TƯ TƯỞNG PHÁP HOA CỦA NHẬT LIÊN TÔNG – NHẬT BẢN
Nhật Liên tông do ngài Nhật Liên thành lập vào thế kỷ 12. Tông phái này lấy kinh Pháp Hoa làm căn bản cho tư tưởng và sự thực hành. Tông phái này thiên về thực hành, thay vì niệm danh hiệu Phật, họ niệm danh hiệu Pháp. Câu xướng đề mục của họ là: Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (câu niệm tiếng Nhật là “Namu Myõhõ Reng-kyõ. Kyõ là Kinh, Reng là Liên Hoa, và Myõhõ là Diệu Pháp). Hành giả của tông phái này thường đánh trống gõ nhịp, miệng niệm câu đề mục đó.
Trước khi đi vào tư tưởng căn bản của Nhật Liên tông, thiết nghĩ nên nói sơ lược về thân thế và cuộc đời hành đạo của Nhật Liên thánh nhơn.
I. Thân thế và cuộc đời hành đạo của ngài Nhật Liên thánh nhơn
Nhật Liên (Nichiren) thánh nhơn ra đời vào ngày 16 tháng 02 năm 1222 (năm Trinh Ứng – Jyo), tại làng An Phòng Quốc, gần vùng biển Tiểu Khấu (Kominato), thuộc huyện Chiba ngày nay. Theo như lịch sử của Tông Nhật Liên ghi lại, khi Ngài đản sinh có mây ngũ sắc bao phủ bầu trời, mặt đất rung động, hoa sen nở đầy. Và cũng thêm một sự trùng hợp là ngày đản sinh của Nhật Liên thánh nhơn chỉ sau một ngày đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn (rằm tháng hai), và vì thế được cho rằng Ngài là người lĩnh hội kinh Pháp Hoa và vận dụng kinh Pháp Hoa để cứu khổ độ sinh trong thời mạt pháp.
Vào năm 12 tuổi, ngài xuất gia tu học tại chùa Thanh Trừng, nhận ngài Đạo Thiện Phòng làm Bổn sư. Chùa Thanh Trừng là ngôi chùa danh tiếng của Thiên Thai Tông, nằm trên ngọn núi cao 383 mét so với mặt nước biển. Đến năm 1945, chùa này vì có liên hệ với ngài Nhật Liên nên đã thuộc về tông Nhật Liên.
Sau khi tu học ở chùa Thanh Trừng một thời gian, Ngài lên núi Tỉ Duệ, một trung tâm Phật học nổi tiếng để tham dự các khóa học cao hơn. Núi Tỉ Duệ nằm ở Đông Bắc Kyoto, rất yên tĩnh, được xem là linh địa của người tu hành. Từ thời Bình An, ngài Truyền Giáo Đại Sư Tối Trừng (Dengyoo Daishi Saicho) đã khai giảng Thiên Thai Pháp Hoa Tông tại núi Tỉ Duệ này rồi. Và chính tại nơi này, và chính nhân duyên này, ngài Nhật Liên thánh nhơn đã lãnh hội thâm sâu ý nghĩa của kinh Pháp Hoa. Và sau đó, khi trở về chùa Thanh Trừng, Ngài đã xiển dương kinh Diệu Pháp Liên Hoa theo cách của riêng mình.
Theo lịch sử ghi lại, tên thật của ngài là Thị Thánh Phòng chứ không phải là Nhật Liên, nhưng sau khi lĩnh hội được ý nghĩa thâm sâu của Pháp Hoa, và phát nguyện xiển dương kinh Pháp Hoa nên ngài đổi tên thành Nhật Liên, “một đạo hiệu mang ý nghĩa như là sứ mệnh cứu độ chúng sanh trong thời mạt pháp của kinh Pháp Hoa”. “Nhật” có nghĩa ý nghĩa là “giống như ánh sáng của nhật nguyệt, trừ khử sự tối tăm, mà bồ tát Địa Dũng hay làm cho chúng sanh trong thế gian này mất đi sự tăm tối” – Phẩm Như Lai Thần Lực thứ 21. Còn chữ “Liên” xuất phát trong câu “Ngài Bồ tát Trì Địa như đóa sen nở tuyệt đẹp trong bùn nhơ. Ngài giống như hoa sen vượt lên khỏi mặt nước” – Phẩm Tùng Địa Dũng Xuất thứ 15 (Nhật Liên Tông Nhật Bản – HT Thích Như Điển dịch, tr47).
Trong những quyển sách nói về cuộc đời và thân thế của ngài Nhật Liên, có ghi lại bốn đại pháp nạn mà Ngài đã trải qua trong suốt thời kỳ hành đạo của mình. Bốn sự kiện đó được cho là đại pháp nạn, còn những nạn nhỏ, được cho là ‘kể ra không hết’. Từ đó mới thấy con đường hành truyền chánh pháp của Ngài thật là gian nan vất vả.
Theo quyển Nhật Liên Tông – Nhật Bản do Hòa thượng Thích Như Điển dịch (nguyên tác: Watanabe Hooyoo và Ootani Gyokoo) thì bốn đại pháp nạn đó là: Thảo am bị đốt cháy; pháp nạn Ito; pháp nạn Tiểu Tùng Nguyên và cuối cùng là pháp nạn Long Khẩu. Xin được sơ lược về bốn pháp nạn này để thấy rõ chông gai của người hành pháp trong thời mạt pháp như thế nào.
a. Thảo am bị đốt cháy
Sau một thời gian học tập tại núi Tỉ Duệ, ngài Nhật Liên thánh nhơn về lại chùa Thanh Trừng để xiển dương Pháp Hoa. Sau đó vì một số hiểu lầm Ngài đi về Kamakura, lập một thảo am và tịnh tu ở đó. Trong thời gian ngài ở Kamakura, thiên tai và bệnh dịch xảy ra triền miên khiến đời sống dân chúng lâm vào cảnh khổ đau khốn khó, đời sống ngày một tệ hại, người chết vì bệnh dịch chất cao như núi. Trước tình cảnh như thế, ngài nghiên tầm trong Đại Tạng Kinh để tìm phương pháp hóa nguy thành an cho kiếp người. Và cuối cùng ngài đã dựa vào kinh Pháp Hoa, soạn thảo một số vấn đề và tóm lược lại thành: Lập Chánh An Quốc Luận (Risshoo Ankokuron).
Trong tác phẩm này, ngoài việc đề cập tới phương pháp hành trì kinh Pháp Hoa để giải nạn thành an, thì ngài cũng kịch liệt phê phán Tịnh Độ Tông. Một tháng sau khi trình bày tác phẩm này, kẻ lạ đã đột nhập vào chỗ ở của ngài và thiêu rụi am cốc. May mắn thay, ngài đã thoát chết trong gang tấc. Sau đó thảo am được xây dựng lại như cũ và ngày nay được tín đồ Nhật Liên Tông xem là nơi linh địa.
b. Pháp nạn Ito
Vào năm Hoằng Trường, ngày 12 tháng 5 (1261), tức một năm sau sự kiện thảo am bị đốt, Mạc Phủ (chính phủ Nhật thời đó) cho rằng ngài Nhật Liên thánh nhơn là nhân vật nguy hiểm, là nhân tố khiến xã hội bất an nên ra lệnh bắt ngài, trói gông lại, cột vào gỗ kéo lê trên biển, đày ra đảo Ito. Khi ra đảo Ito, một sự linh ứng xuất hiện khiến cho người dân trên đảo lại đặt niềm tin nơi ngài, đó là bệnh thương hàn ở Ito tự nhiên giảm nhanh chóng. Hai năm sau (1263), ngài được miễn tội và trở về lại Kamakura.
Trong thời gian bị đày ra đảo Ito, ngài đã nghiên tầm và sáng tác tác phẩm “Giáo Cơ Thời Quốc Sao” (Kyookijiko-kushoo) nói về lý do vì sao Ngài dùng kinh Pháp Hoa làm phương thuốc cứu nhân độ thế trong đời mạt pháp này.
c. Pháp nạn Tiểu Tùng Nguyên
Năm 1264 (Văn Vĩnh nguyên niên) trên đường từ Kamakura trở về An Phòng, cố hương của mình, ngài và đoàn đệ tử bị phục kích ở làng Đông Điều. Ngài chỉ bị thương nhẹ ở chân mày. Pháp nạn này lịch sử ghi lại có hai tên, ngoài tên như trên thì còn có một tên khác là Đông Điều pháp nạn, đặt tên theo làng Đông Điều, nơi sự cố xảy ra.
d. Pháp nạn Long Khẩu
Từ sau những pháp nạn trước xảy ra với ngài, tiếng tăm của ngài Nhật Liên thánh nhơn ngày càng lan rộng khắp nước, người quy y với ngài ngày một đông, hầu như ở khắp nơi trên nước Nhật, và ở đâu cũng có đạo tràng để giảng dạy giáo lý, tập trung vào những ngày nhất định để mọi người có thể đến nghe giảng. Những ngày tập trung nghe giảng thường lấy những ngày kỷ niệm của đức Phật hay của các vị Tổ sư, như ngày Đản sinh của đức Thích Ca.
Theo sử sách ghi lại, có thể nói, pháp nạn Long Khẩu là đại pháp nạn trong cuộc đời của ngài Nhật Liên thánh nhơn. Năm Văn Vĩnh thứ 8 (1271), một lần nữa ngài lại bị chính quyền Mạc Phủ bắt, ra lệnh dìm xuống sông cho đến chết. Đột nhiên, có một luồng hào quang sáng rực xuất hiện ở giữa sông làm gãy xiềng xích khiến các võ sĩ thất kinh, sám hối xin quy y với ngài. Sau đó, vì không dám trái lệnh vua, đành đưa ngài ra đảo Sado.
Ngày nay, tại Long Khẩu này, tín đồ Nhật Liên Tông đã xây dựng một ngôi chùa đặt tên là Long Khẩu để lưu dấu pháp nạn đặc biệt này của vị thánh nhơn. Trong thời gian thọ pháp nạn ở đảo Sado, ngài đã hoàn thành tác phẩm có giá trị như “Khai Mục Sao” (Kaimokushoo) nội dung “hãy mở mắt trí tuệ ra để cứu độ chúng sanh trong thời mạt pháp như kinh Pháp Hoa đã dạy”.
Ngài Nhật Liên thánh nhơn nhập diệt vào ngày 13 tháng 10 năm 1277 (năm Kiến Trị thứ 3) tại Ikegami. Tương truyền rằng, khi ngài thu thần thị tịch, mặt đất Ikegami rung động, hoa anh đào nở khắp nơi dù trái thời. Đệ tử và tín đồ đau lòng đưa tiễn vị tôn sư của mình. Cốt của ngài được an trí tại ngôi mộ chùa Bổn Môn ở Ikegami.
II. Tư tưởng căn bản của Nhật Liên Tông
Sau khi lĩnh hội được ý nghĩa thâm sâu của kinh Pháp Hoa tại núi Tỉ Duệ, vào một buổi bình minh, mặt trời vừa ló dạng ngày 28 tháng 4 năm 1253, khi đang tọa thiền tại khu rừng chùa Thanh Trừng, ngài bất giác tụng mười biến đề mục: Nam Mô Diệu pháp Liên Hoa Kinh, Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Đây là lần đầu tiên đề mục này được xướng lên ở đất nước Nhật Bản này. Trước đây, ở Nhật chỉ có đề mục Nam mô A Di Đà Phật được xướng lên của tông Tịnh Độ.
Và từ đó, câu đề mục Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh được tín đồ Nhật Liên Tông hành trì. Tư tưởng căn bản về kinh Pháp Hoa của Nhật Liên Tông tựu trung xoay quanh 5 vấn đề mấu chốt là:
a. Áp dụng giáo lý kinh Pháp Hoa để cứu độ chúng sanh trong đời mạt pháp.
b. Lấy quyển Lập Chánh An Quốc Luận làm tư tưởng chủ đạo của bổn Tông
c. Chú trọng vấn đề Báo Ân như trong kinh Phật dạy.
d. Hồi hướng chúng sanh hiện tại được an lạc, sau khi mạng chung được sanh tịnh cảnh.
e. Thế giới Ta-bà là nơi cần được hóa độ.
1. Về điểm thứ nhất: Áp dụng kinh Pháp Hoa để cứu độ chúng sanh trong đời mạt pháp.
Với sự thể nghiệm và thực chứng của mình, ngài Nhật Liên cho rằng Kinh Pháp Hoa chính là phương pháp tối ưu để cứu độ chúng sanh trong đời mạt pháp, là phương thuốc để điều trị những căn bệnh khó điều trị. Ngài cho rằng, đức Phật Thích Ca cũng dựa vào nội dung cơ bản của kinh Pháp Hoa mà thuyết giảng các kinh khác như kinh Hoa Nghiêm, A Hàm, Bát Nhã… Và kinh Pháp Hoa được xác quyết là kinh siêu việt nhất về mặt triết học, thực tiễn nhất về mặt thực hành, là ánh sáng thậm thâm vi diệu bất khả tư nghì để chiếu soi và mở bày trí tuệ cho kẻ phàm phu ngu tối trong thời mạt pháp.
Điều này khác hẳn với tư tưởng Tịnh Độ tông của ngài Pháp Nhiên Phòng Nguyên Không (Hoonenboogenku) được trình bày trong quyển “Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập” (Senshaku Hongan Nenbutsushuu): “Thời mạt pháp, có người cho rằng khó thể tu hành thành tựu, cho nên phải buông bỏ kinh Pháp Hoa, quay về thế giới tín ngưỡng của bậc trí, phát nguyện vãng sanh Tịnh độ, ở phương Tây của đức Phật A Di Đà” (sách đã dẫn, tr 66).
Ngoài ra, Ngài còn áp dụng giáo lý “Nhất niệm Tam thiên” để giải thích việc cúng dường lên ba ngàn thế giới Phật chỉ bằng một niệm từ tâm, chỉ cần hành trì và thể nghiệm đề mục “Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” là có thể thâm nhập vào cảnh giới của chư Phật.
2. Thứ hai là lấy Tư tưởng ‘Lập Chánh An Quốc Luận’ làm tư tưởng căn bản của Bổn tông.
Tác phẩm “Lập Chánh An Quốc Luận” được Ngài viết ở Kamakura, nhân duyên là do thời gian đó thiên tai dịch bệnh xảy ra triền miên, ngài nghiên tầm trong Đại Tạng Kinh, dựa vào kinh Pháp Hoa để tìm ra phương thuốc hóa giải cứu khổ chúng sanh.
“Lập Chánh An Quốc Luận” với tư tưởng chủ đạo là cứu khổ chúng sanh không phân biệt thân sơ, bạn thù, kẻ vô minh hay bậc trí giả. “Lý tưởng Lập Chánh An Quốc Luận được thực hiện nghĩa là tất cả chúng sanh tại nước Nhật cùng quy về một tín ngưỡng chúng, chủ trương rằng họ là những người nhận sự cứu độ vô biên của Phật” (Sách đã dẫn, tr70). Và trong tác phẩm này đã kịch liệt phản đối các tông phái khác như Tịnh Độ tông, Thiên Tông, Chơn Tông, Luật Tông… bằng những lời nặng nề như “Niệm Phật vào vô gián địa ngục, Thiền lạc vào thiên ma, Chơn ngôn là vong quốc, Luật là quốc tặc” (sách đã dẫn, tr71) và cho rằng không có tông phái nào có thể xiển dương chánh pháp bằng Pháp Hoa được.
Và đó là lý do, từ khi ngài cho lưu hành tác phẩm này, những pháp nạn liên tiếp xảy ra với ngài. Tư tưởng ngài cho rằng, những tông phái khác không có chủ trương cứu khổ độ sanh, tự tu tự lo cho mình nên ngài phê phán chỉ trích và cho đó là sự cứu khổ không thực tế. Để đạt được ý tưởng được cho là có phần cực đoan này, ngài Nhật Liên thánh nhơn còn kêu gọi “hành giả tín đồ tín ngưỡng Pháp Hoa không thọ Pháp và không cúng dường chư Tăng” những người không thọ trì Pháp Hoa. Sau này, điều cực đoan “Bất thọ bất thí” này bị chính trong nội bộ giáo đoàn phê phán.
Đối với Nhật Liên Tông, người tín ngưỡng Pháp Hoa phải thấm nhuần trong từng hơi thở, như nước với sữa. Một khi đến chùa lễ bái, cúng dường, làm phước luôn trì tụng đề mục của kinh Pháp Hoa một cách chân thành, không sanh nhị tâm. Còn đối với những người có thái độ khinh khi, chê bai thì dứt khoát đoạn giao.
3. Thứ ba là chú trọng vấn đề Báo ân
Trong tác phẩm “Báo Ân Sao” (Hooonjoo) ngài Nhật Liên thánh nhơn đã nhấn mạnh đến việc đền ơn đáp nghĩa. Trong tác phẩm đó ngài kể về nhiều câu chuyện báo ân báo hiếu, xiển dương tinh thần giáo lý đó theo nền tảng căn bản của kinh Pháp Hoa.
4. Thứ tư là Hồi Hướng
Trong tác phẩm “Soạn Thời Sao” (Senijshoo), có ghi lại lời cầu nguyện của ngài Nhật Liên thánh nhơn mỗi khi hành lễ: “Nguyện đức Thế Tôn, giáo chủ cõi Linh Sơn Tịnh độ, đức Phật Đa Bảo ở thế giới Bảo Tịnh, tất cả phân thân của chư Phật trong mười phương cùng chư vị Bồ Tát Địa Dũng, chư Thiên trong cõi trời Phạm Thích, trời Nhật Nguyệt, trời Tứ Thiên Vương v.v… từ bi gia hộ cứu độ chúng sanh trong từng giờ, từ ngày luôn được an ổn” (sách đã dẫn,tr76).
Vậy, tức ai thực hành giáo lý Phật đà sẽ được chư Phật gia hộ, ai tịnh tín Pháp Hoa sẽ được sanh về cõi Tịnh độ. Đó chính là “Hiện thế an ổn” và “Hậu sanh thiện xứ”, một tư tưởng của Nhật Liên tông.
5. Thế giới Ta bà cần được cứu độ
Tư tưởng này liên quan mật thiết với tư tưởng trong tác phẩm “Lập Chánh An Quốc Luận”, lấy việc cứu nhân độ thế làm gốc cho việc xiển dương kinh Pháp Hoa. Thời bấy giờ, ở Nhật pháp môn Tịnh Độ được truyền bá rộng rãi. Người Nhật cho rằng, thật khó có thể thành Phật trong thời mạt pháp cho nên nương vào câu niệm Phật A Di Đà để cầu mong vãng sinh về thế giới Cực Lạc, phương Tây cách thế giới Ta-bà hơn 10 vạn ức Phật độ. Thế nhưng, ngài Nhật Liên cho rằng, đức Phật Thích Ca là giáo chủ cõi Ta-bà, sao không lấy giáo lý của Ngài làm căn bản cứu khổ.
Tư tưởng này của ngài Nhật Liên xuất phát từ việc ngài nhận thấy xã hội lúc đó vô cùng rối ren, dân chúng sống trong cảnh lầm than, chính quyền Mạc Phủ dựa vào thế lực võ sĩ để trấn áp dân chúng. Với cảnh xã hội như thế, ngài Nhật Liên không thể làm ngơ và tìm giáo lý cứu khổ độ sanh. Và ngài đã chọn kinh Pháp Hoa và chỉ có tư tưởng kinh Pháp Hoa, thế giới Ta-bà này mới có thể được cứu độ.
Như vậy, chúng ta thấy rằng, giáo lý căn bản của Nhật Liên Tông là dựa vào kinh Pháp Hoa, triển khai phần tiềm ẩn sâu xa của kinh Pháp Hoa, không căn cứ trên 28 phẩm kinh Pháp Hoa mà đặt niềm tin vào thực hành xướng đề mục: Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, chỉ cần thọ trì 7 chữ này là thấy được toàn bộ yếu nghĩa của kinh, vừa cầu nguyện cho chúng sanh an lạc trong kiếp này, vừa nguyện thành Phật trong đời vị lai
Tác giả: Thích Huệ Pháp