Trên đường hoằng pháp của Phật tổ Gotama

21 Tháng Chín 201611:11 CH(Xem: 4166)
Trên đường hoằng pháp của Phật tổ Gotama

Trên đường hoằng pháp 
của Phật tổ Gotama

Tóm lược sự tích và những cuộc du hành của Phật tổ Thích-Ca

Trùng-Quang Nguyễn Văn Hiểu

 --- o0o --- 

 

Mục Lục
 

Lời giới thiệu

 

Lời tựa

[01]

Sự-tích của Phật-Tổ Gotama (Cồ-Đàm)

[02]

Từ Buddha Gaya (Bồ-Đề Đạo-Tràng) đến vườn Isipalana (Lộc-Giả)

 

Từ Isipalana (Lộc-Giả) đến thành Bénarès (Ba-La-Nại)

 

Từ Bénarès trở lại Buddha-Gaya

 

Từ Uruvela đến thành Rajagaha (Vương-Xá)

[03]

Từ Rajagaha sang Kapilavastu (Ca-Bì-La-Vệ)

 

Từ Kapilavatsu sang qua thành Savatthi (Xá-Vệ)

[04]

Từ Savatthi trở lại Rajagaha

 

Từ Rajagaha trở lại Savatthi (Xá-Vệ)

 

Từ Savatthi sang qua Kosambi

 

Từ Kosambi trở lại Savatthi (Ca-Bì-La-Vệ)

 

Từ Savatthi sang qua Rajagaha

 

Từ Rajagaha Đức-Phật trở lại Savatthi

[05]

Đức-Phật ngự đến Vesali

 

Đức-Phật sang qua thành Rajagaha

 

Đức-Phật sang qua thành Vesali

 

Đức-Phật từ giả Vesali đi Kusinara

-ooOoo-

Lời giới thiệu

Đối với người Tây-Phương ở những thế-kỷ trước, Đức Phật Thích-Ca là một nhân-vật huyền thoại và những câu chuyện về Phật-Giáo là hoang đường. Đến cuối thế-kỷ thứ 19, những cuộc khai quật khảo cổ đã tìm thấy được những di-tích và thạch trụ do Hoàng-Đế A-Dục dựng lên, 218 năm sau khi Đức-Phật nhập Niết-Bàn, có ghi khắc nhiều chi tiết liên quan đến nhân vật lịch-sử nầy. Những chi tiết trong kinh sách đã được minh chứng bởi những di-tích khảo-cổ học.

Là Phật-tử chúng ta không thể không tìm hiểu về cuộc đời Đức-Phật để tỏ lòng kính mộ, để học hỏi gương lành và để đền đáp công-ơn. Có tìm hiểu, chúng ta mới cảm thấy thương kính vô cùng một con người như tất cả chúng ta, đã sinh ra dưới một cội cây, đã tự lực giác ngộ dưới một cội cây (Bồ-Đề) và viên tịch dưới bóng một cội cây khác. Hầu hết cuộc đời của Ngài trải qua trong cảnh thiên nhiên và trong làng mạc mặc dầu có đủ điều kiện để sống trong cung vàng điện ngọc hay trong những ngôi chùa nguy nga lộng-lẫy. Bốn mươi lăm năm Hoằng-Pháp là bốn mươi lăm năm nhiệt thành tích cực để cứu độ, dẫn dắt chúng-sanh ra khỏi vòng đau khổ luân-hồi. Đêm chỉ nghĩ 4 tiếng, ngày không ngừng, châu du thuyết giảng, đến giờ phút cuối mặc dầu hơi tàn, sức kiệt, vẫn cố gắng cứu độ người đạo sĩ xa lạ cuối cùng. Thật là một đời hy-sinh đầy cảm-động.

Để tưởng nhớ đến đấng cha lành, nhân ngày Đại lễ VESAK 2540, kỷ-niệm ba biến cố trong đại Đản-Sanh, Thành-Đạo và Nhập Niết-Bàn của Phật-Tổ Thích-Ca, chúng tôi xin phép tái-bản quyển "Trên đường hoằng-pháp của Phật-tổ GOTAMA" do Cụ Trùng-Quang Nguyễn Văn Hiểu, cố Hội trưởng Tổng Hội Phật-Giáo Nguyên-Thủy Việt-Nam, biên soạn năm 1959 tại Kỳ-Viên Tự, Sàigòn.

Xin đa tạ quí Phật-tử đã đóng góp công-đức và tịnh-tài để hoàn thành quyển sách này nhất là vợ chồng đạo-hữu Ngô Ngọc Minh, Bà Đinh thị Oanh, Bà Dương thị Bạch-Tuyết và các Thiện tín ở chùa Phật-Bảo đã dày công đánh máy điện toán, sắp xếp và in lại thành sách.

Xin thành tâm kính dâng quả phúc thanh cao do sự pháp thí nầy đến các bậc Ân-Sư Thầy-Tổ, Cửu-Huyền Thất-Tổ, các vị Cư-sĩ tiền bối, các Chư-thiên và Long thần Hộ-pháp, các chúng-sanh trong ba giới bốn loài, xin cho tất cả đều được an-vui hạnh-phúc trong hào-quang của Chánh-Pháp.

 

Ban Hoằng-Pháp Phật-Giáo Nguyên-Thủy
Tỳ-Khưu ĐỨC-MINH
Dương Lịch 1997 - Phật-Lịch 2540

-ooOoo-

Lời Tựa

Các bậc Vĩ-Nhân Đông-Phương làm việc chi cũng chỉ vì mưu-cầu lợi-ích cho nhân-quần xã-hội mà hành-động. Danh thơm tiếng tốt lưu lại muôn đời, đối với các Ngài, giá trị không cao quí bằng tinh-thần phục-vụ nhân-loại. Bởi thế các bậc Hiền-triết Á-châu như Đức-Phật Thích-Ca, Đức Khổng-tử, Đức Lão-tử không để lại một trang lịch-sử nào.

Đời sống của Đức-Phật Gotama (Thích-Ca), trải qua 80 năm trong vòng thế-kỷ thứ 6 trước Gia-tô, mà được vang dội đến nay là nhờ thuyết khẩu-truyền của giới Tăng-già. Những tài-liệu lịch-sử ấy được khởi chép, một cách đơn-sơ và rời-rạc trong nhiều bộ kinh, trên lá Bối-đa, lối 100 năm trước kỷ-nguyên Gia-tô.

Đôi ba trăm năm sau, hàng Cư-sĩ dựa theo đó viết ra nhiều sử-tích khác nhau; mỗi nơi tùy theo phong-tục tín-ngưỡng, tô-điểm thêm nhiều màu sắc huyền-bí thần-thoại, làm cho Đức-Phật, một nhân-vật lịch-sử, trở thành một vị thần-linh trừu-tượng trong giới siêu-hình.

Tài liệu về lịch-sử Đức-Phật, trong Tam-Tạng Palĩ, được xác-thực chứng-minh bởi những di-tích và thạch-trụ, do Hoàng-Đế A-Dục dựng lên, 218 năm sau khi Đức-Phật nhập Niết-Bàn, được sở Khảo-Cổ Ấn-Độ tìm ra. Chúng tôi thu nhặt các tài liệu rời-rạc trong kinh, trong các bài giảng của Đại-Đức Narada Maha Thera, trong bút ký của một vài nhà Sư Việt-Nam có dịp đi chiêm bái Phật-Tích tại Ấn-Độ và trong những sách khảo-cứu của các nhà học Phật Âu-châu và sắp xếp theo thứ tự, để căn-cứ theo đó phỏng lập lại các cuộc hành trình của Đức-Phật, trong 45 năm Hoằng-Pháp, trên lưu-vực sông Hằng và miền kế cận Hy-Mã-Lạp-Sơn.

Để phát họa con đường gian-truân cực-khổ của một bậc Hiền-triết đầy nhẫn-nại, trọn kiếp hy-sinh cho đời, chúng tôi căn-cứ nơi các địa-điểm ghi chép trong kinh sách và sắp đặt theo vị-trí địa-dư gần xa của các kinh-thành mà xưa kia Đức-Phật đã để chân đến. Về thời gian, chúng tôi cũng phỏng-lập một ký-sự đại lược, liên-hệ với những hoạt động của Đức-Phật và những việc đã tuần-tự xảy ra trên đường châu-du của Ngài; trong Tam-Tạng chẳng có ghi chép năm, tháng, ngày, giờ nào Đức-Phật ngự nơi đây hoặc sang nơi khác.

Chúng tôi đặt ra những câu hỏi để tiện bề nhấn mạnh vào một vài điểm cần thiết và nhất là lưu-ý các bạn thanh-niên Phật-tử về những đoạn đáng ghi nhớ cùng nhận định cho rõ-rệt, hầu lập-tâm phục-vụ Phật-Pháp một cách sáng-suốt.

Chúng tôi thấy cần phải cởi mở những thắc-mắc và hoài-nghi của các bạn thanh-niên về danh-từ "Pháp Thần-Thông", ám chỉ các pháp lạ mà đôi khi Đức-Phật phải dùng đến để cảm phục người ngoại đạo cũng như để cứu độ những kẻ lâm nạn. Đây không phải là một điều dị-đoan, mà là một việc thông thường của các bậc đã tiến đến trình độ cao-siêu và đã triệt-thấu những bí-ẩn của vũ-trụ. Với phương-pháp chỉ quán, Minh-sát trong môn thiền Định, mọi người có thể khai thông trực-giác và đạt được các pháp mầu nhiệm như: thấy xa ngàn dặm, nghe xa ngàn dặm, đọc tư-tưởng người khác, tàng hình đổi dạng, đi trên không-gian hoặc sử-dụng theo ý muốn những nguyên-tố tinh-thần vật lý. Khoa-học, tuy chưa tiến sau vào lãnh-vực tinh-thần, nhưng cũng đã chế-tạo những máy móc tối-tân để thâu thanh, truyền hình, tàu bay, hỏa tiển, vv..., mà trước kia chẳng ai tin-tưởng rằng loài người có thể tiến bộ đến mức hiện giờ. Cũng như thế ấy, khi chưa ai đạt được kết-quả thiền Định như Đức-Phật và đệ-tử của Ngài, hoặc như các bậc tu-chứng trong đạo-giáo khác, thì cũng không ai tin nơi các pháp thần-thông, nhưng khi người nào đạt được khả-năng sử-dụng những tiềm-lực sâu kín của vũ-trụ, người ấy sẽ không lấy đó làm lạ.

Sau cùng chúng tôi mong được Chư Phật-tử gần xa chỉ dạy những khuyết-điểm hoặc những sai lầm, để chúng tôi sửa chửa lại cho quyển sách thêm phần hoàn bị.

 

Kỳ-Viên-Tự, Sài-Gòn
21-11-1959