NHÂN MINH TỔNG LUẬN
Tâm Minh Lê đình Thám
Tâm Minh Lê đình Thám
Bộ Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận chỉ rõ các quy tắccủa nền lý đoán chơn chánh, ra ngoài những thuyết mơ hồ, những lối thành kiến. Các luận về Nhân minh vẫn nhiều, như Nhân Minh Chánh Lý Môn Luận, Hồi Tránh Luận v.v…, song chỉ phân biệt riêng từng trường hợpchứ chưa hề chỉ rõ quy tắc luận lý như bộ này.
Ngặt vì lối văn trong bộ Nhân minh nhập chánh lý luậnnày thuộc về lối văn quán hoa, ý nghĩa sâu xa mà lời lẽ vắn tắt, nên phần nhiều các học giả khó bề lĩnh hội hết ý chỉ. Do đó, nên cần có bài tổng luận này để chia chẻ rõ ràng các quy tắc Nhân minh.
Đại phàm muốn lập một lý luận thì cần phải đủ 3 điều kiện:
A. Nói điều mình đã nhận biết để cho người khác cũng nhận biết. Như mình nhận biết cái chớp do điển lực tạo thành và nói ra cho ai ai cũng nhận biết như vậy.Điều ấy gọi là tôn.
B. Song nếu chỉ nói suông cái tôn của mình, thì chắc người khác không chịu công nhận, nên cần phải nói rõ nguyên nhân vì sao mà lập ra cái tôn ấy. Đó gọi là nhân.
C. Đã chỉ rõ cái tôn và nhân rồi, thì cần phải lấy những sự hiện thiệt mà ai ai cũng đều công nhận làm chứng cứ cho cái tôn và nhân của mình, có cả chứng cứ về mặt phải và chứng cứ về mặt trái nữa thì càng tốt. Đó gọi là dụ.
I. TÔN:
Tôn là cái ý kiến riêng của mình đối với các sự vật, cái ý kiến mà mình đã nhận là đúng hơn các ý kiến khác. Ví như đối với một cái dĩa, người thì nói là dĩa xưa, kẻ thì nói là dĩa nay, người thì nói dĩa đời Tống, kẻ thì nói dĩa đời Minh, ý kiến bất nhất. Đối với cái dĩa ấy, mình nắm được tánh cách của dĩa đời Minh, thì lập cái tôn: “Cái dĩa này là dĩa đời Minh”. Lập cái tôn là chỉ rằng sự vật này phải có tính cách này. Các sự vật thì gọi là sở biệt, các tánh cách thì gọi là năng biệt. Lại người lập ra cái tôn, cốt để cho những người không đồng ý kiến trở lại công nhận ý kiến của mình là đúng. Người lập tôn thì gọi là bên lập, người bất đồng ý kiến hiện đương luận lý với mình thì gọi là bên địch.
Muốn cho bên địch thành tâm công nhận, thì cái tôn của bên lập cần phải đủ các điều kiện sau đây:
1. Bên địch phải công nhận các sự vật sở biệt là tổn hại.
Điều này rất cần phải để ý, vì nếu bên địch không công nhận các sự vật sở biệt là thật có, thì lại càng không công nhận cái sự vật ấy có tánh cách này hoặc tánh cách khác. Ví dụ như người đạo Phật đối với người đạo Nho mà lập cái tôn: “Niết-bàn là cái kết quả hoàn toàn của sự tu hành” thì phải phạm lỗi, vì người đạo Nho đã không công nhận có cái gì gọi là Niết-bàn, huống nữa là công nhận cái tánh cách hoàn toàn của Niết-bàn. Cái lỗi như vậy gọi là lỗi “sở biệt bất cực thành”. Trái lại, bên lập có thể dùng các sự vật đã được bên địch công nhận làm tôn, dù chính mình không công nhận, trong những lúc chỉ bày các lỗi lầm bên địch. Nhưng trong trường hợp đó, cần phải chỉ rõ rằng mình không công nhận, bằng những lời phụ như: “Theo ông”, “trong thuyết của ông”, v.v… như đối với đạo Cơ đốc, người theo đạo Phật có thể lập cái tôn: “Tạo hóa của ông chắc là vô thường”.
2. Bên địch phải hiểu cái tánh cách năng biệt như mình và phải công nhận có vật giữa đời có tánh cách ấy.
Như lập cái tôn: “Tạo hóa của ông chắc là vô thường” thì chỉ có thể lập khi bên địch hiểu hai chữ vô thường là cái tánh cách không thường còn mãi mãi, và nhận rằng ở giữa đời này có những vật vô thường như vậy. Nếu bên địch không hiểu cái tánh cách năng biệtlà thế nào và không công nhận giữa đời có một vật gì có tánh cách ấy, thì bên lập đã phạm lỗi. Ví như người theo đạo Phật, đối với người theo đạo Lão, lập cái tôn: “Tinh khí thần của ông đều là duy thức biến hiện” thì người đạo Lão không hiểu thế nào là duy thức biến hiện, thì bên lập đã phạm cái lỗi gọi là năng biệt bất cực thành. Trái lại, nếu như nói: “Tinh khí thần của ông chỉ do sự hay biết tưởng tượng ra”, thì không phạm lỗi, vì người theo đạo Lão hiểu được và nhận có những vật do sự hay biết tưởng tượng ra như hình dạng bạn thân vắng mặt.
Hai điều kiện trên đây, cốt để cho các nhà luận lý hiểu nhau một cách thiết thực, và tránh khỏi cái nạn cãi cọ dây dưa vì người nói một đường, người hiểu một nẻo.
3. Cái tôn không được trái với sự hiện thực.
Ví cho luận lý hay đến bao nhiêu chăng nữa mà trái với sự hiện thực thì không ai tin được. Như nói: “Rắn có chân”, hoặc nói: “Con mèo có cánh”, thì dù nói hay đến bao nhiêu cũng không ai tin được.
Song hiện thực cần phải có là những sự vật thiết thực hiện tại, chính nơi mắt thấy tai nghe, không cần xét nghĩ tưởng tượng, còn nếu so sánh, có tưởng tượng, hoặc nhânviệc này mà xét đoán việc khác, thì không phải là hiện thực nữa. Cái lỗi trái với hiện thựccủa mình mới bị lỗi, còn như trái với những điều không phải hiện thực mà bên địch nhận lầm là hiện thực thời không bị lỗi, trong trường hợp này phải phụ thêm hai chữ “thật ra” để cho địch dễ hiểu điều mình muốn chỉ. Như đối với người đời, muốn chỉ rõ lời nói là những trừu tượng do ý thức phân biệt, thì không nên lập cái tôn: “Tai không nghe lời nói”, mà chỉ lập cái tôn: “Thật ra tai chỉ nghe cái tiếng chứ không nghe lời nói”. Hoặc đối với những vật mà bên địch quyết nhận là chỉ có ở hiện thực, nếu mình bảo là không thì tất bên địch phải ngạc nhiên không chịu tín phục.
Về trường hợp ấy thì nên nói là không thật có, để cho bên địch biết rằng những cái đó tuy họ tưởng có thật, nhưng nếu xét đúng lý thì chỉ là tưởng tượng của họ chứ không phải hiện có nơi sự thật.
4. Cái tôn cần phải không trái với sự so sánh hiển nhiên.
Ví như lập cái tôn: “Cái chén tồn tại mãi mãi không hư nát”, thì dù luận lý có hay tới đâu, cũng không ai tin được, vì họ hiện biết trong một bộ sáu cái chén đã vỡ mất 2, 3 cái rồi, và lại so sánh một cách dễ dàng rằng các cái chén còn lại một ngày kia sẽ vỡ. Cái lỗi trái với sự so sánh hiển nhiên thì gọi là tỷ lượng tương vi. Song lối so sánh gọi là hiển nhiêngiữa thế gian, lắm khi cũng có sai lầm, nếu muốn bài bác những điều sai lầm như vậy, thì phải phụ thêm hai chữ “thật ra” để cho bên địch hiểu rõ chỗ mình muốn chỉ. Như muốn chỉ cái bản chất của cái chén là thường còn, không thêm không bớt, dù hình dạng của cái chén là hư nát”. Nói theo cách sau thì bên địch mới khỏi ngạc nhiên và mới có thể công nhận được chỗ mình muốn chỉ.
5. Cái tôn cần phải không trái với giáo pháp của bên lập.
Nếu trái với giáo pháp của mình thì càng làm cho người khác rõ chỗ khuyết điểm của giáo pháp ấy, quyết định không thể đạt đến mục đích muốn làm cho người khác nhận hiểu như mình. Cái lỗi trái với giáo pháp của mình như vậy thì gọi là tự giáo tương vi.
6. Cái tôn cần phải không trái với những điều mà học thức thế gian đồng công nhận.
Như đối với hiện tại lập cái tôn: “Con quăng do thấp khí tự nhiên sanh ra” thì học giả hiện thời phải cho là dốt, vì khoa học đã công nhận trứng muỗi nở ra con quăng. Nếu cần phải lập ra cái tôn trái hẳn với học thuyết thế gian, thì phải kể lại các học thuyết ấy rồi mới nói: “Thật ra các học thuyết ấy không đúng sự thật”.
7. Lời nói trước và lời nói sau của tôn không được trái nhau.
Lại trong lúc lập tôn, lời nói trước và lời nói sau của mình không được trái nhau, nếu trái nhau thì tự mình đã bác lấy mình không còn nghĩa lý gì cả. Như nhiều người sơ ý đối với các ngoại đạo, lập cái tôn: “Tạo hóa không sanh muôn vật?” thì ngoại đạo có thể hỏi lại: “Tạo hóa là gì nếu không phải là cái sanh ra muôn vật”, làm cho bên lập khó bề trả lời, vì bên lập đã phạm cái lỗi gọi là tự ngữ tương vi. Vậy muốn lập cái tôn ý theo trên, thì phải nói: “Một vật không thể sanh muôn vật”, hoặc nói: “Tạo hóa của ông không thể có”, thì mới khỏi bị phạm lỗi.
8. Cái tôn cần phải trái với ý kiến hiện thời bên địch.
Mục đích lập tôn cốt khai ngộ cho người, nếu đồng ý kiến cùng nhau thì không cần lập tôn làm gì! ví dụ như người đạo Hồi đối với người Thiên chúa, lập cái tôn “Tạo hóa là thường trụ” thì hai bên đều công nhận như nhau, quyết không có hiệu quả, mà đã không có hiệu quả thì không có nghĩa gì để lập cái tôn. Như vậy, nên bên lập đã bị cái lỗi gọi là tương phù cực thành.
Một cái tôn cần phải đủ các điều kiện như trên không phạm vào các lỗi thì mới là cái tôn đúng đắn.
II. NHÂN
Nhân là cái nguyên nhân của cái tôn, nghĩa là cái lý do vì sao mà lập ra cái tôn như vậy. Ví dụ như một hòn núi, người ta cho là thường còn không thay đổi, mà mình thì cho là không phải thường còn, thì mình phải nói rõ cái núi có tánh cách gì làm cho mình nhận biết nó vô thường, cái tánh cách mình chỉ ra để làm bằng cớ cho cái thuyết minh nói đó gọi là nhân.
Một cái nhân đúng đắn cần phải có những tánh cách sau:
1. Bên địch cần phải công nhận cái sở biệt thật có cái tánh cách đã dùng làm cái nhân ấy.
Như mình nói: “Cái núi là vô thường, vì nó có hình tướng”, thì điều cốt yếu là bên địch phải công nhận cái núi có hình tướng mới được. Nếu không như vậy, thì bên địch sẽ cho lời nói của mình là vô lý và mình bị cái lỗi là “tùy nhất bất thành”. Nếu mình muốn dùng một tánh cách mà bên địch chưa muốn công nhận thì mình phải biện luận thế nào cho bên địch công nhận cái sở biệt có tánh cách ấy, rồi mình mới có thể dùng nó làm nhân được. Lắm lúc mình phải dùng những tánh cách mà bên địch đã công nhận, nhưng chính mình thì không công nhận để làm cái nhân: lúc ấy mình cần phải chỉ rõ điều ấy ra bằng những lời nói: “Vì các ông cho nó”, “vì các ông tin nó”, để tránh các sự hiểu lầm về sau. Ví dụ: “Tạo hóa của các ông chắc là vô thường, vì ông tin nó các tánh cách sáng tạovậy”. Nếu mình dùng một cái nhân mà chính mình và bên địch không công nhận thì phạm cái lỗi gọi là lưỡng câu bất thành.
2. Cái nhân cần phải đích xác rõ ràng không được mơ hồ do dự.
Như lập cái thuyết: “Muôn vật, lúc chưa có, phải do một Đấng thiêng liêng tạo ra, vì không thể tự sanh vật vậy”, đó là một lý luận mơ hồ, vì tuy người ta có thể công nhậnmuôn vật không thể tự sanh ra trong lúc chưa có; cái lẽ đó chỉ làm bằng cớ rằng muôn vật lúc chưa có phải do cái khác sanh ra mà thôi, nhưng cái khác chỉ là cái khác, cái khác sanh ra vật này vị tất đã là cái khác sanh ra vật khác. Lại cái khác đó có lẽ chỉ là sức mạnh vô tri, chớ đâu phải là một cái và lại càng không chắc là một đấng thiêng liêngnữa.
Lại như nói: “Người đời phải tham vì cần phải sống”. Vẫn biết người đời ai cũng phải sống, nhưng vị tất phải tham mới sống được. Đó là những lý luận mơ hồ, không đích xác, phạm cái lỗi là dụ dự bất thành.
3. Nếu dùng kinh điển thì cái nhân cần phải căn cứ nơi các kinh điển mà bên địch đã công nhận là đúng.
Như đối với đạo Thiên chúa mà nói: “Chúa Trời của các ông không sáng suốt, vì ông Victor Hugo nói rằng: “Dieu, c’est la nuit”; hoặc đối với đạo Phật mà nói rằng: “Các ông thầy tu theo đạo Phật không có con nối dòng là bất hiếu, vì như đức Khổng Tử nói rằng: Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”, thì quyết định không ai chịu công nhận và sẽ bị cái lỗi gọi là sở y bất thành.
4. Cái nhân không thể là một tánh cách chung của sự vật.
Như nói: “Ông tạo hóa có tánh thiêng liêng vì chúng ta có thể tưởng tượng được”, thì trong muôn vật đều có tánh thiêng liêng hay không có tánh thiêng liêng chúng ta đều có thể tưởng tượng được cả, và cái tánh cách có thể tưởng tượng được ấy không thể làm cho người ta công nhận rằng ông tạo hóa có tánh thiêng liêng. Lập cái nhân như vậy thìphạm cái lỗi gọi là cọng bất định.
5. Cái nhân không thể là một tánh cách đặc biệt của sở biệt mà phải là một cái tánh cách chung cùng với một vài cái nữa.
Như nói: “Cái tiếng là thường, vì chúng ta có thể nghe được”; lại như nói: “Tạo hóa là đấng Chí tôn, vì sanh ra vạn vật”, thì không thể lấy cái gì làm ví dụ để chứng minh cho cái thuyết của mình, vì hai tánh cách nói trên là tánh cách đặc biệt của các tiếng và của tạo hóa. Nếu không có bằng cớ làm ví dụ mà cứ nói, thì với cái nhân ấy, bên địch cũng có thể lập cái thuyết trái ngược như: “Cái tiếng là vô thường, vì chúng ta có thể nghe được”, hoặc: “Tạo hóa là thấp hèn, vì có thể sinh ra muôn vật vậy”.
Lý luận hai bên cũng như nhau, không có gì làm bằng cớ rằng bên nào là phải, bên nào là trái. Dùng những tánh cách đặc biệt của sở biệt mà làm nhân thì phạm vào cái lỗi gọi là bất cộng bất định.
6. Nhân không thể là một tánh cách chung cho những sự vật dị phẩm, nghĩa là những sự vật có tánh cách trái với năng biệt của tôn.
Như nói: “Ông này là bậc Giác ngộ, vì nhớ được kiếp trước vậy”, thì có một phần đúng, vì các đức Phật, các vị Bồ-tát, các vị A-la-hán đều nhớ được kiếp trước; nhưng có một phần không đúng, vì các người được Túc mạng thông cũng nhớ được kiếp trước tuy họ không phải là bậc Giác ngộ. Đối với cái nhân như vậy bên địch có thể bác: “Ông này nhớ được kiếp trước nhưng ông không phải là bậc Giác ngộ vì những người còn mê lầmnhưng được Túc mạng thông thì cũng nhớ được kiếp trước”. Thế là cái nhân “nhớ được kiếp trước” không đủ làm bằng chứng cho sự giác ngộ và bên lập đã phạm cái lỗi gọi là “bất định”.
Lại như nói: “Ông Phạm Vương sanh ra muôn vật, vì có tánh thiêng liêng vậy”, nếu cái tánh thiêng liêng là cái tánh đặc biệt thì bên lập đã phạm cái lỗi “Bất cọng bất định” ở trước; còn nếu tánh thiêng liêng là tánh trí giác, không có hình tướng, thì toàn thể sanh vật đều có tánh thiêng liêng và bên địch có thể bác rằng: “Nếu vì có tánh thiêng liêng, ông Phạm Vương sanh ra muôn vật; cớ gì các sanh vật có tánh thiêng liêng lại không sanh ra được muôn vật như ông Phạm Vương”.
Lại như nói: “Cái tiếng là thường còn, vì không có hình tướng”, thì các luồng gió, luồng điện, các cảm giác vui buồn, cũng không có hình tướng mà vẫn là vô thường, có đó mất đó. Các cái nhân ấy đều phạm cái lỗi “bất định”. Nếu một vài dị phẩm có tánh cách của cái nhân thì cái lỗi ấy gọi là “dị phẩm biến chuyển”.
7. Cái nhân, dù lập đúng cách, nhưng nếu bên lập chưa có phá được một cái thuyết trái ngược của bên địch thì cả bên lập là bên địch đều phạm cái lỗi gọi là “tương vi quyết định”.
Ngày xưa, ở Ấn Độ có phái ngoại đạo gọi là Thanh hiển luận sư” lập cái thuyết rằng: “Do cái tiếng mà phát khởi ra muôn sự muôn vật”; họ cho cái tiếng là thường còn, muôn vật đều là vô thường. Đồng thời Thắng Luận sự lập cái lý luận như vầy để pháp thuyết ấy: “Cái tiếng là vô thường, vì có tánh cách sở tác (bị tạo tác) như cái bình cái chén”.
Muốn bênh vực cái thuyết của mình. Thanh hiển luận sư lại lập ra cái lý luận sau này: “Cái tiếng là thường, vì có tánh bị nghe, như cái chơn tánh của cái tiếng”.
Trong lúc ấy, Thắng luận sư không phá được lý luận của Thanh hiển luận sư và Thanh hiển luận sư cũng không phá được lý luận của Thắng luận sư, hai bên đều phạm cái lỗi “tương vi quyết định”.
Nói cho đúng, lỗi “tương vi quyết định” mà có ra, là vì cả hai bên chưa thông hiểu pháp Nhân minh một cách rốt ráo. Về sau, Thanh hiển luận sư cũng đem cái lý luận ấy mà đối với đạo Phật, thì người đạo Phật bác một cách dễ dàng, bằng hai cái lý luận như sau:
a. “Cái chơn tánh của cái tiếng, theo thuyết của ông, chắc phải có tánh sở tác, vì ông nói nó có tánh cách bị nghe, như cái tiếng”.
b. Cái tiếng và cái chơn tánh của cái tiếng, theo ông, đều là vô thường, vì đều có tánh sở tác, như cái bình, cái chén”.
Đối với hai cái lý luận đó, Thanh hiển luận sư đã không thể bác được cái lý luận thứ nhất, thì phải công nhận cái chơn tánh của cái tiếng, theo thuyết của họ, cũng là vô thường, và không thể đem cái gì khác làm ví dụ cho thuyết của mình nữa”.
8. Cái nhân không thể trái với tự tướng của tánh cách năng biệt nơi cái tôn.
Như trong cái tôn: “Cái tiếng là thường” thì cái tiếng là sự vật sở biệt, còn thường là tánh cách năng biêt; cái tự tướng của năng biệt ấy là thường còn mãi mãi không thay không đổi. Nếu như có người lập cái thuyết: “Cái tiếng là thường còn, vì có tánh sở tác” thì người ấy đã lập cái nhân trái hẳn với tánh cách năng biệt của tôn, vì ai cũng biết cái tánh cách sở tác là trái với cái tánh thường. Vậy người ấy đã phạm cái lỗi gọi là “pháp tự tướng tương vi nhân”.
9. Cái nhân không thể trái với ý nghĩa của bên lập đối với cái năng biệt.
Ví như có nhà Nhất thần giáo muốn bênh vực cái thuyết tạo hóa, lập cái lý luận như vầy: “Thế giới tất phải do cái khác sanh ra, vì là hiện có, như cái bàn”, thì trong ý nghĩ của nhà Nhất thần giáo đối với cái năng biệt, cốt muốn chỉ cái khác ấy là ông tạo hóa độc nhất vô nhị thường còn không mất; nhưng cái nhân của họ xét ra thì lại trái hẳn với cái ý nghĩcủa họ, vì các vật hiện có đều do nhiều cái khác tạo ra và các cái khác ấy đều là vô thường cả. Nhân đó bên địch có thể dùng cái nhân của họ mà bác cái ý nghĩ của họ như sau đây: “Thế giới tất phải do nhiều cái vô thường khác sanh ra, vì là hiện có, như cái bàn”. Cái thuyết này của bên địch lại là đúng hơn, vì cái bàn do nhân công, do khí cụ, do nhiều miếng gỗ, nghĩa là do nhiều cái vô thường khác tạo thành. Vậy cái nhân của nhà Nhất thần giáo kia chẳng những không thành lập được cái thuyết Tạo hóa theo ý nghĩcủa mình, mà lại thành lập một cái thuyết trái hẳn với Tạo hóa, nên phạm cái lỗi gọi là “pháp sai biệt tương vi nhân”.
10. Cái nhân không thể trái với tự tướng của sự vật sở biệt nơi tôn.
Ví dụ như có người lập cái thuyết: “Có một cái ra ngoài vũ trụ, vì không thể nhận biếtđược, như hư không”, thì cái nhân “không thể nhận biết được” ấy cũng có thể thành lậpcái thuyết như vầy: “Không có một cái gì ra ngoài vũ trụ, vì không thể nhận biết được, như hư không”, và cái nhân ấy chẳng những không thành lập cái thuyết “có một cái” mà trở lại thành lập cái thuyết “không có một cái gì”, nghĩa là cái thuyết trái hẳn với tư tưởng của sở biệt, nên phạm cái lỗi gọi là “hữu pháp tự tướng tương vi nhân”.
11. Cái nhân không thể trái với cái ý nghĩ bên lập đối với cái sở biệt.
Ví dụ như có người lập cái thuyết: “Có một cái thường còn không mất, vì không hề thay đổi, như hư không”; nếu như ý người đó muốn chỉ cái ấy là ông trời, là tạo hóa và không thể sanh ra vật gì được, vì không hề thay đổi, như hư không”. Chính cái hư không thật không phải là ông trời, là tạo hóa và không sanh được vật gì; nên cái lý luận bên địch lại là xác đáng hơn, và bên lập đã phạm cái lỗi gọi là “hữu pháp sai biệt tương vi nhân”, vì đã lập một cái nhân trái với ý nghĩ của mình đối với cái sở biệt.
Nói tóm lại, muốn lập cái nhân cho đúng thì cần phải đủ ba điều kiện:
a. Cái nhân phải được bên lập và bên địch hay ít nhất là bên địch công nhận là một tánh cách của sự vật sở biệt.
b. Trong sự vật đồng phẩm, nghĩa là có đồng tánh cách năng biệt, ít ra cũng có một vài cái có tánh cách của nhân ấy.
c. Trong sự vật dị phẩm, nghĩa là những sự vật trái hẳn với năng biệt, quyết địnhkhông có một vật nào có tánh cách của nhân ấy.
Đủ ba điều kiện ấy rồi, lại phải lựa cái nhân thế nào cho đừng trái với sở biệt, năng biệt, hoặc đừng trái với ý nghĩ của mình đối với năng biệt, sở biệt thì mới thật là cái nhân đúng đắn.
III. DỤ
Dụ là lấy những điều mà cả hai bên (ít nhất một mình bên địch) đã công nhận làm bằng cớ cho cái thuyết của mình. Dụ có hai thứ là đồng dụ và dị dụ. Đồng dụ cái ví dụ về mặt phải, dị dụ là cái ví dụ về mặt trái. Như đối với Thanh hiển luận sư, lập cái lượng: “Cái tiếng là vô thường, vì có tánh cách sở tác” thì có thể lấy cái bình đã được bên địch công nhận là vô thường và có tánh cách sở tác mà làm đồng dụ. Khi nào lấy những điều duy bên địch công nhận làm ví dụ, thì phải dùng thêm hai chữ “của ông” để tránh khỏi các sự hiểu lầm.
Lại mỗi khi lập đồng dụ thì cần phải hiệp cho đúng phép, nói vì có nhân tánh ấy nên có tánh năng biệt ấy để cho bên địch nhận rõ. Như nói: “Cái tiếng là vô thường, vì nó có tánh cách sở tác. Phàm cái gì có tánh cách sở tác đều là vô thường, như cái bình”. Nếu nói trái ngược thì phạm cái lỗi gọi là “đảo hiệp”.
Về dị dụ, trái lại phải chỉ rõ ràng phàm vật gì không có tánh năng biệt quyết định, thì không có nhân tánh. Như nói: “Cái tiếng là vô thường, vì có tánh cách sở tác, phàm cái gì có tánh sở tác đều là vô thường, như cái bình, còn cái gì là thường thì đều không có tánh cách sở tác, như hư không”. Nếu nói ngược lại thì phạm cái lỗi gọi là “đảo ly”.
Đến như dùng những vật không có nhân tánh hoặc không có năng biệt tánh mà làm đồng dụ, hoặc dùng những vật có nhân tánh, hay có năng biệt tánh mà làm dị dụ, thì chỉ thêm bằng cớ cho những gì trái hẳn với mình và đã phạm những lỗi gọi là “bất thành, bất khiển”.
Nói tóm lại, phàm lập một thuyết gì cần phải đủ ba phần là tôn, nhân và dụ. Thiếu tôn thì không có tôn chỉ, thiếu nhân thì không có nguyên do, thiếu dụ thì không có bằng cớ. Ba phần thiếu một thì không thể thành lý luận đúng đắn. Song về cái dụ thì cốt nhất cần phảicó đồng dụ, còn không lập dị dụ cũng không có lỗi.
Phép lý luận Nhân minh rất công bằng xác thực. Nhờ đồng những pháp lý luận công bằng như trên, nên ngày xưa ở Ấn Độ đã có thể khai những Vô Giá đại hội để cho các nhà tôn giáo, các nhà triết học cùng nhau biệt luận công khai; bên nào thua, bên nào được, đều nương theo luận Nhân minh mà xét đoán. Lại trong các Vô Giá đại hội kia, bên nào lập một cái lượng có lỗi, hoặc không thể bác những cái lượng trái với tôn chỉcủa mình thì phải chịu thua ngay, không được nói qua việc khác để tránh né, nên không có những sự cãi cọ dây dưa như các xứ khác.
Có người nói: “Lý luận chỉ là những tư tưởng thế gian, không thể nương theo đó mà bình phẩm các sự huyền bí”; song họ nói như vậy thì họ đã tự nhận các cái huyền bí ấy là vô lý rồi; lại họ tự đặt ra ngoài vòng lý luận thì chính cái thuyết đó của họ cũng không còn giá trị gì; mà đã không còn giá trị thì phép lý luận theo Nhân minh vẫn đủ giá trị để bắt bẻ những thuyết sai lầm của họ.
Phép Nhân minh còn có những cách hỏi lại bên địch, hoặc phân tích từng bộ phận cho rõ ràng, để tránh khỏi các sự hiểu lầm. Song đến khi biện luận thì chỉ theo những phép đã nói trên đây cũng đã tránh được các lỗi.
(Trích: Tạp chí Viên Âm – 1939)
Tâm Minh - Lê Đình Thám
- Từ khóa :
- Tâm Minh Lê đình Thám