ba của  Prajñā dịch từ Saṅskrit, không phải là Avataṃsaka-sūtra, nhưng từ Gaṇḍavyūha-sūtra. Đặc biệt bản này rất quan trọng, vì không những nó bao quát cả Daśabhūmika (Thập Địa), mà còn được ngài Nāgārjuna (Long Thọ) trích dẫn vào Mahāprajñāpāramitopadeśa (Đại Trí Độ, ĐC 24_1509) dưới nhan đề Acintyavimokṣa (Bất Tư Nghì Giải Thoát).

 

1.3.            Giải thích Đề Kinh:

Có sự khác nhau nào giữa hai đề kinh: Avataṃsaka-sūtra và Gaṇḍvyūha-sūtra chăng? Thực tế Gaṇḍavyūha-sūtra chỉ là tên khác của Avataṃsaka-sūtra mà thôi. Thuật ngữ “Avataṃsaka” có nghĩa làmột vòng hoa (Treatise on Wreath of miscellaneous fresh flowers) (tức là những loại hoa đẹp và tươi được kết đều, đan xen và lẫn lộn nhau thành vòng), ngụ ý rằng tất cả những đức hạnh của đức Phật đã được tích luỹ từ thời vô thỉ, nhờ đó mà Ngài đạt được sự giác ngộ; đức hạnh ấy cũng na ná như một vòng hoa tươi đẹp dùng để trang nghiêm thân.[152] Thuật ngữ “Gaṇḍa” nghĩa là hoa, hoa thông thường, tạp hoa; còn Vyūha, nghiêm. Gaṇḍavyūha nghĩa là Hoa Nghiêm; song nó được cân nhắc là tên gốc của Dharma-dhātu-praveśa (Nhập Pháp Giới).

 

2.                     Khái lược Nội dung: 

Dharmadhātupraveṣa (Nhập Pháp Giới) trong Gaṇḍa-vyūha-sūtra (Kinh Hoa Nghiêm) gồm 40 phẩm. Trong 39 phẩm đầu Kinh này mô tả lại cảnh giới bất khả tư nghì, bất khả thuyết trong rừng Jetavana (Thệ Đa) về sự giác ngộ của đức Phật và sự thực nghiệm cũng như những hạnh nguyện của Bodhisattva Samantabhadra (Bồ-tát Phổ Hiền), mà có cống năng khiến cho chúng sanh thể nhập vào cảnh giới tâm linh vi diệu. Trong rừng Jetavana, đức Phật lúc ấy đang ngự trong lầu các Đại trang nghiêm, sau khi quán căn tánh của hội chúng, Ngài liền nhập Tam-muội sư tử thần thông.  

Bấy giờ, vì muốn khiến cho đại chúng phát tâm chánh tín Phổ Môn, Bồ-tát Mañjuśrī (Văn Thù) biến khỏi lầu các Thiên Sự, đi hướng về phía Nam đến thành phía Đông, nơi đức Phật đã thuyết pháp. Hết thảy đại chúng đều phát Đại thừa tâm, trong đó có Sudhana là người phát tâm dong mãnh, hết lòng chí thành, cầu đạo vô thượng. Chuyện kể này liên quan đến một nhân vật chính tên là Sudhana (Thiện Tài Đồng Tử) và cuộc du hành của ngài trong việc tìm cầu chân lý giải thoát. Sudhana đã du hành và yết kiến trải qua 53 vị Thiện Tri Thức.  

Khi Sudhana (Thiện Tài Đồng Tử) đến mỗi một vị Thiện tri thức để yết kiến và cầu pháp để chứng đắc chân lý, thì mỗi vị đều trình bày một pháp môn giải thoát tam-muội. Những vị này với những pháp môn khác nhau như sau:

1) Tỳ-kheo Đức Vân Thiên Biền Diệu Thân trong nước Thắng Lạc ở phương Nam được pháp môn Ức Niệm Nhứt Thiết Chư Phật Cảnh. 2) Tỳ-kheo Hải Vân ở nước Hải Môn được pháp môn Phổ Nhãn. 3) Tỳ-kheo Thiện Trụ ở Tụ Lạc Hải Ngạn bên cầu Long Giả được pháp môn giải thoát vô ngại. 4) Ông Di Già ở thành Tự Tại đem thuyết pháp ở giữa chợ được pháp môn Bồ-tát Diệu Âm Đà-la-ni Quang Minh. 5) Trưởng giả giải thoát ở Tụ Lạc Từ Lâm được môn giải thoát Như Lai Vô Ngại Trang Nghiêm. 6) Tỳ-kheo Hải Tràng ở nước Ma-lợi-gia-la ban ngày ngồi kiết già và đi kinh hành được Tam-muội Phổ Nhãn Xã Đắc, hoặc bát Nhã Ba La Mật Cảnh  

Giới Thanh Tịnh Quang Minh hoặc Phổ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Môn. 7) Ưu-bà-di Hưu Xã ở Thiên Long. 8) Tương Tử Mục Củ Sa ở nước Kha-la-cấu được môn giải thoát Bồ-tát Vô Thắng Tràng. 9) Bà-la-môn Thắng Nhiệt ở nước Tụ-lạc- y-sa-na được môn giải thoát Bồ-tát Vô tận luận.

10) Đồng nữ Tứ Hạnh ở thành Sư Tử Phân Tấu được môn Bát-nhã Ba-la-mật Phổ Trang Nghiêm. 11) Tỳ-kheo Thiện Kiến ở nước Long Nhãn. Vị Tỳ-kheo trẻ tuổi này đi kinh hành trong rừng, chứng được môn giải thoát Bồ-tát tùy thuận đông. 12) Đồng Tử Tự Tại Chủ ở trên bãi sông của nước Văn Vân, Đồng Tử chuyển cát chơi được pháp môn Nhất Thiết Công Xã Đại Thần Thông Trí Quang Minh. 13) Ưu Bà Di Cụ Túc ở thành Hải Trụ được môn giải thoát Bồ Tát Vô Tận Công Đức Hạnh. 14) Cư sĩ Minh trí ở thành Đại Huận ở ngã tư đường chợ, ngồi trên tòa được môn giải thoát Từ Ý Súc Sanh Phước Đức Tạng. 15) Trưởng giả Pháp Bửu Kế ở thành Cư-sĩ Cung được môn giải thoát Bồ Tát Vô Lượng Phước Đức Bửu Tạng. 16) Trưởng giả Phổ Nhãn ở thành Phổ Môn được pháp môn Nhất Thiết Kiến Phật Quang Ký. 17) Vua Vô Yểm Túc ở thành Đa-la-tràng được môn duy diễn giải thoát. 18) Vua Đại Vương ở thành Diệu Quang được môn Tam-muội giải thoát Bồ-tát Đại Từ Tùy Thuận Thế Gian. 19) Ưu-bà-di Bất Động ở Vương-đô-an-trụ được cầu Nhứt Thiết Pháp Vô Yểm Túc Tam-muội Công Minh.  

20) Ngoại Đạo Biến Hành ở thành Vô-lượng-đô- tát-la được môn nhứt Thiết Xứ Bồ-tát Hạnh. 21) Trưởng giả Vương-thượng-ưu-bát-la-hoa ở nước Quảng Đại được phương pháp điều hòa chư môn. 22) Người lái Thuyền Bà-phi-la ở thành lâu các được môn Đại Bi Tràng Hạnh. 23) Trưởng giả Vô Thuận Thắng ở thành Khả Lạc được môn Nhứt Thiết trí Bồ-tát Hạnh. 24)  

Tỳ-kheo Ni Sư-tử-tần-thân ở quốc độ Thân-na được pháp môn giải thoát Thành Tựu Nhất Thiết Trí. 25) Người nữ Bà-chu-mật đa ở thành Bửu-trang-nghiêm trong nước Hiển Nạn được môn giải thoát Bồ-tát Xuất Ly Tam Dục Tế. 26) Sư-tử-từ-đắc-hy-la ở thành thiện Bộ được môn giải thoát Bất Bát Niết-bàn Tế. 27) Bồ-tát Quán-tự-tại ở núi Bồ-đáp-lạt-la được môn Bồ-tát Đại Bi Hạnh. 28) Bồ-tát Chánh-thu-tử Hư-không đến ở trong đảnh núi Hy Sơn… tại thế giới ta-bà về phương Đông được môn giải thoát Bồ-tát Phổ Tác Hành. 29) Thành Đại Vương ở thành Đọa-la-sát-định về phương Nam được môn giải thoát Văn Võng.

30) Chư-địa-thần-an-trụ ở Bồ-đề Tràng ở nước Ma-kiệt-đà được pháp môn Bất Khả Trí Hoại Huệ Tạng Đại Trí Huệ. 31) Chư Dạ Thần Bà-sang-đà- diên-đế ở thành Ca-tỳ-la được môn Bồ-tát Phổ nhứt Thiết Chúng Âm Phát Quang Minh Giải Thoát. 32) Chư Đại Thần Tịnh Đức Phổ Quang ở Bồ-đề-tràng được môn giải thoát Thiền Giải Thoát Phổ Dũng Bộ. 33) Dạ Thần Hỷ-mục quan sát chúng sanh ở phía hữu Bồ-đề-tràng được môn giải thoát Đại trí Lực Đổ Bưu Tràng. 34) Dạ Thần Phổ Chiếu Chúng Sanh Diệu Đức cũng ở trong Bồ-đề-tràng được môn giải thoát Bồ-tát Xuất Hiện Thế Gian Điều Phục Chúng Sanh. 35) Chủ Dạ Thần Tịch-tịnh-âm-hải ở cách đây không xa được môn Giải thoát Bồ-tát niệm niệm Phương Quảng Đại Trí Trang Nghiêm. 36) Chủ Dạ Thần Thủ Bộ Nhất Thiết Thần Thông Tưởng Tha Lực ở Bồ-đề-tràng được môn Giải Thoát Thậm Thâm Vi Diệu Âm. 37) Chủ Dạ Thần Khai Phu Nhất Thiết Thọ Hoa cũng ở Bồ-đề-tràng được môn Giải Thoát Bồ-tát Xuất Sanh Quảng Đại Hỷ Quang Minh. 38) Dạ Thần Đại Nguyện Tinh Tấn Hỷ Lực Nhứt Thiết Đại Hỏa Cứu Độ Chúng Sanh cũng ở Bồ-đề-tràng được môn Giải  Thoát Giáo Hóa chúng sanh linh căn, thiện căn. 39) Thần Diệu Đức Viên Mãn ở thành Ca-tỳ-ni được môn Giải Thoát Biến Nhất Thiết Xứ Thiện Thọ Thân Tự Tại.  

40) Con gái họ Thích Cù-ba dạy cho thái tử Tất-đạt-đa ở thành Ca-tỳ-la được môn Giải Thoát Quán Sát Bồ-tát Tam-muội Hải. 41) Ma-gia phu nhân ở trong hư không được môn Giải Thoát Bồ-tát Đại Nguyện Trí Huyển. 42) Thiên nữ Thiên Chủ Quang con vua Chánh Niệm ở cõi trời Đao Lợi được môn Giải Thoát Vô Ngại Biện Thanh Tịnh Trang Nghiêm. 43) Đồng Tử Sư Biến Hữu ở thành Ca-tỳ-la được môn giải thoát Thiện Tri Chúng Ngộ. 44) Ưu-bà-di Huyền Thắng ở thành Bà-đát-na trong nước La-phiệt-đà được môn Giải Thoát Vô Ưu Trú Đạo Tràng. 45) Trưởng giả Kiên Cố Giải Thoát ở thành Áp Diêu được môn Giải Thoát Vô Trước Thanh Tịnh Trang Nghiêm. 46) Trưởng giả Diệu Nguyệt ở trong ấp Điều được môn Giải Thoát Tịch Chiếu Quang Minh. 47) Trưởng giả Vô Thắng Quán ở thành Phúc Tâm được môn Giải Thoát Vô Tận Tướng. 48) Bà-la-môn Tối Tịch tịnh ở tụ lạc Vi Diệu Pháp được môn Giải Thoát Thần Nguyện Ngữ.  

49-50) Đồng Tử Đức Trang, Đồng Nữ Diệu Đức ở thành Diệu Ý Hoa Môn được môn Giải Thoát Huyền Trụ. 51) Bồ-tát Di-lặc ở lầu Cát-tỳ-lô-giá-na Trang Nghiêm Tạng trong vườn Đại Trang Nghiêm ở nước Hải Ngạn được môn Giải Thoát Tạng Trí Trang Nghiêm Nhập Nhất Thiết Cảnh Giới Tam Thế Bách Vân. 52) Bồ-tát Văn-thù từ xa đưa tay phải 100 ngàn do tuần để trên đầu Thiện Tài vào đạo tràng Phổ Nhãn. 53) Bồ-tát Phổ Hiền ở trong quốc độ Như Lai ngồi tòa Sư Tử Bửu Viên Hoa chứng được hạnh nguyện hải Phổ Hiền.[153]

Khi Sudhana đến yết kiến và được nghe ngài Mañjuśrī (Văn Thù) diễn giảng và xương minh giáo nghĩa thâm áo của Như Lai, nguồn cảm hứng nhận ra sự giác ngộ đã bừng sáng trong tâm. Cuối cùng Sudhana gặp được ngài Samantabhadra (Phổ Hiền), sau khi được nghe giáo pháp và vì muốn đưa giáo nghĩa mà ngài Samantabhadra đã giảng vào thực nghiệm, Sudhana đã chiêm nghiệm những di huấn của ngài Samantabhadra và trong tâm bỗng dưng bừng sáng, và thật sự đã giác ngộ với sự thể nhập vàoPháp giới tánh thanh tịnh.  

2.1. Lý tưởng Bồ-tát và Phật:

 

Không phải hàng phàm phu, cũng chẳng phải là hàng Nhị thừa: Thanh Văn và Duyên Giác có thể có được lý tưởng của những vị Bồ-tát và Phật. Tuy Phật tánh đồng, song phước đức và hạnh nghiệp có khác, cho nên phước báo cũng khác nhau. Như hoa sen trong hồ, có hoa đã vươn lên khỏi mặt nước và toả hương sắc, có đoá vừa chớm nở, có đoá lập lững giữa mặt nước, nhiều đoá đang còn trong nước. Cũng vậy, sự khác nhau giữa hàng phàm phu, Nhị thừa, Bồ-tát và Phật đều tương tợ như thế. Những điểm khác biệt đặc thù về lý tưởng Bồ-tát và Phật khi so với hàng Nhị thừa có lẽ không ngoài chính vấn đề dưới đây.

 

1) Niệm niệm vô lậu, siêu thế gian trí: tức là sự lắng nghe và quán chiếu pháp giới vượt lên trên bình diện của tư duy và diễn đạt. Sự cường điệu cùng tột của ngôn ngữ chỉ đi vào thế giới của tánh không. Mỗi một niệm đều ứng hiện chói sáng và nhiệm mầu đang trong thực tại.

 

2) Công năng vi diệu và thần lực Tam-muội bất tư nghì: nói cách khác, đây chính là nhờ năng lực hay thần thông lực của đức Phật bằng sự thể nhập tam-muội biến hoá không lường, kỳ ảo vô biên xuyên qua mười năng lực: 1. Gia trì lực (adhiṣṭhāna), năng lực ban cho hàng Bồ-tát để chóng thành tựu mục đích của đời sống trong hiện thực; 2. Thần thông lực (vikurvita): năng lực tạo ra các phép lạ; 3. Uy đức lực (anubhāva), năng lực chế ngự; 4. Bản nguyện lực (pūrvapraṇidhāna); 5. Túc thế thiện căn lực (pūrva sukṛta kusalamūla): năng lực của những thiện căn trong đời trước; 6. Thiện tri thức nhiếp thọ (kalyānamitra-parigraha): năng lực tiếp đón hết thảy bạn tốt; 7Thanh tịnh tín lực (śraddhāyajñana-viśuddhi): năng lực của tín và trí thanh tịnh; 8Đại minh giải lực   (udārādhimuktyava-bhāsapratilamba): năng lực thành tựu một tín giải vô cùng sáng suốt; 9. Thú hướng Bồ-đề thanh tịnh tâm lực (bodhisattvādhyāśapariśuddhi): năng lực làm thanh tịnh tâm của Bồ-tát; và 10. Cầu nhất thiết trí quảng đại nguyện lực (adhyāśayasarvajñāna-praṇidhāna-prasthāna): năng lực khiến nhiệt thành hướng tới nhất thiết trí và các đại nguyện.

3) Tâm đại bi (mahākaruṇāhṛdaya), tinh thể của Tam-muội (samādhi): bi tâm tức là thân thể (śarīra), là cửa ngõ (mukha) và cũng chính là tiền đạo (pūrvaṇgama) của tam-muội. Nếu không có tâm từ bi, không có năng lực tam-muội của Phật, thì sẽ không thể thể nhập vào thế giới tâm linh của vạn loại hàm linh. Tam-muội chính là nơi thường trụ của Phật.

4) Bản thệ (praṇidhāna): là điều vô cùng quan trọng của hàng Bồ-tát; vì mọi hạnh nguyện đều được huệ nhãn (jñānacakṣus) soi chiếu và sức mạnh ý chí trở thành năng lực hành trì (caryā) kiên cố, không còn bị thối chuyển. Có bản thệ thì mới có đủ công năng và muôn hạnh để thể nhập vào pháp giới, mà đây chính là sự nghiệp tiên quyết của một vị Bồ-tát nhằm phụng sự chúng sanh. 

5) Tinh thần vô chấp vô trụ: đây thật sự là lý tưởng chân chính của Bồ-tát. Từ quan điểm cho đến sự quán chiếu, hay cái nhìn không còn chìm đắm trong bùn lầy cố chấp: chấp nhân và chấp pháp. 

6) Trí và Tín thanh tịnh tối thắng: Nhờ trí và đức tín thù thằng, hàng Bồ-tát có thể quán chiếu thấy “hết thảy các pháp đều như huyễn, hết thảy chư Phật tợ như ảnh, những loài thọ sanh đều như mộng, nghiệp báo như bóng tợ trong gương, các pháp sinh khởi như quáng nắng, hết thảy thế gian đều như hoá”. Nhờ trí và tín thanh tịnh tối thắng, Bồ-tát có thể rống tiếng rống sư tử, biện tài vô ngại, thần thông du hí...

 

7) Phước đức vô tận, Tuệ nhãn tối thắng và Tâm bất thối chuyển: trong Gaṇḍa nhấn mạnh đến hàng Bồ-tát đã trải qua vô số kiếp bằng cách tích lũy công đức vô tận, đạt được tuệ nhãn tối thắng và chứng được tâm bất thối chuyển, mà hàng Nhị Thừa đối với những vấn đề này còn nhiều khiếm khuyết. 

8) Viên mãn công đức của chư Phật và hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền: hàng Bồ-tát luôn luôn vun trồng và tưới tẩm hạt giống từ bi, tu tập và hành theo những công đức của chư Phật và hạnh nguyện của ngài Phổ Hiền, mà hàng Nhị Thừa chưa đạt được. 

9) Bồ-tát am tường cùng tột pháp giới trong đó thế giới tâm linh mầu nhiệm và thế giới phàm phu bất phân ly: kinh nghiệm tâm linh của hàng Bồ-tát đều được đặt trên nền tảng trực giác không cần phải vận dụng đến trí năng hay biểu tượng của nó. Thế giới của tâm linh mầu nhiệm và vi diệu của Bồ-tát thượng căn thượng trí có thể ví cho thế giới của ánh sáng vừa tổng thể vừa cụ thể, hay vừa toàn thể lại vừa cá biệt mà viên dung vô ngại; còn thế giới phàm phu_đầy dẫy cá biệt và ngăn ngại lẫn nhau.

 

2.2. Trụ xứ của Bồ-tát:

Về trú xứ của Bồ-tát, chúng ta có thể tìm thấy rải rác trong những kinh điển Đại thừa đề cập đến. Chẳng hạn như Vajracchekikaprajñapāramitā-sūtra (Kinh Kim Cang) dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Đây chính là trú xứ của Bồ-tát. Vimalakīrtinideśa-sūtra (Kinh Duy Ma) nói: “Bồ-tát hành tâm (địa) không cùng tận nơi pháp hữu vi[154] và Bồ-tát hành tâm vô trụ nơi pháp vô vi”;[155] hoặc “Bồ-đề không trụ, do đó, không chứng”. Chúng ta đọc tiếp đoạn trong kinh Duy Ma, như sau:

Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát có bịnh hãy nên như thế mà điều phục tâm mình mà không trụ trong thân, lại cũng không trụ mà không điều phục tâm. Vì sao? Vì nếu trụ nơi thân mà không điều phục tâm là pháp của người ngu. Nếu trụ mà điều phục tâm là pháp của Thanh-văn. Vì thế cho nên Bồ-tát không nên trụ nơi điều phục và không điều phục tâm, xa lìa cả hai pháp này là hạnh của Bồ-tát. Ở nơi sinh tử mà không bị các hạnh nhiễm ô, trụ ở Niết-bàn mà vĩnh viễn không diệt độ là hạnh của Bồ-tát, chứ chẳng phải hạnh của phàm phu, chẳng phải hạnh của Hiền Thánh là hạnh của Bồ-tát; chẳng phải hạnh ô uế, chẳng phải hạnh thanh tịnh là hạnh của Bồ-tát.

Trong Aṣṭasāhasrikā-prajñā-pāramitā (Tiểu Phẩm Bát-nhã), đức Phật cũng dạy:

Tâm của Như Lai không trụ bất kỳ nơi đâu, không trụ trên các pháp hữu vi, không trụ trên các pháp vô vi; vì không trụ cho nên không hề rời khỏi sở trụ”.[156]

Trong Sūraṃgama-sūtra (Kinh Lăng-nghiêm) dạy:

Những vị Bồ-tát như thế lấy tất cả cõi Phật làm trú xứ, nhưng không dính mắc vào trú xứ này; vì vốn không thể chứng, không thế thấy”. 

 

     Trong Gaṇḍavyūha, kinh mô tả trụ xứ của Bồ-tát như vầy:

Đại lầu các (Vairocana) này là trú xứ của những ai đã hiểu nghĩa không, Vô tướng và Vô nguyện; của những ai đã hiểu rằng hết thảy các pháp đều là vô phân biệt, rằng pháp giới vốn là vô sai biệt, rằng chúng sanh giới vốn là bất khả đắc, rằng hết thảy các pháp là vô sinh. Đây là trú xứ của những ai không còn bị ràng buộc vào một thế gian nào.... Đây là trú xứ của những ai biết rằng hết thảy các pháp đều không có tự tánh...Đây là trú xứ của những ai thâm nhập Bát-nhã Ba-la-mật-đa....Đây là trú xứ của những ai, dù tự mình giải thoát, mà vẫn hiện thân vào thế gian này để giáo hoá hết thảy chúng sanh....Đây là trú xứ của những ai diễn giảng pháp khó bắt gặp; những ai vui hưởng pháp khó hiểu, sâu xa, không hai, không tướng, không đối đãi, vô sở đắc; những ai trụ trong đại từ và đại bi; những ai không còn bị đắm chìm trong cảnh giới của hết thảy Thanh Văn (Śrāvaka) và Duyên Giác (Pratyekabuddha)... Đây là trú xứ của những ai đã xa lìa hết thảy các tướng và vượt lên trên quả vị của Thanh Văn; những ai an hưởng với hết thảy pháp vô sinh, nhưng cũng không dừng lại nơi pháp vô sinh.... tuy quán Tứ Thánh Đế mà không hề trụ nơi quả Tiểu thừa; tuy quán lý duyên khởi sâu xa mà không trụ nơi cứu cánh tịch diệt; tuy tu Bát Chánh Đạo mà không mong vĩnh viễn diệt trừ các uẩn...; tuy an trụ chơn như (Tathatā) mà không lọt vào thật tế; tuy thuyết hết thảy các thừa mà không bỏ Đại thừa. Đây là trú xứ của những ai đầy đủ các đức tính như thế”.[157]  

Lại nữa, ở một đoạn khác cũng đã mô tả về trú xứ của Bồ-tát, như vầy:

Đây là nơi đức Di-lặc (Maitreya) tôn quí, đại bi, thanh tịnh, lợi ích chúng sanh, là con trưởng của Phật trong quán đảnh vị, nhập trong các cảnh giới Như Lai. Đây là trú xứ của các hàng Vô đẳng, là con Phật, có tiếng tăm vang dội, đã bước vào cửa giải thoát của Đại thừa, du hành trong pháp giới, tâm không đắm trước. Đây là trú xứ của những vị đã đầy đủ bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền-định và trí tuệ; phương tiện, thệ nguyện, lực và thần thông; là tất cả Ba-la-mật của Đại thừa. Đây là trú xứ của những vị có trí vô ngại, với tâm rộng lớn vô ngại như hư không...Đây là trú xứ của hạng đại trí, khéo hiểu rõ hết thảy các pháp: vốn vô tánh, vô sanh, vô sở y; tự tại như chim bay giữa trời. Đây là trú xứ của các bậc tịch tĩnh, biết rõ ba độc không thật tánh...Đây là trú xứ của những bậc khéo léo, biết rõ ba giải thoát, Tám Thánh đạo, các Uẩn, Xứ, Giới và Duyên khởi, mà vẫn không rơi vào cõi tịch diệt. Đây là trú xứ của bậc tịch diệt, dùng vô ngại trí mà quán sát khắp, mười phương quốc độ và chúng sanh, biết là tánh không, không phân biệt.... Đây là trú xứ chân Phật tử, thành tựu môn tổng trì tam-muội; đại nguyện, các Thiền, và giải thoát, mỗi mỗi đều trụ vô biên kiếp..... Phật tử trú ở đây, tu tập các tam-muội, trong mỗi mỗi tâm niệm, biết rõ pháp ba đời. Phật tử trú ở đây, kiết già thân không động, hiện khắp hết thảy cõi, trong hết thảy các nẻo.... Phật tử trú ở đây, quán khắp hết thảy pháp, chúng sanh, quốc độ và thời gian, không sinh khởi và không thật hữu. Quán sát lý bình đẳng, nơi chúng sanh, nơi pháp, Như Lai, quốc độ và nguyện, thời gian thảy bình đẳng....con nay cung kính lễ, đức Di-lặc tôn quí, là con trưởng chư Phật, mong ngài đoái thương con”.[158]   

Khi được oai lực của ngài Di-lặc cho Sudhana bước (thể nhập) vào lầu các tạng trang nghiêm và được chiêm ngưỡng cảnh giới trang nghiêm thanh tịnh xong, ngài Di-lặc thu nhiếp thần lực và gọi:“Này thiện nam tử, hãy đứng dậy! Pháp tánh vốn như thế, do sự tích tụ và tập hợp của các nhân duyên nên hiện ra tướng như thế, tự tánh vốn như thế, không tự thành tựu, như mộng, như huyễn, như ảnh tượng”.

Khi Sudhana hỏi rằng những cảnh giới trang nghiêm ấy sẽ đi về đâu, Di-lặc bảo “Đi về chỗ đến”.Sudhana lại hỏi rằng chúng từ đâu đến, Di-lặc đáp:

Từ thần lực trí tuệ của Bồ-tát mà đến; nương thần lực trí tuệ của Bồ-tát mà trụ. Không có chỗ đi, cũng không có chỗ trụ, không có tích tập, không có tăng gia, không có thường trụ, không có sở trước, không có sở y trên mặt đất hay giữa hư không”... Và “Bồ-tát không đến không đi, như thế mà đến; Bồ-tát không bước không dừng, như thế mà đến; không sống không chết, không ở không qua, không rời không dậy, không cầu không thủ, không nghiệp không báo; không sinh không diệt, không thường không đoạn, như thế mà đến”. “Này nữa, thiện nam tử, Bồ-tát đến như vầy: đến từ chỗ đại bi, vì mong điều phục hết thảy chúng sanh khỏi những khổ não; đến từ chỗ tịnh giới, vì muốn thọ sinh vào những nơi tuỳ thích; đến từ chỗ đại nguyện phải viên mãn, vì năng lực của những thệ nguyện xưa kia; đến từ chỗ thần thông, vì muốn hiện thân theo sở thích chúng sanh; đến từ chỗ không dao động, vì không hề lãng xa gót Phật; đến từ chỗ không thủ xả vì đi hay đến không nhọc thân và tâm; đến từ chỗ trí tuệ phương tiện vì để tuỳ thuận hết thảy chúng sanh; đến từ chỗ thị hiện biến hoá, vì tất cả hoá hiện đều như ảnh, như tượng”.[159]

Tựu trung, trú xứ của Bồ-tát là không bị kẹt, vướng mắc hoặc trụ vào bất cứ một trú xứ nào. Thiết tưởng cũng đầy đủ ý nghĩa khi mô tả về thế giới vô trụ của Bồ-tát mà chúng ta đã từng nghe trong Kinh Kim Cang dạy: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc và pháp sanh tâm”, và nhấn mạnh “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.

 

2.3. Mong cầu giác ngộ: 

Có thể nói rằng hơn một nữa trong 40 quyển của bộ Gaṇḍavyūha, trong cuộc du hành tìm cầu giải thoát của sudhana xuyên qua sự diện kiến của 53 vị Thiện tri thức, kinh thường lập đi lập lại ý chí “vân hà học Bồ-tát hạnh, tu Bồ-tát đạo?”. Điều này ngụ ý nhấn mạnh đến sự quyết tâm mãnh liệt và sự khao khát mong cầu quả vị giác ngộ Vô thượng Bồ-đề của hàng Bồ-tát. Lòng mong cầu giác ngộ chính là nhấn mạnh đến tâm Bồ-đề. Đức Vairocana (Đại Nhật Như Lai) nói: “Bồ-đề tâm vượt ngoài tất cả sự biến thành; Bồ-đề tâm vừa hệ vừa không hệ trong các uẩn, xứ và giới; quán hết thảy các pháp vô ngã và bình đẳng, đó là tâm của chính ta, từ vô sinh nguyên thuỷ, và bản tánh là Không tánh (śūnyatā)”.Ngoài ra, chúng ta có thể tìm thấy đề cập khá nhiều trong các kinh điển Đại thừa về sự mong cầu giác ngộ. Như Đức Akṣobhya (Bất Động Như Lai) dạy: “Bồ-đề tâm thấy rằng tất cả các pháp đều không sinh, không tự tánh, không tha tánh; tâm như hư không, không ngã thể; và đây là chỗ thiết lập vững chắc lý giác ngộ”.

Đức Ratnaketu (Bảo Sanh Như Lai) dạy: “Bồ-đề tâm thấy rằng tất cả các pháp đều không sinh, vô tướng, chúng sinh ra từ pháp vô ngã; và đây là chỗ thiết lập vững chãi lý giác ngộ”. 

Đức Amoghasiddhi (Bất Không Thành Tựu Như Lai) dạy: “Các pháp tự bản chất vốn ngời sáng, chúng thuần tịnh như hư không; vì không có cái giác ngộ, cái chứng đắc, cho nên mới thiết lập vững chãi lý giác ngộ”.[160]

 

2.4. Bốn cảnh giới của Gaṇḍavyūha:

 

Pháp giới tuy thiên sai vạn biệt muôn màu muôn vẻ, nhưng theo Gaṇḍavyūha, thì pháp giới không ngoài bốn cảnh giới như sau: 1. Sự Pháp giới; 2. Lý Pháp giới; 3. Sự Lý vô ngại pháp giới; và 4. Sự Sự vô ngại pháp giới, hay pháp giới viên dung vô ngại.

  1. Sự pháp giới tức là thế giới chúng ta đang sống trong hiện thực.

  2. Lý pháp giới tức là những nguyên lý, là chân lý tiềm ẩn bên trong các pháp mà chỉ có hàng Bồ-tát mới có thể nhận biết; còn hàng phàm phu không thể thấy được.

  3. Sự Lý vô ngại pháp giới tức là sự giao thoa tương dung hỗ tương lẫn nhau giữa nguyên lý và sự vật; vì lý tức là sự và sự tức là lý cả hai đều hỗ tương nhau. Chúng dung nhiếp nhau mà không hề chướng ngại và không làm hại đến lý tánh hay sự tướng của tất cả sự vật.

  4. Sự Sự vô ngại pháp giới: tức là mỗi sự vật đều từ nơi pháp tánh hiển hiện, song chúng thường “nhậm trì tự tánh” cho nên sự là sự tướng “quỹ sanh vật giải” tiên quyết mà có thể được nhận ra; còn  là yếu tính thứ hai, nhân nơi tướng mà có thế thấy được  tánh của sự vật. Do đó, trong sự luôn ẩn tàng cái lý của nó, và lý luôn đóng vai trò thứ yếu khi sự hiển hiện để bảo vệ cho sự tướng chủ yếu. Nhờ lý của sự vật hay của pháp tánh hỗ tương dung nhiếp và viên dung vô ngại, cho nên biểu hiện ra sự vật cũng vô ngại; vì sự từ nơi  phát sinh.

 

Sự hỗ tương dung nhiếp và viên dung vô ngại này có thể dựa vào Thập huyền môn hay Thập Huyền Duyên Khởi mà ngài Hiền Thủ đã lý giải mới có khả năng nhận ra lý sự viên dung vô ngại hoặc sự sự viên dung vô ngại của các pháp.

1.      Đồng thời cụ túc tương ưng môn: Nghĩa là hết thảy các pháp không có giới hạn trong không-thời gian, mà sự sự vật vật vẫn viên dung hoàn bị.

2.      Nhất đa tương dung bất đồng môn: tức là một bao hàm tất cả (nhiều), và tất cả bao hàm một, nhưng một và tất cả vẫn là một và tất cả vẫn là tất cả không ngăn ngại nhau.

3.      Chư pháp tương tức tự tại môn: tức là bản thể của các pháp luôn tự do tự tại hoà hợp nhau, tương tức tương nhập với nhau, một tức là hết thảy, hết thảy tức là một.

4.      Nhân-đà-la vi tế cảnh giới môn: Nhân-đà-la là Đế thích Thiên, trong cung điện của vua Đế thích mắc tấm màn bằng bảo châu có nhiều mắc lưới, ánh sáng của mỗi bảo châu đó soi dọi chiếu sáng lẫn nhau, trùng trùng điệp điệp cùng dung thông nhau mà không hề chướng ngại nhau.

5.      Vi tế tương dung an lập môn: tức là sự vật nhỏ bao dung sự vật lớn, một bao hàm tất cả (nhiều) mà không phá hoại nhau.

6.      Bí mật ẩn hiện câu thành môn: Ẩn là bí mật, hiện ra bên ngoài là hiển hiện. Lý tương tức tương nhập của các pháp, phần này thì ở bên trong, phần kia thì bên ngoài, cả trong và ngoài đều đồng một thể.

7.      Chư tàng thuần tạp cụ túc môn: chư tàng tức là chư hành, thuần nghĩa là một, tạp nghĩa là nhiều, đây cũng là nghĩa một tức tất cả và tất cả tức một.

8.      Thập thế cách pháp dị thành môn: trong ba đời: quá khứ, hiện tại và vị lai, lại bao hàm ba đời khác, hiệp thành 9 đời, rồi 9 đời này lại dung thông nhau, tương tức, tương nhập nhau trở thành một đời. Đây là thập thế tự tại dung thông nhau.

9.      Duy tâm hồi chuyển thiện thành môn: Duy tâm là Như Lai tạng, tự tánh thanh tịnh tâm. Điều này có nghĩa: duy ở “nhất tâm” mà có công năng phát sinh ra muôn pháp.

10.  Thác sự hiển pháp sinh giải môn: tức là nói về cái lý nhất và đa tương tức tương nhập thì cảnh giới biểu hiện rõ ràng nơi muôn vật, mà không cần phải dùng thí dụ cũng có thể liễu giải được.[161]

Từ căn bản trí phát khởi thành diệu huệ là cốt lõi của ngài Hiền Thủ. Ngài Văn Thù vẫn nghiễm nhiên bất động không rời pháp thân của đức Tỳ-lô-giá-na, mà ngài vẫn thành tựu được trí sai biệt_Bồ-tát Phổ Hiền.

 

2.5. Ngũ giáo:  

Hoa Nghiêm chia giáo lý mà suốt thời sinh tiền của đức Phật đã thuyết thành ngũ thời bát giáo[162] theo từng cấp độ khác nhau. Đây chỉ đề cập đại cương đến ngũ giáo:

1. Giáo lý cơ bản của Tiểu thừa;

2. Giáo lý cơ bản của Đại thừa;

3. Giáo lý sau cùng của Đại thừa;

4. Giáo lý đốn ngộ của Đại thừa; và

5. Giáo lý viên dung của Đại thừa.

Trong ngũ giáo này, Hoa Nghiêm được liệt vào thời thứ năm.

 

2.6.            Một và Tất cả:

Đây chỉ cho giáo lý trùng trùng duyên khởi, một là tất cả và tất cả là một; một trong tất cả và tất cả trong một. Một không phải là chính nó, nhưng cái một ở đây chính là do duyên sinh. Tất cả tức chỉ cho thiên hình vạn trạng, song tất cả đều có ẩn tàng cái một, mà một trong nghĩa này chính là nguyên lý đồng nhất thể của các pháp, bất nhị bất phân ly, như luôn tương tức tương nhập. Cuối cùng một đây cũng chính là chỉ cho cái Tâm. Như trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã dạy:

“Nhược nhơn dục liễu tri,

Tam thế nhất thiết Phật,

Ưng quán pháp giới tánh,

Nhất thiết duy tâm tạo”.

Chúng ta cũng có thể thấy cùng nghĩa lý này trong Kinh Lăng Già “Nhất thiết duy tâm, vạn pháp duy thức”. Tất cả cũng đều chỉ cho cái Tâm vậy.

--------------------

[151] Xem Keith, A.B., A History of Sanskrit Literature, tr. 494; xem Nariman, J.K., Literature History of Sanskrit Buddhism, tr. 79-80.

[152] Việc mang vòng hoa này là theo phong tục của người Ấn. Vòng hoa có khi cùng một loại hoa, có khi nhiều loại hoa khác nhau được kết thành vòng, mà xưa nay vẫn đang còn phổ biến tại Ấn Độ.

[153] Trích từ bản dịch Kinh Hoa Nghiêm của HT. Thích Thanh Từ.

[154] Thế nào gọi là (Bồ-tát hành tâm địa) không cùng tận nơi pháp hữu vi? Nghĩa là không xa lìa lòng đại bi, cũng không xả bỏ lòng đại bi. Phát tâm sâu xa cầu Nhất thiết trí mà không khinh suất lãng quên, giáo hoá chúng sinh trọn không mỏi mệt. Đối với Tứ nhiếp pháp thường nhớ thuận hành theo, hộ trì chánh pháp, không tiếc lẫn thân mạng, làm gieo trồng các thiện căn mà không hề chán mệt, chí thường an trụ vào phương tiện hồi hướng, cầu pháp không hề mỏi mệt, thuyết pháp không hề tiếc lẫn, vì siêng năng cúng dường chư Phật; vào sinh tử mà không hề sợ sệt. Đối với sự vinh nhục, tâm không sinh buồn vui, không khinh kẻ thiếu học, cung kính người có học như cung kính Phật. Những ai rơi vào phiền não thì khiến họ phát khởi chánh niệm. Sống viễn ly lạc mà không lấy đó làm quí trọng. Không đắm trước vào niềm vui của mình, cũng không vui thích niềm vui của người. Ở trong thiền định suy niệm như nơi địa ngục; ở trong sinh tử suy niệm như trong lâm viên; thấy kẻ đến cầu học suy niệm là thầy giỏi; xả bỏ các sở hữu suy niệm như đầy đủ nhất thiết trí; thấy người huỷ phạm cấm giới liền khởi niệm cứu giúp. Đối với sáu ba-la-mật suy niệm là cha mẹ; đối với pháp trợ đạo suy niệm là quyến thuộc; phát tâm gieo trồng thiện căn không có hạn lượng. Dùng các việc nghiêm sức cõi Phật để thành tựu cõi Phật nơi chính mình; hành bố thí vô lượng, đầy đủ các tướng hảo; trừ hết thảy những điều xấu xa, khiến thân miệng ý thanh tịnh...

[155] Thế nào là Bồ-tát (hành tâm) vô trụ nơi pháp vô vi? Nghĩa là quán cái (nghĩa lý) ‘không’ mà không lấy cái không cho là chứng ngộ. Tu học cái vô tướng vô tác mà không lấy cái vô tướng vô tác cho là chứng ngộ. Tu học cái ‘không sinh’ mà không lấy cái ‘không sinh’ cho là chứng ngộ. Quán nơi pháp vô thường mà không chán nản cái cội gốc lành. Quán cái khổ nơi thế gian mà không ghét sinh tử. Quán nơi vô ngã mà không nhàm chán, hối tiếc thân người. Quán nơi tịch diệt mà vĩnh viễn không đoạn diệt. Quán nơi viễn ly mà thân tâm vẫn luôn tu thiện. Quán không có nơi quay về mà quay về hướng thiện pháp. Quán nơi chúng sinh mà dụng cái pháp sanh để gánh vác hết thảy. Quán pháp vô lậu mà không hề đoạn các lậu. Quán vô sở hành mà không hề lấy pháp hành để giáo hoá chúng sinh. Quán cái không phải không mà không xả bỏ lòng đại bi. Quán nhập vào chánh pháp vị mà không hề tuỳ thuận theo tiểu thừa. Quán các pháp hư vọng mà không hề cho rằng vô nhân, vô chủ, vô tướng. Bổn nguyện chưa tròn mà không làm hư dối phước đức thiền định và trí tuệ. Tu tập những pháp như thế, thì được mệnh danh là Bồ-tát không trụ vào pháp vô vi.

[156] Xem Aṣṭasāhasrikā-prajñā-pāramitā-sūtra bản dịch của Kumārajīva, phẩm 27.

[157] Xem D.T.Suzuki, Thiền Luận, Tập III, từ tr. 172-7.

[158] Sđd., tr. 177-190.

[159] Xem thêm chi tiết Sđd., tr. 190-210.

[160] Sđd., tr. 258-9.

[161] HT. Thanh Kiểm, Lịch Sử Phật Giáo Trung Hoa, tr. 178-9.

[162] ‘Bát giáo’ xem phần tóm lược trang 63 ở trước.

 

 ----o0o---