Vẻ đẹp đích thực trong đạo Phật
Đạo Phật rất huyền vi, mà tâm là cái huyền vi trong huyền vi, đạo Phật rất lớn mà tâm là cái lớn trong cái lớn. Tâm ơi! Tâm ơi! Tâm là chủ tể của việc tu đạo đấy chăng?
Đúng vậy - Khi đã chắc chắn cái bản thể ấy không mất, cái bản thể ấy có thể chứng nhập được, các nhà Thiền Sư không còn băn khoăn, lo lắng, xôn xao trước cuộc đời, mà trái lại, có một thái độ vô cùng bình tĩnh, an nhiên.
Thửa còn thơ bé, yêu quê hương là yêu cảnh đẹp quê hương, những cảnh vật thân thuộc nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Ngày xưa, trong nhận thức của một đứa trẻ:
Thửa còn thơ bé, yêu quê hương là yêu cảnh đẹp quê hương, những cảnh vật thân thuộc nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Ngày xưa, trong nhận thức của một đứa trẻ:
“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bóng vàng bay...”
Hình ảnh cái đẹp ở đây - trái tim không rung động vì đứa bé chỉ thấy ở đối tượng - quê hương rất đơn giản là “chùm khế ngọt” để “trèo hái mỗi ngày” là “đường đi học” có “bướm vàng bay”. Do đó, chủ thể ở đây là chủ thể vật lý, chớ không phải chủ thể thẩm mỹ.
Nhưng đến khi lớn lên phải xa quê hương, xa nơi gắn bó bao kỷ niệm của tuổi thơ thì tình yêu quê hương trong tác giả đã được khơi nguồn từ những kỷ niệm sâu lắng, dạt dào nồng thắm biết bao khi nhớ về ”Quê hương”. Lúc này chủ thể là chủ thể cảm xúc rung động. Đây là cái Đẹp - cái Đẹp này mới là cái Đẹp thẩm mỹ trong nghĩa đích thực của nó, được phát xuất từ tận đáy lòng, từ rung động của con tim.Đó là ngôn ngữ của trái tim, của tình cảm, của rung động.
Chúng ta nói đó là cảm xúc thẩm mỹ, rung động thẩm mỹ. Vậy cái Đẹp mà chúng ta sẽ nghiên cứu là cái Đẹp thẩm mỹ.
Trên đây chúng ta đã phân biệt hai từ ”đẹp” và “Đẹp”. Hai từ đẹp này có chỗ khác nhau nhưng chúng có mối liên quan mật thiết với nhau. (Việc làm của khoa học là tách rời chúng để xác lập chính nội dung bản thể, chúng ta không nên đồng nhất chúng). Chính vì nhầm lẫn giữa hai từ đẹp này mà Dacuyn đã nghĩ rằng: ”sinh vật cũng biết hướng về cái đẹp”.
Trước hết chúng ta gọi cái Đẹp là phạm trù cơ bản nhất bởi vì cái Đẹp sẽ tạo ra những nội dung, giá trị, phạm trù thẩm mỹ khác như cái bi, cái hài, cái trác tuyệt... những giá trị phẩm mỹ này là sự chuyển hóa từ cái Đẹp theo một luận lý nhất định. Để xác lập cái Đẹp là một phạm trù cơ bản nhất so với các phạm trù khác. Ở tính tương đối ổn cố, chúng ta phải sử dụng hai phương pháp sinh thành chủng loại và nhìn tiến trình vận động của cái Đẹp xuyên suốt quá trình sống của loài người.
Phương pháp sinh thành chủng loại: cái Đẹp xuất hiện đầu tiên ngay khi có con người. Khi đó chưa có cái bi, cái hài... con người ngay từ đầu là chủ thể thẩm mỹ trước đối tượng đẹp. Người là tác giả thẩm mỹ đầu tiên của cái Đẹp. Sau đó, sự chuyển động cuả đời sống đã làm cái Đẹp chuyển hóa thành cái bi, cái hài...
Phương pháp nhìn tiến trình vận động của cái Đẹp xuyên suốt quá trình sống của loài người. Cái Đẹp là một sinh mệnh vĩnh viễn như loài người vĩnh viễn. Cái đẹp là một phạm trù, một giá trị, một bản thể sống mãi với nhân loại.
Quá trình phát triển lịch sử của loài người trong thực chất là quá trình vươn tới ngày càng gần cái Đẹp như lý tưởng. Càng về sau, con người càng bớt sự tha hóa, được trả lại chất người vốn dĩ của con người. Cuối cùng, điểm cao nhất của sự phát triển lịch sử nhân loại là trả lại cho tôi cái của tôi, chính tôi, bản thể tôi, yếu tính của tôi. Khi con người được trả lại chất người, sống với chính mình thì con người trở thành kỳ vĩ. Do đó, không còn khái niệm cao xa nữa. Cũng vậy người tu sĩ trong Phật giáo trên bước đường công phu hàng ngày phải quán xét tư duy diệt trừ phiền não, hóa giải vô minh mà hồi quan phản chiếu để thấy được bản lai diện mục của chính mình. Muốn được như vậy, người tu sĩ phải sống theo giác tánh, sống đúng giác tánh, sống hợp giác tánh. Bất cứ ai sống theo giác tánh, đúng giác tánh, hợp giác tánh gọi là người giác ngộ là Phật. Trình độ giác ngộ của Phật, là trình độ giác ngộ tuyệt đỉnh của trí huệ bát nhã, không còn mức độ nào trên. Cho nên, gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác, bậc chánh giác vô thượng, trong những người chánh giác.
Tư duy là phản ánh con đường cơ chế của chính bản thể. Như thế mới là tư duy có khả năng tiếp cận bản thể. Bằng cách này ta sẽ đi vào phạm trù của cái Đẹp. Vậy cái Đẹp ở đây là gì?
Qua quá trình nghiên cứu của giáo sư Hoàng Thiệu Khang thì cái Đẹp như một phạm trù thẩm mỹ là một thực thể thống nhất giữa nội dung và hình thức đẹp.
Nội dung ở đây không có ý nghĩa là cái bên trong sự vật, hiện tượng. Cũng thế, hình thức không có nghĩa là cái ngoài sự vật, hiện tượng. Nội dung, hình thức là cái bên trong, bên ngoài của sự vật là thuật ngữ của vật lý chớ không phải của phạm trù triết học.
Ở đây, chúng ta chỉ đi kiếm khái niệm nội dung đẹp chớ không đi tìm cái đẹp hiện hình trong thực thể vốn thuộc phạm trù hiện tượng. Trong công cuộc tìm kiếm khái niệm, mỗi ví dụ là sự hủy hoại khái niệm bởi vì khái niệm thực thể vi phạm tính khái niệm. Khi có thực thể hiện hình thì chính khi đó khái niệm bị ràng buộc bởi tính cụ thể, khả giác của thực thể. Vì tính khả giác, cụ thể đó tự nó đã mâu thuẩn với bản chất của khái niệm.
Hiện nay các nhà Mỹ học xây dựng nội dung đẹp trên nguyên lý cuả nhà Mỹ học Nga ở thế kỷ 19 Secnêsepxki:” Cái đẹp là sự sống”. Đây là khái niệm về nội dung đẹp. Trong luận án tiến sĩ của mình ông phủ định lại hệ thống triết học, mỹ học của Hê Ghen:” Đẹp là một tuyệt đối tinh thần”.
Nhưng theo quan niệm đức Phật cái Đẹp không những đưa người mạnh tiến trên đường giải thoát, mà còn đem lại trật tự, an vui, hòa bình cho gia đình, quốc gia, xã hội nữa. Chẳng hạn như Phật chế ra 5 giới răn cấm hàng đệ tử tại gia cũng như xuất gia, đó chính là giềng mối chắc thật tạo hạnh phúc cho cá nhân và đoàn thể, chính là ông thầy ngăn ngừa chúng ta làm điều xằng bậy trong thời mạt pháp. Vì thế, đức Phật Thích Ca đã có lời di chúc khẩn thiết trước khi Ngài nhập niết bàn: "Sau khi ta diệt độ các ngươi tu hành phải tôn kính giới luật làm Thầy, dầu cho ta còn tại thế để dạy dỗ các ngươi mấy ngàn đời đi nữa ta cũng không thêm điều nào ngoài giới luật”.
Điển hình giới cấm sát sanh (giới thứ nhất trong 5 giới) Phật khuyên chúng ta là không được giết hại sanh mạng, từ loài người cho đến loài vật. Sanh mạng có một giá trị quý báu, nhất là sanh mạng người, giết sanh mạng kia để tô bồi sanh mạng này là một điều ác, không hợp lý đạo. Cho nên Phật cấm sát sanh bởi nhiều lý do: tôn trọng sự công bằng tức là tôn trọng sự sống của tất cả mọi loài: ”không có giai cấp cùng dòng máu đỏ, cùng giọt nước mắt mặn”, tôn trọng Phật tánh bình đẳng, nuôi dưỡng lòng từ bi.
Ở đây sự sống là sự sống tinh thần nhưng nó phải được quy chiếu vào khái niệm sự sống vật chất. Sự sống sinh thể làm hiện hình những đối thể, thực thể đẹp. Cái đẹp tinh thần là sự sống tinh thần của con người. Tất cả những chỉ định như vui chơi, cường tráng, hăng say... là tính chất của sự sống tinh thần, không thuộc phạm trù triết học. Sự sống tinh thần có biểu hiện trong những tính chất ấy nhưng việc đi tìm khái niệm hoàn toàn khác hẳn đi kiếm hay liệt kê các tính chất đó. Vì tính chất là một chuyển động đầy vơi, biến đổi không ngừng. Do đó, việc chỉ ra sự sống tinh thần bằng tính chất thì cũng là một cách tiếp cận nhưng đang bất lực.
“Một giọt sương lung linh trên đầu ngọn cỏ” (Vạn Hạnh Thiền Sư),” cành mai bật nở trắng xóa trong đêm xuân”(Mãn Giác Thiền Sư), “đến vầng trăng vắng lặng soi con thuyền vượt biển giữa không gian mênh mông” (Huệ Sinh Thiền Sư)... vừa là những cảnh vật đẹp của đời, mà cũng là những hình tượng sâu lắng trong thiền học. Các Thiền Sư đã hòa tan cảm xúc của mình với thiên nhiên, đất nước và con người. Các Ngài đã diễn tả được những khái niệm rất trừu tượng nhiều khi chỉ trong một bài kệ ngắn. Chẳng hạn Thế Giới Tâm, đồng nghĩa với Như Lai Tạng, tức là bản thể vũ trụ, là một khái niệm khá phức tạp nhưng vẫn được Thường Chiếu Thiền sư suy gẫm bằng những hình tượng bình dị mà sâu sắc:
“Tại thế vi nhân thân
Tâm vị Như Lai tạng
Chiếu diệu thả vô phương
Tầm chi cánh tuyệt kháng”.
Dịch:
”Ở thế là nhân thân
Tâm là Như Lai tạng
Chiếu rọi khắp muôn phương
Nếu tìm không thấy bóng”.
Cả khái niệm không gian, thời gian vô cùng, vô tận, chuyển hóa, trường tồn đã đọng lại trong bài thơ nổi tiếng của Mãn Giác Thiền Sư:
“Xuân đi, lưu lại cánh hoa rơi
Xuân tới, trăm hoa nở nụ cười
Thế sự thoáng qua rồi biến mất
Đầu xanh đã điểm nét sương rồi
Có đâu xuân lụi, hoa tàn mãi?
Đêm trước sân cười một nhành mai”.
Người nghệ sĩ Phật giáo không buồn vì xuân tàn hoa rụng như các thi sĩ ở ngoài đời, một Xuân Diệu chẳng hạn, khi thấy xuân vừa đến đã sợ xuân mất:
Xuân đang đến, nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân đã già
Mà xuân hết thì đời tôi cũng mất!”.
Các nhà thi sĩ Phật giáo không sợ xuân mất, vì thật ra xuân có mất đâu:
“Có đâu xuân lụi, hoa tàn mãi?
Đêm trước sân cười một nhành mai”.
Các Ngài thấy, qua sự mất còn của hình tướng ấy, những gì không mất, những gì tồn tại mãi và đẹp vô cùng; đó là bản thể của sự vật. Ngộ Ấn Thiền Sư, cũng cho chúng ta thấy được cái bản thể ấy qua cái hình tướng đổi thay:
Diệu tính hư vô bất khả phan
Hư vô tâm ngộ đắc, hà nan?
Ngọc phần sơn thượng, sắc thường nhuận
Liên phát lô trung, thập vị càn”.
Ý nói bản tính của vạn vật khó có thể quan niệm được; chứng nghiệm được bản tánh ấy rất khó. Nhưng khi đã chứng ngộ được rồi thì nó biểu hiện bất diệt, nó là hòn ngọc bị thiêu trên núi mà sắc vẫn tươi, nó là hoa sen nở trong lò lửa mà vẫn không khô héo.
Trước Orobindo 25 thế kỷ, Lão Tử có nói:
“Tuyệt thánh, khí trí dân lợi bách bội
Tuyệt nhân, khí nghĩa dân phục hiếu từ”.
(Dứt thánh, bỏ trí dân lợi trăm lần
Dứt nhân, bỏ nghĩa dân lại hiếu từ).
Còn đức Như Lai cuả ta thường nói: ”Này các Tỳ Kheo phải biết pháp của Như Lai nói ví như thuyền bè, chánh pháp còn phải bỏ huống hồ phi pháp!”.
Nếu không nhận chân được sinh mệnh tuyệt đối của cái Đẹp thì làm sao chúng ta hiểu được lời dạy của hai bậc Thánh này?
Đạo Phật rất huyền vi, mà tâm là cái huyền vi trong huyền vi, đạo Phật rất lớn mà tâm là cái lớn trong cái lớn. Tâm ơi! Tâm ơi! Tâm là chủ tể của việc tu đạo đấy chăng? Đúng vậy - Khi đã chắc chắn cái bản thể ấy không mất, cái bản thể ấy có thể chứng nhập được, các nhà Thiền Sư không còn băn khoăn, lo lắng, xôn xao trước cuộc đời, mà trái lại, có một thái độ vô cùng bình tỉnh, an nhiên. Ngài Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng đã tỏ rõ cho chúng ta thấy được cái thái độ bình tỉnh an nhiên ấy trong bài thơ sau:
“Niên thiếu chưa từng lẽ có không
Ngày xuân hoa nở rộn tơ lòng
Chúa xuân nay đã thành quen biết
Thiền tọa an nhiên ngắm bóng hồng”.
Ý nói: khi còn niên thiếu, chưa thấu triệt được lẽ có không, Ngài chỉ nhìn thấy xuân và say đắm với trăm hoa đua nở. Nhưng nay đã thấy bản lai diện mục của chúa xuân, Ngài đã có thể an nhiên ngồi trên thiền tọa mà nhìn từng cánh hoa rơi rụng dưới thềm.
Cũng như:
"Dưới dậu hoa cúc trùng dương
Đầu cành chim oanh khí ấm”.
(Thiền Sư Mai Viên Chiếu)
Nghĩa là: Phật giáo xuất thế siêu nhiên, Thánh giáo nhập thế hiện sinh, cả hai đều đẹp cả, cùng đưa đến cứu cánh của đời sống là thực hiện bản ngã toàn diện chân thật.
Đến đây, chúng ta bước sang hình thức đẹp - Hình thức là một khái niệm để chỉ cơ chế vật chất của nội dung. Cơ chế vật chất (chớ không phải vật thể) cuối cùng cũng chỉ là một khái niệm. Như thế, hình thức đẹp là cơ chế vật chất của sự sống tinh thần. Sự sống được tạo lập bằng cơ chế thăng bằng. Một sinh thể sống là sinh thể đang xác lập những quan hệ thăng bằng: thăng bằng với môi trường sống, với hoàn cảnh, với bên ngoài. Như cái thân của chúng ta đây là do tứ đại hòa hợp, nhưng nếu bên trong có một đại chống trái thì Phật dạy chúng ta phải dùng lương dược hoặc thay đổi môi trường sống để cho tứ đại trở lại bình thường. Cho nên con người đang sống là đang xác lập quan hệ thăng bằng với môi trường ánh nắng, khí hậu, nước, muối khoáng... còn về thăng bằng nội tại thì dạng này cho ta rất nhiều ý nghĩa của hệ quy chiếu tinh thần. Thăng bằng bên ngoài được tạo lập cho cái thăng bằng bên trong.
Khi xưa Phật còn tại thế có một ngoại đạo Bà la môn dạy đệ tử của mình là Vô Não, nếu giết được 100 người để lấy 100 cái đầu thì sẽ đạt được mục đích tối cao mà mình mong muốn. Vô Não vì lòng tham cầu mà đã giết người một cách bừa bãi, đến khi chỉ còn thiếu 1 người nữa là đủ số, nhưng trên đường giờ đây không một bóng người. Vô Não bèn về nhà định giết mẹ. Đức Phật liền biết được tâm niệm ông nên đi đến mà hóa độ. Khi Vô Não thấy đức Phật đi trên đường bèn rượt theo để giết, nhưng với sức chạy rất nhanh mà vẫn không đuổi kịp đức Phật. Vô Não bèn la lên: ”Cù Đàm hãy dừng lại!”. Đức Phật bình tỉnh an nhiên trả lời: ”Ta đã dừng từ lâu rồi!”. Ở đây cho chúng ta thấy tại sao Vô Não thấy rõ ràng là Phật đang đi, đến nỗi ông ta rượt theo không kịp. Sao lại bảo là đã dừng lại từ lâu? Đó là đức Phật đã đạt tới chỗ ”tự tại vô ngại” “dừng lại trong cái không dừng” mà gọi theo danh từ nhà Phật là ”sự sự vô ngại”.
Quá trình thăng bằng là sự thống nhất của biện chứng sinh học. Thăng bằng với môi trường là biện chứng bởi vì sự thăng bằng đó trong thực chất là quá trình vận động chiếm hữu, biến cái ngoài thành sự sống chính nó. Thăng bằng nội tại là biện chứng nội tại, chúng đòi hỏi sự thống nhất giữa hai quá trình ngược nhau. Hai quá trình này lấy nhau làm gốc, nương vào nhau mà sống.
Chúng ta không nên phân biệt cái nào là cơ sở, là có trước. Cuộc tìm kiếm như vậy sẽ là siêu hình vì trong cội nguồn chúng phát minh đồng thời.
Chúng ta lấy thời gian vật lý (trước, sau) thả vào vùng triết học thì thật là vòng tròn lẫn quẫn như câu hỏi: ”con gà có trước hay quả trứng có trước?”. Đối với Thiền tông, để diễn tả cái quan điểm triết lý ”sự sự vô ngại”, người ta dùng cái hình ảnh mỹ dụ tượng trưng điển hình này là đức Phật Thích Ca, cầm hoa sen giơ lên trước mặt đại chúng. Đấy là Phật ngụ quan điểm ”sự sự vô ngại”, biểu thị toàn thể vũ trụ thời không, chứng minh sự hòa hợp thông đồng của tất cả sự vật cái nọ với cái kia không chút trở ngại. Ngài đã nói đến cái chân lý huyền diệu thâm sâu của Ngài đã thực nghiệm là mỗi một cuộc đời là toàn thể sự sống vô thủy vô chung tự sinh tự hóa đời sống vô hạn vậy.
Chúng ta không nên phân biệt cái nào là cơ sở, là có trước. Cuộc tìm kiếm như vậy sẽ là siêu hình vì trong cội nguồn chúng phát minh đồng thời.
Chúng ta lấy thời gian vật lý (trước, sau) thả vào vùng triết học thì thật là vòng tròn lẫn quẫn như câu hỏi: ”con gà có trước hay quả trứng có trước?”. Đối với Thiền tông, để diễn tả cái quan điểm triết lý ”sự sự vô ngại”, người ta dùng cái hình ảnh mỹ dụ tượng trưng điển hình này là đức Phật Thích Ca, cầm hoa sen giơ lên trước mặt đại chúng. Đấy là Phật ngụ quan điểm ”sự sự vô ngại”, biểu thị toàn thể vũ trụ thời không, chứng minh sự hòa hợp thông đồng của tất cả sự vật cái nọ với cái kia không chút trở ngại. Ngài đã nói đến cái chân lý huyền diệu thâm sâu của Ngài đã thực nghiệm là mỗi một cuộc đời là toàn thể sự sống vô thủy vô chung tự sinh tự hóa đời sống vô hạn vậy.
Hoa sen là hình ảnh đối tượng hoá cho cái tâm thức duy nhất sáng tạo, cho cái tâm linh vừa siêu nhiên vừa hiện thực, đồng nhất mà thiên biến vạn hóa: Tinh thông nghìn mắt nghìn tay.
Cũng trong một điểm linh đài hóa ra (Phật Bà Quan Âm). Cái điểm linh đài là cái tâm thức duy nhất có khả năng sáng tạo vô cùng, cho nên trong kinh Ca Diếp của Phật giáo mới ví với nhà nghệ sĩ: ”Tâm thức giống như một nghệ sĩ bởi vì nó biến hiện nghiệp quả thiên hình vạn trạng”. Cũng vậy tương đối và tuyệt đối là hai bộ mặt tịnh hành của một chân lý hoa sen: ”gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Cũng thế, thăng bằng nội tại không chỉ có một thể. Chính vì vậy ta mới thấy sự chuyển động vô tận của thể. Một thăng bằng nội tại là một thăng bằng mà tất cả các lực lượng tinh thần của nó chuyển động theo thể nào chăng nữa cũng vẫn đảm bảo cơ chế thăng bằng, không gì được vượt trội quá phạm vi của mình. Không phải nó được tạo lập bằng sự tiêu diệt một lực lượng nào đó mà tất cả các lực lượng tinh thần cũng hiện diện, hiện diện đúng phận vị của mình. Có như thế mới có năng lực để vươn tới cõi lý tưởng. Cho nên, một người đẹp, một con người có sự sống tinh thần nội tại, trong đích thực, là một khả thể của lý tưởng, một khả thể của tuyệt đối.
Như khi Tống Triều sai Lý Giác sang sứ Việt Nam, vua Lê Đại Hành nhờ Pháp sư Đỗ Thuận đóng vai người chèo đò đưa sứ sang sông. Khi con thuyền rẽ sóng bập bềnh trên mặt nước, ngồi trước mui thuyền, Lý Giác chợt thấy cặp ngỗng thong thả bơi chập chờn trên dòng sông xanh biếc. Vốn sẵn tâm hồn thi sĩ, Lý Giác khẩu chiến hai câu thơ:
“Song song ngỗng một đôi
Ngẩn mặt ngó ven trời”
Pháp Sư cầm chèo, chèo đều theo nhịp sóng, ứng khẩu tiếp hai câu:
“Lông trắng phơi dòng biếc
Sóng xanh chân hồng bơi”.
Cho thấy nơi đây hai Ngài đều có một sự sống tinh thần nội tại. Đặc biệt là Pháp sư Đỗ Thuận chứng tỏ tâm bình thản an nhiên tự tại. (Ở đây chúng ta không bàn về chính trị mà chỉ quan niệm theo đạo Phật).
Chúng ta nói thêm về tuyệt đối để xác lập kỹ hơn khái niệm cái đẹp tinh thần. Xu hướng tuyệt đối trong một nhân cách đi theo ba trật bậc mà mỗi bậc đưa đời sống tinh thần lên cao hơn một bước trong xu hướng về cõi lý tưởng. Trước hết là nhân cách hiểu lý tưởng: Tri đạo là năng lực hiểu biết lý tưởng. Một chủ thể hiểu biết là một chủ thể xu hướng thế thăng bằng vào cõi lý tưởng. Nên nhà văn nghệ sĩ vừa có cái tâm bồ đề như Thần Tú Đại Sư đã quan niệm:
“Thân như cây bồ đề
Tâm là đài gương sáng
Luôn luôn chăm lau quét
Chớ để bợn trần ai”.
Đại ý bài kệ này chứng tỏ Sư Thần Tú khi ấy thân căn chưa trong sạch, tâm thể chưa tỏ sáng nên cầu cho thân trong sạch như cây bồ đề, tâm tỏ sáng như đài gương trong. Giờ giờ còn công phu dẹp dục dứt tình, nên chưa giải thoát. Sư Thần Tú thông minh, nhưng bởi duyên nghiệp còn nhiễm vương chấp trước tri thức nên chưa hạp thời đắc pháp.
Kế đến yêu lý tưởng: hiếu đạo cao hơn tri đạo vì ở tri đạo vẫn còn lôgic đối diện, lý tưởng vẫn ở ngoài chủ thể, chủ thể đang đối diện với lý tưởng. Đến hiếu đạo lý tưởng vẫn đang đối diện với chủ thể nhưng xu hướng của chủ thể là khát vọng hòa nhập vào lý tưởng. Luận lý của hiếu đạo là một khát vọng chiếm lĩnh, hòa tan vào lý tưởng. Như thế, lý tưởng đang nằm trong vùng khát vọng cuả chủ thể. Thế thăng bằng ở đây vững chải hơn.
Cuối cùng là lạc đạo, đến đây, chủ thể đã hòa tan vào lý tưởng, không còn sự phân biệt nào nữa. Mọi phương diện từ bản thể cho đến hiện hình đều xu hướng về cái lý tưởng ấy một cách hết sức tự do trong nhân cách của mình. Từ tiếng nói, nụ cười, dáng đứng, điệu đi... Tất cả cái bên trong cỏi bản thể, cái bên ngoài cỏi hiện tượng đều thấm nhuần lý tưởng. Sự thấm nhuần này trở thành tự do với khái niệm triết học. Đây là mức thăng bằng cao nhất của nhân cách, không còn bị bợn bởi một cái gì khác với lý tưởng. Nhân cách đạt tới trình độ tự tại. Vượt lên trên không gian và thời gian - đó là cái tâm bản thể hồn nhiên tuyệt đối, không lệ thuộc vào hoàn cảnh địa lý, lịch sử của dân tộc mà tồn tại với thế giới nhân loại, với vũ trụ chúng sanh như Lục Tổ Huệ Năng quan niệm:
“Bồ đề không có cây
Tâm Phật chẳng phải đài
Bản lai không một vật
Còn đâu bợn trần ai”.
Đại ý bài kệ này nói: Bồ đề là tánh giác ngộ không hình trống không, chẳng có chi mà gọi là thọ (cội). Minh cảnh là tâm, viên minh, thông triệt, phổ biến, cũng trống không, có gì mà gọi là đài? Bổn lai tự tánh của ta tức là bản lai diệu giác chơn tâm từ vô thỉ vốn trong sạch, trống không, không có một vật gì tìm được trong đó. Thế thì có chi mà gọi là vướng bụi? Bài kệ này chứng minh Lục Tổ khi ấy đã minh tâm kiến tánh, thân căn lại thanh tịnh nên các lời nói ra đều là siêu phàm thoát tục, vô ngã vô pháp, vô tướng vô hình. Ngài chẳng luận cái thân tứ đại giả hợp, chỉ nói ngay cái bản lai diện mục mà thôi.
Cái thái độ bình tỉnh, lạc đạo ấy đã trở thành một phong độ truyền thống. Chúng ta hãy nghe một bài thơ sau đây của Ngài Hương Hải Thiền Sư:
“Trăng dòm song mở, giường kê sát
Gió thổi, tùng reo, giấc ngủ yên
Lóng lánh lâu dài, màu huyền diệu
Nhịp nhàng chuông trống, tiếng u huyền”.
Ngày nay cái dòng thơ lạc đạo, cái nội dung thanh thoát, bình thản của các vị Thiền Sư xưa vẫn còn tắm gội, lan tràn khắp trong mỗi con người chúng ta.
Tự tại nghĩa là dẫu tác động nào của hoàn cảnh cũng không thể phá vỡ thế thăng bằng vốn dĩ của nội tại nhân cách. Như thế, bản lĩnh tự tại được xây dựng trên tinh thần lạc đạo.
Ba trật bậc trên đề ra cho chúng ta một hành trình về cõi lý tưởng. Phương Đông đã cho chúng ta hành trình như thế: hướng về nội tâm, về cõi tuyệt đối chớ không phải về lý. Tiêu biểu của phương Đông là ba nguồn tư tưởng vĩ đại: Phật, Lão, Bà La Môn. Cả ba đều xuất phát từ chữ “Tâm”.
Cái “Tâm” của Phật giáo theo đức Phật dạy:
“Nếu dựa vào sắc thân cho là Phật
Dựa vào âm thanh thuyết pháp cho là Phật
Người ấy tu cái đạo tà
Họ không thể biết được Như Lai
(Kinh Kim Cang).
Lão Tử: Lão Tử đề xuất cái tâm nhưng theo lẽ tự nhiên: ”vô vi nhi vô bất vi”. Chính nhờ lẽ vô vi đó mà: ”vi vô vi tắc vô bất trị” (làm cái không làm ắt không cái gì là không được sửa sang). Ở đây, làm theo lẽ tự nhiên, không bợn chút tự ý.
Bà La Môn: Bộ kinh tiêu biểu, nổi tiếng nhất của Bà La Môn Upanishad (Áo nghiã thư), bộ kinh đưa con người trở về với tự ngã, hướng nội, tìm kiếm bản thể của nhân cách. Từ đó, đề xuất hành trình đi đến cõi lý tưởng của nhân cách.
Thích Nữ Tâm Hoa
- Từ khóa :
- Thích Nữ Tâm Hoa