Vì sao bạn đi chùa?
Với câu hỏi đó, trang PG-TT thực hiện khảo sát với những bạn trẻ là Phật tử độ tuổi từ 18 đến 30, kết quả nhận được: tất cả đều đi chùa với mong muốn hướng tới điều lành.
Bên cạnh đó, cũng có số ít bạn đi chùa... theo phong trào hoặc đi cùng người thân với suy nghĩ là đi chùa để cầu xin Phật ban điều lành.
Bạn trẻ đi chùa học Phật, rèn luyện các kỹ năng
Đến chùa - mong ước bình an
Trong số những người được phỏng vấn, chúng tôi ước tính có khoảng 40% số người đi lễ chùa là theo phong trào. Họ đi đến chùa để cầu xin từ chuyện bình an, sức khỏe đến việc mong “trời Phật phù hộ” cho chuyện học hành, làm ăn, buôn bán sẽ thuận lợi và ngày càng tốt hơn. Thông thường, nhóm này đi chùa vào các ngày rằm và mồng một hàng tháng hoặc khi có các sự kiện Phật giáo.
Nguyễn Hữu Duy (ở Tiền Giang) tâm sự: “Mình hay đi chùa để cầu cho gia đình được bình an, ba mẹ luôn mạnh khỏe. Nhớ lúc nhỏ, những ngày theo mẹ đi lễ chùa chỉ để nhặt xác pháo, xin lộc đầu năm; nay lớn rồi thì biết cầu mong cho bản thân. Đi chùa thì chỉ nên cầu bình an, còn tài lộc, sự thăng tiến đều phải dựa vào năng lực bản thân cùng một chút may mắn”.
Bạn Trương Thị Ánh Son (sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex TP.HCM) cho biết, trước đây chưa từng đi chùa, nhưng khi lên thành phố học - ở trọ cùng bạn, vào những ngày cuối tuần được bạn rủ nhau đi chùa nên đi theo. Vô chùa, Son thấy bạn lạy Phật cũng lạy theo, nhưng “thú thật dù quỳ lạy nhưng mình cũng chưa biết hết tên những vị Phật mà mình đã đảnh lễ”.
Cũng có nhiều bạn đi chùa theo truyền thống gia đình như Triệu Tấn Đạt (22 tuổi) thừa nhận: “Gia đình mình theo đạo Phật, vào những ngày rằm mẹ hay kêu đi theo đến chùa lễ Phật và cầu bình an. Sau này thành thông lệ vào những ngày rằm, lễ lớn dù mẹ mình không nhắc nhưng mình vẫn đến chùa để cầu bình an cho gia đình”.
Bạn Nguyễn Ngọc Trúc Hương (SV Trường Cao đẳng Phát thanh-Truyền hình II) thì: “Mình biết đi chùa, biết đến Phật pháp cũng nhờ bà cố. Mình sống với ba mẹ ở Bình Thuận mỗi khi có dịp vào TP.HCM thăm cố, bà hay mở đĩa giảng kinh cho nghe. Bà là Phật tử nên có nhiều sách, kinh Phật nên hay cho mình xem và giảng giải. Mình thấy triết lý nhà Phật rất hay, dạy con người ta biết yêu thương, hướng thiện, cách để tâm ta an lạc mà vui sống. Từ đó mình bắt đầu tìm hiểu Phật pháp nhiều hơn và mỗi dịp rằm hay mùng 1 Tết, mình cùng gia đình đi chùa để lễ bái, cầu an cho bà cố”.
Ngoài ra còn một số bạn đến chùa vì gặp khúc mắc trong cuộc sống, như khi thi trượt, đau khổ vì chia tay người yêu, thất nghiệp,… và khi không thể giải quyết được những vấn đề khó khăn, rơi vào trạng thái khủng hoảng, bế tắc. Những bạn trẻ ấy cho biết, đến chùa để cầu Phật gia hộ, cho tâm an bớt phần nào...
Đi chùa không nên cầu xin
Bạn Lê Thị Mỹ Huyền (25 tuổi, ở TP.HCM) chia sẻ rằng, hay rủ bạn thân đi chùa vào các ngày lễ lớn. “Ngày thường mỗi người đều có hoàn cảnh, cuộc sống gia đình riêng nên ít khi được gặp nhau để trao đổi việc tu hành, cùng nhau động viên, nhắc nhở về lời Phật dạy. Nhân ngày lễ ở chùa, mọi người tụ hội về cùng thăm hỏi nhau trong tình bạn đạo, cùng gặp thầy, cùng giãi bày và chia sẻ với nhau những kinh nghiệm tu hành để ngày càng hoàn thiện chính mình. Bên cạnh đó tụi mình cũng thường tham gia các hoạt động từ thiện do mấy thầy tổ chức”, bạn Mỹ Huyền bộc bạch.
Còn Nguyễn Hoàng Yến (21 tuổi, quận 11, TP.HCM) chia sẻ: “Là một Phật tử tu theo pháp môn Tịnh độ, tôi đến chùa không phải vì đau khổ hay buồn bã như một số người thường nghĩ. Với tôi, đến chùa vì mọi người xung quanh, vì gia đình, vì cha mẹ, luôn muốn mang sự an vui đến cho mọi người. Bản thân chỉ nguyện cầu khi lâm chung sẽ được Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn về Tây phương Cực lạc”.
Nguyễn Thái Vũ (quận 12, TP.HCM) bày tỏ, trong quá trình tu học cần phải có trao đổi và ứng dụng giáo lý vào thực tiễn thì mới tiến bộ. Theo đó, Vũ chia sẻ: “Có nhiều lúc ở nhà đọc kinh, mình tưởng rằng đã ngộ ra được những chân lý hay nhưng khi đến chùa hỏi lại các thầy mới biết là mình đã hiểu sai. Đến chùa mình cũng gặp được các bạn cùng chí hướng về Phật pháp, hướng về những điều thiện. Tụi mình cùng rủ nhau đi làm từ thiện, cùng ấn tống kinh sách”.
Bạn Nguyễn Nhựt Minh (22 tuổi, Gò Công Tây, Tiền Giang) nói nên thường xuyên đi chùa để lạy Phật, nhờ thầy chỉ dạy, tìm hiểu Phật pháp, để tập tu cho đúng.
Chùa là “ đất lành” cho hạt giống thiện
Bạn Phạm Thị Kiều Diễm (xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi) cho biết, lúc đầu đi chùa cũng để cho vui nhưng khi đi nhiều lần, tiếp xúc với các sư thầy, cô, chú trong chùa đã học hỏi được nhiều điều ý nghĩa, triết lý sâu sắc bên trong mỗi người.
“Từ ngày đi chùa mình cảm thấy bản thân thay đổi rất nhiều: biết quan tâm, nhường nhịn mọi người trong gia đình, đặc biệt là tính nóng nảy, hấp tấp cũng chế ngự được nhiều”. Nói rồi Diễm tư vấn: “Mỗi khi đi chùa tôi đều mua kinh, sách, đĩa thuyết giảng của quý thầy để người nhà xem. Mọi người trong gia đình rất thích, nhờ vậy mà cả nhà hay tổ chức đi chùa lễ Phật”.
Bạn Nguyễn Thị Phương Nga (huyện Bù Đốp, Bình Phước) thì cho biết thích đến chùa để ngắm cảnh vật ở chùa, cảm nhận được không khí bình yên, tĩnh lặng. Không đi chùa thì dễ sa đà vào những hoạt động giải trí như xem tivi, lướt Facebook, bạn bè rủ đi chơi.
Bị cuốn vào những điều ấy theo Nga là hơi... phí, vì đến chùa mỗi người sẽ có thời gian ngồi lại để suy ngẫm, chiêm nghiệm mọi thứ xung quanh, những khổ đau mà mình trải qua để biết quý trọng cuộc sống, biết yêu thương mọi người hơn.
Đến chùa còn để mình sám hối trước Đức Phật những việc sai trái, lỗi lầm mình gây ra, xin Ngài minh chứng và nguyện làm điều lành, hướng thiện không dám làm những việc gây tổn thương, đau khổ cho người khác nữa - Phương Nga bộc bạch.
Đối với bạn Trịnh Minh Quang (20 tuổi, ở Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng, đi chùa lễ lạy Phật để thấy mình còn ngu si, mê muội quá nhiều vì sự tham lam và ích kỷ - từ đó xả bỏ dần những thói quen cống cao ngã mạn, khinh thường người khác.
“Thói quen của nhiều người là lúc nào cũng thấy mình hơn thiên hạ nên tự cao tự đại, chẳng coi ai ra gì. Đó là thói quen xấu nhiều đời nhiều kiếp đã ăn sâu vào tàng thức khiến chúng ta dễ bị lánh xa. Những lúc đi chùa là mình cảm thấy thanh thản nhất, quên đi những buồn phiền bực tức hàng ngày”, Quang kể.
Chùa luôn là mảnh đất lành cho hạt giống thiện của con người, bạn Võ Phạm Đông Quỳnh chia sẻ, thay vì đến vũ trường, quán rượu để bị say mê, hay đến một nơi đầy quen thuộc để bị kỷ niệm dằn vặt, mình chọn đến chùa để sám hối những lỗi lầm, để học những điều thiện.
Thầy THÍCH CHÂN PHÁP LỘ (chùa Pháp Vân, quận Tân Phú, TP.HCM): Tôi nghĩ, có duyên đến chùa là điều tốt, nhưng các Phật tử khi đến chùa phải suy nghiệm rằng:
Đi chùa để cầu xin - điều này hoàn toàn không đúng với tinh thần Phật giáo, trái với luật nhân quả mà Phật đã dạy. Muốn điều tốt lành đến với mình thì chỉ có cách duy nhất là gieo nhân lành. Chúng ta tự nghiệm xét những gì chúng ta xin đó, nếu được hết thì chắc rằng Phật tử đều giàu, đều vui vẻ, không ai khổ phải không? Nhưng kiểm lại trong giới Phật tử có giàu hết chưa, có hết khổ hoàn toàn chưa? Nếu Phật cho thì phải cho đều, người này cho thì người kia cũng phải cho. Sao có người xin được, có người xin không được?
Lạy Phật để làm gì? Chúng ta lạy Phật với tất cả tấm lòng biết ơn. Biết ơn đối với người thầy đã chỉ ta lối đi, người giúp ta thoát khỏi khổ đau. Để báo đáp phần nào công ơn ấy, trong khi quỳ lạy dưới chân Phật, chúng ta phải nguyện noi gương Phật xa lìa tất cả việc ác, làm tất cả việc lành để cứu độ chúng sanh như Phật đã và đang làm.
Phàm bất cứ việc gì, nếu muốn có kết quả tốt thì chúng ta cần có phương pháp đúng đắn. Việc lễ Phật cũng không ngoại lệ. Nếu chúng ta lạy Phật giống như một cái máy - chỉ biết đứng lên rồi lạy xuống hoặc là vừa lạy vừa suy nghĩ lung tung, tâm trí cứ nghĩ hết chuyện này sang chuyện khác thì e rằng việc lạy Phật chỉ uổng công vô ích, và nếu có lợi thì chỉ chút ít không đáng kể.
Ý nghĩa của tụng kinh: Kinh có nghĩa là những lời Phật dạy, bao gồm những bài thuyết pháp của Đức Phật từ buổi thuyết pháp đầu tiên tại Vườn Nai cho đến lúc Phật nhập Niết-bàn. Tụng kinh là để ôn lại những lời Phật dạy và để tự nhắc nhở mình ứng dụng lời của Phật dạy vào cuộc sống hàng ngày là không làm các việc ác, làm các việc lành và tự thanh lọc tâm ý chứ không phải tụng kinh là để cho Phật nghe.
Khi tụng kinh, do chú tâm vào lời kinh nên cả ba nghiệp là thân, khẩu và ý không có cơ hội tạo tác. Do đó xa lìa được các gốc rễ của khổ đau như tham lam, sân hận, si mê, đem lại lợi lạc cho mình và người.
Minh Tiến - Hồng Nho