Bốn mùa như như
Nhật Chiêu
(đăng trong NS Giác Ngộ Xuân 01/2003)
--- o0o ---
Tố Như đứng giữa bốn mùa. Cổ kim cuồn cuộn trôi trước mắt ông. Trôi như giấc mộng. Shô-u thì mơ một giấc mơ Xuân. Họ có thể bị giễu cợt như những người đa mộng . . .
Giấc mơ đầu năm
giữ riêng niềm bí ẩn
và ta cười thầm.
Shô-u
(Hatsu yume ya
himete katarazu
hitori emu).
Giấc mơ đầu năm của Shô-u, giấc mơ đầu năm của mỗi người hay là giấc mơ của trăm năm?
Giấc mơ đầu năm trong nguyên văn tiếng Nhật là hatsu yume (sơ mộng), giấc mộng ban sơ. Từ giấc mộng đầu tiên đến giấc mơ cuối cùng thì khoảng giữa là gì? Cũng là một giấc mộng thôi, giấc mộng mở mắt (khai nhãn mộng) điều mà thi hào Nguyễn Du tùng nhắc tới : Trần thế bách niên khai nhãn mộng. . .
Tố Như là nhà thơ của mộng. Bạn thân vẫn thường cười ông hay mộng ( Tri giao quái ngã sầu đa mộng). Ông có đôi mắt tuyệt vời của mộng và ông biết cách “mở đôi mắt mộng” (khai nhãn mộng) mà nhìn đời. Ông nhìn sớm hôm thay đổi và cổ kim xô giạt bằng đôi mắt ấy, như nhìn chính cái bóng của mình. Đôi mắt thâm trầm ấy hiện lên trong bài thơ kỳ tuyệt La Phù giang thủy các độc tọa (Ngồi một mình nơi thủy các trên sông La Phù):
Thủy các các hạ, giang thủy thâm,
Thủy các các thượng, nhân trầm ngâm.
Du du vân ảnh biến thần tịch.
Cổn cổn lãng hoa phù cổ câm.
Trần thế bách niên khai nhãn mộng.
Hồng sơn thiên lý ỷ lan tâm
Bồi hồi đối ảnh độc vô ngữ,
Bạch phát sở hành thùy ngã khâm.
Nhà thơ đang ngồi nhìn sông La Phù, nhìn dòng đời đang trôi, nhìn lịch sử, nhìn những cái bóng của trần thế và cái bóng của bản thân mình. Xin liều lĩnh chuyển ý tứ bài thơ chữ Hán đầy ẩn mật này sang tiếng Việt:
Dưới chân thủy các, nước đầy vơi,
Trầm ngâm thủy các,bóng ai ngồi.
Mây đổi hình hài hôm sớm đổi,
Sóng trôi cuồn cuộn cổ kim trôi.
Mở đôi mắt mộng trăm năm hỡi.
Nén nỗi lòng đau cố lý ơi.
Một mình đối bóng im không nói.
Tóc trắng như đang rũ trắng đời.
Tố Như một mình nhìn bóng không nói gì, chỉ giản dị “mở đôi mắt mộng” hay là “mộng khi đôi mắt đang mở” (khai nhãn mộng).
Shô-u trong bài haiku trên cũng vậy, không nói mà chỉ cười thầm, cười một mình (hiton emu).
Một người đang tưởng tới giấc mộng trăm năm, một người đang có một giấc mơ đầu năm, một sơ mộng. Cái đối bóng của Tố Như đang nói gì và cái nụ cười của Shô-u đang nói gì? Đó là niềm bí ẩn của họ. Đó là niềm bí ẩn của những giấc mộng. Đó là niềm bí ẩn của cái bóng
Tố Như đứng giữa bốn mùa. Cổ kim cuồn cuộn trôi trước mắt ông. Trôi như giấc mộng. Shô-u thì mơ một giấc mơ xuân. Họ có thể bị giễu cợt như những người đa mộng. Nhưng Tố Như nói:
Tri giao quái ngã sầu đa mộng
Thiên hạ hà nhân bất mộng trung?
(Mộng sầu bạn cứ cười ta
Vòng mơ mộng ấy ai là thoát đâu?)
Thiên hạ ai là người không vào ra trong mộng? Hay nói như Shakespeare, ta và giấc mộng thật ra là đồng chất, đồng thể, đồng sắc . . .
We are such stuff
As dreams are made on, and our little life
Is rounded with a sIeep
Lại liều lĩnh, ta chuyển ý những sương mù mộng ảo trên sang tiếng Việt:
Chúng ta cùng một chất xây từ những giấc mơ,
Giấc mơ cùng một chất xây, nên ta bao giờ,
Và đời ta nhỏ nhặt tàn theo một giấc thu.
Vì mộng và ta là bất nhị cho nên Bashô nói:
Mi là bướm ư?
Ta là giấc mộng
Trong hồn Trang Chu.
(Kimi ya chô
Ware ya Sôshi no
Yume - gokoro).
Biết bao những cánh bướm mộng đã bay lên từ những Trang Chu, Bashô, Shakespeare, Tố Như, Nguyễn Trãi...
Người ảo hóa khoe thân ảo hóa,
Thuở chiêm bao thốt sự chiêm bao.
Nguyễn Trãi
Thuở chiêm bao, thời của chiêm bao là thời nào? Là mùa nào? Là thời không thời, mùa không mùa? Là cả bốn mùa. Bốn mùa như mộng, bốn mùa như như.
Lại thơ Tố Như:
Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sư
Tứ thời tâm kính tự như như.
(Hoa nở lá rơi đầy trước mắt
Bốn mùa tâm kính vẫn như như).
Hoa nở lá rơi, bốn mùa luân vũ trước tấm gương trong trẻo của hồn thi nhân. Tâm hồn đó vừa chứa muôn cái xao động (hoa nở lá rơi) vừa vượt lên trên mọi thứ xao động (như như) mà Tố Như có lần diễn tả bằng một lối khác.
Mãn cảnh giai không hà hữu tướng
Thử tâm thường định bất ly thiền.
(Đầy cảnh đều không đâu có tướng
Tâm này thiền định chẳng xa thiền).
Bản chất của mộng là cái bóng, là không tánh cho nên Tố Như vừa nhìn thấy bốn mùa hoa nở lá rơi vừa nhìn thấy tánh Không của bốn mùa.
Mùa nào có mộng của mùa ấy Ta đã thấy những giấc mộng mùa Xuân của Bashô, Shô-u. Hãy thêm một giấc xuân của Shotetsu trong một bài tanka:
Không có hoa nơi này.
Những cây thông thức giấc
Trên đỉnh đồi ban mai
Hoa đào đêm xuân mộng
Cũng chỉ là mây bay.
(Hana zo naki
Sametaru matsu wa
Mine ni akete
Magaishi kumo mo
Haru no yo no yume).
Những cây thông và nhà thơ Shotetsu cùng thức giấc (bởi vì họ cùng đã mộng) sau một giấc mơ xuân. Trong mơ, họ thấy cơ man là hoa đào, những hoa đào che phủ bầu trời như mây. Vả rồi tan mộng. họ đối diện với chân không. Chỉ có mây bay, nhưng áng mây trông tựa như hoa đào.
Trong mơ, hoa thì như mây và trong thực tại mây thì như hoa. Có gì khác biệt? Bất nhị chính là như thế. Là như như.
Shotetsu lầm mây với hoa. Trong một vần thơ ngộ nghĩnh từ thế kỷ thứ tư, nhà thơ Ấn Độ Bhasa cho một cô gái có một lầm lẫn thú vị sau một giấc mộng tình:
Khi trăng chiếu lên giưòng tình
Cô gái đưa tay nhặt lấy
Tưởng như làn áo vừa buông.
Tưởng chừng như cô đang nhặt lên cái giấc mơ còn sót lại trên giường. Ánh trăng là cái bóng. Ánh trăng là giấc mơ. Chúng ta là những kẻ nhặt bóng, nhặt mơ mà không biết rằng mình đang làm gì.
Và ánh trăng có thể là cái bẫy, nơi con mực phủ của Bashô nằm mơ:
Trong bẫy nằm mơ
ôi con mực phủ
Dưới trăng hạ mờ.
(Tako - tsubo ya
hakanaki yume wo
natsu no tsuki).
Cái lọ dùng để bẫy mực phủ gọi là tako-tsubo, cái sao hồ, chìm trong nước và được nối với một cái phao. Con mực phủ tưởng là một hang ổ, thong dong bơi vào, thế là mắc bẫy. Một chiều mùa Hạ ở Akashi, trên bờ biển tuyệt đẹp. Bashô đã nhìn thấy giấc mơ buồn này của con mực phủ, của một sinh linh. Mắc bẫy một cái lọ, một ánh trăng, một giấc mộng tất nhiên không chỉ riêng một con mực phủ! Như giấc mơ đêm trung hạ của Shakespeare.
Con mực phủ mơ gì khi bị cầm tù trong một cái lọ khi bên ngoài là biển mênh mông?
Và một con ốc biển tự do, cô độc sẽ mơ gì?
Con ốc biển
Khép vỏ nằm mơ
Giấc mơ của nước.
Jack Stamm
(futa o shite
sazae no yume wa
mizu no yume).
Một người nước ngoài nào đó làm thơ bằng tiếng Nhật lại có thể bắt gặp giấc mơ của một con ốc biển, nhập lưu vào siêu ngôn ngữ của haiku, vào vũ trụ tính của thể thơ kỳ đặc này.
Vì sao Stamm biết con ốc biển nằm mơ khi Stamm không phải là con ốc? Thầy Huệ hỏi thầy Trang: Bác không phải là cá, sao biết cá vui?
Vì thầy Trang biết cá vui nên chúng ta biết rằng một con ốc biển có thể nằm mơ. Chẳng những thế, giấc mơ của ốc cũng là giấc mơ của nước (mizu no yume: thủy mộng).
Giấc mơ của nước? Giấc mơ của cây? Giấc mơ của đá? ... Bởi vì cả vạn pháp đang nằm mơ hoặc là trôi đi trong mơ.
Càng khép mình lại, ta càng chìm vào dòng nước của mộng. Như con ốc biển sazae kia.
Thay vì khép mình lại, thì hãy mở ra đôi mắt mộng, nói như Nguyễn Du.
Con ốc nằm mơ giấc mơ của nước, ấy là mơ đến hai lần, là mơ trong mơ, là “mộng trung chi mộng”, như lời Thiền ngôn xưa:
Thính tĩnh dạ chi giản thanh
Hoán tĩnh mộng trung chi mộng
(trong sách Thái căn đàm)
Nghe tiếng chuông đêm lặng
Tĩnh giấc mơ trong mơ.
Những giấc mơ trôi đi có để lại ngấn tích gì không? Bashô nhìn thấy ngấn tích ấy trên cỏ mùa Hạ một ngày lang thang:
Cỏ mùa Hạ đầy!
Còn lưu dấu mộng
Anh hùng xưa đây.
(Natsugusa ya
tsuwamonodomo ga
yume no ato).
Bashô đang ở Takadate, nơi anh hùng Yoshitsune tự sát từ hơn 500 năm trước lúc mới 31 tuổi. Giấc mộng của anh còn lại dấu tích gì? Thì dấu mộng (yume no ato: mộng tích) của anh đây: Cỏ mùa Hạ đầy. Cứ tiếp tục mơ đi, dường như Bashô thì thầm, hỡi anh hùng Yoshitsune! Và bao nhiêu anh hùng khác nữa.
Nhưng Bashô và những người viếng mộ cũng mơ những giấc mơ của đám người nằm dưới cỏ. Trên cỏ và dưới cỏ đều là những giấc mơ, như vần thơ của thi hào Ba Tư Omar Khayyam:
Ta nằm trên cỏ hôm nay,
Ấy là dưới cỏ ngày mai ta nằm!
Cỏ mọc lên từ những giấc mơ đã hóa làm tro bụi từ đời này sang đời khác.
Vào một buổi sớm, trong khi “khai nhãn mộng” nhà thơ–họa sĩ Buson nhìn thấy giấc mơ của một dãy người đi vô tận giữa một mùa Thu vô tận:
Ban mai sương mù
Vẽ nên bức họa
Những người mộng du.
(Asagiri ya
e ni kaku yume no
hito - dôri)
Trong không gian sương mù tựa như không gian của một bức họa, những khách bộ hành lãng đãng qua lại như bước trong mơ.Hãy giống như những cái bóng được vẽ nên mờ ảo.
Nói như Shakespeare: “Đời sống chỉ là một cái bóng bước đi...” (Life's but a walking shadow...).
Trong bài thơ của Buson, không gian là sương mù và thời gian là một sớm mai Thu: đó là thời-không của Mộng. Thế gian đang buông một màn sương, dường như để che giấu mà đồng thời cũng để hé lộ một cái gì đó của Chân Như.
Đây là hình ảnh sương mù trong một vấn đáp Thiền. Có một vị Tăng hỏi:
– Cái gì là Đại Bát Nhã?
Thiền sư đáp:
– Tuyết lướt bay và vạn vật chìm trong sương mù.
Vị Tăng không tỏ hội và Thiền sư đọc kệ :
Maha Bát nhã...
Gió thì lạnh giá
Tuyết thì trắng tinh.
Vị Tăng muốn hỏi về trí tuệ Bát Nhã. Thiền sư đưa ra một hình ảnh sương mù. Vị Tăng bám vào lời thầy và rơi vào sương mù, không biết rằng trí Bát Nhã ở ngay trong tâm mình, trong cái tâm kính có thể phản chiếu toàn thể vạn vật một cách như như: tuyết thì trắng tinh, gió thì lạnh giá. Cho dù đại từ bi, Thiền sư cũng không thể giảng giải về Đại Bát Nhã. Vị Tăng phải tự mình lên đường trở về với nó. Phải tự mình bước vào sương mù và tự mình bước ra sương mù. Tự mình chơi đùa với Huyễn Hóa. Còn không thì thôi.
Vào mùa Đông của cuộc đời mình, Bashô viết ra bài ca từ thế về những giấc mơ cuối cùng:
Đau yếu giũa hành trình;
Chỉ còn mộng tôi phiêu lãng
Trên cánh đồng hoang.
(Tabi ni yande
yume wa kareno wo
kakemeguru).
Thực ra, trước đó Bashô tuyên bố rằng hầu hết thơ ông trong suốt hai mươi năm qua đều là những bài ca từ thế.
Trong Nghìn lẻ một đêm, chẳng phải mỗi câu chuyện mà nàng Shahrazad kể ra đều là một bài ca từ thế hay sao? Sáng tạo là để chinh phục cái chết.
Kể từ khi con người biết sáng tạo thi cái chết trỏ nên bất lực. Và những giấc mộng của Bashô, Nguyễn Du, Shakespeare... chơi đùa phiêu lãng với đồng hoang trong cuộc Tiêu dao du bất tận.
--- o0o ---
- Từ khóa :
- Nhật Chiêu